Anh Linh Thần Võ Tộc Việt
Chương 8: Ngậm đắng, nuốt cay
Thiên-Thánh hoàng đế lên tiếng gọi:
– Các người đâu?
Hai thái giám vào. Nhà vua nói:
– Các người tâu với Hoàng-hậu rằng đêm nay quốc sự đa đoan, trẫm ngự tại đây. Còn thị vệ cho về nghỉ. Hai con hổ canh gác cũng đủ rồi.
Ngẫm nghĩ một lúc, nhà vua truyền chỉ tiếp:
– Người pha nước cho trẫm tắm.
– Tâu bệ hạ nước đã nấu với Hương-nhu, Bạc-hà, Mộc-hương chờ bệ hạ. Không biết bệ hạ ban hồng ân cho phi tần nào kỳ lưng hôm nay?
– Trẫm muốn yên tĩnh. Trẫm tự kỳ lấy. Thôi người lui về ngủ đi.
Thái-giám lui ra.
Nhà vua đi đi lại lại trong phòng một lúc, rồi mở tráp lấy ra cuốn trục trải lên án thư, chăm chú quan sát. Tự-Mai tò mò không biết trên trục lụa vẽ gì, mà khiến nhà vua nhìn chăm chú đến thế. Quan sát một lúc, rồi nhà vua trịnh trọng ôm cuốn trục lên ấp vào ngực bằng tất cả âu yếm nhất.
Nó tự hỏi:
– Trục lụa vẽ gì mà nhà vua yêu thương đến như thế kia. Không chừng hình một giai nhân đây. Y là Hoàng-đế Tống, uy quyền bốn phương, nhất hô bách nặc, muốn cô gái nào mà chẳng được; không ngờ cũng có tư tình tuyệt vọng.
Nhà vua cuộn cuốn trục lại, rồi lui vào phòng phía sau. Tự-Mai nghe tiếng nước đổ, biết nhà vua đang tắm. Nó buông mình nhảy xuống cạnh án thư, tay mở cuốn trục lụa xem. Bất giác nó ngẩn người ra, vì trong trục vẽ hình Lý thái phi sống động như người bên ngoài. Nhận được nét bút của sư huynh Trần Trung-Đạo, nó nghĩ thầm:
– Rõ ràng nhà vua do Lưu hậu sinh ra, mà ông ta lại thương nhớ Lý thái phi như thế này, thực kỳ lạ. Tại sao Lưu hậu ngăn cấm Lý thái phi gần nhà vua?
Nhớ lại nhiệm vụ, nó buông cuốn trục, lạng người vào phòng tắm. Một mùi hương dễ chịu xông lên mũi. Nó khen thầm:
– Thái y của hoàng đế biết hầu hạ đấy chứ. Y dùng mấy thứ hương liệu nấu nước thế này, dù mệt mỏi, sau khi tắm cũng cảm thấy khoan khoái.
Nhà vua trong tư thế trần truồng đang đứng trước tấm gương lớn, nghẹo đầu ra sau nhìn vết chàm trên mông phải của mình, nên không biết Tự-Mai vào. Nhìn chán, nhà vua quay lại định mặc quần áo. Chợt thấy một bóng lạ in trước mặt. Ông cho rằng bóng mình. Nhưng ông hiểu ngay không phải. Vì bóng ông đang lồng lên tường. Còn bóng này của một người ngồi. Bất giác ông quay lại: Trước mặt ông một người ngồi bất động như pho tượng. Nhà vua kinh hãi tự hỏi:
– Ta đã cấm không cho ai vào, tại sao người này cả gan dám ngồi đây? Y mặc quần áo thái giám, nhưng sao ta chưa thấy mặt y bao giờ?
Nhà vua lên tiếng hỏi:
– Người là ai mà lớn mật dám vào đây?
Tự-Mai vẫn ngồi bất động.
Nhà vua tưởng ma quái hiện hình, bất giác chân tay ông bủn rủn:
– Nếu mi là ma chết oan, hãy hiện hồn trong giấc mộng. Trẫm sẽ xử cho. Nơi này không phải chỗ người tới được.
Tự-Mai vẫn không trả lời. Nhà vua vội lấy áo quần mặc vào. Nhanh như chớp Tự-Mai chĩa ngón tay ra điểm liền hai tiếng véo, véo vào huyệt Dương-trì ở cườm tay nhà vua. Hai bàn tay nhà vua tê liệt, quần áo rơi xuống. Ông quát:
– Thì ra người là người. Người định làm gì đây?
Tự-Mai lại chĩa ngón tay điểm một tiếng véo nữa trúng huyệt Á-môn. Nhà vua bị câm, không nói lên lời. Tính quật cường nổi dậy, nhà vua co chân phóng một cước vào ngực nó. Nó chĩa ngón tay điểm vào huyệt Phong-thị lập tức chân nhà vua tê liệt. Ông ngã ngồi xuống chiếc ghế, đưa con mắt hằn học, lo sợ nhìn nó.
Tự-Mai nở một nụ cười. Nó cầm con hổ bằng ngọc bích bầy trên án thư lên, rồi vận tay bóp mạnh. Con hổ biến thành bột. Nó từ từ trải bột rơi xuống nền nhà:
– Tôi hứa không làm khó dễ bệ hạ. Nhưng tôi yêu cầu bệ hạ không được tri hô lên. Nếu bệ hạ giữ lời hứa, tôi giải huyệt cho bệ hạ. Nhược bằng bệ hạ cưỡng lời, tôi sẽ bóp bể đầu bệ hạ như con hổ này.
Nói rồi nó ướm bàn tay lên đầu nhà vua, bóp nhè nhẹ. Nhà vua kinh hãi run lật bật. Nó xoa tay vào sau cổ nhà vua. Lập tức huyệt đạo được giải. Nhà vua hỏi:
– Thiếu hiệp là ai, vào đây với mục đích gì?
– Tôi là người Việt, không phải người Hán. Tôi biết người ta sắp sát hại bệ hạ, sau khi vu cho bệ hạ đủ tội: Hôn ám, hồ đồ. Bệ hạ băng hà là lẽ đương nhiên. Nhưng triều Tống sẽ vào tay bọn Hồng-thiết-giáo mới tiếc.
– Trẫm không tin.
– Được, tôi sẽ vì bệ hạ mà nói. Âm mưu sát hại bệ hạ do nhóm Hồng-thiết-giáo chủ động. Bệ hạ là thiếu niên nhân từ, thế mà sau khi bị giết chết rồi, lịch sử còn ghi tên bệ hạ là đứa con đại bất hiếu. Vì vậy tôi phải cứu giá.
– Tại sao thiếu hiệp lại cứu trẫm?
– Vì tôi muốn có lợi trong việc này.
– À, thì ra thiếu hiệp muốn làm quan. Kể ra với võ công của thiếu hiệp cũng xứng tài đại tướng.
– Không, tôi không thủ lợi cho tôi, mà muốn Tống, Việt đều có lợi. Cho nên tôi tới đây thương lượng với bệ hạ những điều trọng đại sao cho dân hai nước hạnh phúc.
Nhà vua nói:
– Thiếu hiệp giải huyệt cho trẫm. Trẫm mặc quần áo đã rồi hãy thương lượng. Chứ cơ thể trẫm trần truồng như thế này, còn ra thể thống gì nữa.
– Không vội. Câu của tôi muốn hỏi bệ hạ: Bệ hạ có muốn biết rõ tại sao trên mông phải của bệ hạ lại có hình một bông hoa, với chữ Lý không? Tại sao từ Định-vương, Yến Thù cho tới Tây-Sơn lão nhân đều úp úp mở mở hé lộ cho bệ hạ biết về một bí ẩn của thân thế bệ hạ? Theo tôi nghĩ, bệ hạ muốn biết minh bạch hơn.
– Đó là điều từ khi khôn lớn trẫm muốn biết, nhưng không ai giải thích cho trẫm thỏa đáng cả. Mãi gần đây hoàng thúc, Yến đại học sĩ với Tây-Sơn đao sư cùng hé lộ cho trẫm biết đôi chút mà thôi. Trẫm còn kinh ngạc hơn: Nếu trẫm có điều cơ mật về thân thế. Tại sao suốt mười tám năm nay không ai nói gì. Mà gần đây chẳng hẹn, ba vị lại muốn tỏ cho trẫm biết?
– Vì trước kia có ai nói, bệ hạ cũng chưa đủ trí khôn giải quyết. Nói ra sớm e người nói lẫn bệ hạ đều bị họa sát thân. Bây giờ bệ hạ đã lớn tuổi rồi, đủ sức phán đoán. Hơn nữa người ta đang định giết bệ hạ, nguy cơ gần kề, nên ba vị kia, một vị thương yêu bệ hạ như con, một vị là Nho-sĩ trung quân, một vị là đạo-sư nhân từ. Cả ba không hẹn mà cùng quên thân mình, nói cho bệ hạ biết.
– Tại sao họ không nói trắng đen, mà chỉ nói lờ mờ thôi.
– Vì điều này tối cơ mật. Nên họ dò dẫm đấy. Nếu bệ hạ tin, họ sẽ nói tiếp.
– Ba người kia, họ vì trẫm hy sinh, trẫm tin được. Định-vương thương yêu trẫm hơn cả phụ hoàng. Tây-Sơn đạo sư là thầy trẫm. Yến đại-học-sĩ là gan ruột của trẫm. Còn người, người là ai mà cũng vì trẫm hy sinh?
– Ba người kia chỉ biết bệ hạ có thể gặp nguy hiểm. Còn tôi, tôi biết người ta sắp sát hại bệ hạ đến nơi, nên phải ra tay gấp, hầu kiếm lợi. Tôi sẽ giải thích cho bệ hạ biết tất cả cơ mật về thân thế bệ hạ.
Nó móc trong bọc ra chiếc hộp bằng vàng, rồi mở nắp để trước mặt nhà vua:
– Đây, cành thoa in vào mông bệ hạ vào lúc sơ sinh đây.
Nó xoa tay hai cái, huyệt Dương-trì được giải. Nhà vua cầm cành thoa ướm vào mông. Vết thẹo tuy lớn hơn, nhưng khuôn khổ không khác biệt chút nào cả.
Tự-Mai nói:
– Thôi bệ hạ mặc y phục vào. Bệ hạ đừng quên rằng tôi đến đây để cứu giá. Nếu bệ hạ tri hô lên, tôi phải tàn ác với bệ hạ đấy.
Nó vận âm kình dùng cườm tay chém vào góc cái bàn. Bịch một tiếng, cái bàn bị chặt đứt bằng phẳng như dao cắt vậy.
– Võ công thiếu hiệp thực kinh nhân. Tại sao lại đi làm thái giám?
– Tôi yêu một cung nữ, nên hằng đêm vào cấm thành tâm tình với nàng. Chẳng may truyện đổ bể, tôi hút bị giết. May có người cứu tôi thoát nạn. Người ấy khẩn khoản yêu cầu tôi cứu bệ hạ. Vì vậy tôi giả thái giám đến đây.
Nhà vua mặc quần áo rồi, nói:
– Chúng ta ra ngoài kia nói truyện.
Tự-Mai cùng nhà vua sóng đôi ra trước án thư. Nó rót chén sâm thang trao cho nhà vua:
– Bệ hạ mới tắm xong, thân thể lạnh, uống bát sâm thang này cho khỏe đã.
Nhà vua tuyệt không thấy Tự-Mai có ác ý, ông yên tâm bưng bát sâm thang uống. Tự-Mai trải cuốn trục có hình Lý thái phi ra, hỏi nhà vua:
– Tại sao bệ hạ lại phải chờ lúc đêm khuya thanh vắng mới dám ôm hình Lý thái phi vào ngực để tỏ ý thương cảm? Tại sao bệ hạ là người con cực có hiếu. Trong khi thái hậu ghét Lý phi, mà bệ hạ lại yêu thương Lý phi hơn mẹ đẻ?
– Trẫm cũng không biết nữa. Thiếu hiệp hãy giải thích cho trẫm biết đi.
– Giản dị lắm. Vì bệ hạ do Lý thái phi sinh ra. Mẹ con cùng giòng máu, nên cả bệ hạ lẫn Lý thái phi đều thương yêu nhau.
– Trẫm không tin.
Tự-Mai cười nhạt:
– Tôi có đủ chứng cớ.
– Thiếu hiệp cứ nói.
– Tôi nhắc lại, tôi đến đây để thương lượng. Nếu tôi có đủ bằng chứng bệ hạ do Lý thái phi sinh ra, và hiện đang có âm mưu sát hại bệ hạ với Lý thái phi. Bệ hạ phải thuận với tôi ba điều.
– Người cứ nói.
– Điều thứ nhất, bệ hạ triệt trọng binh ở Nam-thùy, bỏ hẳn tham vọng đánh chiếm Đại-lý, Đại-Việt, hầu dân hai tộc Hán, Việt sống trong thương yêu nhau.
– Điều đó trẫm vẫn ước mơ. Chỉ có thái hậu với một vài đại thần muốn mở rộng Nam-thùy mà thôi. Hiện nay trẫm đã trưởng thành, nhưng quyền thái hậu vẫn giữ, điều này trẫm không thực hiện được.
– Dễ! Tôi có cách giúp bệ hạ có thực quyền của ông vua.
– Điều này rất khó. Trước kia tể tướng Khấu Chuẩn đã làm rồi, nhưng thất bại.
– Xưa khác, nay khác.
– Xưa thực quyền do tiên đế. Thái-hậu chỉ trợ giúp mà còn không làm gì nổi. Huống hồ nay văn võ bá quan đều do Thái-hậu bổ nhiệm cả. Lại nữa, Thái-hậu dùng dư đảng Nhật-hồ xử dụng độc chưởng khống chế từ ngoài triều cho đến nội cung.
– Thế nhưng độc chưởng trở thành vô dụng với chúng tôi. Bệ hạ có nhớ việc cách nay mấy tháng Thái-hậu dùng chưởng này đánh thích khách, không những không hại được thích khách, mà còn bị độc chất chạy ngược trở lại, suýt mất mạng không?
– Trẫm nghe biết vụ đó. Thái-hậu tấn công người ấy ba chưởng. Người ấy vô tình đỡ, chứ không chủ đánh lại. Nếu người ấy đánh thực, e Thái-hậu lâm nguy rồi.
– Sự thực không phải vậy. Người ấy vào cung vì việc khác, chẳng may gặp Thái-hậu, bị Thái-hậu tấn công người ấy tự vệ mà thôi.
– Trẫm nghĩ khác, có người muốn cảnh cáo Thái- hậu, mới bầy kế để người ấy nhập cung, rồi phối trí cho gặp Thái-hậu, để Thái-hậu biết rằng độc chưởng không còn là vô địch nữa.
Tự-Mai nghĩ thầm:
– Thiếu niên này là học trò của Định-vương có khác. Y thông minh thực, đoán ra thâm ý của anh cả với Định-vương. Trong khi mình phải chờ tới khi anh Thông-Mai nói mới biết.
– Bệ hạ minh mẫn ít ai bằng. Nhưng cái minh mẫn không có chỗ phát triển cho trăm họ nhờ.
– Đúng thế. Trẫm vì đạo hiếu mà tự giới hạn mình. Trẫm còn trẻ mà. À, người có biết võ công của kẻ đối chưởng với thái hậu không? Võ công ấy của môn phái nào? Ai đã đối chưởng với Thái-hậu đêm đó?
– Người sáng chế ra nội công đó họ Trần tên Tự-An.
– Ủa! Y là người Việt. Hồi Thái-hậu mới lên cầm quyền, có sai sứ sang mời y làm nguyên soái đánh Tây-hạ. Y đuổi sứ về. Trẫm nghe nói, y là bác học về võ thuật đương thời. Người có quen biết y không?
– Không những quen, mà còn rất thân nữa.
– Thân đến độ nào?
– Ông ấy là bố tôi.
– À, vậy kẻ đối chưởng với Thái-hậu là thiếu hiệp ư?
– Đúng thế.
Nhà vua ngồi ngay ngắn lại:
– Thiếu hiệp biết xử dụng võ công khắc chế Chu-sa ngũ độc chưởng. Thế thiếu hiệp có thể giải được vĩnh viễn độc chưởng này không?
– Tôi không làm được, nhưng có hai người rất thân với tôi làm được?
– Trẫm cũng bị trúng độc này. Liệu thiếu hiệp có thể nhờ người trị giúp trẫm không?
– Được. Nhưng…
– Điều kiện gì?
– Tôi đã nói rồi.
– Được rồi! Trẫm hứa, nếu trẫm nắm thực quyền, trọn đời trẫm sẽ
triệt trọng binh ở Nam-thùy, không bao giờ xâm lấn Đại-Việt.
– Đại-lý nữa.
– Dĩ nhiên. Đại-Lý, Đại-Việt cũng thế cả. Nơi đó tộc Việt sống. Trẫm sẽ thay đổi hết bọn quan lại Nam-thùy cũng như trong triều chủ trương gây hấn giữa hai tộc Việt-Hán. Nhưng điều này hơi khó. Cần phải có sự tương thuận giữa hai nước Tống-Việt. Bây giờ trẫm hứa với người, trong khi bên Đại-Việt gây hấn thì sao?
Tự-Mai bật cười:
– Kể từ khi vua Đế-Minh chia thiên hạ làm hai. Nam cho tộc Việt. Bắc cho tộc Hán. Có bao giờ tộc Việt hướng lên Bắc gây rối không?
– Được rồi. Trẫm tin người, điều kiện thứ nhì là gì?
– Mở cửa biên giới, cho dân hai nước tự do thông thương, hầu kết chặt tình Hán-Việt đều cùng một tổ. Như vậy tình thân hai tộc sẽ được nối tiếp, sau này khó có thể xẩy ra chiến tranh.
– Thiếu hiệp thông minh thực. Hai đề nghị đều hợp ý trẫm. Giá thiếu hiệp làm vua Đại-Việt, thì Hán-Việt sẽ hoà thuận đời đời. Còn đề nghị thứ ba?
– Công nhận quốc hiệu Đại-Việt, cũng như niên hiệu của Đại-Việt hoàng đế.
– Khi trẫm đã muốn Hoa-Việt sống trong tình anh em, dĩ nhiên phải có điều này. Nào bây giờ người hãy chứng minh rằng Lý thái phi sinh ra trẫm đã.
– Được, tôi vì bệ hạ mà nói.
Ghi chú
Sử chép vua Tống Nhân-Tông (Thiên-Thánh) là một minh quân cực nhân từ, thương yêu dân như con đỏ. Trong thời gian đầu mới lên ngôi (1018-1027) nhà vua còn niên thiếu, Lưu thái hậu buông rèm thính chính, nắm mọi quyền hành. Bà chủ trương mở rộng Nam-thùy, nên trọng dụng bọn hiếu chiến. Khi nhà vua nắm thực quyền, ông cách chức từ tể tướng trở xuống đến bọn quan Nam-trấn hơn ba trăm người, rồi thực thi chính sách ôn hòa với các nước lân bang. Cho nên trong triều không có gian thần, ngoài biên không chiến tranh, dân chúng sống những ngày Nghiêu, tháng Thuấn. Dân Tống sung sướng chỉ thua dân Việt dưới triều Thuận-Thiên. Nhưng các sử gia đời sau không biết tính nhân từ đó của nhà vua do đâu mà có. Chỉ độc giả Anh-linh thần võ tộc Việt biết mà thôi.
Nhà vua rót một chén sâm thang để trước mặt Tự-Mai:
– Thiếu hiệp uống đi cho tỉnh. Tiếc quá.
Tự-Mai chĩa ngón tay vào chén sâm thang. Nước vọt lên thành một tia nhỏ rơi trúng họng nó. Nó uống rồi nói:
– Đa tạ bệ hạ. Bệ hạ tiếc gì vậy?
– Ta tiếc vì người là người Việt. Nếu người là người Hán, ta sẽ để người ngồi ở toà Bình-chương cùng ta chung lo sao cho dân hạnh phúc.
Tự-Mai nắm lấy tay nhà vua cảm động:
– Tự cổ đa số vua chúa chỉ lo gái đẹp, sung sướng, làm những điều khiến cho dân đau khổ. Trọn đời, tôi mới thấy hai vị hoàng đế lúc nào cũng chỉ lo cho dân hạnh phúc. Bệ hạ là một. Sau này nếu bệ hạ cần, tôi luôn ở cạnh bệ hạ, nhưng tôi không muốn làm quan. À, hiện bệ hạ đang bị bó tay.
– Người vừa nói hai vị hoàng đế chỉ nghĩ đến dân. Người thứ nhì là ai?
– Thuận-Thiên hoàng đế của Đại-Việt.
– Trẫm nghe nói Lý Công-Uẩn cướp ngôi của ấu quân, hiện y làm cho trăm họ Đại-Việt điêu linh vô cùng. Sao thiếu hiệp lại so sánh trẫm với y?
Tự-Mai lắc đầu:
– Biên thần của bệ hạ tâu láo đấy. Sự thực như thế này.
Rồi nó thuật lại những điều ác độc kinh khủng của vua Lê Ngọa-triều. Sau khi vua Ngọa-triều chết, anh hùng Đại-Việt tôn Lý Công-Uẩn lên làm vua như thế nào. Trong mười bẩy năm qua, xá thuế ra sao, dùng đức cai trị dân khiến đạo lý hưng thịnh hơn bao giờ cả. Cuối cùng đại hội Lộc-hà vừa qua lại tôn ngài lên làm vua vĩnh viễn.
Nhà vua nghe Tự-Mai thuật, ông cau mặt, rồi thình lình đập tay xuống bàn:
– Trẫm phải cách chức hết bọn biên thần mới được. Trời ơi, từ trước đến giờ chúng coi trẫm như con nít vậy.
– Không phải mình bệ hạ lầm, mà Định-vương cũng lầm nữa.
Nó thuật lại việc Định-vương bị biên thần tâu lầm, sang Đại-Việt hống hách ra sao, sau biết sự thực, vương hối hận, rồi kết thân với Khai-Quốc vương.
Nhà vua hỏi:
– Thiếu hiệp tiếp cho.
Tự-Mai hắng giọng rồi nói:
– Tự cổ, đàn bà Hán hay Việt đều giống nhau. Ai cũng cho rằng mình thương yêu con mình nhất, nên chỉ mượn vú nuôi sữa. Còn dạy đỗ, quản chế, bao giờ cũng tự làm lấy. Nếu Lưu hậu sinh bệ hạ với công chúa Huệ-Nhu. Tại sao người không nuôi dạy, mà giao bệ hạ cho Dương thục phi, giao Huệ-Nhu cho Lý thần phi.
– Trẫm cũng nhận thấy cái bất thường dó.
– Không đàn bà nào có thể xa con được. Thế sao Lưu hậu giao bệ hạ với công chúa Huệ-Nhu cho hai vị phi tần nuôi, cũng được đi. Nhưng mỗi tháng chỉ hai lần, lệnh cho hai phi đem bệ hạ với công chúa chầu Lưu hậu một lần? Bệ hạ thử xét lại mà xem, các bà phi của tiên đế, sinh con xong tuyển vú nuôi. Nhưng lúc nào cũng để con ở cạnh. Có đâu bắt con xa cách, tháng thăm đôi lần? Được làm mẹ, dạy con, nuôi con là điều hạnh phúc nhất của đàn bà. Cớ sao Lưu hậu bỏ phế không hưởng?
– Ừ nhỉ, bây giờ trẫm mới chú ý đến điều đó.
– Thôi, tôi nói thực hết. Thái-hậu là người của Hồng-thiết giáo.
– Điều này trẫm biết rồi.
– Bệ hạ chỉ biết một mà không biết hai.
– Còn gì nữa?
– Thế nguồn gốc Thái-hậu ra sao? Bệ hạ thử nghĩ xem, bất cứ con người ta phiêu bạt đến đâu cũng biết rõ nguốn gốc mình: Cha mẹ là ai, họ hàng, quê quán. Tại sao Thái-hậu lại không biết mình họ gì, phải lấy họ Lưu của chủ?
Để cho nhà vua suy nghĩ một lát, Tự-Mai tiếp:
– Bệ hạ có biết việc những cao thủ Hồng-thiết giáo thường dùng thiếu nữ trẻ làm cây thuốc luyện công không?
– Trẫm được Khu-mật viện tâu rất chi tiết việc này.
– Cách đây mấy chục năm, Nhật-Hồ lão nhân lập ra Hồng-thiết giáo Đại-Việt. Trên cao nhất lão làm giáo chủ.
– Trẫm biết rất chi tiết vấn đề tổ chức Hồng-thiết giáo. Dưới Nhật-Hồ có Tả, Hữu hộ pháp. Tả tên Đào Tường-Phúc, hữu tên Chu Bội-Sơn. Đào phụ trách giáo chúng vùng Lưỡng-quảng. Chu phụ trách giáo chúng vùng Hồ-Nam. Dưới nữa có Ngũ-sứ. Trung-sứ tên Nguyễn San. Nam-sứ tên Khiếu Tam Bản. Đông-sứ tên Sử-vạn Na-vượng. Tây-sứ tên Bun-Thành. Bắc-sứ tên Nguyễn Thúy-Minh. Thúy-Minh là vợ của Đào Tường-Phúc.
– Khu-mật viện Tống thực giỏi. Nhưng có một điều Khu-mật viện không biết là: Nguyễn Thúy-Minh tuy làm vợ Đào Tường-Phúc, nhưng Nhật-Hồ lão nhân cũng dùng làm cây thuốc. Vì vậy sau thị có thai sinh ra một gái, không ai rõ y thị là con Nhật-Hồ hay Tường-Phúc. Đứa con gái ấy trao cho giáo chúng Lưu Đình-Mỹ nuôi. Còn thị giả đi tu làm đạo cô, rồi nhập cấm cung được phong lễ nghi học sĩ.
– Trẫm không tin.
– Nhưng đó là sự thực. Khi Đặng Đại-Bằng tái lập bang Nhật-Hồ, y không biết gốc tích Lưu hậu. Y cho mười trưởng lão xâm nhập làm thị vệ khống chế Lưu hậu bằng Chu-sa chưởng. Không ngờ Lưu hậu nhờ cha mình khống chế lại, biến mười trưởng lão thành người của bà.
– Trẫm biết việc này.
— Sau, người được giáo chủ Hồng-thiết giáo Đại-Việt sai hai vị Tả, Hữu hộ giáo cùng ba vị sứ giả theo giúp bên cạnh từ khi còn thơ ấu .
– Trẫm cũng biết rất rõ.
– Lưu hậu được Tả, Hữu hộ giáo thuộc Hồng-thiết giáo Đại-Việt ở cạnh. Họ truyền Hồng-thiết tâm pháp cho Lưu hậu, để tự giải vĩnh viễn độc chưởng Chu-sa. Nhưng công lực Lưu hậu không đủ, nên chỉ có thể không lên cơn hàng năm mà thôi. Hai người đó cũng được phong Nhập-nội đô-tri. Chính hai người này bầy mưu cho Lưu hậu có con. Họ được Lưu hậu phong chức tước rất lớn.
– Hai người đó tên gì?
– Một người tên Đào Tường-Phúc, một người tên Chu Bội-Sơn.
– Hai người này, một làm giáo chủ Hồng-thiết giáo vùng Quảng-Tây, Hồ-Nam. Một người làm giáo chủ Hồng-thiết giáo Quảng-Đông, Ngô-Việt. Họ đâu có làm quan với bản triều?
– Khi họ làm quan với Tống, Đào Tường-Phúc đổi tên là Tôn Đức-Khắc. Chu Bội-Sơn đổi tên là Lê Lục-Vũ.
– À, hai lão đó. Mới đây thái hậu đề nghị với trẫm phong cho Tôn Đức-Khắc làm Tổng-lĩnh thị vệ, cùng Ngự-lâm-quân. Còn Lê Lục-Vũ làm kinh lược sứ Nam-thùy. Hà, nguy thực. Người nói tiếp đi.
– Cái nguy kinh khiếp khi Lê Lục-Vũ làm kinh lược sứ Nam-thùy. Y sẽ gây sự với Đại-Việt, Đại-Lý. Trong triều Lưu hậu với bọn Tào Lợi-Dụng, Lã Di-Giản lấy cớ đó đem trọng binh xuống Nam. Bấy giờ y mới hòa hoãn với Đại-Lý, Đại-Việt, kéo quân lên Bắc. Trong triều Tôn Đức-Khắc tổ chức chính biến. Giang sơn Đại-Tống sẽ biến thành giang sơn Hồng-thiết giáo.
Mặt nhà vua tái đi.
– Nhưng nay nhân Định-vương điều tra ra vụ Lưu thái-hậu sai người hại Sở-vương rồi Chiêu-Thành thái tử, để Tiên-đế lên ngôi vua. Người hại là một trong bốn ma đầu Lê Lục-Vũ, Tôn Đức-Khắc, Khiếu Tam Bản, Sử-vạn Na-vượng. Bốn tên này bị lộ tông tích, chúng định hại bệ hạ, rồi Lưu hậu lập một ấu quân lên thay. Ai cũng tưởng bệ hạ là con Lưu hậu, đâu có nghi ngờ đến việc mẹ hại con. Trong khi bệ hạ là con Lý thái-phi.
– Trẫm vẫn chưa tin Lý phi sinh ra trẫm.
– Được, tôi sẽ vì bệ hạ mà nói.
Tự-Mai biết rằng đã có Định-vương, Tây-sơn lão nhân, Yến Thù, dọn đường rồi. Nó chỉ đánh đòn cuối cùng mà thôi. Vấn đề quá ư trọng đại: Nhà vua được Lưu hậu nuôi dạy, lại bảo vệ đưa lên ngôi vua, rồi phụ chính mười năm qua, tình nghĩa thâm trọng biết bao. Bây giờ bảo nhà vua phản lại bà rất khó. Nếu nhà vua không tin nó. Ông chỉ hé lộ cho Lưu hậu biết, ắt Lưu hậu dùng bọn Tào Lợi-Dụng tổ chức chính biến diệt Định-vương. Trong trường hợp ấy bà có chính nghĩa, tướng sĩ theo bà. Định-vương cùng sứ đoàn e khó toàn mạng. Vì vậy nó gằn từng tiếng:
– Về nguồn gốc bệ hạ. Khi biết Lý phi mang thai. Lưu hậu cũng vờ mang thai. Cho đến ngày Lý phi lâm bồn, Lưu hậu cũng vờ lâm bồn. Lý phi sinh hoàng nam, Lê Lục-Vũ bắt một hài nhi dân giã đem vào giả làm hoàng nam do Lưu hậu sinh ra. Trong khi Tôn Đức-Khắc pha Di-hồn tán vào với thuốc bổ máu của Lý phi. Lý phi ngủ say rồi, y bắt hoàng nam của Lý phi sang cung trao cho Lưu hậu. Bóp mũi cho đứa trẻ dân dã chết, thay vào chỗ hoàng nam của Lý phi. Hoàng nam do Lý phi sinh ra chính là bệ hạ.
– Trời! Bây giờ trẫm như người mù được mở mắt. Trước nghe phụ hoàng thuật rằng trẫm với hoàng đệ con Lý phi sinh cùng ngày, cùng lúc, mà hoàng đệ chết ngay. Lý phi tỉnh dậy cho rằng hài nhi chết không phải của người sinh ra. Phụ hoàng tưởng Lý phi mới sinh con, thấy con chết, tinh thần thác loạn mà tưởng tượng con mình còn sống. Thì ra thế.
Thấy nhà vua đã tin, Tự-Mai phóng vào người ông tia sáng nữa:
– Bởi vậy mới có việc ghi chú ngày, giờ, tháng, năm sinh của bệ hạ không đúng sự thực. Tây-Sơn lão nhân nhân giải lá số cho bệ hạ đã tiết lộ một điều: Thái hậu không sinh ra bệ hạ. Còn bệ hạ chính là con Lý phi.
Nhà vua run run cầm tay Tự-Mai:
– Thiếu hiệp tiếp đi.
Tự-Mai biết mình đã thành công. Nó tiếp:
– Bất cứ người đàn bà nào sinh con xong cũng phải cho bú một thời gian, rồi mới từ từ ngừng, giao cho nhũ mẫu nuôi. Nếu Lưu hậu sinh ra bệ hạ, tại sao phải trao cho Thục-phi nuôi ngay? Thục-Phi đâu có sữa?
– Trước đây trẫm nghe phụ hoàng kể rằng, sau khi sinh trẫm, hậu kiệt sức không có sữa!
– Bệ hạ quên mất Lưu hậu là một võ lâm cao thủ hiếm có thuộc phái Hoa-sơn, trước khi tuyển cung ư? Với công lực như vậy, sinh con ra sao kiệt lực được?
Nhà vua gật đầu:
– Phụ hoàng kể rằng sau khi sinh rồi, tất cả các phi tần đều phải uống thuốc bổ khí-huyết. Riêng hậu không phải uống. Ừ, sinh xong kiệt lực không sữa, mà lại không cần uống thuốc bổ cho khỏe, cũng là điều hãn hữu.
– Khi Lý phi sinh xong, người lấy chàm bôi trên cành thoa tiên đế ban cho hôm nhập cung, in vào mông hoàng nam. Vì vậy sau khi thuốc mê di hồn hết hiệu lực. Người tỉnh dậy, thấy hoàng nam chết, mà trên mông không có dấu chàm, người cho rằng con người chưa chết. Ban nãy tôi cố ý để bệ hạ trần truồng, rồi đem cành thoa cho bệ hạ so sánh là thế.
– Cành thoa người trao cho trẫm ban nãy là cành thoa ấy ư? Ai đã trao cho người?
– Bệ hạ khoan hãy hỏi ai trao cho, để chúng ta có thời giờ nói truyện với nhau. Sau khi kể hết cho bệ hạ nghe, chúng ta có nhiều việc phải làm. Bằng để sáng mai, e tôi không còn thời giờ gần bệ hạ nữa.
– Trẫm hiểu hết rồi, sau khi Lý phi mang thai lần thứ nhì, thảm kịch cũ lại tái diễn phải không?
– Đúng thế. Song có điều lần này Lưu hậu lại trao công chúa Huệ-Nhu cho chính mẹ đẻ nuôi làm con nuôi.
– Thái hậu làm được nhiều việc như vậy, ắt phải có chân tay thân tín giúp. Ngoài bọn Hồng-thiết ra còn ai là nhân chứng không?
– Những cung nga, thái giám tham đự vào vụ này đều bị Lưu hậu sai Tôn Đức-Khắc giết hết. Nhân chứng quan trọng nhất là thái hậu với Lý phi, rồi tới Sở-vương, Định-vương, Tào Lợi-Dụng, Trương Sĩ-Tổn. Sau này thêm Lã Di-Giản, Trương Kỳ, Hạ Tủng, Trần Nghiêu-Tá, Phạm Ung, Triệu Thực, Yến Thù. Nhất là hai lão Tôn Đức-Khắc, Lê Lục-Vũ. Nhưng nếu bệ hạ hỏi thái phi, người sẽ im lặng, không nói gì đâu?
– Tại sao?
– Dễ hiểu. Con mình sinh ra, đau đớn đứt ruột, thế mà lỗi đạo thần hôn định tỉnh, đã là một điều đau đớn cùng cực. Hơn nữa khi lên ngôi, chỉ thí cho chức Thuận-dung, như một cung nga, chứ không được bằng như phi tần, rồi đầy ra coi Vĩnh-định lăng, sống với sương gió như kẻ lưu đầy. Đau đớn, phẫn hận, tủi nhục biết bao? Trong khi kẻ thù thì ngồi trên uy quyền đầy đọa mình. Bây giờ phải nhờ người ngoài nói ra, con mới biết. Sau khi biết không tin thì chớ, còn đến cật vấn, hỏi người mẹ nào chịu cho nổi nỗi phẫn hận đó?
– Trẫm đi gặp Thái-sư ngay. Thái sư vừa là hoàng thúc, vừa là sư phụ của trẫm, ắt người không nỡ dấu diếm trẫm làm gì?
– Thái sư là ai?
– Định-vương Nguyên-Nghiễm.
– Bệ hạ không nên nóng nảy. Hiện đang có sứ đoàn Xiêm-la, Đại-Việt cùng ba trăm thiếu niên ứng tuyển phò mã ở kinh. Thái-hậu tung thị vệ, tế rác khắp nơi, bệ hạ tìm gặp Định-vương sẽ bị lộ ngay. Tôi đề nghị bệ hạ cùng tôi bí mật đi gặp Lý phi. Bệ hạ núp ở ngoài nghe ngóng. Còn tôi vào thăm Thái- phi. Bệ hạ sẽ rõ ngay. Sau đó chúng ta gặp Thái-hậu.
– Gặp Thái-hậu? Nếu sự thực trẫm do Thái-hậu sinh ra, mà trẫm đặt câu hỏi về xuất thân, e người nổi lôi đình. Còn trường hợp trẫm do Lý phi sinh ra, người thấy bị lộ, sẽ trở mặt, e Lý phi với trẫm khó toàn tính mệnh.
– Dễ lắm. Phàm phụ nữ sinh đẻ rồi, da bụng dăn deo, thớ thịt đứt ra. Còn người chưa đẻ bao giờ, da bụng nhẵn, trơn. Bệ hạ tìm cách xem bụng thái hậu thì rõ trắng đen ngay.
– Khi Thái-hậu đau yếu, trẫm thường thoa bóp cho người. Hiện nay người không đau, làm sao sờ vào bụng được?
– Tôi có dự trù rồi. Hôm trước tôi đỡ của Thái-hậu ba chưởng, tôi đẩy chất độc chạy ngược vào kinh Dương-minh, nên vào lúc giờ Tý huyệt Thiên-khu, Đại-hoành, Quan-nguyên của người vẫn còn bị đau. Bây giờ đang giờ Tý, bệ hạ lấy lý do nghe tin người đau bụng, tới thăm, rồi dùng bàn tay chà vào năm huyệt này , bệ hạ sẽ thấy ngay sự thực.
– Trước đây trẫm thăm Thái-hậu rất thường. Nhưng nay sự đã ra thế này, lỡ Thái-hậu trở mặt thì sao? Người mặc y phục thái giám như vậy, có thể theo hộ giá không?
– Mình tôi thì đấu ngang tay với Thái-hậu. Muốn chắc hơn, tôi sẽ gọi một người thân, võ công cực cao siêu cùng tôi hộ giá bệ hạ.
– Y là ai?
– Y là con gái Hồng-Sơn đại phu họ Lê tên Thiếu-Mai. Y thuật y rất cao minh.
– Có phải Hồng-Sơn đại phu là Lê Long-Mang, con của Lê Hoàn không?
– Đúng thế.
– Lê Thiếu-Mai hiện ở đâu?
– Lê Thiếu-Mai hiện ở phủ Định-vương. Vương sắp xin bệ hạ phong làm vương phi.
– Thực tuyệt. Từ trước đến nay trẫm tuyển không biết bao nhiêu mỹ nữ cho Thái-sư, mà không người nào được Thái-sư để mắt tới. Bây giờ Lê thị được Thái-sư xin lập làm vương phi, ắt tài sắc phải vẹn toàn lắm.
Tự-Mai chợt nghĩ ra điều gì:
– Vậy bây giờ bệ hạ sai một thái giám sang phủ thái sư thỉnh Lê tiểu thư vào cung trị bệnh cho Thái-hậu. Bệ hạ đứng cạnh sẽ có dịp nhìn bụng người.
– Người nghĩ ra biện pháp này hay thực.
Nhà vua hướng cửa gọi lớn:
– Có thái giám nào không?
Một thái giám chạy vào. Nhà vua trao cho y một lệnh bài:
– Người sang phủ Thái-sư thỉnh Lê vương-phi mang kim vào cung trị bệnh cho Thái-hậu.
Tự-Mai hỏi:
– Hồi nãy bệ hạ đá tôi một đá bằng võ công Hoa-sơn. Dường như chiêu đó tên là Phong suy hoa lạc thì phải. Song nội công lại của Thiếu-lâm là tai sao? Ai là sư phụ của bệ hạ?
– Người còn trẻ mà kiến thức đã siêu phàm. Trẫm khai tâm với phụ hoàng. Phụ hoàng dạy trẫm võ công Hoa-sơn. Sau trẫm học với hoàng thúc Định-vương. Như người biết, Định-vương theo học với Minh-Thiên phái Thiếu-lâm. Cho nên nội công của trẫm thuộc phái này.
Tự-Mai chợt nhớ ra một điều:
– Tôi có một thắc mắc. Vì đạo sư Trần Đoàn liên hệ sâu sa với Thái-Tổ do vậy các hoàng tử đều học võ công Hoa-sơn. Sao Định-vương lại học với phái Thiếu-lâm?
– Cũng như tất cả các hoàng tử khác, phụ hoàng bắt buộc phải học võ công phái Hoa-sơn. Duy có hoàng-thúc người say mùi đạo đức Thế-tôn nên học võ với phải Thiếu-lâm.
Thái-giám đi rồi, nhà vua nói:
– Từ đây đến cung Ôn-đức không xa. Chúng ta đi thôi.
Hai người rời Tập-hiền viện. Một bọn thái giám, thị vệ đốt đèn lồng đi theo. Nhà vua truyền:
– Các người ở lại. Trẫm vấn an Thái-hậu.
Gần tới cung Ôn-đức, Tự-Mai ngạc nhiên vì mọi hôm lúc nào cũng có cung nga, thái giám, thị vệ ứng trực. Mà hôm nay sao vắng lặng vô cùng. Nó kéo nhà vua núp phía ngoài cửa sổ. Có tiếng người nói từ trong vọng ra. Lắng tai nghe, bất giác nó cũng như nhà vua đều giật mình, vì đó là tiếng Lưu hậu cùng Lý phi.
Tiếng Lý phi nói:
– Thái-hậu cầm quyền lâu như vậy cũng đủ rồi. Thái-hậu nên lui về hậu cung tĩnh dưỡng tuổi trời chẳng nên ư? Thái-hậu ơi, Thái-hậu nên trả quyền về cho hoàng nhi đi.
Lưu hậu quát lên:
– Người nói sao? Người chỉ là chức phi hèn hạ, mà dám gọi Thiên-tử là hoàng nhi ư?
– Thái-hậu dối tiên đế, dối quần thần, dối sĩ dân bấy lâu, rồi bây giờ tưởng điều man trá đó là sự thực ư? Thái-hậu ơi, hoàng nhi cũng như Huệ-Nhu đều do tôi sinh ra cả. Tôi cắn răng chịu đựng bao lâu cũng đủ rồi.
Tự-Mai lấy ngón tay thấm nước bọt để lên dấy dán cửa sổ, giấy mủn ra. Nó ra hiệu cho nhà vua nhìn vào. Nó cũng đục hai lỗ khác cùng nhìn. Trong phòng Lưu hậu ngồi đối diện với Lý phi. Mặt Lưu hậu tái đi, tay bà run run:
– Bằng vào đâu mi dám nói điều loạn này? Chắc mi hóa điên quá. Ta phải chặt đầu mi mới được?
Lý phi thản nhiên:
– Không dễ đâu! Chân tay của Thái-hậu có gã Tào Lợi-Dụng cùng bốn tên Lê Lục-Vũ, Tôn Đức-Khắc, Sử-vạn Na-vượng, Khiếu Tam Bản với mười trưởng lão bang Nhật-hồ. Nhưng Tôn, Lê, Sử, Khiếu cũng như bọn mười trưởng lão đều phản Thái-hậu rồi. Chúng đã đến đây khấu đầu thuật hết mọi truyện.
Người Thái-hậu run lên:
– Mi nói láo.
– Bây giờ Tổng lĩnh thị vệ, Ngự-lâm-quân cũng như Điện-tiền chỉ huy sứ đều đã thay bằng người thân của tôi rồi. Hoàng nhi cũng biết rõ sinh mẫu mình là ai, đời nào y để cho Thái-hậu hại mẹ đẻ mình? Thái-hậu cô thân, thì làm gì được nữa mà hy vọng.
Thình lình Thái-hậu cười nhạt:
– Sự đã như vậy, thì hai ta cùng chết cả.
Thái-hậu vung chưởng tấn công Lý phi. Lý phi né người tránh khỏi, chưởng đó đánh bay tung cửa sổ đi. Lý phi vọt mình ra ngoài, Lưu hậu tung người theo. Vừa đáp xuống đất, Lưu hậu tấn công liền ba chưởng. Lý phi vung tay đỡ. Bình, bình, bình. Cả hai người đều bật lui lại. Lưu hậu cười nhạt:
– Mi thực đáng tội chết. Mười năm trước mi bại dưới tay ta, xin đầu hàng để được thuốc giải Chu-sa độc chưởng. Mi tuyên thệ rằng tuyệt đối bỏ không luyện võ công nữa. Thế mà… thế mà mi vẫn âm thầm luyện. Hôm nay mi đừng trách ta.
Lý phi cười nhạt:
– Có ai ngu như hậu không nhỉ? Con mình đẻ đứt ruột ra, bị người ta cướp đi mất, rồi dùng võ công khống chế, nhục nhằn, mà cứ cúi đầu chịu cả đời ư ? Con dun đạp mãi cái đầu cũng quằn. Trước tôi phải theo gương Hàn Tín, chịu nhục cho con mình vinh hiển, an ninh. Nhưng không lẽ chịu suốt đời? Vì vậy tội vẫn âm thầm luyện võ để chờ ngày hôm nay. Thái-hậu ơi! Nghĩ cho cùng, hoàng nhi chỉ là con thứ sáu của tiên đế. May nhờ Thái-hậu bắt làm con mà được lên ngôi vua. Công Thái-hậu phò tá hoàng nhi bấy lâu, nay tôi nào không biết. Bây giờ Thái-hậu lui về cung đi, tôi hứa sẽ giữ nguyên danh dự cho Thái- hậu.
Lưu hậu tức quá, không chịu được, vung chưởng tấn công. Chưởng phong của bà có mùi hôi tanh khủng khiếp. Lý phi ung dung trả đòn. Cứ mỗi chiêu Lưu hậu đánh ra, bà lại lui một bước. Tự-Mai mừng thầm, vì Lý phi đã xử dụng thành thạo phản Chu-sa chưởng pháp nó truyền cho bà. Trong khi nhà vua không hiểu, cho rằng Lý phi bị kém thế. Nhà vua hỏi Tự-Mai:
– Thiếu hiệp có cách nào can hai vị ra không? Lý phi nguy đến nơi rồi.
Quan sát trận đấu, Tự-Mai thấy công lực Lưu hậu mạnh ơn Lý phi. Nhưng vì Lý phi xử dụng phản Chu-sa độc chưởng, nên Lưu hậu không thắng được bà, Nó an ủi nhà vua:
– Hoàng thượng đừng lo. Tôi hứa không để Lưu hậu hại Lý phi đâu.
Trong khi đó Lưu hậu tiếp tục phóng chưởng đánh Lý phi. Lý phi thủy chung không trả đòn. Bà ung dung phát chưởng đỡ. Cứ sau mỗi chưởng bà lui lại một bước. Lưu hậu cười:
– Lý phi. Mi trúng của ta trước sau mấy chục Chu-sa ngũ độc chưởng, mi chết đến nơi rồi.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!