Bí Thư Tỉnh Ủy - Quyển 4 - Chương 111
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
34


Bí Thư Tỉnh Ủy


Quyển 4 - Chương 111


Dù chưa thu được thành quả gì bằng cân bằng lạng rõ rệt, nhưng bộ mặt của Gia Đạo bắt đầu khởi sắc trông thấy. Cái truyền thống tình làng nghĩa xóm lâu nay bị nhạt nhòa bởi ganh tị công điểm, cãi cọ về chia bôi sản phẩm giờ đang ấm dần lên. Nhất là khi bản dự thảo về quản lí lao động được Ban quản trị đưa ra bàn bạc công khai với bà con xã viên thì không khí phấn khởi, mừng vui hiện rõ trên nét mặt từng người. Chưa nhìn thấy thóc lúa vào nhà nhưng ai cũng tin với cách khoán mới, cuộc sống rồi đây sẽ không còn cảnh ăn bữa hôm lo bữa mai nữa.

Hôm nay Ban lãnh đạo Hợp tác xã họp bàn công tác tổ chức ngày hội xuống đồng. Chỉ thiếu Bích vì bận đi nhận lợn giống ở trại lợn Bồng Lạng, còn tất cả đều có mặt. Sau khi uống xong chén nước, Dậu nói tiếp ý mình đang nói dở:

– Đây là vụ lúa đầu tiên chúng ta tổ chức sản xuất theo phương thức khoán mới, do đó về hình thức chúng ta phải tổ chức thật rầm rộ, tạo nên khí thế phấn khởi cho bà con xã viên. Tôi đề nghị chúng ta tiến hành những việc sau đây. Cho Chi đoàn thanh niên kẻ vẽ lại khẩu hiệu. Việc này sẽ phân công cho cô Bích phụ trách. Ngoài khẩu hiệu chung như trước đây, chúng ta cũng phải có câu khẩu hiệu riêng cho mình. Tôi đề nghị khẩu hiệu thế này: Hợp tác xã Gia Đạo quyết tâm thực hiện một vụ chiêm thắng lợi vượt bậc. Các vị nghe thế có được không?

Tế góp ý:

– Tôi thấy thay hai chữ vượt bậc bằng toàn diện nghe nó hay hơn.

Ông Cẩm tán thành:

– Ngẫm ra ý kiến của chú Tế là hay đấy. Nói thắng lợi toàn diện là thắng lợi cả sản xuất lẫn lòng người.

Bà Bắc thêm ý của mình:

– Tôi xin thêm chữ phấn khởi, tin tưởng vào đấy.

Dậu cười bảo:

– Khẩu hiệu là phải ngắn gọn, đầy đủ ý nghĩa chứ cứ dài lòng thòng như diễn văn là mất hay.

Ông Cẩm lại góp ý:

– Hợp tác xã Gia Đạo phấn khởi, tin tưởng, quyết tâm thực hiện một vụ chiêm thắng lợi toàn diện. Này, tôi thấy thêm mấy chữ phấn khởi, tin tưởng của bà Bắc vào, đọc nghe nó xuôi tai ra phết.

Tế khen:

– Đúng thật. Vừa rồi nghe bác Cẩm đọc tôi cũng thấy xuôi tai lắm.

Dậu thấy hợp lí nên nói luôn:

– Tôi đồng ý nội dung câu khẩu hiệu giống như bác Cẩm vừa đọc.

Dậu lại phân công:

– Bác Cẩm lo chuyện cờ và khẩu hiệu đưa ra cắm trên đường ruộng có được không?

– Phải thêm cô Bích phụ vào chứ một mình tôi, tôi chẳng biết mô tê gì đâu.

Dậu đồng ý:

– Được rồi. Em sẽ phân công cô Bích phụ với bác. Còn một việc này không biết có được không. Giá như xin được một đêm chiếu phim phục vụ bà con trước khi xuống đồng thì hay quá.

Tế sốt sắng:

– Sáng mai để tôi đi lên huyện lo vụ này. Tôi vừa gặp bí thư vừa gặp chủ tịch nói cho đến khi nào nhận lời tôi mới chịu về. Đồng thời mời bí thư huyện ủy và chủ tịch huyện về dự luôn.

Dậu hân hoan:

– Vậy thì giao cho ông lo việc này nhé. Bây giờ ta bàn tiếp…

Dậu mới nói đến đó thì chiếc xe tải mang biển số quân sự chạy vào sân Hợp tác. Tiếng lợn con trên xe kêu inh ỏi. Không hẹn mà mọi người bỏ cuộc họp chạy ùa ra. Bích từ trong buồng lái nhảy xuống nói với người lái xe mặt còn trẻ măng:

– Anh Thắng vào uống nước.

– Cô cứ để mặc tôi – Thắng đáp lại và nhảy xuống khỏi buồng lái.

Dậu chào Thắng rồi hỏi ngay Bích:

– Trại giống Bồng Lạng bán cho chúng ta được bao nhiêu con?

Bích ỡm ờ:

– Cháu đố chú đoán ra đấy.

Dậu nghiêng tai nghe tiếng lợn kêu như đoán chừng đông hay ít rồi trả lời:

– Ba mươi con.

– Bốn mươi bảy con chú ạ.

Dậu reo lên:

– Bất ngờ quá.

Bích nhìn khuôn mặt rạng ngời của những người trong Ban quản trị thấy lòng mình tràn trề vui sướng:

– Cháu cũng không ngờ trại giống lại ưu tiên cho Hợp tác của ta như vậy. Có lẽ nhờ bác bí thư tỉnh ủy nói hộ thêm nên Hợp tác xã ta mới được thế.

Thắng nghe Bích nói vậy liền mách:

– Cô Bích không muốn kể công của mình đấy. Trại lợn giống chỉ xuất chuồng bán cho Hợp tác bốn chục con thôi. Cô Bích dân vận mãi, anh trại trưởng nghe bùi tai nên xuất thêm cho bảy con nữa đấy.

Mọi người nghe Thắng nói vậy cười vui vẻ nhìn Bích. Dậu không giấu nổi mừng vui của mình. Anh nói giọng đùa cợt:

– Hóa ra chúng ta không cố ý nhưng anh trại trưởng lại bị mỹ nhân kế cuỗm thêm được bảy con lợn giống cho Hợp tác.

Bích chống chế:

– Anh Thắng nói đùa đấy.

Thắng nói:

– Có công thì nhận đi chứ việc gì mà phải giấu.

Bích hỏi:

– Bây giờ cho lợn xuống đâu đây chú?

– Có khi tạm thời cho dọn cái kho để quang gánh, liềm hái ra bên ngoài cho lợn vào đấy để giải phóng xe rồi tính sau. Có khi ông Tế điều cho mấy người giúp dọn kho và bắt lợn đưa vào.

Ông Cẩm bảo:

– Có cái việc cỏn con ấy điều người làm gì. Hô hào Ban quản trị mỗi người một tay làm một loáng là xong ngay.

Bà Bắc đồng tình:

– Bác Cẩm nói phải đấy. Hô hào tất tần tật mọi người trong Ban quản trị ra làm một loáng là xong.

Bích bảo:

– Bắt lợn xong phải rửa xe cộ cho sạch sẽ, cho nên đường nào cũng phải điều người.

Thắng bảo:

– Không phải rửa xe đâu ạ. Tôi đánh xe về cái hồ cá gần trận địa dội mấy xô nước là xong ngay thôi mà.

– Ai lại thế. Đơn vị cho xe đi chở lợn giống cho chúng tôi đã là quý hóa lắm rồi, chú vào uống nước để mọi việc đấy cho chúng tôi – Ông Cẩm bảo Thắng.

Dậu bảo Tế:

– Ông Tế đi hô hào mọi người khẩn trương ra làm.

Tế chạy vào đưa tay đập cửa từng phòng hét:

– Ra nhanh lên đưa lợn giống vào kho.

Các cánh cửa phòng mở toang. Bốn, năm người vừa nam vừa nữ còn trẻ chạy ra khỏi phòng.

Chờ mọi người ra đông đủ, Tế bảo:

– Mọi người cho tất cả quang gánh, liềm hái ra khỏi kho rồi ra xe đưa lợn giống cho vào đấy. Khẩn trương lên kẻo lợn bị rét chết hết bây giờ. Nhớ lấy một tấm ván chắn ở cửa cho lợn khỏi chạy ra ngoài.

Chỉ loáng sau gian kho đã được dọn sạch. Tế cởi đôi dép cao su mang ở chân, xắn quần nhảy lên thùng xe. Đám lợn giống sợ hãi chạy quanh trong thùng xe, kêu inh ỏi. Tế tóm từng con lợn giống chuyển xuống cho từng người đang đứng đón ở dưới. Vừa làm Tế vừa khen:

– Lợn đẹp quá các ông các bà ạ. Đều nhau cứ như một lứa. Thế này thì các hộ mua không ai tị nạnh ai là mình phải mua lợn còi.

Dậu đón một con lợn giống, lật qua lật lại xem rất kỹ rồi hỏi.

– Những hộ mua lợn trại giống của tỉnh có khi phải tính lại định mức khoán thôi các ông các bà ạ.

Ba Bắc thắc mắc:

– Sao phải thế?

Dậu giải thích:

– Đây là giống lợn lai I-oóc-sai. Giống lợn này nuôi tốt, một năm có trọng lượng bảy, tám mươi cân. Khoán bốn chục cân, lấy thóc đâu mà trả thưởng.

Ông Cẩm đón một con lợn do Tế chuyển xuống xem rồi nói:

– Đúng thế thật. Phải bàn lại mức khoán với các hộ nuôi giống lợn này đâu vào đó mới giao cho hộ.

Bà Miệt và Lăng bê rổ rau đi qua nhìn thấy mọi người đang chuyển lợn xuống, đi đến xem.

Bà Miệt hỏi:

– Lợn đâu mà nhiều thế các ông, các bà?

Dậu đáp:

– Lợn giống Hợp tác mua hộ cho bà con đấy bà ạ.

Bà Lăng bảo:

– Sao các ông các bà không điều xã viên ra làm cho mà phải vất vả thế này?

– Có một tí công việc thế này Ban quản trị làm lấy cũng được chứ việc gì phải điều xã viên hả bà.

Nghe Dậu nói vậy, bà Lăng đặt rổ rau xuống đất bảo bà Miệt:

– Giúp các ông các bà trong Ban quản trị một tay bà Miệt. Ai lại để cho Ban quản trị làm một mình thế này coi sao được.

Bà Miệt bỏ rổ rau xuống đất rồi chạy lại đưa tay chờ Tế chuyển lợn giống xuống.

Bà Bắc nói với bà Lăng, bà Miệt:

– Các bà bận việc thì về đi. Chúng tôi chỉ làm một loáng là xong thôi mà.

Bà Lăng nói:

– Có mặt mo mới thấy Ban quản trị tất bật công việc mà mình bỏ đi. Lợn đẹp quá các ông, các bà nhỉ. Nhà nào mua được lợn này thì lợi quá. Cuối năm nhận thóc thưởng của Hợp tác không biết đổ đâu cho hết. Tiếc quá, tôi đã mua nhỡ rồi.

Ông Cẩm nói để bà Lăng yên tâm:

– Chúng tôi đang tính sẽ nâng mức khoán cho hộ nào mua được giống lợn này đấy bà ạ.

Bà Lăng hoan hỉ:

– Thế mới công bằng. Vừa khỏi mất công chạy rời cả đầu gối để tìm lợn giống, vừa được mua giống lợn lai của Nhà nước đưa về tận chuồng mà hưởng mức khoán như các hộ khác là không công bằng.

Dậu nói tiếp ý của ông Cẩm:

– Bà cứ yên tâm. Ban quản trị không khi nào để ai thiệt đâu bà ạ.

Bà Lăng bảo:

– Các ông các bà làm được thế thì chẳng ai dám động đến cái lông chân của các ông các bà.

Bà Bắc nói đùa:

– Cái Bích làm gì có lông chân mà động.

Bà Lăng đáp lại ngay:

– Nó không có lông chân thì có lông chỗ khác.

Mọi người cười ồ. Bích xấu hổ mắng át:

– Cái bà này ăn với nói.

– Tại vì bà Bắc bảo mày không có lông chân, tao mới bảo thế chứ.

Lợn chuyển hết. Tế nhảy xuống xe đến chỗ Thắng:

– Đầu làng có cái ao. Anh đánh xe ra đấy để chúng tôi rửa xe sạch sẽ, vào đây mời cơm xong rồi về đơn vị.

Thắng từ chối:

– Thôi chú ạ. Các chú bận bịu thế kia, để tôi đánh xe đi rửa lấy. Các chú không phải áy náy gì hết.

– Ai lại thế. Hôm nọ các anh đã cho xe về Hà Nội chở chiếu cho Hợp tác, hôm nay lại cho xe đi chở lợn giống để anh tự đi rửa lấy xe lấy chúng tôi không yên tâm.

– Bao nhiêu lần Hợp tác cho bà con qua sửa trận địa cho đơn vị chúng tôi, lại thỉnh thoảng còn đánh cá đưa qua cho, chúng tôi trả ơn Hợp tác một vài chuyến xe có gì đâu mà các bác áy náy.

Bích nói dứt khoát:

– Nếu không rửa xe thì cũng ăn cơm xong mới được về.

– Tôi mà ở lại ăn cơm thì Ban chỉ huy cạo đầu tôi mất.

Tế cười:

– Càng đỡ tốn tiền cắt tóc. Nói đùa cho vui thôi. Chú Thắng để chúng tôi cử người đi rửa xe với chú.

Thắng không biết làm sao từ chối được nên đồng ý:

– Thôi được rồi. Nhưng đổi lại là tôi không ăn cơm đâu đấy.

Nói xong Thắng mở cửa buồng lái nhảy lên.

Xe Thắng đi rồi, Dậu quay sang nói với mọi người:

– Rửa chân tay rồi ta vào bàn chuyện lợn gà cho xong đi các vị.

Bích đề nghị:

– Làm sao giao lợn cho bà con ngay trong chiều nay để người ta còn cho ăn uống chứ trời rét thế này mà để nó đói là gầy đi đấy.

– Lát nữa ta vào xem lại danh sách những hộ nhờ Hợp tác mua lợn giống xem còn bao nhiêu người rồi bàn tính bán cho ai.

– Cháu nhớ không nhầm thì còn bảy mươi hai hộ nhờ mua giống.

– Nhiều thế cơ à. Vậy thì thiếu to.

Dậu đã tính toán trong đầu óc mình đâu vào đó nên khi nghe Tế và Bích nói vậy, anh bảo:

– Ta cứ ưu tiên những hộ neo đơn và gia đình thương binh liệt sĩ trước. Còn lại mới xét các trường hợp khác. Đi rửa chân tay đi rồi ta vào bàn lại mức khoán của loại lợn giống này và xét từng trường hợp xem nên bán cho ai trước.

Trong khi mọi người đi rửa tay chân thì Dậu đi đến nhìn vào đàn lợn giống. Gần năm chục lợn con đồng đều như một lứa đang chen chúc nhau in ỉn đòi ăn. Tự nhiên Dậu thấy một niềm vui vô bờ đang tràn ngập lòng mình.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN