Thời xa vắng -full - Chương 17
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
169


Thời xa vắng -full


Chương 17


Từ rất sớm Hiểu và tổ giáo viên, tổ câu lạc bộ đi rỡ khoai sọ về cân theo yêu cầu của nhà bếp. Đây là ruộng khoai duy nhất của trung đoàn. Nó là chất “bột cao cấp”, lại có thể thay rau với tỷ lệ một “ăn” bốn. Với tờ chứng từ viết vào mặt trái bao “Tam đảo” anh nuôi trưởng nhận đã thu của ban chính trị sáu tạ khoai sọ làm cho cả ban vừa mừng rỡ sung sướng vừa kiêu hãnh.

Bạn có mười bốn người thì anh giáo viên “dài lưng tốn vải”. Một anh thư viện kiêm sử dụng âm ly, loa đài, dây dợ, băng cờ khẩu hiệu, thủ kho của câu lạc bộ. Một anh chụp ảnh kiêm sáng tác kịch, chèo độc tấu, thơ ca cho đội văn nghệ nghiệp dư. Khi họ tập trung anh kiêm luôn cả nhạc trưởng, đạo diễn, kéo đàn accócđiông, đệm ghi ta và đánh trống.

Nghĩ là “đa di năng”. Cả năm vị “anh hào của hai bộ phận do trung uý Hiểu trợ lý văn hoá kiêm luôn trợ lý câu lạc bộ chỉ huy. Họ là những người trai trẻ nhưng lười biếng, thường “mất hút” mỗi khi tăng gia rau và “chất bột” mà cái “rấp” của nó lại là tại quân ông Hiểu”.

Thực hiện nghị quyết của trung đoàn uỷ mỗi cán bộ cơ quan phải đạt chỉ tiêu mười cân bột, hai mươi cân rau, hai cân thịt (bộ phận anh nuôi và ban Năm chịu trách nhiệm) trong năm nay thì không ai dại gì mà mấy “thằng già” lại đi cõng cả “cha con ông Hiểu”. Cái lý do ban chính trị tách thành hai bộ phận tăng gia cho “gọn” thực chất là thế.

Đến hôm nay anh nuôi bảo khoai bộ phận anh Hiểu, Hiểu nói luôn: “Của cả ban chính trị”. Thế là mới sáu tháng, ban chính trị đã đạt tiêu chuẩn bột xuýt soát bốn ba cân đầu người. Họ cứ nằm khểnh mà chơi cuối năm chỉ cần “bắn” dăm bảy chục cân khoai “sang rau” là xong.

Nhưng đời nào ban chính trị chịu thế. Rau của “ông Hiểu” đã được tạ mốt, cánh già cũng đã được mười bảy cân. Nếu đám rau của “cánh già làm cỏ đi, nước giải tưới đều cuối năm thì phải hàng tạ chứ ít của. ấy là chưa kể quân ông Hiểu đã lấy phân ủ để sang thu trồng cải, trông xu hào. “Tốt, tốt quân ông Hiểu năm nay tốt đấy”.

Nghe chủ nhiệm chính trị gật gù khen Hiểu cứ nghĩ trong bụng cười thầm. Ai lại ở một cơ quan chính trị mà hcỉ xem anh nào tốt hay xấu, cuối năm có được biểu dương khen thưởng hay không là ở chỗ có tích cực tăng gia hay không. Có khi sự tích cực ấy không đem lại kết quả gì vẫn còn hơn anh thức suốt đêm cả hàng tháng để viết một vở chèo.

Cũng có lúc chẳng cần biết anh có tăng gia hoặc tăng gia được cái gì chỉ cần thấy anh tỉ mẩn buộc từng bó đóm tre ngâm mang theo khi diễn tập, cái bật lửa dùi nắp luồn dây dù qua rồi gài kim băng vào túi quần không bao giờ ai hỏi xin tăm mà anh lại không có sẵn cái ống đựng Appêrin bằng nhôm trắng đầy tăm, chiếc nào cũng tròn nhẵn đều tăm tắp.

Người như thế nhất định có thể kết luận là chịu khó tăng gia, tăng gia nhất định giỏi. Không những Hiểu mà cả anh em ở hai bộ phận đều thấy việc tăng gia không phải khó đến mức họ không thể làm được. Đầu năm họ đã bàn nhau: cần thì giảm giờ làm việc chuyên môn để tăng gia.

Không đạt chỉ tiêu tăng gia bị phê bình không thể chối cãi được, còn không đạt được hiệu quả cao trong chuyên môn chẳng mấy ai để ý. Mà thiếu gì lý do. Thôi, năm nay là năm tăng gia anh Hiểu ạ. Hiểu gạt đi. Nhất thiết phải làm chuyên môn giỏi. Còn tăng gia cũng phải nghĩ cách mà đạt chỉ tiêu.

Trong cuộc bàn luận “quyết chí” ấy Sài trông có tướng nông dân hơn cả được bầu là tổ trưởng tăng gia của tổ câu lạc bộ và giáo viên. “Bầu chú Sài thì yên tâm rồi. Cần gì chú cứ hét một tiếng các anh theo răm rắp ngay.

Anh nào lơ mơ là ăn đòn đấy. Chú cứ mạnh dạn chỉ huy cho nghiêm vào”. Hiểu giao việc này cho Sài với ý định khác. Sài mới được phong hạ sĩ và cũng là người mới nhất trong số anh em ở đây nhưng lại là diện “cảm tình”. Chi bộ học viên quân đội ở trường đại học giới thiệu về. Chi bộ ban chính trị đánh giá Sài là quần chúng thành phần cơ bản tốt, có ý thức rèn luyện phấn đấu, nhất là trong học tập.

Giao cho Sài việc này tức là tạo điều kiện cho Sài “thử thách” ở một lĩnh vực khác. Không ngờ Sài làm cho cả trung đoàn bộ ngạc nhiên và ban chính trị thì tự hào mình đã giáo dục được quần chúng có ý thức tự giác lao động cao đến thế. Với Sài, anh thấy không hề phải “cố” chút nào trong việc này. Đêm đêm anh thức từ ba giờ sáng lấy phân đem ngâm thì có vất vả gì hơn vác vồ chạy vào chợ Bái. Một mình anh làm cỏ, bỏ phân và tưới tắm cho khoai, cho rau cũng là cái sự “lủi thủi” nó quen rồi có gì phải phấn đấu.

Hơn nữa ngoài việc học, đọc sách, dạy hoc ra Sài rất sợ những lúc nằm không ngủ được. Anh cũng tự đặt ra kỷ luật cho mình, không có việc gì thật cần thiết, không ra phố, không ra bãi tắm, thì giờ ấy không tăng gia còn biết làm gì nữa. Ngay cả đến Kim, cô “em gái” bao nhiêu lần trách, không thấy “tăm hơi” anh, anh cũng cố tránh để khỏi mang tiếng quan hệ phức tạp.

Anh tránh né tất cả bởi vì không có ai để anh có thể san sẻ nỗi buồn về cú “đá” của Hương. Phần anh thấy nó đau như đã bị Hương “đá” thật, phần khác lại rất muốn nó không phải như thế. Có lẽ Hương chỉ hiểu lầm chuyện gì đó thôi. Nếu vậy, anh có thể yên tâm vì trước sau thế nào Hương cũng hiểu anh. Đấy là ý nghĩ thầm thì, cái nỗi đau dai dẳng từ mấy năm nay khiến khi trở lại trung đoàn công tác anh phải tự đặt cho mình cái kỷ luật “quên” để làm việc.

Chỉ có công việc mới cho anh những niềm vui nhỏ nhoi. Không có nó anh lại trở thành bệnh nhân tâm thần của trạm xá, như người ta từng đồn đại về anh bốn năm trước. Những ngày năm nay thực sự anh rất vui trong kết quả một sào bắc bộ thu hoạch sáu tạ khoai sọ là năng suất chưa từng thấy. Các cán bộ của trung đoàn bộ gặp anh, ai cũng thân tình khác hẳn mấy tháng trước, khi biết anh đạt kết quả học tập cao và dạy cũng muốn rủ rê và sai bảo, muốn tâm tình và chỉ dẫn.

Qua tình cảm của mọi người anh hiểu việc vào Đảng của mình, chỉ còn là ngày một ngày hai, gần như cả trăm phần trăm số đảng viên trong chi bộ đều sẵn sàng thông qua.

Chính uỷ Đỗ Mạnh gọi anh lên chơi, cho bao thuốc và bảo: “Có việc làm chỉ giới hạn cho một dự luận, của một dư luận nhưng trước mắt thế là tốt, cố gắng mà phấn đấu”

Ngày thứ sáu kể từ hôm Hương rời khỏi vùng biển này, anh thợ chữa máy của tiểu ban thông tin đi “đại tu” những máy móc ở Quân khu về mới nói cho Sài biết chuyện cô sinh viên Bách khoa đau khổ không gặp được người yêu (“Tớ xem thái độ tớ biết”). Chỉ vì có ai đó lại nói cậu đi công tác. Anh ta đã thề sống, thề chết là không hề bịa.

Cũng may cậu ta không hỏi tên. Ăn cơm chiều xong, Hiểu rủ Sài đi “lang thang”. Chính anh là người đã nói với Hương như thế. Anh kể lại tỉ mỉ và chính xác những gì nghe, cả thấy và phán đoán tình cảm của Hương từ hôm đầu tiên đến đây. Càng nghe Sài càng đứng chết lặng.

Có lúc Hiểu tự hỏi tại sao mình lại nỡ làm một việc độc ác, nhẫn tâm đến thế. Có hai lần đang đêm không ngủ được anh ngồi dậy định gọi Sài nói chuyện đó. Nghĩ đi nghĩ lại thấy trách nhiệm của mình lúc này khôgn thể nào làm khác được. Trước đây người ta đã láng máng chuyện của hai cô cậu nhưng do sự học tập đột xuất của nó át đi. Phần khác, người ta bảo là tâm thần, học nhiều nó “loạn” cứ tưởng tượng ra mọi chuyện nên không ai nhắc gì quan hệ nam nữ bất chính của cậu. Cố đừng để nó vỡ ra phiền lắm.

Sài biết tất cả cái gì Sài có được như hôm nay là do anh, Sài gặp được anh như là cái số của người ta có đường may mắn. Với anh, Sài không phải nói gì, có khi không cần nói gì, anh cũng làm thoả mãn sự mong muốn của Sài. Sài cũng biết trong tất cả mọi việc Sài phải tự hiểu, tự làm đừng để anh phải nói nhiều, băn khoăn nhiều về mình.

Tất cả sự xấu, tốt của Sài có thể coi như sự xấu tốt của anh. Anh lấy Sài về, anh phản đối tất cả những ai đánh giá Sài không đúng. Anh tìm mọi cách xin cho Sài đi học và và trước đấy cùng tổ giáo viên luyện thi cho Sài. Hai năm học ở trường sư phạm mỗi lần qua Hà Nội anh đều đến thăm và “tiếp tế” quà của ban chính trị. Nếu chỉ đến ngày hôm nay rồi mãi mãi xa anh thì suốt cuộc đời Sài cũng không thể quên, không thể có phút nghi ngờ tấm lòng của nh dành cho Sài và mọi người.

Anh đang là chi uỷ viên trực tiếp theo dõi giúp đỡ Sài vào Đảng. Không thể trách việc anh đã làm. Với anh bây giờ Sài biết không cần e ngại giấu diếm bất cứ điều gì kể cả nếu anh muốn nghe kể lại cái lần đầu tiên hai đứa thổ lộ tình yêu với nhau Sài cũng sẵn sàng làm.

Hai người đi bên nhau im lặng khá lâu: “Nếu viết thư cho Hương có được phép không anh” – “Về vấn đề gì?” Ôi, sao mà biết sẽ có vấn đề gì trong những lá thư gửi cho người yêu”. Hiểu biết mình hơi thô bạo, dù cái thô bạo chân thành anh vẫn thấy ngượng. “Theo mình hãy im lặng đã Sài ạ”

– “Đến bao giờ hở anh” – “Mình cũng chả biết thế nào. Nhưng mình hỏi thật. Sài có thật sự tha thiết vào Đảng không đã?” – “Sao bây giờ anh vẫn còn phải nghi ngờ em chuyện đó” – “Vì mình sợ cứ bắt Sài cố làm một việc mà Sài thấy khó quá. Sài đã nói thì mình đề nghị thế này. Từ nay Sài phải kiên quyết cắt đứt quan hệ với Hương” – “Sao lại…” “Rồi sau này Sài sẽ hiểu dần. Theo mình chuyện này nó khá rắc rối đấy!”.

Từ đêm ấy Sài lại nằm nghĩ ra bao nhiêu chuyện thật và giả, những khả năng có thể xảy ra và ước ao có một ông giời nào đấy xuống đây cho hai người ly hôn, cô Tuyết được quyền sử dụng hết ruộng đất, vườn tược của anh, và đi lấy một người chồng không đẹp trai lắm nhưng rất khỏe mạnh giầu có, hai vợ chồng đẻ đến chục đứa con đứa nào cũng béo trắng, đi đâu cũng cả đàn cả lũ ríu rít cười đùa mãn nguyện.

Còn Sài và Hương cùng xin đi Nam đánh giặc, Hương đi bên dân chính làm phóng viên cho một tờ báo nào đấy. Gặp Sài là dũng sĩ diệt Mỹ, họ giả vờ chưa hề quen nhau. Đên khi phỏng vấn xong, Hương mới oà khóc ôm chầm lấy anh mà bảo anh có biết em phải đi bộ nát cả hai bàn chân sốt rét rụng hết cả tóc và đói, và bom đạn, và muỗi vắt suốt một năm nay chịu đựng cực nhục mới đến được chỗ anh…

Chỉ có điều khác khi còn ở đại đội 12 là Sài không dám ghi nhật ký, một chữ không ghi, dù biết rằng không ai xâm phạm đến. Không ghi, nhưng không đêm nào không nghĩ. Nghĩ những chuyện đó nó đỡ khổ hơn.

Hiểu nằm cạnh giường Sài, anh biết nỗi trằn trọc của Sài suốt mấy đêm liền. Bằng sự thăng trầm từng trải của một người lính anh biết rồi cũng qua đi thôi. Điều quan trọng là Sài đang được mọi người yêu mến, Sài đã có một cái nghề dạy học, mà khối bạn bè cùng tuổi thèm thuồng…

Không dễ gì Sài vứt bỏ những cái đó nhất là với cái tính nhút nhát của Sài thì sẽ không có điều gì xảy ra. Cuối năm Sài được bầu là chiến sĩ thi đua duy nhất của trung đoàn bộ. Chi bộ họp nhất trí kết nạp Sài nếu hai điều kiện chưa được sáng tỏ: Đã yêu vợ thực sự chưa và kiểm tra lại vài điểm ở gia đình nhà vợ. Phó chủ nhiệm chính trị gặp riêng Sài ở phòng mình: “Cậu uống nước đi. Tình hình vợ con thế nào?” – “Báo cáo vẫn như cũ ạ”

– “Nghĩa là thế nào?” – “Báo cáo thủ trưởng tôi không chê cô ấy. Nhưng vẫn khó nói chuyện với nhau” – “Thế thì không được rồi. Cậu nhớ mình là cơ quan chính trị mà vô chính trị là không được đâu. Bây giờ thế này, vừa rồi chi bộ họp đã thông qua lý lịch và đơn xin vào Đảng của cậu.

Vẫn chỉ vướng mắc ở chỗ vợ con đấy. Nói thật, mình quý cậu, anh em ai cũng quý cậu. Đừng phụ lòng người ta. Bây giờ với tư cách thủ trưởng trực tiếp mình yêu cầu cậu phải yêu vợ cậu, có được không nào!” – “Dạ… được ạ” – “Có thế chứ lỵ. Nhưng mà phải thực sự đấy nhé”

– “Vâng, tôi sẽ cố làm theo ý các thủ trưởng” – “Chả nhẽ chúng tớ lại xui dại cậu làm kiên quyết thì cậu được vợ được con chúng tớ được cái gì. Tớ cũng nói để cậu biết cho đến cậu là bảy anh, bảy anh ở ban chính trị từ trước tới giờ ngủng ngoẳng chuyện vợ con tớ đều dàn xếp xong hết.

Bây giờ đâu vào đấy cả. Cậu còn trẻ rất nhiều triển vọng, để chuyện này lôi thôi thôi ra là mất sạch chứ chơi. Thôi mình chỉ muốn nói với cậu điều đó. Xác định được thế là tốt rồi. Cậu nói nhiều triển vọng, chúng mình tin lắm, rất tin!

Đọc tiếp Thời xa vắng – Chương 18

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN