Sao Sáng Chờ Anh Về - Phần 17
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
132


Sao Sáng Chờ Anh Về


Phần 17


Sau mấy tháng trời trốn chui, trốn lủi, không ngờ gã xăm trổ chẳng ở đâu xa xôi mà lại ngay trên đảo nhỏ yên bình này. Nhìn thấy mợ Lan, tôi cũng kịp hiểu ra, vẻ chột dạ của cái Hoài và cái vả của mợ ta đến từ đâu. Đoán không nhầm suốt thời gian này mợ ta đã bao che cho gã xăm trổ ẩn nấp. Khả năng cao gã xăm trổ đã cho mợ Lan một khoản tiền không nhỏ. Với loại người sống chỉ biết đến tiền như mợ ta, tôi cũng không có gì quá bất ngờ. Chỉ là trong thời khắc này tôi không thể nghĩ quá nhiều, khi gã xăm trổ từ từ tiến lại gần tôi cũng bình tĩnh nói:
– Các anh từ từ đừng manh động, ở đây bốn bề là biển, các anh làm gì tôi e là không thoát được đâu.
Thế nhưng dường như gã xăm trổ đã có tính toán trong đầu, hắn ta chẳng bận tâm lời tôi nói chỉ vứt toẹt điếu thuốc xuống đất rồi cười nhạt:
– Nhãi ranh, lần trước mày thoát được xem ra cũng bởi mày có chút thông minh. Nhưng lần này mày không thoát nổi đâu. Lo cho tao làm gì, lo cho thân mày trước đi kìa.
Nói rồi hắn hất hàm hỏi mợ Lan:
– Đã chuẩn bị tàu chưa?
– Chuẩn bị rồi, đã chờ sẵn ở thôn Sơn Hào.
– Được rồi, cứ xử lý con nhãi ranh này trước đã.
Tôi nghe xong sống lưng lạnh buốt, giống như đã chuẩn bị cho kế hoạch này từ trước rồi. Vốn nghĩ rằng trốn từ trạm cảng sẽ dễ dàng bị biên phòng tóm, không ngờ lũ khốn nạn này lại chuẩn bị tàu ở cảng Sơn Hào. Đây vốn là cảng không được cấp phép lưu thông, bến cảng này cũng không có trạm kiểm soát, càng không có biên phòng hay công an canh giữ, chỉ là bến cảng bỏ hoang, có thể đi vào đất liền, cũng có thể đi sang đảo khác và theo đường biển để qua biên giới. Trong giây lát tôi không thể nghĩ ra cách nào hay, chỉ đành vùng chạy. Đáng tiếc mới chạy được vài bước chân đã ngay lập tức bị tóm lấy. Gã xăm trổ nhìn thầy hiệu trưởng nằm trên bãi cỏ nói với mợ Lan:
– Thằng cha này không cần gi.ết nhưng phải ném vào rừng sâu. Đợi chúng ta đi rồi có tỉnh lại cũng không kịp về báo.
Tôi vùng vẫy, la hét nhưng vô tác dụng. Đảo nhỏ vốn đã ít người, khu rừng rậm này càng chẳng có một ai đi qua. Gã xăm khổ khùng điên vả lên mặt tôi một cái rồi giơ con dao sáng loáng gằn lên:
– Một là ngậm mồm còn bảo toàn được tính mạng, hai là tao sẽ chọc tiết mày ngay lập tức.
Hắn chưa có ý định gi/ết tôi, cũng chẳng thèm trói buộc hay nhét giẻ vào miệng. Có nghĩa hắn vô cùng tự tin rằng khu rừng này sẽ không có ai đến cứu tôi trong giờ phút này. Tôi cũng không muốn lãng phí sức lực, không la hét nữa cũng chẳng vùng vẫy, thậm chí chẳng còn muốn chạy để mặc chúng khiêng vào rừng sâu. Trời lúc này đã tối, trăng bắt đầu lên, trăng của ngày đầu xuân không sáng, chỉ nhàn nhạt chiếu xuống cánh rừng thông một màu bạc. Suốt đoạn đường đi, lòng tôi nóng như lửa đốt, một phần nghĩ đến hai đứa nhỏ bị sóng cuốn trôi giờ không biết đã tìm được chưa, một phần nghĩ đến việc đám người này định làm gì tôi, sẽ đưa tôi đi đâu. Mãi rất lâu sau, có lẽ đã đi vào tận sâu của cánh rừng thông đám người mới dừng lại trước một căn nhà hoang. Gọi là nhà nhưng thực ra chỉ là những ván gỗ được ghép lại với nhau. Gã xăm trổ đạp một chân lên cánh cửa đã bị mối mọt cả một mảng, ném tôi vào rồi đóng cửa lại. Trong căn nhà hoang tối đen như mực, mãi một lúc sau tôi mới quen mắt đột nhiên phát hiện trong góc nhà có hai đứa trẻ, đứa bé gái lớn chừng mười tuổi, đứa bé trai khoảng tám tuổi. Tôi kinh ngạc, còn chưa kịp lên tiếng đã thấy hai đứa cùng đồng thanh:
– Cô Diệp Anh.
Lúc này ánh trăng mới len qua khe cửa chiếu vào bên trong, là hai đứa trẻ tôi từng gặp vài lần ở trưởng tiểu học. Bọn chúng trong bóng tối vốn đã quen mắt nên khi tôi bước vào cũng nhận ra ngay. Tôi ngồi xuống, sờ lên người chúng nó bỗng sửng sốt, quần áo trên người hai đứa đều ướt sũng, còn có vị mặn tanh của biển. Đứa bé gái run run rẩy rẩy túm lấy tay tôi hỏi:
– Cô Diệp Anh, cháu là Nhi đây, có phải bọn cháu bị bắt cóc rồi đúng không? Cháu nghe mấy ông ấy nói mang qua biên giới bán cũng được một khoản tiền rất lớn. Có phải bọn cháu sắp không thể quay về nhà nữa rồi đúng không cô?
Mặc dù giờ tôi cũng run sợ chẳng kém gì hai đứa nhỏ, nhưng bởi là người lớn duy nhất, tôi cũng khẽ vỗ vỗ vai chúng nó an ủi:
– Không sao đâu, từ từ cô sẽ nghĩ cách ra khỏi đây. Mà sao hai đứa đi đâu lại bị đám người này bắt cóc?
– Cháu với thằng Nam, thằng Tuấn, và con Vân Anh ra biển bắt ốc. Con Vân Anh trượt chân trên đá xuống bị sóng cuốn đi. Thằng Nam dặn cháu với thằng Tuấn ở lại xem tình hình con Vân Anh còn nó thì chạy về tìm người. Lúc cháu với thằng Tuấn đứng trên bãi đá chờ thì bị mấy ông ấy bắt đi, nhét vào bao sau đó mang đến đây.
Cơ thể tôi bất chợt cứng đờ, lạnh buốt. Tôi không thể ngờ rằng hai đứa trẻ mà tôi ngỡ vẫn lênh đênh trôi dạt giữa sóng biển lại bị đám người khốn nạn này bắt cóc. Một kế hoạch hoàn hảo đến rùng rợn. Đến giờ Lâm và mấy người bộ đội, công an vẫn trên tàu tìm kiếm trong vô vọng. Vô vọng bởi làm gì còn đứa trẻ nào ở ngoài biển khơi đó nữa. Bảo sao, khi thấy người hai đứa nhỏ này ướt đẫm, còn mặn tanh mùi nước biển tôi đã có chút sững sờ. Con bé Nhi thấy tôi không nói gì, nó lại khóc nấc lên:
– Cô ơi, cháu nhớ bố mẹ cháu lắm. Sáng sớm bố mẹ cháu dặn cháu và thằng Tuấn ở nhà, bố mẹ cháu đi vớt sứa thuê cho người ta. Lẽ ra cháu không nên đi bắt ốc, nhưng mà bắt ốc cũng bán được hai ba mươi nghìn một cân, được nhiều cũng có thể mua cho bố mẹ cháu một cân thịt về kho để mang lên tàu. Bố mẹ cháu đi vớt sứa, chỉ ăn mỗi lạc rang với cơm, cả Tết bố mẹ cháu để thịt cho chúng cháu ăn, mùng hai Tết mà đã phải ra khơi, cháu chỉ muốn góp chút sức để mua thịt cho bố mẹ thôi… cô ơi… từ lần sau cháu sẽ không dẫn em đi bắt ốc nữa, giờ cháu muốn về nhà.
Khoé mắt tôi cay xè như bị khói lửa bay vào. Tôi đưa tay kéo hai đứa bé run rẩy vào lòng đáp lại:
– Được rồi, không khóc nữa. Cô sẽ cố gắng tìm cách đưa hai đứa về.
Nói rồi tôi ngẫm nghĩ một lúc cuối cùng buông tay hai đứa ra lần mò khắp sàn nhà. Căn nhà hoang này đã lâu không có ai ở, giống như là nơi ở tạm của những người chăn bò trong rừng. Lần mò một lúc tôi cũng tìm được một chiếc chăn bông cũ kỹ, còn có chút mùi ẩm mốc. Thế nhưng ở hoàn cảnh này làm gì có thể kén cá chọn canh được. Tôi giục hai đứa nhỏ:
– Hai đứa cởi quần áo ra để cô vắt rồi treo tạm lên đây cho khô. Trời lạnh thế này nếu để cơ thể ngấm nước vào sẽ ốm mất.
Ở trên đảo, mấy đứa trẻ cũng chưa được học về giáo dục giới tính. Nhưng dù sao cũng là một bé trai, một bé gái. Tôi xé vỏ chăn làm hai, đợi chúng nó cởi quần áo liền dùng mỗi mảnh quấn quanh người một đứa sau đó mới đắp chăn bông cho cả hai. Bộ quần áo của hai chị em nó ướt như chuột lột, tôi gắng sức vắt thật khô rồi hong tạm trên cánh cửa. Hai đứa nhỏ run lập cập nương tựa vào nhau, nghĩ đến cảnh bố mẹ nó ở nhà khóc chết ngất tôi lại nén lại một tiếng thở dài.
Bên ngoài không biết đám người đã bàn bạc gì, tôi cố gắng lắng tai nghe nhưng chỉ tiếng lầm rầm nho nhỏ. Mãi rất lâu sau tôi mới thấy tiếng gã xăm trổ cất lên:
– Hai đứa mày đi nhanh về nhanh. Nói với thằng nhãi đó nếu dám dẫn theo biên phòng hay công an thì con vợ nó lẫn hai đứa trẻ này sẽ ngay lập tức ăn một nhát d/ao vào yết hầu. Đợi lấy được tiền xong thì gi/ết cả đôi chúng nó rồi đi luôn.
Ở đây không có sóng điện thoại, chúng không giết tôi ngay là bởi muốn tìm Lâm, có lẽ là để tống tiền, đợi có một khoản ra mang hai đứa trẻ qua biên giới bán mới xử lý cả tôi và Lâm rồi cao chạy xa bay. Hai đứa nhỏ nghe đến dao lại nghe đến chữ g/iết người thì run lên bần bật, tôi vừa đưa tay vỗ vỗ vừa quan sát tình hình bên ngoài. Gã xăm trổ hút thuốc ngồi dựa lưng vào ghế, bên cạnh mợ Lan cũng chống tay rồi nói:
– Tôi cũng muốn theo anh qua biên giới, làm được gì thì làm, có phúc cùng hưởng có hoạ cùng chia.
– Không phải nhà còn đứa con gái sao? Để nó ở nhà một mình à?
– Nó lớn rồi, tự lo được. Chỉ tiếc hôm nay không bắt sống được cả bốn đứa học sinh. Nếu bắt được bốn đứa kiểu gì cũng gấp đôi số tiền.
Dưới ánh trăng, tôi nhìn được vẻ mặt hung ác của mợ Lan, cũng nhìn được ra vẻ tàn nhẫn không có chút tình người nào. Mợ Lan và mụ dì ghẻ thật giống nhau, kẻ vì tiền mà đốn mạt, kẻ vì cả tình lẫn tiề/n buông bỏ nhân cách làm người. Hai đứa trẻ không dám ngủ, giờ tôi cũng không thể đạp cửa bước ra nên lặng lẽ lui vào trong quan sát. Căn nhà hoang này làm bằng gỗ, những ván gỗ cũng đã mối mọt chẳng còn nguyên vẹn. Giờ nếu không thể thoát theo cửa trước, ở đây còn hai đứa trẻ con, nếu như Lâm đến đây, còn vướng thêm hai đứa trẻ thì việc thoát thân càng khó. Huống hồ bọn chúng đã có dự liệu ngay từ đầu, chỉ đợi lấy được tiền sẽ giết cả tôi và Lâm, như vậy tôi càng không thể ở đây chờ đợi được. Điện thoại của tôi vẫn trong túi, nếu mang hai đứa nhỏ chạy ra đến được đầu trạm cảng thì có thể gọi báo biên phòng. Nghĩ vậy tôi liền đi về phía góc nhà, tìm xem có thể phá được ván gỗ nào không. Lần mò một hồi, tôi tìm được một ván gỗ bị mọt ăn mất phân nửa, đinh ốc cũng rụng rời. Tôi vội vã nhặt hai bộ con áo đã được vắt, tuy còn ướt nhưng có thể mặc tạm giục hai đứa nhỏ mặc vào. Trong lúc hai đứa nhỏ mặc quần áo tôi cùng lay lay ván gỗ rồi dùng miệng rút đinh trên ván gỗ ra sau đó từ từ đẩy ván gỗ ra phía bên ngoài. Ngay lập tức vách nhà cũng có ánh sáng rọi vào, chỗ trống vừa đủ cho tôi và hai đứa nhỏ chui ra. Tôi đưa tay lên ra hiệu im lặng rồi nói nhỏ:
– Hai đứa chui qua lỗ nhỏ này rồi chờ cô bên ngoài. Tuyệt đối không được phát ra âm thanh gì.
Con bé Nhi nước mắt lưng tròng nhưng vẫn gật đầu chui ra trước rồi đỡ em trai theo sau. Tôi đưa tay ấn nút chốt cửa trong sau đó theo lỗ trống đi ra ngoài. Khi ra được đến ngoài, tôi cũng kéo tay hai đứa nhỏ từng bước, từng bước đi ngược về hướng căn nhà gỗ. Xác định khoảng cách này sẽ không gây ra tiếng động gì mới vội vã ra hiệu chạy thật nhanh. Trên đường rừng đầy sỏi đá, hai đứa nhỏ không có dép, nhưng bởi bản năng sinh tồn trỗi dậy trong khoảnh khắc này nên có lẽ không còn cảm thấy đau, chỉ cố gắng hết sức mà chạy. Với vận tốc này của tôi, tôi tin rằng chẳng mấy chốc ra được khỏi cánh rừng. Trên trời trăng đã sáng hơn, tôi ngước lên cố gắng phân biệt phương hướng, nhưng bởi xung quanh chỉ toàn cây cối nên tôi không thể biết hướng nào là hướng đúng. Có điều ở đây có một con đường mòn rất lớn, có nghĩa là nếu theo đường mòn này rất có thể sẽ ra được đường chính. Chạy một quãng khá xa, hai đứa trẻ bất chợt dừng lại. Lúc này tôi cũng thấy gương mặt cả hai đứa đẫm mồ hôi, sắc mặt nhợt nhạt, giống như không thể đi nổi. Sức của trẻ con không thể so với người lớn, tôi chỉ có thể cố gắng động viên:
– Nhi, Tuấn, hai đứa cố gắng lên. Cố gắng chạy qua con đường mòn này cô Diệp Anh sẽ đưa hai đứa về với bố mẹ.
Lời động viên như sức mạnh tinh thần, nhưng bởi cả tối hai đứa bé chưa ăn gì, thêm việc ngấm nước lạnh, cả ngày lại lội ngoài biển bắt ốc nên sức lực đã kiệt quệ. Chạy thêm đúng khoảng ba phút nữa thằng Tuấn cũng ngã quỵ xuống. Con bé Nhi vừa ôm em vừa nghẹn ngào nói:
– Cô Diệp Anh, em cháu không chạy nổi nữa rồi. Cô để bọn cháu ở đây, cô chạy đi. Nếu cô thoát được thì gọi người đến cứu bọn cháu, cháu chạy được nhưng cháu không thể bỏ em cháu ở lại đây được.
Tôi nhìn hai đứa trẻ, lòng thắt lại, giống như mười sáu năm về trước chị Linh đã ôm lấy tôi và Hiếu, van xin người ta có bán chị em tôi đi đâu cũng được, miễn là để ba chị em tôi được ở cùng nhau. Dù giờ phút này, tôi đủ sức khoẻ và khả năng chạy tiếp, thế nhưng tôi lại không đủ nhẫn tâm vứt lại hai đứa bé ở cánh rừng này một mình thoát thân. Chưa nói đến việc mấy gã khốn nạn kia tìm được, chỉ cần biết giữa cánh rừng hoang vu này biết bao nguy hiểm rình rập, rắn rết, thú hoang, hay những kẻ xấu khác đi qua, tôi thật sự không đủ nhẫn tâm đến vậy. Cuối cùng, tôi cũng cúi xuống xốc thằng Tuấn lên lưng rồi nói:
– Được rồi, đi thôi.
Con bé Nhi túm lấy vạt áo tôi, bàn tay nhỏ bé đen đúa lau nước mắt. Sống ở đảo mười mấy năm, tôi biết đảo vốn dĩ rất yên bình, mấy năm nay có nhà lão Nghinh có thằng con đua đòi, nhưng những việc b/ắt cóc, tống tiền, gi/ết người cướp của thế này rất hiếm. Gia đình mấy đứa nhỏ này lại sống ở một khu hẻo lánh, ít tiếp xúc với người khác, hằng ngày cũng chỉ đi học, mò cua bắt ốc nên việc chúng bị bắt cóc gây hoảng loạn tâm lý, sợ hãi và rùng rợn là điều hết sức bình thường. Tôi vừa cõng thằng Tuấn, vừa kéo con bé Nhi chạy vừa dỗ dành:
– Được rồi, Nhi đừng khóc nữa, bây giờ phải để sức chạy khỏi đây. Mau chạy theo cô, cố gắng hết sức, có lẽ sắp tìm được đường ra rồi.
– Vâng ạ.
Tốc độ của ba chúng tôi càng lúc càng chậm lại. Vừa cõng thằng Tuấn vừa chờ bé Nhi, tôi không thể chạy hết sức mình, chẳng mấy chốc tôi đã cảm thấy thời gian thì trôi nhanh, mà sức chạy của chúng tôi càng lúc càng tụt nặng nề. Khi chạy thêm được một đoạn, tôi bỗng nghe phía sau có ánh đèn, còn có tiếng gầm lên xa xăm của gã xăm trổ:
– Kia kìa, bóng chúng nó kia kìa. Tao nói rồi, có trẻ con chúng nó không thể chạy nhanh được đâu mà.
Nghe tiếng hắn ta, tôi điên cuồng túm lấy Nhi, vẫn cõng trên vai thằng Tuấn lao như bay về phía trước. Đáng tiếc, đến giờ phút này con bé Nhi cũng đã kiệt sức, hổn hển dừng lại ôm lấy ngực lắc đầu:
– Cô ơi, cháu không thể chạy nổi nữa.
Tôi gần như bất lực, cố gắng kéo theo con bé cũng chỉ đi thêm được một đoạn cũng thấy gã xăm trổ cùng mụ Lan lao tới. Gã xăm trổ xông đến túm cổ tôi như túm cổ một con gà, còn mụ Lan tóm lấy chị em nhà bé Nhi lôi xềnh xệch trở về căn nhà hoang.
Lúc về đến nơi, gã xăm trổ ném tôi không thương tiếc, mụ Lan cũng đốc hai đứa nhỏ vào. Gã xăm trổ tức đến độ mặt mũi đỏ bừng, không nói không rằng, dùng bàn tay to lớn vả thẳng vào mặt tôi. Tôi loạng choạng, đẩy hai đứa nhỏ về phía sau lưng mình, lại bị đạp lên ngực. Cả người tôi đau đến mức không thể thở nổi, nhưng khi thấy mợ Lan định đánh chị em nhà con bé Nhi vẫn lao tới nói:
– Không phải mang chị em nó đi bán sao, nếu đánh nó bị thương bán sẽ không còn được giá cao.
Mợ ta thấy vậy thì hằm hằm đáp:
– Không đánh nó thì đánh chết mày. Mày to gan thật, dám bỏ chạy. Loại mày đánh cho chết.
– Đánh chết tôi một xu chồng tôi cũng không bỏ ra cho bà.
Gã xăm trổ nghe tôi nói vậy, cũng tự hiểu lời tôi nói không sai. Hắn ta chờ Lâm đến, nếu trong lúc này mà đánh chết tôi thì chắc chắn sẽ không nhận được khoản tiền nào. Hắn ta đành nén cơn giận lại kéo mụ Lan ra ngoài sau đó vả cho tôi một cái rồi chỉ tay vào mặt tôi doạ:
– Mày còn dám bỏ chạy tao sẽ giết ngay lập tức!
Tôi không còn gan để chạy đành cố gắng hít một hơi rồi nói:
– Tôi sẽ không chạy, nhưng có thể cho hai đứa bé này chút đồ ăn và nước uống không? Chúng nhịn đói cả một ngày trời, lại dầm trong nước biển lạnh, hiện tại đã đói lả và kiệt sức, nếu như tiếp tục nhịn có thể sẽ chết trước khi bị mang sang Trung Quốc.
Mụ Lan nghe vậy thì gào lên:
– Cho chúng mày ăn để chúng mày chạy tiếp à? Lũ báo cô chúng mày ăn c.u*t thì ăn.
Gã xăm trổ nhìn hai chị em nhà bé Nhi, thấy sắc mặt hai đứa đã tái nhợt, rũ rượi nằm một góc. Dù cho hắn ta tức giận việc tôi và hai chị em Nhi bỏ trốn nhưng cũng biết lời tôi nói là thật. Người lớn nhịn nửa ngày đã không chịu nổi, huống chi chị em nó đã nhịn suốt một ngày. Cuối cùng hắn ta đi ra ngoài, cũng chẳng bận tâm mấy lời cằn nhằn chửi rủa của mụ Lan ném cho hai chị em nó mỗi đứa một cái bánh mì và một chai nước lọc. Hai đứa trẻ bụng đói meo, thấy bánh mì và nước mắt cũng sáng rực lên. Thế nhưng chúng không hề ăn ngay, cả hai đều không ai bảo ai bẻ đôi chiếc bánh mì đưa cho tôi. Buổi chiều tôi đã ăn ít bánh kẹo ở nhà, tuy rằng giờ có đói nhưng vẫn chịu được, chỉ có điều hai đứa nhỏ nhất quyết không chịu ăn nếu tôi không nhận, cuối cùng tôi cũng đành lấy nửa chiếc bánh mì của bé Nhi, nửa chiếc còn lại tôi bẻ đôi đưa lại cho hai chị em nó.
Chiếc bánh mì khô khốc, nhưng giờ dù chỉ là một mẩu nhỏ tôi cũng không thể lãng phí. Vừa chạy mấy quãng đường, sức lực mất đi phân nửa, tôi đành phải nạp lại năng lượng, ăn xong bánh mì, đợi hai đứa trẻ uống xong nước cũng uống phần nước còn lại. Khi mẩu bánh mì hết, bé Nhi lại ôm em trai vào lòng nghẹn ngào nói:
– Em ngủ đi, chị ôm em ngủ nhé!
– Chị ơi, bao giờ mình mới được về? Em nhớ mẹ lắm. Chị ơi, liệu mình có giống mấy bạn ở trên báo bị b/ắt cóc bán qua biên giới, bị m/ổ b/ụng lấy nội tạng không chị?
– Không đâu, đợi mai trời sáng các chú dưới đồn biên phòng sẽ đến cứu chị em mình thôi. Ở đây còn có cô Diệp Anh, em đừng lo.
Hai đứa nhỏ ngây thơ nghĩ rằng chỉ cần có tôi ở đây mọi chuyện sẽ ổn. Thằng Tuấn thấy chị nói vậy cũng lặng lẽ nằm xuống đùi bé Nhi nhắm mắt lại. Con bé vừa xoa lưng cho em vừa liên tục an ủi, đến khi thằng Tuấn đã ngủ nó mới cúi xuống lặng lẽ hỏi:
– Có phải, kiểu gì bọn cháu cũng sẽ không thể về không? Chú Lâm có đến cứu, bọn họ cũng g./iết cô và chú Lâm rồi mang bọn cháu đi bán đúng không ạ? Cháu nghe thấy hết rồi cô ạ.
Một đứa trẻ mười tuổi, tất nhiên đủ hiểu biết, cũng đủ nhận thức được lời của người lớn. Năm ấy tôi mới chỉ tám tuổi nhưng khi ba chị em tôi bị bán tôi vẫn hiểu được ý đồ xấu xa của đám người bắt cóc chị em tôi. Con bé thấy tôi im lặng, thì đan hai tay lại, nước mắt cũng bắt đầu rơi:
– Nếu vậy, bố mẹ cháu phải làm sao hả cô? Bố mẹ cháu chỉ có cháu và Tuấn, nếu như cháu và nó bị bán sang biên giới, bố mẹ cháu sẽ sống thế nào hả cô? Không còn chúng cháu, bố mẹ cháu làm sao mà sống nổi?
Tôi không nghe nổi hết câu, lồng ngực phập phồng đau nhói. Mặc dù tôi biết đám người này hết sức nguy hiểm, rơi vào bẫy này rồi thoát ra cũng chẳng dễ dàng. Nhưng bởi lời nói của con bé quá đáng thương, tôi không còn cách nào khác đành đáp lại:
– Không đâu, chú Lâm rất giỏi, chú ấy chắc chắn sẽ đưa được hai đứa về. Ngoài chú Lâm còn có cô nữa mà, hai đứa yên tâm nhé.
Con bé cúi xuống, gật đầu:
– Vâng. Chú Lâm rất giỏi, còn rất tốt bụng. Lần trước chú trèo lên mái nhà sửa lại nhà cho bố cháu, còn vác được mấy cánh cửa sắt, chú ấy khoẻ như vậy chắc chắn sẽ thắng được mấy kẻ xấu này cô nhỉ.
– Ừ, thế nên cháu đừng lo lắng, tin vào chú Lâm nhớ chưa?
– Vâng. Cháu biết rồi ạ. Cháu tin người tốt sẽ chiến thắng kẻ xấu. Chú Lâm là người tốt nhất mà cháu từng gặp. Lần trước mẹ cháu đi viện, chú còn giúp mẹ cháu đóng viện phí, tiền học của chị em cháu chú Lâm đóng, tiền ăn bán trú chú ấy cũng đóng luôn cho chị em cháu.
Tôi sợ con bé nghĩ ngợi linh tinh nên cũng nói chuyện để giết thời gian:
– Mẹ cháu sao lại phải đi viện?
– Mẹ cháu sức khoẻ không tốt lắm, từ hồi sinh thằng Tuấn mẹ cháu hay bị ốm, bị hậu sản mòn. Ngày trước nhà cháu cũng không đến nỗi nghèo lắm đâu, nhưng vì mẹ ốm nhà mất đi một nửa trụ cột, bố cháu vừa phải nuôi chị em cháu lại vừa phải thường xuyên đưa mẹ đi viện, bao nhiêu tài sản bán hết để chữa bệnh cho mẹ cháu. Đến khi cháu vào lớp một mẹ cháu mới khoẻ lên được chút, nhưng vì không có vốn làm ăn nên bố mẹ cháu phải đi làm thuê cho người ta. Lênh đênh trên biển làm ăn nhưng tiền người ta trả ít. Nếu không có chú Lâm chị em cháu chắc bỏ học từ lâu rồi, bố mẹ cháu thương chị em cháu nhưng gánh nặng lớn quá, nhà cháu cũng chẳng có sổ hộ nghèo, không được hỗ trợ, may mà có chú Lâm bọn cháu mới được học tới giờ chứ hồi năm ngoái là cháu suýt phải bỏ học rồi đấy ạ.
Khi nhắc đến việc được đi học, ánh mắt con bé cũng sáng rực lên. Tôi xoa xoa đầu con bé, nghĩ tới những hận thù của mình với gia đình Lâm không kìm được một tiếng thở dài. Rất lâu sau tôi mới nói ra được mấy chữ:
– Vậy thì cháu phải cố gắng học thật tốt để không phụ lòng chú Lâm nhé!
– Vâng. Cháu sẽ cố gắng học giỏi, sau này còn đi học đại học. Cháu sẽ lên Hà Nội thăm cô Diệp Anh và chú Lâm, lúc đó chắc cô Diệp Anh cũng sinh em bé rồi, em bé nhà cô Diệp Anh chắc cũng sẽ bằng cháu và thằng Tuấn bây giờ.
Nhìn ánh mắt mong chờ của con bé, tôi chỉ đành quay mặt đi lảng tránh:
– Cô ra cửa xem tình hình thế nào.
Bên ngoài cửa, mụ Lan và gã xăm trổ có vẻ còn sốt ruột hơn cả tôi. Tôi ngồi dựa lưng vào ván gỗ nhìn ánh trăng rọi xuống chờ đợi, cũng biết chắc Lâm sẽ đến. Ở đây có hai đứa nhỏ, với tính cách của anh ta dù có hiểm nguy cũng sẽ cố gắng cứu được bọn nhỏ, giống như ban nãy anh ta không ngại sóng to gió lớn lao ra biển vì nghe tin bọn chúng bị đuối nước. Khoảng mười phút sau tôi cũng nghe được tiếng giày lộp cộp đên trên sỏi, gã xăm trổ bật dậy đóng phập cửa vào, đúng lúc này thằng Tuấn cũng tỉnh lại khóc toáng lên. Trong tiếng khóc gào của thằng Tuấn tôi nghe được tiếng Lâm loáng thoáng, nhưng bởi thằng Tuấn khóc quá to nên tôi không rõ anh ta đã nói những gì nhưng dường như đang thương lượng gì đó mà đám người liên tục phải suy nghĩ. Không hiểu sao biết Lâm đến, tất cả nỗi hoang mang, sợ hãi của tôi cũng tan biến. Tôi nheo mắt nhìn ra cửa, thấy con bé Nhi liên tục dỗ dành em, mãi đến khi thằng Tuấn ngừng khóc tôi mới nghe được tiếng Lâm lạnh lùng nhưng quyết liệt cất lên:
– Bán hai đứa trẻ chúng mày cùng lắm được một tỉ, nhưng có chắc chúng mày sẽ đem nó qua được biên giới? Bây giờ không còn giống như những năm trước kia, nạn buôn người được chính phủ chỉ đạo gắt gao, biên phòng không hề lơ là nhất là trong dịp Tết này. Trong khi tao có thể cho chúng mày số tiền nhiều hơn thế cớ sao còn phải phân vân? Mày nắm rõ về Phượng Quang như vậy, chẳng lẽ không tin tao không có nổi ba tỉ bạc? Tiền mặt tao không mang về nhiều, nhưng có bao nhiêu cũng sẽ đưa cho chúng mày cả, cũng chấp nhận đổi mạng tao cho chúng mày tuỳ ý xử lý nếu nuốt lời.
– Thả hai đứa trẻ thì được, nhưng con vợ mày thì không, mày khỏi cần thuyết phục. – tiếng gã xăm trổ đáp lại.
– Thế thì tuỳ chúng mày thôi, một là tao một sống một còn với chúng mày, sau đó ra sao thì ra, chúng mày mang ai đi bán thì bán, giết ai thì giết nhưng đổi lại một xu tao cũng không cho chúng mày. Hai là để cô ấy dẫn hai đứa trẻ đi, tao theo chúng mày làm con tin, đến nơi có sóng tao sẽ chuyển đủ ba tỉ như đã hứa, cũng sẽ không báo công an.
Qua khe hẹp cửa, tôi thấy gã xăm trổ nhìn xuống sỏi đá giống như đang suy nghĩ những lời Lâm nói. Sau cùng hắn gọi mụ Lan cùng hai gã đàn ông kia qua một bên, không rõ đã bàn bạc những gì chỉ thấy một lúc sau mới quay lại bảo:
– Được! Tao đồng ý với điều kiện của mày. Giờ mày đi theo tao.
– Thả người trước!
Gã xăm trổ nghiến răng, nhưng nhìn sắc mặt lạnh lùng của Lâm cuối cùng cũng đạp cửa lôi tôi cùng hai đứa trẻ ra ngoài. Lúc này Lâm cũng vội vã lao về phía tôi, anh ta kiểm tra một lượt trên cơ thể tôi và hai đứa nhỏ thấy không có thương tích gì nhưng vẫn hỏi:
– Có đau ở đâu không?
Nhìn thấy anh ta, bao uất ức trong lòng tôi cũng trào lên. Nhưng giữa lúc nguy cấp thế này tôi không thể yếu đuối, cũng không rơi giọt nước mắt nào, chỉ lắc đầu đáp không sao. Anh ta liếc nhìn thấy đôi chân trần của hai đứa bé liền xé chiếc chăn bông bọc lại chân chúng thành hai đôi giày. Sau đó nói nhỏ vào tai tôi:
– Trên đường đi tôi có rải đá phát quang để đánh dấu đường. Em theo đường tôi đã đánh dấu dẫn hai đứa nhỏ về, đám người này không tin được, cố gắng đi càng nhanh càng tốt. Đừng nói gì, cũng đừng hỏi gì, nghe lời tôi dẫn hai đứa nhỏ đi, nếu kịp về đến trạm cảng, em cứ báo với bên biên phòng…
Cả người Lâm vẫn ướt sũng nước, đôi tay vì ngâm dưới nước mặn quá lâu giờ nhăn nheo không còn ra hình dạng gì. Anh ta không bận tâm, đưa cho tôi mấy viên kẹo trong túi bóng đựng điện thoại, rồi lặng lẽ lùi lại phía sau. Tôi đứng dậy, dắt hai đứa nhỏ ra ngoài, trong lòng bỗng đau đớn lạ kỳ. Nước từ trên mái tóc Lâm chảy xuống mặt, ánh mắt anh ta nhìn tôi vừa xót thương, lại vừa dịu dàng, xen lẫn cả một sự chờ mong. Tôi không muốn để anh ta ở lại một mình, có hận thù thế nào thì giờ phút này anh ta cũng đã không quản hiểm nguy để cứu tôi. Thế nhưng còn hai đứa nhỏ tôi cũng không thể do dự cuối cùng chỉ đành kéo tay chúng chạy về phía trước. Lúc chạy được một quãng tôi quay đầu lại, thấy Lâm đứng một mình giữa lũ ô hợp bất giác tê dại cả tâm can, nhưng nhìn ánh mắt đầy hi vọng của Lâm tôi biết anh ta đặt kỳ vọng vào tôi rất nhiều. Tôi hít một hơi tăng tốc độ, vừa chạy vừa không ngừng động viên hai đứa nhỏ:
– Hai đứa phải cố gắng lên, nếu bị bắt lại chắc chắn sẽ không còn đường về nhà gặp bố mẹ. Chú Lâm đã cố gắng giúp ba cô cháu mình thoát rồi, giờ hai đứa phải cùng cô cố gắng.
Nhắc đến Lâm, tôi hơi nghẹn lại, hai đứa nhỏ cũng siết lấy tay tôi mà chạy. Giày vải bông Lâm làm cho hai đứa rất chặt, chạy trên đường sỏi cũng không còn thấy đau. Mấy viên đá phát quang cách xa nhau cả mét, nhưng dưới những tán cây thông tôi vẫn nhìn rõ, cứ thế mà lao đi. Dẫu sao tôi cũng sống ở đảo mười mấy năm, đã phải chạy bộ bao nhiêu cây số để đi học nên sức chạy rất bền. Hai đứa nhỏ đã được ăn uống một chút, thằng Tuấn lại được ngủ một giấc nên lần này cũng tỉnh táo hơn đôi chút. Cả hai đều hiểu đây là cơ hội duy nhất, nếu như không cố gắng hết sức thì chẳng thể được gặp bố mẹ nữa. Chạy được khoảng hai phần ba đường thì hai đứa nhỏ bắt đầu kiệt sức dần. Tôi cũng không thể ép chúng chạy mãi được nên đi chầm chậm lại bóc kẹo trong túi cho mỗi đứa một cái rồi nói:
– Bây giờ ba cô cháu đi bộ, vừa đi vừa ăn kẹo, ăn xong lại tiếp tục chạy được không?
Hai đứa nhỏ gật đầu, thở hồng hộc nghỉ một lúc, đến khi ăn xong kẹo lại tiếp tục theo tôi chạy. Mãi đến khi chạy đến bìa rừng, tôi cũng thấy thấp thoáng phía sau có ánh đèn pin. Trong phút chốc tôi cũng dần hiểu ra vì sao Lâm lại nói không tin được đám người này. Đến được đây, là đã sắp về được đến trạm xá rồi, đường chạy về trạm xá không quá xa nhưng so với khoảng cách đèn pin mà tôi ước chừng thì cả ba cô cháu sẽ không kịp chạy, nếu để bị bắt lại thì hai đứa nhỏ này sẽ chẳng còn cơ hội về nhà. Giữa núi rừng âm u, từ xa xa tôi cũng nghe được tiếng mụ Lan chửi bới. Lúc này tôi không còn thời gian để lựa chọn, mặc dù trong lúc túng quẫn này tôi vẫn chưa thể quên đi hận thù của mình, có điều nhìn hai chị em đứa nhỏ ôm nhau run rẩy, tôi lại nhớ đến hình ảnh ba chị em tôi trước kia. Thật ra từ khi mẹ tôi mất, đến khi chị Linh mất lòng tôi tựa như đã chết rồi, chẳng qua nghĩ đến hận thù mà cố gắng sống. Giờ đây Lâm còn ở trong vòng tay đám người kia, cùng lắm tôi và anh ta cùng chết, mụ dì ghẻ chắc chắn cũng sống không bằng chết, vậy cũng xem như xoá hết hận thù kiếp này. Tôi có thể lựa chọn bản thân mạo hiểm, nhưng không thể để hai đứa trẻ vô tội này trở thành nạn nhân của buôn người, cuối cùng tôi cũng kéo hai đứa lao thẳng ra đường chính rồi nói:
– Nhi, cháu biết đường từ đây ra trạm xá không?
– Cháu có, đường này cháu với thằng Tuấn vẫn đi hái sim suốt.
– Từ đây đến trạm xá không còn xa, ở đây cũng không có người. Cháu dẫn em Tuấn chạy theo đường này về trạm xá được không?
– Còn cô thì sao?
– Hai đứa nghe lời cô, chạy về đi đã, cô ở lại đây để đi cùng chú Lâm về sau. Cô và chú Lâm là người lớn, sẽ không sợ gì cả.
– Nhưng mà…
Tôi gào lên:
– Dẫn em chạy đi, mau lên. Nếu muốn về nhà gặp bố mẹ thì nghe lời cô, dẫn em Tuấn theo đường mòn này chạy thẳng vào trạm xá. Sau đó nhờ các cô ở trạm xá báo với bố mẹ. Hai đứa không đi sẽ không còn cơ hội chạy, bố mẹ hai đứa cũng không sống nổi nếu hai đứa bị bán đi đâu. Mau lên. Nếu về được đến nơi, báo các chú bộ đội theo đường đá phát quang vào nhà hoang, vẫn không tìm được cô và chú Lâm thì xuống cảng Sơn Hào, nhớ chưa?
Con bé lặng lẽ túm lấy tay em trai, cuối cùng cũng lao đi, vừa chạy vừa ngoảnh lại, nước mắt lưng tròng nói:
– Cô Diệp Anh, chúng cháu chờ cô và chú Lâm quay về. Về đến nơi cũng sẽ báo biên phòng như cô dặn.
Nói xong, con bé cũng dùng hết tốc độ để nắm tay em chạy. Tôi cũng quay lại, lao vào bìa rừng tìm một thanh gỗ lớn. Đến khi thấy bóng hai đứa trẻ khuất dần trên đường mòn cũng nắm chặt lấy thanh gỗ. Quả như tôi dự liệu, chẳng mấy chốc tôi đã thấy mụ Lan và gã đàn ông lái xe chạy đến, vừa chạy vẫn vừa nghe tiếng mụ Lan cằn nhằn:
– Đồ ngu! Bảo lấy xe đuổi theo thì không lấy.
– Bà mới ngu đấy, xe đấy xăng cùng lắm chỉ để xuống cảng Sơn Hào, giờ lấy đi hết xăng thì chạy bộ xuống đó à?
Tôi cầm lấy thanh gỗ, đợi hai người bọ họ gần đến liền trong lùm cây lao thẳng ra lấy hết sức lực đập vào đầu mụ Lan. Mụ ta bị thanh gỗ đập vào, bất ngờ loạng choạng ngã xuống đất. Tên lái xe thấy vậy định tóm lấy tôi, nhưng tôi đã nhanh chóng phang thẳng lên mặt hắn. Đáng tiếc hắn mình đồng da sắt, bị đánh đau như vậy cũng chỉ ôm lấy mặt rồi lao đến định túm tay tôi gầm lên:
– Con ranh con này, muốn chết hả.
Tôi vẫy vùng thoát ra, đúng lúc này mụ Lan cũng sắp đứng dậy, liền điên cuồng cầm thanh gỗ đập thẳng vào mặt mụ ta. Trong phút chốc máu từ mũi mụ ta cũng tuôn ra, dường như còn gãy một cái răng. Mụ ta rít lên từng cơn:
– Tao giết mày, tao giết mày con chó chết này.
Gã lái xe cũng nhanh chóng tóm được tay tôi, tôi liền dùng ra sức đạp lên ống đồng và cổ chân mụ ta, không quên cắn lên tay gã lái xe. Hắn ta bị đau, buông tay tôi ra, tôi liền dùng cả thân người nhảy lên chân mụ dì ghẻ rồi lao thẳng vào lùm cây. Chỉ có điều chưa nổi một phút tôi đã bị gã lái xe tóm lại túm lấy tóc vả vào mặt tôi chửi rủa:
– Mày chán sống rồi đúng không?
Tôi biết hắn sẽ không dám giết tôi, còn giá trị lợi dụng hắn sẽ không thể giết tôi được. Mụ Lan mãi mới đứng được dậy, máu mũi vẫn chưa ngừng chảy, máu từ chiếc răng bị gãy cũng vẫn chưa khô tràn xuống cả miệng, một bên mặt mụ ta sưng húp, mắt cũng híp lại gầm gừ:
– Mày cứ chờ đấy, đợi bà mày bóp chết mày.
Tôi nhìn mụ ta đứng dậy, chân bị đạp có lẽ trẹo cổ chân nên giờ lặc liễng đi từng bước. Thế nhưng mụ ta không đi vào rừng mà đi về phía bìa rừng. Gã đàn ông lái xe thấy vậy thì hất hàm hỏi:
– Đi đâu?
– Đi tìm hai đứa trẻ kia.
Mụ ta nói đến đâu, dùng hai tay bịt mũi lại cho máu mũi khỏi chảy. Với tốc độ này của mụ ta có lẽ khi hai đứa về đến trạm xá mụ ta vẫn chưa thể đuổi được nửa. Gã lái xe thấy vậy thì lừ mắt:
– Tìm chúng nó với cái chân què đấy à? Mang con này quay về đã. Đồ đần độn, bị con ranh con đánh cho thành ra bộ dạng thế kia.
Nói đến đâu, gã lái xe lôi xềnh xệch tôi đi đến đấy. Mụ Lan vẫn không cam lòng khi lọt mất hai đứa trẻ, vừa lặc liễng theo sau vừa liên tục nguyền rủa. Tôi không thèm để ý, coi như chó sủa bên tai, đầu óc lúc này chỉ nghĩ đến việc hai đứa trẻ đã về được đến trạm xá chưa, cũng nghĩ xem làm sao để thoát được lũ người này.
Vì mụ Lan bị đau chân nên tốc độ đi vào rừng cũng chậm đi phân nửa. Khi về đến căn nhà hoang tôi cũng thấy Lâm ngồi trên xe túc túc, hai bên là gã xăm trổ và gã đồng bọn. Nhìn thấy tôi, gương mặt Lâm bất giác hiện ra những tia phẫn nộ, tuy rằng anh ta đã đoán được trước nhưng vẫn không nén được cơn giận gằn từng chữ:
– Chúng mày nuốt lời! Thả cô ấy ra.
Gã xăm trổ rất bình thản đáp lại:
– Bình tĩnh, dù sao người cũng còn nguyên vẹn, nhìn ánh mắt mày cũng đủ thấy con ranh này quan trọng với mày thế nào. Tao cũng là muốn mang nó đi để mày khỏi lừa bọn tao, yên tâm, chuyển tiền xong tao sẽ thả chúng mày ra. Đừng làm liều, nếu không tao sẽ h.iếp rồi g.iết nó trước mặt mày đấy.
Sống lưng Lâm run lên, cơn giận gần như đã đạt đến cực điểm. Nhưng anh ta không nói câu nào, khi thấy tôi bị kéo lên xe, anh ta cũng lẳng lặng đỡ tôi ngồi cạnh mình, bàn tay chai sạn chầm chậm đưa xuống nắm tay tôi. Nhìn gương mặt in hằn mấy cái vả của tên lái xe, ánh mắt Lâm tràn đầy sự xót xa hỏi tôi:
– Đau không?
– Em không sao.
Gã lái xe trèo lên xe, bắt đầu nổ máy, tôi cũng quay sang nói nhỏ với Lâm:
– Hai đứa bé em dẫn ra đến bìa rừng sau đó để chúng tự chạy về trạm xá rồi.
Anh ta gật đầu, ánh mắt hoàn toàn tin tưởng đáp lại:
– Đến được đó hai đứa cũng sẽ tự về được.
Nói rồi, anh ta cũng kéo tôi dựa vào vai mình, áo trên người anh ta cũng được gió hong khô, bàn tay xoa xoa lên mái tóc tôi. Xe túc túc theo con đường rừng đi về hướng thôn Sơn Hào. Đám người sợ lộ không bật cả đèn xe chỉ theo ánh trăng để đi. Đêm xuống, sương lạnh buốt, gió thổi qua tán cây vào người. Lâm lấy chiếc vỏ chăn để dưới chân quàng qua vai tôi, suốt đoạn đường đi chỉ im lặng không nói.
Khi xe đến cảng Sơn Hào, đám người cũng lôi tôi và Lâm xuống, gã lái xe rút chìa khoá xe đưa cho gã xăm trổ sau đó đẩy chúng tôi lên một con thuyền. Tiếng máy nổ phành phạch phát ra, sóng vỗ vào mạn thuyền khiến con thuyền chòng chành lắc lư. Tôi và Lâm ngồi trên mũi thuyền, nước biển tối tăm một màu thăm thẳm. Tôi không rõ đám người này định đi đâu, chỉ thấy con thuyền rẽ sóng, từ từ rời bến. Chỉ có điều thuyền mới đi được khoảng mười phút tôi cũng nghe được những tiếng rít lên thì chân vịt. Con thuyền không dừng lại nhưng gã lái xe dường như đã nhận ra vấn đề liền cúi xuống kiểm tra. Khoảng mấy phút sau tôi nghe được tiếng hắn ta chửi tục:
– Mẹ k.iếp, máy có vấn đề rồi, giờ phải sửa thôi.
Gã xăm trổ nhìn ánh trăng đã treo cao, đạp mạnh lên con thuyền gầm lên:
– Sửa bao giờ mới xong?
– Giờ cũng chưa biết nhưng máy chết, không thể đi xa được nữa.
– Nhưng cũng không thể ngồi ở đây chờ. Nếu bọn biên phòng truy lùng ra thì chết cả đám.
Gã lái xe nhìn về phía trước, sau đó đáp lại:
– Bây giờ em sẽ cố đưa thuyền vào tạm đến cảng Tân Lập. Anh và thằng Tấn với con mụ Lan đưa chúng nó lên, tìm chỗ ở tạm, bao giờ em sửa xong sẽ chạy lên gọi.
Giờ không còn cách nào khác, gã xăm trổ đành chấp nhận. Gã xăm trổ, gã đàn em và mụ Lan đưa tôi và Lâm lên cảng Tân Lập. Nơi đây là một địa phận của xã Quan Lạn, nhưng dân cư gần như không có, số hộ dân có lẽ chỉ có vài ba hộ. Đường từ cảng đi vào ngoằn ngoèo, hai bên là núi rừng chập chùng. Đi khoảng hai mươi phút không có nổi một bóng nhà dân nào. Tìm mãi, tìm mãi cuối cùng cũng tìm được một căn nhà bỏ hoang. Ở đây cũng không có sóng, gã xăm trổ kiểm tra điện thoại vài lần sau đó nghiến răng nghiến lợi chửi bậy liên tục. Lúc này mụ Lan đã mệt mỏi, kiệt sức, gã xăm trổ và gã đàn em thấm mệt ngồi dựa lưng vào góc tường.
Lâm liếc nhìn gã xăm trổ, dường như bắt đầu tính toán gì đó. Anh ta kéo tôi vào gần, vừa tháo chiếc chăn mỏng trên vai tôi vừa hỏi:
– Có mệt không?
Tôi lắc đầu cũng nghe anh ta nói rất nhỏ vào tai:
– Chuẩn bị tinh thần một chút. Làm theo mệnh lệnh của tôi.
Gã xăm trổ không để ý, vốn tưởng rằng Lâm đang tình tứ với tôi, hắn ta rút điếu thuốc ra châm. Lúc này Lâm cũng lặng lẽ đưa vào tay tôi một chiếc roi mây. Tôi biết đây là cơ hội duy nhất của chúng tôi, bởi lúc này chỉ có hai gã đàn ông, nếu như ra khỏi đây, tên lái xe cũng trở về thì cơ hội thoát vô cùng khó. Tên lái xe là tên khoẻ nhất trong đám người này nên nếu hắn trở về cùng đám người đem chúng tôi đến nơi có sóng điện thoại, Lâm chuyển tiền cho chúng, chắc chắn chúng sẽ ngay lập tức giết tôi và Lâm sau đó cao chạy xa bay.
Tôi gật đầu, nhanh như chớp Lâm cũng cầm chiếc ghế ở góc nhà hoang phang thẳng vào gã xăm trổ. Hắn ta bất ngờ loạng choạng, Lâm liền nhân cơ hội sút thẳng vào đầu hắn ta rồi ra lệnh cho tôi:
– Chạy mau.
Gã đàn em lao đến Lâm, lúc này mụ Lan không phải là đối thủ của tôi. Tôi cầm roi mây quật thẳng vào mắt mụ ta. Trong phút chốc mụ ta ngã nhào xuống đất, tôi không thể tha thứ, điên cuồng dùng mũi giày thể thao đắt tiền đạp thẳng lên đầu mụ ta. Đến khi mụ không thể chống cự tôi cũng lấy viên gạch nhằm gáy mà đập. Phía sau lưng tôi, gã xăm trổ đã bị Lâm quật ngã, gã đàn em nhanh chóng rút con dao trong túi lao về phía Lâm. Anh ta dùng chiếc ghế để đỡ, nhưng gã đàn em cũng rất tỉnh, quay ngược lại lao về tôi. Tôi sửng sốt, chưa kịp phản ứng đã thấy Lâm lao tới ôm chặt lấy mình, giơ cẳng chân lên cao đá vào cánh tay gã đàn em. Đáng tiếc gã đàn em rất nhanh đã đoán được ý, con dao ngay lập tức cắm phập lên đùi Lâm rồi kéo mạnh rạch thành một đường dài và sâu hoắm, máu trên đùi anh ta bỗng chốc cũng phun ra. Tôi hoảng hốt nhìn dòng máu đỏ thẫm, định xông tới nhưng Lâm đã quát:
– Em mau chạy đi! Chạy đi.
Nói rồi anh ta tay không túm lấy con dao, mặc cho chân máu chảy đầy sàn nhà, lần này đã giành thế chủ động phập thẳng dao xuống ống đồng gã đàn em. Hắn ta đau đớn gào thét như lợn bị chọc tiết. Vẫn chưa dừng lại ở đó, Lâm cùng chiếc ghế gỗ, quật hắn ta đến khi hắn ta bất động mới chạy về phía tôi mắng:
– Tôi bảo em chạy đi cơ mà.
– Em không thể bỏ mặc thầy ở đây một mình.
Lâm nhìn tôi, nuốt một ngụm khí, định nói gì đó nhưng cuối cùng chỉ cầm ghế đập thêm vào nhát vào chân gã xăm trổ rồi lục túi lấy chìa khoá xe sau đó nhặt con dao kéo tôi ra khỏi nhà hoang. Giờ với vết thương này gã lái xe mà về kịp sẽ chết chắc nên Lâm cũng không thể chần chừ. Máu trên chân Lâm chảy xuống, bàn tay nắm dao của anh ta cũng dính đầy máu. Tôi liền đẩy anh ta ngồi xuống rồi nói:
– Để em băng tạm vết thương cho anh đã.
Lâm sợ gã lái xe sẽ quay lại, nhưng nếu để hắn phát hiện ra hướng chúng tôi đi còn nguy hiểm hơn nên đành ngồi xuống để tôi xé áo ngoài của mình sau đó cắt mảnh quần ra rồi buộc quanh đùi, bàn tay cũng được tôi buộc lại để cầm máu rồi mới nhanh chóng chạy theo đường rừng. Có lẽ đã quá nửa đêm, trời lạnh buốt nhưng mồ hôi trên người tôi và Lâm đã túa ra như mưa. Suốt đoạn đường đi, Lâm không buông tay tôi một giây phút nào, bàn tay nắm chặt, đôi chân đi phía trước để mò đường, bàn tay bị thương nhưng chỉ cần có một bụi gai nhọn đều sẽ bẻ sang bên cho tôi đi.
Trong khoảnh khắc đương đầu với sinh tử này, tôi bỗng cảm thấy trái tim mình khắc khoải và đớn đau vô cùng. Rốt cuộc tôi không thể hiểu nổi đối với tôi, Lâm có ý nghĩa thế nào, nhưng rõ ràng có một thứ tình cảm gì đó đã nhen nhóm trong lòng tôi từ bao giờ. Thương con kẻ thù của mình là thứ tình cảm thật đáng chết, vừa giày vò, vừa tuyệt vọng, biết rõ không thể nhưng cớ sao nhìn anh ta bảo vệ mình, tôi lại thấy co rút lồng ngực?
Bóng tôi và Lâm đổ dài trên đường rừng. Mặc dù bị thương, nhưng Lâm không hề kêu một tiếng. Với vết thương nặng thế này, anh ta vẫn cố gắng đi với vận tốc nhanh, dẫn tôi vào đến bên trong cánh rừng, đến một người không đau đớn gì như tôi còn cảm thấy sắp không chịu nổi có vậy thì anh ta đã phải nỗ lực chịu đựng thế nào?
Đi bộ khoảng hơn một tiếng đồng hồ tôi cũng thấy Lâm bắt đầu đi chậm lại, sắc mặt cũng tái nhợt, đôi môi trắng bệch cả đi. Tôi nhìn Lâm, khẽ hỏi:
– Anh còn đi được nữa không? Nếu không dừng lại nghỉ một lúc.
Lâm lắc đầu tỏ ý không sao cũng không muốn dừng lại. Chỉ có điều đi thêm khoảng ba mươi phút nữa tôi cuối cùng anh ta cũng dừng hẳn lại, ánh mắt đen thẫm, cả người nóng rực từ từ buông tay tôi ra nhét vào túi áo tôi chiếc chìa khoá xe túc túc rồi hỏi tôi:
– Diệp Anh. Em có biết điều khiển xe túc túc không?
– Em có, trước kia đã từng thử đi vài lần, tuy rằng chưa thành thạo nhưng nếu cố gắng thì vẫn có thể lái được, dân trên đảo em đa số đều biết lái xe túc túc.
– Lúc nãy trên đường đi tôi có quan sát thấy cách con thuyền của bọn chúng dịch về hướng Tây có một chiếc thuyền mủng nhỏ. Chiếc thuyền mủng này chỉ có thể một người đi được, thuyền máy của bọn chúng có sửa xong chắc chắn cũng sẽ khoá máy nên không thể sử dụng được. Em quan sát lên ánh trăng, trăng hôm nay lưỡi liềm nên em cứ theo hướng Tây để đi, hôm nay đầu tháng, phần sáng là phần chỉ hướng Tây. Em đi đi.
Tôi nghe xong sững sờ nhìn Lâm rồi lắc đầu đáp lại:
– Không, em không đi một mình đâu.
– Bọn chúng có thể đuổi tới bất cứ lúc nào. Mau đi!
Mặc cho anh ta đã phát cáu, tôi túm lấy anh ta dìu lên vai mình. Tôi cũng là con người, cũng có cảm xúc. Đến con vật còn có tri giác, có tình thương, tôi hận gia đình anh ta đến đâu cũng vẫn có lương tâm làm người. Anh ta không màng nguy hiểm cứu tôi, cứu mấy đứa trẻ, tôi cũng không thể bỏ mặc anh ta ở đây. Lâm thấy tôi cố chấp như vậy liền đẩy tôi ra, nhưng giờ anh ta đã bị thương, chân còn đi chẳng vững, tôi mặc kệ nắm chặt vai không buông lấy hết sức từng bước men theo đường rừng đi về hướng Tây. Anh ta bị tôi kéo đi thì chửi mắng:
– Em điên rồi! Buông tôi ra.
– Thầy Lâm! Thầy đừng có nói nữa, nói nhiều phí sức, im lặng để mà giữ sức.
– Này…
– Giờ này không còn tôn sư trọng đạo nữa gì cả, em sẽ không bỏ thầy, thầy trật tự đi!
Lâm bị tôi mắng lại khẽ cau mày lại, nhưng giờ anh ta không có sức để chửi tôi, cũng biết tôi sẽ không buông như vậy đành khập khiễng bước đi. Anh ta cố gắng đi nhanh, giống như không muốn làm gánh nặng cho tôi, nhưng càng như vậy lại càng nhanh mất sức. Mồ hôi túa ra, bị gió hong khô, chân anh ta máu mỗi lúc một chảy ra nhiều, cả người cũng hầm hập nóng. Cuối cùng khi đi đến một con suối nhỏ anh ta cũng dừng lại, gương mặt xanh nhợt buông tay tôi ra rồi nói:
– Diệp Anh! Nghe lời tôi, giờ không còn nhiều thời gian nữa nếu em không đi một mình sẽ không kịp. Hoặc là em về được đến nơi báo biên phòng thì ít nhất tôi cũng có khả năng được cứu, hoặc là cả tôi và em sẽ chết ở đây.
Ngay sau đó chân Lâm cũng run rẩy rồi khuỵ xuống, tiếng thở dốc hỗn loạn và kiệt quệ. Trán anh ta nóng như lửa đốt, máu chảy xuống cả đến cổ chân, thấy tôi im lặng, anh ta cũng ngước lên, giọng nói đầy mệt nhọc:
– Trên đời này không có gì quý trọng hơn tính mạng cả. Em cố gắng kéo tôi đi không những không cứu được tôi ngược lại còn làm ảnh hưởng đến tính mạng mình. Tôi biết chắc mình không thể đi nổi quá mười phút nữa. Mà dù có xuống được đến nơi chiếc thuyền mủng ấy chỉ có thể một người đi. Không có lựa chọn tốt nhất, chỉ có lựa chọn tốt hơn. Có lẽ cũng sắp đến được bến cảng rồi, em đi đi, tôi sẽ ở đây chờ em.
– Thầy Lâm!
– Diệp Anh! Nghe lời tôi. Đi đi. Bọn chúng còn cần tôi, sẽ không giết tôi dễ dàng vậy đâu.
Lời anh ta nói không một lời nào là thừa thãi, bản thân tôi cũng biết rõ nếu cố gắng kéo Lâm đi có thể tính mạng của cả hai đều không giữ được. Lẽ ra anh ta gặp nguy hiểm tôi phải vui mừng, nhưng sao tôi không thể vui nổi. Nếu như tôi đi, đám người kia quay lại giết chết anh ta, vậy đây là lần gặp gỡ cuối của tôi và anh ta. Tôi cúi xuống, khoé mắt như có một màn sương đọng lại, nhưng thời gian từng giây trôi đi đều quý giá ngàn vàng. Cuối cùng tôi lặng lẽ chạy ra bờ suối, nhặt chiếc vỏ dừa múc một vốc nước đưa cho Lâm, sau đó lại hái mấy quả mẫu đơn, vài quả ổi rừng đặt vào tay anh ta. Trời có vài ánh sao sáng, tôi cúi xuống xé nốt vạt áo ngoài buộc lên chân anh ta sau đó nhìn gương mặt anh ta một lần. Thấy tôi vẫn do dự không rời đi, anh ta ngay lập tức gầm lên:
– Đi đi!
Tôi siết chặt tay túm lấy vạt áo, giữa sống và chết chỉ có thể chọn một, cuối cùng tôi cũng mím chặt môi, nghẹn ngào nói:
– Thầy chờ em ở đây nhé! Nhớ phải chờ em đấy.
Nói rồi tôi cũng lặng lẽ xoay người, theo hướng trăng trên trời để chạy. Chạy được một đoạn, quay lại thấy Lâm cũng đã nằm gục xuống phiến đá, không còn chút sức lực nào cũng không rõ sống chết ra sao. Nhưng tôi không còn lựa chọn nào nữa chỉ biết cắm đầu mà chạy, dùng hết tốc độ đã tôi luyện xong hơn hai mươi năm qua chạy như bay. Anh ta nói phải, tính mạng quan trọng hơn tất thảy!
Tôi không nhớ mình đã chạy bao lâu có lẽ phải đến một tiếng đồng hồ hoặc hơn thế nữa, có lúc mệt quá chỉ đành bóc kẹo ăn và đi bộ lấy sức sau đó mới chạy tiếp, đến khi qua rừng bạch đàn cũng nhìn thấy phía trước là mênh mông biển cả, còn có tiếng sóng vỗ xào xạc vào bờ. Trời lúc này cũng đã có chút ánh sáng, áng chừng khoảng hai ba giờ sáng. Tâm trạng tôi vừa kích động, vừa hưng phấn xen lẫn cả sự day dứt. Tôi túm một cành cây làm gậy, chậm chạp chống xuống đi về phía mặt biển. Đến khi qua đoạn dốc tôi cũng nhìn thấy con thuyền mủng mà Lâm đã nói. Trong lòng tôi dù rối bời nhưng không khỏi khâm phục khả năng quan sát của anh ta. Con thuyền mủng cách con thuyền máy của đám người kia chỉ khoảng hơn một trăm mét, rất nhỏ, chỉ có thể một người đi được. Tôi đưa mắt nhìn về phía thuyền của đám người, không hề có động tĩnh gì liền vội vã nhảy xuống thuyền mủng tháo dây, cầm hai chiếc chèo chèo thẳng về phía bên kia bờ Sơn Hào. Gió đánh xuôi dòng, dù mệt đến mức không còn chút sức lực nào, chân tay cũng run rẩy, đói khát nhưng nghĩ đến Lâm vẫn nằm trong rừng tôi chỉ biết cố gắng hết sức để chèo.
Đến cảng Sơn Hào mất tận nửa tiếng, đi bằng tàu thuyền máy chỉ khoảng mười đến mười lăm phút, nhưng chèo bằng sức người dù xuôi dòng vẫn mất gấp đôi quãng đường. Lên đến bờ, chân tay tôi run lẩy bẩy lảo đảo như muốn sụp đổ ngay tức khắc nhưng lý trí nhắc nhở tôi phải gắng gượng. Tôi gần như bò đến chiếc xe túc túc, đôi tay không còn cảm giác gì trèo lên, tê liệt, run rẩy mãi mới có thể cắm được chìa khoá vào.
Khi chiếc xe được nổ máy lên, tôi bật pha đèn sáng hết cỡ lao thẳng từ cảng Sơn Hào về trung tâm xã. Có điều xe mới đi khoảng chừng một phần ba quãng đường cũng đột nhiên dừng lại. Tôi nổ máy đề mãi vẫn không tài nào đi được, đến khi mở khoang xăng mới biết xăng xe đã cạn kiệt. Không còn cách nào khác tôi đành nhảy xuống xe để chạy bộ. Chạy được khoảng một trăm mét tôi cũng thấy mấy con xe túc túc từ xa đi tới. Trời lúc này cũng đã lờ mờ sáng, tôi chưa kịp định hình cũng thấy trên xe một người mặc quân phục nhảy xuống rồi hỏi:
– Cô Diệp Anh, cô có bị thương ở đâu không? Anh Lâm đâu, đám người kia ở đâu rồi?
Tôi không còn thời gian mà suy nghĩ, chỉ túm lấy người bộ đội nhảy lên xe đáp lại:
– Anh ấy vẫn ở khu rừng bạch đàn bên Tân Lập. Mau lên… mau cùng tôi qua bên ấy.
Trên xe là hai người ở đồn biên phòng, hai người công an, phía sau còn có hai xe đều là người dân trên đảo, hầu hết là trai tráng khoẻ mạnh. Xe túc túc theo đường xuống cảng, lúc lên xe tôi mới biết chị em nhà bé Nhi đã về đến trạm xá an toàn từ đêm qua. Con bé Nhi sau khi hoàn hồn đã nhờ người dẫn xuống đồn biên phòng báo lại sự việc sau đó đã chỉ đường theo đá phát quang vào nhà hoang trong rừng thông. Người dân trong làng, hầu hết là những gia đình được Lâm giúp đỡ nghe tin đã đốt đuốc phụ đi tìm suốt một đêm trời. Chỉ là tìm khắp cánh rừng thông không thấy chúng tôi liền quay trở về theo lời bé Nhi đi đến cảng Sơn Hào thì vừa hay gặp tôi. Phía bộ đội đã gọi báo tin cho mấy người đồng nghiệp của Lâm, có khả năng mụ dì ghẻ và ông Quang cũng đang trên đường từ Hà Nội về đảo. Sau đó mấy người bộ đội còn nói gì đó, nhưng tôi căn bản đã không nghe nổi, tâm trí chỉ nghĩ xem rốt cuộc Lâm thế nào rồi. Thậm chí tôi còn không nhớ nổi mình đã làm thế nào để sang bên cảng Tân Lập, càng không rõ đồn biên phòng điều xuồng bay từ bao giờ, chỉ biết khi sang đến cảng Tân Lập cũng vội vã dẫn người theo lối mòn đi lên khe suối để tìm Lâm.
Nơi mà Lâm nằm trước khi tôi rời đi tôi nhớ rất rõ, thế nhưng khi lên đến bờ suối lại không hề thấy bóng dáng Lâm đâu. Phiến đá vẫn còn dính máu, tôi chắc chắn không thể nhớ nhầm vị trí, thậm chí gáo nước vỏ dừa và mấy đầu của quả ối rừng vẫn vứt cạnh phiến đá. Trong phút chốc, tôi bàng hoàng và hoảng hốt, mấy người bộ đội, công an trai tráng cũng chia nhau đi tìm khắp cánh rừng vẫn không thấy bóng dáng Lâm đâu.
Lòng tôi càng lúc càng hoảng loạn, trong giờ phút này đã hoàn toàn quên đi mọi hận thù. Tôi không còn biết thế nào là mệt mỏi chạy khắp cánh rừng để tìm Lâm. Mặc dù tôi đã cố gắng tự nhủ rằng không phải tôi thương Lâm mà đơn giản chỉ là anh ta tử tế, nhân cách cao đẹp, biết phân biệt đúng sai phải trái, có đạo đức, ôn nhu điềm đạm nên chút tình người trong tôi sót lại mới nảy sinh ra cảm giác này. Nhưng tôi lại đâu biết chỉ là mình không đủ can đảm để thừa nhận giờ phút này tôi thực sự thương Lâm đến mức không kiểm soát nổi lý trí. Mặc cho tôi và tất cả mọi người đã nỗ lực, cho tới khi trời sáng, mặt trời lên vẫn không thấy bóng dáng Lâm đâu. Rất lâu sau, tôi mới nghe được tiếng mấy người bộ đội gọi mình đi về phía thôn làng, hình như đã tìm ra tung tích của Lâm. Người bộ đội trẻ không rõ vừa đi đâu về, chỉ thấy chiếc áo quân phục ướt đẫm như mưa, trong lòng tôi vừa nhen nhóm lên chút hi vọng thì nghe tiếng người bộ đội trẻ cất lên run run:
– Có người dân nhìn thấy đám tội phạm tìm được anh Lâm ở bìa rừng sau đó đã mang anh ấy lên thuyền đi về phía đất liền.
Tôi ngước mắt lên nhìn, vốn định nói mau đuổi theo nhưng tai đã ù đặc, tiếng người bộ đội chậm rãi nói từng chữ:
– Nhưng con thuyền đi với tốc độ nhanh, đâm vào dãy núi, thuyền lật tung, không rõ thương vong thế nào!

Yêu thích: 3.7 / 5 từ (8 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN