Thời xa vắng -full
Chương 43
Từ ngày Sài lấy vợ đến giờ ông chỉ đến thăm anh một lần cùng thằng cháu trước khi nó về nhận công tác ở huyện này nhưng chuyện gì của Sài ông cũng biết. Đến lúc ăn cơm ”chiêu đãi“ của cháu xong ngồi uống nướ ông mới như là chợt nhớ ra hỏi chuyện mọi người chuyện gia đình, vợ con Sài. Cả Hà, Hiểu và Tính đều có cách nói hờ hững và những nhận định giống nhau về sai lầm của Sài, về sự chán ngán của mọi người, không ai muốn quan tâm đến nó. Ông chép miệng: ”Mọi việc đã thế rồi, nó tính sai thì phải chịu hậu quả.
Chúng mình có đứa em, đứa cháu dâu tốt cũng quý, mà không thì cơm nó nó ăn, việc mình mình làm có ảnh hưởng gì lắm đâu. Chính qua thực tế ấy cậu ta sẽ nhận ra mọi điều thôi. Tôi đề nghị anh Hà với các anh đừng ai xa cách, hắt hủi nó. Là thằng biết nghĩ, nó cũng khổ nhiều đấy“. Chỉ có thế rồi lại ăn kẹo uống nước, hút thuốc và nói những chuyện khác. Nhưng đấy là công việc chính của các ông trong chuyến đi này. Bằng sự tinh nhạy của mình ông biết hàng năm nay cả Hà và Tính đều bất bình với cháu, với em mình.
Ông nảy ra ý định rủ mọi người đi chơi cốt để làm cho mọi ngừơi thân thiết của Sài đừng ai quay lưng lại sự đơn độc của cậu ta. Cái công việc cốt yếu ấy lại được xem như là vô tình, không hề quan trọng gì. Đấy là thói quen từ xưa tới giờ. Ông biết những câu nói ”bâng quơ“ ở bàn trà sau bữa cơm sẽ được cả Hà, Tính và Hiểu lưu ý. Riêng với Hương, ông quý cái tình cảm tốt đẹp của cô dành cho những người thân thiết của Sài. Song, Hương lại thấy mình không thể được như thế. Sài lấy vợ, Hương buồn rầu lẩn tránh.
Phẫn nộ với anh, cô xa lánh luôn cả bạn bè và gia đình anh. Bẵng đi hàng năm, chỉ biết hàng chục lần Sài đã phải bỏ nhà đi lang thang cô mới lại đến thăm Hiểu, chú Hà và về quê thăm Tính. Như thế để làm gì? Và, tại sao? Cô không biết. Cô thầm cảm ơn Thiếu tướng đã quan tâm đến Sài làm cho mọi ngừơi gần lại với anh. Cô cũng cảm thấy mơ hồ là như thế mọi người sẽ gần lại với cô hơn. Khi hai anh em đạp xe trở về nhà, Hương đã kể cho anh Tính nghe bao nhiêu chuyện về tình cảnh khốn khổ của Sài trong mấy năm qua.
Anh dặn Hương thật thà như giao việc cho một đứa em gái. ”ở trên ấy có điều kiện em động viên săn sóc nó hộ anh“. Hương ”vâng“ nhưng cô biết lúc này mình làm sao có thể làm được việc đó. Có những khi đi làm về cô đạp xe vòng quanh cơ quan Sài, đến khi nhìn thấy anh cô lại nhanh chóng vượt lên tránh sang đường khác. Tuy vậy, cô vẫn tìm cách để chăm lo cho Sài. Cô đan cho anh đôi găng tay, cái áo len cộc tay màu ghi, cái mũ len tím, đôi tất màu nước biển và bàn cạo râu của Nga do thằng con lớn của cô học ở bên ấy gửi về.
Rồi thuốc bổ, thuốc kháng sinh, và đôi khi cho cả tiền để anh mua thuốc lào. Tất cả những thứ đó cô giao cho anh Hiểu và bắt anh phải giấu mọi người, kể cả Sài. Cô làm như thế hoàn toàn không hề mảy may có một ý nghĩ tranh chia giành giật nào. ở tuổi cô không còn cái háo hức liều lĩnh của tuổi hai mươi nữa. Chỉ vì thương Sài quá. Và thú thật, có cả tình yêu nữa. Một tình yêu của những kỷ niệm đã qua.
Ngày nay không bao giờ cô cho phép mình được bộc lộ hoặc chấp nhận nó. Lắm khi cô rất thèm có cách gì đó đến với Châu, trở thành một ngừơi chị của Châu để khuyên bảo cô ta thương yêu, trân trọng sự đau khổ và tấm lòng thành thật của Sài để cô ta đừng làm khổ anh ấy. Nhưng mình là ai ? Liệu có giải thích được khi vỡ lở rằng mình vốn là người yêu cũ của anh ấy không? Lắm lúc cô lại thấy kệ nó, cứ để như thế mới đáng cái tội của Sài.
Ai bảo thấy con gái trẻ, đẹp là lao vào như con thiêu thân, để phải cưới chạy như chạy tang. Cô lại bực tức với chính mình. Tại sao cứ phải lo nghĩ dằn vặt đến những chuyện ấy? Để đem lại cái gì? Có lần đem các thứ đến đưa anh Hiểu để gửi cho Sài, lúc quay ra lại thấy vô lý, thấy mình làm việc đó là hấp tấp, vô nghĩa. Nhưng lại không dám quay lại bảo anh Hiểu hãy cứ để đấy. Rồi cuộc sống của họ sẽ ra sao khi Châu đẻ thêm đứa con nữa.
Có thể có thêm đứa con, Châu sẽ thương sự vất vả của chồng và tủôi tác lớn hơn sẽ chấp nhận cuộc sống ổn định để vợ chồng con cái, vui vẻ đầm ấm! Đến lúc Sài được yên ổn, hạnh phúc, thì tình cảm của mình sẽ như thế nào? Tự nhiên Hương dùng cả hai bàn tay tát mạnh vao hai má mình rồi ôm lấy mặt, không dám nghĩ tiếp một điều gì sẽ xảy ra!
Châu không đi phá thai như lời Nghĩa nói với Sài. Cô bắn tin để doạ Sài hay vì gia đình ngăn cản? Hoặc vì một lý do nào khác! Sài không hề quan tâm. Chỉ có điều anh bắt đầu chờn với người vợ được xem là ngừoi ”Có trước, có sau“. Một con người đã nói ra được những lời độc ác cũng dám liều lĩnh làm nên tội ác. Biết vậy anh im lặng. Châu cùng mẹ, chị gái rồi chị dâu và cả Nghĩa trở lại nhà sau khi Nghĩa hốt hoảng nói đến bệnh tình của bé Thuỳ.
Vứt xe đạp ở bờ tường, chạy lao vào nhà, cô muốn oà khóc vì thương con, vì căm giận chồng, vì cả nỗi hoảng hốt. Thấy bà cụ hàng xóm đang ôm con mình, cô lấy ngay vẻ bình tĩnh: ”Bà ơi, con ơn bà lắm! Bà cho con xin cháu. Trời ơi, không ngờ mấy ngày nay con bị ốm, chắc có bố trông coi ở nhà!“- ”Trẻ con đứa nào cũng phải qua cái đận này. Mấy ngày nay bố nó cũng vất vả. Chị cứ ủ vào cho cháu nó ”nở đều“. Châu cúi xuống nhìn con đã teo tóp lại tới mức không thể ngờ tới. Nước mắt cô ứa ra rào cả xuống chiếc tã bông cuốn cho con.
Trong cơn mê man thằng bé mơ thấy mẹ nó đang ôm nó trong lòng nhưng lại gỡ tay nó ra, sẽ sàng đặt nó xuống giường, chạy lao ra cửa. Nó hoảng hốt chạy theo: ”ới mẹ ơi, mẹ ơi đợi con, đợi con“- ”Mẹ đây, mẹ đây“. Châu nắm lấy tay con ghì nó chặt lại: ”Con ơi, Thuỳ ơi, mẹ đây. Tỉnh lại đi con, tỉnh lại con, mẹ đây mà. Mẹ Châu về với con đây mà“. Thằng bé đã nhận ra tiếng mẹ, nó động đậy bàn tay bé xíu như cái tai con thỏ con lần sờ tìm bàn tay mẹ.
Nhận đúng là mẹ nó rồi, nó khum bàn tay như thể nắm lấy ngón tay giữ mẹ lại, không cho mẹ chạy đi. Nhưng tay nó không nắm được nữa. Nó tủi thân, nước mắt rào qua lớp dỉ đã kéo thành màng trên vòm mắt. Châu vội vàng lấy khăn lau nước mắt và lớp dỉ đã mềm rữa. Thằng bé cố lắm mới lại mở được mắt. Những lớp mụn lấm tấm như kê đã mọc đều trong mắt nó. Đôi môi bong rộp của bé hơi ánh lên tươi tắn, như muốn biểu lộ hết nỗi sung sướng vô cùng của nó. Người mẹ đã nhận ngay ra dấu hiệu tốt lành ấy, nó như sự ban thưởng lớn lao không có gì sánh nổi. Châu cúi sát mặt con.
”Con mẹ giỏi lắm. Có thương mẹ hông?“ Nó cố gắng gật đầu- ”Mẹ thương Thuỳ của mẹ dũng cảm lắm. Con ngoan cố chịu đau cho chóng khỏi mẹ đưa Thùy đi bà nhé“. Nó phấn chấn gắng gượng gật đầu. Đứng chống tay voà thành giường ngóng đợi niềm vui của hai mẹ con là bà ngoại, là bác, là cô và các anh, các chị trong khu tập thề. Bà cụ già trong khu nhà lại phải ”chỉ huy“ đám ngừơi ấy ”giải tán“ và dặn Châu những điều cần thiết phải kiêng cữ cho con rồi bà mới cười cười yên lòng trở về nhà mình.
Sài pha nước mời mẹ vợ và mọi ngừơi cùng uống xong anh theo sự điều khiển của chị gái Châu đạp xe đi mua rau để chị nấu cơm hộ. Người chị ý tứ và thương hại cả hai em đã lôi hết quần áo, xoong nồi trong tủ và trong chạn sau hàng tháng trời không được ai nhìn ngó tới. Căn phòng và bếp được ”tân trang“ lại đâu vào đấy. Chị như người đại diện cho niềm kiêu hãnh luôn luôn của Châu về nề nếp của gia đình mình. Còn chú cháu của Sài lại là hiện thân của sự toạ tệch, luộm thuộm nhiều lúc Châu bắt ”quả tang“ một trong những việc làm mang dấu vết ấy khiến anh không thể cãi lại. Khốn nỗi, cái bệnh sĩ diện hão làm cho anh ta không dám thú nhận nghiêm túc với chính mình để nghiêm túc sửa đổi. ở trong nhà không làm cho nhau vui được cô phải tìm kiếm sự đồng cảm ở bên ngoài.
Đó là lẽ thường gì mà khó hiểu. Cái lập luận vững chắc trong cô được hình thành khi sống với Sài. Cô tin đến muôn đời, anh và những người xung quanh không thể tìm đến cái ý nghĩ sâu xa ấy. Dọn dẹp, nấu cơm ăn xong, chị gái lên bế cháu để ”vợ chồng mời bà đi ăn cơm rồi bà ở lại với cháu một đêm“. Câu nào chị cũng nhắc đến ”vợ chồng“, ”các em“, ”hai đứa“, ”cô cậu“. Mãi hơn chín giờ đêm chị mới trở về nhà để ăn cơm chiều.
Dù đã yên lòng vợ chồng ”cô cậu“ có vẻ hoà hợp với nhau chị vẫn phải kéo em gái ra đường dặn dò: ”Chín bỏ làm mười“, giữ gìn êm thấm đừng để xung quanh cười chê“. Dù chị không dặn Châu cũng biết trong những ngày tới không có cách nào khác là phải vui vẻ nói với nhau mà ngừoi điều khiển cái tình cảm ấy là cô. Sáng hôm sau nhân bà cụ về Châu bắt đầu sai chồng câu đầu tiên có dùng chữ ”em“:
”Đưa cụ về, nhân tiện đến cơ quan em xin nghỉ tiếp để trông con“. Giá như trước đây được câu đó Sài đã hý hửng, hấp tấp làm theo mệnh lệnh của cô. Bây giờ anh chỉ thủng thẳng ”ừ được“. Đủng đỉnh lấy điếu cày xuống bếp hút thuốc để tránh khỏi làm sặc con rồi mới thong thả dắt xe đi. Cách sống hơi ”ngang“ của anh làm Châu vừa bực vừa có phần nể sợ, dè chừng. Tuỳ. Anh không quan tâm lắm đến thái độ của cô. Anh đã nhất quyết sống như thế. Chỉ có tình thương yêu, nhất quyết không còn sợ. Sợ cái gì mất cái đó.
Anh biết thế nên cứ sống hết lòng với vợ con. Cái gì làm được không tiếc. Cái gì không làm được không cố mãi lên để chứng tỏ cho vợ biết mình có năng lực. ”Chỉ có thế“ cô muốn chấp nhận hay phản đối đều được hết. Con chạy đi chơi và ăn ”giả bữa“ rất khỏe anh mới ”hoàn hồn“, được ngủ thẳng cánh một đêm từ sáu giờ tối đến tám giờ sáng hôm sau. Vợ gọi dậy trông con để cô đi làm đầu, anh mới biết mình đã được ngủ một giấc khoan khoái đến thế. Được mấy ngày rảnh rang đã tưởng có thời gian ”hả hơi“.
Năm ngày sau khi con khỏe vợ đau quằn quại phải mang đi cấp cứu. Ngỡ động thai hoặc đau ruột, gan gì đấy, không ngờ cô đã trở dạ đẻ. Mới có thai được bảy tháng rưỡi đã đẻ. Gần bốn năm trời lấy nhau, bằng đồng lương của hai ngừơi phải nuôi vợ đẻ, con ốm và sắm sửa. Đấy là nhà, giường tủ, anh Tính và bạn bè đã giúp bây giờ còn ”mang nợ“. Lần trước gia đình và bạn bè còn hỗ trợ, đến lần này một mình phải cáng đáng mà chưa hề chuẩn bị được tí gì. May còn toàn bộ tã lót, quần áo của thằng nhớn.
Nhưng chạy ăn lúc này đâu phải là chuyện dễ dàng. Mấy trăm bạc vay trong dịp nuôi con ốm Sài đã phải xin khất lại. Những người chủ đều thương tình, không những cho anh khất mà còn thương tình, không những cho anh khất mà mỗi người còn cho mượn thêm dăm ba chục. Ngoài số tiền lương, tiền mượn Sài bí mật nhờ người bán bộ quân phục ốt pho được phát trước khi ra khỏi quân đội. Đôi giày đen và cái chăn dù vật kỷ niệm cuối cùng ở chiến trường cũng bán. Được hơn một nghìn. Anh dồn tất cả sức lực gắng gượng, nuôi vợ, nuôi con trong nỗi âm thầm đau đớn.
Đứa con được bảy tháng rưỡi bệnh viện phải nuôi trong lồng kính. Vợ khóc tấm tức mỗi lần lên nhìn con bao bọc bởi lớp da đen tai tái. Có người độc mồm bảo trông như con chó con bị thui. Anh an ủi vợ: ”Thôi, đằng nào cũng là con mình, không may con thế sau này mình càng thương nó“. Chẳng ngờ mấy ngày sau cả gia đình nhà vợ đều đổ tại Sài đã mang bệnh sốt rét từ Trường Sơn, mang cái tai hoạ của chất độc hoá học từ rừng rú về bắt con cháu họ phải chịu hậu quả. Sài cắn răng im lặng trước cái nhìn của vợ mà anh biết cô đã nhìn anh, kẻ thủ phạm gieo rắc tội lỗi lên ngừơi cô, lên danh dự của gia đình cô.
Ngoài các cháu, các bà cụ ở khu tập thể đỡ đần một vài việc và những người thân của Châu thỉnh thoảng đến bệnh viện thăm, cho cô chục trứng, hộp sữa ra… hầu như cả hai bên gia đình không ai giúp việc gì trong hàng đống công việc. Làm khai sinh, nhập hộ khẩu, làm tem phiếu, đi xếp hàng, giặt giũ, nấu ăn cho vợ, đun sữa cho con bé, tắm rửa cơm nước cho con lớn, đưa đón nó đi về nhà trẻ… suốt ngày quần quật sấp ngửa, vất vả đến đứt hơi, đêm về hai mắt cứ chong chong, đầu óc buốt giật, không sao chợp mắt được.
Có những đêm trằn trọc vật vã anh ngồi dậy muốn vác xe đạp đến đấm cửa những ngừoi anh em chú bác nhà Châu mà thét vào mặt họ: ”Không có những thằng sốt rét, đội bom, đội đạn ở chiến trường hàng chục năm trời, làm sao các người được phè phỡn rong chơi ”gá“ mình vào các cơ quan nhà nước để lấy lương và ăn cắp, để móc ngoặc và ăn đút lót. Ti vi, tủ lạnh, xa lông và hàng trăm thứ khác nứt nở đầy nhà mà vẫn ngoạc mồm kêu to nhất về sự thiếu thốn khó khăn và những bậy bạ của xã hội“. Nhưng nói điều đó ra lúc này họ sẽ mỉm cười ”Ai bảo mày dại mà kêu. Kể công lao không được quái gì đâu, chỉ tổ người ta chê cười.
Chỉ có thằng hâm mới lên án ngừơi khác làm ăn không chính đáng: Châu cũng đã có lần thách thức và dễu: ”Này, cái dũng sĩ của anh mà đổi được mớ rau muống khỏi phải xếp hàng thì cũng giá trị lắm rồi, đừng sĩ diện hão với danh từ sang trọng ấy. Có ngày chết đói đấy!“. Chao ơi, những con ngừơi ấy đang được coi là ”tân tiến“, ”thức thời“ được nhiều kẻ khác chầm vập thèm muốn? Còn nói được gì với ai nữa! Đành phải nuốt vào lòng mình nỗi bất lực để mà im lặng, để trở thành con người biết điều.
Lớp da ngoài của con dần dần bong rộp như bóc được lớp vỏ màu đen để hiện ra một lớp da khác cùng trắng dần lên như mọi đứa trẻ bình thường khác. Cái ấn tượng về một di chứng bệnh hoạn do Sài gây nên cũng bong dần đi theo lớp da màu đen của đứa trẻ. ít hôm sau lại có chuyện khác. Sài đi đong gạo, rồi lại phải xếp hàng mua đường. Chỉ mang một bao tải, không ngờ lại có cả mì trắng. Anh đổ gạo xuống dưới buộc chẽn ở giữa rồi đổ mì vào ngăn trên.
Do vội vàng phải đi sang bách hoá xếp hàng tiếp, anh không kiếm được dây chắc buộc ở miệng. Để tải lên sau chỗ ngồi, phần gạo nằm trên gác ba ga còn phần mì thõng xuống. Đi giữa đường dây đứt, mì đổ toá ra. Anh ngồi bốc mì, gặp Nghĩa. Cô ta lại kêu lên hoảng hốt và ngồi xuống giúp anh. Cô còn nhận đưa anh ra cửa hàng quen nhờ mua đường khỏi phải xếp hàng. Vừa đi cô vừa than vãn thương cảnh long đong vất vả của anh.
– Em thấy anh tội nghiệp ghê lắm cơ. Phải nói, em rất thương anh nhưng… Vẫn giọng chân thành: – em nói chuyện này cấm anh được nói lại với chị Châu nhé.
– Sao lại…
– Em rất tin ở anh nhưng cứ phải dặn thế để anh chú ý. Em hỏi nhé- Sài gật đầu khuyến khích- Có phải tại anh hắt hủi nhiều quá khiến chị Châu phải đẻ non không?
– Châu nói thế
– Không, em biết.
– Em biết kể cũng tài đấy.
– Vì thế em mới phải hỏi anh.
– Thế em có tin là anh như thế không!
– Thì không tin. Thấy khu nhà em nói ầm lên em mới bảo để lúc nào hỏi anh mà.
– Chuyện ầm lên ở chỗ em?
– Cấm anh không được nói là em nói đấy.
Sài hơi nhăn mặt lại như cố dìm một nỗi đau khác muốn trồi lên. Anh gật đầu như một lời thề phải giữ kín tất cả mọi chuyện. Nghĩa đã nói với anh. Cho đến mãi sau này chuyện đó thành câu hỏi chính thức của nhiều bạn bè thân thiết và gia đình ở quê. Sài đều im lặng không hề hé răng nói nửa lời thanh minh. Chỉ có riêng ngày hôm nay, sau khi chia tay Nghĩa đạp xe về nhà đầu óc quay cuồng như chong chóng, anh mới thấy mắt hoa lên, tay lái chệch choạng thế nào, chiếc xe đạp tự nhiên đổ.
Anh ngã chúi đầu xuống bên đường. Không rõ vì đau đột ngột hay tủi thân phận mình quá nước mắt anh ứa ra, vội vàng giơ cánh tay áo lên gạt nước mắt. May mà đoạn đường vắng chưa có người đi đến nhìn rõ mặt anh. Nhưng còn biết kêu ai, trách ai khi mình đã phẫn nộ với tất cả mọi sự dị nghị, can ngăn của tất cả mọi người.
Chuẩn bị cho con ra viện cô hỏi anh:
– ý mẹ và các anh chị định mẹ con em về với cụ một thời gian để tiện các bác, các cô chạy đi chạy lại giúp và nhỡ khi có chuyện gì đỡ lo. Anh thấy thế nào.
Giá như trước đây anh đã sốt sắng: ”ừ tốt quá. Nhờ cụ, nhờ các bác đỡ cho anh ít ngày“. Nhưng bây giờ anh hỏi lại:
– Vợ chồng con cái mỗi người một nơi… Đang lúc em và con ốm yếu anh lại…
Đọc tiếp Thời xa vắng – Chương 44
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!