Lam Y Nữ Hiệp - Chương 45: Sóng động biển khơi, người và cá đua tranh Rừng sâu bãi rộng, Nữ hiệp tầm hoang mã
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
132


Lam Y Nữ Hiệp


Chương 45: Sóng động biển khơi, người và cá đua tranh Rừng sâu bãi rộng, Nữ hiệp tầm hoang mã



Chiến thuyền vòng qua mỏm đá vào bến. Dân làng Đông Hải Khẩu, nam phụ lão ấu, ra đầy cả ngoài bãi cát reo mừng.

Trong số người lố nhố trên bãi cát, Tam hiệp nhận thấy có đến hai mươi người tang phục nên đoán có lẽ họ là gia đình những kẻ bạc số mới tử nạn kình ngư.

Chiến thuyền ghé vào đầu cầu gỗ. Ba người nhảy xuống cầu vào bãi cát. Anh em Trần Tiễn, Trần Thành bước tới vái chào, đoạn hướng vào đám dân làng, Trần Tiễn nói :

– Hỡi anh em đồng thôn! Ba vị đây từ Linh Sơn tới giúp chúng ta hạ trừ kình ngư, công đức ấy không bao giờ chúng ta dám quên. Vậy sáng mai, anh em hãy sửa soạn tế hải thần trước khi chiến thuyền ra khơi.

Trần Tiễn vừa dứt lời, đoàn dân Đông Hải Khẩu vui mừng reo hò vang dậy cả khu bến cát.

Anh em Trần gia mời Tam hiệp về một căn nhà cây lợp lá dựng ngay trên mỏm đá đầu làng.

Căn nhà ấy kiến trúc sơ sài theo kiểu sơn dã nhưng rộng rãi, sạch sẽ và chắc chắn. Cách bài trí cũng rất trang nhã.

Lam Y hỏi Trần Tiễn :

– Dân Đông Hải Khẩu làm ăn phấn chấn lắm nhỉ! Căn nhà này của ngư ông đó ư?

– Thưa không. Chúng tôi sống theo lối ngư phủ làm gì có vật dụng sang trọng như vầy. Đây là nơi ở của nữ chủ Linh Sơn đảo đã bỏ đi từ sáng sớm mấy hôm trước và bị nhị nữ anh hùng đây đem chiến thuyền lớn đuổi theo.

Lam Y gật đầu :

– A! Nhà của Đường Trại Nhi, thảo nào trang nhã quá. Trước kia, người ở luôn đây sao?

Trần Tiễn đáp :

– Thưa cũng không hẳn như vậy. Nữ chủ có chiến thuyền Hắc Long nên thường đi vòng quanh đảo, nơi nào cảnh sắc vừa ý thì neo thuyền lại chơi. Nhưng thường thường thì nữ chủ hay ở đây, cảnh sắc gọn mắt hơn cả. Nay, dân làng Đông Hải Khẩu đồng ý cử chúng tôi đại diện mọi người tiếp rước quý vị nghỉ ngơi tại đây trước khi khởi sự ra khơi hạ dã ngư.

Lúc đó trời đã hoàng hôn, người hầu do dân làng sắp đặt lên đèn và bày tiệc rượu đàng hoàng.

Tam hiệp bỏ hành lý và khí giới xuống trường kỷ rồi đi xem khắp trước sau căn nhà của Trại Nhi. Nhà có hai phòng ngủ, một phòng bếp nước thiệt ngăn nắp.

Sau nhà là đường dốc thoai thoải dẫn tới khu cây cối um tùm, thanh nhã cao hơn mặt bến cát độ một trượng.

Âu Dương Bích Nữ nhìn Đức Kiệt nói kháy :

– Chúng ta có duyên với Đường Trại Nhi thiệt! Đi đâu cũng gặp và nay thì lại ở luôn trong nhà của nó! Được gặp mặt nó một lần, dù mất ngàn vàng tiểu muội cũng chịu.

Chu Đức Kiệt mỉm cười :

– Gặp mặt nó, hiền thê đâu có chịu mất ngàn vàng? Nhưng ngu huynh chắc chắn họ Đường sẽ mất thủ cấp ngay tức thì!

Tiệc rượu đã bày xong, Trần Tiễn mời Tam hiệp dùng bữa, tự mình cùng Trần Thành ngồi hầu tiếp.

Chu Đức Kiệt nói với anh em Trần gia :

– Hồi chiều nay còn thấy kình ngư không?

Trần Thành đáp :

– Đứng trên mỏm đá cao trên kia quãng giữa giờ Thân, tôi và mấy người nữa còn thấy rõ ràng kình ngư lù lù quẫy sóng ngoài khơi theo hướng đông bắc.

– Sáng mai ta khởi sự sớm chứ?

Trần Tiễn nói :

– Sớm cũng chỉ nên ra khơi vào cuối giờ Thìn. Sớm quá có nhiều sương mù bất lợi cho chúng ta vì không nhìn xa được.

– Việc đó tùy ý ngư ông thạo khu vực này hơn quyết định. Chúng tôi chỉ biết giúp sức hạ kình ngư. Nhưng thế nào cũng phải có thuyền tam bản tốt mới dễ xoay xở trên mặt biển. Đem thuyền lớn ra chỉ làm mồi cho nó đánh đắm thôi. Chúng tôi cần ba chiếc tam bản tốt, có không?

Trần Tiễn vội đáp :

– Thưa có. Đại hiệp cần bao nhiêu người chèo?

– Trước kia tôi định dùng thủy thủ quan quân, nhưng bây giờ cần thay đổi chút ít. Sáng mai, chiến thuyền kéo ba chiếc tam bản theo sau. Chừng nào thấy kình ngư chúng tôi sẽ xuống thuyền nhỏ liệu bề hạ nó. Vậy mỗi chiếc tam bản có hai người chèo giỏi, can đảm, phần hành động mặc chúng tôi.

Trần Tiễn ngần ngại :

– Không giấu gì đại hiệp, người chèo thuyền giỏi thì có nhưng chèo tam bản gần kình ngư, tôi e không một ai dám theo sau khi xẩy ra vụ mấy chiếc ngư thuyền lớn bị nó đạp sống và hút đắm chết nhiều người.

Lam Y nói :

– Việc này giải quyết được, ngư ông chọn lựa chúng tôi sáu người giỏi nghề đi biển quen các công việc trên thuyền lớn. Tôi sẽ dùng sáu thủy thủ quan quân chèo tam bản nhưng sáu người đó cần phải được thay thế. Giải quyết như vậy có được không?

Trần Tiễn vội đáp :

– Thưa được lắm. Lên làm việc trên chiến thuyền thì họ còn dám đi. Sáng sớm mai tôi sẽ lựa tuyển sáu thanh niên khỏe mạnh.

– Khỏe mạnh chỉ là một khía cạnh, cần phải kinh nghiệm nhiều với sóng nước mới được! Kình ngư quẫy sóng có khác gì khi biển động? Nếu không biết theo sóng, úp thuyền dễ như chơi. Cần kinh nghiệm hơn hết.

Âu Dương Bích Nữ bảo Trần Tiễn :

– Ban nãy, thấy nói sáng mai dân làng tế lễ hải thần, vậy ngư ông nên lo liệu cúng sớm cho đừng trở ngại việc ra khơi.

Trần Tiễn vưng lời :

– Việc tế lễ chắc chắn không trở ngại, xin nữ hiệp khỏi quan tâm. Và lại, đứng trên mỏm đá trên cao kia cũng có thể trông thấy nơi kình ngư xuất hiện ngoài khơi. Chừng nào thấy nó, quý vị xuống thuyền cũng vừa.

Chu Đức Kiệt hỏi :

– Nó chỉ xuất hiện nguyên một chỗ đó thôi sao?

– Thưa nguyên một chỗ đó, không hề thay đổi. Chính là nơi mà mấy ngư thuyền bị nó đội lật lên đắm hôm nọ.

Sáng sớm sau, sương phủ dầy đặc trông xa không quá bốn trượng. Đứng dưới mái hiên, chống tay vào lan can bằng tre, Tam hiệp vận võ phục nhẹ, chân vận võ hài mỏng đế, ngoài khoác áo nỉ ấm, ba người nhìn quanh quan sát tiết trời.

Lam Y nói :

– Sương dầy thế này, ít nhất cũng quá giờ Tỵ, Thái dương lên cao mới tan. Dân làng Đông Hải Khẩu tha hồ cúng tế hải thần.

Quả thế, lúc đó từ phía giữa làng dân làng xúm xít bê các lễ vật và một con cá kình lớn bằng giấy đen đi ra bãi cát. Pháp sư vận áo thụng sặc sỡ đi trước vừa gõ chuông, vừa ê a đọc câu thần chú. Ra tới bãi cát mọi người đặt kình ngư bằng giấy châu đầu ra biển, bày lễ vật ra trước miệng cá, đoạn đứng vây tròn xung quanh. Pháp sư đứng trong vòng người, quỳ hướng mặt ra biển khấn vái hải thần đoạn nhảy nhót chung quanh kình ngư miệng đọc chú tay yểm bùa hồi lâu một số dân làng cũng theo sau pháp sư đồng thanh đọc thần phù vang động cả vùng biển Đông Hải Khẩu.

Giai đoạn cuối cùng cuộc cúng tế là hỏa thiêu kình ngư, hốt tro bỏ xuống thuyền tam bản chở ra cửa vịnh đổ xuống biển.

Tam hiệp lững thững xuống dưới bãi cát. Hai ngư ông Trần Tiễn, Trần Thành dự cuộc tế hải thần vừa xong, đưa trình diện sáu thanh niên khỏe mạnh thạo nghề ra khơi chài lưới.

Lam Y nhìn qua sáu người ấy rồi bảo họ :

– Các đại ca rành nghề chèo thuyền tam bản trên biển động không?

Một người tên là Triệu Thất đáp :

– Thưa Nữ hiệp, bất cứ thuyền nào và vào thời tiết nào chúng tôi cũng vững tay chèo.

Lam Y gật đầu, mỉm cười :

– Khá lắm! Tiếc rằng ra khơi theo tôi hôm nay không phải là việc chài lưới thường xuyên, mà là để đánh một kình ngư đã từng làm đắm mấy chiếc thuyền lớn gieo tang tóc cho một số gia đình trong làng Đông Hải Khẩu này. Bởi tính chất nguy hiểm của việc ra khơi nên chúng tôi buộc lòng phải dành việc chèo thuyền tam bản cho sáu thủy thủ quan quân. Do đó, trên chiến thuyền sẽ thiếu người, yêu cầu các đại ca tạm thay họ. Trong khi ở trên thuyền, các đại ca nên thận trọng theo lệnh thuyền trưởng Triệu Thất cùng năm người kia đỏ bừng mặt nhìn nhau khó chịu. Anh Triệu Thất là Triệu Ngũ nói :

– Thưa ba vị đại hiệp, chúng tôi chỉ e sợ kình ngư trong khi không được che chở, nay đã có quý vị cùng thuyền lãnh trách nhiệm đương đầu với giống hung ngư ấy, không khi nào chúng tôi lại từ nan. Vậy, khỏi phải đổi thay, chúng tôi tình nguyện chèo tam bản.

Biết là câu nói khích của mình đã có hiệu lực, Lam Y bảo họ :

– Can đảm, khỏe, chỉ là hai yếu tố, nhưng còn cần phải hiểu biết, tinh khôn mới thành công. Vậy các đại ca hãy nghe cho rõ lời căn dặn của gia huynh đây, nhập tâm và cứ đúng như thế mà hành động.

Nàng vừa nói vừa chỉ Chu Đức Kiệt. Thấy hai vị nữ kiệt người nào cũng quắc thước anh thư, dáng dấp lanh lẹ biểu lộ sức dũng mãnh hơn người, nay sáu thanh niên được nhìn gần Đức Kiệt, thấy chàng rất đỗi kiêu hùng thì họ càng tin tưởng, kính phục.

Đức Kiệt điềm đạm nhìn họ rồi ngồi xổm, rút mũi chủy ra vạch lên trên cát mà rằng :

– Các đại ca hãy nhìn đây. Tỉ dụ như con kình ngư đang quẫy sóng ngoài khơi đây, nếu ta chèo tam bản thẳng đến gần thì thế nào cũng bị nó đánh đắm như mấy ngư thuyền hôm nọ. Trái lại, ta chèo thuyền bơi quanh kình ngư, lúc nào cũng giữ đúng kích thước cách biệt độ bốn năm trượng thì người chèo thuyền chỉ cần phải đương đầu với sóng lớn gây ra bởi sức vẫy vùng của kình ngư mà không sợ nó xông thẳng vào, đội thuyền bất đắm. Tại sao? Vì ba chiếc tam bản của ta không chèo nối đuôi nhau tụ cả vào một chỗ, nhưng ta chia làm ba mặt đều như ba điểm tôi vạch trên cát đây, vây tròn kình ngư vào giữa. Cá quay mặt nọ bị hai mặt kia đánh, quay mặt kia bị hai mặt nọ đánh. Tôi tin chắc nếu kình ngư không chết tại chỗ, bơi hay lặn thoát đi nơi khác thì cũng chẳng sống nổi với các vết thương do sức chúng tôi gây ra. Dù sao, bất cứ trong công việc nào, ta cũng phải tính đến sự rủi ro, các đại ca nên gieo sẵn phao cho chắc chắn. Có phao, bơi thạo, ngụp giỏi dù ta có xa bờ đến mấy hải lý chẳng lo, đừng nói chi nơi kình ngư xuất hiện không xa bờ bao nhiêu. Hiểu chưa? Người nào muốn thối lui hãy còn đủ thì giờ để tôi tuyển lựa người khác. Tôi khuyên các đại ca nên tự liệu sức mình chớ đừng nể nang hay cố gắng nguy hại cho công việc không ít. Tôi chỉ nhận những ai đủ tài đủ sức!

Dứt lời, Đức Kiệt đứng dậy dắt mũi chủy vào bao đeo ở đai lưng đăm đăm nhìn sáu thanh niên ngư phủ như soi mói, tìm hiểu xem họ đang suy tính thế nào. Triệu Ngũ quay lại hỏi đồng bạn :

– Quý đại ca và hiểu cả chưa? Ai không hiểu cứ việc hỏi lại.

Năm người kia đồng thanh :

– Hiểu rồi.

– Ai muốn rút lui, xin cho biết, riêng hai anh em tôi quyết theo ba vị đại hiệp ra khơi.

Thanh niên tên là Điền Khải nói :

– Việc làm của chúng ta hôm nay có tánh chất lợi chung cho toàn thể dân làng Đông Hải Khẩu, lẽ nào chúng tôi từ chối? Triệu đại ca không phải hỏi han chi nữa, anh em ta nhất quyết theo ba vị đại hiệp, nguy hiểm biết mấy cũng chẳng từ nan.

Chu Đức Kiệt nhận xét từng người biết có thể tin cẩn được, bèn nói :

– Người nào cũng có đoản khí phòng thân cả đấy chứ?

Triệu Ngũ đáp :

– Thưa, chúng tôi có đoản thủy đao như các dân chài lưới. Phao cũng đã sẵn sàng. Hiện để cả trên thuyền.

Đức Kiệt khen ngợi :

– Hay lắm! Ngay từ nãy tôi tiên đoán là có thể tin cậy được ở các đại ca. Vậy từ giờ đây, ai nấy nên sẵn sàng chờ bên chiến thuyền, chừng nào có báo hiệu là kình ngư đã xuất hiện, ta sẽ ra khơi ngay.

Đến giữa giờ Tị, ánh nắng le lói đã lùa tan hết sương mù. Bầu trời xanh ngắt, vẩn nhẹ mấy đợt mây trắng lơ thơ biển rộng xanh dương đồng màu báo hiệu một ngày đẹp trên đại dương. Toàn thể dân làng Đông Hải Khẩu ngong ngóng trông chờ tốp người đứng trên mỏm đá báo tin kình ngư xuất hiện. Nhưng qua giờ Tị lại sang giờ Ngọ, thời gian buông trôi mau lẹ,ï tốp người canh phòng trên cao thỉnh thoảng lại xua tay ra hiệu là chưa có gì.

Lúc đó, Tam hiệp và Trần Tiễn, Trần Thành cùng ngồi chuyện vãn dưới mái hiên căn nhà cũ của Đường Trại Nhi. Ngư ông Trần Tiễn nói :

– Thường ngày, kình ngư vẫn xuất hiện vào quãng giờ Tị, trước hay sau một đôi chút. Hôm nay sang đầu giờ Mùi rồi mà vẫn chưa thấy chi cả, phải chăng kình ngư linh cảm thấy sự nguy hiểm đang chờ nó nên bỏ đi nơi khác rồi chăng?

Lam Y nói :

– Nếu dã ngư không xuất hiện hôm nay tất sẽ xuất hiện ngày mai. Tôi không bực mình vì phải chờ đợi, nhưng chỉ tiếc thời gian đã lững lờ trôi mà không làm được gì hữu ích cho chúng ta cả.

Âu Dương Bích Nữ nói :

– Lúc này mới đầu giờ mùi, còn sớm chán, lo gì kình ngư không xuất hiện? Chừng nào vừng Thái dương ngã hẳn chân trời mới chắc chắn là phí mất một ngày.

Trần Thành đưa hai tay ra như kẻ phân bua :

– Từ hôm kình ngư lạc lõng vào hải phận này, chưa bữa nào lại chậm trễ như hôm nay.

Trần Thành vừa dứt lời, thì từ mỏm đá trên cao, những người canh phòng đã gọi rối rít :

– Kình ngư xuất hiện kia rồi, quẫy sóng dữ hơn mọi hôm!

Tam hiệp đứng lên, đeo khí giới lên lưng chạy ra khỏi nhà. Anh em Trần ngư ông cũng vội vàng chạy theo xuống tới bến cát. Sáu thanh niên ngư phủ nghe tiếng báo động đã lên cả chiến thuyền và dòng dây hạ buộc ba chiếc tam bản ra phía sau thuyền.

Các thủy thủ quan quân đã giương buồm sẵn sàng, chờ lệnh ra khơi. Tam hiệp băng qua các ngư thuyền đậu trong bến, nhảy vụt lên chiến thuyền. Đức Kiệt bảo thuyền trưởng :

– Ra khơi ngay. Kình ngư đã tới rồi kia!

Tức thì người nào việc nấy, chiến thuyền từ từ trở mũi ra khỏi vùng bể Đông Hải Khẩu trước sự hoan hô nhiệt liệt của dân làng, lúc đó lũ lượt ra đông cả trên bãi cát. Chiến thuyền lênh đênh ra khỏi vịnh, ba chiếc tam bản được kéo theo sau. Đức Kiệt phân công với Lam Y và Bích Nữ :

– Ngu huynh chỉ hỏi ba mươi cây dáo mà Diêu Thái Khánh cho những sáu mươi cây, vậy hiền muội và hiền thê mỗi người lãnh hai mươi cây dùng để hạ kình ngư. Nếu cả sáu mươi ngọn dáo này cũng trúng đích thì lo gì Kình ngư chẳng bỏ mạng trong hải phận này!

Lam Y nói :

– Chị em tiểu muội cố sức tấn công, nhưng hiền huynh có đeo Tỵ Thủy châu phải lãnh nhiệm vụ nặng nề hơn nếu cần phải xuống nước.

Đức Kiệt mỉm cười :

– Được lắm! Ngu huynh sẽ tự ý hành động và chịu lãnh công tác ấy. Dĩ nhiên rồi, ngu huynh không muốn hai người bị ướt.

Tam hiệp cùng sáu thanh niên ngư phủ đứng ở mũi chiến thuyền nhận xét. Hôm ấy, đẹp trời, gió nhẹ biển êm, ấy thế mà ở phía xa xa sóng cao dồn dập nước bắn tung tóe chẳng khác chi một ngày bão táp gió thổi, mưa sa.

Âu Dương Bích Nữ chỉ tay về phía đó :

– Chao ôi! Kình ngư kia kìa, lớn quá chừng!

Lam Y và Đức Kiệt nhìn theo phía tay nàng chỉ thì nhận ra, giữa đám sóng nước dồn dập lẫn một vật lù lù đen như lưng thủy ngưu, lúc ẩn lúc hiện trên mặt biển. Lam Y quay lại nhìn sáu thanh niên ngư phủ. Sự hồi hộp hiện rõ trên nét mặt họ. Nàng hỏi :

– Các đại ca, có ai đổi ý không? Nên cho biết ngay để còn liệu thay đổi thành phần, đứng chờ đến lúc nước tới chân rồi mới nói nhé!

Triệu Ngũ quả quyết :

– Thưa Nữ hiệp, chúng tôi nhất định theo ba vị đến cùng, dù nguy hiểm đến mấy chúng tôi cũng không từ nan.

Thuyền buồm được gió, lướt như bay trên mặt biển, không mấy chốc đã tiến vào khu vực nguy hiểm.

Chu Đức Kiệt bảo thuyền trưởng :

– Ngừng lại để mọi người xuống tam bản!

Chiến thuyền chạy từ từ rồi ngưng hẳn. Sáu thanh niên ngư phủ kéo dây cho ba chiếc tam bản đến sát hông chiến thuyền rồi lục tục xuống, hai người một thuyền. Âu Dương Bích Nữ xuống thuyền có Điền Khải, Lam Y xuống thuyền có Triệu Thất. Đức Kiệt chuyển ba bộ dáo, mũi thép nhọn sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời xuống cho những người dưới tam bản đỡ lấy, đoạn nhảy xuống thuyền của Triệu Ngũ. Chàng bảo thuyền trưởng :

– Cho thuyền lướt quanh khu vực hoạt động để quan sát nhưng nhớ tránh tầm mắt kình ngư nhé!

Dứt lời, Đức Kiệt vẫy tay ra hiệu cho Triệu Ngũ bơi thẳng vào chỗ kình ngư đang giỡn sóng. Hai thuyền Lam Y, Âu Dương Bích Nữ theo sau một lát tới khi gần tới nơi. Lam Y nói lớn :

– Tẩu tẩu trấn phía này, Chu huynh vòng sang phía tả, tiểu muội nhận phía hữu và cả ba chiến thuyền cùng bơi theo chiều tay tả thâu hẹp lần lần vòng chiến lại chừng nào vừa tầm tay thì cứ việc khởi sự.

Lam Y đứng ở giữa thuyền, cầm lăm lăm hai ngọn dáo sẵn sàng hành động. Hai ngư phủ, một người chèo ở mũi thuyền. Triệu Thất vừa chèo vừa lái ở sau thuyền.

Lúc này trông rõ kình ngư lắm rồi. Đó là một con cá lớn dài ước độ một trượng rưỡi, miệng rộng, hai mắt nhỏ xíu lờ đờ ở giáp ngay phía trên đầu mép. Da đen bóng loáng, toàn thân không vẩy. Con ác ngư ấy vụt đầu xuống biển nữa. Kình ngư nhào đi nhào lại như vậy, gây sóng lớn ào ào, thân nó đập xuống mặt biển thình thình, bọt nước bắn tung tóe. Chiếc tam bản nhấp nhô trên ngọn sóng, có lúc chúi hẳn mũi xuống giữa hai đợt sóng như bị nước rút chui tuột xuống đáy biển. Nhưng không, đợt sóng khác lại tiếp tới đội hẳn chiếc thuyền nhỏ bé ấy lên cao. Hai thanh niên ngư phủ chèo, lái rất thành thạo. Lam Y đứng vững, hai chân nàng như gắn chặt xuống sàn thuyền. Nàng đăm đăm nhìn con ác như vùng vẫy dữ dội.

Xưa nay, Lam Y vốn không ưa giống cá không vẩy, không bao giờ nàng thứ cá đó, nay bỗng nhiên tiếp giáp với ác ngư mình mẩy bóng loáng như bôi mỡ khiến nàng không khỏi lợm giọng. Nước bọt ứa lên cổ, Lam Y ghê tởm, và bỗng dưng nàng thấy thù ghét con cá kinh khủng ấy. Kình ngư vẫn tung sóng dữ tợn. Đúng tầm rồi, Lam Y trông thấy cả Đức Kiệt và Âu Dương Bích Nữ ở hai phía bên kia. Nàng hoa ngọn dáo ra hiệu cho vợ chồng Đức Kiệt khởi cuộc tấn công. Đức Kiệt và Âu Dương Bích Nữ cũng vẫy dáo trả lời. Lúc đó, kình ngư vụt đầu xuống nước, thân và đuôi còn chổng lên trời. Lẹ như chớp, Lam Y phóng liên tiếp hai ngọn dáo tả, hữu cắm phập vào sườn ác ngư quá nửa cán. Chu Đức Kiệt và Âu Dương Bích Nữ khởi sự đồng thời, ghim bốn ngọn dáo trúng đích ngọn nào cũng sâu quá nửa. Vừa lúc ấy, kình ngư nhô lên khỏi mặt biển. Sóng động mạnh, ba chiếc tam bản mỏng manh bồng bềnh muốn lật. Đã đứng vững, Lam Y nhân dịp kình ngư mới nhô lên, phóng luôn hai ngọn dáo nữa cắm phập vào mang cá. Kình ngư máu chảy đầy mình, hình như đã trông thấy địch thủ, quẫy khúc xông thẳng vào thuyền Lam Y.

Cùng lúc ấy, bốn ngọn dáo do Đức Kiệt và Âu Dương Bích Nữ phóng xẹt tới cắm trúng hai bên sườn kình ngư. Bất chấp, con thủy vật khổng lồ tiếp tục bơi phóng về phía Lam Y, nhưng hai tay chèo bơi lẹ tránh khỏi nguy hiểm. Kình ngư húc trượt, quẫy khúc, lại xông vào hướng thuyền Âu Dương Bích Nữ. Bình tĩnh, Âu Dương Bích Nữ phóng luôn hai ngọn dáo, một ngọn ghim trúng mang cá, một ngọn trúng đầu cá xương rắn, nên rớt xuống biển.

Đức Kiệt cũng lao liên tiếp hai dáo nữa ghim chặt vào sườn cá. Tức thì con kình ngư đổi hướng, xoay mình về phía Đức Kiệt và lướt thẳng tới phía ấy. Trong khi đó, sóng đập mạnh quá đánh dạt thuyền Lam Y về phía Đức Kiệt.

Nàng hô lớn :

– Chu huynh, nhằm mắt kình ngư!

Ngọn dáo từ tay tả nàng phóng vút ra cắm ngập vào mắt bên hữu kình ngư. Ngay trong chớp mắt, Đức Kiệt phóng theo một nửa trúng mắt bên tả. Ác ngư không nhìn thấy chi, trúng thương nặng, chậm chạp hơn trước nhiều, đuôi đập sóng bơi, vẫy lung tung, mất phương hướng.

Lúc đó, kình ngư chậm chạp xoay đầu về phía Âu Dương Bích Nữ. Nàng đủ thì giờ nhắm kỹ, phóng hai dáo trúng mắt kình ngư ngay kế bên hai ngọn dáo của Lam Y, Đức Kiệt. Bị sáu mũi dáo xiên qua mắt vào óc, kình ngư trúng tử thương, uể oải lăn lộn trên mặt biển hai ba vòng rồi im bặt hết động đậy. Máu ri rỉ chảy từ các vết thương ra nhuộm hồng cả mặt biển, sóng tan, phẳng lặng dưới vừng thái dương le lói giữa bầu trời xanh ngắt. Trên lưng kình ngư, cán dáo tua tủa như lông dím.

Ba chiếc tam bản, lúc này thư thả hơn, bơi nối đuôi vòng quanh thây ác ngư quan sát. Biết tánh em gái vốn không ưa thứ cá không vẩy, Đức Kiệt nói giỡn :

– Chúng ta ở lại Đông Hải Khẩu nhắm thịt kình ngư với dân làng mới được! Mập quá!

Lam Y nhăn mặt :

– Trời ơi! Ăn sao được! Lợm giọng quá chừng! Trông thấy da nó mà đủ ghê!

Nói đoạn, nàng bảo Triệu Thất bơi thuyền ra xa.

Quả nhiên, da con kình ngư bóng loáng vì rêu láng như mỡ phủ khắp mình nó. Mùi rêu lẫn mùi cá tanh sặc sụa. Viên thuyền trưởng thấy Tam hiệp đã hạ xong kình ngư liền lái chiến thuyền tới đón. Ba người cầm số khí giới còn lại nhảy lên thuyền lớn.

Chu Đức Kiệt toan bảo thủy thủ quăng giây tam bản và giúp sáu thanh niên ngư phủ cột kình ngư lôi về bến thì Âu Dương Bích Nữ đã nói :

– Các ngư thuyền Đông Hải Khẩu kéo nhau tới kia kìa. Để việc kéo kình ngư về bến cho họ, thạo hơn.

Lát sau các ngư thuyền tới nơi, có cả hai anh em Trần Tiễn, Trần Thành.

Trần Tiễn nói lớn :

– Mời quý vị về bến trước nghỉ ngơi. Chúng tôi sẽ kéo kình ngư về sau. Dân làng đã sửa soạn mổ cá trên bãi cát.

Chu Đức Kiệt đáp :

– Đông Hải Khẩu có sáu thanh niên ngư phủ khá lắm. Họ can đảm và rất rành nghề.

Được khen ngợi, khuyến khích, bọn Triệu Ngũ sáu người sung sướng, hân hoan nhìn các bạn đồng nghiệp già trẻ. Thiệt ra, họ can đảm và lành nghề thiệt. Chèo lái con thuyền tam bản mong manh giữa nơi sóng cồn và trước một kình ngư hung dữ quả không phải là việc mà cứ ai cũng làm được hay dám làm.

Tam hiệp về đến bến thấy toàn thể dân làng nam phụ lão ấu kéo ra bãi cát đông nghẹt. Họ chừa ra một khoảng lớn lấy chỗ để kình ngư. Các dụng cụ dùng để mổ cá lớn như rìu, đao và thúng tre đựng thịt cũng được bày sẵn ra đó. Lam Y thẳng lên căn nhà riêng. Vợ chồng Đức Kiệt lững thững theo sau. Hai người nhìn Lam Y rồi nhìn nhau mỉm cười.

Âu Dương Bích Nữ nói :

– Cô muội không ăn thứ cá da trơn là phải, coi thế này ấy!

Đức Kiệt cười khẩy :

– Lại hiền thê nữa! Hùa với Lam Y. Nếu không trông thấy dân làng làm thịt kình ngư, chiên xào thơm ngon, chắc vẫn ăn như thường. Thế nào cũng còn có ngày ăn lầm phải thịt người trong hắc điếm mới biết thân!

Sẩm tối hôm ấy, trước khi bày tiệc rượu, anh em ngư phủ Trần Tiễn, Trần Thành lên nhà riêng tiếp Tam hiệp. Trần Tiễn móc túi ra lấy một bọc nhỏ gói lụa đỏ bầy lên chiếc dĩa rồi cung kính đưa cho Chu Đức Kiệt. Họ Trần nói :

– Xin đại hiệp nhận thứ bảo vật này làm kỷ niệm.

Ngạc nhiên, Đức Kiệt đỡ lấy :

– Chúng tôi nhận giúp dân làng Đông Hải Khẩu thôi, sao lại vẽ vời biếu tặng thế này?

– Đại hiệp mở bọc ra sẽ biết.

Đức Kiệt theo lời Trần Tiễn mở gói lụa đỏ thấy một viên bạch trân châu trong vắt tuyệt đẹp và lớn bằng đốt ngón tay cái. Chàng đưa viên ngọc cho Lam Y và Âu Dương Bích Nữ coi. Hai nàng khen ngợi không ngớt miệng, Lam Y hỏi :

– Viên bảo ngọc này có một lai lịch kỳ thú phải không?

Trần Tiễn ra vẻ bí mật :

– Chính quý vị biết lai lịch của viên bảo ngọc này hơn ai hết.

Âu Dương Bích Nữ ngạc nhiên :

– Trần ngư ông nói chuyện gì mà lạ vậy? Thiệt tình tôi không hiểu.

– Vừa rồi chúng tôi bửa đầu con kình ngư thì thấy viên ngọc nằm gọn trong mang nó, mũi dáo xiên vào ngay bên cạnh. Tôi đã có dịp nghe các bô lão nói rằng thứ kình ngư ngọc là một bảo vật hiếm có trên đời, vì lẽ chỉ con kình ngư nào sống dư năm trăm năm mới có ngọc, vậy nên viên bảo ngọc này ít nhất cũng được kết tinh năm thế kỷ trong mang cá rồi. Quý đại hiệp là người xứng đáng nhận bảo ngọc hơn cả, nên tôi lên lấy đây.

Chu Đức Kiệt nói :

– Có thế chúng tôi mới dám nhận, tiếc rằng không hiểu viên bảo ngọc này có linh dụng gì không?

Trần Tiễn đáp :

– Tôi chỉ biết đó là viên ngọc quý vì tính chất hiếm có của nó, về phần công dụng thì đành chịu.

Trong khi anh em họ Trần trông coi người nhà sửa soạn cơm rượu, Lam Y đưa viên ngọc cho Âu Dương Bích Nữ mà rằng :

– Chu huynh và tiểu muội mỗi người đã có một viên Thủy, Hỏa châu rồi, vậy tẩu tẩu hãy nhận lấy kình ngư ngọc là đích đáng hơn cả.

Âu Dương Bích Nữ vui vẻ nhận ngọc, nàng nói :

– Chu lang và cô muội cùng nhường, tôi xin lãnh.

Nàng bọc viên ngọc vào miếng lụa đỏ, rồi bỏ vào túi.

Tối hôm ấy, dân làng Đông Hải Khẩu đốt đuốc mở tiệc ăn mừng ngay ở trên bãi cát mãi tới khuya mới tan. Anh em Trần Tiễn thấy Lam Y và Âu Dương Bích Nữ sợ ăn thịt cá không vẩy nên không dám mời ba người chung vui bữa tiệc ngoài trời trên bờ biển. Tam hiệp ở lại thăm thú Đông Hải Khẩu hai ngày rồi mới trở về bến Linh Sơn đảo.

Lúc ấy, Diêu Thiên Khánh còn ở lại Linh Sơn với thủy đoàn, còn tham tướng Trương Bỉnh Hoa thì đã trở vào đại lục kéo một phần lớn bộ đội về Tế Nam phủ trước.

Tam hiệp cũng từ tạ Diêu Thái Khánh về Bình Dương thành. Trong khi đi đường, Âu Dương Bích Nữ hỏi Đức Kiệt :

– Còn nhớ một hôm Chu lang nói tới những khu vực ở Sơn Đông có giống hoang mã, vậy con đường này có khúc nào thuộc một trong khu vực ấy không?

Đức Kiệt đáp :

– Có một nơi cách Bình Dương thành độ trên hai ngày đường, hôm đi qua ngu huynh quên khuấy không nói chuyện cho hiền thê nghe, chuyến này sẽ chỉ cho mà xem.

Âu Dương Bích Nữ nhìn Lam Y, nàng hỏi :

– Phải chăng là khu Thanh Thảo sơn mà cô muội đã nói tên cho tôi hay?

Lam Y gật đầu :

– Đúng vậy, nơi ấy nội cỏ xanh rờn toàn là giống mã thảo, trông xa, nhiều quãng đẹp như một tấm thảm nhung xanh biếc. Trước kia tiểu muội không để ý tới giống hoang mã nên không chịu kiếm tìm, nay nhờ tẩu tẩu hướng dẫn, tiểu muội mới nhận thấy cái đẹp cái hay của bầy hoang mã, Đất đai ngoại thành của nhà ta rộng rãi, nhiều khu có rừng có núi, nếu gây thêm được bầy hoang mã ngay tại chỗ thì còn chi thích thú bằng!

Âu Dương Bích Nữ nói :

– Việc ấy cũng không khó khăn lắm, chuyến này rộng rãi thì giờ nghỉ ngơi ở Bình Dương, tôi sẽ khởi công tạo thành vấn đề ấy Một hôm đi đến khu vực tiếp giáp Thanh Thảo sơn thì trời đã quá ngọ, ba người rẽ vào tửu quán Liễu Hà thôn dùng bữa. Sau đó, Tam hiệp vượt qua mấy trái đồi vào khu núi Thanh Thảo. Trong khi đang ruổi vó câu trên thảm cỏ xanh rì, Âu Dương Bích Nữ chợt dang hai tay ngăn Đức Kiệt và Lam Y ngừng lại, nàng la lớn :

– Ô, coi kìa! Dấu cỏ bị vó ngựa dầy dập từ hướng đông chạy tới rõ rệt quá. Chắc chắn có bầy hoang mã qua đây!

Dứt lời, nàng thúc ngựa chạy dọc theo các dấu vết ấy để quan sát.

Lam Y hỏi :

– Với dấu vết này, hiền tẩu có thể lượng đoán số hoang mã được không?

Âu Dương Bích Nữ suy tính giây lát, đoạn đáp :

– Bầy hoang mã này ít nhất cũng có bốn chục con. Chúng chạy từ khe núi hướng đông qua nương cỏ này rẽ vào phía sau Thanh Thảo sơn, chạy ngược sang hướng tây tức là hướng Bình Dương huyện. Từ đây về huyện nhà, chẳng còn mấy đỗi đường, tôi muốn mạo hiểm theo dấu vết này quá, Chu lang và cô muội nghĩ sao?

Lam Y hân hoan đồng ý ngay :

– Phải đó! Chúng ta nên theo xem sao. Dù có lạc đường trong khu này, tìm lối trở ra không khó.

Đức Kiệt nói :

– Hiền thê và hiền muội quên một điều rằng chúng ta không có lương khô, theo đường mới này không có quán trọ thì hai chị em tính sao?

Lam Y nói :

– Khó chi điều ấy! Bây giờ cũng đã cuối giờ Mùi, chi bằng chúng ta trở lại tửu quán Liễu Hà thôn mua lương khô, ngủ lại đó một đêm, sáng mai sẽ theo dấu vết bầy hoang mã cũng được.

Thế là ba người trở bước về quán trọ, chuẩn bị các thứ lương thực cần thiết.

Sáng hôm sau Tam hiệp theo chương trình đã vạch sẵn trở lại khu có dấu vết bầy hoang mã đi vòng vào phía sau Thanh Thảo sơn. Lối đi vòng vèo lúc băng qua đường cỏ xanh rờn, khi vượt qua chân núi đá, gồ ghề, hoặc đi vượt qua khu rừng rậm hoang vu. Dấu hoang mã lúc hiện trên thảm cỏ lúc biến mất khi chúng vượt qua chân núi đá, nhưng tựu trung ba người vẫn theo đúng lối đi của chúng. Ba người đi đến tận xế chiều, Đức Kiệt chỉ vào hốc đá mà rằng :

– Chúng ta nghỉ lại đây đêm nay, hốc đá này che nổi phong sương.

Hai nàng đồng ý cùng xuống ngựa ngay ở gốc cây trước cửa hang, đoạn đem hành lý vào bên trong.

Đức Kiệt nói :

– Hai chị em sửa soạn bữa ăn chiều nhé, đói bụng quá chừng! Để ngu huynh đi kiếm cành khô đem đốt sưởi cho ấm.

Âu Dương Bích Nữ mở bọc hành lý lấy ba chiếc túi da đưa cho chồng.

– Nếu gặp vũng nước Chu lang liệu xách về luôn thể.

Lam Y bảo hai người :

– Việc “nội trợ” để mặc tiểu muội cáng đáng, huynh, tẩu cùng đi đốn củi, kiếm nước về dùng mới phải.

Đức Kiệt, Âu Dương Bích Nữ đi khỏi. Lam Y lượm mấy cành khô trước cửa hang đánh đá nhóm lửa. Trong khi chờ lửa bốc lên, nàng giở ba tấm mền trải gọn ghẽ trong hang để lát nữa nghỉ ngơi. Sau đó, nàng lấy thịt khô bọc mỡ ra nướng, mùi thịt bốc lên ngào ngạt thơm phức. Vợ chồng Đức Kiệt về tới cửa hang, người ôm củi gộc người xách túi da đầy nước. Đức Kiệt bỏ củi bên cửa hang đánh hơi :

– Chà! Mùi thịt thơm quá khiến ngu huynh bụng đói cồn cào. Ăn đã rồi sẽ hay, trời hãy còn sớm.

Ba người quây quần dùng bữa chiều, thịt nướng vàng ngậy với trúc phạn (cơm sôi nhồi vào trong ống trúc vùi lửa). Đức Kiệt không quên mua theo hồ rượu ngon, mỗi người uống vài ly cho ấm bụng.

Chàng nói :

– Cách đây độ hai trăm bước có suối nhỏ. Ăn xong ta dắt ngựa ra đó uống nước và rửa mặt luôn thể.

Âu Dương Bích Nữ âu yếm nhìn chồng :

– Đáng lẽ phải cho ba tuấn mã uống nước, ăn cỏ trước khi ta dùng bữa mới phải. Chu lang háu đói quá!

Lam Y mỉm cười nhìn vợ chồng Đức Kiệt :

– Bây giờ cũng vậy, hễ ăn ngoài trời là Chu huynh mau đói, ăn như hùm.

Ba người dắt ngựa ra bờ suối thả cho uống nước. Trong khi ấy, Âu Dương Bích Nữ dẫn Lam Y, Đức Kiệt chỉ cho xem dấu chân bầy hoang mã dầy xéo trên cỏ khi chúng lại bờ suối uống nước. Nàng nói :

– Suốt ngày hôm nay, chúng ta theo đúng vết chân bầy hoang mã, dù đường đi khúc khuỷu, nhưng tựu trung vẫn theo hướng tây tức là lối dẫn về Bình Dương huyện. Tôi chắc chắn thế nào cũng có một thung lũng, nơi mà bầy hoang mã ngừng lại đó trước khi rong ruổi đi nơi khác.

Lam Y hỏi :

– Dong ruổi nơi khác nghĩa là chúng bỏ khu vực này sang khu vực khác sao?

– Không hẳn vậy. Thung lũng hoang vu là nơi ở của hoang mã, nhưng giống thú này luôn luôn lưu động, chúng băng qua khe nọ, rừng kia trong vài ba ngày rồi lại trở về chốn cũ. Tạo hóa sanh giống thú hùng dũng ấy có tài băng rừng vượt núi, vậy việc chúng lưu động phải chăng là một lối chúng luyện tập thường xuyên? Chu lang và cô muội để ý thử coi, một tuấn mã dù hay đến cực độ mà gặp phải người chủ không biết cách săn sóc luyện mã, chỉ chăm nom cho nó ăn uống tử tế mà chỉ thỉnh thoảng mới cho chạy, con tuấn mã đó chắc chắn sẽ thành vô dụng. Giống tuấn mã cần phải chạy là thế. Chạy đối với chúng can hệ như ta cần phải luyện tập thường nhựt. Bỏ lững ít lâu, bản lãnh của ta sẽ suy kém lần lần.

Chu Đức Kiệt cười vang, chàng bảo Lam Y :

– Lời dạy của nữ giáo sư rất đúng. Không ngờ Chu gia trang lại có một giáo sư mã tánh đặc biệt như vậy! Theo dõi hoang mã tới đây, tất giáo sư đã xây dựng được một chương trình hành động?

Âu Dương Bích Nữ nghiêm nghị :

– Chu lang giỡn hoài! Nếu không tính toán rồi thì tội gì lần mò theo dấu tích hoang mã đến đây cho mệt xác?

Lam Y hỏi Âu Dương Bích Nữ :

– Nếu tiểu muội không lầm, phải chăng hiền tẩu tính hướng đi của bầy hoang mã này là có ý muốn xem chúng chạy tới đâu và liệu có thể dồn chúng về khu đất đai của nhà?

Âu Dương Bích Nữ gật đầu :

– Cô muội đoán trúng. Hoang mã chỉ lưu động trong một khu vực lớn nhất định của nó, chỉ rời khu vực quen thuộc ấy khi nào hết cỏ vì sự người ta khai khẩn lập trại, đốt phá cây cỏ để làm nương trồng ngũ cốc. Ngay từ hồi mới về Bình Dương huyện, tôi chú ý ngay khu đất ngoại thành của nhà. Trừ những thửa đất phía ngoài đã được khai khẩn thành vườn, thành ruộng nương, khu bên trong tiếp giáp với núi, rừng vẫn bỏ hoang, nhiều nơi mọc đầy thanh thảo mã. Nếu ta dồn được bầy hoang mã về khu ấy bằng cách chận hẳn các ngả đi khác và gây cho chúng có đủ cỏ xanh thì chúng sẽ quen, ở luôn trong khu vực, nhất định thuộc về ta. Đó là bước đầu tiên của việc lập mã trại. Chu gia trang có đủ người, đất đai phì nhiêu, vị trí khu đất bỏ hoang cũng rất tốt, tại sao ta không khai thác cho đến kỳ cùng? Chu lang và cô muội đã có dịp quan sát đất đai thuộc Âu Dương trang ở Tô Châu tất phải để ý rằng không một thửa đất nào bị bỏ hoang, ngoại trừ mấy khu đồi cỏ. Phụ thân và nhị huynh Tòng Cát, Tòng Đức vẫn tiếc rằng đất nhà không có rừng núi để gây giống ngựa rừng. Chuyến qua Bình Dương vừa rồi, thân phụ và nhị huynh luôn luôn khen khu đất nhà ta có vị trí tốt. Người hỏi riêng tôi tại sao Chu lang và cô muội không gây giống hoang mã Sơn Đông. Tôi có hứa với Người là sẽ đem hết điều đã học được để làm việc lợi ích ấy. Bởi vậy tôi muốn khởi công ngay.

Chu Đức Kiệt nói :

– Từ trước ngu huynh và Lam Y không chú ý tới việc đó, nay phụ tá hiền thê khởi công cũng được chớ sao? Hình như Lam Y còn muốn du hiệp sang hướng Tây bắc và Tây nam? Đi luôn luôn thành thử không săn sóc được việc nhà. Quản trang Vương Bình thì chỉ đủ sức trông nom điều khiển những công việc đã hiện hình.

Âu Dương Bích Nữ nói :

– Việc gây giống hoang mã này về sau không bận rộn tới ta, nhưng chúng ta cần phải khởi công, và luyện cho mọi người trong trang biết cách khai thác, trong thời gian một hai năm ta sẽ rãnh tay, muốn du hiệp nơi đâu mà chẳng được?

Nhìn vợ chồng Đức Kiệt, một ý nghĩ khác hiền bật ra trong tâm trí nàng, Lam Y liền nói :

– Vân du hành hiệp là một việc bất cứ ta thực hành lúc nào cũng được, huynh tẩu chẳng nên quan tâm. Hiện thời, chúng ta khai thác nốt khu đất rộng lớn của nhà, chừng nào xong xuôi hoàn toàn sẽ hay. Trước kia song thân hẳn phải có ý định mở mang lớn nên mới sắm cả một khu đất đai rộng lớn này, nay ta gây giống hoang mã, biết đâu không trúng ý Người? Tiểu muội nhất quyết giúp hiền tẩu trong vụ khai thác nốt phần đất nhà.

Chu Đức Kiệt hiểu ý Lam Y, mỉm cười quay đi nơi khác. Chàng nói :

– Kìa! Ba tuấn mã đã khát rồi, trở về hang cho chúng ăn cỏ thì trời vừa tối.

Lam Y bảo :

– Hiền huynh dắt ngựa về trước cho chúng ăn cỏ và gây thêm lửa, tiểu muội và tẩu tẩu tắm rồi sẽ về sau.

Chu Đức Kiệt đi khỏi, hai nàng cởi áo xuống suối tắm.

Trong khi hai người đang giỡn nước giữa dòng suối trong veo, chợt Âu Dương Bích Nữ chỉ nên chỗ y phục vắt lên cành cây mà rằng :

– Cô muội coi kìa!

Lam Y tưởng có người vội ngồi thụp xuống nước rồi mới nhìn lên phía tay Âu Dương Bích Nữ chỉ thì thấy một con rắn cặp nong đang trường khúc ngay cành cây vắt y phục.

Nàng mỉm cười nhìn chị dâu :

– Tẩu tẩu khiến tiểu muội hết hồn! Tưởng có người!

Âu Dương Bích Nữ cười ròn rã :

– Bộ cô muội tưởng đây là suối đào trong Thiên Thai động nên Lưu, Nguyễn lạc tới chăng?

– Chẳng người thì cũng hoảng hồn vì độc xà. Trông nó buồn nôn lắm! Trời ơi, nó bò thẳng tới chỗ vắt y phục kìa!

Quả thế, con cặp nong khúc vàng, khúc đen thân lớn bằng cổ tay dài hơn sải tay, lưỡi thè ra ngọ nguậy như tia lửa, đang trườn tới sát chỗ y phục Lam Y, Âu Dương Bích Nữ vắt ngay đầu cành khô… nhưng không, độc xà không tiến xa hơn nữa. Nó ngóc đầu lắc la, lắc lư, thỉnh thoảng lại tia lưỡi ra, coi ghét tệ! Nhẹ tay, Lam Y lượm một viên đá cuội trong lòng suối, nhằm đầu rắn chọi mạnh.

Trúng giữa đầu, ác xà có lẽ bị choáng váng nên khúc mình trên nó rời khỏi cành cây lòng thòng lơ lững vì đuôi nó còn đang quấn chặt.

Lam Y lựa một viên đá nữa liệng trúng thân ác xà. Con cặp nong rớt bộp xuống đất quằn quại, uể oải bò đi.

Âu Dương Bích Nữ nói :

– Gẫy khúc rồi mà nó còn cố trườn. Giống rắn không bị đánh đập đầu không chết.

Lam Y thở phào :

– Miễn là nó đừng bò vào y phục. Tiểu muội lợm giọng khi thấy rắn. Thôi, lên bờ đi.

Lát sau, hai nàng về tới nơi thì Đức Kiệt đã gây xong đống lửa lớn ở cửa hang. Màn đêm buông lần lần, khí rừng bốc lên phảng phất khắp nội cỏ ngàn cây.

Sáng hôm sau, điểm tâm, uống trà xong, Tam hiệp lên ngựa vượt suối, nhằm hướng tây len lỏi theo dấu vết hoang mã đi đến cuối giờ Thìn, bỗng nhiên ba con tuấn mã bắt đầu vểnh tai như đánh hơi thấy sự gì lạ. Âu Dương Bích Nữ nói :

– Bầy hoang mã không còn xa đâu. Ba con ngựa tinh khôn này đánh hơi thấy rồi đó.

Đi độ một khắc nữa, Tam hiệp tới một khe đá chỉ vừa chỗ cho một người một ngựa qua thôi.

Lam Y reo lên :

– Bên ngoài sáng thế kia có lẽ là thung lũng…

Âu Dương Bích Nữ nói tiếp :

– Nội cỏ lớn thì đúng hơn, chắc chắn bầy hoang mã ở đó rồi! Thử coi?

Nàng xuống ngựa đưa dây cương cho Đức Kiệt chạy thẳng ra khe đá ló đầu nhìn đoạn vẫy tay rối rít gọi hai người đi sau. Lam Y, Đức Kiệt xuống ngựa, rảo bước tới.

Giữa thung lũng khá lớn, mặt đất mọc toàn thanh thảo mã xanh rờn, bầy hoang mã đang thản nhiên ăn cỏ lác đác khắp nơi. Âu Dương Bích Nữ chỉ tay mà rằng :

– Cô muội và Chu lang coi, giống thú thông minh này trật tự lắm. Tuy chúng sống thành đoàn, nhưng trong nội cỏ lớn, gia đình nào riêng biệt gia đình ấy. Mối tốp nhỏ đây là một gia đình có con đực to dữ hơn hết làm chủ rõ rệt lắm.

Lam Y nói :

– Tốp năm, tốp bảy, có tất cả mười hai gia đình trong đoàn hoang mã này, phải không?

Âu Dương Bích Nữ đếm qua, gật đầu đồng ý :

– Đúng mười hai tốp.

Đức Kiệt hỏi :

– Nhưng tốp trưởng đoàn đâu, nhìn mãi không ra.

Âu Dương Bích Nữ đáp :

– Nhận kỹ xem đã. Tốp nào có con đực hùng dũng hơn cả là chúa bầy.

Lam Y lẩm bẩm :

– Con nào trông cũng khỏe, toàn thể cả cái lẫn đực và ngựa con ngót trăm đầu.

Ba người còn đang mải miết nhận xét, bỗng từ phía đầu thung lũng bên kia, một hoang mã loang hai màu đen trắng, bờm dài trắng như cước, sống mũi dọc trắng, nghếch đầu hí vang rồi phóng mình phi nước kiệu vòng quanh nội cỏ. Con ngựa hoang đó phi tuyệt đẹp, bốn vó lướt như bay trên ngọn cỏ, bờm và đuôi tung ra theo chiều gió coi thiệt kỳ vỹ. Nó chạy vòng đến chỗ khe núi có Tam hiệp núp đang mải miết xem ngắm cảnh thì bống chồm ngược hai vó trước lên cao, quay đi mấy vòng rồi lại tiếp tục phi vòng về chỗ cũ, nơi gia đình đông hơn cả đang bình thản ăn cỏ.

Lam Y nói :

– Thì ra hoàng gia đông hơn cả!

Âu Dương Bích Nữ lắc đầu :

– Không cứ như thế đâu, có khi đông có khi ít. Nhưng chắc chắn hoang mã vừa rồi là đại vương rồi.

Đức Kiệt nói :

– Đẹp thiệt! Hai vó trước ngần đến đầu gối, hai vó sau đen tuyền đến mắt cá đốm trắng. Các vết loang ở trên mình nó cũng đúng chỗ, vừa ý, chẳng khác chi con Bạch hồng mã của hiền thê. Bắt nó về dùng chăng?

Âu Dương Bích Nữ nói :

– Bắt nó về dùng vị tất đã tốt vì không biết tuổi nó bao nhiêu. Tỉ dụ nó ít năm thì dùng được vì đời sống gia đình chưa hại tới sức khỏe của nó. Trái lại, nó nhiều năm rồi thì dùng nó làm ngựa giống được thôi. Bây giờ muốn chắc chắn, người bắt hoang mã phải lựa con nó mà bắt nuôi lớn lên mới tốt.

Nàng mỉm cười nhìn hai người một cách ranh mãnh rồi nói tiếp :

– Nhưng tội gì bắt lẻ từng con như vậy? Ta sẽ bắt cả đoàn hoang mã này. Con đầu đoàn hùng vĩ như thế, tất trong đoàn còn nhiều con nhỏ xuất tướng.

Nhận xét một hồi nữa, Âu Dương Bích Nữ cầm tay Đức Kiệt và Lam Y trở bước về chỗ để ngựa, tìm phiến đá lớn dưới bóng cây cùng ngồi.

Nàng nói :

– Nếu chúng ta cứ thẳng hướng tây mà đi thì trưa mai về tới địa phận Bình Dương thành, phải không? Nghĩa là từ đây về khu đất đai của nhà ta không bao xa. Thung lũng có bầy hoang mã này bỏ hoang không người khai khẩn, đủ tỏ rằng không ai chú trọng đến các vùng đất ăn sâu vào rừng núi này. Bầy hoang mã kia thường lưu động từ đây sang khu Thanh Thảo sơn, chúng qua lại nơi này đã quen, và thật ra thung lũng đây mới là chỗ trú ngụ của chúng. Trước hết, ta có thể lấp khe núi này chặn đường không cho chúng trở lại Thanh Thảo sơn, sau đó ta tiếp tục lấp các khe núi khác nếu có. Giống hoang mã cần lưu động luôn luôn, chúng bị nghẽn lối này tất phải tìm đường thoát khác, về phía Bình Dương huyện chẳng hạn…

Lam Y ngắt lời :

– Tiểu muội hiểu hiền tẩu định nói gì rồi. Dồn bầy hoang mã này về nội cỏ thuộc đất nhà chớ gì?

Âu Dương Bích Nữ gật đầu :

– Đúng thế! Nhưng dồn hẳn chúng về cũng không được. Ta phải mặc chúng lưu động từ thung lũng này về tới khu nội cỏ của nhà, và muốn cho chúng không thoát ra, ta sẽ khởi công đóng gióng ngăn tại phía Bình Dương.

Lam Y suy tính :

– Nhưng chắc rằng có đường ăn từ đây về khu đất nhà hay lại thông đi nơi khác thì uổng công.

Hai nàng bỗng ngừng nói chuyện, nhìn Đức Kiệt đang chăm chú đi quanh các gốc cây gần đó, như muốn tìm kiếm một vật gì. Âu Dương Bích Nữ hỏi lớn :

– Chu lang tìm cái chi vậy?

– Tìm câu trả lời câu hỏi vừa rồi của Lam Y.

Hai nàng ngạc nhiên nhìn nhau. Âu Dương Bích Nữ hỏi chồng :

– Sao lại nhìn gốc cây tìm câu trả lời Lam Y? Chịu không hiểu?

Bỗng Đức Kiệt mừng rỡ đứng dừng lại trước gốc cây đa lớn rồi vẫy tay gọi Lam Y và Âu Dương Bích Nữ lại mà rằng :

– Hai người có nhận thấy gì lạ trên thân cây đa này không?

Hai nàng chăm chú nhìn quanh thân cây đa vỏ sù sì và cũng nhận ra một chữ lớn mỗi chiều rộng tới một thước. Chữ đó tuy không đều đặn rõ ràng nhưng cũng đủ để hai nàng đồng thanh :

– Chữ “Chu!”.

Lam Y ngạc nhiên :

– Sao lại có chữ “Chu” trên thân cây? Sao hiền huynh biết là có chữ ấy mà tìm kiếm ở đây?

Chu Đức Kiệt trở lại gốc cây có mấy phiến đá xuống mà rằng :

– Vừa rồi Lam Y hiền muội thắc mắc về vấn đề lối đi khiến ngu huynh chợt nhớ ra năm mười một, mười hai tuổi chi đó, đã có một lần phụ thân dẫn ngu huynh và Vương quản trang đi thăm thú đất của nhà. Phụ thân đi sâu mãi vào trong núi mà ngu huynh không biết là phương hướng nào, nhưng chỉ chợt nhớ rằng trưa hôm sau đi tới một thung lũng toàn cỏ xanh mướt và sau đó ngồi nghỉ, ăn bữa trưa trong khe núi. Nhân lúc phụ thân và Vương Bình mải tháo yên cương cho ngựa ăn, và nghỉ ngơi, ngu huynh lấy dao khắc chữ “Chu” lên một thân cây. Nay nhớ chữ đó ngu huynh nhận ra là chính tại đây phụ thân đã cắm trại nghỉ trưa hôm ấy.

Lam Y hỏi :

– Cùng một cảnh vật hoang vu này mà hiền huynh không nhận ra ngay từ lúc mới tới sao?

Đức Kiệt mỉm cười :

– Hiền muội nói câu ấy là không nhận xét kỹ! Trước hết hồi ấy ngu huynh theo phụ thân đi ngược chiều khó nhận lắm. Điều thứ nhì, cảnh vật có khác xưa. Tỉ dụ cây đa có khắc chữ “Chu” kia trước nhỏ nay lớn hơn một ôm. Các cây khác quanh đây cũng đổi khác rất nhiều. Ba phiến đá lớn và các phiến đá nhỏ lác đác đây trước không có ở gốc cây này, có lẽ mới chùi đá rớt xuống chăng? Chữ Chu khi trước khắc sâu lớn bằng bàn tay, nay chữ nở ngót một thước theo sức lớn của thân cây. Theo thời gian, cảnh vật đã đổi khác rất nhiều, duy có mấy trái núi và rừng cây dày đặc ở đầu thung lũng ngoài kia là vẫn trơ trơ cùng tuế nguyệt. Tuy vậy, có một điều chắc chắn là từ thung lũng này, có lối thông và nối liền với khu nội cỏ của Chu gia.

Âu Dương Bích Nữ cười ròn rã :

– Nghĩa là chương trình dự tính bắt bầy hoang mã này thuộc về Chu gia có thể thực hiện được?

Đức Kiệt gật đầu :

– Không những thực hiện được hoàn hảo mà ngu huynh còn cho biết rằng – theo lời phụ thân – không có đường mòn nào khác ngoài con đường này.

Lam Y reo lên :

– Vậy thì ngay bây giờ ta có thể chặn đá lớn bít khe núi này trước đã, để bầy hoang mã khỏi thoát về phía Thanh Thảo sơn. Sau đó, ta trở về Bình Dương ngay, tức tốc khởi công đóng gióng khu vực nội cỏ rồi trở lại đây lùa đoàn hoang mã về phía đất nhà cho chúng quen dường là xong việc.

Đức Kiệt đứng lên nói :

– Ba tảng đá lớn đây lấp được vừa khe núi này không?

Âu Dương Bích Nữ đáp :

– Thừa sức, vừa đủ bề ngang và chiều cao, dù hoang mã dữ thế nào cũng không thể nhảy qua được.

Lam Y bảo Âu Dương Bích Nữ :

– Tẩu tẩu hãy dắt ngựa ra ngoài thung lũng, để việc lấp khe núi cho tiểu muội cùng Chu huynh.

Theo lời Lam Y, Âu Dương Bích Nữ dắt ba tuấn mã ra thung lũng đứng chắn ngang khe núi. Đức Kiệt cùng Lam Y nhìn mấy phiến đá không thấy chỗ nào khả dĩ bấu tay để nhấc lên vai đi được, bèn dùng sức dần ra tới miệng khe, chắn hai tảng hai bên, còn tảng thứ ba thì hai người khiêng đặt lên trên.

Sau đó, hai người vác những tảng đá nhỏ lấp hết các chỗ trống.

Lam Y nói :

– Bức tường thô sơ này trừ voi ra không một con thú nào húc đổ được. Chỉ trong vòng mấy tháng nữa, cây leo, cỏ dại sẽ mọc đầy, lấp hết vết đá chồng nhân tạo.

Lam Y, Đức Kiệt phi thân đứng lên mỏm đá trên cùng nhìn bao quát thung lũng rồi nhảy xuống thảm cỏ mượt êm ru.

Âu Dương Bích Nữ trao cương cho hai người dặn rằng :

– Đừng băng qua thung lũng nhé. Chu lang nhớ lối dẫn về tới đất nhà không?

– Nhớ ra rồi. Nào đi!

Ba người cho ngựa đi bước một, dọc theo ven chân núi, vòng sang bên kia thung lũng rồi mới rẽ vào con đường mòn trong khe núi tương đối rộng hơn lối mới gấp ba bốn lần.

Lam Y nói :

– Lối này dễ chạy hơn nhiều và cũng dẫn tới nội cỏ rộng rãi của nhà, tại sao bầy hoang mã không bao giờ lưu động ra tới đây, mà cứ phải chạy về phía Thanh Thảo sơn?

Âu Dương Bích Nữ đáp :

– Dễ hiểu lắm. Giống hoang mã vốn không ưa lui tới những khu đất nào tiếp giáp với nơi có người ở. Nội cỏ của nhà thì gần như liền ngay với khu khai khẩn, hoang mã không tới vì lẽ đó. Ngay như vừa rồi, chúng ăn cỏ ở đầu thung lũng bên kia, ta đi vòng phía bên này chúng mới không sợ.

Chu Đức Kiệt nói :

– Nếu vậy, đóng gióng để ngăn khu nội cỏ của nhà với khu khai khẩn cũng chống chếnh lắm nhỉ, vị tấy bầy hoang mã đã dám tới nơi ăn cỏ đàng hoàng như trong thung lũng hoang vu kia. Ta phải xây hẳn một bức tường cho kín đáo hơn. Hoang mã sẽ lầm bức tướng là vách núi chớ gì? Vả lại, khoảng trống cần phải xây tường để bít kín, nội cỏ của nhà cũng chỉ có vài trăm thước thôi, ngoài ra đã có vách núi.

Âu Dương Bích Nữ hỏi Đức Kiệt :

– Xây bao lâu xong bức tường ấy?

– Không bao lâu. Mộ hẳn vài trăm nhân công là việc Vương quản trang có thể làm trong nháy mắt, mua và chở vật liệu đào móng mất một ngày. Công việc xây dựng độ hai ngày là quá nhiều. Tổng cộng gọi già ra là bốn ngày có thể hoàn thành và tường sẽ cao một trượng. Nơi cổng ra vào, ngu huynh sẽ cho xây một vọng lầu có mái, có thể đứng trên ấy tự do quan sát bầy hoang mã mà không khinh động tới chúng.

Lam Y hỏi Đức Kiệt :

– Hiền huynh có nhớ hồi ấy phụ thân vào khu rừng này với mục đích gì không?

– Không, để hỏi Vương Bình sẽ rõ.

Chiều hôm ấy, Tam hiệp cắm trại ngủ trong núi, quá ngọ hôm sau về tới khu nội cỏ thuộc Chu gia. Đức Kiệt chỉ dẫn cho Lam Y và Âu Dương Bích Nữ xem nơi chàng dự tính cho xây bức tường thành và nơi đặt vọng lâu. Hai nàng đều ưng ý.

Xế chiều, ba người vào thành về trang trại. Lúc qua cổng trang, Đức Kiệt cười mà rằng :

– Hôm ra đi, chúng ta dự tính thăm thú vùng Lao Sơn, rốt cuộc thành ra mất nhiều thì giờ về vụ Ngao Sơn Đầu, đành bỏ lửng vụ kia.

Lam Y nói :

– Vừa mới ra biển rồi không lẽ lại đi biển nữa? Trở về lo vụ hoang mã là phải.

Tam hiệp cưỡi ngựa vào tới thềm đại sảnh. Vương quản trang, Trần nhũ mẫu và mọi người trong trang chạy ra đón tiếp. Vỗ vai Vương Bình, Chu Đức Kiệt vui vẻ hỏi :

– Ở nhà có chuyện gì lạ không?

– Thưa không, mọi sự bình thường.

Lam Y ranh mãnh bảo viên quản trang trung thành :

– Nếu vậy, chúng tôi đem việc về cho quản trang đây.

Vương Bình ngạc nhiên :

– Việc gì thế tiểu thư?

– Trước hết, tôi muốn hỏi quản trang câu này đã. Khi xưa, gia phụ cùng quản trang vào nó đi ra lối Thanh Thảo sơn làm gì thế? Còn nhớ không?

Vương Bình nghĩ giây lát :

– A! Vụ ấy lâu lắm, tôi nhớ ra rồi. Chuyến ấy có cả đại lang cùng đi, riêng có tiểu thư còn nhỏ quá nên lão Trang chủ không cho đi theo. Đại lang còn nhớ không?

Đức Kiệt gật đầu :

– Nhớ lắm chứ! Chính tôi nhắc chuyện ấy cho Lam Y nghe, nhưng không nhớ ra vì lý do gì gia phụ lại vào miền hoang vu ấy?

– Thưa, tôi biết một phần nào thôi. Cố lão Trang chủ nghi ngờ là đã có hoang mã về đến khu đất thuộc Chu gia nên người đi tìm. Hiềm vì hồi ấy đang trúng hai tháng khô thành thử không nhận ra dấu vết gì hết.

Lam Y nói :

– Nếu đi quá nữa thấy rõ dấu vết, hiềm vì khi đến một thung lũng nhỏ, cắm trại nghỉ trong khe núi rồi trở bước ngay nên không thấy gì là phải.

Dứt lời, nàng kể chuyện gặp bầy hoang mã cho Vương Bình nghe. Viên quản trang gật đầu :

– Bây giờ ba vị lập chương trình đưa bầy hoang mã về đất nhà tức là nối được chí hướng khi xưa của cố Trang chủ, nhưng… tôi còn nhớ chuyến đi ấy, cố Trang chủ còn tìm một nơi nào có ba cây – một cây thông, một cây dương, một cây hòe – tôi không dám hỏi Người vì lý do gì và chỉ chú ý thấy thỉnh thoảng Người lại mở một tờ giấy lớn bằng hai bàn tay chụm lại ra xem. Về sau này, cố Trang chủ có đi nữa hay không, tôi không được rõ, nhưng chuyến độc nhất có đại lang và tôi, hoàn toàn vô kết quả.

Lam Y, Đức Kiệt nhìn nhau, ngạc nhiên. Đức Kiệt lẩm bẩm :

– Lạ nhỉ! Khi tôi nhỏ tuổi, phụ thân không nói gì đã đành, sau này lớn lên, việc gì phụ thân cũng nói cho hay, chẳng nhẽ một chuyện như thế mà người không cho tôi biết sao? Từ ngày ấy đến nay mấy chục năm qua rồi!

Lam Y thở dài :

– Thôi, bỏ chuyện đó để đi lo việc hiện tại. Sớm mai, Vương quản trang liệu tính với đại lang việc xây đắp bức tường nói tới vừa rồi. Ta cần phải tranh thủ thời gian. Bầy hoang mã bị lấp lối Thanh Thảo sơn tất thế nào, chẳng phải dồn, chúng cũng lưu động ngược ra phía này.

Đức Kiệt bảo Vương Bình :

– Quản trang thuộc nơi tôi muốn xây bức tường đó rồi. Lát nữa xong bữa, tôi sẽ lập một họa đồ vị trí xây dựng và kích thước hẳn hòi.

– Việc đó không khó khăn, đại lang để tôi trù tính đốc xuất.

Sáng hôm sau, Vương Bình đi lo việc nhân công vật liệu. Đức Kiệt rủ vợ và em lên huyện nha.

Âu Dương Bích Nữ hỏi chồng :

– Nếu không có việc gì liên hệ, Chu lang lên huyện một mình được rồi. Chị em tôi ở nhà cũng có việc, đi hoài.

Đức Kiệt mỉm cười :

– Mỗi chuyến ngu huynh gặp Thẩm Ngọc Thụ thì Thẩm phu nhân đều quý mến hỏi thăm, nên ngu huynh mời cùng đi. Bận việc thì thôi.

Lam Y bảo chị dâu :

– Để Chu huynh đi, chị em ta vào hậu đường đo may mấy chiếc áo cần dùng đi!

Hôm ấy, Thẩm huyện quan không có việc can hệ tan hầu sớm, nghe báo Chu trang chủ thì vội vàng thân mật ra tận cổng đường đón vào nhà trong. Đức Kiệt thuật việc Ngao Sơn Đầu và Linh Sơn đảo cho họ Thẩm nghe. Huyện quan nói :

– Tôi cũng nhận được thư của Trương tham tướng phát tả việc chinh phạt. Y rất ca tụng tài đức ba vị.

Chu Đức Kiệt nói :

– Tôi có một việc muốn yêu cầu Thẩm công.

– Xin cứ nói. Tôi rất vui lòng.

Đức Kiệt thuật việc chàng muốn khai khẩn khu đất có bầy hoang mã cho huyện quan nghe và nói tiếp :

– Tôi xin Thẩm công cấp cho một công thư chứng nhận phần đất tôi sẽ khởi công khai thác đó thuộc phần Chu gia trang…

Thẩm Ngọc Thụ cười ha hả :

– Đất hoang bỏ thừa thiếu gì. Chu trang chủ khai khẩn là một việc may cho triều đình, cần chi giấy tờ?

– Khu đất ấy thuộc lối qua lại của gia súc, tôi cần dứt khoát, sau này sẽ dễ nói chuyện hơn.

Thẩm Ngọc Thụ gật đầu :

– Trang chủ dạy chí phải, vậy xin tự kỷ lập họa đồ khu đất mà Trang chủ ưng ý. Tôi sẽ lập chứng thư và vào sổ Điền bộ là xong.

Đức Kiệt nói mấy câu cảm ơn rồi cáo biệt. Họ Thẩm cố giữ lại khoản đãi nhưng chàng bận việc, hẹn khi khác. Về đến nhà, Đức Kiệt đem việc lập họa đồ thung lũng, đường chạy của hoang mã tiếp đến khu nội cỏ, nói cho vợ và em nghe. Lam Y nói :

– Nếu vậy chờ hoàn thành bức tường, chúng ta đằng nào cũng phải trở lại thung lũng dồn bầy hoang mã cho chúng biết đường về Bình Dương. Lúc đó hiền huynh sẽ thấy phương hướng, phác họa bản đồ và đóng bảng lên các thân cây dọc theo lối đi lập ranh giới cho đường hoang mã chạy.

Âu Dương Bích Nữ đồng ý :

– Cô muội nói phải, tôi rất tán thành việc lập các tấm bảng ranh giới đường chạy của hoang mã, nhưng trong chứng thư cần ghi rõ ràng suốt dọc hai bên đường mòn, mỗi bên rộng một dặm là thuộc phần đất Chu gia. Như vậy cốt tránh hết mọi sự tranh chấp sau này, nếu có!

Đức Kiệt mỉm cười nhìn vợ :

– Làm gì mà chặt chẽ thế? Ai dám quấy rầy ta nữa?

Âu Dương Bích Nữ không do dự :

– Biết đâu một ngày kia Lôi Vân Long không trở về Bình Dương và sẽ tiếp tục đương đầu với ta? Y có thể xin Thẩm Ngọc Thụ công khai lấy một khoảng đất nào đó bên lề đường lưu thông của bầy hoang mã và làm cho chúng hoảng sợ, thất tán thì sao?

– Chà! Nếu Lôi Vân Long hành động như vậy tức là gây chiến và buộc ta phải đánh rồi chi nữa?

– Dĩ nhiên là ta sẽ trả miếng, nhưng y có lý quấy phá cả một chương trình xây dựng của Chu gia. Trái lại, nếu hai bên đường đi đều thuộc phần đất của ta thì y không dám xâm nhập để chịu lỗi trước toàn dân Bình Dương. Hai trường hợp khác nhau xa.

Lam Y lên tiếng :

– Tẩu tẩu tiên phòng như vậy là phải lắm, hiền huynh nên theo lời. Lôi Vân Long tuy bỏ Bình Dương đã lâu, nhưng đất đai của y còn cả ở tả khu huyện này, biết đâu một ngày kia y không trở lại gia trang như chúng ta? Khi đó sẽ khó xử. Vậy ta nên thận trọng là hơn hết.

Luôn trong bốn ngày trời, Tam hiệp và Vương quản trang đốc thúc ba trăm công nhân hoàn thành bức tường gạch thật kiên cố. Sau đó, Đức Kiệt rút bớt đi, chỉ để lại một số người chọn lọc xây vọng lâu ở ra vào, trao cho Vương Bình nhiệm vụ trông nom việc xây cất. Còn chàng cùng Lam Y, Âu Dương Bích Nữ đem theo sáu trang đinh chở các tấm bảng nhỏ bằng cây vào lối đường mòn đóng dấu lối đi. Mọi người vào đến thung lũng nhỏ mà người Chu gia trang từ đó đặt thành tên là Kỳ Mã Ổ – bầy hoang mã hãy còn quanh quẩn ăn cỏ tại đó. Âu Dương Bích Nữ nói :

– Kỳ Mã Ổ không có cây ở giữa khu đồng cỏ, mỗi khi mưa lớn, nắng chiều hoang mã phải trú ẩn cả trong hốc núi mà còn nhiều cây lớn, chúng sẽ thích thú hơn với bóng mát.

Lam Y hỏi chị dâu :

– Bây giờ ta dồn bầy hoang mã về chớ?

– Tuy suy kỹ rồi, không cần dồn nhưng ta phi ngựa lẫn vào trong đám hoang mã cho chúng bắt được hơi ba con tuấn mã này, sau ta trở về, tự khắc chúng sẽ theo dấu chạy ra đường ngoài.

Đức Kiệt quay lại bảo các trang đinh :

– Các ngươi hãy bình tĩnh lên ngựa rượt theo chúng ta và chớ hoảng sợ, nghe?

Âu Dương Bích Nữ thúc ngựa ra trước, nàng vẫy tay bảo hai trang đinh theo sau, đoạn phi thẳng ra giữa thung lũng. Lam Y cùng hai trang đinh khác phi ngựa sang phía tả thung lũng, sau là Đức Kiệt và hai trang đinh sau cùng phóng ngựa sang phía hữu. Tổng cộng chín người kia thành ba đợt phi ngựa thiệt lẹ chạy bừa vào bầy hoang mã.

Thấy hơi lạ, chúng nghểnh cổ lên nhìn, vắt đuôi rũ bờm hí vang động cả toàn khu Kỳ Mã Ổ. Con ngựa đầu đàn loang màu trắng, đen rượt theo con Bạch hồng mã của Âu Dương Bích Nữ. Được thể, Âu Dương Bích Nữ cho Bạch hồng mã phi thiệt lẹ quanh toàn khu thung lũng một vòng rồi cũng rẽ luôn vào con đường mòn chạy riết. Con hoang mã đầu đàn ngừng chạy ngay ở đó. Nó tung bờm, bốc hai vó trước hí vang từng đoạn phóng như bay trở lại đuổi theo con Bạch Mã của Lam Y.

Lam Y theo đúng phương pháp của Âu Dương Bích Nữ chạy quanh thung lũng một vòng rồi cũng rẽ vào đường mòn chạy thẳng.

Sau cùng đến lượt Chu Đức Kiệt. Chàng hô bọn trang đinh cho chúng chạy trước, e có kẻ theo không kịp té ngựa chăng.

Đoạn hậu, Đức Kiệt phi ngựa nhốn nháo khắp trong thung lũng cho con hoang mã đầu đàn theo rồi mới rẽ vào đường mòn chạy thẳng. Lần này con vật tinh không kiêu dũng đó, bốc tiền, bốc hậu thiệt lâu tại chỗ. Nó nghếch đầu nhìn mãi vào đường mòn, đánh hơi, hí vang động. Mãi sau, nó mới phi trở lại, dồn toàn bầy theo nó sang phía khe núi đã bị lấp, đoạn chạy thẳng sang con đường mà nó mới khám phá ra. Toàn bầy xôn xao hồi lâu rồi mới ăn cỏ lại như thường.

Nói về Âu Dương Bích Nữ mặc cho con Bạch Hồng phi một quãng xa mới ngừng lại chờ mọi người. Tụ tập đông đủ nàng nói :

– Về Bình Dương chờ thôi. Thế nào bầy hoang mã cũng theo về, không lâu đâu.

Hôm sau về tới khu nội cỏ. Âu Dương Bích Nữ thấy còn nhiều cát ở phía ngoài bức tường liền bảo bọn trang đinh khuân đổ thành đống trong nội cỏ.

– Để cát cho bầy hoang mã đầm mình. Trong Kỳ Mã Ổ không có cát, chúng đầm xuống một khu toàn đất.

Lam Y hỏi Âu Dương Bích Nữ :

– Thiết tưởng nên đổ cát vào gần lạch nước tiện dụng cho bầy hoang mã hơn?

– Cô muội nói phải, nhưng đổ cát cho chúng quen đầm mình nơi đây tiện cho chúng ta hơn. Ngồi trên vọng lâu nhìn gần mới có thể nhận xét được dáng dấp của từng con.

Lúc đó, bức tường và cổng đã xong, duy chỉ có vọng lâu là đang được xây cất dở dang. Các nhân công do Vương Bình đôn đốc ăn ngủ tại chỗ để hoàn thành mau lẹ mọi việc. Âu Dương Bích Nữ dặn viên quản trang :

– Trong trường hợp bầy hoang mã tới nội cỏ này, quản trang nên chú ý bảo các thợ thuyền làm việc im lặng và không được bắc thang trèo lên mặt tường nhòm ngó. Đất mới, ta cần để cho chúng không hoảng sợ mới mong chúng ở vĩnh viễn được.

– Còn độ hai ngày nữa thì hoàn thành vọng lâu, phu nhân có thể ước đoán chừng bữa nào hoang mã di chuyển tới đây không?

Âu Dương Bích Nữ lắc đầu :

– Không thể nào nói trước được. Có khi một vài ngày và cũng có thể là sáng mai chưa biết chừng. Lúc chúng đến nơi, công nhân không được ồn ào. Miễn sao là cho chúng tưởng như nội cỏ này cũng ở giữa nơi hoang vu thích hợp với chúng. Quản trang nên chú ý thận trọng kẻo hữu công vô lao.

Căn dặn mọi việc xong. Tam hiệp cùng bọn trang đinh trở về trang trại. Trần nhũ mẫu đưa trình Đức Kiệt tấm danh thiếp của Thẩm huyện quan. Chàng đọc, đoạn bảo vợ và em :

– Thẩm công và phu nhân mời chúng ta trưa mai dùng bữa tại tư dinh. Liệu sửa soạn mai đi, nhé?

Liền ngay mấy ngày sau, Tam hiệp có ý chờ tin từ ngoài nội cỏ báo về vụ hoang mã mà tuyệt nhiên không có gì hết. Lúc đó, việc xây dựng vọng lâu đã xong. Vương Bình và mấy tráng đinh túc trực ngay trên vọng lâu mong ngóng bầy hoang mã di chuyển về nội cỏ.

Tam hiệp – nhất là Âu Dương Bích Nữ – nóng ruột vô cùng. Ngày nào ba người cũng ra vọng lâu chờ chán lại về trang. Âu Dương Bích Nữ nói :

– Không lẽ nào chúng không theo đường mòn ra nội cỏ nhà. Hay là có sự gì xẩy ra trong Kỳ Mã Ổ chăng?

Lam Y suy tính giây lát :

– Ta cố gắng chờ cho hết ngày mai là năm ngày, nếu hoang mã không về, sáng mốt ta sẽ vào Kỳ Mã Ổ xem sao.

Vợ chồng Đức Kiệt đồng ý.

Trưa hôm sau, trong lúc ba người đang dùng bữa trưa trong hậu sảnh, thì chợt nghe tiếng vó ngựa phi vang dội ngoài sân trước.

Âu Dương Bích Nữ buông đũa, hớn hở :

– Xong rồi! Vương quản trang cho trang đinh phi mã về báo! Chắc thế không sai!

Tam hiệp cùng đứng lên toan chạy ra khách sảnh, thì trang đinh đã rảo bước đi vào, miệng thở dốc :

– Thưa Trang chủ, bầy hoang mã vừa về tới nội cỏ. Đông lắm!

– Được rồi! Cho ngươi nghỉ ngơi. Bảo thắng ngựa, mau!

Ba người mừng rỡ bỏ bữa ăn, phi ngựa ra thẳng khu nội cỏ. Ba con tuấn mã như đánh hơi được bầy thú đồng giống bên trong dãy tường nên đua nhau lộng hí. Cũng vậy, bên kia bức tường bầy hoang mã phi sầm sập, hí vang lừng. Vương Bình đón Tam hiệp ở chân vọng lầu :

– Chúng về tới nội cỏ vào quãng cuối giờ Tị. May quá, toi đã bắt đầu thất vọng.

Ba người vội chạy một mạch ra leo thang lầu, lên vọng lâu đứng sau bức chắn phong kín đáo nhìn vào trong nội cỏ. Bầy hoang mã – dẫn đầu bởi con tuấn mã đầu đàn hai màu – phi vòng quanh nội cỏ. Con thú nào đuôi và bờm cũng dài tỏa ngược ra phía sau. Bầy ngựa đủ màu sắc:

ô, bạch, hoàng thổ, hồng, mai hoa sám, mai hoa vàng, hai màu hắc bạch, hồng bạch. Lam Y thích chí :

– Không chi ngoạn mục bằng bức họa thiên nhiên này. Bầy hoang mã đủ sắc, đủ màu phi nước kiệu trong nội cỏ xanh rờn như tấm thảm nhung. Hùng dũng thật!

Nàng quay lại hỏi Vương Bình đứng phía sau :

– Chúng mới chạy hay từ lâu rồi?

– Thưa, từ lúc về tới nội cỏ là chúng cứ chạy hoài như vậy, chưa lúc nào ngừng.

Âu Dương Bích Nữ nói :

– Theo kinh nghiệm về mã tánh, mỗi khi bầy hoang mã khám phá ra một khu nào mới, chúng thường phi khắp chung quanh rất lâu. Có lẽ để nạt nộ các thú vật khác trong khu ấy với tiếng vó chạy sầm sập của toàn bầy chăng? Và cũng có thể là chúng vui mừng vừa phi lộng hí để tỏ ra rằng chúng là chủ toàn khu nội cỏ mới chiếm được chăng?

Đức Kiệt nói :

– Đoán thế nào cũng trúng. Ngu huynh thấy có hai thuyết đều có nghĩa. Bầy hoang mã không khác chi toán quân Hung nô, mỗi khi chiến thắng chúng đều tận tình ăn mừng một cách thiệt man dã nhưng hào hùng… Coi kìa! Ngay phía sau con nhị thể hắc bạch, ba con hồng, hắc và mai hoa cùng chạy đều một hàng, con nào cũng kiêu dũng, có kẽ cả ba đều là đệ nhị anh hùng trong bầy chăng?

Âu Dương Bích Nữ gật đầu :

– Đích vậy. Thế nào cũng có bữa ta được mục kích trận đấu tranh chức vô địch giữa mấy con thú ấy.

Lam Y nói :

– Chưa chắc, tẩu tẩu ạ, con đầu đàn còn dũng mãnh lắm, đáng mặt chỉ huy.

Chợt nghĩ ra điều gì, Vương quản trang hỏi Tam hiệp :

– Quên khuấy đi mất một điều là trong khu nội cỏ này, thỉnh thoảng mãnh hổ vẫn về vồ nai. Bầy hoang mã sẽ bị nguy hiểm chăng?

Âu Dương Bích Nữ đáp :

– Không sợ đâu! Nếu vài con hoang mã sống lẻ loi thì mãnh hổ trở nên nguy hiểm thật. Nhưng trong trường hợp này, chúng sống thành đoàn sáu, bảy mươi con thế kia, con nào cũng dữ dội mạnh mẽ, nếu mãnh hổ lộ diện đương đầu thì chỉ bị uổng mạng vì bị vó ngựa dày xéo thôi. Tuy vậy, lão hổ ranh mãnh lắm, nó ngồi trong bụi rình mà thèm chớ không dám khinh động đâu. Riêng con đầu đàn và mấy con theo sau kia dám can đảm đương đầu với bấy cứ dị thú nào. Chúng dùng đủ mọi đòn: cán, bốc vó tiền bổ xuống, đá vó hậu, hung hãn dị thường, lão hổ có tới gần được chúng cũng còn bị khó khăn nhiều. Vả lại, hoang mã sống có đoàn thể, cả bầy sẽ xúm lại tranh đấu. Chẳng hạn, như bây giờ nếu ta thả mấy con hung mã bất kham nuôi trong tầu ngựa nhà ra nội cỏ, con đầu đàn hoang mã gây xung đột ngay. Nếu kẻ mới đến không biết tòng phục theo bầy thì bị tan xác tức thì.

Đức Kiệt nói :

– Trong cảnh hoang mã lộng phi này, ngu huynh nhớ đến những bức họa tuyệt mỹ của Thiên Lý Mã Tào Chí bên Dương Châu. Và bây giờ ngu huynh mới hiểu lý do ý thích của gã họ Tào ấy. Bức danh họa dã mã, bức bát tuấn và bộ bát tuấn bằng thấu lục ngọc quả thiệt vô giá. Hiện thời, ngu huynh muốn có những bảo vật ấy bày trong đại sảnh.

Lam Y mỉm cười bảo Âu Dương Bích Nữ :

– Chu huynh bắt đầu mê khảo cổ, sưu tầm về môn mã rồi đó.

Âu Dương Bích Nữ nói :

– Chu lang cần chi phải ao ước? Tào Chí có các bức mã đồ danh họa, bát tuấn thấu lục, một tầu tuấn mã thuần tánh, kể đáng quý thật. Nhưng họ Tào không có nổi bầy hoang mã kỳ hùng như Chu gia! Đặc biệt hơn nữa là bầy dã thú ấy sống ngay trong nội cỏ của nhà, ngồi trên vọng mã lâu này, ta có thể quan sát bộ điệu của từng con một và cảnh sống đoàn thể của toàn bầy. Tào Chí làm chi có hoạt cảnh như ta?

Đức Kiệt vui vẻ :

– Hiền thê lý luận xác đáng. Ngu huynh muốn viết thư mời Tào Chí đến Bình Dương cho y được mục kích công trình kỳ tạo của hiền thê.

Lam Y nói :

– Chắc gì Tào Chí đi được? Nhà họ Tào đơn người. Hạ Thái Phương thì yếu đuối, cho đến nay chắc cũng chưa hoàn hồn sau vụ nàng bị Phi Không đầu đà giam hãm trong Kim Cương tự, Tào đại ca đâu dám bỏ nhà lên tận Bình Dương xa xôi này!

Đức Kiệt ừ hứ :

– Xa thì xa chứ, cứ nói đến tuấn mã thì dù thiên sơn vạn thủy gã cũng mò đi xem tận nơi.

Âu Dương Bích Nữ vỗ vai chồng, chỉ xuống khu nội cỏ :

– Coi kìa, Chu lang. Có bức họa nào đẹp như thế kia không?

Lúc đó, bầy hoang mã hình như chạy đã chán. Chúng ngừng cả lại quanh đống cát. Con kỳ mã đầu đàn tiến vào giữa đống cát, lăn lộn đầm mình, cát dính mồ hôi bám đầy thân. Nó đứng lên, rùng mình, tung bờm rũ cát, đoạn lại lăn xả xuống đống cát đầm nữa cho đến kỳ khô cát không bám được vào thân nữa mới thôi.

Bấy giờ cả đoàn hoang mã mới kéo ồ vào tắm cát, trong khi con đầu đàn lững thững đi ngược vào phía trong nội cỏ uống nước ở lạch. Tắm cạn và giải khát xong, bầy dã mã đi tản ra khắp mọi nơi, toán nào chủ ấy, ăn cỏ dưới bóng cây um tùm xanh mát.

Chu Đức Kiệt tặc lưỡi mà rằng :

– Triều đình hoang mã kể cũng tôn tị trật tự lắm đấy chứ! Nhớ hồi năm kia khi qua Quan gia ổ ở Mã Thạch cương, biểu đệ Quan Long có thuật chuyện theo bọn lái ngựa vào Xuyên Thục hàng phục con Tiểu Xích thố nghe thiệt thích thú. Ai dè nay chính mình lại được mục kích cuộc sống đoàn thể của giống thú thông minh tuấn dũng đó.

Lam Y ranh mãnh :

– Đó là nhờ đại công của “Nội tướng” nhé. Bao năm nay, anh em ta ở kề bên khu vực có hoang mã mà không hề biết thưởng thức cái đẹp, cái hay của chúng. Đi đã nhiều nơi, quả thiệt chưa thấy ai có nổi một tầu kỳ mã như chúng ta.

Âu Dương Bích Nữ nói :

– Các mã trại có nhiều hơn thế này chứ, nhưng toàn giống ngựa hoặc bắt được, hoặc gây giống, được luyện tập chớ không hoang dã như bầy thú kia. Để ít ngày nữa, cho chúng quen thuộc với khu nội cỏ, ta sẽ bắt con kỳ mã đầu đàn về nuôi và gây giống.

Lam Y ngăn :

– Con thú ấy đẹp thật đó, khi đóng đủ yên cương coi còn hùng dũng hơn lúc thường này nhiều, nhưng thôi bắt nó làm chi? Chúng ta có ba con tuấn mã tuyệt hảo dư dùng rồi. Còn việc gây giống thì cứ để nó man dã thế này vẫn gây được như thường. Trông những con cái thuộc con đầu đàn, con nào cũng có nước da bóng loáng đầy sinh lực, màu sắc coi được cả, làm chi chẳng gây được giống tốt. Ta sẽ bắt con nó về nuôi lợi hơn bắt nó.

Đức Kiệt đồng ý :

– Lam Y nói phải. Hiền thê đừng dự tính bắt con kỳ mã bất lợi. Với đàn thú này, chỉ độ hơn một năm nữa, sức sản xuất sẽ tăng gấp đôi.

Vương quản trang nói :

– Khi trước, lúc còn sanh thời, lão Trang chủ thường nói tới chuyện bắt hoang mã, nhưng không bao giờ, Người nghĩ tới việc bắt cả bầy vừa gọn gàng vừa tâm lý như Đại nương (chỉ Âu Dương Bích Nữ). Thiệt là giản dị.

Tam hiệp và Vương Bình đang nói chuyện, bỗng mây đen u ám đầy trời, gió thổi mạnh phần phật. Vương quản trang nói :

– Ta không về thành thì mưa đến nơi rồi!

Âu Dương Bích Nữ cười :

– Dịp may đấy chứ! Ta đứng đây quan sát xem bầy hoang mã có biết đường trú mưa không hay chịu trận.

Mưa bắt đầu đổ lác đác, hột thiệt lớn. Bầy hoang mã vẫn ăn cỏ dưới gốc cây lớn như thường, nhưng thỉnh thoảng chúng lại nghếch mũi lên hí vang như báo cho đồng bọn biết tiết trời thay đổi.

Trái lại, con kỳ mã đầu đàn bỏ không ăn cỏ nữa. Nó bốc tiền lên cao ba bốn lần, hí vang và sau đó bắt đầu phi thiệt lẹ, dồn cả bầy lại thành một toán.

Mưa nặng hột bắt đầu đổ lớn xuống muôn vật. Bầy hoang mã quây quần ở cả vào một khu trống, mặc cho nước mưa dội xuống đầy mình. Chúng vươn cổ rủ bờm hí vang.

Chu Đức Kiệt phì cười :

– Chúng được trời cho tắm nước có vẻ khoái trá lắm! Nhưng ở mãi ngoài mưa thế này thì không được!

Âu Dương Bích Nữ nhìn chồng :

– Chu lang đừng lo, chúng tắm chán sẽ kéo nhau vào hang núi kia cho mà coi!

Quả nhiên, độ một khắc sau, toàn bầy hoang mã chuyển động theo con đầu đàn chạy lăng xăng một hồi rồi kéo tuốt vào mé hang núi bên hữu. Đức Kiệt nói :

– Không được hang này nhỏ quá. Bây giờ thì tạm được nhưng ít lâu nữa hoang mã sanh sản thêm đông hơn, thì lấy chỗ đâu mà trú? Mưa ít không sao, còn khi mưa tới bốn năm ngày thì làm thế nào? Chờ khi nào hoang mã trở vào khu thung lũng, ta sẽ mướn nhân công phá hang sâu thêm vào mới được. Vương quản trang nhớ hộ vụ này, nhé.

Phải phá sâu bằng hai như bây giờ.

Lam Y hỏi Âu Dương Bích Nữ :

– Mưa dầm nhiều ngày, thì chúng ăn cỏ ướt quá sao được?

– Không sao! Hoang mã chớ đâu phải ngựa nuôi trong tầu nhà? Chúng xông pha quen rồi. Bởi vậy bụng hoang mã phần nhiều không đáy bằng ngựa nuôi. Con nào bị bắt được săn sóc ít lâu, bụng sẽ thon, đẹp ngay. Người không kinh nghiệm về mã tánh thường hay chê bụng hoang mã không được thon bằng ngựa nuôi cũng vì lẽ hoang mã thường ăn phải cỏ ướt khi trời mưa. Được nuôi trong tầu ít lâu, bụng chúng sẽ thon đáy như thường. Nhưng cũng không nhất định hẳn như vậy. Như con hoang mã đầu đàn và nhiều con đực khác trong bầy này, ai dám bảo bụng chúng lớn?

Lam Y nói :

– Phá hang núi cho thêm phần sâu rộng, chất sẵn cỏ khô vào trong đó là hai việc phải làm thêm khi bầy hoang mã trở vào Kỳ Mã Ổ.

Âu Dương Bích Nữ nói :

– Việc phá rộng hang núi phải dùng nhiều nhân công e kinh động tới chúng mới phải chờ chuyến sau. Còn việc cho ăn cỏ khô thiết tưởng ta có thể cho vài người tạm chất ngay vào trong hang. Một khi bầy hoang mã quen dùng cả hai thứ cỏ non, khô, có lẽ chúng sẽ không muốn rời nội cỏ này lâu đâu. Vương quản trang lo việc tích trữ cỏ để sẵn dưới vọng lâu này, tôi sẽ đích thân chuyển các bó cỏ vào trong hang. Chuyến sau trang đinh cứ theo đúng lề lối ấy mà hành động.

Trận mưa to đã tạnh hẳn. Tam hiệp cùng Vương Bình trở về trang sau khi cắt đặt hai trang đinh ở lại vọng lâu canh phòng thường trực.

Lam Y về phòng thay áo không thấy Trần nhũ mẫu đâu cả, bèn gọi thể nữ Hạnh Hoa hỏi :

– Trần nhũ mẫu đâu, nãy giờ không thấy?

Thể nữ đáp :

– Thưa tiểu thư, nhũ mẫu đang lau chùi, dọn dẹp phòng bày bàn thờ.

– Ủa! Sáng nào cũng lau chùi rồi, sao hôm nay chiều tối mới làm việc ấy?

– Thưa tiểu thư, lúc nãy gió to mưa lớn cỏ mảnh ngói rớt trúng bể hộp kính bày trên bàn thờ nên nhũ mẫu mới dọn dẹp cho sạch sẽ. Tiểu thư để con vào gọi?

– Thôi được để ta vào xem sao.

Giữa lúc ấy vợ chồng Đức Kiệt đã thay y phục xong đi tới, Đức Kiệt bảo :

– Hiền muội ra thư phòng dùng bữa. Trưa nay bỏ ăn đói bụng lắm rồi.

Không trả lời câu hỏi. Lam Y nói cho vợ chồng Đức Kiệt nghe việc ngói rớt bể hộp kính đựng gia phả trên bàn thờ. Ba người liền vào xem thì vừa lúc Trần nhũ mẫu cùng con gái là Võ Nguyệt Minh đã dọn dẹp xong, sắp sửa ra đi.

Nguyên từ khi thân mẫu của Đức Kiệt, Lam Y mất đi, Trần nhũ mẫu không những trông coi chăm sóc cho Lam Y mà ngày nào cũng dọn dẹp, kiểm việc nhang khói thường nhựt trên bàn thờ Chu phu nhân. Về sau, lão Trang chủ Chu Đức Văn hạc nội mây ngàn, thì Đức Kiệt thờ song thân chung vào một bàn, bày bàn kế bên bàn thờ gia tiên, cho đến nay Trần nhũ mẫu vẫn giữ phận sự trung thành nhang đèn trong phòng thờ. Lam Y thân mật quý nhũ mẫu như mẹ ruột nàng. Đổi lại, họ Trần cũng quý mến Nhị Nương như Nguyệt Minh vậy. Từ nhỏ, Lam Y và Nguyệt Minh suốt ngày nô đùa cùng nhau.

Chu Đức Văn theo phương pháp nhà nghề gia truyền luyện tập võ nghệ cho Đức Kiệt, Lam Y rất sớm. Nguyệt Minh nhát không muốn theo, tuy Lam Y vẫn rủ nàng cùng tập luyện cho vui. Lần lần lớn lên, Lam Y ép mãi, Nguyệt Minh nể lời chăm chỉ tập tành thì lúc đó, sức học của Lam Y đã tiến xa rồi. Tuy vậy, Nguyệt Minh cũng biết ít nhiều côn, quyền có thể tự vệ được. Trong trang trại, Nguyệt Minh thường giúp Trần nhũ mẫu công việc thường ngày ở trên nhà toàn thể trong ngoài rất là châu đáo ngăn nắp, cũng như Vương Bình và con trai là Vương Hoành phụ trách tất cả mọi việc trong trang, điều khiển trang đinh, trông coi các điền thổ ngoại thành thuộc Chu gia, ngoại trừ khu nhà lớn, hai tòa lầu Vọng Võ đình, Bách Hoa đình và bốn nữ bộc: Thúy Hoa, Kiển Hoa, Quỳ Hoa, Hạnh Hoa. Bốn thể nữ này đều là con các lão bộc trong Chu gia trang, nay thành canh điền ở ngoại thành… Lam Y ôm lấy vai Trần nhũ mẫu, thân mến hỏi :

– Làm chi mà suốt ngày dọn dẹp trong phòng thờ thế này, hả lão mẫu?

Trần nhũ mẫu chỉ tay lên mái nhà phía trên bàn thờ gia tiên :

– Nhị nương coi (danh từ thân mật mà nhũ mẫu thường quen gọi Lam Y từ khi nàng còn tấm bé), nửa viên ngói kia không biết bể từ bao giờ mà hôm nay rớt trúng ngay hộp kính giữa lúc mưa to gió lớn.

Nàng hỏi :

– Mưa có ngấm và dột không?

Trần nhũ mẫu lắc đầu :

– Không, đó là hàng ngói trần mà! Nguyệt Minh vừa leo lên lấp thế viên ngói khác rồi. Viên ngói lớn rớt trúng mặt hộp kính bể tan, tôi lượm các mảnh kính bỏ xuống đây, còn đáy hộp cùng cuốn gia phả vẫn nguyên chỗ.

Đức Kiệt tiến đến án thờ nhìn lên mái xem xét chỗ viên ngói bể, đoạn nhắc cuốn gia phả để sang bên, lấy đáy hộp kính xuống. Chàng nói :

– Mai phải đưa cái đáy này vào phố dặt một nắp kính khác, khung cây mảnh quá!

Vừa nói, chàng vừa lật đi lật lại đáy hộp bằng gỗ để coi thì chợt ngạc nhiên thốt lên một tiếng “A!”.

Lúc ấy Trần nhũ mẫu và Nguyệt Minh đã đem các mảnh kính và dẹp những mảnh ngói bể ra khỏi phòng. Lam Y, Âu Dương Bích Nữ lấy làm lạ, đồng thanh :

– Có gì thế?

Đức Kiệt không trả lời. Chàng lắc đáy hộp, ghé tai nghe, giây lát mới nói :

– Hai người nghe này! Đáy hộp rỗng, hình như có gì lạo xạo bên trong.

Lam Y đón lấy đáy hộp lắc nghe thử và đưa cho Âu Dương Bích Nữ :

– Phải rồi, bên trong có gì, thử mở ra coi. Đáy hộp rỗng, tất có chỗ mở.

Đức Kiệt cầm đèn đến gần bên soi cho Lam Y và Âu Dương Bích Nữ lật đi lật lại nhận xét đáy hộp kính tìm chỗ mở. Trừ bốn cái khe giao nhau thành hình chữ nhật để úp nắp kính, toàn thân đáy hộp bằng gỗ trầm hương nhẵn lì.

Bỗng Lam Y la lên :

– A! Có lẽ đây rồi! Coi cái vết tròn lờ mờ ở góc đây.

Âu Dương Bích Nữ liền rút cây trâm cài trên tóc ấn mạnh vào vết tròn đó. Mặt trên của chiếc đáy hộp kính ấy bật hẳn lên, phần trong rỗng đựng một mảnh giấy lụa dầy dặn gấp tư lớn bằng bàn tay. Tấm giấy lâu đời đã vàng khè. Âu Dương Bích Nữ lượm lấy đưa cho Lam Y, đoạn nàng đóng nắp gỗ lại xem sao chỉ nghe thấy tách một tiếng, nắp hộp đóng lại như thường. Nàng hỏi :

– Hộp đựng gia phả có đáy bí mật mà Chu lang và cô muội không biết ư?

Chu Đức Kiệt đáp :

– Mỗi khi cúng húy nhựt thì chỉ mở nắp kính lấy gia phả bày lên án kiện chớ nhắc hẳn đáy hộp làm chi?

Chàng để chiếc hộp kính lên bàn thờ, đoạn cùng Lam Y và Âu Dương Bích Nữ mở tờ giấy lụa ra coi…

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN