Lấy Gái Về Làm Vợ - Phần 15
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
4587


Lấy Gái Về Làm Vợ


Phần 15


Trong thời gian tôi nằm viện, ngày nào bác sĩ Dương cũng đến tận giường khám bệnh rồi hỏi han vài ba câu về tình hình sức khỏe của tôi, tôi cũng lịch sự trả lời lại như bệnh nhân bình thường.

Chẳng hiểu sao tôi rất có cảm tình với bác sĩ này, không phải vì anh ta đẹp trai mà cách nói chuyện của anh ta với tất cả mọi người đều rất nhẹ nhàng từ tốn, dù công việc mệt nhọc hay áp lực đến đâu đi nữa thì cũng chưa từng thấy anh ta cau có khó chịu chứ đừng nói là to tiếng quát tháo người nào.

Đối với công việc ngày ngày phải tiếp xúc với đủ loại bệnh nhân như bác sĩ, người như Dương rất hiếm.

Cho đến một hôm trước khi tôi được xuất viện, có một đám côn đồ bị thương xông vào khoa, mấy người bị chém được mấy người còn lành lặn dìu, vừa đi vừa gào lên:

– Bác sĩ, bác sĩ đâu rồi, chúng mày trốn đâu hết rồi, ra đây. Ra khâu cho bạn tao mau lên.

Hôm ấy lại đúng ca trực của Dương, cả khoa chỉ có một bác sĩ với hai điều dưỡng, bảo vệ thấy thế cũng xông lên khoa nhưng mấy tên côn đồ kia có vẻ có số má, lại còn có cả dao găm với mã tấu nên không ai dám làm gì bọn chúng cả.

Người bệnh còn ở lại trong khoa cũng im bặt, rối rít nép mình vào một góc. Dương nghe tiếng quát tháo mới từ phòng tiểu phẫu đi ra, anh nhìn một lượt rồi bảo:

– Tôi là bác sĩ ở đây.
– Mày.

Hai tên cầm mã tấu chỉ vào Dương, hằm hè dọa:

– Khâu cho bạn tao mau lên. Chúng mày dám khâu láo hay là báo công an thì đừng trách tao nhé. Dao của tao hơi bị sắc đấy.

Dương xua tay với hai người bảo vệ, ý bảo bọn họ không cần gọi công an không lại nhiều chuyện, sau đó nói:

– Bạn anh bị thương thế thì phải đưa vào phòng cầm máu đã rồi mới khâu được.
– Mày làm sao thì làm, hai tiếng sau tao phải thấy bạn tao lành lặn khỏe mạnh ra ngoài. Nếu không thì mày tập ngửi mùi đất dần đi là vừa.

Chắc ai từng làm ở bệnh viện cũng không xa lạ gì với tình cảnh du côn vào tận khoa, đe dọa bác sĩ phải cứu người hoặc không được cứu người, có lẽ Dương cũng đã quen rồi cho nên mới bình tĩnh xử lý tình huống như thế.

Lúc sau, mấy tên bị chém được đưa vào phòng tiểu phẫu, đồng bọn của bọn chúng ngồi bên ngoài hằm hè, thỉnh thoảng còn mở cửa ngó vào chửi mắng bác sĩ vài ba câu. Bệnh nhân cả khoa sốt ruột không ngủ được, tôi cũng không ngủ được.

Hai tiếng sau, Dương đi ra, hai điều dưỡng cũng đẩy cáng di động có mấy tên côn đồ ra ngoài.

– Bạn của mấy anh đã được cầm máu và khâu rồi, nhưng vết thương sâu, cần nhập viện để theo dõi và khử trùng thay băng hàng ngày.
– Hết việc rồi thì im đi, bạn tao không cần nhập viện.
– Vậy tùy các anh đấy nhé. Bây giờ điều dưỡng sẽ đẩy bạn của các anh xuống dưới tầng 1, tiện thể các anh đi theo nộp viện phí luôn đi.

Bọn du côn thấy bạn mình được đẩy đi rồi nên chỉ lườm Dương một cái rồi đi theo, bỗng nhiên tên cuối cùng đi còn ngứa mắt với anh nên cầm ngược cán mã tấu rồi gõ lên đầu Dương một cái.

– Mẹ nhà mày, tưởng làm bác sĩ mà oai à?

Sau đó mới ngênh ngang bỏ đi.

Cả phòng bệnh nhân của tôi ai cũng rất quý Dương nên khi thấy máu nhỏ tong tong từ trán anh xuống, mấy người nhao nhao cả lên:

– Bác sĩ có làm sao không? Máu chảy rồi kìa, có làm sao không bác sĩ?
– Cháu không sao đâu, các bác các cô không cần lo đâu, cứ nghỉ ngơi đi ạ.

Nói xong, một tay anh giữ máu trên trán mình rồi quay vào phòng tiểu phẫu, chẳng hiểu sao tôi cũng ngồi dậy, chống nạng vào theo. Vào đến nơi thấy Dương đang tự soi gương để lau vết máu.

– Anh ơi, anh nằm xuống bàn tiểu phẫu đi, em sát trùng cho.

Dương quay lại nhìn tôi, thấy tôi một chân một tay vẫn chống nạng mà chạy vào tận đây đòi khử trùng, tôi tưởng anh sẽ đuổi tôi ra ngoài nhưng cuối cùng Dương chỉ cười:

– Em có biết sát trùng không mà đòi làm?
– Ngày nào cũng được chị điều dưỡng sát trùng với cả thay băng vết thương ở phòng này mà, anh nằm xuống đi, em làm cho.

Giờ này hai điều dưỡng chắc còn đưa mấy tên du côn bị thương xuống dưới sảnh, chẳng có ai làm mấy việc này cả, mà Dương cũng dễ nghe lời nên thoáng gật đầu nhìn tôi, sau đó cầm khay dụng cụ rồi đi đến bàn tiểu phẫu, nằm xuống.

Dưới sự hướng dẫn của anh, tôi cẩn thận đeo găng tay rồi cầm panh kẹp gạc, xử lý vết thương. Thật ra lúc ấy tôi không nghĩ nhiều, chỉ là có thiện cảm với bác sĩ nên mới hành động như thế thôi, không ngờ sau này vì thế mà chúng tôi bắt đầu trò chuyện rồi thân quen từ lúc nào không biết.

Tôi cười:

– Lúc trước thì bác sĩ khâu vá vết thương cho bệnh nhân, giờ bệnh nhân lại khử trùng vết thương cho bác sĩ, nghĩ cũng buồn cười nhỉ?
– Bác sĩ khi ốm thì cũng là bệnh nhân mà.
– Ở bệnh viện mình hay có giang hồ vào thế à, em thấy anh chẳng sợ gì cả.
– Ừ, khoa ngoại là thường hay gặp nhất. Vì hầu như mấy đám du côn này toàn đánh chém nhau hoặc bị tai nạn, thế là bọn nó mặc định rồi, cứ mỗi lần bị, không cần hỏi cũng kéo nhau lên khoa ngoại.
– Sao anh không để bảo vệ gọi công an. Có công an đến đây chắc bọn nó không dám đánh người đâu, anh cũng chẳng bị thương.
– Vì anh là bác sĩ, phải cứu người mà. Du côn thì cũng vẫn là người đấy thôi.

Tôi không ngờ Dương lại trả lời như thế, tự nhiên lại thấy kính trọng nghề nghiệp và nhân cách của anh vô cùng. Nếu đổi lại là tôi, ai đâm tôi một dao thì tôi cũng trả đủ lại một dao, như Vy chẳng hạn, chị ta hại mẹ tôi, tôi cũng phải đánh chị ta một trận, nếu có thể giết được chắc tôi cũng giết để trả thù cho mẹ tôi quá.

Nghĩ đến Vy, tự nhiên tôi lại nghĩ đến cả Huy, bỗng dưng lại thở dài.

Dương thấy tôi thở dài thì cũng khẽ cười:

– Em là người ngoài Bắc à? Mới vào đây đúng không?
– Vâng, em là người Bắc. Anh cũng là người Bắc ạ? Giọng anh nhẹ lắm, như giọng con trai Hà Nội ấy.
– Ừ, anh ở Hà Nội, mới vào đây làm được hai năm thôi.
– Thế mà chẳng nói lơ lớ giọng Nam gì cả, em vào đây mới hai tháng mà thỉnh thoảng đã buột miệng nói mấy câu giọng Nam rồi đây này.
– Thật à? Em ở đâu miền Bắc?
– Em ở tận Hải Dương, anh xuống đó bao giờ chưa?
– Anh xuống rồi, hồi cấp 3 có nhà bà nội đứa bạn trên đó, lên đúng mùa vải thiều, được ăn bao nhiêu vải thiều Thanh Hà.
– Đúng rồi, trước cửa nhà em có một cây vải thiều cổ thụ nhưng quả ngon cực. Ở huyện em chỗ em nhà nào cũng có vải. Cùi vải vừa to vừa ngọt nữa.
– Công nhận nhỉ? Vải Thanh Hà ngon thật đấy, anh ở trong này ăn vải miền nam ngọt quá, không quen.

Có chủ đề chung, chúng tôi trò chuyện không ngớt, dần dần tôi biết Dương năm nay mới ba mươi tuổi, đúng bằng tuổi của Huy nhưng nhìn anh vui vẻ và trẻ hơn nhiều, không như ai đó, mới có ba mươi tuổi thôi mà lúc nào cũng như ông già, khó tính khó chiều, lại hay cằn nhằn tôi.

Ngày hôm sau tôi xuất viện, Dương cũng bận, ở phòng mổ suốt nên tôi không gặp được mà chào một câu. Tôi chống nạng về phòng trọ, vừa mở cửa vào đến nơi thì thấy có người gọi điện thoại đến.

Hóa ra là người hôm trước đâm xe phải tôi gọi tới, ông ta xin lỗi rồi xin địa chỉ chỗ tôi ở, sau đó hai vợ chồng đến thăm hỏi rồi bồi thường cho tôi ba mươi triệu.

Tôi cầm mấy đồng 500 trăm nghìn lên, đếm đủ năm triệu, tiền còn lại tôi đẩy về phía họ:

– Cháu nằm viện chỉ điều trị hết mấy triệu, cháu nhận năm triệu thôi, số còn lại cô chú cứ cầm về đi. Cháu cũng không muốn dính dáng đến pháp luật. Cô chú có tấm lòng là được ạ, cháu nhận tấm lòng.

Vợ chồng cô chú kia nhìn nhau, xong nói mãi mà tôi cũng vẫn nhất định không chịu cầm thêm tiền, trước lúc ra về, chú kia đưa cho tôi một tấm danh thiếp rồi bảo:

– Đây là số điện thoại của chú, cháu cần việc làm hay có việc gì cần giúp cứ gọi cho chú. Cháu bồi bổ vào cho nhanh khỏe nhé.
– Vâng ạ.

Bẵng đi thêm một thời gian, tôi đã bắt đầu đi làm trở lại, tôi lấy ba triệu từ khoản tiền năm triệu mà chú Quý đưa trả cho anh Nhân. Số còn lại để dành mua đồ sinh hoạt và thuốc men. Anh Nhân thấy tôi lặc liễng ở quầy thì tốt bụng, cứ đứng bên đó giúp tôi cái này cái kia, có hôm còn trêu:

– Vân ơi, hay là em lấy anh đi. Sau này em chỉ việc ngồi nhà đếm tiền thôi, kiếm tiền cứ để anh lo.
– Thật á anh?
– Ừ. Anh có cả một nhà hàng thế này cơ mà, em yên tâm, kiểu gì anh cũng đủ tiền nuôi em. Em chỉ việc ngồi chơi xơi nước thôi, không cần chân đau mà vẫn đi làm thế này nữa.

Tôi cười toe toét:

– Thôi nhé, bao nhiêu người mong được thế thì anh không lấy, cứ trêu em làm gì.
– Anh nói thật mà, có trêu đâu. Anh nhiều tuổi rồi, bố mẹ ở quê cứ giục lấy vợ đẻ con đi, mà tuổi này thì lười đi tán lắm rồi, nhân tiện có em làm ở đây, không cần phải đi đâu cũng nhắm được đối tượng đấy thôi.

Tôi nghe mấy bạn nhân viên làm lâu năm ở nhà hàng nói, anh Nhân hồi trẻ chỉ lo làm ăn, không nghĩ đến chuyện lấy vợ, dần dần có được cơ nghiệp như này hôm nay rồi thì tuổi cũng đã sang tứ tuần, việc tìm được một người thích hợp lại càng khó.

Thực ra với một đứa đã từng làm gái như tôi, lấy được một ông chồng thế này đã là quá tốt, quá hoàn mỹ, nhưng mà chẳng hiểu sao tôi không hề có một ý định nào gọi là mồi chài anh Nhân cả, anh ấy tốt với tôi, nhưng tôi không thể mở lòng ra được.

Cũng có thể, trong lòng tôi vẫn còn vương vấn một người, đã trải qua rất nhiều biến cố thăng trầm lẫn thời gian xa cách… vẫn chưa buông bỏ nổi.

Sau khi chân tôi được tháo bột, tôi mới về lại chùa thăm sư cô lẫn bọn trẻ. Sư cô thấy tôi lâu không đến, lại gầy rạc đi thì cứ nắm tay tôi, xót xa:

– Con làm gì lâu nay không thấy ghé? Sao con gầy thế? Công việc vất vả lắm à?
– Không cô ạ. Con vẫn khỏe mà, cô có khỏe không, dạo này có bận lắm không cô?
– Ngày tuần mới bận thôi, mấy hôm nay cô rảnh. Mấy đứa nhớ con lắm đó, trưa ở lại ăn cơm chay với chùa nghen con.
– Vâng ạ, để con vào bếp phụ nấu cơm.

Bọn trẻ rất quấn tôi nên mỗi lần tôi đến là nhao nhao cả lên, hôm ấy tôi đang ngồi trong bếp chiên đậu phụ, tiện thể kể chuyện cho mấy đứa nhóc nghe thì tự nhiên nghe ngoài sân có tiếng nói:

– A, chú Dương, chú Dương đến.

Mấy đứa đang ngồi với tôi nghe thế, mắt cũng sáng rực lên, bảo tôi chờ một tý rồi chạy ra ngoài. Tôi nhìn qua cánh cửa thấy Dương đang đi vào trong sân chùa, hôm nay anh không mặc quần áo blouse mà chỉ mặc áo pull, quần bò đơn giản, trông không quá cứng nhắc như quần áo bác sĩ mà phóng khoáng nhẹ nhàng như thanh niên bình thường mà thôi.

Chiên đậu xong, tôi cũng chạy ra bên ngoài. Dương thấy tôi có vẻ hơi ngạc nhiên, sau đó mỉm cười:

– Ơ tình cờ quá, em cũng ở đây à?
– Vâng, hôm nay em được nghỉ nên đến. Anh cũng đến đây ạ?
– Ừ, hôm nay chủ nhật nên anh tranh thủ qua thăm mấy đứa nhóc này tý.

Một đứa hớn hở giới thiệu với tôi:

– Chị Vân ơi, đây là chú Dương đấy, chú Dương hay mua đồ chơi cho bọn em.
– Thật à?
– Vâng. Còn đây là chị Vân chú Dương ạ, chị ấy nấu ăn ngon cực, bọn cháu thích ăn cơm chị Vân nấu nhất đấy.

Hai chúng tôi không hẹn mà cùng nhau bật cười, vừa ôm mấy đứa nhóc vừa trò chuyện với nhau. Trưa hôm đó, Dương ở lại chùa cùng ăn cơm chay với bọn tôi, qua lời sư cô kể, vì chùa lúc trước có phát cháo từ thiện trong bệnh viện nên mới quen Dương, sau đó Dương hay đến đây làm công quả, còn mua cho bọn nhóc rất nhiều đồ chơi. Dần dần, nhà chùa, lũ trẻ và anh cũng bắt đầu thân thiết.

Khi ra về, Dương chủ động bảo đưa tôi về nhà. Anh bảo mới vào đây làm được hai năm nhưng tôi thấy anh đã mua được ô tô, chẳng biết là ô tô loại gì nhưng nhìn xe kiểu sang sang và cáu cạnh đã biết ngay anh là người có tiền.

Từ sau chuyện của Huy, tôi đâm ra sợ người có tiền, thế nên sau khi đoán già đoán non gia cảnh nhà Dương rồi, tự nhiên tôi lại giữ khoảng cách với anh, tôi không chủ động nói chuyện trước, không thoải mái nữa. Chỉ có Dương vẫn kiên nhẫn cười:

– Em vào đây đã quen chưa? Nãy anh nghe sư cô nói lúc đầu em vào là ở nhờ chùa hả?
– Vâng, lúc em vào đây không quen biết ai cả nên xin sư cô ở nhờ chùa. Mới đầu vào thấy ấn tượng về Sài Gòn tốt thật, ai cũng lịch sự thân thiện.
– Đúng rồi, người Sài Gòn phóng khoáng mà. Mỗi tội bây giờ nhiều người từ nơi khác về, cướp giật rồi đâm chém nhau, em ra đường buổi tối phải cẩn thận đấy.
– Thật ạ? Em không có nhiều tiền nên cũng không sợ lắm. Chắc bọn nó chỉ cướp người có tiền thôi anh nhỉ? Ví dụ như anh chẳng hạn.
– Anh á? Anh làm gì có tiền. Bác sĩ nghèo lắm.
– Vẫn cao hơn lương em.

Dương quay sang nhìn tôi, ánh mắt anh rất sáng, rất trong sạch, nhưng không hiểu sao tôi vẫn thích ánh mắt sâu thăm thẳm không đoán dò được ý của Huy hơn.

Nghĩ đến Huy, tôi phát hiện ra mình sắp phát điên rồi, làm gì nghĩ gì, gặp ai, cũng cứ thế đi so sánh với anh!!!

– Em bây giờ đang làm gì?
– Em đang làm lễ tân cho nhà hàng anh ạ. Cũng ở quận 3. Em thuê trọ cách nhà hàng 4km.
– Anh cũng ở quận 3, em cho anh địa chỉ, hôm nào anh qua nhà hàng em làm ăn thử bữa cơm mới được.

Tôi đọc tên nhà hàng, sau đó lại hỏi thăm anh vài ba câu về công việc, trước khi xuống xe chúng tôi còn trao đổi số điện thoại. Nhưng tôi không có ý định gì với Dương cả nên chỉ gật gù để đó, còn chẳng lưu số điện thoại anh.

Tôi biết, kiểu người như Dương tôi không với tới, tôi chẳng những là một đứa nghèo kiết xác mà bản thân còn đã từng làm gái, làm sao dám tơ tưởng xa xôi gì. Tốt nhất nên biết thân biết phận vẫn hơn.

Về đến phòng trọ, tôi loay hoay trên giường một lúc rồi tự nhiên nhớ Huyền nên bấm điện thoại gọi cho nó. Vừa được hai tiếng chuông đã nghe giọng nó hét ầm lên:

– Khiếp, rồng còn nhớ đến tôm cơ đấy? Bạn bè kiểu quái gì mà cắt đứt liên lạc cả tháng trời.

Cách đây một tháng nó gọi cho tôi một lần, nhưng lúc đó tôi bận quá nên chỉ nói qua loa là chờ hết khách rồi tôi gọi lại, xong rồi bù lu bù loa đủ việc nên tôi cũng quên bẵng đi. Hôm nay hiếm khi được ngày nghỉ nên gọi lại cho nó.

– Thì tao đang gọi cho mày đây còn gì. Khỏe không?
– Khỏe quái gì mà khỏe. Yếu như sên đây này, đói quắt cả người lại rồi.
– Sao đấy, dạo này không có khách à?
– Ừ, chán lắm, đói kém.
– Hay mày vào đây với tao đi. Trong này nhiều việc lắm, như tao làm lễ tân một tháng cũng được 6 triệu đấy.
– Tao cũng đang tính đi tìm việc gì làm đây. Làm cái nghề bán thân này rẻ rúng quá, lại còn hay gặp mấy thằng tâm thần.
– Ừ, vào đây ở với tao, một mình tao thuê phòng trọ cũng buồn.
– Để tao tính đã, ở ngoài này thỉnh thoảng còn về quê thăm bố mẹ với mấy đứa em được chứ, ở Sài Gòn xa quá.

Tôi nghĩ Huyền nói thế cũng đúng, nó còn gia đình, như tôi còn mỗi thằng Tý thôi nhưng làm gì dám gặp, ở xa xôi thế này cũng chẳng vướng bận gì cả.

Tôi thở dài:

– Ừ, cứ tính đi. Nếu vào đây được thì tốt, giờ có máy bay, đi lại cũng gần mà. Với lại cái nghề của mình, phải bỏ đi thật xa thì may ra mới tìm được cuộc sống khác, cứ ở mãi Hà Nội, đi đến đâu cũng đụng mặt khách quen.
– À. Tao bảo này. Không nghe mày nói đến khách quen thì tao cũng quên béng đi.
– Sao thế?
– Hôm tao gọi cho mày mà mày bảo bận ấy, tao gặp ông Huy đấy.
– Anh Huy á? Sao mày lại gặp.
– Ông ấy đến quán uống rượu, đi một mình thôi. Một mình ở trong phòng, cứ thế nốc rượu.

Tim tôi tự nhiên nhói đau, chẳng biết sao lòng lại thấy chua xót như thế nữa. Trước kia tôi ra đi, tôi rất hận anh ta, hận vì quen anh ta mà tôi đã phải chịu nhiều đau đớn thế này. Nhưng mà thời gian qua đi, dần dần sự hận thù ấy cũng trở nên phai nhạt, mỗi ngày đều mờ đi một ít, cho đến bây giờ trong tôi chỉ còn lại nỗi nhớ bị đè nén.

Tôi nhớ rất rõ, anh là người đàn ông đầu tiên của tôi, anh là người cho tôi cơm ăn, cho tôi nhà để ở, cho tôi tiền để chữa bệnh cho mẹ, thậm chí lúc tôi suy sụp nhất cũng chỉ có anh tìm đến tận quê tôi, dùng cái nắm vai của mình để động viên tôi, khuyên tôi tiếp tục sống.

Chỉ là hận thù quá lớn, khiến đến tận bây giờ tôi vẫn phải cực lực đè nén tình cảm lại trong tim, tự nhủ phải quên đi người đàn ông ấy.

– Vân, mày còn nghe không đấy?
– À tao đây.
– Sao, nghe đến người yêu cũ mà dửng dưng thế. Không muốn biết ông ấy sao à?
– Biết để làm gì, có quay lại được nữa đâu. Giờ tao chỉ muốn tránh càng xa càng tốt.
– Ông ấy nhớ mày đấy.

Yêu thích: 4 / 5 từ (7 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN