Sao Sáng Chờ Anh Về - Chương 36: Ngoại truyện 2-2
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
21


Sao Sáng Chờ Anh Về


Chương 36: Ngoại truyện 2-2


Ngoại truyện 2 (phần 2)

Những ngày tiếp theo khi Lâm trở về căn nhà nhỏ của tôi chúng tôi gần như không rời nhau nửa bước. Sau muôn ngàn đau thương chất chồng giờ gần như là khoảng thời gian bù đắp cho nhau. Con bé Moon quấn quýt bố không rời, mỗi đêm ngủ có bố bên cạnh đã ngủ một giấc xuyên đêm, đến sáng mở mắt câu đầu tiên con gọi là:

– Ba Lâm.

Cách xa con từ khi con chưa biết nói, đến giờ con đã biết gọi anh rất xúc động. Đôi môi nhỏ xinh của Moon gọi hai chữ “ba Lâm” lần nào cũng khiến anh đỏ hoe mắt ôm cả tôi và con vào lòng. Dường như nỗi nhớ nhung vẫn đầy vơi không bao giờ hết. Tôi cũng rất nhớ thương anh, cảm thấy thời gian qua thật kinh khủng nên giờ về tôi thật sự trân trọng từng phút giây bên anh, tôi không muốn mình phải hối hận thêm lần nào nữa.

Cô Hiền thì khỏi nói, ngày nào cũng dặn dò tôi chăm sóc cho chồng thật kỹ, bù đắp cho khoảng thời gian xa nhau. Cô còn dạy tôi học theo chị Ân lên mạng tìm hiểu mấy cái nhóm giữ chồng, phòng the gì đó làm tôi ngượng đỏ mặt. Nhưng đỏ mặt thế thôi chứ tôi vẫn lén lút lên những nhóm đó tìm hiểu cách giữ chồng, cách chăm sóc chồng về cả thể xác lẫn tinh thần. Tôi đương nhiên hiểu, làm sao tôi dám để Lâm rời xa thêm lần nào nữa, tôi thậm chí còn chẳng dám giận dỗi anh nữa. Không rõ có phải về nhà có vợ con không mà anh rất nhanh hồi phục, ăn uống đầy đủ nên đã lấy lại sự phong độ và đẹp trai như xưa. Nhìn anh như vậy tôi lại hơi lo lo… lo mấy đứa sinh viên sẽ tiếp cận anh… Ai chà! Ghen đến chết mất thôi!

Qua Tết vài ngày gia đình tôi nhộn nhịp hẳn lên. Đầu tiên là các thầy cô trong trường khi nghe tin Lâm còn sống đã chạy sang ôm cả một đống quà cáp sang vừa mắng chửi vừa ôm anh khóc một trận. Nhất là thầy hiệu trưởng, giáo sư và thầy Khoa. Anh bị mắng cũng không dám phản kháng lại chỉ ngồi yên ôm Moon mà cười. Thầy Khoa vừa ăn nho tự mình mang đến vừa hừ lạnh:

– Suýt chút nữa trường đã đề nghị chính phủ tặng cho cậu cái Huân chương dũng cảm. Sắp đi làm lại rồi chứ?
– Sắp rồi, dưỡng thương qua Tết là sẽ đi làm lại.
– Ừ đi làm đi, chuẩn bị đón tin vui của tôi.
– Tin vui gì, có người yêu à?
– Sắp lấy vợ.
– Lấy ai thế?

Thầy Khoa không nói, nhìn biểu cảm hết sức bí mật khiến giáo sư Đình cũng sốt ruột chửi:

– Ngứa cả mắt, lấy ai thì nói ra cho nhanh, trông cũng đẹp trai, nhà cũng giàu mà ế đến giờ không biết nhục. Nhìn thằng Lâm vợ con đề huề chưa, có khi sắp sinh đứa hai mà giờ còn bày đặt bí với cả mật.

Thầy Khoa bị chửi thì sượng trân đáp lại:

– Xuỳ, có em Diệp Anh xinh gái thì bị nó cuỗm mất rồi, thầy không biết chứ ngày xưa em cũng tăm tia em Diệp Anh rồi đấy, định đợi em ấy ra trường sẽ tán, ai dè thằng Lâm nó nhanh tay hơn không đợi người ta ra trường đã hốt về.
– Thôi đi ông tướng, ông yêu đương tá lả tình đời mà có đứa nào dính với ông được thời gian dài đâu. Diệp Anh thoát được kiếp nạn với ông thì có.
– Đợt này em lấy vợ thật, thầy cứ đợi thiệp mời của em.
– Ừ đợi sắp rụng cả răng rồi đây.

Cứ ngỡ thầy Khoa nói đùa không ngờ cuối tháng ba thầy Khoa gửi thiệp mời cho chúng tôi thật, và còn bất ngờ hơn nữa khi tên cô dâu có ghi ba chữ “Mai Ánh Nguyệt”.

Từ lúc Lâm trở về chị ta biết nhưng chỉ gọi điện cho tôi hỏi thăm sức khoẻ của anh chứ không đến thăm. Mãi đến ngày diễn ra đám cưới Nguyệt và thầy Khoa cũng mới đến nhà tôi chơi. Lúc thầy Khoa và Lâm đang trò chuyện bên trong nhà Nguyệt cũng đứng ngoài hồ cá nói với tôi:

– Từ khi tôi chấp nhận buông bỏ tình cảm với Lâm chỉ có anh Khoa ở cạnh tôi, ngày tôi đi Úc cũng một mình anh ấy tiễn tôi, đến khi tôi về không báo cũng chỉ có anh ấy đón tôi ở sân bay. Tất cả những việc xấu xa tôi làm anh ấy biết, cũng là anh ấy khuyên nhủ tôi dừng lại đúng lúc, anh ấy chấp nhận tôi, cũng kiên nhẫn ở cạnh tôi để tôi sửa sai dù tôi không có tình cảm với anh ấy. Đến giờ tôi cũng nhận ra, đời người không cần phải yêu đương nồng cháy, chỉ cần có một người như vậy là đủ rồi. Chỉ là bố mẹ tôi vẫn rất giận tôi, cái giá phải trả cho sự khốn nạn của bản thân thật sự quá đắt. Tôi sai thật rồi Diệp Anh ạ.

Tôi gật đầu khẽ nhìn Nguyệt mỉm cười:

– Trước kia tôi từng rất ghét chị, khi chị thuê người định làm nhục tôi tôi còn hận chị nữa. Nhưng chị biết dừng lại, biết mình sai, cũng biết thay đổi là điều không phải ai làm được. Tôi thật lòng chúc phúc cho hai người.
– Cảm ơn cô. Tôi cũng mong cô và anh Lâm mãi hạnh phúc, trải qua chuyện sinh ly tử biệt kia mong cô cũng buông bỏ tất cả chấp niệm hận thù ở cạnh anh ấy đừng buông tay.
– Đương nhiên rồi, cảm ơn chị!

Đám cưới của Nguyệt và thầy Khoa diễn ra vào mười sáu tháng ba âm lịch. Trước khi đám cưới diễn ra bố mẹ của Nguyệt đã đến tìm tôi để xin lỗi. Bố mẹ chị ta đã rất giận chị ta vì những chuyện chị ta gây ra với tôi, đã từng tìm đến tôi xin lỗi nhưng vì tôi về đảo nên không liên lạc được nên đã tìm đến em trai tôi xin được chuộc lỗi cho con gái. Tôi cũng nghe nói năm ấy là Lâm đến tìm bố mẹ Nguyệt để nói cho bố mẹ chị ta việc chị ta gây ra và cũng dùng nó để ép Thép Việt An cho Hải Ninh một cơ hội. Bố mẹ Nguyệt rất tử tế và lương thiện, họ cũng tầm tuổi như mẹ tôi xin lỗi rất đàng hoàng cũng chấp nhận tất cả hình phạt nếu tôi muốn phạt con gái họ, bản thân tôi cũng đã không còn cố chấp chuyện đó đã lâu rồi nên không có ý truy cứu lại.

Nguyệt là con gái của chủ tịch tập đoàn thép Việt An nhưng do bố mẹ chị ta vẫn giận nên đám cưới cũng khá bình dân. Ngày cưới bố chị ta không đến, mẹ chị ta đến nhưng cũng rất lạnh nhạt. Suốt đám cưới chị ta liên tục ngó ra ngoài chờ bố dẫn lên lễ đường nhưng cuối cùng vẫn chỉ có Vân đưa chị ta lên. Chị ta khóc cạn nước mắt chỉ có thầy Khoa bên cạnh vỗ về. Gia đình thầy Khoa cũng rất giàu có, có cả một chuỗi hệ thống khách sạn từ Nam ra Bắc nên xem như đám cưới cũng được an ủi một phần. Thế nhưng nỗi đau lòng trong mắt Nguyệt vẫn không giấu nổi, mãi đến khi tiệc gần tàn bố của Nguyệt cũng mới đến khiến chị ra khóc oà lên chạy ra ôm chầm lấy bố mình xin lỗi không ngừng. Giây phút đó tôi cũng thấy có chút tội nghiệp chị ta nhưng trong lòng thương bố mẹ chị ta nhiều hơn.

Khi tôi và Lâm dẫn Moon đến tham dự đám cưới cũng gặp Khánh và Vân cùng bé Bin ở khu vực dành cho người nhà. Nhìn thấy Khánh bế bé Bin, ánh mắt anh tuy vẫn hơi lạnh nhạt với Vân nhưng đã không còn bài xích như trước kia. Đến cuối bữa tiệc cả hai người họ cũng đến mâm tôi và Lâm ngồi rót rượu ra, Vân nâng chén với tôi rồi nói:

– Ly này tôi thay mặt chị gái cảm ơn hai người đã đến chung vui cùng gia đình chúng tôi.

Tôi và cô ta cụng ly, sau đó cô ta lại rót thêm một ly nữa gượng gạo cười:

– Còn ly này tôi muốn xin lỗi cô, xin lỗi vì những gì tôi đã làm, đã nói với cô, ngoài ra tôi còn muốn cảm ơn cô, cảm ơn cô đã cho tôi và chị gái một cơ hội, đã không truy cứu đến cùng những việc mà chị em tôi đã làm.

Sau khi uống xong ly rượu với Vân cô ta cũng dẫn Bin đi về phía Nguyệt. Lúc này Khánh cũng rót rượu mời vợ chồng tôi. Anh uống cạn ly rượu, chúc mừng Lâm đã sống sót kỳ diệu quay trở về, sau cùng anh nói với tôi và Lâm:

– Vì từng ôm hận thù nên cố chấp rất nhiều chuyện.

Nói đến đây anh cũng cười:

– Diệp Anh! Anh hiểu lời em nói rồi, anh không muốn mình phải hối hận, cũng không muốn đến muộn mới nhận ra yêu một người là thế nào. Yêu là chỉ mong người đó được hạnh phúc, là khi thấy người đó đau khổ vì người khác trái tim cũng vô cùng đớn đau. Giờ anh chỉ mong em được hạnh phúc. Dù rằng ban đầu anh rất cố chấp, cũng không có ý nghĩ lâu dài với Vân nhưng giờ anh cũng nhận ra trong suốt quá trình sinh sống cũng đã có sợi dây níu kéo nên dù thế nào vẫn nên chấp nhận. Vân có những khuyết điểm, cũng không hoàn hảo, thậm chí làm một số việc xấu không thể tha thứ nhưng lỗi cũng do bản thân anh khá nhiều. Anh đã lạnh nhạt với cô ấy, đã trách móc, đã chiến tranh lạnh nhưng giờ anh thấy mình cũng sai. Sau cùng anh cũng hiểu một điều, muốn cô ấy đặt lòng tin ở mình thì bản thân cũng phải cho cô ấy sự an toàn. Xin lỗi em vì việc Vân đã gây ra, xin lỗi vì những hiểu nhầm mà vợ chồng anh đã gây ra, anh sẽ vì đứa con này mà cùng cô ấy cố gắng, cho nhau một cơ hội lại. Em tha thứ cho cô ấy anh rất cảm ơn cũng xin lỗi vì đã đôi lần khiến chen vào mối quan hệ của em. Đến giờ sau bao nhiêu chuyện cũng nhận ra thứ quan trọng nhất với mình là gì rồi, yêu hay không yêu thì vẫn là một gia đình vẫn cần cùng nhau cố gắng, cùng nhau vun đắp, nhờ đứa con này anh cũng dần nhìn nhận ra được mọi vấn đề. Hi vọng gia đình hai chúng ta sau này sẽ bỏ qua được tất cả những khúc mắc trong quá khứ, sẽ giữ mối quan hệ bạn bè, tri kỷ thân thiết. Anh vẫn luôn coi em là cô em gái bé bỏng như ngày nào.

Lâm gật đầu, anh cũng siết tay tôi đáp lại lời Khánh:

– Tôi cũng hi vọng như vậy, cảm ơn anh vì tất cả những việc anh đã làm cho Diệp Anh. Tuổi thơ và cả tuổi thanh xuân của cô ấy nhờ anh rất nhiều, nếu không có anh thì cô ấy không có được ngày hôm nay. Tôi cũng thay mặt mẹ tôi xin lỗi vì đã kéo anh vào chuyện hận thù này, khiến anh sống khổ sở rất nhiều năm. Anh không có bất cứ lỗi gì, là tôi tôi còn hành động tàn nhẫn hơn nhiều. Lần nữa xin lỗi anh đã phải sống thay thân phận cho tôi.
– Không, tôi nghĩ kỹ rồi, nếu như tôi không bị mẹ anh tráo đổi tôi đương nhiên sẽ biến thành con của bà Phượng. Nếu như vậy có lẽ tôi còn khổ tâm hơn rất nhiều, vậy nên cứ xem đây là may mắn của tôi đi. Vả lại mẹ đẻ tôi cũng không còn, bà là mẹ đơn thân, sinh tôi ra đã ch.ết ngay trên bàn đẻ nên mới bị tráo đổi, kiểu gì cũng là khổ, ít nhất được làm con của mẹ anh, được mẹ anh chăm bẵm, dồn hết tình thương lên tôi cũng xem như là may mắn của tôi.

Sau này Vân kể với tôi Khánh đã đi tìm hiểu về gia đình mình suốt ba tháng nay. Cách đây nửa tháng anh cũng mới tìm được bệnh viện nơi anh sinh ra. Mẹ đẻ anh năm ấy bị người ta lừa nên mới mang thai anh, sau khi mang thai người đàn ông kia đã bỏ đi biệt tích, mẹ anh không cha, không mẹ chỉ có một cậu em trai mới mười sáu, mười bảy tuổi ở cùng nhau trong căn phòng trọ tồi tàn. Năm ấy mẹ anh tính bỏ anh đi rồi nhưng vì khi đó thai đã to nên không ở đâu nhận phá, vốn định sinh anh ra sẽ cho anh vào trại trẻ mồ côi không ngờ lúc mẹ anh sinh xong anh băng huyết mà ch.ết. Bà Phượng khi đó sinh con cùng mẹ anh cũng bị băng huyết nhưng bà ta được cứu còn đứa bé bị ngạt ngay sau khi sinh nên đã tử vong. Y tá rất lo sợ, bởi bà ta thường xuyên thăm khám ở bệnh viện, lúc gần đẻ cũng cho ekip đỡ đẻ tiền. Thời đó cho ekip đỡ đẻ tiền hầu hết đều là những gia đình có điều kiện, y tá sợ bà ta sau khi tỉnh sẽ làm ầm ỹ lên, sẽ kiện tụng nên đã tráo đổi đứa bé đã chết để lấy Khánh. Còn mẹ Khánh và đứa bé con bà Phượng được giao về cho người cậu kia hoả táng. Lúc Khánh được mang đi, bà Phượng vẫn chưa tỉnh lại, anh được đặt chung trong phòng với rất nhiều đứa trẻ đẻ trong ngày hôm đó, trên nôi chỉ ghi tên mẹ và ngày tháng sinh của anh. Việc mẹ Lâm tráo đổi thế nào y tá không rõ bởi mẹ anh sinh con ở bệnh viện khác, sinh trước khi bà Phượng sinh ba ngày, sau đó có lẽ nhờ người nên nắm được thông tin bà Phượng đã sinh con còn bị băng huyết chưa tỉnh, nhân lúc đó bà đã mang Lâm tráo đổi lấy Khánh. Việc Khánh bị tráo đổi không quan trọng với y tá bởi họ chỉ cần có một đứa trẻ còn sống thế vào là được, bà Phượng có nhóm máu A, Lâm và bố anh cũng nhóm máu A nên bà ta chưa từng nghi ngờ con mình bị tráo là vì thế. Nếu bà Phượng biết Lâm không phải con mình, Khánh cũng không phải con mình, đứa con của bà ta đã chết từ khi sinh ra có lẽ bà ta sẽ suy sụp đến chết ngay tức khắc. Thế nhưng Lâm bảo với tôi cứ để bà ta nghĩ anh chết rồi là được, phần đời còn lại cứ để bà ta ở trong tù sám hối chứ anh không thể đả kích bà ta bằng thông tin này được. Tôi biết đến con người sống với nhau vài tháng còn có tình cảm huống chi là bà ta đã nuôi anh tận hơn ba mươi năm. Tuy Lâm có hận những việc ác bà ta làm, nhưng việc bà ta đối tốt với anh anh không thể phủ nhận nổi, tôi cũng nghĩ như thế này đối với bà ta đã quá tuyệt vọng rồi, vì Moon, vì tích đức cho con nên tôi và Lâm sẽ không đâm chém thêm những nhát dao lên bà ta làm gì nữa. Đây cũng là một bài học cho những kẻ thích đi phá vỡ hạnh phúc gia đình người khác, làm ra những việc bạc ác, khốn nạn. Nghiệp không phải không đến, chỉ đến sớm hay muộn mà thôi.

Cuối tháng tám Hiếu cưới vợ, tôi và Lâm cùng bố mẹ nuôi của em bên Canada về Việt Nam tổ chức đám cưới cho em tôi. Lúc gặp họ, tôi đã gần như quỳ sụp xuống cảm ơn họ vì đã cưu mang, nuôi nấng em tôi tận mười mấy năm trời. Thế nhưng họ bảo với tôi họ may mắn khi có một người con nuôi là Hiếu, cảm tạ ông trời đã cho họ gặp được em tôi, làm cha mẹ nuôi của em.

Vợ của em trai tôi là em gái họ của Nguyệt làm ở Việt An. Qua vài lần em trai tôi sang xin được hợp tác chung với Việt An đã gặp em ấy. Em ấy rất xinh, rất ngoan, bố em ấy là em trai của bố Nguyệt còn mẹ em ấy mất từ khi còn nhỏ. Có lẽ cùng vắng hơi ấm gia đình nên em trai tôi và em ấy đều khao khát một gia đình trọn vẹn cuối cùng yêu nhau lúc nào chẳng hay và kết thúc bằng một đám cưới đẹp như mơ. Công ty Hải Ninh cũng ngày một phát triển và lớn mạnh, vợ của Hiếu cũng nghỉ hẳn bên Việt An về giúp chồng cùng xây dựng công ty.

Sau đám cưới vợ chồng em trai tôi định đi đảo du lịch vài ngày, Lâm cũng muốn về thăm đảo nên hỏi ý kiến tôi có muốn đi cùng anh không, chỉ sáng đi tối về vì còn Moon nữa. Thế nhưng sau vụ gặp lốc kia tôi rất sợ hãi đúng kiểu một lần bị rắn cắn mười năm sợ dây thừng. Thói thường, khi người ta đã bị tổn thương hoặc bị làm cho kinh sợ thì cũng sẽ nảy sinh tâm lý phòng ngừa, bất an. Thế nhưng Lâm nói với tôi sau vụ gặp gió lốc ở đảo đã trang bị một chiếc tàu cao tốc hai thân rất lớn chống gió, chống lốc, trong những trường hợp khẩn cấp tàu cũng sẽ có thiết bị báo động nên không cần lo lắng quá nhiều. Vả lại Hiếu cũng nói với tôi trên đời này ai cũng đều có số phận, có vận mệnh cả rồi, những người dân trên đảo hằng ngày vẫn di chuyển bằng tàu bè nếu cứ sợ như vậy thì đảo xa xôi vĩnh viễn biến thành đảo hoang, người dân và lũ trẻ trên đảo đến bao giờ mới được tiếp cận đến những công nghệ hiện đại, đến bao giờ mới nâng cao được chất lượng cuộc sống?

Nghĩ thông nên tôi quyết định đi đảo cùng Lâm và mọi người. Lúc xuống cảng Vân Đồn tôi mới biết lời Lâm nói là thật, đảo đã trang bị một con tàu hai thân lớn chống gió, đi từ cảng Vân Đồn ra đảo chỉ chưa đầy một tiếng khác hẳn với tàu con tàu đi ba, bốn tiếng đồng hồ kia. Khi con tàu vừa cập bến đến trạm cảng Quan Lạn tôi sững lại khi thấy trên cảng rất đông người, có thấy hiệu trưởng, chú chủ tịch xã, có đám trẻ nhỏ ở trường tiểu học, có các thầy cô giáo từ cấp mầm non đến cấp hai, ba còn có cả rất nhiều người dân đến đón chúng tôi. Lâm cũng không hề biết lần về thăm đảo này mọi người lại kéo đông ra tận cảng này chờ chúng tôi đến vậy, lúc nhìn thấy cảnh mấy đứa học sinh, còn có cả hai đứa nhỏ tôi và Lâm cứu năm nào vẫy vẫy tay gọi tên tôi và Lâm lòng tôi xúc động lạ kỳ. Đến ngay cả bố mẹ nuôi của Hiếu khi biết những việc anh đã làm cho lũ trẻ, cho người dân trên đảo cũng nhìn anh với ánh mắt vô cùng ngưỡng mộ và khâm phục. Thế nhưng Lâm vẫn giống như năm nào, anh cười khiêm nhường nói với họ rằng tất cả những việc làm ấy đều là công sức của cả một tập thể không phải của riêng mình anh, giáo viên, bộ đội, công an, y bác sĩ bám đảo để giúp dân, giúp lũ trẻ mới đáng ngưỡng mộ, những việc anh làm chưa thể so được với sự hi sinh cao cả của họ. Bố mẹ nuôi của Hiếu nghe xong đã nói với nhau đất nước Việt Nam này tươi đẹp như vậy, người dân Việt Nam cũng đoàn kết, yêu thương nhau như vậy sau này họ sẽ về Việt Nam nhiều hơn, cũng sẽ gửi tiền về đóng góp cho nền an sinh xã hội của Việt Nam.

Vợ chồng Hiếu và bố mẹ nuôi của em về khách sạn còn tôi và Lâm tranh thủ lên uỷ ban xã để gửi sách vở cho lũ trẻ ở trường. Thầy hiệu trưởng liên tục lấy tay lau nước mắt, giọng cũng nghẹn đi:

– Từ lúc nghe tin cậu mất trên đảo ai ai cũng xót thương, họ còn đòi tôi đưa họ lên Hà Nội thắp cho cậu nén hương. Đến giờ khi nghe tin cậu còn sống cả đảo mừng như bắt được vàng, cậu xem mà mang đống quà của họ về nhé. Gà là của nhà cái Vân Anh, nhà thằng Tuấn, vịt ngan là nhà chị Hoa, nhà cô Tú, rau với sứa là của nhà thằng Đông, còn có cả cá khô, cá tươi, mắm tép… Đấy, không phải ai họ cũng quý thế đâu, cậu sửa nhà cho bà An, xây trường cho lũ trẻ, cõng điện về cho đảo, cứu mấy đứa trẻ đuối nước, còn cứu con của cậu Hùng bộ đội… những việc cậu làm dân trên đảo biết hết, ai ai cũng cảm phục cậu, coi cậu như người nhà.

Tôi nhìn đống quà chất đầy trên xe túc túc của người dân tặng Lâm lại quay lên nhìn anh. Thế nhưng anh chẳng hề làm màu hay từ chối mà đáp lại:

– Cảm ơn mọi người nhưng cháu nghĩ những việc làm của cháu cũng chưa thể bằng sự hi sinh của rất nhiều người ở đây. Cháu cảm ơn mọi người lần nữa, cháu xin nhận tấm lòng của mọi người, đây đều là những đồ ăn cháu rất thích, cháu sẽ mang về đến Hà Nội, vợ cháu sống ở đảo nhiều năm nên những món này vợ cháu chế biến rất ngon.

Nghe đến chữ vợ, giáo trẻ xinh đẹp ở trường tiểu học sang nhìn tôi. Có điều lần này không còn là sự hậm hực mà là sự ngưỡng mộ và khâm phục. Giữa vòng vây của rất nhiều người nhưng ánh mắt Lâm vẫn chỉ hướng về tôi, dù cho tôi đứng một góc rất xa anh vẫn nhìn tôi thâm tình và sâu nặng không thể giấu. Một lúc sau cũng thấy cô ấy quay lại nói với tôi:

– Chưa bao giờ tôi thấy thầy Lâm lại dùng ánh mắt trân trọng yêu thương đó dành cho bất cứ cô gái nào khác kể cả cô Nguyệt. Cô không biết chứ hồi trước tôi biết thầy Lâm sắp kết hôn với Nguyệt mà vẫn đâm đầu vào. Nào ngờ anh ấy chẳng hề để mắt đến tôi, tôi cũng thử tìm mọi cách tiếp cận mà không thành công… hoá ra trong lòng anh ấy đã có một người. Một người mà chẳng ai thay thế nổi.

Tôi nghe xong lòng bỗng thấy yêu Lâm vô bờ, yêu không dứt ra nổi. Mãi một lúc mới đáp lại:

– Cô xinh đẹp thế này sẽ có nhiều sự lựa chọn khác thôi…
– Tôi hiểu ý cô, tôi không cố chấp với anh Lâm nữa đâu, tôi tìm được người yêu tôi thật lòng rồi. Anh ấy là công an trên đảo, cũng quen với anh Lâm đấy, đẹp trai chắc cũng gần bằng thầy giáo Lâm nhưng quan trọng là thương tôi rất nhiều. Bao giờ đám cưới nhất định tôi sẽ mời vợ chồng thầy giáo Lâm đến dự, nhớ chúc phúc cho chúng tôi.
– Nhất định là thế rồi!

Cô giáo trẻ xinh đẹp cười chào tôi rồi trở về trường, lúc này chủ tịch uỷ ban xã cũng tặng cho Lâm một túi tôm bóc nõn đã được đóng trong túi rồi bảo:

– Tôi thay mặt người dân cảm ơn các giảng viên và sinh viên trong trường, cảm ơn cậu rất nhiều vì những việc cậu đã làm. Nhờ sách bút quần áo cậu gửi về cho lũ trẻ mà chúng bớt đi khoản tiền để mua, bố mẹ chúng cũng bớt đi một gánh nặng. Có máy chiếu chúng được tiếp xúc công nghệ thông tin, được học những bài học mà chúng chưa từng được thấy cũng khơi dậy cho chúng sự ham học hỏi, muốn được cống hiến cho xã hội. Đám trẻ ở thôn Sơn Hào, Yến Hải, Tân Lập thấy vậy cũng đòi đi học, bố mẹ chúng thấy chúng đòi đi học, dưới sự vận động của chúng tôi cũng cố gắng cho chúng được học hành tử tế, lại có xe túc túc đưa đón miễn phí do cậu nhận đóng tiền xe trong hai mươi năm nên đường xá xa xôi họ cũng đã cho con đi học trên các điểm trường rồi. Tiền học phí cậu hỗ trợ nay có thêm chị em Diệp Anh và vợ chồng cô Nguyệt, vợ chồng cậu Khánh luật sư nên đám trẻ gần như không cần lo lắng gì thêm nữa. Chỉ hi vọng bọn chúng sẽ cố gắng học thật giỏi, sẽ phấn đấu để sau này giúp ích cho quê hương và đất nước, sống làm một người tốt đẹp, lương thiện như các cô, các cậu.
– Cháu xin nhận quà của chú, cảm ơn chú và mọi người rất nhiều.

Sau khi ở uỷ ban về tôi và Lâm ra mộ mẹ nuôi tôi và mẹ anh để thắp hương. Anh nhổ dọn cỏ sạch sẽ hai ngôi mộ, cũng đứng trước mộ mẹ anh rất lâu, dùng khăn tay lau lia sạch những vết bụi trên ấy rồi đứng lặng lẽ nhìn những dòng chữ đã mờ. Số mẹ đẻ anh quá khổ, sau này tráo con cũng khiến anh khổ theo, nhưng chắc chắn anh sẽ không trách mẹ, cũng không dám kể lể nỗi khổ của anh mà chỉ nuốt tất cả vào trong lòng. Tôi và anh đứng ở mộ mẹ anh rất lâu, cho tới khi hương tàn hết anh cũng mới cúi đầu lạy ba lạy sau đó cùng tôi qua bìa rừng thăm vợ chồng ông bà thầy lang.

Ông bà thầy lang biết Lâm còn sống cách đây hai ba tháng trước, nhưng khi thấy tôi và anh qua thăm vẫn vô cùng bất ngờ. Bà lão đỏ hoe mắt kéo chúng tôi vào nhà, còn nói với chúng tôi tạ ơn trời Phật cho Lâm vượt qua được kiếp nạn này. Lúc ngồi uống nước, bà lão cứ nghẹn ngào nói:

– Hôm đấy tôi nằm mơ thấy cậu bị sóng cuốn, không ngờ hôm sau hai cô cậu gặp gió lốc thật. Khi đó tôi rất muốn tìm cô để nói nhưng có lẽ là vận mệnh rồi không thể thoát được, lúc tôi chạy tìm cô thì ông nhà tôi lại bị ngã phải lên phân viện băng bó thành ra lỡ mất. Lúc về nhà ông nhà tôi đã lên núi xin Phật phù hộ cho cô cậu tai qua nạn khỏi, ông ấy đã dập đầu đủ một trăm bậc thang vậy mà đến lúc sau lại nghe tin cậu đã ch.ết, chỉ là ông nhà tôi bảo ông có linh cảm lạ lắm, có linh cảm cậu không chết được, có linh cảm vận khí của cậu đủ tốt để cậu vượt qua được tai ương này. Đến cuối cùng cậu cũng thoát khỏi vận mệnh ấy rồi… giống như năm ấy tôi đoán mẹ cậu đã chết nhưng cô ấy lại bảo mẹ cậu còn sống, tôi hỏi lại cậu lần nữa bởi rõ ràng tôi xem đường phụ mẫu của cậu không còn mà ai ngờ chỉ có bố cậu mất, mẹ cậu còn sống hoá ra tướng số vẫn có lúc sai.
– Dạ không… mẹ cháu mất rồi, người sống không phải mẹ cháu… cháu đã bị tráo đổi.

Bà lão kinh ngạc nhìn Lâm nhưng sau cùng thì cười:

– Thế thì cậu vượt qua được tai ương này cũng có lẽ bởi mẹ cậu trên trời linh thiêng phù hộ cho, nhưng hơn hết là phúc đức của cậu đủ nhiều. Ba mươi mấy năm nay chắc chắn cậu phải làm rất nhiều điều tốt đẹp, sống rất lương thiện mới có thể sống sót kỳ diệu như thế. Sau này hai người hãy cố gắng làm nhiều việc thiện hơn, tích đức cho con cái nhé. Đức năng thắng số, cứ sống lương thiện trời xanh khắc an bài.

Vì không có nhiều thời gian nên tôi và Lâm chỉ nán lại nhà ông bà thầy lang một chút rồi về. Bà lão nói suốt mấy tháng nay bà và hàng xóm không phải mua gạo, dầu ăn, mì chính, hạt tiêu nước mắm, đến thịt lợn cũng không phải mua vì anh Tài lái đò lần nào cũng mang sang, không rõ có ai đó giấu tên hàng tháng đều gửi cho ông bà và hai người hàng xóm còn gửi cho cả những đồ dùng hằng ngày. Bà lão có lẽ cũng đoán ra đó là ai rồi, nhưng vì có những chuyện cứ để vậy thì tốt hơn, không cần nói ra hiểu trong lòng là được, cũng giống như việc ông lão không thân thích gì với chúng tôi còn dập đầu một trăm bậc thang xin cho chúng tôi tai qua nạn khỏi thì chút việc này đáng là gì đâu?

Buổi chiều tôi và Lâm rời đảo về Hà Nội còn vợ chồng em trai tôi và bố mẹ nuôi của em ở lại chơi vài ngày mới về. Tôi cũng rất tiếc nuối bởi chẳng nơi đâu có sao sáng như trên đảo, cảnh vật thanh bình trên đảo cũng không tìm được ở chốn xa hoa thành thị. Nhưng tôi còn Moon, tôi không muốn để con một mình ngủ qua đêm mà không có bố mẹ nên dù luyến tiếc vẫn phải trở về. Lâm không gọi xe túc túc, anh mượn xe đạp chở tôi từ nhà ra trạm cảng. Đảo nhỏ vẫn bình yên như những ngày tôi sống ở đây, hai bên đường những cây phi lao đã lớn cao vút, dòng sông mùa thu có chút đìu hiu nhưng vẫn xanh thẳm, xung quanh bờ những thảm hoa vẫn rực rỡ sắc màu. Ánh mặt trời mùa thu dìu dịu mang theo một nỗi man mác hoài niệm. Bóng lưng anh đổ xuống đường cao lớn, còn tôi thì phía sau ôm chặt lấy anh, dựa đầu vào lưng anh hít hương thơm quen thuộc. Lúc trước khi ra cảng tôi bắt Lâm chở tôi ra biển để nhặt vỏ ốc, tôi sẽ làm ba chiếc vòng thật đẹp để tôi, Lâm và Moon cùng đeo. Bờ biển xanh rờn với những làn sóng trắng vỗ vào những mạn đá. Lâm ngồi trên tảng đá lớn ánh mắt nuông chiều nhìn tôi hú hét sau đó lại vòng qua hướng Đông nhặt giúp tôi vỏ sò và vỏ ốc. Tôi nhớ đến ngày cùng Lâm đến đảo, cùng nhìn biển cả mênh mông, cùng hôn nhau dưới bãi cát này, cùng ngắm trăng sao giữa đêm mưa sao băng, hoá ra đã bên nhau lâu đến vậy rồi, hoá ra đã cùng nhau trải qua biết bao sóng gió, đến giờ tất cả cũng qua đi chỉ có tình yêu lớn lao còn ở lại giống như những bãi đá kia, dù sóng lớn có xô thế nào vẫn vững chãi lặng yên không rời đi.

Lúc ngồi trên tàu nhìn đảo xa khuất dần, nhìn mấy ngôi trường mới tinh lấp ló sau những rặng phi lao tôi cũng nhìn Lâm rất lâu. Trường học là anh góp tiền bạc và công sức xây, sách vở đều tự tay anh mua, đám trẻ và người dân trên đảo quý anh đến nhường nào tôi đều nhìn ra được. Sống một cuộc đời như vậy mới thực sự là sống, anh sống có lý tưởng, có hoài bão, yêu Đất nước, yêu con người, biết hướng về chân lý, lẽ phải giống như lời tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói:

“Nếu là hoa hãy là hoa hướng dương
Nếu là chim hãy là chim bồ câu trắng
Nếu là đá hãy là đá kim cương
Nếu là người hãy là người Cộng sản”

Đó chính là bông hoa sen đẹp đẽ nhất, thanh cao nhất.

Nhìn anh tôi đã nghĩ nhất định sau này khi Moon lớn một chút, tôi sẽ đưa con về đảo, sẽ nói cho con biết những việc vĩ đại Lâm đã làm cho đảo, những hi sinh cao cả của những người vẫn đang từng ngày từng giờ cống hiến cho xã đảo này.

Nghĩ đến cống hiến của Lâm tôi lại nhớ đến thầy Trình ngày ấy vì muốn lên chức phó khoa đã làm một số việc đi trái với đạo đức của nghề giáo. Hồi đi trợ giảng tôi cũng nghe được tin hoá ra thầy Trình năm ấy không phải tự nguyện viết đơn xin nghỉ làm mà thầy bị kỷ luật, khai trừ khỏi Đảng nên mới làm đơn thôi việc. Sau khi thôi việc thầy đã rất hối hận, ban đầu định về quê làm việc nhưng sau đó có lẽ nghĩ lại nên đã lên Hà Giang làm thầy giáo dạy bọn trẻ trên bản cũng được mấy năm rồi. Lúc Lâm còn sống quay về thầy đã đến nhà xin lỗi anh nhưng với tính cách của Lâm anh tất nhiên không thèm chấp. Chị Thu thì đã gửi hai đứa về quê cho ông bà chăm còn chị đi xuất khẩu lao động Myanma, làm công nhân cho một công ty bên đó nhưng nghe đâu công việc cũng rất vất vả, làm khổ nhưng lương thấp, tiền bỏ ra để đi lao động mãi chưa trả được hết. Sau khi khắc phục hậu quả cho ông Quang chị ta cũng gần như trắng tay, trước kia ăn trên mồ hôi công sức của Phượng Quang nhưng giờ ông Quang vào tù chị ta phải tự thân vận động. Sự sám hối của chị ta tuy có muộn nhưng còn hơn không giờ phải cật lực làm công nhân lao động bên xứ người để nuôi con, nuôi gia đình. Có lẽ mấy đứa nhỏ sau này ổn định chút sẽ được chị đón sang bên ấy chứ chúng thật sự vô tội. Dù sao những việc họ làm cũng từng giúp sức cho tôi trả thù bà Phượng, dù tôi biết là sai trái nhưng chính tôi cũng từng sai với Lâm nên tôi cũng mong bản thân họ sẽ vượt qua được sân si của bản thân để phấn đấu vươn lên. Đã là con người ai cũng mang tham sân si trong người, cũng giống như Nguyệt và Vân cũng từng làm những việc xấu với tôi nhưng nếu chưa gây ra những hậu quả nặng nề, nếu họ biết dừng lại và sửa sai thì vẫn nên cho cơ hội. Còn với loại người như bà Phượng, bà ta vô phương cứu chữa, giết người cướp của gây ra cái chết cho bao người thì vĩnh viễn không thể tha thứ nổi. Loại người đó để cho pháp luật trừng trị thật thích đáng, để cho nhân loại biết đến nhân quả báo ứng, biết tu tâm tích đức cho mình và con cháu sau này.

Trở về Hà Nội vài ngày cô Hiền về quê nên Lâm đặt lịch đưa tôi và Moon vào Đà Nẵng chơi trước khi quay lại với guồng quay cuộc sống. Suốt ba ngày đêm ở Đà Nẵng cùng Moon và Lâm tôi đã gột rửa sạch toàn bộ tâm hồn mình. Sau bao sóng gió cuối cùng tôi cũng cảm nhận được thế nào là hạnh phúc trọn vẹn. Lâm đưa mẹ con tôi đi ăn, đi chơi, đi tắm biển giống hệt một gia đình nhỏ chưa từng có bất cứ thương đau nào trải qua chỉ còn duy nhất sự ngọt ngào và tình yêu đẹp đẽ trong mối quan hệ này. Mỗi đêm xuống khi con đã ngủ say tôi và anh lại quấn quýt trên giường không rời.

Đêm cuối cùng ở Đà Nẵng, Lâm và Moon đã tổ chức bữa tiệc sinh nhật cho tôi.

Có thể tin nổi không, gần hai mươi năm nay từ khi chị em tôi bị bán đi đây là bữa tiệc sinh nhật đầu tiên tổ chức đúng ngày. Từ năm tôi trở về mẹ nuôi cũng không muốn tổ chức vào ngày sinh nhật thật bởi mẹ sợ tôi sẽ nhớ đến nỗi khổ đau năm nào. Trong đám đèn hoa nhấp nháy Lâm chuẩn bị trong phòng còn có một chiếc bánh kem ghi tên Bùi Hà Thảo, là loại bánh kem mà hồi nhỏ tôi thích ăn nhất. Bao nhiêu năm trôi qua, bao khổ đau chồng chất như vậy anh vẫn nhớ đến những thói quen hồi nhỏ của tôi. Trên chiếc bánh khắc một dòng chữ rất giản đơn:

“Chúc mừng sinh nhật vợ yêu – Bùi Hà Thảo”

Thế nhưng chỉ một dòng chữ ấy khiến tim tôi cũng nghẹn ngào lại. Thậm chí chính bản thân tôi còn không thể nhớ ra đêm nay là sinh nhật mình, bởi ngày sinh của tôi mờ nhạt trong suốt bao nhiêu năm nay tôi đã quen rồi vậy mà có người vẫn nhớ đến. Khi tôi quay sang cũng thấy Lâm và Moon đã đứng cạnh mình, anh chìa tay ra, trong tay là một hộp quà nho nhỏ:

– Quà sinh nhật của em!

Tôi nhận lấy món quà, mở ra bên trong là một chiếc dây chuyền lấp lánh hình ngôi sao sáng chói. Tự dưng tôi không sao có thể kìm được nữa, ôm chầm lấy anh và con, trái tim cũng run rẩy vì sự xúc động không thể nói thành lời này rồi oà khóc như mưa. Khóc vì xúc động, khóc vì thương anh, thương con rất nhiều. Khóc vì sau tất cả những đau thương tôi đã được ở bên anh, bên con một cách đàng hoàng và trọn vẹn.

Đêm ấy khi Moon ngủ say, tôi và anh đã lao vào nhau, hôn nhau không dứt, sâu sắc, mãnh liệt. Nụ hôn ấy mang theo một sự nồng cháy, cảm thấy tim mình như tan ra, hai tay đưa lên ôm chặt lấy anh rồi lại quấn lấy nhau như ánh sao trên bầu trời kia. Dưới ánh trăng vành vạnh, tôi đã siết chặt lấy anh vừa run rẩy nói:

– Cảm ơn anh rất nhiều. Cảm ơn và xin lỗi anh, xin lỗi vì đã quá tàn nhẫn và tuyệt tình với anh. Xin lỗi anh… vì tất cả. Dù chuyện đã qua nhưng em vẫn rất hối hận.

Lâm đưa tay chạm lên tóc tôi, rồi đột nhiên siết chặt tôi vào lồng ngực mình. Tôi nghe được cả tiếng tim anh đập, vừa yêu thương vừa thổn thức, anh siết chặt đến mức tôi cũng không thở được, cuối cùng tôi nghe tiếng anh nói:

– Em không có lỗi gì cả, không cần phải xin lỗi. Nếu anh là em khi chưa biết sự thật… anh chắc chắn sẽ dùng chiêu trò, cách thức tàn nhẫn hơn thế để trả thù, cách thức tàn độc hơn nhiều. Em như vậy với anh là quá cao thượng rồi.

Tôi nghe đến đây ngước lên nhìn anh hỏi lại:

– Anh nói gì cơ?
– Anh nói em đã quá cao thượng rồi, em không có lỗi gì, đừng tự trách mình. Chuyện cũng qua rồi đừng dằn vặt nữa.
– Sao anh không trách em một chút nào thế?
– Sao lại trách em? Những chuyện đó em cũng đâu phải lỗi của em mà trách em? Ngốc, giờ em chỉ cần nhớ anh yêu em, yêu rất nhiều là được rồi. Anh và con sẽ bù đắp cho em, yêu thương em ở quãng thời gian sau này.
– Lâm, phải là em bù đắp cho anh và con mới đúng, em cũng yêu anh! Yêu anh rất nhiều.

Lâm khẽ cười lại cúi xuống tiếp tục hôn tôi rồi lại chìm đắm trong men say ái tình. Khi lên đỉnh cao hoan lạc anh nằm trên người tôi, ôm tôi một lúc rồi mới vào nhà vệ sinh dùng chiếc khăn ấm sấp nước ra lau sạch sẽ những thứ đang dính ở đùi. Sau khi lau xong anh mang vào giặt rồi mới ra tự tay mặc lại quần áo cho tôi. Cảm giác hạnh phúc tuyệt diệu này tôi thật sự không muốn tỉnh lại, chỉ muốn được như vậy mãi mãi! Giờ đây tôi chẳng còn mơ tưởng gì cao sang, không cần gì cả, chẳng cần những món quà xa xỉ, hay nghĩ đến thù hận mà chỉ cần có anh và có con!

Từ Đà Nẵng trở về tôi và anh cũng quay trở lại guồng quay cuộc sống. Anh đi dạy, tôi cũng đi trợ giảng và học nốt cao học, Moon ở nhà với bà Hiền đến khi con được hai tuổi thì vào lớp mầm. Vốn nghĩ học cao học là thoát được Lâm rồi ai ngờ tiến sĩ Lê Lâm lại là người hướng dẫn đồ án tốt nghiệp thạc sĩ cho tôi. Tuy rằng bình thường Lâm rất yêu chiều tôi, ôn nhu, dịu dàng ấm áp nhưng riêng việc học thì vô cùng nghiêm túc. Tôi nghiễm nhiên trở thành học trò của Lâm theo đúng nghĩa, anh cũng chẳng nhân nhượng gì tôi thậm chí tôi còn bị anh phạt mấy lần. Có điều tính bỡn cợt của tôi không đổi được, tôi vẫn thường hỏi Lâm cảm giác lên giường với học trò thế nào khiến anh đen mặt cốc cho tôi vài cái còn cấm tôi ra ngoài nói năng bậy bạ. Tôi không nhịn được cười thầm trong lòng vẫn không chịu tha cho anh, lúc nào bị phạt dù là ai phạt tôi cũng sẽ phạt ngược lại anh bằng cách “cấm vận”. Thế là sau những cuộc ân ái triền miên có người cả đêm ấy ngồi chép phạt cho tôi môn của đồng nghiệp trong sự ấm ức mà không thể phản kháng.

Sau khi trải qua một lần sinh ly tử biệt tôi thật sự đã nhận ra tình yêu mình dành cho Lâm nhiều đến thế nào nên vô cùng trân trọng những phút giây bên anh. Những tháng ngày bất hạnh đã qua đi, giờ tôi và anh chỉ cùng xây dựng, vun đắp một gia đình hạnh phúc tươi đẹp hơn. Hằng ngày chúng tôi đi làm về cùng nấu với nhau một bữa cơm, cùng chăm sóc Moon, cùng cho cá ăn, bất kể việc gì cũng đều đi cùng nhau. Sinh nhật Lâm tôi cũng tự mình dùng tiền của mình đặt vé du lịch, tự tay nấu bữa tiệc và cùng nhau đón những ngày lễ kỉ niệm thật ý nghĩa. Thi thoảng gia đình tôi, gia đình Khánh Vân, gia đình thầy Khoa Nguyệt lại cùng nhau ăn một bữa cơm, Nguyệt và Vân vẫn ân hận những việc mình làm nên vẫn áy náy với tôi, tôi chẳng còn nghĩ gì nữa nhưng bởi người ta làm sai nên lòng vẫn day dứt không nguôi tôi cũng không cấm cản được nên chỉ khuyên hai chị em chị ấy giờ cố gắng làm nhiều việc thiện là được. Mấy năm sau này thép Việt An và công ty Hải Ninh của em trai tôi đã hỗ trợ rất nhiều trẻ em cơ nhỡ, góp vào ngân sách nhà nước xây rất nhiều trường học, ngoài ra còn hỗ trợ các tổ chức cứu giúp, ngăn chặn nạn buôn người trên đất nước Việt Nam. Vợ chồng em trai tôi cũng sinh được một em bé trai rất kháu khỉnh đáng yêu, Hải Ninh cũng mỗi ngày một thịnh vượng hơn.

Vợ chồng chị Ân con gái cô Hiền cũng thi thoảng qua nhà tôi chơi. Tôi coi cô Hiền như người mẹ nuôi thứ hai nên cũng coi chị Ân như chị gái. Lâm và tôi đã lần đầu tiên cùng nhau về thăm mộ bà ngoại, mộ mẹ và mộ chị gái tôi. Anh vẫn như ngày nào tự tay nhổ cỏ còn quỳ xuống mộ mẹ tôi nói với mẹ từ nay về sau sẽ chăm sóc, bảo vệ, yêu thương và bù đắp cho tôi cũng như sẽ hết mình giúp đỡ em trai tôi khi cần. Tôi tin mẹ tôi sẽ rất tự hào vì có người con rể như Lâm, chị Linh biết chuyện cũng sẽ thôi oán hận anh bởi thực lòng mà nói từ đầu tới cuối anh chưa hề có lỗi gì. Giờ anh không phải con của bà Phượng thì xét về nhân cách hay tư cách tôi thậm chí còn thấy mình có chút… không xứng với anh. Tôi và anh gần Tết năm nào cũng về đảo thăm căn nhà tôi sống suốt mười mấy năm trời, ra thăm mộ mẹ nuôi, ơn nghĩa của mẹ nuôi cả đời tôi sẽ không bao giờ quên! “Con cảm ơn mẹ! Cảm ơn mẹ rất nhiều! Cảm ơn mẹ đã nuôi nấng, yêu thương con cho con lại một cuộc đời tươi sáng hơn, con yêu mẹ, yêu hai mẹ của con, hi vọng kiếp sau cả hai mẹ của con sẽ thật hạnh phúc, thật mạnh khoẻ, đời đời bình an! Con yêu và nhớ mẹ rất nhiều”

Kết thúc hai năm học cao học ngày tôi nhận bằng thạc sĩ cũng được chính thức làm giảng viên chính. Chỉ là chưa đi làm được bao lâu thì tôi mang thai. Lâm không quan tâm giới tính, anh không muốn hỏi bác sĩ về giới tính nhưng bác sĩ cũng nói với chúng tôi bé này giới tính khác bé đầu. Tôi hiểu tôi mang bầu một bé trai. Lâm thì vẫn thích con gái hơn nhưng tôi nghĩ có nếp có tẻ cũng vẫn vui mà.

Suốt thời gian tôi mang bầu Lâm cưng còn hơn cả trứng. Có lẽ bởi lần mang thai Moon anh không được ở cạnh tôi nên lần này anh chăm tôi hết sức. Tất cả các mốc khám thai anh đều đưa đi không sót mốc nào. Hằng ngày đi làm đều là anh đưa tôi đi, dù không có tiết sáng anh vẫn dậy sớm nấu đồ ăn sáng cùng cô Hiền rồi chở tôi đi làm. Tôi muốn ăn gì nửa đêm anh cũng chạy đi mua bằng được, thích gì anh cũng đều chiều theo, cảm giác như tôi muốn sao trên trời anh cũng hái xuống cho tôi bằng được. Moon thì quấn lấy bố, nghe lời bố, thấy bố chiều chuộng mẹ cũng học theo anh ra dáng chị cả vô cùng.

Tôi bầu tròn chín tháng thì đi đẻ. Từ lúc tôi vào viện Lâm cứ ở cạnh tôi nắm tay suốt, vào bàn đẻ anh cũng bên tôi không rời. Khác hẳn với lần sinh Moon lần này Lâm không thèm bận tâm đến ánh mắt của ai, anh ở cạnh bên đường đường chính chính an ủi động viên, còn sẵn khăn lau mồ hôi khi tôi rặn đẻ, cùng tôi trải qua những phút giây vượt cạn. Đến tận khi tôi sinh con ra, nghe tiếng oe oe của con anh mắt cũng đỏ hoe lên. Anh bình thường mạnh mẽ cứng rắn lắm, mà cứ động đến con hay tôi thì lắm lúc yếu đuối hơn cả tôi. Ai bảo anh là tiến sĩ chứ, tiến sĩ cũng là con người bình thường thôi mà, cũng có hỉ nộ ái ố, yếu đuối vì vợ con cũng không có gì mà phải chê cười cả.

Đẻ xong tôi được Lâm chăm sóc rất kỹ. Anh một tay chăm tôi, không nhờ cô Hiền mà tự tay tắm rửa, lau vết khâu cho tôi không hề nề hà. Máu bẩn, đồ bẩn anh chưa từng một lần thấy dơ, tự tay giặt sạch đồ cho tôi. Moon cũng rất thích em, thấy em bé thì tíu tít chạy đến ôm thơm, mới hơn ba tuổi mà như bà cụ non, còn đòi thay bỉm, thay tã cho em. Ngày tôi ra viện về con bé cứ líu lo nói cười không thôi, chẳng biết học đâu lấy gấu bông nhỏ ra tặng em. Cô Hiền thì tất bật dưới bếp hầm cho tôi nguyên một con gà lớn còn Lâm thì nấu nước lá cho tôi tắm! Xong xuôi anh lại tất bật bê nước vào nhà tắm, đợi ấm ấm cũng dìu tôi vào tắm rửa, sau lại ra ngoài sấy tóc tôi thật khô. Anh tự mình giặt đồ lót, thay băng vệ sinh cho tôi, cảm giác này tôi cũng thấy thân thương quen thuộc như vừa mới hôm qua, như thể vẫn là anh ngày nào ở đảo, vừa cẩn thận, vừa ôn nhu, vừa chu đáo. Bóng lưng anh khom xuống xả nước trên tay vẫn đeo chiếc vòng nhỏ tôi làm cho anh nước mắt tôi cũng rơi đầy má. Những hành động tuy nhỏ nhưng lại khắc sâu trong toàn bộ ký ức của tôi. Những khó khăn vất vả anh chưa từng kể, chỉ lầm lũi chịu đựng, sau đó vươn cánh tay rộng lớn bảo vệ con và tôi. Có lẽ cả đời này chẳng có một ai yêu tôi nhiều như thế, có lẽ chỉ cần một người đàn ông thương mình vậy là đủ. Oán hận cuộc đời nhờ anh giờ tôi cũng đã buông bỏ được rồi.

Lời bà lão ở bìa rừng mãi khắc vào trí não tôi. Con người làm sai sẽ phải nhận quả báo, chỉ cần sống lương thiện trời xanh sẽ an bài.

Lê Lâm! Em đã hiểu ra rồi, anh ở cạnh những kẻ ác độc vẫn giữ một trái tim lương thiện và thanh cao. Tình yêu cao đẹp của anh đã cảm hoá được trái tim chất chồng những thù hận. Cảm ơn anh đã đến cuộc đời và xoa dịu những vết sẹo của em. Em yêu anh! Yêu anh một đời một kiếp.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN