Từ lâu người hâm mộ và thần tượng gặp nhau đã hình thành thể thức quen thuộc, câu hỏi vặn của Khương Hoán là một yếu tố nhiễu làm đoạn code đang vận hành chuẩn chỉnh xuất hiện bug.
Dụ Hà ngẩn người, tiếng rơm lạo xạo quanh quẩn sâu trong cơn ảo giác.
Cậu cảm thấy Khương Hoán hơi trẻ con, không chắc anh có đang đùa mình không vì đòi xếp nhất không hề giống phong cách của Khương Hoán, song cậu vẫn nghiêm túc trả lời thật.
“Em không xem nhiều thể loại phim lắm…” Dụ Hà đáp không chút lưỡng lự: “Anh xếp thứ nhất ạ.”
Khương Hoán vẫn giữ nét mặt cười như không cười: “Tôi không phải đạo diễn.”
Trong tiềm thức của Dụ Hà có một âm thanh vang vọng “không phải anh ấy đang trêu mình đấy chứ”, tuy nhiên suy nghĩ này nhanh chóng chết yểu, cậu đáp xuôi theo ý Khương Hoán: “Em cũng không hiểu dụng ý của đạo diễn, chỉ là rất thích một số cách… diễn tả của anh, nói cách khác là cách đọc thoại, mặc dù có thể em nông cạn.”
“Cảm nhận là của cá nhân.” Khương Hoán nói.
Anh phản hồi mỗi câu nói của Dụ Hà vô cùng ngắn gọn song lại vô cớ khích lệ Dụ Hà tiếp tục trò chuyện cùng anh, hơn nữa càng lúc càng lưu loát và thoải mái. Sau khi hết căng thẳng, Khương Hoán có thể thấy rõ sự “đáng yêu” mà Dương Quan Phượng hình dung, mắt tròn xoe, khẩu hình miệng khi nói, mắt sáng long lanh nhìn anh cười rụt rè…
Cậu đẹp một cách không dễ ngán.
Khương Hoán vừa lơ đãng Dụ Hà đã nhắc đến cuốn sách trong tay anh.
“Gần đây em cũng mới xem bộ phim này.” Nói đến đây hình như cậu lo mình là người ngoài ngành, xoa mũi cười ngại: “Về sau em thử đọc truyện, trong truyện viết nhiều bài hát quá mà em đều chưa nghe.”
“Toàn bài từ những năm 60, 70, em còn nhỏ, chưa nghe bao giờ cũng bình thường.” Khương Hoán tiếp lời rất mượt: “Hứa Vi Thuỷ quay Mặt trời xanh, bối cảnh cũng là những năm 60.”
Dụ Hà gật đầu, ngập ngừng bày tỏ suy nghĩ của mình: “Nhưng một vài chi tiết trong phim em không thích lắm.”
Khương Hoán để sách qua một bên, đáp “ừ” tỏ ý anh hiểu.
Nội dung bộ phim này luôn là đề tài tranh luận sôi nổi, có liên quan rất lớn tới sở thích của đạo diễn.
Hứa Vi Thuỷ là người Anh gốc Hoa, từ bé đã tiếp cận nền giáo dục phương Tây tiến bộ, tiếng phổ thông còn không sõi nhưng cứ ham mê quay phim đề tài Trung Quốc.
Mặt trời xanh kể về một nhà thơ lớn lên ở phương Tây trở lại tổ quốc vào thời đại đặc biệt, đến thị trấn nhỏ phía Nam tìm nguồn cội.
Hắn quen biết một giáo viên trung học trên thị trấn, người này là thanh niên có học thức tới từ thành phố lớn, con người thanh cao cô độc, ít qua lại với dân bản địa, đôi bên không vừa mắt nhau. Sau khi quen biết cả hai nhanh chóng nảy sinh tình cảm mập mờ, bắt đầu cùng tận hưởng cuộc sống nơi thị trấn nhỏ an yên. Nhưng chiến tranh mở rộng, các cuộc tụ tập quy mô lớn trên thị trấn khơi gợi bản tính tự vệ và giết hại lẫn nhau trong sâu thẳm nhân tính, họ tận mắt chứng kiến một vụ hành hình trong miếu thổ địa, từ đó cả hai rẽ sang hai con đường khác nhau.
Cuối cùng nhà thơ quyết định tố giác đối phương nhằm bảo vệ mình, kế hoạch chưa kịp thực hiện đã bị nhìn thấu, để rồi chết dưới dao của người yêu. Người kia bước trong nắng chiều tà nhuộm đầy màu tím, khi sắp thả trôi qua sông Thanh Hà, tiếng súng không biết từ đâu đến giúp anh giải thoát.
Cảnh trong miếu thổ địa là tình tiết rất quan trọng của phim, nhưng Dụ Hà cảm thấy liên kết trước sau có vấn đề, nhiều lời thoại bị khó hiểu.
“Em xem bản lậu hay bản chiếu ở liên hoan phim?” Khương Hoán hỏi.
Bộ phim này không công chiếu trong nước.
Dụ Hà mím môi: “Bản ở liên hoan phim… Em xin của một người bạn, cậu ấy bảo dài hơn bản ra rạp mười lăm phút.”
“Mười lăm phút dôi ra thêm hết vào nửa đầu phim, vô bổ.” Khương Hoán đáp rồi cười tự giễu: “Hồi đấy tôi không biết đóng phim thế nào, Hứa Vi Thủy nói gì thì làm theo thế.”
Dụ Hà “à”, cậu không tìm được cơ hội tiếp lời từ câu này.
Khương Hoán: “Máy tính của tôi có bản cut thô của đạo diễn, không phối nhạc, nếu em thích thì hôm nào tôi cho em xem.”
“Ơ?” Dụ Hà vừa bất ngờ vừa vui, đờ đẫn chỉ biết hỏi lại: “Được không ạ?”
“Có gì mà không được.” Khương Hoán nói.
Hôm ấy họ không trò chuyện quá lâu, bởi chẳng mấy mà Dương Quan Phượng đến tìm Khương Hoán.
Cô xin lỗi và giải thích tình hình với Dụ Hà, ngỏ ý mình phải dẫn Khương Hoán đi trước, về phần rốt cuộc là việc gì thì cô khó mở lời, Khương Hoán lại bình chân như vại nên Dụ Hà không tiện hỏi nhiều.
Khương Hoán đứng dậy tạm biệt Dụ Hà, anh trả tiền cà phê cho cậu, dặn cô gái lễ tân đeo tạp dề màu nâu đậm ghi sổ cho mình, sau đó Dụ Hà tiễn anh ra cổng.
Có lẽ lòng can đảm của một người chia hạn mức theo ngày, hôm nay Dụ Hà đã dùng hết khi bước đến chỗ bàn nhỏ của Khương Hoán rồi, tới tận lúc ngoái đầu nhìn lần thứ ba, chắc chắn Khương Hoán đã vào nhà mà cậu vẫn còn tiếc nuối vì chưa hẹn gặp Khương Hoán lần sau, dù cho chỉ là lời hẹn chót lưỡi đầu môi “hôm nào em ghé xem phim thì được”.
Cậu đi qua hai ba con phố, vô thức sờ tay vào túi áo thấy trống không, bèn dừng phắt lại tìm khắp một lượt từ trong ra ngoài.
Phút chốc Dụ Hà sợ toát mồ hôi lạnh.
… Thẻ nhớ máy ảnh đâu rồi!?
Dụ Hà đi hết hai con phố mấy lần cũng không tìm thấy, nghi mình đánh rơi thẻ nhớ ở Khê Nguyệt Tiểu Trúc. Cậu quay lại đó, cô gái đeo tạp dề trong quán cà phê tìm giúp cậu và hỏi cách liên lạc, khi nào có tin tức sẽ gọi điện báo cậu.
Lục tìm balo, giường đệm lần nữa không có kết quả, Dụ Hà gần như từ bỏ hy vọng tìm được thẻ nhớ, bắt đầu tiếc thương cho nó.
Chuyến này đi Dụ Hà chỉ mang một máy ảnh rất cũ, chụp tốt hơn điện thoại đã sử dụng bốn năm năm, nhưng do vấn đề tính năng nên không thể lắp thẻ SD trong máy quá lâu, nếu không dễ hỏng màn hình… Cậu không biết đây là nguyên lý gì, sau một thời gian trải nghiệm thực tế thì đúc kết được như thế.
Thẻ nhớ lưu nhiều ảnh cậu sưu tầm qua các chuyến du lịch bụi vào kỳ nghỉ, không đến mức tuyệt mật, những ảnh cực kỳ có giá trị đều đã sao lưu sang máy tính, tuy không quan trọng lắm nhưng mất vẫn đáng tiếc.
Dụ Hà chờ hai ngày, suy nghĩ bi quan chắc thẻ nhớ hy sinh tính mạng rồi.
Và rồi nhà dột còn gặp mưa rào, đúng lúc này bạn cùng lớp kiêm bạn cùng phòng Từ Nhuệ Thanh bất ngờ thọc cho cậu một dao: Hôm đầu tiên đi thôn Bình Sơn, bữa tối ăn đồ chay, các bác nữ nhắc đến hình mẫu lý tưởng và trêu chọc đám con trai trong đoàn, lại hỏi Dụ Hà thích mẫu con gái nào, chưa kịp đưa ra lựa chọn cụ thể cho cậu thì Từ Nhuệ Thanh xen vào.
Cậu ta lắc nước chanh trong cốc, cười nhếch miệng: “Hỏi chuyện đó có tác dụng gì, các cậu không biết à? Dụ Hà không thích con gái.”
Cậu ta nói xong cả bàn ăn im phăng phắc, ngay cả giảng viên Kiều Tiểu Điệp cũng không lên tiếng.
Kẻ đầu têu không để ý gương mặt thoáng tái mét của Dụ Hà, vẫn tươi cười nhìn chằm chằm cậu: “Tao thật sự rất tò mò, Dụ Hà này, không có ý xúc phạm đâu vì tao cũng nghe người khác đồn… Mày với cái anh ở khoa Biểu diễn, lúc hai đứa mày bên nhau thì ai nằm trên? Nghe nói là anh ta hả?”
Dụ Hà bỏ bát xuống, chú mục vào Từ Nhuệ Thanh một lúc lâu, so ra thì cậu ta thế này giống dọa hão hơn là vô ý.
“Tao với Viên Kim không phải một đôi.” Cậu cất giọng bình tĩnh.
Từ Nhuệ Thanh cũng nhìn thẳng vào cậu: “Nhưng tao không tin thì phải làm sao? Hay là thế này đi, từ sau mày cách xa tao chút, tao sợ đồng tính luyến ái có bệnh lại lây.”
“Thế mày còn ngồi ăn chung bàn với tao?”
Từ Nhuệ Thanh: “…”
Dụ Hà nhếch môi như cười như không với cậu ta giống Khương Hoán đã làm, đoạn đứng dậy rời quán ăn.
Hôm nay trời âm u, rặng núi phía Tây Nam như cánh tay ôm ấp thị trấn, tầng mây dày đặc, gió trên cao thổi phần phật mang theo mùi gai gái ẩm ướt.
Cậu không biết Từ Nhuệ Thanh phát hiện từ bao giờ, có thể là do số lần Viên Kim tìm gặp cậu hơi nhiều. Quả thật họ từng có cảm tình với nhau, song vẫn chưa đi tới đâu đã gặp hòn đá có tên Khương Hoán, thế là sự mập mờ vỡ tan như bong bóng xà phòng.
Dụ Hà đã sớm nói rõ với Viên Kim, cậu cũng luôn thẳng thắn với xu hướng tính dục của mình, trừ khi người khác vạch trần chuyện này cho bố mẹ cậu, nhất là khi trong nhà đang xảy ra biến cố. Cậu không quan tâm ai biết, mặc kệ người khác nghĩ thế nào.
Nhưng nói trước mặt cô giáo và các anh chị khóa trên, Dụ Hà vẫn vô cùng xấu hổ.
Buồn hơn là cơ sự lại bắt đầu từ Từ Nhuệ Thanh, Dụ Hà từng coi cậu ta là một trong những người bạn thân thiết ở trường, cảm giác như ngồi bàn chông vừa rồi thà nói hoàn toàn là do “bị phản bội” còn hơn là vì lúng túng.
Dụ Hà đi dọc phố phường chật hẹp, cậu muốn băng qua con dốc dài quay lại nhà trọ.
Sắc trời dần tối, hình như sắp đổ mưa rào.
Cậu quành vào một ngã rẽ, bóng đèn sợi đốt kiểu cũ dưới hiên nhà chiếu rọi khe hở giữa những phiến đá xanh, con dốc hướng xuống, chùm sáng màu vàng ấm nhanh chóng trải dài như nước. Dụ Hà đi đến điểm cuối của chùm sáng, tầm mắt va phải yên sau xe đạp.
Khương Hoán đứng dưới dốc ngoảnh đầu lại, nhìn thấy cậu thì bấm còi xe.
Họ sóng vai đi cách nhau một chiếc xe đạp, sau cuộc hội thoại ngắn “tình cờ thế” và “đúng vậy”, cả hai tự giác trở thành bạn đồng hành.
Dụ Hà ủ rũ ngắm ngón chân, không hay Khương Hoán đang nhìn mình.
Im lặng đi khoảng ba trăm mét thì Khương Hoán mở lời trước: “Hôm nay không đi với bạn học à?” Thấy cậu ngạc nhiên, anh nói tiếp: “Đoàn nghiên cứu Học viện Kiến trúc Đại học Đông Hà, nghe chị Dương kể hai năm đến một lần.”
“Mọi người vẫn đang ăn.” Dụ Hà ngượng nghịu: “Em có chút mâu thuẫn với bạn học… Muốn đi trước.”
Khương Hoán không xử sự giống lẽ thường, mắt điếc tai ngơ với mâu thuẫn giữa học sinh nên Dụ Hà không biết rốt cuộc anh có nghe không, liếc thấy Khương Hoán rụt tay phải đang dắt xe đạp thò vào túi thể thao đeo chéo bên người, móc ra một cái túi chống nước nhỏ xinh.
“Cái này của em phải không?” Khương Hoán xòe tay.
Bên trong túi chống nước trong suốt là chiếc thẻ nhớ mấy hôm trước đã làm Dụ Hà tìm đến mức mất hồn mất vía.
Mắt Dụ Hà sáng bừng, nhờ “gặp Khương Hoán” và “thẻ nhớ ở chỗ Khương Hoán” mà cảm giác khó chịu ban nãy bỗng chốc chẳng còn đeo bám cậu.
“Anh tìm giúp em ạ?” Dụ Hà hỏi xong lại tự buồn cười, không phải quá rõ rồi sao.
“Hôm trước rơi ở chỗ ngồi nhưng em không thấy. Nghĩ có thể em sẽ quay lại lấy ngay nên tôi cất đi trước.” Khương Hoán nhìn như đang thưởng thức niềm vui của cậu, ngừng giây lát mới nói: “Thế mà mãi em không đến.”
Dụ Hà siết chặt túi chống nước: “… Em đã tìm rất lâu.”
Mất đi rồi lại có được đáng quý nhường nào, hôm nay cậu mới đích thân trải nghiệm.
Cậu trịnh trọng cảm ơn rất nhiều lần, nhưng Khương Hoán quay mặt đi như thể không quen nghe cảm ơn, đưa tay lên sờ d ái tai.
Chắc do tiện đường, Khương Hoán đi cùng cậu đến cổng nhà trọ, trời ngày càng tối, mây tụ lại trên mái nhà, không khí ẩm ướt gai gái như mùi cỏ sau mưa vào mùa xuân.
“Sắp mưa rồi.” Khương Hoán ngẩng đầu nhìn sắc trời, nói với cậu: “Bọn em còn phải đi thôn Bình Sơn đúng không?”
“Ngày mai ạ.” Dụ Hà đáp: “Kế hoạch ban đầu là hai ngày.”
Dường như Khương Hoán tiếc thay bọn cậu, khẽ nhướng mày cong môi: “Ngày mai thì khó nói, trời mưa đi vào núi dễ cấm đường.”
Dụ Hà: “Xem tình hình vậy.”
Khương Hoán: “Chúc may mắn.”
Nói đến đây rõ ràng câu sau nên là “tạm biệt”, Khương Hoán ngồi lên xe đạp.
“Khoan đã!” Dụ Hà thình lình gọi Khương Hoán lại.
Đèn ở cổng nhà trọ quá tối, cậu không nhìn rõ Khương Hoán ngạc nhiên, mù mờ hay vẫn bình tĩnh như thường, trong chốc lát cậu chỉ nhận ra: Bất kể ngày mai có đi thôn Bình Sơn được hay không thì nghỉ ngơi hai ngày là họ phải rời thị trấn Lâm Thủy, mà lời hứa cho cậu xem phim của Khương Hoán vẫn chưa thực hiện.
Dụ Hà không phải người dũng cảm gì cho cam, cậu nghiêng về lý trí và có kế hoạch, nhưng mâu thuẫn là cậu cực kỳ giỏi hành động.
Cậu không muốn cho Khương Hoán chần chừ, vội vàng hỏi: “Em xem Mặt trời xanh bây giờ được không? Anh hứa với em rồi.”
Khoảng chừng ba giây, năm giây hoặc chính xác là nửa phút, một phút trôi qua, đối với Dụ Hà chỉ ngắn như một cái chớp mắt, Khương Hoán lại nhảy xuống xe đạp dựa vào ghi đông.
“Đi thôi.” Anh cất giọng uể oải.