Giông Tố
Chương 26
Chuyến xe lửa tốc hành từ Nam Kỳ ra chỉ đỗ tại ga Văn Điển có ba phút, rồi một tiếng còi, xe lại rầm rộ chạy. Chưa hiểu đầu đuôi gì cả, Long cứ mở cửa toa hạng nhì, đi thẳng vào. Cả toa chỉ có một người đàn bà mặc cái áo màu xanh da trời đương ngồi xem một tờ báo, mà tờ báo thì che lấp mất cả mặt người ấy. Long đi nữa rồi phải quay gót lại, vì trừ hành khách ấy, trong cả toa tàu không còn thấy một ai… Chàng đứng ngẩn người hồi lâu, lôi ở túi ra mẩu giấy điện tín mới nhận được hai tiếng đồng hồ trước. “Mau đi đón tôi từ ga Văn Điển, trên toa hạng nhì”. Mẩu điện tín chỉ báo có dòng chữ ấy, lại không ký tên. Vậy người mà Long phải đón là ai? Hay là sở Bưu điện đã gửi nhầm? Long lật mẩu giấy… quả nhiên điện tín gửi cho Long, ở trường Đại Việt, rõ ràng rành mạch lắm… Trong lúc phân vân Long muốn hỏi thăm nữ lang đọc báo xem có còn ai là hành khách nữa không, khốn nỗi tờ báo che kín cả mặt nữ lang như thế thì chàng biết nên cứ mạn phép hỏi hay là đừng làm phiền người ta? Mà biết xưng hô thế nào? Người đàn bà ấy già hay trẻ? Thưa bà hay thưa cô? Hay là sỗ sàng lôi tờ báo xuống để rõ mặt người ta rồi sẽ liệu gọi?
Long đương quay một vòng tròn, với bộ mặt tần ngần, thì một chuỗi cười ròn rã lắm chàng phải sửng sốt, người hành khách ngồi đọc báo chính là Tuyết chứ nào phải ai? Sau khi vất tờ báo xuống bên, Tuyết cứ ngửa cổ cười rũ rượi…
– Rõ nợ lắm! Thế mà cứ để người ta phải bối rối mãi!
Nói xong, Long đến ngồi bên cạnh, hôn vợ chưa cưới bằng một cái hôn rất dài. Tuyết… vẫn cứ vừa cười, vừa nói:
– Ngộ quá nhỉ mình nhỉ? Chắc mình ngạc nhiên lắm. Tôi nhìn trộm thấy cái bộ mặt tần ngần của mình mà tôi buồn cười quá đi mất. Biết thế để cho anh chàng lúng túng mười phút nữa lại hóa hay!
– Đi đâu mà lại có một mình, mà lại bắt người ta đón rước thế này?
– À, em đi Sầm Sơn về. Em đi với Loan, nhưng mà nó hơi mệt, nên bà Hán còn lưu nó lại, để em về thẳng Hải Phòng, nhưng mà em lại nghĩ rằng về trước để gần mình một hôm rồi mai mới về nhà cũng không sao. Mai, cũng giờ này, em về nhà, rồi em sẽ nói dối mẹ là từ Thanh Hóa về thẳng. Anh em vẫn mạnh đấy chứ?
– Vẫn như thường. Hình như cũng nội trong năm nay, anh ấy cưới vợ…
– Chính thế đấy.
– Định vào tháng nào, Tuyết có biết không?
– Nhà đã định em lấy chồng xong, thì đến lượt anh Tú đấy.
Nói đến đây, Tuyết ngừng lại, mỉm cười sung sướng hồi lâu rồi mới tiếp:
– Hôm nọ, anh ấy xuống Hải Phòng với mẹ, nói chuyện nhiều lắm. Anh Tú có trách em hư lắm, nhưng mà trách qua loa thôi.
– Những khi ta đi với nhau thế này, hẳn anh ấy cũng có biết?
– Dễ thế đấy, mình ạ. Nếu không, sao anh Tú em lại dặn em thế này này: “Mày phải cẩn thận đấy! Người ta sẽ là chồng mày chứ không phải là nhân tình của mày suốt đời. Nếu mày dễ dãi quá, thì người ta khinh đi cho. Vì nghĩ rằng lấy nhau thì cần phải hiểu tính nết của nhau nên tao cũng phải dằn lòng theo tay mà ngơ cho chúng mày chứ thỉnh thoảng được gần gũi nhau, chứ ngăn cấm hẳn thì cũng mang tiếng là cổ hủ… Nhưng mà mày phải cẩn thận mới được!” Em chỉ cúi đầu vâng chịu một cách vui vẻ chứ cũng không dám cãi lại gì.
– Anh ấy đã bảo thế mà chúng ta cứ thế này thì thật không phải quá.
Tuyết giương to cặp mắt đen láy, ngơ ngác nói:
– Sao? Miễn đôi ta đừng có điều gì bậy thì thôi chứ gì? Anh lại không có quyền yêu em rồi đó hay sao? Em lại không được phép yêu anh rồi đó hay sao?
Long không đáp. Xe lửa chạy qua một cái cầu sắt nhỏ. Bị nghiến dưới những bánh sắt nặng hàng nghìn tấn, cái cầu sắt rên lên sầm sầm, Long cầm lấy tờ báo, lướt mắt đọc qua những hàng chữ tít rồi chán nản bỏ rơi xuống. Cả hai người trầm ngâm nhìn nhau, cứ theo đà chuyến xe tốc hành mà lắc la lắc lư. Chợt Long quay lại:
– Thế bây giờ về Hà Nội thì làm thế nào? Với anh Tú chắc là không được rồi…
– Em đã nghĩ rồi, mình ạ. Ta thuê buồng ở một khách sạn tây thì không còn ai biết được nữa. Buổi chiều chúng ta sẽ ăn cơm tây với nhau. Rồi đêm nay anh lại chuyện trò với em cho đến mai thì em về Phòng.
– Cũng được.
– À, nhưng mà hôm nay anh có bận gì không?
– Bận đấy, nhưng kiếm cớ với anh Tú xin nghỉ hoặc cáo ốm cũng dễ.
Long đáp xong liên miên suy nghĩ. Chàng rất ngạc nhiên về cái tự do táo tợn của vị hôn thê. Tuy vậy. Long vẫn phải giữ nét mặt điềm đạm như coi ý định của Tuyết cũng không vượt qua lẽ thường. Thật vậy, Tuyết đã đi nhanh hơn cả Long nữa. Chàng tự nghĩ, “Phải đã hư hỏng lắm thì một người con gái mới táo tợn đến như thế được”. Bao nhiêu tư tưởng đen tối của sự ghen hờn lại sôi nổi lên trong óc Long.
Xe lửa đến Hà Nội.
Long và Tuyết đến Hôtel de la Gare, cả hai tự nhiên như một cặp vợ chồng. Trong khi đi mấy bước đường, Long xách cái va li nhỏ của Tuyết.
Thuê được phòng rồi, Tuyết cứ nguyên áo dài, cũng không cởi giầy, nằm vật xuống cái giường tây.
– Giời ơi mệt quá! Anh ngồi xuống đây với em đi anh… Khép cái cửa lại đã, anh ạ.
Như một cái máy, Long ra khép cửa rồi quay về ngồi bên Tuyết, mặt thẩn thờ. Tuyết hỏi:
– Sao lúc này trông anh cũng buồn rầu thế?
– Không anh có buồn gì đâu?
Long tuy chối cãi, song cũng chẳng nghĩ gì đến lời mình chối cãi, vẻ tự nhiên bạo dạn của Tuyết lúc mới vào khách sạn, giọng phán bảo của Tuyết xuống cho bọn bồi, làm cho Long thấy Tuyết là thạo đời lắm Long nghĩ thầm: “Giời ơi một thiếu nữ mà thạo đời! Mà lại thạo đời trong những lúc vào khách sạn thuê buồng!”. Bất giác Long lại nhớ đến những cử chỉ của Tuyết từ lúc mới gặp Tuyết. Tự nhiên Long thấy việc được Tú Anh gọi gả em cho là khả nghi, là có một ủy khúc gì mà chàng không khám phá ra nổi. Long trờn trợn thấy rằng Long sẽ là hạng người lấy vợ thừa mà rồi phải câm miệng hến, vì nếu Long có muốn kêu gào thì người ta sẽ đem những giấy bạc và ngân phiếu ra để dán vào mồm Long. Chàng tự xét không có cái tài đức gì đáng hưởng sự tử tế của Tú Anh, nếu những sự tử tế ấy không là giả dối. Phải, phải, tất nhiên Tuyết đã nhị rữa hoa tàn rồi thì người ta mới phải gả cho một kẻ của hội nuôi trẻ mồ côi! Mà nếu không thì ít ra Tuyết cũng đã hư hỏng theo cái lối bọn phụ nữ lẳng lơ tột bậc, có hàng chục bạn giai và nhân tình rất lẳng lơ nhưng rất khôn ngoan, không giữ gìn cho Tuyết sạch giá trong mà tựu trung vẫn giữ được tuyết sạch giá trong, đã lần lượt cho nhân ngãi làm đủ mọi trò ô trọc nhưng chưa cho ai hưởng cái “ân huệ cuối cùng”. Trước khi có chồng, thì phải hấp tấp hưởng mọi lạc thú của tuổi xuân, mà đến khi lấy chồng, vào buổi tối tân hôn, vẫn còn đủ điều kiện để thỏ thẻ với anh chồng khù khờ: “Này mình ơi, em chưa hề yêu ai cả!”. Long bất giác nghĩ đến cuốn truyện Lesdemi-vierges(1) của Marcel Prévost(2).
(1) Những bàn xử nữ.
(2) Mácxen Pơrêvôt.
Sức liên tưởng làm cho Long nhớ lại một bữa cơm ở cao lâu Thiều Châu trong lúc ấy, Tuyết đã bắc bậc kiêu kỳ mà nói với Long những là: “… đáng lẽ ra tôi phải lấy một người chồng làm đốc tờ, làm thầy kiện, làm giáo sư…” Thế thì sao nó lại lấy mình? Sao nó lại yêu mình? Long tự hỏi như vậy thì thấy bao nhiêu đô lực của sự hoài nghi, của sự giận dỗi, của lòng tự ái bị thương, làm cho quả tim trong ngực chàng phải khám phá cho ra mới được!
Ý đã quyết, Long quay lại dịu dàng:
– Sao Tuyết không cởi áo ra cho mát?
Ngây thơ, Tuyết:
– Cho em nằm tạm một chốc đã.
Trông thấy Tuyết vẫn cứ ngây thơ như thế, Long lại càng yên trí rằng Tuyết chính là hạng gái ngây thơ vui vẻ mà đi đến tội lỗi, chính là hạng gái hư hỏng một cách khôn ngoan, dâm đãng một cách nhu mì, lẳng lơ một cách ngây thơ! Cái bề ngoài, cái bề ngoài khốn kiếp mà bọn phụ nữ hiểm độc vẫn dùng thay phấn sáp để đến nỗi trong bọn nam nhi, từ thượng cổ đến nay, đã biết bao thằng mù lòa đi lấy vợ thừa, kể về đủ mọi phương diện, và biết bao nhiêu thằng ngu xuẩn để cho vợ lừa chầm chập mà không hề nghi ngờ gì cả. Phải nghĩ như thế, Long thấy một mối đau khổ nó làm tê tái nao nao cả cõi lòng. Tuy nhiên chàng vẫn tươi, nói:
– Em đi tàu như thế tất phải mệt lắm… À, thế nào, đã ăn cơm sớm chưa?
– Chưa ăn cơm nhưng em đã ăn tạm một cốc sữa và một mẩu bánh, bây giờ cũng chưa thấy đói. Còn anh?
– Đã anh ăn rồi mới đi xe hơi xuống Văn Điển đón Tuyết đây.
– Anh tốt lắm.
Long bỏ áo ngoài, cởi giầy Tây… Thốt nhiên Tuyết ngồi lên, kêu:
– Giời ơi, nóng quá!
Rồi Tuyết đứng lên cởi bỏ áo ngoài… Tuyết cười khanh khách, thêm:
– Lúc ra ga, sợ nhỡ tàu, em vội quá thành thử phải mặc quần áo ra ngoài áo tắm đấy anh ạ.
– Thế mà lại không ướt áo ngoài?
– Buổi sáng hôm nay em chỉ lững thững dạo chơi bờ bể chứ có tắm đâu?
Câu đáp tự nhiên khiến Long phải nghĩ ngay đến những bọn con gái ăn chơi vì vô nghề nghiệp, vẫn kéo nhau đến các bãi biển để nói chuyện nhảm, những thằng đã cầm máy ảnh chạy theo Tuyết như một đàn ruồi, những thằng có số đào hoa được bọn phụ nữ chim chuột qua loa trong chốc lát cho khỏi phí thì giờ, những thằng có lẽ đã được hưởng những cái cười khả ố, hoặc khả ái của Tuyết…
– Tuyết mặc áo tắm, trông hẳn phải đẹp lắm đấy nhỉ?
– Chị em của em vẫn khen cái thân thể của em có vẻ đầm lắm đấy anh ạ.
– Cho anh xem với nào!
– Ừ nhé!
Vẫn ngây thơ, Tuyết cởi áo dài… Rồi áo ngắn… Đến khi cái quần nhiễu trắng của Tuyết rơi xuống đất thành một vòng tròn thì Tuyết hiện ra như một nàng tiên trong một giấc mộng hãn hữu của Long. Mầu đen nháy của cái áo tắm làm cho nước da của mỹ nhân trắng nõn trắng nà. Một cái ngực nở nang như của đàn bà tây phương. Hai cái đùi khỏe mạnh, đầy đặn, phốp pháp. Long chạy đến ôm choàng lấy Tuyết.
– Giời ơi! Em đẹp lắm! Đẹp quá đi mất!
Tuyết mỉm cười không đáp, nhắm mắt lại, ngửa cổ ra.
Long vừa nói vừa thở:
– Tuyết ơi! Tuyết ơi! Tuyết yêu quý của anh ơi!…
Chàng bế bổng cái kỳ công ấy lên tay, đem đến giường. Cái quạt trần chạy vù vù. Hàng nghìn con ve sầu ca hát ngoài sân. Ánh nắng bị lọc qua lần diềm ở cửa kính làm cho gian phòng có cái không khí mát mẻ dễ chịu.
– Mình ơi, mình có yêu em không?
– Không yêu mà lại thế này à?
– Mình không bao giờ được phụ em đấy nhé?
Còn phải nhắc lại cái câu ấy đến một nghìn lần thì bực lắm.
Long phủ kín cả mình mẩy Tuyết bằng những cái hôn nồng nàn, yêu đương. Sự hoài nghi, sự tò mò, lòng căm hờn, làm cho Long hóa ra rất đáng yêu… Khi Long thấy trên nệm có mấy giọt máu đỏ thì chàng mới được sung sướng như những người chồng đã được chứng cớ là vợ còn nguyên vẹn, vào tối tân hôn. Long bất giác hối hận, thấy mình đối xử với Tú Anh như vậy, thật đã chó đểu. Nhưng chàng vội xua đuổi ngay sự hối hận quá muộn ấy bằng cách tự nhủ: “Tuy nhiên cũng chả hề gì. Thà biết rõ để mà phải hối còn hơn cứ phải hoài nghi. Còn Tuyết thì nằm sấp mặt, tỉ tê bắt đầu khóc…
Trước cảnh ấy, Long bồn chồn cảm động, thấy Tuyết đáng thương vô cùng. Chàng thấy một cách sâu xa rằng từ đây mà đi là chàng có trách nhiệm rất nặng nề về hạnh phúc cả một đời Tuyết.
Long lại bắt đầu yêu… Long yêu một cách xót xa, nồng mặn, hằn học, yêu như mới yêu lần đầu, yêu như chưa bao giờ yêu đến như thế. Chàng gục đầu vào mặt người vợ chưa cưới:
– Tuyết ơi! Tuyết yêu quí nhất đời của anh ơi, anh xin lỗi Tuyết. Đừng việc gì mà lo buồn, đó là chúng ta yêu nhau chứ có sao đâu? Từ đây mà đi, anh xin thề với Tuyết là sẽ yêu em trọn đời, sẽ trung thành với Tuyết như một con chó, mà nếu không được ăn ở với Tuyết suốt đời thì anh sẽ tự tử, mặc lòng là tại Tuyết hay tại ai cũng vậy.
– Nói nhời xin giữ lấy nhời!
– Chúng ta chẳng lấy nhau đến nơi rồi hay sao? Việc gì mà khóc?
Tuyết vòng hai cánh tay ngà ngọc chung quanh lưng của Long. Hai người lại sống những phút bàng hoàng: vừa lo sợ, vừa sung sướng. Nhưng chợt ba tiếng chuông đủng đỉnh trong một cái đồng hồ trên giường đã vội làm cho Long giật mình, phải tự tháo gỡ ra ngoài sự ôm ấp của Tuyết.
– Cho anh về xin phép Tú Anh đã nhé? Cứ ở yên đây nhé? Mười phút nữa anh quay lại nhé? Ừ không?
– Ừ! Mau lên! Anh nói dối cho khéo vào đấy.
Long vội vã ra đường, gọi xe về trường Đại Việt. Đến cửa trường, Long bực mình vì thấy một chiếc xe hòm mới Sơn, nước kền còn bóng nhoáng, đỗ nghênh ngang… Nếu Tú Anh bận tiếp khách thì Long không vào xin phép ngay được, vì Tú Anh nghiêm lắm, đến các giáo sư cũng vẫn phải theo cái lễ ấy. Long vào đến phòng mình thì người gác trường nói một câu như nói vu vơ:
– Văn minh tây, tàu có khác!
Long hỏi:
– Làm sao? cái gì?
Người gác lại đủng đỉnh:
– Chưa lấy nhau mà đã…
Chột dạ, Long hỏi gắt:
– Ông muốn nói gì, tôi không hiểu đấy!
Người gác ghé vào tai Long, thì thầm:
– Ông đốc bận tiếp vợ chưa cưới, con quan Tuần. Cô ta đến tận nơi tìm ông đốc đấy. Thật là tây đầm, cậu ạ. Tôi nghe trộm họ nói…
Long nghiêm mặt, cắt đứt:
– Ông tò mò như thế là vô lễ! Nếu ông không muốn thất nghiệp, thì ông liệu cái thần xác ông đấy!
Người gác tái mặt lại, Long bỏ đấy, rón rén lên thang. Chàng đứng ngoài phòng và cũng như người gác đã bị mắng, lắng tai nghe thì thấy trong phòng giấy họ nói:
– Ông cho phép tôi gọi ông là anh nhé? Xưa kia ở Lítxê, chúng ta chả coi nhau như anh em rồi là gì?
– Được thế thì sung sướng lắm.
– Anh ạ, nếu việc đôi ta mà thành thì hay lắm. Tôi không hề dám nghĩ đến thế đấy.
– Chắc hẳn là duyên giời…
– Tôi chỉ còn hơi bất mãn là việc chúng ta lại do cụ Nghị chứ không do anh mà nên. Như vậy chúng ta lấy nhau không phải vì ái tình mà là vì bổn phận…
– Thì cũng phải có do ý muốn của tôi thì mới xong chứ?
– Người ta đồn là cụ Nghị phải ép anh, anh mới nghe. Tôi cứ phải nghĩ đến điều ấy thì tôi bực lắm.
– Nếu tôi yêu cô thì cô biết à? Một người như tôi có yêu ai thì cũng yêu cho kín đáo chứ?
– Tôi muốn rõ điều ấy lắm mà không biết được! Tôi muốn lấy chồng vì ái tình, chứ không muốn lấy chồng vì bổn phận! Tôi muốn rằng anh lấy tôi thì ít cũng phải vì… yêu.
– Nói dở lắm, không yêu thì ai lại lấy!
– Tôi ước rằng ông cụ nhà tôi gả tôi cho anh, không vì tham giàu, mà ông cụ nhà anh hỏi tôi cho anh, không là vì tham sang. Tôi ước rằng trong việc này chỉ có lòng yêu của anh, và của tôi, của đôi ta… là đáng kể. Như thế thì mới có hạnh phúc được.
Long rón rén quay xuống tự nghĩ: “Chẳng qua thì họ cũng đương làm cái việc như của mình”. Chàng bảo người gác:
– Rồi ông nói với ông đốc là tôi xin nghỉ buổi chiều vì phải về Hà Đông đưa đám một nhà bạn thân. Biết chưa?
– Vâng.
Rồi Long ra, gọi xe, bảo kéo đến khách sạn.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!