Thời xa vắng -full - Chương 45
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
82


Thời xa vắng -full


Chương 45


Tiến, bí thư huyện uỷ xuống xe định bước vào phòng, nghe tiếng gọi, anh quay lại. Ngớ ra vài giây nhìn ngừơi đang cười đi về phía mình:

– Ô anh Sài! Về khi nào? Chết chửa, độ này trông già quá, tôi không nhận ra nữa.

Không phải từ hôm cùng chú đến thăm Sài và nhìn vào tình cảm của ông, Tiến mới quý mến anh. Năm Sáu Ba Tiến là cậu học sinh lớp tám đến thăm chú trong dịp hè đã nghe chuyện học hành của Sài và mấy lần xuống bếp trung đoàn bộ lấy cơm của cậu đã tìm cách ”xem mặt“ anh. Hôm đến nhà, Tiến nhận ngay ra Sài nhưng phần đi cùng chú, phần biết Sài không để ý đến mình anh vẫn làm ra vẻ chưa quen. Kéo Sài vào phòng vừa pha nước, đưa thuốc mời anh Tiến vừa kể về cái kỷ niệm ấy.

Rồi đi Liên Xô học ngành cơ khí, rồi về nước được điều vào công tác ỏ một huyện thuộc khu Bốn, hai năm sau vào Đảng. Rồi trúng thường vụ. Đảng ủy làm trưởng trạm máy kéo sau được điều làm phó chủ tịch phụ trách nông nghiệp. Rồi trở lại Liên Xô, học nghiên cứu hai năm sau về công tác ở Bộ Nông nghiệp, sau đó được điều xuống tỉnh làm phó ty nông nghiệp Tiến đã ”khai lý lịch“ theo những câu hỏi ”sau đó“ của Sài.

– Anh về từ hôm nào? Sao hôm nay mới vào đây. Gần một tháng nay tôi phải nằm dưới xã cũng không gặp anh Tính. Mấy lần lên Hà Nội nhưng lần nào cũng cập rập, không sao vào anh được

Tiến báo văn phòng làm ”cái gì“ để anh tiếp khách. Sài từ chối vì anh đã chuẩn bị chiều nay hai bố con về Hà Nội.

– Xong! Anh cứ chuẩn bị đi. Sáng mai sáu giờ tôi qua đón anh. Cũng may tôi về Hà Nội ngày mai nếu không anh cũng chẳng tìm được tôi ở chỗ nào

Sau những ”thủ tục“ ấy Sài mới hỏi Tiến:

– Anh xuống Hạ Vị luôn không?

– Thú thực với anh hơn hai năm về đây mới xuống đó được ba lần.

– Anh thấy tình hình ở đây thế nào?

– Chính tôi cũng đang đau đầu về nó. Một vùng đồng đất màu mỡ nhất huyện mà lại nghèo đói, lạc hậu nhất. Hàng chục năm nay nó không có sản phẩm gì đóng góp cho Nhà nước ngoài mấy tấn lợn, dăm trăm con gà, vài chục tạ chuối tiêu, mươi lăm tạ đậu xanh, ít lạc, ít đậu nành… – với nó là to, nhưng chỉ đủ làm ”gia vị“ cho các cuộc liên hoan, có ra tấm ra món gì đâu. Ngoài các thứ đó ra năm nào huyện cũng phải cứu tế, phải bán hàng trăm tấn gạo mà đói vẫn hoàn đói.

– Nhưng nó lại vào loại xã trung bình khá của huyện?

– ấy nó khó thế đấy. Những ”thằng“ Dại, Thuần, ”thằng“ Bình Mễ sản lượng bao giờ cũng tăng, nộp và bán nghĩa vụ cho Nhà nước, năm nào cũng vượt đời sống nông dân cao vào loại nhất nhì trong tỉnh, nhưng nghĩa vụ quân sự không năm nào là không vất vả mà vẫn không đạt.

Dân công đắp đê, đào sông, đắp đập, làm đường những ”thằng“ ấy cũng thay nhau bét huyện. Nhiều lần Hạ Vị làm xong suất của mình rồi còn đi làm thuê cho các xã kia. Mấy năm gần đây, anh nào nhận phần các công trình đều gạ thuê Hạ Vị. Được cùng làm một khu với dân ”Phường thổ“ thì hoàn toàn yên tâm. Nghĩa vụ quân sự nó nhất. Nghĩa vụ dân công nó nhất.

Đóng góp tre, rào kẻ đê, làm trường cấp ba, bệnh viện, họp hành… cái gì nó cũng có. Cứ đi thi và làm tổng kết, báo cáo thì bao giờ nó cũng nhất. Chỉ mỗi tội đói. Kể ra mà huyện không bán cũng không chết. Nhưng ai nỡ nhẫn tâm. Thú thật với anh tôi đi chưa được nhiều nhưng những nơi tôi đã đến không thấy ở đâu đầu tắt mặt tối, lam lũ như làng anh. Có nhà hàng năm không biết đến hạt gạo, trừ ngày tết, lúc ốm đau. Gạo cứu tế họ toàn phải để phòng xa chứ đâu dám ăn.

– Theo anh thì do cái gì?

Ngẫm nghĩ một chút Tiến tiếp:

– Mấy năm nay tôi cũng đặt câu hỏi đó. Đến bây giờ vẫn chưa được kết luận chính thức ở thường vụ. Riêng tôi, nguyên nhân chủ yếu vẫn là đội ngũ cán bộ chủ chốt của xã. Nói đúng ra nếu chỉ có được một người chủ trì biết cách làm ăn và dám chịu trách nhiệm thì nó cũng khác đi.

– Chả nhẽ mấy chục năm nay cả xã không có được người nào như anh nói.

– Tôi không rõ lắm. Nhưng tôi tin là có. Có người như thế lại phải có người của cấp trên dám tin. Dám giao trách nhiệm, dám nhìn thẳng vào thực chất của xã. Không vì sĩ diện, không vì thành tích các mặt khác, dám phá bỏ một nề nếp, một thói quen, tìm ra một cung cách phù hợp nhất, đúng với nó nhất.

Tôi cho là khi ở xã có ngừơi như thế thì huyện lại không ủng hộ, hoặc không ưa, hoặc không nhìn ra, hoặc vì trăm thứ khác ràng buộc, người nọ nhìn người kia, cơ quan này sợ cơ quan khác, sợ không đúng quy cách của tỉnh. Khi huyện thèm một người như thế thì lại kiếm không ra. Những người kỳ cựu nhất của xã có kinh nghiệm, hiểu biết thì bản thân họ vốn ”tròn“ hoặc ”bị gọt tròn“ cho vừa huyện, vừa tỉnh.

– Tệ tham ô ăn cắp trong ban quản trị có là nguyên nhân chính khiến bà con làm được miếng nào bị ăn hết miếng ấy?

– Không, chuyện ấy có. Nhưng không phải là quyết định. Nó làm ra mười, cứ cho là nó đã ăn cắp bảy đi, thì người làm cũng còn được ba. Đằng này, không làm được cái gì mà lại ăn cắp, ăn chặn, mới khổ dân chúng. Nói thế không có nghĩa là mình dung túng bọn ăn cắp.

Trong hai năm qua tôi đã giải tán hai chi bộ vì tội đó. Mình có đủ công an, toà án, kỉêm sát, chính quyền, hàng chục cơ quan của huyện, có pháp lý, luật lệ, có nghiệp vụ, có quần chúng ủng hộ, đầy đủ sức mạnh để bóp chết cái tệ nạn ấy sợ gì. Khổ nỗi những nơi như ở Hạ Vị không có người để mà bấu víu, phất nó đứng dậy.

– Bí thư Hạ Vị tận tình tốt bụng và cũng mới mẻ đấy chứ.

– Anh ấy là ngừơi rất tốt. Nhưng thiếu ”cái đầu“ cũng không ra của được. Ngày xưa các cụ bảo ”một ngừơi lo bằng một kho người làm“.

– Huyện đầu tư cán bộ và ”vực“ nó.

– Đã làm nhiều rồi chứ. Nhưng dựng dậy xong mình về huyện nó lại ”ngã“. Với lại huyện đâu chỉ có một xã đẻ mà làm thay mọi việc.

Đã định gặp bí thư cốt để ”kêu“ hộ nỗi thống khổ của dân chúng Hạ Vị, nhưng không ngờ Tiến đã biết mọi chuyện ngóc ngách còn hơn mình. Thành ra Sài chỉ đóng vai ”tìm hiểu“. Hai người nói chuyện với nhau đến khi chánh văn phòng mời sang nhà khách ăn cơm, Tiến mới nhận ra mình vẫn mặc bộ quần áo lao động màu xanh, hằn trắng từng vệt mồ hôi muối. Anh bảo đợi cho anh dội qua mấy gầu nước nhưng vẫn không quên hỏi Sài:

– Anh thấy có cách gì gỡ cho ”thằng“ Hạ Vị?

Tiến ngồi xuống rót nước, cử chỉ như bảo Sài ”ta cứ bình tĩnh trao đổi với nhau đã“. Sài thận trọng:

– Bé đi học, lớn đi bộ đội, người ở quê cũng coi như người thiên hạ, tôi hiểu không thật chắc lắm. Chỉ có một điều tôi cứ tự hỏi và ước ao: Tại sao không chuyên canh một loại cây trồng nào đó vừa thích hợp với đồng đất, vừa có giá trị thu hoạch cao mà tôi tin là không thể nơi nào cũng cho năng suất cao bằng nó.

Tiến nhổm hẳn người vươn hai tay nắm lấy bàn tay Sài:

– Rồi. Rồi! Từ hôm đầu tiên về huyện đi qua Hạ Vị cho đến nay tôi vẫn phẫn uất về sự nham nhở trên cánh đồng của nó. Anh rời tay Sài ngồi xuống buồn rầu: – Chả nhẽ tôi lại xuống làm chủ nhiệm ở đây. Còn nói thì các anh cũ ở đây bảo là nói với nó nhiều rồi và cũng có làm rồi đấy.

Cả hai người đều còn băn khoăng về cái làng Hạ Vị khốn khổ, chánh văn phòng đi qua cửa, Tiến như giật mình đứng dậy:

– Có dịp nào tôi với anh bàn thêm. Ta quan tâm đến nó vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm.

Khi ăn cơm và uống nước Tiến mới có dịp hỏi thăm Châu và tình hình cháu thứ hai. Lúc anh ra về, Tiến gửi cho cháu hai hộp sữa và cho cu Thuỳ gói kẹo của người bạn vừa ở nước ngoài về. Buổi gặp này cùng với những ngày ở làng đã gây cho Sài một tâm trạng vừa gần gũi, yêu thương vừa day dứt bực bõ, với làng quê, nơi đã sinh và nuôi lớn mình. Vừa không thể nào dứt nó. Vừa thấy nó với mình tách biệt khó có thể chấp nhận.

Anh đạp xe về đến chợ Bái thì nghe tiếng gọi dù mấy năm không gặp nhau anh vẫn nhận ra tiếng Hương và anh trở nên luống cuống. Những thứ gì Hương gửi, anh Hiểu đều nói là của người này, người kia nhưng Sài đều biết đó là của ai.

Anh thầm cảm ơn Hương. Đã biết Hương không bao giờ thích màu mè khách sáo, anh vẫn múôn có dịp nào gặp để nói câu gì đó, không biết là sẽ nói gì, nhưng bằng mọi cách phải chứng tỏ để Hương biết là tất cả những thứ Hương gửi cho đều rất quý rất có tác dụng giúp Sài vượt qua những ngày rét buốt. Cả hai đều không biết nhau về quê. Hương đã ở nhà được hai ngày, cũng chưa đến được anh Tính. Hương đi về nhà mình để Sài dắt xe theo.

Đến đoạn vắng ngừơi, anh đi gần lại hỏi:

– Lấy tiền đâu mà sắm sửa cho anh lắm thứ thế.

Hương giãy nảy lên:

– Này này ông ơi, cẩn thận đấy. ở nhà đã ai biết chưa?

– Làm sao mà biết được kia chứ. Nhiều lúc em cứ lo quá không cần thiết.

– Không thể cứ tô tô như anh để mà tan nát hết à.

– Cẩn thận được như anh đã có mấy người!

– Phải cẩn thận lắm mới thế.

Sài hơi lặng đi. Hương biết mình lỡ lời nhưng cô không cần chữa lại. Về đến nhà cô bắt Sài kể đầu đuôi vì sao để đến nỗi tiều tuỵ như thế này.

– Mọi chuyện xảy ra ở gia đình anh chắc em biết!

– Chưa.

– Anh Hiểu, anh Tính không nói gì?

– Không bao giờ em đi hỏi như thế.

Quả là Hương không hề hỏi các anh ấy. Nhưng chuyện gì xảy ra ở nhà Sài , Hương đều biết cả. Cô muốn anh kể, vừa như là kiểm tra tình cảm của anh với vợ, vừa kiểm tra lòng thành thật đối với cô. Phần khác, cô muốn bắt anh làm một cuộc ”thú tội“ về những sai lầm do trước đây không nghe lời cô. Sài kể thành thật về mối quan hệ của vợ chồng anh. Hương thở dài khuyên anh đằng nào cũng lỡ, nên vì những đứa con mà nhường nhịn bỏ qua cho nhau. Sài bảo:

– Cũng phải thế thôi, bằng cách nào khác được.

Cô lại phải cố nén môt hơi thở dài rất buồn rầu. Và, đến lúc ra về, trong nhà chỉ có hai người Sài nắm lấy tay cô, cô giật phắt, mạt cau lại khó chịu.

– Anh rất buồn cười, không còn ra thế nào nữa

Có lẽ từ khi yêu Hương đến giờ, đây là lần đầu tiên Sài cảm thấy xấu hổi cho đến ba năm sau khi gặp lại Hương ở quê Sài vẫn thấy mình sượng sùng, không dám nhìn vào khuôn mặt cô đang nóng bừng bừng trong cái đêm trăng khuyết của ngày 26 ta.

Đọc tiếp Thời xa vắng – Chương 46

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN