Núi Rộng Sông Dài
Phần 6
Khi con người ta yếu đuối thường hay sợ cô đơn, lúc đứng trước bệnh tật ai cũng chênh vênh sợ hãi, muốn nắm lấy một bàn tay nào đó. Tôi cũng không ngoại lệ!
Có điều, tôi không dám chắc mình có thể sống tiếp bao lâu, cũng không đủ tự tin để thích một người như Duy nên cuối cùng, tôi vẫn chọn cách từ chối:
– Anh biết bệnh của em mà, phải không?
– Anh biết. Nhưng anh không cảm thấy sao cả, em bị bệnh hay em khỏe mạnh cũng không ảnh hưởng đến việc anh muốn chăm sóc em.
– Có chứ.
Tôi cười, lặng lẽ rút tay ra rồi nói một câu:
– Em sẽ là gánh nặng.
– Không đâu.
Duy kiên định nhìn tôi, dõng dạc nói từng chữ:
– Khi muốn chăm sóc một người thì sẽ không coi việc đó là gánh nặng. Em đừng nghĩ như thế.
– Chăm sóc người bị u/ng t.hư mệt mỏi lắm, công việc của anh bình thường đã vất vả rồi, lúc được nghỉ ngơi thì nên tìm một người khỏe mạnh để hẹn hò, đi ăn đi chơi, hoặc ít nhất là khi anh bị thương hay mệt mỏi, người kia cũng có thể động viên, chăm sóc lại cho anh. Những việc đó người như em không thể làm được.
Có lẽ Duy cũng đọc hiểu được sự do dự trong mắt tôi, anh ấy biết tôi đang nghĩ gì nên không miễn cưỡng. Duy im lặng một lúc, lát sau mới gọi một tiếng:
– Mai.
– Vâng.
– Em sẽ khỏe lại thôi.
Chỉ năm chữ thôi nhưng cũng đủ chạm vào tận sâu trái tim tôi, giống như một lời động viên, cũng tựa như một lời hứa sẽ chờ đợi, đợi đến khi tôi thực sự khỏe mạnh sẽ trở thành một người có thể làm được những điều như tôi vừa nói.
Tôi xúc động nhìn anh ấy, môi mấp máy nói một câu:
– Thế thì đợi đến khi em khỏe lại nhé? Chờ em khỏi u/ng th.ư rồi, anh hỏi lại lần nữa được không?
– Ừ. Được. Nhưng phải ngoắc tay để làm chứng.
– Làm chứng chuyện gì kia?
– Chuyện em hứa với anh sẽ khỏe lại.
Anh ấy vừa nói vừa chìa ngón tay út ra trước mặt tôi, ở đó là những khớp tay mạnh mẽ, cứng rắn và ấm áp:
– Anh sẽ chờ đến khi em khỏe lại để hỏi lần nữa, dù em có đồng ý hay không thì em cũng phải hứa với anh, khó khăn đến đâu cũng phải cố điều trị cho tốt để nhanh khỏe lại, được không?
Tôi bật cười, cũng giơ ngón út ra móc vào tay anh ấy:
– Ừ, em hứa với đồng chí Duy, em sẽ cố điều trị thật tốt, sẽ nhanh khoẻ lại.
– Muốn làm được thì đồng chí Mai cũng phải cố lên nhé, ăn nhiều, nghỉ ngơi nhiều, chiến thắng bệnh tật mới hoàn thành lời hứa được.
– Vâng ạ.
Không biết có phải vì có Duy động viên không, mà sau hôm ấy tôi bắt đầu cố gắng ăn nhiều, ngủ nhiều, thời gian rảnh rỗi thì đọc sách, lên mạng xem mấy chương trình của đài truyền hình, khỏe khoắn hơn chút nữa thì lặc liễng đi bộ xuống sân bệnh viện sưởi nắng.
Linh cầm gói bim bim lẽo đẽo theo tôi, vừa nhai nhồm nhoàm vừa nói:
– Ái chà, hôm nay trời đẹp thế mà không thấy người yêu của bạn Chi Mai đến thăm nhỉ? Bình thường ngày nào cũng ngồi mòn mông quần ở phòng bệnh, thế mà hôm nay lại không đến.
– Hôm nay anh ấy đang tập huấn nghiệp vụ, không đến được. Với cả anh ấy có phải người yêu tao đâu, ngày nào cũng đến làm gì?
– Không phải người yêu mà cả cái phòng bệnh của mày, không ai là không biết người yêu mày là anh lính cứu hỏa hả? Đã quấn nhau như sam thế mà mày vẫn lì lợm, không đồng ý yêu người ta đi. Mày đúng là đứa lòng dạ sắt đá, đồ không tim không phổi.
Tôi cầm quyển sách ném nó một phát:
– Xem phim Trung Quốc ít thôi.
– Ơ mịa, tao nói thật đấy. Tao mà như mày thì đồng ý quách đi cho xong, vừa có người yêu, vừa có người chăm bẵm. Quan trọng nhất là lúc cô đơn còn có người rủ đi nhà nghỉ làm nháy.
Con bạn tôi là phóng viên lĩnh vực giải trí, năng động, nhiệt huyết, nhưng nói chuyện thì bỗ bã chẳng giống ai. Tôi cũng quen rồi nên không chấp, chỉ giật gói bim bim, bỏ một miếng vào miệng:
– Đợi đến lúc tao khỏe đã, lúc đó vừa có người yêu, vừa làm nháy được. Giờ thì chịu. Người như tờ giấy thế này chỉ là gánh nặng cho người ta.
– Tao thấy anh Duy ấy tốt thật sự đấy. Mày không sợ từ chối mãi thì người ta cũng sẽ đi tìm người khác à?
– Cũng tốt chứ sao? Người tốt thì xứng đáng gặp được người tốt, ở bên cạnh đứa bệnh tật làm gì cho mệt người. Có thế thì cũng phải hỏi.
– Tiên sư. Mày đúng là con đ.iên, sao tao lại quen đứa bạn vừa ngu lại vừa đ/iê.n như mày được không biết. Mỡ dâng tận mồm mà không đớp, còn nhả ra cho người khác xơi. Đúng là đồ ng.u.
Tôi phì cười, mắng:
– T.iên sư mày.
– À mà nhà ông Duy cũng ở Hà Nội nhỉ?
– Ừ.
– Mày đến thăm nhà chưa?
– Chưa cơ, đã là gì đâu mà đến thăm. Sao tự nhiên lại hỏi thế?
– Thì tao trông cái tướng cũng giống kiểu con nhà giàu đấy. Mấy lần gặp cũng không thấy ông ấy khoe khoang gì, quần áo cũng bình thường, thế mà hôm qua tao thấy đeo cái đồng hồ Cartie. Không biết là đồ thật hay đồ fake.
– Thật thì bao nhiêu một cái?
– Chắc vài tỉ.
Tôi không quan tâm chuyện giàu nghèo lắm, bởi vì trong lòng tôi đến giờ vẫn chưa hề tính xa hơn chuyện với Duy, vả lại tôi nghèo rớt mùng tơi thế này, quen toàn người giàu sẽ cảm thấy áp lực.
Tôi nghĩ ngợi một lúc rồi phẩy tay nói:
– Chắc không phải đâu. Mọi lần đến đón tao, anh ấy toàn mượn ô tô của bạn đi mà. Ô tô cũng không phải loại xịn đâu.
– Ừ, thì tao cứ nói thế, đúng thì đúng, không đúng thì thôi. Nhưng tóm lại tao thấy ông Duy này cũng không phải kiểu nhà nghèo đâu, làm lính cứu hỏa nhưng tay chân vẫn thư sinh lắm.
– Xùy, nghĩ ngợi ít thôi. Mày cũng kiếm người yêu đi được rồi đấy, ế như chợ tháng 3 mà chỉ giỏi hót phét.
– Tao mà ế, tao không thèm yêu đấy chứ? Tao không đẹp bằng mày nhưng tao trẻ hơn mày 2 tuổi đấy, mày cứ có người yêu trước đi rồi hãy nói tao nhé. Đồ vừa ế lại vừa chưa có mảnh tình nào vắt vai.
– Tiên sư mày.
– Haha.
Một tuần sau đó, sức khỏe của tôi chuyển biến tốt, lại hết đợt hóa trị nên bác sĩ cho tôi xuất viện, hẹn 5 tuần nữa lại vào làm hóa trị đợt hai.
Tôi định không nói với ai, nhưng hôm ra viện thì cả Duy và Linh đều đến đón tôi, sau đó kéo nhau về phòng trọ của tôi nấu cơm ăn uống, bảo là liên hoan mừng tôi khỏi bệnh, nhưng trên mâm cơm chẳng có món nào nhậu nhẹt, chỉ có đầy ắp những món ăn dành cho bệnh nhân u/ng th.ư.
Duy tặng tôi một hộp quà rất to, lúc mở ra mới biết bên trong là ba, bốn bộ tóc giả. Hình như lần đầu tiên mua những đồ này nên anh ấy có vẻ ngượng ngùng, cứ gãi đầu gãi tai mãi mới dám nói:
– Không phải là anh chê tóc của em đâu. Mà tại hôm đi ngang qua tiệm bán tóc giả thấy đẹp quá, anh không biết em thích kiểu nào, bạn tư vấn thì bảo mua mỗi kiểu một bộ để em chọn, nên anh mua cả.
Bình thường tôi sẽ chỉ chọn một bộ, nhận lấy lệ thôi, nhưng có lẽ vì Duy vừa chân thành lại vừa đáng yêu quá, tôi không khách sáo nổi, đành nhận hết. Tôi bảo:
– Vâng, trước có tóc thật thì em chỉ có mỗi một kiểu tóc thôi, bây giờ có cả hộp thế này thì tha hồ đổi. Hôm nay tóc ngắn, ngày mai tóc dài, ngày kia thì tóc xoăn, ngày kìa thì tóc xù. Cảm ơn anh nhé, em thích mấy bộ tóc này lắm.
– Thật không?
– Thật mà.
Lúc này, nét mặt anh ấy mới giãn ra, Duy cười để lộ hai chiếc răng khểnh:
– Em thích là được rồi. Sau muốn đổi kiểu khác thì anh lại mua cho em.
– Thôi mua chừng này là được rồi, anh mua nhiều quá em dùng không hết đâu.
Linh ngồi gặm đùi gà ở một bên, nghe bọn tôi nói chuyện đến đây thì kêu oai oái:
– Này, giờ này đang là giờ ăn đùi gà, không phải là giờ phát cơm c.hó nhé, hai người làm ơn đừng làm người khác buồn nôn thế đi được không? Buồn nôn c.hế.t tôi rồi.
Tôi mắm môi mắm lợi lườm nó một phát, gắp thêm chiếc đùi gà còn lại đặt vào trong bát nó:
– Ăn đi, ăn no vào, ăn xong tao cho mày thêm bát cơm c.hó.
– Ơ cái con này, mày đúng là đồ độc ác.
Duy bật cười thành tiếng, cả tôi và Linh cũng cười theo, ba người chúng tôi ngồi xếp bằng trên giường ăn một mâm cơm, dù chẳng món nào có muối nhưng ai cũng đều ăn thật ngon, lòng tôi cũng cảm thấy vô cùng ấm áp.
Tôi có những người bạn tốt như thế, giữa lúc khó khăn hoạn nạn cũng gặp được nhiều việc tốt như thế, sao lúc trước có thể nông nổi và tuyệt vọng đến mức đi tìm cái c.hế.t được chứ? Nếu tôi thực sự c.hế.t đi vào ngày hôm đó, thì bây giờ đâu được hưởng thụ những điều tốt đẹp như ngày hôm nay, nếu không có người đàn ông kia ngăn cản tôi, thì tôi cũng đâu được nhìn thấy em tôi ra nước ngoài du học, có phải không?
Càng nghĩ đến những điều này tôi lại càng cảm thấy mình nợ ơn người trên cầu hôm ấy, không gặp được anh ta để nói một tiếng “Cảm ơn” nên lòng tôi cứ vấn vương mãi, giống như một cái gai lúc nào cũng ghim trong tim, ngày ngày đ.âm sâu, ngày ngày nhức nhối. Tôi suy nghĩ rất nhiều về anh ta nên sau đó một thời gian lại đến quán bia dưới chân cầu lần nữa.
Lần này, tôi cố tình đến vào đêm muộn, gần 12 giờ lững thững đi qua cũng chỉ thấy quán bia dọc bờ đê chỉ còn lại vài bàn. Gió từ mặt sông thổi lên mát rượi, ánh đèn nhỏ hắt hiu từ trong lán chao nghiêng, tiếng tivi khe khẽ vọng ra, mang cho người ta cảm giác yên bình thân thuộc, nhưng lại chẳng thể gặp lại được bóng lưng người mình cần tìm.
Thực ra, tôi không nhớ rõ được bóng lưng của người đàn ông ấy, nhưng chẳng hiểu sao lại có cảm giác rất mãnh liệt rằng, anh ta hoàn toàn khác với những người đàn cười nói nhậu nhẹt ngoài kia. Một người đứng lặng lẽ ở một góc tối trên cầu uống bia, bóng lưng chắc hẳn phải rất cô đơn, dáng vẻ cũng mang theo sự cô độc, giống như không tìm được lối về.
Nhưng tại sao anh ta chỉ đến một lần, thoảng qua như một cơn gió rồi tôi mãi không thể nào gặp lại được nữa như vậy nhỉ?
***
Thời gian sau đó, chưa khỏe mạnh hẳn nhưng tôi vẫn trở lại với guồng quay bình thường của công việc, Duy cũng phải tập huấn nhiều nên bận suốt, nhưng nếu có thời gian rảnh rỗi, anh ấy đều nhắn tin hoặc đến thăm tôi.
Tôi nghĩ, để có tình cảm với một người thì cần phải trải qua thời gian, phải trải qua quá trình vun đắp, nếu tôi cứ trốn mãi trong chiếc vỏ của mình thì sẽ không bao giờ gặp được tình yêu đích thực, thế nên sau đó cũng dần dần tự thuyết phục mình mở lòng ra với Duy.
Có đôi lúc tôi sẽ chủ động nhắn tin trước, thỉnh thoảng hỏi thăm anh ấy có bị thương không, tập huấn có mệt không, có lần đi công tác bắt gặp một chiếc bình giữ nhiệt có in hình lính cứu hỏa, tôi cũng mua rồi gửi vào cho anh ấy. Duy nhận được xong thì cười suốt, còn chụp một tấm ảnh rồi lấy nó làm hình đại diện Facebook.
Bạn bè của anh ấy bình luận rất nhiều, hầu như ai cũng đoán già đoán non là người yêu tặng, bị hỏi nhiều quá nên Duy rep nửa đùa nửa thật rằng: Bạn gái của em tặng đó.
Tin này chấn động đến mức nửa tiếng sau đó tôi xem lại, lượt bình luận đã hơn ba trăm, ngay cả em tôi ở tít tận nước Úc xa xôi cũng hóng hớt thả mấy cái tim, sau đó thì gọi video call cho tôi.
Vừa nhận máy đã thấy mặt nó nham nham nhở nhở:
– Hôm nay có người mới có bình giữ nhiệt mới, chị có biết không?
– Không biết.
– Còn giấu em hả? Khai mau, chị nhận lời anh ấy từ khi nào? Hai người yêu nhau lâu chưa? Sao không nói với em hả?
Tôi xùy một tiếng, không muốn nói đến chủ đề này nên cố ý đánh trống lảng:
– Ăn cơm chưa?
– Em ăn rồi. Chị ăn chưa? Sao hôm nay tóc chị lạ thế?
Tôi vuốt vuốt mái tóc giả, sợ nó lo lắng nên nói dối:
– Mới đổi kiểu đấy, đẹp không?
– Xùy, đúng là mới có người yêu có khác, điệu thế. Nhưng mà em thấy đẹp đấy. Anh Duy đưa chị đi làm tóc hả?
– Ừ. Thấy năm nay đang mốt kiểu này nên chị thử làm xem. Không hợp thì hôm sau lại đổi kiểu khác.
– Kiểu này đẹp mà. Hợp với chị đấy. Chị em lúc nào cũng xinh nhất, hợp với anh Duy đẹp trai.
– Sau về cho em ở với anh ấy nhé, lúc nào cũng Duy Duy, em bị cuồng anh ấy hả?
– Đâu có, em cuồng anh rể của em thôi.
Tôi cười, cũng không buồn chối, thằng Tép ở nước ngoài lúc nào cũng lo lắng cho tôi, giờ cứ để nó nghĩ tôi có bạn trai chăm sóc rồi có lẽ nó sẽ yên tâm hơn. Nhưng tôi lại không ngờ những chuyện mà tôi không muốn giải thích ấy, sau này lại trở thành một rắc rối vô cùng lớn, lớn đến mức đã làm thay đổi rất nhiều chuyện trong cuộc đời tôi.
Nhưng có lẽ nhân duyên giữa người với người là như thế, không có trắc trở, không có bi thương, không có đau đớn và khó khăn, liệu ai có thể biết ai mới là người đàn ông quan trọng trong cuộc đời mình, ai mới là người mình muốn nắm tay suốt chặng đường giông bão, có phải không?
***
Bẵng đi thêm một thời gian nữa, có một hôm tôi vừa về đến nhà thì nhận được điện thoại của anh Phương, anh ấy hỏi tôi có thời gian không, còn xin địa chỉ để đến gặp.
Tôi hơi ngại nên đáp:
– Có chuyện gì thế hả anh? Nếu cần đài truyền hình hỗ trợ quảng bá ứng dụng AI Star thì em sẽ báo cáo lại với sếp, hoặc cần giúp gì thì anh cứ nói, em sẽ chạy đến Trường Thịnh ngay ạ.
– Không, không phải giúp gì đâu. Hôm trước công ty anh sẽ tặng em một món quà nho nhỏ để cảm ơn em, em nhớ không?
– À… em nhớ ạ.
– Ừ đấy, hôm nay anh đến viện thì người ta bảo em xuất viện rồi. Hồ sơ cũng không rõ địa chỉ nên anh chỉ biết đến Quan Hoa thôi, không biết nhà em ở ngõ nào. Em cho anh địa chỉ đi, anh mang quà qua cho em.
Anh Phương đã đến Quan Hoa là gần chỗ tôi ở rồi, người ta đã tới mà mình chối cũng ngại, nên tôi bảo:
– À, em ở phòng trọ anh ạ. Chật lắm. Hay là anh vào quán cafe nào đó đi, em chạy ra.
– Không, đồ này hơi nặng, tý nữa mình em không mang được đâu, em cứ cho địa chỉ đi. Anh mang lên tận phòng.
– Đồ gì thế hả anh?
– Yên tâm, là món quà nhỏ ấy mà.
Tôi tưởng thật, chạy xuống mới biết anh Phương mang cho tôi rất nhiều sữa, tất cả đều là sữa dành cho người bị ung thư. Món quà này bảo nhỏ thì không phải nhỏ, lớn cũng không hẳn là lớn, với cả anh ấy đã mất công mang đến nên tôi không có cách nào, đành phải nhận cả.
Tôi ngại ngùng nói:
– Anh ơi, anh mang nhiều sữa thế này em không uống hết đâu ạ. Ngại quá, em có giúp được gì nhiều đâu mà công ty anh tốt với em thế, tài trợ tiền chữa bệnh rồi còn cho sữa nữa.
– Không, anh không biết đâu nhé, hôm trước em nói nhận rồi thì giờ phải nhận đấy, với cả công ty anh mua rồi, không trả được đâu. Đây là tấm lòng của Trường Thịnh, dùng để cảm ơn em, em cứ nhận đi.
– Vâng, thế thì anh cho em gửi lời cảm ơn Trường Thịnh, cảm ơn anh nữa nhé. Đợi khi nào có dịp, em sẽ đến mời mọi người café sau nhé.
– Ôi, thấm vào đâu so với việc em giúp công ty anh đâu. Em đừng ngại, cũng không cần mời cafe đâu, em nhận là bọn anh vui rồi. .
Anh Phương nói mãi, còn bảo cấp dưới xách lên tận phòng, xếp gọn gàng vào một góc cho tôi rồi mới ra về. Lúc tiễn anh ấy xuống đến cổng, tôi nhớ ra một chuyện nên gọi giật lại:
– À, anh Phương ơi, sắp tới bên em có chương trình talkshow với những người có đóng góp cho xã hội, biên tập bên em định mời giám đốc công ty anh tham gia, không biết anh Giang có nhận lời mời tham gia những chương trình truyền hình như vậy không anh nhỉ?
– Ừ, sếp anh ít nhận phỏng vấn, quay chương trình truyền hình chắc là cũng khó đấy. Để anh về nói lại xem sao.
– Vâng. Vì ứng dụng AI của công ty Trường Thịnh có ý nghĩa lớn trong y khoa, mà người phát triển chính là anh Giang nên đài truyền hình muốn làm một bản tin riêng, cuối năm có thể còn có lễ tôn vinh nữa anh ạ.
– Ừ, để anh về nói xem nhé, có gì anh bảo.
– Vâng ạ. Em cảm ơn anh.
Anh Phương nói là nói vậy nhưng sau hôm ấy cũng không đả động lại chuyện này, tôi biết anh ấy không quên, cũng tự ngầm hiểu là giám đốc Trường Thịnh không đồng ý quay talkshow nên cũng thôi.
Chỉ là tôi không hề biết rằng sau đó tôi lại gặp được giám đốc Trường Thịnh ở một nơi mà tôi không thể ngờ đến nhất, chẳng phải ở talkshow, cũng không phải tại nơi phỏng vấn Trường Thịnh, mà là gặp anh ta bởi vì có liên quan đến một người.
Hôm ấy là ngày 4/10, kỷ niệm ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy. Hôm ấy, tôi dậy sớm, nhắn cho Duy một tin chúc mừng, hình như anh ấy bận nên đến tận trưa mới gọi lại cho tôi.
Duy bảo:
– Sáng giờ anh bận quá, không cầm được điện thoại nên không trả lời tin nhắn được. Em ăn cơm chưa?
– Em ăn rồi, hôm nay cũng đi lấy tin ở đội PCCC, nhưng không phải đội của anh. Bây giờ em đang ăn cơm ở gần đội PCCC đó đây.
– Thế hả? Có mệt không em?
– Không ạ. Em vẫn khoẻ lắm, ăn sắp hết khay cơm rồi đây này.
– Sao không xếp cho em đi phỏng vấn ở đội anh nhỉ? Cơm ở chỗ anh ngon lắm, em mà đến đây thì anh mời em ăn cơm.
– Lúc khác cũng được mà. Anh ăn chưa?
– Anh vừa tọa đàm xong, giờ đang chuẩn bị đi ăn cơm đây. Hôm nay đội liên hoan.
– Vâng, thế anh đi liên hoan cùng mọi người đi. Em ăn cơm xong lại về đài truyền hình đây.
– Tối nay em rỗi không?
– Có, sao thế anh?
– Hôm nay đơn vị cho nghỉ buổi tối, anh định hẹn em tối nay ra ngoài đi ăn.
– Anh muốn ăn gì? Hôm nay là ngày của anh, em mời anh.
– Ăn súp cua nhé? Nghe nói mới có một quán súp cua ngon lắm, có cả trứng bắc thảo nữa.
– Vâng, được ạ. Thế khi nào anh xong việc thì gọi em, em bắt taxi đến.
– Khoảng 7h tối anh qua đón nhé, anh lại mượn được xe của đứa bạn rồi. Cái xe cà tàng không chạy quá 50km hôm bữa ấy.
Anh ấy bao giờ cũng vậy, nói chuyện rất lịch sự nhẹ nhàng, muốn từ chối cũng không được nên tôi cười:
– Vâng, được ạ. Thế 7h tối em chờ anh ở đầu ngõ nhé.
– Ừ, lúc đó anh qua.
Vì ngày hôm đó là kỷ niệm ngành của Duy nên tôi tự cho phép mình ngoại lệ một hôm, mặc váy trang điểm, 7h tối mang theo một hộp quà nho nhỏ đi gặp anh ấy.
Có lẽ lần đầu thấy tôi mặc váy nên Duy hơi ngạc nhiên, ngẩn ra nhìn mấy giây rồi cười bảo:
– Từ lúc quen em đến giờ cũng gần nửa năm rồi mà chưa thấy em mặc váy bao giờ, hôm nay mới biết là em mặc váy xinh thế này đấy.
– Anh cứ khen em đi, em thích được khen lắm, nhưng không tin là thật đâu.
– Anh nói thật mà. Không tin em mở gương soi thử xem.
Tôi cười cười:
– Đi thôi, anh không đi nhanh là hết súp cua đấy.
– Ừ. Em thắt đai an toàn đi. Đề phòng rơi bánh.
– Vâng.
– À đúng rồi, quán súp cua đó gần công ty của anh trai anh, ban nãy anh gọi thì ông ấy bảo chưa ăn gì. Hay là anh rủ thêm cả anh ấy đi ăn nữa nhé, em có ngại không?
– Không, ngại gì đâu ạ. Càng đông càng vui mà. Anh cứ bảo anh ấy đến đi.
– Ừ, thế để anh bảo anh ấy đến nhé?
– Vâng.
Sau khi nhắn tin thông báo địa chỉ cho anh trai xong thì Duy chở tôi đến một quán súp cua ở Hoàng Mai, đây chỉ là một quán vỉa hè nhưng rất đông khách, không gian thoáng đãng, mùi súp cua theo gió bay đến cánh mũi, ngửi thôi cũng đã cảm thấy ngon.
Lúc chúng tôi ngồi vào bàn thì anh trai của Duy vẫn chưa ra, chờ 5 phút, 10 phút, 30 phút cũng không thấy bóng dáng, cuối cùng Duy ngại quá nên bảo tôi ăn trước. Nhưng tôi cũng không muốn bất lịch sự như vậy nên nói:
– Không sao đâu, em chờ được mà. Có ba người, chờ nhau ăn cả cho vui.
– Ngại quá, anh của anh toàn thế đấy, công việc bận nên hẹn được ông ấy đi ăn có khi còn khó hơn cả hẹn diễn viên nổi tiếng nữa. Anh làm lính cứu hoả, hầu như toàn phải ở trong đơn vị, thế mà một tuần còn về thăm nhà được một lần, còn ông anh của anh chẳng bị ai quản lý mà có khi nửa tháng không thấy về nhà ấy.
– Làm kinh doanh mà, phải đi xã giao, rồi làm việc này việc kia, áp lực lắm, trước em có phỏng vấn vài người làm kinh doanh, thấy công việc của họ đúng là bận thật, không có nổi thời gian cho bản thân mình nữa.
– Ừ, đúng đúng, ông ấy là kiểu như thế đấy. Nên là hơn 30 rồi mà vẫn không có người yêu, bố mẹ anh giục loạn lên cũng không thấy ông ấy đả động gì. À mà ông ấy đến rồi kìa.
Nghe thế, tôi mới quay đầu lại, lúc đầu bóng điện lóa nên nhìn không rõ, chỉ thấy bóng hơi quen quen. Mãi đến khi anh trai Duy đi lại gần rồi, tôi mới biết đúng là quen thật.
Duy cười tươi giới thiệu:
– Anh trai anh đấy. Anh ấy tên Giang.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!