Ác Thủ Tiểu Tử - Chương 17: Huyết án xưa bức màn hé mở
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
126


Ác Thủ Tiểu Tử


Chương 17: Huyết án xưa bức màn hé mở


Quần hùng toàn trường bấy giờ đã nhận ra nét kinh ngạc thất sắc trên mặt Chu Mộng Châu, tự nhiên ai cũng nghĩ thanh kiếm trên tay chàng đúng là thanh “Bích Long Kiếm Lệnh”.

Nhưng có một điều khiến người suy nghĩ tinh tế hơn thì nhận ra một điều mâu thuẫn, lẽ nào Chu Mộng Châu giữ thanh kiếm lệnh trong người mà lại không biết chút gì về nó?

Bấy giờ đã có nhiều người la lên hỏi:

– Đúng là kiếm lệnh ư?

– Có pho Bích Long kiếm phổ chứ?

Bao nhiêu cặp mắt đổ dồn vào thanh kiếm trong tay Chu Mộng Châu, ai nấy đều ngạc nhiên xen lẫn kinh động. Nhưng trong đó người có thể nói là kinh động nhất vẫn là Quy Hồn Bảo chủ Đằng Thận. Vì lão không thể ngờ rằng thanh kiếm lệnh lại nằm trên người Chu Mộng Châu.

Lúc này Chu Mộng Châu đã thuận tay vặn đốc kiếm ra, quả nhiên chuôi kiếm rỗng không, bên trong chứa một cuộn gì tròn tròn, chàng liền kéo nó ra. Chỉ thấy đó là một bó như con gì trơn nhẫn màu xanh rêu như đã có từ hằng trăm năm về trước.

– Ồ!

Nhiều người không kìm được kích động, đã reo ầm lên:

– Đúng là “Bích Long Kiếm Lệnh”!

– Đúng là thanh kiếm lệnh!

– Phải buộc tên tiểu tử nói ra hết sự thật!

Đến năm nhân vật đứng đầu ngũ kiếm phái cũng kinh hãi, qua một lúc sững sờ, bấy giờ Hư Không đạo nhân mới la lên:

– Rõ ràng là thanh “Bích Long Kiếm Lệnh”, ngươi phải nói cho rõ chuyện này mới được!

Phiêu Phong đạo trưởng ôn tồn hơn, giữ bình tĩnh nói:

– Thanh kiếm trên tay Chu thiếu hiệp đúng là thanh “Bích Long Kiếm Lệnh”. Pho kiếm phổ được ghi tải lại trên một tấm da giao long màu xanh rêu, cho nên mới được mệnh danh là “Bích Long”, ngoài ra lão đạo thường nghe nói chiêu thức của pho kiếm phổ đều mang chữ “Long”, thế kiếm dựa theo “Long trượng”, lúc ẩn lúc hiện, biến hóa khôn lường mà thành chiêu.

Chu Mộng Châu sau phút sững người, giờ đã thâu kiếm lại trong bọc vải, chàng hôm nay không ngờ lại biết quá nhiều điều như vậy. Nhưng hiện tại trước mắt là làm sao đối phó được với tình thế này.

Bấy giờ còn trầm ngâm suy nghĩ chưa có chủ ý.

Thái Bạch Chân Nhân Trần Bất Nhiễm lên tiếng:

– Huyết án mười tám năm trước của Thiên Hạ Đệ Nhất Kiếm nay đã hé lộ ít nhiều chân tướng, tuy chưa thật sự được đưa ra ánh sáng công đạo, nhưng Chu thiếu hiệp là người chịu hết trọng trách và giải quyết huyết án, chúng ta tạm thời không nói. Có điều …

Lão dừng lại chỉ tay vào thanh “Bích Long Kiếm Lệnh” trong tay Chu Mộng Châu nói tiếp:

– Thanh kiếm lệnh này là thuộc về toàn võ lâm, chỉ trao cho người đoạt danh hiệu Thiên Hạ Đệ Nhất Kiếm chấp thủ, vậy thiếu hiệp cần phải trao nó lại cho võ lâm!

Hư Không đạo nhân gật đầu họa vào ngay:

– Đúng! Đúng! Phải trao lại cho toàn võ lâm quyết định!

Chu Mộng Châu nghe câu này không khỏi tức giận, rõ ràng nó là vật riêng của chàng được trung niên nữ ni kia trao tặng, sao có thể gọi là bảo vật của toàn bộ võ lâm. Vả lại chàng là hậu nhân của vị tiền chấp Thiên Hạ Đệ Nhất Kiếm thì chuyện chàng giữ thanh kiếm lệnh cũng không phải là chuyện không thể.

Nghĩ vậy chàng nói:

– Tại hạ thân phận là hậu nhân của Thiên Hạ Đệ Nhất Kiếm, há cũng không đủ tư cách giữ thanh kiếm lệnh này sao? Vả lại, đại hội Thập niên luận kiếm chưa tổ chức để chọn người kế nhậm, vậy thì trao cho ai giữ bây giờ?

Bị hỏi vặn một câu đầy lý lẽ, cả năm vị đứng đầu ngũ kiếm phái nhất thời không đáp được, bởi vì kiếm thì một mà người dụng kiếm thì nhiều, thử hỏi ai chịu nhường cho ai chấp chưởng kiếm lệnh?

Bấy giờ người này nhìn người kia như dò xét lẫn nhau, chưa ai nói được một câu nào.

Mọi người thấy câu nói của Chu Mộng Châu là hoàn toàn có lý, vị tiền chấp chức vị Thiên Hạ Đệ Nhất Kiếm thất tích. Tuy rằng hậu nhân không được quyền kế nhiệm chấp chưởng, nhưng thử hỏi trong thời gian chưa chọn được người kế nhiệm thì ai nhường cho ai chấp chưởng “Bích Long Kiếm Lệnh” và chức vị Thiên Hạ Đệ Nhất Kiếm?

Cuối cùng thì Liễu Nguyên Sư Thái cũng lên tiếng đề nghị:

– Chuyện đã thế này, chúng ta tạm thời để kiếm lệnh cho Chu thiếu hiệp chấp chưởng, thế nhưng hiện tại cần bàn nghị quyết định tổ chức một lần Thập niên luận kiếm, để chọn ra người tài tuyệt, người đó mới đích thực kế nhiệm chức Thiên Hạ Đệ Nhất Kiếm và có quyền giữ thanh “Bích Long Kiếm Lệnh”. Không biết ý các vị thế nào?

Đây đó trong quần hùng đã thấy nhiều lời xầm xì bàn tán, nhưng liền thấy Phó bảo chủ Quy Hồn Bảo là Khang Điền lên tiếng:

– Ngũ kiếm phái xưa nay vẫn được xưng là danh môn kiếm phái uy tín hơn người, tại hạ nhận thấy tốt nhất chọn ra một tiểu ban tổ chức đại hội “Thập niên luận kiếm”, vì chính tiểu ban này có quyền giữ thanh “Bích Long Kiếm Lệnh” cho đến khi đại hội thành công, chọn ra được người kế nhậm chấp chưởng Thiên Hạ Đệ Nhất Kiếm.

Hư Không đạo nhân liền lên tiếng họa theo:

– Đúng! Đúng! Lão đạo đồng ý với ý kiến của Phó bảo chủ!

Liễu Nguyên Sư Thái và cả Phiêu Phong đạo trưởng đưa mắt nhìn Chu Mộng Châu vẻ dè dặt như dò hỏi.

Chu Mộng Châu nhận thấy chuyện ngày hôm nay đa phần là có sắp đặt, mà chủ yếu là do một tay Quy Hồn Bảo chủ. Bên trong còn có người nào nữa thì không biết được.

Chuyện liên quan đến toàn thể võ lâm thế nào thì chưa nói, nhưng bản thân chàng thì chuyện chẳng những vừa liên quan đến huyết án của phụ thân mà còn liên quan hệ trọng đến ân sư, cho nên chàng không thể xử sự sơ xuất được. Khi ấy sau một hồi ngẫm nghĩ, chàng nói:

– Nếu quý vị hôm nay tín nhiệm một cao nhân nào đủ tư cách để giữ thanh “Bích Long Kiếm Lệnh” thì tại hạ tất sẽ hai tay dâng trao cho vị ấy. Thế nhưng tại hạ cũng cần có một điều kiện …

Nói đến đó chàng cố dừng lại, đưa mắt quét nhìn toàn trường, hẳn là hôm nay chàng đơn thân độc mã phó hội quần hùng, không thể không tính toán kỹ lưỡng.

Liền thấy Hư Không đạo nhân lên tiếng:

– Điều kiện gì?

Chu Mộng Châu đanh giọng khẳng khái nói:

– Nội trong ba mươi chiêu, người đó phải thắng tại hạ!

Một câu này buông ra khiến toàn trường vừa chấn động vừa phẫn nộ, rõ ràng câu nói đầy tự tin và ngông cuồng khiến quần hùng không khỏi giật mình. Bởi vì ít nhiều thì ai cũng đã biết những chuyện thời gian vừa qua Chu Mộng Châu đã gây ra trên võ lâm. Nhưng đồng thời phẫn nộ vì câu nói đầy cuồng ngạo, tự nhiên hàm ý thách đấu với người được coi là cao thủ nhất ở đây rồi vậy!

Đừng nói gì đến những người không có hảo cảm với chàng, mà ngay cả những người đầy thiện ý như Liễu Nguyên Sư Thái và Phiêu Phong đạo trưởng, nghe một câu này cũng giật mình kinh ngạc.

Bọn họ thật không ngờ Chu Mộng Châu lại cuồng ngạo như vậy, nhưng bản thân chàng đã tự tuyên bố như vậy thì người khác còn có thể nói được điều gì? Khi ấy chỉ thấy không khí trầm lắng xuống, mỗi người đeo đuổi theo một dòng suy nghĩ riêng của mình.

Phó bảo chủ Khang Điền lóe nhanh trong đầu một suy nghĩ, chớp lấy cơ hội nói ngay:

– Ý kiến của Chu thiếu hiệp quả rất tuyệt, chúng ta lẽ nào không thành toàn cho một nhân vật trẻ tuổi hậu khởi?

Ngay lúc gã vừa nói xong, thì một người cao lớn, râu ria xồm xoàm vụt đứng lên, chỉ tay vào Chu Mộng Châu nói giọng cộc cằn:

– Tiểu tử ngông cuồng, cho nó biết lợi hại của các bậc tiền bối!

– Đúng! Đúng!

Tiếp đó liền có nhiều tiếng hò reo, hiển nhiên trong số họ đa phần là hùa theo hoặc là đơn giản chỉ muốn tận mắt chứng kiến một cuộc long tranh hổ đấu mà thôi.

Vô hình trung ai nấy đều quên mất vai trò của Quy Hồn Bảo chủ ngày hôm nay là mời đến dự cuộc tỷ đấu ấn chứng võ công.

Tuy vậy, nhưng giờ đây ai là người có thể đứng ra tỷ đấu với Chu Mộng Châu?

Những người thân phận không nhỏ tự nhiên nửa muốn ra mặt, nửa không muốn, vì rằng nếu đấu thắng thì có chút vinh dự, nhưng nếu thua một gã hậu sinh vô danh vô phận, há không bẽ mặt xấu danh lắm sao?

Chỉ nghĩ đến đó là có nhiều người do dự không quyết.

Chẳng biết lúc ấy Phiêu Phong đạo trưởng bàn gì với Hư Không đạo nhân và Thái Bạch chân nhân rồi quay sang nhìn Quy Hồn Bảo chủ, nói:

– Thật ra thì chuyện hôm nay tạm giữ thanh “Bích Long Kiếm Lệnh” không là quan trọng, thế nhưng cần nhất phải là uy tín, đúng lần đại hội tới đây mà chúng ta tổ chức phải có mặt và giữ thanh kiếm lệnh không thất lạc là được. Theo ý bần đạo thì lần này, Quy Hồn Bảo chủ đã có cuộc tỷ thí ấn chứng võ công với Chu thiếu hiệp, không bằng cứ để Bảo chủ ra mặt tỷ đấu với Chu thiếu hiệp, nếu thiếu hiệp hạnh vận thắng được Bảo chủ thì quyền giữ kiếm lệnh vẫn thuộc về Chu thiếu hiệp. Không biết chư vị bằng hữu nghĩ vậy có đúng không?

Một giải pháp rất hay khiến mọi người đồng tình, nhưng Quy Hồn Bảo chủ thì bất ngờ hơi lúng túng. Lão ta chẳng ngờ chuyện cuối cùng lại là đổ vào mình.

Khi ấy lão chẳng thể thoái từ, bèn nói:

– Ấn chứng võ công thì tất nhiên, nhưng nếu lấy sự thắng phụ này để chịu trọng trách thủ giữ “Bích Long Kiếm Lệnh” thì Đằng mỗ thật không dám đảm đương. Bởi vì …

Hư Không đạo nhân nghe đến đó liền chen vào cắt ngang:

– Bảo chủ không nên thoái thác, đằng nào cũng phải có một người thủ giữ kiếm lệnh, đợi đến trung thu năm tới chúng ta khai đại hội “Thập niên luận kiếm” vậy.

Lại một đề nghị của Hư Không đạo nhân, mọi người tự nhiên ai cũng muốn chóng đến lần tái đại hội “Thập niên luận kiếm”, khi ấy liền có nhiều tiếng hô lên đồng tình.

Quy Hồn Bảo chủ không ngờ cuối cùng cũng chỉ một mình lão phải ra mặt đấu với Chu Mộng Châu. Ban đầu lão chỉ muốn mượn nhiều tay giang hồ võ lâm khống chế, ép bức Chu Mộng Châu, nhưng chẳng ngờ tình thế lại diễn biến ra như thế này. Khi ấy chẳng thể thoái thác, bèn chấp tay xá quanh một lượt, nói:

– Đa tạ thịnh ý chư vị bằng hữu, Đằng mỗ tự nhiên sẽ dốc hết sở học để không phụ lòng chư vị.

Một câu này cũng thấy lão cố tình lôi kéo và tìm nhiều sự ủng hộ của các cao thủ các phái.

Chu Mộng Châu thầm cười nhạt, với Quy Hồn Bảo chủ chỉ cần lần đầu diện kiến, nhưng chàng linh cảm đối phương là một con cáo già gian giảo và nguy hiểm vô cùng.

Bấy giờ Đằng Thận nói xong đã thấy bước lên hai bước, hẳn là sẵn sàng để tỷ thí.

Chu Mộng Châu liếc nhanh toàn trường, bỗng trong đầu nghĩ nhanh một ý, bèn hỏi lại:

– Đại hội “Thập niên luận kiếm” như ý của Đằng bảo chủ ấn định vào tiết Trung thu sang năm, không biết chư vị có nhất trí hay không?

Năm nhân vật đứng đầu ngũ kiếm phái nhìn nhau, rồi ai cũng gật đầu đáp chấp nhận, đồng thời địa điểm tổ chức sẽ được thông báo chính thức trong thiếp mời.

Chu Mộng Châu nghe xong, bước lên trước mặt Quy Hồn Bảo chủ, ôm quyền nói:

– Tại hạ sở học thiển bạc, xin Đằng bảo chủ chỉ giáo!

Đằng Thận đôi mắt giảo hoạt nhìn nhanh đối thủ, rồi cười lên kha khả:

– Chu thiếu hiệp chớ quá khách khí, đằng nào cuộc tỷ đấu ấn chứng võ học hôm nay ấn định trong ba mươi chiêu phân cao hạ! Chu thiếu hiệp xin cứ ra tay trước!

Chu Mộng Châu đơn thân độc thế đến đây, nhưng căn bản không có chút hoảng sợ trước thế lực của Quy Hồn Bảo, bấy giờ ngạo nghễ nói:

– “Cường long bất áp địa đầu xà”, tại hạ là khách lẽ nào lại ra tay trước chủ!

Quy Hồn Bảo chủ Đằng Thận nghe vậy thì mặt biến sắc, chẳng ngờ Chu Mộng Châu đơn thân độc mã vào tận đây mà dám buông một câu mục hạ vô nhân như vậy. Khi ấy chẳng cần khách khí nữa, liền hét lớn:

– Hảo! Tiểu tử cuồng ngạo. Xem chiêu!

Dứt lời một chiêu từ hữu thủ đánh ra nhắm ngực Chu Mộng Châu tấn công ngay.

Quy Hồn Bảo chủ Đằng Thận thành danh không nhỏ, tự nhiên võ công sở học phải đạt một trình độ phi thường. Một chưởng đánh ra thấy nhanh nhưng nhẹ nhàng, ngược lại bên trong hàm chứa một kình lực ghê gớm.

Chu Mộng Châu thầm hiểu đối phương không phải hạng tầm thường, vì chính lần trước chàng đã đấu mấy chưởng với đại hộ pháp Quy Hồn Bảo là Thiên Tâm pháp sư.

Hiển nhiên vị Quy Hồn Bảo chủ không thể công lực lại kém Thiên Tâm pháp sư được.

Vừa thấy đối phương ra chiêu, chàng liền giơ chưởng lên nghênh tiếp. Nhưng Quy Hồn Bảo chủ vốn ngoại danh Bách Thủ Thần Cơ, chẳng những thân thủ bất phàm mà ngược lại cơ trí hơn người, tuyệt chiêu chẳng khi nào dụng Hằng Sơn lực để cương đả ngạnh đấu với Chu Mộng Châu.

Chỉ thấy chưởng đến gần kề, lão khoát một vòng chưởng chỉ thâu nửa vời, rồi hóa trảo chộp lấy uyển mạch của Chu Mộng Châu.

Chưởng ra đã nhanh mà biến chiêu càng nhanh hơn, Chu Mộng Châu giật mình, nghĩ nếu không thoái bộ nhượng chiêu tất thất thủ, chí ít cũng để đối phương chiếm lấy tiên cơ.

Khi ấy liền nhún chân nhảy phắt lùi hai bộ, hữu chưởng thâu nhanh, tả chưởng lại phóng ra một chiêu nhắm Quy Hồn Bảo chủ công vào quyết tranh tiên cơ.

Quy Hồn Bảo chủ Đằng Thận nhìn thấy bộ pháp của chàng nhanh như vậy cũng phải thốt lên khen ngợi:

– Hảo thân pháp!

Vừa lúc ấy thì tả chưởng của Chu Mộng Châu cũng đã đến gần, lão không hốt hoảng, gia kình lực đến sáu bảy thành vào chưởng lực nghênh tiếp.

“Bình” một tiếng, dư phong tản ra tứ phía khiến không ít người ở gần phải giật mình bị đẩy lùi.

Đằng Thận và Chu Mộng Châu mỗi người đều thoái lùi hai bước, một chưởng đầu chưa phân được thắng bại. Nhưng cũng chỉ một chưởng này cũng đủ khiến quần hùng toàn trường cũng phải khiếp nể Chu Mộng Châu.

Bởi vì Quy Hồn Bảo chủ Đằng Thận trong võ lâm thuộc hạng cao thủ nhất lưu, tiếp được lão một chưởng với sáu bảy thành công lực này mà bình thủ, thì không phải nhiều người làm được. Huống gì đây chỉ là một trang thiếu niên vừa xuất đạo giang hồ, đồng thời cũng một chưởng này chứng thực cho mọi người hiểu những lời truyền ngôn trong thời gian vừa qua về Chu Mộng Châu là không giả tí nào.

Bấy giờ đã thấy Đằng Thận và Chu Mộng Châu quấn lấy nhau tạo thành một trận long tranh hổ đấu, quần hùng ngưng mắt theo dõi say mê đến mất hết thần tình.

Chu Mộng Châu sau ba chiêu đã hiểu đối phương bản lĩnh như thế nào rồi, xem ra còn hơn hẳn cả Thiên Tâm pháp sư, may mà từ nhiều tháng nay chàng điều nhiếp tu luyện lại sở học của mình đến chỗ tinh túy nhất. Cho nên lúc này càng đấu chàng càng thấy phấn chấn và dũng mãnh, qua đến chiêu thứ mười thì vẫn bình thủ, thậm chí chàng có phần lấn thế vì thân pháp mau lẹ nhẹ nhàng.

Quy Hồn Bảo chủ vốn vẫn đã được nghe chính phó bảo chủ Khang Điền và cả Thiên Tâm pháp sư nói về võ công của Chu Mộng Châu, nhưng lão ta vẫn không thể hình dung nổi như thế nào. Lúc này động thủ với chàng lão mới giật mình chấn động, lão thật không thể tin nổi đấu thủ trẻ tuổi trước mặt mình lại có võ công thâm hậu đến dường ấy.

Đồng thời có lẽ nỗi lo sợ len lén dấy lên, khiến lão trong lòng vừa đấu vừa bấm bụng nhẩm tính, là vì Chu Mộng Châu lại chính là hậu duệ của Thiên Hạ Đệ Nhất Kiếm.

Có lẽ do nhiều nguyên do, nhưng sức ép của quần hùng là lớn nhất, khiến Quy Hồn Bảo chủ cảm thấy hôm nay phải hạ gục Chu Mộng Châu, bằng không thì uy danh lão không còn, mà còn lưu lại một mối hậu họa rất lớn.

Đằng Thận vốn là đệ tử của Tây Thiên môn, võ nghệ hấp thụ từ Quy Hồn pháp môn, tất cả gồm có Quy Hồn đao pháp, Quy Hồn chưởng công, Quy Hồn chỉ pháp, Quy Hồn cước pháp, Quy Hồn tiêu pháp. Đây là một môn võ công được xem là tà công vì mỗi một chiêu thế trong từng vũ pháp đều bí hiểm thâm độc, nguyên được lưu nhập từ vùng Tây Cương về Trung Nguyên. Quy Hồn Bảo được sáng lập bởi A Nhĩ Lạp, lấy ngoại hiệu Tây Bá Tẩu.

Thành lập Quy Hồn Bảo mấy mươi năm đứng chân trong Trung Nguyên, Tây Bá Tẩu chỉ truyền võ nghệ cho hai đệ tử duy nhất là Đằng Thận và đại sư huynh là Bạch Vĩ Hồng. Sau khi Tây Bá Tẩu qua đời thì chức bảo chủ tự nhiên trao truyền cho Bạch Vĩ Hồng, nhưng không ngờ Bạch Vĩ Hồng nhậm chức chưa được mười năm thì đột nhiên mất tích một cách bí mật, đồng thời cả gia quyến cũng bị thảm sát cách đó không lâu. Nghi án thì nhiều, nhưng vẫn là chuyện riêng của Quy Hồn Bảo, cho nên võ lâm tuy dị nghị, vẫn không ai nhúng tay xen vào. Chuyện kể ra cũng đã gần hai mươi năm, mọi người tợ hồ như quên bẵng nghi án của nhà họ Bạch.

Trở lại Đằng Thận, lão ta hấp thụ võ nghệ tuyệt học của sư phụ gần như đạt đến tám chín thành hỏa hầu, nhất là độc môn ám khí, lại thêm tâm cơ linh lợi, nên lão đã chóng thành danh trong giang hồ là vậy.

Bấy giờ đấu với Chu Mộng Châu đã gần ba mươi chiêu, lão thầm hiểu chưởng pháp lão có cao cường đến mấy thì oai lực vẫn không qua được Phiên Thiên chưởng. Nên sau một chiêu hóa giải một chưởng công tới của Chu Mộng Châu, lão lách nhanh người, đảo bộ tung cước bằng một chiêu hiểm độc vào hạ bộ của Chu Mộng Châu.

Chu Mộng Châu thật hơi bất ngờ, đang đấu quyền chưởng, đối phương trở thế bằng một chiêu cước cực nhanh. Chàng chỉ kịp thốt lên:

– Tuyệt cước!

Rồi nhún mình vọt nhanh ra ngoài mới thoát hiểm, nhưng đúng lúc ấy chàng bỗng thấy tay Đằng Thận vung mạnh, ba vệt đen mảnh như khói xẹt nhanh đến trước mặt.

Chu Mộng Châu giật mình thầm kêu lên:

– Nguy rồi!

Nói thì chậm nhưng lúc ấy xảy ra cực nhanh, đến quần hùng dưới đài đấu cũng không kịp nhận thấy, là vì Đằng Thận bấy giờ lưng quay về hướng quần hùng, mặt quay vào trong, nên một chiêu ám khí này khó ai phát hiện nổi.

Chu Mộng Châu người đang lên đà rơi xuống đài sau khi thoát một cước hiểm, bấy giờ ba vệt đen lóe lên trước mắt chỉ là trong tích tắc, chàng chỉ còn biết đề khí bằng một chiêu thức Hư không nhiếp bộ, hoán khí tụ lực tung người vọt tiếp lùi sau. Nhưng “bộp” một tiếng rất nhẹ, chàng cảm thấy vai phải tê dại ngay tức thời. Chu Mộng Châu hiểu đây là một loại ám khí có tẩm kịch độc, bèn thốt lên:

– Đằng Thận, ngươi thật hiểm, Chu mỗ hẹn ngươi lần luận kiếm tới đây trả món nợ này!

Dứt lời, chàng không dám nấn ná tiếp, cả cánh tay đã nghe thấy buốt dại, nên tiếp tục đề khí tung người vụt đi nhanh như một làn khói xám.

Đến đám quần hùng chăm chú nhìn cũng không kịp cản chân chàng, có vài bóng người truy theo, nhưng chỉ sau vài cái nhún chân thì bóng Chu Mộng Châu đã khuất hẳn trong rừng cây mờ nhạt dưới ánh trăng …

Quy Hồn Bảo chủ Đằng Thận thấy một chiêu hiểm đắc thủ thì mừng khấp khởi trong lòng, nghĩ:

– Họ Chu lần này nhất định tuyệt tự, xem ra ta đã diệt xong một họa căn!

Bấy giờ lão mới thở phào nhẹ nhõm, quay lại vái chào quần hùng nói:

– Đằng mỗ thực tài mọn trí hẹp mới không câu lưu được tiểu tử họ Chu, để hắn mang thanh “Bích Long Kiếm Lệnh” đi! Nhưng Đằng mỗ nhất định phái người truy lùng bằng được.

Phiêu Phong đạo trưởng nói:

– Xem ra bất tất phiền nhiều đến Bảo chủ như vậy, Chu Mộng Châu hẳn sẽ đến dự đại hội “Thập niên luận kiếm” như chúng ta đã định.

Đằng Thận hỏi:

– Căn cứ vào đâu đạo trưởng nói vẻ tin chắc như vậy chứ?

Phiêu Phong đạo trưởng nói:

– Chuyện can hệ đến vừa là cha của hắn vừa là sư phụ của hắn, mọi trách nhiệm đều một mình hắn gánh lấy, hắn lẽ nào không nhân cơ hội để giải quyết cho xong huyết án năm xưa. Vả lại nếu hắn không đến thì hắn vừa tự bôi nhục cha hắn lại vừa bôi nhục sư phụ hắn, đều là hai nhân vật thành danh không nhỏ năm xưa.

Thái Bạch chân nhân gật đầu tán đồng:

– Chí phải! Bần đạo cũng suy nghĩ như vậy!

Đằng Thận nghe thế hơi thót dạ, nhưng chợt nghĩ đến ngọn Quy Hồn tiêu trên vai Chu Mộng Châu thì lão yên tâm, cười thầm trong bụng với mấy lão đạo lẩm cẩm này. Khi ấy hắn mở nụ cười giả lả mời quần hùng nhập tiệc thưởng nguyệt.

oo Lại nói Chu Mộng Châu lúc ấy trên vai trúng một ngọn phi châm tẩm độc của Quy Hồn Bảo chủ Đằng Thận, chàng biết nếu lưu lại lâu hơn nữa thì khó lòng thoát nỗi Quy Hồn Bảo, vốn lúc này quần hùng tề tập như vậy dễ nào để cho chàng thoát, cho nên nhân lúc xuất kỳ bất ý, vừa trúng độc châm chàng liền thuận đà vọt người thi triển thân pháp kỳ diệu lao đi như làn sương đêm. Mấy tay thuộc hạ của Quy Hồn Bảo có truy theo, nhưng chỉ được một đoạn là đã mất dấu chàng, tuy vậy vẫn có một bóng người bám riết theo sau, nhưng Chu Mộng Châu chung quy không để ý đến, chỉ cắm đầu phóng chạy.

Chẳng biết chạy đã bao xa và theo phương hướng nào, nhưng Chu Mộng Châu chỉ thấy trước mắt lướt qua là những cánh rừng núi càng lúc càng thâm u, bên tai tiếng gió ào ào, chàng mặc kệ, chỉ nghĩ một điều chạy càng xa càng tốt. Nhưng chỉ sau một lúc nữa chàng đã thấy cơn tê dại lan tỏa nhanh dần, cuối cùng cũng dừng chân lại khi cảm thấy đã an toàn vì không có người của Quy Hồn Bảo truy theo.

Chu Mộng Châu ngồi xuống dưới một gốc cây bên rừng, trước tiên chàng ngồi xếp bằng vận khí điều tức, dồn chân lực theo kinh mạch đến khống chế độc tính đang phát tác ở tay trái, cứ vậy chàng không còn để ý tới ngoại giới nữa …

Chẳng biết qua thêm bao nhiêu lâu, Chu Mộng Châu thấy độc tính đã tạm thời bị ngăn chặn, khi ấy chàng hít sâu một hơi rồi từ từ mở mắt ra. Nhưng chàng bỗng giật thót mình, đứng vụt dậy đánh ra một quyền theo bản năng tự vệ, người kia nhảy né tránh, đồng thời la lên:

– Ái! Chu công tử, là tôi đây mà?

Chu Mộng Châu nghe một giọng nữ cao mà rất quen, chàng định thần nhìn kỹ mới la lên đầy ngạc nhiên:

– Là cô!

Thì ra chàng đã nhận ra đó chính là Câu Hồn Diễm Sứ Đằng Anh.

Đằng Anh nói:

– Chu công tử thấy thương thế trong người như thế nào?

Chu Mộng Châu ngạc nhiên, vì lúc chàng đấu nhau với Đằng Thận thì không nhìn thấy mặt cô ta, sao cô ta có thể biết được chàng bị thương, mà lại còn tìm được đến nơi này?

Chu Mộng Châu còn ngập ngừng chưa đáp, Đằng Anh như đọc được suy nghĩ của chàng, bèn nói:

– Chu công tử hẳn rất ngạc nhiên tại sao tôi biết công tử thân trúng độc châm? Thật ra từ đầu đến giờ tôi luôn để mắt đến công tử, nhưng công tử không biết đó mà thôi. Ân cứu mạng của công tử năm xưa thoát khỏi tay con súc sinh cuồng viên kia, Đằng Anh này không bao giờ quên được.

Chu Mộng Châu xua tay nói:

– Giữa đường gặp người bị nạn ra tay cứu giúp là chuyện thường tình của người trong võ lâm chúng ta, nào phải chuyện ghê gớm gì mà cô nương bận tâm.

Đằng Anh nói vẻ trách móc:

– Tuy rằng vậy, nhưng lẽ nào công tử đi mà không nói với Đằng Anh này tới một câu, để tôi tiễn một bước cũng là mãn nguyện.

Nghe nhắc đến chuyện năm xưa khi chàng trốn Đằng Anh bỏ đi, tự nhiên chàng thấy đỏ mặt, lắp bắp không nói ra lời.

Đằng Anh khi ấy đỡ lời nói:

– Công tử không nên lúng túng, thật ra tôi không có ý trách gì công tử đâu, nhưng lần này công tử thân trúng kỳ độc, tôi không thể không cứu giúp công tử.

Chu Mộng Châu nghe nói đến ngọn độc châm của Đằng Thận thì bỗng tức giận nói:

– Tôn huynh của cô nương là người thân phận cao trọng trong võ lâm, vậy mà không ngờ … Hừ, có thể ra tay một cách đê hèn như vậy!

Đằng Anh nghe nhiếc mắng ca ca của mình thì cũng thấy thẹn, nhưng chỉ thở dài nói:

– Có lẽ câu nói xưa nay “Bất độc bất trượng phu” cũng chẳng mấy sai, có vậy mà mãi đến hiện tại tôi mới biết được chuyện vô cùng hệ trọng đối với Chu công tử.

Chu Mộng Châu vừa nghe nói vậy thì giật mình hỏi gấp:

– Cô nương biết được chuyện gì?

Đằng Anh biết mình bị lỡ lời, trong lúc phấn kích xúc động nên mới buông một câu như vậy, khi ấy cứ ấp úng chưa đáp được.

Chu Mộng Châu hỏi dồn:

– Sao cô nương không nói?

Đằng Anh thở dài trong lòng rồi giả lả thay đổi câu chuyện:

– Đằng nào thì việc trị thương độc trên vai công tử là điều đầu tiên phải làm …

Vừa nói cô ta vừa lấy trong người ra một bình tử ngọc sắc tím trao cho Chu Mộng Châu, nói tiếp:

– Công tử nhanh uống thuốc giải này vào!

Nhưng Chu Mộng Châu gạt tay bất mãn nói:

– Chu Mộng Châu này nhờ ân sư thân hôm nay có chút nghiệp nghệ, lẽ nào chỉ chút thương thế này mà đáng bận tâm!

Đằng Anh trố mắt la lên:

– Không đơn giản như vậy đâu. Chu công tử nên biết ngọn độc châm của ca ca tôi có tên gọi Quy Hồn châm, tẩm một loại kịch độc không thuốc giải của ngoại phái Tây Vực.

Xưa nay người trúng kịch độc này hễ hết giờ Tý, khi gà gáy canh đầu thì tắt thở.

Chu Mộng Châu vốn chuyện giang hồ không lịch duyệt lắm, cho nên đây là lần đầu tiên chàng nghe nói đến loại Quy Hồn châm này. Chàng tuy tin lời Đằng Anh là đúng, nhưng tự nhiên cảm thấy Đằng Anh biết một bí mật quan trọng nào đó mà không chịu nói thật ra cho mình biết, bất giác chàng thấy cô ta không phải là người thành thật đáng tin.

Chu Mộng Châu lắc đầu nói:

– Dù thế nào thì Chu Mộng Châu này cũng không dám nhận ân sủng của cô nương, vì tôi từ nay có lẽ đã trở thành kẻ thù của Quy Hồn Bảo rồi!

Đằng Anh cắn môi chẳng biết phải nên nói thế nào cho Chu Mộng Châu hiểu.

Thật ra đêm ấy cô ta vô tình đi ngang mật thất của Đằng Thận, thấy đêm đã khuya mà trong phòng có ánh đèn, bèn đến xem ca ca làm gì. Không ngờ chân vừa đến bậc cửa thì nàng nghe tiếng Đằng Thận to nhỏ bàn bạc với Hồ Dã. Từ đó cô ta biết được bí mật một âm mưu khủng khiếp không những liên quan đến sự mất tích bí mật của Thiên Hạ Đệ Nhất Kiếm, mà còn liên quan đến cả vị tiềm nhiệm Quy Hồn Bảo chủ Bạch Vĩ Hồng. Đồng thời cả vụ kiếp nạn toàn gia họ Bạch. Thật tình Đằng Anh cũng là con người ngoại đạo, nhưng chỉ là tính dâm đãng lẳng lơ, chứ không đến nỗi ác độc bất nhân. Bạch Vĩ Hồng vừa là thân phận Bảo chủ vừa là sư phụ truyền võ nghệ cho Đằng Anh. Điều này khiến cô ta vừa đau lòng lại vừa cảm thấy sợ con người thâm hiểm của ca ca mình.

Lúc này nghe Chu Mộng Châu nói vậy, Đằng Anh nhất thời chưa biết phải nói thế nào, cứ tần ngần chưa quyết.

Chu Mộng Châu phát một cử chỉ bất cần nói:

– Cô nương đi đi, tại hạ tự lo được cho mình.

Đằng Anh mắt long lanh ngấn lệ, cắn chặt môi một hồi mới nói được:

– Chu công tử năm xưa ân cứu mạng tôi, lẽ nào không để tôi có lần báo đáp.

Chu Mộng Châu cười khổ sở nói:

– Chu mỗ xưa nay làm ân chưa hề mong báo trả, cô nương đã nói vậy thì Chu mỗ xin nhận lấy thịnh tình ghi khắc trong lòng, nhưng …

Đằng Anh cướp lời nói ngay:

– Dẫu sao thì Chu công tử cũng phải nhận lấy thuốc giải này.

Chu Mộng Châu lặng người, bao nhiêu ý nghĩ cứ đan nhau trong đầu chàng, chàng linh cảm bí mật của Đằng Anh biết được liên quan đến chuyện của chàng đang lo nghĩ trong lòng.

Nhưng làm thế nào để cô ta tự nguyện nói ra đây?

Trầm ngâm nghĩ hồi lâu, chàng nói:

– Nếu như cô nương đã để mắt đến Chu Mộng Châu này từ đầu đến giờ, hẳn cô nương cũng biết hiện tại trong lòng tôi rối như thế nào về huyết án năm xưa của thân phụ Thiên Hạ Đệ Nhất Kiếm? Cha tôi chết không tiếc, nhưng chỉ thẹn là không rửa được sự thanh bạch cho sư phụ và rửa thù cho cha mình mà thôi. Thật đáng thẹn, đáng thẹn!

Nói đến câu cuối cùng chàng tự đấm vào ngực mình vô cùng đau khổ.

Đằng Anh thấy vậy cũng tự lấy làm thẹn vì không dám nói thẳng ra, nhưng rõ ràng chuyện liên quan rất lớn đến sinh tồn của ca ca mình, lẽ nào cô ta nguyện hy sinh người thân của mình? Thật là rơi vào tình thế khó xử!

Đột nhiên lúc ấy từ xa xa nghe vẳng lại tiếng gà rừng gáy đầu canh.

Chu Mộng Châu không để ý, nhưng Đằng Anh bỗng giật mình ngước mắt nhìn trời, thấy trăng đã chếch đầu Tây từ lúc nào, cô ta phát hoảng la lên:

– Có lẽ đã sang giờ Tý từ lâu, Chu công tử nhanh phục thuốc giải kẻo không thì muộn mất!

Chu Mộng Châu nghe vậy mới nhớ tiếng gà gáy vừa rồi, nhưng vết kim châm trên vai chừng như vẫn khu trú không phát triển, chàng hơi có chút ngờ vực, lắc đầu nói:

– Tại hạ nói là tự lo liệu được, Đằng cô nương không nên quá bận tâm!

Nhưng vừa nói đến đó, bỗng thấy vai trúng độc nhói lên một cái khiến chàng giật mình la “ối” lên một tiếng.

Tiếng gà lại vẳng lên, Đằng Anh không tự chủ được bước đến nắm lấy tay chàng, giục:

– Chu công tử! Nhanh uống thuốc giải!

Chu Mộng Châu vẫn lắc đầu cương quyết:

– Không, tại hạ đa tạ thịnh ý …

Nói đến đó bỗng chàng lại rú lên một tiếng nữa, biết độc tính lại phát tác, mà xem ra còn nhanh mạnh hơn lúc đầu, chàng liền ngồi xuống xếp bằng, vận khí điều tức dụng chân lực đẩy dồn độc tính không cho xâm nhập vào tạng phủ. Thế nhưng, lần này thấy ít có công hiệu, độc tính như đã thẩm thấu vào từng gân cơ khí huyết, cứ lan dần xuống bất chấp chàng đã vận chân khí dồn đến.

Đằng Anh đứng bên chàng chỉ trố mắt chăm nhìn không nói được câu nào, một lúc đã thấy trên trán Chu Mộng Châu mồ hôi lạnh toát ra từng giọt lớn như hạt đậu. Đằng Anh biết chàng đã phí rất nhiều chân lực, chỉ e nếu chàng đẩy được độc tính khu trú lại bả vai thì tổn hao chân lực cũng không phải là nhỏ, khi ấy muốn điều dưỡng để phục hồi toàn bộ nguyên khí phải mất rất nhiều thời gian. Thế nhưng lúc này Chu Mộng Châu đang chuyên tâm vận khí, nếu cô ta kêu lên ngăn cản chàng thì cũng rất nguy hiểm cho chàng. Nên chỉ còn biết đứng lặng người, nước mắt từ đâu đã chảy tròn quanh mi.

Qua chừng một tuần trà, trên đỉnh đầu Chu Mộng Châu đã thấy một làn khói trắng mảnh, đây là biểu hiện chân khí vận hành dồn đến tuyệt đỉnh. Đằng Anh lại thêm phần lo lắng, cứ bứt rứt đi tới đi lui không yên.

Đột nhiên Chu Mộng Châu mặt tím tái, rồi ngã người gục trên đất, từ khóe miệng rỉ ra một dòng máu đen, chàng đã hôn mê bất tỉnh nhân sự.

Đằng Anh ngồi xuống đỡ dậy ôm chàng vào lòng, chỉ thấy người chàng lạnh toát, duy nhất vùng đầu là nóng hầm. Ả vội vàng mở bình ngọc lấy ra một viên giải dược màu đỏ tía như máu, nhét vội vào miệng chàng rồi dùng chân lực đẩy thuốc xuống.

Đằng Anh tính nhanh trong đầu, rồi đứng dậy vác Chu Mộng Châu lên vai phóng chạy …

Khi Chu Mộng Châu tỉnh lại, đầu tiên chàng cảm thấy một bàn tay mềm mại ấm áp sờ sờ trên trán mình. Trong đầu chàng nhớ lại cũng một lần đâu đó, một bàn tay mềm mại ấm áp như thế này âu yếm đặt trên trán mình.

Bất giác chàng cảm thấy mủi lòng, thật sự từ nhỏ đến lớn chàng chưa cảm nhận được một bàn tay đầy tình cảm như thế của mẫu thân mình.

Khi chàng biết mọi chuyện thì mẫu thân chàng đã không còn ở bên, chỉ nghe Hồ đại thúc nói là bà thất lạc từ lâu, sau khi hay tin cha chàng gặp nạn.

Bấy giờ chàng còn nhỏ nên không hề suy nghĩ gì nhiều, nhưng hiện tại thì chàng đã hiểu biết, cảm thấy trong mọi chuyện chừng như đều có liên quan mật thiết với nhau.

Chu Mộng Châu từ từ mở mắt ra, mới hay chính là Đằng Anh đang ngồi bên cạnh, chàng lại nằm trên một chiếc giường, đưa mắt nhìn quanh mới phát hiện chừng như là một phòng trong khách điếm.

Đằng Anh thấy Chu Mộng Châu hồi tỉnh lại, vui mừng reo lên:

– A! Chu công tử đã tỉnh lại rồi!

Vừa nói cô ta vừa rút tay lại.

Chu Mộng Châu mấy máy đôi môi định hỏi gì, nhưng cảm thấy cổ họng đắng khát, chỉ thốt lên:

– Nước!

Đằng Anh liền lấy cho chàng chén nước, đỡ đầu chàng dậy cho chàng uống.

Từng ngụm nước vào cổ cảm thấy dễ chịu vô cùng, uống xong Chu Mộng Châu mới cố nhớ lại mọi chuyện xảy ra, đoạn hỏi:

– Đây là đâu?

Đằng Anh nói:

– Một khách điếm nhỏ trong sơn trấn vùng Thiểm Tây!

Chu Mộng Châu ngạc nhiên:

– Cách xa Quy Hồn Bảo vậy sao?

Đằng Anh gật đầu mỉm cười, rồi nói:

– Chu công tử vừa hồi tỉnh lại, nên nghỉ ngơi cho khỏe, hẳn trong người chân lực hao tổn không ít.

Chu Mộng Châu nhớ lại khi ấy chàng ngồi vận khí khống chế độc tính, nhưng rồi hôn mê lúc nào không biết.

Bấy giờ chàng không biết có phải chính vì chàng vận chân khí đẩy độc tính mới hồi phục hay là Đằng Anh cho chàng uống giải dược bèn nói:

– Cô nương có phải đã cứu tôi?

Đằng Anh cười nói:

– Thật khéo đúng như lần trước công tử đã cứu tôi, chúng ta quả là có duyên phận với nhau!

Nói đến câu cuối, cô ta ửng đỏ cả đôi má, tuy là đã tuổi ba mươi, nhưng Đằng Anh tỏ ra thanh thoát xung mãn tuổi xuân, khuôn mặt tròn đầy, mắt ngọc mày liễu, môi hạnh xinh tươi, chẳng thua kém gì thiếu nữ đôi mươi. Thật nam nhi gặp cô ta không ai không rung cảm, nhất là làn da trắng mịn nõn nà.

Chu Mộng Châu nghe câu ấy cũng phải chín cả mặt, vội hỏi lấp một câu:

– Là cô nương đã cho tôi uống giải dược?

Đằng Anh gật đầu với nụ cười trên môi.

Chu Mộng Châu không ngờ chuyện đến thế này, khi ấy chàng cảm thấy bực tức bèn nói:

– Tại hạ đã nói chỉ muốn tự mình lo liệu, sao …

Đằng Anh cướp lời nói ngay:

– Giữa đường thấy người bị nạn lẽ nào không giúp? Chẳng phải Chu công tử đã nói câu này đó sao?

Chu Mộng Châu im bặt, không biết đáp thế nào mới phải.

Nhưng một hồi chàng nói:

– Đằng cô nương có thịnh tình với tại hạ như vậy, lẽ nào chỉ một vài bí mật liên quan đến tại hạ mà lại không thể nói cho nghe sao chứ?

Đằng Anh nhìn sâu vào trong đôi mắt chàng, cô ta thật sự rung cảm trước vẻ tú mỹ và tráng kiện của Chu Mộng Châu.

Đằng Anh nhấp nháy đôi mắt nửa như muốn nói nửa lại muốn không.

Chu Mộng Châu quay mặt vào tường bực tức nói:

– Đã thế thì cô nương nên đi đi, từ nay chúng ta coi như không nợ nần gì nhau, khỏi phải ai bận tâm đến ai!

Đằng Anh mỉm cười, cô ta hơn hẳn Chu Mộng Châu gần một giáp, tự nhiên phải lịch duyệt và rộng lượng hơn, bèn nói:

– Tôi nói cho công tử nghe cũng được, nhưng có một cầu xin nhỏ, không biết công tử có đồng ý chấp nhận hay không?

Chu Mộng Châu quay lại nhìn Đằng Anh, hồi lâu gật đầu nói:

– Lẽ nào tại hạ không chấp nhận, khi cô nương đã thật lòng với tại hạ như vậy?

Đằng Anh giọng hơi run nói:

– Thật ra tôi cũng không biết nội tình tỉ mỉ như thế nào, nhưng huyết án năm xưa của lệnh tôn Thiên Hạ Đệ Nhất Kiếm là một âm mưu được sắp đặt trước, mà Kim La Hán chỉ là người bị vu cáo giá họa!

Chu Mộng Châu nghe nói vậy thì giật nảy người, quả nhiên điều chàng thầm hoài nghi cuối cùng cũng đã có người nói ra, chàng vội hỏi:

– Căn cứ vào đâu mà Đằng cô nương nói vậy?

Đằng Anh lắc đầu ngập ngừng đáp:

– Tôi chỉ nghe lén được một cuộc nói chuyện bí mật giữa hai người, một người rất thân thiết với tôi, còn một người thì chẳng hề xa lạ với công tử …

Chu Mộng Châu vừa nghe vậy đã liên tưởng ngay tới Quy Hồn Bảo chủ, nhưng người không xa lạ với chàng là ai?

Chàng cố nghĩ mãi không ra, một lúc mới nói:

– Một người có phải là lệnh huynh Quy Hồn Bảo chủ không?

Đằng Anh ngưng mắt nhìn chàng hồi lâu, cuối cùng đã gật đầu nói:

– Tôi chỉ mong công tử giữ kín chuyện này cho đến khi có đầy đủ chứng cứ nội tình, và điều thứ hai muốn cầu xin công tử oán nên giải không nên kết, đừng đối đầu với gia huynh.

Chu Mộng Châu giật mình nghĩ nhanh:

– Chỉ một câu này đủ thấy Đằng Thận nhất định có dính líu đến vụ án của cha ta, nhưng Đằng Anh đã cầu xin như vậy, ta biết phải làm sao đây?

Chàng nghĩ rất mông lung, nhưng vẫn chưa có chủ ý.

Đằng Anh thúc giục:

– Chu công tử đồng ý chứ?

Chu Mộng Châu không thể không đáp, vì cô ta còn chưa nói ra sự thật.

Khi ấy chàng thở dài nói:

– Tại hạ sẽ cố gắng hết sức để hậu chuyện không quá bi đát. Nhưng ân đền oán trả vẫn là thường tình xưa nay, huống gì chuyện vừa liên quan đến gia phụ lại vừa liên quan đến gia sư.

Đằng Anh nghẹn lời, quả thật thì Chu Mộng Châu không nói sai tí nào, nhưng cô ta không thể không lo lắng cho ca ca của mình, đành nói:

– Chỉ cầu mong Chu công tử nên giải quyết mọi chuyện nhẹ nhàng chừng nào hay chừng ấy mà thôi. Có vậy Đằng Anh mới không thẹn lòng mình.

Chu Mộng Châu hiển nhiên thầm hiểu cô ta nói vậy vì chuyện lại hệ trọng chẳng những một mình Đằng Thận mà có thể là cả Quy Hồn Bảo.

Chàng nói:

– Tại hạ nguyện nghe lời cô nương, xin cô nương cứ nói hết ra đi!

Đằng Anh gật đầu rồi nói:

– Người thứ hai chính là vị đại sư thúc của Chu công tử, Liên Vân Bảo chủ Hồ Dã.

– Hả?

Chu Mộng Châu không làm chủ được mình, giật thót người la lên đầy ngạc nhiên:

– Là Hồ đại thúc?

Đằng Anh gật đầu đáp:

– Không sai!

Bấy giờ cô ta kể những điều nghe nhặt được từ câu chuyện bí mật giữa Đằng Thận và Hồ Dã cho Chu Mộng Châu nghe, duy nhất chuyện liên quan đến Bạch Vĩ Hồng thì không nói ra.

Cuối cùng, cô ta nói:

– Tôi chỉ biết nội tình là một âm mưu sát hại Thiên Hạ Đệ Nhất Kiếm của Hồ Dã và ca ca tôi, nguyên nhân chính là vì mẫu thân của công tử.

Chu Mộng Châu khựng cả người, chưa nói được gì, chàng không biết bây giờ phải bắt đầu hành động như thế nào đây để rửa thanh bạch cho sư phụ mình và trả thù cho cha mình.

Bỗng nghe Đằng Anh cất tiếng hỏi:

– Thanh “Bích Long Kiếm Lệnh”, Chu công tử do đâu mà có?

Chu Mộng Châu nghe nói giật mình, lúc ấy mới nhớ lại thanh kiếm lệnh mà chính vì nó chàng mới bị quần hùng bức vấn mấy hôm trước.

Khi ấy chàng với tay mò lấy chiếc túi vải, thanh kiếm vẫn nằm kỹ bên trong, chàng lấy ra ngắm nghía một hồi, miệng lẩm bẩm:

– Sao lại nằm trong tay bà ta? Sao lại vậy được? Chẳng lẽ …

Đằng Anh giục hỏi:

– Công tử vừa nhắc đến một người nào vậy?

Chu Mộng Châu ngước mắt nhìn Đằng Anh, bây giờ mới cảm nhận được sự tin tưởng trong ánh mắt Đằng Anh, khi ấy nói:

– Một vị trung niên nữ ni đã tặng cho tôi sau lần tôi đả bại Hoa Nguyệt Đầu Đà trên đỉnh núi nằm ngoài Thiếc Ngõa Tự đến mấy mươi dặm. Nữ ni từng nói thanh kiếm này là của tiên phu bà ta, đã hơn mười mấy năm nay không hề dùng đến …

Vừa nghe đến đó, Đằng Anh la lên:

– Á! Lẽ nào …?

Nhưng cô ta chỉ thốt được đến đó thì dừng lại không nói tiếp được.

Chu Mộng Châu như cũng đã hiểu hết được câu nói:

– Lẽ nào lại vậy? Lẽ nào nữ ni lại là . …

Đằng Anh gật đầu nói nhanh:

– Chu công tử còn nhớ đường đến thảo am đó chứ?

Chu Mộng Châu gật đầu hiểu ý, nói:

– Phải, tôi cần phải đến đó một chuyến!

Vừa nói chàng vừa định ngồi dậy, nhưng bỗng cảm thấy người rất yếu lại nằm vật xuống giường.

Đằng Anh đỡ lấy người chàng nói trìu mến:

– Công tử còn yếu lắm, cần phải nghỉ ngơi tĩnh dưỡng một thời gian rồi mới lên đường.

Bấy giờ Chu Mộng Châu phải nằm lại khách điếm hơn một tuần mới hoàn toàn phục hồi.

Mọi việc đều được Đằng Anh chăm lo rất chu đáo.

Cuối cùng chàng chia tay với Đằng Anh, hẹn tái ngộ trong tiết trung thu tại đại hội “Thập niên luận kiếm”.

Đằng Anh tiễn chân chàng, nhưng không quên dặn dò:

– Nhớ trên đường gặp khó khăn cứ liên lạc với người Quy Hồn Bảo báo cho tôi biết, nhất định tôi sẽ đến gặp Chu công tử.

– Đa tạ!

Nói câu cuối cùng, Chu Mộng Châu phóng người ra trấn ngược lên hướng bắc.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN