Sao Sáng Chờ Anh Về - Phần 31
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
136


Sao Sáng Chờ Anh Về


Phần 31


Tôi ngồi thẫn thờ trên giường, không biết mình đã khóc hay cười, là khóc vì thương nhớ con hay cười cho vì sự mâu thuẫn của chính bản thân tôi. Lâm nói đúng, tôi đã lựa chọn rồi sao còn yếu lòng, tôi đã lựa chọn rồi còn khóc lóc hay đau đớn làm gì?

Ngồi vài phút tôi cũng thấy cô Hiền mang một cạp lồng cháo vào. Nhìn thấy đôi mắt sưng mọng và gương mặt ngập nước mắt của tôi có lẽ cô cũng đã đoán được có chuyện gì. Cô Hiền lẳng lặng múc cháo ra bát rồi bảo với tôi:

– Diệp Anh. Cháu ăn cháo đi. Ăn đi mới có sức được. Vừa đẻ xong đừng khóc hay suy nghĩ nhiều nữa. Từ từ rồi mọi thứ cũng qua, chuyện gì cũng nguôi ngoai được thôi. Cô cũng làm mẹ cô hiểu được nỗi đau của cháu, cứ bảo là bỏ con đấy, không muốn có nó đấy nhưng tới lúc đẻ nó ra rồi mới biết con cái là nắm ruột sao mà bỏ được, đưa cho cho người khác nuôi day dứt, giày vò lắm chứ. Nhưng hoàn cảnh của cháu đã thế rồi, cháu cũng đã chấp nhận và lựa chọn rồi thì đừng buồn đau nhiều. Con bé sống với cậu Lâm cũng rất tốt, cậu ấy cẩn thận, ôn nhu, khiêm nhường chắc chắn sẽ nuôi dạy con bé thật tốt thôi. Cháu đừng khóc nữa, tập quên đứa bé dần đi. Sau này cháu lấy chồng sinh con sẽ có những đứa con khác, mọi thứ cũng sẽ quên được thôi. Cô biết nói ra câu này thì tàn nhẫn lắm, nhưng xét cho cùng thì ít ra đứng ở khía cạnh một người mẹ sinh con ra lành lặn khoẻ mạnh cũng đã may mắn hơn so với rất nhiều người khác rồi, vừa nãy bên kia có người thai lưu 38 tuần, thai ch.ế/t trong bụng mấy ngày rồi mà không biết. Đau đớn lắm mà vẫn phải đi đẻ, đẻ con ra con người ta thì sống, còn con mình thì tím tái lạnh ngắt từ bao giờ cứ ôm thấy thân thể đứa bé ấy mà khóc thôi cháu ạ. Đấy mới là nỗi đau đớn kinh khủng nhất của người làm mẹ. Nên cháu sinh con ra lành lặn, xinh xắn, khoẻ mạnh có để cậu Lâm nuôi cũng vẫn may mắn cháu ạ.

Khi nghe những lời cô Hiền nói tôi cũng sững sờ mất mấy phút. Đúng là trên đời này không có điều gì kinh khủng bằng nỗi đau sinh ly tử biệt, mất đi người sinh ra mình hay mất đi người mình sinh ra đều đau khổ đến tuyệt vọng. Thực ra tôi biết tôi sẽ không thể quên đứa bé này được, nhìn thấy con rồi càng không thể quên. Nhưng cô Hiền nói đúng, tôi cũng còn may mắn hơn so với nhiều người, vả lại trời có sập xuống tôi cũng chỉ có thể sống, không thể ch.ế/t đi thì chỉ có thể tiếp tục sống. Giống như mười mấy năm nay tôi đã từng đấy thôi. Sống làm người, đã lựa chọn rồi thì nên tự có trách nhiệm với lựa chọn của mình phải không?

Có lẽ vì đã dần thông suốt nên tôi cũng tự mình ăn hết sạch bát cháo. Cháo nóng hổi ăn xong ngực tôi cũng tê dần dần vì phản xạ xuống sữa, sữa cũng chảy ướt cả áo. Nhớ đến khuôn miệng chúm chím ban nãy của con tôi cố gắng kìm lại nỗi nhớ nhung, hít một hơi thật sâu rồi lấy máy điện thoại gọi cho Lâm. Dù rằng tôi đã xoá số của anh, nhưng từng con số vẫn nhớ vẹn nguyên trong đầu.

Trong điện thoại vang lên tiếng tút tút, tôi không biết liệu rằng Lâm nhìn thấy số của tôi anh có tắt máy không, thế nhưng dường như chỉ một giây, cũng dường như dài như cả thế kỷ, một giọng nói quen thuộc mà xa lạ, truyền đến bên tai tôi qua máy điện thoại.

– Tôi đây!

Bỗng nhiên tôi nghẹn ngào, không nói được câu nào. Bên cạnh có tiếng ọ ẹ của đứa trẻ mới sinh. Vừa mới gặp cách đây chưa tròn một tiếng, vậy mà giống như cách cả một khoảng không gian và thời gian, cách cả trăm sông ngàn núi không thể bước qua. Nhưng tôi không dám im lặng quá lâu sợ rằng sẽ không còn cơ hội nào nữa nên vội vã nói:

– Lâm, tôi muốn… được cho con bé ăn sữa mẹ… có được không?

Sợ anh hiểu nhầm, tôi liền bổ sung thêm:

– Sữa của tôi rất nhiều, bác sĩ nói sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh. Tôi không có yêu cầu gì cả, cũng sẽ không gặp con, tôi chỉ muốn hút sữa cho con rồi ngày ngày gửi qua nhà để anh cho nó ăn bằng bình. Số sữa dư tôi sẽ trữ lại, sau này khi tôi hết sữa anh cho nó ăn sữa trữ cũng còn tốt hơn sữa công thức. Đây là nguyện vọng duy nhất của tôi, mong anh đồng ý. Tôi hứa với anh sẽ không gặp con, không tìm hiểu thông tin về con, hút sữa đúng sáu, bảy tháng đầu đời cho con, đến khi con ăn dặm, có thêm ít sữa trữ cho con uống đến gần một tuổi tôi sẽ dừng lại, sẽ chỉ gửi cô Hiền mang về cho nó thôi không làm bất cứ chuyện gì khác.

Đầu dây bên kia im lặng một lúc, cuối cùng cũng đáp lại:

– Được!

Tôi túm lấy điện thoại, không dám khóc chỉ vội vã nhờ cô Hiền chạy ra cửa hàng sơ sinh gần bệnh viện mua cho tôi một bộ máy hút sữa đắt tiền nhất, một máy tiệt trùng, túi trữ sữa, túi đá khô, cọ rửa và nước sửa bình. Vì để có sữa cho đứa bé, tôi cố gắng ăn hết cạp lồng cháo, thấy trên đầu giường có hộp sữa Ensure mới tinh tôi còn tự tay pha uống. Cô Hiền thấy tinh thần tôi phấn chấn hơn còn cao hứng chạy đi mua cho tôi một bát chân giò hầm nghệ rồi bảo:

– Hồi xưa con gái nhà cô ăn chân giò nghệ sữa đặc mà thơm lắm. Phụ nữ sau sinh ăn nghệ cũng rất tốt, chỉ cần không ăn nhiều quá là được. Cháu cứ hút sữa rồi để vào túi đá, cứ tối cô sẽ mang về cũng dặn cậu Lâm hâm lên cho con bé uống. Con gái nhà cô trước nuôi con theo i si i sủng gì đấy cũng toàn hút sữa nên ngoài mấy cái máy kia còn phải có máy hâm nữa. Thật ra cô thấy không gì bằng bú trực tiếp, nhưng không được lựa chọn tốt nhất thì lựa chọn tốt nhì cũng được, được ăn sữa mẹ là tốt lắm rồi.

Tuy rằng mẹ đẻ, mẹ nuôi tôi không còn, nhưng có một người như cô Hiền ở cạnh tôi lúc tôi chửa đẻ tôi thấy mình thật sự may mắn vô cùng. Cô Hiền có con gái tầm tuổi tôi, con gái cô cũng trải quả việc sinh nở nên cô cũng có nhiều kinh nghiệm đáng quý. Lúc tôi hút được cữ sữa đầu tiên cô Hiền cũng hỏi tôi:

– Lúc nãy… cháu nhìn thấy mặt đứa bé chưa? Cậu Lâm có lẽ sợ cháu nhìn thấy mặt đứa bé rồi sẽ lưu luyến không quên được nên dặn cô ở lại chăm cháu, cậu ấy mang đứa bé đi tắm xong sẽ mang nó đi luôn.
– Cháu nhìn thấy rồi, còn cho nó bú nữa cô ạ.
– Nhìn thấy cũng tốt biết mặt con để đỡ phải đoán già đoán non, mà cô thấy cậu Lâm vẫn thương cháu lắm đấy. Lúc cháu bị mất máu cậu ấy rất hoảng. Bình thường trông cậu ấy bình tĩnh, điềm đạm vậy mà lúc đấy quát ầm lên khiến y tá cũng run sợ mà cô cũng thấy sợ. Nói là thương con, chứ lúc cháu gặp nguy hiểm mới thấy cậu ấy còn thương cháu nhiều, con chưa kịp nhìn đến chỉ thấy lo lắng cho cháu. May mà cháu không sao, đứa bé cũng khoẻ mạnh, vậy là tốt rồi, đừng suy nghĩ gì nữa nhé.

Cô Hiền thấy tôi đã nghĩ thông lại tiếp tục khuyên tôi cố gắng mạnh mẽ sống, mạnh mẽ bước tiếp, quên được đứa bé hay không không quan trọng miễn là tôi phải thật hạnh phúc và vui vẻ. Sau cùng cô Hiền đưa cho tôi cái thẻ ATM trước tôi đã trả lại cho Lâm ngày tôi rời đi nói với tôi:

– Cậu ấy bảo đưa cho cháu cái thẻ này, mật khẩu trong thẻ vẫn như cũ, cháu muốn dùng tiền vào làm việc gì cũng được, muốn tiêu gì mua gì cứ rút từ đây ra là được.

Đưa tiền cho tôi có nghĩa Lâm đã thực sự muốn tôi đoạn tuyệt với đứa bé kia. Nếu đã là đường cùng, tôi cũng không còn muốn làm khó mình, khó người nữa nên nhận lấy thẻ từ tay cô Hiền đáp:

– Vâng. Cô về bảo với anh ấy cháu đã nhận nó rồi, số tiền trong thẻ cháu cũng sẽ dùng để trang trải cuộc sống hằng ngày, cô cảm ơn Lâm giúp cháu.

Tôi ở viện đến ngày thứ năm mới được ra viện. Hằng ngày cô Hiền đều đặn ở viện chăm tôi đến tối thì mang sữa tôi đã hút về để Lâm cho con ăn, số sữa dư được cô trữ đông lại để sau này nếu tôi hết sữa cũng vẫn còn một ít dư cho con ăn nốt.

Ban đầu tôi định ra viện xong sẽ quay lại nhà trọ, nhưng nghĩ đi nghĩ lại nhà trọ đó đã quá tồi tàn rồi, tôi giờ không phải chỉ sống để tồn tại mà còn giữ sức khoẻ để có sữa cho đứa bé ăn, ngoài đứa bé tôi cũng còn phải sống cho chính bản thân mình, sống cho thật tốt nên quyết định thuê một căn hộ cách không quá xa. Tôi dùng số tiền trong thẻ của Lâm để đặt cọc thuê một năm, cũng dọn đồ đạc từ nhà trọ về chung cư để ở. Sữa tôi hút cho đứa bé được cậu shipper lần trước ship cơm tấm cho tôi qua lấy, cô Hiền bận rộn chăm sóc con bé cùng Lâm nên cũng không gọi cho tôi thêm lần nào. Có rất nhiều lần tôi không kìm nổi sự nhớ nhung con, đã từng định nhắn tin cho cô Hiền chụp cho tôi vài bức hình con gửi qua. Tôi biết với tính cách của cô Hiền, nếu tôi xin cô cô vẫn sẽ thương tình lén lút gửi ảnh con cho tôi. Nhưng rồi tôi vẫn cố gắng chịu đựng được sự giày vò ấy, những chuyện tôi đã hứa với Lâm tôi không muốn mình trở thành kẻ thất hứa, thứ chuyện thiếu tự trọng và liêm sỉ ấy tôi không muốn làm. Và sâu hơn nữa trong thâm tâm tôi biết rõ, nếu nhìn thấy con, nỗi nhớ nhung chẳng những vơi đi thậm chí còn khiến tôi thêm dằn vặt và giày vò, khiến tôi không thể nào bước tiếp được nữa. Cuối cùng tôi chỉ đành nuốt cơn đau ấy vào trong, để mặc nó hành hạ tinh thần tôi không thương tiếc.

Ba tuần sau khi sinh con tôi nhận được điện thoại của Lâm. Tôi biết Lâm đã muốn tôi đoạn tuyệt với đứa bé thì chuyện liên quan đến con Lâm sẽ không tìm đến tôi. Quả thực là như vậy, Lâm nói với tôi em trai tôi cùng người bạn của anh đã bay từ Toronto về Việt Nam từ hôm qua, có lẽ giờ đã sắp đến sân bay rồi, anh còn gửi cho tôi số điện thoại của người bạn đó để tôi liên lạc. Ngay khi nghe tin tức ấy, tôi không còn tâm trí để làm bất cứ điều gì nữa, hút xong cữ sữa cuối cùng giao lại cho cậu shipper tôi cũng vội vã bắt xe ra sân bay.

Chuyến bay từ Toronto về Việt Nam đã hạ cánh, nhưng hành khách vẫn đang lấy hành lý. Tôi đứng ở bên ngoài chờ mà cảm tưởng như cả một thế kỷ đang trôi qua. Mười bảy năm rồi, mười bảy năm rời xa nhau, chút ký ức non nớt của em trai tôi không rõ có còn nhớ được nhiều không. Nhưng tôi biết, một đứa trẻ bảy tuổi trải qua những thứ kinh hoàng như vậy chắc chắn sẽ không thể quên đi nỗi đau của thời thơ ấu.

Đứng một lúc tôi cũng thấy rất nhiều hành khách lấy xong hành lý và đang đi ra. Giữa biển người mênh mông tôi đang định lấy điện thoại ra gọi cho người bạn của Lâm thì bỗng nhìn thấy một chàng trai trẻ cao lớn, nổi bật giữa đám đông đang đi cùng một người đàn ông mặc vest. Vừa nhìn thấy chàng trai ấy, tôi cũng ngay lập tức nhận ra là người mà tôi đã thấy trong video của Lâm, dù rằng đoạn video ngắn ngủi kia không quay cận mặt nhưng tôi vẫn chắc chắn rằng đó là em trai tôi. Khi nhìn thấy em trai bằng da bằng thịt, tôi còn tưởng mình đang mơ lao thẳng về phía em. Em trai tôi cũng vừa hay nhìn thấy tôi, thế nhưng có lẽ bởi mười bảy năm tôi không còn giống như năm tám tuổi, tôi cũng không có đặc điểm nhận dạng nào đặc biệt nên em không còn nhận ra tôi mà nhìn tôi sau mới cất giọng nghẹn ngào hỏi:

– Chị… là chị Thảo phải không ạ?

Nghe em hỏi câu ấy, nhắc đến cái tên đã mười mấy năm rồi tôi không được nghe tôi cũng oà lên khóc:

– Phải! Là chị đây. Hiếu ơi! Là chị đây em.

Em trai tôi mắt chợt đỏ lên, tôi cũng cảm nhận được niềm rưng rưng xúc động xen lẫn cả sự thương đau ngập tràn trong mắt em rồi đột nhiên em ôm chầm lấy tôi bật khóc như mưa:

– Chị ơi! Em tìm chị mười mấy năm nay rồi, chị ơi… em nhớ chị lắm!

Tiếng khóc của em đứt quãng, giống như ngày em ở phía sau chiếc xe tải vươn tay cố níu lấy tôi. Vết bỏng mụ dì ghẻ đổ nước canh lên tay em đã mờ nhưng sờ vào vẫn còn sẹo cứng. Năm ấy da em bong một mảng đỏ nhưng mụ dì ghẻ không cho đi viện, chỉ có Lâm không biết kiếm đâu được một lọ kem bôi đưa cho em bôi để dịu vết thương. Chỉ đáng tiếc rằng sau đó vẫn thành một vết sẹo lớn, vết sẹo như nỗi đau theo chị em tôi đến hết cuộc đời này. Tôi chạm lên vết bỏng ấy, khóc không thành hơi nhớ đến những tháng ngày bị hành hạ lại thương em trai của tôi đến phế liệt tâm can. Xa cách bao năm đằng đẵng cho đến tận giờ phút này vẫn không dám tin rằng ngày hôm nay chị em tôi có thể gặp lại nhau như vậy. Chỉ tiếc trời xanh không thấu, chị gái tôi vĩnh viễn không thể đoàn tụ cùng tôi và em trai. Nghĩ đến chị, tôi càng khóc lớn hơn, nước mắt ướt cả chiếc áo em đang mặc, còn em trai tôi lại vừa lau nước mắt vừa liên tục hỏi tôi:

– Chị ơi… còn chị Linh đâu, chị có tìm được thông tin gì của chị ấy không?

Tôi không thể trả lời được câu hỏi ấy, đưa tay lên ôm ngực khóc như một đứa trẻ lạc mẹ. Rất lâu sau tôi mới có thể đáp lại lời em:

– Chị Linh mất rồi!

Em trai tôi nghe câu trả lời ấy gần như bất động, chỉ có nước mắt vẫn câm lặng chảy xuống má, xuống miệng em. Tôi không dám kể cho em nghe những điều kinh khủng chị Linh đã phải trải qua bởi nỗi đau suốt mười mấy năm nay đã quá đủ bất hạnh rồi, chỉ nói với em chị tôi số mệnh bạc bẽo, ngắn ngủi, không chờ được tôi và em. Dù có lẽ đã chuẩn bị cho những điều xấu nhất có thể xảy ra, nhưng em trai tôi vẫn đau đớn tột cùng. Mẹ mất, xa cách nhau mười bảy năm trời, đến khi về nghe tin người chị cả cũng không còn, người ngoài còn thấy đau lòng thay huống hồ là người trong cuộc.

Hai chị em tôi khóc một lúc lâu mới loạng choạng ra ngoài. Người bạn của Lâm đưa cho em trai ít giấy tờ, trong đó có một bản xét nghiệm ADN được xét nghiệm bên Canada cách đây hai tháng. Có lẽ là để chứng minh sự tồn tại của tôi cho em tôi, trong hai tháng đó cũng để em tôi chuẩn bị tinh thần về Việt Nam tìm tôi. Nhưng vì anh ta muốn để cả tôi và em trai chắc chắn rằng chúng tôi là chị em ruột, những bản xét nghiệm kia không phải làm giả nên vẫn đưa hai chị em tôi ra trung tâm lấy mẫu xét nghiệm lại trước sự chứng kiến của chúng tôi. Sau hơn bốn tiếng đồng hồ lấy mẫu đi phân tích, nhận kết quả trùng khớp chị em ruột 99,999% tôi và Hiếu lại ôm chầm lấy nhau khóc lần nữa, khóc như đứt hết ruột hết gan. Khi về đến căn hộ của tôi, em trai tôi lấy một quyển nhật ký đã cũ nhưng vẫn còn vẹn nguyên nét chữ em trên đó. Em kể với tôi sau khi rời khỏi vòng tay tôi và chị Linh em đã được đưa lên chuyến xe sang Canada. Thế nhưng giữa đường xe trục trặc, nhân lúc ấy em đã tìm cách chạy trốn nhưng lại rơi vào tay lũ buôn người khác. Không biết đó là may hay rủi bởi sau này em biết chiếc xe đầu tiên đã bị rơi xuống vách núi, hầu hết những đứa bé trên xe đã thiệt mạng. Đám buôn người này đưa em qua Canada làm con nuôi cho một cặp vợ chồng hiếm muộn. Ban đầu cặp vợ chồng ấy đối với em khá tốt. Thế nhưng vài tháng sau họ bỗng mang bầu, vì không cần em trai tôi nữa nên đối xử lạnh nhạt, thậm chí sau đó còn đánh đập, bạo hành coi em như người ở. Suốt ba năm trời em phải chịu đựng sự khổ sở nơi xứ người không khác gì những năm sống cùng mụ dì ghẻ, đến năm em mười tuổi họ cho em thôi học rồi tống em vào trại trẻ mồ côi. Vì là người châu Á nên em bị đám trẻ bắt nạt, người gầy gò nhỏ bé các cô trong trại mồ côi cũng không ưa gì em, còn bỏ đói em. Cũng may nửa năm sau có một cặp vợ chồng gốc Việt cũng hiếm muộn đã đến nhận nuôi em. Họ rất tốt với em, cho em đi học lại, đến khi mang bầu đứa con gái đầu lòng vẫn dành cho em sự yêu thương vô bờ bến. Quyển nhật ký này em viết từ lúc trong trại mồ côi, những trang đầu tiên là những tháng ngày mẹ tôi còn sống cho tới ngày em được cứu vớt cuộc đời. Em còn ghi rõ tên tôi, tên chị Linh cùng ngày tháng năm sinh để nhờ bố mẹ nuôi hiện tại có thể giúp em tìm hai người chị gái. Chỉ là vì họ sống ở Canada từ khi mới sinh ra, bố mẹ họ là người Việt nhưng ký ức về Việt Nam mờ nhạt nên dù nhờ người thân ở Việt Nam tìm giúp vẫn không có tin tức gì sau lại chuyển đi chuyển lại mấy nơi nên chị em tôi mới thất lạc nhau lâu đến vậy. Em trai tôi đã học xong đại học, em theo ngành quản trị kinh doanh với tấm bằng xuất sắc, hiện đang nhân viên cho một công ty khá nổi tiếng ở Canada. Khi nghe đến đây tôi bỗng có chút niềm tin trong lòng, nếu như 40% cổ phần của Phượng Quang để cho em trai tôi, rất có thể em tôi sẽ vực dậy được nó, sẽ thay tên đổi họ cho nó, khiến nó trở nên thịnh vượng như khi xưa mẹ tôi từng sống.

Tôi cũng kể sơ sơ cho em trai tôi về những gì đã trải qua, nhưng tôi không dám nói với em việc tôi đã kết hôn với Lâm, lợi dụng Lâm để trả thù, càng không dám nói với em tôi đã sinh cho Lâm một đứa con. Tôi không sao dám thừa nhận một chuyện như thế với thằng bé, dù sao em tôi cũng rất căm hận mụ dì ghẻ, thậm chí… lúc kể lại chuyện… tôi cảm nhận nỗi hận thù của em dành cho mụ ta còn lớn hơn tôi rất nhiều. Cũng phải thôi, năm mẹ tôi mất em trai tôi bị mụ dì ghẻ ghét nhất, có lẽ bởi nó là con trai nên mụ ta luôn hằn học với nó, động chút chuyện là đánh đập nó, gây cho nó trăm ngàn tổn thương không xoá nổi. Chẳng những vậy về đến Việt Nam còn nghe tin chị Linh mất, dù tôi sợ nó đau lòng không dám kể chi tiết nhưng nó cũng thừa đoán được chị Linh phải trải qua khổ sở thế nào mới mất sớm như vậy lòng căm hận mụ dì ghẻ càng nhiều hơn.

Ban đầu tôi định để em trai tôi ở cùng tôi trong căn hộ này. Thế nhưng căn hộ này chỉ có một phòng ngủ, vả lại tôi còn hút sữa cho con tôi nên định thuê cho em một căn hộ khác gần đây. Có điều em trai tôi nói người bạn của Lâm đã sắp xếp cho em một chỗ ở gần công ty Phượng Quang, anh ta cũng đã nói sơ qua với em về việc mụ dì ghẻ bị bắt, biệt thự đã sang tên lại cho tôi, còn 60% cổ phần công ty Lâm sẽ nhượng lại cho em trai tôi, cũng sẽ giao lại công ty cho em trai tôi quản lý. Trong hai tháng nay, kể từ khi biết tin tức về tôi em trai tôi đã rất muốn về Việt Nam gặp tôi luôn. Nhưng bởi vì còn liên quan đến cả công việc, lần này về phải vực dậy công ty nên em trai tôi mới không thể ngay lập tức về mà phải chuẩn bị cả tinh thần lẫn vật chất và giấy tờ nên em tôi mới mất nhiều thời gian như vậy.

Nghe đến 60% cổ phần công ty tôi có chút kinh ngạc. Tôi nhớ rất rõ Lâm chỉ có 40% cổ phần, mụ dì ghẻ 15%, ông Quang 40% nhưng ông ta đã sang tên cho chị Thu 20%. Mụ dì ghẻ dùng 15% kia để khắc phục hậu quả, ông Quang cũng dùng 20% của ông ta khắc phục hậu quả, vụ án đó đã khép lại vậy 60% kia ở đâu? Là Lâm… đã mua lại của chị Thu và giao lại cho em trai tôi? Tôi không muốn tin, nhưng đến sau này tôi cũng mới biết Lâm đã thực sự đến gặp chị Thu, không rõ đã nói gì, làm việc thế nào, anh đã ép chị ta bán cực rẻ 20% cổ phần đó. Suốt mấy tháng tôi mang thai, anh đã chạy vạy khắp nơi với mong muốn cứu vãn công ty chút nào hay chút ấy, cho tới khi em trai tôi về nước anh cũng mới giao lại cho nó.

Em trai tôi về nước được một tháng Lâm cũng hoàn tất mọi thủ tục sang tên cổ phần công ty cho em. Ngay sau khi được sang tên cổ phần, em trai tôi đã mở một cuộc họp báo trước hết là nói rõ thân phận của em, sau đó là nói đến việc Phượng Quang sẽ được đổi tên thành Hải Ninh – là tên của mẹ tôi, cũng là tên công ty cũ của gia đình tôi. Em còn tuyên bố trước toàn bộ báo chí về việc Hải Ninh không còn liên quan chút nào đến bà Phượng và ông Quang, từ nay em sẽ là người quản lý Hải Ninh, cũng rất mong rằng các công ty trước kia từng hợp tác với Phượng Quang vẫn sẽ tiếp tục hợp tác với Hải Ninh để tránh những tổn thất cho cả hai bên. Trước kia Lâm từng chơi cổ phiếu và chứng khoán, suốt từ lúc nghỉ việc cũng ra công ty làm việc lại có rất nhiều bạn bè trong giới kinh doanh nên anh phần nào giúp được cho em trai tôi. Em trai tôi đương nhiên không thích Lâm, dù em cũng biết rõ Lâm là người tử tế, nhưng bởi anh là con mụ dì ghẻ nên em tôi không muốn dính dáng hay liên quan gì đến anh. Chỉ là trong lúc nước sôi lửa bỏng này em cũng chỉ đành đặt cái tôi của mình xuống vì lợi ích chung của công ty.

Những ngày sau khi em trai tôi về nước tôi cũng thấy tinh thần mình như được gột rửa sau cả trăm ngàn đớn đau phải chịu. Chỉ là mỗi khi màn đêm buông xuống, trở về căn hộ với lỉnh kỉnh máy hút sữa tôi lại nhớ con đến quặn thắt ruột gan. Mỗi lần nhắm mắt lại, tôi đều nhớ đến lần đầu tiên được ôm con vào lòng, lần đầu tiên con ngậm bầu vú tôi bú những dòng sữa mẹ, nhớ gương mặt con, nhớ cả hương thơm của con tôi chỉ biết ôm lấy chiếc gối vùi mặt mình vào mà khóc. Lần đầu tiên… cũng là lần cuối cùng tôi được làm những điều ấy cho đứa con bé bỏng của mình, đứa con mà tôi từng tàn nhẫn muốn bỏ nó đi! Tôi quả thực là con thú bị giam cầm, thương con, nhớ con cũng không thể làm thế nào được, tôi không thể làm được bất cứ điều gì. Nỗi nhớ thương con như tra tấn tinh thần tôi mỗi ngày, muốn quên không quên nổi, điều duy nhất an ủi mình chính là được hút những dòng sữa mẹ cho con, ngoài ra không thể làm được gì khác chỉ đành ôm nỗi nhớ đầy vơi khóc trong những cơn mơ mỗi đêm.

Sau cuộc họp báo nửa tháng công ty Hải Ninh bắt đầu có sự tiến triển mới. Bởi không liên quan gì đến mụ đàn bà độc ác kia nữa, em tôi lại là nạn nhân bị mụ ta bắt cóc, hành hạ nên dư luận đã dành rất nhiều thiện cảm cho Hải Ninh, báo chí cũng viết rất nhiều bài về Hải Ninh. Trong thời đại mà mạng xã hội có sức ảnh hưởng rất lớn đến công chúng này Hải Ninh bắt đầu được biết đến, được chú ý, dưới sự cố vấn của Lâm em trai tôi cũng đã giành được một số hợp đồng xây dựng đầu tiên.

Cuối tháng mười hai phiên toà xét xử mụ dì ghẻ và tên bắt cóc cũng diễn ra. Đây là một vụ án hết sức nghiêm trọng với rất nhiều trẻ em bị bán qua biên giới. Trong phiên toà rất nhiều kẻ thủ ác khác đã phải ra hầu toà không riêng gì tên bắt cóc và mụ dì ghẻ. Ngoài ra có vài nạn nhân đến tham dự, cũng có rất nhiều nạn nhân đã nằm sâu ba tấc đất vĩnh viễn không thể nhìn thấy ngày hôm nay chỉ có cha mẹ, hoặc đại diện người thân tham dự, ngày mà những kẻ đốn mạt, độc ác đem bán những đứa trẻ vô tội qua bên kia biên giới. Phiên toà diễn ra với sự phẫn nộ của tất cả mọi người, tôi và Hiếu tham dự dưới tư cách nạn nhân, Khánh là luật sư của chị em chúng tôi. Mụ dì ghẻ nửa năm ngồi tù đã già như một bà lão bảy mươi tuổi, tóc đã bạc trắng đầu, mắt trũng sâu, vết nhăn ở đuôi mắt càng rõ. Khi nhìn thấy tôi và Hiếu mụ ta liên tục rú lên, còn đảo mắt xung quanh tìm kiếm Lâm. Đáng tiếc phiên toà này Lâm không tham dự, dù rằng tôi nghe cảnh sát nói anh có vài lần đến thăm mẹ mình nhưng phiên toà này lại vắng bóng anh. Có lẽ Lâm cũng biết rõ sự khó xử khi gặp nhau ở đây, giữa tôi và anh giờ còn liên quan đến đứa bé, tôi là mẹ của đứa bé, còn mụ dì ghẻ lại là mẹ của anh, gặp nhau trong hoàn cảnh này thật khó để nhìn mặt.

Mụ dì ghẻ suốt phiên toà chỉ im lặng, nhưng khi Khánh nhắc đến Lâm, hỏi mụ ta rằng cớ sao mụ ta cũng có con trai nhỏ, cũng là một người mẹ lại đối xử với con của người khác một cách tàn độc như vậy mụ ta đã oà lên khóc. Khánh thật sự rất biết nắm điểm yếu của mụ dì ghẻ, mỗi khi luật sư của mụ dì ghẻ bào chữa cho mụ ta ngay lập tức Khánh lại dùng Lâm ra để khiến mụ ta suy sụp tinh thần. Đến cuối cùng mụ ta cũng nói ra mấy chữ “Tôi hối hận rồi”. Chỉ là có hối hận cũng đã quá muộn rồi, những tội ác của mụ ta có hối hận cũng không thể tha thứ. Kết thúc phiên toà, gã bắt cóc bị kết án tử hình, có lẽ cũng đã đoán được rồi, gia đình người thân cũng đã nhận được một khoản tiền từ Khánh lẫn mụ dì ghẻ nên hắn khá bình tĩnh. Mụ dì ghẻ bị kết án mười lăm năm tù, tổng hai vụ án mụ ta phải chịu 28 năm tù giam. Lúc mụ ta bị áp giải đi đôi mắt vẫn mỏi mòn trông chờ Lâm đến, nhưng sau cùng anh vẫn không đến, mụ ta thấy vậy liên tục oà khóc nức nở. Nhìn thấy những giọt nước mắt của mụ ta tôi chỉ thấy đáng ghét và hả hê. Ác giả ác báo, đây còn chưa phải là kết cục xứng đáng với những tội ác mụ ta đã gây ra đâu.

Rời khỏi toà án tôi và Hiếu mời Khánh đi ăn để cảm ơn anh. Từ lúc em trai tôi trở về Khánh có đã nắm được thông tin, thế nhưng vì Vân đang mang thai, công việc ở công ty lại rất bận rộn nên anh cũng chưa có thời gian hỏi thăm. Tôi nghe Khánh nói Vân đã mang thai được năm tháng, là một bé trai. Lúc nhắc đến đứa con trong bụng Vân, ánh mắt Khánh có chút áy náy và chán nản nhìn tôi. Anh nói với tôi từ lúc biết chuyện của tôi Vân đã rất áy náy và dằn vặt, khi Nguyệt về nước tổ chức họp báo giúp tôi, chị ta cũng đã đến gặp Vân, không biết đã nói với Vân những gì mà cô ta lại định đến tìm tôi để xin lỗi nhưng khi ấy tôi đang đi “du lịch” nên đành thôi. Vả lại suy cho cùng tôi và Khánh cũng chẳng có gì mờ ám, thứ chuyện ghen tuông điên cuồng của cô ta thật nhảm nhí. Suốt năm tháng mang thai tính tình cô ta cũng đã thay đổi rất nhiều, có lẽ nhìn vào tấm gương của mụ dì ghẻ, cô ta cũng tự thay đổi bản thân để con cái còn nhờ đến phúc đức của người mẹ. Dù sao Khánh đã trải qua rất nhiều đau khổ rồi, tôi thật tâm chỉ coi anh là anh trai nên mong anh phải thật hạnh phúc không cần dằn vặt Vân nữa.

Mấy tháng cuối năm công ty nhiều việc, em trai tôi cũng rất bận rộn, thời gian em ở công ty còn nhiều hơn về nhà ăn cùng tôi bữa cơm. Tôi ở nhà quanh quẩn hút sữa gửi cho con, vì nghĩ nhiều đến con lòng tôi rất nhớ nhung mà lại không thay đổi được gì nên quyết định nộp hồ sơ để hết sáu tháng hút sữa sẽ đi làm. Trước kia tôi định ở lại trường làm trợ giảng sau đó sẽ làm giảng viên đại học, nhưng giờ tôi không làm hồ sơ nộp về trường nữa mà nộp về uỷ ban xã ở đảo. Hết sáu tháng tôi sẽ về đảo sống, sẽ làm việc ở đảo, sẽ viết tiếp ước mơ dang dở của mẹ nuôi tôi, cũng sẽ rời xa Hà Nội phồn hoa này… sẽ quên đi tất cả mọi thứ ở đây, bắt đầu lại một cuộc sống mới.

Hai chín Tết em trai tôi mới được nghỉ, hai chị em tôi dành một ngày về thăm mộ của bà ngoại, của mẹ và chị Linh. Khi nhìn thấy mộ của mẹ tôi, lại nhìn thấy mấy dòng chữ đơn sơ trên bia mộ chị Linh em trai tôi không kìm được mắt đỏ hoe. Em dọn sạch cỏ trên ba nấm mộ, sau đó nói với tôi cũng như nói với chính em:

– Giá như năm ấy người đàn bà đó không xuất hiện thì có lẽ giờ mẹ vẫn còn sống, chị Linh cũng không rời bỏ chị em mình đi như vậy. Có lẽ giờ chị ấy đã có thể lấy chồng, sinh con, đã sống một cuộc đời khác rồi. Chuyện chị và anh Lâm lấy nhau em nghe nhân viên ở công ty nói rồi rồi, em biết chị làm thế là để trả thù, nhưng em nghĩ chắc chị ít nhiều cũng có chút tình cảm với anh Lâm, sống với nhau gần một năm mà, đã sống như vợ chồng thì sao có thể không nảy sinh tình cảm được. Suốt mười mấy năm em vẫn chưa từng quên những gì bà ta đã gây ra, chỉ tiếc cho anh Lâm… những ngày làm việc chung với anh ấy thấy anh ấy thật sự giỏi giang, tử tế. Em nhớ hồi nhỏ anh ấy cũng đã rất nhiều lần giúp chị em mình. Giá như anh ấy không phải con của bà ta thì tốt biết bao, em cũng sẽ không phải khó chịu mỗi khi nghĩ đến việc anh ấy là con của người đàn bà em căm hận tới tận xương tuỷ, anh ấy không phải con của người đàn bà kia, có lẽ em sẽ rất ủng hộ hai người đến với nhau.

Thế nhưng trên đời này làm gì có hai chữ “giá như”? Nếu Lâm không phải con mụ dì ghẻ mà sinh ra bởi một gia đình bình thường khác tôi nào phải đi tiếp cận anh để trả thù làm gì? Duyên phận của tôi và Lâm bắt đầu đã là nghiệt duyên, là tại tôi không giữ được lý trí khiến mình nảy sinh tình cảm còn trách móc được ai? Nhưng dù cuộc sống khổ đau hay bất hạnh thế nào thì vẫn chỉ có một con đường để đi, đó là con đường tiến về phía trước.

Tôi và em trai cùng nhau đón Tết đến mùng bốn Tết em cũng bay về Canada năm ngày để ăn Tết cùng bố mẹ nuôi. Những ngày Tết tôi vẫn hút sữa nhưng vì shipper nghỉ nên tôi trữ sữa ở tủ riêng tại nhà cho con. Cô Hiền có nói với tôi sữa trữ ở nhà Lâm vẫn còn rất nhiều đợi qua Tết cậu shipper đi làm tôi giao cho cậu ấy một thể cũng được. Tôi không dám hỏi, nhưng cô Hiền nói con bé trộm vía rất háu ăn, dù là sữa mới hút hay sữa rã đông hâm ấm con đều ăn ngon lành. Từ khi sinh ra tới giờ còn chưa đụng đến một giọt sữa công thức nào vậy mà ba tháng cả chiều cao lẫn cân nặng đều đã vượt chuẩn một chút. Nghe những lời ấy, tôi càng cố gắng ăn để lấy sữa cho con, cũng cố gắng giữ tinh thần thật vui vẻ. Đến mùng năm Tết, tủ trữ sữa mini đã đầy ắp sữa, suốt mấy tháng nay bức bách, nhìn thấy tủ sữa đầy ắp mà cậu shipper đến mùng tám mới đi làm lại tôi liền tiệt trùng tay sạch, nhặt sữa cho vào túi đá rồi bắt taxi sang nhà Lâm. Thật ra ban đầu tôi chỉ định mang sữa sang đưa cho cô Hiền rồi sẽ về. Thế nhưng sang đến nơi tôi nhìn qua khe hẹp cổng thấy Lâm đang chơi cùng con trong phòng khách nỗi nhớ con lại ùa về. Vì khoảng cách xa, tôi không thể nhìn thấy rõ mặt con, chỉ thấy con đã biết lật, đang nằm trên một tấm thảm nhìn mấy bức tranh đen trắng. Ba tháng trời xa cách, mỗi ngày con lớn lên thế nào tôi không hề được biết. Tôi ôm túi đá khô trước ngực, tự nhủ lòng không được khóc cúi hẳn xuống căng mắt hi vọng sẽ được nhìn con gần hơn một chút, một chút thôi. Mỗi khi tuyệt vọng tôi đều an ủi mình rằng, chuyện đau đớn, bất hạnh, khổ sở đến đâu tôi cũng đã từng trải qua rồi, còn chuyện gì tôi không chịu đựng được nữa cơ chứ? Thế nhưng tôi lại không biết được rằng, nhìn thấy con tôi lại không thể kiên cường, không thể chịu đựng nổi.

Khi đang cúi nhìn, tôi bỗng thấy Lâm ngẩng đầu lên nhìn về phía cổng. Rõ ràng khe cửa rất nhỏ, anh chắc chắn sẽ không nhìn được tôi vậy mà tôi lại chột dạ vội vã chạy nép vào gốc xà cừ. Lúc tôi định lấy máy gọi cho cô Hiền ra ngoài lấy sữa thì cũng cổng được mở ra, xe của Lâm cũng từ từ rời khỏi sân rồi khuất dần trên con đường lớn. Tôi thấy vậy cũng mới ôm túi sữa đẩy cổng bước vào. Trời lúc này cũng đã tối, vừa vào sân ánh đèn điện cũng sáng bừng lên. Cô Hiền đang bế đứa bé thấy tôi cũng kinh ngạc hỏi:

– Diệp Anh. Sao cháu lại đến đây.

Tôi không dám lưu luyến, cũng không dám ôm vọng tưởng gì, đưa túi sữa cho cô Hiền rồi đáp lại:

– Sữa nhiều quá tủ chật rồi nên cháu mang đến cho con bé. Cô cầm vào nhà hộ cháu, cháu về đây.

Nhưng tôi vừa bước được hai bước đứa bé chợt khóc toáng lên. Tất cả những cảm xúc tôi kìm nén suốt ba tháng nay cũng như tràn về như đê vỡ. Tôi xoay người lại, ôm lấy con, giọng cũng lạc đi:

– Cô ơi, cho cháu nhìn con một lúc được không? Chỉ một lúc thôi cháu sẽ đi.

Cô Hiền thương tình đưa đứa bé cho tôi, con bé khác hẳn với lúc mới đẻ, có da có thịt hơn, cũng đã lớn hơn, tóc đen nhánh, da trắng sứ, vừa thấy tôi đột nhiên nhoẻn miệng cười. Nhìn thấy con cười, nước mắt tôi lại rơi đầy xuống má. Tôi cố đưa tay lau mà càng lau lại càng không kìm được khóc nấc lên. Cô Hiền liếc ra cổng rồi bảo với tôi:

– Lâm nó vừa ra ngoài có việc chắc phải lúc nữa mới về. Cháu vào nhà đi đã, hai, ba mươi phút nữa rồi về, không để Lâm phát hiện ra là được.

Sợ sương xuống, tôi cũng không dám để con ở ngoài trời, biết rằng mình không nên nhưng bởi tôi thực sự đã không còn đủ lý trí tham lam ôm con đi vào trong nhà. Xung quanh nhà rất gọn gàng, trong phòng đầy đủ các loại máy móc, bình sữa, nôi cũi cũng treo đầy đồ chơi thông minh, khăn màn của con đều được gấp gọn gàng.

– Cậu Lâm mua hết đấy, cẩn thận lắm, quần áo với khăn màn của con bé cậu ấy đều tự mình giặt tay, chăm con còn khéo hơn tôi chăm.

Tôi bặm chặt môi, con bé thấy tôi khóc thì tròn xoe mắt nhìn, không biết do phản xạ hay do con bé có thể cảm nhận được hơi ấm của mẹ bỗng rúc rúc miệng vào ngực tôi. Cô Hiền thấy vậy liền cười với nó:

– Moon đói rồi hả? Bà đi hâm sữa cho em nhé!

Nhưng hình như con bé không chờ được, cứ rúc vào ngực tôi tìm ti, không thấy gì liền cáu nhặng khóc toáng lên. Cuối cùng tôi đành kéo áo lên, áp miệng con bé vào bầu ngực căng đầy sữa của tôi. Vốn nghĩ rằng con bé quen với việc ti bình sẽ rất khó ti mẹ, vậy mà vừa cho vào con bé ngay lập tức bắt được ti mút chùn chụt. Nhìn thấy con ti, nghĩ phút giây ngắn ngủi này bên con rồi sẽ phải rời đi, cũng không biết đến lần nào mới được gặp lại tôi cũng khóc nức nở như mưa. Trên đầu giường có treo một món đồ chơi trẻ em, là hình một mặt trăng tròn, bên cạnh là một ngôi sao lớn trong một bìa rừng. Moon – tên của đứa bé có nghĩa là mặt trăng, Lâm là cánh rừng, còn ngôi sao kia… Tôi không dám nghĩ đến, chỉ vùi mặt vào áo con khóc, khóc thương con, cũng khóc thương cả Lâm. Con bé ti xong liền lăn quay ra ngủ, tôi cố chấp không muốn buông, hít lấy hương thơm của con, thơm lên trán, lên tóc, lên cả mấy ngón tay nhỏ bé. Con bé rất ngoan, chỉ hơi cựa mình mở mắt ra nhìn tôi rồi lại nhoẻn miệng cười ngủ tiếp. Tôi tưởng như trái tim mình đã bị ai băm vằm ra làm trăm mảnh, chỉ biết cúi đầu mặc cho nước mắt tuôn rơi. Nhưng rồi có lưu luyến vẫn phải đi, có nhớ nhung cũng chẳng thay đổi được điều gì, cô Hiền lại cứ liên tục ngó ra cổng sợ Lâm về, lại nhìn tôi đầy sốt ruột tôi cũng không muốn làm khó cô chỉ đành đưa con bé lại cho cô Hiền rồi lấy túi đá khô đã bỏ sữa ra lặng lẽ rời đi.

Ra đến cổng, tôi định bắt taxi về căn hộ thì đột nhiên sững sờ lại khi thấy Lâm đang đỗ xe cách cổng nhà chỉ một đoạn. Không rõ anh đã ở đó từ bao giờ chỉ thấy động cơ xe không bật, đèn cũng không sáng, qua lớp cửa kính cũng chỉ nhìn thấy một màu đen u ám. Nhìn thấy Lâm, tôi giống như kẻ ăn trộm bị bắt gặp vội vã cầm túi đá khô chạy như một kẻ điên khùng. Nhưng vì buổi tối tôi chưa ăn tối, chạy một đoạn bỗng ngã khuỵ xuống, cả người mềm nhũn, cuối cùng ngất đi lúc nào chẳng hay.

Đến khi tôi tỉnh lại đã thấy mình nằm trên chiếc giường trong căn hộ quen thuộc. Tôi không thể nhớ mình đã về bằng cách nào hay ai đã đưa tôi về, nhưng vừa mở mắt ra tôi bỗng thấy một mùi hương xả vải quen thuộc xộc lên mũi, trên tab đầu giường còn có một hộp cơm. Lúc đưa tay lên vừa hay cũng chạm đến bàn tay của một người, còn sờ thấy chiếc vòng quen thuộc và những vết sẹo chằng chịt trên cổ tay ấy. Giây phút này tôi đã nhận ra là ai rồi, chạm đến những vết sẹo ấy, một giọt nước mắt của tôi cũng chảy xuống gối. Tôi vốn nghĩ rằng trong đêm tối Lâm sẽ không nhìn ra được, không ngờ trong không gian tĩnh mịch tôi cũng nghe được tiếng anh cất lên:

– Em đừng khóc!

Nghe mấy lời ấy, nước mắt tôi càng rơi đầy xuống gối. Tình yêu của hai chúng tôi đã bị lòng hận thù gặm nhấm đến tận xương tủy từ lâu, chỉ là trong buổi tối khốn khổ, nhục nhã, bất lực như thế này đây, tôi lại nảy sinh hão huyền nhớ lại những ngày tháng đẹp đẽ đã qua. Lâm im lặng rất lâu, dường như đã suy nghĩ gì đó, cuối cùng cũng nói với tôi, lời nói đầy bi thương và day dứt đến tột cùng:

– Diệp Anh! Từ lần sau em đừng đến gặp con nữa, càng gặp sẽ càng không thể quên, tôi coi như đây là lần cuối. Em hãy tập dần, cố gắng chịu đựng, một ngày không quên được thì một năm, một năm không quên được thì năm năm. Chỉ có như vậy em mới có thể bước qua được quá khứ đau thương. Sau này hãy sống thật tốt, quên tôi đi cũng quên đứa bé đi!

Lâm nói đến đây cũng buông tay tôi, phút cuối cùng tôi vẫn chạm được vào chiếc vòng bằng ốc lồng ngực càng đau đến mức không thở nổi. Tôi khóc nức nở… đau đến mức không thở được, đau đến mức không suy nghĩ được gì. Cơn đau từ sâu thẳm trong đáy lòng dâng lên, đau đến tuyệt vọng. Nhưng tôi cũng không níu kéo vùi mặt vào gối khóc, hít lấy chút hương thơm còn sót lại. Sợ rằng cố chấp càng khiến cả hai đau lòng tôi không dám khóc to chỉ để mặc cho nước mắt rơi. Tất cả những gì đẹp đẽ, đều đã bị sự hận thù của tôi xé nát thành từng mảnh vụn. Còn gì để lưu luyến, còn gì để tiếc nuối đâu, chẳng qua chỉ là giẫm thêm một cái, đâm thêm một nhát nữa thôi mà!

Tháng sáu tôi trở về đảo nhận quyết định làm việc, cũng kết thúc hơn bảy tháng hút sữa cho con. Cô Hiền nói với tôi sữa trữ mới còn rất nhiều, đủ cho con bé uống được ba, bốn tháng nữa nên tôi cũng yên tâm hơn. Kể từ lần gặp lúc con bé được ba tháng đến giờ con bé được bảy tháng tôi cũng không đến gặp con thêm lần nào nữa. Đêm hôm ấy, sau khi Lâm rời đi tôi đã khóc một trận lớn, cũng đã nghĩ thông suốt. Kết cục này là tốt nhất cho cả anh và tôi rồi, tôi cũng không muốn giày vò bản thân, giày vò thêm cả Lâm làm gì. Sau khi hoàn tất thủ tục sang tên biệt thự cho em trai, dặn dò em mỗi tháng tôi sẽ lên Hà Nội chơi với em một lần rồi mới lặng lẽ xách valy rời khỏi Hà Nội, trở về đảo.

Tôi được phân công làm bí thư đoàn kiêm nhiệm thêm nhân viên công tác xã hội ở đảo. Lương ở đảo cao hơn đất liền, còn có tiền phụ cấp thu hút, tôi lại cũng chẳng tiêu gì nhiều nên tháng nào cũng dư dả. Trên đảo có rất nhiều trẻ em nghèo, thế nên ngoài làm việc của xã tôi còn cùng các cô giáo đi vận động những gia đình nghèo cho các em được đi học. Có một số hộ được Lâm hoặc một số tổ chức từ thiện hỗ trợ, nhưng một số hộ mới phát sinh vận động rất khó khăn, sau cùng em trai tôi nghe tin đã cùng tôi mỗi tháng trích ra một khoản tiền hỗ trợ các em được đi học. Mỗi lần nhìn thấy những ngôi nhà được thắp điện sáng trưng tôi đều nhớ đến Lâm, nhớ đến con gái của tôi. Nhưng dù nhớ nhung tôi cũng chỉ có hít một hơi, ngẩng cao đầu, tự nhủ rằng thời gian rồi sẽ chữa lành tất cả thôi. Chỉ là tôi không hề biết, thời gian chỉ làm tôi quen dần với nỗi đau, nỗi nhớ nhung, vĩnh viễn không thể chữa lành những vết sẹo đã sâu hoắm trong lòng tôi.

Những ngày ở đảo tôi cố lao đầu vào làm việc để lấp đi tất cả những khoảng trống rỗng trong trái tim. Tôi vốn nghĩ rằng tôi và Lâm cứ thế mà sống, Lâm nuôi con và sống cuộc đời của anh, tôi cũng quên đi hận thù, quên đi nỗi đau, sống cuộc đời của tôi. Chỉ là…

Khi tôi về đảo được hơn bốn tháng, buổi sáng chủ nhật tôi cũng đạp xe xuống chợ để mua thức ăn. Lúc vào đến hàng gạo tôi bỗng thấy bà lão vợ của ông lão đã cứu Lâm ở bên bìa rừng năm nào cũng đang xách một bao gạo lớn định ra xe. Gió đầu mùa hất tung mái tóc bà lão, bóng bà gầy gò liêu xiêu xách bao gạo trông rất nặng nề. Thấy vậy tôi vội vã chạy vào đỡ lấy bao gạo rồi nói:

– Bà để cháu xách lên cho.

Bà lão nhìn thấy tôi thì kinh ngạc, ánh mắt có chút thảng thốt, một lúc sau mới hỏi:

– Sao cô lại ở đây? Hai cô cậu vẫn chưa về thành phố à hay lại đến đây chơi?
– Dạ giờ cháu về đây làm việc rồi ạ.
– Vậy còn chồng cô thì sao? Cậu ấy cũng về đây luôn hả? Độ trước tôi có gặp chồng cô ở đây, cũng có nói vài chuyện.
– Dạ không có cháu thôi ạ. Sao bà lại ra đây thế ạ?
– À, hôm qua thằng Tài nó bảo ông chủ ở đây đang phát miễn phí gạo và dầu ăn cho ba hộ gia đình ở bìa rừng với mấy hộ nghèo trong xã nên sáng nay tôi với bà hàng xóm tiện ra có việc tranh thủ đi lấy luôn không đợi thằng Tài mang về cho nữa. Cô xem ông chủ ở đây trước nay nổi tiếng keo kiệt vậy mà giờ bỗng dưng lại phát gạo với dầu ăn miễn phí cho chúng tôi có lạ không cơ chứ?

Tôi cũng thấy có chút lạ nhưng cũng không rõ lý do tại sao nên chỉ cười cười. Bà lão cũng nhìn tôi, hình như có điều gì khó nói, một lát sau mới hỏi:

– Cô cậu có còn giữ hai lá bùa tôi đưa cho không?
– Dạ chúng cháu vẫn giữ.
– Ừ. Sáng nay gặp cô… tự dưng tôi cứ thấy là lạ, đêm qua không hiểu sao tôi lại mơ…

Bà lão vừa nói đến đây thì hàng xóm của bà cũng chạy từ đâu tới không để ý đến tôi mà kéo tay bà lão cười nói:

– Đi sang bên này mua ít vải này, vải rẻ mà đẹp lắm.

Bởi gạo phát miễn phí nên rất đông người, tôi chưa kịp nghe bà lão nói gì phía sau còn đang định chạy theo thì điện thoại cũng rung lên. Là cô Hiền gọi cho tôi, vừa nhấn nút nghe tôi đã thấy giọng cô rất buồn:

– Diệp Anh. Cháu biết chuyện cậu Lâm làm giấy tờ cho cái Moon với cậu ấy đi nước ngoài chưa? Đi sang Nga cháu ạ, trước cậu ấy du học bên Nga, hình như giờ sang làm giảng viên trường đại học nào bên đó ấy. Giấy tờ làm xong cả rồi, đợi qua sinh nhật cái Moon là đi mà giờ cái Moon hơn mười một tháng rồi có nghĩa cũng còn mấy ngày nữa là đi đâu. Cậu ấy cũng không nói gì với cô chắc sợ cô nói với cháu, đến hôm qua mới nói. Cô cũng không định nói cho cháu đâu vì cô biết cậu ấy muốn cháu quên cậu ấy với cái Moon đi mà lòng cứ day dứt mãi không yên. Dạo này cậu ấy đang thu xếp công việc, hôm qua thấy mua nhiều đồ lắm, toàn sách vở, rồi cả máy tính bảo cô trông Moon một ngày không rõ đi đâu chỉ thấy bảo chiều nay hay mai gì đó mới về, cháu có ở Hà Nội thì tranh thủ qua với con bé không cô sợ nó đi nước ngoài cháu lại không được gặp nó nữa.

Nghe cô Hiền nói tôi hơi khựng lại cũng quên mất việc định tìm bà lão chào một tiếng, lúc quay lại cũng không còn thấy bà lão ở chợ nữa. Dù tôi đã nghĩ thông rồi, cũng đã nghĩ nếu Lâm có đưa Moon sang nước ngoài tôi cũng phải chấp nhận. Thế nhưng bởi nghĩ đến việc con phải xa cách tôi cả nửa vòng trái đất lòng tôi thật sự có chút sợ hãi và hoảng loạn. Ít ra nếu con bé ở Hà Nội, dù không thể gặp con nhưng con vẫn gần tôi, vẫn hít chung một bầu không khí với con, vẫn sống chung với nhau trên đất nước tươi đẹp này. Tôi không muốn phản bội lời hứa của mình với Lâm thêm lần nữa, nhưng tôi cũng muốn được gặp con một lần trước khi con theo Lâm qua nước ngoài nên sáng hôm ấy tôi đã làm đơn xin nghỉ hai ngày, ngay trong buổi trưa cũng vội vã nhặt một bộ quần áo rồi chạy ra cho kịp chuyến tàu chiều duy nhất. Lúc lên đến tàu tôi thấy cô Hiền cũng gửi cho tôi mấy bức hình của Moon, tháng mười gió rét, nghĩ đến con phải sang Nga lòng tôi lạnh buốt. Trên tàu sóng đánh dập dềnh, có vài người khách nhưng tôi vì chỉ quan tâm đến hình của Moon nên tôi cũng không để ý trên tàu có ai. Tôi xem đi xem lại những bức hình của con, mỗi hình xem đến cả mười lăm, hai mươi phút vẫn chưa vơi nỗi nhớ. Cô Hiền còn gửi cho tôi mấy đoạn video con tập đi và ê a tập nói. Xem từ khi còn tàu nhổ neo rời xa bến cho tới khi ra giữa biển, sóng điện thoại cũng mất một lúc tôi mới ngẩng lên vừa hay nhìn thấy Lâm đang ở cách tôi hai dãy bàn. Thấy Lâm tôi vô cùng sửng sốt còn anh thì khẽ quay mặt đi. Tôi xoa xoa đầu lúc này sực nhớ đến lời của cô Hiền mới hiểu ra Lâm đã ra đảo từ hôm qua, có lẽ mang đồ cho mấy đứa học sinh và thầy cô ngoài này là một trong những việc cần “thu xếp” của anh. Tôi không biết rõ tâm trạng của mình là gì, nhưng bởi sợ không được gặp con lần này lớn hơn tất thảy, vả lại tôi cũng nghĩ với tính cách của Lâm anh cũng sẽ không ngăn tôi gặp khi con sắp đi theo anh đến chân trời mới nên tôi cũng không sợ gì nữa. Tháng mười gió không quá to nhưng sóng lại rất lớn, ra giữa lòng biển sóng càng lớn hơn. Con tàu dập dềnh trên sóng, tôi định vài lần đứng lên đi về phía Lâm hỏi anh cụ thể ngày anh và con sẽ bay, nhưng phần vì đắn đo, phần vì mỗi lần đứng lên con tàu lại ngả nghiêng chao đảo nên tôi đành ngồi xuống. Nhưng rồi sau đó, tôi cũng lấy hết sự can đảm của mình suốt hai mươi lăm năm qua đi về phía Lâm, sợ rằng muộn một giây sẽ vạn lần hối hận nên nuốt một ngụm khí rồi hỏi anh:

– Tôi nghe nói anh sắp đưa con qua Nga sinh sống. Mấy ngày trước khi đi… có thể cho tôi gặp con bé một chút được không?

Lâm nhìn tôi, tôi biết anh sẽ rất đắn đo, nếu không cho thì không nỡ, mà cho lại sợ rằng sau khi đi tôi lại nhung nhớ con không thể bước tiếp được. Anh dường như suy nghĩ một lúc, lúc khoé miệng anh mấp máy định đáp lại con tàu bỗng dưng lắc lư dữ dội, ngay sau đó một cơn sóng lớn ập thẳng đến tàu, tràn vào trong cả khoang tàu. Tôi hoảng hốt suýt ngã ngay lập tức đã được Lâm túm lại kéo xuống ghế của anh, bản thân đã từng đi tàu rất nhiều năm, cũng từng trải qua rất nhiều trận sóng lớn nhưng đây là lần đầu tiên cảm thấy trận sóng này kinh hoàng đến vậy. Đài hôm nay báo không có bão, cảng vụ cũng cấp phép cho tàu chạy, nhưng những cơn sóng không rõ từ đâu đến khiến con tàu như muốn ngã ngay trên đại dương mênh mông. Lâm lúc này cũng có chút bất ngờ, có lẽ anh đã cảm nhận được những cơn sóng bất thường vội đẩy tôi ngồi xuống, nói lớn:

– Diệp Anh mặc áo phao đi. Mọi người mặc áo phao vào đi.

Người lái tàu nhanh chóng bấm vào nút phát tín hiệu nhưng cơn sóng từ bên ngoài lại ập đến, nước đã bắt đầu đầy vào bên trong chân tôi. Người lái tàu gần như gầm lên:

– Làm theo lời cậu ta, mặc áo phao vào đi. Gặp gió lốc rồi, cơn gió lốc này lớn lắm, nhanh lên. Tín hiệu bị sao đây… mẹ kiếp… tôi sẽ cố gắng đi về gần dãy núi kia

Trong khoang thuyền có người lái, tôi, Lâm, một cặp vợ chồng trẻ, một người mẹ ba mươi lăm, ba sáu tuổi và một đứa bé chừng năm tuổi. Tôi vừa kịp mặc chiếc áo phao vào người cũng thấy Lâm chạy xuống giúp hai mẹ con đứa bé kia mặc áo phao sau đó lại vội túm lấy hai mẹ con họ và cả cặp vợ chồng kia dẫn lên phía tôi. Con tàu lúc này đã chao đảo dữ dội, cơn gió lốc này không hề được báo trước, sóng lớn trước, sóng lớn sau thi nhau đánh thẳng lên con tàu. Thi thoảng trên giữa biển khơi mênh mang vẫn có những cơn gió lốc như thế, gần mười lăm năm trước vụ đắm tàu ở đảo khiến ba người thiệt mạng cũng là bởi tàu gặp con gió lốc không thể báo trước thế này. Đứa trẻ năm tuổi sợ hãi khóc toáng lên, mẹ nó thì liên tục cầu xin Lâm cứu nó vì sóng lớn nên chỉ nghe láng máng chị ấy vừa khóc vừa nói cái gì mà bộ đội… cái gì mà bị thương… cái gì mà truy bắt tội phạm. Tôi cố gắng trấn an nó nhưng lòng cũng đã bắt đầu run rẩy. Con tàu giống như ngọn đèn lay lắt giữa bão gió trong một phút chốc nghiêng ngả liên tục không còn kiểm soát được. Người lái tàu chỉ có thể cố gắng gầm lên bấm liên tục vào tín hiệu cầu cứu. Ngay khoảnh khắc ấy, cơn sóng lớn bị gió đánh tạt thẳng vào tàu, lại tiếp tục một cơn nữa, nước biển văng cao ướt sũng cả người chúng. Con tàu không kiểm soát được, nước tràn khắp tàu cuối cùng cũng bị đánh quật, tất cả chúng tôi bị đánh thẳng ra giữa lòng biển khơi. Lâm vội vã ôm lấy đứa bé, một tay vẫn nắm tay tôi, sóng lớn đập thẳng lên mặt, chiếc áo phao gần như vô tác dụng. Phía sau lưng tôi, người đàn ông lái tàu cũng cố gắng kéo lấy mẹ của đứa bé bơi về hướng núi phía trước còn cặp vợ chồng trẻ không rõ đã sóng đánh về hướng nào rồi chỉ thấy tiếng người lái tàu thét gào giữa tiếng sóng gió đang mỗi lúc một lớn. Núi cách không quá xa, nhưng vì sóng quá kinh hoàng, bơi một quãng sóng lại đánh tạt lại nên chẳng mấy chốc tôi đã gần như kiệt sức. Lâm không buông tôi một giây nào, khi tôi tụt lại anh liền tay siết chặt lấy tay không ngừng hét lên:

– Diệp Anh, cố lên, cố lên, giữ đứa bé giúp tôi.

Đứa bé trên lưng anh được tôi giữ không ngừng khóc, gương tái xanh rồi trắng bệch sợ hãi túm lấy Lâm không buông. Một mình anh vừa phải kéo tôi vừa phải cố gắng cứu lấy đứa bé, môi cũng đã tái nhợt, nước chảy tong tong từ mái tóc anh xuống cả miệng. Tôi dù đã vô cùng hoảng sợ, trải qua nhiều trận sinh tử cũng rất sợ chết, nhưng bởi trên lưng Lâm còn một đứa trẻ con, tôi không còn cách nào khác chỉ có thể nói lớn:

– Lâm, anh buông tôi ra cho nó lên bờ núi trước đi, tôi sẽ cố gắng bơi vào.

Thế nhưng Lâm thừa hiểu, sóng lớn thế này sức lực của tôi không thể bơi nổi vào gần vách núi kia thậm chí còn bị sóng đánh xa hơn. Anh nhất định không chịu buông tôi, vẫn chỉ trấn an:

– Tôi sẽ đưa em và nó vào đến nơi.
– Đồ ngốc, buông tôi ra.
– Em mới ngốc, nắm chặt tay tôi đi.

Tôi không rõ mình đã uống bao nhiêu nước, cũng không rõ mặt bị sóng đánh rát thế nào, thậm chí còn gần không mở nổi mắt ra, đầu óc hỗn loạn trong tiếng gió rít thét gào. Cơn gió lốc này thật sự quá kinh khủng, đầu tôi bị sóng đánh đến mụ mị. Cuối cùng dưới sự nỗ lực của Lâm cả ba người chúng tôi cũng vào được đến sát vách núi. Lâm đẩy tôi lên vách đá trước rồi đưa đứa bé cho tôi, thế nhưng tôi vừa kịp bế đứa bé lên một cơn sóng lớn cũng ập thẳng lên đầu Lâm. Tôi vội vã chạy vào đặt đứa bé lên một nơi bằng phẳng trên cao rồi lao thẳng đến túm tay Lâm. Chỉ là ngay sau đó gió lớn, sóng lớn quật thẳng lên người tôi khiến cả người bị đập thẳng vào vách đá, dù tôi đã cố níu chặt nhưng mười ngón tay tôi và Lâm cũng bị tuột dần ra. Sóng lại ập đến một cơn khiến đầu và lưng tôi đập thẳng vào vách đá lần nữa, trong giây phút sinh tử tôi chỉ có thể dùng sức lực cuối cùng hoảng loạn trèo lên vách đá ấy đẩy cây gỗ lớn về phía Lâm nhưng anh đã không thể tóm được. Lực sóng đánh rất mạnh, lúc nằm trên vách đá đầu tôi cũng hoàn toàn tê liệt, trên đầu máu từ đâu chảy xuống buốt óc, cả người như bị ai đó đập hàng ngàn chiếc búa lên. Tôi không còn di chuyển được, nằm trên vách đá nhìn về phía Lâm, đôi mắt dần dần mờ đi chỉ thấy bóng Lâm bị cơn sóng kia cuốn thẳng ra xa, không rõ đã bị thứ gì đâm phải chỉ thấy máu từ trên người anh hoà lẫn với nước biển tạo thành màu hồng kì dị. Đầu tôi nổ ầm ầm những tiếng kinh hoàng, linh cảm bất an cũng ùa về văng vẳng bên tai là tiếng nói của bà lão bên bìa rừng:

– Tôi nhìn vận mệnh cậu ta không được tốt, số cậu ta sẽ đoản mệnh, ch/ết trẻ…

Tôi rất muốn lao xuống kéo anh lên, nhưng cả người tôi đã không thể cử động nổi, bóng đêm như thuỷ triều ập đến, chỉ nghe tiếng Lâm hét vô vọng giữa biển khơi:

– Diệp Anh! Cố gắng lên em, về với con!

Yêu thích: 4.7 / 5 từ (7 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN