Anh Linh Thần Võ Tộc Việt - Chương 9: Nhớ ơn chín chữ cao sâu
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
183


Anh Linh Thần Võ Tộc Việt


Chương 9: Nhớ ơn chín chữ cao sâu


Lý phi hứ một tiếng:

– Thái-hậu sao chưa tỉnh ngộ? Phàm khi người ta trúng Chu-sa độc chưởng, chỉ một chiêu đã đau đớn thấu tim gan rồi. Có đâu tới mấy chục chưởng?

Từ lúc phóng chưởng tấn công Lý phi, Lưu hậu cảm thấy như có gì không ổn, mà bà tìm không ra. Trước kia công lực Lý phi thấp hơn bà. Từ khi bà khống chế phi rồi, thì bỏ không tích cực luyện nữa, nên công lực không tiến, không giảm. Trong khi đó Lý phi âm thầm luyện, nên nay công lực không kém gì bà. Thế nhưng Lý phi chỉ đỡ, mà không phản công là tại sao? Cứ sau mỗi chiêu, tay bà cảm thấy nặng nề, chân khí mất đi một chút.

Thình lình Lưu thái-hậu lui lại, quay một vòng, rồi xuất một Hồi-phong cước đánh vào ngực Lý phi. Lý phi trầm người xuống cho chân Thái-hậu qua đầu, sau đó thuận thế đẩy tay vào bàn chân bà. Lưu hậu đánh hụt, dư lực làm bà choáng váng, lại thêm lực Lý phi, nên người bà quay tròn. Bà vội nhảy vọt lên cao, lộn một vòng, đáp xuống như con đại bàng, tay chụp lên đầu Lý phi.

Tự-Mai nhận ra đó là chiêu Loa thành nguyệt chiếu của phái Mê-linh. Võ công Mê-linh xuất từ phái Cửu-chân thời Lĩnh-Nam. Võ công Cửu-chân khắc chế với võ công Trung-nguyên. Mà võ công Lý phi do võ công Trung-nguyên cổ truyền lại. Nếu Lý phi đỡ chiêu đó thì nguy hiểm vô cùng. Nó định la lên, nhưng không kịp.

Bình một tiếng, Lý phi cảm thấy trời long đất lở, bà lảo đảo lui lại. Lưu hậu không bỏ lỡ dịp, bà xuất chiêu Loa-địa song thu, tay trái vòng như vòng cầu, tay phải đánh từ trên xuống. Hai lực đạo ập vào người Lý phi. Lý phi nào biết trời cao đất dầy là gì, bà lùi hai bước, tay phải đỡ tay trái, tay trái đẩy ngược lên hóa giải kình lực Lưu hậu. Bốn lực đạo gặp nhau, binh một tiếng, Lý phi bật lui ba bốn bước, đầu óc choáng váng.

Lưu hậu cười gằn:

– Hôm nay cho con tiện nhân nát thây.

Tay phải bà quay tròn, tay trái đẩy về trước, đó là chiêu võ công ác độc nhất của phái Mê-linh tên Hải-triều lãng lãng lớp thứ nhất. Lý phi phát chiêu chưởng Nga-mi đẩy vào hông Lưu hậu. Tự-Mai biết mình chậm trễ thì e Lý phi tan xương nát thịt mà chết. Nó nhặt viên sỏi búng đến véo một tiếng, trúng huyệt Khúc-trì tay trái Lưu hậu. Lập tức tay bà bị tê liệt, kình lực phát không ra. Trong khi chưởng của Lý phi ập tới.

Lưu hậu tưởng kết liễu tính mệnh đối thủ, nào ngờ tự nhiên tay trái đau nhói một cái, kình lực bế tắc. Bà kinh hãi vội nhảy vọt lên cao tránh thế chưởng của Lý phi.

Lý phi nghe tiếng viên sỏi bay qua tai mình trúng tay Lưu hậu, thì biết rằng Tự-Mai đã hiện diện, ra tay cứu bà. Tinh thần bà phấn chấn lên, bà buông tiếng cười nhạt:

– Thái-hậu. Thái-hậu đánh tôi bẩy mươi hai chưởng. Bây giờ tôi xin trả lại ba chưởng. Nếu sau ba chưởng mà Thái-hậu không bại, tôi xin chịu thua Thái-hậu. Thái-hậu muốn băm vằm, mổ xẻ sao tùy ý.

Nói rồi bà hít hơi nói:

– Chưởng thứ nhất này.

Bà phát một chưởng cực mạnh, gió lộng ào ào. Bình một tiếng, Lưu hậu cảm thấy như trời long đất lở, bà bật lui liền ba bước.

Lý phi để cho bà hít một hơi, chân khí bình hòa, rồi nói:

– Chiêu thứ nhì, thứ ba này.

Bà phát hai chiêu nữa, Lưu hậu nghiến răng đỡ, bình một tiếng, bà lảo đảo bật lui liền ba bước, cơ hồ đứng không vững. Lý phi hắng rặng một tiếng:

– Thái hậu đánh tôi bẩy mươi hai độc chưởng, tại sao tôi không việc gì? Tôi nói cho Thái-hậu biết cũng không sao. Cứ mỗi chiêu đỡ, tôi lại đẩy những gì Thái-hậu đánh tôi trở về cơ thể Thái-hậu mà thôi.

Lưu hậu cảm thấy chân khí muốn tuyệt, thình lình bà bật lên tiếng ái. Toàn thân bà đau đớn giống như hồi bị Tự-Mai đánh. Bà vội nghiến răng hướng Ngọc-thanh chiếu ứng cảnh linh cung dùng khinh công vọt mình tới. Nhưng thấp thoáng, Lý phi đã chặn trước bà. Hai người đụng vào nhau đến binh một tiếng. Lưu hậu loạng choạng ngã ngồi xuống, người run bần bật:

– Ái, đau quá, giết ta đi.

Lý phi nhắc bổng Lưu hậu đem vào phòng, để ngồi ngay ngắn xuống ghế hỏi:

– Trước đây Thái-hậu xuất thân từ phái Hoa-sơn. Hoa-sơn là danh môn chính phái. Ai cũng tưởng chỉ vì Thái-hậu thích uy quyền, học Chu-sa độc chưởng, mà theo Đặng Đại-Bằng phản sư môn đi vào đường tà. Nhưng không phải thế! Suốt bao năm qua, Thái-hậu dùng dư đảng bang Nhật-hồ khống chế triều thần nắm quyền bính. Riêng tôi còn biết rõ hơn: Thái-hậu là con của hai nhân vật uy quyền bậc nhất Hồng-thiết giáo Đại-Việt.

– Ai cho người tin đó?

– Thái hậu chưa biết việc Nhật-Hồ lão nhân bị một thiếu niên đả bại. Y lên làm giáo chủ, vì vậy bao nhiêu điều cơ mật trong Hồng-thiết giáo y được báo cáo hết. Y trao tin tức đó cho Khu-mật viện Đại-Việt biết. Khu-mật Đại-Việt sai người sang báo cho tôi biết.

Bà cười nhạt:

– Thái-hậu nắm quyền mặc Thái-hậu. Song Thái-hậu làm cho tình mẹ con của tôi bị ngăn cách. Trên thế gian, không tội nào lớn hơn. Đường mà Thái-hậu đi toàn tà khí. Gieo gió thì gặt bão, vay nợ thì phải trả. Nay Thái-hậu tính sao đây?

Thái-hậu tuy đau đớn, nhưng vẫn quật cường:

– Đường tà là thế nào? Ta hỏi ngươi, ta đã làm gì tổn hại cho họ Triệu không? Ta đã thấy bọn hủ Nho nguyền rủa Võ hậu, rồi nguyền rủa đàn bà nắm quyền. Ta phải chứng minh cho hậu thế biết rằng đàn bà cai trị dân còn hơn đàn ông. Thời Võ hậu nắm quyền, bà tàn sát tôn thất nhà Đường. Còn ta, ta làm ngược lại. Ta rất thân ái với các công chúa, trọng dụng các thân vương. Hừ!

Bà ngước mắt nhìn lên nóc nhà:

– Ước vọng của ta giản dị thôi: Sau khi dùng binh lực Tống chiếm Đại-Việt, Đại-lý rồi thì nào Xiêm, nào Chiêm, nào Chân ta chỉ truyền hịch là bình định. Bấy giờ ta sẽ lên ngôi giáo chủ Hồng-thiết giáo. Ta sẽ hợp với Tây-dương giáo chủ, biến gầm trời này thành Thiên-hạ Hồng-thiết.

Nghe Lưu hậu nói, nhà vua với Tự-Mai đều rùng mình về mưu đồ của bọn Hồng-thiết giáo.

Bà ngừng lại run rẩy mấy cái rồi tiếp:

– Võ hậu dâm tà, cướp ngôi rồi đổi tên triều đại. Ta không thế, một lòng thờ tiên đế, hết tâm hết dạ phù trợ hoàng nhi. Người có thấy không? Hơn mười năm qua, ta làm cho nước giầu dân mạnh. Mấy tên cẩu Nho khuyên ta lên ngôi vua, ta đã đầy chúng đi hết rồi.

Bà hừ một tiếng:

– Ta hỏi người, nếu ta không dùng dư đảng bang Nhật-hồ làm sao có thể khiến cho bọn hủ Nho chịu khuất phục?

Lý phi hỏi:

– Thái hậu khống chế ta bằng Chu-sa độc chưởng, bắt hai con ta làm con mình. Làm cho mẹ xa con, như vậy còn tội nào nặng hơn nữa?

– Hai trẻ là con ai, cho đến giờ này không thể bàn đến nữa. Ta hỏi người: Ai đã dạy ngươi phương pháp phản Chu-sa ngũ độc chưởng này? Thì ra thích khách đấu chưởng với ta hôm trước cùng đảng với người. Y là ai?

– Y là cháu của tôi.

– Ta không tin. Hôm nay ta bại dưới tay mi là do tự nhiên tay trái bị tê. Ta không phục. Mi khống chế ta, làm ta đau đớn, nhưng ta nhất định không khuất phục. Mi muốn giết ta thì cứ xuống tay đi. Ta về đây.

Lý thái phi cười nhạt:

– Như vậy, chỉ nội đêm nay Thái-hậu băng hà mà thôi. Thái-hậu ơi, tôi muốn đền đáp công ơn Thái-hậu bảo trọng hoàng nhi, nên không muốn Thái-hậu chết.

– Người muốn thế nào?

Thái-phi để tay lên huyệt Bách-hội Thái-hậu vuốt một cái. Thái-hậu rùng mình rồi đau đớn từ từ giảm. Lý thái-phi ghé tai bà nói nhỏ một hồi lâu. Thái-hậu gật đầu liên tiếp. Thái phi đứng dậy:

– Thôi kính thỉnh thái hậu về. Chúng ta cứ thế mà làm.

Lưu thái-hậu run rẩy ra về.

Lưu thái-hậu ra về rồi, Lý phi cười hì một tiếng:

– Hoàng nhi, điệt nhi, ra đây mau.

Nhà vua cùng Tự-Mai vội rời chỗ núp chạy ra. Lý phi vòng tay ôm lấy nhà vua, tay kia bà dắt Tự-Mai vào phòng. Bà nâng cằm nhà vua dậy, tay sẽ tát vào má, trong khi nước mắt bà chan hòa:

– Hoàng nhi, mười tám năm qua, ta sống trong đau đớn nhục nhằn, để chờ có ngày hôm nay.

Bà bẹo má Tự-Mai:

– Hảo điệt nhi, người hay lắm. Nếu người không búng sỏi cứu ta, e giờ này ta không còn tại thế, mà sự nghiệp nghìn năm của Đại-Tống cũng mất theo.

Tự-Mai biết mẹ con nhà vua trùng phùng, ắt có nhiều truyện muốn nói với nhau. Nó lẻn ra ngoài tuần phòng quanh cung Ôn-đức, vì sợ Lưu hậu có phản ứng gì không. Nó nghĩ thầm:

– Hôm trước Thuận-Tường nói, nàng ở cung Ôn-đức. Tại sao mình không đi tìm Thuận-Tường nhỉ?

Tò mò, nó tới phía ngoài một căn phòng có ánh đèn, định chọc thủng giấy đòm vào. Có tiếng thị vệ hỏi:

– Người là ai, mà dám đến chỗ cấm địa này?

Rồi một thanh đao chĩa ngay vào cổ nó. Kinh hoàng, nó chìa hai ngón tay cặp cứng thanh đao. Viên thị vệ vận sức giật ra, nhưng thanh đao như cắm sâu vào tường. Tự-Mai vung tay một cái, thanh đao gẫy làm năm sáu mảnh. Viên thị vệ phóng chân đá vào bụng Tự-Mai. Tự-Mai búng tay điểm vào huyệt Dương-lăng-tuyền. Lập tức viên thị vệ ngã lăn xuống đất. Y la lớn:

– Có gian tế.

Hoảng kinh, Tự-Mai vội điểm vào huyệt Á-môn của y. Viên thị vệ bị cấm khẩu ngay, nhưng đâu đó vang lên tiếng thanh la báo động. Tự-Mai vội đẩy cửa sổ căn nhà trước mặt. Nó chuồn vào trong như chiếc lá rụng, rồi khép cửa lại. Trong phòng, ánh sáng lờ mờ, nhưng nó cũng nhận ra đó là phòng tắm. Một thiếu nữ đang nằm trong bể nước nóng, khói bốc lên nghi ngút, thoang thoảng mùi thơm.

Tự-Mai định lùi trở ra. Trong khi thiếu nữ kinh hãi mở to mắt nhìn nó, nàng kinh hoàng đến chết trân. Biết rằng chậm trễ, thiếu nữ sẽ hét lên, thì nguy tai. Tự-Mai xẹt tới phóng chỉ điểm vào huyệt Hạ-quan của nàng. Thiếu nữ vừa mở miệng ra, thì bị phong tỏa, không ngậm lại được nữa. Nàng dùng cùi trỏ thúc vào ngực Tự-Mai. Nó cúi đầu xuống, khòm lưng lại, thành ra cùi trỏ tuy trúng, mà rất nhẹ nhàng.

Thiếu nữ co chân lên một gối. Tự-Mai vận công chịu đòn. Bình một tiếng, nó cảm thấy ngực đau đớn. Thuận tay nó điểm vào huyệt Phong-thị thiếu nữ. Nàng lảo đảo ngã xuống. Trong đầu óc nó nghĩ thực nhanh:

– Chết thực, phải làm sao bây giờ?

Nghĩ vậy nó chụp chiếc khăn lớn bọc lấy thân thể thiếu nữ rồi đặt nàng lên dường. Bấy giờ nó mới có thời giờ nhìn mặt thiếu nữ. Bất giác nó ngẩn người ra, chân tay không cử động được nữa.

Nguyên nàng là Thuận-Tường.

Thuận-Tường cũng đã nhận ra nó, nàng chớp mắt lia lịa, không biết ngụ ý muốn nói gì. Nó biết mình có lỗi, ghé tại Thuận-Tường nói nhỏ:

– Ngu huynh đi tìm muội muội, bị thị vệ phát giác, nên nhảy đại vào. Trong phòng đầy khói nước, vì vậy huynh không nhận ra muội muội.

Nước mắt Thuận-Tường từ chảy ra tuôn trên má.

Tự-Mai vô cùng hối hận. Trong lòng nó bồn chồn không tả. Nó nói:

– Tường muội đừng giận ngu huynh nhé.

Thuận-Tường vẫn khóc. Tính ngang tàng nổi dậy, Tự-Mai nghĩ:

– Mình giải khai huyệt đạo cho nàng. Bất quá nàng la lên, mình bị chết chém còn hơn để nàng giận.

Nó vuốt tay một cái, chân tay Thuận-Tường cử động được. Nàng vung tay tát nó hai cái. Nó không tránh, cũng không vận công chống trả. Thuận-Tường bật lên tiếng khóc.

Bên ngoài vọng vào tiếng hỏi:

– Khải tấu công chúa, có gian tế đột nhập. Không biết ngọc thể công chúa ra sao?

Thuận-Tường chỉ gầm dường, ý bảo Tự-Mai chui vào. Không suy nghĩ, nó lạng người ẩn thân dưới gầm dường. Thuận-Tường nói vọng ra:

– Công chúa ngủ rồi, các người giải tán đi.

Bước chân đám thị vệ xa dần. Thuận-Tường mặc quần áo, rồi ngồi trên chiếc ghế bọc nhung. Nàng lên tiếng:

– Tên to gan lớn mật làm càn đâu, ra đây mau.

Tự-Mai chui ra, nó thấy Thuận-Tường khóc. Biết không thể một vài câu mà chuộc được lỗi, nó vội quỳ xuống, ôm lấy hai chân nàng:

– Huynh nhớ Tường muội qúa, nên đánh bạo đi tìm, không ngờ… không ngờ bị thị vệ khám phá ra.

Thuận-Tường hắt hai tay nó ra:

– Đứng dậy đi. Người có biết đây là tẩm cung của công chúa không? Ta… ta hầu công chúa nên ở chỗ này. Cũng may công chúa ngủ rồi. Bằng không đại ca với muội bị chết chém hết.

Tự-Mai đứng dậy. Thuận-Tường đổi giận làm vui hỏi:

– Đại ca đến đây từ bao giờ? Làm sao qua được màng lưới thị vệ mà vào được ? Nhất định phải có người dẫn tới. Người đó là ai?

– Là hoàng thượng.

– Hoàng thượng?

– Đúng vậy.

Nó thuật sơ lược cuộc thám thính nhà vua, cùng những gì đã diễn ra ở điện Tập-hiền, cuối cùng là cuộc đấu chưởng của Lý thái-phi với Thái-hậu. Thuận-Tường chăm chú nghe, nàng hỏi lại vài chi tiết, rồi nói với nó:

– Đại ca nên rời khỏi đây ngay hầu bảo vệ hoàng thượng. Đại ca nhớ nhé: Phải cố ứng tuyển phò mã. Khi điện thí, đại ca xin Hoàng-thượng gả muội cho. Như vậy chúng ta mới có thể đoàn tụ. Thôi đại ca đi đi. Đại ca ở đây, thị vệ khám phá ra, thì cả hai chúng ta cùng cụt đầu.

– Huynh mà ra bây giờ, e bị thị vệ giết chết.

– Ngốc ơi là ngốc. Hôm trước Thái-phi có cho đại ca thẻ bài, chứng nhận là thái giám cung Ôn-đức. Thì bây giờ đại ca mang ra, rồi đường đường chính chính di chuyển, hỏi ai dám làm khó dễ?

Tự-Mai tỉnh ngộ, nó sờ tay vào túi, thẻ bài còn nguyên. Nó nắm lấy tay Thuận-Tường:

– Muội muội ở lại.

Thuận-Tường nói vọng ra:

– Thái giám Mai-Tự mau sang hầu Thái-phi ngay.

Tự-Mai lên tiếng:

– Tuân chỉ.

Nó ra khỏi phòng. Thuận-Tường đóng cửa lại. Tự-Mai đến phòng Lý phi khoanh tay đứng ở ngoài. Một thị vệ cầm đao dí vào cổ nó:

– Người đi đâu? Ai cho người đến đây?

– Ta theo hầu hoàng thượng.

Một cung nữ dơ đèn vào mặt nó, viên thị vệ thấy nó lạ mặt, định hỏi, thì nhà vua nói vọng ra:

– Mai-Tự đâu. Vào đây ngay.

Tự-Mai méo mặt trêu tên thị vệ với cung nữ, rồi bước vào trong.

Lý phi nói:

– Mọi chuyện coi như xong. Ta muốn giữ kín sự trong cung. Bây giờ điệt nhi nên tìm cách trị bệnh cho Thái-hậu. Ta không ngờ Lưu hậu dám làm lộng đến thế. Nếu điệt nhi chậm trễ mấy hôm nữa thì bà với bọn Hồg-thiết Đại-Việt mưu thí Hoàng-thượng. May sao Thái-sư với Khai-Quốc vương đã khám phá ra. Ta ngồi im nhìn Thái-hậu xử dụng bọn Tào Lợi-Dụng cùng bọn Tôn Đức-Khắc, Lê Lục-Vũ, Sử-vạn Na-vượng, Khiếu Tam Bản dẫy chết. Khu-mật viện do Định-vương cùng Yến Thù trực tiếp rồi. Bọn Tào không làm gì được đâu. Về Ngự-lâm quân, quan điện tiền chỉ huy sứ Trần Trung-Đạo chỉ huy. Trong nội cung này, thị vệ đã do Vương Văn thống lĩnh, an ninh của ta được bảo đảm.

Lý phi xoa đầu Tự-Mai:

– Hài điệt nhi, người hay lắm. Ta hứa việc Thuận-Tường sẽ tốt đẹp. Hồi nãy người làm quấy, bị Thuận-Tường đánh mấy bợp tai có đau lắm không? Thôi người cùng Hoàng-thượng đi đi.

Tự-Mai kinh hãi, không hiểu sao Lý phi biết nó bị Thuận-Tường tát tai. Nó lưỡng lự định hỏi. Bà cười:

– Điệt nhi! Người đừng ngạc nhiên tại sao ta biết. Có khó gì đâu? Trong nội cung này không ai đủ bản lĩnh tát trúng người hai cái. Mà nếu có đủ bản lĩnh tát trúng người, thì ắt võ công phải cao thâm lắm. Đã cao thâm mà tát người, thì người còn sống được chăng? Ta thấy má người đỏ lên, in vết ngón tay, tỏ ra người không vận công, không tránh né. Trên đời này chỉ mình Thuận-Tường mới khiến người thích được tát mà thôi.

Nói rồi bà mỉm cười tỏ ra tha thứ.

Nhà vua bảo Tự-Mai:

– Từ đây đến Ngọc-thanh Chiếu-ứng Cảnh-linh cung không xa. Chúng ta đi thôi.

Nhà vua cùng Tự-Mai rời khỏi cung Ôn-đức, hướng Ngọc-thanh cung. Còn cách xa hơn năm mươi trượng, bên ngoài có lần cổng. Viên thị vệ canh gác hỏi:

– Ai đó?

Tự-Mai lên tiếng:

– Hoàng-thượng giá lâm.

Viên thị vệ kinh hoảng vội mở cổng, quỳ gối tiếp giá.

Tự-Mai hô:

– Miễn lễ.

Trong cung đèn, nến sáng trưng. Tự-Mai hô:

– Hoàng thượng giá lâm thỉnh an thái hậu.

Hai người vào trong, đám cung nga, thái giám đồng loạt quỳ gối. Thái-hậu nằm trong màn người run run, dường như đau đớn lắm. Nhà vua vẫy Tự-Mai lui ra ngoài. Nghĩ lại tình cảm Lưu hậu dành cho mình bấy lâu không khác mẹ đẻ, nhà vua nắm tay Thái-hậu:

– Thần nhi nghe mẫu hậu bất an, nên thỉnh một danh y tới trị bệnh cho mẫu hậu?

Thái-hậu thở dài:

– Vô ích! Thái-y đều bó tay rồi. Vả ta bị trúng độc chưởng của gian nhân, y sĩ thường trị không nổi đâu. Trừ khi thỉnh được Hồng-Sơn đại phu bên Giao-chỉ, mới hy vọng.

– Tâu mẫu hậu, danh y này là con gái Hồng-Sơn đại phu, hiện là vương phi của Định-vương.

Thái-hậu ngồi nhỏm dậy:

– Hoàng nhi cho thỉnh Lê thị đến ngay đi.

– Thần nhi đã ban chỉ rồi, Lê phi sắp tới.

Lát sau, có mấy thái giám, cung nữ cầm đèn lồng đi trước, Lê Thiếu-Mai đi sau. Tự-Mai sợ Thiếu-Mai nhận ra nó. Nó lui lại chỗ tối đứng. Một thái giám hô:

– Lê Thiếu-Mai bái kiến Thái-hậu, Hoàng-thượng.

– Thỉnh Lê vương-phi vào.

Lưu thái-hậu đưa mắt nhìn Thiếu-Mai. Bà từng tiếp xúc với hàng triệu người, nên chỉ liếc qua, nhìn tướng đi, bà đã biết Thiếu-Mai còn đồng trinh. Bà chỉ ghế:

– Mời tiểu thư ngồi. Hà, tiểu thư còn nhỏ tuổi, mà võ công đã cao đến trình độ này rồi, thực hiếm có. Nghe hoàng nhi tâu y thuật tiểu thư cao minh lắm. Vậy tiểu thư hãy trị bệnh cho ta.

Thiếu-Mai kính cẩn:

– Đa tạ Thái-hậu quá khen.

Lê Thiếu-Mai tiến tới cầm hai tay Thái-hậu bắt mạch. Nàng cau mặt tỏ vẻ đăm chiêu, rồi thở dài:

– Xin thái hậu cho cung nga, thái giám lui, thần mới dám tâu trình.

Nhà vua đưa mắt một cái, đám cung nga thái giám lui ra hết. Lê Thiếu-Mai tâu:

– Thần thấy mạch Thái-hậu hồng đại. Hồng-đại thuộc thực nhiệt. Thế nhưng cứ mười tiếng lại chen vào sáu tiếng hư nhược. Như vậy bệnh Thái-hậu không phải bệnh thường. Nguyên Thái-hậu luyện nội công chính đại quang minh phái Hoa-sơn. Sau lại luyện Chu-sa ngũ-độc chưởng. Thành ra trong người Thái-hậu, nội lực chính, tà công phá lẫn nhau. Đêm thuộc âm, thuộc tà. Cho nên khi đêm xuống, âm khí thịnh, tà khí mạnh trấn nhiếp tâm thần, nên Thái-hậu hay có ý nghĩ ác. Dương thuộc ngày, thuộc chính khí. Nên ban ngày, dương khí thắng, trấn tà khí, nên những gì Thái-hậu nghĩ đều cao minh không thể tưởng tượng nổi.

– Giỏi.

– Thần bạo gan khuyên Thái-hậu không nên lo chính sự về đêm, mà chỉ lo ban ngày mới thuận lý.

– Ta sẽ nghe lời tiểu thư.

Tự-Mai nghĩ thầm:

– Chưa chắc sự thực như Thiếu-Mai nói. Ta nghi chính anh cả tính trước rằng Thiếu-Mai sẽ trị bệnh cho bà, nên dặn Thiếu-Mai nói như vậy, hầu đêm đêm Hoàng-đế có dịp tiếp xúc với đại thần, với ta.

Thiếu-Mai tiếp:

– Cách nay mấy tháng, Thái-hậu đối chưởng với một võ lâm cao thủ. Nội lực y cao thâm hơn Thái-hậu, nên khi Thái-hậu vận độc chưởng đánh y. Y đẩy chất độc ngược lại. Vì vậy Thái-hậu bị đau đớn hai tay hơn tháng, rồi bây giờ chất độc chạy vào đại-trường, tiểu trường, thành ra mỗi đêm vào giờ Tý, Thái-hậu bị lên cơn hơn giờ, đau đớn như đứt ruột ra.

Khi bắt mạch Lưu thái hậu, Lê Thiếu-Mai biết bà đã đối chưởng với người của phái Đông-a. Nàng thấy nội lực người này thấp hơn Thiên-trường ngũ kiệt với Thông-Mai, Thanh-Mai. Thoáng một cái biết ngay là Tự-Mai, nàng muốn mượn dịp này gây chút cảm tình giữa Lưu hậu với Tự-Mai, nên tiếp:

– Người đối chưởng với Thái-hậu còn rất trẻ. Dường như mười bẩy, mười tám mà thôi. Rõ ràng y không muốn hại Thái-hậu, bằng không e Thái-hậu nguy rồi.

– Thực là thần y.

Thiếu-Mai tiếp:

– Vừa rồi Thái-hậu lại đối chưởng với đại cao thủ phái Nga-mi. Công lực người này thấp hơn Thái-hậu nhiều. Không hiểu sao tự nhiên chân khí Thái-hậu bị tắc nghẽn. Nên đối thủ đẩy độc chất trở về người Thái-hậu. Thái-hậu tưởng mình trúng Chu-sa độc chưởng, rồi uống thuốc giải, khiến thuốc công hãm, nên Thái-hậu đau đớn đến đứt ruột ra được.

– Lê tiểu thư biết bệnh ta, vậy có thể trị được không?

– Tâu Thái-hậu thần xin cố gắng. Thỉnh Thái-hậu nằm trên ngự sàng. Thần dùng châm cứu trị mới được.

Thái-hậu nằm trên dường. Thiếu-Mai cúi xuống kéo xiêm áo bà lên, lộ ra làn da bụng trắng mịn, trơn nhẵn, không một vết răn như bụng con gái. Nàng cầm kim, châm vào huyệt Thiên-khu, Đại-hoành, Quan-nguyên, Trung-uyển. Rồi xoay kim.

Nàng lại vén xiêm lên, châm vào huyệt Túc-tam-lý, Thượng-cự-hư, Hạ-cự-hư, Tam-âm-giao, rồi xoay kim.

Nàng xoay kim một lúc, Thái-hậu ợ lên mấy tiếng, bao nhiêu cái đau đớn từ từ tan biến đi mất. Thiếu-Mai nói:

– Tâu Thái-hậu, hiện chất độc tan ra khắp cơ thể. Đêm nay Thái-hậu cảm thấy ớn lạnh, rồi mồ hôi vã ra như tắm, hôi hám cùng cực. Mai thần trị một lần nữa, coi như khỏi.

Thái-hậu ngạc nhiên:

– Ta có một điều thắc mắc, những huyệt mà tiểu thư châm trên người ta, thái-y cũng đã châm. Tại sao tiểu thư châm ta thấy hết đau liền, còn thái-y châm lại vô hiệu?

– Tâu Thái-hậu, vì công lực Thái-hậu cao thâm, mà thái-y không luyện võ, sao có thể dùng chân khí đả thông kinh mạch hầu Thái-hậu!

– Ta hiểu rồi. Này Lê cô nương. Cô nương thuộc giòng dõi vua Lê bên Giao-chỉ. Thân phụ cô nương trị bệnh hàng vạn, hàng triệu người, ân đức trải khắp nơi. Cô nương được hưởng cái đức đó. Ta muốn phong cô nương làm Định-vương vương phi. Cô nương nghĩ sao?

Dù võ công cao, dù y thuật thần thông, Thiếu-Mai cũng là thiếu nữ. Nghe Thái-hậu nói, nàng cúi đầu làm thinh. Thái-hậu cười:

– Ta hiểu rồi, có lẽ tiểu thư chưa được lệnh của đại phu, nên không dám trả lời. Tiểu thư đừng ngại. Ta sẽ cử sứ sang thưa với đại phu sau.

Được hai khắc, Thiếu-Mai rút kim ra. Thái-hậu ngồi dậy.

Trong khi Thái-hậu, Thiếu-Mai đối đáp, nhà vua chú ý nhìn rất rõ bụng Thái-hậu. Trong lòng nhà vua nổi lên cơn bão táp:

– Ta thực không xứng đáng bằng loài quạ. Loài quạ khi biết bay, lập tức kiếm mồi mớm lại mẹ trong ba tháng để tỏ lòng hiếu. Còn ta, thân làm Hoàng-đế, ngồi cao ban phúc giáng họa cho người mà, mẹ ngay trước mắt không biết. Đã vậy còn đầy mẹ ra coi lăng miếu… Mọi việc đều do Thái-hậu cả. Ôi bấy lâu nay mẹ ta đau đớn biết bao!

Chợt nhà vua nghĩ lại:

– Ta chỉ là con trai thứ sáu của phụ hoàng. Nếu như ta không được Lưu hậu cướp làm con, thì ngôi vua đâu đến tay ta? Còn việc Thái-hậu lâm triều, ngay từ khi phụ hoàng còn tại thế, Thái-hậu đã cầm quyền rồi kia mà? Khi ta lên ngôi vua mới mười ba tuổi. Nếu không có Thái-hậu xử lý việc nước, liệu giang sơn còn được như ngày nay không?

Nghĩ vậy lòng nhà vua lại nhũn ra.

Thái-hậu phán:

– Hoàng nhi hồi cung thôi. Lê tiểu thư ở lại đây làm bạn với ta. Ta phải có người bạn gái vong niên như Lê tiểu thư ở cạnh tâm tình cho vui.

Bà nắm tay Thiếu-Mai:

– Trong các hoàng tử của vua Thái-Tông, Định-vương là người tài trí, đức hạnh nhất. Vua Thái-Tông định nhường ngôi cho vương, mà vương từ chối. Vương là sư phụ của hoàng nhi, thương yêu hoàng nhi còn hơn ta nữa. Ta với Lê tiểu thư thành chị em dâu, cùng lo phù trì cho hoàng nhi thì hay biết mấy.

Lời nói của Thái-hậu, làm cho nhà vua mềm lòng:

– Thái-hậu chỉ vì thích quyền hành mà áp chế sinh mẫu ta. Còn đối với ta như mẹ đẻ. Ta không thể trở mặt với người.

Nhà vua vùng Tự-Mai rời Ngọc-thanh cung trở về Tập-hiền viện. Tự-Mai hỏi nhà vua:

– Bệ hạ tin lời tôi chưa?

– Tin! Ta sẽ hết sức làm tròn lời hứa. Nhưng người thử nghĩ xem, ta phải có thái độ nào với Thái-hậu.

Nhớ lại lời Định-vương dặn, Tự-Mai cười:

– Việc triều đình, việc hậu cung, kiến thức tôi không bằng bệ hạ. Kiến thức bệ hạ lại càng không bằng một người. Người đó thương yêu bệ hạ hơn con đẻ, xin bệ hạ thỉnh người thì hay hơn.

– À, người muốn nói Thái-sư chăng?

– Đúng thế! Tôi hứa, phía Đại-Việt sẽ diệt hết mầm mống bọn bang Nhật-hồ trong cung, cùng tay chân Lưu hậu dùm bệ hạ.

Về tới Tập-hiền viện, nhà vua nắm tay Tự-Mai:

– Thiếu hiệp! Trẫm ở trong cung, suốt ngày chỉ thấy thái giám, cung nga, phi tần, thực không khác gì ngồi tù. Lâm triều, thì Thái-hậu cùng mấy lão già phe đảng quyết định hết. Trẫm không có lấy một người bạn. Phải chi trẫm có người bạn như thiếu hiệp, mới thực sung sướng. Thiếu hiệp có nhiều bạn cùng lứa tuổi không?

Tự-Mai thấy thương hại nhà vua:

– Tôi có rất nhiều bạn, nhưng thân với nhau nhất chỉ có năm đứa.

– Chắc năm vị được đặt cho cái tên Ngũ-hổ tướng mới xứng.

Tự-Mai bật cười:

– Không! Làm gì có tên đẹp như vậy! Người ta đặt cho chúng tôi nhiều tên khác nhau. Chị gái tôi gọi là Năm thằng giặc trời. Còn chị Mỹ-Linh gọi chúng tôi là Năm ông Thiên-lôi. Mấy quan Tống ở Nam-thùy gọi là Năm ông phá trời.

Nói rồi nó kể hết tình hình đùa bỡn với nhau trong năm anh em. Nhà vua thở dài:

– Ước gì trẫm có năm người bạn như vậy.

Tự-Mai chợt động tâm cơ:

– Mình đi sứ mục đích để kết hiếu. Tại sao ta không kết hiếu với ông vua này?

Nó nắm tay nhà vua:

– Hán-Việt vốn cùng một tổ. Chỉ vì những ông vua ác độc muốn xâm chiếm tộc Việt, mới tạo Hán-Việt thành thế thù nghịch. Nếu bệ hạ giữ lời hứa với tôi, năm đứa chúng tôi luôn ở cạnh bệ hạ.

Nhà vua cảm động:

– Trẫm muốn kết bạn với thiếu hiệp, không biết thiếu hiệp nghĩ sao?

– Phải làm bạn với ông vua, tôi thấy chán ngấy. Nhưng được làm bạn với người ngày quên ăn, đêm quên ngủ, chỉ lo cho dân như bệ hạ, làm tôi sung sướng vô cùng.

– Vậy hai chúng ta kết bạn ngay đêm nay.

– Tạo sao lại không?

Nhà vua gọi thái giám lấy hương. Hai người đốt hương, ngửa mặt lên trời khấn:

– Xin Quốc-tổ Phục-Hy, Thần-Nông, thái cô Nữ-Oa chứng kiến. Chúng con là Triệu Nguyên-Trinh mười tám tuổi, cùng Trần Tự-Mai, mười bẩy tuổi, nguyệt kết làm anh em, có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu. Nếu ai sai lời, chết dưới muôn nghìn đao thương.

Thề xong, Tự-Mai hướng nhà vua lạy một lạy:

– Đại ca.

Nhà vua chắp tay đáp lễ:

– Nhị đệ.

Nhà vua hỏi Tự-Mai:

— Nhị đệ cho trẫm biết về thân thế nhị đệ đi.

Thế rồi Tự-Mai tường thuật tỷ mỉ thân thế mình, cùng những gian nan trên đường đi sứ. Nó bỏ qua, không thuật việc trêu hai lão Tôn, Lê, vu oan cho Sử, Khiếu cùng việc nó tìm Thuận-Tường.

Nhà vua lấy một thẻ bài, cầm bút viết lên mấy chữ trao cho Tự-Mai:

Người cầm lệnh bài này tên Trần Tự-Mai, nghĩa đệ của trẫm. Bách quan văn võ từ tể-tướng trở xuống, thấy người như thấy trẫm. Phải tuyệt đối kính trọng.

Nhà vua nói:

– Với thẻ bài này, nghĩa đệ tự do ra vào mọi nơi trong cấm cung, không ai có quyền hạch hỏi.

Bấy giờ đã sang canh ba. Hai người trải qua những suy tư, những triết luận, nên cả hai cùng buồn ngủ. Nhà vua nhớ lại Tự-Mai kể truyện nó với các bạn thường ôm nhau ngủ trong rừng, ông đề nghị:

– Đêm nay nhị đệ nghỉ tại đây với trẫm, nên chăng?

– Ừ, chúng ta ngủ với nhau tha hồ mà nói truyện.

Nhà vua cùng Tự-Mai dẫn nhau về tẩm-cung. Mấy thái giám, cung nữ đồng quỳ gối vấn an. Họ thấy nhà vua nắm tay một thái giám lạ mặt đi vào, đều dương mắt lên nhìn. Nhà vua ra hiệu cho chúng bình thân. Một thái giám cung kính:

– Không biết đêm nay bệ hạ tuyên chỉ cho cung-nga nào hầu hạ?

Nhà vua lắc đầu:

– Trẫm muốn yên tĩnh. Các người đi nghỉ thôi.

Hoàng đế Tống bao giờ cũng có một hoàng-hậu, và khoảng từ một tới hai mươi bà phi. Mỗi bà đều có cung riêng với thái giám cung nữ hầu hạ. Ngoài ra nhà vua còn có hằng trăm cung nga, tùy theo nhan sắc, tài ba được phong chức Tu-dung, Dung-nghi, Tu-nghi, Mỹ-nữ v.v. gọi chung là phi tần. Những người này cũng là vợ vua, nhưng theo hầu hoàng hậu cùng các vị phi. Đôi khi họ được nhà vua sủng ái, cấp cho cung điện riêng. Mỗi khi nhà vua sủng ái hoàng hậu, hoặc phi, thì tới thẳng cung điện của họ. Còn nhà vua muốn gần các phi-tần không có cung riêng, thì cho thái giám tuyên triệu đến tẩm cung của mình.

Hai người dắt nhau vào tẩm cung. Tự-Mai đã được thấy giường nằm của Khai-Quốc vương cùng những đại thần triều Lý. Nhưng đây là lần đầu tiên nó thấy một phòng ngủ rực rỡ như thế này. Trên chiếc giường sơn son, thiếp vàng, chạm trổ ngọc ngà sáng rực. Nệm, chăn dầy thoang thoảng mùi thơm. Nhưng vì mệt qúa nó không có thời giờ quan sát thêm. Nó cởi dầy, cùng nhà vua leo lên giường ôm nhau nằm ngủ.

Nó nói với nhà vua:

– Đại ca này, hôm nay đại ca trải qua những suy tư rất mệt tâm thần. Để đệ điểm vào mấy huyệt cho đại ca ngủ ngon.

Không đợi nhà vua có đồng ý hay không, Tự-Mai điểm vào huyệt Thần-môn, Nội-quan, Phong-trì của nhà vua. Quả nhiên nhà vua ngáp một cái, mắt chĩu xuống:

– Nhị đệ có võ công gì kỳ diệu vậy? Nhị đệ dạy ta được không?

– Được chứ.

Đến đó cả hai nhập vào giấc ngủ.

Tự-Mai giật mình vì có tiếng động sẽ ngoài cửa, rồi có tiếng gõ cửa ba lần nhỏ, ba lần lớn. Nó nhận ra đó là ký hiệu của Khu-mật viện Đại-Việt. Nó ngồi nhỏm dậy, có tiếng Mỹ-Linh dùng lăng không truyền ngữ hỏi:

– Tự-Mai! Thức dậy chưa? Ngủ sướng nhé, quên mất bà chị chờ mỏi mắt ngoài vườn hoa quỳnh lạnh thấu xương. Có ra đây ngay không?

Tự-Mai sẽ mở cửa, nó thấy hai thái giám, một cung nữ ứng hầu ngủ gật trên ghế, biết Mỹ-Linh đã điểm huyệt chúng. Mỹ-Linh vẫy nó ra ngoài bụi hoa:

– Sự thể ra sao?

– Tốt đẹp vô cùng.

Nó thuật lại mọi chi tiết. Mỹ-Linh nói:

– Chị Bảo-Hòa truyền lệnh ngày mai em phải dụ nhà vua trốn ra ngoài kinh thành chơi, và nhớ làm như thế… như thế… Làm được không?

– Được chứ.

Mỹ-Linh tung người đi. Tự-Mai lại trở về, nó chui vào chăn ngủ tiếp.

Sáng hôm sau, Tự-Mai tỉnh giấc trước. Nó ngồi dậy, làm nhà vua cũng thức giấc. Nó hỏi:

– Hôm nay đại ca có thiết triều không?

– Không.

Cung nga dâng nước nóng súc miệng. Một thái giám dâng trà, cùng bánh điểm tâm. Tự-Mai đã được ăn uống không thiếu của ngon vật lạ, nhưng thức điểm tâm của Tống-đế nó chưa ăn bao giờ cả. Lạ miệng, lại đói, nó ăn hết ba điã bánh. Hai người vừa ăn vừa nói truyện.

Tự-Mai đề nghị:

– Đại ca này. Việc quan trọng là phải giải Chu-sa ngũ độc chưởng cho đại ca. Đại ca cùng đệ ra ngoài thành gặp Thân Thiệu-Thái. Thiệu-Thái sẽ giải độc chưởng cho đại ca. Vậy đại ca mặc giả làm dân chúng. Mình dạo chơi kinh thành một chuyến cho biết mùi. Chứ sống trong hoàng cung không khác cá chậu chim lồng.

Nhà vua chợt thấy rằng: Mình sinh ở đế đô, nhưng chỉ luẩn quẩn trong cấm thành, chưa một lần dạo chơi Biện-kinh bao giờ cả. Đúng như Tự-Mai ví với cá chậu, chim lồng.

– Ừ nhỉ, chúng ta đi chơi ngay sáng nay được không?

– Được chứ! Tại sao không? Bây giờ đại ca lấy quần áo thái giám mặc, rồi chúng ta đi chơi.

Nhà vua gọi một thái giám vào truyền lệnh:

– Người mang cho ta một bộ quần áo của người, cùng thẻ bài, mũ, dầy.

Tên thái giám đứng hầu, đã nghe hết truyện của nhà vua với Tự-Mai hôm qua, nên y không ngạc nhiên. Y lui trở ra, một lúc đem vào đủ: Quần, áo, mũ, khăn choàng cổ, áo lạnh, thẻ bài. Y cùng Tự-Mai giúp nhà vua thay quần áo. Phút chốc nhà vua trở thành một thái giám đẹp trai. Nhà vua cầm kính soi, nhìn hình mình, ông bật cười:

– Trẫm cũng không nhận ra mình thì người khác khó mà biết trẫm là ai.

Nhà vua cầm thẻ bài lên xem, thấy đề tên: Lê Luyện, mười chín tuổi, thuộc Ngự-thư phòng. Ông truyền lệnh cho Lê Luyện:

– Người phải ứng trực tại đây. Ai tìm trẫm phải nói rằng trẫm với một tân cung nữ nghỉ ở tẩm-cung. Người mà tiết lộ truyện này ra ngoài, trẫm sẽ cắt lưỡi.

Lê Luyện biết thể lệ ở nội cung: Khi vua cùng một cung nữ nhập tẩm-thất, dù hoàng thái hậu cũng không được vào. Y cúi đầu:

– Thần xin thủ kín miệng bình.

Nhà vua cầm bút viết vào tờ giấy in hình con rồng vàng chầu nguyệt mấy chữ:

Truyền chỉ cho thái giám Lê-Luyện, Mai-Tự xuất thành khẩn cấp.

Hai người hướng cửa Nam đi ra. Bấy giờ sang giờ Mão. Hai người tới cửa Thuần-dương cấm thành, một thị vệ hỏi:

– Hai vị công công đi đâu đây?

Tự-Mai trình lệnh của nhà vua. Viên thị vệ kính cẩn lui lại. Hai người qua hoàng thành, rồi tới kinh thành. Đám phu xe thấy hai thái giám trẻ từ trong hoàng thành đi ra, chúng đon đả chào:

– Mời hai công công đi xe.

Tự-Mai vẫy một xe song mã:

– Người đưa ta về khách điếm Nam-phong.

– Xin công công cho ba chục đồng.

– Được rồi.

Nhà vua hỏi:

– Mình đi đâu đây?

– Đại ca về chỗ trọ của em. Chúng mình thay y phục thường dạo chơi mới thú. Chứ làm thái giám thế này chán ngấy.

Xe lăn bánh trên đường phố.

Thiên-Thánh hoàng đế ( Sau này, khi qua đời được truy hiệu là Nhân-Tông) sinh trưởng ở đế đô, mà chưa bao giờ được ngao du hoàng thành. Suốt từ thời thơ ấu, nhà vua chỉ được rời cấm thành có hai lần. Lần đầu đưa linh cữu phụ hoàng đến sơn lăng, và một lần trong ngày lễ đăng cực. Cả hai ngày, đều đi giữa đám thị vệ tiền hô hậu ủng, dân chúng đứng nghẹt hai bên đường xem mặt nhà vua. Vì vậy đâu biết gì về đời sống dân chúng.

Bây giờ nhà vua ngồi xe ngựa chạy trên phố phường. Bất cứ cái gì đối với nhà vua cũng đều lạ hết. Tự-Mai tuy mới đến Biện-kinh, nhưng mấy tháng qua, nó cùng các bạn suốt ngày dạo chơi, nên thông thuộc mọi ngõ ngách. Nó luôn chỉ cửa hiệu này, gian hàng nọ giảng giải cho nhà vua.

Lát sau xe tiến vào khu Bồng-lai của lữ điếm Nam-phong. Nó dặn nhà vua:

– Đại ca! Lát nữa gặp anh rể, chị gái, và các bạn kết nghĩa của đệ. Đệ sẽ giới thiệu đại ca là Nho-sinh Lê Luyện mà đệ mới kết thân.

Nhà vua nghe Tự-Mai nói, ông nghĩ thầm:

– Khó đấy! Mình kết bạn với Tự-Mai, lát nữa đây gặp chị, anh rể y, không lẽ mình lại hành lễ trước? Mình đường đường là Thiên-tử, trong khi Lý Long-Bồ chỉ là một thái-tử của tiểu quốc?

Nhà vua nghĩ lại:

– Mình kết thân với nhị đệ, rồi lại ước mong kết thân với người Việt. Họ hứa giúp mình trong vụ đối phó với đám Nhật-hồ của Thái-hậu. Như vậy có nghĩa mình đi cầu hiền tài như vua Thành-Thang cầu Y-Doãn. Vua Văn cầu ông Khương. Hậu chúa cầu Gia-cát. Mình càng nhún nhường, càng được sĩ dân thiên hạ tôn phục. Không sao!

Hai người vượt cầu vào đảo Bồng-lai. Lê Văn trông thấy Tự-Mai, nó reo lên:

– Anh đi đâu suốt từ qua đến giờ làm bọn này tìm muốn chết. Tại sao lại mặc quần áo thái giám thế này?

– Ta mới được hoàng đế tuyển làm tân thái giám.

Lê Văn rút trong bọc ra con dao sáng loáng:

– À, làm thái giám phải cắt cái đó đi. Để em xẻo. Cam đoan đứt ngon.

Nó làm bộ định cắt. Tự-Mai chỉ nhà vua:

– Ta mới kết bạn với anh Lê Luyện này.

Lê Văn cười lớn:

– Chắc cũng thái giám giả?

– Không! Thái giám thực.

Lê Văn phát một chưởng hướng bụng nhà vua, rồi nó để tay lên mũi:

– Xạo! Nói dối không xem ngày. Em phát chưởng, thấy của qúy còn nguyên, đâu phải thái giám.

Nhà vua kinh ngạc nghĩ thầm:

– Ta tưởng Tự-Mai đã là thiếu niên tài ba có một không hai. Nào ngờ chú bé này coi bộ không kém Tự-Mai. Các thái y của ta khi khám thái giám phải thay quần ra mới quyết được. Trong khi y chỉ phất tay một cái đã biết rõ.

Tự-Mai nói:

– Ta với anh Lê Luyện giả làm thái giám dạo chơi trong cung cấm xem vườn thượng uyển thỏa thích.

Lê Văn suýt xoa:

– Thế mà không rủ em đi.

Nó nhìn nhà vua:

– Ôi cùng họ Lê với nhau, mà sao anh Luyện đẹp thế này. Ừ, anh ấy đẹp hơn tất cả bọn mình.

Nhà vua hỏi:

– Ta làm sao mà đẹp hơn Văn đệ.

Lê Văn phân giải:

– Em nói đẹp là đẹp tướng. Em công nhận, mặt em với Tự-Mai đẹp hơn Lê đại ca. Nhưng tướng Lê đại ca đẹp hơn bọn em. Trong tướng mệnh, đại ca xú mạo, nhưng mỹ tướng. Còn bọn em mỹ mạo mà xú tướng.

– Tướng ta mỹ ở chỗ nào?

Lê Văn cười:

– Lê đại ca muốn xem tướng ư? Phải đặt quẻ thầy mới nói.

Suốt đời, nhà vua chỉ tiếp xúc với quan thái phó dạy văn, cùng cung nga thái giám, lúc vào họ cũng dập đầu lạy, cho đến nay lần đầu tiên mới được vui đùa cùng Tự-Mai, Lê Văn. Nhà vua sờ tay vào túi: Không vàng, chẳng bạc. Bí qúa nhà vua nói:

– Cho nợ được không?

Lê Văn nghe tiếng Bảo-Hòa đâu đó dùng lăng không truyền ngữ rót vào tai:

– Ông này là Thiên-Thánh hoàng đế đấy. Chị nói sao, em nhắc lại như vậy. Em ra giá như chị dặn. Nào nhắc lại.

Lê Văn cung kính:

– Được. Bây giờ thế này: Đại ca là nhà Nho tất văn hay chữ tốt. Em đoán trúng một câu, đại ca phải làm tặng em một bài thơ hay bài từ. Được không?

– Được chứ.

Nó mời nhà vua vào phòng, truyền pha trà đãi khách.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN