Thời xa vắng -full - Chương 19
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
147


Thời xa vắng -full


Chương 19


Một tháng sau, Hiền mới gửi thư cho Hương. Anh nói là vừa đi công tác về (lại đi công tác). Nhận thư Hương anh phải viết ngay. Vì phải nghĩ ra cách nói dối cả một lá thư nên mới khó. Với Sài và Hương, nếu họ cần, anh sẵn sàng bán ngay cái xe đạp Thống Nhất mới được cung cấp và cái đồng hồ là tài sản duy nhất của anh để cho họ, không một chút ngần ngừ, suy tính.

Nhưng bảo anh phải giải thích mọi chuyện vào lúc này, anh không thể làm được. Anh cũng không thể khuyên bảo cô điều gì. Bảo rằng cô phải cắt đứt quan hệ với Sài? Anh không đủ sức làm như thế. Tình yêu của họ trong trắng quá, sôi nổi quá. Bảo vệ sự tiếp tục của họ ư? Anh không dám và cũng không thể làm được. Thái độ của anh từ trước đến giờ là khuyên bảo, cấm đoán được Sài điều gì hoặc che chở được đến đâu thì cố hết sức mình đến đấy.

Anh ở giữa cái nhân tình thế thái của một con người cụ thể và chức trách của một trợ lý chỉ huy Sài. Nếu chỉ biết có cương vị của người chỉ huy sẽ trở thành người không có mục đích. Nhưng tại sao hai cái đó không phải là một ? Lắm khi Hiểu tự mình hỏi mình như thế. Hỏi mà không thể trả lời. Chỉ biết nếu chuyện cậu Sài và Hương vỡ lở ra thì sẽ chẳng còn gì, dù cậu ta có tài hoa đến đâu cũng không thể chấp nhận được. Không có cả sự tin cậy lẫn tình yêu thương vồ vập. Hiểu rõ cái nguy cơ của nó, đôi lúc anh phải kìm chế thô bạo để Sài không được phép bộc lộ, không được làm theo ý mình.

Nếu không, khi Sài trở thành kẻ bị sa thải, bị khinh rẻ, liệu Hương còn đủ can đảm yêu Sài nữa không? Nếu cô ta vẫn đủ can đảm thì chính mình cũng vừa khâm phục sự dũng cảm của cô ta, vừa lên án cô ta một kẻ mù quáng, liều lĩnh, chưa thể đồng tình. Cô ta sẽ sống với ai khi những người như mình là chỗ dựa tinh thần cuối cùng của họ! Định bất chấp tất cả ư? Anh chưa thấy trường hợp ”ngoại lệ“ ấy. Cả tháng giời nghĩ ngợi là thế nhưng viết gì cho cô bé đây, thật khó khăn, chật vật vô cùng.

Đắn đo, cân nhắc mãi anh mới viết được lá thư cho Hương, né tránh tất cả những câu hỏi của cô, nhưng vẫn hết sức chân thành. Anh nói rằng kể từ nay anh chính thức coi Hương như một cô em gái của mình. Mãi mãi anh quý mến cái vẻ thẳng thắn cương nghị mà rất dịu dàng của cô. Còn chuyện cô muốn hỏi, sẽ có dịp nào đó, anh hứa nhất thiết khi có điều kiện cho phép, anh sẽ nói tất cả. Trước mắt, Hương phải bình tĩnh tập trung học tập.

Dù hoàn cảnh nào xảy ra trong quan hệ của cả hai em. Cả hai em, anh đều quý mến, đều hết sức trân trọng và đáng học nữa. Gửi thư đi được nửa tháng, anh lại nhận được thư Hương. Cô bé rất mừng rỡ vì từ nay cô có một người anh, một chỗ dựa tin cậy, một niềm an ủi lớn để cô bớt đau khổ, cô đơn. Cô cũng hứa dù cô với Sài như thế nào thì vẫn thiết tha cho cô được là đứa em của anh, để nghe anh dạy dỗ, chỉ bảo.

Dù sao, những lá thư của anh Hiểu có làm cô mừng rỡ tin tưởng đến đâu cũng không thể thay thế được nỗi khắc khoải trông chờ Sài. Anh ơi, tại sao Sài vẫn không viết thư cho em. Anh nói với Sài là đã đến lúc em không cho phép Sài im lặng nữa. Sài có biết em chết từng giờ, từng phút vì Sài không. Sao Sài lại ích kỷ, lại nhẫn tâm ”kiên trì“ im ắng đến thế.

Vì lý do gì? Sài không cần viết đến dòng thứ hai thì em cũng đã chấp nhận kia mà. Không có lý do gì để Sài im lặng nữa đâu? Anh kính mến ạ, anh sẽ thay mặt em nói cho Sài hiểu tất cả những đòi hỏi của em anh nhé. Em cám ơn anh rất nhiều.

Hiểu không thể viết thư cho Hương, vì anh không thể giải thích được nữa. Vì chính anh không cho Sài biết những lá thư này. ”Hồi Tết về, em nghĩ cô ta cố tránh mặt em. Một năm rưỡi học ở trường, em đến bách khoa hai lần, cô ta đều ”đi vắng“. Em cũng nghĩ Hương tìm cách lẩn tránh. Nỗi ấm ức đã làm cho em nguôi nguôi thì Hương lại chủ động ra đây tìm em.

Hay là để em viết lá thư cuối cùng nói lại tất cả những cái đó và mong Hương thông cảm cho hoàn cảnh của em hiện nay, em khuyên Hương đi yêu người khác để Hương đỡ khổ“- ”Chưa thể có lá thư cuối cùng được đâu. Cô ta cũng không cần đến lời khuyên bảo cho cô ta đi yêu người khác. Cái sách tốt nhất là cậu phải im lặng. Thôi, cố nén rồi nó quen đi, Sài ạ“.

Một lá thư nữa của Hương, Hiểu vẫn đành im lặng. Thư Hương đề ngày 15 tháng 3, tức là sau ba tháng kể từ lá thư thứ hai vẫn không được Hiểu trả lời. Cô viết như sau ”Anh Hiểu kính mến, cho đến hôm nay thì em đã hiểu vì sao anh không giải thích cho em những điều em muốn nhờ anh từ trước tới nay. Em cũng hiểu sự im lặng của anh sau hai lá thư em gửi đến anh. Em thành thật xin anh tha lỗi cho em vì đã làm anh phiền lòng.

Nếu không quá khinh bỉ và chê cười, em xin anh hãy giữ mối quan hệ anh em như anh đã cho phép qua lá thư trước. Lần này viết thư cho anh, em không còn gì để đau buồn, day dứt nữa. Em chỉ còn một cảm giác rất ngượng ngùng, xấu hổ với tất cả bạn bè, với những người thân thiết, với cả chính mình. Vì quá thương người, quá tin người, quá buông thả với tình cảm của mình, em đã bị lừa dối.

Rất đáng tiếc là kẻ lừa dối phản bội em, đưa em xuống đáy vực lại chính là người em vẫn thương hại về sự ngây ngô thật thà, không thể ăn gian nói dối, không thể nắm lấy hạnh phúc khi nó đã nằm sẵn trong tay mình. Suốt hơn năm năm qua em đã điên cuồng dại dột tin vào sự im lặng của Sài, những tưởng một người có chí như Sài, sẽ đang âm ỉ, nung nấu phá vỡ một cái gì đó cho chính anh ấy, cho cả em.

Em sẵn sàng chịu đựng, sẵn sàng chờ đợi đến bất cứ khi nào Sài được ”Giải phóng“, dù chỉ mười ngày được sống tự do bên nhau, còn hơn năm năm sống kìm kẹp tù túng. Nhưng em đã quá lầm. Cũng may, mấy năm qua có thể là các anh đã giữ không cho Sài gặp em, vờn dỡn bên em với thứ tình cảm giả dối! Nếu không, hôm nay, em sẽ là gì trước sự phản bội của anh ta.

Anh Hiểu kính mến, một lần nữa xin anh tha lỗi cho những lời lẽ thiếu lịch lãm của em. Vì muốn dãi bày để anh hiểu rõ tâm trạng em, em không thể có lời lẽ nào êm nhẹ hơn mỗi khi nói về hắn. Hẳn rằng hôm nay Sài đang hí hửng với việc mình đã làm, thành tựu đã đạt được trong cái gian buồng mà ai cũng tưởng Sài sẽ phải đập đầu, cắn lưỡi mà chết.

Thôi, cho em dừng bút vì nếu viết nữa, chắc chắn là em không thể ghìm nổi sự uất giận căm thù của mình. Cho em gửi lời kính thăm chị, chúc các cháu ngoan học giỏi. Nếu không thấy phiền, anh viết cho em ít dòng. Em gái của anh“.

Cô không hề giải thích về nỗi căm thù của mình. Hẳn cô cho rằng anh đã biết cả rồi, không cần nhắc lại cái việc cô cho là kết quả của một hành động ghê tởm. Vợ Sài đã có chửa được bốn tháng.

Tháng trước nhận thư anh Tín, Sài biết tin ấy. Không buồn, không vui, không xao xuyến, anh dửng dưng như kẻ đi đường trông thấy người đàn bà khệ nệ vác cái bụng cao lên lùm lùm đi về phía mình. Lá thư đọc xong, lướt qua một lần xong được để giữa bàn như một thứ giấy công cộng. Ai muốn đọc chăm chú hay chỉ cần liếc qua cũng đều được cả. Có điều lạ là biết chuyện đó, anh em bè bạn trong ban không ai chúc tụng, tán tỉnh hay đùa cợt.

Ai cũng có cảm giác nó như một vật dễ vỡ, dễ đổ đang để ở nơi chông chênh quá, hờ hững quá. Một tháng qua, Sài buồn hay vui, đau khổ hay sung sướng? Không cần bàn đến chuyện ấy. Chỉ biết Sài vẫn phải đều đặn lên lớp và soạn bài, sáng dậy tập thể dục và chiều tăng gia, ăn và ngủ, sinh hoạt Đoàn tối thứ sáu và học hát tối thứ năm, sáng chủ nhật lao động xã hội chủ nghĩa và tối sinh hoạt ban Năm, kiểm điểm thành tích trong một tuần qua.

Cứ một nề nếp trật tự, không thể uể oải, vắng thiếu, nó sẽ quen đi, như Hiểu nói. Đêm nay, sau một ngày ”thay mặt“ cho bạn chính trị đi xúc than cho anh nuôi, Sài đã ngủ rất ngon lành từ lúc chín giờ. Hiểu nằm đọc thư Hương xong, ngồi dậy buông màn cho Sài, rồi ngồi nhìn khuôn mặt cau có dư tràn sức lực đang ngủ rất yên lành. Lẽ nào cậu ta phải hứng chịu tất cả những lời lẽ cay độc xỉ vả nặng nề của Hương? Anh lặng lẽ trút một hơi thở dài, lặng lẽ đứng dậy tắt công tắc ngọn đèn chụp ở đầu giường mình, buông màn năm.

Gần hai giờ sau anh vẫn còn thấy tê mỏi ê ẩm cả một bên đầu. Anh dậy, lặng lẽ đi lên, đi xuống trên con đường rải nhựa chạy lên đồi, ban ngày trông như cái xoong khổng lồ đã cũ. Cậu ta đã ”yêu“ vợ để sắp sửa có một đứa con, để có một lá thư của Hương! Vốn là người điềm tĩnh, kín đáo, Hiểu chưa hé lộ chút nào để Sài biết đến lá thư thì gần hai tháng sau, anh nhận được giấy báo hỉ:

Hương lấy chồng. Trước đó mấy ngày, chi uỷ cũng đã được phổ biến quyết định của Đảng uỷ liên chi ”tham, chính, hậu“ không kết nạp Sài theo đề nghị của chi bộ ban chính trị. Bản thân Sài rất tốt. Gia đình cơ bản, có ảnh hưởng rất tốt. Trước, sau cách mạng và hiện nay không hề có vướng mắc gì. Duy có mối liên quan đến gia đình vợ hết sức nặng nề.

Ai cũng tin là Sài có thể ”đi xa“. ”Đừng để cái chuyện không đáng gì phá hết tương lai của mình, Sài ạ“ Im lặng. ”Kể ra thì có thể không hợp với cậu đấy, nhưng nó ngoan, chịu thương chịu khó. Mình đi vắng, bố mẹ già lúc trái nắng giở giời không có cô ấy ai trông non, đỡ đần các cụ. Các anh chị em ai cũng có phận có phần cả rồi!“. Im lặng. Anh còn hé cho Sài biết nhận xét của địa phương rất tốt. Gia đình vợ có hơi phức tạp nhưng người ta xác nhận Sài không có liên quan và chịu ảnh hưởng kinh tế, chính trị.

”Nếu bản thân anh Sài phấn đấu tốt, đề nghị đơn vị vẫn có thể kết nạp. Sự tác động trực tiếp, có ảnh hưởng lớn đến anh Sài là bố mẹ, chú bác, anh em ruột thịt. Những người đó đều là những cán bộ đảng viên kiên cường. Gia đình cũng là cơ sở vững chắc của cách mạng“. Ngày mai qua huyện xin xác nhận thêm, chắc là cũng tốt thôi. Nó chung, lai lịch không có vấn đề gì lắm. Còn lại chỉ là chuyện quan hệ với vợ con. Nếu giải quyết chuyện này êm thấm, cơ bản coi như xong. Nói tất cả những điều tâm đắc, có thể gọi là rút hết ruột gan mình ra, Hiền thấy Sài vẫn im lặng.

Từ lúc đi với nhau đến giờ, cậu ta vẫn im lặng, ”Bây giờ mình mới nói điều này. Khi đi phó chủ nhiệm dặn mình phải tìm mọi cách để các cậu yêu nhau. Yêu thực, chứ không phải yêu chung chung như trước đây. Đồng chí ấy bảo cậu đã hứa với đồng chí ấy rồi. Tớ về kiểm tra xem có đúng lời cậu hứa không. Mình thấy làm cái công việc này nó khó nói quá. Nhưng cậu thử nghĩ, nếu kết nạp cậu xong, trong cơ quan trung đoàn người ta phát hiện ra cậu yêu vợ chỉ là đối phó, thì chi bộ ban chính trị này ăn nói thế nào!“

– ”Thôi, anh cứ yên tâm. Tôi biết các thủ trưởng và các anh ở trong ban ai cũng quý mến, lo lắng cho tôi. Tôi sẽ cố gắng để không phụ lòng các anh“, Sài còn muốn nói thêm rằng nếu tôi không làm đúng yêu cầu của các anh, khi về đơn vị thì tổ chuyên môn, chi đoàn thanh niên và ban chính trị sẽ mất thì giờ và tôi phải viết dăm bẩy bản kiểm điểm vì sao chê vợ.

Cô ta không có lý do gì để tôi chê. Tình cảm không hợp ư? Tình cảm là cái gì? Bịa. Cậu chỉ bịa ra chứ làm gì có chuyện tình cảm không hợp. Nhưng anh im lặng rút khăn lau mắt. Hiền cũng an ủi, tỏ rõ sự cảm động và quý mến Sài nhiều hơn.

Tất cả đều không quan trọng gì nếu không có cái buổi sáng ngày hôm sau. Hiền đang rửa mặt ở đầu bể, thấy Tuyết ra múc nước, anh hỏi, câu hỏi như hôm trước: ”Thế nào cô em, có vui vẻ không?“, Tuyết đỏ bừng mặt cười, đánh trống lảng: ”Độ nào thì bác với nhà em đi ạ“- ”Khi nào có dịp công tác qua đây mời bác vào chơi với thầy mẹ em“- ”Bác ơi, ở chỗ đơn vị chắc độ này rét lắm nhỉ. Eo ơi, biển nó cứ ù ì suốt ngày, suốt đêm những gió là gió. Em thấy kinh kinh là“.

Bằng sự nhậy cảm của người phụ nữ, bà đồ biết là cái hạnh phúc cực nhọc vất vả đã đến với con bà. Hàng bảy tám năm giời ”ép dầu ép mỡ…“ tưởng cái số nó phải thế, không ngờ chúng nó lại bén được duyên nhau. Nói đổ xuống sông, xuống ao, giả thử trời có bắt tội ông bà làm sao thì cũng hể hả yên phận vì con cái nó không bị dang dở.

Chỉ nghĩ đến thằng út long đong, mà cũng chả hay ho gì chuyện con cái ”đứt quang, gẫy đòn gánh giữa đường“. Bà cũng phải nén, chứ con Tuyết vẫn còn theo cái nòi bố nó khinh người, láo lếu, bà chỉ muốn tống quách nó đi. Dưng thôi, được đơn vị người ta xếp đặt cho thế này là hơn nhất!

Khi Sài và Hiền dắt xe ra ngoài đường bà còn tất tả chạy theo, ấp cả hai bàn tay vào tay Hiền và nói những lời có lẽ chỉ có bà và Hiền mới hiểu: ”Cháu ơi, bác đội ơn cháu và các thủ trưởng lắm lắm. Chỉ có các thủ trưởng mới làm cho thằng Sài sợ, chứ bao nhiêu năm nay, cả ông lão nhà này, cả bao nhiêu người nói cũng chỉ như nước đổ lá khoai. Thế là nhà bác có phúc rồi. Nhờ ơn đơn vị vợ chồng nó được vui vẻ với nhau. Thôi trăm sự nhờ cháu, nhờ anh em đồng chí bảo ban kèm cặp em. Một nhời của các thủ trưởng bằng cả vạn nhời của bố mẹ anh chị ở nhà“. Bà nói to, dặn con đứng cách đấy mấy bước ”Con đi mạnh giỏi. Đừng làm gì trái ý anh em, thủ trưởng, con nhá“.

Hiền cười to, siết chặt tay bà: ”Mẹ ơi, bộ đội chúng con mà rèn thì có dữ như hùm như gấu cũng phải lành như thỏ, mẹ lo gì“. Mẹ cũng cười theo cái niềm vui hào phóng của người chỉ huy. Nước mắt rào ra từ hai khoé mắt nhăn nheo, chảy xuống cả nếp nhăn như những đường rãnh, chảy vào miệng. Bà nuốt miếng nước mặn chát vào lòng, rồi lại cười, nụ cười như mếu, bà phải vội vã quay mặt đi kẻo mủi lòng con trước lúc xa xăm biền biệt.

Thư Hương viết ngày mười lăm tháng tám, tức là vừa đúng một tháng cô rời nơi đóng quân của Sài ”… Vì kính trọng anh như người anh thực sự của em, nên em không dám có ý nghĩ nào khác và cũng chả giấu giếm anh điều gì. Em chỉ băn khoăn tại sao anh không nói thẳng với em.

Nếu biết được vì lý do nào đấy, em và Sài không được phép gặp nhau, em sẽ đỡ phải ngong ngóng hy vọng suốt cả tuần lễ, để rồi khi ngồi lên xe mới giật bắn người nghe nói Sài vẫn ở nhà. Em muốn lao ra khỏi xe, nhưng không thể được. Một đứa con gái như em, nếu chưa thực sự phát điên, chưa thể làm thế. Viết mấy lá thư cho Sài để xem hư thực ra sao lại phải xé đi vì biết tính Sài rất rát, nhỡ đang có chuyện gì thì khổ thân anh ấy.

Cũng may đang là dịp hè, nếu không em phải nghỉ học. Em không thể kể và chắc anh cũng không hình dung ra nỗi khổ tâm của em. Gần một tháng trời em cứ quay cuồng, quẩn quanh, không thể nào hiểu vì sao Sài không đến với em. Sài đi công tác thật hay ở nhà? Mãi hôm kia vào bệnh viện khám cái tội ”suy nhược cơ thể“ em mới gặp Kim y tá trạm xá của trung đoàn.

Kim là em gái của bác sỹ khám bệnh cho em. Kim khẳng định, chắc chắn những ngày ấy Sài không đi đâu. Thú thực, em rất giận anh. Nhưng em nghĩ, một con người như anh chắc không nỡ nào lại ”độc ác với em đến mức ấy (tha lỗi cho em những lời lẽ khiếm nhã anh nhé). Kim cũng bảo anh là người rất đức độ vì chính anh đã cho Sài về chỗ mình và đưa Sài đi học.

Em tin những ý nghĩ tốt đẹp của em về anh ngay từ phút gặp đầu tiên là đúng. Thế thì tại sao? Hay Sài vẫn còn giận em? Nếu vậy, em nhờ anh nói hộ là em có thể bỏ cả mùa hè đến với Sài và sẵn sàng làm bất cứ việc gì cho Sài, nhưng chỉ cần Sài bảo một câu: Tôi không cần những thứ ấy là em vui vẻ làm ngay, việc gì phải lẩn tránh.

Em nói với riêng anh chuyện này, chưa chắc đã phải như thế. Có một lần em hiểu sai việc làm của Sài, em không muốn có điều gì để Sài phải khổ thêm nữa. Anh có thể coi em như một đứa em gái của anh, chỉ bảo cho em điều gì đã xẩy ra và em phải làm thế nào? Em biết là anh rất bận rộn, vất vả, cố dành thời gian viết cho em ít dòng, anh nhá. Em vô cùng cám ơn anh. Anh nhắc Sài hộ em đừng hút thuốc lào nhiều. Nếu không giận em nữa hãy viết cho em vài chữ. Anh cho em gửi lời hỏi thăm sức khoẻ chị và các cháu…“

Đọc tiếp Thời xa vắng – Chương 20

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN