Nỗi Buồn Chiến Tranh - Chương 12
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
105


Nỗi Buồn Chiến Tranh


Chương 12


Đấy là một thời kỳ nặng nề, mặc dù là mùa xuân. Cha anh bảo là khác với mọi mùa xuân, mùa xuân này giục ông từ bỏ gấp cuộc đời:

– Bằng tuổi con bây giờ, mỗi bận xuân sang, cha cứ nghĩ: Đời mình còn được hưởng nhiều mùa xuân. Còn nhiều. Và hạnh phúc. ánh sáng. Cảm hứng. Còn nhiều, nhiều lắm . . .

Cha phải vào bệnh viện bằng xe cấp cứu khi Kiên đang ở lớp. Từ bệnh viện người ta tin đến trường cho Kiên. Khi anh đến, cha vừa tỉnh dậy. Người ta không ngăn ông nói chuyện với con trai. Họ biết đây là những lời nói cuối cùng, những lời trăn trối.

Tay cha hầu như không còn mạch nữa, lạnh ngắt như đồng, thế mà thần thái của ông vẫn còn, giọng nói yếu ớt nhưng không nhòa mịt, lú lẫn. Tâm hồn đầy lầm lạc, đau đớn buồn và giàu nhạy cảm của ông mong manh là thế mà sống vượt lên cả sinh mệnh. Lời trối của ông chẳng trối được gì ngoài nỗi buồn và niềm mơ mộng:

– Thời của mẹ, của cha đã hết. Còn con… từ nay còn một mình… phải gắng sống với thời của mình. Thời đại mới rồi sẽ tới. Huy hoàng. Tráng lệ… không còn những

bất hạnh lớn lao nữa . . . Nhưng nỗi buồn thì không nguôi . . . vẫn sẽ còn lại nỗi buồn… nỗi buồn truyền kiếp. Cha chẳng để lại dược gì cho con ngoài nó, nỗi buồn ấy…

Ngay cả những bức tranh cha cũng không để lại. ông đã đốt hết toàn bộ kho tàng báu vật của suốt cuộc đời không ngừng vẽ và vẽ. Đốt sạch không còn bức nào trong cái đêm ông cảm thấy thần chết giục giã. Điều ấy phải lâu sau Kiên mới biết. Còn lúc này, ngồi bên cha, nghe cha nói những lời cuối cùng, mắt anh ướt ròng nhưng hoàn toàn không hiểu nổi cha mình. Điều đã ‘ dằn vặt cha đến xương tủy là một cái gì vượt lên quá xa, đối với đầu óc toàn những suy nghĩ đơn giản và non nớt của Kiên, một cái gì hầu như thần bí. Và đã phải mất đi biết bao năm tháng quý giá của cuộc đời, dần dần anh mới phần nào cảm được nỗi đau lẫn vị đắng cay trong những lời cuối cùng của cha, mới hiểu được rằng dường như cha muốn trăn trối lại cho anh điều gì.

Nhớ lại những ngày ấy, nhớ đến cha đau lòng không chịu nổi. Tình yêu đối với cha trỗi dậy muộn màng khía vào tim anh. Anh nhớ lại tâm lý ngấm ngầm bực bội, cái nhìn nặng trịch phê phán của mình đối với cha. Nhất là, thậm chí anh đã từng hổ thẹn vì cha mình. Và tất cả đã muộn: Tình yêu, sự tôn kính, lòng hiếu thảo, ước mong được gần gũi, được hiểu biết về cha… Chỉ còn nấm mồ đã được đắp điếm lên, những vòng hoa phủ kín xung quanh và hương khói, nhang nến… Và: “Tội nghiệp.” – Người ta rì rầm vào tai anh. Cô độc nặng như gang. Và nỗi buồn đau, choáng ngợp. Dưới vòm trời ảm đạm, buồn tênh, anh lặng lẽ khóc. Ấy là mùa xuân năm 1965, một mùa xuân lạnh giá. Lá rụng tả tơi, quấn lấy gió, đuổi nhau trên đường.

Mất mẹ từ tấm bé

không cha từ ấu thơ, đứa trẻ chẳng mồ côi lớn lên cùng thành phô’ trải qua thời chiến tranh…

đứa trẻ chẳng mồ côi…

Bài ca nghe thấy từ đời thùa nào, giờ đây vẫn thỉnh thoảng vẳng lên trong mơ, hướng anh về lại với mùa xuân ấy.

Đêm đó, lần đầu tiên, Hà Nội giữa canh khuya nổi còi báo động. Còi trên đỉnh Nhà hát Lớn, còi từ hàng phục đầu tàu trong ga Hàng Cỏ thất thanh cùng hú lên rợn người. Mặc dù đã được báo trước đây là diễn tập, toàn thành phố vẫn rùng mình, lặng chết con tim đi trong cả nỗi kinh hoàng lẫn cả niềm phấn kích trước vang âm hùng tráng và hung gở của thời đại mới. Rồi tiếng xô cửa sầm sầm. Tiếng chân rầm rầm lao đổ xuống cầu thang. Tiếng loa phóng thanh giục giã khẩn thiết: “Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý! Máy bay địch…”. Tiếng xe tuần tra lao phóng đi dọc lòng thành phố vừa bất thần chết lịm ánh đèn. Ngược hướng với mọi người, Kiên lần lên xưởng vẽ trên tầng áp mái. Tối om, trống rỗng, ngàn ngạt bụi bặm và vẫn còn thoảng mùi rượu, mùi thuốc vẽ hăng hắc. Những con dơi nhỏ bay loạng choạng.

– Cha ơi? – Kiên gọi sẽ.

Trong đêm, ngôi nhà cùng cả thành phố lặng tờ tựa hồ đã ngừng thở. Bất chấp lệnh cấm ánh sáng, Kiên lần mò thắp lên một ngọn nến. Anh đưa mắt nhìn xưởng vẽ. Chợt, sững sờ, sửng sốt, anh cứng người lại. Lẽ nào… tất cả các bức họa đâu cả rồi? Bức đang vẽ dở trên giá, những bức lồng khung treo ở vách, và những bức cuộn lại xếp bừa bộn trong góc đều đã biến mất như thể bị một phép ma nào thổi phù di.

Thế là hết. Chẳng còn nghi ngờ gì nữa. Hết rồi. Một cái nhà mồ. Trước kia là cha nhưng bây giờ trong căn áp mái này cuộc đời cha, bóng hình của cha và tất thảy mọi dấu tích, mọi bằng chứng về sự tồn tại của ông đã bị xóa sạch, bị thay thế bởi nó – cái chết, sự hư vô… Cha đã rời bỏ thế giới này, ra đi lặng lẽ trong chuyến mộng du vĩnh viễn mang theo cả những bức họa màu lá rụng… ông chỉ để lại có anh thôi trong cuộc đời này.

Kiên suy nghĩ một cách bình tĩnh, thâm trầm tuồng như anh lên đây là để tìm thấy cho chính mình ý nghĩ ấy. Lặng lẽ đẩy hé cánh cửa ngách anh bước ra sân thượng.

Ở đằng đông, cùng với tiếng còi báo yên, màn đêm trên thành phố như được nới ra, cuồn cuộn dâng cao. Giữa biển mây mù trùng trùng thoáng mở ra một vùng sáng mờ. Ấy là nơi đậu của vừng trăng trong cái đêm bên bờ vực thẳm này. Kiên cúi đầu xuống. Nước mắt bất ngờ và nóng rực. Phía xa xăm kia còn bao nhiêu mùa xuân và năm tháng nữa. Mùa xuân này mới chỉ bắt đầu thôi tuổi mười bảy của đời anh. Một thời kỳ nặng nề. Mùa xuân 1965 lạnh giá. Chính Phương là người biết rõ hơn ai hết về vụ hỏa táng những bức tranh: “Một nghi lễ cuồng tín, man rợ, dấy loạn” – Sau này, khi kể lại, Phương đã diễn tả như thế và cách diễn tả ấy đi sâu vào tâm trí Kiên. Một cuộn tự hành xác, một hình thức sám hối, quyết liệt dưới ánh lửa nhưng rầu rĩ, im lìm, nửa lén lút. Chỉ một mình Phương chứng kiến. Cả chung cư, kể cả Kiên, chẳng ai biết gì. Không biết là từ bao giờ, có thể là ngay từ khi còn bé, giữa cô và cha của Kiên đã thầm lặng hình thành một thứ tình cảm khó hiểu, không hẳn ra tình cha con, bác cháu, cũng không phải là một thứ tình bạn vong niên, nó mập mờ chạng vạng, như ánh chiều, vô hình mà nặng trĩu như thể đồng ám thị. Tính cách lập dị, vẻ mờ mịt trên khuôn mặt, những đêm dài mộng du, những lời lẽ thốt lên từ vô thức, nghĩa là tất cả những nét quái nhân không người nào chịu nổi của ông họa sĩ, hình như lại rất gần gũi với bản chất tâm hồn Phương từ thuở còn thơ. Ông cũng rất thương cô bé, một tình thương trầm mặc, buồn bã và không lời. Hai bác cháu thường ngồi cạnh nhau hàng giờ, chẳng nói một lời. Bình thường là một cô bé tươi rói, vui vẻ và táo tợn Phương có thể ngồi lặng ngắm ông vẽ, nghe ông lầm bầm độc thoại. Cô như thể bị thu mất hồn. Khi cô đã lớn và nhất là từ khi cha của Kiên quyết lòng ẩn cư trên tầng áp mái thì cô thưa gặp ông hơn, tuy vậy cô vẫn là người duy nhất ngoài Kiên lên thăm xưởng vẽ. Vẫn chẳng nói gì nhiều hơn với cô song rõ ràng là mỗi lần Phương lên chơi, cha Kiên vui hẳn. Cô xem ông làm việc, xem đi xem lại các bức tranh, rồi cô mua rượu, mua thuốc lá cho ông, những thứ mà chẳng bao giờ ông khiến Kiên, và nghe ông thỉnh thoảng lẩm bẩm nói vài lời.

– Cháu rất đẹp! – ông khen, làm cô kinh hãi và bứt rứt.

– Sắc đẹp của cháu không bình thường, – ông nói thế khi Phương mới chỉ mười sáu tuổi, như thể đe cô vậy – Vẻ đẹp lạc thời và lạc loài… sẽ đau khổ đấy. Khổ lắm.

Ông hẹn khi nào cô tròn mười bảy tuổi sẽ tặng cô một chân dung sơn dầu. Phương rất hãi. Cô sợ ông sẽ để mặt cô dài thượt như mặt các nàng tiên thường thấy trong tranh ông và sẽ cho cô một mái tóc như chùm rong biển với nước da màu vỏ chanh. Nhưng, khi còn gần ba tháng nữa Phương tròn mười bảy tuổi thì cha Kiên qua đời.

Buổi tối hôm ấy khi ông nhờ cô nhóm lửa ở góc sân thượng và giúp ông khuân hết tranh trong phòng ra để đốt cho bằng sạch, cô không nghĩ là ông say, ông mất trí mà lập tức hiểu ngay rằng ông sắp chết. Như thể là ông tự vẫn trước đã rồi sau đấy mới lìa đời vậy. Song Phương không gọi Kiên, không gọi ai hết – Có lẽ cô thầm hiểu ý định của cha Kiên và dường như cô hoàn toàn đồng ý với ông rằng, phải thế thôi, phải hủy, phải chết, không còn cách nào khác.

Khi lửa táp, bén vào bức tranh đầu tiên. Phương run hết cả người. Sợ cuống, hết hồn, cô không biết phải làm gì. Tuy nhiên chỉ chốc lát cô đã bị cuốn hút vào không khí trang nghiêm ma quái dập dờn tỉnh mê của buổi lễ tế thần. Kỳ ảo, huyền bí nhưng đích thực là một ác mộng. Một niềm đam mê tà giáo. Choáng ngợp tâm hồn Phương là vẻ bừng sáng tuyệt vọng của cái đẹp bùng cháy lên. Và trong ánh lửa là sắc diện của con người tử vì đạo: đau đớn, say cuồng, tột cùng hạnh phúc. Một thứ hạnh phúc lộn ngược. Mãi mãi đời Phương còn bị ấn tượng của đêm đó ám ảnh. Dĩ nhiên không ai ngoài bản thân nhà họa sĩ hiểu nổi ý chí tự hủy diệt ấy của ông. Cũng không thể biết vì sao ông lại muốn chính Phương chứ không phải Kiên chứng kiến và chiêm ngưỡng điều đó. Phương đã không hiểu ra. Song, về sau này, nhìn vào cuộc đời mình, cuộc đời Kiên, nhìn lại tình yêu của hai đứa, Phương thấy được tính chất tiên tri của cảnh tượng đêm ấy, một sự linh ứng, một điềm báo trước, mặc dù không thực sự là báo trước một cái gì.

Hôm đưa tang cha Kiên, cô đã định cho Kiên hay chuyện xảy ra trong đêm trước khi cha anh qua đời nhưng cô cảm thấy chưa đủ bình tâm, vả chăng cũng không muốn anh bị thêm ngay những giằn vặt. Phải mấy tháng sau Phương mới kể. ấy là vào đêm cuối cùng của Kiên ở Hà Nội, trước hôm anh lên đường đi chiến đấu. Cũng có thể nói được rằng đó là đêm cuối cùng của thời trước chiến tranh trong cuộc đời hai đứa.

Trong cuộc đời Phương và Kiên, ấy là những ngày tháng vĩnh hằng. Đấy là những tháng trời từ giã thời niên thiếu dù sao cũng êm đềm, vô cùng trong sáng, bình yên, đầy chay tịnh để rồi sau đó, khi giờ của số phận đã điểm – Nói theo nghĩa đen – một bước nhập thẳng lên đoàn tàu chiến tranh.

Từ ngày cha mất đi, Kiên lầm lì lớn lên, cao lớn và cô độc Còn Phương – bạn từ thuở nhỏ của anh – mà ở nhà thì phòng sát vách, ở lớp thì cùng một bàn, ngày ngày đèo nhau đi học – bước sang tuổi mười bảy đã vút lên trở thành một sắc đẹp bừng cháy sân trường Bưởi.

Cả hai đứa đều hầu như không có bạn, bởi vì bạn bè hầu như bị giạt ra hết. Một thứ tình cảm quá kinh khủng ở tuổi đó, một tình yêu non trẻ mà như là đã trải qua máu lửa cùng tội lỗi, mà như đã ngậm hờn. Từ lo lắng các thầy cũng phải nổi giận, mặc dù là các thầy giáo của trường Chu Văn An. Chi đoàn phẫn nộ. Dĩ nhiên là ở trường Bưởi muôn thuở hào hoa và bao giờ cũng lãng mạn chuyện yêu đương ở lớp 9, 10 chẳng bị coi là sự kinh khủng như ở nhiều trường phổ thông khác song đến như Kiên và Phương thì quá đáng. Nhất là khi đang dấy lên bao nhiêu là phong trào, là đợt vận động sôi réo nhiệt tình yêu nước. Ba sẵn sàng. Ba đảm đang. Ba khoan: Khoan yêu, khoan… Kể ra, giá khôn ngoan hơn, biết điều hơn, phục thiện hơn thì đỡ, đằng này… mà Phương thì đẹp lồ lộ, hừng hực, đẹp một cách liều lĩnh, nổi trội, đã chẳng lẫn đi đâu được lại chẳng có ý thức nép mình. Còn Kiên thì lầm lì, bướng bỉnh, đầy ương ngạnh.

– Nhưng chúng em có làm gì xấu đâu, có làm gì ảnh hưởng đến người khác đâu? Tình bạn của chúng em là việc riêng của chúng em, thưa thầy? – Vào thời buổi đó cái lý như vậy thật là cùn.

Như hình bóng, hai đứa quấn nhau, như thể ở cạnh nhau bao nhiêu cũng chẳng đã, như thể chỉ tấc gang thời gian nữa thôi là mất nhau. Thậm chí đến đêm vẫn còn dùng tín hiệu móc gõ vào tường để rỉ rả trò chuyện với nhau. Rồi đương nhiên, kết cục phải tới đã tới.

Cái buổi chiều tháng tư ấy, ve sầu, hoa phượng… thật đúng là chẳng sao mà cầm lòng được, rồi thì ra sao thì ra. Mặc dù chiều hôm ấy lao động đào thầm nhưng Phương đã chủ ý nên cô mặc bộ áo tắm bên trong. Xong hầm, đến mục phát động thi đua, cô máy Kiên lẩn ra hồ.

– Kệ! – Cô cười – Kệ các anh hùng rơm hò hét. Tớ vừa may một bộ áo tắm cực đẹp. Phải bơi!

Hai đứa nhoai ra rất xa bờ. Quay về thì đã tối. Phương kiệt sức, hoàn toàn rã rời, phải bám vào Kiên mới khỏi chìm. Mùa hè mà chẳng hiểu sao đêm ập xuống thật nhanh. Sao sáng thả đầy trời, lấp lánh. Kiên bế Phương trên tay bước lên bờ. Nước trên mình nàng rỏ xuống ấm ấm. Cỏ mát rượi. Còn anh, khỏe mạnh và cường tráng biết bao, cái tuổi mười bảy ấy. Phương mệt rũ, nằm lả trên cỏ, bàn tay nhỏ nhắn lọt trong lòng bàn tay Kiên.

– Em mệt quá – Phương nói thì thầm, khẽ cựa mình. Lần đầu tiên cô xưng em với Kiên. Sau lùm cây, trong bóng tối thẫm xanh hơi mát mặt hồ, thay quần áo khô rồi, vẫn chưa muốn về, Kiên và Phương tay nắm tay nằm bên nhau trên lớp cỏ êm. Ở xế trời Tây ánh tà kỳ thực vẫn chưa tắt hẳn, đọng lại một dải đỏ vệt thành vệt dài thẳng như kẻ chỉ. Cái vạch ấy dường như không sà thấp xuống mà cứ dâng cao mãi. “Mặt trời mọc ở đằng Tây à?” – “Có lẽ pháo sáng” – “Nếu thế thì phải có báo động” – Có khi chúng mình không nghe thấy còi. Không thấy sao, tối đen, yên ắng”.

Hơn hai mươi năm đã qua. Quanh hồ đủ thứ đã đổi thay, song thần thái của hồ là muôn thùa. Vẫn mênh mang thế, vẫn bình yên, thong dong, lãng đãng thế và đắm say thế. Với sương mờ ban mai. Với vừng ráng chiều tà. Với rặng núi xa. Kiên chưa lần nào vào lại sân trường xưa để vòng ra sau nhà bát giác tới lùm cây ấy, bãi cỏ ấy. Anh chỉ từ rất xa, mé đường Thanh Niên mà hướng nhìn về góc trường đó. Mặt hồ dường như ngước nhìn anh bằng đôi mắt lấp lánh màu nâu của Phương, với vẻ kỳ diệu và nỗi ngậm ngùi của tuổi thơ ấu, của tình yêu đã qua di, đã xa vời vợi. Và những chiều ngồi bên hồ bao giờ anh cũng ngồi nán lại cho đến khi vừng ráng chỉ còn đọng lại một dải nhỏ chạy ngang trời. Ấy là ánh hồi quang của cái đêm hai mươi năm trước, bên bờ hồ, sau lùm cây, trên bãi cỏ, phía góc trường…

Tối đen, yên ắng. Bóng tối trở nên lạnh. Đã đến lúc phải về rồi, Kiên thầm nghĩ và phóng tay ngồi dậy. Chẳng hiểu sao cậu cảm thấy một nỗi tiếc nuối cay đắng, cảm thấy cái việc phải rời đây ra về là nặng nề quá sức mình. Như thấu cảm được lòng Kiên, Phương khẽ nói:

– Chẳng sợ đâu. Đằng nào cổng trường cũng đóng rồi. Đợi tối khuya cụ lao công gà gật, ta trèo tường biến.

– Nhưng Phương không mệt à? – Kiên thấy giọng mình như lạc đi – Không lạnh à?

– Có – Phương đáp và hơi nhổm người lên, vòng tay ôm lấy cổ Kiên kéo xuống. Thoạt tiên, một cảm giác nhức nhối làm Kiên gai hết người, run lên, gân cốt chùng xuống nhưng rồi sự chấp nhận biến thành sức cuốn mãnh liệt lập tức ghì riết anh, nuốt chặt anh vào thân hình mềm mại, thơm mát và nóng hổi, chân thành và mù quáng, đầy cuồng bách của Phương. Đó là một cái gì không thể ngờ được, như thể tiếng sét, và hơn cả đau đớn, như thể đột ngột cất lên một tiếng kêu tự đáy lòng. Và không phải là cái hôn đầu tiên nhưng là nỗi da diết đầu tiên được khám phá ra bên bờ hồ… Song, tất cả diễn ra chỉ trong khoảnh khắc. Đột nhiên một ý chí sầm tối và cứng rắn đánh thức nhói lên nói rằng anh không được, anh không thể, rằng… ráng hết sức bình sinh Kiên tự giằng mình ra, thả buông vòng tay đang dằn xiết Phương, ngồi chồm dậy. Sự buông hẫng ấy làm Phương lặng đi. Mọi cảm giác choáng loạn tản bay nhường chỗ cho sợ hãi và xấu hổ. Cô lăn tránh sang bên, gài nhanh hàng cúc áo sơ mi che kín ngực rồi nhè nhẹ ngồi lên. Sóng hồ dập dềnh, ì oạp vỗ vào bờ cỏ. Xa xa, từ chỗ pháo đội cao xạ chất nổi trên đám bè neo sâu trong hồ một hồi kẻng khuya chậm rãi dõng lên. Vị thần bảo hộ cứu tinh cho sự trong trắng và trong sạch của đôi bạn, chẳng là ai khác ngoài chính họ.

Gió thở dài. Im lặng lan xa. Hai người như thể vừa từ đáy nước nổi bồng lên để rồi mỗi người bị cuốn dạt ra mỗi ngả. Kiên đưa tay ra, run run nắm lấy cổ tay Phương như muốn níu giữ cô.

– Kiên sợ phải không? – Phương dịch lại gần – Sợ phải không? Phương cũng sợ. . . Nhưng vì sợ mà chẳng sợ gì nữa. . .

– Mình… – Kiên thì thầm ấp úng – Mình chẳng sợ ai. Chỉ nghĩ là không nên… Mình đi. Mình có cuộc chiến tranh của mình, còn Phương… Chúng mình mãi mãi có trong nhau là hơn, phải không?

– Ừ, thôi . . . – Phương thở dài – có điều Phương sợ nhất là sẽ không bao giờ còn một tối nào như tối nay.

– Mình sẽ trở về! – Kiên nhấn mạnh.

– Nhưng bao lâu. Nghìn năm sau? Và anh không nghĩ khi đó, anh khác và em cũng khác đi rồi. Hà Nội cũng sẽ khác đi. Hồ Tây cũng khác. Thì sao?

Mình không nghĩ như thế. Tất nhiên là cảnh vật có thể đổi khác, lòng không khác là được.

Cả hai cùng im lặng.

– Em nhìn thấy tương lai, – Phương nói – Đấy là sự đổ nát. Sự thiêu hủy.

– Có thể. Nhưng chúng ta sẽ xây dựng lại.

– Anh ngốc lắm? Cha khác anh nhiều. Cha anh ấy.

– Đúng thế. Mình khác cha mình, nhưng…

– Phương hỏi câu này đừng giận nhé. Anh không yêu cha phải không?

Kiên nhìn cô.

– Anh có nói chuyện với cha bao giờ không?

– Có chứ. Hỏi gì lạ thế Sao lại không. Nói nhiều chuyện.

– Thế cha có nói vì sao cha chẳng muốn sống nữa không. Vì sao cha lại hủy tranh của cha không?

– Không. ông chỉ nói với mình những chuyện khác. Nhưng sao lại hủy? Mình không hiểu?

– À, ừ nhỉ. Kiên đâu có biết chuyện ấy. Thế mà em lại biết. Thế mà cha lại kể với em. Em gần với cha anh chứ không phải với anh. Ngọn lửa thiêu đốt các bức tranh, thiêu đốt cha và luôn cả đời em. Qua ánh lửa em nhìn thấy tương lai…

– Cái gì? Phương bảo sao? Nói gì như điên vậy. Thử nói rõ xem nào, Phương!

Kiên không hiểu. Nỗi xúc động của Phương là trạng thái xa lạ đối với anh, với câu chuyện của hai đứa đêm nay, với mặt hồ này. Cũng chẳng liên quan đến việc anh sắp lên đường chiến đấu, anh và Phương sắp phải xa nhau. Phương nghĩ tới một cái gì ở ngoài tầm của anh.

– Từ ngày cha anh mất đi, em mới thực sự yêu anh và mới hiểu vì sao yêu anh thế này – Phương nói trong hơi thở như là tự nói với mình, hay đúng hơn như một người nào khác đang nói với mình – em là đứa con gái lạc thời và lạc loài… Anh lại là người con trai đúng thời… Vậy mà tại sao chúng mình yêu nhau, yêu bất chấp tất cả, bất chấp cả sự khác nhau quá lớn giữa hai đứa? Anh có biết không?

– Thôi chúng mình về đi. Chúng mình… – Kiên sợ – Chúng mình nói những chuyện gì ấy. Sao lại lạc thời? Sao lại khác nhau?

– Bây giờ thì em hiểu rằng – Phương vẫn thì thầm xa vắng – Nếu cha anh là người cùng thời, là anh thì em sẽ yêu cha anh chứ không phải là yêu anh. Kiên rùng mình. Nhưng Phương không để anh nói, cô đặt dọc ngón tay trỏ lên môi anh, nói tiếp:

– Anh ít giống cha và càng ngày càng ít giống. Anh say mê cuộc chiến tranh đến đứng ngồi không yên. Anh không yêu mẹ, không yêu cha, không yêu tình yêu của em. Anh khăng khăng: tôi đi chiến đấu, tôi là con người trung thực, tôi trong sạch và tôi không muốn em bị nhơ nhuốc. Không có gì mới cả?

Kiên buồn bực. Anh chẳng hiểu ra làm sao nữa cả. Phương như thể đang lên đồng, như thể ăn phải nấm độc mà nói nhảm.

– Phương hay nói chuyện với cha mình lắm phải không? Cần nhớ rằng, cha mình có những ý nghĩ khó hiểu và sai. Nhiều khi cha mình không thấy được những giá trì cao đẹp của cuộc đấu tranh hiện nay. Ông ôm trong lòng toàn những câu chuyện đời nảo đời nào để đánh giá ngày hôm nay. Mà tại sao chúng mình lại nhằm đúng lúc này để nói những chuyện lạ lùng vậy?

– Bởi vì chẳng còn đêm nào như đêm nay. Chẳng còn bao giờ nói được với nhau nữa. Bởi vì anh đi đường anh thì em cũng đi đường em.

– Nhưng mà Phương đi đâu? Còn ba tuần nữa là thi, Phương phải vào đại học. Còn mình đi rồi sẽ trở về.

– Anh thật lạ, – Phương thở dài – Chiến tranh, hòa bình, vào đại học, đi bộ đội khác nhau lắm hay sao? Và thế nào là cuộc đời tốt cuộc đời xấu? Tình nguyện đi bộ đội ở tuổi mười bảy thì cao thượng hơn vào đại học ở tuổi mười bảy hay sao? Đã thế Phương sẽ không thèm vào đại học nữa.

– Thế Phương đi đâu?

– Đi vào chiến tranh xem nó ra sao?

– Có thể chỉ là sự khủng khiếp.

– Có thể là sẽ chết nữa – Phương nói như mơ màng – Khi đó sẽ ngủ, ngủ một giấc dài. Nhưng nếu chỉ có chết không thôi thì có gì đáng để anh háo hức vậy. Em nghĩ

nó là hấp dẫn lắm. Em sẽ đi? Và anh thì thật ngốc.

– Sao em? – Kiên ngạc nhiên.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN