Giá Như Đừng Gặp Gỡ - Phần 3
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
1175


Giá Như Đừng Gặp Gỡ


Phần 3


Chớp mắt một cái đã nửa tháng trôi qua, chúng tôi không gặp lại nữa, những ký ức ở quá khứ bị khuấy động dần dần lắng xuống, mọi chuyện cũng trở về quỹ đạo yên ả thường ngày, như chưa từng có cuộc gặp gỡ kia.
Chị quản lý thấy tôi có năng lực nên định sắp xếp tôi lên làm phục vụ phòng, nhưng tôi nhất quyết từ chối, tôi nói tôi không thích hợp làm công việc này nên nhường cho những người khác phù hợp hơn. Chị quản lý thuyết phục mãi không được nên đành thở dài:
– Bao nhiêu người muốn được lên làm phục vụ phòng, vừa nhàn lại vừa có cơ hội được gặp gỡ nhiều người hơn, sao em lại không thích?
– Chị thông cảm, chồng em hơi khó tính, em là phụ nữ có chồng mà vẫn cứ giao lưu với nhiều người khác giới cũng không hay chị ạ.
– Ôi bây giờ đàn bà ra ngoài kiếm tiền có thua kém gì đàn ông đâu, với cả chồng em sao cổ hủ thế, công việc gì nhàn cho vợ mình là được chứ, cứ làm phụ bếp lương thấp, lại vất vả nữa, khổ lắm chứ sướng gì đâu.
Tôi không biết đáp sao nên chỉ cười cho qua chuyện:
– Vâng, em biết mà, nhưng giờ hoàn cảnh thế thì phải chấp nhận thôi chị ạ. Với cả làm phục vụ phòng thì cũng phải làm thường xuyên nữa, mà em vẫn phải nghỉ để đi viện với chồng nên xin phép chị cho em ở dưới này làm phụ bếp thôi ạ.
– Ừ, thôi biết làm sao được. Em muốn làm ở dưới này thì cứ làm. Nhưng nếu có lúc nào đó suy nghĩ lại thì bảo chị nhé.
– Vâng, em cảm ơn chị ạ.
– Mà tháng này em làm chăm chỉ nhất, khách sạn thưởng thêm cho một triệu đấy, tý nữa xuống phòng hành chính nhận tiền nhé.
– Vâng ạ.
Cũng may nhờ được thưởng thêm nên cuối tháng đó tôi mới có tiền về quê thăm mẹ. Từ khi lên Hà Nội đến giờ đã 3 tháng rồi, bận rộn công việc, lại vướng lịch chạy thận của Trung nên mãi đến giờ tôi mới được về nhà.
Mới một thời gian ngắn trôi qua mà tóc mẹ tôi đã bạc đi mấy phần, thấy con gái về nhà, bà mừng đến nỗi cứ ôm lấy tôi mếu máo:
– Sao mà gầy thế hả con? Ở trên đó ăn uống không tử tế à? Sao mà mặt tọp đi hẳn thế này?
– Đâu, dạo này con đang giảm cân đấy, béo mặc quần áo xấu lắm, gầy đi mặc đồ cho dễ chịu.
– Nhìn mày còn mỗi da bọc xương thế này thì giảm béo cái gì.
Trung ngồi bên cạnh, thấy mẹ mắng tôi thế mới lên tiếng:
– Con nói mãi mà Linh không nghe dì ạ, ăn uống ít lắm. Buổi sáng mà chỉ ăn có mấy miếng bánh mì rồi đi làm thôi.
– Cái con này, cứ làm người khác phải lo.
Tôi cười hì hì nịnh mẹ:
– Thôi, từ sau con không giảm cân nữa, con ăn thịt bình thường là được chứ gì. Dạo này mẹ ở nhà buôn bán có được không?
– Cũng tàm tạm, trộm vía dạo này bán thêm ít đồ thịt cá lại đông khách.
– Vâng, thế là được rồi.
Ngày trước khi mẹ con tôi tay trắng về quê, họ hàng ở quê kinh tế cũng bình thường thôi, chỉ cưu mang được mẹ con tôi vài ngày chứ không thể giúp thêm gì cả.
Lúc đó, để có tiền nộp khắc phục hậu quả việc của bố, tôi và mẹ đã phải bán hết tài sản, ngay cả mấy chiếc nhẫn vàng tây cũng phải bán. Về quê mà hai mẹ con trong túi chỉ có mỗi hơn 200 nghìn.
Trung khi ấy đang là hàng xóm sát bên cạnh nhà tôi ở quê, gia đình anh bố mẹ mất sớm nên anh chỉ sống có một mình. Khi biết mẹ con tôi về, anh hết lòng giúp đỡ, thậm chí sau lúc vụ án bố tôi bị đưa ra xét xử, tôi cần một số tiền rất lớn để nộp án phí, anh đã không ngần ngại bán đi căn nhà mình đang ở để đưa tiền cho tôi.
Tất nhiên là tôi không dám nhận khoản tiền này, thấy phong bì dày thật dày trên tay, tôi run lẩy bẩy:
– Sao anh lại làm thế? Anh bán nhà đi thì biết ở đâu? Em không nhận đâu, anh mang tiền này đưa cho người ta để chuộc nhà về đi.
– Anh ở có một mình, mấy tháng nữa định lên thành phố xin việc, để nhà không cũng có làm gì đâu. Số tiền này cứ coi như anh cho em vay, đợi khi nào em có tiền rồi trả anh cũng được. Em cứ cầm lấy lo việc cho bố đi.
– Không, em không nhận đâu. Em nhận của anh rồi sau em biết lấy gì trả anh bây giờ, em không lấy đâu, anh mang đi chuộc lại nhà đi.
– Bán xong rồi thì ai cho chuộc nữa. Giờ anh mang tiền về cũng không có tác dụng gì, thôi đằng nào anh cũng bán rồi, em cầm đi cho anh vui. Với cả anh cho em vay cơ mà, anh có cho luôn đâu, sau tính lãi bằng ba bát phở.
Hôm ấy, sau rất lâu không khóc trước mặt người khác, tôi đã rơi nước mắt trước mặt anh. Khi gặp biến cố, người quen trở mặt, đến cả người tôi yêu cũng phản bội tôi, vậy mà một người dưng như Trung lại chẳng ngần ngại bán đi ngôi nhà duy nhất của mình để đưa tiền cho tôi. Thứ tôi nợ anh, không chỉ là tiền mà còn là ân tình, một ân tình mà cả đời này tôi vĩnh viễn không thể trả được.
Sau khi tôi nộp án phí cho bố, vẫn còn dư một khoản, định trả cho Trung nhưng anh nói để số tiền đó để sửa sang nhà tôi ở quê, tiện mở cho mẹ tôi một cửa hàng tạp hóa nho nhỏ để bà buôn bán, kiếm đồng ra đồng vào.
Thời gian đó Trung đi làm ở Hà Nội, nhưng cứ một tuần sẽ về quê một lần để thăm mẹ con tôi. Sau những sóng gió đã trải qua, chỉ có mỗi anh luôn ở bên tôi, động viên tôi, thế nhưng người tốt thường không gặp may thì phải. Hơn nửa năm sau đó thì anh phát hiện ra mình bị suy thận, không thể làm việc được ở Hà Nội nữa nên đành phải về quê, nhà không có để ở nên tôi bảo anh sang ở cùng mẹ con tôi. Để làng xóm không dị nghị, mẹ tôi mới đành phải nói với mọi người rằng tôi với anh sắp cưới nhau rồi.
Chớp mắt một cái mà gần 2 năm đã trôi qua, sức khỏe Trung càng ngày càng yếu, chữa trị ở quê không hiệu quả nữa nên chúng tôi đành khăn gói lên Hà Nội, một mặt là vì tôi muốn nỗ lực để có tiền ghép thận cho anh, một phần là vì ở thủ đô thì điều kiện y tế tốt hơn ở quê, chữa bệnh cũng yên tâm hơn nhiều.
Chỉ là dù cố gắng đến mấy thì tay tôi cũng vẫn không thể vẽ tranh nữa, mọi hy vọng về việc ghép thận cho Trung thì càng ngày càng xa. Mẹ tôi thương tôi vất vả nên cứ hỏi:
– Đã xin được vào phòng tranh nào chưa? Mẹ thấy cứ đi làm ở nhà hàng thế không được đâu, mình còn trẻ, với cả dù sao con gái con lứa chưa chồng cũng không nên lao động chân tay nhiều quá con ạ. Có khó khăn quá thì cứ về mẹ nuôi.
– Con vẫn lo được mà. Ở Hà Nội chạy thận cho anh Trung dễ hơn, đợi khi nào ổn ổn hơn thì con đón mẹ lên nhé?
– Thôi, ở đây có các cô dì chú bác chạy sang suốt nên đỡ buồn, lên Hà Nội rồi chúng mày đi cả ngày, có ai nói chuyện cùng đâu, lúc đó lại buồn rứt ra đấy.
Mẹ tôi nhanh thoăn thoắt thái rau củ, bỗng dưng lại quay sang hỏi:
– Mà dạo này con với Trung thế nào rồi, hai đứa có tiến triển gì chưa?
– Vẫn thế mẹ ạ. Bọn con vẫn ngủ riêng giường, chưa có gì thay đổi cả.
– Nó là người tốt đấy con ạ. Hai đứa ở bên nhau lâu như thế mà nó vẫn không đòi hỏi gì, việc nhà cũng siêng năng tháo vát, mà mẹ thấy nó thương con thật lòng. Nếu có ngày nào đó ghép được thận cho nó, hai đứa mà lấy nhau thì mẹ mừng.
– Vâng, con cũng nghĩ thế, nhưng giờ cứ thế đã mẹ ạ. Đợi đến khi anh Trung khỏe hẳn rồi tính.
– Lỡ nó không khỏe được thì sao, con đã nghĩ đến chưa?
Tất nhiên tôi đã nghĩ đến rồi, tôi cũng đã chuẩn bị tinh thần cho việc anh ra đi, cho nên trả lời rất nhẹ nhàng:
– Thế thì con sẽ chăm sóc anh ấy cho đến khi nào không thể chăm sóc được nữa mẹ ạ.
Mẹ tôi ngừng tay, ngẩng đầu lên nhìn tôi, trong ánh mắt không giấu được một niềm thương xót và đau lòng vô bờ bến:
– Số mày đúng là khổ con ạ. Mẹ mà gánh thay được cho mày thì tốt biết mấy.
– Mẹ lại bắt đầu nghĩ linh tinh rồi đấy, con khổ gì, con thế này là sướng hơn nhiều người rồi. Này nhé, có một người thương con, có bố mẹ khỏe mạnh, vài năm nữa bố ra tù rồi nhà mình lại đoàn tụ, giờ hơi vất vả tý thôi, vài năm nữa là sẽ sướng, khổ đâu mà khổ.
– Ừ.
Mẹ tôi sụt sịt lau nước mắt:
– Đợt vừa rồi con có đến thăm bố không?
– Con xin gặp, nhưng bố vẫn không chịu gặp mẹ ạ. Chắc bố vẫn còn ngại, thôi cứ để cho bố thêm thời gian, dù gì 4 năm nữa cũng chấp hành xong án rồi.
– Ừ, thôi con gọi Trung vào ăn cơm đi. Mẹ nấu xong rồi đây, bảo nó rửa tay đi rồi ăn cơm, nãy giờ đang thấy loay hoay lôi mấy cái quạt ra sửa đấy. Lần nào cũng thế, ốm rồi mà về nhà cứ thấy gì hỏng là lại làm.
– Vâng.
Ở nhà với mẹ hai hôm thì hai người bọn tôi lại khăn gói lên Hà Nội, lúc tôi đi làm lại thì thấy mọi người trong nhà hàng đang xôn xao bàn tán gì đó. Thấy tôi, một chị mới kéo lại:
– Này Linh, biết chủ của khách sạn mình là ai không?
Trước tôi cũng nghe mang máng khách sạn này thuộc công ty hay tập đoàn gì đó, họ có cả chuỗi khách sạn từ bắc vào nam cơ, tất nhiên nhiều khách sạn như thế thì ông chủ chẳng mấy khi đến đây nên tôi không mấy khi để ý.
Tôi lắc đầu bảo:
– Không ạ, em có biết đâu. Mà sao tự nhiên giờ mọi người lại quan tâm thế hả chị?
– À thì trước chỉ nghe nói thôi chứ có ai để ý, giờ thấy bảo con trai ông chủ mới về quản lý cơ nghiệp, mà lại còn chưa vợ nữa nên mấy đứa nhân viên đang nhốn nháo hết cả lên kia kìa.
– À… vâng. Nhưng chắc nhà họ có nhiều khách sạn thế thì cũng chẳng đến đây nhiều chứ. Em nghe nói họ là tập đoàn hay gì gì ấy, phải có trụ sở riêng chứ chị nhỉ?
– Chị cũng không rõ, nhưng nghe bảo cái phòng tổng thống trên tầng 15 đang sửa sang lại để làm phòng làm việc cho cậu con trai ông chủ kia đấy. Thế nên mấy đứa kia mới nhặng xị chứ. Đứa nào chẳng muốn câu được đại gia, mà đại gia tầm cỡ như con trai ông chủ thì mới xứng.
Tôi không quan tâm đến mấy việc này lắm, với cả “con trai nhà giàu” đã trở thành một ám ảnh không vui trong lòng tôi, cho nên tôi chỉ nghe thôi, từ tai này lọt sang tai kia là quên hết.
Những ngày tiếp theo, mọi chuyện vẫn diễn ra như bình thường, nhưng có một hôm nhà hàng đông khách, tôi dọn xong cũng đã hơn 11 giờ đêm rồi, trời lại mưa gió đì đùng, hết xe bus nên tôi đành đứng dưới mái hiên khách sạn book Grab.
Book ba bốn lượt cũng chẳng có tài xế nào chịu nhận, mà đi taxi thì đắt tiền gấp đôi nên tôi định chờ mưa tạnh rồi mới về. Sợ Trung chờ nên tôi lấy điện thoại ra nhắn tin, bảo anh không cần phải ra ngõ đón, vừa gửi tin nhắn xong thì bỗng dưng lại thấy một chiếc xe dừng lại ở ngay trước mặt tôi.
Xe thể thao, Porsche 911 màu xám, biển 4567, người đi xe này chỉ có hai loại, một là rất nhiều tiền, hai là rất rất nhiều tiền. Tôi không quen với kiểu người như vậy nên vô thức lùi về phía sau mấy bước, vừa đứng yên vị thì thấy cửa kính xe kéo xuống, một gương mặt lười biếng bất cần xuất hiện:
– Muốn đi nhờ một đoạn không?
Tất nhiên là tôi lắc đầu:
– Không cần, cảm ơn.
– Giờ này không bắt được Grab đâu, tất nhiên taxi thì giá gấp đôi. Không muốn tốn tiền thì lên xe.
Tôi vẫn kiên trì đáp:
– Anh đi trước đi.
Khánh nhếch môi nở một nụ cười lạnh nhạt, gạt sang số D rồi nhưng cuối cùng vẫn nói với tôi một câu:
– Vừa khéo tôi đang có thời gian, ở đây ôn lại chuyện cũ với cô một lúc cũng được. Cô không ngại mấy nhân viên khách sạn chỗ cô dị nghị chứ?
Ngoảnh đầu ra phía sau mới thấy mấy người lễ tân đang chỉ trỏ về phía bên này. Anh ta lúc nào cũng thế, khi xưa thì đi cái xe Porsche màu đỏ rất chói mắt đến trường tôi, thu hút sự chú ý của đám đông, bây giờ khẩu vị đã nhạt đi nhiều, Porsche cũng chuyển thành màu xám, nhưng xe xịn mà, xuất hiện ở đâu cũng vẫn luôn chói lóa như vậy.
Tôi không nói thêm lời nào, cũng không muốn anh ta cứ bám theo làm trò cười cho thiên hạ nên đi thẳng đến xe, mở cửa ngồi vào. Nụ cười của anh ta càng lúc càng sâu, ý giễu cợt càng lộ rõ:
– Đi đường nào?
– 472 đường xxx.
Suốt quãng đường, tôi không nói chuyện, cũng không nhìn anh ta. Khánh ban đầu cũng im lặng không làm phiền tôi, nhưng khi dừng đèn đỏ ở một ngã tư, đột nhiên anh ta lại lên tiếng:
– Chồng cô để cô về khuya một mình thế này, không sợ cô gặp người xấu à?
– Trên đời này làm gì còn người nào xấu hơn anh?
Tôi cười cười:
– Đến anh tôi còn gặp rồi, thì ma quỷ hay người xấu cũng thường thôi.
– À… biết tôi là người xấu mà vẫn dám lên xe tôi, cô cũng gan to thật đấy. Không sợ tôi đưa cô đi làm chuyện xấu à?
– Tôi nghĩ dù anh cặn bã đến mấy thì cũng không thiếu gái đến mức cần giải quyết với một người đàn bà có chồng như tôi đâu. Với cả phiền anh từ sau đừng quấy rầy tôi ở chỗ tôi làm nữa, tôi không thích người ta hiểu nhầm.
Anh ta vẫn chuyên tâm lái xe, dù bị tôi mắng như vậy vẫn giữ nguyên nụ cười trên môi:
– Sao? Sợ đến tai chồng cô à?
– Vâng. Thế nên để đỡ mất thời gian của đôi bên, anh cũng đỡ mang tiếng dây vào phụ nữ đã có gia đình, chúng ta đừng gặp nữa, hoặc có gặp cũng cứ coi như không quen biết nhau, được chứ?
– Còn phải xem tâm trạng tôi đến đâu đã.
Tôi lập tức quay sang, trừng mắt nhìn anh ta:
– Ý anh là gì?
– Xuống xe.
Anh ta không thèm để ý đến tôi, chỉ lạnh nhạt bảo tôi xuống xe. Mà lúc này, nhìn sang bên đường mới thấy đã về đến ngõ nhà tôi rồi. Tôi thực sự không thích thế này, đành hít sâu vào một hơi:
– Tôi không biết anh muốn gì, nhưng bây giờ chuyện của tôi với anh đã chấm dứt rồi, đây cũng không phải ở Mỹ, tôi còn có cuộc sống của tôi, hy vọng anh không làm khó tôi.
Khánh vẫn không trả lời, chỉ thò tay khởi động cần số muốn lái đi, tôi cũng không dây dưa nữa, lẳng lặng mở cửa đi xuống. Cứ nghĩ đã nhắn tin dặn thế thì Trung sẽ không đứng chờ nữa, nhưng vừa chạy vào ngõ đã thấy anh cầm ô đợi sẵn.
Tim tôi thoáng chốc nảy lên, giống như làm việc xấu bị phát hiện, tôi chột dạ hỏi:
– Anh, sao anh vẫn đứng ở đây?
– Anh thấy tạnh mưa rồi nên ra.
– À… anh ra lâu chưa?
– Vừa mới thôi, em đi bằng gì về thế, có bị dính mưa không?
Thấy anh không phát hiện ra tôi đi xe người lạ, lòng tôi mới an tâm hơn một chút. Tôi nhoẻn miệng cười:
– Không, em đi taxi, về thì trời tạnh mưa rồi. Mình vào nhà thôi anh.
Tối hôm đó, tôi lại không ngủ được, cứ nghĩ đến thái độ khó hiểu hôm nay của Khánh, tôi lại có linh cảm không tốt lắm. Trước kia, anh ta nổi tiếng là kiểu đàn ông một khi vứt bỏ sẽ không bao giờ dùng lại, dù có bao nhiêu cô gái khóc lóc van xin anh ta, anh ta cũng chỉ cười nhạo đáp:
– Người đẹp, em tội gì phải khổ như thế, chơi thế là vui rồi, dây dưa thêm sẽ mất vui đấy.
– Nhưng mà… em không xa anh được, em yêu anh mà, mình đừng chia tay được không?
– Trước lúc bắt đầu anh đã nói anh rất ghét phiền phức, chia tay là chia tay, cái anh cần anh dùng đủ rồi, mà thứ em cần cũng nhận đủ rồi. Em thế này là vi phạm luật chơi rồi, biết không?
– Nhưng…
Khánh dúi vào tay cô ta thêm ít tiền, vẻ mặt lạnh tanh:
– Cầm lấy chỗ này đi, coi như phí chia tay, khóc lóc phiền c.hế.t. Thế nhé, người đẹp, đừng tìm anh nữa.
Nói xong, anh ta lên xe phóng vút đi, để lại cô bạn gái kia ôm mặt khóc nức nở. Tôi chứng kiến từ đầu đến cuối, lòng thầm chửi anh ta là đồ cặn bã, nhưng cuối cùng tôi lại yêu phải hạng đàn ông khốn nạn đó. Sau này chia tay, vì sợ anh ta cười nhạo mình như đã từng cười nhạo cô gái kia, cho nên tôi mới chưa từng rơi nước mắt trước mặt Khánh, cũng chưa từng mong anh ta giải thích hay van xin quay lại.
Tôi cũng học anh ta, đã chia tay là sẽ dứt khoát. Thế nhưng sau sáu năm gặp lại, bỗng nhiên anh ta lại cứ như âm hồn không tan dây vào tôi, cho nên tôi mới không yên tâm, cứ lo sợ rồi thấp tha thấp thỏm.
Cũng may, sau hôm đó thì anh ta lại biến mất không một dấu tích, mấy bà lễ tân trong khách sạn từ lúc thấy tôi lên xe xịn cũng đồn ra đoán vào, nhưng sau đó không thấy Khánh đến lần nào nữa nên cũng thôi.
Vài hôm sau, bỗng dưng đang ăn sáng thì Trung tự nhiên nói với tôi:
– Linh này.
– Dạ.
– Anh xin được việc rồi.
Tôi giật mình, miếng bánh mì trong miệng suýt nữa bị nghẹn. Anh vội vàng rót một cốc nước đưa cho tôi, vỗ vỗ vai tôi nói:
– Bình tĩnh em.
– Em tưởng hôm trước đã thống nhất rồi mà. Làm sửa xe nặng nhọc lắm, em không đồng ý.
– Không phải, anh không làm sửa xe. Hôm trước anh đọc thấy một mẩu tin tuyển nhân sự dán ở đầu ngõ nên thử gửi hồ sơ qua mail cho người ta, anh cũng có ghi tình hình sức khỏe rồi. Cứ nghĩ họ không nhận, nhưng hôm qua thấy họ gửi mail trả lời. Người ta nhận anh rồi em ạ.
– Nhưng anh xin làm việc gì mới được chứ?
– Anh làm bộ phận thiết kế.
Trước đây Trung học Đại học Kiến Trúc, cũng làm cho mấy công ty xây dựng nho nhỏ, nhưng bệnh tật thế nên không đáp ứng được công việc, nên bị công ty cho nghỉ. Giờ anh xin được việc thế này tôi cũng mừng, nhưng mà cũng lo nữa.
Tôi hỏi:
– Anh ốm thế thì đi làm làm sao được? Với cả hàng tuần vẫn phải đến viện chạy thận nữa?
– Họ đồng ý cho anh làm việc online, khi nào thật sự cần thì mới phải đến công ty thôi. Công việc của anh ở nhà làm cũng được mà, chạy thận xong lại làm, miễn là kịp thời gian bàn giao bản vẽ là được. Bên kia họ đưa ra mức lương thử việc là 12 triệu/tháng đấy em ạ.
– Sao lại có chuyện tốt thế được?
– Ừ. Lúc đầu anh cũng không tin, anh cũng nghĩ sao tự nhiên lại có chuyện tốt thế được. Nhưng mà nhìn đi nhìn lại mail thì đúng là mail của tập đoàn em ạ. Tập đoàn đó lớn lắm, ngày xưa anh làm thiết kế cho mấy công ty cũ cũng nghe danh tiếng suốt rồi, họ là tập đoàn chuyên về bất động sản, họ không cần lừa một người chẳng có gì như anh đâu.
Đã rất lâu rồi tôi không thấy vẻ mặt háo hức và mong đợi này của anh, cũng rất lâu chưa thấy Trung cười tươi đến thế. Có được công việc như thế thật sự quá tốt, rất phù hợp với ngành nghề của anh, lương lại cao, hơn nữa cũng không phải vất vả đi sớm về khuya, có việc làm cũng đỡ buồn.
Chỉ là đã trải qua rất nhiều sóng gió, tôi hiểu được một đạo lý rằng: Thứ tự nhiên từ trên trời rơi xuống thì chỉ có mưa và phân chim thôi. Không có miếng bánh nào béo bở cả.
Tôi nghi hoặc hỏi anh:
– Tập đoàn đó là tập đoàn nào hả anh?
– Tập đoàn Hoàng Phong em ạ.
***
Lời tác giả: Mọi người có nhớ tập đoàn Hoàng Phong trong truyện nào không nè?

Yêu thích: 4.8 / 5 từ (5 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN