Thời xa vắng -full
Chương 44
– Cứ nhờ bà, nhờ các bác để bố cũng đỡ vất vả một chút.
– Như thế có tiện không?
– Việc gì mà không tiện.
– Tuỳ em. Nếu em thấy thuận lợi cứ đến bà ít hôm. Có điều là cho cu Thuỳ xuống nữa thì khổ bà, mà để nó ở nhà cậu ta không chịu, hay là anh cho con về quê ít ngày.
– Cũng được. Nhưng anh phải để ý ao chuôm đấy, em sợ lắm.
– Không bao giờ em tin anh ngần này tuổi đầu có thể trông được con.
– Anh hay quên, nhỡ ra… Mà nước nôi tắm rửa cẩn thận không lại ghẻ lở hắc lào ra đấy.
Sài hơi khó chịu
– Thôi không bàn nữa. Cứ thế. Nếu em xuống bà, anh cho con đi ít ngày nó phóng khoáng ra.
Cốt thoát khỏi cái không khí ngột ngạt tù túng ít ngày, song lại không muốn phiền ai ở quên, ngay đến anh chị Tính như cha mẹ sống lại Sài vẫn không thể cứ quấy quả phiền nhiễu mãi. Anh chị cũng đang túng. Hơn nữa, bằng cử chỉ, lời nói khi anh Tính đến thăm, Sài đã thấm thía nỗi nhục nhã của kẻ ăn xin, ăn mượn. Anh đã tự nhủ lòng mình: Cái thế còn chạy vạy được, phải cố. Nhờ vả ngừơi khác để mang nợ biết bao giờ trả được. Dù họ cho không thì cũng có cách họ bắt mình phải trả. Không trả được, suốt đời phải chịu ơn và mang tiếng xấu.
Anh đã từng lên án những người ở quê nhưng chính anh lại giống họ: Rất khó thay đổi, nhưng khi đã thay đổi thị chạy luôn từ cực này sang cực khác. Để không phải nhờ vả ai, anh đã giấu vợ mua chục cân phiếu gạo và dự trù trả tiền ăn ở bất cứ nhà ai nếu đến ăn cơm nhà họ. Đến khi vợ bảo mang dăm cân gạo đi anh đã nói xẵng:
– Mang củi về rừng để làm gì?
– Cứ mang theo, ở nhà quê đang túng.
– Dù có chết đói ngay ngày mai cũng không ai người ta làm thế.
Đúng là nhà quê đang đói. Mỗi ngày gia đình phong lưu nhất mới giữ được ngày hai bữa: bữa sáng rong riềng non tèo tẽo và bữa chiều cháo nấu lẫn với su hào, bắp cải, rau cải và khoai lang. Những gia đình khác thực ra chỉ có một trong hai bữa như thế nhưng họ chia đôi để cũng có hai bữa ăn trong ngày.
Đang vất vả chạy ăn vợ chồng Tính cũng đã chuẩn bị được đôi gà hai chục trứng, mươi cân gạo quê. Vợ giục giã mang cho em từ mươi lăm ngày trước, Tính vẫn chần chừ chưa tìm ra lý do để giải thích tại sao lại chậm trễ. May quá, bố con Sài về. Nghe em kể sơ qua mọi chuyện anh cười dễ dãi:
– Được rồi, anh chị đã chuẩn bị các thứ cho Châu, Sài chịu khó ngồi xe máy cháu nó lai lên rồi lại lai về.
Không hiểu tại sao anh đã trở lại tình yêu thương mình như hồi chưa lấy Châu. Song, vẫn thấy chờn chợn, Sài gạt đi:
– Thôi ở nhà mọi thứ có đủ cả rồi.
– Chuyện! Đây là trách nhiệm của anh chị, chả nhẽ nhà mình không có ai.
Để rồi em lại nghe những lời ca thán vì chú mà tôi kiệt quệ, con cái nheo nhóc!
Vợ Tính thấy hai anh em im lặng vẻ khó khăn, chị lấy hai ngón tay gon cốt trầu ở hai khoé môi lại, nói. Bao giờ chị nói cũng đơn giản nhưng không thể phản đối:
– Đừng ngại chú ạ. Anh chị không như ngừơi khác giúp ai một tý bằng cái móng tay, ngồi kể công hết năm này, tháng khác. Chị vẫn bảo anh chú, sức mình lo được cho em đến đâu cũng không tiếc.
Không lo được nó cũng không bắt vạ mình. Tôi không đồng ý với bố nó khi bốc đồng lên thì chả tiếc gì nhưng có lúc lại đi nhắc lại chuyện cũ. Như thế, có khác gì mình đòi nợ. Tôi xin bố nó và chú từ nay anh em nhà mình có gì không nên không phải bảo nhau, còn đồng tiền bát gạo xong đâu bỏ đấy, không khi nào được đả động đến như kiểu anh chị em con cháu nhà khác.
Cả hai anh em đều sượng sùng. May có cu Thuỳ hớt hải chạy về mách bố: ”Anh gì, nhà bác gì lại bảo bố Thuỳ không phải tên là Sài bố ạ“.
Những ngày ở quê hoàn toàn khác hẳn với sự chuẩn bị của anh. Ai cũng quý mến vồ vập. Những ngừơi mà cả mấy chục năm nay hoạ hoằn mới về quê dù đi xe đạp, xe máy hay đi bộ anh cũng không tường mặt ai, không nghe rõ tiếng một người nào, anh chỉ lướt qua sự cặm cụi lam lũ của họ ở hai bên đường. Bây giờ gặp ai cũng là họ hàng thân thiết: Độ này thím ấy có khoẻ không? Sao cậu không đưa mợ và cháu bé về. Giời ơi dạo này trông em chị rạc đi như một ông lão, chị không nhận ra cứ tưởng lão hàng tre ở chợ Bái.
Anh trai không biết em đâu. Em là Được con gái đầu của cô Thơ em ruột cụ đồ nhà mình đây mà. Eo ơi, trông anh già hơn cả anh Tính. Có nhẽ già như ông Hà chứ không ít. ở Hà Nội làm việc trí óc của người ta, không già lại thế nào. Ai cũng mời mọc, hẹn hò. Một cô bé chừng mười bảy tuổi rất xinh gái đứng lặng nhìn mọi ngừơi đang quây quần ríu rít quanh người Sài nói cười hơ hớ. Cuối cùng nó níu tay anh: ”Tối nay chú ra nhà cháu nhớ?“- ”Mày là con nhà ai?“. Mọi ngừơi cùng cười oà ra. Trời ơi, con nhà anh cả đấy.
Con bé cũng cười. Ngày thím sinh em Thuỳ cháu cũng ra nhà đấy thôi. Tất cả lại cười thú vị về sự nhầm lẫn không thể nào ngờ tới của ông chú ruột quý tử lại đãng trí đến thế. Thằng con vợ cũ được anh xin vào trường văn hoá quân đội cũng nghỉ mùa.Nó làm được mọi trò, mọi việc cho thằng em thoả chí thì thôi. Cu Thuỳ thích chơi với anh hơn là đi với bố, Sài dặn con: ”Không được rời em nửa bước nghe không“. Một lời của anh là một mệnh lệnh vô cùng thiêng liêng hệ trọng đối với nó. Anh tin là không bao giờ nó làm sai.
Chỉ cho con theo đến các gia đình quanh xóm, rồi để nó chơi với anh, Sài theo Tính đi hết họ hàng nội ngoại, các gia đình cán bộ cũ và mới, ở thôn nhà và các thôn khác. Ngày nào cũng đi. Mỗi nhà chỉ dăm mười phút, đi cả hàng tuần lễ vẫn chưa hết lượt. Bằng những cử chỉ rất chủ động, những lời nói xô bồ, phóng khoáng, gặp ai Sài cũng nói năng hoạt bát.
Già hay trẻ, lầm lì hay ngang ngược anh cũng làm thân ngay được. Đến nhà ai cũng được khen: Anh Sài vui tính đến thế. Người ấy đi đến đâu mà chả được quý mến. Ông em có vẻ hoạt bát nhanh nhẹn hơn ông anh. Người có học hành đi nhiều cũng có khác. Cái gì cũng biết, chuyện gì cũng nói được.
Hàng tuần lễ đến nhà nào cũng như về nhà mình. Hoặc là bạn bè của bố mẹ hoặc bạn của anh chị, hoặc họ hàng, cháu chắt, hoặc chả hề quen biết gì với anh nhưng ai cũng thành thật tốt bụng. Bà con mình tốt quá. Chịu thương chịu khó lam lũ cực nhọc quá. Cứ ở phố xá gặp và nghe không ít những kẻ đài các và giàu sang, kẻ du côn và trộm cắp, phe phẩy, ăn nói và tìm cách lẩn tránh trách nhiệm và nghĩa vụ với xã hội thì tưởng chủ nghĩa xã hội mất đến nơi rồi. Về đến quê, thấy yên tâm hẳn, tin ngay là chủ nghĩa xã hội còn, nhất định sẽ vượt qua được những thử thách quyết liệt để đi lên vững chắc.
Những người nông dân tốt bụng thế, chịu khó thế, bảo gì cũng nghe, ăn gì cũng được, mặc gì cũng xong, khổ mấy cũng chịu, khó bao nhiêu cũng làm. Nơi nào có gì làng này có đấy, có khi còn sớm sủa hơn các nơi khác. Nghĩa là từ tổ đổi công lên hợp tác thấp, hợp tác cao, từ xóm hợp nhất thành thôn rồi lên cấp cao toàn xã, rồi khoán trắng khoán đen đến năm ba khâu quản… Đủ tất tật mọi thứ, nhưng những con người tốt cực kỳ ấy tại sao mấy chục năm qua vẫn khổ sở đói khát chưa từng gặp bất cứ ở đâu. Không biết nó ở nguyên nhân cao xa nào?
Không biết. Nhưng bằng con mắt thường của người bình thường cũng đã nhận ra được khối điều. Hơn hai chục năm nay thay hàng chục ông chủ nhiệm và quản trị mà cái kẻng treo ở chỗ cổng nhà tổng Lợi ngày xưa làm hiệu lệnh đi làm cỏ và đi họp cho cả sáu đội sản xuất vẫn không thay và không chuyển nó đến chỗ trung tâm. Nó bằng non nửa thanh tà vẹt du kích phá đường lấy về từ cuối năm bốn chín. Vứt vạ vật mãi đến khi có tổ đổi công đem về treo lên làm kẻng.
Đến bây giờ nó đã bục ở giữa, phía dưới giập, phía trên rỉ hết lớp này tở ra lại đến lớp khác. Mỗi lần gõ vào nó chỉ cạch… ạch… ạc mà vẫn cứ đều đặn ngày năm lần phó chủ nhiệm phụ trách sản xuất sai con ra đánh kẻng giờ làm, giờ nghỉ, giờ họp. Và cái giờ giấc đi làm không biết ai quy định từ khi Sài mới đi bộ đội đến giờ vẫn đúng như thế. Bất chấp mùa nào. Bất chấp thứ hoa màu gì. Bất chấp thời tiết ra sao. Sáng bảy giờ đánh kẻng. Tám rưỡi đủ người. Chiều hai giờ đánh kẻng.
Ba rưỡi hoặc hơn mới í ới gọi nhau. Chiều nào Sài cũng lang thang đi khắp cánh đồng. Nhìn đến khoảng nào anh cũng phì cười. Nó vừa lộn xộn, tuỳ tiện vừa máy móc: Chỗ cao thì trồng lúa. Chỗ thấp trồng khoai lang, ở dưới đầm lầy thì có mương dẫn nước.Trên cánh đồng bãi rộng mênh mông trồng lúa thì không có lấy một cái rạch.
Cần nước thì phải chạy ngược chạy xuôi, mổ gà lợn lạy lục trên huyện, thuê trong, thuê ngoài các loại máy về bơm. Chỉ tính tiền công thì đã quá tiền thóc thu được. Đấy là chưa kể lợn gà và gạo, rượu, phải ”xân xiu“ ở các khoản khác. Công một lao động chính của các đội cấy lúa là nửa lạng thóc. Cũng là do đã ”bắn“ một số khoản sang chỗ khác mới được thế.
Còn ở phía bãi bồi sông dài gần mười ki-lô-mét chạy dọc phía ngoài xã, có chỗ rộng gần một ki-lô-mét, chỗ hẹp nhất cũng hơn năm trăm mét thôi thì đủ thứ tuỳ tiện. Xoan và xà cừ, phi lao và chuối, lạc đậu, vừng, ngô, lúa lốc, sắn và khoai lang, dong riềng và sắn dây, bí ngô và su su, dưa gang, dưa đỏ, dưa lê, dưa chuột, su hào thuốc lá, hành và mía.
Ngừơi ta bảo với Sài đấy là đất khoán. Mùa nào thức ấy, ai muốn trồng gì thì trồng rồi quy ra ngô nộp cho hợp tác. Sài nhìn thấy việc gì, nghe thấy chuyện gì, đến chỗ nào cũng thấy ngứa mắt, thấy bực bội, thấy ao ước, thèm khát một cung cách, một sự thay đổi. Nhưng góp ý với ai? Sẽ đi tới đâu? Đã bao nhiêu cơ quan, chuyên viên đến đây chắc họ cũng đã góp ý, chỉ thị, đã có hàng loạt những nghị quyết và biện pháp!
Người đi làm cũng như người ở nhà, người đi Tây cũng như người đi buôn, cũng quần loe áo chẽ, hon đa các loại, rađiô, cát sét các loại, đám cưới cũng đài loa. Có đám cũng có cả Micrôfôn, không cần dây để ”kính thưa hội hôn“… Nghĩa là cũng có những thứ tiên tiến, những con ngừơi mới mẻ, nhưng vì sao mấy chục năm qua vẩn luẩn quẩn, vẫn tù túng, vẫn không thoát khỏi đói nghèo. Có nên nhân danh một đứa con của làng xã, một người cộng sản phát biểu thẳng thắn những suy nghĩ của mình không???.
Đọc tiếp Thời xa vắng – Chương 45
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!