Sao Sáng Chờ Anh Về
Phần 16
Đầu nghĩ, tay làm, tôi thậm chí không có đủ cả thời gian để tính toán xem cái nào trước cái nào sau. Khi đã đóng xong cửa tủ, tôi vẫn đủ bình tĩnh xem xét lại một lượt, cảm thấy đã sắp xếp đúng vị trí mới vội vã ấn nút đỏ. Hai cánh giá sách từ từ khép lại thành một. Tiếng lạch cạch cửa bỗng dưng dừng lại, tôi vừa trấn an bản thân vừa đi ra vừa nghe ngóng vẫn nghe tiếng ông Quang vẫn cất lên từ ngoài hiên:
– Ơ sao con lại về giờ này?
Tôi nghe đến đây, cũng không nghĩ ngợi gì nữa, không cần biết lý do gì ông Quang vẫn đứng ngoài hiên, chỉ biết thoát thời gian rất quý liền lao ra ngoài ấn mật mã rồi ấn nút khoá cửa thư phòng lại. Ông Quang vẫn chưa vào đến trong nhà, khi cánh cửa thư phòng khép lại tôi mới thở phào một tiếng, tưởng như vừa thoát chết. Tuy chân tay vẫn chưa hết run, nhưng tôi cố làm ra vẻ bình thường, nhảy sân sáo xuống dưới phòng khách. Lúc này cửa phòng khách cũng đã mở ra, ông Quang và Lâm cũng bước vào. Nhìn thấy Lâm tôi hơi ngạc nhiên, chưa kịp lên tiếng đã thấy ông Quang cười nói:
– Trống có một tiết sao không ở trường luôn còn về làm gì? Giáo trình quên thì gọi Diệp Anh nó gửi ship qua cho.
Lâm không đáp, tôi khẽ chào ông Quang rồi giả vờ xoa xoa mắt như thể mình vừa ngủ dậy. Ông Quang gật đầu sau đó đi lên tầng, tôi đứng xoay lưng nhưng vẫn cố lắng nghe xem ông ta rốt cuộc đi về phía nào. Thế nhưng ông Quang không hề lên thư phòng mà đi thẳng lên tầng hai, dùng chìa khoá mở khoá phòng rồi bước vào. Lâm không để ý đến thái độ của tôi, chỉ liếc vào trong bếp, thấy nước dùng phở lạnh tanh lạnh ngắt thì hỏi tôi:
– Chưa ăn sáng à?
– Em chưa, vừa ngủ dậy mà. Em ăn luôn bây giờ.
Lâm nhìn lên má tôi, hôm qua sưng phồng hôm nay đã xẹp xuống, chỉ có điều vẫn tím xanh, vết rách ở khoé môi cũng chưa khô hẳn. Anh ta không nói không rằng chỉ vào bếp đun lại nồi nước dùng, sau đó thả phở vào rồi bê ra bàn cho tôi. Bụng tôi bắt đầu biểu tình, cũng chẳng muốn làm màu làm mè cảm ơn Lâm rồi kéo bát phở về phía mình. Trong lúc tôi ăn Lâm cũng lên phòng lấy quyển giáo trình. Tôi nghĩ anh ta cũng hâm nặng rồi, ở thư viện trường thiếu gì giáo trình, chỉ vì quyển giáo trình để quên mà chạy ba quãng đồng về nhà, đúng là hâm hết chỗ nói. Nhưng bởi anh ta đã nấu phở cho tôi, tôi cũng chỉ để trong lòng chứ không nói ra.
Ăn xong phở tôi đi vào thùng rác nhặt mấy tấm ảnh chụp tôi và Khánh sau đó mới lên tầng, lúc qua tầng hai thấy ông Quang vẫn ở phòng còn gọi cho ai đó qua nhà lấy tài liệu, có vẻ như ông ta chưa có ý định ra khỏi nhà. Tất nhiên, giờ tôi đã nhớ mật mã cũng không thể liều lĩnh đến mức tiếp tục vào thư phòng nên đành phải trở về phòng của mình. Lâm lấy xong giáo trình, thấy tôi đã lên thì nói:
– Em sắp xếp đồ đi, trưa tôi đón em về nhà, chiều sẽ đưa em đến một nơi.
Thực ra tôi không hề muốn về nhà bên kia bởi chỉ có trong căn biệt thự này tôi mới có thể tiếp cận gần hơn với đống tài liệu mật. Nhưng tôi biết, trải qua bằng ấy chuyện mà tôi vẫn nhất quyết ở đây chắc chắn Lâm sẽ nảy sinh nghi ngờ. Chẳng phải có lần anh ta đã từng hỏi tôi rốt cuộc vì sao tôi nhất quyết muốn ở đây dù mụ dì ghẻ ghét tôi như hắt nước đổ đi đó sao? Chuyện trả thù phải đi đường dài không phải ngày một, ngày hai, tôi không thể hấp tấp, càng không thể vội vàng, tuy tiếc nuối nhưng tôi cũng không dám mở miệng ra thuyết phục Lâm thêm lần nữa. Giờ chỉ có thể đợi anh ta nguôi nguôi, chờ có cơ hội rồi sẽ tính tiếp, ông Quang đang ở nhà tôi cũng hết cách thôi.
Cả buổi sáng hôm ấy khi Lâm đã đi làm ông Quang vẫn không đến công ty. Tôi chỉ thấy chị Hà phòng nhân sự với anh Quyết phòng xây dựng cũng đến nhà, không rõ bàn bạc những gì nhưng thấy đọc tài liệu, tranh luận đến tận trưa cũng mới đưa nhau đi ăn cơm. Tôi nhặt đồ xong vốn định lượn lờ quanh căn biệt thự một chút thì Lâm cũng đã về. Anh ta mang đồ ra xe, khoá căn biệt thự lại sau đó mới chở tôi về căn nhà số 68A. Tính ra cũng đã lâu lắm rồi mới quay lại căn nhà này, tuy rằng có chút miễn cưỡng nhưng tôi phải thừa nhận, nếu như không vướng bận việc trả thù thì đây là nơi lý tưởng để tôi và Lâm sống với nhau. Vừa riêng tư, vừa thoải mái, sống chẳng phải nhìn mặt ai, cũng không cần dò xét thái độ của ai. Chỉ đáng tiếc nơi đây lại chẳng có những thứ tôi cần. Vào đến nhà Lâm tất bật cất đồ cho tôi giống hệt như những ngày ở đảo, việc to việc nhỏ đều đến tay. Dọn dẹp nhà cửa, ăn cơm xong cũng đến tận chiều, Lâm bảo tôi vào thay quần áo rồi cùng anh ta đến một nơi. Ban đầu tôi không biết Lâm định đưa tôi đi đâu cứ nghĩ đi gặp bạn bè gì đó, thế nhưng khi đến một hàng tạp hoá, anh ta cũng dừng lại vào mua một bó hương, một gói bánh Oreo, ít hoa quả và mấy túi kẹo. Nhìn thấy mấy thứ đồ này, tôi sửng sốt mở to mắt hỏi anh ta:
– Anh định đưa em đi đâu vậy ạ?
– Không phải em từng hỏi người nằm dưới mộ ở nghĩa trang lần trước là ai sao?
Tôi thoáng ngây người, sững sờ không thể tin được Lâm lại dẫn tôi ra mộ của “cô bé ấy”. Anh ta lại nói:
– Hôm nay là ngày rằm cuối cùng của năm. Bình thường năm nào đến ngày này cũng mưa, cũng chỉ có một mình tôi đến, năm nay có thêm em đi cùng.
Không ngờ đã rằm của tháng mười hai âm lịch, thoáng chốc đã sắp Tết, cũng không ngờ, Lâm lại nói với tôi những lời này. Cơn mưa đêm qua đã dứt, sáng nay trời tạnh ráo, không nắng nhưng cũng chẳng còn mưa. Tôi vốn nghĩ rằng những chuyện vốn dĩ chẳng tốt đẹp này Lâm sẽ không bao giờ chia sẻ với ai, nên đến tận khi ra đến nghĩa trang ở ngoại ô Hà Nội, tôi vẫn chưa hết sửng sốt và bất ngờ. Nghĩa trang nằm trên sườn đồi, không khí giáp Tết vốn đã lạnh nơi này lại càng thêm lạnh lẽo. Lâm đi rất chậm, bóng lưng cô đơn không sao che giấu nổi.
Mấy tháng trôi qua, nấm mộ nhỏ bé đã mọc thêm chút cỏ dại. Nhìn mấy chữ “Bùi Hà Thảo hưởng dương 9 tuổi” lòng tôi quặn thắt co rút từng cơn. Lâm ngồi xuống, nhặt cỏ dại trên mộ, tôi cũng ngồi bên cạnh, nhổ những sợi cỏ đã mọc dài, nghe được tiếng Lâm nuốt một hơi lạnh, cũng cảm nhận được sự giày vò trong ánh mắt của anh ta. Nhổ cỏ xong, Lâm mới rút chiếc khăn tay xong túi áo, lặng lẽ lau bụi trên tấm bia mộ. Bia mộ không có ảnh, chỉ vỏn vẹn những dòng chữ được khắc lên. Anh ta lau rất nhẹ, giống như sợ bia mộ cũng biết đau, đến khi bia mộ đã sạch sẽ mới lấy đĩa đặt hộp bánh và hoa quả lên, sau đó cũng thắp ba nén nhang lên mộ.
Gió ở nghĩa trang thổi xào xạc mấy tán cây bạch đàn. Lâm lau phiến đá rồi bảo tôi ngồi xuống còn anh ta chỉ kê một viên gạch nhỏ để ngồi. Tôi ngồi nhìn mấy tàn hương đang cháy, giữa không gian tĩnh mịch chỉ có tiếng gió vi vu, tôi khẽ hỏi Lâm:
– Rốt cuộc thì đây là mộ của ai ạ? Theo như năm sinh, thì cô ấy hơn em hai tuổi, phải không ạ?
– Ừ. Em ấy hơn em hai tuổi, năm tôi mười ba tuổi, mẹ tôi đã dẫn tôi đến nhà em ấy để sống.
Trong lòng tôi bất giác trào dâng một sự khinh bỉ. Mẹ anh ta dẫn anh ta đến nhà tôi sống sao? Nghe cứ như thể họ hàng thân thiết, thật nực cười! Tôi cười nhạt trong lòng, vốn nghĩ anh ta là con của mụ dì ghẻ, ít nhiều cũng sẽ chẳng dám nói ra sự thật, không ngờ ngay sau đó anh ta lại nói tiếp:
– Em ấy là con gái chủ nhà. Mẹ tôi là kẻ thứ ba, ngoại tình với bố em ấy!
Lời nói bình thản mà tựa như đang bị trăm ngàn mũi tên xuyên thẳng vào tim. Còn tôi thì chấn động đến mức ngồi cũng không còn vững. Tai tôi ù đặc đi, sự thật này vốn dĩ đã nắm trong đầu không quên một chi tiết nào, nhưng bị chấn động bởi việc Lâm nói với tôi về chuyện này. Một người lãnh đạm, lạnh lùng, luôn giấu đi tất cả nỗi cô đơn như anh ta lại nói ra những lời này, có nghĩa anh ta thực sự coi trọng tôi, cũng không hề muốn giấu diếm tôi bất cứ chuyện gì, thậm chí là một chuyện hết sức tàn nhẫn và đáng xấu hổ cũng không muốn giấu. Tôi nhìn Lâm, đôi mắt anh ta u ám như bầu trời ngày hôm nay, tôi hít một hơi làm ra vẻ kinh ngạc hỏi tiếp:
– Vậy… mẹ cô ấy không biết sao?
– Ban đầu có lẽ là không biết, nhưng sau này đã biết.
– Bà ấy chắc sốc lắm đúng không ạ? Gia đình cô ấy sau đó thế nào khi phát hiện ra sự thật. Vì sao cô ấy lại chết thế ạ?
– Mẹ em ấy sau khi phát hiện đã làm căng lên nhưng bố em ấy nhất quyết không chấm dứt với mẹ tôi. Sai trái như vậy nhưng lại làm như tình yêu không có lỗi, thậm chí còn vì mẹ tôi khiến mẹ em ấy sẩy thai, lạnh lùng, tàn nhẫn không chút tiếc thương.
Khi Lâm nói đến đây, anh ta bỗng dưng dừng lại. Gió thổi mỗi lúc một lớn, hai tay anh ta siết chặt lại với nhau, tựa như quá khó khăn để nói thành lời, cũng tựa như quá đau đớn để nhớ lại. Rất lâu sau, tôi lại mới nghe được tiếng anh ta cất lên, chậm rãi, từ từ nhưng lại giống như cõi lòng đã ch/ết, tuyệt vọng đến cùng cực:
– Mẹ em ấy sau đó bị trầm cảm, cuối cùng đã tự vẫn. Nhưng tôi biết, việc mẹ em ấy tự vẫn chắc chắn có liên quan đến mẹ tôi, không rõ mẹ tôi đã làm thế nào, nhưng hoặc là trực tiếp, hoặc là gián tiếp đả kích nên mẹ em ấy mới chết thảm thương như vậy.
Đầu óc tôi nổ đoàng một tiếng, hệt như tiếng sét năm ấy dội xuống, những tia chớp loé lên, ánh mắt căm phẫn của mẹ tôi vẫn trân trân nhìn lên trời. Lâm cúi xuống nhìn nấm mộ, anh ta không khóc, nhưng tôi đã nhìn thấy anh ta run lên, hoặc là mười mấy năm về trước khi chúng tôi bị bán đi, anh ta đã điên cuồng gào khóc đến khản đặc tâm can, hoặc là bởi nỗi thống khổ quá tàn nhẫn, đến nước mắt cũng không thể nào rơi được ra ngoài. Anh ta nhắm nghiền mắt, sắc mặt tái nhợt, giọng nói đục ngầu câu được câu mất:
– Sau khi mẹ em ấy ch/ết, ba chị em em ấy giống như những đứa trẻ không chốn dung thân. Từ một gia đình hạnh phúc mà vì mẹ tôi bỗng dưng tan nát. Em ấy còn một người chị gái và một cậu em trai, rõ ràng đang ấm êm, đầy đủ, vậy mà mẹ tôi nhẫn tâm biến ba chị em em ấy thành những kẻ mồ côi, hành hạ đánh đập các em ấy không một chút xót thương… rất rất nhiều việc… tôi không muốn nhớ lại, cũng không dám nhớ lại, năm đó tôi cũng mới chỉ mười ba tuổi, ngu ngốc, bất lực, giằng xé, mâu thuẫn không có cách nào để giải thoát, cũng chẳng thể giúp được gì. Cho đến một ngày, lúc tôi đi học trở về nhà thấy mẹ tôi bị đánh thuốc mê nằm trên giường, ba chị em em ấy không còn ở nhà, tôi gọi cứu thương… gọi cảnh sát… sau đó rất lâu người ta nói ba chị em em ấy bị bắt cóc, đưa sang biên giới rồi. Dù rằng mẹ tôi đã sống ch/ết thề rằng bà không liên quan đến vụ bắt cóc này, cảnh sát cũng khẳng định mẹ tôi không có tội, nhưng tôi vẫn khó mà chấp nhận được. Tôi đã cố gắng ép mẹ tôi tìm tin tức của ba chị em em ấy còn liên tục báo cảnh sát. Thế nhưng một năm sau, tôi nhận được tin em ấy đã ch/ết trong một vụ hoả hoạn bên xứ người, chị gái và em trai cũng ch/ết không thấy thi thể. Tôi đã tự tay nhận thi thể của em ấy, tự tay mang đi hoả táng và chôn…
Câu nói cuối cùng, Lâm gần như không thể nói thành lời, đứt quãng, lồng ngực liên tục run rẩy, thắt từng cơn. Trên trời, mưa bỗng dưng lất phất bay, gió tạt tàn hương bay, tất cả mọi cảm xúc như bùng nổ trong khoảnh khắc ấy, nghiệt ngã và thương tâm. Giữa đất trời mưa phùn, gió rét, tôi ngồi đây nghe con của kẻ thù kể về chính tôi, rõ ràng là hận đến ch/ết đi sống lại, nhưng rõ ràng… lại thấy đau đớn thay cho anh ta! Biết rõ không thể thương, nhưng lại thương đến mức không thở được, thương cho bản thân, thương gia đình, thương mẹ, thương chị, thương em trai, thương số phận cay đắng sắp xếp thật cay đắng để tôi và Lâm gặp nhau trong hoàn cảnh trớ trêu thế này. Anh ta không có lỗi, nhưng anh ta là con của mụ dì ghẻ, có thể không hận sao? Tôi cảm thấy Lâm đã phải đấu tranh giằng co khổ sở thế nào, trải qua ngần ấy chuyện phải dằn vặt ra sao, cũng biết để nói cho tôi nghe những chuyện này không hề là dễ dàng. Anh ta không đề phòng tôi, coi trọng tôi, thậm chí bảo vệ tôi, đối xử tốt với tôi, còn tôi từng ngày, từng giờ đều toan tính để đẩy anh ta vào nỗi thống khổ, bất hạnh như tôi đã từng trải qua. Đây có thể coi là nghiệp của mụ dì ghẻ không? Tôi cố gắng hít một hơi, bình tĩnh hỏi:
– Có phải vì chuyện này mà anh với mẹ giận nhau đến tận bây giờ? Mối quan hệ căng thẳng đến mức không thể hàn gắn?
Lâm gạt tàn hương rơi xuống bia mộ, cười chua xót:
– Những việc mẹ tôi làm, thực sự đã đi quá giới hạn của một con người, không thể nào tha thứ nổi.
– Nhưng bà ấy là mẹ anh.
– Chính vì là mẹ tôi, tôi mới cảm thấy tuyệt vọng!
Cảm thấy tuyệt vọng bởi anh ta biết đâu là đúng sai phải trái, đâu là luân thường đạo lý, nhưng bởi kẻ ác là mẹ anh ta, là người dứt từng nắm ruột sinh ra anh ta nên không có cách gì giải thoát nổi. Đạo lý làm người đầu tiên chẳng phải là chữ hiếu đó sao, sự dằn vặt của anh ta tôi hiểu được.
– Sao bỗng dưng anh lại nói với em chuyện này?
– Có phải em cảm thấy, một chuyện đáng xấu hổ thế này đáng lẽ phải giấu đi đúng không?
Tôi gật đầu, anh ta đáp:
– So với những việc mẹ tôi đã làm, thì còn gì để xấu hổ hơn nữa. Em là vợ tôi, tôi không muốn giấu em chuyện gì. Gia đình tôi thế nào, em cũng nên hiểu rõ.
– Vâng. Nhưng em nghĩ anh không cần phải dằn vặt mình, mẹ có lỗi với người ta nhưng anh không có lỗi gì cả.
Tất nhiên, tôi chỉ an ủi Lâm cho có vậy thôi, đứng ở góc độ vợ anh ta, đương nhiên lời tôi nói là thật, nhưng đứng ở góc độ là cô bé dưới mộ, thì anh ta có tốt, tôi vẫn phải hận! Dù sao nếu phải lựa chọn tôi cũng chọn gia đình mình, nếu có trách, cũng chỉ đành trách ông trời cho anh ta đầu thai sai kiếp người.
Khi hương tàn cháy hết, Lâm cũng lặng lẽ nhìn gói bánh Oreo. Khoé miệng anh ta mấp máy, giống như đang định nói với tôi điều gì đó. Nhưng rồi cuối cùng anh ta lại không nói nữa chỉ đưa chiếc ô cho tôi để che mưa.
Ra khỏi nghĩa trang trời đã xế chiều. Tôi ngồi trên xe, cảm thấy tâm trạng quá nặng nề liền nói với Lâm:
– Thầy ạ! Từ sau em sẽ không ăn bánh Oreo nữa đâu.
– Tại sao?
– Vì không muốn thầy nhớ tới cô ấy lại buồn.
Lâm đột nhiên bật cười, đưa tay xoa xoa tóc tôi rồi nói:
– Đồ trẻ con. Không cần phải làm như vậy, tôi chỉ muốn em đừng để bất cứ ai làm tổn thương cơ thể em, kể cả mẹ tôi. Còn em muốn ăn gì, làm gì không cần phải vì ai mà thay đổi.
– Mẹ sẽ không làm thế nữa đâu. Có anh, mẹ không dám làm như vậy nữa đâu!
– Ừ! Tôi cũng không để bà ấy làm như thế lần nữa.
Tôi biết chắc mụ dì ghẻ sẽ không dám đụng tới tôi nữa. Lâm của tuổi trưởng thành đã không còn là cậu bé tay không tấc sắt của thời thơ ấu. Bây giờ mụ dì ghẻ rén anh ta đến năm bảy phần, chỉ cần thấy thái độ của mụ ta khi Lâm dùng ánh mắt tuyệt tình và phẫn nộ để nhìn tôi cũng hiểu mụ ta sẽ không dám đụng đến tôi nữa. Mười sáu năm trước anh ta chỉ là một chàng thiếu niên nhỏ bé gầy gò, chưa học hết cấp hai, không tiền, không quyền, đến bản thân còn sống dựa vào người khác nên bất lực cùng cực mà còn dám cắt tay để doạ mụ dì ghẻ. Mười sáu năm sau, anh ta có đủ chín chắn, có tiền, có trí thức, có địa vị trong xã hội, và quan trọng hơn… anh ta là điểm yếu của mụ dì ghẻ, bản thân anh ta cũng nắm rõ điều này nên nếu có sự chở che của Lâm, mụ dì ghẻ sẽ không dám đụng tới tôi. Khi xe về đến gần nhà, Lâm bỗng dưng hỏi tôi:
– Chẳng còn mấy ngày nữa là Tết rồi, Tết này em có muốn về đảo không?
Tôi thấy Lâm hỏi vậy suýt chút nữa đã buột miệng nói “có”. Con gái đi lấy chồng, ai mà chẳng muốn Tết được về nhà? Thế nhưng may thay tôi đã kịp nghĩ lại nhớ đến mục đích của mình, vẫn nên ở đây thì tốt hơn. Tôi cười đáp lại:
– Người ta bảo mùng một Tết nội, mùng hai Tết ngoại. Dù sao thì vẫn phải chúc Tết bố mẹ anh rồi hãy về đảo.
Sợ anh ta nảy sinh nghi ngờ, tôi nói tiếp:
– Đạo lý làm người đầu tiên là đạo hiếu thảo. Mẹ có làm chuyện gì mẹ vẫn là mẹ của anh. Chúng ta có thể đón giao thừa ở nhà riêng, nhưng năm hết Tết đến cũng nên sang chúc Tết bố mẹ anh một câu.
– Mẹ tôi đánh em như vậy, em còn muốn chúc Tết?
– Cũng không có gì đau hết, ngày xưa em bị điểm kém, cấp hai theo mấy đứa bạn ra sông chơi về bị mẹ em đánh cho một trận thừa sống thiếu chết, suýt còn què chân.
Mẹ nuôi tôi thương tôi, nhưng bà cũng rất nghiêm khắc. Chuyện này tôi nói hoàn toàn là sự thật.
– Ngốc. Mẹ tôi khác mẹ em. Bà ấy không sinh ra em, không nuôi dưỡng em, không có quyền dùng bạo lực với em
– Nhưng anh là chồng em, mẹ anh là mẹ của chồng em. Đánh em là mẹ sai, nhưng mình đâu thể vì cái sai của mẹ mà cũng sai lại? Nhà ngoài mẹ còn có bố Quang nữa, năm đầu làm dâu em không muốn căng thẳng đến mức như vậy, từ năm sau sẽ luân phiên nhau về đảo hoặc ở Hà Nội. Em không có ý hàn gắn mối quan hệ của anh và mẹ, đó là việc của hai mẹ con anh, em chỉ muốn làm trọn nghĩa của em. Dù sao em vẫn thực tập ở Phượng Quang, nếu mẹ xin lỗi em chân thành em cũng không giận mẹ nữa. Vả lại Tết anh mới được nghỉ, chuyến tàu muộn nhất là trưa 28, họ nghỉ Tết về đảo đến mùng 2 mới chạy lại, vậy nên mùng 2 về cũng được.
Nhiều khi tôi cũng cảm thấy ông trời phú cho mình năng khiếu nói dối không chớp mắt, còn nói đến cả tương lai. Rõ ràng biết chẳng còn năm sau nào nữa nhưng vẫn trơn tru nói ra được những lời ấy. Lâm nhìn tôi, rất lâu sau tôi mới nghe được tiếng anh ta nói:
– Em muốn thế nào cũng được, tôi tôn trọng quyết định của em, miễn là đón Tết cùng nhau.
Buổi tối, tôi và Lâm ở nhà. Tôi nấu cơm, Lâm giặt đồ, còn dọn dẹp phòng, công việc được chia rất đều. Bên ngoài mưa vẫn tí rách rơi, mấy bông hoa hồng bị mưa gió vùi dập đến tả tơi. Thế nhưng bầu không khi bên trong lại rất sạch sẽ, ấm cúng. Nếu người ngoài nhìn vào, sẽ cảm thấy chúng tôi giống như một đôi vợ chồng hạnh phúc, nhưng đâu ai biết, một phút một giây đầu óc tôi đều tính toán hận thù. Nấu cơm xong, trong lúc Lâm vẫn đang dọn đồ tôi đi tắm trước. Vào phòng tắm tôi chốt cửa lại rồi gửi tin nhắn cho Khánh. Tất cả những hoá đơn hợp đồng hôm nay tôi chụp tôi đều gửi không sót cái nào. Rất nhanh, tôi đã thấy Khánh trả lời
“Đây đúng là số tài liệu mật mà anh cần, Diệp Anh, cố gắng chụp hết cho anh, xoá hết tin nhắn đi”
Tôi nuốt nước bọt, xoá hết toàn bộ tin nhắn, đổi lại mật khẩu rồi mới đi tắm. Lúc ra tôi thấy Lâm đang nhặt bát xuống bàn, thức ăn cũng được cho ra đĩa, nhà cửa tươm tất sạch sẽ, đồ đạc của tôi cũng được xếp gọn gàng đúng nơi đúng chỗ, anh ta cười múc cơm cho tôi giục tôi ngồi xuống ăn cho nóng, trong lòng tôi bất giác lại nảy sinh một cảm giác buồn bực không tả nổi. Không phải buồn bực Lâm mà buồn bực chính bản thân mình. Rốt cuộc vì lý do gì mà tôi lại thấy áy náy với Lâm như vậy chứ?
Sáng hôm sau tôi không ra công ty mà lên trường lấy tài liệu để chuẩn bị sắp tới làm luận văn tốt nghiệp. Lúc đi tôi đã nhét mấy tấm ảnh vào cặp, đợi Lâm lên phòng chuyên môn tôi cũng đứng ở hàng lang chờ đợi. Khoảng năm phút sau tôi cũng thấy Nguyệt đỗ xe ở bãi, đến khi chị ta lên đến giữa hành lang tôi cũng mới từ từ bước xuống rồi khẽ cười:
– Hôm nay chị trống tiết một nhỉ, nói chuyện một lúc được không?
Chị ta nhìn lên phần má vẫn hơi bầm lên của tôi nhàn nhạt hỏi:
– Tôi với cô có gì để mà nói?
– Không có gì để nói trước mặt chứ sau lưng vẫn ném đá giấu tay đúng không?
– Cô nói nhăng cuội gì tôi không hiểu, mà cũng chẳng cần phải hiểu. Tránh ra cho tôi đi.
Tôi rút mấy tấm ảnh trong túi ra cười nhạt:
– Đừng tưởng tôi không biết mấy tấm ảnh này là chị chụp, có tâm thật đấy, còn photoshop cho em rể chị ôm tôi, tôi tưởng chị thanh cao thế nào, chứ hèn đến mức này tôi thật sự thấy kinh tởm.
Chị ta nhìn mấy bức ảnh, bình thản chối:
– Ồ, còn có mấy bức ảnh này cơ à? Cô dụ dỗ anh Lâm chưa đủ, còn định dụ dỗ chồng của em gái tôi, loại mạt hạng như cô bị người ta chụp nhục nhã quá nên đến đấy tra khảo tôi hả?
– Chị không cần chối, tôi nghe được cả rồi. Buổi trưa ngày 29/1 chị và mẹ chồng tôi hẹn nhau ăn trưa, đến chiều mẹ chồng tôi mang mấy bức ảnh này về ném cho tôi. Chị nói xem không là chị thì là ai?
Gương mặt Nguyệt thoáng chốc sững lại, tôi ngay lập tức nói tiếp:
– Hôn nhân của em gái mà chị cũng mang ra để trả thù tôi được, nhân cách của chị khiến tôi phải khinh thường đấy. Nếu trả thù tôi, chị nên dùng cách thông minh hơn, làm việc ấu trĩ và đần độn này chị không nghĩ tới cảm giác của em gái chị à?
Nguyệt trợn mắt nhìn tôi, sau đó nở nụ cười đầy chế giễu:
– Nói về nhân cách cô phải xem lại bản thân mình. Vả lại cô một hai nói do tôi chụp, bằng chứng xác thực đâu? Tôi ăn trưa với mẹ chồng cô thì sao? Cô bắt được tôi đưa ảnh cho mẹ chồng cô à?
Chị ta vừa dứt lời, đột nhiên tôi nghe tiếng Lâm ở phía trên cất lên:
– Không bắt được, nhưng trích xuất được đoạn camera trong nhà hàng Kim Cương, cô và mẹ tôi ngồi bàn thứ mười sáu. Mười hai giờ ba mươi phút cô đã lấy ảnh trong túi ra đưa cho mẹ tôi, cô xem tôi nói đã đúng chưa?
Nguyệt sửng sốt nhìn Lâm, gương mặt tái xanh lại, đến tôi cũng có chút kinh ngạc. Thật ra tôi đã xem lại định vị và đoạn ghi âm buổi trưa ngày 29/1. Thế nhưng tất nhiên tôi không dám nói quá chính xác, bởi tôi sợ việc tôi theo dõi mụ dì ghẻ sẽ bị lộ, chỉ nói chung chung để chị ta tự nhận, không ngờ Lâm đã nắm rõ trong lòng bàn tay như thế. Nhìn vẻ mặt sửng sốt của Nguyệt, anh ta lại nói tiếp:
– Mấy việc làm hèn hạ này mà cô cũng đủ can đảm để làm. Cô nghĩ mẹ tôi giữ lời hứa đến vậy sao? Bôi nhọ danh dự của người khác có thể bị phạt, từ bao giờ cô lại trở nên ngu ngốc như vậy?
Khi Lâm nói đến đây, trên hành lang cũng có tiếng bước chân đi tới. Gương mặt Nguyệt mỗi lúc một trắng bệch, hai tay cũng bấu chặt lại với nhau, vẻ thanh cao trên người bỗng chốc cũng tan biến. Tôi biết Lâm còn muốn nói rất nhiều, nhưng đây là trường học, không phải là nơi cãi nhau, cuối cùng anh ta chỉ nhìn tôi rồi bảo:
– Em lên lấy tài liệu đi, ngồi ở cangtin chờ tôi, trống tiết hai tôi đưa em sang công ty.
Tôi gật đầu, đi lên lấy tài liệu trước, lúc đi qua liếc thấy ánh mắt vẫn nhuốm màu bàng hoàng của Nguyệt tôi cũng cười nhạt một tiếng. Chị ta có thể làm ra bất cứ chuyện gì, nhưng riêng việc đem hôn nhân của em gái mình ra để trả thù tôi tôi thấy không chấp nhận nổi.
Sau khi lấy xong tài liệu, tôi cũng chờ Lâm ở cangtin, đến tiết hai trống anh ta cũng chở tôi sang Phượng Quang. Trên đường đi tôi không kìm được tò mò mà hỏi anh ta:
– Sao anh biết rõ chuyện chị Nguyệt đi ăn với mẹ như vậy?
– Mẹ nói với tôi! Tôi làm căng lên, tất nhiên với tính cách của mẹ tôi, bà ấy thà bán đứng Nguyệt còn hơn thừa nhận tất cả lỗi về mình.
Anh ta nói phải, tính cách xấu xa của mụ dì ghẻ còn gì mà bàn cãi nữa?
– Nhưng việc này có đưa lên công an cô ta cũng chỉ bị xử phạt hành chính. Phía công an vẫn chưa tìm ra được gã đàn ông xăm trổ kia.
Tôi hiểu, cũng trông mong quá nhiều về sự việc lần này chỉ là muốn để chị ta biết sai mà dừng lại. Dù sao hôn nhân của em gái chị ta cũng liên quan đến Khánh, nếu chị ta dừng lại ở đây, tôi sẽ không truy cứu thêm nữa.
Những ngày tiếp theo tôi bắt đầu quay trở lại Phượng Quang để làm việc. Mụ dì ghẻ đi thành phố Hồ Chí Minh ba ngày cũng quay về. Vốn nghĩ rằng đợt này về mối quan hệ căng thẳng của mụ dì ghẻ và Lâm sẽ hết sức khó hoà giải, mụ ta sẽ phải đến cầu cạnh tôi như trước kia không ngờ mấy hôm về mụ ta không hề ra công ty. Tuần trước Tết, ông Quang mới nói với tôi, mụ dì ghẻ đi miền Nam về bỗng dưng lăn ra ốm, ốm đến một tuần nay cũng không dứt. Tôi hận mụ dì ghẻ nhưng muốn mụ ta sống mà trả giá chứ không muốn mụ ta chết nhanh như vậy nên có nói với Lâm việc về thăm bà ta. Ban đầu anh ta rất thờ ơ, giống như việc mẹ có ốm đau anh ta cũng không bận tâm, nhưng suốt một chục ngày mụ dì ghẻ vẫn chưa khỏi, ông Quang đã sang tìm Lâm. Cuối cùng đến ngày 28 Tết rốt cuộc Lâm cũng cùng tôi qua căn biệt thự ấy. Tôi biết Lâm có giận mẹ mình thế nào cũng chẳng thể bỏ nổi, chính bản thân tôi cũng như vậy thôi, đặt tôi là địa vị của Lâm tôi cũng không thể bỏ mẹ mình được. Bà ta sai với cả thế giới nhưng không sai với con trai mình, anh ta có giận cũng chỉ có thêt tuyệt vọng mà chấp nhận. Nắm rõ được điều này nên tôi cũng rất thức thời, không dại gì mà lấy bản thân ra để chia rẽ mối quan hệ của mẹ con bà ta. Cứ tỏ ra làm dâu hiền dâu thảo cũng chẳng mất mát gì.
Khi về đến biệt thự bác sĩ cũng vừa truyền nước cho mụ dì ghẻ. Tôi nghe bác sĩ nói mụ dì ghẻ không có bệnh gì nặng, đã chụp chiếu khám xét nhiều rồi nên có thể yên tâm. Chỉ là bà ta lao lực và suy nghĩ quá độ dẫn đến suy nhược cơ thể, lại gặp đúng thời tiết thất thường nên mới ốm lâu như vậy. Lúc thấy tôi và Lâm đến, ánh mắt mệt mỏi và u ám của bà ta bỗng sáng rực lên. Mái tóc bà ra rũ rượi, vừa ôm cây truyền nước vừa nói:
– Hai đứa về rồi đấy à?
Tôi thấy vậy vội vã lao đến đỡ bà ta đáp lại:
– Mẹ, mẹ còn mệt mẹ nằm xuống đi.
– Diệp Anh, con còn giận mẹ nữa không? Mấy ngày nay mẹ đã suy nghĩ rất nhiều, cảm thấy rất có lỗi, cũng cảm thấy rất xấu hổ. Mẹ không nên làm như vậy với con, giờ mẹ cũng không biết phải nói gì, chỉ cảm thấy mình đã quá sai, có nói gì cũng không thay đổi được sự tổn thương trong lòng con.
Mấy lời giả tạo đến buồn nôn này tôi thật chẳng có đủ kiên nhẫn để nghe, còn xưng mẹ con, thật là tởm lợm. Mấy lời này bà ta nói là nói cho con trai nghe chứ đâu phải cho tôi. Nhưng để làm dâu hiền tôi cũng đành phải thảo mai theo:
– Con không giận mẹ đâu, mẹ nằm xuống đi mà. Bây giờ mẹ đừng nghĩ ngợi gì nữa, sức khoẻ mới là quan trọng nhất. Chuyện cũ rồi không nhắc đến nữa mẹ ạ, con không để bụng, cũng không tổn thương nữa rồi. Sắp Tết rồi mẹ phải nghỉ ngơi ăn uống cho điều độ để mà khoẻ lên.
– Hai đứa… ở đây đón Tết nhé. Có được không?
– …
– Nhà chẳng có mấy người, cô Hiền ngày kia về quê đến rằm mới lên, hai ông bà già ở trong nhà buồn lắm, vừa cô đơn, vừa hiu quạnh.
Tôi ngước lên nhìn Lâm, thấy anh ta không nói gì mới đáp:
– Vâng ạ. Vợ chồng con ở đây đón Tết cùng bố mẹ.
– Ừ ừ thế thì tốt quá. Năm nay rồi đến sang năm, hai đứa cũng cố gắng sinh con, Tết nhất có tiếng trẻ con cười nói trong nhà mới là Tết.
Mấy lời nói này của mụ dì ghẻ rất chân thật. Lâm năm bay ba mươi, đến qua Tết cũng là ba mươi mốt tuổi rồi. Mụ dì ghẻ chỉ có mình anh ta, đương nhiên mong mỏi cháu cũng là lẽ thường tình. Chỉ là nhắc đến con, nghĩ đến việc sinh một đứa bé mang cốt nhục, máu mủ của kẻ thù tôi đã cảm thấy không muốn nghĩ đến rồi. Thấy tôi không đáp, mụ dì ghẻ vội vã nói:
– Mẹ không có ý ép hai đứa phải sinh con đâu, hai đứa đừng nghĩ mẹ gây áp lực cho hai đứa… mẹ chỉ là thèm cháu quá thôi với mẹ cũng nghĩ có đứa con là sợi dây kết nối cho hai đứa. Vợ chồng có đứa con mới bền lâu.
– Vâng con hiểu mà, có lẽ qua Tết này con sẽ tính tới chuyện sinh con.
Khi tôi nói đến câu này cũng để ý thấy khoé môi Lâm cũng khẽ cười nhẹ. Không hiểu sao tôi lại không dám nhìn, quay mặt đi, sợ rằng sẽ nhìn thấy niềm hi vọng, sự chờ đợi trong ánh mắt anh ta. Ông Quang lúc này cũng đỡ mụ dì ghẻ nằm xuống rồi hỏi Lâm:
– Thế hai đứa định khi nào sẽ về quê ngoại. Thông gia bên ấy không còn nhưng Tết nhất cũng phải về thắp hương cho phải phép chứ?
– Mùng hai con và Diệp Anh sẽ về ngoại ạ.
Mụ dì ghẻ thấy Lâm nhắc đến mùng hai thì hơi nhíu mày. Tôi biết mụ ta không hề muốn Lâm về quê tôi, nhưng giờ mụ ta cũng chẳng dám làm căng nên chỉ bảo:
– Ừ. Hai đứa cũng nên về quê ít ngày. Nhưng mùng năm đến mùng tám Tết bố mẹ phải về Nghệ An để giỗ Tổ nhà bố con với thăm họ hàng bên ấy. Tết nhất trên này không ai hương khói, hai đứa cố gắng mùng năm về để hộ bố mẹ thắp hương, thắp khói lên bàn thờ cho ấm áp.
Nếu là dâu thật chắc tôi sẽ cười mỉa trong lòng thầm nghĩ nhà mụ ta cần ấm áp còn nhà tôi thì không cần sao? Nhưng nghĩ đến việc ba ngày lận ông Quang và mụ dì ghẻ không ở nhà, cô Hiền lại về quê đến rằm mới lên, mùng sáu Lâm khai xuân sau đó đi làm thì cơ hội tiếp cận tập tài liệu kia để gửi hết cho Khánh càng dễ nên cũng gật đầu đồng ý với mụ ta.
Mấy ngày Tết mụ dì ghẻ ốm nên tôi và Lâm có nhiệm vụ đi sắm Tết. Cô Hiền lau dọn nhà cửa rất sạch sẽ, công việc của tôi và Lâm cũng chẳng có gì nặng nề. Chỉ là lòng tôi thì thật sự nặng như chì. Tết nhất ai cũng được quây quần bên gia đình, tôi lạc lõng ở nhà kẻ thù, đến ngay cả việc thắp cho mẹ tôi, chị gái và bà ngoại một nén hương cũng không thể làm được. Nghĩ đến việc người thân của mình nằm dưới ba tấc đất lạnh lẽo, em trai không biết lưu lạc phương nào tôi cũng chẳng mong chờ gì cái Tết này. Nhưng tôi cũng không thể trưng ra bộ mặt như đưa đám, lúc nào cũng phải giả vờ cười nói đến mệt mỏi.
Ba mươi Tết, cô Hiền về quê. Tôi và Lâm dưới bếp nấu mâm cơm thắp hương, đến khi xong tôi cũng theo ông Quang và Lâm lên tầng bốn để dọn lên bàn thờ. Đây là lần đầu tiên tôi bước chân vào đây. Bàn thờ nhà anh ta rộng lớn nhưng chỉ thờ tổ tiên nhà ông Quang và mẹ của mụ dì ghẻ. Tôi cười chua chát trong lòng, mười mấy năm trước bố tôi bỏ gia đình theo mụ dì ghẻ, đến cuối cùng chết đi cũng làm ma vãng lai, đến một bát chân nhang hay di ảnh mụ ta cũng chẳng buồn dành cho bố. Nghiệp chướng quá lớn, việc bố tôi làm với gia đình cũng quá thất đức, tôi chẳng thể xót thương nổi. Đây có lẽ cũng là bài học cho mấy gã đàn ông lăng nhăng, không chung thuỷ, vợ con không còn, người tình cũng chẳng ôm ấp bóng hình mình đến cuối đời, mộ chưa xanh cỏ đã ngay lập tức có người khác.
Sắp xếp xong mâm cơm, tôi cũng đi xuống dưới nhà. Hai hôm Lâm ở đây mụ dì ghẻ đã khoẻ hơn. Bà ta thấy tôi thì gọi xuống, nhắc tôi đổ nước cho cây đào giữa nhà. Lần này thái độ của bà ta không còn chút hách dịch hay khinh thường nào chỉ bảo với tôi:
– Sống đến ngần này tuổi rồi mới nhận ra mọi thứ phù phiếm chỉ là hư vô, chỉ có người thân mới là thực tại. Cũng mới nhận ra, cứ ấm ức mãi một chuyện, tranh giành thắng thua, tất cả đều chẳng có ý nghĩa gì. Mấy hôm nay tôi đã nghĩ rằng nên rộng lượng với cô hơn một chút, vì con trai mà nhẫn nhịn để thấy một đại gia đình hòa thuận hạnh phúc thì tốt hơn. Quả thực để con trai khó xử, phải lựa chọn giữa tôi và cô là một điều hết sức mệt mỏi.
Vậy sao? Lẽ ra những lời này bà ta phải nhận ra cách đây mười mấy năm trước mới đúng, giờ nói với tôi ích gì đây? Tôi cười đáp lại:
– Vâng ạ. Con cũng không muốn anh Lâm phải khó xử, mẹ là người quan trọng với anh ấy, cả con và mẹ đều mong anh ấy sẽ vui vẻ sống không ai muốn anh ấy phải lựa chọn con hay mẹ.
– Ừ! Rất khó để chấp nhận cô, nhưng không còn cách nào.
Khi bà ta nói đến đây, Lâm và ông Quang cũng đi xuống. Ngay lập tức bà ta cũng nở nụ cười trìu mến đi về phía con trai mình. Tôi cũng chẳng rảnh vạch trần bà ta, cảm thấy bà ta cũng đã hạ mình hết sức rồi, không cần thiết phải đạp thêm vài đạp làm gì.
Buổi tối, ăn cơm xong tôi lên phòng tắm thì nhận được tin nhắn của Khánh. Anh nói với tôi chiều nay đã nhờ Trung mang hương vàng ra mộ của bà ngoại, mẹ tôi và chị Linh để thắp hương rồi, còn nói ở đảo anh cũng nhờ bạn cấp ba đến thắp hương cho mẹ tôi và mẹ anh. Khi đọc xong dòng tin nhắn đó, tôi phải nắm chặt điện thoại để không khóc. Mộ của chị Linh còn chẳng dám để bia mộ, chỉ để một nấm mộ trống trơn, quê nhà cũng vắng bóng tôi. Nhưng tôi biết dù đau lòng thế nào tôi cũng chỉ đành chấp nhận, ít nhất Khánh đã giúp tôi thắp cho người thân của tôi một nén hương trong ngày cuối năm lạnh lẽo này tôi cũng thấy lòng mình ấm lên đôi chút. Tôi cảm ơn Khánh, chúc anh năm mới vui vẻ, hạnh phúc rồi cũng lặng lẽ xoá tin nhắn.
Tắm xong ra ngoài đồng hồ cũng chỉ đến mười giờ đêm. Hà Nội sầm uất như vậy mà đêm nay lại vắng vẻ, thưa thớt đến kì lạ. Đứng một lúc tôi cũng thấy Lâm từ bên ngoài vào, tranh thủ tắm ở phòng khác. Nhìn thấy tôi, anh ta hơi cau mày kéo tôi ngồi xuống giường vừa cắm máy sấy tóc vừa nói:
– Tắm xong không chịu sấy tóc.
– Có sao đâu ạ, quê em không có điện, chả bao giờ em sấy tóc.
– Cãi ngang!
– Giáo viên nói em phải tiết kiệm điện, em không sấy tóc cũng là một việc tốt.
– Tôi không có nói câu ấy.
– Đâu phải có mỗi thầy là giáo viên của em?
Lâm bị tôi chọc tức, vẻ mặt ngay lập tức sầm xuống nhưng vẫn không buông tóc tôi ra. Máy sấy ấm nóng phả đều lên chân tóc, đợi đến khi khô anh ta mới cất máy sấy rồi kéo rèm lên cao. Ngồi trong phòng, qua lớp cửa kính tôi thấy được bầu trời Hà Nội đêm nay rất tối, chỉ có đèn đường sáng rực. Lâm đứng cạnh tôi, bờ vai cứng rắn, vững chãi đưa bàn tay chai sạn nắm lấy tay tôi rồi đột nhiên hỏi tôi:
– Có nhớ nhà không?
– Tất nhiên là có ạ.
– Năm sau tôi sẽ cùng em về đảo ăn Tết.
Tôi cười cười gật đầu nhìn Lâm nhưng lòng lại như có mũi kim đâm. Thời gian của tôi và anh ta không nhiều nữa, hoặc nói, là thời gian của tôi không nhiều nữa. Tôi xưa nay ân oán rõ ràng, cũng không vì một chút thương xót mà quên đi mối hận của gia đình mình. Chẳng biết tôi và Lâm đã đứng cạnh nhau bao lâu, chỉ biết suốt mấy tiếng đồng hồ anh ta vẫn nắm tay tôi chặt như vậy. Những vết chai sạn cọ vào bàn tay tôi, nhưng không hề làm tôi khó chịu. Cho đến khi trên bầu trời Hà Nội đầy những vệt sáng, pháo hoa xanh đỏ tím vàng bay lên tôi cũng mới biết đã qua một năm rồi. Trong khoảnh khắc ấy, Lâm cúi xuống, tôi cũng nhướn người lên tìm đôi môi anh ta. Giữa những vệt pháo sáng rực rỡ trên bầu trời, tôi cảm nhận được tiếng trái tim đập thình thịch, không rõ là tiếng trái tim của tôi hay Lâm, chỉ biết những ngón tay đan chặt nhau không rời, nụ hôn cũng nóng bỏng triền miên không dứt. Thế nhưng khi những đợt pháo hoa kết thúc, nụ hôn nóng bỏng kia cũng kết thúc, giống như mối lương duyên của tôi và Lâm, sẽ lụi tàn như những vệt pháo hoa đêm giao thừa. Tôi ngẩng đầu lên nhìn bầu trời đen thẳm, không hề nguyện cầu cho tôi và anh ta cùng nhau đi đến hết cuộc đời, chỉ nguyện cầu nơi xa xôi mẹ tôi, chị tôi hãy phù hộ cho tôi sớm có thể trả thù, kết thúc tất cả mọi khổ đau, giày vò kiếp này, kết thúc cả cuộc hôn nhân trớ trêu và oan nghiệt này!
Chật vật chịu đựng mấy ngày, cuối cùng cũng đến mùng hai Tết. Sáng sớm tôi và Lâm dậy sớm để chuẩn bị xuống Vân Đồn. Mụ dì ghẻ không vui ra mặt, nhưng không dám cấm cản mà chỉ nhắc đi nhắc lại dặn Lâm đi sớm về sớm. Ông Quang phải ra kéo mấy lần mụ ta mới thở dài đi vào nhà. Mùng hai Tết, chuyến tàu đầu tiên ra đảo rất đông khác hẳn với sự vắng vẻ mà trước kia tôi và Lâm đi. Ngoài một valy nhỏ đồ, Lâm còn xách rất nhiều bánh kẹo, hoa quả và hai giỏ quà Tết. Không hiểu sao, nhìn anh ta như vậy tôi cảm thấy anh ta chẳng khác gì mấy người đàn ông trên tàu, xách đồ theo vợ về quê ngoại. Có chăng khác là bởi Lâm đẹp trai lại cao lớn nên dáng vẻ xách đồ cũng nổi bật vô cùng.
Trên tàu nhộn nhịp, Lâm đẩy tôi ngồi bên trong còn anh ta ngồi bên ngoài. Không khí những ngày đầu xuân rất đẹp, sóng biển trắng xoá vỗ quanh mạn thuyền, mặt trời đổ xuống mặt biển những tia sáng lấp lánh, trời không mưa, nắng cũng nhẹ nhàng, tôi hít lấy hít để bầu không khí trong lành ấy, sau cùng chẳng hiểu vì sao lại ngủ thiếp đi lúc nào chẳng hay. Mãi đến khi Lâm lay tôi dậy, nhìn thấy mấy hàng phi lao trước mặt tôi mới biết đã đến nơi rồi. Bầu không khí trên đảo khác hẳn với Hà Nội, đặt chân xuống cũng đã thấy an yên lạ kỳ. Lâm lách cách xách đồ lên xe túc túc, thấy tôi cứ đứng ngây người ở bến cảng liền túm tôi kéo lên.
Về đến nhà, tôi lặng lẽ mở cửa. Trong nhà vắng tanh, lạnh ngắt, cảm giác cô đơn và lạnh lẽo vô cùng. Lâm thấy vậy liền thắp cho mẹ tôi nén hương, sau đó xuống bếp nhóm một bếp lửa để giữa hiên. Bếp lửa đã lâu không dùng nhưng vẫn rất bền, than củi hồng nổ lép bép sưởi ấm cho không gian, thêm mùi khói hương càng cảm thấy đây mới thực sự là không khí Tết. Bàn thờ từ lần trước về Lâm dọn đã sạch sẽ, nhưng bởi hiu quạnh nên anh ta vẫn dùng khăn sạch lau qua. Đến khi xong anh ta đặt hai giỏ quà Tết hai bên bàn thờ, không quên sắp kẹo bánh ra bàn rồi lại cắm cành đào và mấy bông hoa hồng vào bình đặt ngay giữa chiếc bàn trong buồng khách. Từng việc, từng việc anh ta làm một cách cẩn thận và ôn nhu.
Tôi đứng trong nhà nhìn Lâm ngồi xổm ở giếng rửa sạch chiếc đèn dầu lòng tôi bỗng cảm thấy tê dại. Ngày hôm ấy khi anh ta đưa tôi ra nấm mộ nhỏ bé ở nghĩa trang, tôi đã nhìn thấy được sự bi thương và phẫn nộ trong mắt anh ta. Nếu như đến một ngày, anh ta biết tôi đã lừa dối anh ta, từ đầu đến cuối chưa từng thật lòng, lợi dụng anh ta để trả thù anh ta sẽ thế nào, liệu có phẫn nộ, tuyệt tình như lúc mụ dì ghẻ đem bán ba chị em tôi? Tôi không dám nghĩ đến cũng không muốn nghĩ đến, chỉ cảm thấy lẽ ra anh ta đừng tốt với tôi như vậy, bởi anh ta càng tốt, tôi càng lòng mình bị giằng xé.
Dọn dẹp xong nhà cửa, Lâm cũng vào nhà kho lấy chiếc xe đạp cũ mà hồi cấp ba mẹ tôi mua cho tôi ra để sửa. Đầu năm mới anh ta chắc có lẽ cũng ngại đi mượn, chiếc xe đạp kia của tôi thực ra vẫn đi tốt, bình thường mẹ tôi vẫn dùng để đạp đi chợ. Chỉ là để lâu ốc vít hơi rụng rời anh ta dùng tua vít vặn lại chút đã cứng cáp. Sửa xong xe đạp, Lâm vào nhà lấy hương vàng, bánh kẹo, cả một bó hoa chở tôi ra mộ của mẹ tôi. Tôi nhìn bó hoa trên tay Lâm, nhìn cả những túi bánh kẹo trang trọng cũng cảm thấy ngoài cẩn thận, ôn nhu anh ta còn chu đáo và tử tế.
Xe đạp theo đường làng ra mộ của mẹ tôi. Xuân đến, cỏ cây hoa lá nở rực rỡ hai bên đường. Dòng sông tháng trước còn đìu hiu, vậy mà nay như đã được thay da thay thịt, những sắc màu tím đỏ vàng nhuộm đầy bờ sông. Lúc tôi và Lâm ra mộ mẹ tôi cũng có mấy người đi tảo mộ đầu năm. Lâm đặt bánh kẹo lên, thắp một nén hương thành kính trước nấm mộ của mẹ tôi. Gió xuân mơn man thổi qua, đến khi hương tàn, tôi cúi xuống định thu dọn đồ đột nhiên thấy “mợ” Lan và cái Hoài cũng đang đi về phía nghĩa địa. Ban đầu tôi tưởng mấy người họ có lòng tốt ra thăm mộ mẹ tôi, thế nhưng hai mẹ con mợ ta lại đi về phía một nấm mộ rất mới. Tôi hơi nhích người lên, chợt sững sờ lại khi thấy trên bia mộ khắc mấy chữ “Lê Đức Đại”, mất ngày 28/1 dương lịch tức là cách đây đã gần một tháng. Đúng lúc này cái Hoài cũng ngẩng đầu lên vừa hay nhìn thấy tôi, còn chưa đợi tôi lên tiếng nó đã nói:
– Chị Diệp Anh. Chị mới về à?
Tôi đi về phía nấm mộ, dù rằng lúc sống cậu ta đối với tôi chẳng tử tế gì, nhưng nghĩ đến việc mẹ tôi mất chưa bao lâu lại đến cậu ta lòng tôi vẫn có chút buồn. Mợ Lan nhìn tôi, lại liếc nhìn về phía Lâm vẫn đang đứng ở mộ mẹ tôi cười nhạt:
– Mày cũng biết đường về à, tao tưởng loại vô ơn như mày lấy thằng chồng giàu có sẽ không thèm về nơi này nữa chứ?
Tôi không thèm chấp mấy lời mợ ta nói chỉ bảo với cái Hoài:
– Tháng trước chị về có qua nhà em nhưng không có ai ở nhà. Chú Hinh nói cậu nằm viện… không ngờ…
– Vâng, bố em bị bệnh cũng bất ngờ, khám thì đã giai đoạn cuối rồi, tháng trước bác sĩ đã trả về cuối cùng thì mất.
Tôi cũng chẳng biết phải nói gì lúc này, lòng dạ rối bời, cũng biết mợ Lan không ưa mình, đứng đây nói chuyện càng khiến mợ ta ngứa mắt nên bảo:
– Ừ. Thế thôi chị về trước, có gì chị qua nhà thắp cho cậu nén hương.
Lời tôi vừa dứt, tôi bỗng thấy cái Hoài có chút chột dạ đáp lại:
– Dạ thôi, nhà em có chút… không tiện. Chị không cần qua đâu.
Mợ Lan thấy vậy liền lườm cái Hoài một cái, sau đó mỉa mai:
– Tao không mượn cái loại mày sang. Thứ vong ơn như mày cút đi đâu thì đi. Tốt nhất đừng có sang nhà tao làm gì, bày đặt thắp hương thắp khói.
Thật ra với bằng ấy việc mợ ta và cậu Đại gây ra, từ nhỏ tới lớn cũng chưa từng giúp tôi chuyện gì, thậm chí còn suốt ngày bòn rút mẹ tôi. Đến khi tôi lớn, tiền tôi gửi về cho mẹ chữa bệnh bị vợ chồng cậu ta ăn quỵt, suýt chút nữa tôi bị bán cho tên Long, bị hắn ta c.ưỡng h.iếp thì tôi cũng cần phải thắp hương cho cậu ta. Chẳng qua nghĩ đến việc cậu ta là em của mẹ tôi nên tôi có chút lòng thành kính với người đã khuất, nhưng nếu mợ Lan đã không cần tôi cũng không cưỡng cầu. Chỉ là không hiểu sao mà cái Hoài lại nói không tiện, cớ gì phải chột dạ đến thế. Mợ Lan nhìn tôi chằm chằm, đến lúc tôi đi về phía mộ của mẹ tôi tôi cũng thấy mợ ta vả cho cái Hoài một cái.
Tôi và Lâm từ mộ của mẹ tôi về cũng đã trưa, ăn uống qua loa xong Lâm bảo tôi ngủ trưa một giấc chiều tôi đưa anh ta ra chợ. Chợ ở đây bình thường chỉ mở sáng nhưng Tết đến có chợ Xuân nên bán cả ngày. Có lẽ anh ta biết tâm trạng tôi không vui nên muốn tôi ra ngoài cho khuây khoả. Thực ra tôi không vui phần nhiều vì tôi thương mẹ nuôi, nghĩ đến số phận mẹ hẩm hiu, lại nghĩ giờ đến em trai mẹ cũng chẳng còn nên tôi mới buồn. Nhưng thấy Lâm nhắc đến chợ Xuân, tôi cũng có chút háo hức. Cuối cùng tôi cũng gạt đi muộn phiền trong lòng, lên giường nằm ngủ một giấc đến chiều. Chỉ là do đi cả ngày về, trời lại đẹp, tôi ngủ đến tận xế chiều mới dậy. Lúc dậy tôi thấy Lâm đang lọ mọ kỳ cọ đánh rêu ở giếng, thấy tôi đã dậy anh ta liền múc mấy gàu nước dội khắp sân giếng rồi cười hỏi:
– Có còn muốn ra chợ nữa không?
– Có ạ. Giờ này vẫn chưa hết chợ Xuân đâu, năm rưỡi chợ mới tàn mà.
Lâm không nói gì, cũng chẳng thèm trách tôi ngủ dậy muộn, lôi xe đạp chở tôi đi về hướng chợ. Thế nhưng còn chưa kịp vào chợ, khi mới đến gần đến đầu chợ tôi và anh ta cũng thấy thầy hiệu trưởng cùng một người trong đoàn thanh niên chạy như bay về phía biển sắc mặt vô cùng hốt hoảng. Lâm thấy vậy vội vã đạp xe theo, thầy Hiệu trưởng lúc này cũng đã nhìn ra Lâm, nhưng thầy ấy gần như đã không thể có thời gian để nói chuyện, chỉ run rẩy nói ra được mấy chữ:
– Mấy đứa học sinh đi bắt ốc ngoài bãi biển bị sóng cuốn đi rồi.
Tôi nghe đến đây, cũng gần như chết lặng. Nhịp đạp của Lâm cũng khựng lại một giây, ngay sau đó anh ta phóng xe như điên lao ra bãi biển. Trời lúc này cũng đã nhá nhem tối, ngoài biển có một cặp vợ chồng đang quỳ dưới cát, cả người ướt sũng, gào khóc thảm thiết. Vì tinh thần họ đang kích động, tôi không thể nắm được thông tin. Lâm lao thẳng ra bờ biển, trên bờ biển một chiếc tàu của đồn biên phòng cũng đang bắt đầu được nổ máy. Vì chia nhau nghỉ Tết, nên hầu hết mọi người đã về đất liền ăn Tết, trên tàu chỉ có một chú bộ đội, một người công an và một cậu thanh niên trong đoàn thanh niên. Lâm thấy vậy liền nhảy lên tàu, sau đó vừa mặc áo phao vừa nói:
– Tôi biết bơi, đã từng nằm trong đội cứu hộ của trường đại học. Diệp Anh em ở đó chờ tôi, em và cả cậu Tuân kia đều được học sơ cấp cứu rồi, em và cậu ấy trên bờ trợ giúp.
– Vâng.
Khi chiếc tàu rẽ sóng ra ngoài biển, tôi cũng mới nghe được thầy hiệu trưởng nói, bốn đứa trẻ con của hai gia đình khác nhau. Bố mẹ chúng sáng mùng hai Tết đã phải theo tàu đi vớt sứa kiếm tiền. Mấy đứa nhỏ ở nhà rủ nhau đi bắt ốc, vốn dĩ chiều nước khá cạn, nhưng hôm nay thuỷ triều lên sớm một đứa bé đã trượt chân ngã xuống biển, ba đứa còn lại cắt cử một đứa chạy về báo còn hai đứa kia ở lại theo dõi tình hình. Thế nhưng khi đứa bé kia về báo, quay lại cả hai đứa nhỏ kia cũng đã biến mất, e là đều đã bị sóng cuốn đi cả rồi. Đến giờ mới chỉ có một cặp bố mẹ của hai đứa nhỏ biết tin con nên quay về, còn một cặp vẫn đang lênh đênh trên biển, chưa tìm cách báo tin được. Tôi đan hai tay lại, nhìn bố mẹ của hai đứa nhỏ đang khóc ngất trên bờ lòng đau đớn như có thứ gì đó dội về. Những đứa trẻ ở nơi đảo nhỏ nghèo khổ này quanh năm bị cái nghèo đeo bám, bố mẹ suốt ngày lênh đênh trên biển, mùng hai Tết có lẽ thương bố mẹ vất vả nên đã cố ra biển kiếm bữa ăn để rồi sự việc đau lòng thế này lại xảy ra. Thầy hiệu trưởng nói, trong bốn đứa nhỏ, có hai đứa nhà rất nghèo, con của cặp vợ chồng vẫn đang lênh đênh trên biển, cũng là hai trong số những học sinh được Lâm nhận tài trợ học phí và suất ăn đến khi mười tám tuổi. Sóng ngoài biển tràn lên đến tận bờ, con tàu sáng choang lần mò từng ngóc ngách trên biển. Tôi không thể nhớ mình đã đứng chờ trong bao lâu, chỉ nhớ đến khi con tàu quay lại cũng thấy Lâm ôm một đứa bé đã rũ rượi lao về phía tôi. Sắc mặt anh ta trắng bệch nói lớn trong tiếng sóng biển thét gào:
– Con bé vẫn còn sự sống, em sơ cứu cho con bé rồi gọi ai đó cùng đưa nó lên trạm xá. Còn hai đứa chưa tìm được.
Tôi ôm lấy đứa bé đặt nằm lên mặt đất, vội vã đáp lại:
– Thầy đi đi, em biết sơ cứu.
Nói rồi tôi vội vã kiểm tra mạch đập và nhịp tim sau đó móc toàn bộ dị vật trong miệng nó ra. Bố mẹ nó và thầy hiệu trưởng lao đến hét lên:
– Dốc ngược nó lên đi, dốc ngược nó lên.
Tôi lắc đầu, không muốn mất thời gian nên gầm lớn:
– Mọi người tránh ra đi. Không dốc ngược!
Nói rồi tôi nhanh chóng hô hấp nhân tạo, thổi ngạt, ép tim. Bên cạnh tôi cậu Tuân ở đoàn thanh niên cũng nhanh chóng giải thích:
– Cách làm của chị ấy là đúng rồi, mọi người bình tĩnh, chúng cháu đã học sơ cấp cứu, dốc ngược sẽ làm mất thời gian vàng để sơ cứu. Sơ cứu qua sẽ đem bé lên trạm xá.
Khi cậu ta nói đến đâu, bàn tay con bé cũng cử động, trong chốc lát đã thấy tiếng ho sặc sụa, nước cũng trào ra từ miệng. Thế nhưng có lẽ con bé đã sóng đánh quá lâu nên người vẫn rũ rượi. Tôi liền vác con bé lên xe túc túc đặt nằm xuống, bố mẹ nó cũng nhanh chóng đi theo tôi ra trạm xá. Vì trời tối, thầy hiệu trưởng sợ lúc tôi quay về sẽ đi một mình nên dặn Tuân ở lại rồi đi cùng tôi, lúc này ngoài bãi biển còn có thêm hai người bên chính quyền xã ra, tôi cũng yên tâm nhảy lên xe, lên đến xe vẫn không ngừng ép tim, hô hấp cho con bé. Đến khi xe vào trạm xá, dưới sự nỗ lực của tôi, con bé cũng mới gần như tỉnh lại, còn cất tiếng gọi được một tiếng mẹ. Tôi và thầy hiệu trưởng mang con bé vào trong trạm xá, để bác sĩ khám qua xác định con bé đã có thể tự thở được mới dám thở phào vội vã ra xe quay về biển. Tuy rằng ở đó Tuân biết sơ cấp cứu, nhưng chỉ có mình cậu ta nên lòng tôi vẫn nóng như lửa đốt. Xe túc túc chở tôi và thầy hiệu trưởng ra khỏi trạm xá, thế nhưng không hiểu sao lại đi ngược lại với đường ra biển. Thầy hiệu trưởng thấy vậy liền hỏi:
– Sao lại đi đường này?
Người lái xe đi một đoạn nữa mới cất giọng đáp lại:
– Đi đường tắt cho nhanh.
Tôi nghe tiếng nói, bất chợt cảm thấy lạ lẫm, khác hẳn với giọng nói của người lái xe ban nãy. Mặc dù đây rõ ràng là xe đưa chúng tôi đi nhưng người lái xe không hiểu vì sao đã bị đổi. Thầy hiệu trưởng dường như cũng nhận ra sự bất thường hai hàng lông mày cũng cau lại. Sau một hồi liền nháy mắt ra hiệu cho tôi nhảy xuống. Thế nhưng còn chưa kịp nhảy, xe đột nhiên tăng tốc, cả tôi và thầy hiệu trưởng bị mất thăng bằng suýt ngã xuống. Xe lao như bay về phía bìa rừng vắng vẻ chẳng có nổi một người qua rồi phi thẳng vào cánh rừng thông, tôi càng nhận ra linh cảm bất an của mình đã đúng. Dù rằng giờ nhảy xuống chắc chắn sẽ bị thương nặng, nhưng cả tôi và thầy hiệu trưởng đều biết rằng, nếu không nhảy rất có thể còn nguy hiểm hơn nhiều. Nghĩ vậy, thầy hiệu trưởng liền kéo cánh tay tôi chỉ vào đám cỏ bằng, đáng tiếc kẻ lái xe đã nhận ra toàn bộ suy nghĩ của chúng tôi, khi hai chúng tôi vừa định nhảy xe cũng dừng lại. Trong phút chốc, tôi vội vã lao như điên ra khỏi xe, thầy hiệu trưởng cũng chạy song song với tôi. Chỉ là còn chưa nổi mười bước từ lùm cây hai gã đàn ông cao lớn cùng một người đàn bà đã lao ra, gã lái xe cũng nhảy từ trên xe xuống vung gậy về phía thầy hiệu trưởng. Thầy hiệu trưởng loạng choạng ngã ngay xuống bìa cỏ. Tôi run rẩy lùi lại hai bước chân, dưới ánh trăng cũng kịp nhìn thấy một gã đàn ông rất quen, là gã xăm trổ lần trước định cưỡng hiếp tôi, phía sau lưng hắn ta là mợ Lan cùng một gã đàn ông khác, gã đàn ông xăm trổ từng bước từng bước tiến về phía tôi cười hềnh hệch:
– Mày chạy đi đâu cho thoát?
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!