Sứ Giả Của Thần Chết
Chương 10
Xa lộ Kansas tuyết phủ rực cháy với những chiếc xe nhấp nháy đèn đỏ biến bầu không khí sương giá thành màu đỏ như máu. Một chiếc xe cứu hoảa, xe cứu thương, xe trục, bốn chiếc xe tuần tra xa lộ, một chiếc xe cảnh sát nằm ở giữa, trong ánh pha bao phủ, là chiếc xe cẩu quân đội M.871 năm tấn và bên dưới nó, một phần chiếc xe móp méo cửa Edward Ashley. Một chục sĩ quan cảnh sát và lính cứu hoả đang đi vòng quanh, vung tay và giậm chân tìm cách giữ ấm trong cơn rét trước lúc bình minh. Giữa xa lộ là một cái xác được phủ lên bằng tấm vải dầu. Một chiếc xe cảnh sát trưởng tiến đến và trong lúc dừng lại, Mary Ashley từ trong xe chạy ra. Nàng run rẩy khủng khiếp đến nỗi hầu như nàng không đứng được. Nàng trông thấy tấm vải dầu và vụt chạy về phía ấy.
Cảnh sát trưởng Munster chộp lấy tay nàng:
– Tôi sẽ không nhìn thấy ông ấy nếu tôi là bà, bà Ashley ạ.
– Buông tôi ra! – Nàng thét lên. Nàng thoát khỏi tay ông và tiến về phía tấm vải dầu.
– Xin vui lòng, bà Ashley. Bà không nên nhìn thấy ông ấy trông thấy như thế nào. – Ông chộp được tay nàng trong lúc nàng xỉu đi.
***
Nàng tỉnh lại trong ghế sau của chiếc xe cảnh sát trưởng. Cảnh sát trưởng Munster đang ngồi ở ghế trước qua sát nàng. Máy toả nhiệt được bật lên và chiếc xe ngột ngạt.
– Chuyện gì đã xảy ra? – Mary buồn rầu hỏi.
– Bà xỉu đấy.
Nàng bỗng nhớ lại. “Bà không nên nhìn thấy ông ấy trông như thế nào”.
Mary từ cửa sổ nhìn ra tất cả những chiếc xe cấp cứu và những ánh đen đỏ nhấp nháy, nàng nghĩ: “Đây là một cảnh địa ngục”. Mặc dù trong xe rất ấm, răng nàng vẫn đánh bò cạp.
– Làm thế nào… – nàng cảm thấy khó nói thành tiếng. – Việc ấy xảy ra như thế nào?
– Chồng bà chạy qua bảng tín hiệu dừng lại. Một quân xa đang tiến đến dọc theo đường 77 và định tránh ông ấy, nhưng chồng bà đã đâm thẳng trước mặt.
Nàng nhắm mắt và nhìn tai nạn diễn ra trong trí. Nàng trông thấy chiếc xe xông đến Edward và cảm giác được cơn kinh hãi trong khoảnh khắc cuối cùng của chàng…
Tất cả những gì nàng nghĩ ra được để nói là Edward là một trong những người lái xe cẩn thận… Anh ấy… không bao giờ lái xe qua một bảng tín hiệu dừng lại cả!
Viên cảnh sát trưởng tỏ vẻ thông cảm nói:
– Bà Ashley, chúng tôi có nhân chứng. Một vị linh mục và hai nữ tu sĩ đã trông thấy việc ấy xảy ra và ông đại tá Jenkins từ pháo đài Riley nữa. Họ đều nói y như nhau. Chồng bà chạy qua bảng tín hiệu dừng lại.
***
Mọi việc sau đấy hình như xảy ra với những cử động chậm chạp. Nàng xem xác của Edward được khiêng vào một chiếc xe cứu thương. Cảnh sát đang thẩm vấn một vị linh mục và hai nữ tu sĩ và Mary nghĩ: “Họ sẽ bị cảm lạnh vì đứng ngoài như thế”.
Cảnh sát trưởng Munster nói:
– Họ sẽ chuyển cái xác đến nhà xác.
– Cái xác, Cám ơn ông, – Mary lịch sự nói.
Ông nhìn nàng một cách kỳ lạ.
– Tốt hơn, tôi đưa bà về nhà, – Ông nói. – Tên của vị bác sĩ thân nhân bà là gì?
– Edward Ashley, – Mary nói. – Edward Ashley là thân nhân của tôi.
Sau này, nàng nhớ lại nàng đã đi bộ lên nhà và cảnh sát trưởng Munster đã dìu nàng vào bên trong. Florence và Douglas Schiffer đang đợi nàng trong phòng khách. Trẻ con vẫn còn ngủ.
Florence quàng tay người nàng.
– Ồ, chị yêu quý, rất tiếc, thật kinh khủng.
– Được thôi, – Mary điềm tĩnh nói. – Edward đã bị tai nạn.
Douglas nói:
– Nào, tôi sẽ đưa chị về giường.
– Tôi không buồn ngủ. Có chắc rằng anh không muốn dùng gì không?
***
Trong lúc Douglas đưa nàng vào phòng ngủ, Mary bảo chàng:
– Đấy là một tai nạn. Edward bị tai nạn.
Douglas nhìn xoáy vào mắt nàng. Đôi mắt nàng mở to và ngây dại. Chàng cảm thấy ớn lạnh.
Chàng xuống cầu thang để lấy túi thuốc của chàng. Khi chàng trở lại Mary vẫn chưa động đậy.
– Tôi sẽ cho chị uống một tí để ngủ.
Chàng cho nàng một viên thuốc an thần, dìu nàng vào giường và ngồi bên cạnh. Một giờ sau, Mary vẫn thức.
Chàng cho nàng một viên an thần khác. Rồi một viên thứ ba. Cuối cùng, nàng ngủ.
***
Tại thị trấn Junction đang diễn ra những thủ tục điều tra nghiêm ngặt trong bản báo cáo mẫu 1048 – tai nạn thương tích. Một chiếc xe cứu thương được phái đi từ cơ quan cứu thương tỉnh và một sĩ quan của cảnh sát trưởng được đưa đến hiện trường. Nếu nhân viên quân đội dính líu vào tai nạn cơ quan CID – Đơn vị điều tra tội phạm của lục quân – sẽ tiến hành điều tra song song với văn phòng của cảnh sát trưởng.
Shel Planchard, một sĩ quan mặc thường phục từ tổng hành dinh CID tại Pháo đài Riley, cảnh sát trưởng và một vị phụ tá đang xem báo cáo tai nạn trong văn phòng cảnh sát trưởng tại đường số 9.
– Nó lừa tôi rồi, – Cảnh sát trưởng Munster nói.
– Có vấn đề gì thế, Cảnh sát trưởng? – Planchard lên tiếng hỏi.
– Nhìn đây này. Có năm nhân chứng cho tai nạn, đúng không? Một linh mục hai nữ tu sĩ, đại tá Jenkins và tài xế xe tải, trung sĩ Walhs. Mọi người đều nói rằng xe của Bác sĩ Ashley đã rẽ vào xa lộ, chạy qua bảng tín hiệu dừng lại và bị một chiếc xe tải quân đội tung.
– Đúng rồi, – nhân viên CID nói. – Điều gì đã làm ông bận tâm nào?
Cảnh sát trưởng Munster gãi đầu.
– Thưa ông, ông có bao giờ trông thấy một bảng báo cáo tai nạn có hai nhân chứng đều nói y như nhau không? – Ông đấm mạnh nắm tay xuống đống giấy tờ. – Điều làm tôi bận tâm kinh khủng là mỗi nhân chứng đều nói y như thế.
Nhân viên CID nhún vai.
– Điều đó cho thấy rằng sự việc đã xảy ra khá rõ ràng.
Vị cảnh sát trưởng nói:
– Còn có một điều gì khác mà tôi nghĩ không ra.
– Hả?
– Một linh mục, hai nữ tu sĩ và một vị đại tá làm gì ngoài xa lộ số 77 vào lúc bốn giờ sáng thế?
– Chẳng có gì bí ẩn cả. Vị linh mục và hai nữ tu sĩ đang trên đường đến Leolardviue và ngài đại tá đang trở về Pháo đài Riley.
Vị cảnh sát trưởng nói:
– Tôi đã kiểm tra. Tấm phiếu phạt cuối cùng của Bác sĩ Ashley đã sáu năm qua thuộc về tội đậu xe bất hợp pháp. Ông ấy chẳng có hồ sơ tai nạn nào cả.
Nhân viên CID nhìn ông dò xét:
– Cảnh sát trưởng ạ, ông chỉ đề nghị có thế à?
Munster nhún vai:
– Tôi không đề nghị gì cả. Tôi chỉ có một cảm giác buồn cười về chuyện này thôi.
– Chúng ta đang đề cập đến một tai nạn được trông thấy bởi năm nhân chứng. Nếu tôi nghĩ rằng có một âm mưu nào đó có liên can đến chuyện này, giả thuyết của ông có lỗ hổng lớn đấy. Nếu…
Vị cảnh sát trưởng thở dài.
– Tôi biết nếu đấy không phải là một tai nạn, tất cả những gì chiếc xe tải quân đội phải làm là hất tung ông ta và tiếp tục đi. Sẽ chẳng có lý do nào cho tất cả những nhân chứng này và câu chuyện phi lý này cả!
– Đúng thế, – người nhân viên CID đứng dậy và vươn vai. – Mà thôi, tôi phải trở về lại căn cứ. Về phần tôi, tài xế xe tải, trung sĩ Wallis, vô tội. – Ông ta nhìn vị cảnh sát trưởng. – Chúng ta đồng ý không?
Cảnh sát trưởng Munster miễn cưỡng nói.
– Vâng. Có lẽ là một tai nạn.
***
Mary thức giấc vì tiếng con khóc nàng nằm yên vẫn nhắm chặt và suy nghĩ. Đây là một phần của cơn ác mộng của mình. Mình ngủ và khi mình thức dậy, Edward sẽ sống lại.
Nhưng tiếng khóc vẫn tiếp tục. Khi nàng không còn chịu đựng nổi nữa, nàng mở mắt, nằm đấy nhìn đăm đăm lên trần nhà. Cuối cùng nàng miễn cưỡng cố gắng ra khỏi giường. Nàng cảm thấy chán nản. Nàng bước vào phòng ngủ của Tim.
Florence và Beth đang ở đấy với nó. Cả ba đang khóc. Ứớc gì mình có thể khóc được nhỉ.
Beth ngẩng đầu nhìn Mary.
– Có phải bố chết thật không?
Mary nghẹn ngào gật đầu. Nàng ngồi xuống mép giường.
– Tôi phải cho chúng nó biết, – Florence lên tiếng xin lỗi. – Chúng nó định đi chơi với một số bạn bè.
– Được rồi. – Mary vuốt tóc Tim. – Đừng khóc con. Mọi việc rồi sẽ ổn cả thôi.
Chẳng có gì còn ổn nữa.
Chẳng bao giờ!
***
Ban chỉ huy CID lục quân hoa kỳ tại pháo đài Riley đóng tại toà nhà số 169, một toà nhà kiến trúc đá vôi cổ có cây cối bao bọc với những bậc cấp dẫn đến cổng toà nhà, Trong một văn phòng trên tầng nhất, Shel Planchard, sĩ quan CID, đang nói chuyện với đại tá Jenkins.
– Thưa ngài, tôi e rằng có một số tin tức không hay. Trung sĩ Wallis, tài xế chiếc xe tải đã giết ông bác sĩ dân sự!
– Có chuyện gì?
– Sáng nay, hắn chết vì chứng đau tim.
– Thật là nhục.
Nhân viên CID nói với giọng yếu đuối.
– Vâng, thưa ngài. Xác hắn được hoả táng sáng nay. Việc ấy rất đột ngột.
– Bất hạnh. – Vị đại tá đứng lên. – Tôi sắp thuyên chuyển ra nước ngoài. – Ông nhếch mép cười nụ. – Một sự thăng chức hơi quan trọng đấy.
– Chúc mừng thưa ngài. Ngài xứng đáng đấy!
***
Mary Ashley sau đấy quyết định rằng điều duy nhất vãn hồi được sự lành mạnh của tâm hồn nàng là ở trong một tình trạng sốc. Mọi việc đã xảy ra hình như đang xảy ra cho một người khác. Nàng như người đang ở dưới nước, di chuyển chậm chạp và nghe các giọng nói từ nơi xa vắng lọc qua một lớp nệm.
Tang lễ được tổ chức tại nhà tang lễ MASS – Hinitt Alexander trên đường Jefferson. Đấy là một toà Nhà Xanh có cổng xây trắng và một chiếc đồng hồ trắng lớn trên lối vào. Phòng tang lễ chật ních bạn bè và đồng nghiệp của Edward. Có hàng chục vòng hoa và bó hoa. Một trong những vòng hoa to nhát có một tấm thiếp ghi đơn giản: “Sự thương cảm sâu xa nhất của tôi. Paul Ellison”.
Mary Beth và Tim ngồi một mình trong gian phòng dành cho gia đình bên cạnh phòng tang lễ, hai đứa bé mắt đỏ hoe và im lặng.
Quan tài đựng thi hài Edward được đậy lại. Nàng không sao không nghĩ đến lý do.
Vị mục sư lên tiếng…
Nàng và Edward đang ở trên một chiếc thuyền buồm con trên hồ Milford.
– Em thích đi chơi thuyền buồm không? Chàng đã hỏi nàng đêm hò hẹn đầu tiên.
– Em chưa bao giờ đi chơi thuyền buồm cả.
– Thứ bảy, – chàng nói, – Chúng ta hẹn gặp nhau nhé.
Họ cưới nhau một tuần sau đấy.
– Cô có biết tại sao tôi cưới cô không, thưa cô, – Edward chọc. – Cô đã thi đậu. Cô đã cười nhiều và cô đã không ngã trên boong.
Khi tang lễ chấm dứt Mary và con nàng vào trong một chiếc xe hòm đen, dài, dẫn đầu đoàn tang đi vào nghĩa địa. Nghĩa địa cao nguyên trên đường Ash là một công viên rộng rãi có một đường trải sỏi vòng quanh. Đó là một nghĩa địa cổ nhất tại thị trấn Junction và nhiều mộ bia từ lâu đã bị ngày tháng ăn mòn. Vì cái lạnh cắt da, buổi lễ bên mồ được cử hành ngắn ngủi.
– Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin ta, dù có chết cũng sẽ sống; và bất cứ ai sống và tin ta sẽ không bao giờ chết. Ta là người đã sống và đã chết và, nhìn này, ta sống mãi mãi.
Cuối cùng buổi lễ kết thúc một cách thương tâm.
Mary và con nàng đứng trong cơn gió rít nhìn chiếc quan tài đang được hạ xuống lòng đất lạnh, không ai chăm sóc.
Vĩnh biệt, anh yêu dấu của em.
***
Cái chết được xem như một sự kết thúc, nhưng đối với Mary Ashley, nó lại là khởi đầu của một địa ngục không chịu đựng nổi. Nàng và Edward đã đề cập đến cái chết và Mary đã nghĩ rằng nàng đi đến thoả thuận với nó, nhưng bây giờ cái chết đã đột nhiên khoác lên mình một thực tế cấp bách và kinh khiếp. Nó không còn là một biến cố mơ hồ sẽ xảy ra vào một ngày xa xôi nào đấy. Chẳng có cách nào để đương đầu với nó. Mọi thứ trong người Mary đều thét lên để chối bỏ điều đã xảy ra cho Edward. Khi chàng chết, mọi điều tuyệt vời đều chết theo chàng. Thực tế vẫn tiếp tục chạm đến nàng bằng những đợt sốc mới mẻ. Nàng muốn được ở một mình. Nàng thu mình lại thật sâu bên trong người nàng, và cảm thấy mình giống như một đứa bé kinh hãi vì bị người lớn bỏ rơi. Nàng cảm thấy giận Thượng đế. “Tại sao ngài không mang mình đi trước?” – nàng gặng hỏi. Nàng giận Edward vì đã trốn tránh, nàng giận con và giận với chính nàng. “Mình là một phụ nữ 35 tuổi với hai đứa con và chẳng biết mình là ai. Khi mình là bà Edward Ashley, mình có một sự đồng nhất mình thuộc về một người thuộc về mình”.
Thời gian trôi qua chế giễu sự trống vắng của nàng. Cuộc đời nàng giống một con tàu đang lồng lên mà nàng chẳng kiểm soát được.
Florence và Douglas và những người bạn khác ở lại với nàng, tìm cách làm cho sự việc dễ dàng hơn, nhưng Mary mong họ bỏ đi và để nàng một mình.
Florenee vào nhà vào một buổi chiều và thấy Mary đang xem một trận túc cầu trên máy truyền hình trước mặt.
– Chị ấy cũng không biết em đến nữa – Florence bảo chồng vào tối hôm ấy, – Chị ấy đang tập trung thật tuyệt vọng vào trận đấu ấy. – Nàng rùng mình. – Thật như có ma ấy.
– Sao vậy?
– Mary ghét túc cầu. Chỉ có Edward xem các cuộc thi đấu ấy thôi.
Mary đã mất ý trí cuối cùng để giải quyết những vấn đề còn lại do cái chết của Edward để lại. Có chúc thư và bảo hiểm, các tài khoản ngân hàng và thuế má, các phiếu nợ và đoàn thể y khoa các khoản vay mượn, tài sản và các khoản thiếu hụt của Edward và nàng muốn thét vào mặt những luật sư, những chủ ngân hàng và những nhân viên kế toán rằng hãy để nàng yên.
– Mình không muốn đối phó – nàng khóc.
Edward đã đi rồi và bất cứ ai cũng chỉ muốn đề cập đến tiền thôi.
Cuối cùng, nàng bị bắt buộc phải thảo luận.
Frank Dunphy, nhân viên kế toán của Edward nói, – Tôi e rằng những thứ phiếu và thuế tử sẽ tốn mất nhiều tiền bảo hiểm sinh mạng đấy, bà Ashley ạ Chồng bà khá bê trễ về việc đòi các bệnh nhân trả tiền cho ông ấy. Ông ấy nợ nhiều tiền. Tôi sẽ thu xếp việc thu nhập các chứng từ đế theo dõi những mắc nợ…
– Không! – Mary nói một cách mãnh liệt. – Edward không muốn điều ấy.
Dunphy lúng túng.
– Vậy thôi, tôi cho rằng thấp nhất tài sản của bà cũng được 30.000 đô-la tiền mặt và ngôi nhà này, có thể cầm cố. Nếu bà bán ngôi nhà…
– Edward không muốn cho tôi bán nốt.
Nàng ngồi đấy, kiên quyết và cứng rắn, bám chặt vào sự nghèo túng của nàng. Dunphy nghĩ: “Mình ao ước vợ mình cũng lo cho mình nhiều như thế”.
Nhưng điều tệ hại nhất vẫn chưa đến. Đã đến lúc phải giải quyết những đồ đạc riêng của Edward. Florence đề nghị giúp nàng, nhưng Mary nói:
– Không, Edward muốn tôi làm việc ấy.
Có quá nhiều những vật thân thiết nhỏ bé. Một chục ống điếu, một hộp thuốc lá mới toanh, hai cặp kính đọc sách, những ghi chép về một bài thuyết trình y khoa mà chàng sẽ chẳng bao giờ đọc nữa.
Nàng vào trong tủ của Edward và đưa ngón tay vuốt nhẹ những bộ quần áo chàng sẽ chẳng bao giờ mặc lại. Chiếc cà vạt xanh chàng đã mang đêm cuối cùng chung sống với nhau. Những chiếc găng tay và khăn quàng giữ ấm cho chàng trong những cơn gió mùa đông. Chàng không còn cần đến những thứ ấy trong nấm mồ lạnh lẽo của chàng.
Nàng cẩn thận cất giữ dao cạo và những chiếc bàn chải đánh răng của chàng bằng những cử động như một người máy. Nàng tìm thấy những bức thư tình họ đã viết cho nhau, gợi lại những kỷ niệm của những ngày túng thiếu khi Edward bắt đầu cuộc thực tập riêng. Một bữa ăn chiều vào lễ Tạ ơn không có một con gà tây, những buổi cắm trại hè và những buổi trượt tuyết mùa đông và những lần mang thai đầu tiên của nàng và những lúc cả hai đọc sách cho Beth và chơi nhạc cổ điển cho nó khi nó còn trong bụng mẹ, bức thư tình Edward đã viết cho nàng khi Tim mới sinh và quả táo mạ vàng mà Edward đã tặng nàng khi nàng bắt đầu đi dạy cùng cả trăm những vật xinh đẹp khác đã làm nàng bật khóc. Cái chết của chàng như một trò đùa của một phù thuỷ độc ác nào đấy.
Một thời Edward đứng đấy, sống động, nói chuyện, mỉm cười, yêu đương và thời kế tiếp là chàng đã biến vào lòng đất lạnh.
Mình là một người trưởng thành. Mình phải chấp nhận thực tế. Mình không trưởng thành. Mình không thể chấp nhận nó. Mình không muốn sống.
Nàng thức trắng suốt đêm dài chỉ đơn giản là suy nghĩ theo Edward, hầu chấm dứt cơn hấp hối không chịu đựng nổi, để được yên tĩnh. Mình được giáo dục để hy vọng một kết thúc hạnh phúc, – Mary nghĩ thế.
Nhưng chẳng có kết thúc hạnh phúc nào cả.
Chỉ có cái chết chờ đợi mình thôi. Mình tìm thấy tình yêu và hạnh phúc và nó bị giật khỏi tay mình một cách vô lý. Mình đang ở trên một phi thuyền hoang vắng. Đang bay loạn xạ một cách vô tình giữa các vì sao. Cuộc đời là Dachau (một trại tập trung tù chính trị của Đức quốc xã gần Munich) và tất cả bọn mình là người Do Thái.
Cuối cùng nàng thiếp đi và vào giữa đêm, những tiếng thét rùng rợn của nàng làm con nàng thức giấc và chúng nó chạy đến bên giường nàng rồi bò vào giường, ôm chặt lấy nàng.
– Mẹ sẽ không chết chứ? – Tim thì thầm.
Mary suy nghĩ: “Mình không thể giết mình. Chúng nó cần đến mình. Edward sẽ không bao giờ tha thứ cho mình”.
Nàng phải tiếp tục sống. Vì các con. Nàng phải cho chúng nó tình yêu mà Edward không còn cho chúng nó được.
Tất cả chúng con quá nghèo túng vì không có Edward. Chúng con cần nhau kinh khủng. Thật mỉa mai là cái chết của Edward khó chịu đựng hơn vì chúng con đã cùng nhau có một cuộc sống thật hạnh phúc. Còn quá nhiều lý do hơn để nhớ chàng, có quá nhiều kỷ niệm sẽ chăng bao giờ xảy ra nữa. Chúa ơi, ngài ở đâu? Ngài có nghe con không? Hãy giúp con. Xin ngài hãy giúp đỡ con.
Ring Lardner đã nói “Ba trong cả ba sẽ phải chết, vậy hãy ngậm miệng và đối phó”. Con phải đối phó. Con ích kỷ kinh khủng. Con cư xử tệ dường như con là người duy nhất trên đời đau khổ. Chúa không tìm cách phạt con. Cuộc đời là một cái bao tạp vật khổng lồ. Vào lúc này, ở đâu đấy trên cuộc đời, một người nào đấy đang mất một đứa con, đang trượt tuyết xuống một ngọn núi, đang khoái lạc đến cực điểm, đang húi tóc, đang nằm trên một chiếc giường đau đớn, đang hát trên sân khấu, đang chết đuối, đang kết hôn, đang chết đói trong một nơi bẩn thỉu. Cuối cùng có phải chúng con đều cũng là con người ấy không? Một niên đại là một nghìn triệu năm và một niên đại trước mọi nguyên tử trong thân xác chúng ta là một phần của một vì sao. Hãy chú ý đến con, Chúa ơi. Tất cả chúng con đều là một phần của vũ trụ của ngài và nếu chúng con chết, một phần vũ trụ của ngài cũng chết với chúng con.
EDWARD Ở KHẮP NƠI
Chàng ở trong những bài hát mà Mary nghe trên radio, trên những ngọn đồi mà họ đã cùng nhau đi qua. Chàng ở trên giường bên cạnh nàng lúc nàng thức dậy khi mặt trời mọc.
– Em ơi, sáng nay em phải dậy sớm. Anh phải giải phẫu tử cung và giải phẫu hông.
Giọng nói của chàng đến với nàng rõ ràng.
Nàng bắt đầu nói chuyện với chàng
“Em lo cho con, Edward ạ. Chúng nó không muốn đi học. Beth nói là chúng nó sợ rằng khi chúng nó về nhà em sẽ không còn ở đây nữa”.
Mary đi viếng nghĩa địa mỗi ngày, đứng trong bầu không khí lạnh giá than khóc cho những gì nàng đã mất đi mãi mãi. Nhưng điều ấy chẳng làm nàng khuây khoả gì cả.
“Anh không có ở đây. – Mary nghĩ thế. – Hãy cho em biết anh ở đâu? Em van anh đấy”.
Nàng nghĩ đến câu chuyện của Marguerite Yourcenarl! “WANG-FU ĐÃ ĐƯỢC CỨU THOÁT CÁCH NÀO”. Đó là một câu chuyện cổ tích về một nghệ sĩ Trung Hoa bị Hoàng đế kết án tử hình vì tội nói dối, vì chàng đã vẽ những bức tranh về một thế giới mà vẻ đẹp mâu thuẫn với thực tế. Nhưng nhà nghệ sĩ đã lừa Hoàng đế bằng cách vẽ một chiếc thuyền rồi chàng bước lên, kéo buổm lên đi mất.
– Em cũng muốn trốn thoát, – Mary nghĩ thế. – Em không thể nào đứng dậy mà không có anh, anh yêu dấu.
Florence và Douglas tìm cách an ủi nàng.
– Anh ấy đã yên rồi – họ bảo Mary như thế. Và một trăm câu nói rập khuôn khác. Những lời nói an ủi thanh thản, ngoại trừ chuyện chúng chẳng khích lệ tí nào cả.
Bây giờ cũng thế. Mãi mãi cũng thế.
Nàng hay thức giấc lúc nửa đêm và chạy qua phòng các con để chắc chắn chúng được an toàn.
– Con mình sẽ phải chết, – Mary nghĩ thế. – Tất cả chúng mình sẽ phải chết. – Người ta đang điềm tĩnh đi trên phố “Ngu xuẩn, cười cợt, hạnh phúc” vì tất cả bọn họ phải chết. Giờ của họ đã được xếp đặt và họ làm mình hao mòn bằng cách chơi những ván bài ngu xuẩn và đi xem những phim ngốc nghếch và những trận túc cầu vô vị. Tỉnh dậy, nàng muốn hét lên. “Mặt đất là lò sát sinh của Thượng đế và chúng ta là bầy gia súc của ngài. Họ có biết điều gì sẽ xảy ra cho họ và cho mỗi người mà họ yêu không?”
Câu trả lời đến với nàng, từ từ, đau thương, xuyên qua những bức màn đen nặng nề của sầu muộn. Dĩ nhiên là họ biết. Các trò chơi của họ là một hình thức thách đố, tiếng cười của họ là một hành động của vẻ hiên ngang giả tạo – sự hiên ngang giả tạo phát sinh từ nhận thức rằng cuộc đời có giới hạn, rằng mọi người đều phải đối diện với cùng một số phận, và dần dần sự sợ hãi và cơn giận của nàng tan đi và chuyển thành sự kinh ngạc về lòng can đảm của những người đồng loại của nàng. Mình xấu hổ thực. Mình phải tìm ra con đường của mình qua mê cung của thời gian. Cuối cùng, mỗi người chúng ta cô đơn, nhưng đồng thời, tất cả chúng ta đều phải sát cánh với nhau để cho nhau hơi ấm và niềm an ủi.
Nàng tiếp tục chuyện trò với chàng.
“Hôm nay, em đã nói chuyện với thầy giáo của Tim. Điểm của nó có tiến bộ. Beth đang cảm lạnh liệt giường. Hãy nhớ xem nó thường bị cảm lạnh như thế nào vào thời gian này trong năm? Tối nay, tất cả bọn em sẽ ăn tối tại nhà của Florence và Douglas. Họ thật tuyệt, anh yêu. Và giữa đem đen, khoa trưởng ghé lại nhà. Ông ấy muốn biết liệu em có dự định trở về dạy lại Trường đại học không. Em không muốn bỏ con một mình, ngay cả trong chốc lát. Con rất cần đến em. Anh có nghĩ rằng sẽ có ngày em đi dạy lại không?.
Ít ngày sau đấy. Douglas được thăng chức, Edward ạ. Anh ấy được bổ nhiệm làm trưởng ban ở bệnh viện”.
***
Tổng thống Paul Ellison, Stanton Rogers và Floyd Baker đang họp trong văn phòng bầu dục.
Ngài Bộ trưởng Quốc phòng nói:
– Thưa Tổng thống, cả hai chúng ta bị nhiều áp lực. Tôi không cho rằng chúng ta không thể hoãn lại lâu hơn nữa việc bổ nhiệm một đại sứ sang Rumani. Tôi thích ngài nhìn qua danh sách mà tôi đã trao cho ngài để ngài chọn…
– Cám ơn, Floyd. Tôi đánh giá cao nỗ lực của ông. Tôi vẫn nghĩ rằng muốn Ashley sẽ là người lý tưởng. Tình hình gia đình bà ấy đã thay đổi. Vận rủi của bà ấy có thể trở thành một dịp may cho chúng ta. Tôi muốn hỏi thử bà ấy lại.
Stanton Rogers lên tiếng:
– Thưa Tổng thống, tại sao tôi không bay đến đấy và xem thử tôi có thể thuyết phục bà ấy không nhỉ?
– Hãy thử đi!
***
Mary đang sửa soạn bữa ăn chiều thì điện thoại reo và khi nàng nhấc ống nghe, một âm thoại viên lên tiếng:
– Đây là Toà Bạch Ốc. Tổng thống đang gọi bà Edward Ashley!
– Bây giờ thì không? – nàng nghĩ thế, – Mình không muốn nói chuyện với ngài hoặc bất kỳ ai cả!
Nàng nhớ lại cú điện thoại của ngài đã có lần làm nàng phấn khởi như thế nào. Bây giờ thật vô nghĩa. Nàng lên tiếng:
– Đây là bà Ashley, nhưng…
– Yêu cầu bà giữ máy.
Một lúc sau, giọng nói quen thuộc vang lên trong máy.
– Bà Ashley. Đây là Paul Ellison. Tôi chỉ muốn nói với bà rằng chúng tôi lấy làm tiếc kinh khủng như thế nào về việc chồng bà. Tôi hiểu ông ấy là một người tốt.
– Cám ơn Tổng thống. Ngài rất tử tế, đã gởi hoa phúng điếu.
– Bà Ashley, tôi không muốn chen vào chuyện riêng tư của bà và tôi biết thời gian ngắn ngủi quá, nhưng vì bây giờ tình hình gia đình bà đã thay đổi, tôi xin bà hãy nghĩ lại đề nghị chức vụ đại sứ của tôi!
– Cám ơn, nhưng lẽ nào tôi có thể…
– Xin vui lòng nghe tôi nói hết đã. Tôi đang cho người bay đến chỗ bà để nói chuyện với bà. Tên ông ấy là Stanton Rogers. Tôi sẽ cảm kích nếu ít nhất bà tiếp xúc với ông ấy.
Nàng không biết nói gì cả. Làm sao nàng có thể giải thích rằng thế giới của nàng đã đảo lộn và cuộc đời của nàng đã tan hoang? Tất cả những vấn đề của nàng lúc này là Beth và Tim.
Nàng quyết định rằng bằng tất cả sự lịch thiệp, nàng sẽ gặp người đàn ông ấy và rồi từ chối thật nhã nhặn.
– Tôi sẽ gặp ông ấy, thưa Tổng thống, nhưng tôi sẽ không thay đổi ý kiến đâu!
***
Có một quán rượu bình dân tại đại lộ Bineau mà các nhân viên bảo vệ Marin Groza hay lui tới khi họ không trực tiếp ở biệt thự tại Neuilly. Ngay cả Lev Pasternak đôi khi cũng ghé chỗ này. Angel chọn một chiếc bàn nằm trong khu vực của văn phòng mà các câu chuyện có thể được nghe loáng thoáng. Những nhân viên bảo vệ khi đã rời bỏ công việc thường ngày căng thẳng của biệt thự, thích uống rượu và khi uống, họ bắt đầu ba hoa. Angel lắng nghe để tìm ra nhược điểm của biệt thự. Luôn luôn phải có một nhược điểm. Đơn giản là người ta phải khá tài năng để phát hiện nó.
Ba hôm trước, Angel nghe loáng thoáng một câu chuyện đưa ra manh mối cho cách giải quyết vấn đề.
Một nhân viên bảo vệ lên tiếng:
– Tớ không hiểu Groza làm gì với bọn gái điếm ông mang đến đấy, nhưng chắc chắn rằng họ sẽ quật ông khủng khiếp. Cậu sẽ nghe tiếng la hét liên tục. Tuần trước, tớ thoáng thấy mấy chiếc roi ông ta cất trong tủ…
Và đêm kế tiếp.
– … Bọn gái điếm mà vị lãnh tụ dũng cảm của chúng ta mang đến biệt thự quả là những trang tuyệt sắc. Họ đến từ khắp nơi trên thế giới. Lev tự thu xếp đấy. Ông ấy cáo thật. Ông ấy không bao giờ dùng một ả hai lần cả. Như thế, chàng ai có thể dùng bọn gái để tấn công Marin Groza cả.
Angel chỉ cần có thế.
Sáng sớm hôm sau, Angel đổi xe mướn và lái một chiếc Fiat vào Paris. Cửa hàng bán đồ phục vụ sinh lý tại Montmartre, trên Quảng trường Pigalle ở giữa một khu vực toàn đĩ điếm và ma cô sinh sống. Angel bước vào, đi từ từ dọc theo các phòng bên, thận trọng nghiên cứu những món hàng bày bán. Có những chiếc cùm, xích và nón bọc đầu bằng sắt, quần da có khe phía trước, dụng cụ xoa bóp dương vật và thuốc kích thích, những con búp bê bằng cao su bơm hơi được và các cuốn băng video khiêu dâm. Có những ống thụt cho đàn ông và kem thoa hậu môn, những chiếc roi tết bằng da dài 6 feet với những sợi dây da ở đầu.
Angel mua một chiếc roi, trả tiền mặt và đi.
Sáng hôm sau, Angel mang chiếc roi trở lại cửa hàng. Ông chủ cửa hàng nhìn lên càu nhàu:
– Không được trả lại.
– Tôi không muốn trả lại, – Angel giải thích. – Tôi cảm thấy lúng túng vì mang cái này theo. Tôi sẽ rất cảm kích nếu ông gửi đi giúp tôi. Tôi sẽ trả tiền thêm, dĩ nhiên.
Chiều hôm ấy, Angel ở trên một chiếc phi cơ đi Buenos Aires.
Cái roi, được gói cẩn thận, đến biệt thự tại Neuilly ngày hôm sau. Nó bị người gác cổng giữ lại. Hắn đọc nhãn hiệu cửa hàng trên gói, mở ra và xem xét thật thận trọng.
– Người ta nên nghĩ rằng ông già có đủ những thứ này rồi!
Hắn chuyển nó vào và một người gác đưa nó vào tủ trong phòng ngủ của Marin Groza. Hắn đặt nó chung với những chiếc roi khác.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!