Anh Hùng Lĩnh Nam - Chương 8: Thế sự du du nại lão hà
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
202


Anh Hùng Lĩnh Nam


Chương 8: Thế sự du du nại lão hà


Thế sự du du nại lão hà (1)

(Đặng Dung, Thuật hoài)

Nghĩa là:

Thế sự buồn thay, làm sao bây giờ?

Đào Kỳ thấy Nguyễn Phan tuy thân lao tù, mà lòng còn lo cho môn hộ thì không khỏi động tâm thương cho lão:

– Tiền bối, nếu tiền bối không chịu đọc nội công tâm pháp cho chúng thì
chúng sẽ giết tiền bối. Cháu nghĩ: Khổng-tử trông giòng nước chảy mà đưa ra thuyết Tuỳ-thời. Vậy tiền bối hãy giả vờ đọc nội công tâm pháp cho
chúng, nhưng cố ý đọc sai đi, sao cho chúng luyện mà không có kết quả,
có hơn không?

Nguyễn Phan như tìm được một chân trời mới lạ, ông la lên:

– Ừ nhỉ, có thế mà ta nghĩ không ra. Được ta sẽ đọc sai cho chúng. Này tiểu hữu ơi, ta muốn nhờ ngươi một việc được không?

Đào Kỳ nói:

– Tiền bối muốn nhờ cháu việc gì?

Nguyễn Phan thở dài nói:

– Ta có bốn đệ tử, thì ba phản bội ta, còn có một trung thành thì lại
qua đời. Thành ra nội công Âm nhu, bài quyết về biến hoá của phái
Long-biên sợ sẽ mai một đi. Ta muốn tiểu hữu hãy chịu khó tập những võ
công của ta, rồi mang ra đời, tìm những người có đạo hạnh dạy cho họ, ta có chết xuống suối vàng cũng không đến nỗi tủi hổ với Vạn-tín hầu.

Đào Kỳ lắc đầu:

– Cháu khó mà làm như lời tiền bối dạy được. Vì cháu tập võ Cửu-chân từ
nhỏ, thiên về Dương cương. Bây giờ tập nội công Âm nhu e khó thành lắm.
Sợ chỉ làm uổng kỳ vọng của tiền bối mà thôi.

Nguyễn Phan nói:

– Cháu không hiểu hết ngọn nguồn, để ta nói cho mà nghe. Võ công
Cửu-chân, Long-biên, Hoa-lư vốn cùng một nguồn gốc ở Aâu-lạc mà ra.
Nguyên khi xưa An Dương vương dựng nước rồi truyền Vạn-tín hầu Lý Thân,
Trung-tín hầu Vũ Bảo Trung, Cao-cảnh hầu Cao Nỗ và chính ngài nữa hợp
nhau luận bàn, trao đổi võ công. Tước bỏ những gì phức tạp đi, lập thành võ học Aâu-lạc. Từ đấy võ công Aâu-lạc chỉ có một. Sau khi mất nước thì đệ tử của Vạn-tín hầu lập ra phái Long-biên, của Trung-tín hầu lập ra
phái Cửu-chân, của Cao-cảnh hầu lập ra phái Hoa-lư. Có điều các phái
trải qua đã 184 năm rồi, nên đời sau thêm thắt vào nhiều sáng kiến mới,
do vậy mới khác nhau, chứ sự thực là một. Cháu thử tập xem sao.

Ngừng một lúc, Nguyễn Phan nói:

– Trong các môn phái, thì từ người chưởng môn đến các đệ tử có cùng một
thứ chiêu thức, một thứ nội công. Riêng phái Long-biên thì không thế,
nội công Âm nhu chia làm hai: Một phần dạy chung cho các đệ tử, một phần chỉ dành riêng cho chưởng môn. Về kiếm pháp cũng thế, các chiêu thì đều tập như nhau. Nhưng giữa những chiêu rời rạc đó, không có những chiêu
thức nối liền. Người sử dụng từ chiêu này đến chiêu khác có chỗ sơ hở;
ngừng lại, thành ra địch thủ có chỗ mà tránh né. Còn người chưởng môn
được dạy một bài quyết, thêm 12 chiêu nữa, những chiêu này nối liên lạc
các chiêu rời rạc kia lại, thành ra người sử dụng kiếm cứ kéo thành một
sợi, liên miên bất tuyệt. Nhờ nội công, nhờ biến hoá đó, mà trình độ võ
công từ chưởng môn đến người đồng môn cách nhau rất xa. Do vậy bọn đệ tử mới phản ta, hy vọng tra khảo, để biết những thứ đó.

Nguyễn Phan bảo Đào Kỳ:

– Ngay ngày mai ta sẽ gọi bọn chúng đến, dạy nội công giả cho chúng. Còn cháu thì ta dạy thực. Cháu hãy lắng tai học thuộc tâm pháp trước đã.

Ông không cần biết Đào Kỳ thuận hay không, ghé tai nó đọc một hồi 18 câu tâm pháp, rồi ông bảo nó ngồi tĩnh toạ, thở hít.

Đào Kỳ không biết làm sao cãi được, đành ngồi vận công như Nguyễn Phan
nói. Nó vừa ngồi một lúc thì thấy người lạnh toát. Nó cố vận sức chống
đỡ được một lúc thì lại lạnh hơn nữa, cuối cùng nó run lên không chịu
được nữa.

Nguyễn Phan nói:

– Giỏi lắm, ngày xưa ta phải tập đến hai năm mới thấy được người lạnh
như vậy, mà bây giờ cháu chỉ mới tập hơn một giờ mà đã tiến mau như thế. Chỗ này tai vách mạch rừng, cháu không nên vào nhiều. Cứ mười ngày cháu lại vào cho ta kiểm, rồi lại truyền cho cháu tiếp. Khi nào nội công
cháu khá rồi, ta sẽ truyền kiếm pháp cho cháu. Thôi cháu về đi.

Đào Kỳ chào Nguyễn Phan, khoá cửa lại, rồi theo lối cũ trở về thì trời đã gần sáng.

Nó thấy buồn ngủ vội leo lên giường ngủ. Trong giấc ngủ nó thấy người lạnh toát, vội vận nội công Cửu-chân chống lại.

Nội công Long-biên thiên về Âm nhu, nội công Cửu– chân thiên về Dương
cương. Đào Kỳ luyện nội công Dương cương từ bé. Khi nội tức đầy, phải
chờ một thời gian nội tức phân tán khắp cơ thể mới luyện tiếp được. Nội
công phái Long-biên thiên về Âm nhu, luyện có kết quả thì người lạnh
toát, phải chờ một thời gian, nội tức phân phối đều mới tiếp được.
Nguyễn Phan không hiểu rành về lẽ Âm Dương, cứ dạy Đào Kỳ bừa, nó thông
minh tập được ngay. Không ngờ nó tập quá, thành ra Âm hàn nội tức tràn
đày. Trong giấc ngủ nó dùng nội công Cửu-chân chống lại. Vô tình cơ thể
nó là nơi hợp được Âm Dương mà nó không biết. Nó ngạc nhiên chiều hôm
qua thức suốt đêm, mà sao hôm nay lại khoẻ mạnh, yêu đời? Nó vội đến
phòng Phương Lan để lau bàn.

Hôm nay Lục Mạnh Tân dạy thêm cho Phương Lan về thuyết Âm Dương. Ông giảng rất lớn:

“… Trong cơ thể con người thì bao giờ Âm Dương cũng phải điều hoà. Hai luồng Âm Dương luôn luôn đấu tranh không ngừng để tồn tại. Đó là lý Âm
Dương hỗ tương đấu tranh.

Nhưng trong cơ thể không chỉ có một Âm, một Dương mà tồn tại được. Không có Âm thì cũng không có Dương. Bởi vậy khi Dương mất đi thì Âm cũng
không còn chỗ để đối vị nữa, cũng sẽ mất đi. Do vậy người ta mới nói Âm
Dương hỗ căn, nghĩa là Âm gốc ở Dương, Dương gốc ở Âm.”

Đào Kỳ như thức tỉnh dậy:

– Nội công của Cửu-chân là Dương, nội công của Long-biên là Âm. Ta tập
nội công Dương mãi, đầy trong người, nhưng không có Âm để tựa, thành ra
không tiến mau được. Còn nội công của phái Long-biên thì lại Âm hàn,
cũng không tiến mau được. Hôm qua sở dĩ ta tập có một giờ mà đã đạt được mức luyện tập hai năm của lão tiền bối Nguyễn Phan vì trong người ta có Dương khí mạnh, ta tập một lúc Âm hàn sinh ra hợp với Dương nhiệt thành một thứ nội tức mới. Trong giấc ngủ, ta thấy lạnh, vận nội công
Cửu-chân chống lại, đến sáng thì thấy bình hoà, người khoẻ mạnh thì ra
thế.

Đào Kỳ vô tình làm một điều tổng hợp nội công Âu– lạc, mà xưa chỉ có Vạn-tín hầu mới làm được, đến nó là người thứ nhì.

Từ đấy cứ mười ngày nó lại chui đường hầm đến thăm Nguyễn Phan. Hồi sau
này ông truyền nội công giả cho bọn phản đồ, nên Lê Đạo Sinh đã sai
người tiếp tế thức ăn cho ông ngon hơn. Chúng đã dọn phòng ông sạch sẽ
lại, lấy rơm làm cho ông một cái nệm. Chúng cũng cấp chăn, chiếu, quần
áo cho ông. Ông biết nếu truyền hết nội công cho chúng, thì chúng sẽ
giết ông. Ông bảo với chúng rằng cứ 15 ngày ông sẽ truyền cho mười câu.
Chúng tưởng thực, tỏ ra cảm động lắm.

Đào Kỳ tập như vậy được nửa năm, một hôm nó vào thăm Nguyễn Phan, ông đọc cho nó 20 câu nội công tâm pháp cuối cùng và nói:

– Trong 20 câu này, ta cũng không hiểu nốt. Sư phụ ta luyện cũng không
thành. Có lẽ xưa kia Vạn-tín hầu tưởng tượng ra, chứ chưa chắc ngài đã
tập được. Cháu cứ học thuộc lấy, rồi suy nghĩ, biết đâu cháu chẳng tìm
ra được sự thực.

Đào Kỳ thấy cái vòng sắt to bằng ngón tay ở chân Nguyễn Phan, nó cầm lên xem, thuận tay kéo thử, thì chiếc vòng từ từ mở ra. Nguyễn Phan trợn
tròn mắt lắp bắp…

– Trời ơi, cháu… cháu kéo ra được à?

Đào Kỳ cũng không ngờ mình có sức mạnh đó, nó cầm cái vòng còn lại kéo
thử, cái vòng cũng từ từ mở ra. Nó nhìn lại, hai mối hàn đã mở rộng. Nó
không hiểu ở đâu mình lại có sức mạnh như vậy.

Nó tỉnh ngộ nói:

– Cháu hiểu rồi, nội công Aâu-lạc có cả Âm lẫn Dương. Tập một Âm, hay
một Dương thì nội tức sinh ra sẽ biến đi, giữ lại rất ít cho cơ thể. Còn cháu tập cả Âm lẫn Dươnng thì Âm Dương hợp lại thành một nội tức mới,
thành ra tiến mau như vậy.

Nguyễn Phan than:

– Đúng là mệnh trời! Xui nên ta bị giam, cháu bị tan nát nhà cửa, vào
đây cứu ta, rồi hợp làm một. Những nội công ta dạy cháu có sáu tháng mà
bằng ta tập trên 40 năm. Lúc đầu ta tưởng cháu thông minh, không ngờ nó ở trong yếu tố Âm Dương. Bây giờ thì nội công của cháu hùng mạnh gấp mười ta. Ta đã từng bẻ cái gông sắt biết bao nhiêu lần mà không thành, nay
cháu chỉ kéo một cái đã nhả ra như vậy, thực hiếm có. Này cháu, bây giờ
ta có chết cũng yên tâm rồi. Cháu bóp cái vòng lại đi, không thôi bọn
phản đồ của ta nó biết, thì nó giết ta. Ta không cần ra khỏi đây, cứ
nhàn tản dạy cho cháu hết võ công của Long-biên rồi sẽ ra cũng không
muộn.

Từ đấy những đêm Đào Kỳ không vào thăm Nguyễn Phan thì nó thường chú ý
theo dõi xem bọn phản đồ tới nhà tù vào lúc nào, theo dõi hành tung của
chúng xem chúng có tin những khẩu quyết của Nguyễn Phan truyền cho
không. Quả nhiên nó chờ không lâu, hai đêm sau thấy bọn phản đồ mang
thức ăn vào nhà tù hơn giờ rồi trở ra. Đào Kỳ lấy khăn bịt mặt rồi theo
bén gót. Bọn phản đồ đến dãy nhà số hai, mở cửa đẩy vào. Đào Kỳ núp dưới cửa sổ nhìn, trong phòng đã có Hoàng Đức chờ sẵn.

Hoàng Đức hỏi:

– Thế nào, hôm nay lão quái có truyền nội công tâm pháp cho ba vị không?

Mai Huyền Sươnggật đầu:

– Mười câu nữa! Chúng ta thử mang ra bàn xem sao. Lão quái nói rằng
trong khi tập sở sĩ chúng ta không thấy kết quả, là vì tâm trí bị giao
động. Khi tập mười câu quyết này tuyệt đối đình chỉ mọi hoạt động.

Hoàng Đức tỏ vẻ không tin:

– Tôi nghĩ lão quái bịa đặt hoặc thay đổi những câu quyết đi chăng? Chứ
không lý gì chúng ta tập hằng nửa năm rồi mà không có kết quả gì cả?

Lê Nghĩa Nam nói:

– Chúng ta cần kiên nhẫn. Đây là nội công thượng thừa của bản môn, nếu không khó tập thì tại sao lại chỉ dành cho chưởng môn?

Hoàng Đức nói:

– Vậy ba vị tập thử đi. Còn tôi ngồi đây canh phòng, không cho người ngoài gây tiếng động làm phân tâm quý vị.

Bọn Nghĩa Nam kéo bồ đoàn ngồi nhắm mắt vận công. Còn Hoàng Đức thì ngồi xem. Nhìn Hoàng Đức, nó nhớ lại hôm nó cùng sư tỷ, Giao Chi đến
Long-biên giết Hán quân bị y đuổi đến bờ sông. Y chỉ đánh một chưởng, cả ba chị em đỡ không nổi. Rồi y bắt nó như bắt một con rùa dễ dàng. Nó
ngẫm nghĩ:

– Người ta bảo Lê Đạo Sinh là đệ nhất cao nhân đương thời cũng không
sai. Đệ tử của hắn là Hoàng Đức võ công còn cao hơn bố với cậu ta, thì
võ công của hắn không biết cao đến đâu mà kể.

Thình lình Hoàng Đức nhìn về phía nó quát:

– Cao nhân phương nào giá lâm Thái-hà trang, xin bước ra tương kiến.

Đào Kỳ giật bắn người lên. Nó không ngờ nội công của Hoàng Đức lại cao
đến thế. Nó đã chú ý qui tức cho thực nhỏ, mà chỉ sơ ý thở mạnh một hơi y đã khám phá ra. Hoàng Đức nhảy vèo tới cửa sổ. Đào Kỳ lùi lại bỏ chạy.
Nhưng Hoàng Đức đã đuổi tới sau, y phóng một chưởng vào lưng nó. Chưởng
chưa tới nó đã thấy ngộp thở. Biết chưởng này y dùng tất cả công lực, nó không dám coi thường, vội vã nhảy lên cao tránh khỏi. Chưởng phong ào
ào dưới chân nó.

Hoàng Đức la lớn:

– Giỏi lắm! Thì ra người là phái Long-biên. Tiếp chưởng thứ nhì của ta!

Nguyên trong lúc hoảng hốt, Đào Kỳ nhảy vọt lên cao tránh chưởng của
Hoàng Đức, nó đã dùng tâm pháp Long-biên, nên Hoàng Đức nhận ra. Còn lơ
lững ở trên không, nó vận sức Dương cương phát một chưởng đỡ chưởng của
Hoàng Đức.

Hai chưởng đụng nhau, bốp một tiếng, nó mượn sức chạm nhau của chưởng
nhảy lui. Hoàng Đức loạng choạng lùi lại hai bước, mới đứng vững. Y
hoảng kinh hỏi:

– Ngươi là ai? Chưởng vừa rồi của ngươi rõ ràng là chưởng của Cửu-chân, tại sao lại gồm cả Âm lẫn Dương?

Đào Kỳ khâm phục vô cùng, lúc còn ở trên không nó thuận tay phát chưởng
của cha nó dạy chống lại chưởng của địch thủ. Còn chân khí tòng tâm phát ra là loại chân khí Âm, Dương tự nó tổng hợp được.

Hoàng Đức thì nghĩ rất nhanh:

– Trong các cao thủ hiện thời, ngoài sư phụ ta ra chỉ có Phong-châu song quái là có chưởng lực đẩy lui được ta mà thôi. Người này thân pháp cực
kỳ mau lẹ, còn ở trên không mà phát được chưởng lực đẩy lui ta thì thực
hiếm có.

Y nhiều kinh nghiệm giao đấu, nên hít một hơi vận đủ mười thành công lực sử dụng chưởng Dương cương mãnh liệt của Tản-viên là Phục Ngưu thần
chưởng nhắm đỉnh đầu Đào Kỳ đánh tới. Đào Kỳ thấy chưởng pháp quái dị,
mạnh không thể tưởng tượng được. Nó vội bình tĩnh vận khí phát chưởng
Dương cương của Cửu-chân đỡ. Hai chưởng cùng Dương cương chạm nhau bùng
một tiếng lớn. Đào Kỳ cảm thấy tay tê dại, nhưng nó vẫn đứng nguyên tại
chỗ. Còn Hoàng Đức thì bật văng trở lại, đụng lưng vào tường đến huỵch
một cái, lão đão ngã ngồi xuống đất. Khí trong ngực trào lên, y ọc một
cái, phun ra búng máu. Biến cố đột nhiên khiến Đào Kỳ cũng không ngờ
tới. Nó nghĩ lại một năm trước đây nó bị Hoàng Đức bắt nó dễ như bắt
rùa, võ công y cao hơn cha nó nhiều. Không ngờ hôm nay mới đối một
chưởng rất tầm thường của Cửu-chân, khiến y thảm bại đến phun máu miệng. Bây giờ nó mới hiểu rằng sở dĩ nó có công lực mạnh như vậy là nhờ tập
nội công Âm nhu, rồi nó phối hợp với Dương cương mà thành.

Hoàng Đức cố gắng đứng lên nói:

– Ngươi là ai? Ta phục ngươi rồi. Ta thấy người sử dụng võ công Cửu-chân lẫn Long-biên. Ta biết chưởng môn Cửu-chân là Đào Thế Kiệt, chưởng môn
Long-biên là Nguyễn Trát còn thua ta xa, nay ngươi thắng ta. Vậy ngươi
là ai? Ngươi có thể nói tên cho ta nghe được không?

Đào Kỳ cười xì một tiếng rồi biến vào trong đêm.

Cách mười lăm ngày sau, nó lại vào nhà tù thăm Nguyễn Phan. Nó kể lại
cuộc đấu với Hoàng Đức cho Nguyễn Phan nghe. Nguyễn Phan nói:

– Hoàng Đức là một trong những đệ tử đắc ý nhất của Lê Đạo Sinh, võ công của y cao thâm còn hơn bọn Đặng Thi Sách nhiều, mà cháu thắng y, thì
công lực cháu không phải tầm thường. Cháu cố gắng tập một thời gian nữa, thì sợ gì Lê Đạo Sinh!

Nguyễn Phan bắt đầu dạy kiếm pháp Long-biên cho Đào Kỳ. Kiếm pháp
Long-biên lấy căn bản là mau thắng chậm, khác hẳn với kiếm pháp Cửu-chân nên Đào Kỳ luyện rất khó khăn. Nhưng vì nó đã luyện nội công Âm nhu nên rồi cũng quen. Chỉ sáu tháng nữa, tất cả các chiêu kiếm của phái
Long-biên cùng 72 chiêu trong bài quyết nối liền các chiêu nó đã tập
xong. Hàng đêm nó đóng cửa lại luyện kiếm, cứ 15 ngày lại vào nhà tù
trình bày cho Nguyễn Phan xem. Nguyễn Phan thấy nó luyện mau có kết quả
nói:

– Nếu cháu tiếp tục luyện trong vòng ba năm nữa, thì trong thiên hạ không ai địch nổi cháu.

Nguyễn Phan bảo Đào Kỳ:

– Hôm nay cháu thử kéo cái vòng ra, ta sẽ vịn vai cháu mà đi. Chúng ta thám thính xem nhà tù này có những ai bị nạn.

Đào Kỳ làm theo ông, hai người sang phòng bên cạnh. Đào Kỳ dùng chìa mở
khoá ra, hai người vào phòng, lấy đá lửa đánh lên, đốt vào nến. Ánh sáng chiếu khăp phòng, trong phòng cũng có một người cũng bị xích chân như
Nguyễn Phan. Người này thấy có người lạ, thì ngồi dậy hỏi:

– Các người là ai? Vào đây có việc gì?

Nguyễn Phan nói:

– Ta vào đây cứu ngươi. Ngươi là ai?

Người kia lắc đầu:

– Người cứu ta không được đâu. Xích to lớn thế này, làm sao mà cắt ra được. Trừ khi ngươi tìm được cái búa thép của Lê Đạo Sinh.

Đào Kỳ dùng hai tay gỡ cái vòng sắt ở chân người đó ra, quả nhiên không
được. Vì cái vòng này không hàn lại như cái vòng của Nguyễn Phan, mà là
cái vòng đúc bằng thép và to gấp đôi.

Đào Kỳ hỏi:

– Tiền bối có biết cái búa thép đó để ở đâu không?

Người kia nói:

– Chắc là ở phòng Lê Đạo Sinh. Cái búa này xưa kia là vũ khí của thánh
Tản-viên. Ngài thường dùng để đẽo núi. Nó là tín vật của chưởng môn phái Tản-viên.

Nguyễn Phan nói:

– Chưởng môn phái Tản-viên là Đặng Thi Kế, vậy búa này ở trong tay y chứ tại sao lại ở trong tay Lê Đạo Sinh?

Người kia thở dài:

– Tiền bối không biết đó thôi, tôi là Đặng Thi Kế đây.

Nguyễn Phan giật mình:

– Ngươi là Đặng Thi Kế à? Thế thì Lê Đạo Sinh chả là sư thúc ngươi sao? Vì cớ gì y giam người vào đây?

Đặng Thi Kế cúi đầu thở dài:

– Sư thúc tôi tham vọng không nhỏ. Người muốn làm bá chủ võ lâm Lĩnh
Nam. Người tỏ cho tôi biết: Người muốn các gia, các phái Lĩnh Nam thống
nhất lại làm một, do người làm chưởng môn, như xưa kia Thục An-dương
vương đã làm. Đầu tiên người đứng ra ngoài sự tranh chấp của Văn-lang,
Aâu-lạc, dùng nghĩa hiệp để mua cảm tình của các đại môn phái.

Đào Kỳ nhớ lại những điều đã đọc trong Lục-thao gật đầu:

– Điều này là chính đạo. Khổng-tử nói “Quân tử hoà mà không hùa.” Lê
tiên sinh không hùa theo Aâu-lạc hay Văn-lang, đứng ra ngoài kéo cờ hiệp nghĩa, đáng khen. Đó là phương pháp thống nhất bằng vương đạo.

Đặng Thi Kế tiếp:

– Chẳng bao lâu người nổi danh là Lục-trúc quân tử. Môn phái Tản-viên
của chúng tôi từ trên xuống dưới đều cúi đầu tôn phục người là Bắc-đẩu,
là Thái-sơn. Người lại cho năm đệ tử xuất chính làm huyện uý với người
Hán. Do vậy Thái-thú không ngờ vực người, để cho người tự do hành động
nghĩa hiệp. Các Huyện-uý đệ tử người không như những Huyện-uý khác chỉ
đàn áp dân, cúc cung phụng sự người Hán. Các Huyện-uý xuất thân từ cửa
người làm việc luôn luôn che chở cho người Việt, nên dân chúng coi họ là người hiệp nghĩa hơn là quan lại.

Đào Kỳ đồng ý:

– Đúng, cách đây hơn một năm, tôi cùng sư tỷ qua Long-biên, thấy quân
Hán tàn bạo, giết người giữa chợ, động lòng nghĩa hiệp, chúng tôi giết
tám đứa. Do vậy tôi bị huyện uý bắt về huyện, không tra khảo, không đánh đập, còn cho ăn uống tử tế. Tôi còn được Lê tiên sinh mang về Thái-hà
trang cho ẩn náu. Tôi đánh cuộc với người, bị thua, phải làm nô bộc trọn đời cho người. Người đối đãi với tôi rất tử tế.

Đặng Thi Kế nói:

– Tiếng tăm của người ngày càng vang dội. Đến Thái-thú, Thứ-sử cũng phải nể vì. Người có mười đệ tử, thì năm đã ra làm Huyện-uý, còn năm vị
người cử đi hành hiệp giang hồ, tìm cách quy tụ dân chúng phiêu bạt,
những kẻ lãng tử phạm tội lại, rồi lập trang ấp, cho người thân tín làm
Lạc-hầu, Lạc-tướng. Chẳng bao lâu, người có trong tay tới 36 Lạc-hầu quy phục, và 60 động về dưới tay. Người lại giáo dục, kiểm soát các
Lạc-hầu, Động-chủ không cho bóc lột dân chúng. Tất cả đều khuếch trương
nông nghiệp, ngư nghiệp khiến dân chúng các ấp, trang, động trở nên giàu có.

Nguyễn Phan gật đầu:

– Ta có biết chuyện này, vì những điều đó, tiếng của Lê Đạo Sinh vang
tới Trung-nguyên, hoàng đế nhà Hán là Kiến Vũ cũng phải xuống chiếu khen tặng.

Đào Kỳ thêm vào:

– Lê tiên sinh làm những việc đó giống như xưa kia Khương thái công đã
làm cho vua Võ vương, từ đó Võ vương dấy nghiệp, lập ra nhà Chu 800 năm
dư. Trong Lục-thao có đề cập đến…

Đặng Thi Kế thở dài:

– Thấy sư thúc làm việc nhân nghĩa như thế, chúng tôi vừa là sư điệt,
vừa là võ lâm đồng đạo, chỉ biết cúi đầu khâm phục. Nhưng… khi sư thúc đã lên đến đỉnh danh vọng, người muốn tiến xa hơn, là thống nhất võ lâm Lĩnh-nam. Đầu tiên người muốn thống nhất phái Tản-viên trước.

Đào Kỳ gật đầu:

– Tức là Lê tiên sinh áp dụng triết học trong sách Đại-học. Trong sách
Đại-học nói rằng “Phàm cái đạo của Đại-học là làm sáng cái đức của mình
đã, phải thân với dân, phải hướng đến chỗ tận cùng của việc thiện. Biết
như vậy thì mới định được kế, định được kế thì mới có thể tĩnh trong
lòng, tĩnh trong lòng thì mới an lòng, an lòng thì mới tư lự được, tư lự thì mới có kết quả. Sự vật đều có gốc rễ của nó, sự gì cũng có đầu có
cuối thì gần với Đạo…

Muốn bình thiên hạ thì đầu tiên tu lấy thân. Tu lấy thân rồi mới tề gia. Tề gia rồi mới trị quốc. Trị quốc rồi mới bình thiên hạ.”

Lê tiên sinh thiết kế thực dụng với đạo của Khổng-tử. Tiên sinh nổi
tiếng nhân nghĩa thiên hạ, muốn thống nhất võ lâm, thì đầu tiên thống
nhất phái Tản-viên trước.

Thi Kế giật mình:

– Này bạn trẻ, sao bạn biết rõ kết hoạch của sư thúc ta như vậy?

Đào Kỳ thản nhiên:

– Tiền bối đừng ngạc nhiên, những điều đó đều chép trong sách của người
Trung-nguyên. Người Hán sang đây cai trị chúng ta hầu hết là người xấu,
nhưng không phải tất cả. Huống hồ người Hán ở Trung-nguyên còn nhiều
người tốt hơn. Những gì cháu trình bày là do một nho sinh người Hán dạy
cháu. Ông dạy cháu chỉ vì muốn truyền bá sự hiểu biết mà thôi. Trên đời
cháu chỉ quỳ gối tại đền thờ của vua Hùng, tại đền thờ của An Dương
vương, và các vị anh hùng thời Âu-lạc. Nhưng cháu đã quỳ gối trước một
người Hán, đó là một nho sinh đã dạy cháu những điều vừa qua.

Nguyễn Phan hỏi:

– Cháu bé, người Hán đó là ai vậy?

– Ngài họ Lục tên Mạnh Tân, mới sang Giao-chỉ không lâu.

Đào Kỳ thuật sơ lược vụ gặp Lục Mạnh Tân cho Nguyễn Phan nghe. Đặng Thi Kế khen ngợi:

– Lục tiên sinh không biết võ, nhưng giống như một người hành hiệp giang hồ vậy.

Đặng Thi Kế thuật tiếp:

– Lê sư thúc tìm đến ta để bàn về kế thống nhất phái Tản-viên. Tiểu hữu người có biết về phái Tản-viên của ta không?

Đào Kỳ đã nghe Nguyễn Tam Trinh nói rồi, nó gật đầu:

– Phái Tản-viên cách đây 50 năm bị chia làm hai chi phái, nên dù người nhiều, sức mạnh, vẫn không phản được Hán, phục được Việt.

Đặng Thi Kế thuật:

– Đúng! Ta cầm đầu một chi phái. Một chi phái khác do họ Trưng cầm đầu.
Hai bên kình chống lẫn nhau. Lê sư thúc tự đến nhà họ Trưng, đem hết sở
trường dạy cho Trưng Trắc, Trưng Nhị, giúp cho hai cô này trở thành cao
thủ bậc nhất. Sau đó tìm đến ta, đứng ra hỏi vợ cho con ta là Thi Sách
lấy Trưng Trắc. Ngươi thử nghĩ xem, sư thúc ta uy tín biết mấy, mà người đứng ra chủ trì hôn nhân của con ta thì là điều ta cầu mà không được.
Sau cuộc hôn nhân thì sư thúc bảo ta truyền chức chưởng môn cho con. Hệ
phái kia họ cũng truyền chức chưởng môn cho Trưng Trắc. Thế là phái
Tản-viên đã thống nhất. Sợ rằng bên phía họ Trưng có điều dị nghị, sư
thúc còn đề nghị rằng, con ta và Trưng Trắc vẫn giữ chức chưởng môn của
nhà mình. Còn tổng chưởng môn thì do Trưng Nhị là em Trưng Trắc. Thế là
phái Tản-viên của ta trở thành hùng mạnh vô cùng. Ta thầm cảm ơn trời
đất ban cho môn phái ta một người sư thúc như vậy.

Ông ngừng lại thờ dài:

– Sau khi truyền chức chưởng môn cho con, ta bỏ Mê-linh về Thái-hà ở với sư thúc để bàn việc thống nhất các phái võ Lĩnh Nam. Ta nhất tâm kính
phục sư thúc, nên người nói gì ta cũng nghe, cũng làm…

Cho đến một ngày kia, ta khám phá ra rằng vụ Phong-châu song quái phản
sư đệ ta là Nguyễn Thành Công vì chúng được Lê sư thúc bí mật truyền thụ võ công. Sư thúc sai các đệ tử làm Huyện-uý, giới thiệu Song-quái với
Thái-thú, để chúng được làm việc tại phủ Tế tác.

Đào Kỳ kêu úi chà:

– Thực là độc địa!

Nguyễn Phan hỏi:

– Sao cháu lại ngạc nhiên?

Đào Kỳ thản nhiên thưa:

– Song-quái phản sư môn thì ai cũng biết. Còn việc Song-quái theo Lê
tiên sinh thì không ai biết. Song-quái làm việc cho Tế-tác, thì chúng
nhân thiên hạ có thù là thù Nguyễn Thành Công tiên sinh, chứ đâu có ghét Lê tiên sinh. Tức là Lê tiên sinh dùng Giáo Tàu, đâm Chệt. Còn
Song-quái làm việc cho Tế-tác chúng biết hết tin tức, tình hình võ lâm
cung cấp cho Lê tiên sinh. Mặt khác Lê tiên sinh chiêu mộ các phái, ai
theo thì thôi, ai không theo thì tiên sinh cho Song-quái báo cáo với phủ Tế tác, nhờ tay người Hán triệt hạ dùm.

Đặng Thi Kế lắc đầu:

– Sai rồi! Chú em chỉ biết được một mà không biết được hai. Lê sư thúc
còn bí mật cài người, chiêu dụ người của các môn phái. Sai những người
này làm nhiều điều chống thái thú, để Song-quái thu thập tin báo cáo
lên, thái thú sẽ ra tay triệt hạ những đối thủ dùm. Dĩ nhiên Lê sư thúc
không cho Song-quái biết những người mà sư thúc cài vào. Song-quái cứ
tưởng những người kia tuân lệnh môn hộ họ mà chống Hán, chứ có ngờ đâu
do sư thúc sai phái. Trong những người sư thúc cài vào các phái, có ai
phản bội, sư thúc dùng Song-quái giết chết để khỏi bị lộ cơ mật.

Ông lắc đầu:

– Ta khám phá ra tất cả những điều đó, mà bàng hoàng cả người. Ta như
người ở trên mây bị rơi xuống vũng bùn. Ta khẩn khoản xin sư thúc bỏ
việc ấy đi. Sư thúc không những không nghe ta, còn mắng chửi thậm tệ và
đuổi ta ra khỏi Thái-hà trang. Trước khi đi, người rót ra hai ly rượu,
gọi là rượu vĩnh biệt để từ nay đường ai nấy đi. Ta không biết, uống
vào, lát sau say, ngã xuống. Lúc tỉnh dậy thì thấy mình bị giam tại đây.

Nguyễn Phan sực nhớ ra chuyện gì hỏi:

– Ngươi nói rằng các phái đều có người của Lê Đạo Sinh cài vào, vậy phái Long-biên của ta có những ai?

Đặng Thi Kế mỉm cười:

– Thì còn ai nữa, chính là ba đệ tử của ngươi: Lê Nghĩa Nam, Hoàng Đức
Tiết và Mai Huyền Sương. Còn phái Cửu-chân thì người chinh phục được năm trong chín vị Lạc-hầu theo Hán. Hai Lạc-hầu chìm đắm vào vòng văn
chương, bỏ võ nghiệp. Còn Đào, Đinh trang thì dùng Song-quái vu vạ rằng
sắp khởi binh để thái thú mang quân tiêu trừ… Song ta ở trong tù năm
năm rồi, thành ra không rõ biến chuyển ra sao.

Đào Kỳ kể sơ lược tình hình bên ngoài cho Đặng Thi Kế nghe, rồi kết luận:

– Nguyễn tiền bối thì Lê tiên sinh giam để biết bí quyết võ công? Còn
tiền bối, tại sao Lê tiên sinh không giết, mà lại giam làm chi?

Đặng Thi Kế xoa đầu Đào Kỳ:

– Chú em hỏi câu này thật chí lý. Nguyên vì sau khi Văn-lang bị Thục
diệt. Tất cả võ công đều chép thành một bộ sách gọi là Văn-lang võ học
kỳ thư thường gọi tắt là Văn-lang võ kinh, cất ở một nơi cực kỳ bí mật,
chỉ người chưởng môn mới biết. Người chưởng môn cần phải giữ cây búa của sư tổ truyền lại. Với cây búa đó thì mới mong tìm được võ kinh. Thế
nhưng từ bốn đời rồi, thái sư tổ của ta có đến nơi cất dấu võ kinh thì
không còn nữa, thành ra cái búa chỉ có tính cách tượng trưng mà thôi.
Hiện những ai muốn thành anh hùng vô địch, cần có yếu quyết nội công
Văn-lang hoặc Cửu-chân thiên về Dương cương, hợp với nội công Âm nhu của Long-biên. Sư thúc ta biết thế nên bắt giam Nguyễn tiên sinh đây để bắt người truyền nội công Âm nhu cho hợp với nội công Dương cương của phái
Tản-viên người đã tập được. Ta biết sư thúc vì muốn thống nhất các phái
võ, để khởi binh làm vua Lĩnh-nam. Việc phất cờ thì ai cũng đồng ý,
nhưng phương thức thống nhất bá đạo như vậy thì thực là phi đạo đức,
trái với hiệp nghĩa giang hồ.

Nguyễn Phan bảo Đào Kỳ:

– Cháu phải trở về tìm cách ăn cắp cây búa của sư tổ Sơn Tinh đến đây cứu Đặng Thi Kế.

Đặng Thi Kế cúi đầu buồn thảm:

– Nguyễn tiền bối! Chậm mất rồi. Sư thúc cho tôi uống thuốc độc, gân cốt nhũn hết, tôi có được cứu ra cũng thành vô dụng. Hơn nữa Văn-lang vũ
kinh hiện lưu lạc nơi nào không biết. Tuy vậy người nào được Văn-lang vũ kinh cũng vô ích. Vì khi xưa Vạn-tín hầu chỉnh đốn lại, có chép làm hai bản, một bản trả cho phái Tản-viên, một bản người giữ. Nhưng người chỉ
truyền cho đệ tử người những gì về Âm nhu của người, còn những gì về
Dương cương của Tản-viên thì trả cho Tản-viên. Tuy người chép, nhưng mỗi câu chép thiếu một chữ. Để nếu người ngoài bắt được, luyện cũng không
kết quả. Những chữ thiếu đó, người chế thành bài quyết, phái Tản-viên
chỉ truyền cho chưởng môn mà thôi. Bây giờ Đào tiểu hữu ở đây, ta truyền cho ngươi, để một mai nếu có hậu thế nào tìm ra bộ Văn– lang vũ kinh
thì tiểu hữu truyền cho họ bài quyết, họ luyện tập sẽ trở thành anh hùng vô địch.

Ông ghé vào tai Đào Kỳ đọc bài quyết dài 40 câu. Đào Kỳ nhẩm một lúc thì thuộc ngay.

Đặng Thi Kế nói:

– Bây giờ tiểu hữu đi tìm búa đi, rồi đến đây cứu chúng ta một thể.

Đào Kỳ đưa Nguyễn Phan về phòng, bóp vòng xích lại như cũ. Khoá cửa các
phòng giam, rồi theo đường cũ trở ra. Nó về tới phòng thì đã sang canh
năm. Nó vội rửa mặt, xúc miệng rồi đến phòng Phương Lan. Nó nghiệm thấy
rằng gần đây Phương Lan không thường ở nhà. Nàng hay dùng xe ngựa đi
ngao du các nơi, đến chiều tối mới về. Lục Mạnh Tân cũng không thấy đến
giảng sách nữa.

Hôm nay nó chờ Phương Lan đến tối cũng không thấy nàng về. Nó đóng cửa
phòng sách rồi đi ăn cơm. Cơm chiều xong, nó định ra phía sau trang ngắm mặt trời lặn thì Đức Hiệp gọi nó:

– Chú em! Chú đi với ta lên gặp Lê lạc hầu.

Đào Kỳ rùng mình:

– Không lẽ Lê Đạo Sinh đã biết những việc của ta, nên gọi để hành tội chăng?

Nghĩ một lát nó biết là không phải. Nếu Lê Đạo Sinh biết những việc đó
thì y đã tức tốc giết nó hay giam nó để diệt khẩu, chứ đời nào lại gọi
tử tế thế này. Tới cửa đại sảnh, Đức Hiệp hô lớn:

– Văn Lang đến hầu sư phụ.

Lê Đạo Sinh nói vọng ra:

– Cứ vào đi.

Đào Kỳ bước vào thi lễ. Đạo Sinh chỉ ghế cho nó ngồi:

– Cho phép ngươi ngồi.

Chậm chạm một lúc rồi Đạo Sinh nói:

– Văn-lang, người làm thư đồng cho tiểu thư bấy lâu, ngươi có thấy con ta hành động gì khác lạ không?

Đào Kỳ nói ngay:

– Tôi không để ý nên không rõ. Có điều mấy ngày gần đây, tiểu thư thường vắng nhà luôn. Lục tiên sinh cũng không đến giảng sách nữa.

Lê Đạo Sinh nói:

– Con ta và Lục tiên sinh mất tích từ hôm qua.

Đào Kỳ ngạc nhiên:

– Ai mà dám cả gan bắt cóc tiểu thư với Lục tiên sinh?

Đạo Sinh lắc đầu:

– Không ai bắt cóc cả! Nhưng con gái ta đã bỏ nhà trốn theo Lục tiên
sinh rồi. Lục tiên sinh tư tình với con gái ta, nó có mang. Tiên sinh sợ ta bắt lỗi, cùng nó trốn đi. Trong trang không ai biết, chỉ có ta với
ngươi mà thôi. Bây giờ ta cho người đi tìm về. Vậy ngươi phải kín miệng, việc này lộ ra là ta giết ngươi liền. Ai hỏi ngươi tiểu thư đi đâu, thì ngươi phải nói là tiểu thư đi Mê-linh thăm họ ngoại. Kể từ giờ phút
này, ngươi được lên đây hầu cận ta.

Đào Kỳ nghe lời nói ngọt ngào của Lê Đạo Sinh nhưng nó cảm thấy ớn da
gà. Nó biết nếu Lê tìm không ra con gái, thì y sẽ giết nó để bịt miệng.
Tuy trong lòng biết vậy, nhưng mặt ngoài nó vẫn giả bình tĩnh để qua mặt Lê Đạo Sinh.

Công việc hàng ngày của nó rất bận rộn, vì Lê Đạo Sinh luôn luôn có
khách đến thăm. Nó phải bưng nước, hoa quả, rượu mời khách. Những lúc
ngồi không nó ôn lại những câu ca khuyết mà Nguyễn Phan, Đặng Thi Kế dạy nó, để sau này nó dạy lại cho người phái Long– biên và Tản-viên. Nó cố
gắng tìm dịp lén vào thăm Nguyễn Phan và Đặng Thi kế, nhưng đêm nào nó
cũng phải hầu hạ cho tới khuya mới được đi ngủ.

Chiều hôm đó Lê Đạo Sinh bảo nó:

– Ta cho ngươi về phòng ngủ trước, vì đêm nay ngươi phải thức khuya phục thị khách. Từ hôm ngươi hầu ta đến giờ, ta thấy ngươi kín đáo, cần mẫn, nên ta tin tưởng ngươi, mà cho ngươi phục thị đêm nay.

Đào Kỳ nghe Lê Đạo Sinh nói câu đó, nó biết Lê đã theo dõi nó mấy tháng
nay. Thấy nó tỏ ra ngu dại chân thật nên cuộc tiếp tân này mới cho nó
dự. Nó đặt mình ngủ một giấc, giật mình thức dậy thì trăng đã lên cao.
Nó vội vàng chạy lên đại sảnh, đã thấy đèn đuốc sáng choang. Nó thấy đủ
mặt mười đệ tử của Lê Đạo Sinh, trong đó có Hoàng Đức, Huyện-uý Long
Biên. Trong hai năm qua, nó đã lớn lên rất nhiều. Hoàng Đức không nhận
ra nó.

Đức Hiệp bảo nó:

– Chú em! Chú chỉ có nhiệm vụ điều khiển đám nữ tỳ bưng thức ăn từ nhà
sau lên đại sảnh, theo lệnh ta mà thôi. Còn mọi chuyện khác đã có người
khác làm. Đây, chú nên biết mặt bốn nữ tỳ. Tất cả đều giống nhau bằng
chữ Hà: Xuân Hà mặc áo xanh, Hạ Hà mặc áo đỏ, Thu Hà mặc áo trắng, Đông
Hà mặc áo đen.

Đào Kỳ nhìn bọn nữ tỳ, đều tuổi ngang nó, người nào cũng xinh đẹp cả. Nó đã nghe nói Lê Đạo Sinh bỏ tiền ra mua những thiếu nữ xinh đệp từ các
trang dưới quyền, mang về dạy dỗ cho ca hát, nấu ăn, để hầu hạ. Tuy là
con nhà Lạc-hầu, nhưng tính nó bình dị, ngước mắt nhìn các nữ tỳ với vẻ
thương xót. Nó nói:

– Các em cứ ngồi đây nghỉ ngơi. Khi có việc, ta sẽ chỉ cho sau.

Nó ngồi phía trong đại sảnh, thấy khách đến lúc càng đông. Cứ mỗi người tới, nó lại cho mấy thiếu nữ bưng rượu, hoa quả ra mời.

Khách dần dần tới khá đông, hầu hết là đệ tử hoặc các Lạc-lầu, Động-chủ
của Lê Đạo Sinh. Quan khách được mời vào những chỗ ngồi nhất định. Cuối
cùng chỉ có hai chỗ trống, Đức Hiệp đến bên Lê Đạo Sinh nói:

– Chỉ còn thiếu có Lạc-hầu Nghi-sơn mà thôi.

Lê Đạo Sinh gật đầu, rồi tiến đến ghế ngồi chủ toạ. Hoàng Đức đứng dậy hô lớn:

– Đệ tử Thái-hà trang và các Lạc-hầu, Động-chủ tham kiến Lục-trúc tiên sinh, kính chúc tiên sinh thọ tỷ Nam-sSơn.

Lê Đạo Sinh vẫy tay tỏ ý miễn lễ rồi nói:

– Hôm nay ta mời các Lạc-hầu, Động-chủ và đệ tử về để loan báo một việc: Kiến Vũ hoàng đế đã thắng được Vương Mãng, khôi phục Trung-nguyên.
Người vừa ban lệnh triệu hồi thứ sử Đặng Nhượng về, bãi bỏ chức Thứ sử
Hợp-phố.

Ngừng một lúc, Lê Đạo Sinh tiếp:

– Thái-thú Cửu-chân là Nhâm Diên bị giết, thì ra Nhâm Diên không chịu
thi hành chính sách dùng người Việt thay người Hán của Lĩnh-nam công
Nghiêm Sơn. Lĩnh-nam công cho Hợp-phố lục hiệp giết đi, và cử Hợp-phố
nhị hiệp Lư Dương thay thế. Đô-uý là Hợp-phố tam hiệp Hà Thiên. Còn
Đô-sát là Vũ Hỷ. Còn về việc Nam-hải thì Vũ Hỷ sẽ trình bày.

Vũ Hỷ đứng lên nói:

– Thái thú Nam-hải là người khởi nghiệp bằng võ công. Khi Vương Mãng
cướp ngôi nhà Hán, y được Vương cho về làm thái thú. Lúc Lĩnh-nam công
cùng Hợp-phố lục hiệp kinh lược đất Nam-hải, y thấy bị yếu thế đành theo Hán. Nhưng y vẫn tổ chức quận Nam-hải thành một giang sơn riêng. Gần
đây y bị Khúc-giang ngũ hiệp giết chết cùng một lúc với em y làm Đô-uý.
Lĩnh-nam công nhân đó cử người thân tín làm Thái-thú, Đô-uý, Đô-sát.

Đức Hiệp thắc mắc:

– Khúc Giang ngũ hiệp là người thế nào?

Lê Đạo Sinh nói:

– Họ người Lĩnh-nam, võ công rất cao cường. Người nào cũng có bản lĩnh
ngang với ta, họ đều họ Trần. Trần Ngũ Gia mới thu ba đệ tử người Hán
danh tiếng: Một là công chúa Vĩnh Hoà, con gái của Cảnh-thuỷ hoàng đế.
Hai là quận chúa Lý Lan Anh, ba là quận chúa Chu Thuý Phượng. Ba người
này được ban một thanh thượng phương bảo kiếm của Quang Vũ, được quyền
Thượng trảm hôn quân, hạ trảm gian thần. Trần Ngũ Gia dùng kiếm này giết chết thái thú Nam-hải.

Vũ Hỷ tiếp:

– Còn Thái-thú Tượng-quận bị Tượng-quận Tam-anh giết chết. Sau đó
Tượng-quận Tam-anh trốn lên Trường-sa đầu quân làm Đô-uý, Đô-sát cho
Thái-thú Mã Anh. Lĩnh-nam công lại cử người thân về làm Thái-thú
Tượng-quận.

Lê Đạo Sinh nói:

– Trước đây Lĩnh-nam công là ông vua, nhưng không có quyền, các Thái-thú tự do muốn làm gì thì làm. Bây giờ người đã nắm được năm quận trong sáu quận Lĩnh Nam. Các Thái-thú chỉ còn một quyền cai trị hành chánh. Trước đây mỗi quận có một quân 12.500 người và một sư kỵ binh. Mỗi huyện có
một sư bộ và một lữ thiết kỵ. Bây giờ Lĩnh-nam công ra lệnh thống nhất
tất cả các quận bộ, sư kỵ của các quận trực thuộc phủ Lĩnh-nam công. Còn sư bộ và lữ kỵ của các huyện thì đặt trực thuộc Đô-uý các quận. Nghĩa
là Huyện-uý muốn có quân, thì phải trưng dụng của các Lạc-hầu.

Đức Hiệp hỏi Vũ Hỷ:

– Người đứng đầu Hợp-phố lục hiệp là Lưu Nhất Phương, sư đệ có biết là sẽ giữ chức gì không?

Phùng Chính Hoà lắc đầu:

– Đệ không biết. Dường như y được Lĩnh-nam công cho làm Uy-viễn tướng quân, thống lĩnh toàn bộ binh lực Lĩnh-nam.

Lê Đạo Sinh thủng thỉnh nói:

– Chúng ta mưu đồ biết bao nhiêu công lao, mới đưa được Vũ Hỷ làm Đô-sát Cửu-chân, và Phùng Chính Hoà làm Huyện-uý Ngọc-đường. Cộng lại chúng ta có tất cả sáu Huyện-uý, và bốn người làm việc tại phủ Đô-sát Giao-chỉ.
Các người ghi nhớ: Chúng ta là người hiệp nghĩa, tuy làm quan với người
Hán, nhưng không tham nhũng, không hại người. Các ngươi cần giữ thanh
danh chữ Lục-trúc quân tử của ta.

Đào Kỳ chửi thầm:

– Tiên sư con mẹ mày! Mày mưu đồ bẩn thỉu, mà còn lên mặt đạo đức với cả đệ tử nữa. Thực bẩn thỉu hết chỗ nói.

Lê Đạo Sinh tiếp:

– Nghiêm Sơn là một vị đại hiệp người Hán, đến Giao-chỉ với một mục đích giống chúng ta. Chúng ta nên hoà hợp với người, tuyệt đối tránh đụng
chạm với người. Mấy năm trước đây, Hoàng Đức có che chở cho một đệ tử
danh gia, y là con út của Đào Thế Kiệt, tên Đào Kỳ vì tội y giết chết
tám quân Hán. Ta có đem y dấu ở trong trang, dưới hình thức nô bộc,
nhưng thực ra ta đối xử với y như con cháu, đệ tử. Ta không hiểu vì lý
do nào đó mà Nghiêm công có thiện cảm với Đào Kỳ, nên viết thư bảo ta
đưa y về Luy-lâu với người. Ta có viết thư nói rằng ta không hề bạc đãi
y, còn cho y học văn, học binh thư, học Bách-gia, Chư-tử nữa, nhưng ta
vẫn chưa dám cho y ra mặt, sợ huyện lệnh Long-biên kiếm chuyện.

Đào Kỳ bây giờ mới hiểu tại sao Lê Đạo Sinh lại đối đãi với y như vậy?
Thì ra trước đây y có gửi thư cho Nghiêm Sơn, rồi Nghiêm Sơn viết thư
cho Đạo Sinh gửi gấm. Nhưng nó nhủ thầm:

– Con mẹ mày tên Lê Đạo Sinh giả nhân giả nghĩa! Ông nội mày biết hết dã tâm của mày rồi. Hôm nay chúng mày diễn kịch khen Nghiêm Sơn, mục đích
muốn ông nội mày nói với Nghiêm đại ca, để rồi chúng mày hại Nghiêm đại
ca lúc nào không hay. Tổ cha mày! Chúng mày giả nhân giả nghĩa, tạo uy
tín hầu làm bá chủ Lĩnh-nam thì cứ việc làm, tại sao chúng mày muốn diệt thiên hạ?

Nó nghĩ thầm, nếu nó không biết vụ Nguyễn Phan, Đặng Thi Kế bị giam thì
có lẽ nó đã quỳ gối cung kính coi Lê Đạo Sinh là người anh hùng nghĩa
hiệp nhất thiên hạ rồi.

Chú giải

(1) Đặng Dung, Thuật hoài. Câu này ý nói: Cuộc thế xoay vần, khiến cho ta đi đến chỗ khó khăn.

Đặng Dung, người làng Tả Thiên-lộc, huyện Can-lộc, tỉnh Nghệ-an. Không
rõ sinh, mất năm nào. Ông là con Đặng Tất. Cả hai cha con đều là anh
hùng dân tộc đời Hậu Trần. Đặng Tất giúp vua Trần Giản Định trung hưng
nhà Trần, đánh đuổi quân Minh. Sau vua Giản Định nghe lời dèm pha, giết
Đặng Tất. Đặng Dung đem quân về Thanh-hoá, tôn Trần Quý Khoáng
(1409-1413) lên làm vua. Ông được Trần Quý Khoáng phong chức Bình-chương sự. Ông cầm quân chống với quân Minh. Một lần đánh úp quân Minh ở cửa
Hàm-tử, ông lọt vào trướng của Trương Phụ, ông nhảy lên soái thuyền của
Phụ, định bắt sống y. Nhưng ông không biết mặt y, nên Phụ trốn thoát.
Sau vì quân ít thế yếu, ông bị bắt, giải về Yên kinh. Đi đến nửa đường,
ông nhảy xuống sông tự tử chết. Ông là một đại tôn sư võ học đời Trần.

Câu thơ trên trích trong bài Thuật hoài, nguyên văn như sau:

Thế sự du du nại lão hà,

Vô cùng thiên địa nhập hàm ca,

Thời lai đồ điếu, thành công dị,

Vận khứ anh hùng ẩm hận đa.

Trí chúa hữu hoài, phù địa trục,

Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà,

Quốc thư vị phục đầu tương bạc,

Kỷ độ Long-tuyền đới nguyệt ma.

Dịch nghĩa:

Việc đời dằng dặc, khốn nỗi mình đã già,

Trời đất mênh mông chỉ thu vào cuộc hát say.

Gặp thời thì bọn hàng thịt như Phàn Khoái, bọn câu cá như Hàn Tín cũng thành công.

Khi vận đã lỡ, thì người anh hùng cũng nuốt tủi hận.

Giúp vua, có lòng xoay đất, đổi vận.

Rửa gươm, tiếc rằng không kéo nổi sông Ngân Hà.

(Câu này tác giả lấy ý trong bài Tây binh mã của Đỗ Phủ: An đắc tráng sĩ vận Ngân-hà, Tỉnh tây giáp binh trường bất dựng. Nghĩa là: Ứớc gì có
được người tráng sĩ kéo sông Ngâ-hà, Rửa sạch giáp binh để mãi mãi không dùng đến nữa.)

Nợ nước chưa đền đầu đã bạc,

Luống tiếc bao phen mài gươm dưới bóng trăng.

Hiện còn đền thờ của cha con ông hãy còn tại Tả Thiên-lộc, huyện Thiên-lộc, Nghệ-an.

Tài liệu chữ Hán

ĐNNTC,

Đồng-Khánh địa dư chí lược,

Can-lộc huyện phong thổ chí,

Thoát hiện vịnh sử.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN