Anh Hùng Tiêu Sơn - Chương 31
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
135


Anh Hùng Tiêu Sơn


Chương 31


Nhật Hồ Độc Chưởng- – —nh Nam Vũ Kinh

Sáng hôm sau, Thanh-Mai mua thêm chiếc xe ngựa nữa, rồi nàng với Bảo-Hòa ngồi chung cùng lên đường. Hai chiếc xe chạy như bay. Chỉ hơn một ngày, họ đã theo kịp chiếc xe lão Xồi. Lão Xồi hỏi Mỹ-Linh:

– Tiểu cô nương. Cô nương bị tụi nó bắt đi có sao không?

Mỹ-Linh lắc đầu:

– Chúng thấy bọn tôi vô can, nên thả cho đi. Không hiểu sao, chúng gặp ai cũng bắt, cũng khám.

Mỹ-Linh chỉ xe Bảo-Hòa:

– Hai chị này cũng bị bắt trước bọn tôi một ngày. Được chúng thả ra cùng một lượt với bọn tôi. Hai chị cùng muốn ra Thăng-long, sợ thân gái dặm trường, nên xin theo chúng tôi cùng đi cho có bạn.

Nói rồi nàng vẫy tay cho ngựa lên đường. Ngô Tuấn giả bộ ngây ngô hỏi gã béo:

– Này anh, bọn đó định ăn cướp phải không? Anh có tu tiên không mà biết bay? Tôi thấy anh bay lộn trên không coi đẹp qúa.

Gã béo lắc đầu:

– Bọn này ác lắm, chúng định giết bọn tôi. Tôi đánh chúng bằng võ, chứ không phải biết bay đâu.

Hai chiếc xe lại tiếp tục lên đường. Chiều hôm ấy tới Trường-yên. Trường-yên hiện là thủ phủ của Khai-quốc vương tổng trấn từ biên giới Chiêm-thành tới Thăng-long. Trước đây Trường-yên là kinh đô thời Đinh, thời Lê. Từ khi vua Lý Thái-tổ lên ngôi (1009) mới dời ra Thăng-long. Cho nên dân chúng trong trấn đông đúc, buôn bán phồn thịnh, nhà cửa san sát.

Lão Xồi ngồi trên xe, ngắm cảnh phồn thịnh, nói với gã béo:

– Đây thuộc Trường-yên mà đã đông đúc như thế này, e Thăng-long vui vẻ đến đâu. Sau khi việc Thiên-trường xong, chúng ta đi Thăng-long, tha hồ ngắm cảnh.

Mỹ-Linh thấy lão Xồi có rất nhiều bí ẩn, nàng muốn theo dõi tung tích. Nhưng ngặt vì nàng phải về Thăng-long ngay, nên không muốn dây dưa đến việc của bang Nhật-hồ. Nàng cho xe đi trước dẫn đường, xe lão Xồi theo sau. Đến một khách điếm sang trọng, Mỹ-Linh chỉ vào trong:

– Đây thuộc thủ phủ của các châu quận phía nam Đại-Việt, dưới quyền tổng trấn của Khai-quốc vương. Nếu bọn cướp có theo tới. Ông chỉ kêu một tiếng, giáp binh sẽ có mặt liền.

Nói rồi nàng cho đánh xe về phủ Khai-quốc vương. Tới cổng phủ, hai người lính không nhận ra nàng. Chúng cầm đao ngăn lại:

– Các người đi đâu? Có thẻ bài không?

Mỹ-Linh mỉm cười, móc thẻ bài đưa ra. Nàng nói sẽ:

– Đừng có hành lễ. Tôi giả gái quê. Có nhiều người theo dõi.

Hai người thân binh nghe tiếng Mỹ-Linh, họ nhận ra liền. Nếu nàng không nói trước, họ đã hành lễ. Mỹ-Linh cho xe chạy vào trong phủ. Đến đây nàng không cần dấu tung tích nữa. Thấy nàng về, vú nuôi nàng ra đón vào. Bà nhìn Mỹ-Linh giả gái quê, phì cười:

– Công chúa giả trang hay thực. Đến tiểu tỳ cũng không nhận ra, huống hồ người ngòai.

Mỹ-Linh nắm lấy tay người vú:

– Vú ơi. Xa vú mấy tháng nhớ quá. Vú có nhớ con không? Vú chuẩn bị chỗ ở cho mấy người khách quí.

Rồi nàng giới thiệu từng người một. Nàng nói với Thiệu-Thái:

– Vú Hậu đấy. Vú nuôi em từ nhỏ. Khi em lớn rồi, vương mẫu cho tiền để vú về quê ở. Vú thương em lắm, vú không nỡ đi. Vì vậy khi rời Thăng-long về đây em mang vú theo.

Thiệu-Thái vốn tính chu đáo hỏi:

– Thế gia đình vú thì sao?

Mỹ-Linh ép đầu vào vai vú Hậu:

– Chồng vú qua đời rồi. Vú có một con gái bằng tuổi em. Em đem theo luôn.

Mỹ-Linh giới thiệu mọi người với vú Hậu. Nghe giới thiệu đến Thanh-Mai, vú Hậu kinh hãi, vội qùi xuống rập đầu binh, binh:

– Tiểu tỳ Trịnh Thị-Hậu kính cẩn ra mắt vương phi.

Thanh-Mai vội đỡ bà dậy, kinh ngạc hỏi:

– Ủa, tôi sư tỷ của Mỹ-Linh, chứ đâu có phải vương phi, mà vú lại hành đại lễ như thế này?

Vú Hậu cười:

– Truyện vương gia với vương phi, quan, quân khắp trấn này ai mà không biết. Vương phi ơi, người ta bảo lòng dạ vương gia sắt đá, không ai lọt mắt xanh của người. Nhưng tiểu tỳ biết dù người bằng gỗ, gặp vương phi lòng cũng mềm ra như bún.

Thanh-Mai biết chàng đã giới thiệu truyện tình hai người với vú Hậu. Vì vậy nàng không chối nữa. Nàng cầm tay vú Hậu, tỏ ý thân thiện.

Mỹ-Linh nói với Bảo-Hòa:

– Để em gọi con gái vú ra cho chị coi nghe. Chúng em bằng tuổi nhau, chơi với nhau từ nhỏ. Có điều nó không chịu học võ công.

Nàng hướng vào trong gọi:

– Ninh ơi. Chị về này.

Một cô gái tuổi khoảng mười sáu, mười bẩy trong nhà chạy ra. Cô không đẹp, nhưng dáng người xinh xinh. Ninh trông thấy Mỹ-Linh thì chạy ra ôm lấy nàng:

– Chị đi vắng, hai con chó nó nhớ chị qúa, nó khóc hoài. Hai con mèo cũng làm biếng ăn cơm.

Ninh hướng vào trong hú lên một tiếng. Hai con chó trắng như tuyết chạy ra chồm lên mừng Mỹ-Linh.

Mỹ-Linh hỏi vú Hậu:

– Chú tôi về qua đây lâu chưa?

– Có. Quốc-vương về đây mười ngày rồi lại đi Thăng-long ngay. Quốc vương dặn thế nào vương phi cũng về qua cùng với công chúa ,quận chúa , thế tử.

Dù võ công cao. Dù kiến thức uyên bác. Thanh-Mai vẫn là cô gái. Nghe vú Hậu thuật chàng dặn bà đón mình như vợ chính thức. Nàng đỏ mặt lên.

Mỹ-Linh biết vú Hậu dùng tiếng vương phi để gọi Thanh-Mai. Vì trong con mắt vú Hậu, khi trai gái nhìn nhau trao đổi khóe mắt, coi như vợ chồng. Huống hồ Thanh-Mai với Khai-quốc vương tâm đầu ý hiệp. Truyện vương gửi hoa cho Thanh-Mai, bà biết hết.

Vú Hậu nói:

– Tôi cầu trời, cầu Phật cho Quốc-vương cưới cô Thanh-Mai thì hay biết mấy. Đức vua với hoàng hậu phiền lòng về việc này không ít. Thông thường các hoàng tử tuổi mười ba đã có vợ .Đây Quốc-vương tuổi hai mươi mấy rồi, vẫn cứ lo làm việc hòai. Bây giờ gặp vương phi, vừa được người, được nết, tài hoa như vậy, thực hiếm có trên đời.

Mỹ-Linh bảo Ninh:

– Em cho mời viên an phủ sứ Trường-ỵên đến cho chị ngay.

Ninh nói:

– Viên an phủ sứ cũ đổi đi rồi.Viên an phủ sứ mới được vương gia bổ nhiệm thay thế tuổi đã lớn. Để em đi gọi.

Một lát an phủ sứ tới. Mỹ-Linh bật lên tiếng kinh ngạc, bởi ông là Tôn Trung-Luận. Tôn Trung-Luận hành lễ. Mỹ-Linh mời ngồi, rồi hỏi:

– Tình hình trong phủ có gì lạ không?

– Khải tấu công chúa không. Mấy hôm nay Khu-mật-viện có lệnh theo dõi bọn Nùng với bọn Tây-hạ từ Chiêm đi ra Bắc. Khác với tụi Tống từ Bắc vào Nam.

Mỹ-Linh đưa mắt nhìn Thiệu-Thái. Nàng tường thuật sơ lược những gì liên quan đến bang Nhật-hồ, cùng Chu-sa độc chưởng cho ông nghe, rồi dặn:

– Đám này đến Đại-Việt không biết có mục đích gì. Dường như họ không có ác ý với mình. Vì vậy chỉ theo dõi thôi.

Tôn Trung-Luận đi rồi. Vú Hậu dọn cơm đãi khách. Mỹ-Linh kể cho vú Hậu nghe, trong chuyến du hành vừa rồi nàng được ăn không biết bao nhiêu miếng ngon dân tộc. Vú Hậu bật cười:

– Những món đó là món ăn dân dã, ai cũng biết nấu. Vì công chúa chưa ăn bao giờ nên lạ miệng mà thôi, vú cũng biết làm. Công chúa muốn ăn lúc nào mà chẳng có.

Ninh ghé tai Mỹ-Linh:

– Chị muốn ăn, hôm nào em dẫn chị trốn ra chợ. Ăn ngoài chợ, ngồi xổm xuống đất mới ngon. Chứ nấu trong phủ này, trịnh trọng, ăn hết thú. Em nói cho chị biết, còn nhiều món ăn ngon hơn nhiều.

Tuy Ninh nói nhỏ, nhưng Thanh-Mai, Bảo-Hòa nghe rõ hết.

Trời dần tối.

Từ lúc gặp bọn lão Xồi, Đỗ Lệ-Thanh không nói một tiếng. Bây giờ bà mới hỏi Thiệu-Thái:

– Thế tử. Thế tử không thắc mắc gì ư?

Thiệu-Thái nhìn Mỹ-Linh:

– Mỹ-Linh bảo tôi không nên thắc mắc gì. Phu nhân đã thành người nhà mình. Nếu có gì lợi hay bất lợi ắt phu nhân tự nói.

Đỗ Lệ-Thanh ứa nước mắt ra. Bà quì xuống lạy Mỹ-Linh:

– Công chúa quả rộng lượng. Hôm ở trong hang công chúa biết mình bị trúng Chu-sa độc chưởng, hạ thể xin tiểu nhân chữa. Nhưng Bố Đại hòa thợng đã dùng thượng thừa Vô nhân tướng công giải cho công chúa. Sau công chúa biết tôi chế được thuốc giải Chu-sa độc chưởng, cũng như biết xử dụng chưởng này. Thế mà công chúa không hỏi một câu.

Bà ngừng lại một lúc rồi tiếp:

– Công chúa gặp bọn lão Xồi xử dụng Chu-sa độc dược cùng Chu-sa chưởng. Công chúa không nghi ngờ tiểu nhân, cũng không tra hỏi… thực lượng công chúa rộng như biển.

Khi còn ở Thăng-long, Mỹ-Linh không được học võ công. Nhưng nàng được thầy dạy văn là Lý Đạo-Nghĩa giảng thực kỹ, thuật lãnh đạo của người xưa, cùng phép xử thế của Nho-gia. Khi thấy Đỗ Lệ-Thanh nhận làm nô tỳ cho Thân Thiệu-Thái nàng không đặt bà vao hàng nô tỳ bình thường, mà coi bà như một viên cận thần thân tín.

Khi gặp bọn lão Xồi, biết y thuộc bang Nhật-hồ. Mà bang Nhật-hồ là nơi xuất thân của Đỗ Lệ-Thanh. Bà rời bang đã bốn chục năm, có biết bao thay đổi. Trong thời gian đó bà có liên lạc với bang hay chỉ liên lạc với Khu-mật-viện nhà Tống? Họăc cả hai. Cũng có thể bà nhận một công tàc bí mật cho bang. Bây giờ bà mới theo mình, mà mình cật vấn, có thể ba phải nói dối. Khi đã nói dối, sau này bà phải nói dối mãi. Thành ra được bà cũng như không. Thái độ tốt hơn hết, không hỏi gì cả. Cứ để bà tự nói là hơn hết.

Đỗ Lệ-Thanh than:

– Từ ngày nô tỳ cùng Nguyên-Hạnh được giao cho Khu-mật-viện nhà Tống đến giờ, nô tỳ đi đâu, làm gì, bang Nhật-hồ không hay. Trong thời gian 40 năm qua, liệu huynh trưởng tiểu tỳ có còn làm bang trưởng nữa hay đã sang tay người khác, tiểu tỳ đều mù tịt. Không biết bọn lão Xồi sang đây với mục đích gì?

Bảo-Hòa gật đầu:

– Chắc chắn lão Xồi biết gốc tích Nguyên-Hạnh xuất thân từ bang Nhật-hồ cho nên khi đánh bọn thiếu niên Hồng-hương, lão nói Bọn mi về nhờ Nguyên-Hạnh chữa cho.

Đỗ Lệ-Thanh thở dài:

– Không hẳn thế. Dường như lão Xồi cố ý đánh bọn thiếu-niên Hồng-hương, để xem ai chữa được. Như vậy họ đang muốn tìm tiểu-tỳ. Tốt hơn hết, tối nay chúng ta theo dõi bọn lão Xồi xem sao? Lão sang đây vì Tống? Vì Tây-hạ hay vì bang Nhật-hồ.

Mỹ-Linh đồng ý:

– Đây thuộc địa phận Trường-yên của chú tôi, có nhiều cao thủ trong quân đội. Chúng ta không cần phải giả trang. Cứ để nguyên trạng mà do thám hay hơn.

Thanh-Mai gọi một nữ tỳ vào, ghé tai nó nói nhỏ mấy câu. Nó đi ra ngoài. Một lát sau trở lại, tay cầm mảnh giấy. Thanh-Mai mở ra đọc:

– Đây rồi, bọn họ ở phòng số 9 và 10. Phòng số chín cho cô gái. Phòng số 10 cho hai người đàn ông. Như vậy cô gái đó không phải vợ của tên Khôi. Đây, tên họ khai đây. Lão Xồi có tên Chu An-Bình, thiếu niên tên Chu An-Khôi, thiếu nữ có tên Chu An-Việt. Tất cả đều có giấy của quan trấn thủ biên giới Chiêm, Việt, cho vào Đại-Việt bán thuốc trong ba năm.

Mỹ-Linh mở tấm bản đồ ra:

– Đây, phòng số 9 và 10. Phòng số 11 và 8 trống, tôi đã cho người thuê rồi. Bây giờ chúng ta cũng giả làm khách qua đường. Đỗ phu nhân với tôi vào phòng số tám. Còn anh Thiệu-Thái vào phòng số mười một. Nhất thiết tránh dụng võ. Còn thím hai với Bảo-Hòa ở nhà coi nhà.

Nghe Mỹ-Linh gọi mình là thím hai, Thanh-Mai đánh sẽ vào lưng nàng hai cái. Mỹ-Linh càng đùa:

– Ối đau. Cháu xin chừa. Thím tha tội cho cháu.

Ba người đeo hành lý, hướng khách sạn đi tới. Thiếu nữ phụ trách tiếp khách, thấy ba người lạ mặt tới, vội vàng ra chào:

– Quý khách ở xa đến, cần bao nhiêu phòng?

Thiệu-Thái chìa hai tấm thẻ ra:

– Chúng tôi có người nhà thuê sẵn cho phòng số 8 và 11 rồi.

Thiếu nữ hỏi:

– Quý khách định ở mấy ngày, có ăn uống không?

Thiệu-Thái đáp:

– Chúng tôi chỉ nghỉ một đêm rồi đi. Chúng tôi không ăn uống gì cả.

Thiếu nữ dẫn ba người lên nhận phòng. Mỹ-Linh đưa mắt nhìn Thiệu-Thái, ý nói cẩn thận đấy. Nàng với Đỗ Lệ-Thanh vào phòng số tám. Hai người biết bọn họ Chu thế nào cũng ghé mắt nhòm sang, vì vậy cố làm như mệt mỏi, leo lên giường nằm, rồi ngủ liền.

Trời về khuya, trống điểm sang canh ba, vạn vật chìm đắm trong màn đêm yên tĩnh. Phòng bên cạch có tiếng chân người đi ra cửa. Mỹ-Linh ghé mắt dòm qua, thấy Chu An-Bình cùng Khôi, Việt vượt tường ra ngoài vườn. Nàng với Đỗ Lệ-Thanh theo bén gót.

Ba người họ Chu dùng khinh công chạy về phía chân đồi, leo lên lưng chừng, rồi ngừng lại. Chu An-Bình nói:

– Thôi, ngừng ở đây được rồi, không cần đi đâu nữa. Chỗ này có ma nào đến nghe mà sợ.

Chu An-Việt ngồi lên tảng đá, ngơ ngẩn nhìn trời:

– Chú ba. Truyện hồi chiều chú nghĩ sao?

– Ta đánh bọn thiếu niên Hồng-hương bằng Chu-sa độc hoàn và Chu-sa độc chưởng. Nếu Đỗ Lệ-Thanh là vợ Nguyên-Hạnh, tất bà phải xuất hiện cứu cho bọn nó.

An-Việt ngơ ngác:

– Cháu không hiểu. Nếu chú muốn biết bà Lệ-Thanh còn sống hay chết, mình phải ở lại, chứ có đâu lại đi Thiên-trường?

An-Bình cười:

– Con nhỏ này mà cũng không hiểu được mưu kế của chú, còn sợ gì ai hiểu được nữa. Chúng ta không biết Nguyên-Hạnh có phải Dương-Bá hay người khác. Vì vậy hai lần chúng ta đánh bọn Hồng-hương. Nếu như Nguyên-Hạnh là Dương-Bá, tất Lệ-Thanh là vợ y phải xuất hiện cứu chúng. Như thế ta còn ở lại, tất mụ tìm chúng ta. E rằng tung túch chúng ta bại lộ. Còn trường hợp Nguyên-Hạnh không phải Dương-Bá, đương nhiên bọn thiếu niên phải chết. Chúng ta ở lại, quan quân truy lùng thì chạy đâu cho thoát?

An-Khôi hỏi:

– Chúng ta đi Thiên-trường làm gì ?

An-Bình nói nho nhỏ:

– Ta nghe Bình-nam vương Triệu Thành dẫn nhiều đại cao thủ sang Đại-Việt để tìm di thư thời Lĩnh-nam. Dường như di thư này đã thấy. Như vậy tất y sẽ đi Thiên-trường mưu thuyết phục Côi-sơn đại hiệp. Ta cần đón đường ăn cắp lại di thư đó.

An-Việt tỏ ý hoài nghi:

– Tin Bình-nam vương tìm được di thư đồn ra. Tất cả các đại môn phái Đại-Việt đều đuổi theo đoạt lại. Mình sao đủ sức. Cháu sợ vô ích mà thôi.

An-Bình vỗ đầu An-Việt:

– Con này ngu quá. Mình ở trong bóng tối. Họ ở ngoài ánh sáng. Sợ gì? Vả mình có Chu-sa độc chưởng, không dễ gì ai địch nổi. À, cháu muốn biết tại sao bang chưởng lại cử chú cháu mình sang tìm Đỗ Lệ-Thanh?

An-Bình thở dài:

– Như cháu biết Chu-sa độc chưởng là thuật luyện công bằng nọc độc côn trùng, trên thế gian này không ai có thể giải được. Do giáo chủ Hồng-thiết Mã-Lệ chế ra.

An-Việt ngơ ngác:

– Cháu chỉ nghe nói đến giáo-chủ Đông-Nhật lão nhân chứ chưa từng nghe nói đến giáo chủ Mã-Lệ bao giờ.

An-Bình gật đầu:

– Vì vậy chú mới phải nói cho cháu nghe. Hồng-thiết giáo phát xuất từ Tây-vực. Đầu tiên hai người Tây-dương, một tên Mã Mặc. Một tên Lệ Anh. Hai người nhân dân chúng đói khổ, hô hào mọi người nổi dậy chống triều đình. Bị triều đình truy lùng. Hai người trốn vào rừng sống với thú vật, côn trùng. Nhân đó viết ra cuốn Hồng-thiết-kinh, qui tụ đủ tất cả độc chất trong thiên hạ, cùng cách luyện độc công. Hai người chế ra Chu-sa ngũ độc chưởng. Chu-sa độc chưởng lưu truyền khá sâu rộng.

Chu An-Bình là đệ tử Hồng-hương giáo, nên y chỉ thuật những gì ghi chép trong kinh điển giáo phái này. Sự thực Mã Mặc, Lệ Anh là hai người không hề quen biết nhau. Họ học hai môn phái khác nhau. Vì luyện võ công sai lạc, cộng thêm với việc bắt côn trùng lấy nọc độc luyện, nên họ trở thành điên khùng. Khi viết Hồng-thiết kinh, chỉ phần đầu là đúng. Từ phần thứ nhì trở đi, hai người tưởng tượng ra, rồi viết.

Đương thời, võ lâm Tây-vực khinh khi, coi họ là hai người, nhưng hồn thú vật, mất hết nhân tính. Khi hai người chết rồi, bộ Hồng-thiết kinh lan truyền khá rộng. Những bọn du thủ, du thực, trộm cướp thi nhau luyện. Khi chúng định đánh cướp đâu, chúng kéo cao ngọn cờ Thế thiên hành đạo. Của cướp được, đem chia cho người nghèo một ít, còn lại chúng giữ, hưởng thụ.

Hơn trăm năm sau, một người thợ tên Lệ Vinh ở vùng băng giá Tây-vực nhân trộm cắp bị vua chúa truy lùng. Y chạy xuống Tây-dương, theo một đảng cướp, được truyền bộ Hồng-thiết kinh. Y luyện thành. Thấy các đời trước toàn quân trộm cướp, y có ý muốn cải tổ. Y viết lại bộ Hồng-thiết-kinh thành Lệ Vinh hồng thiết kinh. Trong đó chia làm ba phần. Phần thứ nhất chép độc tố khắp thiên hạ, cách hạ độc, cách trị. Phần thứ nhì chép nội công tâm pháp, cùng Chu-sa độc chưởng. Phần thứ ba chép triết lý về phương thức tổ chức bang Hồng-thiết, để tiến tới làm chủ thiên hạ. Sau đó Lệ Vinh trở về quê, âm thầm tổ chức đội ngũ Hồng-thiết giáo trong đám bần dân. Khi bang chúng mạnh, y khởi binh, tiến về kinh đô. Nhờ thủ đoạn đi đến đâu, giết chết quan lại, cùng phú gia, lấy của chia cho giáo chúng. Bọn du thủ du thực, bọn vô lại ào lên theo. Chiếm được kinh đô, giết chết vua cùng triều đình, Lệ Vinh lên làm giáo chủ. Việc cai trị trong nước hoàn toàn do giáo chúng độc quyền.

Khi Lệ Vinh chết, y để di chúc truyền ngôi giáo-chủ cho Xích Trà-Luyện. Xích Trà-Luyện lên làm giáo chủ, y tuyển bọn vô lại các nước xung quanh đem về huấn luyện, rồi giúp binh lương cho trở về nước chống vua quan.

Chu An-Bình nói:

– Nhật-Hồ lão nhân nguyên là người Việt. Lão nhân sinh ra đúng lúc loạn Thập-nhị sứ quân. Người lưu lạc sang Tây-vực, được kết nạp vào Hồng-thiết giáo, được chính giáo chủ Xích Trà-Luyện thu làm đệ tử. Sau khi học được bản lĩnh nghiêng trời lệch đất rồi, người xin trở về phương Đông, đến vùng lưu vực Hoàng-hà tổ chức bang Hồng-thiết giáo. Nhưng Hồng-thiết giáo không tin có trời, có Phật, nên lão nhân gia không dám dùng tên Hồng-thiết, mà tổ chức thành bang Nhật-hồ.

An-Khôi kinh ngạc:

– Thế mà từ trước đến giờ cháu chỉ nghe danh có Đông-nhật lão nhân mà thôi. Sự thực ra sao?

– Nhật-hồ lão nhân không phải người Trung-quốc, nên bản bang chỉ thu hẹp ở miền Tây.

An-Việt hỏi:

– Thế tổ người vùng nào?

– Ngài người Việt, gốc ở vùng Cửu-chân.

– Nhật-Hồ lão nhân bản lĩnh ra sao?

– Võ công cao thâm không biết đâu mà lường. Người tu bổ lại võ công. Cho nên bên Tây-dương, giáo chúng chỉ biết Chu-sa độc chưởng. Người chế ra thành Chu-sa ngũ-độc chưởng, khốc liệt gấp trăm lần Chu-sa độc chưởng.

An-Bình trầm trầm tiếp:

– Nhật-Hồ lão nhân mới giới thiệu Đông-Nhật lão nhân với tổ Xích Trà-Luyện. Do đó Đông-Nhật lão-nhân được thu nhận. Khi Đông-Nhật lão nhân trở về Trung-thổ thì bản bang đã được thành lập rồi, có đệ tử khắp nơi. Nhưng đa số đệ tử người Hán. Đông-Nhật lão nhân vận động với các vị hộ pháp, chưởng-quản trong bang tổ chức buổi họp. Trong buổi họp người đặt vấn đề với Nhật-hồ lão nhân rằng: Bản bang được thành lập với mục đích chiếm Trung-quốc. Thế mà bang trưởng lại gốc người man di, sao có thể thu phục nhân tâm?. Tổ Nhật-Hồ thấy các vị chưởng-quản, hộ-pháp dường như đều đồng ý với Đông-Nhật lão nhân, người bèn từ chức bang trưởng, truyền chức cho Đông-Nhật lão nhân.

An-Việt hỏi:

– Thế Nhật-Hồ lão nhân sau đó đi đâu?

– Người tuy từ chức, song vẫn là một hộ pháp cố vấn tối cao của bản bang. Người đi về phương Nam lập các bang Nhật-Hồ ở Giao-chỉ, Chiêm-thành, Chân-lạp, Lão-qua. Song rất bí mật, không ai biết thực lực ra sao. Còn bản bang đổi thành Trung-quốc Nhật-hồ. Đông-Nhật lão nhân nguyên họ Vũ, cải danh thành họ Lưu lấy tên là Trí-Viễn. Khi thấy thực lực bang đã mạnh, người khởi nghĩa ở Thái-nguyên, lập lên nhà hậu Hán, lấy hiệu Thiên-phúc hòang đế.

An-Khôi tỏ vẻ hiểu biết:

– Cháu hiểu rồi. Như vậy trong lịch sử Trung-Quốc có tới hai nhà Hán.

– Đúng. Một nhà Hán đo Cao-tổ Lưu Bang dựng nghiệp, truyền hơn hai trăm năm bị Vương Mãng thoán vị. Quang-Vũ trung hưng, truyền hơn hai trăm năm nữa, đến đời Hiến-Đế bị Tào Phi cướp ngôi. Con cháu Trung-sơn Tĩnh-vương là Lưu Bị lại xưng hậu Hán ở Thục. Hậu Hán truyền đến năm Quý-Mùi bị Tần diệt (263 sau Tây-lịch). Nay, cách 684 năm sau, Đông-Nhật lão nhân muốn thừa hưởng danh tiếng nhà Hán, mới xưng hậu Hán. Chứ sự thực người vốn họ Vũ, xuất thân trong bộ lạc Sa-đà vào năm Đinh-Mùi (947).

An-Việt gật đầu:

– Cháu hiểu rồi. Thế sao sau này ngôi vua truyền sang họ Quách?

– Khi bang chủ lên ngôi lập ra nhà Hán. Người thấy Trung-quốc là gốc văn minh thiên hạ, lại phải cúi đầu tuân phục nhận sắc phong của vua sứ Tây-dương, nhục nhã qúa. Người bèn tách ra, không liên hệ gì với Tây-dương Hồng-thiềt nữa. Vì vậy điều sĩ dân thiên hạ ai cũng kính phục. Khi đắc thế rồi, Đông-Nhật lão nhân quên mất rằng anh em trong bang đổ máu dựng nghiệp cho người. Người giết khá nhiều hộ pháp trong bang. Đáng lẽ lúc sắp từ trần, người phải truyền ngôi cho người thừa kế trong bang, lại truyền ngôi cho con. Con người lên ngôi, lấy hiệu Càn-hựu, sau này sử gọi là Ẩn đế. Ẩn-đế tuổi còn nhỏ, mọi quyền hành trong tay thái hậu. Thái hậu giết chết các đại thần như Dương Bân, Sử Hoằng và Triệu-vương Chương.

An-Khôi, An-Việt nghiến răng, thở dài. An-Bình tiếp:

– Bấy giờ trong bang, do bang trưởng Đỗ-Ngạn-Uy cầm đầu. Nhưng người đổi ra họ Quách. Quách bang trưởng giết chết thái hậu và Hán Ẩn-đế (950). Bang trưởng được tôn lên làm vua, xưng là nhà Chu. Sau này sử tôn làm Chu Thái-tổ. Chu Thái-tổ lên làm vua, có nhiều cải cách khiến cho nước giầu dân mạnh. Khi người băng hà, đại đệ tử của người họ Sài tên Vinh lên kế vị (954) sau sử gọi là Chu Thế-tông. Khi Chu Thế-tông sắp băng, người lại đi vào con đường cũ, truyền ngôi cho con (959). Nhưng con người không có đức, chỉ làm vua được có hai năm, bị Triệu Khuông-Dẫn cướp ngôi lập ra nhà Tống (960). Sau này y chết được tôn làm Tống Thái-tổ.

An-Bình thở dài:

– Triệu Khuông-Dẫn bố cáo thiên hạ về nguồn gốc bổn bang xuất thân từ Tây-dương. Vì vậy sĩ dân xúm vào tìm cách diệt đệ tử Nhật-hồ. Tống Thái-tổ cho quân đến núi Trường-bạch diệt bổn bang.Y đem tông tộc họ Đỗ ra giết. Bấy giờ đại đệ tử của Quách Ngạn-Uy tên Dương-Bá,với con gái tên Đỗ Lệ-Thanh xin đem hết người bổn bang qui phục. Khu-mật-viện nhà Tống muốn dùng hai người này vào việc chiếm Giao-chỉ, mới đem tất cả tông tộc họ Đỗ về an trí ở Biện-kinh. Sau đó sai hai người sang Lĩnh-nam, tìm cách nào đó, chui vào làm đệ tử phái Tiêu-sơn.

An-Việt gật đầu:

– Mưu thực sâu!

An-Bình vỗ tay vào vai cháu:

– Cháu thử nói ý nghĩ của cháu xem có đúng không nào?

– Này nhé, hai người sang Giao-chỉ, mở tiệm bán thuốc, đương nhiên sẽ có nhiêu quen biết. Giao-chỉ đang cai trị bởi Lý Công-Uẩn. Mà Uẩn xuất thân từ cửa Phật. Vơ chồng Dương-Bá chỉ cần khéo léo chui vào làm đệ tử một vị tăng nào, hỏi ai mà dám đụng đến ?

– Giỏi. Thế nhưng họ Đỗ đầu hàng Tống, chứ bang chúng ta đâu có đầu hàng? Vì vậy, trong bóng tối bổn bang vẫn bành trướng. Ngặt một điều thuốc cấy độc Chu-sa độc hoàn bổn bang còn lưu truyền được. Mà thần công Hồng-thiết giải vĩnh viễn độc chưởng lại thất truyền. Người cuối cùng biết xử dụng chỉ có hai người. Một là Nhật-Hồ lão nhân, hai là Đỗ Lệ-Thanh. Vì vậy bang trưởng mới sai chúng ta đi tìm tung tích người thừa kế Nhật-Hồ hoặc Đỗ Lệ-Thanh, hỏi mật quyết luyện Hồng-thiết tâm pháp.

An-Khôi cầm viên đá nhỏ búng đến véo một cái, rồi nói:

– Hiện giờ chúng ta khống chế anh hùng thiên hạ bằng độc chưởng, rồi cấp thuốc giải hằng năm, chứ không biết xử dụng thần công giải hoàn toàn. Nếu chúng ta tìm được thần công đó, mới có thể khống chế võ lâm Trung-nguyên, dần dần lên làm vua.

– Đúng thế. Chúng ta sẽ cho người dùng Chu-sa độc hoàn, hoặc Chu-sa độc chưởng gieo độc khắp triều Tống. Sau đó ai nghe lệnh, ta giải cho. Ai không nghe lệnh ta để cho chết. Chẳng mấy lúc cả triều thần tuân lệnh, thiên hạ lại trở về bản bang.

Chu An-Bình thở dài:

– Ta sợ Đỗ Lệ-Thanh chết rồi, e không biết đâu mà tìm. Khi tới Giao-chỉ, ta thấy lối tổ chức Hồng-hương thiếu niên của Nguyên-Hạnh, hơi giống lối tổ chức đệ tử của bản bang. Ta mới nghi y chính là Dương-Bá. Vì vậy ta hạ độc thủ hai mươi đứa hôm trước và mười một đứa hôm qua. Sau khi đi Thiên-trường trở về , ta dò xem những đứa bị trúng độc còn sống hay chết. Hễ chúng còn sống, ắt Đỗ Lệ-Thanh còn. Hay ít ra mụ cũng truyền cách chế lại cho đệ tử.

An-Khôi lắc đầu:

– Cháu, thì cháu nghĩ khác. Có thể Nguyên-Hạnh thừa kế Nhật-Hồ lão nhân thì sao?

An-Bình cười:

– Cháu biết một mà không biết hai. Nhật-Hồ lão nhân là người nhất tâm với Hồng-hương giáo. Có đời nào y theo Phật mà thành hòa thượng?

An-Việt lắc đầu:

– Cháu lại cho rằng Nguyên-Hạnh chính là người thừa kế Nhật-Hồ lão nhân. Vì võ lâm Đại-Việt nghe đến Hồng-thiết giáo đều xúm lại chém giết. Vì vậy y phải chui vào ẩn trong lớp áo cà sa. Hiện Nguyên-Hạnh là đệ tử của Di-Lặc bồ-tát, bản lĩnh y cao thâm không biết đâu mà lường. Sợ rằng chú cháu ta không địch nổi y.

Chu An-Bình vỗ tay vào bụng:

– Bang trưởng đã trù liệu việc đó. Cháu đâu biết rằng Lưu thái hậu triều Tống hiện thời là đệ tử bản bang. Khi ta đi, bang trưởng ép Lưu hậu ban một chỉ dụ cho Lý Công-Uẩn rằng Đỗ Lệ-Thanh là tử tội bản triều. Nếu ta biết y thị còn sống. Ta sẽ xuất hiện, yêu cầu mụ trao Hồng-thiết tâm pháp. Mụ trao thì tốt. Còn trường hợp mụ không trao, ta dọa sẽ tố cáo mụ và Nguyên-Hạnh làm gian tế cho triều Tống. Như vậy ắt mụ phải líu ríu tuân hành.

– Lỡ mụ vẫn cứng đầu?

– Ta dùng chiếu chỉ của Tống, xuất hiện truyền Lý Công-Uẩn bắt tử tội Đỗ Lệ-Thanh trao trả bản triều. Khi Đỗ Lệ-Thanh vào tay chúng ta. Chúng ta bảo sao mụ cũng phải nghe. Ta chỉ lo Lý Công-Uẩn thấy thế lực Nguyên-Hạnh lớn quá, không dám bắt thị mà thôi. Hiện giờ gần vạn thiếu niên Hồng-hương chứ ít đâu ?

Có tiếng trầm trầm vọng lại:

– Thiếu niên Hồng-hương đã đến từ lâu rồi.

Thấp thoáng một cái, hai bóng người đã khoanh tay đứng trước mắt ba chú cháu họ Chu. Mỹ-Linh nhận ra hai nhà sư Trí-Nhật, Trí-Nguyệt, đệ tử của Nguyên-Hạnh.

Xung quanh, hơn trăm thiếu niên Hồng-hương, vũ khí sáng ngời bao vây ba chú cháu họ Chu vào giữa. Trí-Nhật nói:

– A-di-đà Phật. Ba thí chủ hãy đi yết kiến sư phụ bần tăng.

Chu An-Bình cười nhạt:

– Xin đại sư cho biết pháp danh ? Pháp danh quý tôn sư là gì?

Trí-Nhật chỉ vào Trí-Nguyệt:

– Đây là sư đệ của bần tăng pháp danh Trí-Nguyệt. Còn bần tăng pháp đanh Trí-Nhật. Bản sư tại hạ chính thị Nguyên-Hạnh lão sư.

Chu An-Bình cười nhạt:

– Nguyên-Hạnh đại sư là một cao tăng, chứ đâu phải hòang đế ? Hồng-hương thiếu niên đâu phải quân binh ? Chúng tôi không đi.

Trí-Nhật vẫy tay. Hai thiếu niên Hồng-hương nhảy vào bắt An-Bình, An-Khôi . Một thiếu nữ bắt An-Việt. Trí-Nhật không ngờ bắt ba người dễ dàng quá. Y ra lệnh:

– Trói chúng lại.

Các thiếu niên Hồng-hương dạ ran, đem dây ra định trói. Thình lình ba người bắt chú cháu An-Bình bỗng kêu thét lên, buông họ ra, nhảy lùi lại ôm tay, mặt mũi tái mét.

Trí-Nhật kinh hãi hỏi:

– Cái gì đã xẩy ra.

Ba thiếu niên chưa trả lời, y cũng đoán được cái gì đã xẩy ra. Hai bàn tay ba thiếu niên sưng vù, đỏ như máu.

Nhanh như chớp, ba chú cháu An-Bình phóng chưởng tấn công. Binh, binh, ba thiếu niên Hồng-hương trúng chưởng, ngã xuống. Biến cố xẩy ra đột ngột, Trí-Nhật xuất chưởng tấn công An-Bình. Trí-Nguyệt tấn công An-Khôi, An-Việt.

Mỹ-Linh, Thiệu-Thái cùng Đỗ Lệ-Thanh núp sau bụi cây theo dõi mọi biến chuyển. Nàng thấy anh em Trí-Nhật, Trí-Nguyệt xử dụng võ công Tiêu-sơn. Chưởng lực hai người cực kỳ hùng hậu.

Nàng nhủ thầm:

– Tuy Nguyên-Hạnh làm gian tế của Tống, nhưng y quả thực có tài. Anh em Trí-Nhật tuổi bất quá trên ba mươi, mà bản lãnh bỏ xa anh Tạ Sơn. Có lẽ chúng chỉ thua sư-phụ ta với Hồng-sơn đại phu một bực, ngang với bọn Vương Duy-Chính chứ không ít.

Trí-Nguyệt dồn anh em An-Khôi, An-Việt muốn ngộp thở. Y đánh liền ba chưởng, An-Việt đã bay vọt ra xa, nằm dài dưới đất. Một thiếu niên Hồng-hương cầm kiếm dí vào cổ nàng.

Bình một tiếng, An-Khôi bay bổng lên cao, rơi xuống đất. Một đệ tử Hồng-hương khác lại dí kiếm vào cổ y.

Trí-Nhật võ công cao hơn An-Bình nhiều. Nhưng y cứ phải đánh cầm chừng, vì tránh chạm vào độc chưởng của An-Bình. Trí-Nguyệt sợ sư huynh thất thố điều gì. Y cầm kiếm trong tư thế sẵn sàng can thiệp.

Đấu được trên trăm hiệp, An-Bình thở hổn hển, chiêu thức rời rạc. Y cố gắng đỡ được một chưởng nữa, rồi loạng choạng muốn ngã. Trí-Nhật chụp lấy tay y bẻ quặt ra sau. Song vừa định bẻ tay đối thủ, y cảm thấy bàn tay nóng bỏng. Y tỉnh ngộ, phóng một chưởng cực kỳ hùng hậu vào ngực đối thủ, rồi lui lại. Chu An-Bình lãnh một chưởng như trời giáng, y bay bổng ra xa, rơi xuống đất, miệng phun máu.

Trí-Nguyệt rất quan tâm đến sư huynh:

– Sư huynh, có sao không ?

Mặt Trí-Nhật tái xanh, nhưng bàn tay thì đỏ chói như máu. Trí-Nguyệt nhìn sáu thiếu niên Hồng-hương với sư huynh bị trúng Chu-sa chưởng, đang đau đớn rên rỉ. Y chư biết giải quyết sao, thì một thiếu niên Hồng-hương cầm kiếm đến dí vào cổ ba chú cháu An-Bình:

– Mau đưa thuốc giải độc Chu-sa ra ngay. Bằng không chúng ta giết mi.

An-Bình cũng không vừa:

– Mi đừng hy vọng. Bọn mi cũng như chúng ta, đều là người được đào tạo trong tinh thần Hồng-thiết kinh, khi gặp việc chẳng như ý, chỉ có chết, chứ không chịu khuất phục.

Một thiếu niên Hồng-hương chỉ vào An-Việt:

– Nếu mi không đưa thuốc giải ra, nhất định ta rạch nhát kiếm này vào mặt mi. Mặt mi sẽ xấu xa khủng khiếp, mi biết không ?

An-Việt lặc đầu:

– Chu-sa độc chưởng không có thuốc giải. Chỉ có thuốc tạm thời cho bớt đau mà thôi. Ta để ở trong bọc trên lưng ta. Mi mở ra mà cứu đồng bọn.

Trí-Nguyệt tỵ hiềm nam nữ, y không dám đụng vào người An-Việt. Y dùng kiếm khều cái túi trên lưng nàng, mở ra. Trong túi có hàng chục bình thuốc. Y hỏi:

– Bình nào là thuốc giải ?

– Bình đen. Mỗi người uống ba viên.

Trí-Nhật lấy thuốc phát cho đồng bọn. Chúng bỏ thuốc vào miệng, rồi vận khí nuốt đi. Lát sau, bao nhiêu cái đau đớn từ từ biến mất.

Trí-Nhật truyền giải ba chú cháu An-Bình đi theo.

Đợi bọn Trí-Nhật đi xa, Đỗ Lệ-Thanh nói:

– Công-chúa, thế-tử. Chúng ta mau đuổi theo.

Mỹ-Linh phất tay ra hiệu:

– Không cần thiết. Đây là phủ thủ của cơ quan trấn thủ nam Đại-Việt. Đến con chó, con mèo chạy đâu mình cũng kiểm soát được, huống hồ bọn này.

Về đến dinh Khai-quốc vương, Mỹ-Linh thuật mọi truyện cho Thanh-Mai nghe, rồi xin quyết định. Thanh-Mai biết Mỹ-Linh đã coi mình là vợ Khai-quốc vương, làm vai trên, nên hỏi ý kiến nàng. Nàng hỏi Đỗ Lệ-Thanh:

– Đỗ phu nhân. Bây giờ phu nhân định hành động như thế nào ?

Đỗ Lệ-Thanh suy nghĩ một lúc rồi nói:

– Theo ý tiểu nhân, bên Trung-quốc bang Nhật-hồ đã phát triển lớn. Hồi tiểu tỳ ra đi, chưa chế ra Chu-sa hòan. Muốn thắng ai, phải dùng chưởng. Bây giờ không cần thiết luyện chưởng, mà chỉ cần phóng thuốc vào người cũng đủ. Dường như bang Nhật-hồ đã khống chế được nhiều quan chức triều Tống, trong đó có thái hậu. Tuy vậy bang chỉ có thuốc trị giảm đau trong một thời gian ngắn, mà không có thuốc giải. Đơn chế thuốc giải không phải mình tiểu tỳ biết, mà trong họ Đỗ có nhiều người biết. Chắc trong khi tranh dành chức chưởng môn, nhóm họ Đỗ đã bị diệt họăc giả tách ra không còn ở trong bang. Vì vậy, họ phái người đi tìm tiểu tỳ.

Mỹ-Linh gật đầu:

– Đúng thế. Vậy trước đây phu nhân có dạy Nguyên-Hạnh chế thuốc này không ? Y có biết Hồng-thiết tâm pháp không?

– Không. Từ ngày sang Đại-Việt, vì dấu tung tích, nên Nguyên-Hạnh bắt tiểu tỳ không được luyện chưởng này nữa. Vì luyện để làm gì ? Nếu đem ra xử dụng đánh ai, tông tích bị lộ ngay. Vì vậy thuốc giải không cần đến. Cho nên y không đòi học chế. Nào ngờ…nào ngờ y vẫn bí mật luyện tập. Vì vậy hôm trước y dùng để hại công chúa.

Mụ ngừng lại cầm chung trà uống một hơi cạn, rồi tiếp:

– Công chúa thử đoán xem, tại sao y không giết tiểu-tỳ, mà lại giam cầm làm chi ?

Mỹ-Linh đáp ngay:

– Chắc y muốn phu nhân dạy cách chế thuốc giải Chu-sa độc chưởng.

– Gần như thế . Y thường tra vấn tiểu nhân hai vấn đề. Một là phương thuốc luyện Hồng-thiết thần công và phương thuốc giải. Tiểu tỳ nhất định không khai. Vì nếu khai ra, y sẽ giết tiểu tỳ ngay.

Bản tính Thiệu-Thái nhân từ. Chàng nói với Đỗ Lệ-Thanh:

– Phu nhân còn nhớ phương thuốc giải, nên chế ra ít ngàn viên, để cứu đời. Cứu một mạng người bằng xây bẩy ngôi chùa.

Đỗ Lệ-Thanh lạy thụp xuống đất:

– Thế tử thực là người nhân đức. Theo tiểu tỳ, chúng ta nên chế thuốc giải, vì thuốc giải chỉ có hiệu lực một năm. Hàng năm đến tiết Đông-chí mà không có thuốc giải, sẽ lên cơn đau đớn sống không nổi, chết không xong. Nào bây giờ chúng ta bí mật cứu ba người họ Chu ra…

Thanh-Mai vỗ tay:

– Mưu kế tuyệt diệu.

Thiệu-Thái ngơ ngác:

– Thế nghĩa là…

Mỹ-Linh cười:

– Chúng ta cứu ba người họ Chu. Tất nhiên giữa ba người này với bọn Nguyên-Hạnh còn xẩy ra nhiều trận đấu. Còn nhiều người bị trúng độc. Trong khi đó chúng ta ở giữa, làm ngư ông hưởng lợi, cứ tìm đám thiếu niên Hồng-hương cho họ thuốc giải, bắt tuyên thệ phải báo cáo mọi họat động của Nguyên-Hạnh cho Khu-mật-viện. Nếu người nào không trung thành, cuối năm ta không cho thuốc giải.

Thiệu-Thái mừng rỡ:

– Chúng ta cứ thế mà làm.

Đỗ Lệ-Thanh lắc đầu:

– Khi phóng thuốc giải vào người bệnh, cần nhất người đó phải dùng Chu-sa thần công. Mà tiểu tỳ bị giam bao năm, công lực cạn. Bây giờ thế tử luyện thần công Chu-sa, mới cứu họ được.

Thiệu-Thái ngơ ngác:

– Tôi làm sao mà luyện được thần công này ?

Đỗ Lệ-Thanh cầm con dao nhỏ để trên bàn, mụ cởi cái áo da trên người ra, rồi cầm dao rạch lằn chỉ. Phút chốc lớp lụa bên trong với lớp da tách đôi. Mụ để cái áo da lên bàn. Chỉ vào cái áo:

– Bí quyết chế thuốc giải, cũng như thần công Chu-sa, tiểu tỳ chép vào đây lâu rồi. Nguyên-Hạnh đã vạch từng ly, từng tý ra xét, mà không tìm thấy.

Mỹ-Linh nhìn tấm áo da, không có chữ, cũng chẳng có hình vẽ. Nàng hỏi:

– Bí quyết ở trong này ?

Đỗ Lệ-Thanh cầm con dao cắt đôi quả chanh, rồi vắt nước lên lớp da trong áo. Mụ dùng tay chà cho nước chanh ướt hết vạt trước. Lập tức trên lớp da hiện ra những hàng chữ li ty. Mụ nói:

– Muốn luyện thành công Chu-sa chưởng, ít nhất phải mất 10 năm. Nhưng trong người thế tử hiện có một trăm năm Thiền-công, thì luyện rất mau.

Thiệu-Thái, ghé mắt đọc:

Thần công Chu-sa chưởng, bí lục.

Phần dưới chép:

Chu-sa thần công thuộc loại âm nhu. Nó còn có tên khác như Mai-hoa công hoặc Hồng-sa công. Phương pháp luyện có hai phần. Phần thứ nhất luyện công khi nào nội lực thực mạnh, dùng thuốc tẩm vào bàn tay.

Chàng đọc xuống dưới:

Võ-lâm cứ nghĩ Chu-sa thần công chỉ để đánh người thực sai lầm. Chu-sa thần-công có hai thực nghiệm. Một là dùng chưởng lực đẩy chất độc đánh đối thủ. Hai là dùng thần công hút bất cứ loại độc nào để cứu người.

Thiệu-Thái mừng thầm:

– Như vậy thực tốt quá. Ta học thần công này, để cứu người chẳng tốt sao ?

Chàng đọc xuống dưới:

Cho cát khô vào trong một thùng. Hàng ngày dùng tay đâm. Không cần biết bao nhiêu lần, khi nào mệt thì nghỉ. Cứ như vậy luyện hàng ngày. Trong vòng 5 tới 10 năm, tay cách xa thùng cát hơn thước xỉa mạnh khiến cho cát bay lên. Như vậy là được một thành.

Bên dưới ghi:

Trong khi luyện, khí trầm đơn điền , rồi vận khí ra Thủ tam âm kinh đâm xuống. Khi rút tay ra, dẫn khí ngược trở lên.Thiệu-Thái vận khí thử, thấy không khó gì cho lắm, chàng tiếp tục đọc xuống dưới, luyện thử, cũng chỉ mấy khắc là xong. Chàng dọc tiếp:

Đến đây công lực đã được ba thành. Bắt đầu luyện với thuốc. Người nào bẩm tính thông minh luyện trong 10 năm sẽ thành.

Đỗ Lệ-Thanh chắp tay:

– Mừng cho thế tử đã luyện xong hai phần khó nhất. Bây giờ phải luyện với thuốc.

Mụ cầm bút viết phương thuốc:

Hoa thủy trùng 1 lượng.

Hắc chi ma 2 tiền.

Qui vĩ 2 tiền.

Xuyên liên 8 phân.

Hòang bách 1 tiền.

Kinh giới 3 tền.

Trắc bách 1 lượng.

Dương khởi thạch 2 tiền.

Thiết sa 4 tiền.

Phòng phong 3 tiền.

Ban thích trùng 5 lượng.

Ngân hoa 2 tiền.

Bạch tật lê 3 tiền.

Thạch ??? 8 lượng.

Bạch truật 2 tiền.

Bạch tín 1 tiền.

Hồng nương tử 5 tiền.

Ngô công 2 con.

Can khương 1 lượng.

Não sa 5 tiền.

Hồng hoa 1 tiền.

Nguyên sâm 5 phân.

Bắc tế tân 3 tiền.

Bạch tân bì 3 tiền.

Đinh thí trùng. 5 tiền.

Tiểu nha qui 2 tiền.

Chỉ thiên tiêu. 8 lượng.

Tổng cộng 28 vị.

Mụ nói với Mỹ-Linh:

– Xin công chúa ban chỉ truyền y sĩ soạn cho hai lần phương thuốc này.

Trong dinh Khai-quốc vương có nhiều y sĩ dùng trong quân. Mỹ-Linh sai tỳ nữ đi lấy thuốc. Phút chốc đã mang về. Mụ kiễm điểm lại, bỏ vào nồi, cho vào ba chục bát nước đun. Mụ dặn dầu bếp:

– Để chính tôi đun mới được. Vì độc chất này ghê gớm lắm. Người ngửi phải e nguy lắm thay.

Mụ thân vào bếp đun thuốc. Một lát mang thuốc ra. Hơi thuốc bốc lên ngào ngạt. Mụ nói:

– Xin thế tử ngâm hai tay vào thuốc rồi tiếp tục vận khí luyện như trước.

Thiệu-Thái ngâm hai tay vào thuốc, vận khí. Chàng cảm thấy chất thuốc ngấm vào trong người thực mau. Bỗng mấy con thạch-sùng trên trần nhà rơi xuống đất lộp bộp. Chúng dãy mấy cái rồi nằm im.

Mỹ-Linh kinh hãi:

– Cái gì vậy ?

Đỗ Lệ-Thanh đáp:

– Thưa công chúa, những con rắn mối này ngửi phải hơi độc, tạng phủ chúng nát ra mà chết.

Thiệu-Thái luyện một lúc, chậu nước thuốc trở thành trong veo. Đỗ Lệ-Thanh giải thích:

– Bao nhiêu chất độc, thế tử hút vào hai ban tay cả rồi.

(Xin đọc tiếp bộ Thuận Thiên Di Sử)

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN