Annabelle - Người Phụ Nữ Tuyệt Vời - Chương 14
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
143


Annabelle - Người Phụ Nữ Tuyệt Vời


Chương 14


Annabelle và người cháu của ông, nhân viên tiếp tân khách sạn, Jean Luc, ra đi lúc 6 giờ sáng hôm sau, khi mặt trời vừa mọc khắp Paris. Trời rất đẹp, anh ta nói với nàng rằng ngày hôm trước đã xảy ra một trận đánh ác liệt tại Champagne và hiện vẫn còn giao chiến dữ dội. Anh ta nói đó là trận thứ hai xảy ra ở đấy, có một trăm ngàn người chết và bị thương. Nàng lặng lẽ nghe, lòng sợ hãi, vì số thương vong quá lớn. Thật không tin nổi.

Nhưng dĩ nhiên đó là lý do mà nàng đến đây. Nàng đến để giúp những thanh niên bị thương, làm bất cứ cái gì có thể làm được để cứu họ, hay ít ra cũng an ủi họ. Nàng mặc cái áo dài bằng len nhạt, đi ủng, mang tất dài đen, đem theo tất cả các sách về y học và cái tạp dề trắng sạch trong túi xách. Khi nàng làm việc ở Ellis Island, nàng thường mặc tạp dề. Bây giờ nàng đang để tang mẹ, nhưng khi không có tang, nàng mặc váy và áo màu sáng để làm việc. Hầu như mọi thứ nàng mang theo để mặc đều màu đen.

Họ phải đi theo đường vòng để đến bệnh viện, mất hết ba giờ. Đường đi rất xấu, nhiều ổ gà. Không có ai ở nhà để sửa chữa đường sá, người nào lành lặn đều ở trong quân đội, ngoại trừ người già, phụ nữ, trẻ con và người bị thương được cho về nhà. Annabelle không quan tâm đến đường sá xấu, họ bị xóc lên xóc xuống trong chiếc xe tải của Jean Luc, anh ta nói chiếc xe này dùng để chở gà vịt. Nàng cười khi thấy lông vịt dính vào vali. Bỗng nàng nhìn bàn tay để xem móng tay đã cắt ngắn chưa, nàng thấy dấu chiếc nhẫn in trên ngón tay. Lòng nàng đau thắt. Nàng đã tháo chiếc nhẫn vào tháng tám và vẫn còn nhớ nó. Nàng để chiếc nhẫn trong két của ngân hàng, nơi cất đồ nữ trang với chiếc nhẫn đính hôn. Josiah nhất quyết nói nàng cứ giữ chiếc nhẫn. Nhưng bây giờ nàng không có thì giờ để nghĩ đến chuyện đó.

Họ đến tu viện Abbaye de Royaumont sau chín giờ. Tu viện xây từ thế kỷ mười ba, được sửa chữa lại một ít. Tu viện rất đẹp, có những cổng hình vòm thật duyên dáng và phía sau có cái hồ. Hoạt động trong tu viện tấp nập, những y tá mặc đồng phục đẩy xe lăn chở những người đàn ông đi trong sân, những người khác vội vàng đi vào những nhà chái của bệnh viện và những người đàn ông được khiêng ra trên cáng từ trong các xe cứu thương do phụ nữ lái. Những người khiêng cáng cũng là phụ nữ. Người làm việc ở đây toàn là phụ nữ, kể cả các bác sĩ. Đàn ông nàng thấy ở đây là những người bị thương. Sau mấy phút, nàng thấy một nam bác sĩ đi nhanh vào ngưỡng cửa. Ông ta là số người hiếm hoi ở trong đám đông phụ nữ này. Khi nàng nhìn quanh, không biết đi đâu, Jean Luc hỏi nàng có muốn anh đợi nàng hay không.

– Nếu anh không ngại thì cứ đợi, – nàng đáp, bỗng thấy hoang mang vì không biết nếu họ không nhận nàng vào làm việc tình nguyện, thì nàng sẽ đi đâu và làm gì. Nàng quyết định khi ấy nàng sẽ ở lại nước Pháp kiếm việc làm, nếu không nàng sẽ sang làm việc tình nguyện ở Anh. Nhưng dù sao đi nữa, nàng cũng không về nhà. Không về một thời gian dài, nếu không là mãi mãi. Bây gờ nàng không muốn nghĩ đến điều đó. – Tôi phải gặp người quản lý ở đây để hỏi xem họ có nhận tôi hay không, – nàng nói. Và nếu họ nhận cho nàng làm, nàng cần phải có chỗ ở. Nếu được ở lại, nàng sẽ bằng lòng ở trong trại lính hay trong nhà xe.

Annabelle đi qua sân, theo dấu chỉ đến những bộ phận của bệnh viện tạm thời dựng lên trong tu viện, bỗng nàng thấy mũi tên chỉ về các phòng làm việc ở dưới các cổng hình vòm, có tấm biển ghi “Phòng quản trị”.

Khi nàng bước vào, có nhiều phụ nữ ngồi sau bàn làm việc, họ giải quyết công việc giấy tờ, khi đó những tài xế xe cứu thương nữ đưa cho họ những tờ danh sách bệnh nhân được chở đến. số bệnh nhân ở các bệnh viện dã chiến được ghi lý lịch đầy đủ, nhưng không hoàn toàn đúng vì công việc cấp bách. Ở đấy, họ quan tâm đến công việc cứu chữa nhiều hơn là ghi chép lý lịch, miễn sao rõ ràng. Những người phụ nữ ngồi ở bàn làm việc phần lớn là người Pháp, nhưng Annabelle nghe tiếng nói một số là người Anh. Tất cả những tài xế xe cấp cứu đều là phụ nữ Pháp còn trẻ. Họ là người địa phương, được huấn luyện tại tu viện, có người trông có vẻ mới 16 tuổi. Mọi người đều nôn nóng tham gia phục vụ. Annabelle 22 tuổi, lớn tuổi hơn nhiều người ở đây, mặc dù trông có vẻ không lớn. Nhưng nàng chín chắn đủ để giải quyết công việc nếu họ nhận nàng và chắc chắn nàng có nhiều kinh nghiệm trong công tác tình nguyện.

– Có ai tôi có thể trình bày về công tác tình nguyện không? – Nàng hỏi bằng tiếng Pháp thật chuẩn.

– Có, tôi, – người phụ nữ trả lời có tuổi bằng nàng, chị ta cười với nàng. Chị mặc đồng phục y tá, nhưng làm việc ở bàn giấy. Như mọi người khác, chị làm việc hai ca tiếp. Thỉnh thoảng, những tài xế cứu thương hay bác sĩ, y tá bận việc trong phòng mổ, làm việc luôn một hơi 24 tiếng. Họ làm những việc cần đến họ. Không khí khẩn trương, vui vẻ và hồ hởi, Annabelle rất ấn tượng.

– Cô làm công việc gì? – Người thiếu nữ ngồi nơi bàn hỏi nàng, mắt nhìn khắp người nàng. Annabelle đã đeo tạp dề, trông ra vẻ người lao động. Khi mặc áo dài đen nghiêm trang, trông nàng vừa giống nữ y tá vừa giống nữ tu, mà thật ra nàng không phải như thế.

– Tôi có thư giới thiệu, – Annabelle bồn chồn lo lắng nói, lấy thư trong ví ra, lòng lo sợ bị từ chối. Nếu họ nhận y tá thì sao? – Tôi đã làm công việc hộ lý trong bệnh viện năm 16 tuổi, tôi làm việc tình nguyện. Tôi làm ở bệnh viện Ellis Island hai năm, phục vụ cho những người di cư và có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý những bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm. Trước đó, tôi làm tại bệnh viện New York ở khoa gãy xương. Các công việc ấy giống như công việc mọi người đang làm ở đây, – Annabelle nói một hơi, tràn trề hy vọng.

– Cô có được huấn luyện trong ngành y không? – Người đàn bà mặc đồng phục y tá hỏi khi cô ta đọc xong bức thư giới thiệu của ông bác sĩ ở bệnh viện Ellis Island. Trong thư, ông ta đề cao Annabelle, ông viết rằng nàng là người trợ lý không qua trường lớp nhưng rất có khả năng, ông chưa từng gặp ai như vậy, nàng giỏi hơn y tá rất nhiều và giỏi hơn cả vài bác sĩ. Khi nghe cô ta đọc, nàng đỏ mặt.

– Không đúng vậy, – Annabelle trả lời để nói về tình trạng không được huấn luyện của nàng. Nàng không muốn nói dôi họ, không muốn giả vờ nói biết những điều mình không biết. – Tôi đọc nhiều sách y học, nhất là những cuốn viết về bệnh truyền nhiễm, về khoa phẫu thuật chỉnh hình và những vết thương hoại thư. – Người y tá gật đầu, nhìn nàng chăm chăm. Cô ta thích nàng. Nàng có vẻ ham muốn làm việc và như thể chuyện làm việc trong bệnh viện rất quan trọng đối với nàng.

– Bức thư giới thiệu tốt quá, – cô ta nói với vẻ khâm phục. – Tôi đoán cô là người Mỹ phải không? – Annabelle gật đầu. Người thiếu nữ là người Anh nhưng nói tiếng Pháp như người Pháp, nhưng tiếng Pháp của Annabelle cũng giỏi.

– Phải, – Annabelle đáp câu hỏi về quốc tịch. – Tôi vừa đến đây hôm qua.

– Tại sao cô đến đây? – Người y tá hiếu kỳ hỏi. Annabelle ngần ngừ một lát, rồi cười e thẹn, đỏ mặt.

– Tôi nghe tiếng bệnh viện này do ông bác sĩ Ellis Island nói, người đã viết thư giới thiệu cho tôi. Cho nên tôi nghĩ đến đây xem thử có thể làm gì có ích cho bệnh viện không. Tôi sẽ làm bất cứ cái gì quí vị yêu cầu. Đổ bô, đổ chậu nước giải phẫu, làm bất cứ cái gì.

– Cô lái xe được không?

– Chưa, – Annabelle e thẹn đáp. Nàng thường được người ta lái đi. – Nhưng tôi sẽ học.

– Cô được nhận vào làm, – cô y tá trẻ người Anh nói. Với lá thư giới thiệu như thế này, không cần phải thử thách làm gì, vả lại cô ta thấy nàng có vẻ là người tốt. Nghe cô ta nói thế, nàng cười sung sướng. Nàng lặn lội đến đây chỉ với mục đích này. Công lao vượt biển một mình cô độc, trải qua những ngày dài sợ hãi, nào là mìn trên biển, nào là sợ tàu ngầm của Đức và nỗi khiếp sợ sau khi tàu Titanic bị chìm, nàng mới đến được đây. – Đến trình diện ở phòng C vào lúc 13h. – Chỉ trong vòng hai mươi phút nữa thôi.

– Tôi cần mặc đồng phục không? – Annabelle hỏi, mặt vẫn tươi cười.

– Cô mặc thế trông tuyệt lắm, – người phụ nữ đáp, mắt nhìn áo tạp dề của nàng. Bỗng chị ta nghĩ đến chuyện gì đấy bèn hỏi: – Cô có chỗ ở chưa? – Họ cười với nhau.

– Chưa, ở đây có phòng để ở không? Tôi ngủ ở đâu cũng được. Nếu cần, ngủ trên nền nhà.

– Đừng nói với ai như thế, – cô y tá cảnh cáo, – nếu không sẽ có người dựa vào lời cô liền. Ở đây giường ngủ ít, người ta sẽ rất sung sướng chiếm giường cô. Hầu hết chúng tôi kẹt giường, phải thay nhau ngủ giường của những người làm khác ca. Có một ít giường còn trong các phòng của các bà nữ tu trước kia và có cư xá trong tu viện, nhưng đã đông người rồi. Nếu tôi là cô, tôi sẽ chiếm một phòng, hay tìm xem có ai để ở chung với mình không. Có người sẽ để cho cô vào ở chung. – Cô ta nói cho nàng biết họ đang ở tại tòa nhà nào. Annabelle vội ra ngoài để tìm Jean Luc. Nhiệm vụ của nàng thành công, họ nhận nàng làm việc ở đây. Nàng không tin mình gặp may như thế này, khi nàng tìm ra Jean Luc, nàng vẫn tươi cười. Anh ta đứng bên cạnh chiếc xe chở gà vịt, để nàng dễ tìm ra mình. Xe cộ lúc này rất ít, anh sợ có người sẽ lấy xe anh đi, trưng dụng nó để làm xe cứu thương.

Khi thấy nàng đi đến phía mình, tươi cười, anh ta hỏi:

– Cô ở lại phải không?

– Phải, họ đã nhận tôi. – Nàng vui vẻ đáp. – Hai mươi phút nữa, tôi bắt đầu làm việc rồi, bây giờ tôi phải tìm phòng để ở. – Nàng đưa tay phủi những cái lông dính vào vali để ở sau xe, rồi lôi chúng xuống. Anh ta đề nghị mang vali cho nàng, nhưng nàng nói nàng mang đi là tốt nhất. Nàng đã trả công cho anh sáng nay rồi, nên bây giờ nàng cám ơn anh. Anh ta ôm ghì nàng, hôn hai má nàng, chúc nàng may mắn, rồi lên xe và lái đi.

Annabelle mang vali vào tu viện, tìm khu vực có những phòng nhỏ cũ mà các nữ tu đã ở. Có nhiều phòng nhỏ, tối tăm, ẩm ướt, mốc meo, trông rất tồi tàn. Mỗi phòng có một tấm nệm xẹp lép, có chăn và một số không có vải trải giường. Chỉ có một ít phòng có vải trải giường, Annabelle nghĩ rằng chính những cô ở trong các phòng nhỏ này đã tự túc vải trải giường. Chỉ có một nhà tắm tập thể cho khoảng năm mươi phòng, nhưng nàng mừng vì trong nhà tắm có nước máy. Dĩ nhiên các nữ tu không sống trong cảnh xa hoa đầy đủ tiện nghi từ thế kỷ thứ mười ba cho đến nay. Tu viện đã mua lại của nhà dòng nhiều năm về trước, rồi mới đây bán lại cho bà Elsie Inglis để bà biến thành bệnh viện. Tòa nhà rất đẹp, mặc dù không tiện nghi, nhưng làm bệnh viện thì rất phù hợp với mục đích cứu người. Đối với mọi người, đây là một bệnh viện lý tưởng.

Khi Annabelle đang đứng nhìn quanh, một thiếu nữ từ trong dãy nhà có phòng ở bước ra. Cô ta cao, gầy, trông có vẻ rất Anh. Cô ta mặc đồng phục y tá, cười với người mới đến với bộ mặt ngơ ngác. Trông cô ta có vẻ dễ thương. Giữa hai người phụ nữ, có nét gì đấy tương tự nhau.

– Đây không phải khách sạn Claridge đâu, – cô ta nói với giọng của tầng lớp thượng lưu và bỗng cô nghĩ Annabelle cũng thế. Chỉ cần nhìn mặt thì biết, nhưng cả hai người không ai muốn đến đây để khoe khoang về dòng dõi quý tộc của mình. Họ đến đây để làm việc thiện và sung sướng được ở đây. – Tôi nghĩ chắc cô đang tìm phòng. – Cô gái nói và tự giới thiệu: – Tôi là Edwina Sussex. Cô đã biết phiên mình làm chưa? – Annabelle nói tên mình và đáp nàng chưa biết.

– Tôi không biết họ sẽ bố trí cho tôi làm việc gì. Tôi chỉ biết phải đến trình diện ở phòng C trong mười phút nữa.

– Thật tuyệt cho cô. Đấy là một trong những phòng mổ của bệnh viện. Cô không khó tính chứ? – Annabelle lắc đầu. Edwina nói rằng phòng cô ở đã có hai cô khác ở chung rồi, nhưng cô chỉ qua phòng bên cạnh và nói rằng cô gái ở trong đó đã về nhà từ ngày hôm qua vì mẹ cô ta bệnh. Không có ai trong số họ ở xa như nàng. Những cô gái người Anh có thể về nhà một cách dễ dàng rồi trở lại nếu cần, mặc dù bây giờ qua eo biển Channel không dễ như trước kia, nhưng không nguy hiểm bằng qua Đại Tây Dương. Annabelle nói nàng mới từ Mỹ sang ngày hôm qua. – Cô can đảm quá, – Edwina nói với vẻ khâm phục. Hai cô cùng tuổi nhau. Edwina cho biết cô ta đã đính hôn với chàng trai hiện đang chiến đấu ở vùng biên giới nước Ý, cô không gặp anh ta đã sáu tháng nay. Khi cô ta nói, Annabelle để cái túi xách xuống phòng sát bên cạnh phòng cô ta. Phòng nhỏ, tối tăm, xấu xí như các phòng khác, nhưng Annabelle không quan tâm, và Edwina nói rằng họ không có nhiều thì giờ để ở trong phòng, ngoại trừ lúc ngủ.

Annabelle để hành lý vào phòng xong là chạy ngay xuống lầu để tìm phòng c. Như Edwina đã chỉ, nàng xuống lầu và tìm ra căn phòng mổ rộng rãi. Căn phòng rộng mênh mông như thể trước đây là một giáo đường, kê cả hàng trăm chiếc giường. Căn phòng không được sưởi ấm, nên đàn ông phải đắp nhiều chăn. Họ bị thương nhiều nơi khác nhau, nhiều người bị bay mất tay chân hay bị cưa khi phẫu thuật. Người nào cũng rên rỉ, có người khóc, tất cả đều đau nặng. Có người đang lên cơn sốt và khi nàng đi vào tìm bà y tá trưởng để trình diện, nhiều người đàn ông níu áo nàng. Bên kia căn phòng rộng là hai phòng rộng khác được dùng làm phòng mổ, nhiều lần nàng nghe có người rên la. Cảnh tượng thật là hãi hùng, nếu nàng không làm việc tình nguyện tại bệnh viện trong sáu năm qua, thì chắc nàng phải xỉu tại chỗ. Nhưng nàng vẫn tỉnh táo đi qua căn phòng, qua hàng chục chiếc giường bệnh.

Nàng gặp bà y tá trưởng từ trong phòng mổ đi ra, vẻ bơ phờ, bưng cái chậu trong đó có một bàn tay. Annabelle nói rằng nàng đến trình diện để nhận việc. Bà y tá trưởng liền đưa cái chậu cho nàng và chỉ chỗ cho nàng đem đổ. Annabelle không nao núng và khi nàng quay đi, bà y tá trưởng phân công cho nàng làm việc trong mười giờ tiếp theo đó. Annabelle không ngừng tay. Đây là cuộc thử lửa của nàng và cuối buổi làm việc hôm đó, nàng đã làm cho bà y tá trưởng lớn tuổi kính trọng.

– Cô làm tốt, – bà ta nói với nụ cười lạnh lùng trên môi. Có người nói rằng nàng đã làm việc với chính bác sĩ Inglis, lúc ấy bà ta đã trở về Scotland. Bà có dự án sẽ mở thêm một bệnh viện nữa ở Pháp.

Đến nửa khuya, Annabellle mới về phòng. Nàng quá mệt không thể mở vali soạn đồ đạc ra, thậm chí không cởi áo quần. Nàng nằm xuống tấm nệm, kéo chăn đắp và năm phút sau nàng ngủ say, vẻ mặt thanh thản. Lời cầu nguyện của nàng đã được linh ứng. Hiện giờ, nàng đã ở tại nhà.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN