Thời xa vắng -full
Chương 39
Nhìn người bế đứa bé đi qua Châu hét lên rồi gục xuống. Người ta phải khiêng cô sang phòng cấp cứu của người lớn. Trước cảnh cháu, con em mình ”ngàn cân treo sợi tóc“ nỗi đau đớn hoảng hốt hiện trên hàng chục khuôn mặt của những người ruột thịt của Châu. Người ta nhìn Sài như một tên tội phạm. Nếu có chuyện gì xảy ra thì chính anh là kẻ một lúc giết hai mạng người.
Sài còn nhận biết điều đó nhưng khắp người anh cũng như tê dại, choáng váng, mặt mũi hốc hác, mếu máo, anh như một con rối, chạy ra chạy vào theo lời sai bảo quát mắng, gắt gỏng của bất cứ ai để làm bất cứ việc gì mà anh cũng không biết sẽ để làm gì. Bằng sự từng trải của mình ngay phút đầu tiên nguy cấp anh trai của Châu đã đánh xe đi đón bạn anh là bác sĩ phó giám đốc của bệnh viện nổi tiếng về khoa nhi của cả thành phố. Một tập thể bác sĩ và y sinh được tập trung xử lý ”ca“ này. Dù còn những ý kiến hoặc phản đối, hoặc ít tin tưởng bác sĩ phó giám đốc vẫn quyết định tiến hành truyền trong khi vẫn tiếp tục các biện pháp hạ sốt và chống co giật.
Mười hai ngày, đêm ngồi đặt ngón tay trỏ giữ kim cho khỏi chệch ven và nhìn từng giọt nước, giọt máu rơi từ chiếc bình giốc ngược xuống ống dẫn một cách chậm chạp đều đều, trên dưới sáu mươi giọt một phút, nhanh quá thì sốc mà chậm thì hoặc là bị tắc, hoặc không đủ độ nước, độ kháng tố cho cơ thể. Từng giọt, từng giọt, hàng chục lít nước và máu chảy vào cái thân thể của con; anh không được lơ là, không được phép bỏ qua một giọt nước, giọt máu chảy nhanh hơn hoặc chậm lại so với sự điều chỉnh ban đầu của hộ lý.
Cho đến năm năm sau anh vẫn không hiểu tại sao suốt cả mười hai ngày đêm ấy anh đã không hề chợp mắt một giờ. Năm năm sau vẫn còn cảm thấy đau khổ, mỗi lần người ta lách kim vào thái dương, vào trán, vào hai cổ chân tìm ven của con. Thằng bé chỉ còn như con mèo ốm. Mỗi lần không tìm thấy ven, rút kim ra, máu lại ứa ra theo.
Cái cô ý tá mặt béo xị xuống như cái bị, ngón tay như quả chuối mắn chọc vào đầu con người ta hàng chục lần làm vỡ hết ven vẫn không thấy. Xót ruột quá Sài kêu lên: ”Chị ơi, chị xem… thế nào… hay là…“ -”Các ông, các bà sợ con đau sao không để ở nhà mà chữa“. Năm năm sau vẫn thấy rùng mình hoảng sợ về những ngày ấy. Đến nỗi, chợt nghe thấy ai nói ở đâu có tiếng ”ỉa chảy“ là ngừời giật thót như bị đánh bất ngờ. Châu chỉ hoảng hốt ngất đi trong đêm cấp cứu con.
Những ngày sau cô vẫn vào ngồi cùng chồng bên bàn tiếp nước. Cô giữ kim hộ Sài lúc anh đi ăn cơm, đi ra sau hoặc thèm thuốc quá ra quán nước làm hơi thuốc lào. Đêm, Sài bắt vợ phải về nghỉ để anh trông con. Nếu không có những ngày tiếp theo sau đêm cấp cứu ấy có lẽ không có dịp nào để anh có thể xoa dịu được nỗi giận dữ của cả gia đình nhà vợ.
Trước người ta yêu anh vì anh chịu khó, thật thà, chất phác. Dù có láu cá nhưng vẫn là cái láu cá của anh nhà quê, chưa thể là sự lọc lõi xảo trá. Người ta thương, vì anh ngờ nghệch dại dột, trước người vợ từng trải không ngoan. Đến bây giờ, ngay lúc bình tĩnh nhất, mọi người vẫn có thêm một ấn tượng nữa về anh. Đấy là sự ngu. Đã là thằng ngu ai cũng có quyền khinh bỉ, coi thương.
Dù bằng lòng tin ngừơi dễ dãi của mình anh cũng có thể nhận ra cái ý nghĩ ấy của mọi người trong gia đình vợ. Sau khi rời phòng cấp cứu, Châu ở lại bệnh viện trông con để Sài ngày ngày mang tã lót, quần áo về giặt và mang cơm vào viện cho vợ. Châu không thể ăn được cơm của bệnh viện. Vẫn giữ ”chế độ“ ăn như từ khi đẻ, Sài cố gắng làm những món ăn Châu thích như để chuộc lại lỗi lầm của mình, Châu cũng rất hài lòng khi cả phòng bệnh khen cô ăn sướng, được chồng chiều ”hết ý“. Dù thế vẫn có một cái gì đó phải kìm lại.
Cô trở nên ít nói. Chỉ có những công việc cần nhắc nhở, sai khiến cô mới nói với chồng như bất cứ ngừơi nào khác. Khi mới yêu nhau, gia đình hờ hững, anh nghĩ chỉ cần một mình Châu yêu anh là được. Lờy anh rồi, Châu hạch sách, bắt bẻ, gia đình ái ngại thương anh, anh thấy mình có chỗ dựa vô cùng ấm áp.
Đến bây giờ bắt gặp những cử chỉ dù là rất nhỏ của sự coi thường ở ”hai phía“, anh có cảm giác như mình đang cố sức leo cây cứ ngửa mặt, cố lên mãi đến lúc tưởng chỉ cần giơ tay ra là hái được quả mới ngớ ra rằng nó vẫn còn mờ xa mà mnfh thì kiệt sức hết hơi, tụt xuống sợ cười chê, mà leo nữa thì không đủ sức. Từ khi lấy vợ đến giờ đây là lần đầu tiên anh cảm thấy cô đơn quá, bất lực quá.
Cũng là lần đầu tiên Sài thấy sợ hãi những cái nhìn lạnh nhạt, những lời nói lạnh nhạt của vợ và cả gia đình cô. Hình như nó đang chứa chất một cái gì đấy mà anh không thể nào ”kê bằng“ cái hạnh phúc của hai vợ chồng. Anh càng cố, càng thấy nó bấp bênh thêm.
Tính lên thăm cháu khi nó đã về nhà. Không đến thì mang tiếng, mà đến anh sẽ rất khó xử. Hồi con gái bỏ về, suốt một ngày một đêm vợ chồng vừa dỗ dành,vừa đe nẹt để nó phải lên trông em. Nó cứ lặng đi không nói năng gì. Đến khi anh quyết định: ”Chuẩn bị quần áo, sáng mai đi. Không phải bàn bạc gì nữa“. Biết khó lòng làm trái quyết định của bố, nó liền oà khóc, quỳ xuống chắp hai tay như khấn: ”Con lạy bố, con lạy mẹ.
Giết con thì con chịu, con không thể lên được nữa“. Nghe con kể sự tình khiến nó phải trốn về, Tính đã lên Hà Nội để hỏi Hiểu và bạn bè của Sài. Đã từ lâu không ai đến nhà nhưng đều có rất nhiều chuyện đồn đại khiến Tính nhận ra không chỉ con anh mà ngay em mình cũng bị đối xử còn quá một thằng ở. Tính đau đớn trở về nhà. Đợi gần một tháng sau ông Hà ở miền Nam ra Tính than phiền với ông và yêu cầu chú hôm nào gọi Sài và báo cho anh lên, ba chú cháu ”họp“.
– Để làm gì?
Nghe chú hỏi lại lạnh nhạt Tính ngồi lặng đi.
– Gần như ngày nào tôi cũng bắt gặp sự nhớn nhác, sấp ngửa của em anh. Có lúc muốn quát vào mặt nó: việc gì mày phải khốn khổ, bệ rạc thế. Nhưng nó rất thoả mãn, có phần vênh vang cái tài ba của nó đã có được vợ con, nhà cửa. Nó đã sẵn sàng từ bỏ tất cả những thằng bạn lên án nó. Biết đâu nó chả từ bỏ mình luôn. Tôi với anh chỉ là mối hận của nó về chuyện vợ con trước đây. Tốt nhất là kệ.
Đấy là cái chính để gần bốn tháng nay Tính đã ba lần lên Hà Nội, nhưng không đến chỗ Sài. Cái đau đớn nhất trong anh là tất cả mọi hy vọng về một thằng em trai với sự ”làm nên“ của nó bị sụp đổ. Cái hy vọng về một gia đình đoàn tụ êm đẹp, cô em dâu người Hà Nội vẫn có thể quý trọng, kính nể, nghe lời người chị dâu ở nhà quê cũng sụp đổ.
Không cần cái đó là thực tế, chỉ cần nó có những biểu hiện chứng tỏ sự kính nể ấy một vài lần trong một năm là vợ chồng anh có thể bán cả nhà cửa, bán cả xe đạp và đài để mà lo liệu, chạy vạy cho vợ chồng của em. Anh tiếc cái công lao vun đắp hàng mấy chục năm nay của mình. Lần này vì đứa cháu và vợ giục, anh phải đến em với một tâm trạng chứ chất nỗi bực bội ấy.
Châu đang ngồi ở giường trông thấy Tính từ ngoài đường, cô nhanh chóng đẩy ri đô ra phía ngoài, nằm ôm con như đang ngủ. Tính ngó vào cửa sổ trông thấy Sài đang lúi húi ở bếp, nhưng anh lại gõ cồm cộp vào cánh cửa. Sài vừa vớt rau vừa hỏi. Nghe tiếng anh trai, anh vội vàng chạy lên, Tính hỏi hững hờ:
– Cháu đỡ chưa?
– Rồi ạ.
Quay vào biết vợ vừa nằm chưa ngủ, anh gọi nhỏ: ”Châu“. Vợ không thưa. Tính bảo để cho thím ngủ. Tính biết thừa vào giờ này không ai ngủ sau đến mức không biết gì nhưng anh vẫn coi như Châu không biết anh đến. Anh nói chuyện với em trai như nói với người ngoài đường.
– Cháu ra viện từ hôm nào?
– Được ba hôm.
– Độ này ông Hà đi vắng, không có ai về quê thành ra không biết tin tức gì. Cũng chả thấy Sài nhắn về. Hôm nay đi Hà Nội có chút việc gặp mấy người nói cháu ốm mới biết. Anh nhồi thuốc vào nõ, hút một điếu thuốc lào, uống một chén nước rồi xách túi:
– Thôi, biết cháu khỏi là yên tâm.
– Anh ở đây em dọn cơm ăn đã.
– Ăn rồi.
– Anh ăn đâu mà!
– Đạp xe dọc đường thấy mấy cái quán có vẻ lịch sự ăn luôn.
Biết tính anh từ bé không hề ăn cơm hàng trên đường đi, dù đường đất có xa hàng mấy ngày thì cũng nắm cơm, gói xôi, mua sẵn bánh mì, hoặc bánh chưng ở chỗ quen biết mang theo chứ không chịu ăn quà dọc đường. Nhưng vợ anh đã tránh không muốn tiếp anh trai mình, anh có ở lại cũng không vui gì. Sài đành lặng lẽ tiễn anh.
– Sài làm gì cứ tiếp tục đi, tiễn làm gì.
Nghe giọng có phần dỗi lẩy của anh trai, Sài nghẹn đi. Lẽo đẽo theo anh một đoạn khá xa Sài mới hỏi:
– Tình hình ở nhà độ này thế nào anh.
– Gì cơ.
– Chị với các cháu…
– Chậc! Chỉ có ốm đau liểng xiểng chứ chả có chuyệng gì.
– ồ thế làm sao? Nãy anh không bảo em để lấy ít thuốc.
– Chà, đói ăn, nhà quê ốm mấy ai uống thuốc.
– Anh nói với chị độ này em chưa về được.
– Thôi Sài bận, về làm gì.
Sài đã nóng bừng ở mặt về cái kiểu dỗi lẩy của anh. Anh ấy chẳng hiểu những ngày qua thằng bé suýt chết đã phải khổ sở như thế nào. Những lúc ấy nhà mình không thấy một ai trong khi vẫn tự hào với nhà họ về sự thương yêu đùm bọc của anh em nhà mình.
Con Hưng nói dối để về mất tăm cũng không ai nói lại một câu. Sài đã phải dày mặt về tội thiếu đàng hoàng sòng phẳng của gia đình nhà mình. Anh không hiểu hết hoàn cảnh của em, mỗi lần đến thăm anh lại chì chiết bóng gió làm sao chịu nổi. Nhưng cái làm cho Sài điếng người muốn ứa nước mắt lúc quay về là câu nói trước khi anh lên xe.
Chú ý: Để lấy mật khẩu cho chương sau các bạn vui lòng soạn tin theo cú pháp:
CL MK Gửi 7744
(CL dấu cách MK gửi 7744)
Đọc tiếp Thời xa vắng – Chương 40
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!