Núi Rộng Sông Dài
Phần 4
Mấy ngày đi làm tôi lại bắt đầu chạy đôn chạy đáo suốt, đi nhiều nên động vào vết thương, chảy m.áu mấy lần, đến bệnh viện kiểm tra còn bị bác sĩ mắng một trận.
Bác sĩ bảo cuộc phẫu thuật vừa rồi là đại phẫu, mất nhiều m.áu, cơ thể cần có thời gian nghỉ ngơi và hồi phục, nếu tôi biết không tự biết chăm sóc bản thân thì sẽ không đủ sức khỏe để vào hóa trị được, dặn tôi muốn sớm được chữa trị thì tiết chế đi lại đi.
Tôi vâng vâng dạ dạ một hồi mới hỏi:
– Bác sĩ ơi, lần vào hóa trị đầu tiên thì chi phí khoảng bao nhiêu ạ? Cháu chỉ còn một ít tiền, không biết có đủ không.
– Khoảng trên dưới 100 triệu gì đó, đấy là đã tính cả chi phí thuốc thang, hóa trị và sinh hoạt. Cô cứ chuẩn bị chừng ấy là sẽ đủ nhé.
– Có bảo hiểm rồi mà nhiều thế hả bác sĩ?
Dường như bác sĩ đã quá quen với những người bệnh u/ng thư khó khăn về điều kiện kinh tế như tôi nên chỉ thở dài:
– Điều trị bệnh nào cũng tốn kém cả, u/ng thư sẽ còn vất vả và tốn kém hơn nhiều lần, nhưng có cơ hội được sống thì cố mà nắm lấy. Nếu khó khăn quá thì cô thử liên hệ các tổ chức từ thiện xem sao, bây giờ tôi thấy có rất nhiều bệnh nhân kêu gọi quyên góp trên mạng đấy.
– Vâng. Cháu biết rồi ạ. Cảm ơn bác sĩ.
Rời khỏi bệnh viện, tôi lẩm nhẩm tính, thấy tiền còn lại của mình chỉ có khoảng gần 50 triệu, tôi định đưa cho thằng Tép 20 triệu để nó ra nước ngoài đi học, còn lại 30 triệu thì để dành cho lần hóa trị đầu tiên. Nhưng mà giờ nghe nói con số lên đến 100, tôi cũng không biết phải lấy từ đâu ra nữa.
Anh em ở quê tôi nghèo xác nghèo xơ, ngày trước chị em tôi không có cha mẹ, cô dì chú bác chỉ thỉnh thoảng cho được mớ rau cọng cỏ, ai cũng khổ cả, vài triệu còn không có, lấy đâu ra mấy chục triệu cho tôi vay.
Hỏi Linh thì tôi cũng không muốn, bởi vì tình bạn mà không vụ lợi tiền bạc thì mới bền được, vả lại, tôi sợ vay nó rồi lỡ ch.ế/t thì không trả nổi.
Không biết phải xoay sở thế nào nên tôi rất lo, cứ thở dài mãi, lúc đi ra khỏi bệnh viện thì lại nhận được điện thoại của Duy.
Nhìn tên anh ấy nhấp nháy trên màn hình, tôi mới nhớ ra giữa bọn tôi có một cuộc hẹn, hơn một tuần nay bận bịu nên tôi cũng quên béng đi.
Tôi hắng giọng một tiếng rồi nghe máy:
– Alo.
– Hôm nay hình như là cuối tuần nhỉ?
– Vâng. Hôm nay em có lịch hẹn với một anh lính cứu hỏa, không biết giờ anh ấy đã xong việc chưa?
Ở đầu dây bên kia, Duy bật cười:
– Anh xong rồi. Giờ anh qua đón em nhé?
– Thôi, anh cứ chọn nhà hàng đi rồi em đến, nhà em xa lắm, đi lại mất công, em tự đi taxi được rồi.
– Thế thì chọn quán nào gần nhà em đi, đỡ mất công em đi lại, mà anh lại đến đón em được.
– Em tự bắt taxi được mà.
– Gần khu em ở có quán lẩu Trung Hoa nào không?
Anh ấy luôn thế, nói chuyện rất nhẹ nhàng, cũng rất lịch sự, làm người khác từ chối không được. Tôi chẳng có cách nào, đành nói thật là đang ở bệnh viện, Duy bảo anh ấy cũng đang ở gần đó, 10 phút nữa qua đón tôi.
Tôi nghĩ anh ấy nói đùa, thế nhưng đúng 10 phút sau anh ấy qua thật. Anh ấy đi xe ô tô, còn lịch sự xuống mở cửa ghế phụ cho tôi. Sau đó chắc vì sợ tôi ngại nên Duy nửa đùa nửa thật bảo:
– Anh mới mượn được xe của đứa em trong đội đấy. Lái không quen đâu, em thắt dây an toàn kỹ vào.
– Vâng. Nhưng mà để cho an toàn, anh cứ chạy khoảng 40km/giờ thôi nhé, anh mà chạy 80km trên giờ là em say xe đấy. Lỡ nôn ra xe lại mất công anh đi rửa.
– Ừ, yên tâm đi, anh đi 40km thôi, chứ xe này mà lái lên 80km/giờ chắc nó rơi bánh ra mất. Xe cà tàng mà. Sắp hết date đến nơi rồi.
– Có xe ô tô là tốt rồi, em cũng ước có được cái xe cà tàng như thế này đây.
– Sao em ước giống anh thế? Anh cũng ước có xe ô tô như thế này đấy.
Thời gian qua Duy bận, tôi lại không chủ động nhắn tin trước bao giờ nên cả hai nói chuyện rất ít. Nhưng được cái là chúng tôi rất hợp gu, nếu có thời gian thì nói đủ chuyện trên trời dưới biển cũng được, giờ gặp mặt cũng vậy, suốt cả quãng đường cứ cười nói không dứt.
Lúc đến nhà hàng lẩu Trung Hoa, chúng tôi còn ăn ý đến nỗi cả hai cùng đồng thời yêu thích một vị nước lẩu, còn phải rất cay. Mỗi tội, Duy bảo tôi:
– Em mới phẫu thuật xong, đừng ăn cay, ăn vị nước lẩu bình thường thôi. Đợi lúc nào khỏe rồi anh đưa em đi ăn lần nữa.
– Thế nghĩa là em lại nợ anh một cuộc hẹn cho lần tiếp theo đúng không?
– Aizzz, bạn phóng viên thông minh thế.
Tôi phì cười:
– Công việc của anh vất vả lắm hả? Có hay bị thương không?
Duy sờ lên miếng urgo trong suốt trên trán, hơi ngượng ngùng trả lời tôi:
– Cũng bận, đi suốt, làm cái nghề này bị thương là chuyện bình thường ấy mà. Bọn anh hay nói đùa, mỗi lần làm nhiệm vụ xong còn sống là được rồi, mấy vết thương nhỏ có nhằm nhò gì.
– Sao anh lại chọn công việc này thế?
– Vì anh trai anh đấy.
Anh ấy nhìn tôi cười, răng khểnh lộ ra rất duyên:
– Ngày trước anh trai anh thích làm lính cứu hỏa lắm. Hồi nhỏ đồ chơi của anh ấy chỉ toàn xe cứu hỏa thôi. Nhưng mà lớn lên anh ấy lại làm kinh doanh, anh thì không thích kinh doanh nên thực hiện ước mơ của anh trai anh, làm lính cứu hỏa.
– Chắc anh trai anh tự hào về anh lắm nhỉ? Em trai làm nghề cứu người, công việc vinh quang mà.
– Không đến nỗi thế đâu, nhiệm vụ thì phải làm thôi. Ngày trước lúc mới đi làm nhiệm vụ đầu tiên, gặp đám cháy, rồi mấy đồng đội bị thương nặng phải nằm viện, anh cũng sợ lắm. Nhưng anh trai anh nói “Nếu cảm thấy không làm nổi thì đừng làm nữa, đến bản lĩnh vượt qua bản thân còn không có thì đừng mong cứu được người khác, tránh ra cho người có năng lực hơn làm”. Anh nghe xong cũng cảm thấy đúng, muốn cứu người trước tiên là phải cứu được mình cái đã, anh không vượt qua được bản thân thì làm sao cứu được ai.
Mấy lời nói này khiến tôi nhớ đến người đàn ông trên cầu hôm nọ, tuy ý nghĩa khác nhau, nhưng cách động viên tinh thần thì rất giống. Có lẽ người trưởng thành thường có suy nghĩ khác với chúng tôi, trực tiếp, thẳng thắn, ngắn gọn, nhưng vẫn đủ sắc bén để chọc thẳng vào nỗi sợ hãi và lòng tự tôn của chúng tôi.
Tôi uống một ngụm nước lọc, đáp:
– Anh trai của anh chắc rất nghiêm khắc nhỉ?
– Ừ, bình thường thì nghiêm khắc, không hay nói nhiều, nhưng anh ấy tốt với anh lắm. Em có anh chị em gì không?
– Em có, có một em trai. 19 tuổi rồi, chuẩn bị đi du học.
– Đi du học á? Giỏi quá.
– Vâng, được cái nó học giỏi lắm. Săn được học bổng toàn phần, đi học mà không mất đồng tiền nào cả. Đến cuối tháng này nó bay rồi đấy.
– Em cũng giỏi mà. Không phải ai cũng được vào làm phóng viên của đài truyền hình đâu.
– Em ăn may thôi.
Hôm ấy, chúng tôi vừa ăn lẩu vừa trò chuyện về đủ chuyện trong cuộc sống, Duy rất khiêm tốn, anh ấy không khoe khoang gì về bản thân mà chỉ nói gia đình có hai anh em, bố mẹ làm kinh doanh, nhà cũng ở Hà Nội này.
Tôi thì không nhắc nhiều đến gia đình mình, chỉ nói hai chị em tôi ở quê lên đây sống rồi thuê trọ, tôi bị u.ng thư đến nay đã sắp sang giai đoạn 3, nhưng bác sĩ nói nếu chữa trị kịp thời thì vẫn có hy vọng được chữa khỏi.
Duy nghe xong mới nói:
– Kiểu gì cũng chữa khỏi chứ, không phải là vẫn có hy vọng đâu, mà là chắc chắn.
– Vâng, chắc chắn. Anh lính cứu hỏa đã nói thế thì em tin.
– Ừ. Tin thì tin nhưng trước hết cứ ăn nhiều để có sức chữa bệnh đã, hôm nay gặp lại thấy em gầy hơn hẳn mấy hôm trước nằm trong viện đấy. Ra ngoài không chịu ăn uống đầy đủ hả?
– Có chứ. Nhưng mà chắc mới phẫu thuật xong nên chưa lại người được đấy. Anh cũng ăn đi, lính cứu hỏa phải ăn mới có sức để đi cứu người.
– Ừ.
Ăn xong, Duy còn mời tôi ra Hồ Tây ăn kem, nhưng nửa đường thì anh ấy nhận được điện thoại của đội, có nhiệm vụ nên phải quay về gấp. Tôi nghe xong cũng vội vàng tháo dây an toàn xuống xe:
– Anh đi đi, em bắt taxi về cũng được.
Có lẽ lần đầu tiên đi chơi cùng mà phải hoãn giữa chừng thế này nên anh ấy rất áy náy, cứ xin lỗi tôi mãi, còn hẹn lần sau sẽ đưa tôi đi chơi bù. Tôi cười bảo:
– Vâng, được ạ. Anh đi đi. Có vội thì cũng đừng đi quá 50km/h nhé, cẩn thận không xe rơi bánh.
Nghe thế, nét mặt của Duy mới giãn ra, anh ấy bật cười:
– Ừ, anh đi đây. Em bắt taxi về nhé. Về đến nơi nhắn anh.
– Vâng. Em biết rồi, anh đi nhanh đi.
Chẳng biết có phải vừa quen biết với lính cứu hỏa hay không mà từ hôm ấy tôi bắt đầu nhạy cảm với những tiếng còi của xe chữa cháy trên phố, đợt ấy đang là cao điểm nắng nóng, trong nội thành bị cháy liên tục, có lần đưa thằng Tép đi mua đồ thấy đám cháy mà tôi cứ đứng nhìn mãi, chần chừ không chịu đi.
Tôi thấy những người lính cứu hỏa xông vào trong quán Karaoke khói bốc mịt mù, thấy ngọn lửa phừng phừng thiêu rụi từ biển hiệu đến cả những chiếc xe gần đó. Nguy hiểm đến mức người dân xung quanh cũng tháo chạy tán loạn, chỉ có những bóng áo xanh than không màng tính mạng lao vào cứu người.
Thằng Tép bảo với tôi:
– Ôi cháy to thế mà các anh cứu hỏa vẫn lao vào, nhìn thương quá, không biết có ai bị sao không.
– Chắc là không sao đâu, tý nữa sẽ dập được thôi mà. Các anh ấy giỏi lắm, không sao đâu.
– Vâng, đang phun nước rồi, mong là không có ai bị sao.
Nói là nói thế nhưng tôi vẫn đứng đó xem từ đầu đến cuối, đến tận khi thấy mấy người cứu hộ từ bên trong quán Karaoke chạy ra, nhìn thấy Duy ôm một đứa bé 5, 6 tuổi mặt mũi lấm đầy muội than, lòng tôi mới nhẹ nhàng thở hắt ra một tiếng.
Mấy người lính cứu hỏa hò hét nhau:
– Còn ai nữa không? Bên trong còn người không? Kiểm tra kỹ chưa?
– Em kiểm tra ba lần rồi, không còn ai nữa. Hết người rồi sếp ạ.
– Bên mình có ai bị thương không?
– Có anh Khiêm bị bỏng hết một bên chân, Duy bị phỏng tay ạ.
Duy lập tức úp bàn tay xuống, bảo với sếp rằng mình không sao. Nhưng tôi có nhìn thấy bàn tay trái của anh ấy bị phỏng đến mức vuột hết da, lộ mấy mảng đỏ au.
Tôi quay sang, đưa mấy chai nước lạnh mới vừa mua cho thằng Tép:
– Em mang cái này đưa cho mấy anh cứu hỏa. Bảo là tặng các anh ấy uống cho mát.
– Vâng.
Đám cháy đã dập xong, mấy người lính cứu hỏa mệt quá nên ngồi bệt cả xuống đất, thở hồng hộc. Lúc thằng Tép mang nước lạnh lại, bọn họ ai cũng vui vẻ nói cảm ơn, em trai tôi cười tít mắt đáp: “Các anh đừng cảm ơn em, bọn em mới là người cảm ơn các anh chứ. Các anh cố lên nhé, lính cứu hỏa ngầu lắm”.
Làm được một việc tốt nho nhỏ nên suốt quãng đường về thằng Tép cứ cười mãi, đến tối còn kiếm đâu ra được một bài báo trên mạng đưa tôi xem. Tôi vừa lướt qua xong thì thấy Linh gọi đến, vừa nghe máy nó đã rú ầm lên:
– Tèn ten, đoán xem hôm nay tao đi phỏng vấn ai nào?
– Ai? Tổng thống Mỹ à?
– Tổng thống Mỹ cũng là chuyện bình thường, tao gọi cho mày khoe làm gì. Tao gặp người yêu mày nhé?
– Tao có người yêu lúc nào thế?
– Anh Duy cứu hỏa đấy còn gì? Chiều nay có đám cháy, tao nhận được tin cái là phi đến luôn. Mịa, đen cái là đường tắc, lúc đến nơi thì dập xong cmnr. Nhưng may là vẫn còn mấy anh lính cứu hỏa ở đó nên tao phi vào phỏng vấn luôn, phỏng vấn ngay anh Duy nhà mày mới hay.
– Xùy, có thế mà cũng khoe. Đám cháy nào anh ấy chả có mặt.
– Người ta bị phỏng tay đấy, hỏi thăm đê.
– Liên quan gì đến tao đâu mà hỏi. Giờ tao mà hỏi là anh ấy nghĩ tao có ý với anh ấy, thà không hỏi còn hơn.
– Thì mày có ý cũng được mà, thế mới tán được trai chứ. Bị động như mày thì lúc méo nào mới có người yêu?
– Tao ế được rồi, sau này mày đẻ con tao nuôi hộ cho. Thế nhé, tao đang đi wc.
– Ơ này này…
Linh chưa kịp lải nhải xong thì tôi đã cúp máy, nó vẫn không buông tha, lát sau lại gửi tôi cái video phỏng vấn Duy, còn cố tình bảo cậu em quay phim quay cận cảnh tay anh ấy.
Tôi biết lính cứu hỏa có chế độ chăm sóc y tế riêng đối với người bị thương, dù tôi hỏi thăm hay không cũng không có tác dụng gì cả, ngược lại, có khi còn làm Duy hiểu nhầm tôi có ý đồ gì với anh.
Thế nhưng mấy hôm sau, người bị thương lại chủ động đến thăm tôi trước, còn mua quà cho tôi.
Lúc đó, tôi đang tắm thì nghe chuông điện thoại, tiện miệng bảo thằng Tép xem xem đó là ai, không ngờ nó lại nghe luôn, lát sau khi tôi từ nhà tắm đi ra thì thấy Duy đã ngồi trong nhà rồi.
Đầu tóc tôi vẫn ướt rượt, nhìn thấy anh ấy ngồi trên giường thì tròn xoe cả mắt:
– Ơ… anh…
Thằng Tép nhanh nhảu nói:
– Nãy anh ấy gọi điện, em nghe máy, anh ấy hỏi nhà ở đâu để anh ấy đến thăm nên dẫn anh ấy vào luôn.
Nói đến đây, nó lại ghé tai tôi thì thầm:
– Sao chị quen anh lính cứu hỏa mà không nói với em hả? Hôm trước còn bày đặt bảo em mua nước nữa? Chị với anh ấy đang thích nhau phải không?
Tôi lườm nó một cái, nhỏ giọng bảo nó nói vớ vẩn. Lúc ngẩng lên thì thấy Duy đang nhìn chị em tôi cười. Tôi ngại quá nên bảo:
– Anh đến sao không báo trước? Phòng em hơi chật, lại không có chỗ ngồi…
– Không sao. Anh ngồi trên giường cũng được mà. Hôm trước em để quên bút ghi âm trên xe nên anh mang đến, gọi điện thì Tép nghe máy nên em ấy dẫn anh lên.
– À… vâng. Ngại quá, anh cứ gọi em đến lấy được rồi, mất công mang đến làm gì. Mà đang còn bị thương nữa.
Duy xoay xoay bàn tay bị băng trắng xóa, cười bảo:
– Tiện cảm ơn chai nước của em đấy.
Tôi giả ngu đáp:
– Nước nào cơ?
– Nước hôm cháy ở Đền Lừ. Tép mang đến cho bọn anh mà.
Tôi quay sang nhìn thằng Tép đang nhe răng ra cười, tự nhiên cũng thấy mình ngu thật, bảo nó đưa nước thì chắc Duy phải nhớ mặt, giờ anh ấy đến biết nó là em tôi, sao lại không đoán ra tôi đưa nước được.
Tôi ngượng ngùng cười:
– À… tại em thấy các anh vất vả nên tiện mua thôi, không có gì đâu, có gì mà phải cảm ơn. Tay anh đã đỡ chưa?
– Đỡ rồi. Chắc mấy hôm nữa là tháo băng được ấy mà. Hôm nay em lại cho anh mời cơm để cảm ơn nhé, cả Tép nữa.
– Thôi, cảm ơn gì, không cần cảm ơn em gì đâu.
Vừa nói đến đó thì thằng Tép đã cướp lời:
– Anh ơi không cần phải mời cơm chị em em đâu, nhưng mà anh ở lại đây ăn cơm với chị em em nhé. Hôm nay em đi chợ nấu nhiều món lắm, anh ở đây ăn cho vui.
Tôi còn chưa kịp ngăn cản thì Duy đã đồng ý, anh ấy nói để ra chợ mua thêm một ít đồ vào góp, thằng Tép cũng lăng xăng đi cùng, một loáng sau đã thấy hai anh em xách về một đống túi to túi nhỏ.
Lúc tôi hỏi sao mua nhiều thế, Duy nói:
– Tiện mua nhiều để liên hoan cho Tép đi du học luôn. Ba ngày nữa Tép ra nước ngoài rồi mà.
– Liên hoan gì đâu, ăn bữa cơm bình thường là được rồi mà. Anh đã đến chơi lại còn tốn tiền nữa.
– Lương của lính cứu hỏa hơi bị cao đấy, em đừng lo. Em cứ ngồi đây đi, anh với Tép vào nấu cơm.
– Để đó em làm cho, hai anh em ra ngoài đi chơi đi, em nấu một tý là xong ngay.
– Không, đàn ông phải vào bếp, nhường phụ nữ nghỉ ngơi chứ. Không sao đâu, anh biết nấu cơm, nấu nhanh lắm, một tý là xong ngay.
Duy cứ khăng khăng đòi nấu cơm, tôi cản mãi không được nên chỉ lăng xăng phụ giúp. Tận ba người nấu nên chỉ ba mươi phút sau đã xong một mâm cơm đầy ắp, phòng tôi chật, không có chỗ để ngồi nên phải ăn trên giường.
Tôi cứ nghĩ Duy sẽ ngại, nhưng anh ấy rất thoải mái vui vẻ, hình như cũng hợp cạ với thằng Tép nên nói được đủ chuyện, đến khi ra về, thằng Tép còn lưu luyến mãi. Hẹn sau này nếu có dịp nó về nước, nó phải rủ được anh Duy đi chơi game xuyên đêm một chuyến.
Duy gật đầu:
– Được luôn, nhưng mà hẹn vào ngày anh được nghỉ nhé. Bữa nào anh nghỉ thì ra quán net chơi game với em xuyên đêm.
– Đồng ý luôn. À mà chị, chị tiễn anh Duy ra ngõ đi, tự nhiên em đau bụng quá, em phải đi vệ sinh đã.
Tôi biết thằng Tép lại giở trò gán ghép nhưng lười nói, chỉ gật đầu rồi đưa Duy xuống dưới. Lúc đến đầu ngõ, tôi mới hỏi anh ấy:
– Hôm nay tay anh chưa lành mà vận động nhiều như thế, liệu có sao không?
– Không sao đâu, bọn anh quen rồi ấy mà. Mấy hôm nay em có mệt không? Có phải đến viện nữa không?
– Em đỡ rồi, chắc khoảng một tuần nữa mới phải vào viện. À, chuyện em bị ốm, em không nói với thằng Tép, anh…
Còn chưa kịp nói hết câu, anh ấy đã ngắt lời:
– Ừ, anh cũng không nói gì với Tép cả. Em cứ yên tâm.
– Vâng, cảm ơn anh.
– Em chữa bệnh có gặp khó khăn gì không?
Tôi hiểu ý Duy muốn nói đến tiền, chắc hôm nay đến phòng trọ, thấy chị em tôi ở như thế nên anh ấy cũng đoán được điều kiện của tôi không dư giả gì. Nhưng ngay đến Linh tôi cũng không vay mượn, người như Duy tôi càng không muốn, thế nên tôi chỉ nói:
– Không ạ. Tạm thời em chưa khó khăn gì cả.
– Ừ, nếu có khó khăn gì thì cứ nói với anh nhé. Bọn mình là bạn bè mà.
Tôi cười:
– Từ bao giờ thế?
– Từ hôm nay.
Anh ấy quay đầu nhìn tôi, đôi mắt đen lấy không có vẻ thương hại, chỉ có sự ấm áp , chân thành và dễ chịu.
Có lẽ ánh mắt ấy của Duy đã thuyết phục được tôi nên tôi không cảm thấy quá mặc cảm nữa, tôi im lặng một lúc rồi chìa tay ra:
– Bắt tay một cái làm chứng.
Anh ấy hơi ngẩn ra rồi cũng bật cười:
– Bắt tay một cái làm chứng.
***
Sau khi Duy về rồi, thằng Tép cứ quấn lấy tôi mãi, xoắn xuýt hỏi có phải anh ấy là người yêu của tôi không, hỏi tôi với Duy quen nhau từ lúc nào, anh ấy tán tỉnh tôi trước hay tôi bật đèn xanh trước,
Tôi ném quyển sách vào người nó:
– Nói vớ vẩn, bọn chị mới quen, là bạn.
– Em nhìn thấy anh ấy có ý với chị đấy, em là đàn ông, em biết mà.
– Xùy, ai mà thèm thích chị. Ngủ đi. Còn nói nữa là chị đập cho phát đấy.
Thằng Tép sợ tôi đánh thật nên không dám trêu nữa, nhưng lát sau lại hỏi:
– Chị ơi, mấy hôm nữa em đi rồi, mình mời mẹ đến ăn cơm một bữa được không?
Thật ra tôi không muốn, nhưng nghĩ thằng Tép thiếu tình thương của mẹ, trước khi ra nước ngoài vẫn quyến luyến bà ấy cũng là điều dễ hiểu:
– Ừ, cũng được, nhưng mà mời ra ngoài ăn đi. Nhà chật, gọi mẹ đến rồi nấu cơm thì tốn công lắm.
– Vâng, em biết rồi ạ.
Ngày hôm sau, chuẩn bị phải nộp tiền làm hóa trị nên tôi định liên lạc với bên ngân hàng để làm thủ tục vay vốn, trước mắt tôi định vay tín chấp vài chục triệu để gom vào làm hóa trị lần đầu cái đã, đến lần sau nếu không xoay sở được đâu ra tiền thì tôi thôi, nằm một chỗ chờ c/hế.t
Ai ngờ đến hôm ngân hàng chuẩn bị giải ngân thì bỗng dưng tôi nhận được điện thoại của vị bác sĩ đang điều trị cho tôi ở bệnh viện K. Vừa nhấc máy thì chú ấy đã nói:
– Mai ơi, chú báo cho cháu một tin vui đây.
– Dạ, tin gì thế chú?
– Có một công ty tài trợ suất chữa trị đặc biệt cho bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn. Bọn họ bốc thăm được hồ sơ của cháu đấy.
Tin này hơi bất ngờ nên tôi không tin, há hốc miệng mấy giây mới cuống quít hỏi lại:
– Thật hả chú? Hồ sơ của cháu được công ty kia hỗ trợ chữa trị ạ?
– Ừ, họ hỗ trợ 100% chi phí chữa trị nhé. Nghe nói trước mắt là sẽ ứng trước cho bệnh viện 200 triệu, sau này có phát sinh thêm thì bọn họ sẽ tiếp tục chi trả.
– Có nhiều người được không hả chú?
– Có 3 trường hợp đấy.
Đang nghĩ đến việc lần sau phải chờ c.hế/t vì không có tiền, thế mà giờ tự nhiên có một chuyện tốt đến với tôi như thế, tôi mừng ơi là mừng, cười đến mức không sao khép được miệng.
Sống mấy chục năm, đến bây giờ ông trời mới chịu nhìn đến tôi một lần, cho tôi được may mắn một lần, khi tôi tuyệt vọng, cũng không tàn nhẫn đến mức triệt đi hy vọng sống ít ỏi của tôi.
Tôi nắm chặt điện thoại trong tay, rối rít cảm ơn bác sĩ, sau đó mới hỏi một câu:
– À đúng rồi, công ty tài trợ đó tên là gì thế chú?
– Công ty Trường Thịnh đấy. Công ty mà phát triển ra cái ứng dụng AI dùng để chẩn đoán hình ảnh ấy.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!