Âm Mưu Ngày Tận Thế - Chương 28
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
123


Âm Mưu Ngày Tận Thế


Chương 28


Ngày thứ chín.

Fort Smith, Canada.

Fort Smith nằm ở vùng Các lãnh thổ Tây Bắc là một thị trấn thịnh vượng với hai nghìn dân phần đông là chủ trại và những người chăn nuôi gia súc cùng với một số ít thương nhân. Khí hậu ở đây khắc nghiệt, với những mùa đông đài và băng giá, còn bản thân thị trấn nầy là một bằng chứng sống động đối với thuyết Darwin về sự tồn tại của những gì thích nghi nhất.

William Mann là một trong những sinh vật thích nghi đó, một kẻ sống sót. Ông ta sinh ra ở Michigan, nhưng hồi ngoài ba mươi tuổi, đã đến Fort Smith trên một chiếc tàu đánh cá và cho rằng cộng đồng nơi đây cần có một nhà băng tốt hơn. Ông ta đã chộp được cơ hội. Ở đó chỉ còn một nhà băng khác nữa và William Mann mất không đầy hai năm để đẩy đối thủ của mình ra ngoài cuộc đấu. Mann điều hành nhà băng rất đúng cách. Vốn say mê toán học, ông ta coi sóc để sao cho những con số luôn luôn là có lợi cho mình. Ông rất hay nói tới câu chuyện đùa về một người đàn ông đến một ông chủ nhà băng mượn tiền cho một ca mổ khẩn cấp cho đứa con nhỏ của mình. Khi người vay tiền nói không có gì thế chấp, ông chủ nhà băng bèn đuổi ông ta ra.

– Tôi sẽ đi, – người đàn ông nói, – nhưng tôi muốn bảo cho ông biết rằng cả đời tôi chưa bao giờ thấy ai nhẫn tâm như ông cả.

– Đợi một chút, – Ông chủ nhà băng đáp lại. – Tôi sẽ cho ông một khả năng nầy. Một trong hai con mắt tôi làm bằng thuỷ tinh. Nếu ông có thể nói đó là bên mắt nào, thì tôi sẽ cho ông vay.

– Con mắt trái của ông. – Ngay lập tức, ông vay tiền đáp.

– Không ai biết chuyện nầy cả. Làm sao mà ông có thể đoán được? – Ông chủ nhà băng kinh ngạc.

– Thật dễ thôi. Trong một thoáng, tôi tưởng là đã thấy một ánh nhìn thông cảm ở con mắt bên trái, bởi vậy tôi biết nó là con mắt thuỷ tinh.

Câu chuyện đó, đối với William Mann, là bài học tốt cho một nhà kinh doanh. Người ta không thể buôn bán trên cơ sở sự thông cảm. Phải nhìn xuống mức thấp nhất. Trong khi các nhà băng khác ở Canada và Mỹ đổ liểng xiểng thì nhà băng của William Mann mạnh hơn bao giờ hết. Nguyên tắc của ông ta rất đơn giản: Không cho vay tín dụng để khởi đầu công việc làm ăn. Không đầu tư với những trái phiếu vô tích sự. Không cho những người láng giềng vay, dù họ đang có đứa con cần được giải phẫu gấp.

Mann hết sức kinh hãi trước hệ thống nhà băng Thuỵ Sĩ Những ông thần giữ của ở Zurich là chủ của các chủ nhà băng. Bởi vậy, một hôm, William Mann đã quyết định phải đi Thuỵ Sĩ, trao đổi với một vài ông chủ nhà băng ở đó để xem ông ta còn thiếu sót gì không, còn cách nào để có thể vắt thêm từng xu Canada được không. Ông ta đã được tiếp đón tử tế, nhưng rốt cuộc thì cũng không học được gì thêm. Các phương thức kinh doanh ngân hàng của ông ta là đáng ngưỡng mộ, và các ông chủ nhà bằng Thuỵ Sĩ đã không hề ngần ngại nói ra điều đó.

Hôm phải lên đường trở về, Mann quyết định tự cho mình một cuộc du ngoạn trên dãy Alps. Chuyến đi thật chán ngắt. Phong cảnh thì đẹp, nhưng cũng chẳng hơn gì cảnh quan Fort Smith. Một trong số những du khách, một người Texas, đã cả gan toan thuyết phục ông ta cấp tín dụng cho một cái trang trại đang vỡ nợ: ông ta đã cười vào mũi gã. Điều duy nhất trong chuyến đi được coi là có chút thích thú, chính là vụ tai nạn của cái gọi là đĩa bay kia. Trong một giây, Mann đã không tin vào sự thật đó. Ông ta tin đó là do chính phủ Thuỵ Sĩ bày đặt ra để gây ấn tượng cho khách du lịch. Ông ta đã từng đến Thế giới Walt Disney, và đã nhìn thấy những điều tương tự, trông thì như thật nhưng lại là giả. Đó là con mắt thuỷ tinh của Thuỵ Sĩ, ông ta mỉa mai thầm nghĩ.

William Mann sung sướng được trở về nhà.

Từng phút của ông chủ nhà băng nầy đều được ấn định tỉ mỉ cho mỗi ngày làm việc, và khi viên thư ký bước vào nói có một người lạ muốn được gặp, thì ý nghĩ đầu tiên của Mann là mời ông ta đi.

– Ông ta muốn gì?

– Ông ta nói muốn phỏng vấn ông. Ông ta đang viết một bài báo về các chủ nhà băng.

Đó lại là vấn đề hoàn toàn khác. Sự xuất hiện đúng cách là tốt cho công cuộc kinh doanh. William Mann chỉnh lại chiếc áo khoác, vuốt tóc ngay ngắn, và nói:

– Đưa ông ta vào.

Khách là một người Mỹ, ăn mặc sang trọng, điều đó chứng tỏ ông ta làm việc cho một tạp chí hoặc một tờ báo lớn.

– Ông ỉà Mann phải không ạ?

– Phải.

– Tôi là Robert Bellamy.

– Thư ký của tôi nói rằng ông muốn viết một bài báo về tôi.

– Ồ không phải là hoàn toàn về ông, – Robert nói. – Nhưng tất nhiên là ông sẽ nổi bật trong đó. Tờ báo của tôi.

– Tờ nào vậy?

– Nhật báo Wall Strees.

– À thế thì tuyệt vời.

– Tờ Nhật báo cảm thấy rằng hầu hết các chủ nhà băng đều quá xa rời với những gì đang xảy ra trên thế giới. Họ ít khi di chuyển, họ không chịu đi tới những nước khác. Trái lại, thưa ông Mann, ông có tiếng là rất hay đi.

– Tôi nghĩ là như vậy, – Mann nói một cách khiêm nhường. – Thực tế là tôi vừa mới trở về từ chuyến đi Thuỵ Sĩ tuần trước.

– Thật thế ư? Ông có hài lòng với nó không?

– Có. Tôi đã gặp gỡ một vài chủ nhà băng ở đó. Chúng tôi đã thảo luận về các vấn đề kinh tế thế giới.

Robert đã rút ra một cuốn sổ và đang ghi chép.

– Ông có thời gian giải trí không?

– Không hẳn. Ờ, tôi có một chuyến đi du ngoạn bằng xe bus. Trước đây, tôi chưa bao giờ được thấy dãy Alps.

Robert ghi chép thêm một chút.

– Một chuyến du lịch. Đó chính là cái mà chúng tôi đang tìm kiếm, – Robert nói đầy vẻ khuyến khích. – Tôi hình dung là ông đã gặp nhiều người đáng mến trên chuyến xe bus đó.

– Đáng mến ư? – Ông ta nghĩ đến cái người đàn ông Texas toan vay tiền. – Không hẳn là như thế.

– Ô?

Mann nhìn ông khách. Tay phóng viên nầy rõ ràng là chờ ông ta nói thêm. “Tất nhiên là ông sẽ nổi bật trong đó”

– Có một cô gái người Nga.

– Thế ư? Hãy nói với tốt về có ta. – Robert ghi vào sổ.

– Ồ, chúng tôi bắt chuyện với nhau, và tôi đã giải thích cho cô ta hiểu nước Nga lạc hậu như thế nào và đang hướng tới những khó khăn khủng khiếp ra sao, trừ phi họ thay đổi.

– Hẳn là cô ta bị gây ân tướng rất mạnh, – Robert nói.

– Ồ có chứ. Có vẻ là một cô gái thông minh. Nghĩa là với người Nga. Ông biết đấy, tất cả họ đều bị cô lập quá. Cô ta có nói tên không?

– Không, à…, khoan nào. Olga gì đó.

– Cô ta có ngẫu nhiên nói là từ đâu tới không?

– Có. Cô ta làm việc tại một thư viện lớn ở Kiev.

Đó là chuyến đi nước ngoài đầu tiên của cô ấy, tôi đoán, là nhờ có cải tổ. Nếu như ông muốn biết ý kiến của tôi… – Ông ta ngừng lời để cho Robert ghi lại – Về mặt chính trị, Gorbachev đi quá nhanh, còn về mặt kinh tế thì ông ta lại đi quá chậm.

– Thật là kỳ lạ. – Robert lẩm bẩm.

Anh bỏ ra nửa giờ nữa với tay chủ nhà băng, nghe những bình luận chủ quan của ông ta về đủ mọi thứ, từ Thị trường chung đến kiểm soát vũ trang. Anh đã không thể có thêm thông tin gì về những hành khách khác.

° ° °

Khi Robert trở về khách sạn, anh gọi ngay cho tướng Hilliard.

– Xin chờ một chút, ông chỉ huy Bellamy.

– Anh nghe thấy một loạt tiếng lách cách, và rồi tiếng tướng Hilliard vang lên.

– Có! Ông sĩ quan?

– Thưa tướng quân, tôi vừa tìm ra một hành khách nữa.

– Tên?

– William Mann. Ông ta có một nhà băng ở Fort Smith, Canada.

– Cảm ơn. Tôi sẽ báo cho giới chức Canada nói chuyện với ông ta ngay lập tức.

– Nhân thể có việc là ông ta trao cho tôi một manh mối khác. Tối nay tôi sẽ phải bay đi Nga. Tôi cần có một thị thực của Intourist Nga.

– Ông đang gọi từ đâu đấy?

– Fort Smith.

– Dừng lại khách sạn Visigoth ở Stockholm. Sẽ có một phong bì cho ông ở chỗ tiếp tân.

– Cảm ơn ngài.

° ° °

Vào lúc 11 giờ đêm hôm đó, chuông cửa nhà William Mann réo vang. Ông ta không hề đợi ai, và càng không ưa những khách viếng thăm bất ngờ. Người quản gia đã nghỉ, và vợ ông ta đang yên giấc trong phòng riêng trên gác. Khó chịu, Mann ra mở cửa. Hai người đàn ông mặc đồ đen đứng sững trước ông.

– Ông là William Mann phải không?

– Phải.

Một trong hai người kia rút ra tấm căn cước.

– Chúng tôi ở Ngân hàng Canada. Chúng tôi có thể vào được không?

– Có chuyện gì vậy? – Mann chau mầy.

– Chúng tôi muốn thảo luận ở trong nhà, nếu như ông không phản đối.

– Được – Ông ta dẫn họ vào phòng khách.

– Mới đây ông đến Thuỵ Sĩ phải không?

– Câu hỏi làm cho ông ta bị bất ngờ.

– Cái gì? Phải, nhưng có chuyện quái quỷ gì thế?

– Trong thời gian ông đi vắng, chúng tôi đã kiểm tra sổ sách của ông, ông Mann. Ông có biết là tại ngân hàng của ông thiếu hụt một triệu đô la không?

William Mann nhìn hai người đàn ông, thất kinh.

– Các ông nói cái gì vậy? Tuần nào tôi cũng đích thân kiểm tra sổ sách mà. Chưa bao giờ thiếu một đồng xu nào cả.

– Một triệu đô la, thưa ông Mann. Chúng tôi nghĩ là ông phải chịu trách nhiệm biển thủ số tiền đó.

Mặt đỏ bừng lên, Mann thấy mình lắp bắp.

– Sao, sao các người dám… Cút khỏi đây ngay trước khi tao gọi cảnh sát.

– Điều đó chẳng có lợi gì cho ông cả. Cái chúng tôi muốn ở ông là phải biết hối hận.

Lúc nầy, ông ta nhìn họ chằm chằm, tức tối.

– Hối hận? Hối hận chuyện gì hả? Các người điên rồi.

– Không đâu, thưa ông.

Một trong hai người đàn ông rút ra một khẩu súng.

– Ông Mann, ngồi xuống.

– Ôi, lạy Chúa! Mình bị cướp rồi.

– Nầy, – Mann nói, – hãy lấy bất kỳ thứ gì các người muốn. Không cần phải bạo hành và…

– Xin mời ngồi xuống.

Người đàn ông thứ hai bước đến bên tủ rượu. Nó bị khoá. Hắn đập vỡ tấm kính và lấy ra một cái cốc uống nước lớn, rót đầy rượu và mang đến chỗ Mann đang ngồi.

– Uống đi. Nó sẽ làm cho ông thấy thoải mái.

– Tôi, tôi không bao giờ uống sau bữa tối. Bác sĩ của tôi…

– Uống đi, nếu không cái ly sẽ đầy óc của ông đấy. – Gã kia dí súng vào thái dương Mann.

Bây giờ thì Mann hiểu là mình đang ở trong tay hai thằng điên. Ông ta run run cầm cốc rượu lên và uống một ngụm.

– Uống cạn đi.

Ông ta uống một ngụm lớn hơn.

– Các các ông muốn gì? – Ông ta cất cao giọng, hy vọng rằng bà vợ có thể nghe thấy và đi xuống nhà, nhưng đó chỉ là một mong muốn tuyệt vọng. Ông biết rõ bà luôn ngủ say như chết. Rõ ràng là hai người nầy đến để cướp bóc. Tại sao họ không vơ vét rồi chuồn đi nhỉ?

– Muốn lấy gì thì lấy, – Ông ta nói. – Tôi sẽ không ngăn trở gì.

– Uống nốt đi.

– Không cần phải thế nầy. Tôi…

– Uống nốt đi.

Gã đàn ông đánh mạnh vào phía trên tai, Mann kêu lên đau đớn.

Ông ta uống nốt chỗ Wishky còn lại và cảm thấy choáng váng.

– Két của tôi ở trong phòng ngủ trên gác, – Ông ta nói, giọng bắt đầu líu lại. – Tôi sẽ mở nó cho các anh. – Có thể điều đó sẽ làm cho vợ mình thức giấc và bà ta sẽ gọi điện cho cảnh sát.

– Không vội gì, – gã cầm súng nói. – Ông có nhiều thời gian để uống.

Người thứ hai đi lại chỗ tủ rượu và rót đầy một ly khác.

– Đây!

– Không, thật mà, – William Mann phản đối. – Tôi không muốn.

Ly rượu được ấn vào tay.

– Uống đi.

– Tôi thật sự không…

Một quả đấm giáng vào chỗ bị đáng súng đập. Mann suýt ngất đi vì đau đớn.

– Uống đi.

Thôi được nếu như đó là điều chúng mầy muốn thì sao lại không nhỉ? Cơn ác mộng nầy càng qua nhanh càng tốt. Ông ta uống một ngụm lớn và đưa tay bịt miệng.

– Nếu như tôi uống nữa, tôi sẽ nôn mất.

– Nếu như mà nôn, tôi sẽ giết ông. – Gã kia nói ngay.

Mann ngước nhìn hắn, rồi gã cùng đi với hắn. Dường như cứ mỗi tên biến thành hai vậy.

– Các người muốn gì cơ chứ? – Ông ta lẩm nhẩm.

– Ông Mann, chúng tôi đã nói rồi. Chúng tôi muốn ông hối hận.

– Được Tôi hối hận. – William Mann ngật ngưỡng gật đầu.

Hai gã mỉm cười.

– Ông thấy đấy, đó là tất cả những gì chúng tôi yêu cầu Bây giờ… – Hắn ấn một mẩu giấy vào tay Mann. – Tất cả những gì ông phải làm là viết. Tôi xin lỗi. Hãy tha thứ cho tôi…

– Có thế thôi hả? – William ngước mắt lên vẻ u muội.

– Thế thôi. Và rồi chúng tôi sẽ đi khỏi đây.

Ông ta đột nhiên cảm thấy phấn chấn. Vậy là chuyện chỉ có thế Họ là những kẻ cuồng tín. Ngay sau khi họ đi, mình sẽ gọi cảnh sát và cho bắt hết. Mình sẽ kiện để những kẻ khốn kiếp nầy bị treo cổ.

– Viết đi ông Mann.

Ông ta thấy khó tập trung đầu óc.

– Anh nói anh muốn tôi viết gì hả?

– Hãy viết, “Tôi xin lỗi. Hãy tha thứ cho tôi”.

– Phải. – Ông ta cầm bút một cách khó khăn, cố tập trung và bắt đầu viết. “Tôi xin lỗi. Hãy tha thứ cho tôi!”

Gã nhặt mảnh giấy từ tay Mann, những ngón tay cầm sát mép giấy.

– Ông Mann, thế là tốt. Thấy dễ dàng chưa?

Căn phòng bắt đầu quay cuồng.

– Phải. Cảm ơn. Tôi đã hối hận. Bây giờ thì các anh đi chứ?

– Tôi thấy là ông thuận tay trái?

– Sao cơ?

– Ông thuận tay trái.

– Đúng.

– Gần đây, vùng nầy có nhiều tội phạm, ông Mann. Chúng tôi sẽ để cho ông giữ khẩu súng nầy.

Mann cảm thấy một khẩu súng được đặt vào bàn tay trái mình – Ông có biết sử dụng một khẩu súng như thế nào không?

– Không.

– Rất đơn giản. Ông dùng như thế nầy nhé… – Gã ta đàn ông nâng khẩu súng lên thái dương William và miết ngón tay của ông chủ nhà băng lên cò súng.

Một tiếng nổ bị bóp nghẹt. Mẩu giấy dính máu được thả xuống sàn nhà.

– Thế là xong, – một trong hai gã nói. – Chúc ngủ ngon, ông Mann.

Điện khẩn.

Tối mật.

CGHQ gửi Phó giám đốc NSA.

Không ghi chép lại.

Bản số 1 duy nhất.

Trích yếu: Chiến dịch Ngày Tận Thế.

7. William Mann – Fort Smih – Đã bị thủ tiêu

Hết.

° ° °

Ngày thứ mười.

Fort Smith, Canada.

Sáng hôm sau, các nhân viên thanh tra ngân hàng báo cáo về việc mất một triệu đô la tại nhà băng của Mann. Cảnh sát đã xếp cái chết của Mann vào dạng tự sát.

Khoản tiền bị mất kia chẳng bao giờ được tìm thấy.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN