Anh Hùng Tiêu Sơn - Chương 30
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
163


Anh Hùng Tiêu Sơn


Chương 30


Cao Tăng Bảo Quốc – – —nh Nam Vũ Kinh

Lão Xồi ngơ ngác hỏi:

– Cái nị nói sao? Ngộ không piết gì hết. Ngộ đi pán thuốc mà. Cái nị đau gì đó, ngộ pán rẻ cho. Thuốc của ngộ tốt lắm đó.

Thiếu niên trưởng toán quát lên:

– Mi đừng giả bộ nữa. Mi phóng độc làm cho hai mươi anh em bọn ta sống dở, chết dở. Đêm hôm qua người vào Hồng-hương cốc đốt hang đá làm năm người cháy thành than, lại đốt chết những anh em ta bị thương.

Trong khi lão Xồi phân trần với bọn thiếu niên Hồng-hương, một thiếu niên khác nhảy lên xe Mỹ-Linh. Gã giằng lấy dây cương ngựa từ tay Ngô Tuấn, rồi giong xe di. Chiếc xe quay ngược trở lại, hướng chùa Sơn-tĩnh. Mỹ-Linh nhìn Thiệu-Thái như cùng ước hẹn:

– Mình thử trở về nhìn cái mặt tên Nguyên-Hạnh xem y có còn đóng kịch được nữa không?

Trong khi đó An-Việt dơ tay phân trần với bọn thiếu niên Hồng-hương:

– Trời cao đất dầy ơi. Chúng tôi chân ráo chân ướt tới vùng này bán thuốc kiếm sống. Một đồng cũng không dám tham. Con chó, con mèo cũng không đụng đến. Bây gìơ các ông vu cho chúng tôi tội giết người, đốt nhà, còn trời đất nào nữa.

Một thiếu niên phất tay:

– Ta không có thời giờ đùa với bọn người. Mau đi theo chúng ta.

Miệng nói, tay y cầm dây cương kéo mạnh. Nhưng dây cương bị An-Việt giữ cứng không nhúc nhích. Y nghiến răng giật, cũng không chuyển động. Y nổi giận:

– Thì ra bọn mi là những cao thủ.

Ngay lúc đó, một thiếu niên khác dùng gậy tấn công An-Việt. An-Việt tung người lên cao. Từ trên cao, nàng phóng xuống một chưởng. Chưởng chưa xuất hết, mà mùi tanh hôi nồng nặc bốc ra muốn buồn nôn. Mỹ-Linh nhận ra mùi hôi này giống mùi hôi Nguyên-Hạnh phát chưởng đấu với nàng.

Binh một tiếng, thiếu niên cầm gậy ngã lộn đi hai vòng, miệng ứa máu . Bọn thiếu niên la lên một tiếng, bao vây xe của lão Xồi. Lão Xồi ngồi im, không nói, không rằng, mặc anh em An-Khôi, An-Việt đấu với bọn thiếu niên Hồng-hương. Chỉ trong khoảng thời gian nhai dập miếng trầu, hơn năm thiếu niên nữa ngã nằm dài trên đất. Bọn chúng hô lên một tiếng, rồi bỏ chạy.

Lão Xồi cười nhạt, chiếc xe chở lão lại lọc cọc đi về hướng Bằc.

Đám thiếu niên bị đánh bại chạy theo, bắt kịp xe chở Mỹ-Linh. Nàng nhẩm đếm được tám tên bị thương. Tên nào tay cũng sưng lớn, đỏ chói như máu. Chúng nghiến răng chịu đau, để khỏi bật lên tiếng rên rỉ.

Mỹ-Linh nghĩ thầm:

– Đám thiếu niên này vì say đạo pháp, vì ý hướng tuổi trẻ, muốn tham dự vào việc xây dựng quốc gia, mà bị Nguyên-Hạnh lừa dối, đưa chúng vào vòng chết thảm. Chứ thực sự ra chúng là những người tốt.

Nàng nói với thiếu niên trưởng toán:

– Này anh. Nếu các anh có mệt cứ lên xe mà đi. Tôi xin đi bộ.

Thiếu niên trưởng toán lắc đầu:

– Cảm ơn cô. Tôi còn đi được.

Thiếu niên trưởng toán tự giới thiệu:

– Tôi họ Phan tên Thi, trưởng đoàn Hồng-hương xã Sơn-tĩnh Đông. Chúng tôi đươc lệnh Túc-không Quan-âm phải bao vây, chặn bắt tất cả những người lạ mặt trên đường cái quan ra bắc. Tôi biết bà đây với anh chị, cùng cháu bé không liên quan gì tới việc gian nhân đột nhập Hồng-hương cốc đốt nhà giết người. Nhưng vẫn phải mời về cho Quan-âm khám xét.

Mỹ-Linh giả như không biết gì:

– Túc-không Quan-âm là ai vậy?

– Chị là đệ tử của Nguyên-Hạnh đại sư.

Võ công chị rất cao thâm. Mà văn học, không nhường ai. Chị được Nguyên-Hạnh đại sư giao cho coi tòan bộ bốn xã Sơn-tĩnh cùng tất cả lực lượng thanh niên Hồng-hương.

Thiệu-Thái thở dài:

– Tiếc quá, chúng tôi ở ngoài Bắc, chứ ở trong này đã nhập Hồng-hương với các anh.

Xe không lên núi mà hướng vào xã Sơn-tĩnh Đông. Liếc qua, Mỹ-Linh thấy xã này tổ chức giống như xã Vạn-thảo, không khác làm bao. Xe ngừng lại ở trước đình. Trong sân đình có hàng trăm người khác bị bắt về như Mỹ-Linh. Họ ngơ ngơ ngác không hiểu cái gì đã xẩy ra.

Phan Thi nói với Mỹ-Linh:

– Cô chờ đây một lát. Để tôi vào thưa với Túc-không Quan-âm.

Phan-Thi vào trong. Một lát, y đi ra cùng với Cao Thạch-Phụng. Thạch-Phụng đứng ở thềm đình nhìn xuống. Phan Thi nói:

– Bọn em đuổi kịp bọn lão Xồi, rồi xẩy ra cuộc giao tranh. Bên chúng em chín người bị thương.

Thạch-Phụng hỏi:

– Còn bà già, với cặp nam nữ kia cùng đi với bọn lão Xồi à?

– Không, họ đi cùng một chiều, thế thôi. Chẳng ai quen ai cả. Cặp thiếu niên này tử tế với chúng ta. Họ than rằng, nếu họ ở trong này, cũng sẽ xin gia nhập Hồng-hương thiếu niên.

Thạch-Phụng vẫy tay:

– Bây giờ chiều rồi. Hãy xin lỗi người ta, mời ăn cơm chay, rồi mai cho lên đường.

Phan Thi lại bên xe nói:

– Túc-không Quan-âm có lệnh mời bà, anh chị với cháu bé ở lại dùng cơm chay chiều nay, rồi nghỉ qua đêm. Ngày mai hãy lên đường.

Mỹ-Linh không muốn ở lại xã Sơn-tĩnh, vì sợ lộ hình tích. Nàng từ tạ:

– Cảm ơn anh. Chúng tôi cần đi khẩn.

Đỗ Lệ-Thanh gọi Phan-Thi:

– Này cậu, vết thương trên tay cậu thế nào?

Phan Thi đưa tay ra:

– Đau nhức. Không biết ngày mai tôi có còn nhìn thấy mặt trời nữa không. Tôi không hiểu đã bị trúng độc gì. Theo Nguyên-Hạnh đại sư tôi bị trúng Chu-sa độc-chưởng của bang Nhật-hồ bên Trung-nguyên. Nếu không tìm ra thuốc giải, cứ mỗi ngày lên cơn đau nhức một lần. Sau bẩy lần bẩy bốn mươi chín ngày, người kiệt lực mà chết như ngọn đèn hết dầu.

Đỗ Lệ-Thanh an ủi:

– Tôi tin rằng cậu sẽ thoát chết. Tỷ như có người cứu được cậu, cậu sẽ đền ơn người đó như thế nào?

– Còn như thế nào nữa. Thân tôi coi như thuộc người đó. Ngọai trừ phản quốc, làm hại đạo-pháp, việc gì người đó sai, tôi cũng làm.

Mỹ-Linh vẫy tay chào, rồi đánh xe ra khỏi xã Sơn-tĩnh. Ngô Tuấn vừa đánh ngựa, vừa hỏi Mỹ-Linh:

– Cô ơi. Con thấy cái anh Phan Thi tội nghiệp quá, cô có cách nào cứu anh ấy không?

Mỹ-Linh mỉm cười:

– Có chứ, nhưng chưa đến lúc, đấy thôi. Con yên tâm, thế nào cô cũng cứu được anh ấy.

Trời bắt đầu ngả mầu tím. Đỗ Lệ-Thanh chỉ vào ngôi nhà đằng trước:

– Kia là quán trọ Vạn-an lớn nhất vùng này. Chúng ta vào đó nghỉ. Đêm nay chúng ta đi thám thính chùa Sơn-tĩnh, xem Nguyên-Hạnh với con tiện nhân Cao Thạch-Phụng còn âm mưu gì khác không. Có điều khi vào khách điếm phải cẩn thận lắm mới được. Khắp vùng này, chỗ nào Nguyên-Hạnh cũng đặt tai mắt hết.

Mỹ-Linh biết mụ đã làm vợ Nguyên-Hạnh trong mấy chục năm, không hoạt động nào của y qua được mắt mụ. Nàng đề nghị:

– Khi Đỗ phu nhân luyện công, tôi với anh Thái canh gác. Ngược lại khi chúng tôi luyện công, phu nhân canh gác. Sau khi luyện xong, chúng ta đi ngủ. Đợi đúng nửa đêm hãy đi dò thám.

Đỗ Lệ-Thanh dặn thêm:

– Trường hợp phải xử dụng võ công, xin mình thế tử ra tay mà thôi. Tôi với công chúa xuất chiêu, e bọn Nguyên-Hạnh tìm ra tông tích liền.

Xe chạy vào khách điếm. Chủ nhân khách điếm còn trẻ, có lẽ chưa qúa ba mươi. Y thấy một bà gìa cùng với một cặp thiếu niên quê mùa và đứa con nít đi trên chiếc xe ngựa vào sân. Y gọi lớn:

– Có khách, ra tiếp mau.

Một thanh niên dạ lên một tiếng. Y hỏi Mỹ-Linh:

– Cô muốn dùng cơm hay trọ qua đêm?

– Tôi cần cả hai. Cho tôi ba phòng khác nhau. Hôm nay ngày rằm, xin cho chúng tôi ăn chay.

Tiểu nhị dẫn ba người ra phía sau. Ba phòng tuy nhỏ, nhưng sạch sẽ. Mỹ-Linh chọn một phòng ở chung với Ngô Tuấn. Thằng bé nhanh nhẹn mang hành lý cho nàng, rồi nó thả ngựa ra bãi cỏ phía sau khách điếm.

Tiểu nhị hỏi:

– Quí khách định dùng món gì, xin cho biết.

Đỗ Lệ-Thanh sợ để Mỹ-Linh gọi những món trân quí, sẽ lộ hình tích. Mụ nói:

– Cho chúng tôi ăn rau muống luộc, chấm với tương. Ngoài ra cho thêm một bát đậu phụ rán, một bát măng kho với cà muối.

Cơm vừa dọn lên, thì có tiếng chuông từ xa vọng lại âm điệu dồn dập. Đỗ Lệ-Thanh đưa mắt cho Mỹ-Linh. Tiểu nhị cũng nhận ra tiếng chuông khác thường. Thiệu-Thái tò mò hỏi:

– Này anh, giờ này đâu phải giờ thỉnh chuông. Tại sao trên chùa lại cho đánh vào giờ này?

Tiểu-nhị nhanh nhẩu đáp:

– Dường như trên chúa Sơn-tĩnh có sự. Tiếng chuông vừa rồi để tập hợp tăng chúng. Mấy ngày hôm nay thực nhiều truyện. Mới hôm trước đây, bọn bán thuốc bắn độc dược làm hai mươi thiếu niên Hồng-hương bị thương. Đêm chúng còn cả gan đột nhập chùa, đốt cháy mấy dẫy nhà, làm hai mươi người bị thương bị cháy thành than luôn. Túc-không Quan-âm nổi giận truyền cho thiếu niên Hồng-hương đi khắp nơi tìm bắt bọn khách trú. Nghe đâu tìm thấy rồi, mà võ công chúng cao siêu vô cùng, lại hơn tám thiếu niên bị thương nữa. Khiếp thực!

Đỗ Lệ-Thanh giả vờ như khách phương xa mới đến:

– Túc-không Quan-âm là ai vậy?

Tiểu-nhị làm ra vẻ ta đây hiểu biết nhiều:

– Nguyên đại-sư Nguyên-Hạnh đắc quả thành Bồ-tát, tên Thông-huyền Bồ-tát. Đệ tử người họ Cao tên Thạch-Phụng cũng đắc quả thành Túc-không Quan-âm. Khắp vùng này ai cũng phải thờ hai ngài. Hễ có việc gì khó, đọc kinh cầu nguyện, xin hai ngài giúp cho là thành công ngay.

Y chỉ lên bàn thờ ngay giữa phòng ăn. Trên có hình vẽ Nguyên-Hạnh ngồi trong tòa sen với tư thế nhập định. Còn Thạch-Phụng mặc quần áo trắng đang đứng trên mình con rồng giữa biển, tay cầm tịnh bình rót nước xuống giống như hình Quan-thế-âm Bồ-tát.

Mỹ-Linh chửi thầm:

– Bọn Nguyên-Hạnh qủa thực có tài, song thiếu hạnh. Chúng dám xưng Bồ-tát, thực cổ kim chưa từng có.

Mỹ-Linh nháy Thiệu-Thái không nên hỏi han điều gì thêm. Ăn xong,vào phòng nghỉ. Ngô Tuấn nằm cái giường nhỏ cạnh Mỹ-Linh. Nó hỏi:

– Cô ơi, lát nữa cô đi thám thính, mình con ở nhà hay sao?

– Ừ, con lớn rồi mà.

– Lỡ người ta hỏi cô đi đâu, con trả lời thế nào?

– Con cứ đóng cửa ở trong phòng, không ra ngoài, thì ai mà vào đây hỏi con?

Mỹ-Linh khêu ngọn đèn thực nhỏ lửa, rồi đi ngủ. Nàng vừa chợp mắt thiu thiu ngủ, khám phá ra có tiếng chân người đi nhè nhẹ trên mái nhà. Tiếng chân đó ngừng lại ngay chỗ phòng nàng. Ngô Tuấn cũng khám phá ra. Nó khẽ cào cào xuống chiếu báo hiệu cho nàng biết. Nàng ghé tai nó nói nhỏ:

– Kìa, phòng có lỗ chó chui. Con ra ngoài ẩn thân. Còn mọi việc trong này mặc cô.

Ngô Tuấn nhanh nhẹn bò dậy, nó chui ra khỏi phòng. Nội công Mỹ-Linh hiện đã đến chỗ thượng thừa. Nàng nghe rõ trên nóc nhà có hai người. Nàng nghĩ thầm:

– Trấn Thanh-hóa có tiếng là an ninh. Suốt mấy năm qua không có đạo tặc, hơn nữa bọn Nguyên-Hạnh tuy giả nhân, giả nghĩa, nhưng lực lượng Hồng-hương thiếu niên góp không ít công lao vào việc giữ an ninh. Chẳng lẽ ta mới vào đây, mà bọn đạo tặc đã biết, định đến ăn trộm?

Nghĩ được một kế, nàng ngồi dậy, nghiêm chỉnh trong tư thế Kiết-gìa, khoan thai thổ nạp như trong lúc luyện công. Tuy nhiên nàng vẫn vẫn lắng tai nghe ngóng.

Hai người đáp xuống trước cửa sổ nhẹ nhàng như hai chiếc lá rụng. Im lặng một lúc, rồi chúng đẩy cửa sổ, nhảy vào. Vào phòng, chúng thấy đèn sáng lung linh, có hơi ngạc nhiên. Mỹ-Linh mở mắt ra, nàng thấy hai tên. Một tên bịt mặt và một tên không bịt mặt. Nàng thản nhiên hỏi:

– Đêm khuya thanh vắng, các vị là ai? Vào đây có việc gì?

Tên không bịt mặt rút kiếm dí vào lưng Mỹ-Linh:

– Im miệng, nếu kêu lên một tiếng, mất mạng liền.

Mỹ-Linh không trả lời, nàng đưa hai ngón tay kẹp cứng thanh kiếm. Tên không bịt mặt cố giằng thanh kiếm ra, nhưng không nhúc nhích. Tên bịt mặt thấy vậy hỏi:

– Sao thế?

Y phụ với tên bịt mặt , giật mạnh thanh kiếm, nhưng vô ích.

Mỹ-Linh vận sức, thanh kiếm gẫy làm mấy mảnh kêu lên tiếng lách cách. Nàng xuất một chiêu cầm nã thủ chụp vai cả hai tên ấn mạnh. Một sức nặng kinh khủng úp lên người chúng. Chúng nghiến răng chống lại nhưng vô hiệu. Mỹ-Linh thấy nếu nàng cứ tiếp tục nhả kình lực, hai tên lạ mặt sẽ gẫy xương sống mà chết. Nàng nới tay dần.

Thiệu-Thái, Ngô Tuấn đã vào phòng từ lúc nào. Mỹ-Linh bảo Ngô Tuấn:

– Con hỏi cung chúng đi.

Ngô Tuấn dạ một tiếng. Nó giật miếng vải bịt mặt ra. Tên bịt mặt, Thiếu-Thái đã từng thấy trong nhà bếp chùa Sơn-tĩnh. Người ta thường gọi y là bác Củng. Nó cầm con dao nhỏ để vào ngực trái của tên Củng rồi hỏi Mỹ-Linh:

– Cô ơi, có phải chỗ này là tim người ta không?

Mỹ-Linh không biết Tuấn sẽ làm gì. Nàng gật đầu. Nó lại hỏi:

– Con đâm sâu vào đây ba tấc mổ lấy con tim ra nhé cô?

Mỹ-Linh biết Tuấn dọa tên Củng, nàng gật đầu:

– Ừ, con mổ tim y làm gì?

– Con mổ ra, để hỏi cung. Hễ khi người ta không nói dối thì tim không động đậy. Còn khi người ta nói dối thì tim động đậy. Con muốn mổ tim tên này ra, rồi hỏi cung ắt biết y nói thực hay nói dối.

Mỹ-Linh gật đầu:

– Con mổ ra đi.

Ngô Tuấn cầm dao làm bộ đâm vào ngực. Tên Củng bở vía:

– Cô nương! Xin cô nương đừng mổ tim. Tiểu nhân khai thực hết. Nếu nói dối cô nương hãy mổ tim.

Ngô Tuấn hỏi:

– Mi tên gì? Ai sai mi tới đây?

– Tiểu nhân tên Trịnh Củng. Tiểu nhân tuân lệnh của Túc-không Quan-âm tới bắt cóc cô nương, mang về Hồng-hương cốc.

– Mi đã bắt bao nhiêu con gái lương gia như vậy rồi?

– Tiểu nhân đã bắt tất cả hai mươi người. Đến cô nương là người thứ hai mươi mốt.

– Các tăng lữ trong chùa có biết hành vi ám muội của Nguyên-Hạnh không?

– Không ai biết gì hết.

– Bọn mi đến đây bao nhiêu người?

– Tất cả chỉ có hai người mà thôi. Tiểu nhân với Cao Anh. Y là trưởng đòan thiếu niên Hồng-hương tại xã Sơn-tĩnh Tây.

Đỗ Lệ-Thanh bàn:

– Xin công chúa giải hai tên này về triều. Chúng là nhân chứng quan trọng.

Tên Củng kinh hoảng:

– Cô nương là công chúa?

Mỹ-Linh không trả lời. Thiệu-Thái dùng dây trói Vũ Củng với Cao Anh lại. Đỗ-lệ-Thanh khẽ vỗ lên vai hai tên, mỗi tên một cái. Người chúng rung động thực mạnh, rồi mê man không biết gì. Mỹ-Linh kinh ngạc hỏi:

– Võ công vừa rồi là võ công gì vậy?

Đỗ Lệ-Thanh cười:

– Nó là Chu-sa Ngũ-độc chưởng. Tiểu nhân dồn chất độc vào kinh mạch, khiến chúng ngủ đi mấy giờ. Trong khi đó ta có thời giờ thám thính Sơn-tĩnh.

Mỹ-Linh bảo Ngô Tuấn:

– Con ở nhà giữ tù. Nếu có người đến gây rắc rối với con. Con ra sân ném cây pháo thăng thiên này, đạo binh Ngự-long sẽ tới liền.

Đỗ Lệ-Thanh nói nhỏ:

– Chúng ta dùng xe ngựa đến chân núi Sơn-tĩnh, rồi theo đường tắt lên núi.

Ba người lấy xe ngựa hướng chân núi Sơn-tĩnh mà đi. Tới chân núi, Đỗ Lệ-Thanh cho xe vào khu rừng, cột ngựa lại. Bà nói:

– Xin công chúa, với thế tử theo tiểu nhân.

Mụ đi trước dẫn đường. Tuy trời tối, nhưng dường như mụ nhìn rõ vạn vật. Phút chốc lên gần tới chùa. Mụ chỉ phía sau chùa:

– Dường như có truyện gì thì phải. Viện Vạn-Hạnh thắp đèn sáng choang thế kia ắt đang có cuộc họp đấy.

Vừa leo lên sườn đồi, có tiếng quát:

– Ai?

Mỹ-Linh nhìn lên, thì ra ba thiếu niên Hồng-hương, hai nữ một nam có nhiệm vụ canh gác.

Đỗ Lệ-Thanh vọt mình tới nhanh như chớp, mụ phóng ra ba chưởng nhẹ nhàng. Ba thiếu niên Hồng-hương bị ngất xỉu liền. Mụ nói:

– Chúng ta giả làm thiếu niên Hồng-hương, dự buổi họp.

Ba người lột quần áo của thiếu niên Hồng-hương mặc vào, rồi tiếp tục leo núi.

Đỗ Lệ-Thanh đã thuộc làu đường. Mụ đi trước, vòng ra sau viện Vạn-Hạnh. Nơi đây có cửa nhỏ, mụ khẽ đẩy cửa , vẫy Mỹ-Linh, Thiệu-Thái vào rồi đóng lại. Ba người lọt vào phía cuối phòng họp.

Mỹ-Linh liếc mắt nhìn qua. Bất giác nàng rùng mình. Trong đại giảng đường, có mặt đủ hết các tăng chúng trong chùa. Hàng ghế đầu còn thêm bọn Triệu Thành. Không khí trong phòng họp cực kỳ căng thẳng, không một tiếng động. Vương Duy-Chính nói:

– Cho nên thánh thiên tử quyết định mở khoa thi cho tất cả anh hùng thiên hạ đều tham dự. Ai có tài đều được trọng dụng.

Mỹ-Linh chửi thầm:

– Thằng cha Nguyên-Hạnh gớm thực. Y sống với hai bộ mặt khác nhau. Một bộ mặt là người Tống, nhận chức đô nguyên sóai, Long-biên quốc công, Giao-chỉ kinh lược sứ mở đại tiệc, dâng gái cho bọn Triệu Thành y đã tiếp bọn Thành rồi. Hôm nay y lại dùng bộ mặt của một đại thiền-sư Việt tiếp Thiên-sứ.

Vương Duy-Chính tiếp tục giải thích ý nghĩa việc mở đại hội anh hùng võ lâm ở Biện-Kinh năm tới. Sau cùng y đọc danh sách 32 người trúng cách khoa thi trước, hiện đã được phong chức tước ra sao. Cuối cùng y cầm một tấm thiếp đưa đến trước mặt Nguyên-Hạnh:

– Vì vậy, hôm nay Thiên-sứ qua đây, trước vãng cảnh chùa. Sau gửi thiếp mời chư vị anh hùng Sơn-tĩnh tham dự. Mong đại sư nhận cho.

Nguyên-Hạnh bệ vệ nói:

– Đa tạ Thiên-sứ để mắt xanh tới bản tự. Nhưng Sơn-tĩnh là chốn thanh tịnh, xa lánh bụi trần, không màng danh lợi, thành ra phụ lòng Thiên-sứ.

Minh-Thiên đứng lên nói:

– Nếu theo tôn chỉ của Thiền-tông thì chúng ta xa lánh vòng danh lợi. Còn theo Tịnh-độ tông, chúng ta đâu có thể bỏ việc cứu độ chúng sinh? Từ xưa đến giờ có không biết bao nhiêu các vị tăng người Việt nổi danh, vì chịu lăn vào chốn bụi trần cứu dân, làm lợi cho nước. Không lẽ nay thiên hạ có mầm đại loạn đến nơi, mà quý tự buông tay sao?

Triệu Huy tiếp lời:

– Huống hồ từ hôm sang Giao-chỉ đến giờ, Thiên-sứ đã mời hầu hết các gia, các phái tham dự. Ai cũng đều hớn hở sẽ được dịp phô tài, cùng đem sức phò thiên tử. Thế mà qúi tự lại từ chối.

Viện-trưởng viện Thiện-duyên, Sùng-Anh đại sư đứng dậy, hướng vào Triệu Huy:

– Xin an phủ sứ giữ lời một chút. Quí quốc quốc hiệu là Đại-Tống, chúng tôi tôn trọng gọi là Đại-Tống. Nước tôi quốc hiệu là Đại-Việt, thế mà an phủ sứ cứ một điều Giao-chỉ hai điều Giao-chỉ như vậy còn gì đức của kẻ trí ư ?

Dư Tĩnh hiện giữ chức kinh lược an phủ sứ lộ Quảng-tây, bao trùm gần hết biên giới Tống-Việt. Y theo đúng chủ trương của Tống triều thực thi ba điều căn bản: một là bắt Đại-Việt phải giữ nguyên vị phiên thần. Hai là mua chuộc võ lâm Lĩnh-Nam. Ba là lấn chiếm, bằng dụ dỗ, bằng mua chuộc 207 khê động Bắc-biên. Bây giờ thấy Sùng-Anh muốn giữ danh xưng Đại-Việt tức vượt ra khỏi phiên hiệu triều Tống phong cho vua Lý. Y thấy cần phải kéo mọi người trong Vạn-Hạnh đường này nhớ rằng họ là Nam-man. Y đứng dậy:

– Thưa đại sư. Đại sư dạy có điều lầm lẫn. Từ khi Lý Công-Uẩn lên ngôi vua, cử sứ sang thần phục. Bản triều đã cho sứ giả sang phong cho làm Giao-chỉ quận vương. Đất Giao-chỉ vẫn là một quận của Đại-Tống. Còn cái quốc hiệu Đại-Việt chẳng qua y tiếm xưng mà thôi.

Viện-trưởng Thiền-công viện, đại-sư Sùng-Không lên tiếng:

– Này Dư kinh lược sứ. Từ cổ, Lĩnh-Nam với Trung-nguyên cương vực đã phân, tiếng nói, văn tự có khác. Trung-nguyên lấn chiếm các nước xung quanh, mà trở thành nước lớn. Chúng tôi muốn giao hảo bền vững, chịu thần phục chẳng qua là hình thức. Chứ các vị lên mặt ta đây người Hán, coi chúng tôi như phường man di, thì không được đâu.

Dư Tĩnh đưa mắt nhìn Triệu Thành, thấy chủ gật đầu. Y hiểu ý, cười nhạt:

– Như vậy đại sư muốn dùng số đông người đàn áp sứ đoàn ư? Chúng tôi tuy chỉ có mấy người, nhưng chí khí không hèn đâu. Tôi nhắc lại Đại-Tống là Đại-Tống. Vua Đại-Tống là thiên tử. Giao-chỉ là một quận của Đại-Tống, Lý Công-Uẩn là phiên thần. Không có cái gì là Đại-Việt với tiểu Việt cả. Thế gian không hai mặt trời, không thể có cái gì là thiên tử Đại-Việt.

Một trung niên tăng từ phía sau nhảy ra. Y chỉ mặt Dư Tĩnh:

– Người phải câm họng lại ngay.

Nói rồi y phóng chưởng tấn công. Chưởng của y là Lăng-già Tượng-đầu chưởng của Tiêu-sơn. Dư Tĩnh mỉm cười. Triệu Anh xuất chưởng đỡ cho Dư Tĩnh. Bình một tiếng. Cả hai đều bật lui lại. Minh-Thiên kinh ngạc, nghĩ thầm:

– Từ hôm sang Giao-chỉ đến giờ, mình chưa hề đấu với bọn chúng trận nào chính thức. Hôm nay cũng nên đấu một trận, để rõ hư thực. Tên tiểu hòa thượng vừa rồi thuộc hàng đệ tử đời thứ hai trong chùa Sơn-tĩnh, mà công lực ngang với Triệu Anh, hẳn bọn Nguyên-Hạnh e không thua mình làm bao.

Đại sảnh đường náo loạn cả lên. Trong khi đó nhà sư trẻ với Triệu Anh đã đấu được trên mười chiêu. Anh dùng võ công Thiếu-lâm, còn nhà sư trẻ dùng võ công Tiêu-sơn.

Nguyên-Hạnh tuy nhận chức tước của triều Tống, tha hương mưu đồ đại sự. Tuy vậy, y vẫn có cái tự hào về những gì y đang có. Y học được tinh hoa của bang Nhật-hồ, lại học được võ công tuyệt thế của Tiêu-sơn. Y cũng muốn hiển lộ tài năng võ công của mình, để khoe với Triệu Thành mà chưa có dịp. Bây giờ đệ tử tầm thường của y xuất thủ tấn công một chức lang-trung Khu-mật-viện, chức võ quan cao cấp của triều Tống, khiến y hài lòng. Y nhìn Triệu Thành như muốn nói Tôi là thần tử nhà Tống phải dưới tay vương gia. Chứ võ công của tôi chưa chắc đã thua cái ông quốc sư kia. Chỉ một đệ tử vô danh của tôi, mà một võ quan cao cấp không thắng nổi. Như vậy đủ biết tôi như thế nào.

Nguyên-Hạnh đưa mắt một cái. Đại sư Sùng-Văn bước ra. Ông xuyên tay vao giữa chưởng lực của hai đối thủ, rồi quay một vòng. Hai người bị một kình lực như thành đồng vách sắt ngăn lại. Ông nói:

– Khoan. Hai vị không nên vô lễ trước Bình-nam vương gia và phương-trượng.

Miệng nói, tay ông đẩy mạnh. Triệu Anh bắn về phía hàng ghế quan khách. Ai cũng tưởng y sẽ bị ngã chổng vó lên trời, không ngờ y rơi đúng ghế ngồi của y, như tự ngồi xuống. Còn nhà sư trẻ bị bắn rơi đúng chỗ y đứng.

Minh-Thiên kinh ngạc:

– Nhà sư này hôm trước Nguyên-Hạnh giới thiệu là viện trưởng viện Hoằng-pháp, tên Sùng-Văn, một trong tứ vị hộ pháp của Sơn-tĩnh. Tuổi y chưa cao, mà võ công đã đến trình độ chỉ đẩy hai cái, khiến cho hai cao thủ bay vọt lên cao, e mình bằng thế nằo được?

Triệu Thành quay lại nhìn Nguyên-Hạnh:

– Bây giờ chúng tôi với đại-sư đánh cuộc. Đại sư nghĩ sao?

Nguyên-Hạnh không hiểu ý Triệu Thành. Y hỏi lại:

– Xin vương gia dạy rõ hơn.

Triệu-Thành chỉ vào đám tùy tùng:

– Đây là đám tùy tùng của tôi. Tôi cử ra ba người. Bên đại sư cũng cử ra ba người. Hai bên cùng đấu. Bên nào thắng hai cuộc, coi như bên đó thắng . Nếu bên Giao-chỉ thắng, kể từ này chúng tôi phải gọi là Đại-Việt, gọi Giao-chỉ quận vương Lý Công-Uẩn là hoàng đế. Ngược lại bên chúng tôi thắng, các vị không được dùng danh xưng Đại-Việt cũng không được gọi Lý Công-Uẩn là hòang đế nữa.

Nguyên-Hạnh hiểu ý Triệu Thành muốn dùng tay y để làm giảm bớt lòng kiêu hãnh của võ lâm Đại-Việt. Dĩ nhiên trong cuộc đấu này, Thành muốn y phải sắp xếp sao cho bên Tống thắng. Như vậy chính thống về Tống. Còn nếu y để bên Tống bại, chính thống không còn nữa. Y chưa kịp trả lời Sùng-Văn đã nói:

– Xin vương gia chỉ định người ra đấu.

Triệu Thành cười nhạt:

– Bên sứ đoàn xin cử Đông-Sơn lão nhân, với hai đệ tử người là Dư Tĩnh với Địch Thanh.

Sùng-Văn nói với Nguyên-Hạnh:

– Bên Tống có Minh-Thiên đại sư thân phận cao cả, không ra tay. Vậy bên Sơn-tĩnh chúng ta, sư huynh cũng nên đứng ngòai. Bên mình, xin cử sư đệ Sùng-Tín, Sùng-Không với tiểu đệ. Không biết ý sư huynh thế nào?

Nguyên-Hạnh đang bị Triệu Thành đặt trong thế bí, hông biết làm cách nào thoát ra, được Sùng-Văn hứng lấy. Nếu bên Sơn-tĩnh bại, dĩ nhên y chẳng thiệt hại gì, mà lại còn thêm công lao với triều Tống. Còn như nếu bên Tống bại, thế lực của y lên cao, mà Triệu Thành không trách y vào đâu được. Y mừng rỡ trong lòng, nhưng bề ngoài làm như bị động. Y nhìn Triệu Thành như tỏ ý phân trần Đây không phải chủ ý của tôi. Rồi nói với Sùng-Văn:

– Sư đệ nên cẩn thận !

Sùng-Văn đứng ra trước cửa tọa:

– Xin vương gia chỉ định người đấu trận đầu.

Triệu Thành chỉ Địch Thanh:

– Địch trạng nguyên, người ra lĩnh giáo mấy cao chiêu của Giao-chỉ đi.

Địch Thanh dạ một tiếng. Y bước ra đứng thủ thế. Y hít hơi vận công. Có tiếng kêu lách cách, mọi người đưa mắt nhìn, mỗi bước đi của y, gạch nền nhà bị vỡ vụn ra, lún sâu xuống chừng nửa tấc. Cả đại sảnh đường đều bật lên tiếng hoan hô.

Đứng phía sau, Mỹ-Linh không hiểu được ý Triệu Thành với Nguyên-Hạnh. Nàng cứ cho rằng hai bên toa rập với nhau, để hạ danh dự ông nội nàng cùng như quốc thể Đại-Việt. Nàng ghé tai Đỗ Lệ-Thanh với Thiệu-Thái bàn luận. Đỗ Lệ-Thanh nói:

– Nếu bên Sơn-tĩnh thua hai trận, công chúa với thế tử hãy xuất hiện dưới danh vị thiếu niên Hồng-hương, đánh thắng hai người bên Tống là xong.

Sùng-Văn chắp tay:

– Tôi là chủ, Địch trạng nguyên là khách. Xin mời trạng nguyên ra tay trước.

Địch-Thanh hít hơi phóng chưởng tấn công. Chưởng chưa ra, mà mọi người như muốn ngộp thở. Sùng-Văn lui lại một bước. Ông xuất chiêu Vô nhân giả tướng trong Tượng-đầu chưởng đánh xéo vào giữ chưởng của Địch Thanh. Bình một tiếng lớn, hai chưởng giao nhau, gió lốc quay tròn, kêu lên những tiếng vo vo không ngớt. Địch Thanh đứng im, mặt y tái nhợt. Còn Sùng-Văn bật lui hai bước, mặt đỏ gay.

Như vậy thắng bại đã phân.

Bỗng có tiếng quát thanh thóat:

– Khoan !

Một thiếu niên Hồng-hương từ sau bước ra chắp tay vái Sùng-Văn:

– Thái sư thúc. Địa vị người cao biết mấy, mà lại đi hạ thể đấu với một tên trẻ, chẳng hóa ra ỷ lớn bắt nạt nhỏ ư. Xin cho đệ tử qua lại mấy chiêu với Địch trạng nguyên đã. Nếu như đệ tử không thắng được người, bấy giờ thái sư thúc ra tay cũng vừa.

Mỹ-Linh nhìn đáng đi, nàng biết ngay thiếu niên Hồng-hương đó là Bảo-Hòa giả trang. Tuy Bảo-Hòa bôi mặt, cố nói cho tiếng thành ồ ồ, nhưng Mỹ-Linh cũng nhận ra.

Địch Thanh quay lại nói với Dư Tĩnh:

– Sư huynh. Sư huynh thử coi trên đời sao lại có đứa trẻ ngông cuồng đến như thế này ư?

Sùng-Văn thấy một thiếu niên Hồng-Hương dám ra mặt đòi đấu với Địch Thanh. Ông định đuổi vào. Nhưng Bảo-Hòa đã vận khí vào tay, truyền sang ông. Ông cảm thấy nội lực từ tay thiếu niên cuồn cuộn tuôn vào người ông mạnh như thác đổ. Ông mở to mắt nhìn xem thiếu niên đó là ai, mà ông không nhận ra.

Dư Tĩnh kinh nghiệm hơn Địch Thanh. Y nhắc sư đệ:

– Phải cẩn thận đấy.

Địch Thanh nhìn Bảo-Hòa:

– Tiểu huynh đệ. Ta chỉ đánh có ba chiêu. Nếu tiểu huynh đệ đỡ được coi như ta thua.

Nói rồi y hít hơi, phát chưởng đánh xuống. Chưởng phong của y bao gồm phong, lôi, thủy, hỏa mạnh vô cùng. Cả hội trường nín thở. Bảo-Hòa hít một hơi, nàng vận khí về trung đơn điền, truyền vào Đốc-mạch, xuất chiêu Ngưu-tẩu như phi. Vì nàng vận âm kình, nên không có gió. Cử tọa thấy vậy kinh hòang kêu lên:

– Chết.

Nhưng bịch một tiếng. Chưởng của Địch Thanh mất tăm mất tích. Y lui liền ba bước, mặt tái nhợt. Y cảm thấy trong chưởng của Bảo-Hòa có đôi phần giống Kim-cương chưởng của phái Thiếu-lâm. Nhưng trong cái hóa giải của Thiền-công, còn bao hàm sát thủ khủng khiếp. Y nhìn kỹ mặt đối thủ, thấy hơi quen quen, mà y không nhận được đó là Bảo-Hòa.

Vì nhân nhượng, Địch Thanh vận có ba thành công lực, nên chiêu đầu y bị lạc bại rõ ràng. Y cười nhạt nhìn Minh-Thiên:

– Đại-sư, tại sao thiếu niên này lại xử dụng Phục-ngưu thần chưởng của phái Tản-viên.

Minh-Thiên đã từng lầm lẫn Lăng-gìa chưởng của phái Tiêu-sơn với Kim-cương chưởng của phái Thiếu-lâm, trong lần thử sức với Lý Long trên núi Chung-chinh. Vì cả hai đều do Thiền-công Vô nhân tướng thần công của nhà Phật mà ra. Còn hôm nay thiếu niên này lại xử dụng Phục-ngưu thần chưởng âm nhu, thứ võ công đã tuyệt tích từ lâu. Ông lắc đầu:

– Phải cẩn thận.

Địch Thanh không nhân nhượng nữa. Y hít hơi, nghiến răng phát chiêu thứ nhì trong Hoa-sơn chưởng pháp. Bảo-Hòa phát chiêu Ác ngưu nan độ lần này nàng vận dương kình, gió lộng ào ào. Bình một tiếng. Cả hai người cùng bật lui ba bước. Địch Thanh không để cho Bảo-Hòa vận khí. Y phát chiêu thứ ba. Bảo-Hòa chuyển từ chiêu Ác ngưu nan độ sang chiêu Ngưu tẩu như phi. Bình một tiếng nữa, người nàng bật lui liền ba bước. Chiếc khăn buộc tóc của Bảo-Hòa bị bật tung, tỏa ra làn tóc mai óng mượt của cô gái.

Địch-Thanh nhận ra Bảo-Hòa. Y cười nhạt:

– Không ngờ chùa Sơn-tĩnh uy danh là thế mà phải nhờ đến phái Tây-vu trợ thủ. Thân quận chúa. Cách biệt nhau mấy tháng mà võ công quận chúa tiến mau qúa. Tại hạ thực không ngờ.

Bảo-Hòa cười như nắc nẻ:

– Địch trạng nguyên. Chắc hồi này đã ăn cắp được bao nhiêu vàng bạc rồi. Phát tài chứ? Người bảo ta đỡ được ba chiêu của người, coi như người thua. Vậy người chịu thua chưa?

Địch Thanh có chí khí anh hùng. Y kính cẩn nói:

– Tôi thua là thua quận chúa, chứ không thua chùa Sơn-tĩnh?

Bảo-Hòa cãi:

– Ban nãy Bình-nam vương gia ra lệnh Địch trạng nguyên, người mau ra lãnh giáo võ công Giao-chỉ đi. Tôi là người Giao-chỉ đã thắng Địch trạng nguyên tức võ công Giao-chỉ thắng võ công Trung-nguyên rồi.

Nguyên-Hạnh thấy Bảo-Hòa xuất hiện ắt mưu kế của y bại lộ hết. Hôm trước thấy hang giam Thiệu-Thái, Mỹ-Linh bị đốt. Y sai người bới ra, chỉ thấy còn năm bộ xương. Y cho rằng Sùng-Phạm, Bố Đại, Thiệu-Thái, Mỹ-Linh cũng như vợ y đều cháy thành than. Y mừng rỡ không bút nào tả siết. Hôm nay y thấy Bảo-Hòa xuất hiện. Trong đầu óc, y cho rằng nàng có mặt ở đây ắt do bàn tay Khu-mật-viện xếp đặt. Y nghĩ chỉ còn cách thủ tiêu nàng mới êm chuyện.

Y dò dẫm hỏi Bảo-Hòa:

– Thân quận chúa. Khai-quốc vương hiện ở đâu?

Bảo-Hòa cười:

– Cậu hai tôi ấy à? Tôi không biết nữa.

Y đứng dậy chỉ ghế :

– Mời quận chúa an tọa.

Bảo-Hòa vô tình đến ngồi bên cạnh y. Lợi dụng, y phất tay áo, phóng ra một chiêu Chu-sa chưởng nhẹ nhàng. Bảo-Hòa sắp xuống quỷ môn quan mà tuyệt nhiên không biết. Bỗng có tiếng quát:

– Ngừng tay !

Một thiếu niên Hồng-hương khác nhảy ra chĩa tay phóng chỉ vào đầu Nguyên-Hạnh. Nếu y tiếp tục phất chưởng vào Mỹ-Linh thì y bị trúng chỉ. Y vội thu chưởng về, đỡ chỉ của thiếu niên kia. Nhưng thiếu niên đã thu chỉ về, biến thành chưởng đẩy nhẹ vào vai Bảo-Hòa. Bấy giờ Bảo-Hoà mới tỉnh ngộ.

Mỹ-Linh nhìn thóang cũng biết thiếu niên đó là Thanh-Mai. Thanh-Mai chỉ vào mặt Nguyên-Hạnh:

– Mi mi…là đại tôn sư võ học, mà hèn hạ đánh trộm người ư ?

Nguyên-Hạnh bị lộ mặt nạ đánh trộm người. Đã trót thì trét. Y vung tay chụp Thanh-Mai với Bảo-Hòa. Chưởng phong của y hùng hậu vô cùng. Mỹ-Linh, Thiệu-Thái thấy nếu để Thanh-Mai, Bảo-Hòa đỡ hai chưởng đó, ắt trúng độc nặng. Hai người quát lên:

– Ngừng tay !

Thiệu-Thái phóng chưởng tấn công Nguyên-Hạnh. Còn Mỹ-Linh thì rút kiếm đẩy lui Địch Thanh bằng một chiêu thần tốc. Địch Thanh lui lại bốn bước liền. Trong khi đó chưởng của Thiệu-Thái đánh ra êm đềm, chạm vào chưởng Nguyên-Hạnh đến bịch một tiếng. Nguyên-Hạnh bật lui liền ba bốn bước. Khí huyết trong người ảo lộn. Y kinh hoàng không ít:

– Thiếu niên này là ai, mà chưởng lực mạnh đến nhường này? Ta tưởng trên đời chỉ có Sùng-Phạm, Bố Đại với Vạn-Hạnh mới có công lực này mà thôi.

Từ ngày gặp Nguyên-Hạnh, Địch Thanh vẫn không phục. Y cho võ công Nguyên-Hạnh không cao hơn y. Y muốn hiển lộ bản lĩnh, bèn hít hơi vận đủ mười thành công lực phát một chưởng hướng Thiệu-Thái. Thiệu-Thái bình tĩnh không tâm, đẩy ra một chưởng. Lạ thay chưởng của Địch Thanh mạnh là thế, mà gặp chưởng Thiệu-Thái, bị mất tích. Y lảo đảo lui liền ba bốn bước, mới đứng vững.

Thanh-Mai, Bảo-Hòa thấy hai thiếu niên Hồng-hương cứu mình, lúc đầu hơi ngỡ ngàng một chút. Nhưng chỉ thóang qua, hai người đã nhận ra Thiệu-Thái với Mỹ-Linh. Thanh-Mai dùng Lăng không truyền ngữ nói vào tai Bảo-Hòa, Mỹ-Linh, Thiệu-Thái , rồi hú lên một tiếng. Tất cả bốn người cùng phát chưởng hướng vào những chỗ để đèn. Đèn trong phòng tắt hết. Bốn người lại đẩy ra liên tiếp mấy chưởng, rồi ẩn thân vào đám đệ tử Hồng-hương.

Lập tức trong phòng náo loạn lên, chưởng, đao, kiếm đánh ra lọan xạ, cùng với tiếng la hét, tiếng kêu.

Trong khi đó bốn người đã xuống núi. Tới chỗ dấu xe ngựa, họ đã thấy Đỗ Lệ-Thanh ngồi chờ từ bao giờ. Đỗ Lệ-Thanh thúc mọi người lên xe trở về khách điếm. Đi đường họ tường thuật cho nhau tất cả những gì đã xẩy ra. Thanh-Mai bàn:

– Trong lệnh, Khai-quốc vương bảo chúng mình về Thăng-long. Như vậy chắc ở nhà có truyện gì. Vậy chúng ta lên đường ngay. Bây giờ tôi với Bảo-Hòa giả làm hai cô gái quê. Sáng mai ta lên đường cho sớm.

Về tới khách điếm, việc đầu tiên Mỹ-Linh tìm Ngô-Tuấn. Thằng bé đang ngồi luyện công. Mỹ-Linh hỏi:

– Hai thằng kẻ trộm đâu rồi?

Ngô Tuấn đáp:

– Khi Công chúa với thế tử đi khỏi một lúc thì bố cháu tới. Bố cháu bảo có lệnh Khai-quốc vương giải hai tên trộm về Thăng-long.

Mỹ-Linh cười:

– Chẳng việc gì chú hai không biết.

Thanh-Mai nghĩ đến người yêu, lòng nàng rộn lên:

– Thì ra chàng vẫn theo dõi mọi việc quanh mình.

Mọi người đi ngủ, để hôm sau lên đường sớm.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN