Thời Hoàng Kim - Chương 17: Hồng phất chạy trốn trong đêm (9)
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
161


Thời Hoàng Kim


Chương 17: Hồng phất chạy trốn trong đêm (9)


Chương này nói về Hồng Phất nhưng tác giả hiểu rất ít về đàn bà, cho nên có chỗ đành phải suy diễn.  

Thời trẻ Lý Vệ công ở Lạc Dương đã làm chết một phần sáu số đàn ông, cộng thêm sáu mươi hai công sai, làm cho đa số đàn bà bị cưỡng hiếp, một sự kiện khủng khiếp trong đời họ, nhất là kẻ hãm hiếp họ lại đang mặc áo giáp, vì thế ai cũng bảo phải xử tử. Chỉ có Hồng Phất thông cảm với ông vì bẩm sinh nàng vốn đa tình, ông lại cao lớn như con ngựa giống, rất đàn ông và hấp dẫn, hơn hẳn Giao Nhiễm suốt ngày nhai đay bện giày. Nàng trở thành phu nhân của Lý Vệ công và sau đó hai mươi sáu năm tự tử để chết theo chồng. Không hiểu bạn nghĩ sao, còn tôi cho rằng đó là mối tình vĩ đại. Nếu bây giờ tôi danh giá như Vệ công thì các cô gái cả nước, kể cả các cô chột mắt thọt chân, cũng chẳng ai lấy tôi, càng không chết theo tôi đâu. 

Trước khi xảy ra mối tình vĩ đại đó, Hồng Phất ở nhà Dương Tố, ngoài gội đầu chải đầu chẳng có việc gì để làm. Lúc đó tóc nàng dài ba trượng, mỗi lần gội phải dùng ba cân xà phòng mỡ ngỗng và mười gánh nước, có mười người giúp. Nhưng họ chỉ biết khiêng nàng vào thùng và khiêng ra, tắm gội xong nàng rất khổ sở, như bọc trong cái kén tóc, chui mãi mới ra được và chải rất mất công. Chải xong nàng lại chạy lung tung, chạy vào bếp xin làm giúp. Lẽ ra nàng chẳng nên làm thế vì gội đầu chải đầu đã mệt lắm rồi. 

Hồng Phất chạy trốn rồi, ai nhớ lại cũng thấy cô này kỳ quặc, tối không chịu đi ngủ còn mặc áo tắm bằng sợi bông trắng vào bếp đòi giúp. Họ không cho vì nhỡ có tóc trong thức ăn thì bị chặt đầu, tất nhiên chặt đầu họ, không phải đầu nàng. Lúc đó nhà bếp đang bận túi bụi. Sớm hôm sau phải có món chim sẻ đồng cho ông chủ. Giống chim bằng đầu ngón tay út, một khay bưng lên là ba ngàn con, giết cũng mệt chưa nói vặt lông, moi ruột và rút hết xương. Người ta cho tay vào túi vải, tóm mỏ một con lôi ra cho vào cái cốc vặt lông, lũ chim chíp chíp kêu oan, nếu chúng nó là con lợn béo thì đã đành. Hai mươi người làm việc đó, số còn lại thì bỏ chim đã giết rồi vào túi vải đem rán, việc này phải vô cùng cẩn thận, quá lửa một chút là thành than. Thế còn là may, nếu ông chủ đòi ăn vòi voi rán, mang dao đi tìm voi không biết còn sống mà về không. 

Trước khi trốn đi, Hồng Phất cắt ngắn bớt tóc, chất trên đầu giường. Mớ tóc cắt bỏ lại không còn hơi người chẳng còn bóng bẩy. Hồng Phất mất tóc cũng mất duyên khá nhiều, chẳng thể làm con hát, chẳng lẽ đi tu thì phí đời quá. 

Sau khi nàng đi, tóc nàng được đem triển lãm rồi biến mất. Bây giờ ta biết là Giao Nhiễm đánh cắp và quấn vào người. Nhưng hồi đó người ta không biết, cứ bảo con hồ ly tinh lấy cắp. Mục đích của triển lãm là cho mọi người thấy nàng dại dột, tóc dài như thế mà cắt đi, quên mất một điều quan trọng mà chính nàng không biết là tóc nàng rất đẹp, nàng chỉ thấy đó là một đống lông xấu nhất trên đời. Có lần, một bà mẹ dỗ con khóc, nàng bảo để nàng bế cháu, bà ta hỏi nàng có sữa không, nàng không hiểu gì, bà ta xem rồi bảo vú nàng rất đẹp thì nàng nghĩ là bà ta chế giễu. Bụng nàng thon, chân dài, nàng cho là xấu. Tóm lại nàng là thứ biết đi xấu nhất trên đời. Vì lý do đó trước khi chạy đi tìm Lý Tịnh, nàng cắt ngắn tóc đi để cho dễ coi hơn. Nhưng Lý Tịnh còn đang lo bị người ta thịt để làm nhân bánh bao, tâm trí đâu để ý đến nàng. Tôi cũng vậy, một cô nghiên cứu sinh rất xinh hỏi tôi: Thưa thầy, toán học rất đẹp phải không ạ? Tôi định nói: như cứt chó, nhưng rồi sực nhớ người đang nói chuyện là một cô gái, bèn nói: Chẳng phải thế đâu. Cô bé vẫn không nghe ra, cứ thao thao bất tuyệt. Tôi muốn đập cái quạt vào mồm, nhưng sợ làm đau cô bèn đứng dậy cắp đít đi. Ai ngồi trước mặt những người khổ sở vì toán học như tôi mà nói toán học đẹp thì đích thị họ vô trách nhiệm với cái má và hàm răng của mình. 

Khi nàng chạy đi tìm Lý Tịnh sau đó trốn khỏi Lạc Dương, người ta bảo là trốn theo trai. Khi Vệ công còn sống không ai dám nói nhưng ai cũng nghĩ nàng là người con gái hư hỏng dâm đãng, đến khi Vệ công chết mới thành chuyện cửa miệng. Thời nhà Đường con gái lớn thì lấy chồng, có thể có người tình, cuối cùng thì vẫn sống chung với đàn ông nhưng chạy theo trai thì đốn đời quá. Cho nên thời nhà Đường con gái nhà tử tế mới biết đi đã bị buộc dây bằng sợi bông vào hai cổ chân để chỉ có thể đi mà không chạy được. Lâu ngày lớn lên con gái không biết chạy, gặp mưa không chạy, nhà cháy không chạy, nếu không thế thì không phải là con nhà tử tế. 

Chỉ có một người con gái quý tộc dám chạy như bay trước mặt mọi người, trăm mét hết mười hai giây, đó là Hồng Phất. Để làm việc đó nàng may một cái quần váy, thoáng trông là váy nhưng thực ra là quần. Có người bảo, cấu tạo cơ thể của đàn bà khác với đàn ông, chạy nhanh là bị xé thành hai mảnh. Người ta có thể không tin nhưng vẫn không dám mạo hiểm. Khi Vệ công chết, nàng tuẫn tiết theo chồng. Mấy bà quý tộc bảo nhau: Tuẫn tiết à? Con mẹ ấy không xứng để làm việc đó! Câu chuyện đến tai, nàng bảo: Ta chẳng cần biết xứng hay không xứng, chỉ biết chán sống rồi. 

Về chuyện mọi người bảo Hồng Phất là loại đê tiện, có một sự thật chứng minh: Các bà có con đi lấy chồng, muốn dạy con hiểu biết chuyện phòng the bèn bảo đến hỏi Hồng Phất. Cô nào cũng hỏi: Cô ơi, cô và chú Lý lần đầu làm thế nào? Lúc đầu Hồng Phất bảo: Chú Lý lấy chày cán bột đâm cô. Nói vậy vẫn còn là tử tế. Cô gái vào buồng the vênh mặt lên bảo chồng mới cưới: Đừng có tưởng tôi không biết lòng dạ của anh! Có giỏi cứ đưa cái chày cán bột ra đây! Nhưng sốt ruột vì cứ phải trả lời mãi câu hỏi như thế, Hồng Phất bắt đầu nói lung tung, bảo cô dâu mới cưới rằng cứ tóm cái chày cắn cho một miếng – ai cũng biết rằng cái chày của chú rể làm sao chịu được nhát cắn, bởi vì có phải bằng gỗ đâu. Câu chuyện này cho thấy Hồng Phất không phải là hiền lành. Đó cũng là nguyên nhân hậu vận nàng chẳng ra làm sao. 

Sau đây là định nghĩa của tôi về chữ hiền lành: Đó là nghe thật nhiều thông tin, trộn thêm xúc động của mình, rán lên đem bán. Thí dụ cô gái hỏi chuyện phòng the hôm trước thì hôm sau chạy khắp thành bảo tất cả bạn gái: Cậu có biết cô Hồng Phất nói cái chày cán bột không? Nó là bằng thịt đấy, mà lại nối liền với người! Người nghe thắc mắc: Chày cán bột nào? Cô Hồng Phất nào? Thịt nào? Nối liền với ai? Cô không trả lời, đến nhà khác lại kể tiếp. Một cô gái khi tất ta tất tưởi như thế trông sẽ rất đáng yêu. Còn Hồng Phất, nàng không thích thông tin, chẳng xúc động, cũng chẳng rán lên đem bán, cho nên nàng chẳng tất bật, cho nên cũng chẳng hiền lành. 

Tôi cũng là người không hiền lành, tin nào thông tin đến tôi thì chết luôn. Có người bảo Vương Nhị là cái hố đen, chỉ nghe vào không nói ra. Vì thế người ta bảo tôi ngốc, chẳng ai để ý đến tôi. Về sau nghe tôi đã chứng minh được định lý, mọi người mới không nói tôi ngốc nữa mà tưởng tôi không biết phải nói cho tôi biết, từ chuyện tối nay chương trình TV có gì đến chuyện tôi lấy vợ, chuyện gì cũng phải nhắc tôi. 

Không thể đếm được đã có bao nhiêu người bảo tôi lấy vợ. Việc hệ trọng thế, nhắc là đúng. Bất kể ai cứ nói đề tài này là tôi trả lời nghiêm chỉnh: tôi không muốn lấy vợ, nhưng họ không hài lòng. Một hôm có đồng nghiệp bảo tôi nếu lấy vợ không sinh được con thì xin một đứa. Tôi nghĩ hồi lâu bảo: Không, thà tôi nuôi con mèo. Trả lời xong tôi cứ áy náy mãi, tôi không thích mèo, không thích mùi nước đái của nó. Đến gần trưa tôi mới nhớ lại, tôi không nuôi mèo, tôi sẽ sinh một đứa con. Không lâu sau, do sơ xuất, Oanh phải đi nạo thai, tôi đưa đi. Tôi rất sợ trẻ con quấy khóc cho nên tôi không muốn lấy vợ. 

Lý Vệ công chết, Hồng Phất gặp rất nhiều phiền phức. Người ta bảo trông mụ ấy sắc nước thế kia Vệ công không chết sớm mới là lạ. Hồng Phất nghe được ngạc nhiên lắm, chạy về nhà soi gương, sống nửa đời người mới bỗng nhiên thấy mình kiều diễm, một phát hiện ngoài ý muốn. Nhưng không vì thế mà sống buông thả, nàng không bỏ ý định tự tử, cho dù có người bảo nàng chết không xứng đáng. 

Bây giờ tôi cũng đang gặp phiền phức – tất nhiên chưa đến mỗi chết người như Hồng Phất. Mọi người hỏi tại sao chưa lấy vợ thì xin chớ có trả lời dại dột kiểu như “lấy hay không lấy là chuyện của tôi”. Tự do của bạn là người ta làm cái gì thì bạn làm cái đó, hoặc là đừng để người ta chú ý. Tôi đã phạm điều thứ hai: bây giờ tôi là người tài về toán, ai cũng biết tôi. 

Đối với tôi, chứng minh định lý Fermat cũng tức là chứng minh rằng mình là một thằng ngốc. Mỗi tháng tôi phải tính chi phí điện nước than cho cả tòa nhà đến nỗi sinh bệnh thiểu năng tuần hoàn não. Tôi đâu phải là một cái máy tính bỏ túi, mà cái máy có đắt là bao, móc tiền túi ra mà mua – nhưng nói thế mất lòng người ta. Lý Vệ công xây xong thành Tràng An rồi bị trói chặt vào đó. Tôi không biết từ nay làm thế nào, thậm chí nghĩ đến chuyện cùng Oanh chạy về nơi ngày xưa đã lao động để làm người rừng. Đó là một cách, còn mấy cách nữa: đi Los Angeles nghiên cứu (có cơ hội đó); đổi nghề sang viết văn; đi buôn (bán bánh rán). Tôi không đi Los Angeles vì chán toán lắm rồi mà không biết lái xe, tôi không học được; tôi từng này tuổi rồi, nếm đủ cay đắng, bị toán học hành hạ cho nghẹt thở bây giờ đi viết văn thì coi thường các nhà văn quá; đi buôn thì nhất định lỗ. Làm người rừng thì giẫm phải bẫy của thợ săn, cái bẫy có thể kẹp dập xương cổ chân. Không còn lối thoát, nhưng dứt khoát tôi không chịu thế này mãi. 

Nhiều năm về trước, tôi đứng khoanh tay dạng chân nhìn con dốc đất đỏ miền á nhiệt đới, nơi tôi lao động. Bằng tư thế đó tôi tỏ rõ quyết tâm không thỏa hiệp. Một hình ảnh như Đông Ki-sốt khi chạy vào rừng. Ông có con ngựa nổi tiếng, tôi cũng có anh bạn ngựa thồ chỉ thiếu anh chàng Xăng-sô Pan-sa. Khi đó ông đã uất ức mà thề rằng: Trong một năm không làm tình, không ăn bánh mì trên khăn trải bàn, ngủ không mặc đồ lót vân vân. Tôi không thề gì cả nhưng sự thực chứng minh tôi, Đông Ki-sốt á nhiệt đới, không kề kém ông bất cứ mặt nào. Quyết không thỏa hiệp là không để mặc cho số phận sắp xếp mình, bắt nó phải đổi ý, đưa ra cái tôi chấp nhận được. Mười bảy tuổi tôi dắt ngựa đi trên sườn núi, chân xỏ dép nhựa và đôi tất đá bóng màu trắng, trên người không mặc gì hết. Quần áo cuộn lại buộc trên lưng ngựa. Nắng có thể luộc chín người, tôi cứ thế đi qua nắng, đi qua bóng râm. Hành vi quái đản ấy cho thấy tôi quyết rời bỏ nơi chỉ có cà dái dê và khoai sọ là ăn được để bắt đầu một cuộc sống của tôi. Nó chứng tỏ tôi quyết bỏ con ngựa của tôi, mặc dù tôi rất yêu nó nhưng tôi mặc kệ nó khi về già để người ta giết lấy da. Nói thêm, đến bây giờ tôi cũng không đủ tiền mua một con ngựa để nuôi ở nhà. Điều này cho thấy tại sao ta phải yêu đàn bà – nếu không nói là rẻ nhất trong số những động vật ta có thể yêu thì ít nhất là ta có thể đủ tiền nuôi. Tôi rời bỏ nơi đó không phải vì cái ăn mà là vì khát vọng một cuộc sống có tri thức. Tôi chọn toán học và đã chứng minh định lý Fermat, nhưng bây giờ thì tôi ân hận, lẽ ra nên chọn cái khác. 

Mười bảy tuổi, đầu óc tôi đầy những tưởng tượng quái gở, tôi rất muốn làm thơ tình, nhưng vở ghi là nơi không chắc chắn. Cho nên ban đêm thật yên tĩnh tôi trở dậy, dưới ánh trăng viết lên gương bằng bút sắt, viết rồi xóa lại viết rồi xóa. Hôm sau người ta thấy gương xanh lè, kêu lên nhưng tôi chỉ nằm không nói gì. Nhận xét của người ta về việc này có thể khái quát bằng một câu: Vương Nhị, anh tự do quá đấy. Chuyện này cho thấy bất kể tôi làm gì đều quái gở, người ta không ưa. Điều đó cho thấy giữa tôi và những người xung quanh có nhiều thứ không hiểu nhau nhưng tôi không bao giờ nghĩ cách xóa đi sự hiểu lầm, thậm chí tôi còn làm nó sâu sắc hơn. Bây giờ tôi vẫn nghĩ: lời thề năm mười bảy tuổi tôi đã làm đủ chưa, đã nên dừng lại chưa. 

Tôi đang suy nghĩ ý kiến của Oanh muốn tôi thôi việc, đi bán bánh rán ở cổng trường vừa kiếm được tiền vừa đỡ mệt óc. Gần đây tôi toàn họp, ngồi đến lòi cả trĩ ra, có khách lại đóng comlê cavát. Tôi không biết thắt cavát, cứ phải chạy vào toa-lét chờ người quen để nhờ, một việc làm quá bệ rạc. Bán bánh rán chưa chắc là ý hay, nhỡ xảy ra đánh nhau vì tranh chỗ thì tôi đánh lại được ai. Cách tư duy của nhà toán học là không chỉ nghĩ sâu một vấn đề mà nghĩ cho hết những vấn đề xung quanh có liên quan. 

Trước khi Hồng Phất tuẫn tiết theo chồng, chuyện xảy ra như sau: Thành Tràng An xây chưa xong hoàn toàn thì Lý Vệ công đổ bệnh, không mở được mắt. Ở nhà, ông toàn quấn chăn, cho chân vào lò ủ chân, quanh năm bốn mùa đều thế. Lò ủ chân lúc tắt, lúc quá nóng làm chân ông vàng như chân vịt nướng, da chân ông đã chết rồi. Ông quá già mặc dù chưa đến sáu mươi. 

Hơi ông thở ra nặng mùi như thùng khoai lang thối, hơi ấy rất độc, có thể giết chết ruồi muỗi. Tay ông run, không cầm được cái gì cả, tóc ông bạc trắng. Căn phòng ông sặc sụa mùi hôi hám, bụi bặm, ngổn ngang những máy móc đang lắp. Bây giờ thành Tràng An bị ông bỏ mặc như một cỗ máy làm dở dang, chất thành đống như đống rác. Tòa thành này ông chán rồi, ông ngồi nhìn ánh nắng chiều hắt lên ngoài khung cửa. Hình ảnh đó gọi là cảnh về già. 

Cùng với ông, dân trong thành cũng già, những bạn đồng liêu cũng lụ khụ, gặp nhau toàn nhắc lại chuyện đã nói, vì vậy ông nào cũng thuê một thư ký, nghe chủ nói một chuyện nào đó thì vạch một nét, chủ nhắc lại bốn lần chuyện đó thì vạch thành ô vuông. Hai bạn già gặp nhau, chuyện phiếm một lúc chìa giấy ra xem thấy đầy ô vuông là bắt tay nhau cáo từ. Đặc điểm chung của các cụ là đi đái mất đến nửa giờ đồng hồ và câu cửa miệng là: cánh ta già rồi. 

Chuyện đi làm ở Tràng An thế này: Ai cũng phải đi làm, đến nha môn hoặc đến các hội. Hồng Phất đi làm tại hội liên hiệp quý tộc vì nàng không phải công chức ở nha môn. Nàng cưỡi con lừa xám, trông nó như con thỏ, nhất là đầu và tai. Hội quý tộc chia làm ba: Hội quý tộc 1, Hội quý tộc 2 và Hội quý tộc 3. Hội quý tộc 1 toàn các bà già hom hem, hôi thối, rệu rã, tự nhiên hình thành. Hội quý tộc 3 đầu bù, mặt nhem nhuốc, có người còn mặc đồ lót chẽn có hai nữ vệ sĩ đưa đến. Ai vào Hội quý tộc nào là tùy theo cách cưới xin. Thí dụ, có mai mối cưới xin đàng hoàng tức quý tộc loại một đương nhiên vào Hội quý tộc 1. Loại ăn vụng trước cưới sau, loạn luân, mèo mả gà đồng tức quý tộc loại ba vào Hội quý tộc 3. Loại này năm cha ba mẹ đủ hạng người, tính cách gần như điên, vào Hội quý tộc 3 thì điên luôn. Hồng Phất không thể vào Hội quý tộc 1 vì không cưới xin, vào Hội quý tộc 3 cũng không đúng vì không phải cướp về. Theo phép trung dung, được bình vào Hội quý tộc 2. Thực ra cũng không phải vì hội này hầu hết là cưới trại lính. 

Cưới trại lính là thế này: Sau khi bình định thiên hạ, quân đội đại Đường có rất nhiều lính có tuổi rồi nhưng chưa vợ. Người ta làm cách sau: chiếm được một thành, lính chưa vợ kéo đến vây trường nữ học quý tộc, gọi hiệu trưởng ra, lấy đốc kiếm gõ vào đầu và bảo gọi hết học trò ra, chọn lấy một chồng trong đám lính này, nếu không thì cái trường thối tha này ngập máu! Thế rồi các cô bé áo trắng váy đen chạy ra, run rẩy nhìn xuống chân, do dự hồi lâu chọn một người lính ít râu nhất tuổi không cao lắm đi đến, nói lí nhí: anh này, rồi bật khóc hu hu. Học trò ít, lính lại đông. Lát sau đám lính không đến lượt nổi khùng xông vào trường bắt sạch các bà hiệu trưởng giáo viên, người tạp dịch về làm vợ. Tất cả đều là vợ lính và sau này được coi là quý tộc loại hai, đưa vào Hội quý tộc 2. 

Hồng Phất vào Hội quý tộc 2 cũng không hợp. Ở đây các mụ phải kể trước lấy chồng làm gì, đám cưới như thế nào, nhà có bao nhiêu người hầu bao nhiêu đầu bếp, ăn món gì, chim trĩ hay bàn tay gấu. Các món ăn thì Hồng Phất biết, còn cưới xin thì nàng bảo: “Tôi chạy theo người ta, tôi thích người ta”. Các mụ cười ầm lên. 

Hồng Phất ở Hội quý tộc 2 không hợp, lãnh đạo đã chú ý rồi. Một hôm tan việc, nàng ra về thì có mấy người mặc áo xanh chặn lại. Họ chìa thẻ ra và bảo đi theo, nàng nghĩ cây ngay không sợ chết đứng bèn đi theo. Bọn người này cằm nhẵn như chùi, nói giọng eo éo, có vẻ là thái giám. Bảy tám lần quặt trái quặt phải đến một nơi, gặp một người bảo muốn cô làm chỉ điểm, báo cáo lời nói hành động của đồng nghiệp. Người đó còn bảo lý lịch của bà chúng tôi biết, bà đã từng là cựu chiến binh tham gia từ ngày đầu dựng triều đại nhà Đường, không như bọn cặn bã của tiền triều, chúng tôi đang chuẩn bị đưa bà lên Hội quý tộc 1, nhưng trước đó bà nên làm việc này cho chúng tôi. Hồng Phất dứt khoát không chịu làm chỉ điểm. Người đó bảo: Được thôi, tùy bà, chuyện hôm nay không được nói với ai. Chúng ta còn gặp nhau, thưa Vệ công phu nhân. Hồng Phất thấy chúng nó chẳng tốt lành gì, tối về kể cho Vệ công nghe. Vệ công nhớ lại lần mình bị giết hụt, run bần bật nói: Tôi không đề ra cái lệ ấy nhưng cô đừng trêu tức họ. Sáng hôm sau nàng thấy trên bàn phấn có mảnh giấy trên vẽ cái miệng và hai nét gạch chéo đè lên. Nàng sôi gan lên, ra đường gặp một người mặc áo xanh bèn chửi: Vợ chồng người ta nói chuyện với nhau chúng mày cũng nghe trộm à? Người nọ ở công sở chạy ra mua thuốc lá thì bị chửi, đứng há hốc mồm, chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra sao. 

Chẳng phải lần đầu Hồng Phất gặp bọn thái giám thích rình mò này và cũng không phải lần cuối. Lần đầu là khi bình chọn cấp bậc quý tộc, người ta mời nàng đến một nhà kho cũ, bảo bà kể chuyện ngày xưa chạy theo Lý Tịnh – đặc biệt là các chi tiết liên quan đến tình dục. Nàng bảo chuyện ấy liên quan gì đến các người? Thế là lập tức gây ra hiểu lầm. Trong nháy mắt nàng bị lột sạch quần áo treo lên xà nhà. Trong tư thế treo bị ngược đầu xuống đất lủng lẳng như con dơi, nàng nói: Chắc là không nói không được rồi – bỏ tôi xuống. Hồng Phất là thiên tài về gây hiểu lầm, y như tôi vậy. Nàng bảo chuyện ấy liên quan gì đến các người có nghĩa là: chuyện giữa tôi với Vệ công liên quan gì đến những người khác, nhưng họ sẽ hiểu là: chuyện đàn bà với đàn ông liên quan gì đến bọn thái giám. Những câu nói như thế bọn bị thiến không thích nghe lắm đâu. Khi thả xuống chúng còn dạy cho nàng một bài học, hành hạ tơi bời để cho thấy thái giám cũng biết thế nào là tình dục. Nhưng bài học giảng gì thì nàng không hiểu, nàng bảo: cái vật thay thế mà các người sử dụng còn kém xa cái ấy của Lý Tịnh. Lần thứ hai họ bảo nàng làm chỉ điểm thì khá lịch sự, không lột quần áo cũng không treo lên xà nhà bởi vì chỉ điểm phải tự nguyện. Hai lần đó là chuyện bình thường trong công việc, bạn nên biết rằng lãnh đạo mà không biết chuyện riêng tư của người khác, không bố trí mạng lưới chỉ điểm thì đâu phải là lãnh đạo. Nhưng đến lần thứ ba thì khác. Bọn áo xanh gặp nàng, cười toe toét và nói: Thưa Vệ công phu nhân, đã bảo chúng ta còn gặp nhau mà! Quả nhiên gặp lại, Hồng Phất vừa bắt chuyện vừa thản nhiên cởi quần áo rồi trèo lên xà nhà buộc người thõng xuống, nàng bảo: Hỏi đi, xong rồi đây. 

Chuyện tự sát cũng đa dạng, có khi làm người ta sợ; có khi làm người ta ghét; có khi lại quá sâu xa khó hiểu. Mặc dù Hồng Phất tự sát được  lãnh đạo  phê chuẩn và là tuẫn tiết theo chồng, nhưng chẳng ai tin nàng vì quá thương chồng nên phải đi tìm cái chết – ai cũng biết trước khi chết mấy năm, Vệ công đã nhắm mắt, nói ú ớ (nhưng Vệ công còn làm cả việc khác nữa nhưng không ai biết), nhớ ông tức là thèm nghe ông ú ớ hay sao? Huống chi Hồng Phất là nhất phẩm phu nhân, lại xinh đẹp, muốn bao nhiêu người tình mà chẳng có. Vì thế chuyện nàng tự sát là sâu xa khó hiểu.  Lãnh đạo  chẳng ưa gì những người như thế. 

Tôi tuổi chưa nhiều nhưng biết không ít chuyện tự sát. Theo tôi nhớ được thì lãnh đạo căm ghét người tự tử còn hơn cả người sống, gán cho họ cả đống tội danh – xa rời lãnh đạo, xa rời nhân dân, ô nhục mãi mãi về sau. Nhưng tội danh chẳng dọa được người đã chết. Dù sao họ cũng để lại cho lãnh đạo bài toán khó giải, đó là cuộc sống bây giờ muôn phần tươi đẹp thế này mà bọn chó má nhẫn tâm từ bỏ. Ví như Hồng Phất, nếu thật sự là tuẫn tiết theo chồng thì tha thứ được, chỉ sợ là không phải như nàng nói. Vậy phải thừa lúc nàng chưa chết hẳn để hỏi cho ra nhẽ. Nhưng chuyện đó kể sau. Bây giờ kể chuyện tại sao Hồng Phất lại hay gây hiểu lầm ở Tràng An. Tôi kể mới lâm ly vì tôi giỏi nhất cái món gây hiểu lầm. 

Nếu nói sống là một việc rất khó thì điều khó nhất với tôi là tránh hiểu lầm. Ít nhất là Hồng Phất đồng ý. Với tôi điều khó thứ hai là tôi không thông minh, một định lý Fermat mà chứng minh đến mười năm thì cuộc sống tinh thần của tôi khổ nhiều hơn sướng – nếu tôi là Newton, là Descartes hoặc Euclide thì tốt quá, nhưng tôi không than thân trách phận vì cũng chẳng được gì. 

Hồi nhỏ đã có lần cô giáo bảo tôi: Nhìn em cũng hai mắt một mũi nhưng tại sao cứ thấy khác mọi người thế hả? Tôi nghe mà khoái quá phổng mũi lên, đang bay bổng thì cô béo tai bảo: Em tưởng tôi đang khen em sao? Khi lớn lên, nghe lãnh đạo nói câu đó (thấy anh cũng đủ hai mắt một mũi…) là hiểu ngay, không cần ai béo tai cả. Nhưng cả đời tôi chỉ hiểu được đến thế, không khá được, không biết làm thế nào để mọi người không chú ý đến khiếm khuyết của mình (chỉ có hai mắt và một mũi). Gần đây chủ nhiệm gặp tôi nói chuyện, ông cũng nói câu đó bởi vì tôi không chăm chú nghe ông nói. Đó là cái tật của tôi và đã làm mất lòng nhiều người. Cuối cùng tôi phát hiện ra rằng cứ nhìn thẳng vào mắt người ta thì người ta không biết là mình không chăm chú, mắt phải tôi nhìn mắt trái người ta; mắt trái tôi nhìn mắt phải người ta, thành hai đường song song. Dần dà tôi nhìn được cả đồng tử, võng mạc người ta rồi nhìn được cả mạch máu đáy mắt người ta, biết được lão hóa hay chưa. Nhưng cách nhìn như thế lại bị người ta ghét, tôi quay ra nhìn mũi người ta, nhìn mãi nhìn mãi thấy mũi người ta to bằng cái chậu. 

Tôi ngồi tiếp chuyện chủ nhiệm khoa phải nghe, phải nhìn mũi ông ta, lại phải trả lời, làm ba việc trong khi đầu óc để chỗ khác, tránh làm sao khỏi ông nói gà bà nói vịt. Cuối cùng ông ta phát hiện tôi nói ba lăng nhăng bèn nói đến chuyện tôi có hai con mắt. Thế là tôi tỉnh ngay, thì ra ông ta khuyên tôi lấy vợ. Ông ta cũng biết tôi có quan hệ bất chính với Oanh. Điều đó cũng chẳng lạ, trước và sau khi làm tình cô ấy nói oang oang khiến hàng xóm nghe thấy hết. Họ nghe được thì phải báo cáo, nếu không thì hàng xóm để làm gì? Tôi bảo ông ta tôi đang nghĩ chuyện cưới vợ, ông ta tỏ ra rất hài lòng. Thực ra tôi nói láo. Tôi chẳng bao giờ nghĩ chuyện ấy cả. 

Hồi tôi mười bảy tuổi, buổi tối ngồi trên đồng cỏ thấy bầu trời tím như hồ nước, những ngôi sao to và im lặng, làn gió đêm là những vệt xanh và những đám mây đang thì thào. Điều đó cho thấy tôi có thể là thi sĩ. Theo tôi bất kỳ ai trong một thoáng hân hoan, có thể tạm quên đi cuộc sống nhọc nhằn, thù hận, và dò xét lẫn nhau này đều có thể coi là nhà thơ. Bây giờ bạn nghĩ hộ tôi xem – tôi sẽ đọc thơ tôi trước khi họp đội sản xuất chăng? Tôi giải thích thế nào là trời tím, gió thì xanh, mây lại biết thì thào chăng? Lẽ nào tôi đã chán sống, muốn chết à? Sự thật phũ phàng bảo tôi rằng: Tôi đừng coi thế giới tôi đang sống là có thật, đừng coi người khác là có thật, cũng đừng để cho người ta biết tôi là có thật. Về sau tôi là nhà toán học. Nói đúng lương tâm tôi không thích hợp với vai trò nhà toán học, cũng như người khác không nên là nhà thơ. Bây giờ Oanh hay bắt tôi đọc thơ tôi hồi mười bảy tuổi, thậm chí cô còn cưỡi lên lưng lấy tất dài dọa thắt cổ tôi nhưng tôi chịu, không nhớ được. Tôi có thể đọc ra hàng trăm cách giải phương trình tích phân bất định nhưng cô lại không thích nghe. 

Vệ công vẽ rất nhiều chân dung Hồng Phất, vẽ trên giấy làm bằng bột khoai sọ, có bức vẽ màu có bức chỉ vẽ bằng nước. Những vệt nước để lại trên giấy bột khoai sọ những nét vẽ kỳ ảo, trông như linh hồn của Hồng Phất bay trong không khí. Có bức chỉ vẽ đôi mắt nhưng nhận ra ngay đó là nàng. Về sau Hồng Phất đem đến cho các mụ ở Hội quý tộc 2 xem và nói đó là nghệ thuật. Các mụ ấy bảo: Các người là cái bị thịt hiểu thế nào là nghệ thuật là tình yêu! 

Các mụ gọi Hồng Phất là bị thịt vì nàng chưa học qua trường nữ học quý tộc, chưa mặc áo trắng váy đen, tất trắng giày đen. Nhưng họ cho nàng sinh hoạt chung và tham gia  party  hàng tuần. Vì nàng rất đẹp và thông minh cho nên được ân huệ đó. Thực ra không hẳn là ân huệ bởi vì ở trong Hội quý tộc 2, tâm lý thù địch đối với nhà Đường đã được lãnh đạo để mắt tới, đúng như Mao Chủ tịch đã nói: họ là một đoàn thể kiểu câu lạc bộ Petofi   (   [7]  )   nhưng chưa đến lúc bị xử lý. Vậy tham gia  party  có nghĩa là tiêu đời, nhưng không phải bây giờ. Nhưng những người đàn bà đó chỉ thích mặc đồng phục nữ sinh, tụ tập đọc thơ tuổi học trò và góp tiền xuất bản thơ và gọi các ông chồng là con ba ba già (không biết nằm ngửa, không biết đứng hai chân). Tôi nghĩ họ chẳng phạm sai lầm gì, nếu có thì chỉ là bảo người chưa đi học là bị thịt, là không hiểu nghệ thuật, không hiểu tình yêu. Các mụ ở Hội 1 biết được cáu lắm bèn theo đòi cầm kỳ thi họa, học viết thư tình, nhưng khi các mụ ở Hội 2 đọc được thì ôm bụng lăn ra cười. Hội 1 nghĩ đúng là mình không có tài thật bèn bỏ cầm kỳ thi họa bỏ viết thư tình và quay ra chống nghệ thuật chống tình yêu, cuối cùng thành công vang dội. Sự thực chứng minh rằng không có nghệ thuật không có tình yêu người ta vẫn sống được, ít nhất là người Trung Quốc có bản lĩnh ấy. Thế giới không có tình yêu không có nghệ thuật thì không còn ai là bị thịt nữa. Hội hai ngày nào cũng họp, hôm nay đấu người này mai đấu người khác. Nhiều người không chịu nhục được theo nhau tự sát, lãnh đạo cũng chẳng can ngăn. Tình cảnh Hồng Phất ở Tràng an là vậy. 

Hồng Phất từ chỗ làm việc trở về nhà, đến ngay thư phòng để thăm Vệ công sợ ông chết rồi, sau đó mới đi thay quần áo. Trút bỏ mọi thứ lỉnh kỉnh trên người, thân hình nàng trở nên tươi mát, da trắng xanh nổi trên nền vàng đục của không khí ngưng đọng, cặp vú không còn bị gò bó, nhảy tưng tưng như con thỏ. Lúc này nàng có lại cảm giác như đang chải tóc khi còn ở Lạc Dương vì bây giờ đang đối mặt với cuộc sống quá ư bức bối, không còn chút vui thú gì. Nàng bỗng cảm thấy mình chưa hề rời khỏi Lạc Dương, mọi thứ vẫn như cũ chỉ thay đổi bên ngoài. Về sau nàng nảy ra một ý đinh, thực ra là vở cũ diễn lại, buổi tối đi ngủ nàng giục Vệ công chạy khỏi Tràng An như ngày xưa đã chạy khỏi Lạc Dương. Nghe xong Vệ công cau mày: Ăn nói bậy bạ! Chạy đi đâu? Nàng bảo chạy ra biển, ông chẳng thích biển là gì! Nghe xong ông không nói gì, nghĩ mấy ngày liền xem Hồng Phất nói có lý hay không. Theo tôi biết các nhà toán học đều thế, không bỏ qua bất kỳ đề xuất nào. Vệ công lấy sách vở và bản đồ ra, rà soát các địa điểm từ đông đế quốc La Mã đến Nam Mỹ, nghiên cứu tất cả các con đường chạy trốn. Nếu Hồng Phất có hỏi thì bảo: cho dù có chạy cũng phải nghĩ cho kỹ. 

Mỗi sáng Hồng Phất đứng trước gương trang điểm, nàng mặc bộ đồ trắng gần như trong suốt. Nhìn trong gương nàng không dám tin hai người còn có thể trốn khỏi Tràng An. Cằm nàng đã tròn hơn, phía dưới gần cổ có vết nhăn mờ, trước kia bàn tay thon gầy, bây giờ béo ra mu bàn tay có những nốt lõm. Đôi vú vẫn đầy đặn và mềm mại, nhưng trước kia săn chắc mỡ màng. Lưng nàng hơi rộng chút ít sau khi sinh con, nhưng không hoàn toàn là vấn đề kích thước mà là sự biểu cảm. Tóm lại, Hồng Phất không tin rằng nàng còn đủ hấp dẫn đến mức thúc đẩy được người đàn ông chạy khỏi Tràng An với nàng. Bây giờ cơ thể nàng không còn đủ sự khiêu khích, chỉ có thể hấp dẫn đàn ông làm tình mà không đủ để làm cho người ta chán ghét cuộc sống này. 

Lý Tịnh cũng không tin họ có thể chạy khỏi Tràng An được. Dù sao ông đã sáu mươi tuổi, viêm khớp, đau dạ dày, nhưng điều quan trọng hơn cả là ông đã thấy mệt mỏi, không còn thích lang thang trên đường nữa, ông sẵn sàng giả vờ như già yếu, giả vờ như con trẻ để sống yên ổn ở Tràng An. Nhưng điều đó không ngăn cản ông xem bản đồ để thấy biển xanh Nam Á, thấy băng trắng Bắc Cực và sa mạc hoang vắng, cho dù chẳng đi đâu cả. Còn tôi ngoài việc đang làm ra còn thì chẳng biết làm gì khác, tuy rằng nhiều lúc nghĩ vẩn vơ nhưng đến thế thôi. Việc gì chúng tôi phải chạy đi đâu? Ngồi ghế mà nghĩ cũng được. Tôi nghĩ lãnh đạo cũng nên biết điều này và yên tâm với tôi, đừng bắt tôi họp nhiều quá. 

Tràng An không bướm không hoa, không cây nào mọc nổi trừ những cây hòe nhan nhản khắp nơi. Hồng Phất oán giận tất cả, chẳng có gì để tiêu khiển, nàng lấy oán giận làm thú tiêu khiển. Nhưng tất cả lại là sản phẩm của Vệ công. Nàng yêu Vệ công và cũng không muốn thay lòng đổi dạ, mặc dù nàng đã thiếu suy nghĩ khi yêu ông. Chỉ còn mỗi việc là đeo mọi thứ lỉnh kỉnh lên người, đóng bộ vào và đi làm. Mặc các thứ khủng khiếp ấy vào là tắt đi mọi ý tưởng. Điều bất hạnh của nàng là chỉ khi trút bỏ hết quần áo, ôm Vệ công thì nàng mới suy nghĩ được, nhưng chả lẽ làm thế cả ngày. Tôi cũng không thể không đi làm, đi vào giữa bầy người xám xịt, vừa đi vừa nghĩ vẩn vơ. Sống để làm con lợn hay chết đi, đằng nào hơn? 

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN