Lấy Gái Về Làm Vợ
Phần 16
Khi nghe xong câu đó, tim tôi lại nhói đau lần thứ hai.
Lúc này, Huyền kể cho tôi nghe một câu chuyện:
Huy vẫn khó tính khó chiều như ngày đầu chúng tôi gặp nhau, anh một mình uống rượu hút thuốc trong phòng, không cho tiếp viên nào tiếp cả. Cả đám con Tú thay phiên nhau vào lại bị anh đuổi ra, đến lượt con Huyền, nó bình thường không thích tiếp khách kiểu này nhưng vì nghĩ Huy có nhiều liên quan đến tôi nên thử vào moi móc thông tin xem thế nào.
Lúc Huyền vào, Huy đập choang cốc rượu, nói đúng một câu: “Cút”.
Huyền cũng thuộc dạng ghê gớm, nó bĩu môi nhìn anh thảm hại ngồi trên ghế, cúc áo cổ mở tung, xung quanh đầy vỏ chai rượu ngổn ngang lẫn khói thuốc lá. Huyền bĩu môi:
– Cút thì cút. Khó tính như anh mà con Vân cũng chịu được, chẳng biết sức chịu đựng của nó dã man kiểu gì đấy.
Nghe đến tên tôi, Huy mới ngẩng đầu lên nhìn. Anh nhìn chằm chằm Huyền một lúc rồi mới chịu mở miệng:
– Cô là bạn của Vân à?
– Không những bạn, mà còn là bạn rất thân nữa cơ.
– Lại đây.
Huyền đi lại gần, ngồi xuống tự rót rượu rồi châm thuốc hút. Huy im lặng một lúc lâu, sau đó hỏi:
– Cô có biết Vân đang ở đâu không?
Huyền thản nhiên xòe tay ra:
– Tiền. Muốn có tin tức phải có tiền. Anh làm kinh doanh với cả bao con Vân lâu ngày mà ngay cả việc đơn giản thế cũng không biết à?
Lần đầu tiên Huy không tỏ ra khinh bỉ những đứa làm gái đòi tiền trắng trợn như Huyền, cũng không chửi bới. Anh chỉ lặng lẽ móc từ trong ví ra tất cả số tiền mà anh có, dúi vào tay nó rồi bảo:
– Một nấy đủ chưa? Cô nói đi.
– Đầu tiên tôi hỏi đã, anh muốn biết nó ở đâu làm gì?
– Tôi có việc, cô chỉ cần trả lời tôi là được, không cần hỏi nhiều.
– Hai người bây giờ chẳng còn quan hệ gì nữa, mẹ nó cũng mất rồi, chẳng cần anh bao với chả nuôi nữa. Hay là anh thích nó? Thích nó nên mới đến đây uống rượu vì nhớ nó có đúng không?
Như bị chọc đúng tim đen, Huy tự nhiên nổi khùng:
– Cô bị điên gì đấy? Vân lấy tiền của tôi rồi trốn mất, tôi phải tìm cô ta để đòi hiểu chưa?
– Nó lấy tiền của anh bao giờ? Anh đừng vu oan giá hoạ cho người khác thế nhé. Nghĩ mình anh có tiền à?
– Không biết thì im đi. Việc của cô là nói bây giờ Vân đang ở đâu, không nói được thì ra ngoài.
Huyền bị chửi, cộng thêm việc ngày trước vì người yêu của Huy mà tôi mới ra nông nỗi này, nó cũng điên lên, cầm cả xấp tiền ném vào người Huy:
– Anh tưởng anh có tiền là oai à? Bọn nhà giàu các anh coi thường người khác vừa thôi. Mẹ con Vân bị ai hại chết? Cả nhà nó quay lưng với nó vì ai? Vì ai hả? Vì ai mà anh còn dám đến tận đây hỏi nó đang ở đâu? Định lôi nó về hành hạ nó tiếp chắc? Tôi nói cho anh biết, giờ nó sung sướng lắm, có đại gia hơn anh bao nuôi cơ, mấy đồng bạc rách của anh trả cho anh đấy. Đừng tưởng mình giàu, có người còn giàu hơn. Khinh người khác vừa thôi.
– Cô nói ai bao Vân? Vân bây giờ đang ở đâu?
– Sao? Nó cuỗm của anh mấy trăm triệu đề chữa bệnh cho mẹ nên giờ cay cú à? Muốn tìm nó để hành hạ tiếp cho bõ số tiền bỏ ra đúng không? Tôi nói cho anh biết, anh đừng có mơ.
Ánh mắt Huy vằn lên mấy tia máu đỏ, không biết là do tiếp xúc với quá nhiều khói thuốc lá và rượu hay vì tức giận, hoặc có thể là đau thương… Anh nhìn chằm chằm Huyền, nuốt khan mấy lần để áp chế cơn tức giận, qua một lúc mới nói:
– Cô muốn bao nhiêu?
– Bao nhiêu? Tôi không phải là Vân, tôi không im lặng chịu các người hành hạ để có tiền chữa bệnh cho mẹ đâu. Người yêu của anh, cái con ranh mất dạy đó tên gì nhỉ? Vy à? Tên thì đẹp mà nhân cách thì chẳng bằng cave bọn tôi. Nó hại chết mẹ con Vân, làm em trai nó không nhận nó, làm cả dòng họ quay lưng với nó. Thế thì bao nhiêu tiền mới đền lại đủ tổn thương các người gây ra cho nó? Giờ nó đang ở xa, sống tốt lắm, tốt hơn lúc chưa quen anh nhiều, tiền bạc cơm áo không cần phải nghĩ. Mà anh cũng không cần hỏi nữa, tôi không bao giờ nói cho loại người như anh biết đâu.
Nói xong một mạch, Huyền mới hả dạ quay lưng bỏ đi, để lại Huy vẫn ngồi thẫn thờ ở trong phòng hát đầy mùi thuốc và rượu một mình như cũ.
Nghe nó kể xong, tôi chẳng biết nên vui hay nên buồn, nên khóc hay nên cười, nên thỏa mãn vì Huy bị sỉ nhục như vậy hay là thương hại anh. Mãi cho đến khi tiếng của Huyền truyền qua điện thoại một lần nữa, tôi mới phát hiện ra nước mắt mình chảy dài trên mặt từ bao giờ.
– Vân, Vân. Alo. Mày còn nghe không đấy?
– À… ơi, tao đây.
– Sao thế, sung sướng quá không nói được thành lời nữa à? Thấy tao chửi thâm không?
– Mày chửi thế mà ông Huy không làm gì mày cũng lạ đấy.
– Tao chửi xong ra ngoài luôn, mấy tiếng sau mới thấy ông ấy lảo đảo đi ra. Lão ấy cứ ôm đầu như kiểu đau lắm, đi được đến cửa cái thì tự nhiên ngã ra ngất xỉu.
– Ngất… ngất á?
– Ừ, sao, quả báo nhỉ? Mấy đứa gọi cấp cứu đưa ông ấy đi viện, tao thì nguyền rủa cho lão chết mẹ lão đi.
– Mày ngoa vừa thôi, ăn nói linh tinh, khẩu nghiệp đấy.
– Ôi tao còn nguyền rủa con Vy chết không nhắm nổi mắt nữa kia. Đối với bọn nó không cần lo khẩu nghiệp, vì bọn nó là bọn quỷ đội lốt người. Mà mày làm gì bênh ông Huy chằm chặp thế? Lão ấy gây ra bao nhiêu chuyện cho mày mà mày vẫn chưa quên được à?
– Người nào làm người đó chịu. Con Vy mới là đứa hại tao chứ ông Huy liên quan gì? Lúc tao khó khăn chỉ có mình ông ấy giúp đỡ, lúc tao…
– Dừng. Mày đừng nói là mày yêu ông ấy rồi đấy nhé.
Tôi cười chua chát, “yêu”? Tôi có thể yêu Huy à? Chắc là không đâu, chỉ là những lúc khốn khó chỉ có mình anh dang tay ra cứu vớt đời tôi, anh cũng là người đàn ông đầu tiên của tôi, thế nên tôi chưa quên được thôi. Hơn nữa, dù anh không trực tiếp hại chết mẹ tôi nhưng anh chính là nguyên nhân khiến Vy làm thế.
Thế nên tôi không thể nào yêu anh đâu!!!
– Mày nói vớ vẩn gì đấy. Giờ tao vào đây sống cuộc đời khác rồi. Sắp tìm được một soái ca bề ngoài bình thường nhưng bên trong thì nhiều tiền rồi. Mày cứ đợi đấy mà xem.
– Ờ, tao đợi đây.
Cúp máy xong, tôi mệt nhoài nằm xuống giường, nghĩ đến những lời Huyền vừa nói, tự nhiên lại bật khóc ngon lành một lần nữa. Tôi nhận ra nếu mình cứ như thế này rồi sẽ càng lún sâu vào đau khổ, bây giờ cứ thử mở lòng mình ra, gặp gỡ và giao thiệp với nhiều bạn bè khác, biết đâu một ngày nào đó có thể ngẩng cao đầu, bỏ lại quá khứ ở sau lưng?
Vào một hôm của nửa tháng sau đó, tôi nhận được một cuộc điện thoại. Số điện thoại đó là số lạ, tôi thì chẳng biết của ai nhưng vẫn bấm nút nghe máy:
– Alo ạ.
– Em có đi làm không? Anh đến ăn cơm.
– Dạ, nhưng mà xin lỗi ai đấy ạ?
Đầu dây bên kia im lặng một lúc, sau đó khẽ cười:
– Em không lưu số của anh à?
– À, anh bác sĩ.
– Anh Dương chứ.
– Vâng, anh Dương bác sĩ. Hôm trước em cài đặt lại máy nên mất hết danh bạ, quên hẳn số anh. Hôm nay anh rỗi, muốn đến nhà hàng em làm ăn cơm à?
– Ừ, hôm nay anh được nghỉ. Anh vừa ra khỏi bệnh viện đây, em đọc địa chỉ đi, anh đến ăn bữa cơm.
– Vâng.
Tôi nhanh chóng đọc một dòng địa chỉ, Dương nói “Ok”, xong rồi ba mươi phút sau đã thấy anh đến.
Tôi là thu ngân nên không thể ra tận bàn để đón khách được, chỉ có thể đứng trong quầy vẫy vẫy tay. Dương ngay lập tức nhận ra tôi, nhanh chóng rảo bước đi lại:
– Nhà hàng này rộng quá. Tìm mãi mới thấy em.
– Em thấy anh vào đến cửa là tìm thấy luôn rồi, thế mà bảo tìm mãi.
– Mất ba giây mới thấy còn gì.
Tôi phì cười:
– Anh gọi món đi, em bảo nhà bếp chuẩn bị đồ ăn ngon nhất cho anh. Hôm nay bác sĩ thích ăn gì, em mời.
– Thật à? Ăn gì thì em cũng trả tiền đúng không?
– Vâng, nhưng mà anh gọi món bình thường thôi nhé, gọi Tôm hùm với cả Cua hoàng đế các kiểu là lương một tháng của em cũng không đủ đâu đấy. Lúc đấy anh em mình lại phải rửa bát trừ nợ.
Dương nghe tôi đùa cũng bật cười, anh cười rất nhẹ, dịu dàng trong sạch, cách cười không lạnh lùng thâm trầm giống Huy mà tỏa nắng dễ chịu, khiến người ta có cảm giác thoải mái hơn.
Nhưng mà không hiểu sao tôi vẫn thích nụ cười lạnh lùng của ai đó hơn nhỉ?
– Rửa bát cũng được, em rửa anh úp.
– Thôi nhé, em phấn đấu mãi mới lên được cái chức thu ngân này đấy. Mời anh bữa cơm xong tụt chức là anh phải chịu trách nhiệm đấy nhé.
– Ừ, em yên tâm. Anh nuôi được. Mà trước hết để tiết kiệm chi phí, cho anh mượn quyển Menu chọn món bình thường đã.
– Vâng, anh ra bàn ngồi đi.
Dương chọn một bàn gần quầy lễ tân của tôi rồi ngồi xuống, chăm chú đọc thực đơn rồi bảo với nhân viên chọn món. Tôi thì bận nên chỉ thỉnh thoảng mới quay qua nhìn anh, thấy Dương chỉ gọi mấy món bình thường thật. Cơm, canh rau rút, thịt bò xào, một đĩa dưa hành, mâm cơm chỉ vẻn vẹn có thế thôi.
Anh quay đầu nhìn về phía tôi, cười tươi:
– Ăn cơm với anh nhé.
– Vâng ạ.
Nguyên tắc của nhà hàng là không bỏ đi hay làm việc khác trong giờ làm việc, thế nên tôi với anh không thể ăn cùng với nhau. Ăn xong, Dương ra quầy tính tiền, còn đùa với tôi:
– Hôm nay anh ăn thế đã hết nửa tháng lương của em chưa?
– Sắp hết rồi. Nhưng anh yên tâm, vì anh từng khâu với cả chăm sóc vết thương cho em nên nửa tháng lương cũng có là gì đâu. Cái này em trả được.
– Em cũng khử trùng vết thương trên đầu cho anh mà, hay là hôm nào em được nghỉ, anh mời em đi ăn đêm nhé.
– Ăn đêm ấy ạ?
– Ừ. Ăn hủ tiếu.
Lúc này, tôi mới chợt nhận ra Dương rất giống người từng trả lại điện thoại cho tôi ở quán hủ tiếu gần chùa. Đúng rồi, mắt này, lông mày này, da trắng này…
Tôi phấn khích reo lên:
– Anh… Anh là người trả lại điện thoại cho em ở quán hủ tiểu phải không?
Dương không trả lời mà chỉ nhìn tôi cười, anh lặng lẽ dúi vào tay tôi một ít tiền, sau đó nói “Cảm ơn” rồi đi ra khỏi cửa.
Lúc anh đi rồi, tôi mới cúi xuống nhìn tay mình, thấy bàn tay tôi đang cầm mấy tờ tiền xanh đỏ, cái người này thật là, đã bảo mời bữa cơm này rồi mà vẫn nhất quyết trả tiền bằng được là làm sao? Anh giúp tôi hôm đầu tiên tôi đến Sài Gòn, tôi còn chưa kịp cảm ơn, lúc trong bệnh viện cũng quan tâm tôi không ít, bây giờ mời bữa cơm này là gì đâu.
Hôm sau, tôi nhất định phải mời anh bữa hủ tiếu đêm kia mới được.
Nghĩ đến đây, tự nhiên tôi chợt phát hiện ra rằng: hóa ra tôi và Dương cũng có duyên đấy chứ, Sài Gòn này lớn thế, trong cả biển người mênh mông mà đụng mặt nhau rất nhiều lần, từ quán hủ tiếu đến bệnh viện, kể cả ở Chùa.
Người với người có duyên như thế không dễ tìm đâu.
Lúc Dương đi rồi mà tôi vẫn mải ngẩn ra suy nghĩ, anh Nhân thấy thế mới bảo tôi:
– Em quen cái anh đấy à? Nói chuyện vui thế, người ta đi rồi mà cười mãi không dứt.
– À, đâu. Anh ấy là bác sĩ ở bệnh viện, hôm trước khâu với cả bó bột cho em, nên em hỏi thăm người ta vài ba câu ấy mà.
– Thấy đẹp trai với cả làm bác sĩ nên thích rồi đúng không? Nhìn mặt em kìa, tươi như hoa.
– Không ạ. Thích gì đâu. À, có đoàn khách mới kìa anh.
Tôi cố tình đánh trống lảng nhưng anh Nhân vẫn không chịu thôi, cứ nhìn chằm chằm mặt tôi mãi, thành ra tự nhiên làm tôi sợ.
Từ sau lần gặp ở nhà hàng, tôi bắt đầu lưu số điện thoại của Dương, thỉnh thoảng chúng tôi có trò chuyện qua Zalo, anh thường sẽ hỏi tôi những câu đơn giản như “Em ăn cơm chưa?”, “Dạo này có hay đến Chùa không?”, “Công việc thế nào”
Dương làm bác sĩ nên hầu như rất bận, có lúc đang nhắn tin anh lại mất tích vài tiếng, sau đó quay lại chỉ nói: “Xin lỗi nhé, anh mới có bệnh nhân”. Dần dần, tôi cũng chẳng thắc mắc hay quan tâm nữa, anh nhắn thì tôi rep, không thì tôi cũng chẳng đợi chờ.
Thật ra, tôi luôn coi quan hệ của tôi với Dương chỉ là bạn bè bình thường. Bảo anh là ân nhân của tôi thì không phải, bởi vì những thứ anh làm cho tôi không nặng tình như trước đây Huy đã từng làm. Trong khi đó, bảo Dương đang có ý định tán tỉnh tôi thì cũng chẳng đúng, vì anh nói chuyện rất bình thường, giống kiểu như cùng ở ngoài bắc vào trong này làm việc nên đồng cảm, dễ nói chuyện, thế thôi.
Có một hôm tôi vừa tan ca xong thì nhận được điện thoại của Dương, anh bảo:
– Em xong việc chưa?
– Em mới xong, sao thế anh?
– Anh đang ở trước cửa nhà hàng em làm này, đi ăn đêm đi.
Tôi ngẩng đầu nhìn ra cửa, thấy xe của Dương đã chờ sẵn ở ngoài đường từ khi nào. Anh đã đến tận đây nên tôi cũng không tiện từ chối, đành nói “vâng” một tiếng rồi cúp máy, chạy ra ngoài xe anh.
Dương vừa thấy tôi đã bước xuống, lịch sự mở cửa ghế phụ cho tôi rồi cười rạng rỡ:
– Hôm nào em cũng tan làm muộn thế à? Mệt không?
– Không mệt anh ạ. Anh đợi em từ lúc nào thế? Sao không gọi điện cho em?
– Anh sợ gọi điện làm phiền em làm việc nên đứng ngoài này chờ, lúc mới thấy em tan làm cái là gọi ngay đấy. Em đói chưa? Đi ăn đêm nhé.
– Vâng ạ.
Ngồi trên xe, Dương hỏi tôi muốn ăn gì, vì đã hẹn từ trước nên tôi bảo muốn ăn hủ tiếu, quán gần Chùa mà hôm đầu tiên tôi với anh gặp nhau ấy. Dương gật đầu, lái xe một mạch đến quán hủ tiếu có tấm biển đỏ lúc trước chúng tôi gặp nhau.
Đến quán, chúng tôi vẫn gọi ra hai tô hủ tiếu đầy đủ, mùi hủ tiếu thơm phức theo làn khói lọt vào mũi làm tôi sung sướng hít hà:
– Thơm thế, em vào đây ăn thử mấy nơi rồi, nhưng chỉ có chỗ này là ngon nhất thôi.
– Ừ, anh cũng thế. Ăn ở đâu cũng không thấy vừa miệng bằng quán này.
– Kể ra em với anh cũng có duyên đấy nhỉ? Có duyên kiểu này phải kết giao bằng hữu thôi, hiếm lắm mới gặp đấy.
Anh bật cười, cẩn thận lau sạch đũa rồi đặt lên tô hủ tiếu trước mặt tôi:
– Thật à? Anh tưởng có duyên thì phải kết giao làm người yêu chứ, sao lại làm bằng hữu.
Tôi luống cuống đỏ mặt, nhưng mà kinh nghiệm mấy năm làm gái khiến tôi chỉ mất vài giây lại tỏ ra như bình thường, tôi cũng cười:
– Thôi nhé. Bình thường em sợ nhất là bác sĩ đấy, với cả không dám mơ xa kết giao làm người yêu với anh đâu. Kết giao bằng hữu thôi.
– Sao em lại sợ bác sĩ?
Đối với người khác, họ sợ bác sĩ vì sợ bệnh tật, sợ kim tiêm, nhưng đối với tôi, tôi sợ bác sĩ là vì hình ảnh vị bác sĩ già vỗ vỗ vai tôi động viên khi mẹ tôi hấp hối đã ăn sâu vào tiềm thức, thành ra, tôi sợ bác sĩ, họ có thể cứu người, nhưng một cái lắc đầu của họ cũng có thể giết chết cả tâm can tôi.
Lúc đó, nếu không phải vì có một người đã cho tôi một số tiền không nhỏ để cứu mẹ, có lẽ cái lắc đầu của bác sĩ đã đến với tôi sớm gần hai năm rồi. Người ấy, đáng tiếc… đối với tôi bây giờ còn đáng sợ hơn cả bác sĩ.
– Vì bác sĩ lắc đầu một cái, nghĩa là mẹ em không cứu được nữa rồi.
Động tác gắp hủ tiếu của Dương chợt khựng lại, anh ngẩng đầu nhìn tôi, nhìn một lúc rồi nói:
– Em vào đây một thân một mình vất vả lắm đúng không?
– Vâng, mới vào cũng vất vả, giờ cũng quen rồi anh ạ.
– Thế giờ người thân em còn những ai, em có hay về thăm không?
– Em còn mỗi em trai thôi. Bố em mất sớm, mẹ em mới mất cách đây gần nửa năm, em vào trong này đi làm kiếm tiền nuôi em em đi học.
Tôi đọc được trong mắt Dương một tia thương xót, thật ra tôi không muốn kể ra những chuyện này để cho người ta phải thương hại mình, nhưng không hiểu sao ngồi trước anh tôi chẳng muốn giấu giếm gì cả.
Có thể vì anh là bác sĩ, chứng kiến chuyện sinh tử xảy ra thường ngày, cũng có thể tôi thật sự coi anh là một người bạn, có thể tâm sự vài ba câu về cuộc đời.
– Em giỏi thật đấy, người thì bé tý mà kiên cường làm bao nhiêu việc.
– Kiên cường gì đâu. Em ngưỡng mộ những người học giỏi cực, ngưỡng mộ người như anh ấy, làm bác sĩ, cứu người, làm việc tốt cho đời.
– Ngưỡng mộ gì đâu.
Dương dùng câu nói của tôi để trả lời lại tôi, anh cười:
– Em đi làm thế có rỗi ra được thời gian nào trong ngày không?
– Có ạ. Em làm từ hai giờ chiều đến đêm thôi. Buổi sáng em đang định đăng ký đi học.
– Định học trường gì em?
– Trước em học kế toán nên giờ muốn theo học lại. Em bảo lưu với cả xin chuyển hệ học vào cơ sở 2 trong này rồi nhưng chưa thấy trường gửi hồ sơ lại cho em, chắc không được.
– Em thử liên hệ lại với nhà trường xem. Biết đâu họ bận, chờ mình liên hệ đấy.
Nghe Dương nói thế, tôi nghĩ cũng đúng. Tôi vứt mất sim điện thoại cũ rồi, biết đâu nhà trường liên hệ mà tôi không biết, không gửi được hồ sơ cho tôi. Tôi phấn khởi cười toe toét với anh:
– Cảm ơn anh nhé, may mà có anh em mới nhớ ra. Để mai em thử gọi điện hỏi xem sao.
– Đồ ngốc.
***
Lời tác giả: Mai là chủ nhật rồi nhỉ, tớ xin phép nghỉ một ngày. Hẹn gặp lại mọi người vào thứ 2 nhé.
Chúc mọi người cuối tuần vui vẻ!!!
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!