Annabelle - Người Phụ Nữ Tuyệt Vời - Chương 13
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
142


Annabelle - Người Phụ Nữ Tuyệt Vời


Chương 13


Vào thượng tuần tháng chín, Annabelle trở lại New York, để Blanche, William và nhiều gia nhân khác tại nhà ở Newport. Nàng đem Thomas theo mình về New York, định bán hết xe cộ của bố, chỉ để lại một chiếc thôi.

Nàng ở tại căn hộ của Josiah, nàng nghĩ phải tìm mua ngôi nhà mới, nhưng nàng không biết mua ở đâu và hỏi ai. Hiện thời nàng biết Josiah còn lâu mới về. Chàng đã nói chàng và Henry đi xa nhiều tháng, hay lâu hơn và từ khi chàng đi Mexico đến nay, nàng không nghe tin tức gì về chàng hết. Chàng hoàn toàn bỏ rơi nàng và mọi người khác cũng thế. Josiah nghĩ rằng chàng làm thế là vì lợi ích của nàng.

Nàng quay lại làm việc ở Ellis Island. Người từ châu Âu vẫn đổ đến, mặc dù người Anh phong tỏa Đại Tây Dương và người Đức vẫn đánh đắm tàu thyền. Một hôm Annabelle nói chuyện với một phụ nữ Pháp về chuyện vượt biển của chị ta, nàng bèn nghĩ đến chuyện của mình. Annabelle nghĩ ra đi là cách hay nhất, có ý nghĩa hơn là cứ ở lại New York như thế này, để bị mọi người quen biết ở đây xua đuổi. Nàng không quan tâm đến chuyện chết chóc khi vượt Đại Tây Dương hay khi đi sang châu Âu. Thực vậy, nàng sẵn sàng đón nhận sự tự do mà số phận đã mang lại cho việc Josiah đã vô tình kết tội nàng ngoại tình để ly dị.

Nàng đã nói chuyện với nhiều người ở Ellis Island về việc nàng sẽ làm. Người bác sĩ mà nàng cộng tác đã cho nàng một lá thư với lời chứng nhận về năng lực của nàng để nàng sử dụng tại bệnh viện ở Pháp. Ông ta nói cho nàng biết về một bệnh viện được thiết lập trong một tu viện tại Asnières-sur-Oise gần Paris, chỉ toàn là phụ nữ làm việc ở đấy. Bệnh viện này do một người đàn bà Scotland, bác sĩ Elsie Inglis thiết lập vào năm trước. Bà này đã đề nghị thiết lập bệnh viện ở Anh, nhưng bị từ chối. Chính phủ Pháp rộng lòng đón nhận bà và bà đến thiết lập bệnh viện tại tu viện này, dùng toàn nhân viên nữ làm việc, cả bác sĩ lẫn y tá, chỉ có vài bác sĩ là nam giới thôi. Người bạn bác sĩ của Annabelle nghe nàng có ý định đi châu Âu, liền khuyến khích nàng đến đấy.

Elsie Inglis là một phụ nữ có tư tưởng tiến bộ, là thành viên đòi quyền đi bầu của phụ nữ, đã học ở trường Edinburgh, một trường y dành cho phụ nữ. Bà đã thành lập trường đại học y khoa tư, đã dạy tại trường New hospital for women. Người bác sĩ giới thiệu Annabelle với bà, nói rằng bệnh viện của Inglis thành lập được điều hành rất tốt. Bà đã sửa sang tu viện Abbaye de Royaumont thành bệnh viện và hoạt động vào tháng 12 năm 1914, sau khi chiến tranh bùng nổ. Các bác sĩ làm việc ở đấy đều có tiếng tăm, họ hết lòng chăm sóc cho các binh sĩ bị thương ngoài mặt trận, được đưa từ các bệnh viện dã chiến đến. Annabelle nghe thế, nàng liền muốn đến đấy và có lẽ sẽ được đón nhận niềm nở. Nàng không quan tâm việc nàng sẽ lái xe cứu thương hay làm việc tại bệnh viện. Dù họ cần nàng làm gì, nàng cũng rất vui lòng làm.

Bây giờ nàng không có lý do để ở lại New York. Nàng không có người thân, họ hàng, không chồng, thậm chí cô bạn thân cũng tuyên bố không muốn gặp nàng. Bạn bè của bố mẹ Josiah và của chàng đều kinh ngạc. Từ khi chàng rời khỏi thành phố, mọi người đều nghĩ rằng nàng đã làm cho tim chàng tan nát. Họ ghê tởm nàng bằng mọi cách và không ai biết sự thật về chuyện đã xảy ra. Nàng không có lý do gì để ở lại đây, nàng phải ra đi cho rảnh mắt.

Annabelle mất nhiều ngày tiếp theo để thu xếp đồ đạc gửi tất cả vào nhà kho, đi làm hộ chiếu mới, vì nàng không đi xa đã sáu năm, từ khi được 16 tuổi. Nàng đăng ký vé tàu Saxonia đi Pháp, mua một ít áo quần vải thô để sang bên ấy mặc. Nàng không cần áo quần mỏng, đẹp, còn đồ nữ trang của nàng và của mẹ nàng, nàng gửi vào ngân hàng của bố, rồi chuẩn bị một số tiền cần thiết để dùng ở châu Âu. Nàng không nói với ai về chuyện này và vào cuối tháng chín, nàng đi Newport để từ giã Blanche và các gia nhân ở đấy. Có cả thảy năm người trong nhà để làm việc vào mùa đông, chăm sóc nhà cửa, sửa sang vườn tược. Với ngôi nhà nhỏ như vậy, số người làm như vậy là đủ, nhưng không quá nhiều. Nàng nói cho bà Blanche biết nàng sẽ làm gì và có lẽ nàng đi một thời gian lâu mới về.

Bà già khóc trước những gì đã xảy ra, bà than thở cho số phận của cô chủ, sợ những chuyện không hay sẽ xảy đến cho nàng tại Pháp. Họ đều biết nàng có thể gặp nguy hiểm khi vượt Đại Tây Dương, vì những bãi mìn trên mặt biển và tàu ngầm Đức có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Bà Blanche biết rất rõ rằng Annabelle không quan tâm đến những việc đó. Nàng không có gì để mất, không có ai để sống cùng. Ít ra tại mặt trận, nàng có thể làm những việc có ích. Nàng lấy hết những cuốn sách về y học để đem theo, nghĩ rằng sẽ cần những cuốn sách này. Hai ngày sau, khi Annabelle rời khỏi Newport, mọi người đều khóc tiễn biệt nàng, họ tự hỏi không biết có gặp lại nàng hay không.

Khi trở về New York, Annabelle đến từ biệt các bác sĩ và y tá mà nàng đã làm việc với họ tại Ellis Island và một số bệnh nhân điều trị dài mà nàng ưa thích, nhất là các trẻ em. Nàng nói với bác sĩ chính rằng nàng đi làm việc từ thiện tại một bệnh viện dã chiến ở Pháp. Từ biệt mọi người làm cho nàng đau lòng.

Tất cả đồ đạc của Josiah đã được gửi hết vào kho, nàng chỉ còn những chiếc vali cần mang theo, trong vali có áo quần vải thô nàng đã mua để dùng trong chuyến hành trình và nhiều áo vét, áo khoác ấm. Nàng đã thu xếp sao cho vừa ba cái vali lớn và nàng định sẽ ở trong cabin trên tàu, nên không đem theo áo dạ hội. Nàng lấy hộ chiếu ra, đăng ký hành trình theo tên của mình, chứ không phải tên của Josiah. Vào ngày cuối cùng ở New York, nàng đi dạo một đoạn dài, đi qua ngôi nhà của bố mẹ nàng trước đây. Đấy là nơi cuối cùng nàng đến từ biệt. Nàng đứng đấy một hồi lâu, nghĩ đến những kỷ niệm đã mất. Khi đang đứng đấy, nàng thấy người hàng xóm cũ từ xe hơi bước ra, ông ta thấy nàng, nhìn nàng với ánh mắt hằn học. Ông ta quay lưng, không chào nàng một tiếng, rồi bước đến thềm nhà, đóng mạnh cửa. Khi nàng về lại căn hộ của Josiah, nghĩ đến chuyện này, quyết định ra đi của nàng lại càng mạnh thêm. Nàng không có gì ở New York để lưu luyến.

Sáng hôm sau, Thomas lái xe đưa Annabelle ra bến tàu Cunard đúng giờ, để giúp nàng đưa các vali lên tàu. Saxonia là chiếc tàu thủy lớn đã được đóng 15 năm rồi, dùng chuyên chở hành khách và hàng hóa, tàu có bốn cột ăng ten, một ống khói cao ngất. Tàu to lớn nên không chạy nhanh. Tàu không sang trọng, nhưng chạy rất êm và là phương tiện hái ra tiền cho hãng vì chở được nhiều hàng, cho nên khu vực dành cho khách phải thu nhỏ để giảm bớt chỗ rất nhiều. Từ khi xảy ra chiến tranh, khu hạng nhất được loại bỏ. Tàu không tiện nghi như những chiếc tàu mà Annabelle trước đây đã đi với bố mẹ, nhưng nàng không quan tâm, nàng đăng ký mua vé vào ở một phòng riêng rộng rãi hạng nhì.

Hai thủy thủ trẻ đi theo họ dẫn đường lên phòng nàng. Thomas ôm ghì nàng thân thiết để từ biệt. Anh ta sẽ đem chiếc xe của bố nàng gửi trong nhà xe cho thuê và ngân hàng được lệnh của nàng bán chiếc xe đi. Thomas đang tìm việc khác để làm, vì Annabelle không biết khi nào nàng mới trở về.

Nửa giờ sau, khi tàu nhổ neo rời bến, anh ta vẫn còn đứng trên bến tàu, vẫy tay chào nàng. Những người đến tiễn chân trên bến tàu đều có vẻ mặt nghiêm trang, họ biết chiếc tàu sẽ băng qua Đại Tây Dương rất nguy hiểm. Những ai có việc cần lắm mới đi. Không ai đi để giải trí trên mặt biển đầy nguy hiểm này. Châu Âu đang có chiến tranh, nên việc băng qua đại dương là chuyện vô cùng nguy hiểm.

Annabelle đứng trên boong tàu cho đến khi tàu lướt qua tượng Nữ thần Tự do. Nàng nhìn thấy Ellis Island, cảm thấy lòng đau như cắt, rồi đi về phòng. Nàng lấy ra cuốn sách y học và bắt đầu đọc, cố không nghĩ đến chuyện sẽ xảy ra nếu bị ngư lôi đánh đắm. Đây là lần đầu tiên nàng đi tàu vượt đại dương kể từ khi bố và anh trai đi tàu Titanic bị chìm. Nàng căng thẳng khi nghe tiếng con tàu gầm gừ, lòng phân vân không biết tiềm thủy đỉnh có ở gần vùng biển của nước Mỹ hay không và không biết chúng có tấn công họ hay không. Mọi người trên tàu đều có ý nghĩ như thế.

Nàng ăn một mình trong phòng riêng, rồi nằm trên giường trằn trọc suốt đêm, lòng phân vân không biết có đến được nơi bình an không, không biết khi đến Pháp, nàng có gặp chuyện gì bất trắc không. Nàng định sẽ đến khu vực người ta nói đang cần đến nàng nhất. Vì Mỹ không tham chiến, nên không có tổ chức từ thiện nào của Hoa Kỳ ở đấy, nhưng nàng biết có người anh em họ Astor của nàng đang đầu tư cho một bệnh viện dã chiến ở đấy và một người anh em họ Vanderbilt đang tình nguyện làm việc. Nhưng sau thông tin về vụ ly dị của nàng được loan truyền, nàng không dám đến tiếp xúc với họ. Khi đến Pháp, nàng sẽ tự tìm nơi khác làm việc. Nàng phải nghĩ ra cách để tìm.

Khi đã tìm ra bệnh viện mong muốn, nàng sẽ làm bất cứ việc gì người ta giao phó. Nàng sẽ bằng lòng làm tất cả mọi công việc, nhưng theo chỗ nàng biết thì các chiến hào đều đầy dẫy những người bị thương. Ngay cả các bệnh viện cũng đầy người. Nàng tin chắc có người sẽ giao công việc cho nàng làm, nếu tàu vượt qua được đại dương bình an.

Nàng đã học hỏi được rất nhiều điều từ các bác sĩ và y tá ở Ellis Island và nàng tiếp tục nghiên cứu sách về y học hàng ngày. Nàng nghĩ, ít ra họ cũng để cho nàng lái xe cứu thương, như thế còn hữu ích hơn ở New York để bị mọi người ghẻ lạnh.

Mặc dù Josiah đã cẩn thận đề phòng cho nàng tránh khỏi bị rắc rối, nhưng bây giờ tất cả danh tiếng của nàng đã bị việc ly dị hủy hoại hoàn toàn. Mọi người không còn kính nể nàng và khả năng sống cuộc sống mới hoàn toàn hết hy vọng. Chàng không biết việc này. Nàng như bị kết án hình sự, như phạm phải một tội không bao giờ được tha thứ. Bản án kết tội nàng có hiệu lực mãi mãi. Với hoàn cảnh nào, nàng cũng không thể tiết lộ bí mật của Josiah. Nàng quá yêu chàng nên không thể làm thế được và điều chàng dấu còn làm cho mọi người kinh ngạc sửng sốt hơn cả việc ly dị của họ. Việc phát hiện ra mối tình lâu năm của chàng với Henry và căn bệnh giang mai mà hai người đã mắc phải sẽ làm cho đời chàng hoen ố, ô danh. Nàng không thể làm thế với chàng. Bí mật của chàng, nàng sẽ mang theo xuống mồ.

Cho nên nàng rất sung sướng khi sang Pháp, vì ở đấy sẽ không ai biết nàng. Mới đầu, nàng không biết mình nên nói là góa phụ hay không có chồng. Nhưng nếu có ai biết Josiah, ngay cả ở châu Âu cũng có khả năng có người biết, chắc họ sẽ biết chàng còn sống và cho nàng là người nói láo, việc này càng gây rắc rối thêm. Cuối cùng nàng quyết định sẽ nói mình không có chồng. Nói thế sẽ đơn giản hơn nếu nàng gặp ai đã biết chàng. Nàng lại là Annabelle Worthington, như thể không có hai năm sống cùng với Josiah, tuy họ đã sống với nhau và nàng yêu chàng tha thiết. Nàng đã yêu chàng đủ để tha thứ cho chàng vì những lỗi lầm mà chàng không thể tránh khỏi và vì căn bệnh hiểm nghèo không biết khi nào sẽ giết chết chàng.

Khi con tàu nhẹ nhàng lướt qua biển trong đêm đầu tiên, nàng nghĩ thầm rằng có lẽ nàng sẽ bị giết chết ở Pháp, nàng sẽ không phải chịu đựng thêm cảnh chứng kiến sự chết chóc hay mất mát. Nàng biết dù họ đã ly dị, nhưng khi chàng chết, chắc nàng cũng đau đớn vô cùng. Nàng chỉ muốn được sống với Josiah, với cuộc sống hôn nhân hạnh phúc và sinh con cho chàng. Hortie không biết cô ta may mắn xiết bao khi có chồng bình thường và có con. Bây giờ Annabelle không có được cảnh như thế. Nàng đã bị bỏ rơi, bị xua đuổi. Sự ruồng rẫy của Hortie đối với nàng là vố đau đớn cho nàng sau việc Josiah bỏ nàng ra đi. Trong khi chiếc Saxonia lướt một cách thận trọng trên biển để đến Pháp, Annabellle nghĩ rằng nàng hoàn toàn cô độc trên đời. Đây là ý nghĩ kinh hoàng của người thiếu nữ đã được bảo vệ suốt đời, trước hết là sự che chở của gia đình, sau đó của chồng. Bây giờ cả gia đình và chồng đều biến mất cùng với thanh danh, tăm tiếng của nàng. Nàng sẽ phải mang danh kẻ ngoại tình mãi mãi. Nghĩ đến chuyện đó, nước mắt nàng chảy xuống dầm dề ướt cả gối.

Đêm đó, tàu chạy không gặp vấn đề gì rắc rối. Họ đã tăng cường nhân viên canh gác gấp đôi để canh chừng mìn trên mặt biển. Không có dấu hiệu gì báo cho họ biết họ gặp mìn, hay sắp đụng phải tàu ngầm Đức xuất hiện. Họ đã luyện tập cách dùng thuyền cứu sinh trong một giờ khi tàu rời bến. Mọi người đều biết thuyền cứu sinh để ở đâu, còn áo cứu sinh treo trong các ca bin ngay trước mắt mọi người. Trong thời bình, áo cứu sinh được chất vào chỗ kín đáo hơn, nhưng từ khi tàu Lusitania bị đắm vào tháng năm, thì hãng tàu biển Cunard không dám coi thường. Họ ra sức đề phòng để bảo đảm an toàn tối đa cho khách hàng, nhưng làm thế chỉ gia tăng không khí căng thẳng trên tàu mà thôi.

Annabelle không nói chuyện với ai. Nàng đã xem danh sách hành khách đi tàu, thấy có hai người quen của bố mẹ trên tàu. Nhưng nàng không muốn gặp họ, vì tin ly dị đã được loan truyền khắp nơi ở New York, nàng tin họ đã biết. Nàng không muốn gặp họ vì sợ họ sẽ hắt hủi nàng, hay tệ hơn thế. Nàng thích ở trong cabin suốt ngày, chỉ ra ngoài đi dạo trên boong khi đêm xuống, khi mọi người đã thay áo quần để ăn tối. Tối nào nàng cũng ăn một mình trong phòng riêng của mình. Mặc dù nàng có đem theo sách để đọc giải trí, nhưng cái chết của bố và anh trai trên chiếc Titanic vẫn làm cho tâm trí nàng hoang mang. Và câu chuyện về chiếc Lusitania bị đắm còn tệ hơn nữa. Nàng bị căng thẳng, lo lắng, ban đêm không ngủ được, nhưng nàng đã dùng phần lớn thời gian dài không ngủ đó để nghiên cứu, học hỏi về y học.

Cô nhân viên trên tàu đã cố gắng giục nàng đến phòng ăn để ăn tối, nhưng không thành công. Vào đêm thứ hai của chuyến đi, ông thuyền trưởng mời nàng đến ăn tối tại bàn ông. Đây là vinh dự cho ai được mời, hành khách nào cũng nhận lời ngay, nhưng nàng từ chối, gửi giấy xin lỗi rất lịch sự, nói rằng nàng không được khỏe. Hôm đó, biển hơi động, cho nên ông ta nghĩ nàng bị say sóng, nhưng thực ra nàng không say. Nàng rất khỏe trong chuyến vượt biển này.

Người tiếp viên nam và cô tiếp viên nữ có nhiệm vụ lo cho nàng, đều tự hỏi phải chăng nàng đã bị mất người thân yêu. Nàng trẻ đẹp, nhưng rất nghiêm nghị. Họ nhìn chiếc áo đen nàng mặc trên người để tang cho mẹ và họ thắc mắc. Rõ ràng đã có chuyện gì xảy ra cho nàng. Khi nàng đi dạo lúc xế chiều, nàng thường đứng nhìn cảnh mặt trời lặn, như người có chuyện tình trắc trở, bi đát đã xảy ra. Nàng đứng nhìn ra biển, nghĩ đến Josiah, tự hỏi không biết có gặp lại chàng hay không. Nàng cố không nghĩ đến Henry và không ghét anh ta.

Thường thường, khi nào nàng về lại phòng riêng của mình, trông nàng như thể đang khóc. Nàng thường đeo mạng che mặt, ngoài mạng ra, chiếc mũ rộng vành cũng che kín mặt nàng. Nàng không muốn người ta nhận ra mình, không muốn ai thấy mặt mình. Nàng đang biến mất khỏi thế giới của mình, vứt bỏ cuộc sống được che chở mà trước đây nàng rất vui sướng và không muốn ai biết quá khứ đời mình. Nàng trút bỏ hết cuộc sống bình an, quen thuộc, để dấn thân vào cuộc sống mới.

Nàng hết sức kinh ngạc khi nhận ra rằng, ngoài ngôi nhà của bố mẹ ở Newport, nàng không có ngôi nhà nào hết. Đồ đạc của nàng đều gửi hết vào kho, còn lại những gì cần thiết đều nằm ở trong ba cái vali nàng đang mang theo. Cô tiếp viên nói với ông quản lý trên tàu rằng nàng không mang theo rương hòm như các bà quí phái, đây là việc hết sức kỳ lạ. Thậm chí không có áo lông, đồ nữ trang hay áo dạ hội, mà theo phong thái và cách giao tiếp, người ta thấy rằng Annabelle đã được sinh ra trong gia đình thượng lưu. Hằng ngày nhìn ánh mắt buồn bã của nàng, cô tiếp viên cảm thấy thương hại nàng. Hai người có tuổi gần bằng nhau và Annabelle rất tốt với cô ta.

Sang ngày thứ tư, khi tàu đến gần châu Âu, bỗng nó chạy chậm lại khiến mọi người kinh ngạc. Tàu không di chuyển nhanh trên mặt nước, nhưng người trưởng toán canh gác không thấy gì đáng nghi, ông ta lo ngại có tàu ngầm gần đây. Tất cả hành khách đều lo sợ, có người mặc áo cứu sinh mặc dù không nghe tin báo động. Lần đầu tiên Annabelle ra ngoài thanh thiên bạch nhật để xem chuyện gì đang xảy ra. Nàng hỏi một sĩ quan, anh ta trả lời cho nàng biết chuyện họ lo sợ, anh ta ngạc nhiên trước sắc đẹp của nàng, được che phía sau tấm mạng và cái mũ. Anh ta tự hỏi, phải chăng nàng là diễn viên danh tiếng cải trang đi du lịch, hay là nhân vật nổi tiếng nào đấy. Nàng mặc áo quần màu đen may đo thật đẹp, và khi nàng tháo găng tay, anh ta thấy hai bàn tay nàng thật duyên dáng. Anh ta nói cho nàng yên tâm, sau đó nàng lánh xa đám người đang nói chuyện hay đang ngồi từng nhóm nhỏ chơi bài để đi quanh tàu một vòng, rồi quay về phòng.

Xế chiều hôm đó, người sĩ quan trẻ gõ cửa phòng nàng. Nàng mở cửa và ngạc nhiên khi thấy anh ta. Nàng đang cầm cuốn sách trên tay, mái tóc vàng dài xõa xuống hai vai. Trông nàng như một cô gái nhỏ và anh càng kinh ngạc hơn trước sắc đẹp của nàng. Nàng đã cởi bộ đồ vét ra, thay vào chiếc váy đen dài và áo sơmi đen. Cũng như người tiếp viên, anh ta nghĩ nàng là một góa phụ trẻ, nhưng không biết tại sao nàng đi châu Âu. Anh ta nói anh ta đến để xem thử nàng có khỏe không, vì hồi nãy nàng có vẻ lo sợ và hiện con tàu vẫn chạy chậm.

Nàng mỉm cười e lệ, trả lời nàng khỏe. Anh nhìn xem nàng đang đọc sách gì và ngạc nhiên khi thấy cuốn sách nàng đang đọc. Đây là cuốn sách về y khoa của bác sĩ Rudolph Virchow và trên bàn phía sau nàng có thêm ba cuốn nữa của bác sĩ Louis Pasteur và bác sĩ Claude Bernard, những nhà bác học nổi tiếng trong ngành y.

– Cô đang học y khoa à? – Anh ta hỏi, vẻ kinh ngạc. Đây là loại sách phụ nữ không ai đọc, anh ta tự hỏi phải chăng nàng là y tá. Thật khó mà đoán ra được địa vị của nàng trong xã hội.

– Phải… không… ờ, không phải, – nàng đáp, vẻ bối rối. – Tôi chỉ thích đọc loại sách y học này. Đấy là dam mê của tôi.

– Anh tôi là bác sĩ, – anh ta tự hào nói. – Anh ấy rất thông minh. Mẹ tôi là y tá. – Anh ta nán lại, tìm cớ để nói chuyện với nàng. Nàng có gì đấy rất bí mật, anh không thể không tự hỏi nàng sang Pháp làm gì. Có lẽ nàng có gia đình ở đấy. Độ này, càng ngày càng ít phụ nữ đi tàu thủy qua đại dương. – Thưa cô Worthington, nếu cô cần tôi giúp gì, xin đừng ngại nhé. Nàng gật đầu, ngạc nhiên khi nghe có người gọi tên nàng như thế lần đầu trong hai năm nay. Nàng chưa quen với tên gọi này. Nàng cảm thấy như mình đi ngược thời gian trở lại thời niên thiếu. Nàng đã rất tự hào được làm bà Millbank. Bây giờ trở lại tên Worthington nàng thấy buồn, như thể nàng không xứng với tên của Josiah. Họ đã thỏa thuận để cho nàng lấy lại tên cũ của nàng. Chàng có thể kiến nghị với tòa để cho nàng giữ tên chàng, nhưng cả hai đều nghĩ rằng nàng không giữ tên chàng là hay nhất. Dùng tên mình thời con gái dễ dàng cho nàng hơn, như dùng tấm bảng đen còn sạch để viết, nhưng nàng vẫn nhớ tên chàng.

– Rất cám ơn anh, – nàng lễ phép đáp. Chàng cúi người chào, rồi đóng cửa, trở lại với cuốn sách, không ra khỏi phòng cho đến khi trời tối. Nàng giam mình trong phòng, nên chuyến đi có vẻ quá lâu. Tàu chạy chậm suốt cả ngày, nhưng mọi người bằng lòng, họ thích thà chậm mà yên ổn còn hơn nhanh, dù đến chậm một chút cũng được.

Ngày hôm sau tình hình lại càng căng thẳng hơn ngày hôm trước. Mới sáng sớm, tổ canh gác đã thấy một bãi mìn từ đằng xa về phía mạn bên phải của tàu. Lần này còi báo động hú vang lên, mọi người đều lên boong tàu để nghe thủy thủ đoàn cho biết chuyện gì đang xảy ra. Tất cả mọi người đều mặc áo khoác cứu hộ và họ được báo phải mặc suốt ngày. Annabelle vội ra khỏi phòng không đội mũ và đeo mạng, hôm đó trời nắng ấm, gió thổi nhẹ. Tóc xõa dài xuống lưng, nàng mặc chiếc áo dài đen bằng vải lanh. Người sĩ quan ngày hôm qua lại đến gần nàng, anh ta cười.

– Không có gì đáng lo, – anh ta nói. – Chỉ đề phòng thôi. Chúng ta không gặp chuyện gì rắc rối. Nhân viên của chúng tôi rất giỏi. Họ phát hiện ra bãi mìn ngay. – Nàng nhẹ người, nhưng lòng vẫn lo, không yên tâm.

Bỗng vô tình nàng buột miệng nói cho anh ta biết chuyện riêng của mình:

– Bố mẹ tôi và anh trai tôi đi trên chiếc tàu Titanic, – nói xong, nàng thấy mình lỡ lời, bèn mở to mắt nhìn anh ta.

– Thật đáng tiếc, – anh ta đáp, giọng buồn rầu. – Không có chuyện đáng buồn như thế xảy ra ở đây đâu. Đừng lo, thưa cô. Ông thuyền trưởng đã có cách để kiểm soát. – Nhưng bãi mìn ở trên mặt biển làm cho tàu phải chạy thật chậm suốt ngày hôm đó. Và hai ngày tiếp theo, khi chiếc Saxonia đến gần nước Pháp, họ lại càng phải thận trọng, đề cao cảnh giác nhiều hơn nữa.

Cuối cùng, chuyến hành trình mất bảy ngày. Họ đến cảng Le Havre lúc sáu giờ sáng, con tàu được thả neo ở bến tàu trong khi hầu hết hành khách đang còn ngủ. Bữa sáng sẽ được dọn lúc bảy giờ. Sau đó, chiếc tàu sẽ đi tiếp đến Liverpool, vì Southampton đã bị quân đội lấy làm căn cứ. Trong chuyến đi này, họ dừng lại nước Pháp trước hết, vì phải tránh đường thủy có mìn. Khi tàu cập bến, Annabelle đứng trên boong tàu, phục sức nghiêm chỉnh. Người sĩ quan trẻ quen thuộc thấy nàng bèn đến gần. Trông nàng có vẻ phấn khởi và tỉnh táo. Trong chuyến hành trình, bây giờ anh ta mới thấy nàng sung sướng ra mặt, anh tự hỏi phải chăng nàng có vẻ u sầu vì lo sợ khi ở trên tàu, hay cho thân nhân của nàng đã bị chìm tàu? Mọi người đều sung sướng khi đến Pháp bình an.

– Chắc cô sung sướng khi đến Paris phải không? – Anh ta vui vẻ hỏi. Rõ ràng nàng sung sướng, bỗng anh tự hỏi phải chăng nàng có hôn phu ở đấy. Nàng cười, gật đầu, nắng mai lấp lánh trên đầu họ. Nàng đội mũ nhưng không đeo mạng, anh có thể nhìn vào đôi mắt xanh của nàng.

– Phải, nhưng tôi không ở lâu, – nàng đáp. Anh rất ngạc nhiên trước câu trả lời của nàng. Bây giờ không ai đến Paris trong một thời gian ngắn. Vì ở đấy có thể gặp nhiều nguy hiểm, nên không ai đến đấy để nghỉ lễ ngắn ngủi.

– Cô sẽ quay về à?

– Không, tôi không về. Tôi hy vọng sẽ được làm việc tại một bệnh viện ở phía bắc Paris, cách mặt trận quãng ba mươi dặm.

– Cô thật can đảm, – anh ta đáp, vẻ mặt kinh ngạc. Nàng còn quá trẻ và đẹp, anh không thích nghĩ đến chuyện nàng có vẻ bị kích thích khi nghĩ đến chuyện đến đấy. Việc này đã nói lên lý do tại sao nàng đọc sách về y học khi anh ghé vào thăm. – Cô có được bình yên ở đấy không? – Anh ta hỏi, vẻ lo lắng. Nàng cười.

– Đủ sức bình yên. – Nàng muốn ra mặt trận để phục vụ, nhưng họ cho nàng biết rằng chỉ có nhân viên quân sự được huấn luyện trong ngành y mới được ra đấy. Bệnh viện được thiết lập trong tu viện Abbaye de Royaumont ở vùng Asnière-sur-Oisie, có lẽ họ sẽ nhận nàng vào làm việc ở đấy.

– Cô sẽ đến đấy ngay hôm nay à? – Anh ta hỏi với vẻ rất quan tâm. Nàng lắc đầu.

– Chắc đêm nay tôi phải ở lại Paris, tìm phương tiện để ngày mai đến đấy. – Bệnh viện ấy ở phía Bắc Paris, cách hai mươi dặm, nàng không biết phải dùng phương tiện gì để đến đó.

– Cô đi một mình đến đó thật quá can đảm, – anh ta nói với vẻ khâm phục, lòng nghĩ rằng nàng, người sống trong cảnh giàu sang, sung sướng, không quen với cảnh thân tự lập thân như thế này. Nhưng bây giờ nàng không còn sự lựa chọn nào khác, Annabelle nghĩ rằng đây là sự khởi đầu mới mẻ của nàng, hay ít ra đây là dịp để cho nàng thoát khỏi sự tẩy chay của mọi người ở quê nhà. Nếu ở lại đó, nàng chỉ rước thêm những khó chịu, chỉ gặp toàn cảnh chướng tai gai mắt.

Người sĩ quan trẻ tuổi phải đi làm công việc của mình, Annabelle trở lại phòng riêng trên tàu để đóng các túi xách. Nàng chuẩn bị để bảy giờ là ra đi. Nàng cám ơn cô tiếp viên đã tử tế, săn sóc nàng suốt chuyến hành trình, kín đáo tặng cho cô ta món tiền boa hậu hĩnh trong bì thư, rồi đến phòng ăn để ăn sáng. Đây là lần đầu tiên và lần duy nhất nàng ăn với mọi người trong suốt chuyến vượt biển. Nhưng mọi người quá bận nên không ai chú ý đến nàng. Họ bận chia tay với bạn bè mới, thưởng thức bữa ăn ngon lành trước khi rời tàu.

Annabelle là hành khách đầu tiên rời tàu. Nàng chào anh sĩ quan trẻ khi anh đến tiễn nàng, chúc nàng may mắn. Nàng lên tàu hỏa, vào ô dành cho nàng trên toa. Nàng nghĩ đây là cảnh xa hoa cuối cùng nàng được hưởng trong một thời gian dài. Ngày mai, nếu may mắn, nàng sẽ làm việc hết mình và sống như mọi người khác khi làm việc tại tu viện.

Nàng tự mình di chuyển hành lý, tìm chiếc taxi ở nhà ga xe lửa Gare du Nord ở Paris. Nàng đã ăn bữa trưa trên tàu nên không đói, cho nên nàng đi ngay đến khách sạn. Nàng đã đặt phòng trước tại Hotel de Hollande ở quận 9 gần Montmartre. Khi xe chạy đến đấy, nàng thấy những người đàn ông đi xe đạp đội mũ kêpi màu xanh, họ thường đi từng nhóm bốn người để tuần tra thành phố. Các hành lang bán cà phê đều được dẹp hết, đây là sự thay đổi lớn so với lần nàng đến thăm Paris cùng bố mẹ lần cuối cùng, khi ấy nàng còn nhỏ. Từ khi lên 16 đến nay nàng không trở lại đấy. Không khí ở đây bây giờ lặng lẽ, căng thẳng, nàng thấy không có thanh niên trên đường phố. Hầu hết họ đều bị động viên ra chiến đấu ngoài mặt trận, nhưng thành phố vẫn xinh đẹp như xưa. Quãng trường Place de la Concorde uy nghiêm lộng lẫy, điện Champs Elysées cũng vậy. Thời tiết đẹp, hôm ấy là một ngày mùa thu rực rỡ và cuối cùng xe đậu trước mặt khách sạn.

Không ngạc nhiên, nàng thấy người tiếp tân khách sạn ra đón mình là một ông già, ông ta chỉ cho nàng vào phòng ở lầu một. Phòng nhỏ, nhưng sáng sủa, đầy ánh nắng mặt trời, nhìn ra khu vườn của khách sạn. Ngoài vườn, ghế ngồi xếp quanh bàn, một vài người đang ăn. Nàng hỏi người nhân viên phương tiện để đến Asnières vào ngày hôm sau. Nàng muốn biết có thể tìm xe hơi và tài xế lái xe không. Nàng nói tiếng Pháp rất lưu loát. Nàng đã học tiếng Pháp với người gia sư, đây là một phần trong sự giáo dục của tầng lớp thượng lưu, nhưng nhờ thế mà bây giờ nàng đem ra sử dụng rất hữu ích.

– Tại sao cô muốn đến đấy? – Ông ta cau mày khó chịu, hỏi nàng. Theo ông thì nơi ấy rất gần mặt trận, nhưng đối với nàng thì không. Nàng cố đề nghị một cách tế nhị, không cục cằn, rằng nàng sẽ trả tiền hậu hĩnh cho tài xế để anh ta chỉ lái đi một vòng, miễn là bệnh viện cho nàng ở lại. Nàng chưa biết họ có cho không, nhưng nàng hy vọng, vì nàng có lá thư giới thiệu của vị bác sĩ ở Ellis Island trong ví.

– Tôi đến tu viện Abbey ở Asnières, – nàng đáp.

– Đấy không còn là tu viện nữa, – ông ta nói, – mà là một bệnh viện do một phụ nữ quản lý.

– Tôi biết, – nàng cười. – Vì thế mà tôi đến đấy.

– Cô là y tá à? – Nàng lắc đầu. Ông ta không thể không nghĩ rằng y tá mà lại đến ở trong khách sạn sang trọng như thế này, nhưng cho dù nàng mặc áo quần xuyềnh xoàng, trông nàng cũng có vẻ quí phái sang trọng.

– Không, tôi chỉ là người làm bên ngành y, người ta cần tôi làm gì, tôi làm nấy, – nàng khiêm nhường đáp. Ông ta có vẻ kinh ngạc, nhìn nàng và cười.

– Cô đến đấy để giúp các thương binh trong bệnh viện phải không? – Lần này nàng gật đầu ngay. Tối đó ông ta đem bữa ăn tối đến phòng cho nàng, với chai rượu vang mà ông để dành cho mình. – Cô là một phụ nữ kỳ diệu, – ông nói khi gặp lại nàng.

– Cám ơn ông, – nàng đáp nho nhỏ. Nàng nghĩ rằng mọi người ở New York và Newport chắc sẽ bất bình khi nghe nàng làm việc này.

Sau đó, người tiếp viên già nói cho nàng hay rằng ông ta đã nhờ người cháu trai hôm sau sẽ lấy xe đưa nàng đi. Anh ta bị thương ngoài mặt trận năm ngoái và đã mất mấy ngón tay, nhưng ông cam đoan rằng Jean Luc lái xe rất giỏi, mặc dù ông xin lỗi nàng rằng anh ta sẽ lái cho nàng đến Asnières bằng chiếc xe tải. Hiện họ chỉ có xe ấy và nàng trả lời với ông rằng thế là tốt rồi.

Đêm đó nàng không ngủ được, vì nàng quá hồi hộp. Nàng không biết ngày mai sẽ ra sao, không biết người ta có để cho nàng ở lại tại tu viện hay không. Nàng chỉ còn biết cầu nguyện mong sao họ sẽ cho nàng ở lại làm việc tại đó.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN