Miễn Cưỡng Kết Hôn
Phần 13
Mợ ta gào thét ầm ỏm như thế, mọi người dưới nhà nghe được nên ngay lập tức lao lên. Thúy từ phòng bên cạnh chạy sang trước, thấy mẹ mình nằm sóng soài giữa vũng máu thì ngay lập tức lao đến tát vào mặt tôi hai tát nổ đom đóm mắt:
– Mẹ con ranh con này, mày dám đẩy mẹ tao ngã thế này à? Mày muốn giết em tao phải không?
– Không phải tao. Bỏ ra.
– Bỏ hả? Mày hại mẹ tao ra thế này mà mày còn bảo tao bỏ hả? Mày rắp tâm từ trước phải không? Mày muốn giết mẹ tao với em tao để chiếm hết tài sản nhà này phải không? Mày là loại rắn rết, mày là con loại vô ơn khốn nạn.
Thúy túm cổ áo tôi xách ngược lên, lúc ấy tôi cũng cuống nhưng ăn hai cái tát là đã đủ tỉnh táo lại rồi, giờ không muốn bị ăn đòn vô lý nữa nên tôi giằng tay cô ta ra:
– Bỏ ra.
– Mày…
– Lo cho mẹ mày trước đi.
Lúc tôi vừa nói xong câu này thì mọi người cũng chạy đến, cậu Dũng thấy vợ cả người đầy máu thế thì gào lên:
– Em làm sao thế này? Em thấy sao rồi Hiên? Sao rồi?
– …
– Hai đứa còn đứng đấy à? Đưa mẹ đi bệnh viện nhanh lên.
Mợ Hiên thều thào chỉ tôi:
– Nó… nó… nó đẩy em ngã… Nó muốn giết con mình… đuổi nó đi đi… đuổi nó đi đi.
Thúy cũng hùa vào cùng mẹ, cô ta mặt tỉnh bơ bịa ra một câu chuyện:
– Chị Dương đẩy mẹ ngã, chị ấy bảo mẹ mà đẻ em ra thì cũng không được cổ phần. Mẹ bảo mẹ không cần rồi, thế mà chị ấy vẫn đạp lên bụng mẹ. Bố đuổi chị ấy đi đi.
Khi cô ta nói xong câu này, tất cả ánh mắt của mọi người đều dồn lên tôi, có người thì phẫn nộ, có người thì nghi hoặc, có người thì kinh ngạc, ngay cả đầu mày của ông ngoại cũng nhíu rất chặt.
Tôi biết lần này thì mình bị gài bẫy rồi, hóa ra không tự nhiên mà Thúy lại tốt bụng bảo tôi đi lấy lại áo, cũng không tự nhiên mà mợ Hiên cố tình chọc điên tôi lúc ấy. Tất cả là do bọn họ đã giăng bẫy sẵn từ trước để chờ tôi chui vào, thậm chí còn ác độc đến mức không tiếc đứa con trong bụng để hại tôi. Bây giờ tôi trở thành kẻ hại chính em mình để chiếm cổ phần, tình ngay lý gian, dù trong sạch nhưng một cái miệng cũng không thể cãi với được hai cái miệng mẹ con mợ Hiên.
Đúng lúc không khí đang căng như dây đàn thì ông ngoại lên tiếng:
– Bây giờ đưa đi bệnh viện trước đã. Thằng Dũng bế con Hiên xuống đi, nhanh lên.
Chắc mọi người cũng biết tình hình lúc đó cũng không thể tiếp tục đôi co mất thời gian được, cho nên cậu Dũng chỉ trừng mắt nhìn tôi một cái rồi bế mợ Hiên lên, sau đó tất cả xúm lại, mỗi người một tay đưa mợ Hiên đến bệnh viện cấp cứu.
Bác sĩ bảo mợ ấy vì bị động mạnh nên vỡ nước ối, đứa bé trong bụng bây giờ cũng bị ảnh hưởng nên buộc phải sinh non, mới 33 tuần nên tỉ lệ sống được cũng không chắc 100%.
Đứa bé này là con thụ tinh ống nghiệm đến lần thứ 6 mới có được của vợ chồng cậu Dũng, lại là đích tôn của ông ngoại tôi nên giờ bị như thế này thì ai cũng lo và buồn, nhìn nét mặt ai cũng nặng nề như đeo đá, tôi lại càng cảm thấy tội lỗi và day dứt nhiều hơn.
Dù không thích mợ Hiên, cũng không có ý làm hại đứa bé, nhưng chuyện này cũng liên quan đến tôi, hơn nữa con của cậu Dũng là em tôi, máu mủ ruột thịt của tôi, cho nên thật tâm tôi vẫn chỉ cầu mong cho mợ Hiên và đứa bé đó không sao cả.
Sau khi đẩy mợ Hiên vào phòng mổ thì mọi người đều sốt ruột đứng ngoài hành lang đợi, cậu Dũng lúc này mới có tâm trạng để ý đến tôi, vừa liếc thấy tôi đứng cách đó không xa thì hùng hùng hổ hổ xông lại, không nói không rằng một câu đã giáng cho tôi thêm một cái tát nữa, lần này lực tát rất mạnh khiến khóe miệng tôi bật máu:
– Tao không ngờ mày là con người như thế đấy. Nhà này đúng là nuôi ong tay áo, nuôi đúng phải đứa rắn rết như mày. Mợ mày, em mày mà mày cũng hại được. Mày thèm tài sản đến thế cơ à? Mày không cần máu mủ ruột thịt mà chỉ biết đến tiền thôi phải không?
– Không phải cháu, cháu không làm mợ ấy ngã. Cháu cũng không cần cổ phần. Tại vì mợ ấy…
– Mày còn cãi à?
Vừa nói, cậu Dũng vừa định giơ tay đánh tôi thêm lần nữa, lúc ấy tôi cũng đã chuẩn bị tinh thần để ăn đòn rồi, thế nhưng may sao khi đó lại có một cánh tay kịp thời vươn ra giữ lấy tay cậu Dũng, ngăn không cho cậu ấy đánh tôi.
Duy nói:
– Cậu đánh đủ rồi đấy.
Giọng anh ta rất bình thường, không phải là đe dọa, cũng không phải quát tháo, nhưng không hiểu sao tôi lại cứ cảm thấy ngữ điệu ấy mang hàm ý cảnh cáo và rất có uy, khiến người khác phải không thể kháng cự.
Ở đây không có ông ngoại, nhưng lại có Duy ra mặt bênh vực tôi cho nên cậu Dũng cũng biết mình không nên đánh nữa, chỉ gườm gườm nhìn Duy rồi thu tay về. Sau đó quay sang quát tôi:
– Mày cút đi đâu thì cút, cút ngay đi. Từ giờ đừng để tao thấy cái mặt mày nữa. Tao gặp mày ở đâu thì tao đánh ở đó. Mẹ mày không dạy được mày thì tao dạy mày.
Tôi biết bây giờ mình ở đây chỉ khiến cậu ấy thêm khó chịu, cho nên chỉ “Vâng” một tiếng rồi lặng lẽ quay người đi về. Duy cũng đi cùng tôi, ban đầu anh ta chỉ im lặng đi bên cạnh mà không nói gì, mãi tới khi lên xe, Duy mới lấy hộp bông băng ra rồi bảo tôi:
– Quay mặt lại đây.
– Tôi không sao đâu.
Thực ra lúc ấy trong lòng tôi rất buồn, buồn vì mọi chuyện xảy ra như thế này và ấm ức vì bị người khác vu oan cho những thứ mà mình không làm, thế nên không muốn nói chuyện gì cả, cũng không cần ai chăm sóc cho tôi.
Thế nhưng người đàn ông bên cạnh tôi là một người hoàn toàn khác biệt với tất cả những người mà tôi biết, anh ta chẳng quan tâm câu trả lời của tôi, cũng chẳng rỗi hơi nịnh nọt an ủi mà mà thẳng thừng vươn tay đến, giữ lấy cằm tôi rồi ép tôi quay mặt lại nhìn mình.
Chẳng biết có phải do lúc ấy mặt tôi thảm quá hay không mà anh ta vừa nhìn thấy đã nhíu mày, sau đó lại cầm bông băng lên rồi nhẹ nhàng lau vết máu trên khóe miệng tôi.
Đụng đến chỗ đau nên tôi hơi giật mình, theo bản năng muốn tránh đi, nhưng vừa động đậy thì Duy lại nói:
– Ngồi yên.
Cuối cùng tôi đành phải ngồi yên cho anh ta lau máu, xong xuôi, Duy còn lấy một ít cao nóng thoa đều lên má tôi. Ngón tay anh ta vừa thon vừa đẹp, có lẽ là vì dân IT chuyên gõ phím nên khi thoa cao cho tôi thì động tác cũng rất cẩn thận và dịu dàng. Sau đó còn khẽ hỏi một câu:
– Còn đau không?
– Đau.
– Đợi tý nữa, cao nóng ngấm đều vào sẽ đỡ đau.
Không biết có phải do cao nóng có tác dụng ngay hay không mà lúc ấy hốc mũi tôi bỗng nhiên cay cay. Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời có một người đàn ông đối xử với tôi tốt như vậy, lần đầu tiên sau khi mẹ mất có người hỏi tôi “đau không?”, lần đầu tiên có người bênh vực tôi khi bị chính những người thân của mình bắt nạt… Tôi không rõ có phải Duy thấy thương hại mình nên mới làm thế hay không, nhưng hôm nay, ngay lúc này, tôi cảm thấy biết ơn và cảm kích vô cùng.
Tuy nhiên nếu vừa khóc vừa nói cảm ơn thì yếu đuối quá, cho nên tôi đành cố gắng nặn ra một nụ cười, đáp:
– Ừ, tôi biết rồi. Cảm ơn anh nhé.
– Khỏi. Tôi chỉ không muốn người khác nhìn thấy lại tưởng tôi đánh cô.
Biết tính anh ta luôn luôn như vậy, làm việc tốt nhưng miệng không bao giờ thừa nhận, cho nên tôi cũng không đôi co nữa mà im lặng ngồi tựa vào ghế, mệt mỏi nhìn người đi đường.
Sau khi Duy đưa tôi về nhà, tôi cảm thấy mình chẳng còn tý sức lực nào nữa nên leo lên giường ngủ một giấc, đến khi tỉnh lại thì trời đã tối mịt rồi, bò dậy soi gương mới thấy một bên mặt mình thâm tím, khóe miệng dù đã được lau máu đi rồi nhưng chỗ rách vẫn sưng vù.
Ăn có ba cái tát thôi mà đã như thế này rồi, chẳng biết nếu lúc đó Duy không đỡ kịp, tôi bị tát thêm cái nữa thì răng tôi có còn không. Cả đời tôi bị mẹ đánh đòn nhiều rồi, nhưng bị đàn ông tát mạnh thế này thì chưa bao giờ, công nhận đau ê ẩm thật.
Tôi thở dài một hơi, mở điện thoại lên gọi cho ông ngoại một cuộc. Tôi biết bây giờ mọi việc đang rối tinh rối mù, mình có gọi hỏi thăm thì cũng chẳng giải quyết được gì, nhưng vì sốt ruột không yên nên vẫn muốn hỏi ông xem đứa bé và mợ Hiên thế nào rồi.
Ông ngoại tôi không trách mắng tôi nhưng giọng rất buồn:
– Thằng Dũng điện về bảo sinh non quá nên đang nằm trong lồng ấp. Mợ Hiên thì đang nằm phòng hồi sức. Con đừng lo.
– Tiên lượng… thế nào hả ông?
– Đưa bé thì bác sĩ bảo không chắc chắn lắm, cần chăm sóc đặc biệt, mấy ngày nữa mới biết có sống được hay không. Nhưng mợ Hiên thì không sao.
– Ông ơi, ông có tin con không?
– Từ trước đến giờ con với mợ Hiên không hợp nhau, nhưng ông nghĩ con không phải là người như thế. Bây giờ mọi việc đang thế này, tốt nhất là con cứ ở bên ấy, tạm thời không cần phải giải thích gì cả, để mọi thứ nguôi nguôi đi rồi tính sau.
– Vâng, con biết.
– Ừ, có gì ông thông báo.
– Vâng ạ.
Cúp máy xong, tôi vẫn chẳng còn tinh thần nào để lết dậy nên cứ nằm ì trên giường, đang nghĩ vẩn vơ thì bỗng nhiên thấy tin nhắn đến. Chẳng biết có phải có một người ở xa vẫn biết tôi buồn hay không mà suốt bảy năm nay mỗi lúc tôi thấy khó chịu thì cậu ấy luôn xuất hiện.
Maybe nhắn:
– Hôm nay tớ đọc được một tin hay ho lắm, cậu có muốn nghe không?
– Tin gì thế?
– Hôm nay có một người định nhảy lầu tự tử vì người yêu tám năm cắm sừng ông ấy rồi đi lấy chồng. Lúc đầu mấy người dân ở quanh đó đến khuyên nhưng ông ấy không nghe. Sau đó có một chú cảnh sát giao thông trông cũng nhiều tuổi đến. Đố cậu chú ấy nói gì đấy?
– Nói đừng nhảy, còn bố mẹ già ở nhà phải báo hiếu à?
– Không phải.
– Thế nói sau này còn lấy được người tốt hơn phải không?
– Cũng không.
– Thế chú cảnh sát ấy nói gì, cậu nói đi.
– Nói “cậu được ăn nằm với vợ người ta bảy năm, cậu có thiệt thòi gì đâu, lãi thế mà sao lại đòi chết”.
– Haha.
Tôi gửi một icon mặt cười lăn lộn, còn khóe miệng của chính mình thì cũng khẽ cong lên, tâm trạng nặng nề bỗng nhiên dịu đi rất nhiều. Một câu chuyện cười rất bình thường, nhưng vì nó đến đúng lúc cho nên người ta sẽ trân trọng người kể chuyện hơn, tôi cũng vậy, tôi bảo cậu ấy:
– Đúng nhỉ? Ông kia lãi đây chứ, có thiệt thòi gì đâu mà lại đòi chết. Chắc nghe xong ông kia bỏ ý định tự tử luôn hả?
– Ừ, suy nghĩ cẩn thận, xong xuôi lặng lẽ đi vào phòng đóng cửa.
– Haha, đúng là chú công an có kinh nghiệm có khác, chỉ một câu thôi mà xoay chuyển được tình thế ghê.
– Vui hay buồn thì gì cũng sẽ qua mà, có tiếc hay ân hận thì chuyện xảy ra rồi, day dứt cũng vô ích, thế nên tội gì mà phải khổ, cứ nhìn theo góc độ khác như chú công an kia có phải tốt không.
Đúng vậy, dù tôi không mong muốn như vậy nhưng đứa bé của mợ Hiên cũng đã sinh ra rồi, tôi không thể thay đổi được gì nữa, cách tốt nhất bây giờ là nhìn theo một góc độ khác, giả như em bé còn sống và còn thở là tốt rồi, dù sinh non nhưng rồi nó cũng sẽ khỏe mạnh trở lại thôi…
Tôi vững tâm hơn, chậm chạp gửi đi một tin:
– Cảm ơn cậu.
– Sao tự nhiên lại khách sáo thế?
– Vì cậu xuất hiện đúng lúc đấy.
– Không phải đâu. Vì chúng ta gặp nhau đúng lúc đấy.
Nụ cười trên môi tôi lại trở nên sâu hơn, lúc này cảm thấy tinh thần đã được vực dậy quá nửa, không còn quá đau buồn và day dứt như ban nãy nữa:
– Nói chuyện với cậu tớ cảm thấy vui vẻ lại rồi, giờ tớ dậy ăn cơm đây. Cậu ăn cơm chưa?
– Tớ ăn rồi.
– Ừ, vậy lúc khác nhắn tin cho cậu nhé.
– Ok, ăn nhiều không sợ béo đâu.
– Yên tâm, tớ sẽ ăn hai bát.
Tâm trạng ổn rồi nên tôi đứng dậy đi tắm rửa, xong xuôi định ra bên ngoài tìm gì đó ăn thì thấy Duy vẫn chưa đi mà đang ngồi cầm ipad ngoài phòng khách.
Từ chuyện hôm nay mà tôi thấy có thiện cảm với anh ta hơn, cho nên chủ động hỏi chuyện trước:
– Hôm nay anh không phải đến công ty à?
– Ừ.
– Muốn ăn tối không, tôi nấu?
– Cũng được.
– Anh muốn ăn món gì? Trong tủ có thịt bò, tôm, thịt đông.
– Cơm gà BBQ.
– Món đó tôi không biết nấu, với cả cũng không có gà để làm. Hay là ăn món khác đi.
– Thế oder về đi, hình như ở tòa nhà đối diện có cửa hàng cơm gà BBQ đấy.
Không nói đến thì thôi, cứ nhắc cơm gà BBQ là tôi thèm nhỏ rãi, lâu lắm không được ăn rồi, hôm nay đang lười mà cái tên này còn chủ động đòi oder đồ ăn thế thì quá đúng ý tôi.
Tôi nghĩ cũng không cần nghĩ đã gật đầu lia lịa, sau đó lấy điện thoại ra oder ngay hai suất cơm sườn BBQ. Nhà hàng này làm đồ ăn rất nhanh, lại ở gần nữa nên chỉ mười lăm phút sau là đã mang đến.
Trên bàn ăn tôi với Duy ngồi đối diện nhau, mỗi đứa một đĩa cơm gà, không ăn mặc lịch sự mà cũng không ngồi trong nhà hàng năm sao nên cảm giác khác lắm. Lần đầu tiên thấy một người như Duy mà chịu ăn đồ ăn oder về thế này, tôi cứ cảm thấy như anh ta không hề xa cách mà trở nên rất gần gũi, giống như một người bạn bình thường của tôi.
Tôi buột miệng hỏi anh ta:
– Anh có nghĩ tôi làm thế với mợ Hiên để lấy cổ phần không?
Duy thản nhiên đáp:
– Không.
– Sao thế?
– Cách đó lộ liễu quá. Tôi thấy IQ của cô không cao lắm nhưng chắc cũng không đến nỗi thấp như vậy.
Chẳng biết anh ta đang nói móc hay là khen tôi nữa, nhưng dù sao anh ta vẫn tin tôi là tốt rồi. Nhìn thấy thái độ của anh ta khi trả lời “Không” mà không cần nghĩ ngợi, tự nhiên tôi lại cảm thấy như mình được tiếp thêm rất nhiều động lực, cũng thấy vững tâm hơn.
Tôi gật gật đầu:
– Cảm ơn anh nhé.
– Ăn đi.
– Ừ.
Mấy ngày hôm sau, ông ngoại nói tình hình sức khỏe của đứa bé đã khá hơn, các bác sĩ bảo chỉ số sinh tồn dần ổn định rồi, tảng đá đè nặng trong lòng tôi suốt từ hôm xảy ra chuyện tới giờ mới được trút bỏ.
Nhưng tôi vẫn không dám sang nhà ông ngoại, dù tôi đúng hay sai đi nữa thì chuyện kia xảy ra đã hoàn toàn chặt đứt mối quan hệ giữa tôi gia đình cậu Dũng, sau này cũng không thể nhìn mặt nhau một cách bình thường được nữa, cho nên có lẽ từ giờ ở ngôi nhà đó ngoài ông ra cũng chẳng còn ai chào đón tôi.
Ông ngoại sợ tôi buồn nên bảo:
– Con đừng lo lắng nhiều quá, giờ mọi chuyện cũng ổn rồi, chuyện cũng qua rồi. Lúc nào sang chơi với ông rồi thăm thằng cu luôn.
– Chắc giờ mợ Hiên với cậu Dũng không muốn gặp con. Thôi để lúc nào thích hợp thì con sang.
– Ừ. Không sao cả, con đừng buồn nhé.
– Vâng. Ông cũng giữ sức khỏe đấy.
– Ông biết rồi.
Tôi cũng tự động viên mình rằng “đợi khi nào có thời gian thì đón ông qua chơi cho đỡ nhớ, tôi không sang được thì ông sang với tôi”, dù sao thì Maybe đã nói rồi, có nuối tiếc cũng không giải quyết được gì cho nên tôi sẽ cố nhìn sự việc dưới một góc độ khác, để bản thân được vui hơn.
Cứ như thế cho đến một hôm Tòa soạn tôi có người mới chuyển tới, thực ra tòa soạn này của tôi lâu đời rồi, hầu như toàn người nhiều tuổi cả nên giờ nghe nói có người trẻ đến thì cả bọn háo hức lắm, nhất là thằng Hải, cứ nhốn nháo hết cả lên:
– Nếu có ông nào sàn sàn tuổi em đến thì tốt nhỉ? Đi săn tin rủ đi cùng cho đỡ cô đơn.
– Đi săn tin mà mày còn đòi có bạn nữa, rảnh à?
– Em có như chị đâu. Bà không sợ ma nhưng em thì sợ ma. Trèo tường đêm sợ chết khiếp.
– Xùy, cái đồ nhát gan. Không trèo tường thì làm sao hóng hớt được tin tức?
– Thế em mới cần đồng đội. À mà đến rồi kìa.
Tôi nhìn theo hướng tay Hải chỉ, thấy có một cậu thanh niên đứng trước cửa phòng của chúng tôi. Lúc đầu thấy mặt cậu ấy quen quen nhưng tôi không nhận ra ai, mãi sau lúc nghe giọng miền nam cất lên, tôi mới nhớ ra mình đã từng gặp người này trong Huế rồi.
Cậu ấy cười tươi nói:
– Em chào anh chị, em là Phong. Em mới đến đây nhận công tác ạ!
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!