Âm Dương Kì Bí Truyện - Chương 2: Làng Lang Đồng
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
102


Âm Dương Kì Bí Truyện


Chương 2: Làng Lang Đồng


Nó đứng sững lại, một cách bất chợt, giựt mạnh tay nó khỏi cái tay của Trang đang nắm chặt:

“Thế này là thế nào? Bọn mày đưa tao đi đâu?” – Nó lùi lại một bước, toan chạy

“Đi vào làng, ơ cái con này, mày tính nằm ngoài ruộng mà ngủ à?” – Trang ngạc nhiên ra mặt trong khi Linh thì bụm miệng cười, giờ nó mới để ý mặt Linh lúc cười trông như khỉ ăn ớt.

“Bọn mày là cái gì thế hả? Sao tao lại ở đây?” – Nó bắt đầu cảm thấy sợ và chưa bao giờ nó cảm thấy nhớ nhà đến da diết như bây giờ… Trang tỏ vẻ chán ra mặt, mắt nó đảo một vòng tròn rồi thở dài, lấy tay đẩy vai Linh như để ra dấu. Linh lúc này lại còn bật cười to hơn và nó quên cả lấy tay che miệng, miệng Linh ngoác ra tận mang tai và giờ thì nó tin giếng trời là có thật! Linh tằng hắng, lấy lại giọng:

“E hèm, thế này nhá, mày biết “dớp” là cái gì rồi ấy gì?” – Mắt Linh mở to, nhìn thẳng vào nó như để thăm dò rồi nó lại nói tiếp khi trông thấy vẻ mặt ỳ thộn ra của cái đứa đối diện:

“Cứ tưởng tượng bọn tao là “dớp” đi…. Ầy, nói sao nhỉ? Kiểu kiểu như là… là… là ám ở một chỗ ấy, rồi thấy đứa nào hợp tuổi, hợp vía là lôi nó xuống… Nhưng không phải là bọn tao lôi vô tội vạ đâu mà… mà…”

Giờ thì ở đây có hai con đần, bực mình, Trang xô Linh né sang một bên và nhìn thẳng nó bằng cái mặt không có tí cảm xúc gì và tuôn một tràng:

“Tháng này đến phiên bọn tao “trấn” ở cái ngã tư ấy, lão Tào bảo dạo này dưới đây thiếu người nên cần phải lôi kéo mồi chài tích cực cho đủ số lượng… Bọn tao chỉ làm theo lệnh thôi với lạ…”

“Đủ số lượng?” – Nó lặp lại, khuôn mặt trắng bệnh – “Thế tức là sao?”

“Cái này bọn tao chỉ biết mang máng thôi… Chuyện xảy ra cũng lâu rồi mà…” – Trang đưa tay lên gãi đầu, tỏ vẻ bối rối nhưng rồi nó lại reo lên nói tiếp :”Đến nhà cụ Yến! Cụ biết tất tần tật mấy chuyện đấy nhưng cụ hơi khó tính chút nên lựa lời mà hỏi kẻo cụ đuổi ra khỏi nhà đấy! Đi nào!”

Trời chiều xế bóng, sắp tối thật. Mặt trời đang dần dần nấp sau cái tòa lâu đài khổng lồ của Diêm Vương, cái màu đỏ của bầu trời chiều tà như đang đè nặng lên cái nỗi nhớ nhà của nó hiện giờ… Cả bọn lần theo con đường đất trải đầy rơm vàng mà tiến về làng, ngôi làng trông khá đơn sơ: phía xa xa kia là nhà đất, nhà tranh với mái rơm vàng, trước mặt nó bây giờ là các cô các bà đang mải tất bận cơm nước, dọn hàng quán, ai cũng mặc quần đen chân què, yếm son, yếm đào, áo cánh… Toàn là trang phục của người dân Việt thế kỉ trước. Chẳng ai để ý đến sự hiện diện của bọn nó, ai cũng tay mẻ, tay thúng rồi xe hàng rong, đẩy đưa câu chuyện hàng quán

“Đây là chợ làng, đi thẳng lên là đến nhà cụ Yến rồi…” Nói rồi Trang chỉ tay đến một ngôi nhà ở xa xa mà nó cho là giàu nhất làng này: nhà gạch, mái ngói đỏ…

“Chỗ này tụ tập nhiều thời đại khác nhau, thi thoảng mày sẽ thấy mấy ông mặc đồ vua quan thời xưa lòng vòng qua làng với đủ các ngựa rồi lọng che nhưng thi thoảng sẽ thấy các chú bộ đội cụ Hồ hay đi qua chợ làng mình mua vài ba món đồ đem tặng các cô gái mở đường hay các em nhỏ trong đội TNTP…” – Trang vừa nói lại vừa chỉ về phía các anh bộ đội áo xanh cụ Hồ mà nó nhìn thấy anh thì cụt tay, cụt chân lại có anh người chi chít vết đạn găm, máu đỏ thẫm trên cái màu xanh của áo. Lưng các anh đều dắt súng, các anh vừa đi vừa nói chuyện vui vẻ mà nó đoán là các anh đang nói chuyện nước nhà độc lập giải phóng, thống nhất Bắc-Nam…

“Cụ Yến là người chết sớm nhất trong cái làng này. Nghe đâu người ta bảo cụ từng đi theo nghĩa quân của Hai Bà Trưng đánh bao nhiêu trận nhưng sau cùng cụ hi sinh trận đánh với Mã Viện… Với lại cụ là trưởng làng, mày phải xin thì mới được ở lại.” Trang tiếp tục, trong khi cả bọn đã đứng ngay trước cổng nhà cụ. Trang bắt đầu cất tiếng giọng sói hú của nó lên gọi cụ, tay nó rung lắc cánh cổng bằng tre kêu cạnh cạch, trong khi Linh thì thào với nó:” Tao nghe người ta đồn là do bọn Mã Viện tụt quần ra trận nên các bà các cô mới thua chạy, mấy lần tao hỏi cụ mà cụ đuổi tao!” – Giọng Linh chuyển sang bực bội, đôi mày cau lại, thở phì phì ra vẻ khó chịu.

Lúc này trời đã tối, trăng đã lên sáng vằng vặc một góc trời, gió lạnh bắt đầu thổi khiến nó co rúm người lại. Gió thộc từ ngoài ruộng vào, tạt qua chợ mang theo cả mùi tanh nồng của tôm cá…

Đáp lại tiếng hú của Trang là sự im lìm trong nhà cụ Yến, bỗng có tiếng người:

“Gọi lắm thế! Cụ Yến đi công tác rồi! Ai vậy?… Ơ…Hai con chim lợn đấy à?” – Một người phụ nữ trung niên, lúc đó đã ra đứng sát cổng, bà lật đật mở cổng ra, tay bà cầm ngọn đèn dầu giơ lên cao quá đầu, mắt nheo lại đăm soi, mặt bà lộ rõ sự bực tức trước cái giọng sói hú của Trang nhưng sau khi ánh đèn dầu tỏ rõ mặt chúng nó, mặt bà giãn ra, tươi cười:

“Cụ Yến sang làng Tranh họp chuyện gì gấp lắm, tầm mai cụ về! Thôi thì chúng mày vào đây, nhà tao đang chuẩn bị ăn đây, vào ăn luôn cho nóng!” – Bà giơ tay còn lại lên, bàn tay gầy gầy vời chúng nó vào. Hai con “chim lợn” mừng ra mặt, hớn ha hớn hở lôi tụt nó vào trong nhà người đàn bà nọ, dám cá là chúng nó đói ngấu ra rồi… Nhà bà nhỏ thôi, leo lắt ánh sáng từ ngọn đèn dầu đặt giữa mâm: nào cà muối, nào canh cua, mắm tôm, thịt cá… Bữa cơm tuy đơn giản nhưng đối với một ngày dài như hôm nay, vậy là quá đủ. Bà tên Nhung, bà sống…không, chết cùng với chồng là Đức, hai ông bà là nhân dân vùng Quảng Nam tham gia kháng chiến chống Pháp nhưng sau cùng hi sinh trong một cuộc đàn áp đẫm máu năm 1886. Ông Đức là một người vui tính, ông có nhiều câu chuyện hay về cái thời chống Pháp khi xưa, thi thoảng ông kể chuyện cười hay nói mấy câu bông đùa với vợ khiến cả ba đứa phun cơm ra ngoài, bụm chặt miệng mà cười, còn bà Nhung tính thẳng, nghĩ gì, thấy gì nói nấy, hai vợ chồng tính hợp nhau (trừ mấy cái lúc ông Đức đem mấy câu chuyện về thời trai trẻ hai người yêu nhau như thế nào ra kể) lại tốt bụng nên cả làng ai cũng quý. Đến bây giờ, bữa cơm gần xong bà mới bắt đầu chú ý đến nó:

“Ờ đấy, tao quên không hỏi, nạn nhân mới của chúng mày đây chắc. Con tên gì?” – Bà mở to mắt, nhìn thẳng vào nó với cái miệng cười khá tươi

“Giới thiệu với ông bà, đây là Trương Phi, thành phẩm “mồi chài” của con Trang!” – Con Linh nuốt vội miếng cơm, nói luôn

“Trương Thi! Là Trương Thi!” – Nó đính chính

“Tao nói sai à?” – Linh hất hàm quay sang gắt

“Thôi! Thôi! Khổ lắm!” – Bà gàn hai đứa lại, quay sang nó hỏi tiếp:”Thế con nhiêu tuổi?”

“Dạ, con 17.”

Bà gật đầu nhè nhẹ, ánh mắt lúc trước mở to nay dịu xuống, như tỏ vẻ thông cảm với con bé chết yểu. Rồi cười nhẹ một cái, bà nói:

“Đêm nay mấy đứa ngủ lại đây nhé! Lâu lắm nhà mới có khách, ở gian trong chắc còn đủ chỗ cho cả 3 đấy, bọn tao nằm ở gian ngoài”

Đấy là đêm đầu tiên nó ngủ ở một nơi hoàn toàn xa lạ, nó nhớ nhà. Một dòng nước mắt đang ngân ngấn, chỉ trực tuôn ra. Nó vắt tay ngang qua miệng để nếu có khóc cũng không ra tiếng, nó nghĩ đến bố mẹ nó, nhất là mẹ. Mẹ nó vốn dĩ đã xanh xao, gầy guộc, giờ nhận được hung tin chắc mẹ ngất lên ngất xuống… Khắp gian phòng giờ là tiếng ngáy của Linh, Trang và ông Đức, nó cố bịt chặt tai, lấy tay lau nước mắt rồi quay mặt vào góc tường ép mình ngủ. Nhỡ đâu mai tỉnh dậy mình lại về nhà và hóa ra mọi chuyện chỉ là giấc mơ…

—-

“Ê! Ê con này! Dậy đi! Cụ Yến về rồi!”

Hai bàn tay nào đó đang nắm chặt lấy hai vai nó mà lay mạnh. Nó cố gắng mở mắt ra mà xem chừng như hai mắt đeo hai quả tạ, nó cố gắng hé hé mắt thì nhìn thấy Linh. Mặt nó hớn hở thấy rõ:

“Dậy! Phải sang xin cụ Yến cho ở lại làng chứ! Nhanh lên!”

Nói rồi Linh kéo mạnh hai vai nó, dựng nó dậy, lấy hai tay năm chặt cổ tay nó mà dùng hết sức kéo nó đứng lên, miệng thì luyến thoắng:

“Cụ đi đường xa về mệt là hay cáu vặt lắm, cụ mà đuổi thì mày làm Ma Xó con ơi… Ăn gì mà nặng thế? Ới Trang ơi cứu!”

Phải nói nó to gấp đôi Linh, Linh dáng người nhỏ thó, lại gầy cộng với cái mặt khỉ nhăn của nó thì nói thực, trông nó như con thiếu ăn. Trang từ bên ngoài chạy vào, phải mất một lúc nó mới mở được mắt mà đứng lên, rõ là nó đang cảm thấy chán chường khi nó nhận ra mọi chuyện không phải là mơ. Ra đến ngoài, dân làng đang túm đen một khóm, người mang bánh, mang nước ra hỏi han:”Sao rồi cụ? Ông Diêm Vương nói sao?”

“Các ông bà tránh ra! Có nước sôi!!!” – Trang gào lên dọn đường còn Linh dắt nó theo sau, trình trước mặt cụ Yến:

“Thưa cụ, làng mình có dân mới…” Nói rồi Trang xô nó về phía cụ Yến, Linh tiếp lời:

“Thưa cụ, đây là Trương Phi, “kiệt tác nghệ thuật mồi chài lôi kéo” của con Trang đấy cụ!” -( Mặt nó chuyển khó chịu khi thấy con dở hơi kia lại đọc sai tên nó)

Cụ Yến trông không đến nỗi già lắm, nó đoán là người ta gọi là “cụ” chắc vì cụ chết sớm nhất làng, tóc cụ vẫn còn đen và dài, được buộc gọn đằng sau. Tóc cụ xù và trông khá cứng, phải rồi, thời xưa làm gì có quan niệm làm tóc đâu, nhất là với mấy người đi đánh giặc như cụ. Cụ trông cao và đặc biệt trông như hộ pháp (nếu không muốn nói là cụ to béo như một con gấu), dễ sức cụ vật được cả mười trai đinh, cụ mặc giáp, kiểu áo giáp thô sơ thời xưa, giáp bị thủng một lỗ ngay ở ngực và nó thấy có máu ở đó, nó đoán đó là lí do vì sao cụ hi sinh trong trận đánh…

“Ừ, vậy hay quá. Con vô ở với ta vài ngày, dù gì ta cũng cần người giúp ta với mớ thuốc…” -Cụ cười, gật đầu nhẹ và bàn tay cụ to như tay gấu, đập mạnh xuống vai làm nó suýt trồng cây chuối. Nói rồi cụ bước vào nhà, người dân theo sau kéo hết vô nhà cụ. Nó nhìn với theo nhưng đám đông lại choán hết tầm nhìn của nó, bỗng có bàn tay đập mạnh lên vai nó một lần nữa:

“Chúc mừng cô em! Chào mừng cô em đến với làng Lang Đồng!” – Mặt Linh và Trang hớn hở, lay lắc vai nó liên hồi như để chúc mừng.

“Làng Lang Đồng?” – Nó lặp lại đầy thắc mắc

“Ấy quên, chưa nói với cô em, làng mình là làng Lang Đồng, làng được đặt theo tên của một thầy lang tên Đồng đã mang thuốc tới cứu chữa cho biết bao người bệnh tật, mang những kẻ sắp bị hóa Ma Đói với Ma Xó trở về bình thường, rồi lang còn truyền lại bao nhiêu bài thuốc hay cho dân mình nữa, nói chung là làng mình chuyên về Y Dược…” – Trang giải thích, nó tuồn một lèo mà mặt nó vẫn không có cảm xúc gì hết

“Thế lang đi đâu rồi?” – Nó hỏi lại

“Bị lão Tào lôi xuống Tầng Cuối tắm dầu rồi!” – Linh cười mà miệng ngoác ra tận mang tai

“Bậy! Lang đầu thai rồi! Cụ Yến mà nghe thấy được thì cụ đè mày chết con ạ!”

Chả biết đứa nào được cụ đè cho bẹp xác trước tiên nếu cụ nghe được cả hai con nói thế. Từ hôm ấy, nó chính thức nhập cư vô làng, cụ Yến giao cho nó ối việc để làm và hầu hết đều liên quan đến thuốc men: lên núi hái cây này, vào rừng Quyết nhổ cây này rồi trèo cây hái quả đập nát ra lấy hạt..v..v…Cứ thế cho đến tối và hai con chim lợn kia trốn biệt mất tăm.

Đêm ấy tụi nó ở nhà cụ, cả bọn xúm xít vây quanh ngọn lửa bập bùng cháy trên đống củi đặt giữa gian, trên tường lại có giá treo những mẻ lá thuốc phơi khô quắt lại như lá chè thành ra nhà cụ Yến lúc nào cũng thoang thoảng mủi thơm của các loại thảo mộc, ngọn lửa như đuổi đi những cơn gió lạnh thấu xương, trăng tròn vằng vặc như càng tô đậm thêm cái hoang vu vắng vẻ buổi đêm nơi đây.

Linh mở lời:

“Cảm ơn cụ cho bọn con ăn…”

“Tao cho mỗi cái Phi ăn cơ mà, phần của bọn mày quái đâu mà bày đặt cảm ơn” – Cụ quay sang gắt

“Ơ…cụ ơi… Con tên Thi chứ không phải Phi…” – Nó đính chính với cụ

Cụ cười nhưng vẫn gọi nó là Phi suốt ba năm sau đó. Chả biết cụ bị lãng tai hay là giả vờ lãng tai nữa…

“Ơ thế cụ ơi, cụ sang làng Tranh họp có việc gì thế ạ?” – Trang mở to đôi mắt của nó ra, chớp liên hồi nhìn cụ

“Không phải việc
của bọn mày!” – Cụ lại gắt

“Bọn con cũng làm việc cho thí… quên, ông Vương mà cụ, cần phải phổ biến cho toàn dân chứ! Bọn con mà làm hỏng việc hay bị làm sao là tại cụ cả đấy!” – Linh đon đả

Cụ Yến đang xếp quây tròn đống củi trên lửa cho cháy đượm hơn, cụ quay sang lườm hai con dở hơi ( đây là lí do vì sao dân làng gọi chúng nó là chim lợn) rồi thở dài, cụ nói:

“Ông Vương nói về việc con Châu. Lâu lắm rồi, có tất cả 10 vị vua cai quản Địa Ngục, gọi là Thập Điện Diêm Vương. Dưới trướng họ lại có hàng vạn, hàng nghìn Thần Chết được phân về để cai quản các Tầng. Dưới trướng Nhị Điện Diêm Vương là Sở Giang Vương lại có một Thần Chết tên khi tại thế là Châu, cái con đó lén lút làm ăn với bọn Quỷ Sứ ở Tầng Cuối, bí mật cho phép chúng nó lên Dương Giới giết người hàng loạt, mọi chuyện vỡ lở khi đỉnh điểm của việc thả Quỷ lên Dương Giới là Thế Chiến Lần 1, bao nhiêu người chết. Cán Cân Sinh Tử bị lệch hoàn toàn, lúc ấy Thập Điện Diêm Vương họp ở làng Tranh tổ chức trận đánh dẹp loạn, bọn Quỷ bị lôi về còn cái con kia bị Nhị Điện Diêm Vương phạt cho chết lên chết xuống rồi giam trong Lò Thiêu, người thay phiên túc trực, lúc nào cũng đảm bảo là lửa thiêng vẫn cháy ngùn ngụt. Các Chư Tiên, Phật Tổ rồi cả hai vị Nam Tào, Bắc Đẩu lại phải mang xuống Dương Giới nhiều sinh linh hơn, Nhất Điện Diêm Vương lại phải tăng tuổi thọ của con người cho dài hơn để cân bằng lại cái Cán Cân Sinh Tử. Tưởng đâu mọi chuyện xong xuôi thì bọn Quỷ Sứ lại tràn lên Tầng Một, cứu Châu rồi đưa nó về Tầng Cuối. Thế Chiến lần hai lại bùng nổ. Lần này người chết la liệt, đi đâu cũng khói đạn, xác người chất đống… Cán Cân lệch hẳn sang một bên, bên Sinh chuẩn bị rớt ra khỏi Cán Cân, Ngọc Hoàng Đại Đế mới họp bàn cùng các Chư Tiên, Thần Thánh và Thập Điện Diêm Vương cùng các Tử Thần ở các Tầng, quyết định mở cuộc đánh “Bình Trị” trên Dương Giới. Con khốn nạn kia thua cuộc rồi biến đi đâu không ai biết, bọn Quỷ Sứ bị đuổi về Tầng Cuối, Diêm Vương “tặng” chúng nó cái Cổng, khóa bằng phép để cấm chúng nó tạo phản… Ấy vậy mà đến bây giờ, Thập Điện Vương lại họp các bô lão, trưởng làng ở làng Tranh, bảo rằng các làng đang kêu có vài dấu hiệu cho thấy có thể cái con điên ấy vẫn đang tìm cách quay lại, dấu hiệu gì thì đợi các Tử Thần đi tìm hiểu mới biết được… Bọn bây lên Dương Giới nhớ cẩn thận!” – Nói rồi cụ quay sang phía hai con chim lợn

Không khí bỗng nặng nề hơn, nó bắt đầu thấy sợ và tưởng tượng ra cảnh hãi hùng ấy mà xảy ra lần nữa thì bố mẹ nó xuống đây ở hết với nó mất… Và cứ thế màn đêm buông xuống, như một tấm màn đen mịt và sâu thẳm, nó phủ lên toàn bộ làng… Ấy là đêm thứ hai nó ở nơi này, cô đơn và đầy nước mắt…

Đến bây giờ, tức là 3 năm sau, nó vẫn ở với cụ Yến và dường như đã quen với tất cả công việc mà cụ giao cho nó, tuy không qua sách vở nhưng nó biết hết loại cây nào phải nghiền bột rồi trộn với cây nào và trộn với nước bao nhiêu thì vừa. Cụ Yến lâu dần quý nó rồi chỉ bảo cho nó nhiều bài thuốc. Đối với nó giờ đây, sau 3 năm, nỗi nhớ nhà giờ chỉ còn là vết sẹo trong lòng, tuy nhỏ nhưng không thể lành được…

Lúc này cụ Yến đang cho nó tiếp xúc với một loại cây mới, khó hơn do phải nhớ cả cách nhổ để không bị hỏng cả cây nữa, thì bỗng chú Nghĩa chạy vào – chú Nghĩa là người to khỏe nhất làng (nếu không đem so với cụ Yến), chú là một Thần Chết và đứng đầu tiểu đội Thần Chết thường đi tuần xung quanh phạm vi làng do lệnh mới của Diêm Vương, chú vào hớt hải nói không ra hơi:

“B…Bẩm…c…cụ, *hộc hộc* ở trong rừng… rừng Quyết… Mời cụ ra xem…”

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN