Âm Dương Kì Bí Truyện - Chương 9: Thảo
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
117


Âm Dương Kì Bí Truyện


Chương 9: Thảo


Đã là hơn một tuần kể từ cái ngày Thi gặp Ngài Thập Điện. Cuộc sống của nó đã trở lại bình thường, nhờ có bài thuốc trị thương của cụ Yến mà chân nó đã gần như đã lành hoàn toàn. Thế nhưng, kể từ vụ đó, Thi bỗng trở thành người nổi tiếng, khắp nơi khắp cõi của cái Âm Giới này không ai là không biết đến “Con bé làng Lang Đồng cứu cả Tầng Một’’. Cho dù là đi đâu hay làm gì, Thi đều dễ dàng trở thành tâm điểm mọi cuộc chuyện trò của các cô dì chú bác ở quán nước chị Diệp. Cái bản mặt của nó đã được trưng trên các bảng thông báo của làng cùng với các lời tuyên dương khen ngợi không ngớt của các bô lão.

Việc nổi tiếng của Thi cũng có cái lợi khá lớn, việc bán thuốc của cụ Yến lên như diều gặp gió, không chỉ có dân trong làng mà còn là dân từ rất nhiều làng, nhiều vùng khác nhau đổ xô về làng Lang Đồng. Người ta đến mua thuốc một phần là do thuốc chất lượng, một phần là do tò mò và muốn nhìn tận mặt con bé mà đã giúp triều đình triệt cả một tổ Quỷ lớn. Tuy nhiên việc này cũng đem lại khá nhiều phiền toái cho nó: có quá nhiều sự chú ý, có quá nhiều sự tò mò, có quá nhiều lời bàn tán và cả những ánh mắt soi mói về cách sống cũng như một vài vấn đề riêng tư khác… ‘’Trương Khánh Thi’’ chính là cái tên đang được quan tâm nhất hiện nay, cái điều mà càng lúc khiến cho cuộc sống của nó trở nên thật sự bất tiện khi mà mấy bà cô ‘’giàu có’’ nhưng ‘’mê tín’’ bắt đầu lập điện thờ nó.

—-

Hôm nay là ngày giỗ của Thi, cái ngày mà ba năm trước nó đang vi vu trên đường cùng đứa bạn thì bị Linh và Trang kéo xuống dưới này… Nếu như người sống họ thường kỉ niệm ngày mình sinh ra bằng một bữa tiệc sinh nhật với bánh kẹo quà cáp thì người chết cũng vậy, chỉ có điều họ ‘’kỉ niệm’’ ngày chết của mình bằng cách lên Hẻm, về nhà, cùng con cháu ăn bữa giỗ và nhận đồ vàng mã được gửi. Riêng Thi thì khác. Ba năm, ba ngày giỗ mà cả ba lần lên Hẻm về nhà, nó đều thấy cảnh nhà vắng tanh, không hề có một điều gì cho thấy rằng cả gia đình đang chuẩn bị mâm cỗ lớn mà đơn thuần chỉ là bữa cơm bình thường. Thế nhưng đồ vàng mã thì vẫn được gửi đều. Khi thì là phấn son, gương rồi váy vóc, giày dép… Hồi còn sống, còn lâu nó mới động vào mấy thứ như vậy, nhưng có vẻ như bố mẹ nó vẫn nghĩ nó là con gái và chí ít là một đứa mười bảy tuổi rồi, cũng phải biết son phấn chứ:

‘’Trời, năm nào bố mẹ mày cũng gửi son mà tao đâu có thấy mày dùng đâu? Toàn đem bán cho mấy bà chị trong làng mà…’’

Vẻ mặt của Linh tỏ rõ sự khó hiểu về mấy cái bộ son mà bố mẹ Thi gửi cho con gái họ. Thi trả lời:

‘’Tao ước tao nói được với bố mẹ là tao không có cần mấy thứ này…’’

Trang cầm lên một hộp son, giơ lên trước mặt ngắm nghía. Tất cả đống đồ mà Thi nhận được đều là son và chỉ có hai ba bộ váy màu mè mà nó nghĩ rằng là của bác nó gửi. Ba năm rồi mà ngày giỗ năm nào nó cũng nhận được những thứ như vầy, và chắc chắn nó sẽ làm cái điều mà nó luôn làm mỗi khi nhận được đồ nhà gửi: đem bán bớt đi.

“Thi! Hôm nay thế nào? Vẫn là son à?”, chị Trâm hồ hởi hỏi nó khi thấy con bé bước ra. Thi mỉm cười như mếu:

“Chị có lấy không? Toàn loại mới…”

Không để Thi nói hết câu, chị Trâm trả lời luôn:

“Có chứ! Tốt quá! Cảm ơn em!”

Vốn dĩ chị Trâm lấy son không phải là để dùng, chị lấy để chị bán. Son mà Thi có lúc nào cũng là loại son mới và đẹp nhất của Dương Giới vì vậy mà những thỏi son này bán rất đắt và hầu như chỉ có những bà chị bà cô là con gái, phu nhân của quan mới mua nổi. Đó là lí do vì sao mà cứ đến ngày giỗ của Thi thì chỉ có một người duy nhất vui ra mặt.

Chị Trâm vui vẻ bước đi, trên tay treo một giỏ đầy những hộp son đắt tiền của Thi. Hai bộ váy còn lại, đang được xếp gọn gàng trong cái hộp quà thắt nơ lịch sự, khá đẹp nhưng là váy dành cho trẻ con và rất thích hợp để làm quà cho Thảo – một cô bé 14 tuổi từng là một thành viên của Đội Thiếu Nhi Cứu Quốc nhưng không may em bị địch giết trong một trận mai phục năm 1943. Năm nào Thi cũng đem váy đến tặng cho cô bé ấy, một cô bé tội nghiệp có tuổi thơ gắn liền với tiếng bom đạn rít bên tai.

“A! Chị Thi!”

Thảo tươi cười, nhón chân sáo chạy ra đón Thi. Lúc nào cũng vậy, con bé lúc nào cũng trông tươi cười hồn nhiên, trông như chẳng có gì phải phiền hà về sự hi sinh của mình. Thi cười với cô bé nhưng ngay sau đó nó chuyển ảnh mắt của mình về phía ngực trái của Thảo:

“Thảo à! Máu em lại thấm đẫm cái váy rồi… Em đã băng bó vết thương chưa vậy?”

Con bé giật mình, cúi xuống nhìn cái đống đỏ lòm đang ngày một lan rộng trên cái màu trắng tinh của bộ váy. Máu cứ thế thấm đẫm một khoảng lớn trên thân rồi chảy giọt xuống đến chân váy rồi nhỏ xuống đất. Viên đạn xuyên qua ngực Thảo năm ấy, để lại cho cô bé một vết thương hở không thể liền và hai năm trở lại đây, lúc nào Thi cũng thấy con bé ra đón mình trong tình trạng máu thấm ngực…

“Đứng đợi đây nhé! Để chị về lấy bông băng cho em…”

Con bé ngăn Thi lại ngay lập tức, từ chối một cách gay gắt:

“Em không sao! Chị không cần phải về đâu! Em vừa gặp cụ Yến, cụ đã băng cho em rồi! Đây là váy cũ em mặc lại thôi chị à…”

Thi nhìn con bé bằng ánh mắt thương hại, con bé ở một mình trong căn chòi nhỏ của một cụ ông nào đó đã đầu thai chuyển kiếp khoảng chục năm trước. Một mình Thảo phải bươn chải với cuộc sống, có khi nó không cả có thời gian giặt bộ váy cho mình cũng nên…

“Ừ… Được rồi… Đây! Hai bộ váy nữa, một bộ sọc đen và một bộ hoa hồng nữa… Em thấy đẹp chứ?”

Nói rồi Thi chìa ra cái hộp vuông thắt nơ lịch sự trước mặt Thảo, mỉm cười. Con bé mỉm cười, vẫn cái nụ cười tươi rói ấy, đưa hai tay ra đón lấy hộp quà. Con bé vui đến mức mở luôn hộp quà và thốt lên một tiếng đầy thích thú khi ướm thử bộ váy lên người:

“Trời, đẹp quá chị Thi ơi! Em cảm ơn chị nhiều lắm!”

Thi cười nấc lên khi trông thấy cái điệu bộ mắc cười của con bé, nó cứ nhảy cẫng lên và cười hớn hở thích thú không sao tả nổi…

Mặc dù vẫn quan ngại về cái váy đang chuyển từ trắng sang đỏ của Thảo nhưng cô bé có vẻ như chẳng quan tâm đến điều nó. Bất chợt, con bé ngừng cười, sững lại một lúc… Và nụ cười lại xuất hiện trên môi con bé sau một tiếng “À”:

“Sáng nay, em vừa nhận được thông báo! Chị Thi à, em sắp được chuyển kiếp rồi! Là kiếp Người chị ạ!”

Một tiếng reo vui sướng được thốt ra từ miệng cô bé nhưng Thi cảm nhận như con bé không mong đợi điều ấy, cái nụ cười của Thảo trông càng lúc càng gượng, mặt cô bé chuyển buồn và rưng rưng nước…

Đêm đó Thi bắt đầu thấy băn khoăn, day dứt. Ánh trăng bạc rọi qua tấm mành, tiếng ve kêu râm ran trong các lùm bụi quanh vườn. Cái sự thanh vắng đêm khuya như càng tô đậm thêm nỗi buồn của Thi, cái nỗi buồn đeo đẳng sau khi nghe câu nói của Thảo, tiếng nói đứt quãng bởi sự nghẹn ngào:

“Em muốn ở đây! Em sợ em sẽ không nhớ gì về chỗ này hết… Nhưng em sợ… Sợ lắm chị ơi…”

Cụ Yến, sau chuyến đi từ làng Tranh về, đang mở cổng và bước vào. Chào đón cụ không phải là nụ cười hay sự hớn hở của bọn trẻ mà là vẻ mặt trầm tư của Thi, nó đang nhìn chằm chằm vào một khoảng không vô định nào đó phía sân sau mà không hề để ý cụ Yến đang tiến lại gần từ đằng sau…

“Sao thế Thi? Sao giờ này con còn chưa đi ngủ?”

Thi giật mình, ngoái lại. Lúc đó cái vẻ mặt hốt hoảng của nó bắt đầu giãn dần ra thành một nụ cười:

“Ôi, cụ! Cụ đi đâu sao giờ này mới về?”

Cụ Yến cười một cách hiền hậu, cụ ngồi xuống bên nó. Cả hai cùng đưa mắt nhìn ra phía sân sau: đám đom đóm như những con ma trơi, lập lòe trên những bông hoa dại trắng muốt, rung rinh mỗi khi có ngọn gió nào đó thoảng qua. Tiếng chuông gió treo ở hiên nhà cũng đang kêu lên những tiếng vui tai như hát lên theo từng ngọn gió…

“Con đang nghĩ đến bé Thảo, cụ ạ. Hôm nay con đi gặp con bé…”

Cụ Yến cười, tóc cụ cũng đang bay phất phơ theo gió:

“Con đến cho váy con bé hả? Nó thích chứ?”

Thi cũng mỉm cười, trong đầu nó đang hiện lên hình ảnh của một bé gái với khuôn mặt tròn và bầu, tóc được cột cao và trên môi lúc nào cũng nở nụ cười tươi rói. Cô bé ấy đang xuýt xoa cái váy mới đang mặc trên người, tiếng cười rúc rích của con bé cứ cất lên nghe như tiếng nhạc vui tai:

“Dạ có… Con bé thích lắm. Với lại con bé đang có chuyện vui cụ ạ, nó nói nó sắp được đầu thai. Con bé cười nhiều lắm, cười đến nỗi máu cứ bắn ra theo mỗi tiếng cười rít của nó… Mà từ giờ cụ hãy để con băng cho con bé nhé, chứ dạo này con thấy máu con bé cứ sũng cả cái váy, trông gớm lắm!”

Thi sắp khóc, nó buồn khi nghĩ đến việc Thảo chuyển kiếp, nó sẽ không được thấy nụ cười của con bé trong một khoảng thời gian e rằng là mãi mãi. Nhưng cũng nên vui vì con bé không phải sống một mình nữa, nó sắp có một cuộc sống mới…

“Vậy thì tốt cho con bé! Hi vọng nó được sinh ra trong một gia đình tốt, chứ nó khổ nhiều rồi! Tội nó… Mà thôi, muộn quá rồi! Đi ngủ thôi Thi!”

Cụ Yến vỗ vai Thi, thúc nó đứng dậy vào buồng ngủ. Cụ đứng dậy, bước đi một cách chậm rãi, rồi lại cút rượu ở trên giá phơi, cụ với xuống rồi đem vào buồng. Thi đứng đó, mắt vẫn nhìn ra sân sau, cái khung cảnh tuyệt đẹp của buổi đêm mà cách đây mấy tuần nó còn nghĩ nó sẽ không còn được thấy nữa. Hít một hơi thật sâu, Thi quay gót, lững thững tiến thẳng vào trong buồng…

“À mà Thi này…”

Cụ Yến gọi với nó từ buồng của cụ, cụ nói tiếp:

“Ta chưa bao giờ băng bó vết thương cho Thảo…”

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN