Núi Rộng Sông Dài - Phần 3
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
1129


Núi Rộng Sông Dài


Phần 3


Đúng lúc cô gái đó nhảy xuống thì người lính cứu hộ kia cũng lao lại, anh ta rất nhanh, chỉ chớp mắt một cái đã túm được tay cô gái. Thế nhưng lan can thấp, lực kéo xuống lại rất mạnh nên anh ta cũng bị trượt thẳng ra ngoài lan can, tôi biết bọn họ có dây an toàn nhưng theo phản xạ vẫn lao lại, túm lấy eo anh ta.
Cánh tay tôi bị kéo đến mức muốn rách ra, nhưng vẫn hét ỏm tỏi:
– Tôi giữ được anh rồi. Anh cứ yên tâm giữ lấy cô ấy đi.
Cô gái kia ở bên dưới vẫn gào khóc:
– Thả ra, thả tôi ra.
Mồ hôi trên trán người lính cứu hộ vã ra nhễ nhại:
– Nắm chặt lấy tay tôi. Có gì lên trên rồi nói.
– Tôi không cần nói gì với các người, thả tôi ra để tôi c/hế.t, thả tôi ra.
Cô ấy liên tục vùng vẫy làm cơ thể anh lính cứu hộ cũng lắc theo, cánh tay tôi cũng không khá hơn, giống như một sợi dây thun đã bị kéo căng đến độ sắp đứt luôn được vậy.
Ngay lúc này, đồng đội của anh lính cứu hộ kia cũng lập tức chạy tới, người thì giữ thắt lưng tôi, người thì tóm lấy đai cứu hộ của anh lính bên dưới, mọi người xung quanh cũng xúm lại giúp một tay, cuối cùng gần một phút sau mới kéo được cô gái kia lên.
Cô ta vẫn gào khóc đòi sống đòi c/hế.t, mấy người lính cứu hộ và gia đình phải vừa ôm vừa vác lôi vào trong phòng, nghe nói bác sĩ cũng vội vã tiêm thuốc an thần để cô ta bình tĩnh lại.
Người n/hảy lầu đã được cứu, không còn gì để xem nên đám đông nhanh chóng giải tán. Tôi thì mặt mày méo xệch xoay xoay thử khớp tay, còn chưa kịp kêu đau thì Linh đã mắng xa xả:
– Ôi cái con đ.iê.n này, người mày như tờ giấy thế mà còn định lao lại cứu à? Lỡ mày bay luôn xuống đó thì sao hả?
– Bay làm sao được mà bay. Anh cứu hộ kia giữ chắc rồi, tao chỉ xông lại giữ cho vui thôi.
– Vui, vui cái méo gì mà vui. Đau tay rồi phải không? Bị kéo thế kia có mà rách cả nách ra ấy chứ. Mặt mày xanh rợt ra kia kìa.
Tôi đau thật, khớp tay bị kéo căng ra như thế chắc là giãn dây thần kinh hay gì đó rồi, nhưng mà ngại con bạn tôi lắm lời nên vẫn giả vờ bảo không sao cả. Nó thì cứ lải nhải mắng tôi thích lo chuyện bao đồng, còn bảo tôi sắp phẫu thuật rồi mà không biết giữ sức khỏe cho bản thân.
Linh đang mắng hăng say thì bỗng dưng có tiếng người nói:
– Xin lỗi, cho tôi hỏi…
Quay đầu lại mới thấy anh lính cứu hộ ban nãy đứng ngay sau lưng, lúc này, anh ta tháo mũ ôm một bên, đầu óc ướt rượt mồ hôi, mặt mũi cũng đỏ bừng vì nóng, nhưng thoạt nhìn cũng rất sáng sủa đẹp trai.
Thấy trai đẹp, con bạn tôi lập tức sáng mắt lên:
– A, anh cứu hộ vừa nãy đây phải không?
– Vâng. Tôi đưa bạn kia vào trong xong, quay ra tìm thì không thấy bạn nữa. Bạn là người giữ tôi ban nãy phải không?
Lúc anh ta nói, ánh mắt hướng về chỗ tôi, âm thầm nhìn tôi từ đầu đến chân một. Tôi thì ngơ ngác mấy giây rồi mới ấp úng nói:
– À… vâng. Có việc gì thế ạ?
– May quá, tôi cứ sợ không gặp được bạn nữa. Ban nãy cảm ơn bạn giúp tôi nhé, lúc đó không có bạn giữ thì tôi có đai cứu hộ vẫn bị rơi xuống dưới, chỉ là không rơi đến đất thôi. Bạn bị kéo mạnh thế có đau không? Có bị thương chỗ nào không?
– À… không sao đâu ạ. Các anh vất vả cứu người mà, tôi chỉ giúp được một tý thôi, có đau gì đâu.
Linh nghe xong thì rú lên:
– Ôi nó nói dối đấy anh ạ. Tay nó đau nãy giờ không nâng được đây này, anh nhìn xem, mặt nó còn tái như con nhái rồi đây này, chắc là đau gần c.hế.t đấy. Bị kéo mạnh như thế làm gì có chuyện không đau được.
Tôi sợ phiền người ta nên mắm môi mắm lợi huých tay nó, Linh chẳng những không thèm nghe, còn bô bô bảo tay tôi chắc rạn xương rồi, có khi rạn cả khớp nữa. Anh ấy cũng ngại quá nên bảo:
– Xin lỗi bạn nhé. Việc của lính cứu hộ mà lại phiền đến bạn, còn làm bạn bị thương nữa. Hay là để tôi đưa bạn đi khám được không? Kiểm tra xem tay bị sao.
– Không cần đâu ạ. Tôi không đau thật mà. Bạn tôi nói linh tinh đấy, anh đừng để ý. Tôi không sao đâu.
– Hay là cứ đi khám xem. Làm người dân bị thương là bọn tôi bị kỷ luật đấy, bạn cứ đi kiểm tra cho tôi yên tâm.
Tôi nói mãi mà anh lính cứu hộ đó vẫn nhất quyết bắt tôi đi kiểm tra, còn bảo sẽ thanh toán tất cả chi phí và bồi thường cho tôi. Lúc ấy cũng sắp đến giờ tôi vào mổ rồi, từ chối mãi không được nên đành nói thật:
– Bây giờ tôi sắp vào làm phẫu thuật rồi, chắc là không kịp đi khám. Hay là đợi tôi phẫu thuật xong rồi khám được không?
Anh lính cứu hộ nghe xong thì tròn xoe mắt nhìn tôi, sau đó hình như liếc thấy tập bệnh án trên tay Linh mới hiểu ra điều gì, liền áy náy gãi đầu:
– Xin lỗi bạn, tôi không biết. Giờ sắp đến giờ bạn phẫu thuật rồi đúng không? Thế thì để tôi đưa bạn đi.
– Ôi không cần đâu ạ, bọn tôi tự đi được, anh còn có việc, anh cứ đi làm đi.
– Không sao, tôi xong rồi, tôi đưa bạn đi.
Nói xong, anh ta còn chủ động cầm giúp ba lô của tôi, con bạn tôi thì giỏi nhất là chớp thời cơ, lập tức đưa hết từ ba lô, đồ đạc, bệnh án,… tất cả chất hết lên anh lính cứu hộ, còn bọn tôi đi tay không.
Lúc đến cửa phòng phẫu thuật, Linh túm lấy tôi dặn dò một lượt, bảo tôi phải cố lên, có nó đợi ở bên ngoài. Anh lính cứu hộ thì tay xách nách mang đủ thứ, rõ ràng không hề quen tôi nhưng vẫn nói một câu:
– Bạn cố lên nhé, mọi chuyện sẽ ổn cả thôi.
– Cảm ơn anh.
– Chúc bình an.
Tôi gật đầu, mỉm cười chào mọi người rồi đi vào bên trong. Thay đồ xong, một mình tôi ngồi trên hành lang dài trắng xóa, có lẽ lần đầu phải động d.ao kéo, cũng có thể vì không có người thân ở bên, như một lẽ thường tình, tôi lại cảm thấy sợ hãi.
Tôi lo xảy ra biến chứng thì mình sẽ c.hế/t, lo ngủ một giấc rồi sẽ không còn thấy ngày mai, thế nhưng khi sống lưng tôi bắt đầu run lên, bỗng dưng trong đầu lại văng vẳng xuất hiện câu nói của người đàn ông trên cầu hôm trước.
Anh ta nói “Được ông trời nhìn đến hay không thì cũng vẫn phải sống tiếp, dù ngày mai có c.hế/t hay không thì cứ sống cho bản thân mình hết hôm nay”. Hôm nay tôi cũng coi như đã làm được một việc tốt, cứu được một cô gái cũng có ý định c/hế.t như tôi, còn được bạn bè và đồng nghiệp ủng hộ cho một số tiền lớn như thế để chữa bệnh, có một anh lính cứu hộ không quen biết chúc tôi bình an. Hình như tôi đã sống trọn vẹn rồi nhỉ? Tôi cần gì phải sợ hãi nữa chứ?
Nghĩ đến đây, tự nhiên tôi lại thấy lòng mình được tiếp thêm rất nhiều dũng khí, nỗi sợ hãi đè nặng trên ngực cũng vơi đi. Tôi nắm chặt tay, lẳng lặng hít vào một hơi thật sâu rồi đi theo bác sĩ, nằm trên giường phẫu thuật nghiêm túc lắng nghe bọn họ nói, nghe bọn họ động viên tôi, sau đó thì chìm vào giấc ngủ và mơ rất nhiều giấc mơ từ thuở thiếu thời.
Tôi mơ thấy khi mình 13 tuổi đã bắt đầu xin đi rửa bát thuê, làm chiều đến tận đêm muộn, bà chủ thấy vừa nhỏ vừa gầy nên đã ăn quỵt tiền. Tôi còn mơ thấy mình khi 15 tuổi, lần đầu tiên bị kinh nguyệt thì sợ hãi khóc một trận, không có tiền mua băng vệ sinh nên chị hàng xóm tốt bụng đã cho một miếng vải màn. Sau đó, giấc mơ của tôi chuyển đến năm tôi 18 tuổi, tôi dắt theo thằng Tép từ quê lên Hà Nội, để nuôi em và kiếm tiền thi đại học nên tôi đã nai lưng đi làm thuê, làm nhiều đến mức da tay tróc từng mảng.
Hai năm sau tôi mới dồn đủ tiền để thi đại học, lúc biết kết quả tôi không khóc, nhưng lại dẫn em về quê một chuyến, đứng trước mộ bố thắp nén hương rồi nói một câu:
– Bố, con đậu Đại học rồi. Bố ở trên đó nhớ phù hộ cho con có tiền để đi học, phù hộ cho thằng Tép khỏe mạnh, à, phù hộ cả cho bọn con sớm tìm thấy mẹ nữa bố nhé!
Thằng Tép nắm chặt tay tôi, hai mắt đỏ hoe:
– Chị ơi, sau này em cũng muốn đỗ Đại học, lúc đó chị lại dẫn em về thăm bố nhé!
Mấy năm Đại học có lẽ là thời gian khốn khó nhất của tôi, một buổi đi học nên tôi chỉ còn lại một buổi đi làm, tiền kiếm được không đủ để chi tiêu sinh hoạt cho hai chị em, thế nên hầu như ngày nào tôi cũng chỉ ăn một bữa, còn lại chỉ uống nước cầm hơn.
Chị em chúng tôi chật vật chui rúc trong căn phòng trọ ở khu ổ chuột tận 5 năm, mãi đến khi tôi bắt đầu đi làm ở đài truyền hình mới chuyển được sang căn tử tế hơn một chút. Tôi còn dự định cuối năm nay tiết kiệm được ít tiền sẽ đưa thằng Tép đi du lịch Quy Nhơn một chuyến, ước mơ của nó suốt bao nhiêu năm nay cũng chỉ là được đặt chân đến Quy Nhơn.
Sau đó tôi lại mơ thấy ngày tôi đến bệnh viện và nghe bác sĩ kết luận bị K, tôi mơ thấy tôi đứng trên cây cầu lộng gió, bão táp mưa sa tát bỏng rát lên mặt tôi, không có người bên cạnh ngăn cản nên tôi đã nhảy xuống dưới. Thân thể trôi như phiến lá bồng bềnh trên mặt nước, ngửa mặt lên trời bị nắng chiếu tróc hết da, gớm ghiếc đến mức không ai buồn đi vớt…
Mơ đến đây, tôi sợ đến mức tỉnh dậy, mở mắt ra mới thấy có một người y tá đang đứng bên cạnh đánh thức tôi:
– Chị Mai, tỉnh dậy nào. Mở mắt nhìn tôi xem nào.
Vẫn còn thuốc mê nên tôi lơ mơ gần nửa phút mới nhận ra đây là phòng hồi sức, hình như tôi phẫu thuật xong rồi nên được chuyển đến đây. Chị y tá thấy tôi tỉnh thì hỏi han một hồi, hỏi xong lại bảo tôi nằm nghỉ, mấy tiếng nữa sẽ được chuyển ra phòng bệnh bình thường.
Tôi cũng chẳng nhớ rõ mình đã ngủ thêm mấy giấc, chỉ biết thức dậy lần nữa đã bắt đầu ngấm cảm giác đau, y tá đẩy tôi sang phòng thường, sau đó gọi người nhà tôi vào.
Các bệnh nhân cùng phòng có đông đủ người nhà, còn tôi thì chỉ có mỗi Linh xách theo một chiếc cạp lồng với ba lô quần áo. Thấy tôi nằm bẹp như tờ giấy trên giường, nó vội vàng chạy lại:
– Mày có đau lắm không?
– Còn thuốc nên không đau mấy. Không sao đâu. Mày ở ngoài chờ tao suốt từ lúc đó đến giờ đấy à?
– Chứ còn gì nữa. Chẳng lẽ lại bỏ mày đi à? Tao xin nghỉ rồi, ở đây chăm mày.
– Mấy giờ rồi?
– 6h chiều rồi. Mẹ, chờ sốt cả ruột, hỏi y tá mãi mà họ bảo chưa vào được. Tao ra ngoài làm hai cái bánh giò với cốc trà tắc rồi, mua cháo mang cho mày đây.
– Chưa ăn được cháo đâu. Bác sĩ bảo đợi thêm mấy tiếng nữa.
– Ừ, biết rồi, nãy y tá dặn rồi. Có mỏi chỗ nào hay buồn chân buồn tay không, tao bóp cho mày nhé?
Tôi ngại, bảo không nhưng nó vẫn lần mò sờ chân sờ tay tôi, bảo tôi gầy như que củi, đợi mấy hôm nữa ăn được thì phải ăn nhiều vào, có sức để làm hóa trị. Nó bận đi lấy tin mà không đến được thì sẽ thuê người đến chăm tôi.
Tôi xua tay bảo:
– Thôi, làm hóa trị cũng nhàn không ấy mà. Tự ăn tự uống được, gì mà phải thuê người chăm.
– Ơ hay, ốm thì phải có người chăm chứ, nhỡ không đi mua gì ăn được thì sao.
– Giờ có dịch vụ order cơm suất đến tại chỗ rồi, cháo, bún, phở gì người ta cũng ship, không phải lo. Tối nay mày cũng về đi, về nhà mà ngủ cho yên tĩnh.
Tất nhiên là Linh từ chối, nó đợi đến giờ tôi được ăn cháo để đút cháo cho tôi, sau đó thì ngủ cùng tôi trên giường bệnh, lúc rút truyền hay tôi cần đi vệ sinh đều có nó giúp đỡ.
Sáng hôm sau, bác sĩ vừa đến khám cho tôi xong thì có người đến thăm. Lúc nhìn thấy anh lính cứu hộ hôm qua bước vào cửa, con bạn tôi buột miệng nói bậy một tiếng:
– Ôi mẹ, cởi áo cứu hỏa ra nhìn đẹp trai thế?
Tôi lo nó dọa người ta sợ nên đưa tay véo nó một cái:
– Mày có im ngay đi không. Mày làm người ta sợ đấy.
– Á á, đau đau. Im đây, im đây.
Vừa nói đến đó thì anh lính cứu hộ cũng đi lại gần, anh ấy xách theo một giỏ hoa quả to tướng, nhìn bọn tôi cười:
– Chào hai bạn.
– Ơ… chào anh, hôm nay trông anh lạ quá, suýt nữa thì không nhận ra.
Linh cười tít cả mắt, vội vàng đứng lên kéo ghế:
– Anh đến thăm bạn em à? Anh ngồi đi.
– Cảm ơn Linh. Từ hôm qua đến giờ Linh vẫn ở đây hả?
– Vâng, em ở đây chăm sóc Mai mà. Nó yếu lắm, mổ xong nằm mười mấy tiếng không tỉnh.
Tôi ngại, không biết nói sao nên chỉ cười thôi. Anh lính cứu hộ đặt giỏ hoa quả lên đầu giường tôi, cúi đầu nhìn tôi hỏi:
– Bạn thế nào rồi? Đã đỡ hơn chưa?
– Tôi đỡ rồi. Ngại quá, hôm qua tôi nói rồi, tôi không sao đâu, tự nhiên lại làm phiền anh mất công đến thăm.
– Có gì đâu, hôm nay được nghỉ nên tôi ghé qua. Có mua ít hoa quả cho hai bạn, bạn nhanh khỏe nhé.
– À… vâng. Cảm ơn anh.
– Hôm nay bạn đã ăn được gì chưa?
– Bác sĩ nói hôm nay là bắt đầu ăn nhẹ được rồi, chắc vài hôm nữa là được xuất viện về thôi.
– Bệnh của bạn chắc phải điều trị dài ngày nhỉ?
Chẳng biết có phải vì lúc trước có người đã ngăn cản tôi t.ự tử giống như người lính cứu hộ này ngăn cô gái kia hay không, mà tôi lại thấy rất có cảm tình với anh ta. Thêm nữa, gương mặt của người đàn ông kia có vẻ rất nhẹ nhàng ôn hòa, cách nói chuyện cũng dễ gần dễ chịu nữa, khiến người ta không khách sáo đề phòng nổi.
Tôi cười bảo:
– Vâng, đợi khỏe lại thì tôi sẽ làm hóa trị. Điều trị đến lúc nào khỏe thì thôi.
– Từ lúc làm ở đội phòng cháy chữa cháy đến giờ tôi có vào đây cứu nạn mấy lần, mấy anh em trong đội cứ bảo với nhau không ai khổ như bệnh nhân ung thư. Nhưng mà ngoài một số người bi quan như bạn nữ hôm trước ra, người mạnh mẽ lạc quan cũng còn nhiều lắm. Bạn cũng là một trong những người lạc quan đó đấy, còn dũng cảm nữa.
– Tôi dũng cảm gì đâu, lúc đó cũng không nghĩ gì nhiều, tự nhiên theo phản xạ chạy đến thôi.
Người đàn ông kia cũng cười theo tôi, gương mặt dưới ánh nắng trắng nõn, ấm áp và sáng sủa:
– Tay bạn còn đau nhiều không?
– Không đau nữa. Anh yên tâm, tôi không sao đâu, không cần phải đi chụp gì đâu.
– Bạn tên gì? Để tôi dễ xưng hô.
– À… tôi tên Mai. Anh tên Duy nhỉ?
– Sao bạn biết?
– Hôm qua tôi đọc trên ngực áo cứu hộ của anh.
– À…
Vành tai Duy hơi đỏ lên, ngượng ngùng gãi đầu cười. Anh ấy hỏi tôi năm nay bao nhiêu tuổi, tôi nói đoán xem, Duy chỉ cần đoán một lần đã trúng phóc.
Lần này đến lượt tôi tròn xoe mắt hỏi:
– Sao anh biết thế?
– Hôm qua Linh nhờ tôi cầm hộ bệnh án, tôi đọc thấy trên đó ghi bạn sinh năm 198x.
– À, thế là anh cũng biết tên tôi nhưng vẫn hỏi hả?
– Đâu có, lúc đó chỉ liếc qua được mỗi năm sinh thôi.
– Anh hơn tôi mấy tuổi?
Duy hơi ngẩn ra, vài giây sau mới hiểu ý tôi hỏi anh ta bao nhiêu tuổi:
– Tôi hơi bạn 2 tuổi.
– À, thế là 29 rồi.
Linh ngồi bên cạnh ngay lập tức chớp thời cơ, hỏi:
– 29 mà nhìn trẻ thế, nhìn anh thế này không ai nghĩ anh 29 tuổi đâu, trông giống 19 tuổi thôi.
– Bạn nói thế tôi tưởng thật đấy.
– Em nói thật mà. Em kém anh 4 tuổi, anh cứ gọi bọn em là em thôi. Gọi anh em cho dễ.
– À… cũng được.
Con bạn tôi lắm mồm hơn tôi, phóng viên mà, hỏi đủ chuyện trên đời được. Linh hỏi công việc cứu hộ của Duy có vất vả không, có thường xuyên phải trực không, rồi gật gù bảo phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ là công việc nguy hiểm, nếu có điều kiện, một ngày nào nó cũng sẽ đến đơn vị của Duy để phỏng vấn một chuyến.
Ba người chúng tôi ngồi nói chuyện đến tận gần trưa thì Duy mới ra về. Anh ấy rất lịch sự, lúc đứng lên còn dặn dò tôi ăn nhiều cho nhanh khỏe, sau đó chào cả phòng rồi mới rời đi.
Linh nhìn cho đến khi bóng Duy đi khuất mới nói:
– Ông này trông được đấy nhỉ? Trông kiểu nhẹ nhàng thư sinh, mà lại làm công việc cứu người nữa.
– Ừ.
– Ừ gì mà ừ, mấy khi mới gặp được người vừa miếng, mày phải tranh thủ hốt ngay đi chứ. Người ta có lòng đến thăm mày kia kìa
– Người ta đến thăm vì áy náy chuyện hôm qua, hốt gì mà hốt, đầu óc mày có thể trong sáng tý đi được không hả?
– Trong sáng cái quái gì, thời nào rồi mà còn trong với sáng, mày trong sáng quá nên đến giờ vẫn chưa một mảnh tình vắt vai kia kìa. Đen tối lên, trong đầu lúc nào cũng phải nghĩ đến hốt người ta thì mới có người yêu được.
Tôi xùy một tiếng, chẳng thèm chấp nó, nhưng Linh thì cứ lải nhải bảo phải điều tra xem Duy có người yêu chưa để tôi hốt. Mà thực ra dù anh ấy có người yêu hay chưa thì tôi không bận tâm lắm, bởi vì đến giờ phút này tôi chưa bao giờ mơ đến việc mình có bạn trai.
Một phần vì tôi nghèo, phần lớn hơn là vì tôi bị bệnh, chẳng biết sống được bao lâu nữa nên chuyện thích một người xa vời lắm, cũng chưa từng mong ai để ý đến một người sắp c.hế/t như tôi.
Thế nhưng sau đó Duy vẫn giữ liên lạc với tôi, thỉnh thoảng anh ấy rỗi sẽ nhắn tin đến hỏi tôi đỡ hơn chưa, cánh tay thế nào rồi. Có lần trong bệnh viện có người bị kẹt đầu vào thanh sắt cửa sổ, anh ấy đến xử lý xong cũng ghé qua chỗ tôi.
Đi cùng Duy có một cậu lính trẻ măng, thấy Duy thăm tôi mới nói đùa:
– Ơ thế đây là chị dâu à? Chị dâu xinh thế mà anh Duy giấu mãi, mãi đến giờ em mới được gặp đấy.
Anh ấy đỏ mặt, quay đầu mắng cậu lính kia:
– Nói vớ va vớ vẩn, đó là người hôm trước giữ tôi, vụ n.hả.y lầu ở bệnh viện này hôm trước ấy.
– À… à… em nhớ rồi. Về đội mấy anh em cứ nhắc mãi chị ấy chứ gì. Là chị này hả anh? Anh Khiêm nói chị ấy xinh như hoa hậu không sai mà.
Tôi ngại quá, được khen quá lời như vậy thì xấu hổ, đỏ bừng mặt:
– Hoa hậu gì đâu. Tôi chỉ mới quen anh Duy từ hôm đó thôi.
– Ôi bây giờ yêu nhanh lắm, biết đâu hai người là tình yêu sét đánh ấy chứ. Anh Duy nhà em chưa có người yêu đâu, chị hoa hậu đã có người yêu chưa?
Mặt tôi càng nóng ran:
– Tôi không phải hoa hậu nhưng tôi chưa có người yêu. Bệnh thế này không ai yêu đâu.
– Ồ.
Cậu lính trẻ hơi ngượng ngùng nhìn khắp phòng bệnh tôi, trong phòng tất cả đều là bệnh nhân ung thư, khiến cậu ta bối rối. Mấy giây sau, cậu ấy bỗng cười tươi, giơ tay nắm lấy tay tôi:
– Chào chị, em là Khánh ạ. Em ở cùng đội với anh Duy.
– Chào Khánh, tôi là Mai.
– Chúc chị mau khỏe nhé. Chị còn trẻ như thế thì kiểu gì cũng sẽ khỏe lại thôi. Chị cố lên.
Tôi bật cười:
– Cảm ơn Khánh.
Bởi vì đang làm nhiệm vụ nên bọn họ không được ở lại lâu, nói mấy câu thì phải đi ngay rồi. Trước khi đi khỏi, Duy lấy ra từ trong túi một lọ vitamin nho nhỏ, đặt lên đầu giường bệnh của tôi:
– Anh được người quen tặng nhưng không dùng đến, hôm nay đi làm nhiệm vụ nhưng cũng không gấp lắm, nên tiện lấy mang đến cho em. Nghe nói uống vitamin sau mổ tốt đấy, em uống thử xem nhé.
– Ơ…
Tôi còn chưa kịp từ chối, anh ấy đã nói “Bọn anh phải đi luôn đây”, sau đó vội vàng chạy đi. Mấy cô bác trong phòng thấy Duy đến thăm tôi hai lần, còn mang quà đến như thế thì tấm tắc khen:
– Cháu có người yêu là lính cứu hỏa à? Cái cậu ấy rõ là hiền lành tử tế nhỉ? Còn làm công việc cứu người nữa.
– Không phải đâu ạ, bọn cháu vừa mới quen thôi ạ.
– Bác thấy cậu ấy có cảm tình với cháu đấy, bệnh nhân u.ng thư như mình mà có người để mắt đến như thế là họ tốt lắm, có cơ hội thì nhớ nắm cho chắc vào nhé.
Tôi cười, cũng lười giải thích mà chỉ ậm ừ bảo “Vâng” thôi, dù sao thì bọn tôi cũng không có tương lai, vả lại mới quen biết mấy ngày nhưng từ công việc và cách nói chuyện của Duy, tôi cũng đủ hiểu anh ấy là người tốt. Anh ấy chỉ đang áy náy chuyện tôi bị đau tay mà không có cách nào đưa tôi đi kiểm tra, cho nên mới quan tâm tôi đặc biệt hơn chút xíu mà thôi.
Nghĩ thế nên mấy hôm sau, đỡ đỡ hơn một chút tôi mới lặc đến phòng CT đi chụp phim cánh tay. Bác sĩ bảo tôi bị giãn giây chằng khớp vai nhưng tạm thời đã ổn, nghỉ ngơi vài ngày là khỏi.
Tôi chụp kết quả này gửi cho Duy, bảo anh ấy là tôi không sao rồi, về sau không cần phải thăm hay mua quà cáp gì cho tôi nữa. Thế nhưng tin nhắn gửi đi, mãi tận đến 9h tối mới thấy anh ấy nhắn lại:
– Xin lỗi nhé, giờ anh mới đọc được tin nhắn. Tay Mai không sao là tốt rồi.
– Vâng, bác sĩ nói không sao đâu ạ. Với cả mai em cũng xuất viện rồi, anh không cần phải đến thăm em nữa đâu.
– Mai được xuất viện rồi à? Nhanh thế hả?
– Vâng, em nằm gần 10 ngày rồi mà.
– Mai anh được nghỉ, có cần anh đưa em về nhà không?
– Không cần đâu ạ. Mai bạn em đưa em về rồi. Cảm ơn anh.
– Thế thì lúc nào rỗi thì anh mời em bữa cơm được không? Tay em giãn dây chằng mà, vẫn là bị thương, để anh mời một bữa cơm đi, coi như xin lỗi em.
Anh ấy nhiệt tình, tử tế, tôi cứ từ chối mãi cũng ngại nên đành bảo:
– Mời cảm ơn thì em nhận, còn mời xin lỗi thì thôi nhé. Em nhận hoa quả xin lỗi của anh rồi, còn cả chai vitamin nữa.
Duy gửi cho tôi một icon mặt cười:
– Được luôn. Thế thì anh mời cơm cảm ơn. Nhường em chọn ngày đấy, em chọn ngày đẹp đi.
– Chắc là cuối tuần tới em rỗi. Cuối tuần sau anh có được nghỉ không? Nếu được nghỉ thì mình đi ăn.
– Ừ, cuối tuần sau anh được nghỉ. Ăn gì thì vẫn nhường em chọn nhé.
– Đồng ý luôn.
– Anh đi làm việc tiếp đây. Em ngủ ngon nhé.
Lính cứu hỏa rất bận, tôi biết vậy nên không bao giờ thắc mắc anh ấy đang đi làm nhiệm vụ gì, cũng chẳng bao giờ nhắn tin trước, tôi chỉ coi như chúng tôi là hai người bạn, gặp nhau vài lần, xin lỗi và cảm ơn xong có lẽ sẽ thôi.
Thế nhưng, tôi không ngờ rằng mối nhân duyên của tôi và Duy lại từ lần gặp gỡ ngày hôm đó mà kéo dài thêm mãi, sau này cũng trên chính đoạn đường tình cảm với anh ấy, tôi đã gặp được một người có khả năng thay đổi cuộc đời tôi, thay đổi cả trái tim tôi…
Mấy hôm sau, bác sĩ cho tôi xuất viện, về nhà bồi bổ sức khỏe rồi một tháng nữa lại vào để làm hóa trị. Hôm tôi về, thằng Tép vừa thấy mặt đã hỏi:
– Chị đi công tác không được ăn uống tử tế à? Sao mà gầy thế?
– Gầy bây giờ đang là mốt đấy. Gầy mặc váy mới đẹp chứ. Mấy hôm chị vắng nhà có nấu cơm ăn tử tế không?
– Em có. Em đi chợ nấu buổi sáng rồi ăn cả ngày.
– Ừ. Thế có lịch đi chưa?
– Hôm nay trường mới thông báo. Lịch chính thức là cuối tháng này chị ạ.
Tôi định nói “Sao mà nhanh thế?”, nhưng nghĩ thằng Tép đi sớm như vậy thì chính nó cũng hụt hẫng và buồn nên tôi không nói nữa, tôi chỉ bảo:
– Ừ, thế để mai kia chị được nghỉ, chị đi mua ít quần áo đồ đạc cho Tép nhé. Cuối tuần này em có được nghỉ không?
– Em chỉ được nghỉ chủ nhật thôi. Tại các thầy cô bảo em phải tranh thủ làm giấy tờ thủ tục, mà làm mấy cái đó cũng lâu lắm. Nhưng mà chị ơi, chị không cần mua quần áo cho em đâu, em có đủ rồi mà.
– Sang nước ngoài phải có quần áo mới, rồi đồ đạc các thứ nữa chứ. Ở nước ngoài không giống ở Việt Nam mình đâu, sang đó lỡ đồ đắt rồi mua còn tốn hơn. Cứ để chị mua cho, mang được thì mang đi chứ tội gì.
– Vâng. Thế cũng được ạ.
Mổ xong, sức khỏe còn yếu nhưng tôi vẫn đi làm, không làm gì mà nhận lương thì tôi ngại lắm, nhưng khi lên đài, mọi người trên đó cứ mắng, bảo tôi cứ nghỉ đi cho khỏe, không ai bắt đi làm, mới phẫu thuật xong cần nghỉ ngơi mà cứ đi làm làm gì.
Tôi cười bảo:
– Cháu vẫn khỏe lắm, cháu nằm viện hơn 10 ngày rồi mà, khỏe rồi. Các chú thương cháu thì cứ cho cháu việc nhẹ đi, đi lấy tin gần gần cũng được ạ.
– Đi lấy tin gần hay xa mà chả là đi.
– Khác chứ chú, ở trong Hà Nội thì cháu đi tý là đến, mệt thì cháu về, ở xa thì cháu mệt làm gì chạy về được. Chú cứ cho cháu đi làm đi, ở nhà cháu buồn chân buồn tay lắm.
Tôi nói mãi, cuối cùng chú giám đốc phụ trách mới cho tôi đi lấy tin ở một công ty trong nội thành. Tôi làm ở phòng nội dung Kỹ thuật và Công nghệ, nhưng mới vào nghề thôi nên tiếp xúc với các công ty cũng ít lắm, lần này nghe nói có một công ty công nghệ kia cho ra mắt một ứng dụng AI dùng trong chẩn đoán hình ảnh, việc này có ý nghĩa rất lớn đối với lĩnh vực y khoa nên tôi lọc cọc đến phỏng vấn.
Ban đầu, cứ nghĩ công ty sản xuất ra được ứng dụng này chắc phải lớn lắm, nhưng đến nơi mới biết họ chỉ thuê 2 tầng nhà làm văn phòng, ở dưới tầng 1 vẫn là một siêu thị bình dân.
Lúc đến nơi có một người đàn ông tiếp tôi, anh ta giới thiệu mình là phó giám đốc, hiện tại giám đốc đi vắng nên anh ta tiếp thay.
Tôi cười bảo:
– Không sao, không sao. Hôm nay tôi đến để lấy thông tin về ứng dụng AI mới của công ty anh, không cần tiếp đãi gì đâu mà, nếu có thời gian thì phiền anh cung cấp cho tôi những thông tin cần thiết để đài thực hiện bản tin nhé.
– Vâng. Được đài truyền hình quan tâm đến ứng dụng AI mới này là chúng tôi cảm ơn lắm lắm, phổ biến được rộng rãi thì các bệnh viện sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong các phương pháp chẩn đoán, mà công ty tôi cũng được nhiều người biết đến nữa. Chị cần gì thì cứ nói với tôi một tiếng, tôi sẽ cung cấp ngay.
Đoàn của tôi chỉ có đúng 2 người, tôi và một cậu quay phim, thu thập thông tin về công ty một lúc, anh phó giám đốc kia lại dẫn tôi đến phòng phát triển ứng dụng. Vào bên trong mới thấy phòng đó không quá lớn, 60 mét vuông mà có hơn 30 nhân viên, tuy hơi chật nhưng không gian rất sáng tạo, mọi người ai cũng hăng say làm việc.
Lúc ở dưới tầng 1, tôi có mua một thùng café sữa đá ở siêu thị, may sao vừa mới vào phòng này thì anh nhân viên dưới đó cũng vác lên. Tôi cầm lấy chia cho từng người, nói tôi ở đài truyền hình tới, trước hết là đến thăm, sau đó là thu thập thông tin về ứng dụng AI.
Mấy anh nhân viên công nghệ đầu bù tóc rối đang làm việc, thấy được phát café mới ngẩng lên nhìn tôi, sau đó tất cả “ồ” lên một tiếng:
– Phóng viên đài truyền hình đẹp thế, còn tốt bụng nữa. Đến đây lấy tin mà còn mua quà cho bọn tôi nữa, ngại quá, ngại quá.
Một người lập tức kéo ghế ra cho tôi:
– Hai anh chị phóng viên ngồi đi.
– Cảm ơn anh.
Tôi cười, cũng không ngồi xuống mà chỉ nói:
– Mọi người đừng ngại, chỗ café này là để cảm ơn mọi người. Ứng dụng AI dùng để chẩn đoán hình ảnh trong y khoa do mọi người phát triển giúp được rất nhiều cho bác sĩ, mà bác sĩ chẩn đoán chính xác thì mới có hướng chữa trị chính xác cho bệnh nhân. Nói theo tính chất bắc cầu là ứng dụng AI do công ty Trường Thịnh phát triển đã giúp được rất nhiều bệnh nhân, giúp ích cho xã hội, thế nên hôm nay tôi coi như là thay mặt cho một số bệnh nhân, mua một ít quà nho nhỏ đến cảm ơn mọi người. Cảm ơn mọi người đã không quản ngày đêm phát triển ra một ứng dụng có ích cho xã hội như thế nhé!
Tôi nói xong, mọi người lập tức vỗ tay rần rần, anh phó giám đốc thì cứ bảo tôi là: Mai nói hay quá, bình thường bọn tôi ai cũng nghĩ như thế nhưng không nói ra được, nghe Mai nói thế này đến cả tôi cũng bừng bừng khí thế, đừng nói đến anh em ở phòng phát triển ứng dụng này.
Tôi xua tay đáp:
– Có gì đâu, anh uống café đi. Vừa uống mình vừa đi tham quan một vòng, xem nơi mọi người làm ra ứng dụng AI Star như thế nào.
– Ừ, Mai cũng uống đi.
Chúng tôi vừa uống cafe vừa đi xung quanh phòng phát triển một vòng, hỏi thăm trò chuyện từng người, quay phim, sau đó mới quay lại phòng tiếp khách.
Lúc không còn người nào nữa, tôi mới hỏi phó giám đốc rằng ở phòng phát triển có lắp camera mini nào không, anh ta nói không có, chỉ có mấy camera an ninh thôi.
Tôi nghe thế mới bảo:
– Thế thì anh kiểm tra kỹ xem, ban nãy lúc máy quay lia qua góc rèm cửa sổ bên phải, tôi thấy có chấm đỏ nhấp nháy. Không rõ có phải camera mini đặt ở đó không, nhưng cứ thử kiểm tra xem sao.
Mặt anh phó giám đốc kia hơi ngẩn ra, sau đó rối rít cảm ơn tôi. Thật ra trong kinh doanh, việc nghiên cứu và tạo ra ứng dụng là một vấn đề cần phải bảo mật, thứ nhất để tránh đối thủ cạnh tranh sao chép, thứ hai là để người khác không nắm trước được đường đi nước bước của mình. Công ty Trường Thịnh này bị lén đặt camera cũng là điều dễ hiểu.
Phó giám đốc Trường Thịnh mời tôi ăn cơm để cảm ơn nhưng tôi từ chối, tôi chỉ bảo nếu có lòng thì cho tôi xin một số tài liệu có liên quan để biên tập cho dễ, anh ta lập tức đồng ý, mang cả một xấp tài liệu dày đến cho tôi.
Khi liếc qua tên của giám đốc Trường Thịnh, có lẽ vì tên của người đó rất đẹp nên động tác lật qua trang của tôi hơi dừng lại.
Tên anh ta có tận 4 chữ, Võ Đặng Trường Giang, chữ ký ở góc cuối của trang giấy cũng gãy gọn, phóng khoáng và mạnh mẽ, chẳng biết người ra sao nhưng chữ ký và tên thực sự khiến tôi rất ấn tượng, cứ ngẩn ra nhìn mãi.
Phó giám đốc thấy vậy mới nói:
– À, đó là tên giám đốc công ty anh. Tên hơi dài, nhưng đọc một lần là nhớ ngay.
– Vâng. Tên đẹp anh ạ. Trường Giang, con sông dài.
– Ừ, đấy, phiên âm ra là con sông dài. Tên có ý nghĩa thế chứ, chẳng giống tên anh tý nào, tên Phương có ý nghĩa gì đâu.
– Phương là phương hướng mà, tên anh cũng đẹp đó chứ.
– Vẫn không đẹp bằng tên em. Phóng viên Phạm Chi Mai. Chi Mai là một cành mai hả?
Tôi cười:
– Vâng.
Nói chuyện thêm một lúc thì chúng tôi chào ra về, phó giám đốc đòi tiễn tôi xuống tận bãi đỗ xe, nhưng tôi ngại, chỉ cho anh ấy tiễn đến thang máy rồi thôi.
Lúc thang máy dừng ở tầng một, cửa vừa mở ra thì thang máy bên cạnh cũng có người đi vào. Ban đầu tôi không để ý lắm, nhưng lúc lướt qua, tự nhiên lại ngửi thấy một mùi hương quen quen.
Phải nói thế nào nhỉ? Nó giống mùi gỗ, lại không phải là mùi gỗ, còn thoang thoảng hương lên men như mùi nắng mới. Tôi không nhớ mình đã gặp được mùi này từ khi nào, nhưng thấy quen nên theo phản xạ quay đầu lại. Có điều lúc ấy thang máy đang đóng lại, tôi chỉ có thể nhìn thấy một phần vai người kia.
Mặc vest, rất cao, bờ vai vừa rộng vừa ngay thẳng, chưa kịp nhìn tiếp thì cửa thang đã đóng hẳn rồi.
Cậu quay phim thấy tôi quay đầu mới hỏi:
– Sao thế chị? Người quen của chị à?
– À không, quen gì đâu, chị tò mò nên nhìn thôi. Đi thôi, nhanh về không muộn rồi.
– Dạ.

Yêu thích: 4.7 / 5 từ (10 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN