Cát Bụi Giang Hồ - Chương 30: Nhà sư già của Thiếu Lâm
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
100


Cát Bụi Giang Hồ


Chương 30: Nhà sư già của Thiếu Lâm


Nhà sư già của Thiếu Lâm

Chỉ có lão Hòa thượng là vẫn nghiêm trang đến lạnh lùng, mắt của ông ta không một người nào dám nhìn ngay.

Ông ta ngó Thư Hương chầm chập và hỏi :

– Cô nương đến đây hồi trưa này?

Thư Hương đáp :

– Lúc đó mới vừa quá ngọ một chút thôi.

Lão Hòa thượng hỏi :

– Lúc đó trong nhà này có người không?

Thư Hương đáp :

– Có.

Lão Hòa thượng lại hỏi :

– Có phải những người này không?

Thư Hương lắc đầu :

– Không phải, tất cả đều bị cạo đầu làm Hòa thượng, Kim Râu cũng thế.

Bây giờ thì người áo gấm không còn dằn nổi nữa, ông ta bật cười :

– Tại hạ có là Hòa thượng hay không thì chư vị ở đây đã chứng minh.

Lão Hòa thượng nói :

– Nhưng không một ai dám chứng minh chuyện của một cô gái nhỏ tuổi nói ra.

Nếu cô nương nói thế thì những vị Hòa thượng đó bây giờ ở đâu?

Thư Hương đáp :

– Đã đi hết rồi.

lão Hòa thượng hỏi :

– Đi đâu?

Thư Hương đáp :

– Không biết.

Lão Hòa thượng hỏi :

– Họ đi rồi, nơi đây còn có những ai?

Thư Hương đáp :

– Không ai cả, không có một ai ở trong nhà này.

Nhiều người không dằn được, nhưng cũng không dám cười lớn, họ nhủi đầu vào vai nhau cười sục sục…

Lão Hòa thượng ngời ngời ánh mắt, ông ta nhìn quanh :

– Các vị từ trưa đến giờ đều ở đây cả chứ?

Một người lên tiếng :

– Ở đây, tất cả đều có mặt ở đây.

Lão Hòa thượng hỏi :

– Các vị đến đây từ bao giờ?

Nhiều người đáp :

– Từ hồi sáng sớm.

– Từ hồi chưa đến ngọ.

– Đến từ tối hôm qua.

Như vậy là họ đã đến đây lâu rồi, đến trước giờ mà Thư Hương và Lữ Ngọc Hồ đến đây và bằng vào cách nói đó, họ không hề đi đâu cả, họ vẫn ở sòng bạc đánh bài.

Lão Hòa thượng hỏi :

– Có vị nào đi khỏi nơi đây không?

Nhiều người tranh nhau đáp :

– Không, không có ai đi cả.

– Cũng có, nhưng tiểu giải rồi quay vào ngay.

Họ nói không ngoa, những con bạc mà đã nhập vào sáp phạt rồi, có đem đao kề nơi cổ họ, họ cũng không coi vào đâu.

Thư Hương giận đến xanh mặt, nàng nói lớn :

– Nói láo, rõ ràng từ trưa đến giờ, ngôi nhà này không có chuyện đánh bạc như vầy, cũng không có một ai, những người này không bao giờ có mặt ở đây.

Lão Hòa thượng lạnh lùng :

– Bảy tám mươi người ở đây nói láo, chỉ có một mình cô nương không nói láo?

Thư Hương nổi nóng :

– Tại làm sao tôi lại phải nói láo?

Lão Hòa thượng hỏi :

– Cô nương có biết vị Hòa thượng chết đó là ai không?

Thư Hương trả lời :

– Không biết.

Lão Hòa thượng gằn giọng :

– Ông ta là sư điệt của bần tăng, pháp hiệu là Vô Danh Đại Sư.

Người áo gấm kinh hãi :

– Có phải vị “Không Môn Đệ Nhất Hiệp Tăng” mà người ta thường gọi là “Đa Sự hòa thượng” của Thiếu Lâm không?

Lão Hòa thượng gật gật đầu :

– Đã là “Tăng” thì sao lại còn xưng là “Hiệp”, đó là chuyện đáng phiền…

Người mặc áo gấm vẫn trong bộ mặt kinh hoàng :

– Thế còn đại Hòa thượng đây…

Lão Hòa thượng đáp :

– Bần tăng là Vô Sắc, từ Thiếu Lâm đến.

Nghe đến danh hiệu của nhà sư này, không khí trong sòng bạc bỗng thay đổi một cách quá nhanh.

Bây giờ chẳng những không còn có tiếng cười, dầu đó là tiếng cười nho nhỏ, cũng không còn có nghe ai nói và cơ hồ cũng không ai dám thở mạnh nữa, làm như tất cả đều nín hơi lại.

Bất cứ có phải là người trong võ lâm hay không, đối với vị hộ pháp của Thiếu Lâm, tất cả đều biết rõ.

Thư Hương vốn giận lắm, vừa giận vừa tức uất đến run cả người nhưng bây giờ thì nàng cũng bình tĩnh rồi.

Bằng chỉ một thoáng chốc, nàng cảm nghe như một chuyện… một chuyện mà hậu quả không phải chỉ giới hạn ở trong bao nhiêu người ở đây, chuyện quá lớn lao đến nỗi bất cứ ai cũng phải nổi óc rùng mình…

Là sòng bạc cũng được, là chùa chiền gì cũng được, có tên Kim Râu hay không có tên Kim Râu trên đời này cũng không sao, nhưng chuyện giết chết cao đồ Thiếu Lâm, người mà giang hồ tôn kính là một “Hiệp Tăng” thì quả là chuyện kinh thiên động địa.

Và đến bây giờ thì Thư Hương mới thấy rằng tất cả những chuyện xem như thần thoại này đều do bởi một âm mưu, một âm mưu được bố trí kỹ càng, một âm mưu đáng sợ.

Một âm mưu không chỉ dễ sợ không thôi, mà âm mưu đó còn làm cho người mất mạng một cách rất dễ dàng.

Lữ Ngọc Hồ và nàng đều được lừa vào bẫy rập, một bẫy rập mà chắc chắn rằng nàng, và cả Lữ Ngọc Hồ nữa, chẳng tài nào thoát nổi.

Bây giờ thì nàng mới thấy rõ, mới ý thức được một khi người ta muốn vu oan, thì quả là chuyện không phải dễ dàng gở nổi, không thể nói cho người tin được rằng mình không có nhúng tay vào vụ án.

Mỗi con mắt đều nhắm vào người nàng, nhưng cái nhìn bây giờ của họ rất khác xa khi nảy.

Khi nảy, họ còn cười, họ thấy nàng có lẽ thuộc loại khật khờ khật khường, nói bậy nói bạ đến tức cười.

Nhưng bây giờ thì họ nhìn nàng bằng cặp mắt khác hơn, họ nhìn nàng y như…

thấy quỷ.

Nhiều tiếng xầm xì :

– Tại làm sao lại phải nói láo như thế?

– Tại làm sao lại đặt ra một chuyện huyền hoặc như thế?

– Nói như thế làm sao người ta tin được?

– Tự nhiên là phải kiếm cách nói quanh chứ, ai lại dám nhận là mình đã giết một cao tăng?

Thư Hương nghiến răng :

– Ta với các ngươi không thù không oán, tại làm sao các người lại tìm cách hại ta như thế chứ?

Người mặc áo gấm nhún nhún vai, hắn nhìn nàng bằng đôi mắt ác cảm và hắn lùi dần.

Tất cả những người khác cũng dang ra xa, họ coi nàng như có mang theo một thứ bịnh truyền nhiểm ghế gớm lắm…

Thư Hương trừng trừng mắt và nàng vụt chạy theo níu áo một người, giọng nàng khẩn khoản :

– Tôi biết ông là một người tốt, tại sao ông không nói dùm một tiếng, tại sao ông không thừa nhận rằng từ trưa đến giờ ông không có mặt nơi đây, nơi đây không có một người nào?

Da mặt người đó vùng trắng bết, hắn nói :

– Ta không có ở đây? Tôi không có ở đây mà tôi đã thua trên năm trăm lượng bạc được à?

Thư Hương giận run, nàng vung tay tát mạnh vào mặt hắn.

Người ấy xoa mặt, đã không tức và giận dữ mà cũng không thèm để ý…

Lão Hòa thượng hình như đã cố gắng hết sức, ông ta nhắm mắt lại lần chuỗi hột như cầu độ cho Vô Danh đại sư mà như cũng đang cầu độ cho hung thủ.

Tự nhiên là ông ta đâu có gì phải gấp.

Thư Hương và Lữ Ngọc Hồ y như hai hột cát trong tay.

Như không chịu nổi, Thư Hương vươn mình lên la lớn :

– Tôi đối với ông ta không ta oán không thù, cũng chưa từng biết mặt thì lý do gì tôi lại giết ông ta?

Vô Sắc đại sư trầm ngâm thật lâu như không muốn nói, nhưng cuối cùng vẫn nói :

– Cứ nghe nói thì Vô Danh đã nhập Sơn Lưu.

“Sơn Lưu”? Sao lại gọi là “Sơn Lưu”?

Thư Hương hỏi :

– Vì ông ta nhập Sơn Lưu nên tôi giết ông ta à?

Vô Sắc đại sư nói :

– Muốn giết ông ta không phải chỉ có các ngươi, khi đã nhập Sơn Lưu, chẳng khác nào vào địa ngục.

Thư Hương nhảy dựng lên la lớn :

– Đúng là lời quỷ quái, cả “Sơn Lưu” tôi còn không biết là cái giống gì thì làm gì lại có chuyện vì thế mà giết ông ta chớ?

Vô Sắc đại sư trầm giọng :

– Trước mặt bần tăng không ai được vô lễ như thế.

Thư Hương vẫn lớn tiếng :

– Ông vô lý hay tôi vô lý? Giả như tôi có muốn giết ông ta, tôi làm sao có được bản lãnh như thế chứ?

Cứ đứng làm thinh không hề hé môi, bây giờ Lữ Ngọc Hồ mới lên tiếng :

– Vô ích.

Thư Hương hỏi :

– Sao mà vô ích?

Lữ Ngọc Hồ nói :

– Bây giờ bất luận nói gì cũng đều vô ích.

Thư Hương trố mắt :

– Nhưng… nhưng tôi…

Lữ Ngọc Hồ chận nói :

– Cô tuy không có bản lãnh giết nổi ông ta nhưng tôi thì có thể…

Thư Hương gắt :

– Nhưng anh đâu giết lão ta.

Lữ Ngọc Hồ hỏi :

– Ngoài cô ra, có ai chứng minh rằng tôi không giết ông ta?

Thư Hương khựng lại.

Và Lữ Ngọc Hồ vụt bật cười :

– Trong mình của Lữ Ngọc Hồ này đã có hàng trăm vết thương rồi, sợ gì thêm một vài vết thương nữa?

Vô Sắc đại sư trầm giọng :

– Bần tăng cũng đã từng nghe danh Lữ thí chủ là bậc hào kiệt.

Lữ Ngọc Hồ cười lớn :

– Đúng, hảo hán làm, hảo hán chịu, nếu ông cứ quả quyết rằng tôi đã giết Vô Danh đại sư thì tôi nhận là có giết đó.

Vô Sắc đại sư gật đầu :

– Tốt, đã thế, vậy xin mời thí chủ cùng với bần tăng đến Thiếu Lâm tự bây giờ.

Lữ Ngọc Hồ nói :

– Đi thì đi, đừng nói Thiếu Lâm tự mà cho dầu đi vào núi kiếm rừng đao, họ Lữ này cũng không biết chuyện từ chối.

Thư Hương vụt kéo tay áo Lữ Ngọc Hồ :

– Anh… làm sao lại đi theo họ?

Lữ Ngọc Hồ cười :

– Tùy họ muốn gì cũng được.

Thư Hương trừng mắt :

– Nhưng rồi họ sẽ giết anh.

Lữ Ngọc Hồ nói :

– Cái mạng của tôi thật ra thì cũng chỉ là kiếm lại được trong nhiều cái chết mà thôi.

Thư Hương nói :

– Cho dầu như thế, kiếm lại được cũng bằng xương bằng máu, đâu có thể giao cho họ một cách bất minh như thế chớ.

Người trung niên tăng nhân có tướng mạo uy nghiêm vụt nói :

– Cô nương đừng quên rằng sát nhân là thường mạng, không phải lẽ trời mà còn là vương pháp.

Thư Hương trừng mắt :

– Cũng đừng quên rằng ông là kẻ xuất gia, tại sao mở miệng ra là nói toàn chuyện giết người như thế? “Kẻ trong không môn không phải là người tùy tiện sát nhân”, chẳng lẽ sư phụ lại không dạy ông điều đó hay sao?

Người tăng nhân trung niên quắt mắt :

– Cô nương hãy nhẹ lời.

Thư Hương nói :

– Bình sanh tôi không dám nặng lời với ai hết nhưng các ông phải biết kẻ xấu người tốt chớ đâu có hồ đồ như vậy.

Người tăng nhân trung niên trầm giọng :

– Kẻ xuất gia ăn nói không lanh lợi, nhưng…

Lão Hòa thượng quay lại gật gật đầu :

– Hay lắm, bao nhiêu năm tu hành, tại sao để vướng lời ăn tiếng nói như thế?

Người trung niên tăng nhân lật đật chấp tay :

– Đệ tử không dám!

Cho đến bây giờ người ta thấy hai chuyện đáng nói. Thứ nhất Thiếu Lâm tự giới luật uy nghiêm, nhưng nhất định không bằng lòng cho bất cứ ai khinh thị. Thứ hai, Lữ Ngọc Hồ quả là kẻ cứng đầu.

Thế nhưng cuộc diện này sẽ đi đến nơi đâu, điều đó không có ai dám nghĩ.

Vô Sắc đại sư trầm giọng :

– Chính vì thế bần tăng không muốn võng khai sát giới, cho nên mới thỉnh Lữ thí chủ đến Thiếu Lâm.

Thư Hương hỏi :

– Đến Thiếu Lâm để làm gì?

Vô Sắc đại sư đáp :

– Dùng môn qui mà xử trị.

Thư Hương nói :

– Hắn đâu phải là người của Thiếu Lâm, không phải người của Thiếu Lâm thì tại sao lại phải dùng môn qui xử trị?

Vô Sắc đại sư đáp :

– Lữ thí chủ đã giết người của bản môn, tự nhiên phải theo pháp trị của bản môn.

Thư Hương hét lớn :

– Ai thấy hắn giết Hòa thượng Thiếu Lâm?

Vô Sắc đại sư đáp :

– Sự thực như thế còn phải thấy hay không?

Thư Hương bây giờ thì đã nổi tánh ngạo mạn cố hữu, đừng nói cao tăng Thiếu Lâm mà cho dầu là ông trời, nàng cũng không còn kiêng nể, nàng nhìn thẳng vào nhà sư và cười lạt :

– Như thế nào gọi là sự thực? Ai là người thấy hắn giết Vô Danh đại sư? Ai có thể chứng minh rằng hắn hạ thủ?

Vô Sắc đại sư đáp :

– Bởi vì chỉ có các ngươi mới có cơ hội hạ thủ…

Thư Hương gặn lại :

– Tại sao?

Vô Sắc đại sư đáp :

– Bởi vì lúc đó chỉ có hai người cùng ở chung phòng với ông ta.

Thư Hương hỏi :

– Lúc đó ông ở đâu?

Vô Sắc đại sư đáp :

– Đang trên đường đi.

Thư Hương cười gằn :

– Đang trên đường thì làm sao ông lại biết chuyện ở đây? Tại làm sao ông có thể biết rằng gian nhà này không có người nào nữa?

Vô Sắc đại sư hơi lộ sắc giận dữ :

– Cô nương không được cưỡng từ đoạt lý.

Thư Hương lắc đầu :

– Chính lão Hòa thượng mới là người cưỡng từ đoạt lý chớ không phải là tôi.

Vô Sắc đại sư trầm giọng :

– Giỏi cho tiểu phụ nhân lẻo mép, bần tăng tuy không giỏi nói, nhưng Hàng Ma thủ pháp không thể không dùng.

Cơn giận dữ quả đã đến rồi, nhà sư già Thiếu Lâm vì thế mới bảo rằng lời nói của ông ta chẳng phải là điều cấm kỵ, vậy mà chẳng ngờ vừa rồi ông ta đã cấm người đệ tử không được nói.

Vị tăng nhân trung niên bị rầy khi nãy đang chấp tay cúi mặt làm như không nghe Vô Sắc đại sư nói câu vừa rồi.

Cũng có thể đó là tự nhiên, “người lớn” khác hơn “người nhỏ”.

Cũng có thể đó là tự nhiên từ ngàn xưa “lưu truyền” cho con cháu, vì thế cho nên không một ai dám phàn nàn.

Không ai dám, nhưng Thư Hương thì dám, nàng cười lạt nói :

– Như vậy lão Hòa thượng thì có quyền vọng động, còn tiểu Hòa thượng thì bị cấm?

Vô Sắc đại sư trừng mắt :

– Câm miệng, nếu kẻ nào vô lễ, đừng trách bần tăng sao quá nặng tay.

Thư Hương nhướng mắt :

– Sao? Bây giờ không nói nữa? Bây giờ tính chuyện tay chân phải không?

Nàng quay lại vỗ vỗ Lữ Ngọc Hồ :

– Lão không muốn nói, lão muốn chơi bằng tay đó, anh có nghe không?

Lữ Ngọc Hồ đáp :

– Nghe.

Thư Hương hỏi :

– Anh có sợ không?

Lữ Ngọc Hồ cười :

– Tôi là con người chỉ biết nói chuyện bằng tay chân, không biết nói bằng miệng.

Thư Hương vỗ tay :

– Đúng rồi, hảo hắn không sợ bị đánh vỡ đầu, tôi sợ ngươi nhát gan, nếu không hảo hán sẽ chỉ là củi mục.

Lữ Ngọc Hồ gật đầu :

– Tôi nghe theo cô.

Hắn vừa nói xong câu thì thân hình hắn đã nhoáng lên.

Hắn không tấn công Vô Sắc đại sư mà lại nhắm vào người tăng nhân trung niên bên cạnh…

Hắn tấn công thật chậm.

Tay phải hắn vung lên, hắn hơi ngưng lại rồi mới đưa thẳng tới.

Một người mới học võ công cũng có thể đở cú đánh đó dễ dàng.

Và tăng nhân trung niên không phải người mới học võ, mà là một cao thủ đã nhiều năm tu luyện võ công.

(Mất 2 trang, quyển 3 trang 490-491.)

đánh” đó gọi là công phu “chịu”, chẳng những chịu được nắm tay mà còn phải chịu được đao.

Câu nói đó có chứng minh.

Không phải chứng minh bằng lời công nhận của người khác, mà chứng minh bằng thân hình của hắn.

Trong mình hắn có hàng trăm vết đao.

Thư Hương cười :

– Đúng, ông ta đánh anh một quyền, anh đánh lại một quyền, như vậy coi như huề, chỉ tại vì ông ta không có… công phu “chịu” thì ông ta ráng… chịu.

Lữ Ngọc Hồ đáp :

– Minh bạch đó là công bình, giải thích như vậy là xác đáng.

Da mặt của Vô Sắc đại sư xám xanh, ông ta bước tới cười lạt :

– Tốt lắm, bần tăng cần xem thử coi thí chủ chịu giỏi đến mực nào.

Lữ Ngọc Hồ nhướng mắt :

– Sao? Đại sư cũng ra tay nữa sao?

Thư Hương cau mặt…

Như vậy không thể nói Lữ Ngọc Hồ chỉ biết đánh, chỉ biết liều mà không biết gì hơn nữa. Không, không phải thế.

Cách tấn công của hắn đã nói lên rằng hắn biết lễ nghĩa.

Không phải biết nói suông bằng lời, hắn còn biết lễ trong hành động.

Bằng vào tuổi tác và danh vọng, hắn đã nhượng Vô Sắc đại sư là bật trưởng thượng, hắn tự đặt mình ngang hàng với đệ tử của ông ta, sự nhân nhượng đó chứng tỏ sự tấn công của hắn.

Hắn nhắm vào nhà sư trung niên đệ tử của Vô Sắc đại sư chứ hắn không nhắm ông ta. Và sau khi tấn công hắn lui lại.

Sự nhân nhượng đó càng bộc lộ qua câu hỏi: “Đại sư cũng ra tay nữa sao”?

Nó có nghĩa là “đây không phải là chỗ của ông”, nó có nghĩa rõ ràng qua tiếng “cũng”.

Một sự nhân nhượng bằng ý chớ không phải bằng lời.

Hắn không dài dòng: “Không dám, tiền bối là bật trưởng thượng, vãn sinh không dám mạo phạm” hay là “mạt học dám xin tiền bối nương cho”…

Không, hắn nhân nhượng bằng ý của hắn, có nghĩa là nếu Đại sư “cũng” ra tay thì tại hạ không từ chối.

Vô Sắc đại sư trầm giọng :

– Hãy ra chiêu.

Lữ Ngọc Hồ gật đầu :

– Tốt!

Nắm tay hắn đưa ra một lượt với tiếng nói và cũng y như lần trước, chẳng những hướng nhắm cũng vậy mà tốc độ cũng vậy.

Hình như đây là một lối đặc biệt của Lữ Ngọc Hồ.

Hắn đánh thật chậm chạp.

Vô Sắc đại sư hạ mình xuống, lại cũng y như thế nữa.

Cũng “Hàng Ma Phục Hổ Quyền”, cũng nhắm ngay bụng của đối phương.

Nhưng cao thủ không phải hơn nhau ở chiêu thế, họ hơn nhau về nghị lực và hơn nhau về biến chiêu.

Vô Sắc đại sư không biến chiêu, vì ông ta mới đánh chiêu đầu.

Ông ta cũng thấy lối đánh của Lữ Ngọc Hồ và ai cũng như ông ta, nhất định không biến chiêu vì ông ta đã quyết xem cái “chịu” của hắn.

Như vậy là ông ta sử dụng nội lực.

Người ta đã nghe nói về nội lực của vị cao tăng Thiếu Lâm này.

Người ta cũng đã thấy. Nhưng người có mặt ở đây cũng đã thấy, họ thấy khi ông ta phát nội lực đầu tiên khi ông ta ra mặt, nội lực đó thể hiện bởi mấy tiếng nói đầu.

Người nào biết võ là biết ngay.

Bằng với nội lực đó, ông ta có thể đánh tan một khối đá.

Bằng với nội lực đó, hai người của Lữ Ngọc Hồ đứng kẹp vào nhau cũng đều phải gập làm đôi, nếu quả hắn “chịu” như vừa rồi…
Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN