Câu lạc bộ Dumas - Chương 15 - Phần 2
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
102


Câu lạc bộ Dumas


Chương 15 - Phần 2



Bọn tôi đã tới gần cái bàn. Tôi rót rượu vang cho cả hai, nhưng gã lắc đầu. “Gin,” gã nói khẽ. “Các ông có gin không?”

Tôi chỉ cái tủ rượu phía bên kia buồng. Bọn tôi đi sang đó, trên đường đi phải dừng lại ba hay bốn lần để chào hỏi: một đạo diễn phim lừng danh, một triệu phú Libăng, bộ trưởng nội vụ Tây Ban Nha… Corso túm lấy chai Beefeater rót một ly đầy đến miệng rồi dốc một nửa vào mồm. Gã rùng mình, hai mắt rực lên dưới cặp kính (một mắt vỡ một mắt còn). Gã giữ chặt cái chai trước ngực như sợ mất.

“Ông sắp kể cho tôi,” gã nói.

Tôi đề nghị ra chỗ sân bên ngoài ô cửa sổ kiểu Pháp nói chuyện để khỏi bị quấy rầy. Corso rót đầy cốc trước khi đi theo tôi. Cơn bão đã tạnh. Những ngôi sao lấp lánh trên đầu.

“Tôi nghe,” gã tuyên bố sau khi làm thêm một ngụm lớn.

Tôi cúi mình trên lan can vẫn còn ẩm ướt và tợp một ngụm vang Anjou.

“Sở hữu bản thảo Ba người lính ngự lâm khiến tôi nảy ra một ý định,” tôi nói. “Tại sao lại không thành lập một hội văn học, theo kiểu một câu lạc bộ dành cho những người hâm mộ tiểu thuyết của Alexandra Dumas và những truyện phiêu lưu nhiều kỳ cổ điển? Qua công việc của mình tôi đã sẵn có tiếp xúc với một số ứng viên lý tưởng để làm thành viên…” Tôi vung tay về phía phòng khách sáng rực. Bên kía khung cửa sổ kiểu Pháp cao, khách khứa đi đi lại lại, chuyện trò náo nhiệt. Đó là bằng chứng thành công của tôi, và tôi không giấu niềm tự hào là người sáng tạo nó. “Một hội lập ra vì mục đích nghiên cứu những tiểu tuyết thuộc loại đó, tìm lại những nhà văn và tác phẩm bị bỏ quên, xúc tiến việc tái bản và bán sách dưới cái tên có lẽ ông không lạ gì: Dumas & Co.”

“Tôi biết,” Corso nói. Nó có cơ sở ở Paris và vừa xuất bản toàn bộ tác phẩm của Ponson du Terrail. Năm ngoái là Flantomas. Không ngờ ông có phần trong đó.”

Tôi cười. “Quy luật là: không tên tuổi, không vai trò nổi bật… Ông sẽ thấy, vấn đề mang tính uyên bác và đồng thời là sự ngây thơ trẻ con. Trò chơi hoài niệm văn chương sưu tầm lại những tiểu thuyết thất lạc từ lâu, nó đưa chúng tôi về lại với sự trong trắng của mình, về lại với bản tính thật mình từng có. Khi trưởng thành, bọn tôi ngưỡng mộ Flaubert hay thích Stendhal, hoặc Faulkner, Lampedusa, García Marquez, Durrel, Kafka. Bọn tôi trở nên khác nhau, thậm chí còn trở thành đối lập nhau. Nhưng tất cả bọn tôi chia sẻ một khoảnh khắc thông đồng bí mật khi nói về những tác giả và những cuốn sách kỳ diệu. Những thứ khiến ta khám phá văn học mà không buộc ta phải oằn mình dưới những giáo điều hay dạy ta những luật lệ phải tuân theo. Đây là di sản chung mà bọn tôi thực sự thừa kế: những câu chuyện trung thành với điều người ta mơ chứ không phải với điều người ta thấy.”

Tôi để bài nói lửng lơ và ngừng lại, chờ đợi hiệu quả của nó. Nhưng Corso nhấc kính lên nhìn ra chỗ sáng. Đó là lĩnh vực quen thuộc của gã.

“Đấy là trước đây,” gã trả lời. “Nay thì trẻ con lẫn đám thanh niên, chẳng đứa nào thừa kế di sản tinh thần. Tất cả bọn chúng đều xem tivi.”

Tôi lắc đầu. Tôi đã viết một bài về chính chủ đề này cho phụ trương văn học của báo ABC mấy tuần trước. “Tôi không đồng ý. Ngay cả như vậy, bọn chúng vẫn đang đi trên bước chân người xưa dù tự chúng không biết. Phim hay truyền hình, chẳng hạn thế, đều duy trì những mối liên hệ. Những phim ảnh ngày xưa. Thậm chí Indiana Jones cũng là con cháu trực hệ của những thứ đó.”

Corso nhăn mặt hướng về cái cửa sổ kiểu Pháp. “Có thể. Nhưng ông đang kể về những người này. Tôi rất muốn biết bằng cách nào ông… chiêu mộ được bọn họ.”

“Không có gì bí mật,” tôi trả lời. “Tôi đã điều hành cái hội tuyển chọn này, Câu lạc bộ Dumas, từ mười năm nay. Một cuộc gặp mặt được tổ chức mỗi năm một lần ở thị trấn Meung này. Ông thấy đấy, thành viên từ khắp các xó xỉnh trên trái đất tới đây rất đúng giờ. Tất cả, không trừ ai hết, đều là độc giả…”

“Của truyện nhiều kỳ? Đừng khiến tôi phì cười.”

“Tôi không có một chút ý định nào làm ông buồn cười, Corso. Tại sao ông nhìn tôi thế? Chính ông biết rằng một cuốn tiểu thuyết, hay một bộ phim thuần túy thương mại có thể trở thành một tác phẩm tinh tế, từ Chuyện Pickwick thành Casablanca và Ngón tay vàng. Công chúng hướng về những câu chuyện đầy rẫy nguyên mẫu này để hưởng thụ, có ý thức hoặc không, cái trò lặp đi lặp lại cùng một số cốt truyện song mỗi lần lại có khác đi một tí. Dispositio elocution[4]. Đó là lý do vì sao những tác phẩm nhàm chán nhất, cũng có thể được cả khán giả ngây thơ lẫn khán giả sành sỏi hơn sùng bái. Có những người tìm kích động trong những hành động liều mạng của Sherlock Holmes, trong khi người khác lại thích cái tẩu thuốc, cái kính phóng đại và cái câu ‘Về cơ bản, bạn Watson thân mến ạ’, mà tiện thể xin nói, Conan Doyle không hề viết ra câu ấy. Những thủ pháp cốt truyện, những biến hóa và lặp lại, chúng vốn xưa đến mức từng được nhắc đến trong Nghệ thuật thi ca của Aristotle. Và truyền hình nhiều tập là gì nếu không phải là phiên bản đổi mới của một bi kịch cổ điển, một trường ca lãng mạn hay một tiểu thuyết của Dumas? Đó là lý do tại sao một người đọc thông minh có thể đạt được lạc thú lớn lao từ tất cả những thứ đó, một ngoại lệ với quy luật là dựa trên nền tảng quy luật.”

[4] Dispositio elocution: hai trong năm quy tắc của phép hùng biện cổ điển.

Tôi nghĩ có lẽ Corso hứng thú với điều tôi nói, nhưng gã lắc đầu, như một đấu sĩ từ chối lời thách đấu của đối thủ.

“Hãy dừng thuyết lý văn chương mà trở lại Câu lạc bộ Dumas đi, được không?” gã sốt ruột nói. “Trở lại với buổi gặp mặt đang diễn ra quanh đây… Số còn lại đâu?”

“Trong đó,” tôi đáp, nhìn vào phòng khách. “Tôi tổ chức hội dựa trên sáu mươi bảy chương bản thảo – tối đa chỉ có sáu mươi bảy thành viên, mỗi người có một chương coi như cổ phần đăng ký. Việc chỉ định hoàn toàn dựa theo danh sách người xin gia nhập, và sự thay đổi thành viên cần được ban điều hành do tôi làm chủ tịch chấp nhận. Mỗi người xin gia nhập đều được thảo luận kỹ càng trước khi được kết nạp.”

“Các cổ phần được chuyển đổi ra sao?”

“Tuyệt đối không có chuyện chuyển nhượng cổ phần. Nếu một thành viên chết hay muốn rời khỏi hội, chương của anh ta phải trả lại. Ban điều hành sẽ chuyển nó cho người xin gia nhập hội khác. Thành viên không được tự do quyết định về nó.”

“Phải chăng đó là việc Enrique Taillefer cố làm?”

“Phần nào đó. Ông ta là một người xin gia nhập lý tưởng, một thành viên kiểu mẫu của Câu lạc bộ Dumas cho tới khi ông ta phạm luật.”

Corso uống hết ly rượu. Gã đặt cái ly lên thành lan can phủ đầy rêu rồi im lặng nhìn chăm chú vào những ngọn đèn ở phòng tiếp đón. Gã lắc đầu.

“Đó không phải là lý do để giết người,” gã bình tĩnh nói, như thể với chính mình. “Tôi không tin rằng tất cả những người đó…” gã nhìn tôi bằng vẻ kiên quyết. “Bọn họ đều nổi tiếng, đáng kính. Họ chẳng bao giờ lại dây vào chuyện gì như thế.”

Tôi cố kìm sự nôn nóng. “Ông đang thổi phồng mọi thứ quá mức… Enrique và tôi từng là bạn bè. Chúng tôi cùng chung niềm đam mê những tiểu thuyết loại này, mặc dù thị hiếu văn chương của ông ta không cùng bậc với lòng nhiệt tình. Sự thật là, thành công trong việc xuất bản những cuốn sách nấu ăn bán chạy cho phép ông ta tiêu phí tiền bạc và thời gian cho sở thích riêng của mình. Mà nói thực, nếu có ai đó xứng đáng là thành viên câu lạc bộ thì đó là Enrique. Vì vây, mà tôi đề nghị kết nạp ông ta. Tôi đã nói, chúng tôi có chung nếu không phải thị hiếu thì ít nhất cùng là nhiệt tình của mình.”

“Hai người có chung nhiều hơn thế, nếu tôi không nhầm.”

Nụ cười mỉa mai của Corso đã trở lại, khiến tôi cáu tiết. “Tôi xin nói rằng chuyện đó không dính dáng gì tới công việc của ông,” tôi vặc lại. “Nhưng tôi muốn giải thích. Liana rất đặc biệt, cũng như rất đẹp. Cô ấy là một độc giả sớm phát triển. Ông có biết là cô ấy có hình xăm hoa huệ ở hông từ năm mười sáu tuổi không? Không phải ở trên vai như thần tượng của mình, Milady de Winter, để gia đình và các bà xơ ở trường nội trú không thấy. Ông nghĩ sao về chuyện này?”

“Rất xúc động.”

“Ông không có vẻ gì rất xúc động. Nhưng tôi đảm bảo rằng cô ấy là một người đáng ngưỡng mộ. Sự thực là, ồ… tôi và cô ấy đã trở nên thân thiết. Ông hãy nhớ rằng ban nãy tôi có nói đến cái di sản thừa kế vốn là thiên đường tuổi thơ đã mất. Vậy thì di sản thừa kế của Liana là Ba người lính ngự lâm. Cô ấy đắm mình trong thế giới mô tả trong cuốn sách. Cô ấy quyết định lấy Enrique sau khi tình cờ gặp ông ta trong một bữa tiệc mà người ta trao đổi với nhau suốt buổi tối về những trích đoạn tiểu thuyết. Khi đó ông ta đã là một chủ xuất bản rất giàu.”

“Tình yêu sét đánh,” Corso nói.

“Tôi không hiểu sao ông kêu nó như thế. Họ lấy nhau vì lý do chân thật nhất. Vấn đề là, sau một thời gian dài, dù là với một người vợ hiền hậu như thế, Enrique cũng cảm thấy mệt mỏi… Bọn tôi là bạn bè, tôi thường tới thăm họ. Liana…” Tôi đặt cái cốc của mình lên lan can cạnh chiếc cốc không của gã. “Dù là gì đi nữa. Ông có thể hình dung phần còn lại.”

“Phải. Rất rõ ràng.”

“Tôi không nói về chuyện đó. Cô ấy trở thành một trợ thủ tuyệt vời. Đến mức mà bốn năm sau tôi giúp cô ấy nhập Hội. Cô ấy sở hữu chương 37, ‘Bí mật của Milady’. Chính cô ấy chọn.”

“Tại sao ông để cô ta lo vụ của tôi?”

“Hãy để chuyện ấy lại đã. Cách đây không lâu, Enrique trở nên có vấn đề. Thay vì giới hạn bản thân trong việc kinh doanh có lời những cuốn sách nấu ăn, ông ta lại quyết định viết một bộ sách nhiều tập. Nhưng bộ truyện thật khủng khiếp. Đó là sự thật. Vô cùng khủng khiếp, tin tôi đi. Ông ta đã ăn cắp trắng trợn toàn bộ cốt truyện. Nó có tựa đề…”

“Bàn tay người chết.”

“Chính xác. Thậm chí cái tên này cũng không phải của ông ta. Và tệ hơn là, thật khó tin, ông ta muốn Dumas & Co. xuất bản nó. Đương nhiên là tôi từ chối. Sẽ chẳng bao giờ ban điều hành chấp nhận cái công trình quái gở của ông ta. Dù sao đi nữa thì Enrique có thừa tiền để tự mình xuất bản, tôi bảo ông ta như vậy.”

“Tôi nghĩ ông ta bực chuyện đó lắm. Tôi đã thăm thư viện của ông ta.”

“Bực? Nói thế là còn nhẹ. Vụ cãi cọ diễn ra trong phòng làm việc của ông ta. Tôi vẫn còn hình dung ông ta, nhỏ bé mũm mĩm, kiễng chân đứng rất thẳng, nhìn trừng trừng vào tôi với ánh mắt man dại. Trông như sắp vỡ mạch máy tới nơi. Hết sức khó chịu. Ông ta nói đã quyết định hiến dâng đời mình cho văn chương. Và tôi là ai mà đòi phán xét chuyện đó. Việc đó để cho đời sau. Tôi là một nhà phê bình đầy thành kiến, một gã thông thái rởm không ai chịu nổi, và hơn nữa tôi còn đang lăng nhăng với vợ ông ta. Điều này khiến tôi choáng nặng – tôi không nhận ra rằng ông ta biết chuyện. Nhưng hình như do Liana nói ra trong giấc ngủ, khi đang nguyền rủa d’Artagnan cùng đám bạn (những người mà, tiện thể xin nói, cô ấy căm ghét như thể mình biết rõ họ vậy) khiến ông chồng biết toàn bộ vụ việc… Ông có thể hình dung tôi khó xử làm sao.”

“Rất khó cho ông.”

“Cực khó. Dù điều tệ nhất còn chưa xảy ra. Enrique la lối om sòm. Nói rằng nếu ông ta là một kẻ tầm thường thì Dumas cũng chẳng xứng là một nhà văn. Dumas sẽ ở đâu nếu không có Auguste Maquet, người bị ông ta bóc lột thậm tệ? Chứng cứ nằm ở những trang bản thảo Rượu vang Anjou xanh và trắng trong két sắt của Enrique… Tranh cãi càng trở nên kịch liệt. Ông ta gọi tôi là gã thông gian – đúng là một lời lăng mạ kiểu ngày xưa – và tôi nói ông ta là một lão già mà còn dại, cùng với một vài câu bình luận ác ý về những cuốn sách dạy nấu ăn thành công mới nhất của ông ta. Tôi kết thúc bằng cách so sánh ông ta với gã thợ nướng bánh trong Cyramo… ‘Tôi sẽ trả đũa,’ ông ta hét lên như bá tước Monte Cristo. ‘Tôi sẽ cho thiên hạ biết rằng Dumas yêu quý là một kẻ lừa đảo chiếm đoạt công sức của người khác. Tôi sẽ cho công khai tập bản thảo, mọi người sẽ thấy lão bợm già làm như thế nào để ra những tập truyện nhiều kỳ. Tôi mặc xác những nguyên tắc của hội. Chương này sẽ là của tôi và tôi sẽ bán cho bất kỳ ai tôi thích. Và ông sẽ đi đời nhà ma.’”

“Ông ta nổi khùng.”

“Ông không biết một tác giả bị hắt hủi có thể đâm ra cuồng nộ thế nào đâu. Mọi ngăn cản của tôi đều vô dụng. Ông ta tống tôi ra ngoài. Sau đó tôi nghe Liana nói ông ta gọi người buôn sách ấy, La Ponte tới giao bản thảo cho anh ta. Hẳn ông ta nghĩ mình khôn ngoan và ranh mãnh lắm, như Edmond Dantès. Ông ta muốn tạo một vụ bê bối mà bản thân không dính líu vào; muốn thanh danh mình vẫn còn nguyên vẹn. Đó là lý do ông bị kéo vào vụ này. Ông có thể hiểu vẻ ngạc nhiên của tôi khi ông mang Rượu vang Anjou tới nhà tôi.”

“Chắc chắn ông không để lộ điều đó.”

“Tôi có lý do của mình. Với cái chết của Enrique, Liana và tôi nghĩ rằng bản thảo đã mất.”

Tôi nhìn Corso mò trong áo khoác ra một điếu thuốc nhàu nát. Gã đưa lên miệng nhưng không châm lửa. Gã bước lui bước tới quanh sân. “Câu chuyện của ông thật lố lăng,” cuối cùng gã nói. “Chẳng có Edmond Dantès nào lại tự tử trước khi nhấm nháp niềm khoái lạc trả thù cả.”

Tôi gật đầu, mặc dù gã quay lưng lại nên không thấy cử chỉ của tôi.

“Được rồi, chuyện chưa hết đâu,” tôi thừa nhận. “Sau hôm chúng ta nói chuyện với nhau, Enrique đến với ý định thuyết phục tôi lần cuối cùng. Tôi chán quá rồi. Và tôi sẽ không nhẫn nhịn trước trò tống tiền đó đâu. Vì vậy, không kịp nhận ra mình đang làm gì, tôi giáng cho ông ta một đòn chết người. Tập truyện nhiều kỳ của ông ta không chỉ rất tồi, nó đọc còn thấy quen lắm. Tôi vào thư viện của mình tìm một ấn phẩm cũ của cuốn The Popular Illustrated Novel, một cuốn sách ít người biết xuất bản cuối thế kỷ mười chín, mở câu chuyện ở ngay trang đầu có tựa đề ‘Angeline de Gravaillac, hay Đức hạnh vẹn toàn’ của một tay Amaury de Verona nào đấy. Vậy đấy, ông có thể hình dung loại truyện ấy. Khi tôi đọc to đoạn văn đầu tiên, Enrique tái mặt như thấy hồn ma Angeline đội mồ sống lại. Đại khái không ít thì nhiều giống như thế. Cho rằng không ai nhớ đến câu chuyện ấy, ông ta đã trắng trợn bê nguyên xi nó vào, ngoại trừ có một chương lấy toàn bộ của Fernadez y Gonzalez, đó là phần khá nhất của cuốn sách. Tiếc là tôi không có máy ảnh để chụp Enrique lúc ấy. Ông ta đưa tay lên trán như để gào lên một lời nguyền rủa, nhưng không sao thốt ra lời. Chỉ nghe tiếng òng ọc trong cổ họng ông ta, như bị nghẹt thở. Rồi ông ta quay đi, về nhà, và tự treo cổ lên cái giá đèn.”

Corso lẳng lặng nghe. Điếu thuốc bị bỏ quên trên môi, không châm lửa.

“Lúc ấy mọi chuyện trở nên phức tạp hơn,” tôi tiếp tục, biết chắc rằng gã bắt đầu tin. “Ông có tập bản thảo, và anh bạn La Ponte của ông ngay từ đầu đã không có ý nguyện từ giã nó. Tôi không thể đóng vai Arsène Lupin đi loanh quanh, tôi phải bảo vệ tiếng tăm cho mình. Vì vậy tôi giao cho Liana nhiệm vụ lấy lại chương đó. Ngày họp mặt thường niên đang tới gần, chúng tôi phải tìm một thành viên mới thay thế Enrique. Tôi thừa nhận Liana đã làm sai một vài việc. Đầu tiên là cô ấy tới gặp ông…” Tôi đằng hắng, bối rối. Tôi không muốn đi sâu vào chi tiết. “Rồi cô ấy lại tranh thủ La Ponte để bảo anh ta thu hồi Rượu vang Anjou. Nhưng tôi không biết rằng ông có thể kiên cường đến thế… Vấn đề là Liana luôn luôn mơ đến một cuộc phiêu lưu như nữ nhân vật của mình, biết bao âm mưu thủ đoạn, những cuộc hò hẹn say đắm, và cả cuộc hành hình nữa. Và rồi hồi kịch này, dựa trên những thứ bà dằn trong giấc mơ của cô ấy, mang lại một cơ hội như thế. Thế là cô ấy hăm hở bám theo ông. ‘Tôi sẽ mang về cho anh tập bản thảo đóng bìa bằng da của tay Corso ấy,’ cô ấy hứa. Tôi bảo cô ấy đừng quá xúc động. Bây giờ tôi biết sai lầm là do tôi: tôi đã thúc đẩy trí tưởng tượng của cô ấy, phóng thích ả Milady ẩn náu trong cô ấy kể từ lần đầu tiên cô ấy đọc Ba người lính ngự lâm.”

“Tôi ước ao cô ta đã đọc thứ gì đó khác. Chẳng hạn như Cuốn theo chiều gió. Cô ta có thể tưởng mình là Scarlet O’Hara và quấn lấy Clark Gable thay vì là tôi.”

“Phải, cô ấy hơi quá trớn. Thật tiếc là ông coi trọng chuyện đó như vậy.”

Corso sờ vào cái vết sau tai. Tôi có thể tưởng tượng gã đang nghĩ gì: cái người thực sự coi trọng chuyện này là gã đàn ông có sẹo.

“Rochefort là ai?”

“Anh ta tên là Laszlo Nicolavic. Một diễn viên chuyên đóng vai phản diện. Anh ta thủ vai Rochefort trong bộ phim nhiều tập do Andreas Frey viết cho truyền hình Anh mấy năm trước. Anh ta đóng vai Gonzala trong Lagardère, Levasseur trong Thuyền trưởng Blood, La Tour d’Azyr trong Scaramouche, Rupert de Hentzau trong Người tù ở Zenda. Anh ta mê mệt với thể loại này và đầu đơn xin gia nhập Câu lạc bộ Dumas. Liana hoàn toàn bị anh ta hấp dẫn và nhất định đòi anh ta làm việc với mình.”

“Chắc chắn Laszlo xem trọng vai của mình lắm.”

“E là đúng thế. Tôi ngờ rằng anh ta đang cố ghi điểm để nhanh chóng được chấp nhận. Tôi cũng ngờ rằng anh ta xử sự như một người tình tạm bợ của cô ấy.” Tôi cười như một người sành sỏi, hy vọng điều đó đủ thuyết phục. “Liana trẻ, đẹp và cuồng nhiệt. Có thể cho rằng tôi kích thích phần trí tuệ, còn Laszlo lo chăm sóc các nhu cầu thực tế hơn trong bản chất dữ dội của cô ấy.”

“Còn gì nữa không?”

“Đấy hầu như là tất cả rồi. Nicolavic, hay Rochefort phụ trách lấy lại bản thảo ở chỗ ông. Đó là nguyên nhân anh ta theo ông từ Madrid tới Toledo và Sintra, trong khi đó Liana đi Paris mang theo La Ponte đề phòng trường hợp kế hoạch ban đầu của họ thất bại và ông không nhận ra lẽ phải. Đoạn còn lại ông biết rồi: ông không để họ chụp được bản thảo. Milady và Rochefort hơi quá nhập vai, điều đó đưa ông đến đây.” Tôi dừng lại suy nghĩ. “Ông biết không? Tôi tự hỏi rằng thay vì Laszlo Nicolavic liệu tôi có nên đề cử ông làm thành viên câu lạc bộ hay không.”

Gã thậm chí chẳng buồn hỏi tôi thực sự có ý ấy hay chỉ định mỉa mai. Gỡ cặp kính méo mó xuống lau sạch một cách máy móc, gã chìm vào suy tư. “Tất cả chỉ có thế sao?” sau cùng gã hỏi.

“Tất nhiên.” Tôi trỏ phòng tiếp tân. “Đấy, bằng chứng cho ông đấy.”

Gã đeo kính lên và hít sâu một hơi. Tôi không thích vẻ mặt gã lúc ấy tí nào.

“Thế còn Delemelanicon? Còn mối liên quan giữa Richelieu với Chín cánh cửa của vương quốc bóng tối?” Gã bước tới gần, đạp vào ngực tôi cho đến lúc tôi phải bước lùi lại. “Ông nghĩ tôi ngu chắc? Ông đừng có nói không biết tí gì về mối liên hệ giữa Dumas và cuốn sách đó, khế ước ông ta ký kết với quỷ và tất cả những chuyện còn lại – Victor Fargas bị giết ở Sintra và đám cháy nhà bá tước Ungern ở Paris. Chính ông báo tên tôi cho cảnh sát phải không? Và cuốn sách ẩn trong ba bản in là cái gì? Hay là chín bức trong khắc của Lucifer, do Aristide Torchia in lại khi từ Praha trở về ‘với đặc quyền và sự chấp thuận của bề trên’ cùng với toàn bộ cái vụ đáng nguyền rủa ấy…”

Gã xổ ra cả tràng như vậy, cằm chĩa ra đầy khiêu khích, ánh mắt như xuyên thấu người tôi. Tôi lùi thêm một bước nữa, miệng há ra.

“Ông điên rồi!” tôi giận dữ phản đối. “Ông có thể cho tôi biết ông đang nói gì không?”

Gã lôi ra một bao diêm, châm thuốc, bàn tay khum khum che ngọn lửa. Qua ánh sáng phản xạ trên mắt kính, gã tiếp tục nhìn xoáy vào tôi. Rồi, gã cho tôi hay cách lý giải của mình về mọi chuyện.

***

Khi gã nói xong, cả hai chúng tôi cùng lặng yên. Nghiêng mình trên hàng lan can ẩm ướt, bọn tôi kề vai nhau nhìn những ngọn đèn trong phòng tiếp tân. Câu chuyện của Corso kéo dài cho đến khi điếu thuốc cháy hết, và lúc này gã dập tắt nó dưới đất.

“Tôi cho rằng,” tôi nói. “Bây giờ tôi nên thú nhận mà nói, ‘Đúng, tất cả đều là sự thật,’ rồi đưa tay cho ông tra vào còng. Có phải ông chỉ chờ có thế không?”

Gã do dự. Việc tường thuật lại câu chuyện theo cách riêng của mình dường như không mang lại cho gã niềm tin vào kết luận của mình.

“Nhưng có một mối dây liên hệ,” gã lẩm bẩm.

Tôi nhìn bóng gã trên những phiến đá lát sân, cái bóng gầy gò đen sẫm trong khung sáng hắt ra từ phòng tiếp tân và kéo dài qua những bậc thang rồi lẫn vào vùng tối của khu vườn.

“Tôi e rằng trí tưởng tượng của ông đang lừa gạt bản thân ông,” tôi nói. Gã chậm rãi lắc đầu. “Tôi không tưởng tượng nổi chuyện Victor Fargas bị dìm chết dưới ao, hay bà nam tước Ungern bị thiêu sống cùng với sách của mình. Những chuyện đó đã xảy ra. Đấy là sự thật. Hai câu chuyện đang lẫn lộn vào nhau.”

“Chính ông vừa nói – có hai câu chuyện. Có thể toàn bộ những gì gắn kết chúng với nhau là cách lý giải liên văn bản của chính ông.”

“Xin miễn cho tôi thứ thuật ngữ khó hiểu ấy đi. Chương bản thảo của Dumas kích hoạt mọi chuyện.” Gã nhìn tôi với vẻ mặt phẫn uất. “Cái câu lạc bộ đáng nguyền rủa và toàn bộ những trò chơi vặt của ông.”

“Đừng đổ lỗi cho tôi. Trò chơi hoàn toàn đáng giá. Nếu đây là một tác phẩm hư cấu chứ không phải một câu chuyện thật, thì ông là người chịu trách nhiệm chính trong vai trò độc giả.”

“Đừng ngớ ngẩn.”

“Không hề. Từ những điều ông vừa nói, tôi suy ra rằng, bằng cách đùa với các sự kiện và tham chiếu văn chương, ông xây dựng một lý thuyết và rút ra những kết luận hoang đường. Nhưng các sự kiện là khách quan, ông không thể che lấp chúng bằng những ý tưởng của riêng mình. Chuyện Rượu vang Anjou và chuyện về cuốn sách bí ẩn này, Chín cánh cửa là hoàn toàn không liên quan.”

“Ông gần như khiến tôi tin rằng…”

“Chúng tôi, nghĩa là Liana Taillefer, Laszlo Nicolavic và tôi, chẳng làm gì hết. Chính ông tự đưa ra kết luận, tưởng như mọi chuyện xảy ra là trong một cuốn truyện dựa trên lừa đảo bịp bợm, với độc giả Lucas Corso quá mức khôn ngoan. Chưa bao giờ có ai bảo ông rằng mọi việc thực sự giống như ông nghĩ. Không, trách nhiệm hoàn toàn là của ông, ông bạn ạ. Kẻ thủ ác thực sự trong tác phẩm chính là cái tư duy liên văn bản quá đà của ông, cái lối ông liên hệ mọi chuyện với chỗ này chỗ nọ trong tác phẩm.”

“Tôi có thể làm gì cơ chứ? Để hành động, tôi cần có một chiến lược, chứ không thể ngồi đó chờ. Trong bất kỳ chiến lược nào, người ta phải dựng lên hình tượng đối thủ của mình, và hình tượng này tác động lên hành vi tiếp theo… Wellington đã làm gì đó, nghĩ rằng Napoléon đang định làm gì đó. Và Napoléon…”

“Napoléon sai lầm vì tưởng Blucher là Grouchy. Chiến lược quân sự cũng đầy rủi ro Rochefort như chiến lược văn học. Nghe đây Corso, không còn có những độc giả vô tội nữa. Mỗi người đều che lấp văn bản với cách nhìn lệch lạc của mình. Một độc giả là tất cả những thứ hắn đọc, cộng với tất cả những phim và truyền hình hắn xem. Hắn luôn thêm vào thông tin do tác giả cung cấp phần thông tin của chính mình. Và đó là chỗ nguy hiểm: một khi thông tin hay các tham chiều nhiều đến độ quá ngưỡng thì anh sẽ tạo ra một đối thủ không đúng, hoặc một đối thủ tưởng tượng.”

“Thông tin không đúng.”

“Không. Thông tin trong một cuốn sách là một thứ khách quan. Nó có thể được một tác giả ác ý trình bày bởi ý đồ tạo ra sự lầm lạc, nhưng nó không bao giờ sai. Chỉ có độc giả đọc sai.”

Corso có vẻ nghĩ ngợi. Gã rời ra chỗ đối mặt với khu vườn tối. “Vậy thì hẳn phải có một tác giả khác,” gã khẽ nói.

Gã đứng bất động. Lát sau gã lôi tập bản thảo Rượu vang Anjou trong áo khoác ra đặt một bên, trên phiến đá đầy rêu.

“Câu chuyện này có hai tác giả,” gã nhấn mạnh.

“Có thể thế,” tôi nói, cầm lấy tập bản thảo của Dumas. “Và có thể có một người ác ý hơn người kia. Truyện của tôi là loại ra nhiều kỳ. Ông phải tìm cuốn truyện tội phạm ở chỗ khác.”

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN