Bản Thảo Bằng Đá
Chương 22
Khi họ đến phía bên kia của đường hầm, Rojas phải chớp mắt vài lần, không phải chỉ riêng do sự thay đổi ánh sáng đột ngột. Trước sự ngạc nhiên của anh, hiện ra một kiểu quảng trường Hy lạp hay quảng trường La Mã cổ, được bao xung quanh một bậc thềm nhỏ, trên đó đặt vài hàng cột và những bức tượng cổ. Sàn được phủ bằng những bức điêu khắc với bối cảnh về lịch sử và thần thoại. Và người ta nhìn thấy, ở chỗ này chỗ kia, những nhóm thanh niên mặc áo chẽn kiểu La Mã, đang đối thoại với nhau, dưới ánh nhìn ân cần của giáo viên, hay đang chăm chú nghe lời giảng của giáo viên, hay đang đọc bài khoá và họ bình luận bằng những ngôn ngữ khác nhau.
– Đây là Viện hàn lâm của chúng ta! – ông Roa phấn khỏi kêu to. – Trong Học viện này không có giáo điều, cũng không có những bài giảng trịch thượng, cũng không có sách cấm hoặc bị kiểm duyệt. Mục đích chính của chúng ta là trở lại với nguồn văn hoá cổ và chúng ta đã thực hiện nó trong điều kiện này, ông nói với hai cánh tay dang rộng ra như thể bao lấy tất cả, chúng ta muốn tạo ra một môi trường thích hợp nhất cho điều trên. Cậu sẽ ngạc nhiên khi biết rằng những cái cột, bức tượng và bức khảm là nguyên bản gốc. Phần lớn những tác phẩm này có ở trong hang, hay được giấu dưới đất tại các địa điểm khác nhau của thành phố. Phần còn lại, chúng ta kiên nhẫn mang từ nơi khác đến. Và bức tượng ở trung tâm, đúng là tượng Hercules, tiền nhân của chúng ta.
Đó là một bức tượng rất lớn, đúc bằng đồng, thể hiện người anh hùng đang truyền đạt tri thức với cuộn giấy cói trong tay. Dưới chân ông, có vài cái rương chứa đầy sách, bản đồ và tài liệu ghi chép. Trong những đồ vật, có một số đồ bằng gốm và gỗ, một vài vũ khí cổ, những tấm bia mộ có ghi chú, một số hình và dụng cụ bằng kim loại… Tất cả là một kỷ yếu về quá khứ của hang động được trưng bày phục vụ cho giáo viên và học sinh.
Trong khi đang ngắm nhìn cảnh vật, ông Roa gọi mấy cậu thanh niên trẻ, dường như ghé sát tai họ để đưa ra chỉ dẫn nên họ đi tới một vài điểm cụ thể trên bậc thềm. Rojas cảm thấy những gì tận mắt chứng kiến mà anh gần như không thể tin được thật tuyệt vời. Anh cũng không dám phát biểu lời nào bởi sợ phá hỏng sự mê hoặc.
– Đấy là cậu còn chưa được xem cảnh đẹp nhất đấy, – ông Roa thông báo, – như thể ông đọc được ý nghĩ của Rojas.
Nói xong điều ấy, ông Roa vỗ tay mấy cái và, ngay tức khắc, các ngọn đuốc đặt trên đỉnh cột, bật sáng. Đầu tiên, trần của hang như thể được mở ra, từng cánh một, để lộ ra trời đầy sao, nhưng ngay sau đó anh bắt đầu nhận ra có một số hình nhân vật quen biết trong đó.
– Chúa ơi! – Rojas kêu lên. – Đó là bản sao của bầu trời có trong thư viện ở Học viện!
– Ta e rằng cậu nhầm, Rojas thân mến; không phải bản sao, mà là bản gốc, đúng hơn là bản kia được vẽ trước đó.
– Tôi không hiểu? – Rojas bối rối thú nhận.
– Bản của Học viện, – ông Roa giải thích, – thực chất được làm trước một thời gian, nhưng cả hai đều cùng xuất phát từ một ý tưởng, chỉ có cái khác là bản này hoàn thiện và trung thành hơn so với dự án gốc.
– Giáo sư biết ai là tác giả của bản thiết kế không?
– Cách đây hơn hai mươi năm, ngày 21 tháng Tám năm 1475, nhà Thần học Pedro de Osma, nhà thiên văn Abraham Zacut và nhà ngữ pháp Antonio de Nebrija, được đào tạo từ trường Cao đẳng Thánh Clemente de Bolonia, đã quyết định cùng nhau hợp tác để tạo ra phương pháp mới cho Học viện Salamanca, vốn bị đe doạ từ lâu do bị bỏ bê và tụt hậu. Để kỷ niệm ngày ấy, ba vị đã cùng vẽ một bầu trời thiên văn vĩ đại, tượng trưng cho dự án cải tổ của họ. Đó là biểu tượng thực sự và đồng thời tượng trưng cho bầu trời sao của ngày giờ cụ thể họp mặt giữa ba vị giáo sư. Như vậy, trong bầu trời ấy xuất hiện hình hài của bảy hành tinh và những chòm sao khác nhau của dải ngân hà thứ tám, trong đó có mười hai dấu hiệu của Zodiac tương ứng với mười hai sứ mệnh của Hercules, cũng như nhân cách hoá bốn hướng gió và các biểu tượng của bảy nghệ thuật tự do.
Thật không may, sau đó ít năm, Pedro de Osma bị kết án và bị tước đoạt chức Giáo sư môn Thần học và Abraham Zacut, người Do Thái, bị ép cải đạo sang Thiên Chúa giáo. Điều này khiến ông phải tị nạn trong một hiệp hội nhỏ của các học giả do ngài Juan de Zuniga lập ra. Do vậy, chỉ còn lại thầy dạy ngữ pháp là có thể tiếp tục với dự án cải tổ và cuộc đấu tranh riêng chống lại kẻ thù của ngôn ngữ La tinh; và như anh biết, ông đã tuyên chiến với những kẻ ấy trong tác phẩm Gzấz. thiệu về Lã tinh xuất bản năm 1481. Như Hercules vài thế kỷ trước, Nebrija cũng đến Salamanca để phục hồi văn hoá cổ và xoá bỏ tình trạng tụt hậu. Từ đấy, năm 1483, khi trường Đại học quyết định giao cho hoạ sĩ Fernando Gallego trang trí bầu trời của thư viện mới, Nebrija không ngần ngại đưa ra chương trình vẽ tranh mà ông đã thiết kế cùng hai người bạn của mình. Tuy nhiên, người hoạ sĩ đã không thực hiện đúng theo nguyên bản dự án khiến bức tranh khi được hoàn thiện vào năm 1486 thì đến Nebrija cũng không thể hiểu nổi ý tưởng của bức vẽ và quyết định rời bỏ trường Đại học. Đó cũng là lúc mà Nebrija nhận được sự bảo trợ của ngài Juan de Zuniga tại Zalamea de la Serena, nơi ông có thể an tâm chuẩn bị cho tác phẩm của mình Ngữ pháp tiếng Tây Ban Nha và một số từ vựng. Ở đấy, ông đã gặp lại Abraham Zacut, lúc đó Zacut vừa hoàn thành tác phẩm Luận về ảnh hưởng của bầu trời, mà chắc có nhiều liên quan đến bầu trời thiên văn này.
– Thế ý tưởng vẽ bầu trời ấy ở đây lúc ấy là của ai?
– Trước lúc chết, Pedro Martinez de Osma đã trao cho ta tất cả giấy tờ, trong đó có một bản sao hoàn chỉnh của chương trình vẽ tranh. Sau khi nhìn nhận những gì đã xảy ra với mái trần vòm của thư viện tại Học viện thì Viện hàn lâm chúng ta quyết định tiến hành dự án và đây là kết quả.
Trần tự nhiên của hang có hình thức ít nhiều một nửa hình ống, phải mài đi và phủ lên một lớp vữa để có thể vẽ tranh lên trên đó. Nền của tranh là màu xanh da trời và dọc theo bề mặt của nó là vô số những ngôi sao được dát bằng vàng, nổi gờ lên một chút, dường như lấp lánh dưới ánh sáng của những ngọn đuốc, cũng lung linh như vậy là hình thần linh của các hành tinh, những chòm sao và những hình tượng khác.
– Như cậu có thể thấy, ông Roa giảng giải, bầu trời có ba phần, mỗi phần tương ứng với một vị giáo sư. Ở phần đầu, phần dành cho Abraham Zacut, có thần Mặt trời và Sao Thuỷ, ngồi trên xe chiến thắng, trên đường trở về nhà, ngày cũng như đêm. Sau đó là các dấu hiệu của Zodiac tương ứng với phần thứ hai của năm mặt trời; đó là các chòm sao Sư tử, Trinh nữ, Thiên binh, Bò cạp và Xạ thủ, mà trong dự án là đường phân cách giữa các chòm sao phía Bắc và phía Nam. Ở phía trái là các hình của Người-thú, thần Hercules và Ác điểu; và ở phía phải là Quỷ bảy đầu, con Quạ, hình Cúp, cây sồi, Vương miện phương Nam, Bàn thờ và Nhân mã. Và cuối cùng, ở phía dưới là những cái đầu phồng mồm thổi, tượng trưng cho bốn hướng gió.
Vừa nói, ông Roa vừa chỉ và giảng giải cho Rojas từng hình tượng của bầu trời có một không hai ấy. Và như vậy, anh được chứng kiến phần còn lại giữa các chòm sao và các hành tinh được phân chia như thế nào cho Pedro de Osma và Antonio de Nebrija, và quan trọng hơn cả là biết được bảy môn nghệ thuật tự do: ngữ pháp, phép biện chứng, thuật hùng biện, số học, hình học, thiên văn học và nhạc.
– Nếu cậu nhìn kỹ, – ông Roa cảnh báo Rojas, – sự khác nhau cơ bản giữa bản vẽ bầu trời này và bản vẽ của Fernando Gallego là sự xuất hiện của các biểu tượng mà cậu có thể hình dung là tượng trưng cho các bài giảng của thần Hercules tại hang này. Đúng ra, còn có sự khác biệt nữa là hình tượng của một vị á thần mà ở thư viện giống như một chiến binh đang lao vào cuộc chiến, trần truồng và được vũ trang bằng cái chuỳ và với da sư tử vùng Nemea, trong khi ở đây chúng ta nhìn như một anh hùng khai hoá văn minh trong buổi lễ thành lập Học viện tại hang này, và do đó, đã đặt nền móng hay gốc rễ cho trường Đại học tương lai và cho Viện hàn lâm của chúng ta. Như vậy, cậu có thể thấy rõ, – ông Roa kết luận, – bức tranh này toàn diện hơn nhiều và vượt trội hơn hẳn so với bức vẽ kia.
– Đúng là như vậy, – Rojas thừa nhận, – bị lôi cuốn trước quá nhiều tuyệt tác.
– Tác giả là một hoạ sĩ tài ba người Florence mà tới lúc này ta chưa thể cho biết tên.
– Thời buổi lúc này lạ quá, – Rojas bình luận, – những cái vượt trội thì phải giấu kín trong hang và tác giả là vô danh trong khi ở bên trên điều tầm thường lại trổ rễ phát triển và chiến thắng.
– Vậy cậu sẽ thấy kỳ diệu hơn khi biết rằng, theo tính toán của chúng ta, bầu trời này nằm ngay bên dưới bầu trời kia, như thể một địa ngục đảo ngược, mặc dù đối với chúng ta, địa ngục này mới là bầu trời. Và điều ngạc nhiên hơn cả là, ông Roa chỉ rõ với sự hào hứng tăng lên, bầu trời này cũng có nghĩa vụ che chở và trang hoàng cho một thư viện, nhưng trong trường hợp này, những quyển sách không bằng da dê, cũng không bằng giây, mà bằng đá. Thực tế, bức vẽ tuyệt vời này, cuối cùng ông tiết lộ, không nằm ngoài ý đồ làm sáng tỏ điều mà ở đây chúng ta gọi là bản thảo bằng đá.
– Giáo sư muốn nói gì vậy? – Rojas tò mò hỏi lại.
– Hãy đi theo ta! Cậu sẽ nhìn thấy tận mắt.
Họ tiến sâu vào phía trong quảng trường rồi trèo lên ba bậc thềm đá để tới hành lang có hàng cột bao quanh. Khi đã vào đấy, có thể nhìn bao quát bức tường chính diện của hang, được cắt mài như một bức tường xây. Dưới ánh sáng của những ngọn đuốc, Rojas thấy rõ phần lớn mặt tường đã được phủ đầy chữ bằng đất son đỏ.
– Cậu hãy nhìn cái này ở đây đi! – ông Roa khuyên anh.
Không chỉ riêng có chữ, mà còn có tranh động vật: bò tót, lợn rừng, hươu nai… được vẽ với vẻ đơn sơ, nhưng đầy sức sống. Còn có cả hình ảnh của người, một số được trang bị vũ khí cung tên và số khác thì nhìn lên phía trên, hướng tới một loạt vòng tròn và những điểm có kích cỡ khác nhau: mặt trăng, mặt trời, vô số những vì sao… Không cách xa những hình ảnh ấy, người ta nhìn thấy một số dấu hiệu bí ẩn, có thể thuộc một ngôn ngữ không quen biết. Và đột nhiên, có một số văn bản bằng tiếng Hy Lạp mà Rojas đã đọc và tự dịch riêng cho mình. Một số bản ám chỉ về Orfeo, còn số khác, dĩ nhiên, đề cập tới Hercules và sứ mệnh của Người. Và ở trên cao nhất, có khắc dòng chữ nổi tiếng của đền thờ Apollo(1) ở Delfos, đề cập tới bảy vị uyên bác: Ngươi hãy tự hiểu mình. Nhưng phần lớn bức tường được viết bằng tiếng La tinh. Có những câu văn, bài thơ, văn bia, đoạn trích của những tác giả vĩ đại… tất cả bằng tiếng La Mã. Cuối cùng, có những từ bằng tiếng Ả rập và tiếng Do Thái mà Rojas giải nghĩa một cách trôi chảy.
– Tại bức tường này, – ông Roa kết luận, – có những nhân chứng của thời đại đã qua và y như là nguyên bản mà chúng ta bắt gặp. Ở những bức tường khác, chúng ta đã bắt đầu viết tiếp. Và vẫn còn rất nhiều chỗ trống cho tương lai. Ta hy vọng rằng chúng ta không phải dùng đến nó.
Rojas tiếp tục giữ yên lặng đi theo sự hướng dẫn của ông giáo Roa dọc hành lang. Anh thực sự ấn tượng trước bản thảo bằng đá. Tất cả những lời ấy, đọc qua ánh sáng của ngọn đuốc, như thể được viết bằng máu và lửa trên đá rắn.
– Ở đây, trong một nơi danh dự, – ông Roa chỉ dẫn, – cậu có thể thấy chín đề nghị của Pedro de Osma, mà với những đề nghị đó, ông đã bị kết án và mất đi tất cả. Chính đề nghị ấy đã khiến chúng ta quyết định sử dụng nơi ẩn náu này. Và cùng với những đề nghị ấy, có rất nhiều đoạn trích từ Tân ước, rất trái ngược với thực tiễn và tín điều của Nhà thờ. Tiếp đó là sự giải thích về bầu trời thiên văn theo sách của Abraham Zacut mà ta đã đề cập với cậu. Như cậu cũng thấy, còn có bài luận thập sắc lệnh của Chúa bàn về một chính phủ tốt, do chính ta biên soạn, xuất phát từ những bình luận về Chính trị của Aristotle và của thầy dạy Pedro de Osma.
Rojas đọc to một số đoạn của bài luận thập sắc lệnh:
Nhà Vua nên tìm cách thúc đẩy nguồn của cải chung, chăm lo đến lợi ích và các nguồn thu khắc phục vụ cho sự phát triển của chính nó.
Không nên mở rộng vương quốc chống lại nền tảng công lý. Chiên tranh chỉ chính nghĩa một khi sửa chữa lại điều phi nghĩa. Do vậy, nên khước từ chiến tranh chinh phạt – Ta hy vọng một ngày nào đó có thể phục vụ cho một cái gì đấy, ông Roa bình luận. Ta thường xuyên hình dung rằng một khi tất cả chúng ta đã chết thì bức tường này vẫn đứng vững, giữ cho những ký ức và tư tưởng của chúng ta sống mãi an toàn. Nhưng đừng để nỗi buồn xâm lấn chúng ta. Hãy nói với ta! Cậu cảm thấy thế nào về tất cả điều này?
– Thú thực với giáo sư là tôi rất cảm động và thấy tuyệt vời.
– Tới mức có thể gia nhập phía chúng ta?
– Tôi hy vọng sẽ làm điều đó, nếu ông cho phép, – Rojas đáp lại, rất ngạc nhiên với đề nghị của ông Roa, – nhưng trước khi thực hiện, tôi phải hoàn thành một nhiệm vụ.
– Cậu nói có lý; vào lúc này ta đã quên mất. Ta đã ở đây vài giờ và đầu óc lú lẫn rồi. Chắc là do thiếu không khí, ông bông đùa.
– Thật không may là tôi lại không thể quên được. – Rojas bình luận.
– Trước khi cậu tiếp tục đi, ta muốn nhắc một điều: trong hang này có những kẻ rất nguy hiểm. Ta không chỉ đề cập đến đám tội phạm, côn đồ và kẻ trốn chạy pháp luật, đều có ở đây, mà còn có những kẻ dị dạng, quỷ quái và cực kỳ hèn hạ. Phần lớn là những kẻ bệnh hoạn và điên khùng, bị chính gia đình họ ruồng bỏ, có một số thuộc dòng dõi cao quý. Và bọn chúng luôn đi lang thang từ chỗ này tới chỗ khác, tìm cái gì sơ suất để kiếm ăn. Bởi vậy, tốt hơn là nên đi thành từng nhóm. Ở phía đằng kia, có tín đồ Quỷ sứ…
– Giáo sư đề cập đến cái gì vậy? – Rojas quan tâm hỏi lại.
– Như ta đã kể với cậu, giả thiết về Quỷ sứ xuất hiện làm một số người tò mò và láu táu xa lánh khỏi hang, nhưng thỉnh thoảng lại thu hút kẻ nào đó thờ Ác quỷ. Thường là những kẻ sẵn sàng thờ phụng để có được năng lực siêu nhiên hay muốn đạt được ý đồ tham vọng. Nhưng những kẻ ấy ở phần ẩn khuất và sâu nhất trong hang, cũng là phần nguy hiểm nhất.
– Giáo sư đã ở trong đó chưa?
– Anh bạn ơi, có những chỗ trong hang này chúng ta chưa biết, những ngách sâu mà chưa ai hay gần như không có ai muốn vào, trừ những kẻ thờ phụng Quỷ, những ngách chứa đầy lưu huỳnh hay tường phủ đầy chất rejalgar(2)…
– Chất rejalgar à? – Rojas ngạc nhiên kêu to.
– Đó là một khoáng chất lạ, người ta còn gọi là bụi hang động, nó rất độc hại.
– Tôi biết chất rejalgar là gì? Giáo sư biết đi tới đấy như thế nào không?
– Ta đã nói với cậu là có những địa điểm, do phòng ngừa, chúng ta chưa tiến hành thăm dò. Cũng có một thoả thuận ngầm là những người sống trong hang cam kết không vào vùng đất lạ.
– Thế tại sao giáo sư biết ở đấy có chất rejalgar?
– Một buổi, – ông Roa giảng giải – chúng ta gặp một người hấp hối ở một trong những đường hầm của chúng ta. Anh ta đến tìm kiếm sự giúp đỡ. Trên da của anh ta có vết bụi hang ấy và thế là chúng ta chẳng làm gì được cho anh ta.
– Giáo sư có ý tưởng tối thiểu nào về đường đi tới đó không?
– Cách không xa nơi kết thúc một trong những đường hầm của chúng ta, có một ngách nhỏ, qua đó những kẻ đi tìm Quỷ sứ thường chui vào. Hình như lối ấy dẫn tới một đường rẽ đôi, được đánh dấu bằng một vòng tròn với số VIII.
– Một vòng tròn với số VIII, – Rojas nhắc lại, – điều ấy là tất cả những gì tôi cần biết.
– Ta có thể cho cậu phương thức nào đó để khỏi nhiễm độc tố rejalgar. Nhưng ta e rằng cậu phải đi một mình tới đó, vì nếu ta cử người đi cùng thì sẽ đặt Viện hàn lâm và tính mạng của nhiều người trong nguy hiểm.
– Với tôi, giáo sư khỏi phải lo. Khi vào đây, tôi đã biết rằng mình bắt đầu đi xuổng một loại địa ngục, một con đường khó khăn và đầy thử thách mà ai đó đã vạch định cho tôi. Tôi cũng biết trong cuộc phiêu lưu này, mình có thể chết, nhưng nếu vượt qua tất cả các trở ngại thì tôi sẽ chuyển biến và mạnh mẽ hơn. Bằng không, nếu tôi dừng bước và đầu hàng thi không còn mặt mũi nào nhìn ai nữa, và điều đó còn tồi tệ hơn cái chết.
– Không một chút nghi ngờ, cậu sẽ trở về, – ông Roa khẳng định, – với bản chất là một người tự do, công bằng và uyên bác, vì rằng cậu chỉ hành động với mục đích tìm kiếm sự thật.
Trước khi rời đường hầm, nơi có Viện hàn lâm, Rojas nhìn lại lần cuối bầu trời thiên văn và bản thảo bằng đá.
– Tôi cũng rất muốn để lại một ghi nhận nào đó trên bản thảo đá, – Rojas thú nhận với ông Roa.
– Bức tường đang đợi cậu mà.
– Tôi xin cám on tất cả, – Rojas chào từ biệt.
– Cậu hãy cẩn trọng, ông Roa vừa nói vừa ôm chặt Rojas.
– Xin ông cũng như vậy, có nhiều người đang phụ thuộc vào giáo sư.
Vào lúc ấy, một sinh viên tiến lại gần họ, một tay anh ta cầm cặp đuốc và tay kia xách một túi nhỏ.
– Giới thiệu với cậu đây là Felipe, – ông Roa nói, – một trong những học trò của ta. Anh ta sẽ đi cùng cậu tới ngã rẽ. Trong túi có nước và thức ăn, vì đường đi còn dài. Hộp dầu nhựa thơm sẽ bảo vệ cậu khi gặp phải chất rejalgar, nhưng cậu phải che kín mồm và mũi bằng khăn.
– Chúng ta đi khi nào cậu muốn, cảm nhận được sự chăm sóc chu đáo. – Rojas nói với người dẫn đường mới.
Sau khi vượt qua vài ngách hầm, họ đi vào phía trong mà Rojas cảm thấy như một mê cung giữa các đường hầm. Trần của nhiều đường hầm được phủ bằng những khối đá và thỉnh thoảng từ đấy có một ngách nhỏ đi ra và kết thúc bằng những bậc thang dốc đứng. Điều này khiến Rojas nghĩ rằng một số nhà hay biệt thự trong thành phố có đường thông trực tiếp với thế giới bên dưới. Cũng như vậy, anh để ý tới phía cuối của một số ngách hầm, người ta khoét một chỗ trống ở một bên trong hai phía, trên đó có một tảng đá hình tròn lớn, như cối xay đặt trên một thớt đá.
– Đấy là những cửa để đóng các đường hầm trong trường hợp nguy hiểm, Felipe giải thích. Với hình thức này, chúng tôi có thể tách riêng, độc lập hoàn toàn trong khu vực Hàn lâm viện.
– Thế nó chuyển động như thế nào? Rojas hỏi lại.
– Thông qua một hệ thống máy nước; những người La Mã cổ chế tạo như thế. Họ là những người đầu tiên biết chế ngự nước.
– Thật may mắn có thể cộng tác với những liên minh tốt. – Rojas bình luận.
– Chúng ta đã đến rồi, đột nhiên Felipe nói; phía cuối đoạn này là ngách hầm dẫn đến ngã rẽ.
– Cám ơn anh vì tất cả điều đã làm.
– Cầu Chúa phù hộ cho anh!
Chú thích
(1) Thần ánh sáng, chân lý và nghệ thuật trong thần thoại Hy Lạp.
(2) Rejalgar tiếng Ả rập, có nghĩa là bụi hang động (chất độc).
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!