Thăng Long Nổi Giận - Chương 20
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
145


Thăng Long Nổi Giận


Chương 20


Tại Đại hội Diên Hồng, không khí chống giặc trong cả nước nổi lên như triều dâng thác đổ. An Tư công chúa có tham dự, và nàng cảm nhận cung Thiên Quang của nàng đóng góp cho nước còn sơ sài quá. Nàng tự ngượng. Thấy lòng bồn chồn, An Tư đi lại tha thẩn. Vừa bước xuống bậc thềm, nàng đã nhìn thấy cây ngâu và chợt nhớ: “Mới đêm nào Chiêu Thành vương từ biên ải về; con Hắc long đứng đây giận dữ nhìn vào cung hí lên một hồi dài đầy ghen tức, khi chàng đặt nụ hôn vào môi ta…”

T

Lãng đãng, nàng đưa gót tới hồ bán nguyệt nhìn dáng liễu mảnh mai, cành lá xác xơ soi bóng xuống mặt hồ nhòe sương, bỗng trong tâm não nàng hiển hiện gương mặt Yến Ly buồn rượi và hao gầy, thường ra đứng tựa gốc liễu này mà nức nở nỗi buồn ly hương. “Yến Ly! Yến Ly? Giờ này em ở đâu? Em có còn nhớ đến ta?”. An Tư gọi thầm người bạn hồi ấy có đôi mắt đượm màu sầu xứ. Tự nhiên nàng thấy nhớ Chiêu Thành vương, nhớ Yến Ly da diết. Nàng ghen với cả hai người. Một người thì thỏa chí tiêu dao hồ hải. Còn người kia đang yên bề gia thất? Tủi cho cảnh ngộ cô đơn, An Tư ao ước: giá như được đổi phận làm trai!

Mấy bữa nay tin tức dồn dập từ biên ải đưa về, rằng thế giặc lớn lắm. Chúng đã đánh tràn vào cõi bờ ta. Quốc công ngày đêm lăn lộn cản giặc. Chiêu Thành vương cùng với đội cấm vệ quân của chàng, lúc nào cũng phải túc trực trong điện Thiên An cùng với hai vua. Bởi thế cũng từ mấy hôm nay, An Tư không giáp được mặt chàng. Nàng cứ quanh quẩn hết trong cung lại ra dạo ngoài hoa viên, vẫn thấy lòng trống vắng như sự tĩnh lặng đến cô đơn của kinh thành.

Lại nói đến đại quân của Thoát-hoan rầm rộ tiến vào đất ta lúc canh tư, ngày hai mươi mốt tháng chạp (Ngày 21 tháng chạp năm Giáp thân tức 27-1-1285). Quân chia làm hai cánh, áp sát một dải dài vùng biên ải Lạng Châu. Cánh phía tây do vạn hộ Bôn-kha-đa (Bolgada), chiêu thảo A-thâm (Atsim) là hai viên tướng chỉ huy tiến theo đường huyện Khâu-ôn mà vào. Cánh phía đông do Khiếp tiết Xa-tác-tai (Xatartai) và vạn hộ Lý Bang Hiến chỉ huy tiến theo đường Khâu-cấp. Đại quân của Thoát-hoan cũng đi theo cánh quân phía đông này. Dưới trướng của y còn có Lý Hằng là một viên tướng văn võ kiêm thông, mưu mô hiểm độc.

Ấy là nói về đường tiến quân của giặc chủ yếu ở Quảng Tây tràn sang đất Lạng Châu. Nhưng còn một cánh quân nữa theo đường Vân Nam xuống, gồm cả quân bộ, quân thủy tràn vào lộ Đà Giang, do viên bình chương chính sự hành tỉnh Vân Nam là Na-xi-rút Đin thống lĩnh. Vậy là cả ba mặt giặc ào ạt đánh tràn vào đất ta như vũ bão. Cản giặc chỉ có quân của triều đình là chính yếu, còn quân của các thổ hào người Man như Nguyễn Thế Lộc ở châu Thất Nguyên, có tướng gia nô của Trần Hưng Đạo là Nguyễn Địa Lô giúp sức, và cha con Trịnh Giác Mật ở lộ Đà Giang đều không được giao chiến. Những toán quân này đã y lệnh của quốc công đưa đi dấu nhẹm cùng với khí giới, lương thảo chờ sai khiến.

Giặc đã phạm vào cõi, Trần Thánh tông vẫn cố sức cứu vãn. Nhà vua cho gọi thiện trung đại phu Nguyễn Đức Dư, và triều thỉnh lang Nguyễn Văn Hàn đến trao mệnh:

– Vận nước lâm nguy, ta mong các khanh hãy vì ta mang biểu cầu hòa lên biên thùy trao cho Thoát-hoan.

Hai người cùng rập đầu tâu:

– Phận bề tôi, chúng thần chỉ mong được đáp đền ơn trên.

– Các ngươi là tay chân thân tín của ta, nay đem thân vào trại giặc, lỡ có mệnh hệ nào ta sống sao nổi. Nói rồi Thánh tông bưng mặt khóc. Đoạn nhà vua trỏ tay về phương bắc mà mắng: – “Hỡi cha con Hốt-tất-liệt! Hỡi lũ giặc Mông – Thát, ta thề phanh thây ưống máu chúng mày cho hả nỗi hờn oán chất chồng từ mấy chục năm qua”.

Thấy tấm lòng nhà vua bi thiết quá, hai người lại rập đầu đến tóe máu van:

– Muôn tâu thánh thượng, xin thánh thượng bảo trọng tấm thân quí giá để dùng cho nước. Bọn chúng thần dù có bị phơi thây trên mũi dáo của loài giặc dữ kia, cũng chưa đủ báo đáp ơn tri ngộ của bề trên. Xin thánh thượng cứ giao việc cho lũ chúng thần. Thân nam nhi sinh vào thời loạn, được chết cho nước ở ngay chốn đao thương trong sào huyệt giặc, có phải ai muốn mà cũng được như thế đâu, xin thánh thượng cứ bình tâm.

Thánh tông rất cảm kích tấm lòng trung của hai vị đại thần, nhà vua nói: “- Các khanh đi chuyến này, chín phần nguy chưa chắc có được một phần an. Cho nên vừa phải khôn khéo, vừa phải kiên cường; không chọc giận lũ chó sói, nhưng cũng không để mất thể diện quốc gia. Ta không tin việc vãn hồi hòa bình lại chỉ nằm trong sức mạnh của ngôn từ trong tờ biểu kia; song điều ta mong muốn là qua sự nhún mình của ta, để nuôi dưỡng lòng kiêu ngạo của giặc, mà từ đấy chúng sẽ có những quyết sách hồ đồ, tạo kẽ hở cho việc dùng binh của quốc công tiết chế Hưng Đạo vương”. Nói xong nhà vua đặt tờ biểu vào tay thiện trung đại phu Nguyễn Đức Dư.

Cả Nguyễn Đức Dư và Nguyễn Văn Hàn đều sụp lạy.

Căn dặn hai người xong, nhà vua thân tiễn tới cửa khuyết. Tự tay Thánh tông đẩy chiếc xe song mã khi chúng vừa lăn bánh.

Hai viên chánh phó sứ đều hết sức cảm động, và các ông cũng hiểu từ phút này, trọng trách quốc gia đã đặt trĩu lên vai mình.

Tiễn xong hai viên cận thần đi sứ, Trần Thánh tông tới thẳng bến Đông Bộ Đầu, xem vua Nhân tông đích thân chỉ huy đám thiên tử binh tập đánh thủy. Lại đi xem cả những cỗ song sảo pháo, ngũ sảo pháo và cự thạch pháo của thượng tướng Trần Quang Khải dàn bầy thế trận, hướng về phía bắc bờ sông Cái. Phần nào yên tâm với công việc, nhưng nhà vua vẫn nóng lòng chờ tin báo tiệp từ biên cương.

Ở trên đó, giặc đang gặp sức kháng cự mãnh liệt của quân ta. Thoát-hoan đã tung tiền quân ra đánh suốt hai ngày mà vẫn chưa mở được đường tiến.

Từ đại bản doanh của quốc công tiết chế Hưng Đạo vương ở Nội Bàng, ngựa lưu tinh từ các vùng Khâu Ôn, Khâu Cấp liên tiếp chạy về cáo cấp. Hưng Đạo trầm ngâm trước tấm bản đồ, ông khuyên các dấu son lên những chỗ hiện thời quân ta đang kháng cự. Ông đã lường trước thế ta và sức giặc, nên ông cho các tướng biết chủ kiến của ông là cản giặc, chứ không phải quyết thắng giặc trong trận đầu. Song quả thực ông chưa lường được sức giặc lại lớn dường ấy, hung hãn dường ấy. Vậy mà hai ngày nay rồi, chúng vẫn chưa phá vỡ được các cửa ải để tràn vào. Như thế có nghĩa là binh sĩ của ông đang gồng sức lên đánh giặc. Tinh thần binh sĩ thế là tốt. Nhưng ông lại thấy lo. Vì ông cần bảo tồn lực lượng, hơn là tung quân ra đánh, giữa lúc sức giặc đang cường. Hưng Đạo lại căng mắt nhìn tấm bản đồ và những vòng khuyên đỏ, vương vỗ tay lên trán như đang kiếm tìm một phép màu gì trong đó. Bỗng ông hình dung ra một dải đê cao vút và một dòng sông đầy ắp nước, gió mưa vần vũ, sóng vỗ ào ào, nước sông réo sôi như có cả trăm ngàn loài thủy quái đang nổi cơn cuồng nộ. Rồi “ào” một tiếng như trời long đất lở, một mảng đê vỡ. Và chỉ trong chốc lát, chúng đã nuốt phăng cả một dải đê dài lút mắt. Nước trắng trời.

Quốc công dụi mắt, cái gì như là một ảo giác vừa tràn qua tâm trí ông. Bỗng Hưng Đạo “a” lên một tiếng – Đúng rồi, tức nước ắt vỡ bờ. Thế giặc lúc này không khác gì một con lũ lớn. Nếu ta mở nhiều cống cho nước tràn đi khắp các ngả, chắc đê không vỡ. Rồi sau liệu lúc nước rút mà bồi trúc, thì không những không bị liền năm thất bát mùa màng mà còn được con đê chắc chắn. Với tay lấy cây bút, ông viết lệnh gửi các tướng trấn ải bằng mật ngữ: “Vừa đánh vừa lui. Không được để quân tan vỡ. Hội quân tại Vạn Kiếp từ ngày… đến ngày..:

Khi tiền quân của Thoát-hoan đã vào đất ta, thì đại bản doanh của y vẫn còn đóng tại châu Tư Minh giáp biên thùy Đại Việt.

Thoát-hoan nói với tả hữu:

– Các ngươi cứ đánh sâu vào đất giặc độ non trăm dặm, ta sẽ cho quân tiếp ứng. Chỉ ba ngày nữa ta bắt Hưng Đạo tại Nội Bàng, rồi thẳng tiến về Thăng Long bắt cha con Nhật Huyên trị tội cũng chưa muộn.

Thấy chủ tướng nói cứng, quân chúng hồ hởi lắm.

Thoát-hoan sai viên tổng bả A-li đem thư dụ vua Trần. A-li lập tức lên đường.

Ba ngày sau, A-li quay về, mặt mày hốc hác rập đầu xin Thoát hoan tha tội chết.

Thoát hoan điềm đạm hỏi:

– Sao ngươi quay lại?

A-li chưa hết bàng hoàng lại đến kinh ngạc. Vì thờ cha con Thoát-hoan từ lâu, y biết tính chủ tướng nóng như lửa. Hễ đã sai hạ cấp đi là phải được việc, thất bại quay về, mất đầu như chơi. A-li nói:

– Muôn tâu Trấn Nam vương; quân giặc đông như kiến, thần dẫu có cánh cũng không thể bay vào đất chúng được. Tiền quân chưa mở được đường, sức thần không vượt nổi.

Thoát-hoan bèn trỏ vào mặt vạn hộ Nghê Nhuận quát:

– Ngươi gốc người Tống quen thung thổ. Ta cho năm trăm quân đi thăm thú binh tình giặc, để ta còn liệu kế tiến binh.

Thoát-hoan quay lại nhìn tả hữu nói tiếp:

– Xa-tác-tai, ta cho ngươi lĩnh ấn tiên phong để lập công dầu. Lý Bang Hiến, Tôn Hựu được theo làm tả hữu phó tướng. Các ngươi điểm lấy ba vạn quân mã ngày đêm đánh gấp vào đất giặc, khiến chúng trở tay không kịp.

Đám bộ tướng cúi đầu lạy tạ. Thoát-hoan dặn thêm:

– Phép làm tướng đánh trận gặp sông bắc cầu, gặp rừng rậm đầm lầy mở đường mà tiến, gặp giặc quây lại mà đánh, không được trù trừ. Các ngươi cứ đi, ta sẽ cho quân tiếp ứng.

Lần này Xa-tác-tai phải đích thân xông trận, y căn dặn hai viên phó tướng về các kế đánh ải, phá thành, vu hồi kẻ địch, làm cho chúng rối loạn, rồi dùng kỵ binh xông thẳng vào mà đánh. Cắt quân, chia phiên ra đánh suốt ngày đêm, khiến kẻ kia phải kiệt sức mà chết.

Quân viễn thám của Xa-tác-tai bắt được Nguyễn Đức Dư và Nguyễn Văn Hàn, mỗi người một ngựa với lá cờ sứ có viết hai chữ “Miễn chiến” dẫn về nộp trước quân. Hỏi han qua loa, Xa-tác-tai lại cho dẫn hai sứ về đại bản doanh của Thoát-hoan.

Trông thấy hai viên sứ giả của Đại Việt trong quân, Thoát- hoan mỉm cười kiêu ngạo:

– Có phải vua tôi các ngươi dâng biểu tạ tội? Bao giờ thì Nhật Huyên lên biên thùy đón ta?

Nguyễn Đức Dư vái Thoát-hoan rồi đáp:

– Quốc vương tôi đã nói rõ ở trong biểu dâng vương.

Nguyễn Văn Hàn dâng biểu đặt lên án. Viên quan nội hầu bèn cầm lấy tờ biểu dâng cho Thoát-hoan.

Thoát-hoan xé chỉ lệnh lấy biểu ra đọc:

“…Năm Tân dậu (1261) Thiên tử đã thương nước chúng tôi mà ban lời chiếu: Sắc riêng cho quân ta không vào bờ cõi nhà các ngươi lấn cướp nơi cương giới, quấy nhiễu nhân dân. Các quan liêu sĩ thứ nước ngươi đều nên yên trị như cũ… “

“…Lại y cho nước tôi cứ ba năm tiến cống một lần. Vâng mệnh thiên triều, không những ba năm đại cống mà thường niên đều có sai sứ mang đồ lễ vật sang cung hiên. Từ bấy, Thiên tử không có điều răn dạy nào khác. Thế mà nay thấy từ Ung Châu tới biên thùy nước tôi doanh trạm cầu đường quân nối nhau san sát. Không những thế còn phạm vào bờ cõi nước tôi giết hại sinh linh vô kể, khiến biên tướng phải tức giận chống lại…”

Xin vương tuân lời chiêu của Thiên tử hãy thương lấy đám dân vô tội mà lui binh, chúng tôi xin cử người đến thương nghị…”

Thoát hoan ném tờ biểu vào mặt Nguyễn Đức Dư, thét mắng:

– Lũ chó lợn tanh hôi, ta lại thèm thương nghị với bọn bay à?

Hai quan chánh phó sứ lòng giận sôi, máu chảy rần rật nóng ran cả mặt định liều, thà chết chứ không chịu để cho bọn lang sói này làm nhục vua, nhục nước. Nguyễn Đức Dư bèn nói:

– Nước tôi tuy nhỏ nhưng có văn hiến. Vua tôi tuy ít tuổi nhưng biết giữ lễ, ngay đến Khổng Tử, Mạnh Tử tái thế cũng không thể bắt bẻ vào đâu được. Đại vương cậy sức mạnh áp chế bức bách nước tôi thế là trái đạo. Không những trái đạo, mà còn trái mệnh thiên tử đã gia ân cho nước tôi từ năm Tân dậu.

Nguyễn Đức Dư nói chưa dứt lời, Thoát-hoan đã bừng bừng nổi giận, y vơ cả chiếc khay trà quăng vào mặt ông, máu chảy ròng ròng.

Nguyễn Đức Dư lòng thanh thản, dường như ông chấp nhận cái chết. Ông bật cười khanh khách mà rằng:

– Chắc đây là “lễ” của quý quốc? Từ thái cổ, ta chưa thấy nước nào tiếp sứ như nước Đại Nguyên. Thật là bất nhân!

Chợt nhớ lời vua dặn lúc ra đi: “… Vừa phải khôn khéo, vừa phải kiên cường; không chọc giận lũ chó sói, nhưng cũng không để mất thể điện quốc gia…”, Nguyễn Văn Hàn nuốt giận chờ xem kẻ kia làm gì.

Thoát-hoan lại thét:

– Quân?

– Dạ! Tiếng quân dạ ran.

– Lôi tên sứ giặc này ra chém, đầu bêu ngoài ải.

Bỗng A-lí Hải-nha (Aric Khaya) vội vã bước ra can:

– Xin Trấn Nam vương nguôi giận. Viên sứ kia quả đáng tội chém vì đã dám mạn xược. Nhưng nghĩ cũng thương tình, vì u mê lầm lẫn chớ thực tâm không nghĩ thế.

Nguyễn Đức Dư hậm hực định thét vào mặt lũ giặc ăn nói càn rỡ thì A-lí Hải-nha tiếp:

– Vả lại, bẩm Trấn Nam vương, xét tình cũng nên thương, họ từ xa lặn ngòi ngoi nước, trèo đèo, lội suối, băng rừng xiết bao nguy hiểm để tới chầu. Lỗi chính là ở cha con Nhật Huyên, xin Trấn Nam vương hãy vì lòng thương đám dân An Nam vô tội xuống chiếu dụ hàng. Nếu cha con Nhật Huyên vâng theo thánh ý, thời lập tức bãi bỏ can qua. Nhược bằng ngoan cố trái mệnh trời, vương triều sẽ biến thành gò mả. Y vừa nói vừa đảo mắt nhìn Thoát-hoan như ngầm bảo: “Xin ông hãy nghe lời tôi. Đây là kế dụ địch”.

Thoát-hoan vờ nghiêm giọng đáp:

– Nể mặt ông, ta cũng thể tất cho mấy người này. Nhưng một trong hai người phải lập tức quay lại Thăng Long, đem chiếu dụ hàng của ta tới cha con Nhật Huyên. Phải đi thật nhanh – Thoát-hoan nói và nhìn thẳng vào mặt Nguyễn Đức Dư – nếu chậm trễ, e rằng đại quân của ta sẽ vào Thăng Long trước các ngươi.

A-lí Hải-nha vẻ mặt niềm nở vội đón lời Thoát-hoan:

– Lại phiền túc hạ trở về cho một chuyến, y nói và hất hàm về phía Nguyễn Đức Dư – Tuy vậy – A-lí Hải-nha nói tiếp- Trấn Nam vương tôi rất trọng những người có đức tính trung hậu như thiện trung đại phu đây.

Nguyễn Văn Hàn bèn giục:

– Chúng tôi xin lĩnh ý đại nhân, cấp kỳ trở lại Thăng Long gặp quốc vương tôi. Xin đại nhân nói với bề trên, cho chúng tôi được biết tôn ý, mà quốc vương tôi đã thỉnh cầu.

– Được, được, hai ông hãy lui ra ngoài chờ để Trấn Nam vương còn thảo chiếu.

Khi hai người dã được viên nội nhân dẫn ra khỏi trung quân, Thoát-hoan bèn vỗ mạnh vào viên tỳ tướng cười ha hả và mắng yêu:

– Ngươi tinh khôn như một con quỉ. Khá khen ngươi đoán trúng ý ta. Vậy ngươi thảo dụ đi cho ta ký.

Loáng một cái A-lí Hải-nha đã viết xong và dâng lên Thoát-hoan.

Xem xong, Thoát-hoan gật đầu cầm bút ký liền.

A-lí Hải-nha lại nói:

– Bẩm vương, xin cho viên tổng bả A-li cầm dụ này đi với tên Nguyễn Đức Dư về Thăng Long, Nguyễn Văn Hàn giữ lại trong quân, chờ bình xong An Nam có khi phải dùng đến.

– Được, ngươi cứ thế mà làm. Nói rồi Thoát-hoan lui vào hậu trướng, ở đấy đang lấp ló một bóng thị nữ mặt hoa da phấn, như đang nóng lòng chờ đợi Trấn Nam vương.

Nguyễn Đức Dư và Nguyễn Văn Hàn được quân Mông Cổ dẫn mỗi người về ở một khu riêng biệt. Hai người không thông được tin tức cho nhau.

Nguyễn Đức Dư chưa dằn hết nỗi bực vì sự đối xử vô lễ của Thoát-hoan. Song ông cũng lấy làm lạ rằng, tại sao y lại chưa giết ông. Và cũng đang tự dò đoán, liệu giặc có cho ông cùng triều thỉnh lang Nguyễn Văn Hàn về nước không. Ngẫm lời Trần Thánh tông dặn lúc ra đi, ông thấy nhà vua vô cùng sáng suốt. Đúng là lũ giặc này rồi sẽ chết vì kiêu mạn. Nhưng dù có căm ghét chúng tới tận xương tủy, ông vẫn phải thừa nhận binh lực của chúng nhiều vô kể. Đang ôn lại những gì đã diễn ra trong cuộc tiếp kiến sáng nay, Nguyễn Đức Dư bỗng giật mình, vì một chiếc xe ngựa đang phóng như bay thì dừng lại trước cổng dinh. Và một thiếu nữ thoạt trông ông cứ ngỡ là từ cõi tiên tới. Nàng bước thoăn thoắt ngay vào nhà tân khách, khiến ông hơi bối rối. Tới cửa, nàng dừng lại vái, tựa như nàng là một công chúa hay một quận chúa từ Thăng Long tới.

Nàng nói ngay không để cho quan thiện trung đại phu làm lễ tương kiến.

– Thưa đại nhân, tôi đã được nghe cuộc đối đáp giữa sứ đoàn Đại Việt với Thoát-hoan. Tôi đến để bầy tỏ lòng kính trọng. Nhân tiện cũng báo để đại nhân biết: nội trong đêm nay, viên tổng bả A-li đem thư dụ hàng về Thăng Long. Còn quan triều thỉnh lang bị giữ lại làm con tin. Đại nhân phải đi thật nhanh về báo tin, lũ chúng nó đông lắm. Nói rằng năm mươi vạn nhưng quân tinh không nhiều. Quý quốc cứ vững tâm mà kình chống. Lại nữa, hôm vừa rồi viên hàng tướng nhà Tống là Tôn Hựu, đồn ầm lên đã chém được đầu hai đại tướng nhà Trần trước ải Khả Ly là Đỗ Hựu và Đỗ Vỹ đem về dâng trước trướng. Đấy là chúng phao trong quân để lấy khí thế. Vì đánh đã. ba ngày vẫn chưa phá được cửa ải để dọn đường tiến quân. Xin đại nhân không cần biết tôi là ai. Chỉ biết rằng tôi là nghĩa nữ của Thăng Long. Đại nhân chuyển giùm tôi lời chào bi thiết tới An Tư công chúa…”.

Nói xong, nàng quay gót đi liền, khiến quan chánh sứ thiện trung đại phu chưa hết bỡ ngỡ, đã lại bàng hoàng. Ông tự hỏi: Nàng là ai mà đem đến cho ta những tin quí giá này? Nàng là ai mà lại nắm được các điều cơ mật dường kia? Tại sao nàng lại tự nhận là “Nghĩa nữ của Thăng Long”? Tại sao nàng biết Đỗ Vỹ, Đỗ Hựu là những người làm việc ngoại gián ở xứ giặc từ lâu nay, mà ngay cả Thăng Long cũng ít người biết mặt? Hàng trăm điều đặt ra mà không giải đáp được, khiến Nguyễn Đức Dư rối trí. Song có một điều ông tin chắc chắn rằng, thiếu nữ kia là người đáng mặt nữ lưu.

Quốc công tiết chế Hưng Đạo vương vừa đi xem xét lại các nơi phòng vệ quanh ải Nội Bàng, về tới đại bản doanh thì nhận được thư cấp báo từ các ải đưa tới. Trước hết ông đọc thư của Phạm Ngũ Lão, tướng trấn cửa quan Lão Thử (Chi Lăng) – viên tướng tài năng và nhiệt huyết đều dư dả được ông yêu trọng. ông đã hứa gả nghĩa nữ cho chàng và định cho làm lễ kết tóc, nhưng tình thế cấp bách quá đành tạm nán lại, chờ dẹp xong giặc nước. Trong thư Phạm tướng quân nói: “… Giặc đang phá ải dữ dội. Quân chia ra nhiều ngả cùng tiến đánh. Chúng bị giết trước ải xác chồng lên xác, nhưng vẫn xua hậu quân lên ùn ùn. Vâng mệnh quốc công, tiểu tướng vừa chặn giặc vừa lui binh…”

Vương lại xem đến thư của các tướng giữ ải: Khả Ly, Động Bản (Tức là vùng Biển Động thuộc huyện Sơn Động Bắc Giang ngày nay)… và các cửa quan Khâu Cấp, Khâu Ôn… thảy đều đã núng, nơi còn giữ được, nơi đã lui dần, nhưng không một nơi nào giặc vào được dễ dàng.

Trở lại nơi có treo tấm bản đồ, quốc công lấy bút khuyên đỏ các ải vẫn còn đang kháng giặc và khuyên đen vào những nơi giặc đã tới. Nhìn lại, quốc công giật mình vì điểm đen nhiều hơn điểm đỏ. Trước đây Hưng Đạo đã dự liệu, nếu quân ta đủ sức cản giặc từ biên ải, thì trung quân sẽ tiếp ứng đánh bật chúng trở lại đất Nguyên. Nay chúng liều chết đánh vào như lũ thiêu thân, thêm nữa binh lực chúng hùng hậu, nếu ta dốc toàn lực ra chọi lại, thời coi như đã trúng kế của chúng.

Vương chắp tay đi lại trong doanh, không khí tĩnh lặng của buổi chiều đông trong những ngày áp tết, sao mà buồn thiu. Các bản làng quanh vùng dân đã bỏ đi lánh giặc tận rừng sâu, khiến thôn ấp trở nên hoang vắng đến lạnh lẽo. Dân cũng chuyển dấu hết các đồ ăn thức đựng, lương thực cùng trâu bò gà lợn, chỉ bỏ lại cái xác nhà không, theo như kế “thanh dã” mà triều đình tuyên dụ. Chỉ có đinh tráng là ở lại, họ chính là dân binh. Hiện thời giặc chưa đến, họ phục dịch quân triều đình. Khi quân triều đình rút đi, họ lại vào sâu trong rừng, tìm kế quấy rối giặc hoặc đánh vào những toán quân đi lẻ, quân tuần thám, viễn thám.

Hưng Đạo đang dự liệu xem trận đánh sắp tới diễn ra giữa ông và Thoát-hoan sẽ như thế nào. Ông băn khoăn tự hỏi: Tại sao y tiến quân cách ta hai ngày đường thì dừng lại hạ trại. Y sợ mắc kế ta, hay y thận trọng canh chừng ta. Hoặc là y đang chờ lấy thêm quân và tăng đồ binh khí để bủa vây ta, quyết chiến với ta.

Vương lại nghĩ: – Chẳng nhẽ thằng nhãi ranh này đã đủ dày dạn đến thế ư? Quốc công đang kiểm xét xem dưới trướng y có những tên nào thuộc hàng danh tướng đang ẩn mặt. Bỗng quốc công cười sằng sặc, khiến đám gia thần không biết có chuyện gì.

Các mưu sĩ như Phạm Lãm, Ngô Sĩ Thường, Trương Hán Siêu nhìn nhau ngơ ngác. Trình Giũ mạnh dạn hỏi:

– Bẩm quốc công, thế trận đang căng, chẳng hay có chuyện gì dáng để quốc công phải bật cười?

– Ta tìm ra nó rồi! Ta tìm ra nó rồi! – Trần Hưng Đạo nói, và gương mặt ông bừng sáng hẳn lên – Số là thế này – Hưng Đạo nói tiếp, mấy hôm nay ta cứ băn khoăn, rằng dưới trướng Thoát-hoan có những viên tướng nào giúp rập, mà thế trận nó đánh xem ra có phong độ của một danh tướng lắm. Cứ như tin tức Đỗ Vỹ đưa về thì có tên A-lí Hải-nha và Lý Hằng, là hai danh tướng vào bậc nhất của Hốt-tất-liệt cho đi phò thái tử Thoát-hoan. Ta đã có kế sách kình chống với hai tên đó. Nhất A-lí Hải-nha là một tên tướng giỏi, thuộc hàng khai quốc công thần của Hốt-tất-liệt, rất tàn bạo mà cũng rất gian hùng. Thế nhưng lại cũng có tin Thoát-hoan khởi binh, thì Hốt-tất-liệt có chiếu giữ A-lí Hải-nha ở lại làm bình chương chính sự hành tỉnh Kinh Hồ, chuyên lo việc quân lương cho cuộc xâm lăng Đại Việt của Thoát-hoan. Điều đó xem ra cũng có lý bởi đem năm mươi vạn quân đi đánh xa thì lương thảo là điều quan trọng bậc nhất. Hơn nữa, giao việc này cho một tướng tài lão luyện như A-lí Hải-nha, quả Hốt-tất-liệt còn sáng suốt lắm. Ta đã cho người đi xem xét, đúng là A-lí Hải- nha đang đốc thúc quân lương gấp gáp. Nay xem cách dàn bầy thế trận, cách tiến cách dừng, đủ biết A-lí Hải-nha đang giấu mặt dưới trướng Thoát-hoan.

– Bẩm quốc công, nếu đúng như vậy thời Hốt-tất-liệt quả là một tên cáo già, y định lừa quốc công – Trương Hán Siêu nói.

Trần Hưng Đạo vuốt chòm râu rậm tới hai ba lần, rồi khen Trương Hán Siêu:

– Ông nói hợp ý ta lắm. Hốt-tất-liệt đúng là một con cáo thành tinh. Hiện thời y vẫn còn là một danh tướng chưa có địch thủ. Một tay cha con y thu phục gần hết cõi hoàn vũ này. Việc y điều binh khiển tướng kín nhẹm như thế, dễ lừa người lắm. Hưng Đạo nói chưa dứt lời thì ngựa lưu tinh từ các ngả lại về cáo cấp:

– Tướng Tần Sầm cự giặc trên ải Động Bản đã hy sinh.

– Đại liêu ban Đoàn Thai đang giao phong với tướng giặc, bị hai cánh kỵ binh Mông Cổ từ hai mé rừng xông ra bọc chặt rồi bắt sống. Quân liều chết đánh trả, nhưng không cứu được.

– Giặc đã tràn vào ải Lão Thử, Phạm Ngũ Lão lấy tiền quân làm hậu quân vừa cứ giặc vừa lui về bám giữ tuyến sau.

– Thượng tướng Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật đang giao tranh dữ dội với quân giặc trên mạn Đà Giang.

Nghe xong Hưng Đạo không biến sắc mặt, ông tự khen thầm: “Ngũ Lão quả là một viên trí tướng”. Rồi ông truyền cho các cánh quân biên ải, cũng vừa chặn giặc vừa lui binh để bảo tồn lực lượng như Phạm Ngũ Lão. Đoạn ông quay nói với tả hữu:

– Ngày mai tất Thoát-hoan sẽ tiến đánh khắp ải Nội Bàng. Quân ta chỉ nghênh chiến với chúng tới cuối giờ ngọ là lui về Vạn Kiếp. Quốc công quay ra dặn riêng Dã Tượng – Ngươi báo cho Yết Kiêu biết, khi nào tiền quân lui thì cho chu sư xuôi về Lục Đầu Giang. Yết Kiêu để một chiếc thuyền nhẹ hai mươi tay chèo giỏi, hai mươi cung thủ thiện xạ với một lá buồm thật tết đón ta ngay đầu Bãi Tân. (Trên sông Lục Nam huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang ngày nay.)

Thấy Hưng Đạo cắt đặt công việc nhẹ nhàng thư thái như một người đánh cờ, và trong đó có nhiều điều chưa hiểu được, Phạm Lãm bèn hỏi:

– Bẩm quốc công, lũ thần không hiểu tại sao mới giao tranh sơ sơ, bên ta bên địch thiệt hại đều chưa đáng kể mà quốc công đã tính chuyện lui binh. Như thế có làm cho sĩ khí của quân giặc tăng thêm mà Thăng Long lại sớm bị uy hiếp không? Xin quốc công chỉ giáo cho.

Hưng Đạo đáp một cách chậm rãi, như người vừa giảng giải cho lớp hậu sinh họ mới chỉ biết một, mà chưa tính được sự lợi hại tới hai ba. Ông nói:

– Tướng đánh trận tựa như người chơi cờ. Lúc mới giàn trận, quân hai bên đều ngang nhau, nhưng kết cục cuộc cờ lại có bên được bên thua; là do tướng cờ không ngang tài. Nay ta thấy kẻ địch mới tới, sĩ khí đang hăng, người ngựa đều khỏe, lương thảo dư dả, binh khí sắc nhọn mà đầy đủ tới dư thừa, lại tập trung binh lực xoáy vào mấy đường tiến quân. Sức mạnh của chúng, có khác gì con nước lũ từ thác cao rót xuống một dòng suối hẹp. Nếu ta cố dốc toàn lực ra chống lại chúng, khác gì người ở chân thác ngoi lên đánh kẻ trên đỉnh thác; vừa nhọc sức quân, vừa khó thu được thành tựu. Nay ta vừa đánh lại vừa lui, là cũng có ý tập cho quân quen dần với chiến trận, quen dần với một kẻ thù vừa thiện chiến vừa có ưu thế về binh khí. Và có lợi thế về kỵ binh – Ngươi lại hỏi nếu ta lui binh, thời có làm cho sĩ khí của quân giặc tăng thêm không? Có chứ. Nếu giặc đánh tới ba trận mà trận nào chúng cũng ưu thắng, ắt cả tướng lĩnh và sĩ tốt của chúng đều coi thường ta, khinh mạn ta, và tin rằng chúng là đạo quân vô địch. Khi ấy, chúng sẽ tự phụ, coi binh sĩ ta không hơn gì đám giặc cỏ. Chỉ khi ấy, ta mới nhắm được vào sự sơ hở của chúng để mà đánh. Cho nên tướng cao cờ, mỗi khi nhấc đi một quân là rung chuyển cả một thế cờ, rung chuyển cả cuộc cờ. Nhìn lại các gia tướng gia thần một lượt, Hưng Đạo tiếp – Các ngươi lại hỏi – Nếu ta lui binh thời Thăng Long có bị uy hiếp không? Có chứ. Triều đình sẽ rút khỏi Thăng Long. Thăng Long cũng “Thanh dã” như các châu, quận khác. Giặc chiếm được nơi nào, thời nơi ấy là sa mạc cằn khô. Nếu binh ta còn, thời Thăng Long sẽ được khôi phục, lo gì.

Các tướng đều khâm phục đức bình tĩnh, tỉnh táo xét đoán công việc, cũng như sự uyển chuyển trong kế sách kháng giặc cua quốc công.

Trương Hán Siêu lại hỏi;

– Bẩm quốc công, chu sư xuôi Vạn Kiếp mà không có quân bộ yểm trợ, nếu giặc dùng quân kỵ đuổi theo thì làm thế nào?

Hưng Đạo vương ve vuốt chòm râu, ông mỉm cười đôn hậu, đáp:

– Bây giờ không phải là lúc giảng hoặc bàn về binh pháp về mưu thuật. Ta mừng vì các ông là quan văn, lại ít tuổi đã để tâm đến việc binh. Song ta lo, kiến thức các ông khiếm khuyết nhiều lắm. Các ông có biết ngày mai là bao nhiêu tháng chạp không? – Ngày hai mươi bảy. Thế thì tháng chạp có mấy con nước? Nước triều xuống vào lúc nào? Đấy, cái lõi của việc có dùng quân yểm trợ hay không là ở đó. Vì rằng tiền quân của Thoát-hoan cách ta tới gần hai ngày đường. Nếu nửa đêm nay giặc xuất quân, thời đầu giờ Mão ngày mai mới giao chiến được. Thế mà chu sư ta ở phía sau, không tham chiến; cuối giờ Ngọ bắt đầu quay mũi thuyền, nước triều xuống lại gặp gió đông bắc thổi mạnh, giương buồm lên nữa thời kỵ binh nào đuổi kịp. Hơn nữa, còn có quân bộ của ta đoạn hậu, lo gì. Hưng Đạo thấp giọng – Nghiệp làm tướng không phải chỉ biết bày trận, tiến quân, đánh thành, phá ải, mà còn phải biết lui đúng lúc, biết thua đúng lúc. Ngoài ra, còn phải thông hiểu cả thiên văn, địa lý nữa, có thế mới tránh được cái họa bại vong. Hưng Đạo ngừng lời khá lâu, không khí nghiêm trang tới căng thẳng. Trần Thì Kiến bèn hỏi:

– Bẩm quốc công, đằng nào ta cũng lui binh, vậy sao không để chu sư lui từ đêm nay cho nhàn sức quân?

– Ha… ha… ha! Hưng Đạo cười to đến nỗi đám gia thần phải bối rối. Bặt tiếng cười, ông nói luôn:

– Không được! Không được! Quân thủy mà tách quân bộ ra chẳng khác nào người đi chỉ có một chân. Sở dĩ ta phải nán chu sư lại bởi ta dự phòng, nếu như cuộc giao tranh sớm mai có thời cơ chuyển từ phản công sang tiến công, thì phải đem cả chu sư vào trận.

Tất thảy đều đúng như Hưng Đạo vương dự liệu. Canh tư ngày hai mươi bảy tháng chạp (27 tháng chạp năm Giáp thân (2 – 2 – 1285), khi mặt trời chưa lên, sương còn phủ trắng cả núi rừng thì tiền quân của Thoát-hoan đã đến trước ải Nội Bàng khiêu chiến. Tại trung quân, Hưng Đạo theo sát diễn tiến của tiền quân từng khắc. Từ trên đài cao nhìn bằng mắt thường cũng thấy quân giặc đông như kiến. Quốc công tiết chế tự nhủ: “May mà đất ta ken dầy rừng núi hiểm trở, khiến quân địch không phấn phát được được sở trường của kỵ binh”. Mặt trời càng lên cao, hai bên đánh nhau càng quyết liệt. Khi giặc lọt vào khe hẻm núi rừng có quân phục kích, thường là chúng không lùi, lớp trước ngã, lớp sau vọt lên. Gặp khi có bẫy đá từ hai sườn núi lăn xuống, quân giặc chết như ngả rạ. Chúng không lấy xác nhau, không lấy cả khí giới mà dùng thây người và ngựa làm vật lót đường đi. Chỗ nào có thể đặt được hỏa pháo, hay thạch pháo, chúng chôn bệ bắn như mưa vào quân ta. Nhưng phần nhiều chúng bắn vào sau lưng bọn kỵ binh, bộ binh nhà để xua bọn kia tiến nhanh hơn. Quân ta kịch chiến với quân giặc, thế đã hơi núng. Hưng Đạo bèn cho lui trung quân lại phía sau hơn mười dặm.

Quân ta cự địch suốt từ đầu giờ sửu tới cuối giờ thìn (Khoảng từ 3 giờ sáng đến 10 giờ trưa) giết có tới hàng nghìn tên giặc trước ải. Máu người, máu ngựa chảy thành dòng lênh láng trên mặt đất. Máu nhuộm đỏ tím cả một vùng cây cỏ. Mùi máu tanh lợm. Mùi khói hỏa pháo cay xè. Từng cơn lốc bụi bởi người, ngựa quần đảo bốc lên phủ kín cả một vùng trời. Lại ầm ầm trong đó tiếng ngựa hí dài, tiếng hò la thét lác, tiếng rống như bò bị chọc tiết của những tên lính Mông Cổ trúng lao. Tiếng rên, tiếng khóc của những tên bị thương chưa chết hẳn, tiếng thét thất thanh của những tên bị đá đuổi chưa kịp tránh, thì ngựa giẫm trúng mặt. Thúc giục hơn cả là tiếng kèn xung trận của quân Mông – Thát. Nhưng chắc khỏe hơn, vang xa hơn vẫn là tiếng trống đồng của quân ta, ném vào mặt quân thù lớp lớp những sóng âm như búa bổ. Tất cả những âm thanh, màu sắc, mùi vị đó, đều chìm trong trăm ngàn ngọn lửa reo phần phật cùng với tiếng tre nứa, chum vại nổ lép bép, lốp đốp từ vạn mái nhà do dân tự đốt, khi quân triều đình vừa rút khỏi. Thế là trận tuyến lửa ngăn giữa quân ta và quân thù đùng đùng nổi dậy, và khói nung chín đen cả một vùng trời. Ấy là thế trận của dân binh.

Tại trung quân, Thoát-hoan cùng A-h Hải-nha đang say sưa chén rượu mừng, vì đại quân đang tiến như vũ bão. Y đang trù liệu chỉ sớm tối ngày hôm nay là có thể vây gọn cả chục vạn quân của Hưng Đạo. Như cá nằm trong lưới. Hưng Đạo dù có dũng lược như Quan Công, mưu mẹo như Gia Cát Lượng cũng không tài nào trốn thoát. A-lí Hải-nha đang thưa với chủ tướng nhân thừa thắng đánh thốc về Thăng Long.

Giữa lúc chủ tớ đang say mùi máu thì quân vào bẩm: “Hưng Đạo đốt hết cả làng mạc, rừng cây thành biển lửa chặn đứng quân ta…” Thoát-hoan hốt hoảng kéo A-lí Hải-nha lên đài cao quan sát. Tàn than bay tán loạn khắp nơi. Tro rơi lên cả mặt Thoát-hoan. Chợt Trấn Nam vương nhìn thấy một toán người, ngựa chừng vài trăm tên đang phóng như bay từ xa lại, khiến tóc gáy ngài dựng đứng lên. Nói líu cả lưỡi:

– Hưng Đạo! Hưng Đạo! – Ý Thoát-hoan muốn nói với A-lí Hải-nha rằng: Kỵ binh của Hưng Đạo đang tràn vào, nhưng y không kịp nói nữa mà chỉ lắp bắp được cái tên hiệu của quốc công tiết chế. Rồi y nắm lấy tay A-lí Hải-nha định kéo xuống đài.

Biết chủ tướng đang bối rối vì đòn phản kích bất ngờ, nên hốt hoảng nhìn quân ta ra quân địch, A-lí Hải-nha bình thản đáp:

– Tâu chủ tướng, ngài nhìn kỹ xem, đó là kỵ binh của ta đấy. Vì giống ngựa nòi này rất nhát lửa, cứ hễ thấy mùi lửa khói là chúng quay đầu lại.

Thế là trận tuyến bằng lửa của dân binh đã làm chặn bước tiến của quân thù. Giữa lúc ấy, quốc công tiết chế Hưng Đạo vương lấy tiền quân làm hậu quân, yểm trợ cho đại binh lui về Vạn Kiếp.

Đốc thúc cho quân sang sông hết thì đã quá ngọ, Hưng Đạo vương bèn quay lại nói với Dã Tượng:

– Hay là ta đi men đường núi rồi liệu vượt sông dưới hạ lưu Thoát-hoan dễ gì đuổi kịp?

Dã Tượng bèn thưa:

– Bẩm đức ông, Yết Kiêu chưa thấy vương, tất không chịu dời thuyền.

Sau một phút do dự, như thẩm định lại nhân cách của người nô bộc, Quốc Tuấn bèn ra roi quất ngựa, và chỉ sải hơn mười dặm đường ông đã tới Bãi Tân. Quả nhiên, Yết Kiêu vẫn chờ ông. Hai mươi cung thủ thiện xạ đã sẵn sàng. Hai mươi tay thủy thủ cực khỏe, cực thạo nghề sông nước đã sẵn sàng.

Hưng Đạo cảm động bước xuống thuyền cùng với Yết Kiêu, Dã Tượng. Ông vừa ghé xuống khoang thì cũng vừa lúc cánh buồm đã ăn gió lao đi vun vút. Cảm kích bởi tấm lòng nghĩa dũng của Yết Kiêu, quốc công tiết chế nói như nói với chính mình, và cũng có hàm ý khen ngợi hai gia tướng của mình:

– Ôi chim hồng hộc có thể bay cao được tất phải nhờ vào sáu trụ xương cánh, nếu không có thì cũng như chim thường thôi.

Được chủ tướng bày tỏ lòng yêu trọng, hai tướng cung kính thưa:

– Đội ơn đức ông.

Khoảng vàng vàng mặt trời khi Hưng Đạo về tới thái ấp An Sinh, tức là về hương Vạn Kiếp thì có chừng một trăm tên lính kỵ binh Mông Cổ với hai người khách trú (Khách trú: từ ám chỉ người Trung Hoa đã làm ăn sinh sống lâu đời ở Đại Việt, nhưng không được người Việt thừa nhận như người trong cộng đồng nên họ vẫn cứ là “khách”) dẫn đường, đến đúng Bãi Tân thì dừng lại. Họ quanh quẩn sục sạo như đang kiếm tìm một cái gì. Rồi có một người giương cung kéo thật căng bắn xuống dòng nước đang chảy xiết. Hai ba người khác bắn theo, tên đều nổi lên ngay tức khắc. Họ hô hoán gọi nhau, và tất cả đều quay ngựa trở lại nẻo Nội Bàng. Rõ ràng toán lính Mông Cổ này được lệnh truy đuổi Hưng Đạo, nhưng chúng đến quá trễ, định vượt sông lại thấy tên nổi, biết là sông sâu không sang được, buộc chúng phải quay ngựa lại.

Về tới Vạn Kiếp chưa kịp thay áo bào, Hưng Đạo đã cho triệu các tướng đến bàn kế đánh, phòng, chấn chỉnh thủy binh, bộ binh, kỵ binh, cắt đặt tướng và chia quân trấn giữ các nơi hiểm yếu, cản đường giặc đổ về Thăng Long; không cho chúng tràn về lộ Hải Đông – nơi kho của, kho người.

Lại nói về Thăng Long, từ khi giặc phạm vào cõi, thượng hoàng Trần Thánh tông vào ở hẳn cung Quan triều với Trần Nhân tông để cùng lo việc nước cho tiện. Sớm ấy, khi nhà vua còn chưa dùng ngự thiện đã thấy ngựa lưu tinh từ biên ải trở về cấp báo:

– Giặc đã chiếm được ải Nội Bàng, Chi Lăng… Quốc công đã cho lui đại quân về Vạn Kiếp lập phòng tuyến chặn giặc.

Trần Thánh tông nghe tin như sét đánh mang tai, nhà vua không kịp ăn sáng, vội lấy chiếc thuyền nhẹ với vài chục tay chèo khỏe trong đội thiên tử binh của Trần Nhân tông đi thẳng ra Hải Đông. Xế chiều thuyền tới bến, vua cho người triệu Hưng Đạo đến. Lúc này vua mới thấy đói cồn cào, vì sực nhớ từ sáng chưa kịp ăn gì.

Trong đám tiểu tốt chèo thuyền có người cứ lấm lét nhìn vua rồi lại thu tay vào cái bọc của mình. Thấy khả nghi, vua hỏi:

– Tên kia thu giấu cái gì trong bọc đó?

Người ấy sợ quá, bèn thụp lạy:

– Muôn tâu thánh thượng, xin thánh thượng tha tội chết cho kẻ hèn mọn này.

Vua càng sinh nghi, người nghiêm giọng nói:

– Ngươi giấu bọc gì ở trong bụng đó? Có định hại ta chăng?

Người kia luống cuống khóc mà tâu:

– Xin bệ hạ tha tội chết cho. Chẳng là sáng nay trước khi đi hầu bệ hạ, vợ con có nắm cho con một vắt cơm. Thấy bệ hạ từ sáng chưa ăn uống gì, đã mấy lần con định dâng, nhưng sợ phạm tội, vì đây là đồ ăn của sĩ tốt. Người ấy vừa nói vừa mở bọc lôi ra một nắm cơm bọc lá chuối, hai tay run run dâng lên, giọng nghẹn ngào:

– Muôn tâu bệ hạ, con chưa dám đụng tới một hạt nào, xin bệ hạ tha tội.

Thánh tông đỡ lấy, vội mở bọc lá chuối ra, thấy một nắm cơm gạo đỏ. Nhà vua cười và nói:

– Ngươi có tội gì mà xin tha. May có ngươi cứu ta khỏi đói, tấm lòng trung ấy sao ta quên được. Nói rồi nhà vua bẻ nắm cơm chia đều cho mọi người. Ai nấy cảm động rưng rưng nước mắt. Vua hỏi:

– Vậy chớ ngươi tên gì?

– Dạ bẩm đức vua, con tên là Trần Lai.

– Ta ban cho ngươi tước thượng phẩm kiêm chức tiểu tư xã. Dẹp xong giặc ta cho ngươi về quê quán nhậm chức ấy mà hưởng lộc.

Trần Lai sụp lạy mãi không thôi.

Nhà vua quay ra dặn viên quan phụng ngự đi theo:

– Ngươi nhớ ghi vào sổ sách, khi yên bình nhắc lại ta việc này. Đừng để ta mang tiếng là một ông vua bất nghĩa, chỉ hứa hão.

Thấy thuyền ngự ghé vào đất hương Vạn Kiếp, lính viễn thám tức tốc về tâu. Hưng Đạo vội vàng lên ngựa phóng ngay ra bến sông. Vẫn còn thấy tay nhà vua đang cầm miếng cơm gạo hẩm đưa lên miệng. Chứng kiến cảnh vua tôi lam lũ, Hưng Đạo thực sự đau lòng, và ông cảm như chính mình có lỗi. Quốc công chống kích nhảy xuống ngựa, rồi lật đật leo lên thuyền ngự sụp lạy:

– Để thượng hoàng phải khó nhọc thế này, tội thần đáng muôn chết.

Nói xong, Hưng Đạo ngửng nhìn nhà vua và đoàn hộ giá, không thấy nhà vua đáp lời, mà ai nấy đều chú mục gườm gườm nhìn mình. Linh tính, Hưng Đạo ngó xuống, thấy tay vẫn còn nắm ngang cây kích có đầu bịt sắt nhọn, ông bèn ném chiếc kích xuống sông, lại rập đầu tâu:

– Không cản được giặc, để bệ hạ phải dãi dầu ngọc thể, tội thần đáng muôn chết.

Thấy cử chỉ đàng hoàng, lời nói trung chính, Thánh tông như có ý hối, nhà vua đỡ Hưng Đạo dậy và hỏi han gấp gáp các trận giao chiến và việc lui quân. Hưng Đạo tâu trình mọi việc đâu ra đấy. Thánh tông tạm yên tâm vì thế không giữ được, đành phải lui quân để bảo tồn sinh lực, âu cũng là một phương lược của kẻ làm tướng. Nhà vua ướm hỏi:

– Thoát-hoan phao tin là chúng đánh ta để chiếm đất, để đặt các chức quan cai trị của chúng. Thế mà chúng tàn sát dân vô tội đầy đồng. Hay là… nhà vua ngập ngừng – Hay là ta có nên tạm hàng chúng để cứu sinh linh trăm họ.

Hưng Đạo vòng tay thưa:

– Lời bệ hạ nói đúng là lời của bậc nhân giả. Nhưng còn tông miếu xã tắc thì sao?

Nỗi xót xa cay đắng dâng lên nghẹn ứ lòng vị quốc công tiết chế. Quốc Tuấn tự hỏi, vậy là từ bấy nay ta đã làm tất cả, mà vẫn chưa hóa giải được lòng nghi kỵ cố chấp của anh em Thánh tông. Phần vì căm tức loài giặc dữ; phần giận mình chưa đủ lực quật ngã chúng ngay từ ngoài biên ải để nhà vua phải lận đận lo âu; phần tủi vì nhà vua chưa cảm thông được với tình thế và nỗi gian truân của kẻ làm tướng. Việc đánh giặc đâu có như đánh bạc, dốc túi đánh một nước liều, được ăn cả ngã về không. Đánh giặc mà liều, là đem cả một dân tộc, một quốc gia dâng hiến cho chúng, và tự biến mình thành một tên hề của lịch sử. Trần Quốc Tuấn nghiêm giọng nói tiếp:

– Nếu bệ hạ muốn hàng, trước hết hãy xin chém đầu thần. Đầu thần nếu còn, xã tắc cũng còn. Xin bệ hạ đừng lo, thần đã có kế đánh bại giặc.

Nói ra được đôi lời ẩn ức, Hưng Đạo thấy lòng vơi nhẹ. Và bỗng cảm thông với nỗi lo của Thánh tông, ông lựa lời an ủi đức vua:

– Chắc bệ hạ còn nhớ chuyện Hán Sở tranh hùng? Lưu Bang bị Hạng Võ đánh cho chạy dài. Hạng Võ đã thu phục gần hết thiên hạ, ấy thế mà Hàn Tín chỉ bầy có một trận Cai Hạ dồn trăm vạn quân Sở vào vòng khốn đốn, khiến Hạng Võ phải tự vẫn trên sông Ô Giang; thiên hạ về với nhà Hán. Lại trận giặc xâm lấn cõi bờ ta năm Đinh tị (1257) hẳn bệ hạ cũng còn nhớ? Ngày ấy giặc dồn quân ta từ biên ải về đến tận Long Biên. Tiên quân ta đón đánh ở bến Đông, chỉ một trận mà phá được giặc. Nay Thoát-hoan mới vào cõi, lũ chúng khác nào như đàn hổ sổng chuồng, ta phải lựa bắt sao cho khéo để chúng đỡ gây họa. Xin bệ hạ hãy tin vào sĩ tốt, tin vào thần dân mà vững tâm lèo lái con thuyền quốc gia vượt qua khúc quanh lịch sử này.

Thấy lời nói khảng khái lại thêm khí sắc của Quốc Tuấn- người đứng đầu toàn quân nghe có vẻ ôn nhuần, tươi vượng lắm, nên Thánh tông đã thấy vững dạ tới tám chín phần. Hưng Đạo bèn rước nhà vua về đại bản doanh, để cùng bàn việc điều động quân mã và kế sách chống giặc.

Quốc Tuấn đã điều thêm quân từ các lộ Hải Đông, Vân Trà, Ba Điểm, chọn những người dũng cảm làm tiên phong Lại điều cả quân của các vương hầu về hợp lực. Riêng các vương, con Trần Hưng Đạo như Hưng Vũ vương Nghiễn, Hưng Trí vương Hiến; Hưng Hiếu vương Uất; Hưng Nhượng vương Tảng điều từ các xứ Bàng Hà (nay là đất huyện Thanh Hà, Hải Dương), Nà Ngạn (thuộc đất huyện Lục Ngạn, Bắc Giang ngày nay), Trà Hương (nay là đất huyện Kim Thành, Hải Dương), An Sinh (An Sinh là thái ấp của Trần Liễu, Hưng Đạo thừa kế, nay đất huyện Đông Triều (Quảng Ninh) thêm một phần đất huyện Chí Linh và Kinh Môn (Hải Dương). Long Nhãn (Nay là đất thuộc vùng huyện Yên Dũng Bắc Giang và vùng phụ cận nơi hợp lưu giữa sông Thương và sông Lục Nam) về cũng ngót hai chục vạn quân cùng với trên một nghìn thuyền chiến. Tất cả đều về hội ở Vạn Kiếp dưới sự điều khiển của quốc công tiết chế thống lĩnh chư quân sự Trần Quốc Tuấn.

Tin các đồn ải biên thùy và Nội Bàng thất thủ bay về làm chấn động cả Thăng Long.

Vua Nhân tông cho gọi quan đại an phủ sứ đến dụ: “phải thu xếp cho người già, đàn bà, trẻ con đi lánh nạn, chớ ham nán lại ăn tết ở kinh mà mắc vạ. Lại sai Nhân Túc vương Toàn là người coi sóc phủ Tông chinh đem phân tán bớt đồ tế khí, thờ tự về Long Hưng và thu xếp nơi ăn ở cho các người trong hoàng gia về lánh nạn”.

(Long Hưng nay thuộc địa phận tỉnh Thái Bình – đất mở nghiệp của nhà Trần, nơi lưu giữ lăng mộ các vua Trần.)

Việc thu xếp các vật dụng đem theo về Long Hưng và cất giấu các đồ gia bảo, An Tư công chúa trao cho mụ quản gia điều hành. Vậy mà nàng vẫn cứ bấn lên. Sáu mươi tư thị nữ làm việc luôn tay suốt cả ngày, mà vẫn chưa đâu vào đâu. Vì rằng chốc chốc công chúa lại đổi lệnh. Tính nết nàng trở nên thất thường, ấy là bởi đã ba hôm nay, Chiêu Thành vương không ghé lại thăm nàng. Đã mấy lần nàng thắng ngựa đi tìm chàng, vẫn không gặp. Đúng là thời loạn, việc binh như việc ma. Nàng đã cảm thấy nản lòng. Hết đứng, ngồi lại đi dạo hoặc ngó xem đám tì nữ thu dọn đồ đạc ra sao. Có khi nàng xông vào giũ tung ra tất cả. Rồi truyền cho gói gọn lại tất cả. An Tư cay đắng nhủ lòng: “Có nhẽ nào trước khi tạm biệt Thăng Long, ta lại không gặp được chàng”. Khuya lắm, nàng vẫn ngồi tựa án nhìn cây bạch lạp cứ ngắn dần, ánh sáng lung linh vẽ hình nàng xiêu vẹo trên vách tường, nom chập chờn như một bóng ma. Ngoài hiên, gió bắc quét ào ào kéo theo cái lạnh tê tái. Mọi năm vào dịp này, trong các cung phủ tưng bừng như hội. Ngoài phường phố chợ búa đông vui, dân đi sắm tết đông nghìn nghịt. Năm nay thì bốn bề gió thổi, kinh thành im phăng phắc như vừa trải qua một trận đại hồng thủy. An Tư đang gặm nhấm nỗi đau của chính mình, bởi nàng không chia sẻ được cùng ai, và cũng không có ai để chia sẻ. Vua cha và mẫu hậu đã từ giã cõi đời từ lâu. Hoàng thượng tuy có yêu chiều nhưng đấy chỉ là bổn phận của thứ quyền huynh thế phụ. Nhũ mẫu thì điếc đặc, nói như quát bà cũng chẳng thèm nghe, còn chia sẻ nỗi gì. Đám tì nữ thì vì thứ bậc dưới trên, dù có kết thân, chúng cũng không dám gần gũi bộc lộ tâm tình. Bởi thế, nàng sống trong cung, lụa là gấm vóc, của ngon vật lạ, kẻ hầu người hạ không thiếu một thứ gì mà nàng vẫn thấy thiếu thốn, cô đơn. Có bữa đi dạo, nàng đã lạc vào xóm Trích Sài, ghé thăm một căn nhà nhỏ như một túp lều của vợ chồng người tiều phu. Cặp vợ chồng mới cưới nhau được cha mẹ cho ở riêng, làm nghề hái củi độ thân. Họ nghèo lắm. Nghèo đến mức nếu nàng không được nhìn tận mắt gia cảnh họ, thời nàng cũng không thể hình dung ra được. Song nàng lại ao ước được sống trong cảnh thanh bần mà yên ấm của họ.

Giữa lúc An Tư hờn tủi và chán chường đến cùng cực thì Chiêu Thành vương ào đến. Chàng đến như làn gió xuân tươi tắn làm cặp má nàng vụt đỏ au. Công chúa choàng ôm lấy chàng, gục đầu vào ngực chàng nức nở. Chàng cũng xiết chặt nàng trong vòng tay, và đặt lên má lên môi nàng những nụ hôn thắm thiết.

Hai người trò chuyện tíu tít như một cặp uyên ương, gương mặt họ trong sáng không hề có gợn ám chiến chinh. Bỗng từ đâu đó vang lên tiếng trống sang canh. Chiêu Thành vương giật mình buông cánh tay đang ôm ấp nàng ra, chàng ngơ ngác giây lâu và chợt hiểu, đã đến lúc phải chia biệt nàng.

Nhìn nét thoáng hiện trên gương mặt Chiêu Thành vương, An Tư hoảng hốt như là nhìn thấy một cái gì đó lóa ra từ hai tròng mắt chàng thật khủng khiếp, như là sự chết; còn hơn cả sự chết, song rất khó nhận ra hình thù nó. Nàng hét lên:

– Không! Không! Em không cho chàng đi đêm nay. Nàng ghì chặt lấy chàng như sợ có một tai họa nào sắp xảy ra, như có một lực lượng tàn bạo nào sắp đến cướp mất chàng. Toàn thân nàng run lên.

Chiêu Thành vương dìu An Tư vào giường. Gương mặt nàng bệch ra như đắp bằng sáp. Nằm bên nàng, chàng lựa lời an ủi cho nàng đỡ sợ. Bây giờ chàng mới hiểu cái gì làm cho nàng sợ. Một làn gió ập đến làm rung khung cửa, ném vào trong nhà một thứ mùi mà vương thấy vừa khác lạ, vừa ghê rợn. Hình như chàng đã một lần cảm nhận thấy nó ở đâu? Vương cố moi ký ức, và chàng đã tìm được. Đó là lần cách đây không lâu chàng lên biên ải, đi thám sát dọc một dải biên thùy trấn Lạng Châu, chàng đã ngửi thấy cái mùi từa tựa như thế này; nó làm chàng sởn gai ốc, đến nỗi chàng phải lánh vào một ngôi chùa cho đỡ sợ. Và vị hòa thượng đã gọi tên nó là: “tử khí”. Ngài tiên đoán sẽ có một tai họa, một cuộc đổ máu cực lớn sắp xảy ra. Ngài tâu việc đó với Phật tổ, và nguyện cầu cho trần gian thôi thù hận. Đáng tiếc, lòng tốt của hòa thượng, và đức từ bi của Phật cũng không ngăn được tham vọng cuồng khấu của cha con Hốt-tất-liệt.

Trước sự âu yếm vỗ về của Chiêu Thành vương, công chúa đã trở lại bình tâm, gương mặt nàng đã tươi tắn. Và trên lầu trống lại đổ sang canh. Vương nóng lòng muốn trở lại quân doanh, nhưng không nỡ dứt tình. An Tư nhìn chàng như cầu khẩn. Chàng nghe được tiếng nói từ mắt nàng: “… Xin chàng đừng bỏ em đi lúc này. Chàng là cánh chim bằng, em không thể cầm giữ và cũng không cầm giữ. Bởi chàng không còn là của riêng em. Chàng cũng không còn là của riêng chàng nữa. Mà chàng là của thiêng liêng sông núi. Bổn phận chàng là phải gìn giữ non sông. Em khao khát được làm một đấng tu mi, để được thỏa chí cùng chàng vẫy vùng nơi hồ hải…”.

Một tiếng nói khác thức tỉnh Chiêu Thành vương, chàng cảm thấy tự thẹn vì quá vương vấn tư tình mà lơ là trách phận. Chàng ghé cặp môi nồng vào môi nàng và lựa lời nói khẽ:

– Nàng tha thứ cho ta. Ta phải trở lại quân doanh. Sớm mai ta sẽ đến với nàng.

– Không! Giọng nàng quyết liệt. Nàng ghì siết lấy cổ chàng mà rít lên – Em không cần cái ngày mai ấy! Ngày mai là dối trá! Không có ngày mai! Không có ngày mai! Nàng hét lên. Và rời vòng tay không ghì siết cổ chàng nữa, giọng nàng mềm yếu hẳn đi – Xin chàng gia ân cho em chỉ lần này thôi – trọn đêm nay xin chàng ở lại cùng em. Em sợ lắm. Em linh tính như đêm nay là đêm hai ta vĩnh biệt. Nước mắt nàng nhoen đầy khuôn mặt trong sáng như gương. Nàng thấp giọng thì thầm… Em… em xin hiến dâng chàng đời thiếu nữ… Nàng lại ghì siết lấy chàng mà nức nở. Vừa lúc ngọn bạch lạp vụt sáng bừng lên rồi lụi tắt.

Chiêu Thành vương nén một hơi thở sâu vào đáy dạ, và thầm nghĩ: ta dù có dư sức lay thành chuyển núi, cũng không gỡ nổi đôi tay nàng. Và chàng…

Khi Chiêu Thành vương đã chìm trong giấc ngủ say nồng thì công chúa lại tỉnh thức. Nàng ngắm nhìn chàng trong bóng đêm huyền ảo. Nàng chưa kịp cảm nhận ra điều gì đã đi qua đời mình, mà chỉ xót xa vì cái ngày mai không có nữa. Ngày mai chàng là người của chiến chinh. Ngày mai ta vĩnh biệt Thăng Long.

An Tư vẫn đăm đắm nhìn chàng. Bóng đêm cũng không thể khỏa lấp được gương mặt Chiêu Thành vương hiển hiện trong trí não nàng. Này vầng trán cao vuông vức. Này cặp mắt đen to, hơi xếch, ánh mắt lấp lánh như phát hào quang, đôi lông mày rậm, dài đen nhức. Chiếc mũi thẳng, chuẩn đầu cao trông đến là xinh. Lưỡng quyền nở nang. Cằm bạnh hơi vuông, lại được đôi tai dài mà đầy đặn. An Tư đặt tay lên ngực chàng. Lồng ngực phập phồng, hơi thở trầm sâu. Nàng thầm nghĩ:

– Vậy là chàng vân chưa biết ngày mai là ba mươi tết. Chàng vẫn chưa biết ngày mai ta phải lánh nạn về Long Hưng. Mà cũng phải, nếu biết, chàng càng thêm khổ thêm buồn vì ta.

Trống tàn canh đổ nhịp thì thùng. Lần này chàng ngủ say không nghe được. Rạng sáng. Nàng nhìn rõ khuôn mặt chàng không có gì khác với nàng vẽ hình chàng trong tâm. Nàng đau đớn thốt ra lời: – Ôi ta phải xa chàng thật ư? Mãi mãi xa chàng ư? Có lẽ nào ta lại không được cùng chàng xum họp ấm êm, như cặp vợ chồng tiều phu nơi xóm Trích Sài kia! Nước mắt nàng rơi lã chã trên tấm ngực trần của vương. Ngoài kia, tiếng vó ngựa khua mỗi lúc một gần.

Và có hiệu chuông nơi cổng báo gọi có hoàng thượng đến thăm. An Tư cuống quýt lay chàng:

– Vương ơi! Vương ơi, có hoàng thượng ghé thăm cung!

Chiêu Thành vương choàng dậy. Chàng vội chạy ra tầu ngựa. An Tư đón tiễn chàng nơi cổng sau. Nàng chỉ kịp nói một điều:

– Sớm mai em về Long Hưng lánh nạn.

Chiêu Thành vương gật đầu và ngoái dặn:

– Nàng đừng buồn? Rồi chàng vút ngựa.

An Tư thẫn thờ nhìn theo bóng chàng dần khuất trong sương, miệng thì thầm: – Em chờ vương. Em chờ vương!…

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN