Lấy Gái Về Làm Vợ - Phần 14
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
4540


Lấy Gái Về Làm Vợ


Phần 14


Giọng anh ta là giọng người bắc, chất giọng nhẹ nhàng nhưng từ ngữ gãy gọn, không hề mang hơi hướng của giọng người nam.

Mới rời Hà Nội không lâu, ở giữa thành phố rộng lớn nhưng toàn người xa lạ này, tự nhiên được nghe giọng Bắc êm tai như thế, bước chân của tôi chợt dừng lại.

Tôi ngoái đầu, chợt phát hiện ra người đàn ông ở quán hủ tiếu khi nãy đang đứng cách mình không xa, chỗ này trời tối nên tôi không nhìn rõ mặt anh ta lắm, ban đầu cũng hơi sợ nhưng nghĩ đến dáng vẻ từ tốn khi ngồi ăn lúc nãy kia, bỗng dưng tôi lại thấy an tâm hơn ít nhiều:

– Vâng, anh gọi em ạ.
– Bạn để quên điện thoại này.

Anh ta chìa tay đưa cho tôi một chiếc điện thoại, bấy giờ tôi mới sờ vào trong túi, không thấy điện thoại đâu. Vội vàng nhận lấy rồi rối rít cảm ơn:

– Em cảm ơn anh ạ. Em quên mất. Cảm ơn anh.
– Không có gì.

Anh ta đưa điện thoại cho tôi, gật đầu lịch sự chào một cái rồi mới quay người bỏ đi.

Ấn tượng đầu tiên của tôi về Sài Gòn ngay lập tức trở nên tốt đẹp.

Nếu ở Hà Nội thì có lẽ bước chân ra khỏi quán, cũng coi như mất luôn điện thoại, nhưng ở đây thì khác, tôi không những không bị mất điện thoại mà còn có người đuổi theo để trả tận tay cho mình. Dù không kịp xin số điện thoại hay hỏi họ tên của người ấy, nhưng như thế cũng khiến cho tôi có cảm giác khởi đầu ở phương trời mới này vậy là quá tốt rồi.

Chú lái Taxi lịch sự, chủ quán hủ tiếu dễ gần, và người đàn ông có giọng nói ấm áp này nữa.

Tôi nắm chặt điện thoại trong tay rồi rảo bước đi về phía ngôi chùa cách đấy một đoạn. Giờ đó vẫn có ni cô vẫn đang thức ngồi trong đại điện đọc kinh, tôi chờ đến lúc ni cô đọc xong mới dám gọi:

– A di đà phật, con chào thầy ạ. Con là Vân, mới từ Hà Nội vào ạ.
– Vân à? Vân hôm trước gọi điện cho cô đấy phải không?
– Vâng ạ.
– Xách đồ vào trong đi, cô chuẩn bị giường cho con rồi, tối nay ngủ ở nhà dưới nhé.
– Vâng ạ.

Đêm hôm đó, nằm ở trong chùa, tôi mệt nhưng lạ giường, lạ không khí nên không sao ngủ được.

Tôi nghĩ rất nhiều về quê hương, nghĩ về em trai tôi, về Hà Nội, về cả Huy nữa. Không biết bây giờ em tôi sống thế nào, qua mấy ngày rồi có thắp hương đầy đủ cho mẹ không, tối nó ngủ với ai, hàng ngày có đi học không. Rồi còn Huy nữa, anh ta không tìm thấy tôi chắc cũng mau quên thôi nhỉ, rồi sẽ quay lại với Vy, cùng nhau xây dựng một mái ấm toàn vẹn, lãng quên tôi như lãng quên như muôn vàn sự vật khác từng thoảng qua đời.

Tôi ra đi đột ngột thế này chắc phải chông chênh một thời gian rất dài mới có thể quen với cuộc sống mới được, trước kia một thân một mình lên Hà Nội, tôi còn có mẹ để gọi điện về, những lúc mệt mỏi vì làm việc ngày mười mấy tiếng mà được nghe giọng mẹ và thằng Tý là tự nhiên lại có thêm bao nhiêu động lực và chỗ dựa. Nhưng giờ thì hết rồi, ở nơi đây chỉ có mình tôi thôi.

Ngày hôm sau tôi dậy sớm quét sân cùng với các sư, ni cô và lũ trẻ trong chùa. Ngôi chùa này không lớn lắm nhưng nuôi rất nhiều trẻ em cơ nhỡ, có đứa thì bị khuyết tật, có đứa thì bị cha mẹ bỏ rơi, có đứa thì sinh ra đã chẳng biết đến mùi vị sữa mẹ. Tôi đứng một góc nhìn lũ nhóc vui đùa, tự nhiên lại nhớ đến đứa con bé bỏng chưa thành hình của tôi và Huy khi trước, bỗng dưng trong lòng lại không nén được một tiếng thở dài.

Nếu em bé còn, có lẽ bây giờ đã gần một tuổi rồi, chắc sẽ đang bi bô tập nói, không biết sẽ giống Huy hay là giống tôi?

Ni cô đứng bên cạnh, cười cười:

– Vân bao nhiêu tuổi rồi?
– Con sắp hai sáu thầy ạ. Ở đây nhiều trẻ con thầy nhỉ, đứa nào cũng đáng yêu.
– Gọi tôi là Huệ thôi.
– À vâng, thế con gọi cô, cô nhé.
– Ừ. Con vào trong này định tìm việc gì? Một thân một mình vào đây, làm gì cũng phải cẩn thận.
– Tý nữa con định mang hồ sơ đi xin việc cô ạ. Con làm việc gì cũng được, lao động tay chân gì con làm được hết.
– Nhìn gầy yếu, đẹp gái thế này, tìm việc gì nhẹ nhàng mà làm. Cô thấy các nhà hàng ở gần đây hay tuyển nhân viên lễ tân, phục vụ. Con thử đến xin xem.

Trước khi vào đây, tôi có trình bày cho sư cô nghe rồi. Tôi nói bố mẹ tôi giờ đã mất cả, ở Hà Nội tôi không tìm được việc gì để nuôi em nên mới vào đây, sư cô nghe xong thì ngay đồng ý giúp tôi, cho tôi đến tá túc trong chùa vài ngày.

Tôi cười:

– Vâng ạ. Con cảm ơn cô. Cô để con quét cho, con quét tý là xong luôn thôi.

Ăn sáng bằng bánh bao chay với nhà chùa và lũ trẻ xong, tôi bắt đầu ôm hồ sơ đi xin việc. Để tiết kiệm tiền với cả tiện dừng lại, tôi quyết định đi bộ. Trời Sài Gòn nắng như đổ lửa, tôi đội một chiếc mũ nan, tay cầm mấy bộ hồ sơ rồi cứ thế lang thang khắp nơi mọi xó. Cuối cùng, khi đến một nhà hàng lớn ở quận 3, ông trời thương nên cuối cùng tôi cũng xin được việc.

Ở đây không thiếu nhân viên chạy bàn nhưng thiếu nhân viên rửa bát, việc này thì tôi làm được, hơn nữa chỉ phải bắt đầu làm từ 10 giờ sáng đến 10 giờ đêm, thời gian còn lại trong ngày tôi có thể đi học hoặc ở chùa nấu bữa sáng cho bọn trẻ.

Tôi làm ở nhà hàng một tháng, anh chủ có cảm tình nên khi có một ví trí lễ tân nghỉ, ngay lập tức sắp xếp tôi đứng ở quầy để tính tiền.

Chủ quán này tên Nhân, gần bốn mươi tuổi rồi nhưng chưa có vợ, hôm chuyển tôi ra làm ở quầy cứ cười tít mắt rồi bảo:

– Đấy, em mặc quần áo này vào nhìn đẹp với cả đứng người hơn bao nhiêu. Người đẹp như em mà cứ ngồi dưới bếp rửa bát thì phí lắm.
– Anh không sợ em tính tiền nhầm à, từ nhân viên rửa bát mà đưa lên làm lễ tân, công việc khác nhau một trời một vực đấy nhé.
– Anh đọc hồ sơ xin việc của em, thấy chữ em viết đẹp, viết số cũng đâu ra đấy, chắc là ngày xưa cũng được học hành đàng hoàng chứ đúng không?
– Em có được học hành đàng hoàng gì đâu, trước đang học cao đẳng kế toán nhưng không có tiền theo tiếp nên phải bỏ ngang anh ạ.
– Học kế toán à? Thế thì anh chọn đúng lĩnh vực cho em làm rồi đấy. Làm cho tốt nhé, sau cuối tháng mà doanh thu tốt thì anh thưởng thêm.
– Vâng ạ. Em cảm ơn anh.

Từ nhân viên rửa bát đùng một cái chuyển lên nhân viên lễ tân, ở trong quán cũng không tránh khỏi dị nghị chuyện tôi và ông chủ. Nhưng mà cuộc đời tôi cũng gọi là đã trải qua kha khá biến cố và thăng trầm, những lời dị nghị ấy đã không còn ảnh hưởng nhiều đến tôi nữa, tôi giờ chỉ mong mình có một công việc tử tế, kiếm ra những đồng tiền chân chính để nuôi em trai tôi thôi, không nặng nề gì hơn.

Khi tôi nhận tiền lương tháng thứ hai, tôi mới dám gọi điện về cho cậu tôi, hỏi thăm tình hình của thằng Tý.

Ban đầu, gọi mấy cuộc cậu cũng không nghe, tôi thì vẫn cứ gọi đi gọi lại, mãi sau chắc thấy phiền quá nên cậu tôi cũng phải bấm nút nghe máy:

– Alo, cậu ạ. Cháu Vân đây.
– Mày gọi gì mà lắm thế?
– Cậu ơi, cậu có khỏe không ạ.
– Không khỏe để chết như mẹ mày cho mày vui ạ.
– Không phải ạ. Cậu ơi, cháu vào trong Sài Gòn rồi, ở đây cháu làm bưng bê cho nhà hàng, cháu không làm linh tinh nữa đâu cậu ạ.
– Mày làm gì làm sao tao biết.
– Cháu nói thật đấy cậu ạ, cháu không nói dối cậu đâu. Cậu ơi, thằng Tý thế nào rồi cậu, nó có chịu đi học không ạ.
– Lúc đầu nó đòi bỏ học đi phụ hồ nhưng tao không cho đi.
– Giờ nó ở với cậu mợ ạ? Nó có khỏe không ạ.
– Nó sang đây ở rồi, mày không phải lo. Vẫn đang đi học. Hôm qua thấy bảo cô giáo chọn vào đội học sinh giỏi Lý đi thi tỉnh.

Nghe cậu nói thế tôi mừng lắm, hai mắt đỏ hoe. Tôi cười:

– Thế thì tốt quá, cậu khuyên em đi học hộ cháu với nhé. Mai cháu gửi ít tiền về cho cậu, đây là tiền cháu đi bưng bê rửa bát chứ không phải tiền linh tinh đâu cậu ạ, tiền này cháu thay thằng Tý đóng góp tiền sinh hoạt cho cậu mợ. Cậu nhận hộ cháu.
– Thôi, tao biết tiền mày làm kiểu gì ra đâu mà cầm.
– Cậu không tin cháu đưa máy cho anh chủ quán chỗ cháu để cậu hỏi xem có phải không nhé. Cháu làm ở nhà hàng ăn thật mà, cháu không nói dối cậu đâu. Cậu nhận tiền thì cháu mới yên tâm được, cậu coi như đó là tiền của thằng Tý đi. Cháu xin cậu.

Nói mãi, cuối cùng cậu tôi cũng chịu nhận tiền của tôi. Tháng lương ấy tôi được lĩnh sáu triệu, tôi gửi về cho cậu bốn triệu, một triệu rưỡi tôi để trả tiền phòng trọ, còn lại 500 nghìn tôi giữ lại để tiêu.

Tôi ăn cơm trong nhà hàng luôn nên chẳng mất tiền ăn, tôi nghĩ để lại chừng ấy là đủ, không ngờ tự nhiên lại xảy ra sự cố ngoài ý muốn.

Hôm ấy sau khi tan ca, tôi bắt xe bus để về phòng trọ, chẳng hiểu sao có một xe ô tô vượt rất láo, lấn sang làn xe bus rồi vọt qua bên trái xe chỗ cửa lên xuống, đúng lúc đó tôi đang xuống xe, thế là đâm phải tôi.

Tôi bị hất văng đi ba mét rồi đập người xuống đường, lúc đó choáng nên không có cảm giác đau mà chỉ thấy người xung quanh khựng lại rồi la hét. Tôi chớp chớp mắt được vài cái xem đã xảy ra chuyện gì, sau đó mấy giây lại ngất đi.

Khi tôi tỉnh lại thấy mình đang ở trong bệnh viện, xung quanh có mấy y tá bác sĩ đang lay lay tôi. Thấy tôi mở mắt, một người nói:

– Tỉnh rồi.
– Đẩy vào phòng tiểu phẫu đi, khâu vết thương trước đã.

Trong phòng tiểu phẫu, một người bác sĩ với cả hai y tá tỉ mỉ khâu vết thương cho tôi, lúc này tôi mới tỉnh táo nhận ra mình đang nằm viện sau khi bị ô tô đâm, người ngợm khắp nơi đau nhức. Tôi thều thào:

– Bác sĩ ơi, cháu bị có nặng không ạ?

Tay bác sĩ kia đang thoăn thoắt khâu rồi buộc chỉ, nghe thế mới ngẩng đầu lên nhìn tôi. Vì bác sĩ đeo khẩu trang với đội mũ nên tôi không nhìn thấy mặt, chỉ thấy anh ta trả lời bằng giọng bắc, nhìn dáng với cả giọng nói chắc cũng không già lắm, chắc khoảng ba mươi tuổi thôi.

– Gãy mấy cái xương, tổ chức da đầu bị rách một số chỗ, phần mềm bị thương. Giờ khâu đã, ngày mai cô đi chụp CT xong mới biết có bị chấn thương sọ não không.
– Bị nặng thế cơ ạ.
– Còn nói được chắc cũng không nặng lắm đâu.

Bị thế này chắc phải nằm viện hơn một tháng, mà tôi còn phải đi làm nữa, tiền thì mới gửi về quê hết, còn có mấy trăm nghìn sao đủ trả tiền viện phí, thêm nữa khó khăn lắm mới được lên làm lễ tân nhà hàng, giờ tôi nghỉ dài ngày thế người ta cho người khác làm thay chứ ai chờ được tôi.

Nằm viện không có một ai chăm sóc, rồi bao nhiêu thứ lại đè lên vai nữa, thế là tự nhiên tôi tủi thân quá, đang nằm trên bàn khâu mà nước mắt cứ chảy dài.

Y tá tưởng tôi đau nên lấy gạc thấm nước mắt cho tôi rồi hỏi:

– Chị thấy đau à? Đau quá nên khóc hay làm sao? Hay là hết thuốc tê rồi?
– Không. Không đau ạ.
– Thế làm sao lại khóc?
– Em không có tiền nằm viện. Khâu xong cho em về được không ạ?

Nghe xong câu này, bác sĩ kia lại tiếp tục quay đầu lại nhìn tôi, anh ta nhìn một lúc mới bảo:

– Gãy xương cần phải bó bột hoặc nẹp cố định. Còn phải chụp CT xem đầu có ảnh hưởng gì không. Giờ về rất nguy hiểm. Bạn có thẻ bảo hiểm không, bảo hiểm chi trả 80% nếu đúng tuyến.

Tôi lắc đầu:

– Không có ạ. Em mới vào đây nên chưa làm thẻ bảo hiểm.
– Thế liên lạc với người nhà đi, tình trạng này phải nhập viện, không tự ý ra về được đâu.

Nghe đến hai chữ “người nhà”, tôi lại cụp mắt quay đi chỗ khác. Tôi làm gì có người nhà, tôi chỉ có mỗi một đứa em trai đến bây giờ vẫn luôn chối bỏ tôi thôi. Tôi biết gọi cho ai được?

– Em… cũng không có người nhà ạ.

Phòng tiểu phẫu rơi vào im lặng, tất cả đều nhìn tôi như kiểu nhìn một con kiến nhỏ bị rơi vào cốc nước, ướt rượt, yếu ớt và thảm thương. Không có tiền, không có thẻ bảo hiểm, không có nổi một người thân lúc khó khăn hoạn nạn.

Mấy phút sau, bác sĩ kia nói:

– Khâu xong rồi, bạn cứ đóng tiền viện phí nhập viện trước đi rồi tính tiếp nhé.
– Vâng.

Vì bó bột không đi được nên tôi đành phải nhờ một chị y tá đóng viện phí giúp tôi, nhưng lúc đó trong túi có hơn bốn trăm nghìn thôi, không đủ nên chị ấy quay lại bảo tôi “Viện phí tạm ứng hai triệu cơ, còn thiếu một triệu sáu trăm ngàn nữa”.

Tôi chẳng biết nói sao cả, cũng chẳng có cách nào. Tiền trong tài khoản thì tôi có, hàng tháng cứ đúng mùng 5 là Huy lại tự động chuyển cho tôi mười triệu. Tôi đoán một là anh để chế độ tự động chuyển mà quên mất, hai là anh chỉ chuyển theo thói quen. Nhưng dù là lý do nào đi chăng nữa thì tôi cũng không thể dùng số tiền ấy được, lý do thì chắc ai cũng hiểu.

Đúng lúc đang loay hoay thì thấy anh Nhân gọi đến.

– Alo, anh ạ.
– Trưa nay em chốt sổ chưa nhỉ? Hệ thống lỗi, anh kiểm tra mãi mà không được.
– Em chốt rồi ạ. Em có lưu bản excel vào máy đấy, anh tìm ổ D, file Vân Tháng 4 là ra ạ.
– Ừ.
– Anh ơi, em muốn xin nghỉ mấy hôm được không ạ?
– Sao thế? Có việc gì mà tự nhiên lại xin nghỉ thế em.
– Em bị tai nạn anh ạ. Đang trong viện cơ, bác sĩ bảo em phải nhập viện. Anh thông cảm giúp em, cho em nghỉ mấy hôm anh nhé.
– Bị sao đấy, nặng không? Chắc phải thế nào người ta mới bắt nhập viện chứ? Em đang ở viện nào?
– Em ở viện Bình Dân anh ạ.
– Ừ. Cứ nghỉ ngơi đi.
– Vâng, em cảm ơn anh.

Cúp máy xong, tôi chỉ lo anh Nhân nói thế nhưng thấy tôi nghỉ lâu vẫn đuổi việc. Không ngờ ba mươi phút sau thấy anh ấy gọi lại một lần nữa, hỏi tôi đang ở khoa nào phòng nào rồi vào thăm tôi.

Anh Nhân lấy ra một hộp cơm cùng thức ăn, chắc là mang từ nhà hàng đến, bảo với tôi:

– Chắc chưa ăn gì đúng không?
– Ngại quá, em bị sơ sơ thôi mà. Anh mất công mang cả thức ăn vào thăm em.
– Sơ sơ gì mà sơ sơ, nhìn em sắp thành zombie đến nơi rồi chứ sơ sơ gì má. Ăn đi, ăn cho mau lại người.
– Dạ, em cảm ơn anh.

Tôi mới ăn được vài thìa thì y tá đi qua lại nhắc đóng viện phí. Anh Nhân nhìn tôi một lúc rồi hỏi:

– Em chưa đóng viện phí à?
– À vâng, tý nữa em ra đóng.
– Chân đau thế này đi lại làm sao được. Cứ ngồi đây, anh đi đóng cho.
– Dạ thôi, anh ơi, anh để em tự đóng, em đi được mà.

Anh Nhân không nghe, vẫn nhất quyết tự mình ra đóng viện phí cho tôi, lúc quay về đưa cho tôi hai hóa đơn, một là hóa đơn viện phí, hai là hóa đơn chụp CT.

Tôi ngại quá nên nói:

– Anh ơi anh đóng tiền cho em thế thì em lấy gì trả anh. Em ngại anh quá.
– Cứ nghỉ ngơi cho khỏe đi, sau đi làm anh trừ lương sau.
– Em cảm ơn anh ạ. Cảm ơn anh nhiều.
– Em vào Sài Gòn hai tháng rồi mà chưa quen được bạn bè gì hả?
– Có, em quen mấy sư cô ở chùa với cả mọi người trong nhà hàng còn gì.
– Thế còn bạn trai, quen ai chưa?
– Chưa ạ. Em thế này ai thèm thích em đâu.
– Em xinh như thế mà thiếu người thích sao trời, đến anh còn đang thích nữa là.

Tôi gượng cười, trước đây làm gái tôi đã tiếp xúc với đủ loại đàn ông, tất nhiên cũng hiểu anh Nhân nói như vậy là ý gì. Anh ấy là chủ nhà hàng lớn, lại chưa có vợ, nhưng mà không hiểu sao cho đến bây giờ tôi vẫn chưa thể mở lòng ra được, tôi không còn muốn thích ai, yêu ai, thậm chí cả việc xa hơn là lấy chồng rồi sinh con, tôi cũng chưa từng nghĩ đến.

– Anh biết nói đùa thế. À đúng rồi, hôm nay nhà hàng đông khách không anh?
– Cũng đông, mấy bé chạy đi chạy lại cả buổi, trời thì nóng nữa.
– Cố lên, vì sự nghiệp kiếm tiền mà. Có đông khách thì bọn em mới được nhờ, anh nhỉ?
– Ừ, nhanh khỏe đi còn đi làm lại.
– Dạ.

Sau khi anh Nhân về rồi, tôi phần vì đau, phần vì đã ngất cả buổi nên không ngủ được. Tôi cầm điện thoại vào facebook xem linh tinh, cuối cùng ngón tay lại vô thức bấm vào tìm kiếm nick của Huy.

Hai tháng rồi chúng tôi không liên lạc gì, không biết bây giờ anh thế nào, đã lấy vợ chưa hay cuộc sống có thay đổi gì khác không. Chẳng hiểu sao từ khi tôi đặt chân đến Sài Gòn, tôi hận anh nhiều nhưng nhớ anh cũng nhiều, có lẽ vì anh là người đàn ông đầu tiên và duy nhất của tôi cho đến bây giờ, thế nên tôi mới không quên được.

Facebook anh cũng lạnh nhạt hờ hững y hệt như con người anh, thậm chí đến cả một tấm hình đại diện cũng không có, bạn bè thì để chế độ ẩn, tôi lại không kết bạn nên không biết anh đăng những status gì. Tôi kéo qua mấy bài viết về công nghệ anh share ở chế độ công khai, xuống đến bên dưới tự nhiên lại thấy một dòng:

“I would rather be poor and in love with you, than being rich and not having anyone”
Tạm dịch: Thà nghèo mà có tình cảm còn hơn giàu mà đơn độc.

Dòng trạng thái này anh đăng cách đây một tháng.

Tôi đọc xong chỉ biết cười. Anh nhận ra điều này thật à? Có thật là đã hiểu người nghèo như chúng tôi cần gì và muốn gì không? Giàu như anh luôn đơn độc, luôn nghĩ mình là trung tâm của vũ trụ, mọi thứ phải xoay quanh anh, bao gồm cả tình yêu.

Nhưng giờ anh thấy đấy, giàu không phải là tất cả. Tiền đôi khi có mua được hạnh phúc đâu.

Sáng ngày hôm sau, các bác sĩ đến từng giường để thăm hỏi và khám sơ bộ cho bệnh nhân như thường lệ. Bác sĩ hôm qua khâu cho tôi kiểm tra vết thương của tôi một lúc rồi nói:

– Tý nữa đi chụp CT nhé, xong có kết quả thì gặp tôi.
– Gặp anh ở đâu ạ?
– Phòng phó khoa, tôi là phó khoa.

Tôi nhìn bảng tên trên ngực áo bác sĩ, thấy trên đó có một tấm ảnh 3×4 cùng dòng chữ: Khoa ngoại, bác sĩ Đoàn Minh Dương. Trong ảnh nhìn trẻ với cả đẹp trai, thế mà đã làm đến phó khoa rồi, một là cơ to, hai là cực giỏi. Tôi nghĩ chắc anh ta có cả hai.

– Vâng ạ, em biết rồi.

Sau khi có kết quả chụp CT, tôi chống nạng đến phòng phó khoa, ngồi chờ ngoài hành lang cả tiếng mới thấy Dương về. Anh đọc phim chụp CT của tôi rồi bảo:

– Não không có vấn đề gì, không có máu tụ, sọ không rạn, yên tâm rồi nhé.
– Vâng ạ. Em cảm ơn bác sĩ ạ. Thế chiều nay em có thể ra viện được chưa bác sĩ?

Dương tự nhiên kéo khẩu trang xuống rồi nhìn tôi, hóa ra dưới lớp khẩu trang anh còn đẹp trai hơn cả trong ảnh. Da trắng, mũi cao, lông mày đậm, nhất là đôi mắt rất sáng, nhìn rất sạch sẽ và đạo đức.

Không hiểu sao, lúc ấy tự nhiên tôi lại nhớ đến Huy. Nếu so với Huy thì có lẽ Dương không đẹp trai bằng, Huy cuốn hút theo kiểu lạnh lùng thâm trầm, mặt anh đẹp từng đường nét, từng góc cạnh, mới nhìn đã biết người quyền quý, còn Dương thì đẹp theo kiểu giản dị trong sạch, dễ gần dễ chịu.

Nhưng sao tôi thấy gương mặt của anh ta quen quen vậy nhỉ?

– Tình trạng của bạn như thế này vẫn chưa xuất viện được. Ở lại điều trị đã.
– Khoảng bao nhiêu lâu ạ? Em còn phải đi làm nữa, không ở lâu được ạ. Anh có thể cho em ra viện sớm không, sớm ngày nào tốt ngày ấy ạ.

Dương bật cười:

– Đi viện mà còn kì kèo với bác sĩ nữa hả?
– Không ạ. Tại em nghỉ làm thì mất việc, mà không đi làm thì không có tiền.
– Được rồi, bạn cứ ở lại thêm một tuần nữa. Chân bạn vẫn còn đang bó bột, tạm thời chắc vẫn chưa đi làm được đâu. Hết một tuần mà sức khỏe tiến triển tốt thì tôi cho xuất viện.
– Em cảm ơn bác sĩ ạ, cảm ơn anh.
– Không có gì.

Tôi nằm viện thêm một tuần, trong một tuần này thỉnh thoảng anh Nhân có đến thăm, mua sữa mua cam, mang cơm cho tôi ăn. Anh Nhân hỏi:

– Thế bình thường ai mua cơm cho em?
– Em nhờ chị giường bên anh ạ. Chị ấy mổ u ở ngực, sắp lành rồi, đi lại tốt.
– Ừ, chịu khó chứ biết sao giờ. Cơm bệnh viện làm sao ngon bằng cơm nhà hàng mình được.
– Vâng ạ. Em chỉ nằm thêm hai ngày nữa thôi, sang thứ hai em xin bác sĩ xem có được về không rồi em đi làm anh ạ.
– Cứ nghỉ đi, chân bó bột thế này phải cả tháng chứ đi làm sao nổi.
– Em ngồi ở quầy tính tiền được mà, anh phải tạo điều kiện cho em nhé, cho em không cần đứng dậy mà chỉ ngồi tính tiền thôi. Em tăng ca để bù vào được không ạ.

Anh Nhân bật cười, nói chung anh ấy không đẹp trai lắm, hơi lùn mà da còn đen đen, mắt một mí, nhưng vì anh ấy tốt với tôi nhất nên tôi lúc nào cũng nhìn anh bằng con mắt đầy thiện cảm.

– Em sợ anh đuổi việc em à?
– Vâng ạ. Vất vả lắm mới tìm được một việc tốt, ông chủ lại tốt, em sợ bị mất việc lắm.
– Ừ, được rồi, cứ yên tâm. Anh thích cái đẹp lắm nên không nỡ đuổi việc nhân viên đẹp gái như em đâu. Khi nào đi làm được thì đi.
– Vâng, em cảm ơn anh ạ.

Yêu thích: 3.2 / 5 từ (4 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN