Anh Hùng Lĩnh Nam - Chương 9: Người đâu gặp gỡ làm chi
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
154


Anh Hùng Lĩnh Nam


Chương 9: Người đâu gặp gỡ làm chi


Sáng hôm sau Lê Đạo Sinh gọi nó lên đại sảnh đường nói:

– Ngày hôm nay ta phải đi xa một chút việc. Mi ở nhà trông coi văn phòng ta. Ta nhắc lại, ngoài ta và Ðức Hiệp ra, không ai có quyền nói mi, sai mi cả, dù người đó là đệ tử ta, con ta. Ta đã chuẩn bị cho mi một chỗ ở mới. Mi có một đứa nô tỳ để lo giặt quần áo, hầu hạ. Ta đối với mi như
vậy là vì có lời gửi gấm của Lĩnh-nam công. Ta vì Lĩnh-nam công mà tha
cho ngươi. Bây giờ ngươi là khách của Thái-hà trang, chứ không là nô bộc nữa. Dù sao vai vế ta cũng cao hơn thân phụ ngươi một bậc. Vì vậy ta
coi ngươi như cháu của ta. Ngươi cứ tự coi như một công tử của Thái-hà
trang, cho đến khi Lĩnh-nam công đón ngươi về Luy-lâu.

Lê Ðạo Sinh đi rồi, Ðào Kỳ thư thả ngồi trong thư phòng của y đọc sách.
Sinh là người giao thiệp với các quan lại người Hán nhiều, nên y có đủ
mọi thứ sách mà Ðào Kỳ chưa từng nghe thấy. Nó lục trong tủ sách thấy cả những bộ mới nhất như bộ Sư-ký của Tư-mã Thiên gồm 130 cuốn. Nó nghiền
ngẫm đọc. Buổi trưa đứa tỳ nữ dọn cơm lên phòng ở mới, đứng hầu cho nó
ăn. Nó có cảm tưởng như sống lại hồi còn ở Ðào trang. Ăn xong nó leo lên cái sập bằng gỗ gụ bóng loáng của Lê Ðạo Sinh vẫn nằm ngủ, nằm thẳng
cẳng đọc sách. Ðọc đến đoạn Khoái Văn Thông ra chợ ôm xác Hàn Tín khóc,
nó khoái quá co chân đạp bình bịch lên tường. Ðạp được mấy cái, nó cảm
thấy tiếng tường kêu có cái gì hơi khác lạ. Nó bò dậy gõ tay vào tường,
thì thấy dường như tường bằng gỗ, bên trong rỗng. Nó nhìn kỹ, thì ra cái sập gụ đè vào một cái cửa, có khoá chìm vào trong. Nó nhìn kỹ thì thấy
lỗ ống khoá hơi giống với ống khoá cổng nhà tù. Nó vội về phòng lấy chìa khoá cho vào ống mở thử thì thấy không lọt. Nó rút con trủy thủ gọt
chìa khoá một tý, cho vào ống thì vừa lọt. Nó vặn thử thấy không chuyển, nó vận sức vặn mạnh, thì nghe tiếng cốc khoá mở ra. Nó mở cánh cửa, bên trong là một phòng nhỏ, nó chui ngay vào, thì thấy nào vàng, nào bạc,
nào ngọc ngà, châu báu không thiếu gì. Nó còn thấy một thanh kiếm nặng
chịch đen thui thủi, nó cầm lên múa thử, nghĩ:

– Công lực của ta bây giờ vừa Âm, vừa Dương, ta thừa sức múa thanh kiếm này.

Nó tìm tiếp, thì thấy một cái búa bổ củi, đen và nặng. Nó cầm lên xem, tự hỏi:

– Không biết có phải búa lệnh của phái Tản-viên hay không đây?

Nghĩ đến mưu đồ xảo trá của Lê Ðạo Sinh, nó phát ghét. Nó quyết định lấy hết của cải y. Nó ôm cả búa, lẫn kiếm, cùng vàng, ngọc ra khỏi căn
phòng nhỏ khoá lại như cũ. Ðợi trời tối nó mang ra ao, lặn xuống dưới,
đi vào trong hầm, lấy búa khoét một lỗ trên cao không có nước, cất tất
cả vào đấy. Về nhà, nó đem chìa khoá ra sân, dấu dưới bụi cây, cười
thầm:

– Lê Ðạo Sinh tưởng ta là đứa trẻ con không đề phòng. Ta lấy hết kho
tàng của hắn, chắc hắn nghi cho người khác, chứ đời nào nghi ta. Dù có
nghi, nó cũng không có chứng cớ bắt tội ta. Ta cần phải đóng kịch cho
cẩn thận mới được.

Vì được tự do, nó lấy cây côn đồng của Cao Cảnh Hầu vác theo, thuê xe
ngựa lên Long-biên chơi. Cầm cây côn trên tay, nó thấy khắc tên các vua
Hùng từ đời 16, cho đến thứ 18 rồi tên Sơn Tinh, Lý Thân, Vũ Bảo Trung,
Cao Nỗ… Nghĩa là có tên tất cả những người đã sử dụng. Nó tự cho mình
có duyên với côn, cầm côn đến một cửa hàng thợ rèn nói:

– Tôi muốn khắc chữ vào côn, chú có làm được không?

Người thợ rèn cầm cây đùi gõ vào côn mấy cái rồi nói:

– Ðược chứ. Cậu muốn khắc chữ gì nào?

Nó chỉ vào chỗ kế cạnh chữ Cao Nỗ nói:

– Tôi muốn khắc chữ Ðào Kỳ vào đây.

Người thợ gật đầu, cho một đầu gậy vào lò đun nóng lên, một lát đầu gậy
đỏ lừ. Anh ta lấy cái dùi thép khắc vào chữ Ðào Kỳ thực đẹp, rồi nhúng
đầu gậy vào nồi nước cho nguội. Ðào Kỳ cầm đầu gậy lên coi, thấy chỗ đốt hơi cháy xém một chút nó tự an ủi:

– Ta dùng cát đánh thì lại sáng như thường.

Nó ôm gậy, trả tiền, đánh xe ra bờ sông chỗ trước đây Thiều Hoa, Giao
Chi và nó giao đấu với Hoàng Ðức, rồi nó bị bắt, để nhìn lại chỗ cũ.
Thấy bờ sông có cát, nó ngồi xuống đánh sáng đầu gậy. Chợt thấy cái chụp tròn ở đầu gậy chuyển động, nó bật ra tiếng kinh ngạc:

– Thì ra gậy rỗng, hai đầu có hai cái mu tròn, hoá ra cái nắp gậy. Thợ rèn đun nóng lên, cái chụp tròn tách ra.

Nó dùng đao trủy thủ cạy khẽ một cái, cái chụp bong ra. Nó nhìn vào bên
trong, bất giác nó ngây người: Cây gậy rỗng thực, bên trong để đầy những tấm thẻ bằng đồng. Nó lấy ra xem thì thấy tất cả 200 cái, trên các thẻ
khắc chi chít những chữ và đồ hình khác nhau. Nó lựa ra thấy 40 cái vừa
to vừa dài, 40 cái dài, 40 cái to và 80 cái ngắn nhỏ.

Nó lựa 40 cái dài ra xem thấy đánh số thứ tự từ 1 đến 40. Nó đọc qua
thấy dạy cách thở, hít, luyện công. Bỗng trống ngực nó đập mạnh vì rõ
ràng đó là nội công Dương cương của phái Cửu-chân. Nó tiếp tục đọc nữa
lại thấy cách luyện nội công Dương cương của phái Tản-viên. Nó đọc xuống những cái cuối cùng là cách luyện nội công của phái Sài-sơn và Hoa-lư.
Nó nghĩ thầm:

– Ai đã khắc những thẻ này mà lại có nội công Dương cương của tất cả các môn phái Lĩnh Nam?

Nó lấy 40 cái thẻ đồng lớn ra đọc, trong dạy đánh kiếm. Ðọc một lúc nữa
nó thấy rõ ràng đây là kiếm pháp Cửu-chân. Nó đọc sang 80 cái thẻ nhỏ,
ngắn dạy người ta làm nỏ liên châu. Nó ngưng lại để thở, nó cảm thấy như muốn nghẹt thở vì biến chuyển. Nó lấy 40 cái thẻ đồng lớn, dài ra thì
trong đó người ta dạy chưởng pháp.

Nguyên cây gậy đó tượng trưng cho uy quyền của các vua Hùng. Sau về tay
phò mã Sơn Tinh. Sơn Tinh tụ tập võ công của Phù-đổng Thiên-vương với võ công của ông chép vào những thẻ đồng cất trong đó. Sau cây gậy thuộc về Vạn-tín hầu Lý Thân. Trong lúc Âu-lạc đại hội thống nhất võ thuật,
Vạn-tín hầu mới nghĩ đến quy tụ hết tinh hoa võ thuật khắc vào các thẻ
đồng, cất trong gậy để lưu truyền cho đời sau. Ðầu tiên ông chép 36
chiêu Phục ngưu thần chưởng Dương cương của Sơn Tinh, và 36 chiêu Âm nhu của ông cùng cách biến hoá vào 40 cái thẻ đồng to, dài. Ông tổng hợp
cách luyện nội công Dương cương của Sơn Tinh với Âu-lạc làm một, rồi
chép với nội công Âm nhu của ông vào 40 cái thẻ đồng dài. Kiếm pháp Âm
nhu của ông mà ông đã thắng được phò mã Sơn Tinh thì ông đem chép vào 40 cái thẻ đồng to, nhưng ngắn. Cuối cùng ông chép cách chế nỏ thần của
Cao-cảnh hầu vào 80 cái thẻ đồng nhỏ và ngắn. Sau đó ông sai hàn hai đầu gậy lại. Khi ông tự vận, đệ tử của ông là Trung-tín hầu Vũ Bảo Trung
học được nội công Dương cương, sau lập ra phái Cửu-chân. Ông đem nội
công âm nhu dạy cho con ông là Lý Ðức, lập ra phái Long-biên. Vì vậy nội công Dương cương của phái Cửu-chân với phái Long-biên có nhiều phần
giống nhau từ nguyên thủy. Trải qua 200 năm, các đời sau thêm thắt, sửa
đổi đi thành ra nội công hai phái Cửu-chân, Tản-viên càng khác nhau
nhiều. Những điều ngoắt ngoéo như vậy, làm sao Ðào Kỳ hiểu được.

Ðào Kỳ ngắm một đống thẻ đồng ngẫm nghĩ:

– Ai là người đã khắc các thẻ đồng này ta không cần biết. Nhưng trong có đủ võ công của Cửu-chân, Tản-viên và Long-biên ta cứ tập hết đã rồi sau này gặp Nguyễn Phan ta sẽ nhờ ông giải thích cho. Còn chưởng pháp trong 40 cái thẻ đồng lớn, dài này là chưởng gì? Trước đây cha ta bảo rằng
muốn luyện tập võ công gì chăng nữa thì phải tập nội công trước. Như hôm trước ta sử dụng một chưởng tầm thường, nhưng nội công cao, đánh Hoàng
Ðức bị thương nặng. Những võ công này, ta phải dấu cho cẩn thận, nếu
không thì bị lấy mất. Ta đang ở Thái-hà trang, lúc nào Lê Ðạo Sinh cũng
rình mò ta, vậy ta phải dấu chỗ khác mới được.

Nó chợt nhớ trong trang Thái-hà có đền thờ Hùng vương:

– Bây giờ tập nội công trước, thì chỉ mang theo trong người những thẻ
này thôi. Còn bao nhiêu ta cho vào cây côn này, chôn ở phía sau đền.
Thường thường, ngày nào ta cũng đi lễ vua Hùng, thì ta có ra đó tập võ,
hay lấy thẻ đồng cũng không ai nghi ngờ. Hà… ta cầm côn ở đền thờ
Cao-cảnh hầu biểu diễn võ, rồi bị Song-quái bắt đi, mang cả côn theo.
Hoàng Ðức bắt ta cũng bắt cả côn, Lê Ðạo Sinh đem ta về trang cũng tuyệt không chú ý đến cây côn… Họ đâu có ngờ trong côn lại cất dấu những võ công kỳ diệu này?

Từ hôm xảy ra vụ nó đánh Hoàng Ðức bị thương đến giờ, trong trang canh
gác cực kỳ nghiêm mật. Nó lén nghe Lê Ðạo Sinh với Hoàng Ðức bàn với
nhau rằng có lẽ một cao thủ nào đó của phái Cửu-chân hay Long-biên đến
thám thính Thái-hà trang.

Trong khu vực trại tù, tối đến đều có người canh gác, bên ngoài bên
trong xích hàng chục con chó, nên nó không dám mang búa vào cứu Ðặng Thi Kế. Nó xuống hầm lấy hết ngọc ngà, châu báu, kiếm búa đem chôn ở đền
thờ Hùng vương. Vì nó nghĩ, biết đâu tung tích của nó bị khám phá, rồi
Lê Ðạo Sinh cho người xuống hầm dò xét, tìm ra những thứ kia thì sao.

Nó tiếp tục luyện tập nội công trong các thẻ đồng. Cho đến một đêm kia
nó luyện đến tấm thẻ cuối cùng. Từ đấy cứ mỗi đêm nó luyện lại từ đầu
đến cuối. Trong thẻ ghi rõ: Nếu cứ tiếp tục luyện mỗi ngày hai giờ, thì
trong vòng một năm được một thành. Ðến trình độ một thành thì tay không
đánh chết hổ trên rừng. Nhưng trước đó nó đã luyện tập hàng chục năm
Dương cương và hơn một năm Âm nhu với Nguyễn Phan. Bây giờ nó luyện cả
hai thì đã được hai thành rồi. Nhưng nó biết hợp Âm Dương làm một nên
công lực lên tới bốn thành. Nếu một ngày kia nó luyện được muời thành
thì nó sẽ là hai người khác nhau, mạnh không biết đến đâu mà kể. Nó ra
đền thờ Hùng vương đào 40 thẻ lớn, dài lên luyện chưởng pháp trong đó.
Nó thấy bốn tấm thẻ đầu dạy tổng quát cách vận khí, thấy trong đó dạy
vận khí cả Âm lẫn Dương. Còn 36 thẻ còn lại một mặt dạy luyện chưởng
Dương cương, một mặt luyện chưởng Âm nhu. Hai chưởng khắc chế nhau. Nó
không biết luyện chưởng nào tiếp.

Ðệ tứ Thái-bảo Sài-sơn đã nói với nó rằng Phục ngưu chưởng có 36 chiêu.
Gốc do Sơn Tinh chế ra có 36 chiêu Dương cương. Cần phải tập nội công
Dương cương mới sử dụng được. Sau đó Vạn-tín hầu thắng Sơn Tinh nhưng
vẫn tiếc chưởng pháp kỳ diệu, mới nhân đó chế ra 36 chiêu Âm nhu khắc
chế lại Dương cương. Thành ra Phục ngưu chưởng mỗi chiêu có một Âm một
Dương. Phục ngưu thần chưởng nếu sử dụng từng chiêu một cũng đã mạnh
không tưởng được, nhưng địch thủ có thời giờ vận chưởng chống lại được.
Nếu biết sử dụng cả 36 chưởng thì chưởng nọ nối với chưởng kia thành một dây liên miên bất tuyệt, đối thủ không thể nào chống lại được. Vạn-tín
hầu có thể sử dụng một dây Dương hoặc Âm, mà không thể tự ý đang Âm đổi
thành Dương, hoặc đang Dương đổi thành Âm. Có lẽ chưởng pháp này là Phục ngưu thần chưởng, nên mới có chiêu Âm Dương đối nghịch nhau. Không biết ta nên tập loại nào trước?

Gốc võ công của Ðào Kỳ là Cửu-chân thuộc Dương cương nên nó quyết định
luyện các chiêu Dương trước. Trước hết nó đọc qua một lượt thì nghiệm
thấy rằng có thể tập riêng rẽ từng chiêu mà không cần theo thứ tự. Tính
nó ưa những sự kỳ ngộ ngẫu nhiên, nên rút một thẻ tập đầu tiên thấy mang tên Ác ngưu nan độ. Chiêu này để chống lại một con trâu hung dữ, đứng
giữa đường không cho người đi qua. Chiêu thức bắt khí tụ vào đan điền,
rồi chuyển ra tay phải. Tay phải từ phía sau chuyển qua hông đẩy thẳng
về trước. Còn tay trái đánh xéo từ trên đỉnh đầu trái trở xuống. Kình
lực hai tay một đánh thẳng vào đầu đối thủ, một đánh tạt ngang vào phía
phải đối thủ.

Nó vận kình lực thử, thấy chân khí tụ vào đầu bàn tay muốn rung lên.
Nhưng chưởng phát không ra. Nó vội đứng dậy, vận khí lại hướng vào cây
thông gần đó phóng chiêu. Thì chưởng phong xoáy vào nhau, nhưng kình lực vẫn chưa phát ra được. Nó tự biết, Phục ngưu thần chưởng luyện tập cực
kỳ khó, nên nó tiếp tục vận khí luyện mãi, tới chiều thì nó vận khí đánh vào một cây thông to bằng bắp tay, rắc một cái, cây thông đổ xuống.

Nó mừng quá, đứng im tụ chân khí, phát chiêu lần thứ nhì hướng gốc cây,
lần này kình lực mạnh hơn, cây bị tiện đứt bằng từ gốc. Lần đầu tiên
luyện được một chưởng kỳ lạ, nó luyện suốt đêm không thiết nghỉ.

Ðược cái hồi này Lê Ðạo Sinh đối đãi với nó như khách, nên nó trốn đi
luyện chưởng không khó khăn gì. Cho đến một hôm nó luyện được hết 36
chưởng Dương cương. Bấy giờ nó mới học đến bốn cái thẻ dạy biến hoá. Tức đang từ chưởng này chuyển sang chưởng kia liên miên bất tuyệt, khiến
đối thủ không biết đâu mà lường.

Nó đem các thẻ đồng cho vào côn, đổi lấy các thẻ đồng dạy về Âm chưởng
ra học thuộc yếu quyết rồi luyện sau. Nó nghiệm thấy các chiêu Âm nhu
khó sử dụng vô cùng. Nhưng chiêu số phát ra mau hơn Dương cương. Các
chiêu Âm nhu thường đợi chiêu Dương cương phát rồi, mới phản lại. Nhưng
chiêu ra sau mà lại tới trước. Nó luyện chiêu Ác ngưu nan độ Âm nhu đầu
tiên. Nó luyện suốt một ngày mà không phát ra. Khiến nó phải ngồi suy
nghĩ:

– Tại sao ta phát chiêu không ra?

Trong yếu quyết có nói Tâm an, khí tĩnh, lực sinh nó không hiểu nổi. Nó
ngồi thừ ra hỏi “Tâm an là gì?” Nó chợt nhớ đến bài ca khuyết Ðặng Thi
Kế dạy nó “Tâm an là giữ sao cho người tự nhiên, khí không chuyển động,
giống như người ngủ vậy.” Nó thử trấn nhiếp tâm hồn cho Tâm an thì quả
nhiên Dương khí thu về hết, bây giờ nó vận khí, thì thấy khí chuyển cuồn cuộn, nó hướng tay phát chưởng thì bịch một cái chưởng đánh vào thân
cây êm ái, nhưng cây rung lên tiếng vọng đi rất xa. Bây giờ nó mới hiểu:

– Thì ra ngày xưa Vạn-tín hầu chép Phục ngưu chưởng vào thẻ đồng, sợ
người ngoài luyện được, ngài chép bằng những thuật ngữ khó hiểu, rồi
ngài đặt ra ca khuyết để truyền thuật ngữ đó cho đệ tử mà thôi. Vì vậy
người nào dù bắt được võ công, nếu không có ca khuyết cũng vô ích.

Nó thấy Âm kình đánh vào thân cây còn ác độc hơn Dương kình nhiều. Nó
luyện đến chiều, lại trở về Thái-hà trang. Nó chú ý thấy nhà tù không
còn cho gác bên ngoài, trong không có người canh giữ nữa. Nó ăn cơm
xong, chờ cho mọi người đi ngủ, mang búa lệnh của phái Tản-viên, chìa
khoá, chui xuống hầm ngoài bờ ao.

Ra khỏi hầm, nó tiến về phòng giam Nguyễn Phan, mở khoá, đẩy cửa bước
vào. Nó cảm thấy nghẹt thở, vì có người phóng chưởng đánh nó, chưởng lực thuộc loại Dương cương rất quen thuộc. Trong nhất thời, nó chưa phân
biệt được chưởng pháp nào. Phản ứng tự nhiên, nó vận sức đẩy ra một
chưởng chống lại. Nội công của nó bây giờ đã đạt tới bốn thành hoả hầu,
nên chưởng của nó hùng mạnh vô cùng. Bùng một cái, người nó rung động,
ngực muốn nghẹt thở. Còn người đánh nó kêu ái chà một tiếng lộ vẻ khủng
khiếp.

Nó phân biệt người phóng chưởng này công lực mạnh hơn Hoàng Ðức rất
nhiều. Nó cũng nhận ra nội công của đối thủ với nó cũng thuộc Dương cả.
Người kia cũng nhận thấy thế, phát chiêu thứ nhì, miệng nói:

– Ngươi là ai? Tại sao lại sử dụng võ công Cửu– chân, mà nội lực lại của phái Tản-viên nhà ta? Tiếp chưởng thứ nhì!

Vừa rồi thuận tay nó phát chưởng Cửu-chân, mà lại nội lực Dương cương
giống như của Tản-viên, thành ra uy lực không mạnh cho lắm. Tuy nhiên nó chỉ phát chiêu theo lối phản ứng tự vệ, mà người kia thì tấn công, thế
mà cũng ngang tay nhau, thì rõ ràng nó thắng người kia rồi. Nó biết đối
thủ trước mặt là một đại cao thủ, kiến thức rất rộng, nên phân biệt được cả chưởng pháp lẫn nội công của nó. Biết vậy, tính trẻ con nổi dậy, nó
muốn làm cho đối thủ hoang mang, không biết nó là ai, nó vận nội công
trong côn đồng, phát chiêu trong côn đồng.

Bùng một tiếng, người kia lùi trở lại. Còn nó thì ung dung như thường. Người kia thở dốc hỏi:

– Ngươi là cao nhân phương nào? Nội công của ngươi vừa giống Cửu-chân
vừa giống Tản-viên. Còn chưởng pháp của ngươi rõ ràng là Phục ngưu thần
chưởng, chiêu Thanh ngưu nhập điền.

Nó vẫn không lên tiếng, nhảy lùi lại đàng sau ra khỏi phòng, người kia
theo sát nó như bóng với hình. Nó vọt lên mái nhà, người kia cũng vọt
theo. Từ mái nhà nó nhảy ra khỏi hàng rào nhà tù, khi còn lơ lững trên
không, nó đã nghe tiếng đàn bà nói:

– Giỏi! Tiếp một chưởng của ta.

Người đó đứng dưới đất phóng ngược chưởng trở lên đánh vào nó. Chưởng
lực mạnh ngang với Hoàng Ðức. Nó phận biệt được chưởng pháp, chiêu số
của mụ cùng với Hoàng Ðức và người đối chưởng với nó trong nhà tù. Còn
lơ lững trên không, bị người đàn bà phóng chưởng đánh nó, trong khi có
một người cũng từ nóc nhà nhảy theo phóng chưởng vào lưng. Tiền hậu thọ
địch, nó vẫn không sờn lòng, vận toàn lực nội công Âm Dương mà nó tổng
hợp được, tay phát chiêu Lưỡng ngưu tranh phong. Chiêu này hai tay đánh
về hai chiều ngược nhau, để đẩy hai con trâu đang húc nhau ra. Nhưng nó
lại ấy sức của chưởng lực người trên mái nhà và của nó chuyển về phía
dưới. Người đàn bà phía dưới tuy gặp nguy hiểm nhưng kinh nghiệm nhiều,
mụ thấy chưởng lực của nó vừa Âm vừa Dương ào ào đổ tới, lại thêm chưởng lực phía sau bị nó đẩy xéo vào người. Mụ biết nguy hiểm trong đường tơ
kẻ tóc, đẩy cả hai chưởng về phía trước, mượn đà nhảy lui trở lại. Người mụ bắn vọt về sau đến mười trượng. Mụ không dám đứng, thuận đà lăn đi
mấy vòng để giải lực đổ vào người mụ.

Tuy thoát chết, nhưng mụ cũng hú hồn. Mụ quát lên một tiếng thực lớn, vọt dậy hỏi:

– Mi là ai?

Ðào Kỳ không trả lời, tay cởi khăn trên cổ xuống bịt mặt lại. Ðứng im nhìn đối thủ.

Bây giờ nó mới nhận ra người đấu chưởng trong nhà tù với nó là một người đàn ông thân thể cao lớn. Còn người đàn bà dưới đất nó nhận ra khổ
người trung bình. Trong đêm tối, nó không nhận rõ được mặt hai người.
Nguyên người đàn ông đấu chưởng với Ðào Kỳ trong nhà tù là Chu Bá, đệ tử thứ hai của Lê Ðạo Sinh, còn người đàn bà dưới đất đánh Ðào Kỳ là Lê
thị Hảo, con gái lớn của Lê Ðạo Sinh, vợ của Chu Bá.

Chu Bá thấy nội công Ðào Kỳ thâm hậu, chiêu số rõ ràng là của Tản-viên, y đoán là Phục ngưu thần chưởng, song y không biết đó là chiêu gì. Y đâm
kính phục và nghĩ:

– Người này thân pháp tuyệt diệu, nội công nửa Dương, nửa Âm, võ công
khi thì Cửu-chân khi thì Tản– viên. Một mình y đấu với hai vợ chồng ta
vẫn coi như không, thì y quả là phi thường. Ta đã lăn lộn võ lâm lâu
rồi, mà không hề nghe thấy có cao nhân nào như y cả, vậy y là ai? Chắc
chắn y phải quen với ta, nếu không tại sao y lại che mặt?

Y tỏ vẻ khách sáo hơn đôi chút:

– Thân thủ các hạ như thế này thì cũng dễ biết thôi, hà cớ gì không lên
tiếng và không cho chúng tôi biết mặt? Tại sao các hạ lại vào chỗ cấm
địa của Thái– hà trang?

Ðào Kỳ giả tiếng khàn khàn đáp:

– Vậy người vào đây để làm gì?

Chu Bá đáp:

– Ta vào có chuyện riêng của ta.

Ðào Kỳ cũng trả lời:

– Ta cũng vào có chuyện riêng của ta. Giữa chúng ta không thù, không oán, hà cớ phải đánh nhau nữa, ngừng quách cho rồi.

Lê Thị Hảo nói:

– Như thế cũng được.

Ðào Kỳ cười gằn, nhảy lên nóc nhà tù định vào cứu Nguyễn Phan và Ðặng Thi Kế.

Chu Bá nói:

– Ngươi định vào cứu người à? Vô ích. Những người ở đó đã bị đưa đi từ lâu rồi.

Ðào Kỳ thất vọng hỏi:

– Ngươi có biết họ bị đưa đi đâu không?

Lê Thị Hảo đáp:

– Biết thì ta biết rồi, cách đây mấy ngày, họ được đưa lên nhà tù
Long-biên, biệt giam rồi. ngươi có tài thì lên đó mà cứu họ. Ta nói cho
ngươi biết, nếu ngươi vừa đột nhập vào nhà tù, thì những người đó sẽ bị
giết liền. Vậy ngươi đừng mạo hiểm cứu họ, hoá ra giết họ.

Thình lình có tiếng hú vang dội, rồi một đàn chó chạy ra. Xung quanh đèn đuốc chiếu sáng loà. Ðào Kỳ thấy hàng trăm tráng đinh cầm vũ khí bao
vây phía ngoài. Phía trong thì Ðức Hiệp, Hoàng Ðức, Lê Thị Hảo, Chu Bá
bao vây nó vào giữa.

Nó lẩm bẩm:

– Ta bị bao vây rồi. Giữa bốn đại cao thủ, làm sao ta thoát nạn đây?

Nó nhìn về phía ngoài vòng vây, thấy Lục Mạnh Tân cùng với Phương Lan
đang đứng quan sát, dường như lơ đãng với việc bao vây người.

Tin vào thái độ quân tử của Lục tiên sinh, nó hường về ông, giả giọng khàn khàn:

– Lục tiên sinh.

Lục Mạnh Tân cùng vợ vào trong vòng vây hỏi:

– Ngươi là ai? Sao lại biết tên ta?

Ðào Kỳ nói:

– Ai ở Long-biên mà không biết tiên sinh. Tôi hỏi tiên sinh điều này,
mong tiên sinh chủ trì cho: Bốn người vây tôi, còn thêm tráng đinh với
một đàn chó, như vậy là anh hùng hay không?

Lục Mạnh Tân nói:

– Dĩ nhiên là không!

Ông quay lại nói với bốn người:

– Bốn vị là đệ tử của Lục-trúc tiên sinh, nổi danh khiêm khiêm quân tử.
Tại sao lại dùng bốn người đánh một, còn thêm tráng đinh với chó nữa?
Các vị hãy một đánh một, được thì là anh hùng. Còn thua thì về xin sư
phụ dạy lại, phục thù sau. Thái-hà trang chúng ta, thà chết chứ không
chịu mất tiếng anh hùng hảo hán.

Ðức Hiệp nói:

– Cách đây ít lâu, Lục-trúc tiên sinh biết trong trang có cao thủ ẩn
náu, lại khám phá ra bị mất rất nhiều vàng bạc, châu báu, mà không rõ ai là thủ phạm. Sau đó xảy ra vụ Hoàng Ðức bị người lạ mặt đánh trọng
thương. Tiên sinh biết có người ẩn náu trong trang mưu đồ cứu bọn Nguyễn Phan, Ðặng Thi Kế và Nguyễn Thành Công, nên nhờ ta tới ẩn trong nhà tù. Chúng ta chờ hắn từ lâu mà hắn không ngờ, hôm nay hắn tự chui đầu vào
bẫy, bị chúng ta bao vây, chúng ta phải bắt trộm nộp sư phụ.

Ðào Kỳ giật mình, nó tự biết rằng mình đã lọt vào bẫy, thì chỉ còn nước
tử chiến mà thôi. Nó quyết định dùng võ công Cửu-chân, cho chúng không
biết đường nào mà mò.

Nó hú lên một tiếng thật dài, vung quyền tấn công Ðức Hiệp. Ðức Hiệp
thấy thế quyền mạnh, lùi lại một bước phản đòn. Nó chuyển quyền sang
phía Hoàng Ðức. Hoàng Ðức phát chưởng đỡ. Thuận tay nó đẩy chưởng của
Hoàng Ðức về phía Chu Bá. Chu Bá vận sức phóng chưởng đánh vào thượng lộ nó. Nó chuyển tay phải đỡ. Thế là bốn đại cao thủ bao vây nó vào giữa.
Ðào Kỳ tuy học được nội công hùng mạnh, võ công của Tản-viên, nhưng chưa kinh nghiệm chiến đấu, thành bốn người chiếm được thượng phong. Hoàng
Ðức thấy dùng toàn võ công Cửu-chân thì ngạc nhiên hỏi:

– Ta tưởng mi là ai, hoá ra mi là đệ tử của Cửu-chân. Ta thấy võ công ngươi còn hơn Ðào Thế Kiệt gấp bội, vậy ngươi là ai?

Ðào Kỳ vẫn giả tiếng khàn khàn nói:

– Ta là Trần Dương Ðức, đại đệ tử của Ðào chưởng môn.

Ðức Hiệp nhìn vào lưng Ðào Kỳ thấy hơi quen, nhưng trong nhất thời y
nghĩ không ra. Từ hôm Hoàng Ðức bị đánh trọng thương, tiếp theo Thái-hà
trang bị mất trộm. Trộm vào căn phòng bí mật của Lê Ðạo Sinh lấy nào
kiếm của Thục An-dương vương, nào búa của thánh Tản-viên, nào vàng bạc
châu báu, thì phải là thứ trộm người quen ghê lắm. Cho nên Lê Ðạo Sinh
biết rằng có người nằm vùng, nhưng đoán không ra là ai. Lê Ðạo Sinh cho
đó là những người lớn tuổi mà thôi, vì y cho rằng người có công lực để
đánh Hoàng Ðức bị thương như thế thì không thể nào là người trẻ được.

Hôm nay Ðức Hiệp nhìn lưng Ðào Kỳ quen quen, y cũng không đoán ra. Nhưng y là con cáo già, y muốn gợi chuyện với Ðào Kỳ để tìm ra tông tích nó:

– Không đúng! Thân pháp ngươi nhanh như điện chớp, thì đó là thân pháp
của phái Long-biên. Còn nội công của người thì vừa giống Cửu-chân vừa
giống Tản– viên, lẫn phái Long-biên nữa. Ngươi sử dụng chưởng pháp đánh
Hảo muội và Chu đệ ta thấy giống Phục ngưu thần chưởng. Ngươi mới dùng
võ công Cửu-chân đánh bọn ta để làm lạc ý tưởng của bọn ta… Khó lắm!
Ta biết Ðào Thế Kiệt nội công thua ngươi xa, tuy ngoại công y có hơn
ngươi. Những chiêu thức ngươi sử dụng không bằng Thế Kiệt, nhưng nội lực ngươi mạnh, thành ra uy mãnh vô cùng. Ngươi là cao nhân đương thời,
việc gì phải dấu mặt, dấu tên?

Ðào Kỳ vờ giọng khàn khàn:

– Các người tự thị là kiến thức quảng bác, ráng mà tìm hiểu chân tướng của ta qua võ công.

Năm người tuy đối đáp, mà chưởng, quyền liên tiếp tấn công nhau. Ðào Kỳ
thấy đánh lâu có thể sơ xẩy, nó phóng liền ba chưởng, rồi nhảy lùi lại.
Nó đã thoát ra ngoài vòng vây, bốn người ở thế đối diện. Thuận tay nó
phát chiêu Hải triều lãng lãng. Bọn người thấy thế chưởng mạnh khủng
khiếp vội dừng lại phát chưởng chống. Ðào Kỳ phóng liền hai lớp nữa rồi
nhảy lui lại toan chạy. Chợt nó nhìn thấy Phương Lan đứng với Lục Mạnh
Tân ở phía sau, nó chụp lấy nàng, dơ lên đỡ chưởng bốn người. Bốn người
thấy thế hoảng kinh, vội thu chưởng về, nó nhô lên thụp xuống mấy cái đã chạy khỏi vòng vây, biến vào đêm tối. Nó chạy đến một khu rừng, thì để
Phương Lan xuống.

Phương Lan khóc:

– Tiền bối, xin tiền bối tha mạng. Tôi là con gái của trang chủ, không biết võ nghệ, tiền bối tha cho tôi đi.

Ðào Kỳ nghĩ nàng là vợ của Lục Mạnh Tân, thì là sư mẫu của mình. Nó nghĩ đến Lục Mạnh Tân lòng dạ thuần nhã, dạy dỗ nó hết lòng. Nó vội chắp tay hành lễ rồi nói:

– Bà có phải là phu nhân của Lục tiên sinh chăng?

Phương Lan cúi xuống, nín lặng một lúc rồi trả lời:

– Vâng, chúng tôi được cha đứng ra chủ trì cho kết hôn. Người tìm chúng tôi trở về. Tôi vừa về tới thì bị tiền bối bắt đi.

Ðào Kỳ hỏi Phương Lan:

– Lê tiên sinh có thực tâm tác thành cho hai vị chăng?

Phương Lan thở dài:

– Tôi tự biết có lỗi với cha tôi, nhưng sự đã rồi, tôi đành năn nỉ xin cha tôi rộng lượng mà thôi.

Ðào Kỳ gật đầu:

– Tôi sẽ đưa phu nhân về.

Phương Lan tuyệt không ngờ con người võ công cao như nó, lại thả nàng dễ dàng như thế, còn lễ phép với nàng nữa.

Ðào Kỳ cắp nàng chạy theo hướng khác trở về trang, để nàng trước cổng
Nam của trang, rồi tới cửa Tây trở vào. Nó trở về đến trang trời đã
khuya, nó vào phòng ngủ như không có gì xảy ra.

Sáng hôm sau nó dậy hơi trể. Ðức Hiệp đến gõ cửa phòng nó. Nó mặc quần áo rồi ra mở cửa.

Ðức Hiệp nói với nó:

– Chú em! Tôi đến hỏi chú em một việc. Chú em có thể hứa nói thực với tôi không?

Ðào Kỳ không biết Ðức Hiệp muốn gì, nó trả lời lơ đãng:

– Tôi hứa.

Ðức Hiệp tiếp:

– Trong phái Cửu-chân, ngoài lệnh tôn ra, còn có người nào ở vai cao hơn không? Thí dụ như sư thúc, sư bá của lệnh tôn.

Ðào Kỳ biết Ðức Hiệp đang muốn tìm hiểu người mà y đấu võ tối hôm qua.
Có lẽ Ðức Hiệp cho rằng người đấu được với bọn sư huynh muội của y thì
vai vế phải cao hơn Ðào Thế Kiệt. Nó làm như mệt mõi, ngồi xuống phản
ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:

– Tôi không nghe nói tới.

Ðức Hiệp tiếp:

– Khi lệnh tôn dạy võ cho đệ tử và các con, thì dạy có giống nhau không, hay khác nhau?

Nó trả lời ngay:

– Không khác, cha tôi dạy ai cũng giống nhau.

Ðức Hiệp gật đầu suy nghĩ:

– Chú em! Từ ngàychú em đến trang, ta thấy chú em vẫn luyện tập võ nghệ. Chú em có muốn chiết chiêu để thử lại xem võ công tiến tới đâu không?

Ðào Kỳ biết Ðức Hiệp muốn thử võ công của mình so với võ công của nó đêm qua có giống nhau không. Nó thầm nghĩ:

– Ta cứ ra chiêu giống như võ công Cửu-chân, nhưng nội công thì hỗn hợp
của cả ba phái Cửu-chân, Tản-viên và Long-biên, giống như đêm qua ta
làm. Như vậy chúng tin người đánh chúng hôm qua là sư huynh ta.

Nó đáp:

– Tôi xa cha tôi lúc 13 tuổi, võ công học không được làm bao, không đáng cho tiên sinh cười.

Ðức Hiệp kéo tay nó đi về phía phòng luyện võ:

– Chú em còn nhỏ, đời còn dài, võ công thấp đâu có gì lạ.

Ðức Hiệp chỉ một đệ tử ngang tuổi với nó nói:

– Minh Châu, ngươi chiết chiêu với Ðào công tử xem võ công người đến đâu rồi. Coi chừng, nếu người thua Ðào công tử, ta phải phạt ngươi phục thị công tử một tháng.

Ðào Kỳ nhìn Minh Châu, đó là một thiếu nữ 17-18 tuổi, môi hồng, mắt
sáng, dáng ngưởi đậm đà rất duyên dáng. Minh Châu đứng thủ thế.

Ðức Hiệp nói:

– Ngươi tấn công trước đi. Ðào công tử là đệ tử danh gia không tấn công trước đâu.

Minh Châu bước lên Ðinh tấn, tay phải ra quyền, tay trái thủ. Ðào Kỳ
dùng Cửu-chân quyền pháp chống lại. Mặc cho Minh Châu tấn công, nó chỉ
thủ, thỉnh thoảng phản lại một chiêu. Nó nhận ra võ công Minh Châu ngang với sư tỷ của nó là Thiều Hoa. Nó thấy Minh Châu xinh đẹp, không muốn
làm cho nàng thất bại, nên tấn công cầm chừng. Khi phát chiêu, nó chỉ sử dụng một chút kình lực mà thôi. Nó biết mỗi chiêu của nó ra, Ðức Hiệp
theo dõi rất kỹ.

Bất thình lình Minh Châu lùi lại, tay trái đánh từ dưới lên, tay phải
đánh từ sau ra. Nó nhận ra đó là chiêu Ngưu hổ tranh phong. Chưởng lực
khá mạnh. Nó không dám chần chờ, phát chiêu Loa thành nguyệt ảnh, lùi
lại một bước, tay trái quay một vòng trước mặt, tay phải đánh xuyên vào
vòng tròn. Hai chưởng lực gặp nhau, Minh Châu và nó đều lùi lại một
bước.

Ðức Hiệp hô lớn:

– Ngừng tay!

Ðào Kỳ hướng Minh Châu hành lễ:

– Cô nương đúng là đệ tử danh gia, chưởng lực của cô nương mạnh lắm.

Minh Châu nói:

– Cũng nhờ công tử nhẹ đòn cho.

Ðức HIệp hỏi Ðào Kỳ:

– Ngoài lệnh tôn ra, công tử có học ai khác không?

Nó trả lời sự thực:

– Có, tôi có học võ với chưởng môn Hoa-lư ít chiêu và Nghiêm đại ca. Nhưng không được là bao.

Nó biết nội công của Nghiêm Sơn vừa cương vừa nhu, nên đưa ra lời nói đó, dùng Nghiêm Sơn huø y cho y điên đầu.

Ðức Hiệp gật đầu:

– Có thể như thế! Tôi thấy chiêu cuối cùng Loa thành nguyệt ảnh của công tử có pha đôi chút nội công Âm nhu. Công tử là người của Nghiêm công
thì như người nhà cả. Công tử muốn tập võ, cứ lên võ đường này mà tập
luyện.

Ðức Hiệp rời giảng võ đường, Minh Châu hỏi Ðào Kỳ:

– Công tử! Năm nay công tử bao nhiêu tuổi?

– Tôi, 17 tuổi rồi.

Minh Châu reo lên:

– Tôi cũng bằng tuổi công tử. Tôi sinh tháng chín, công tử sinh tháng mấy?

Ðào Kỳ thấy Minh Châu dễ thương, nó cảm thấy vui vui:

– Tôi sinh tháng bảy, như vậy tôi lớn hơn cô nương hai tháng. Cô nương,
tôi hỏi tò mò, cô nương với Lục-trúc tiên sinh là thế nào?

Minh Châu cười tủm tỉm, nheo mắt trông rất khả ái:

– Tiên sinh là thái sư phụ tôi. Tôi họ Hoàng.

Ðào Kỳ à một tiếng:

– Thì ra cô nương là con gái Huyện-uý Long-biên Hoàng Ðức tiên sinh đấy.

Minh Châu gật đầu:

– Cha tôi thường nhắc nhở đến công tử luôn. Người nói công tử hồi đó còn nhỏ tuổi mà đã đầy lòng nghĩa hiệp, dám rút kiếm cứu người giữa chợ.

Hồi nhỏ Ðào Kỳ là một công tử con Lạc-hầu, chưởng môn phái Cửu-chân.
Xung quanh có toàn sư huynh, sư tỷ đối với nó chiêu đãi thân thiết, còn
ngoài ra là kẻ hầu, người dưới. Nó chưa bao giờ có bạn cả. Ðây là lần
đầu tiên nó quen biết một người ngang tuổi, vừa nhu mì, vừa xinh đẹp. Nó cao hứng tuyệt vời:

– Tôi ở trong trang trước sau gần bốn năm, mà sao không bao giờ thấy cô nương?

Minh Châu mỉm cười:

– Tôi ở Long-biên với cha tôi. Gần đây người bảo tôi đến Thái-hà trang
hầu hạ thái sư phụ. Thái sư phụ bảo cái hạn đại ca hứa làm nô bộc cho
người đã hết. Công tử là người thân của Lĩnh-nam công nên cần phải đối
đãi thật hoàn hảo. Người mới ngỏ ý cho tôi về đây thay công tử.

Minh Châu vẫy Ðào Kỳ ra khỏi giảng võ đường, hướng về cuối trang. Ðào Kỳ đi theo:

– Cô nương nói thế thì được phục thị Lục-trúc tiên sinh là một điều hân hạnh lắm hay sao?

Minh Châu gật đầu:

– Thái sư phụ chỉ cho đệ tử, hoặc con cháu phục thị thôi. Người ngoài đầu tiên được phục thị Thái sư phụ là công tử đó.

Ðào Kỳ gợi chuyện:

– Tôi nghe người trong trang nói Lục-trúc tiên sinh bị mất trộm nhiều
châu báu lắm phải không? Tôi ở đây đã bốn năm, thấy cách canh phòng
trang ấp cực kỳ nghiêm mật, làm sao trộm có thể lọt vào được? Trộm nào
khi nghe danh Thái-hà trang cũng bở vía, đâu dám đột nhập nữa? Tôi nghĩ
có lẽ người nhà mới dám làm như vậy.

Minh Châu thở dài:

– Thái-hà trang xưa nay nức tiếng thiên hạ, thế mà xảy ra chuyện người
lạ mặt vào đánh cha tôi một chưởng đến nỗi bị thương nặng. Rồi trong
trang lại xảy ra mất trộm. Thái sư phụ đoán rằng trong trang phải có một đại cao thủ ẩn náu. Người đánh cha tôi, với người trộm phải là một. Hôm qua lại xảy ra người lạ vào nhà tù định cứu tội phạm ra. Ðại sư bá, cha tôi, với hai vị sư thúc nữa vây đánh mà không bắt được. Người đó còn
dắt tiểu thư, con út của thái sư phụ đi đến sáng mới thả về. Tiểu thư
bảo ngưởi đó đối với cô cực kỳ lễ phép, y tỏ ra tôn kính Lục tiên sinh.
Thế thì nhất định y là người Lục tiên sinh.

Ðào Kỳ giả bộ:

– Tôi nghe nói người đó sử dụng võ công Cửu-chân nhà tôi, có lẽ vì vậy
mà đại sư bá của cô nương mới bảo tôi chiết chiêu với cô nương xem có
giống chiêu số người hôm qua không? Có đúng vậy không?

Minh Châu gật đầu, im lặng không nói gì. Hai người tiếp tục đi về phía
cuối trang. Từ đàng xa có hai người cưỡi ngựa đi ngược chiều với Ðào Kỳ. Minh Châu hiện lên nét mặt vui mừng, chỉ về phía hai kÿ mã:

– Công tử, hai người kia là cháu ngoại của Thái sư phụ, họ là con của sư bá Chu Bá và sư thúc Lê Thị Hảo của tôi.

Hai kÿ mã tới gần, Ðào Kỳ thấy một trai tuổi khoảng 22-23, một gái tuổi
khoảng 17-18. Trai thì khôi ngô, hùng vĩ, gái thì da trắng, môi hồng mắt phượng, cực kỳ xinh đẹp. Ðào Kỳ tự nhiên đem so sánh thiếu nữ với sư tỷ Thiều Hoa của nó:

– Ta tưởng trên đời này, không có người nào đẹp bằng sư tỷ ta, không ngờ hôm nay lại gặp người con gái đẹp như thế này? Khó mà so sánh rằng ai
đẹp hơn ai.

Minh Châu vẫy hai người dừng ngựa lại giới thiệu:

– Ðây là sư huynh Chu Quang và sư tỷ Chu Tường Qui của tôi.

Minh Châu quay lại chỉ Ðào Kỳ:

– Ðây là Ðào công tử, người phục thị Thái sư phụ trước đây.

Chu Quang hỏi Minh Châu:

– Tên nô bộc này ở trong trang đã lâu chưa? Nó là người ở trong trang
đến hầu hạ nhà ông ngoại, hay là người mua từ trang khác về.

Bấy giờ là thời phong kiến, mỗi Lạc-hầu cai trị trang ấp của mình. Người trong trang giống như dân một nước, còn Lạc-hầu là một ông vua nhỏ. Lạc hầu cần người hầu hạ, thì cứ việc tuyển chọn, không cần biết gia đình
có đồng ý hay không. Khi Lạc-hầu cần tiền, có thể đem các nô bộc, hoặc
người trong trang bán cho trang khác. Tục mua bán người như mua bán thú
vật đời nay vậy. Cho nên Chu Quang mới hỏi tông tích Ðào Kỳ như thế.

Minh Châu đáp:

– Ðào công tử không phải người trong trang, cũng không phải do Thái sư
phụ mua về. Nguyên công tử là con trai của Lạc-hầu Cửu-chân. Vì công tử
giao ước đấu võ với Thái sư phụ bị thua, nên phải làm nô bộc trong trang nay đã hết hạn rồi.

Chu Tường Qui tươi cười:

– Thì ra công tử của Ðào trang Cửu-chân. Mấy năm trước tôi có nghe nói
về việc công tử giao ước đấu với Thái sư phụ tôi mười chiêu. Nếu trong
mười chiêu người tìm được môn hộ công tử thì công tử phải chịu làm nô
bộc. Sau quả nhiên Thái sư phụ tìm ra được.

Chu Quang vẫy tay hai cái:

– Nô bộc là nô bộc, tại sao lại phải gọi là công tử? Minh Châu sư muội,
ngươi đi dạo chơi với một tên nô bộc như thế này, coi sao được. Sư muội
chỉ có thể dùng nó để bưng nước, giặt quần áo mà thôi.

Minh Châu lắc đầu:

– Sư ca lầm rồi. Ðào công tử hiện nay đâu có còn là nô bộc của Thái-hà
trang nữa! Công tử là người của Lĩnh-nam công gửi trang Thái-hà, nên
công tử thành khách của ta rồi đó. Chính đại sư bá nói thế.

Chu Quang nguyên là con đầu lòng của Chu Bá, là cháu ngoại của Lê Ðạo
Sinh, được chính ông ngoài truyền thụ võ nghệ, cho nên bản lãnh của y
cũng không thua gì đám sư bá sư thúc. Vì vậy, nên bản tính y rất kiêu
căng, phách lối. Cha y là Huyện-uý Bắc-đái, nên y trở thành một thứ công tử hạng nhất, nhìn đời bằng nửa con mắt. Trong một lần họp đại hội đệ
tử của Thái-hà trang, y được làm quen với Minh Châu. Hai người ý hợp tâm đầu. Y thầm yêu nàng từ đấy. Cách đây mấy hôm, nghe Minh Châu đến
Thái-hà trang phục thị ông ngoại. Quang xin phép cha mẹ trở về thăm
trang Thái-hà, nhưng sự thực để gần gũi Minh Châu. Vừa vào cổng trang y
thấy Minh Châu đi chơi bên cạnh một thanh niên tướng mạo phong nhã, y đã nổi cơn ghen lên rồi. Ðã vậy Minh Châu cũng như em gái y còn một điều
kêu Ðào Kỳ là công tử, hai điều kêu là công tử, khiến y càng nổi giận
hơn lên. Y mới buông lời nhục mạ Ðào Kỳ.

Chu Quang nghe lời Minh Châu biện hộ cho Ðào Kỳ, khiến y càng nổi giận:

– Ðào trang Cửu-chân là cái gì? Dù cho trang trưởng Ðào Thế Kiệt có đến
đây chăng nữa, chỉ đáng làm nô tỳ cho nhà ta mà thôi. Ta còn lạ gì võ
công Ðào trang nữa, chỉ có tiếng mà vô dụng. Ta nghe Phong-châu song
quái nói họ chỉ đánh một chưởng mà Ðào Thế Kiệt ngã lăn ra. Thế có phải
võ công Cửu-chân vô dụng không?

Ðào Kỳ thấy Chu Quang nhục mạ cha mình, không nhẫn nại được nữa:

– Chu công tử! Tôi mới gặp người lần đầu, chưa hề có lời nói hay cử chỉ
gì vô lễ. Cớ sao công tử nhục mạ môn hộ, gia đình của tôi? Như vậy là
tác phong của danh gia sao?

Minh Châu tiếp lời:

– Hồi nãy, đại sư bá bảo tôi chiết chiêu với Ðào công tử. Chưởng lực công tử mạnh vô cùng. Tôi phải chịu thua đấy.

Chu Quang quát lên:

– Tên nô tỳ này là gì của sư muội, mà sư muội cứ bênh nó hoài vậy?

Miệng nói, y rung tay một cái, chiếc roi ngựa nhắm đầu Ðào Kỳ quật tới.
Ðào Kỳ định giật roi quăng đi, nhưng nó nghĩ làm thế sẽ bị lộ hình tích
nên vận công chịu một roi. Chát một tiếng, roi quất trúng đầu nó, nó vẫn thản nhiên như thường.

Chu Tường Qui kêu lên:

– Ðại ca, đừng làm thế.

Miệng nói cô dùng roi ngựa của mình, đỡ roi của anh, nhưng không kịp. Cô có vẻ quan hoài đến Ðào Kỳ:

– Ðào công tử có sao không?

Ðào Kỳ lắc đầu:

– Tôi vì ở đất của người, nên chịu một roi, cũng chả đáng kể.

Chu Quang càng nổi lôi đình:

– Mày đừng nhường ta nữa. Nếu mày chịu được của tao mười chiêu thì tao chịu làm nô bộc cho mày suốt đời.

Miệng nói, y nhảy từ mình ngựa phóng xuống. Tay trái co lại thành trảo,
tay phải thành chỉ nhắm hai mắt Ðào Kỳ tấn công. Chiêu số của y cực kỳ
mãnh liệt, kình lực phát ra rung động cả ngón tay.

Ðào Kỳ ngẫm nghĩ:

– Ta mới gặp mi lần đâu, không thù không oán tại sao mi lại ra tay như thế này?

Ðợi cho chỉ, trảo của Chu Quang sắp tới gần, Ðào Kỳ mới nhảy lùi trở lại thân pháp của nó nhanh vô cùng. Nhưng Chu Quang vừa xuống tới đất cũng
nhảy theo vung quyền đánh thẳng vào ngực Ðào Kỳ. Nó tránh sang trái, thì quyền cũng đuổi theo. Bắt buộc nó phải đưa tay gạt. Chu Quang cảm thấy
tay tê chồn, bây giờ mới biết Ðào Kỳ có bản lãnh chân thực. Y kêu lên:

– Thì ra mi là một cao thủ.

Y phóng liền một chưởng, thế chưởng cực kỳ dũng mãnh. Ðào Kỳ nhận ra đó
là chiêu Ngưu ngoạ ư sơn trong Phục ngưu thần chưởng. Chiêu này tay trái quay một vòng tròn, rồi đẩy về trước. Tay phải đánh thốc từ dưới lên.
Chưởng phong ào ào chụp lên người Ðào Kỳ. Ðào Kỳ biết chiêu này hùng
mạnh, thấy chưởng lực của y không kém gì chưởng lực của Hoàng Ðức. Nó
không dám coi thường, chờ cho chưởng của Chu Quang sắp tới người, nó
cũng ra chiêu Ngưu ngoạ ư sơn, nhưng vận Âm kình. Chiêu của nó ra sau,
nhưng tới trước. Hai chưởng gặp nhau, bịch một tiếng.

Minh Châu, Chu Tường Qui cùng lo cho Ðào Kỳ kêu thất thanh:

– Ðại ca ngừng tay.

– Sư huynh không được hại người.

Hai người nhắm mắt, không dám nhìn cảnh Ðào Kỳ thịt nát xương tan. Nhưng sau tiếng bịch, họ mở mắt ra, thì thấy Ðào Kỳ đứng thản nhiên như
không. Còn Chu Quang mặt tái mét, đứng run rẩy ở xa.

Chính Chu Quang cũng không hiểu rõ nguyên do, tại sao một chưởng của Ðào Kỳ phát ra êm nhẹ, lại làm cho chưởng phong của y biến mất, y còn rung
động toàn người. Hơi lạnh đột nhập vào người y muốn run lên.

Chu Tường Qui thấy hiện tượng lạ, hỏi:

– Ðại ca, sao vậy?

Chu Quang đã lấy lại được bình tĩnh:

– Chắc nó dùng tà thuật, để ta thử lại một chiêu nữa xem sao.

Trong lúc nóng giận vì bị Chu Quang xỉ mạ cha mình, nên Ðào Kỳ đã phát chiêu Âm nhu về Phục ngưu thần chưởng. Nó tự hối hận:

– Ta không nên hiển lộ võ công, nếu không thì nguy hiểm. Ta chỉ cần sử
dụng võ công Cửu-chân cũng đủ thắng Chu Quang, nhưng ta không nên dùng
kình lực mạnh quá, làm cho y bị thương.

Chu Quang lại phóng chưởng nữa. Ðào Kỳ nhận ra là chiêu Ác ngưu nan độ. Chiêu này cực kỳ cương mãnh.

Minh Châu, Chu Tường Qui cũng cảm thấy võ công Ðào Kỳ không tầm thường nên lần này hai nàng đứng im, không cản Chu Quang nữa.

Ðào Kỳ nhảy vọt lên cao tránh chưởng của Chu Quang. Nhưng Chu Quang đâu
phải loại tầm thường, y biến chưởng thành quyền, nhảy lên đánh vào ngực
Ðào Kỳ. Ðào Kỳ còn lơ lững trên không, nếu nó muốn giết Chu Quang chỉ
việc nhả chưởng lực thì y chết liền. Nhưng nó nghe thấy tiếng Chu Tường
Qui kêu thét lên, tỏ vẻ lo sợ cho nó. Tự nhiên nó muốn giả vờ bị đòn xem cái gì sẽ xảy ra. Nó vận sức Âm nhu vào ngực. Quyền của Chu Quang đánh
trúng, bịch, bịch hai tiêng. Nó làm bộ ngã lăn xuống đất ôm ngực quằn
quại.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN