Thời xa vắng -full - Chương 18
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
150


Thời xa vắng -full


Chương 18


Có thể nói hàng chục năm nay chưa bao giờ làng Hạ Vị có được cái hạnh phúc vững chắc như ngày này, cũng lại năm hết tết đến nhưng nhà nào cũng còn vài chum ngô, dăm ba chục ký gạo nhà nước bán ”bổ sung“ cho vùng bãi, vài thúng thóc lốc, ổ gà đẻ, một vài con lợn…

Thế đã là vô cùng yên ổn và mãn nguyện. Người ta sống rảnh rang sung sướng mỗi buổi sáng còn mù mịt sương muối nhà nào cũng đổ oà ra đầu bếp, góc sân nồi dong diềng luộc lẫn với khoai lang. Khi những rổ, những sàng khoai và củ dong còn bốc khói nghi ngút lũ trẻ đã xô đến lật vạt áo lên vừa thổi phù phù vừa nhót lấy những củ to, đặt vào vạt áo, hai tay túm giữ đầu vạt khom khom chạy như thể sợ cái nóng làm vạt áo tuột khỏi tay rơi xuống.

Mỗi đứa chạy đi một xó xỉnh ngóc ngách nào đấy giấu làm của riêng để dành đến buổi trưa. Chúng hí hửng với những thắng lợi ấy, đi học, đi chăn trâu hoặc chơi đùa lêu lổng đâu đó cho đến khoảng xế chiều. Lúc ấy bố mẹ mới đào mương, đắp đường, vạc bờ, cuốc góc, làm cỏ trở về tất bật với bữa cơm trưa. Ai cũng vội vàng, hối hả, chạy lên chạy xuống, hò hét con cái, tưởng là phải mổ trâu, mổ bò, hoá ra bữa cơm nhà nào cũng chỉ có nồi bánh đúc bằng bột ngô xay (bây giờ phải làm theo quy củ giờ giấc của hợp tác rồi không ai còn thì giờ để giã ngô ngâm) với khoai lang cạo vỏ, xắt từng khúc như miếng dồi, khi chín đánh tơi lẫn với bột.

Một bát rau muống hoặc rau cải xào hoặc luộc chấm tương. Chỉ có thế nhưng nhànào cũng sôi nổi đầy khí thế. Nồi bánh đúc bắc ra lấy đũa cả ”múc“ vào đĩa, vào bát đầy rào lên miệng chảy cả xuống mâm. Những đôi đũa con quành một vòng tròn trên miệng bát thuần thục nhanh nhẹn như nhà hoạ sĩ, nhà toán học vẽ các vòng tròn.

Mỗi cái bát ”quành“ xong, họ chọc đầu đũa dính bột vào bát tương rồi xuýt xoa vì cái cục bột khi đặt vào mồm vẫn nóng bỏng, tuột phồng cả lưỡi, nước mắt nước mũi trào ra xụt xịt, tạo cho bữa ăn nào cũng vất vả mà đầy sức hấp dẫn. Hối hả ăn xong bữa chính, bữa duy nhất trong ngày ấy, người lao động chính và phụ trong gia đình lại tất tưởi ra đi.

Ai làm đất ” phần trăm“ thì tự ý mà ra ruộng ngay. Ai theo công điểm với đội, ra ngồi ở bờ tre đầu nhà ông đồ Khang tập trung. Cũng như mọi ngày, mọi buổi, phải tiếng rưỡi, hai tiếng đồng hồ những người đến trước thả sức tán chuyện trên giời và dưới đất, chuyện thanh cao và trần tục đến lúc van vãn mới tập trung đầy đủ theo người trong ban chỉ huy đội đi làm công việc gì đó.

Cả khi đi và về và lúc làm, công việc gì được nhiều hay ít, còn phải làm nữa hay không, đã có ”ông đội“. Không biết. Chỉ biết cười đùa và tán tỉnh, cánh đồng làng Hạ Vị quanh năm ròn rã tiếng cười và tiếng nói. Đấy là cái âm thanh bất diệt của đồng quê, là nét đổi mới kể từ khi Hạ Vị xây dựng được bốn hợp tác ở cả bốn thôn. Rất hãn hữu mới có người đi ”giúp bà con“ phía trong đê.

Người ta phải theo công điểm, phải chăm lo thửa ruộng ”phần trăm“, phải làm phân, chăn bò, chăn trâu cho hợp tác lấy thêm điểm dù rằng một năm một công chỉ có ba xu trong khi một cân gạo là năm hào. Nhưng người làng bãi có ”lưng“ ăn khi tháng ba ngày tám, có khoai, có dong riềng, có sắn ăn kham, ăn khổ mà vẫn vững tâm đàng hoàng, phởn phơ.

Giữa cái khí thế năm nào cũng ”đi lên“ của toàn xã (thực ra cũng có năm thất bát huyện phải ”dựng nó“ nhưng trong báo cáo của xã không năm nào chịu ” đi xuống“). Gia đình ông đồ Khang có sự sum vầy đầm ấm chưa từng thấy. Sự rộn ràng hệ trọng bắt đầu từ khi anh công vụ của huyện uỷ, người Hạ Vị, sang văn phòng uỷ ban báo cho Tính biết có một thiếu uý trợ lý bảo vệ, chi uỷ viên, của đơn vị, đang ở bên huyện uỷ xin giới thiệu xuống xã thẩm tra kết nạp Sài vào Đảng, Sài cũng về. Mấy ông giáo đang kéo cậu ta vào trường cấp ba.

Tính gọi điện thoại cho cô cháu bán hàng bên bách hoá sang ngay để anh dặn dò nó đạp xe về báo cho gia đình chuẩn bị. Đặt máy xuống anh lấy giấy bút viết thư cho cửa hàng ăn soạn cơm trưa cho sáu người ăn, cửa hàng bách hoá xin một tút Điện biên bao bạc, năm gói Ba đình.

Xong xuôi, anh gọi liên lạc cầm thư đi và mươi phút sau cho anh biết kết quả. Với cương vị uỷ viên trực, giải quyết nội chính, mọi yêu cầu của anh các cơ quan đều vui vẻ làm và làm đến mức anh phải ngạc nhiên. Chẳng hạn, cửa hàng ăn làm sáu xuất cơm, mỗi xuất một đồng rưỡi mà đặt lên bàn tới mười lăm chai bia.

Cá ”bỏ lò“, vịt tần, gà luộc, giò chả, nem rán, chả thịt nạc, xào bóng xúp lơ. Món gì cũng dang dở thừa thãi. ăn xong tráng miệng cam, chuối, cà phê phin… Cái chuyện nhà quê từ đầu đến chân, từ chủ tịch đến đứa mới đẻ, riêng chỉ có những bữa tiệc ở cửa hàng ăn là tỉnh thành cũng phải ”nể“.

Đấy là từ khi Tính chuyển sang uỷ ban phụ trách nội chính, anh kiên quyết cho thuê làm phụ động hai người giã giò và hai người chuyên nấu cỗ trước đây ở Hà Nội nay đã trở về quê. Biết rõ công ơn của Tính nên những bữa cơm anh đặt ở cửa hàng ăn bao giờ cũng làm cho khách thoả mãn và đến hàng tháng sau vẫn còn dư vị của bữa ăn. Nó gây ấn tượng đến mức chủ tịch tỉnh phải khen: ”Cả huyện các cậu chỉ biết mỗi việc làm món ăn còn chả việc gì ra hồn. Cho chúng tớ vài người đi“.

ở nhà ngay từ non trưa được đứa cháu về truyền đạt ý định của Tính mọi người đều tíu tít mừng rỡ, cuống cuồng chạy ngược chạy xuôi. Việc đầu tiên là phải bốc hết chiếc ổ gian bên trái tràng kỷ chỗ bà đồ vẫn nằm, khiêng chiếc giường tây của nhà Tính lên trải hai lượt tranh rồi mới trải chiếu hoa.

Cái ổ bên kia của ông đồ cũng được thay lớp lá chuối bằng rơm và dưới bàn tay tỉ mẩn cuả người anh cả nó phẳng phiu, gọn gàng, đẹp hẳn lên. Xong rồi, anh cả căng cái màn đôi còn nguyên hồ, xếp cái chăn bông ba cân, bọc vải hoa Trung Quốc. Cái gối trắng tinh thêu ”tương lai sáng lạn“ và hai con chim châu mỏ vào nhau bằng chỉ xanh, đỏ.

Cái giường tây trông sang như giường khách của quan huyện ngày trước. ở bàn cũng được đặt bộ xuyến, tách bằng sứ Giang Tây. Một phích mặt đá hai lít rưỡi, cái gạt tàn thuốc lá cũng bằng sứ, lọ đựng chè bằng sành màu nâu. Chỉ trừ có chiếc điều bát và ống đóm tre ngâm ở chân bàn là của thời các cụ để lại còn tất cả các thứ vừa kể trên kia là vợ Tính mới mở hòm mang lên.

Cả cái hòm để gian giữa nhà toàn đựng chăn màn, ấm chén, mâm bát, cả gương lược, cả vải và lọ đựng hoa, con cá chuối bằng thuỷ tinh và con trâu trong cái đĩa sơn mài. Tất cả những thứ đồ dùng, đồ chơi, đồ ngắm ấy hoặc là của được phân phối, hoặc là đồ tặng, Tính đưa về. Đưa về để cẩn thận trong hom. Thỉnh thoảng chị vợ phải mở ra xem có suy xuyển, hỏng vỡ gì, chứ tuyệt nhiên mẹ con không được mó đến nếu không có ý kiến của anh.

Thành ra những thứ đó nó giống như dụng cụ của nhà khách trên tỉnh, khi nào có khách thật đặc biệt và có lệnh mới được đem ra dùng. Quét tước, lau chùi, bầy biện, mọi thứ rồi mỗi lần quay ra, quay vào mỗi người trong nhà đều nhìn vào nó như nhìn vào nhà khác, ở tận đâu xa lạ.

Vào đầu những năm sáu mươi, một thiếu uý trong quân đội đã là quý. Với Tính, sự trang trọng quý mến nó ở chỗ khác. Cả huyện này có người chưa biết anh là ai nhưng từ cụ già đến trẻ con đều biết tên thằng Sài với sự đồn đại đôi khi hơi quá lên về việc học hành đỗ đạt của nó.

Có thể đến ngày nay chuyện học đại học, chuyện đi bộ đội vất vả tự học một năm ba lớp, thi vào đại học đứng thứ nhất là chuyện bình thường, nhưng vài chục năm trước nó là chuyện hoàn toàn lạ lẫm như một giai thoại khiến ai cũng muốn mình có biết chuyện ấy, biết người ấy, biết anh em, họ hàng tung tích và cả những khuyết tật của người ấy.

Với thằng em như thế anh có thể nhịn ăn sáng, bớt chi tiêu may sắm và mua sẵn cho nó cái xe đạp để khi nào cần nó cứ lấy mà đi. Bây giờ nó lại sắp vào Đảng trong khi có bao nhiêu người đi trước nó ba bốn năm, luyện tập quần quật vẫn chưa vào diện ”cảm tình“. Anh hiểu sức rèn luyện và chịu đựng của nó đến mức nào! Cơm nước xong Sài và đồng chí thiếu uý về phòng anh ngủ trưa. ”Khi nào dậy hai anh em lấy xe đạp của anh lai nhau về. Anh mượn xe khác về nhà trước“.

Hiền là trợ lý bảo vệ nhưng mặt mũi không đăm chiêu im lặng cảnh giác như ta thường nghĩ. Anh cười nói cởi mở tỏ ra xuề xoà. Trong chuyến đi này hầu như là để về thăm nhà Sài, anh không hề gặp khó khăn vất vả gì trong công việc của mình.

Bữa cơm trưa nay có cả trưởng ban tổ chức huyện uỷ và trưởng công an huyện, cả hai đều bảo anh cứ về xã rồi khi nào qua huyện họ sẽ kết luận thêm. Về xã cứ việc ở nhà Sài, buổi tối cả bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch kiêm trưởng công an đến ăn cơm sẽ mang con dấu theo ”làm luôn“.

Anh và Sài về đến nhà khoảng bốn giờ chiều. Mùa đông vào tầm này trời đã tím lại, lạnh heo hút. Chiếc đài Oriontôn của kho câu lạc bộ Hiểu cho mượn, anh khoác chéo qua vai kêu oam oam, tiếng to tiếng nhỏ thập thõm theo độ xóc của xe trên con đường mấp mô chạy qua cánh đồng. Những người xã viên làm lụng bên đường đều ngửng nhìn thèm thuồng và ném lên đường những câu trêu ghẹo anh chàng Sài ngồi ở phía sau.

Bọn trẻ con đi học về lốc nhốc chạy theo cùng với những đứa chăn trâu, chăn bò, quất roi tới tấp vào đít con vật để nó lồng lên theo cho kịp nghe đài. Đến đầu ngõ, chúng đứng cả lại phía ngoài bờ tre xầm xì bàn tán và tranh cãi xem đài này là gì, đã là oai nhất chưa, ông Hà nhà anh Sài có đài hay không?

Còn ở phía trong những đứa em và cháu ở khắp xóm đã chạy đến ngửa mặt trịnh trọng nhìn từng cử chỉ của anh bộ đội lạ và nghe đài nói. Ba bốn chục đứa trẻ, đứa cõng em trên lưng, đứa bế ở nách, có đứa bê ở bụng, đứa mặc áo vệ sinh, áo bộ đội của người lớn dài quá đầu gối, đứa mặc quần thắt dải rút lên đến ngang ngực vẫn phải bện lên mà vẫn loà xoà trùm xuống bàn chân như cái chổi quét nhà. Mặt mũi đứa nào cũng ngoen nguếch đầy mực.

Đứa ”mũi bắc qua mồm“ thỉnh thoảng lại hút đánh thụt một cái nghe như húp nước canh. Khi Hiền và Sài vào nhà chúng bâu lại ở chân liếp, chân dại nhìn chỉ trỏ vào cái nơi chứa đầy bí mật mà chúng đang thi nhau khám phá. Tiếng tranh cãi ngoài sân rộn lên, tiếng trẻ khóc ồn ã. Tính phải ra quát chúng mới bồng bế nhau chạy như vịt.

Nhưng tất cả vẫn thập thò bàn tán khiến Tính phải nghĩ ra cách bảo anh cả trèo lên cây cau ở đầu nhà khoác đài vào cuống buồng cau. Bọn trẻ reo lêm ầm ầm. Không những chúng nó được thoả thích mà cả xóm đêm nay được nghe đài thoả thích.

Ngay từ lúc mới đến Hiền đã chứng tỏ cho gia đình hiểu anh như một người con không cần phải khách khí. Anh gọi ông bà đồ bằng bố mẹ, xưng con và sà ngay xuống bếp mời bằng được ”mẹ cứ lên trên nhà để con với cô Tuyết nấu nướng“. Anh vừa làm vừa hỏi han Tuyết chuyện làm ăn, chuyện ông bà bên nhà, chuyện hợp tác ở quê ta, chuyện có tranh thủ đợt nào đến thăm Sài nữa không và cuối cùng còn vướng mắc gì với Sài cứ tâm sự thật.

HIền chỉ hơn Sài có sáu tuổi nhưng trông anh già dặn cả con người, cả cung cách giao dịch, cư xử, khiến có cảm giác anh phải hơn Sài đến mươi, mười lăm tuổi, có đủ tư thế để người khác tin cậy, giãi bầy. Nhưng Tuyết, cũng như tất cả những cô gái ở quê đang yêu chồng, yêu một tình yêu suốt ngày đêm hốt hoảng thì dù có ấm ức đến cổ cũng không bao giờ hé răng nói nửa lời có hại đến chồng mình khi chưa có nguy cơ tan vỡ.

Cô vui vẻ kể lể mọi chuyện nhưng khi đến chuyện ”nhà em“ cô vừa ”tố cáo“ vừa thanh minh ”Nhà em chắng cũng bận bịu nhiều nên không viết được thư, em cũng thấy chẳng có gì thắc mắc“- ”Cái hồi ra chiêu đãi“ chúng em vẫn vui vẻ với nhau. Vâng còn chuyện ”kia“ chúng em còn trẻ đã lo gì“- ” Em cũng yên tâm thế. Có chuyện gì, đời nào các bác, các anh ở đơn vị lại để chúng em ”mất đoàn kết“- ”Em cũng nghe đồn có cô này, cô khác nhưng ”không túm được tay, day được tóc“ em cũng coi như không“. Tính rất bực nếu cô em dâu lại loét xoét nói năng điều gì đó ảnh hưởng đến sự phấn đấu của em mình. Đã mấy lần anh vào cửa bếp: ”Lên uống nước đồng chí ạ, mặc các em nó làm“. Nhưng Hiền cũng ”cứ mặc em“ Tính đành chắp tay đi đi lại lại ở đầu nhà. Vẫn sốt ruột, anh xuống nhà ngang bảo vợ: ”Mẹ mày xuống làm với thím Tuyết hộ tôi đi. Coi như bây giờ mới lừa được con xuống xem thím xào nấu thế nào“. Vợ Tính ít nói và coi như không biết gì. Chị gọi chồng thầm thì khi anh quay ra“

”Tôi bảo bố nó này. Người ta cốt về điều tra em mình. Mình làm thế thành ra ”có tật mới giật mình“ à? Chú Sài không có tội gì cả. Nhà mình không ai vướng mắc gì cả. Có gì rắc rối là do liên quan đến bố, đến anh thím ấy. Nếu thím ấy lại bô báo chú Sài chê vợ, chú Sài hắt hủi, lãnh lẽo với thím ấy để chú Sài mất Đảng thì bố nó cũng đừng tiếc gì, cho chú ấy bỏ quách đi. Thầy mẹ nhà mình cũng thấy dại, tại mình làm khổ con mình. Thầy mẹ cũng không cấm đoán gì chú ấy nữa đâu. Bố nó liệu xem thế nào mà lo cho em“.

Cả năm không thấy vợ nói được câu gì ra hồn và thực tế anh cũng không để chj tham gia vào chuyện gì cần phải bàn bạc, suy nghĩ. ”Biết gì mà bàn“. Bây giờ xem ra cô ta lại biết đến cả chuyện điều tra, kết Đảng của Sài. Cô ta nói có lý. Vừa bình tĩnh tỉnh táo lại vừa đối phó kiên quyết với tình huống xấu. Nhưng anh vẫn không thể làm như thế, vẫn phải mắng át đi ”Tôi cấm mẹ mày hở ra với ai, nhất là chú Sài rằng mọi người sẽ cho chú ấy bỏ vợ. Cái mấu chốt đơn vị người ta đang xem xét là vấn đề vợ con nó, nó có xử sự đúng mức với đạo đức nhân phẩm của một người cách mạng không đấy“.

Cơm rượu xong, nước nôi chuyện trò đến chín rưỡi ban thường vụ Đảng uỷ xã và Hiền kéo xuống nhà Tính làm việc cho đúng nguyên tắc. Tính bảo vợ bế các con xuống bếp nằm với bà còn anh và bố ngồi lặng lẽ uống nước chè và hút thuốc lào vặt chờ tiếp khi mọi người xong việc. Trước lúc đi làm việc Hiền kéo Sài nói nhỏ: ”Cậu đi ngủ trước đi. Vào buồng mà ngủ. Cô ấy vất vả, cậu phải thương người ta. Chúc ngủ ngon“.

Sáng sớm hôm sau Tuyết dậy từ rất sớm nấu xôi và rang lại thịt gà tối hôm qua còn thừa để ăn sáng. Hiền dậy, qua cánh cửa mở anh thấy Sài đang ngồi trong buồng đọc sách. Anh rửa mặt, đánh răng bằng nước nóng do ông đồ đã pha sẵn. Xong xuôi anh vào bếp hỏi Tuyết giọng suồng sã: ”Thế nào, vui vẻ chứ?“, Tuyết ngước mắt nhìn anh cười cười rồi cúi xuống, một lúc cô quay vào lấy vạt áo chấm nước mắt.

Khi quay ra cô vẫn nhìn ngọn lửa của đám củi than chưa khô reo lên rèo rèo. ”Chắc cậu ấy lại ngồi đọc sách!“- ”Không ạ. Anh ấy ngủ từ tối đến sáng“. Hiền im lặng vẻ cảm thông. Anh nghĩ ngợi rồi an ủi: ”Thôi được, cô cứ yên tâm!“- ”Vâng, em cũng nghĩ, trăm sự chỉ còn nhờ các bác, các anh giúp đỡ nhà em“. Buổi tối, Hiền và Sài đi sát vào nhau như thể che đỡ cho nhau cái buốt lạnh mênh mang của cánh đồng táp vào da thịt mỗi người.

Tuy cùng ở với nhau một ban, ăn cùng một bếp nhưng mỗi người một công việc, chả mấy khi ngồi tâm sự cho nhau tình cảm tâm tư của mình. Về đây, Hiền có dịp hiểu Sài và gia đình hơn. Anh đã bộc lộ thành thật nỗi lo lắng của anh cũng như mọi người trong ban, mà Sài đã biết là ai cũng muốn vun đắp cho Sài. Vì yêu nên mới lo. Đôi khi còn sợ nếu có chuyện gì không hay xảy ra sẽ làm ảnh hưởng đến tiền đồ vô cùng sáng sủa mở ra trước mặt.

 

Đọc tiếp Thời xa vắng – Chương 19

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN