Ánh Trăng Nào Đẹp Bằng Em - Phần 10
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
910


Ánh Trăng Nào Đẹp Bằng Em


Phần 10


Suốt mấy tháng trời bị bắt cóc, bị bán đi, bị mua lại tôi chưa từng nghĩ sẽ có ngày anh trai tôi có thể lên đến nơi này tìm tôi. Vậy mà mới đây thôi, tôi chạy ra đã không còn thấy bóng người đâu nữa. Giữa núi rừng rộng lớn, tôi vừa chạy vừa gào thét gọi tên anh nhưng dường như tất cả đều chỉ giống như một giấc mơ, bóng dáng của anh tôi đã hoàn toàn khuất xa ở nơi nào rồi mà tôi không thể tìm được. Trong lòng tôi bỗng hoảng hốt, giống như tia hi vọng vừa được thắp lên giữa màn sương u tối cuối cùng lại bị dập tắt không chút phương hướng nào.

Tôi không biết mình đã chạy bao lâu, tìm giữa cả phiên chợ vẫn không thấy anh tôi đâu. Vì mưa trút xuống, mấy người bán hàng cũng đã dọn đồ, khung cảnh chợ phiên vì cơn mưa bỗng chốc trở nên lộn xộn, hỗn loạn. Tôi bị mưa ướt hết người, cơ thể run lẩy bẩy vì lạnh. Thế nhưng lúc này tôi không thể nghĩ được nhiều, chỉ biết rằng đây là cơ hội duy nhất để tôi được trở về. Anh tôi đã lên được đến đây để tìm tôi, nếu như không nắm được hi vọng này thì sau này tôi cũng không còn hi vọng gì nữa. Nghĩ đến đây, tôi lại đưa tay vuốt mái tóc còn ướt mưa vừa men theo đường để tìm. Nhưng có lẽ kiếp trước tôi đã gây ra nghiệp chướng gì nên kiếp này ông trời mới năm lần bảy đày đoạ tôi trắc trở như vậy. Dù tôi đã chạy khắp phiên chợ, còn chạy vào mấy ngóc ngách vẫn không thấy anh tôi đâu nữa.

Lần đầu tiên, tôi có một cảm giác tuyệt vọng chưa từng thấy. Giống như khi sắp chết đuối nhìn thấy cọc gỗ trên sông nhưng bằng cách nào cũng không chạm được tới. Tôi gào thảm thiết, chạy khắp mấy con đường Thị Trấn gọi tên anh trai đến khản cả giọng vẫn không có một lời hồi đáp. Lúc này, tôi gần như điên loạn, giống hệt như khi năm ấy mẹ tôi mất, nhưng tình cảnh giờ còn khổ sở hơn, bởi đến ngay cả anh trai tôi cũng không tìm được. Cuối cùng, khi mưa ướt nhoè mắt tôi cũng thấy một bóng người đang lao về phía mình. Dưới những ánh đèn pin le lói, tôi dần nhận ra đó là Viễn. Là Viễn, không phải anh trai tôi. Nhìn thấy anh ta, nỗi tuyệt vọng càng thêm sâu sắc, hiện thực tàn khốc vẫn là thứ hiện hữu. Viễn tiến về phía tôi, cánh tay rắn chắc túm lấy tay tôi rồi hỏi:

– Em chạy đi đâu vậy?

Nỗi tuyệt vọng khiến tôi vừa bất lực vừa cuồng nộ hất tay anh ta ra không đáp mà vẫn cố chạy về phía trước tìm anh trai tôi. Chỉ có điều chưa chạy nổi hai bước đã bị Viễn kéo lại, cả người tôi ngã vào lòng Viễn. Từ khoảng cách rất gần, tôi nghe thấy tiếng lồng ngực anh ta phập phồng, còn nghe tiếng anh ta hít sâu hỏi lại:

– Em định làm gì?

Tôi bị ôm chặt liền giãy giụa, vừa đẩy anh ta ra vừa nói:

– Anh buông tôi ra, buông tôi ra.
– Muộn rồi, em còn định đi đâu? Ở đây rất nguy hiểm, nếu không thích nữa thì tôi đưa em về nhà.
– Đó không phải nhà tôi, Viễn, anh buông tôi ra, anh cho tôi về nhà. Tôi rất nhớ anh trai tôi, tôi xin anh cho tôi về nhà.

Thế nhưng mặc cho tôi náo loạn, ầm ỹ, Viễn vẫn kiên nhẫn ôm chặt lấy tôi lặp lại:

– Muộn rồi, tôi đưa em về.
– Tôi không muốn, buông tôi ra. Tôi phải đi tìm anh trai tôi.

Lần này tôi liều mạng mà giãy, vừa giãy giụa vừa cào, vừa đánh lên Viễn. Cuối cùng, có lẽ do mưa nên đường trơn trượt, cũng có lẽ do tôi vùng vẫy mạnh quá Viễn cũng trượt tay rồi ngã xuống. Dưới đêm tối tôi không nhìn rõ anh ta ngã vào thứ gì, không rõ là nhanh cây hay tảng đá chỉ thấy một lúc lâu sau Viễn mới loạng choạng bò được dậy giọng khàn đi:

– Tôi không biết em đang tìm kiếm ai, tìm kiếm thứ gì, nhưng giờ muộn rồi, em theo tôi về.

Tôi nhìn Viễn, lùi chân lại, đoán chắc anh ta bị thương rồi định bỏ chạy. Nhưng người trước mặt đã nhanh tay hơn túm lấy tôi. Tôi không còn kiêng nể gì vừa vùng vẫy vừa chửi:

– Tất cả là do đám người miền núi các anh. Nếu không phải vì cái hủ tục chết tiệt kia hại bao đời cô gái thì tôi đã không phải khốn khổ thế này. Các người là lũ khốn nạn, hại tôi không có đường về nhà. Tôi nói cho anh biết, dù anh có bắt tôi về thì tôi cũng không bao giờ cam tâm tình nguyện ở lại cái nơi khỉ ho cò gáy này đâu. Không bao giờ, cùng lắm tôi lại chạy tiếp, có rơi xuống vực chết cũng còn hơn là chôn vùi đời mình ở đây. Buông ra, giữ tôi làm gì, buông ra!

Lần này tôi nghe tiếng Viễn hít mạnh hơn, giống như đang cực lực đè nén một thứ gì đó xuống, một lát sau mới nói:

– Đi về, đừng thử thách sự kiên nhẫn của tôi.
– Kiên nhẫn của anh là gì chứ? Anh muốn gì? Anh đánh tôi đi, không thì giết tôi đi!

Viễn thấy tôi nói vậy, cánh tay siết mạnh tay tôi hơn, rồi đột nhiên anh ta lớn tiếng nói:

– Rốt cuộc thì tôi làm gì sai? Tôi có lỗi gì với em?
– Anh giam cầm tôi, giữ người trái phép, không cho tôi về, anh cũng đâu khác gì đám người bắt cóc tôi? Vậy là đúng hay sao? Anh có biết đó là việc làm trái pháp luật không hả?
– Trái pháp luật? Tôi không hề thuê người bắt cóc em, là em quỳ dưới chân tôi van xin tôi cứu em khỏi bố con lão Long. Là em lựa chọn đi theo tôi, giờ em lại nói như thể tôi là người ép em. Tôi không hề ép em, em nên nhớ lại xem lúc ấy em đã nói thế nào.
– Bởi tôi không còn lựa chọn nào khác. Nếu có sự lựa chọn khác tôi cũng không theo anh.

Viễn nghe xong bỗng gầm to hơn:

– Em không có sự lựa chọn khác vậy tôi thì có sao?

Tôi ngước lên nhìn Viễn, cổ họng bỗng nghẹn ứ lại. Trong bóng đem, tôi thấy đôi mắt đen của Viễn mỗi lúc một lạnh xuống liền khẽ quay đầu đi. Anh ta lại nói:

– Ngọc! Rốt cuộc thì lòng dạ em là sắt đá hay sao? Em thậm chí còn không nhìn nhận tôi dù chỉ một lần. Em tự mình nghĩ đi, em trách móc tôi vậy em có nghĩ đến việc, nếu hôm ấy tôi không cứu em khỏi nhà lão Long thì giờ em đang sống với bộ dạng thế nào rồi? Có tốt hơn so với việc sống cùng tôi hay không? Em thông minh như vậy thì em nghĩ đi. Sống cùng lão Long, em không những chôn vùi đời mình dưới tay bố con lão ta, còn chẳng bao giờ có cơ hội được đặt chân ra khỏi cổng nhà chứ đừng nói là xuống núi. Cuộc sống khi ấy chỉ là một màu đen tối, bị chà đạp, bị vấy bẩn không bao giờ thoát được. Vậy thì em nói xem, tôi cứu em rốt cuộc là sai chỗ nào? Đối xử tốt với em, cho em đi khắp nơi vì sợ em buồn, tìm đủ cách để cho em cuộc sống tốt hơn là tôi sai ở đâu?

Tôi cúi thấp đầu xuống, những lời anh ta nói đều không sai, nếu ở nhà lão Long, quả thực tôi không dám tưởng tượng đến. Sống một cảnh ngục tù, bị bắt làm nô lệ tình dục cho bố con lão ta, không khác gì bị đày xuống mười tám tầng địa ngục khổ sở tối tăm không lối thoát, khi ấy có lẽ tôi sẽ tự sát mà chết. Cuối cùng một giọt nước mắt lăn xuống khoé miệng, tôi nghẹn giọng nói:

– Anh cứu tôi khỏi bố con lão Long, tôi rất biết ơn anh. Những việc anh làm cho tôi tôi đều cảm kích, nhưng tôi không yêu anh, đang sống ở một nơi quen thuộc bỗng dưng bị bắt đến đây, rời xa người thân, sống cuộc sống vợ chồng với người xa lạ, không tình yêu, tôi không thể nào chấp nhận nổi. Viễn, tôi còn có anh trai tôi ở nhà chờ đợi. Vì sao anh lại không thể cho tôi về nhà?

Viễn nhìn tôi, giọng nói bỗng trở nên thê lương và cô độc:

– Em có người thân, vậy tôi thì không có sao? Em có anh trai ruột, tôi cũng có mẹ, có em gái ruột, họ cũng là máu mủ ruột thịt của tôi. Em không có lựa chọn khác tôi cũng đâu có lựa chọn khác? Tôi đâu phải là thần thánh mà có thể hô mưa gọi gió hay thay đổi được những thứ quá xa vời so với mình? Tôi cũng chỉ là một người bình thường sống trong vùng núi này, em bảo tôi phải làm thế nào? Cho em về, không những ảnh hưởng đến tôi, còn ảnh hưởng lớn đến người thân, ảnh hưởng đến máu mủ ruột thịt của tôi, em bảo tôi phải làm thế nào? Em một mực lo lắng cho anh trai em, vậy có nghĩ tôi còn phải đứng giữa hai bên, giằng xé tâm can, rốt cuộc em bảo tôi phải làm thế nào? Tôi không thể cho em lựa chọn tốt nhất so với em, tôi chỉ có thể cho em sự lựa chọn tốt hơn, cũng dùng tất cả mọi khả năng của mình để em có thể sống tốt hơn mà thôi.

Nói rồi, Viễn không cần đợi tôi đáp, giống như đang nói một mình:

– Tôi cũng là con người, cũng có cảm xúc, cũng có thất tình lục dục. Những việc tôi làm, đều xuất phát từ tình cảm của mình. Tôi không mong có thể đổi lấy chút tình cảm từ em, nhưng tôi cũng mong em có thể nhìn nhận tôi một chút.

Tôi nghe Viễn nói đến đây, bao lời phản bác lại cũng không thể nào phát ra nổi. Cuối cùng, không rõ vì điều gì tôi oà lên khóc nức nở. Mưa rất lạnh, lòng tôi cũng đau đớn và lạnh buốt. Viễn thấy tôi khóc, liền đưa bàn tay thô ráp lau nước mắt trên mặt tôi nói:

– Em đừng khóc!
– Anh nói xem, tôi và anh rốt cuộc thì ai là người sai?
– Em không sai, tôi cũng không sai. Đứng ở hoàn cảnh nào cũng đều chẳng ai sai hoàn toàn, cũng không ai đúng hoàn toàn. Là vận mệnh đã sắp đặt như vậy, tôi chấp nhận, cũng mong em sẽ chấp nhận.
– Làm sao có thể chấp nhận được?
– Không chấp nhận cũng đâu còn cách khác? Em nói xem, em bị bắt cóc đưa đến đây, nếu không phải là tôi mua em thì cũng có người khác mua em có đúng không? Duyên phận đời người khó hiểu như vậy, có khóc lóc hay đau lòng cũng không giải quyết được vấn đề gì cả.

Nghe Viễn nói, tôi càng khóc lớn hơn. Trận mưa tầm tã như trút toàn bộ nước mang theo cả nước mắt của tôi đi cùng. Anh ta không sai, tôi cũng không sai, chỉ có số phận trớ trêu sắp đặt không hoan hỉ. Giống như việc anh trai tôi đã lên được đến đây tìm tôi cuối cùng vẫn biến mất trong phút chốc, sợi dây mỏng manh cũng bị cắt đứt không chút hi vọng nào. Tôi khóc nhiều đến nỗi cổ họng cũng khản đặc đi, vị mặn mặn của nước mắt tràn đầy trong miệng. Viễn thấy tôi khóc lại nói:

– Em nhìn xem, trời mưa lớn lạnh lẽo thế này, xung quanh không một bóng người, chợ phiên cũng kết thúc từ lâu, chân em lại bị thương, em bảo em đi tìm người tôi làm sao có thể để em đi? Nếu như tôi để em đi, không chắc em sẽ tìm được anh trai em, mà biết đâu lại rơi vào tay bọn buôn người khác. Tôi không hề doạ em, nhưng chắc em cũng rõ, ở nơi này tốt xấu lẫn lộn, rơi vào tay kẻ xấu tôi không chắc em có thể giữ được mạng mà về không. Lúc ấy có chắc em không hối hận hay không? Em có thể không quan tâm đến tôi, ghét bỏ tôi nhưng cũng đừng bạc đãi bản thân mình, em không nhìn nhận tôi cũng được nhưng ít ra em cũng phải để ý đến mình.

Quả thực, phiên chợ đã kết thúc, cảnh hỗn loạn đã không còn. Tôi đã đi từ đầu Thị Trấn chạy đến cuối Thị Trấn vẫn không thấy anh tôi, nhìn xuống chân cũng thấy máu túa ra từ bao giờ không rõ. Cảnh vật xung quanh chỉ là một màn đêm tịch mịch cùng tiếng mưa rơi, thi thoảng là vài con thú hoang rú vài tiếng càng khiến lòng người thêm hoang mang. Tìm suốt các ngóc ngách, anh tôi vẫn hoàn toàn bặt vô âm tín giống như tất cả chỉ là tôi tự ảo tưởng ra. Tôi không còn nhớ rõ mình và Viễn đã đứng đó bao lâu, cũng không biết mình khóc bao lâu chỉ thấy Viễn bế xốc tôi lên, cả người tôi cũng không còn chút sức lực nào để mặc cho Viễn ôm chặt dưới làn mưa buốt giá. Trong cơn mưa đêm lạnh giữa núi rừng hoang vu, Viễn nặng nhọc đi từng bước. Mưa ướt đẫm tóc Viễn, những giọt mưa chảy ra cả hàng mi dày rậm, ướt cả khoé mắt anh ta.

Viễn không bế tôi ra xe tải luôn mà quay lại nhà hàng ở giữa trung tâm Thị Trấn để lấy đồ. Lúc vào đến bàn ăn, mắt tôi dù nhoè nhoẹt vẫn nhìn ra chiếc bánh kem đặt trên bàn đã bị chảy kem, có lẽ còn bị mưa gió tạt vào nên dập nát đến đáng thương, không còn nguyên hình dạng, chỉ còn loáng thoáng vài chữ chúc mừng đo đỏ. Thật ra tôi không hề biết rằng, để mang được bánh kem lên đây, Viễn đã phải hao tâm tổn sức thế nào. Cũng không biết được rằng, suốt đêm ấy anh ta đã thức trắng không hề chợp mắt, đã phải chạy xe tải bao nhiêu cây số, băng qua bao đoạn đường rừng đầy sỏi đá, khó khăn cách trở để về dẫn tôi xuống Thị Trấn xem chợ phiên.

Viễn vừa bế tôi vừa cúi xuống lấy một thứ đồ gì đó trong ghế rồi mới bế tôi ra ngoài. Trời bên ngoài vẫn mưa, tôi không mở mắt chỉ nhắm nghiền hỏi anh ta một câu đầy ngốc nghếch:

– Sao anh lại mua bánh kem?
– Em không nhớ hôm nay là ngày gì à? 22/11

Nghe anh ta nói vậy, tôi cũng khẽ xoay đầu lại rúc vào áo Viễn, một giọt nước mắt nóng hổi lại lăn xuống. Trước kia tôi từng tuỳ tiện nói dối sinh nhật tôi vào một ngày tháng 8, anh ta biết tôi nói dối nhưng cũng tuỳ tiện tin còn dẫn tôi đi đón sinh nhật. Đến giờ là sinh nhật thật tôi lại không nhớ nổi sinh nhật mình, vậy mà anh ta vẫn nhớ. Ở nơi hoang vu nghèo khổ thế này vẫn sắp xếp tổ chức sinh nhật cho tôi, còn có cả bánh kem, cá biển, giống như thực hiện một lời hứa trong lần sinh nhật mà tôi bịa ra! Lòng tôi tựa như bị thứ gì đó dội vào, từng mạch máu đến thớ thịt đều có cảm giác thổn thức và đau đớn không sao nói rõ được. Mâu thuẫn, cảm kích, căm phẫn đan xen nhau, không thể thoát ra nổi.

Ra đến xe tải, Viễn đặt tôi lên ghế phụ rồi lấy khăn lau đầu rồi vừa cởi áo trên người tôi ra vừa bảo:

– Trên xe có bộ quần áo khô của tôi, em mặc tạm nhé.

Tôi không đáp, cũng không phản kháng, để mặc Viễn thay quần áo cho mình. Nếu là trước kia, tôi nhất định sống chết không để cho bất cứ ai đồ cho mình, hoặc nhìn cơ thể mình trần truồng. Nhưng giờ mưa vào người rất lạnh, Viễn cũng rất cố chấp, từ trước tới nay việc anh ta đã muốn làm tôi gần như không thể chống cự nên chỉ đành mặc kệ. Dù sao giờ cũng không có ai, phía trước mặt xe cũng có tấm chắn che đi, tôi cũng không làm chuyện xấu thì không nên xấu hổ. Thay xong quần áo, người tôi cũng ấm hẳn lên, tuy rằng bộ quần áo của Viễn mặc lên khá rộng và dài nhưng cũng rất thoải mái. Viễn gấp gọn gàng bộ quần áo ướt mưa lại cho vào túi rồi lấy tấm chắn ra sau đó mới nổ máy cho xe quay về núi. Tôi mệt mỏi dựa người vào cửa xe, nhìn những sườn đồi nhấp nhô, những cánh rừng bạt ngàn càng nhớ tới Hà Nội phồn hoa, náo nhiệt khẽ nhắm mắt lại. Bầu không khí trong xe tĩnh lặng, khi tôi gần thiếp đi bỗng nghe tiếng Viễn cất lên:

– Em đợi tôi được không?

Tôi không đáp, cũng không hiểu ý anh ta là gì chỉ muốn ngủ một giấc. Trước khi chìm hẳn vào cơn mơ tôi cũng nghe tiếng Viễn nói tiếp:

– Đợi tôi thêm một thời gian nữa, đợi tôi, khi tôi có thể sắp xếp được mọi chuyện, có thể thoát ra khỏi vùng núi này, đợi qua thời gian khó khăn này tôi sẽ đưa em về nhà, được không?

Suốt mấy tháng trời bị giam giữ ở đây, khi nghe Viễn nói hai chữ “về nhà” tôi bất giác mơ mơ màng màng tỉnh lại. Tôi biết Viễn không phải là hạng phàm phu tục tử chỉ biết nói chơi, từ lúc gặp anh ta tới giờ, chưa có việc gì anh ta hứa suông nên lơ mơ hỏi lại:

– Thật chứ?
– Thật. Chỉ cần em hứa đợi tôi thêm một thời gian nữa, tôi chắc chắn sẽ đưa em về.
– Ừ. Tôi hứa!

Nói xong câu ấy, tôi cũng không gắng gượng được nữa cuối cùng cũng chìm dần vào giấc ngủ sâu. Bên cạnh tôi, Viễn còn nói gì đó nhưng tôi căn bản không nghe được nữa chỉ thấy tiếng mưa lơi lộp độp rơi trên nắp xe tải.

Xe đi suốt mấy chặng đường núi đèo mới về đến nhà. Tôi ngủ say, nhưng khi xe về đến sân vẫn láng máng cảm nhận được Viễn bế tôi vào nhà, đặt tôi lên giường, dùng khăn ấm lau sạch sẽ tay chân sau đó còn đắp cho tôi chiếc chăn ấm áp. Tôi mơ mơ tỉnh tỉnh, có mở mắt ra, chợt thấy Viễn đang đứng ở bàn trà. Dưới ánh sáng của đèn ngủ lờ mờ, tôi nhìn thấy anh ta đang cầm xấp giấy vẽ của tôi lên chăm chú xem. Có lẽ đứng xem chưa đủ, anh ta còn kéo ghế ngồi xuống, từng bản vẽ đều xem kỹ càng, thậm chí có bản vẽ tôi còn thấy anh ta dùng tẩy và bút chì sửa lại.

Vì Viễn rất cao, nên khi ngồi dưới chiếc ghế gỗ ấy lưng phải khom lại một chút. Không hiểu sao, trong phút chốc tôi lại cảm thấy hình ảnh này rất ấn tượng. Không phải hình ảnh tổng tài ngồi làm việc với dàn máy tính, thiết bị xịn xò, không phải hình ảnh những người đàn ông giàu có trong những căn nhà xa hoa mà là ở một vùng núi rừng hoang vu, giữa cơn mưa đêm lạnh buốt, trong căn nhà gỗ nhỏ có một người đàn ông rất cao lớn, điển trai ngồi sửa bản vẽ tay bên bàn trà đơn sơ. Thật ra tôi không thích ai sửa bản vẽ của mình, nhưng có lẽ bởi hình ảnh trước mặt quá đẹp đẽ, tôi không phát ra được âm thanh nào chỉ lặng lẽ nhìn Viễn không hề muốn ngăn cản một chút nào nữa.

Sáng hôm sau, tôi tỉnh lại không thấy Viễn đâu. Tôi vốn tưởng anh ta đã đi xuống thành phố rồi nhưng vừa bước chân xuống giường đã nghe bên ngoài có tiếng cãi nhau ầm ỹ. Vừa mở cửa định bước ra đã thấy bố Viễn quát lớn:

– Mày to gan thật, đến giờ vẫn không hối cải. Tao bảo mày đi chơi chứ không phải lừa dẫn nó vào núi rồi để nó ở đấy một mình suốt đêm, mưa thì như trút nước. Nếu như nó có mệnh hệ gì mày tính làm sao?

Lúc này tôi mới ông đang quát cái Phương, tiếng nó lanh lảnh đáp lại:

– Con đã bảo con không thích anh ta, là tối qua bố mẹ cứ ép con phải đi chơi. Con làm như thế để anh ta đừng tơ tưởng gì đến con nữa.

Bên cạnh cái Phương, bố mẹ Viễn, Viễn và cả anh Dương đang ngồi. Hình như có chuyện lớn rồi, sắc mặt ai cũng nghiêm trọng. Cái Phương vừa dứt lời, bố Viễn lập tức đập tay xuống bàn gằn lên:

– Câm mồm! Sáng bố mẹ người ta đến chửi vào mặt bố mẹ mày mà mày vẫn thản nhiên được như vậy. Cả cái thôn này chưa có đứa con gái nào ngang ngược như mày cả. Từ thằng Tiến, A Lùng, thằng Thanh, giờ đến cả thằng Dũng mày cũng không ưng. Mày xem, ngay cả cái Nguyệt em thằng Tuấn mới chỉ có mười tám tuổi đã lấy chồng sinh con rồi. Mày định sống thế này cả đời hay sao?

Mặc cho bố nó chửi, cái Phương chỉ cấu cấu móng tay đáp lại:

– Có sao đâu bố, còn hơn là lấy người mình không yêu.

Không cần phải đoán già đoán non tôi cũng biết cái Phương vừa gây ra tội gì. Năm lần bảy lượt bố mẹ Viễn đều muốn gán ghép nó cho mấy chàng trai trong thôn nhưng nó đều không ưng. Mỗi lần như vậy nhà cửa lại ầm ỹ cả lên. Tôi quá quen với cảnh này rồi nên khẽ đưa tay khép cửa lại rồi chui tọt lên giường nằm trùm chăn. Mãi đến khi trận cãi vã náo loạn ầm ỹ kết thúc, Viễn mới đi vào. Nhìn thấy Viễn, tôi đắn đo một hồi rồi hỏi:

– Anh chưa xuống thành phố sao?

Viễn không trả lời mà hỏi tôi:

– Em có muốn ra ngoài chút không? Sáng nay trời nắng rất đẹp.
– Đi đâu?
– Sang nhà Tuấn.

Tôi nghe xong đang nằm liền vội vã bật dậy nhìn anh ta đáp lại:

– Có! Nhưng đợi tôi gội đầu đã, tóc tôi rất bết.

Nói rồi, tôi đi thẳng vào nhà tắm. Lúc vào đến thì hơi sững lại khi thấy nguyên một chậu nước bồ kết, sả, vỏ bưởi nóng thơm ngào ngạt đang bốc lên. Từ hồi lên đây, tôi lười, lại cũng chẳng biết kiếm mấy nguyên liệu này ở đâu nên chỉ dùng dầu gội Viễn mua cho. Tôi hơi cúi người xuống vừa múc nước xả lên tóc vừa hỏi Viễn:

– Anh nấu nước bồ kết cho tôi à?
– Phải.
– Sao anh biết sáng tôi sẽ gội đầu mà nấu nước?

Viễn không đáp chỉ bảo tôi gội nhanh không sẽ cảm. Tôi cũng không muốn ngâm nga mãi nên gội hai ba lượt liền quấn khắn đi ra ngoài. Vừa ra tôi thấy Viễn đã cầm trên tay một cái máy sấy tóc mới rồi nói:

– Lại đây, tôi sấy tóc cho em.

Nhìn thấy máy sấy tóc, tôi không khỏi kinh ngạc nhưng chưa kịp hỏi Viễn đã khẽ cười:

– Quà sinh nhật của tôi chuẩn bị cho em từ hôm qua mà chưa kịp đưa, người bán hàng có nói dùng nó sẽ không khô tóc như mấy loại mấy sấy khác. Món quà sinh nhật này có lẽ là món quà rẻ tiền nhất em từng được nhận nhưng tôi thấy nó phù hợp với em, chỉ mong em sẽ không chê nó.

Không phải dây chuyền đá quý kim cương, không phải những bộ quần áo hàng hiệu xa hoa hay những món đồ hào nhoáng mà quà sinh nhật lại là một cái máy sấy tóc. Thế nhưng không phải là món quà rẻ tiền nhất mà là món quà đặc biệt nhất tôi từng nhận. Tôi nhìn Viễn, chợt cảm thấy người đàn ông này chưa từng nói bất cứ lời hoa mỹ nào, cũng chưa từng cho tôi bất cứ món đồ phô trương nào, những thứ anh ta làm cho tôi, mua cho tôi đều là những thứ thường nhật mà tôi lại rất cần. Tôi không đáp lại lời Viễn chỉ nói một câu cảm ơn sau đó lặng lẽ ngồi xuống, Viễn cũng lặng lẽ sấy tóc cho tôi. Cả hai cứ im lặng như vậy cho đến khi đi ra ngoài.

Bên ngoài, ánh mặt trời đã lên, sương mù trên những đỉnh núi cũng tan, chỉ còn lại tiếng chim rừng hót líu lo. Cái Phương bị chửi đang hậm hực ngoài giếng, chị Trang bên cạnh ra sức an ủi còn mẹ Viễn thì ngồi lặng lẽ nhìn xa xăm. Lúc thấy tôi và Viễn đi ra ngoài, cái Phương khẽ lẩm bẩm gì đó nhưng tôi không nghe được. Tính khí nó xưa nay thế, lúc nào cũng khó chịu, cáu kỉnh nhưng tôi cũng không muốn chấp. Dù gì nó cũng không đụng đến tôi, vả lại cũng giúp đỡ tôi vài lần nên lâu lâu có mắng mỏ, cà khịa vài câu tôi cũng mặc kệ.

Trước kia tôi cứ nghĩ sang nhà Tuấn phải xa xôi lắm, thế nhưng lúc đi mới biết cách nhà Viễn chỉ một đoạn đường khá ngắn. Tôi vừa đi trên con đường sỏi đá vừa hít bầu không khí trong lành trên núi. Đúng là vùng núi cao, đoạn đường nào cũng đầy hoa dại sặc sỡ mọc đầy đường. Đi được một đoạn, tôi bắt gặp mấy đứa trẻ mặc đồ dân tộc đang vác gùi nhặt măng rừng liền hỏi Viễn:

– Ở đây, trẻ con không đi học sao?
– Có một số gia đình vẫn cho con đi học nhưng một số khác thì không. Điểm trường ở đây rất xa, chỉ có một phân hiệu trường cấp 1 còn trường cấp 2,3 ở dưới Thị Trấn nên đa số trẻ con ở đây học xong cấp 1 là nghỉ học rồi.

Nghe đến đây, tôi bỗng thấy lòng mình chùng xuống. Dân trí ở đây còn thấp, trẻ con lại không được học cao, một vòng luẩn quẩn bảo sao mua vợ lại thành tục lệ suốt bao năm nay. Nhìn thấy đám trẻ này, tôi sực nhớ lời cái Phương nói hỏi tiếp:

– Trước kia anh đi học thế nào?
– Đều tự đi, bố mẹ tôi cũng khá tiến bộ, làm rất nhiều việc có tiền cho ba anh em tôi đi học đầy đủ. Cũng may hồi tôi học có mấy thầy cô giáo rất có tâm, từ miền xuôi lên đây dạy rồi bám bản luôn.
– Anh phải đi bộ xuống tận Thị Trấn để học cấp 2,3 sao?
– Ừm.
– Vậy mà vẫn đỗ thủ khoa, nhưng sao lại không đi học đại học.
– Khi ấy trong nhà xảy ra một số chuyện, mẹ tôi lại ốm nên không học nữa mà đi làm.

Một đứa trẻ sinh ra ở vùng núi khó khăn, có thể trèo đèo lội suối đi học, chẳng những học hết cấp ba còn thi đại học với điểm số rất cao chứng tỏ ngoài sự thông minh thiên bẩm còn có cả một sự nỗ lực phi thường. Nếu nói không ngưỡng mộ chắc chắn là nói dối. Khi nói chuyện đến đây, tôi và Viễn cũng đến nhà Tuấn. Nhà Tuấn không khác nhà Viễn là mấy nhưng có vẻ khang trang hơn, có lẽ không phải mang quá nhiều gánh nặng như Viễn nên tiền của dồn sắm sửa gia đình được nhiều. Tuấn ở với vợ chồng cô em gái, bố mẹ anh ta mất từ nhỏ, cô em gái trông nhỏ tuổi như vậy nhưng theo lời Viễn thì quản Châu còn chặt hơn cả bố mẹ Viễn quản tôi.

Lúc đến cô em gái nấu cơm bên dưới bếp, Châi đang tưới mấy bông hoa hải đường ở trước cửa nhà, nhìn thấy tôi sắc mặt đang u ám bỗng trở nên rạng rỡ chạy ùa ra tóm lấy tay tôi. Từ lúc trải qua trận sinh tử ở trong hầm giờ đây tôi và cô ấy mới được gặp nhau nên cả hai đều vô cùng mừng rỡ. Nhưng vì có Tuấn và Viễn ở đây nên hai chúng tôi cũng chỉ nói mấy chuyện về sức khoẻ, hoặc nói mấy chuyện không đầu không cuối, mãi đến khi Tuấn và Viễn đi ra sau vườn hái quả Châu cũng thay đổi nét mặt hỏi tôi:

– Cô còn ít thuốc tránh thai nào không? Có thể cho tôi xin tạm một vỉ được không? Tôi dùng hết sạch rồi, không còn vỉ nào cả.

Tôi lắc đầu chán nản kể lại chuyện thuốc tránh thai không cánh mà bay. Châu thấy vậy ánh mắt cũng trở nên u ám rồi bảo tôi:

– Tôi thực sự rất sợ, sợ nhất là sẽ có thai với anh ta. Nhưng giờ thuốc tránh thai không có, kiểu gì không sớm thì muộn, nếu không tìm được cách trở về sớm tôi sẽ mang thai mất. Tháng này tôi đã quan hệ không an toàn với anh ta bốn lần, đến giờ trễ kinh hai ngày, không rõ là có hay không. Ngọc…

Nói đến đây, ánh mắt Châu trở nên lạnh lùng xen lẫn chút tuyệt tình:

– Hôm trước con cái Nguyệt bị bệnh, có bà lang đến cắt thuốc, tôi đã lén mua ba thang thuốc phá thai. Tôi thật sự không muốn dùng đến, nhưng nếu có tôi không còn cách nào khác nữa.
– Châu… cô…

Có lẽ nhìn thấy ánh mắt hoang mang tột độ của tôi Châu liền cúi đầu nói:

– Tôi không thể ở lại nơi này, tôi không muốn ở đây, chắc chắn tôi sẽ phải trở về. Mà muốn trở về thì không nên có con với anh ta. Tôi không thể mềm lòng được, một đứa bé được sinh ra ở nơi này khổ sở thế nào, một đứa bé được sinh ra trên nỗi thống khổ của mẹ nó thì không nên sinh ra. Không phải tôi tuyệt tình, nhưng tôi không còn lựa chọn nào khác. Trẻ con không có tội, nhưng hoàn cảnh của chúng ta nếu có không thể giữ được. Nhưng cô đừng như tôi, phải tìm cách tránh thai thật tốt. Viễn có vẻ còn nới lỏng cho cô nhưng Tuấn, anh ta không cho tôi cơ hội mua thuốc tránh thai dù chỉ một lần, thuốc trước cũng là tôi ăn trộm được của cái Nguyệt. Chỉ hi vọng lần này là do nội tiết chứ đừng mang thai. Ngọc, muốn trở về thì phải cứng rắn, còn bố mẹ người thân đang chờ, chúng ta tốt hơn hết đừng rung động với bọn họ, đừng để con cái là sợi dây ràng buộc.

Nghe Châu nói, lòng tôi chấn động, trong phút chốc cũng thấy lòng thắt lại. Hoàn cảnh này đúng là không thể trách cô ấy tuyệt tình được, chỉ trách ông trời trớ trêu. Còn tôi… tôi cũng không biết tương lai mờ mịt kia sẽ thế nào, nếu như Viễn đối xử tệ với tôi có lẽ tôi đã không nảy sinh cảm giác biết ơn, thương xót đan xen với những phẫn uất trong lòng thế này.

Buổi chiều, Viễn và Tuấn phải đi xuống thành phố. Nghe anh ta nói với cả nhà đợt này chắc đi phải gần Tết mới về, còn nghe nói cái gì mà đấu thầu gì đó tôi cũng không rõ. Chỉ thấy trước khi đi Viễn vào phòng riêng của mẹ anh ta nói chuyện rất lâu, không biết dặn dò gì chỉ thấy mẹ anh ta luôn miệng bảo yên tâm, có bà ở nhà sẽ không sao. Lúc Viễn đi khuất, tôi trở về phòng thấy xấp giấy thiết kế nội thất đã không còn trên bàn chỉ còn mấy xấp giấy trắng và chì màu cùng một ít tiền mà Viễn nói là ứng thêm cho tôi, số tiền ấy, tôi đếm được hai triệu, quả là con số “lớn”. Phòng ốc được Viễn thay lại chăn gối, dọn dẹp sạch sẽ. Tất, áo bông, mũ ấm của tôi cũng được Viễn để một nơi dễ tìm còn có một mẩu giấy ghi rõ nơi để những món đồ cần thiết. Lần nào cũng vậy, anh ta có lẽ sợ tôi không biết tự chăm sóc bản thân mình nên đều tự tay sắp xếp.

Buổi tối, ăn cơm xong tôi và cái Phương rửa bát ở ngoài giếng. Lúc không có ai cái Phương chợt hỏi tôi:

– Chị còn muốn trở về không?

Tôi nghe nó hỏi thì có chút ngạc nhiên hỏi lại:

– Sao em lại hỏi như vậy?
– Tôi thấy anh tôi đối xử tốt với chị nên nghĩ chị không muốn về nữa.
– Không… chị vẫn muốn trở về.

Không hiểu sao nói đến đây, tôi thấy cái Phương hơi thở phào một tiếng rồi hỏi tiếp:

– Thế dạo này chị uống thuốc tránh thai đầy đủ không?
– À… ừ… sao em hỏi thế?
– Chẳng sao cả, muốn trở về tốt hơn hết là nên uống thuốc tránh thai cẩn thận, đừng để mang thai. Có thai rồi, chắc chắn chị sẽ không thể trở về được nữa đâu. Ban đầu nghĩ là chỉ là một đứa con, nhưng chị cứ nghĩ đi, khi sinh con ra, muốn vứt bỏ miếng thịt mình tách ra, trái tim sẽ đau đớn vô cùng, không thể nào vứt bỏ được đâu. Mà không vứt bỏ được lại phải ràng buộc, cả đời này chắc gì đã trở về được.

Cái Phương vừa nói đến đây, trên hiên nhà cũng nghe tiếng dép loẹt xoẹt của mẹ nó đang đi ra nên im bặt, câu chuyện cũng đành kết thúc. Nhưng những lời nó nói và cả những lời của Châu hôm nay nói đã gần như ghim hẳn vào lòng tôi khiến tâm trạng tôi trở nên vô cùng khó chịu và cắn rứt. Mặc dù Viễn đã nói chờ anh ta một thời gian nữa anh ta sẽ cho tôi trở về, nhưng thời gian đó của anh ta bao lâu tôi lại không rõ. Hiện tại anh ta đi làm mấy tháng trời, tôi có thể tránh thai được mấy tháng ấy, nhưng sau đó thì sao? Có con với anh ta, mà những khó khăn anh ta nói vẫn không vượt qua được chẳng phải tôi vẫn phải tiếp tục chôn vùi đời mình ở đây sao? Tôi muộn phiền vò đầu bứt óc, tuy rằng không có nhiều hi vọng nhưng trong lòng vẫn le lói một tia hi vọng mỏng manh… Nếu như tôi không thể tự tìm được đường về, hi vọng rằng anh trai tôi có thể tìm được đến đây, mang tôi về. Chuyện hôm trước, tôi nghe được tiếng anh mình, vẫn ước mong rằng đó là sự thật, không phải tôi tự hoang tưởng ra.

Viễn đi được khoảng một tháng trời bỗng dưng trở lạnh. Trên núi vốn đã lạnh, nay càng thêm buốt giá. Tôi vốn là đứa chịu lạnh kém nên trời vừa đổi gió tôi cũng ốm bẹp giường không thể phụ chị Trang nấu cơm được nữa. Chị Trang không trách tôi, ngược lại còn nói chị quen sống ở núi rồi nên cái lạnh này không nề hà gì tôi không cần để tâm. Thế nhưng tôi vì áy náy nên đưa chị Trang ít tiền mà Viễn trả cho tôi chỉ giữ lại một ít để phòng thân, dù sao tôi cũng không muốn ăn không nằm không mãi như thế để người khác hầu hạ mãi được. Hằng ngày, để có thể thiết kế, vẽ tranh, tôi đều phải nằm cuộn mình trong chăn nhưng do tay lạnh cóng nên mấy ngày mới hoàn thành được một bức. Mẹ Viễn thấy tôi ốm như vậy một tuần hai ba ngày đều giết gà tẩm bổ cho tôi, còn mua thêm cho tôi lọ cao ngâm chân giống như Viễn mua lần trước để hằng ngày tôi đun nước ngâm cho tiện. Sợ tôi buồn chán một mình, có mấy hôm bà còn gọi Châu chạy sang nhà chơi với tôi.

Tôi mất mẹ từ nhỏ, sau này lớn lên với anh trai dù anh trai tôi yêu thương tôi cỡ nào trong thâm tâm vẫn thèm khát vòng tay của mẹ. Từ lúc đến đây tôi không hề tự nguyện nhưng ở trong nhà này tôi cảm nhận rất rõ mẹ Viễn đối xử với tôi rất tốt, dù không muốn tôi vẫn phải công nhận, giữa hai đứa con dâu bà thiên vị tôi nhiều hơn, thậm chí so với con gái bà bà cũng có phần bênh vực tôi hơn. Đối diện với thứ tình cảm chân thật này, lại nghĩ đến việc lòng luôn muốn chạy trốn trở về tôi thật sự thấy mình rất khó đối diện với bà. Tôi đem chuyện này kể cho Châu, nhưng cô ấy gạt đi nói rằng tôi đang bắt đầu bị dao động, một chút mềm lòng là cuộc đời này coi như xong, nhất định phải cứng rắn lên bởi chúng tôi là nạn nhân của nạn buôn người, cha mẹ, bạn bè người thân đang đỏ mắt mất công tìm kiếm thậm chí biết đâu người thân của chúng tôi đang suy sụp đến mức sức khoẻ suy kiệt vậy thì cớ sao chúng tôi lại phải áy náy. Những lời Châu nói khiến tôi lại xốc dậy tinh thần hơn, cũng cố nhắc mình chừng nào chưa được về nhà thì đừng mềm lòng, có thể biết điều hơn nhưng nhất định không được dao động tư tưởng một chút nào cả. Nói chuyện một lúc nhớ ra chuyện kinh nguyệt bị trễ liền hỏi cô ấy. Cũng may cô ấy không hề mang thai, có lẽ do uống thuốc tránh thai một thời gian nên dừng nội tiết bị thay đổi, vài ngày sau đã có trở lại. Kinh nguyệt của tôi không đều giống Châu, từ hồi bị cưỡng hiếp, bác sĩ nói bộ phận sinh dục bị tổn thương, tuy rằng sau đó đã lành lặn lại nhưng vẫn có thể do lần đó nên nội tiết thay đổi, kinh nguyệt của tôi năm sáu tháng mới có một lần. Vậy nên mấy tháng nay không có kinh tôi cũng không hề để ý.

Thời tiết trên núi ngày càng khắc nghiệt, dù cho mẹ Viễn hết lòng chăm sóc và bồi bổ cho tôi nhưng sức khoẻ tôi vẫn không khả quan là mấy. Thực ra, tôi không hẳn là yếu đến mức nằm liệt nhưng mỗi lần đứng dậy đều hoa mắt chóng mặt, người ngợm lúc nào cũng mệt mỏi, còn kiệt sức đến mức chỉ muốn ngủ. Mẹ Viễn nấu gì tôi đều không muốn ăn, mồm miệng đắng ngắt nhưng sợ phụ công bà nấu tôi cố ăn được chút lại thôi. Cái Phương thấy tôi như vậy thì ca thán rằng đúng là người thành phố, chỉ được cái xinh đẹp nhưng khó chăm, một chút lạnh thôi mà ốm cả mấy tháng hầu hạ mãi mà không khá hơn chi bằng trả về cho xong. Mẹ nó nghe xong liền chửi mắng mấy câu rồi an ủi tôi đừng nghe nó nói, cũng đừng chấp nó. Tôi tất nhiên mệt mỏi không có cả thời gian để mà nghĩ ngợi nhiều.

Tôi không nhớ tình trạng sức khoẻ tụt dốc của mình diễn ra trong bao lâu, có lẽ là hai tháng gì đó. Lúc ấy tôi áng chừng Viễn rời nhà đã ba tháng rồi. Viễn không ở nhà, tôi cũng không được đi ra ngoài, cảm giác bức bách khó chịu vô cùng. Cũng không rõ vì sao lần này anh ta đi lâu như vậy, nhưng tôi cũng đoán chắc phải có việc gì quan trọng lắm, cần anh ta ở lại nên anh ta mới đi lâu như thế. Đợt này bố Viễn và anh Dương lâu lâu cũng phải xuống miền xuôi, nhà chỉ còn mấy người phụ nữ chúng tôi. Năm nay nhuận hai tháng tư nên dù dương lịch đã bước sang tháng thứ 2 nhưng âm lịch vẫn chưa đến Tết.

Không hiểu sao thời gian này tâm trạng tôi rất tệ. Có lẽ bởi sức khoẻ không tốt, lại bị giam cầm ở nơi đây nên tôi luôn thấy chán nản và thất vọng. Cũng có thể do Viễn không ở nhà, một cuộc sống vô vị không lối thoát khiến tinh thần tôi rệu rã vô cùng. Sắp đến Tết rồi, tôi đã ở đây gần nửa năm, cuối cùng vẫn không thể tìm được đường trở về. Tôi không biết ở nhà anh trai còn tìm kiếm mình hay không, sắp Tết rồi, trong nhà đã chuẩn bị được gì hay chưa, còn Vinh, không rõ anh có còn nhớ nhung hay đã từ bỏ tôi rồi, rất có thể anh đã có người yêu mới rồi cũng nên. Cả Dung nữa, nó ở phương trời nao tôi không rõ, còn cả những người bạn thân của tôi dưới thành phố, họ còn nhớ tôi hay trong ký ức đã hoàn toàn quên tôi rồi. Tôi nằm ngây ngốc nhìn trời một lúc, nhìn những cánh chim bay trên đỉnh núi xa vời vợi, cuối cùng thì khóc nức nở vùi mặt vào gối. Nỗi nhớ nhà khiến tôi không kìm được cảm xúc khóc nấc lên.

Khóc một lúc chán chê tôi mệt quá nằm xuống ngủ thiếp đi, đến lúc tỉnh dậy trời đã xế chiều, tôi mơ mơ màng màng nhìn thấy bên ngoài bỗng có mấy hạt tuyết lất phất rơi. Từ lúc núi trở lạnh đến giờ tuy rằng sương giá buốt nhưng đây là đợt tuyết rơi đầu tiên. Tôi sống ở miền xuôi từ nhỏ, tuy có đi Nhật Bản một lần nhưng vào mùa hè nên đây là lần đầu tiên được nhìn thấy tuyết thật. Những hạt tuyết trắng xoá như bông rơi xuống sân, chẳng mấy chốc cả sân vương đầy tuyết. Phía xa xa những dãy núi cũng được tuyết phủ đầy, những màu trắng xanh đan xen nhau giống như một bức tranh thuỷ mặc hùng vĩ. Nhìn thấy cảnh vật như vậy, tâm trạng tôi cũng dần dần dễ chịu hơn, đứng dậy mở to cửa sổ ra để ngắm tuyết được rõ hơn. Thế nhưng vừa mở ra, chợt sững sờ khi thấy Viễn đang từ hàng hoa giấy đi vào. Viễn mặc chiếc áo măng tô dài, tuyết rơi trắng trên tóc anh ta, còn rơi xuống cả mi mắt, có hạt tuyết đã tan ra chảy thành nước rơi xuống miệng. Tôi không biết vì sao Viễn lại có mặt ở đây giờ này, trong nhà, tiếng cái Phương cũng cất lên:

– Trời ơi, tuyết rơi như vậy sao anh còn về, chị ta có làm sao đâu? Chẳng phải anh bảo Tết mới về cơ mà! Anh đi xe trong tuyết thế này nguy hiểm lắm đó.

Tôi không nghe tiếng Viễn đáp lại chỉ thấy anh ta đi thẳng vào nhà rồi vội vã mở cửa phòng. Lúc nhìn thấy tôi, Viễn hơi khựng lại một lúc rồi lao đến bên giường nắm lấy cánh tay tôi khẽ gọi:

– Ngọc!

Tôi nhìn Viễn, đờ đẫn mất mấy giây, anh ta đột nhiên đưa tay sờ lên má, lên mặt tôi, giọng nghèn nghẹn, xót xa:

– Sao em lại xanh xao, gầy thế này? Em ốm thế nào?

Có lẽ bởi tâm trạng đang vô cùng nhạy cảm và mỏng manh, có lẽ bởi đang đau đáu nhớ nhà, lại nhìn thấy Viễn ở đây sau suốt ba tháng trời, nhìn thấy anh ta đi trong tuyết lạnh giá, gian nan vượt qua trùng trùng điệp điệp núi non mây ngàn tôi không kìm được bỗng dưng lại khóc nghẹn. Viễn thấy tôi khóc liền kéo tôi vào lòng, siết chặt run rẩy bảo:

– Đừng khóc, được rồi, có tôi đây rồi em đừng khóc nữa. Là tôi không tốt, là tại tôi.

Tôi nghe xong càng khóc lớn hơn, nước mắt đẫm cả chiếc áo măng tô của Viễn. Vừa khóc tôi vừa túm lấy áo anh ta, giống như con chim nhỏ ướt mưa lạc mẹ. Anh ta liên tục dùng một tay lau nước mắt cho tôi, một tay vỗ vỗ lưng cho tôi, kiên nhẫn an ủi, đợi tôi khóc xong mới buông tay ra lấy nước cho tôi uống. Tôi nhìn anh ta, bình tĩnh lại khoé môi mấp máy đang định hỏi anh ta vì sao lại về nhà lúc này, vì sao lại biết tôi ốm thì bên ngoài mẹ Viễn cũng dẫn theo một người đàn bà, tay cầm một hộp đựng thuốc đi vào. Viễn bảo tôi đây là bà lang ở thôn, bao đời nay đều là bà ấy chữa bệnh cho cả thôn, còn bảo tôi nằm xuống cho bà ấy bắt mạch. Tôi nghe vậy thì miễn cưỡng nằm, bà lang có lẽ nhìn ra sự miễn cưỡng của tôi nhưng không đáp chỉ cười hiền từ đặt hộp thuốc xuống. Mẹ Viễn nhìn tôi, lại nhìn bà lang sau đó khẽ nói nhỏ với Viễn:

– Mẹ dặn ông ấy báo con chuyện con bé ốm cách đây một tháng rồi, không ngờ ông ấy lại không để tâm. Mẹ còn tưởng con biết rồi nhưng bận quá chưa về được, với nghĩ con bé cảm xoàng chắc tháng là khỏi, bà lang Côn lại vừa đi xuống Thị Trấn chăm con đẻ không có ở nhà nên mới để kéo dài đến hai tháng như vậy.

Tôi nhìn Viễn, anh ta không đáp chỉ lẳng lặng nhìn tôi, vẻ mặt vô cùng sốt ruột xen lẫn cả lo lắng. Hai tay Viễn đỏ ửng có lẽ vì lái xe đường dài, cũng có lẽ vì lạnh, đầu mũi vẫn còn hồng hồng. Mẹ anh ta bên cạnh liên tục nhòm xuống bà lang Côn hỏi:

– Sao rồi, con bé liệu có bị gì nặng không mà ốm cả hai tháng nay vậy bà Côn?

Bà lang Côn chăm chú bắt mạch, ánh mắt dần dần trở nên phức tạp. Mẹ Viễn bên cạnh hỏi thêm mấy câu nữa, cuối cùng bà lang Côn không kiên nhẫn được nữa mà hơi gắt lên:

– Ốm gì mà ốm nặng chứ, con bé ốm nghén chứ không có bệnh tật gì cả. Tôi bắt được mạch rồi đây, mang thai đến bốn tháng rồi mà không biết gì hay sao?

Vừa nghe xong câu ấy, ngay lập tức đầu tôi như có búa đập vào, hoàn toàn chết lặng, mang thai, mang thai gì chứ?
***
Lời tác giả: đến đoạn gay cấn thì lại cuối tuần, nhưng nếu chương này trên 5.k l.ike, 1000cmt thì em sẽ không nghỉ nha. Còn nếu không đủ hẹn mọi người thứ 2.

Yêu thích: 4.6 / 5 từ (20 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN