Bạch Mã Khiếu Tây Phong - Chương 2
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
172


Bạch Mã Khiếu Tây Phong


Chương 2


Bọn người đó chính là người trong tiêu cuộc của Hoắc Nguyên Long và Trần Đạt Hải đã đuổi theo vợ chồng Bạch Mã Lý Tam đến đất Hồi Cương, tuy đã
giết được hai người rồi, nhưng vẫn không biết được đứa bé lưu lạc nơi
đâu. Bọn họ cũng biết chắc Lý Tam có được bức địa đồ Cao Xương mê cung,
nhưng tìm không thấy trên người hai vợ chồng, thì nhất định phải ở trong tay đứa nhỏ. Cao Xương mê cung có chứa không biết bao nhiêu châu báu,
cho nên bọn Tấn Uy tiêu cục vẫn chưa bỏ cuộc, đi lang thang khắp nơi tìm xem đứa con gái đó ở nơi nao. Thấm thoát thế mà đã mười năm, bọn họ
chẳng làm ăn gì chỉ nhờ vào võ nghệ, sẵn bò cừu ngựa lạc đà của dân
chúng trong vùng mà sống. Họ chỉ cần rút dao, giết người, đốt nhà, cướp
của, gian dâm…

Trong mười năm đó, cả bọn không ngừng tìm kiếm đứa trẻ nhưng thảo nguyên rộng hàng nghìn dặm biết tìm nơi đâu? Chỉ sợ đứa bé đó đã chết rồi,
xương cốt cũng đã mục nát nhưng ở nơi thảo nguyên này làm ăn cướp tự do
tự tại, so với nghề bảo tiêu nơi trung nguyên thật sướng hơn nhiều cho
nên ai về làm gì?

Thỉnh thoảng họ cũng nói chuyện về bảo tàng trong Cao Xương mê cung, về
đứa con gái của Bạch Mã Lý Tam. Con bé đó nếu không chết thì cũng đã lớn nhận không ra nữa, chỉ có con ngựa trắng là không thay đổi thôi. Giống
ngựa to cao toàn thân trắng như tuyết ấy không phải dễ có, từ xa cũng đã thấy ngay. Thế nhưng nếu con ngựa cũng đã chết rồi thì sao? Đời con
ngựa so với người ngắn hơn nhiều. Mỗi một ngày qua đi, chẳng ai còn chút hi vọng gì nữa.

Nào ngờ thật bất ngờ lại thấy một con ngựa trắng. Không sai, chính là con bạch mã họ vẫn đi tìm.

Con ngựa lúc này tuổi cũng đã cao, cước lực không bằng khi còn trẻ,
nhưng so với ngựa thường cũng vẫn nhanh hơn, đến khi trời tờ mờ sáng, đã bỏ bọn năm tên ăn cướp kia không còn thấy hình bóng đâu, tiếng chân
đuổi theo cũng không còn nghe nữa. Thế nhưng Lý Văn Tú biết rằng trên sa mạc để lại dấu chân, năm tên giặc tuy nhất thời đuổi không kịp, nhưng
cứ theo vết chân sẽ tới nên nàng vẫn không dám ngừng lại.

Lại chạy thêm chừng mươi trượng nữa, trời đã sáng hẳn. Qua mấy cái đồi
cát, đột nhiên nơi tây bắc thấy một triền núi, trên núi cây cối xanh rì, nơi giữa sa mạc nhìn thấy thật chẳng khác nào nơi tiên cảnh chứ không
phải là trần thế. Nơi sa mạc vì có mấy đồi cát nên che khuất triền núi
kia, thành thử ở xa không nhìn thấy được. Lý Văn Tú trong lòng bàng
hoàng: “Không lẽ đây là núi quỉ chăng? Sao giữa sa mạc lại nhiều núi
thế, trước nay chưa nghe ai nói bao giờ?”. Nàng nghĩ lại tự nhủ: “Dù có
là quỉ sơn cũng không sao, chính ta đang cần dụ mấy tên ác tặc vào đây”.

Bước chân bạch mã nhanh nhẹn nên chẳng mấy chốc đã đến trước ngọn núi,
rồi chạy thẳng vào sơn cốc. Ngay giữa hai quả núi là một dòng suối chảy. Con ngựa trắng hí lên một tiếng vui mừng, chạy ngay đến bên bờ nước. Lý Văn Tú nhảy xuống ngựa, vốc nước rửa sạch đất cát bám trên mặt, uống
thêm mấy ngụm, thấy nước suối có vị hơi ngòn ngọt, thật là mát ruột.

Đột nhiên nàng bị một vật gì cứng đè vào sau gáy, rồi nghe một giọng hầm hừ hỏi:

– Ngươi là ai? Đến đây làm gì?

Lý Văn Tú giật mình kinh hãi, định xoay người lại thì người kia lại nói tiếp:

– Cây gậy của ta để ngay vào ót nhà ngươi, chỉ cần vận kình, ngươi sẽ bị trọng thương mà chết.

Lý Văn Tú cảm thấy vật cứng kia hơi nhấn xuống, quả nhiên đầu óc choáng
váng, nên không dám cử động, nghĩ thầm: “Người này nói năng được, chắc
không phải là quỉ quái. Y lại còn hỏi ta đến đây làm gì, ắt là người dân xứ này, không phải giặc cướp”.

Lại có tiếng nói:

– Ta hỏi ngươi, sao không trả lời?

Lý Văn Tú đáp:

– Có bọn người xấu xa đuổi theo tôi, tôi chạy đến đây.

Người kia nói:

– Bọn người xấu xa nào?

Lý Văn Tú đáp:

– Có nhiều kẻ cướp lắm.

Người kia nói:

– Bọn cướp nào thế? Tên chúng là gì?

Lý Văn Tú đáp:

– Tôi cũng không biết nữa. Bọn họ trước kia làm nghề bảo tiêu, đến đất Hồi Cương thành ăn cướp.

Người kia hỏi:

– Thế tên ngươi là gì? Cha ngươi là ai? Sư phụ là ai?

Lý Văn Tú đáp:

– Tôi tên Lý Văn Tú, cha tôi tên Bạch Mã Lý Tam, mẹ tôi là Kim Ngân tiểu kiếm Tam Nương Tử. Tôi không có sư phụ.

Người kia “À” lên một tiếng, nói:

– Ồ, thì ra là Kin Ngân tiểu kiếm Tam Nương Tử và Bạch Mã Lý Tam. Thế cha mẹ ngươi đâu?

Lý Văn Tú đáp:

– Đều bị bọn giặc cướp đó giết cả rồi. Bọn họ còn muốn giết cả tôi nữa.

Người kia “Ôi” một tiếng nói:

– Đứng dậy đi.

Lý Văn Tú đứng lên. Người kia bảo:

– Quay lại đây.

Nàng từ từ quay lại, cái gậy đầu bịt sắt của người kia vừa rút ra khỏi
ót đã đâm luôn vào cổ họng. Tuy nhiên đầu trượng không sử kình, chỉ nhứ
tới. Lý Văn Tú nhìn ông ta, trong lòng thật là lạ lùng, nghe giọng khàn
khàn lạnh lẽo nàng nghĩ chắc hẳn y diện mạo hung ác lắm, nào ngờ trước
mặt chỉ là một ông già, thân hình gầy yếu, hình dung khô héo, mặt mày
buồn so, mặc quần áo theo lối người Hán, đều đã rách bươm. Thế nhưng tóc ông ta lại quăn, trông không giống người Hán chút nào.

Lý Văn Tú nói:

– Lão bá bá, ông tên là gì? Địa phương này là đâu?

Ông già kia thấy Lý Văn Tú mặt mày xinh xắn, quả thực ngoài dự liệu, hơi ngạc nhiên, lạnh lùng đáp:

– Ta không có tên, cũng chẳng biết đây là đâu nữa.

Vừa lúc đó, từ xa có tiếng chân ngựa vọng tới. Lý Văn Tú thất kinh kêu lên:

– Bọn ăn cướp đến rồi, lão bá bá mau đi trốn đi.

Người kia đáp:

– Việc gì phải trốn?

Lý Văn Tú nói:

– Bọn cường đạo này hung ác lắm, sẽ giết ông đó.

Người kia cười khẩy nói:

– Ngươi với ta không quen, không biết sao lại lo chuyện chết sống của ta là sao?

Khi đó tiếng chân ngựa lại càng gần hơn. Lý Văn Tú không lý đến cây
trượng đang để ngay cổ họng mình, thò tay ra nắm lấy tay ông già, nói:

– Lão bá bá, hai người mình cùng cưỡi con ngựa, để nữa không kịp mất.

Người kia vùng vẫy muốn giựt tay ra, nhưng không ngờ ông ta yếu quá nên
không sao thoát khỏi tay của Lý Văn Tú. Lý Văn Tú lạ lùng hỏi:

– Ông bệnh ư? Để tôi đỡ ông lên ngựa.

Nói xong hai tay đỡ ngang lưng, đẩy ông già lên lưng ngựa. Người đó gầy
gò nhỏ thó, tuy là đàn ông mà nhẹ hơn đứa con gái da thịt rắn chắc
nhiều, ngồi trên ngựa lảo đảo lắc lư, tưởng chừng như muốn ngã. Lý Văn
Tú cũng nhảy lên ngựa, ngồi ở sau lưng ông ta, giật cương chạy vụt vào
trong núi.

Hai người vừa chạy đi thì nghe có tiếng năm con ngựa đã tiến vào sơn
cốc, tiếng hô hoán của năm tên cướp cũng đã nghe văng vẳng. Người kia
bỗng quay lại quát lớn:

– Ngươi với chúng cùng một bọn phải không? Các ngươi sắp đặt mưu kế, định lừa ta chăng?

Lý Văn Tú thấy khuôn mặt bệnh hoạn của ông ta đột nhiên trở thành hung dữ đáng sợ, mắt lộ hung quang, không khỏi rùng mình, nói:

– Không đâu, không đâu, tôi chưa hề gặp ông bao giờ, lừa ông làm chi?

Người kia gay gắt nói:

– Ngươi định đánh lừa ta dẫn ngươi đến Cao Xương mê cung…

Nói chưa dứt câu, đột nhiên im bặt.

Bốn chữ “Cao Xương mê cung” hồi nhỏ khi được cha mẹ dẫn chạy đến Hồi
Cương đã từng nghe hai ông bà bàn đến mấy lần, nhưng khi đó không biết
gì cũng không để ý đến. Bây giờ đã mười năm, tự nhiên lại nghe ông lão
này đề cập đến, nàng nhất thời không nghĩ ra là đã từng nghe qua rồi,
thản nhiên hỏi lại:

– Cao Xương mê cung? Cái đó là cái gì?

Ông lão thấy nàng thần sắc chân thành, không có vẻ gì dối trá, thanh âm liền trở lại ôn hòa nói:

– Ngươi quả thực không biết đến Cao Xương mê cung sao?

Lý Văn Tú lắc đầu nói:

– Không biết, a, có điều…

Ông già hỏi dồn:

– Có điều gì?

Lý Văn Tú nói:

– Khi tôi còn nhỏ đi theo cha mẹ chạy đến Hồi Cương, từng nghe ông bà nói đến Cao Xương mê cung. Chỗ đó vui lắm phải không?

Ông già nét mặt hầm hầm hỏi thêm:

– Cha mẹ ngươi còn nói gì thêm nữa không? Không được dấu ta.

Lý Văn Tú buồn bã nói:

– Chỉ mong tôi nhớ thêm được một lời nào cha mẹ tôi nói thì thật hay
biết bao nhiêu. Chỉ tiếc là tôi không còn được nghe giọng nói của hai
người nữa. Lão bá bá, tôi vẫn thường ngốc nghếch nghĩ rằng, chỉ mong cha tôi mẹ tôi được sống lại, để tôi được nhìn thấy một lần nữa thôi. Ôi,
chỉ mong cha mẹ tôi sống lại, dù có ngày ngày đánh mắng tôi, cũng vẫn
còn sung sướng biết bao nhiêu. Dĩ nhiên, hai người chẳng bao giò còn có
thể đánh mắng tôi được nữa.

Đột nhiên nàng nghe văng vẳng có tiếng roi của Tô Lỗ Khắc đánh Tô Phổ,
cùng tiếng giận dữ chửi rủa của y. Ông già đổi vẻ mặt nhu hòa, “Ôi” lên
một tiếng, bất ngờ lớn tiếng hỏi:

– Ngươi có chồng chưa?

Lý Văn Tú đỏ mặt lắc đầu. Ông lão nói tiếp:

– Thế lâu nay ngươi ở với ai?

Lý Văn Tú đáp:

– Ở với Kế gia gia.

Ông lão hỏi:

– Kế gia gia ư? Y bao nhiêu tuổi rồi? Tướng mạo ra sao?

Lý Văn Tú nói với con ngựa trắng:

– Ngựa yêu quí ơi, cường đạo đang đuổi theo, chạy cho mau nhé.

Nàng nghĩ thầm: “Việc đang khẩn cấp thế này, ông già sao còn hỏi những
chuyện đâu đâu, chẳng liên quan chi cả”. Thế nhưng thấy dáng điệu ông
đầy ngờ vực, nàng bèn nói:

– Kế gia gia phải đến tám chục tuổi rồi, tóc bạc trắng cả, mặt mũi nhăn nheo, đối với tôi tốt lắm.

Ông già hỏi:

– Thế ngươi ở Hồi Cương biết được những người Hán nào? Trong nhà Kế gia gia còn những ai?

Lý Văn Tú nói:

– Trong nhà Kế gia gia chẳng còn ai khác. Đến người Cáp Tát Khắc tôi còn chẳng quen ai, nữa là người Hán.

Hai câu sau cùng nàng vì phẫn uất mà nói, nàng nghĩ đến Tô Phổ và A Mạn, tuy có biết họ nhưng cũng như không.

Con ngựa chở hai người trên lưng, chạy không thể nhanh được, năm tên
cường đạo đuổi theo sau mỗi lúc một gần, nghe có tiếng vèo vèo, ba mũi
tên bắn xoẹt ngang qua người. Bọn ăn cướp kia muốn bắt sống thành thử
không muốn bắn chết nàng, nên chỉ bắn dọa để nàng ngừng lại mà thôi.

Lý Văn Tú nghĩ thầm: “Ta nhất định cùng bọn chúng mày chết chung một
lượt, thôi để lão bá bá này chạy một mình vậy”. Nghĩ vậy nàng nhảy xuống ngựa, vỗ vào mông con vật một cái, kêu lên:

– Bạch mã, bạch mã, mang bá bá chạy cho mau.

Ông lão ngạc nhiên, không ngờ nàng bụng dạ nhân đức đến thế, nhưng chẳng lẽ ông chạy tìm đường sống một mình, nên hơi do dự, hạ giọng nói:

– Cầm lấy cái kim trong tay ta, cẩn thận đừng để đâm vào mình.

Lý Văn Tú cúi xuống xem, thấy kẹp trong hai ngón tay ông một cây kim
nhỏ, liền đưa tay cầm lấy, nhưng chưa rõ lý do tại sao. Ông lão nói:

– Cái kim này có tẩm thuốc cực độc, nếu cường đạo bắt được ngươi, chỉ cần đâm nhẹ vào người chúng nó, bọn cướp sẽ chết ngay.

Lý Văn Tú giật mình kinh hãi, bây giờ mới nghĩ đến ông lão đã cầm sẵn
cái kim, lúc trước không để ý, xem ra nếu mình trả lời không vừa bụng
ông ta, thì ông sẽ dùng kim đâm vào mình. Ông lão lúc ấy mới giục ngựa
chạy thẳng.

Năm tên ăn cướp chạy đến gần, vây Lý Văn Tú vào giữa. Năm tên đó thấy cô gái tuổi trẻ xinh đẹp, không ai còn nghĩ đến việc đuổi theo ông già
nữa. Năn tên liền nhảy xuống ngựa, mặt đứa nào cũng tươi rói. Lý Văn Tú
tim đập thình thình, nghĩ thầm ông già nói là độc châm có thể giết người được nhưng cái kim nhỏ bé, làm sao chống nổi với năm gã đàn ông khỏe
mạnh, hung ác đáng sợ thế này. Nếu có giết được một tên, còn lại bốn tên thì làm sao? Chi bằng dùng kim đâm mình chết để khỏi bị bọn này lăng
nhục. Chỉ nghe một tên nói:

– Con bé này kháu quá.

Lập tức hai tên xông tới bên nàng. Gã bên trái liền đấm một cái, đánh gã kia ngã lăn ra, hầm hè quát:

– Mày dám tranh với ông hả?

Nói xong liền ôm ngang hông Lý Văn Tú. Lý Văn Tú trong cơn hoảng hốt, dùng kim chích vào cánh tay y một cái, kêu lên:

– Ác cường đạo, mau bỏ ta ra.

Gã kia ngơ ngẩn nhìn nàng đột nhiên cứng đơ không còn động đậy gì nữa.
Gã ngã dưới đất nhỏm dậy giang hai tay ôm lấy bắp chân Lý Văn Tú, giựt
mạnh một cái, kéo nàng ngã xuống. Lý Văn Tú giơ tay trái ra đẩy y ra,
tay phải tống một cái, mũi kim đâm ngay vào ngực y. Tên kia đang cười ha hả, đột nhiên im bặt, há hốc mồm, thân hình cũng đờ ra không còn cử
động.

Lý Văn Tú vùng dậy nhảy lên lưng một con ngựa, giục ngựa chạy vào trong
núi. Ba tên còn lại thấy hai tên kia bỗng dưng cứng đờ, tưởng như trúng
gió, đều nghĩ đã bị Lý Văn Tú điểm huyệt, nghĩ thầm cô gái này võ công
thật cao siêu, không dám đuổi theo. Ba tên này không biết phép điểm
huyệt, giải huyệt, chỉ còn nước đem hai tên đồng bọn về cho thủ lãnh.
Nào hay khi sờ vào người hai tên này, thấy lạnh dần, đưa tay lên mũi,
mới hay đã ngừng thở chết từ bao giờ.

Ba gã kinh hãi quá, một lúc lâu không nói nên lời. Một gã họ Tống hiểu
biết đôi chút, lột áo hai người ra xem, thấy một gã tay có vết đen bằng
đồng tiền, giữa vết bầm có một nốt kim châm nhỏ, còn một gã thì trên
ngực có vết chàm đen. Bọn này liền hiểu ra: “Con nhãi đó dùng kim đâm
người, trên kim có tẩm chất độc”. Một gã họ Toàn nói:

– Thế thì không sợ, mình đứng xa xe bắn tên, không cho nó đến gần là được.

Một tên ăn cướp họ Vân thì nói:

– Đã biết được quỉ kế của nó rồi thì còn sợ quái gì nữa.

Tuy nói thế nhưng ba đứa vẫn không dám đuổi theo, một mặt bàn tán một
mặt thu hết can đảm đuổi vào sơn cốc. Lý Văn Tú hai lần thành công, vừa
mừng vừa sợ, biết bọn chúng ba đứa thể nào cũng tìm ra, những chúng ắt
sẽ cố đề phòng, không để nàng dùng kim đâm nữa. Nàng đang giục ngựa chạy cho nhanh, bỗng nghe phía bên trái có tiếng người nói:

– Vào đây này.

Chính là tiếng của ông già. Lý Văn Tú vội vàng xuống ngựa, thấy tiếng
nói từ một cái hang truyền ra, lập tức chạy tới. Ông lão đứng ngay cửa
động, hỏi:

– Thế nào?

Lý Văn Tú nói:

– Tôi… tôi đâm được hai tên… hai tên cướp, chạy được tới đây.

Ông lão nói:

– Tốt lắm, thôi mình đi vào.

Vào trong động thấy cái hang đó thật sâu, Lý Văn Tú đi theo ông lão, cái hang càng lúc càng nhỏ lại. Đi được vài chục trượng, sơn động bỗng dưng mở ra, có thể chứa được đến một hai trăm người. Ông già nói:

– Mình giữ ngay chỗ đường hẹp đi vào, ba tên giặc đó chẳng vào nổi đâu.
Cái đó gọi là “Nhất phu đương quan, vạn phu mạc khai ” đó.

Lý Văn Tú buồn rầu đáp:

– Thế nhưng mình cũng chẳng ra được. Cái hang này có thông đi đâu không?

Ông lão đáp:

– Thông đạo thì có nhưng không thông đến bên ngoài núi được.

Lý Văn Tú nghĩ đến chuyện vừa rồi, trong lòng vẫn còn kinh hãi, hỏi thêm:

– Bá bá, mới rồi tôi đâm hai tên giặc cướp, đột nhiên chúng không còn cử động gì nữa, không lẽ chết thật sao?

Ông lão ngạo nghễ đáp:

– Bị trúng độc châm của ta, ai mà còn sống nổi?

Lý Văn Tú đưa tay ra, trả lại chiếc kim cho ông ta. Ông già toan cầm lấy nhưng lại rụt ngay về nói:

– Bỏ xuống đất.

Lý Văn Tú y lời, ông lão nói:

– Ngươi lùi lại ba bước đi.

Lý Văn Tú thấy lạ lùng, liền lùi ba bước, lúc ấy ông già mới cúi xuống
lấy chiếc kim độc lên, bỏ vào một cái ống. Lý Văn Tú bây giờ đã rõ, thì
ra ông ta nghi ngại sợ mình bất ngờ dùng kim hại ông ta.

Ông già lại nói:

– Ta với ngươi không quen biết gì, hà cớ ngươi lại nhường ngựa cho ta chạy trốn là sao?

Lý Văn Tú đáp:

– Tôi cũng không biết nữa. Tôi thấy ông bệnh tật sợ bọn giặc giết hại ông.

Ông lão bỗng lảo đảo, hầm hừ nói:

– Làm sao ngươi biết trên người ta… trên người ta…

Nói tới đây, đột nhiên các bắp thịt trên mặt giựt giựt liên hồi, thần
tình thật là đau đớn, trên trán nhỏ xuống liên tiếp những giọt mồ hôi to bằng hạt đậu, một lát sau kêu lên một tiếng, lăn lộn dưới đất, miệng
rên rỉ.

Lý Văn Tú sợ đến chân tay bủn rủn, thấy ông lão nằm co quắp, chân tay quằn quại, nhỏ nhẹ nói:

– Trên lưng ông đau lắm phải không?

Nói xong giơ tay đấm nhè nhẹ lên lưng ông ta, lại nắn bóp các khuỷu tay, khoeo chân. Con đau của ông lão giảm dần, gật đầu cảm ơn, khoảng chừng
tàn một nén hương lúc ấy mới hết liền đứng lên, hỏi:

– Ngươi có biết ta là ai không?

Lý Văn Tú nói:

– Không biết.

Ông lão nói:

– Ta là người Hán, họ Hoa tên Huy, người đất Giang Nam, trên giang hồ gọi tên “Nhất Chỉ Chấn Giang Nam” chính là ta đó.

Lý Văn Tú nói:

– Ồ, thì ra là Hoa lão bá bá.

Hoa Huy nói:

– Ngươi chưa nghe đến ta hay sao?

Trong giọng có chiều hơi thất vọng, nghĩ thầm tên mình Nhất Chỉ Chấn
Giang Nam Hoa Huy vang dậy Giang Nam Giang Bắc, trong võ lâm ai mà không biết, nhưng xem thần sắc Lý Văn Tú dường như không có gì kinh ngạc.

Lý Văn Tú nói:

– Cha tôi mẹ tôi hẳn đã từng nghe tên của lão bá bá, còn tôi khi đến Hồi Cương mới có tám tuổi, chẳng biết gì cả.

Hoa Huy mặt dịu xuống, nói:

– Chắc là như thế, ngươi…

Câu nói chưa dứt, bỗng nghe ngoài cửa động tại sơn đạo có tiếng người nói:

– Chắc nó trốn ở đây, cẩn thận coi chừng độc châm của nó.

Nói xong có tiếng chân, đi một bước lại ngừng một bước dè dặt tiến vào.
Hoa Huy lấy chiếc kim ra cắm đuôi kim vào đầu trượng, giao lại cho cô
cái, chỉ vào phía cửa hang, nói nhỏ:

– Đợi nó vào đâm ngay lưng, tuyệt đối đừng có nóng nảy mà đâm trước ngực.

Lý Văn Tú nghĩ thầm: “Đường vào hang nhỏ như thế, đợi y vào đâm ngay ngực chẳng dễ hơn nhiều hay sao?”.

Hoa Huy thấy nàng có vẻ ngờ vực bèn nói:

– Sống chết mất còn là ở giờ phút này, ngươi không nghe lời ta ư?

Tiếng tuy nhỏ nhưng giọng nói cực kỳ nghiêm khắc. Ngay lúc đó, từ phía
cửa hang một thanh đao sáng choang, múa lên vùn vụt, bảo vệ trước mặt để phòng địch nhân đánh lén, sau đó một bóng đen từ từ tiến vào, chính là
tên cướp họ Vân.

Lý Văn Tú nhớ lời dặn của Hoa Huy, nép vào một bên, không dám động đậy. Hoa Huy lạnh lùng nói:

– Ngươi xem trong tay ta có cái gì đây?

Giả vờ giơ ra, gã họ Vân vội vàng né tránh, vung đao ra trước để đỡ,
chăm chú nhìn ông ta, sợ ông ta ném ám khí. Hoa Huy quát lên:

– Đâm nó.

Lý Văn Tú giơ gậy lên, đầu gậy điểm ngay vào lưng ly một cái, độc châm
đã đâm vào. Gã họ Vân chỉ thấy lưng đau nhói một cái như bị ong đốt, kêu lên một tiếng đã ngã ra chết. Gã họ Toàn lẽo đẽo theo sau, thấy y trúng kim chết rồi, tưởng là Hoa Huy đã ném ám khí, sợ đến mất vía, không kịp quay lại chạy trốn, vừa lùi vừa giơ cả hai tay ra đỡ. Hoa Huy thở dài:

– Nếu như võ công ta không mất, năm tên giặc cỏ thế này có đáng gì đâu!

Lý Văn Tú nghĩ đến ngoại hiệu ông ta là Nhất Chỉ Chấn Giang Nam, hẳn là
võ công ghê gớm lắm thế sao thấy năm tên giặc mà không làm gì được cả,
nói:

– Hoa bá bá, vì ông bị bệnh nên không thi triển võ công được, phải vậy không?

Hoa Huy đáp:

– Không phải đâu, không phải đâu. Ta… ta có lời thề, nếu không phải
lúc sinh tử quan đầu thì không được thi triển võ công một cách bừa bãi.

Lý Văn Tú kêu “Ồ” một tiếng, thấy ông ta nói có vẻ không ăn khớp với
nhau, vừa mới bảo “võ công bị mất”, bây giờ lại cố gắng che đậy, thế
nhưng nếu như ông ta không muốn nói, nàng cũng chẳng hỏi thêm làm gì.

Hoa Huy cũng thấy mình ăn nói có vẻ sơ hở, bèn lảng qua chuyện khác nói:

– Ta bảo ngươi đâm vào sau lưng, ngươi có hiểu lý do tại sao không? Y
tấn công vào trong hang, chỉ chăm chăm phòng bị đằng trước, ngươi không
biết võ công, tập kích phía trước mặt không có thể thắng được. Ta dụ cho y tập trung đề phòng ta, ngươi ở phía sau đâm một cái là trúng ngay.

Lý Văn Tú gật đầu:

– Kế của bá bá hay thật.

Cũng biết Hoa Huy giang hồ duyệt lịch rất nhiều, đối phó với mấy tên
giặc cỏ thật chẳng có gì là khó. Hoa Huy lấy trong bọc ra một miếng dưa
đã phơi khô đưa cho Lý Văn Tú nói:

– Thôi ăn trước đã. Hai tên giặc kia chưa dám tiến vào đâu, nhưng mình
cũng không ra được. Để ta nghĩ kế nào giết luôn cả hai tên, chứ nếu chỉ
giết được một đứa, tên kia thể nào cũng chạy đi báo tin, cả bọn chúng
kéo tới thì thật là khó mà đối phó.

Lý Văn Tú thấy ông ta suy nghĩ chu đáo, trí mưu phong phú, biết mình
không thể nào có được kế nào cao minh hơn, nên không cần tính toán thêm, ăn no dưa khô rồi ngồi dựa vào vách đá nghỉ ngơi.

Độ nửa giờ sau, Lý Văn Tú bỗng ngửi thấy một mùi khét lẹt, rồi bắt đầu ho lên sù sụ. Hoa Huy nói:

– Không xong rồi! Bọn giặc này dùng khói hun mình đây. Mau bít cửa hang lại.

Lý Văn Tú lấy đất cát sỏi đá dưới chân đem chặn cửa hang. Cũng may cái
cửa hang rất nhỏ nên sau khi chặn lại rồi khói tuôn vào hang rất ít. Bên trong hang lại rất lớn nên khói vào rồi cũng theo mấy lỗ đằng sau tản
đi cả. Cứ như thế hai bên cầm cự một hồi lâu, ánh nắng chiếu từ đằng sau động vào mỗi lúc một sáng, dường như đã chính ngọ. Đột nhiên Hoa Huy
lại kêu lên một tiếng “A” rồi lăn xuống đất giãy giụa nữa. Lần này so
với lần trước có vẻ đau đớn hơn, tay múa chân đạp lung tung, có vẻ như
không chế ngự nổi. Lý Văn Tú kinh hãi, lại chạy tới đấm bóp cho ông ta.
Hoa Huy vừa bớt đau, hổn hển nói:

– Cô… cô nương, lần này ta xem không còn chịu nổi nữa rồi.

Lý Văn Tú an ủi:

– Đừng nghĩ thế, hôm nay gặp phải địch nhân nên quá lo lắng, nghỉ một lát là khỏi ngay.

Hoa Huy lắc đầu:

– Không được đâu, không được đâu. Ta sắp chết rồi, nói thật với ngươi… đằng sau lưng ta bị trúng… trúng một cái kim độc.

Lý Văn Tú “A” lên một tiếng nói:

– Ông trúng kim độc từ bao giờ? Hôm nay ư?

Hoa Huy nói:

– Không phải đâu, trúng đã mười hai năm rồi.

Lý Văn Tú ngạc nhiên nói:

– Có phải cũng cái kim độc ghê gớm ấy không?

Hoa Huy đáp:

– Cũng một thứ. Có điều ta vận công đề ngự nên độc tính phát tác rất
chậm, về sau lại uống thêm thuốc giải, cho nên mới chịu được mười hai
năm, tới ngày hôm nay xem chừng không còn chịu thêm được nữa. Ôi, trên
mình mang cái kim quái quỉ đó, mười hai năm trời, mỗi ngày đau đớn ba
bận, nếu biết như thế, hồi đó ta đừng uống thuốc giải cho xong, đau đớn
thêm mười hai năm, rồi sau cùng cũng chẳng đi đến đâu.

Lý Văn Tú trong lòng nhói một cái, câu đó cũng không khác gì tâm sự
nàng. Mười năm trước nếu như nàng cùng với cha mẹ chết luôn một thể
trong tay bọn cướp, về sau đã khỏi phải chịu bao nhiêu khổ sở. Thế nhưng mười năm qua có thật là khổ sở hay không? Không, cũng có thời kỳ sung
sướng. Một thiếu nữ mười bảy mười tám tuổi, dù có thương tâm tịch mịch
chăng nữa, trong cuộc đời thể nào chẳng có những lúc sung sướng ngọt
ngào.

Chỉ thấy Hoa Huy nghiến chặt hai hàm răng, cố gắng chịu đựng cơn đau, Lý Văn Tú nói:

– Bá bá, ông nghĩ cách rút cái kim độc ra, có lẽ sẽ khỏe hơn đó.

Hoa Huy gắt lên:

– Nói nhăng, cái đó ai chẳng biết? Ta sống một mình nơi hoang sơn này,
lấy ai mà nhổ kim ra cho ta? Còn vào trong đây có người nào là người tử
tế, ối ối…

Lý Văn Tú trong lòng đầy nghi hoặc: “Sao ông ta không ra ngoài tìm thầy
chữa thuốc, một thân một mình ở trong núi hoang này mười hai năm là tại
sao?”. Hiển nhiên ông ta đối với mình còn đầy đề phòng nghi ngại nhưng
trước mắt nàng thấy ông lão đau đớn thật đáng thương nên nói:

– Bá bá, để tôi thử xem. Bác đừng ngại, tôi quyết không hại bác đâu.

Hoa Huy chăm chú nhìn nàng, hai hàng lông mày nhíu lại, trong lòng
chuyển qua bao nhiêu ý niệm, dường như vẫn không có được chủ định gì. Lý Văn Tú rút chiếc kim nơi đầu trượng ra, đưa cho ông ta nói:

– Bác để cho tôi xem vết thương trên lưng ra sao. Nếu bác thấy tôi có lòng bất lương, bác dùng độc châm đâm tôi.

Hoa Huy đáp:

– Được.

Y cởi áo ra để lộ lưng trần. Lý Văn Tú vừa nhìn thấy, không nhịn nổi
phải kêu khẽ một tiếng, thấy lưng ông ta chỗ trắng chỗ đen, không biết
bao nhiêu là vết sẹo. Hoa Huy nói:

– Ta trăm phương nghìn kế tím cách đào cái kim ra nhưng vẫn không lấy ra được.

Có vết sẹo dường như lấy lưng đập vào đá, có vết thì tựa như lấy ngón
tay moi vào. Lý Văn Tú nhìn những vết thương đó biết rằng mười hai năm
qua ông ta chịu không biết bao nhiêu dày vò, trong lòng không khỏi ái
ngại hỏi:

– Cái kim độc đó cắm vào chỗ nào?

Hoa Huy đáp:

– – Tổng cộng có ba cái, một tại huyệt Phách Hộ, một tại huyệt Chí Thất, và một tại huyệt Chí Dương.

Ông ta vừa nói vừa chỉ cho Lý Văn Tú những nơi độc châm ở, có điều thời
gian đã lâu, lại thêm lưng đầy sẹo, không cách nào nhìn thấy được vết
kim đâm vào. Lý Văn Tú kinh hãi nói:

– Cả thảy ba cái ư? Sao bác nói là trúng một cái?

Hoa Huy giận đữ đáp:

– Lúc đầu ngươi đâu có nói là sẽ giúp ta nhổ kim ra, việc gì ta phải nói thực cho ngươi biết?

Lý Văn Tú biết rằng ông ta rất đa nghi, nên khi trúng độc châm rồi mất
hết võ công, sợ mình gia hại ông ta nên nói là vì đã lập một lời thề,
không thể sử dụng võ công bừa bãi, cả đến số kim bị trúng, cũng bớt đi
hai cái để cho nếu như mình có ý hại ông ta thì cũng thêm phần e ngại.
Nàng quả không thích cái tính cơ trá của ông già, nhưng nghĩ đã cứu thì
cứu đến cùng, ông lão này thật là đáng thương, nên không thể nghĩ thêm
nữa chỉ trầm ngâm tìm cách nào rút mấy cái kim nằm sâu trong thịt ra
thôi.

Hoa Huy hỏi:

– Ngươi có thấy rõ không?

Lý Văn Tú đáp:

– Tôi không thấy đuôi kim đâu cả, bác thử nghĩ cách nào hay nhất lấy ra được?

Hoa Huy đáp:

– Nên dùng vật sắc bén mổ thịt ra mới thấy được. Độc châm ngập vào mấy tấc thật khó mà tìm.

Nói tới đây âm thanh dường như run run. Lý Văn Tú đáp:

– Được, tiếc thay tôi lại không mang dao nhỏ.

Hoa Huy đáp:

– Ta cũng không có dao.

Đột nhiên chỉ thanh đao dài nằm dưới đất nói:

– Dùng cái dao kia cũng được rồi.

Thanh đao đó xanh lè lấp loáng, thật là sắc bén, nằm ngang người gã họ
Vân, lúc này người chết đao còn, không khỏi khiến người ta kinh sợ. Lý
Văn Tú thấy như nếu dùng con dao đó mà mổ lưng ông ta thật là bất tiện,
còn đang chần chừ, Hoa Huy hiểu rõ ý nàng, chuyển sang giọng ôn hòa nói:

– Lý cô nương, nếu cô giúp tôi rút độc châm ra, tôi sẽ tạ ơn cô rất
nhiều vàng bạc châu báu. Ta không lừa cô đâu, nói thật rất nhiều vàng
bạc châu báu.

Lý Văn Tú nói:

– Tôi chẳng mong vàng bạc châu báu làm gì, cũng chẳng cần ông phải tạ ơn. Chỉ muốn ông khỏi đau thế là tốt rồi.

Hoa Huy nói:

– Hay lắm, thế cô mau mau ra tay đi.

Lý Văn Tú bấy giờ mới nhặt thanh đao lên, cắt trong áo gã họ Vân kia độ mươi mảnh vải để cầm máu và băng bó, nói:

– Bá bá, tôi chỉ cố làm hết sức, bác chịu đau một tí.

Nàng nghiến răng, dùng mũi dao để cách chỗ huyệt Phách Hộ ông ta chỉ
chừng vài phân nhẹ nhàng cắt xuống. Dao đi vào thịt, máu tươi vọt ra,
Hoa Huy chẳng thèm xuýt xoa một tiếng, hỏi:

– Có thấy không?

Mười hai năm qua y đã chịu bao nhiêu là đau khổ, đối với chuyện dao cắt
chẳng coi vào đâu. Lý Văn Tú lấy chiếc trâm trên đầu đưa vào trong vết
cắt mò thử, quả nhiên thấy một cây kim nhỏ, cắm vào trong xương. Nàng
vạch vết thương ra, hai ngón tay cầm đuôi kim giựt mạnh một cái, nhưng
trơn quá, phải đến lần thứ tư mới lấy ra được. Hoa Huy kêu lên một
tiếng, đau đến ngất đi. Lý Văn Tú nghĩ thầm: “Ông ta bất tỉnh rồi cũng
đỡ đau”. Nàng tiếp tục mổ các nơi khác rút ra hai cây kim nữa rồi dùng
vải dịt vết thương cho ông ta.

Một lúc sau, Hoa Huy tỉnh lại, vừa mở mắt ra thấy trước mặt ba chiếc kim đen sì, hậm hực nói:

– Quỉ châm, tặc châm, chúng bay ở trong thịt ta mười hai năm, hôm nay mới chịu ra.

Ông ta quay sang Lý Văn Tú nói:

– Lý cô nương, cô cứu mạng cho ta, lão phu không biết lấy gì báo đáp,
chỉ biết tặng cô ba chiếc kim này. Tuy ba chiếc kim nằm trong da thịt ta mười hai năm nhưng độc tính vẫn còn nguyên không mất.

Lý Văn Tú lắc đầu:

– Tôi không lấy.

Hoa Huy lạ lùng hỏi:

– Uy lực của độc châm chính mắt cô đã thấy rồi. Cô có những chiếc kim này trong tay, ai cũng phải sợ cô ba phần.

Lý Văn Tú nói nhỏ:

– Tôi không muốn người khác phải sợ tôi.

Nàng trong bụng chỉ muốn nói: “Tôi chỉ muốn người khác yêu thích tôi,
những kim độc này chẳng thể làm được chuyện đó đâu”. Độc châm lấy ra
rồi, Hoa Huy tuy chảy máu nhiều, mười phần suy nhược nhưng trong bụng
vui vẻ, tinh thần cao hứng, nhắm mắt ngủ đến hơn một giờ. Trong giấc mơ
bỗng nghe tiếng người chửi rủa, y giật mình tỉnh giấc, nghe gã ăn cướp
họ Tống ở bên ngoài hang ăn nói tục tằn, nhục mạ lời lẽ thật là độc ác. Y không dám tiến vào nên định dụ cho kẻ địch phải đi ra. Hoa Huy càng
nghe càng tức, đứng dậy nói:

– Độc châm trong người ta hết rồi, Nhất Chỉ Chấn Giang Nam không lẽ lại sợ hai tên giặc cỏ?

Thế nhưng vừa vận khí, kình lực không vận lên được, thở dài:

– Kim độc nằm trong người ta quá lâu, xem ra ba bốn tháng nữa mới hồi phục nội công.

Tai nghe tên cướp leo lẻo “thằng giặc già, thằng khốn nạn”, y giận dữ nói:

– Chẳng lẽ ta phải chịu nghe ngươi chửi ngày này tháng khác rồi mới giết ngươi hay sao?

Y nghĩ thầm: “Bọn ngươi không vào động được, thể nào cũng về gọi cả bầy
đến đây thì thật ôi thôi. Bây giờ biết làm thế nào đây?”.

Đột nhiên y nghĩ ra một cách bèn nói:

– Lý cô nương, để ta dạy cô một lộ võ công, để cô ra thanh toán hai tên giặc cướp này.

Lý Văn Tú hỏi:

– Phải mất bao lâu mới học xong? Không có cách gì nhanh hơn sao.

Hoa Huy trầm ngâm đáp:

– Nếu dạy ngươi điểm huyệt, đao pháp, quyền pháp, ít ra cũng phải nửa
năm mới biết chút đỉnh, việc trước mắt không tốc thành không xong. Đành
luyện một món binh khí bàng môn cực nhanh, trong một hai chiêu là thắng
rồi. Thế nhưng trong cái hang này lấy đâu ra binh khí?

Y ngửng đầu lên đột nhiên vui mừng nói:

– Được rồi, mau ra hái hai trái bầu khô ở trên kia xuống, nhớ lấy luôn cả dây leo, mình luyện lưu tinh chùy.

Lý Văn Tú thấy nơi ánh sáng chiếu xuống, lủng lẳng mươi trái bầu khô đã
lâu, không biết mọc hồi nào, liền dùng sức cắt hai trái cả bầu lẫn dây
xuống. Hoa Huy nói:

– Tốt lắm. Ngươi đục một cái lỗ trên trái bầu, đổ cát vào, rồi lấy dây đóng chặt lại.

Lý Văn Tú y lời làm như thế. Hai trái bầu đổ đầy cát, mỗi trái phải nặng đến bảy tám cân, quả nhiên là môt đôi lưu tinh chùy. Hoa Huy cầm trên
tay, nói:

– Ta dậy ngươi một chiêu “Tinh Nguyệt Tranh Huy”.

Nói xong cầm đôi hồ lô lưu tinh chùy chầm chậm diễn một tư thế ra. Chiêu Tinh Nguyệt Tranh Huy này bên trái đánh vào huyệt Thương Khúc nơi giữa
bụng và ngực kẻ địch, bên phải lập tức đi theo, đi vòng ra đánh vào
huyệt Linh Đài sau lưng, tuy chỉ một chiêu nhưng bên trong bao hàm thủ
kình, nhãn lực, tung chùy nhận huyệt nhiều pháp môn khác nhau, lại phải
đề phòng địch nhân né trái tránh phải, mượn lực đánh trả. Thành thử Lý
Văn Tú học đến hơn một giờ mới biết tung chùy cho đúng cách.

Nàng lau mồ hôi trên mặt, sượng sùng nói:

– Tôi ngu quá, học mãi mới biết.

Hoa Huy nói:

– Ngươi không ngu đâu, mà phải nói là rất thông minh. Ngươi đừng coi
thường chiêu Tinh Nguyệt Tranh Huy này, tuy chỉ là công phu vỡ lòng,
nhưng biến hóa kỳ ảo, uy lực vô cùng, người thường phải mất mười ngày,
tám ngày cũng chưa chắc đã xong. Nếu dùng đối phó với hảo thủ võ lâm,
chỉ một chiêu thì không ăn thua gì, nhưng để đánh bại hai tên giặc cỏ,
thì thật là quá đủ. Ngươi ngồi nghỉ giây lát rồi ra làm thịt chúng nó.

Lý Văn Tú hoảng hốt nói:

– Chỉ một chiêu đó mà xong ư?

Hoa Huy cười đáp:

– Ta tuy chỉ dạy ngươi một chiêu thôi, nhưng ngươi cũng đã là đệ tử của
ta rồi, học trò của Nhất Chỉ Chấn Giang Nam đối phó với hai tên ăn cướp, chẳng lẽ phải dùng đến hai chiêu sao? Ngươi không sợ làm tổn uy danh
của sư phụ ư?

Lý Văn Tú quả thực không muốn bái ai làm thầy, không khỏi chần chừ không trả lời, nhưng thấy vẻ mặt ông ta cực kỳ thất vọng, về sau lại dường
như có chiều đau lòng, không nỡ từ chối bèn quì xuống lạy mấy lạy, kêu
lên:

– Sư phụ.

Hoa Huy thật là hoan hỉ, lại có vẻ ngại ngùng, u buồn nói:

– Đâu có ngờ ta chết đi sống lại, lại còn thu được một đứa học trò thông minh lanh lợi như thế này.

Lý Văn Tú cũng mỉm cười, nghĩ thầm: “Ta ở trên đời này ngoài Kế gia gia, chẳng còn ai thân thiết. Học hay không học võ công cũng chẳng làm gì.
Chẳng qua thêm một sư phụ thì bớt đi một người muốn hại ta, thêm một
người chăm sóc cho ta”. Hoa Huy nói:

– Trời sắp tối rồi, người dùng lưu tinh chùy mở đường, xông ra đi. Đến chỗ nào rộng rãi thì lấy mạng hai tên giặc đó.

Lý Văn Tú quả thật sợ hãi, Hoa Huy giận dữ nói:

– Ngươi không tin tưởng vào võ công của ta, sao lại còn lạy ta làm thầy? Năm xưa Mân Bắc song hùng hai đứa bỏ mạng cũng vì chiêu Tinh Nguyệt
Tranh Huy này đó. Tài nghệ hai thằng giặc cỏ kia, so với Mân Bắc song
hùng thì thế nào?

Lý Văn Tú nào có biết Mân Bắc song hùng võ công đến đâu, nhưng thấy ông
ta nổi cáu, đành phải thu hết can đảm đẩy những tảng đá chắn lối hang
ra, tay phải xách đôi hồ lô lưu tinh chùy, tay trái nhặt một mũi kim độc dưới đất lên, quát lớn:

– Bọn ác tặc chết tiệt kia, xem độc châm đây.

Hai tên giặc họ Tống và họ Toàn đang canh ngoài cửa hang, nghe thấy “xem độc châm đây”, sợ đến mất hết hồn vía, vội vàng lùi lại. Tên họ Tống
vốn đã nghĩ đến chuyện nếu quả thực nàng ném kim độc thì đời nào lại báo động trước như thế, còn như nàng hô hoán ắt chẳng phóng độc châm đâu,
thế nhưng trước mắt chứng kiến ba tên đồng bọn chết làm sao y dám thản
nhiên không lý đến?

Lý Văn Tú chầm chậm duổi theo, trong bụng cũng sợ không kém gì hai tên
cường đạo. Cả ba người đều nơm nớp lo cùng chạy ra khỏi hơn mười trượng
hang núi chật hẹp. Tên họ Toàn vừa quay đầu lại, Lý Văn Tú liền vung tay trái lên, tên cướp hoảng quá, chân vấp một cái ngã lăn cù. Tên họ Tống
lại tưởng y trúng độc châm, càng cố chạy cho nhanh, vọt ra khỏi động.
Tên họ Toàn cũng lóp ngóp chạy theo. Hai đứa múa đao hộ thân, một tên
nói:

– Mình đứng đây đối phó với con nhãi đó.

Một tên trả lời:

– Đúng thế, nếu nó có ném độc châm mình cũng nhìn thấy rõ.

Lúc đó mặt trời đã xuống dưới núi, ánh sáng buổi chiều chiếu lên mặt hai tên Tống Toàn, hai đứa hơi nghiêng đầu né cho khỏi mặt trời rọi thẳng
vào mắt, bỗng nghe từ trong hang một tiếng lảnh lót:

– Coi độc châm đây!

Hai đứa vội lách qua một bên, thấy từ trong hang bay ra hai trái hồ lô,
Lý Văn Tú đã nhảy ra. Hai người lúc đầu kinh hãi, đến khi thấy nàng tay
cầm hai trái bầu khô, không khỏi cười rộ lên, không còn đề phòng gì nữa. Lý Văn Tú tim đập thình thình, nàng chỉ học được một chiêu võ công,
chẳng biết có dùng được không, tuy khi bé có học cha mẹ ít nhiều, nhưng
cha mẹ chết rồi nàng cũng không tập luyện thành thử cũng quên hết cả.

Nàng quả thực sợ hãi hai tên ăn cướp diện mạo hung ác này lắm, nếu như
không cần chiến đấu mà dọa bọn chúng bỏ chạy được thì hay biết bao
nhiêu, nên gằn giọng quát lớn:

– Các ngươi nếu không chạy cho nhanh, sư phụ ta Nhất Chỉ Chấn Giang Nam
sẽ bước ra, độc châm của lão nhân gia giết người thật không khác gì lấy
đồ trong túi, các ngươi dám trêu đếu thầy ta thật là lớn mật.

Hai tên ăn cướp này đều là bọn tầm thường, cái tên Nhất Chỉ Chấn Giang
Nam cũng đã nghe qua nhưng đâu có liên hệ gì nên chẳng thèm để bụng. Hai đứa đưa mắt cho nhau, cùng nghĩ thầm: “Mình cứ tóm con bé này đem về
cho Hoắc đại gia, Trần nhị gia là lập được đại công, cần quái gì đến
Chấn Giang Nam, Chấn Giang Bắc?”. Hai gã bèn cùng hô hoán chia hai bên
xông vào.

Lý Văn Tú giật mình kinh hãi: “Nếu hai đứa cùng xông vào, làm sao dùng
được chiêu Tinh Nguyệt Tranh Huy?”. Quả thật Hoa Huy hết sức dạy cho
nàng ra chiêu làm sao đả huyệt, nhưng quên hẳn dạy cho nàng làm sao đối
phó với hai tên một lần. Nên biết đối địch ra chiêu, thiên biến vạn hóa, chỉ trong một hai giờ học được bao nhiêu?

Lý Văn Tú chân tay luống cuống, nhảy vội qua bên phải ba thước. Tên họ
Toàn đang ở bên phải, liền xông lên tấn công, Lý Văn Tú bất kể trời đất, vung luôn hai trái hồ lô, trong cơn nguy cấp chiêu Tinh Nguyệt Tranh
Huy chỉ sử dụng được có một nửa, chùy bên trái đánh trúng huyệt Thương
Khúc trên ngực y, còn chùy bên phải trúng ngay thanh đao, nghe bốp một
tiếng, trái bầu bị chặt vỡ, cát bay ra tung tóe.

Tên họ Tống vừa đang xông lên, đâu ngờ trong trái bầu lại văng ra nhiều
cát đến thế, bị cả chục hạt lọt vào mắt, vội đưa tay dụi. Lý Văn Tú liền tung chùy ra, vì chùy bên trái vỡ mất rồi, không có thế để mượn, chỉ
đánh trúng sau lưng y, nhưng lại không trúng huyệt Linh Đài. Thế nhưng
trái bầu nặng đến bảy tám cân đánh vào người, tên họ Tống cũng đứng
không vững, ngã sấp mặt xuống, mắt cũng không mở được, vồ trúng ngay đầu vai Lý Văn Tú. Lý Văn Tú kêu lên:

– Ôi chao.

Tay trái nàng đẩy y ra, trong cơn hoảng hốt quên là mình tay cầm mũi kim độc nên đâm luôn vào bụng y. Tên họ Tống hai tay ríu lại, chết ngay lập tức. Tuy gã chết rồi nhưng tay vẫn ôm chặt, Lý Văn Tú cố sức vùng ra
nhưng vẫn không thoát. Hoa Huy thở dài:

– Con bé này ngốc thật, lúc học thì cái gì cũng thông, đến lúc làm thì làm lung tung hết cả.

Y giơ chân đá vào xương cùng tên họ Tống một cái, hai tay y liền lỏng
ra, ngã ngửa về sau. Lý Văn Tú kinh hồn chưa hết, nhìn lại tên họ Toàn
thấy y đứng sừng sững, hai mắt trợn tròn, không cử động gì được, đã bị
cái hồ lô đánh trúng yếu huyệt chết từ bao giờ. Lý Văn Tú một ngày đánh
chết năm tên cường đạo, tuy chỉ là báo thù cho cha mẹ, lại để chống cự
với bọn gian ác nhưng trong lòng cũng thấy không an, đứng ngơ ngẩn nhìn
hai xác chết, nhịn không nổi khóc òa lên.

Hoa Huy mỉm cười:

– Việc gì mà khóc? Sư phụ dạy ngươi chiêu Tinh Nguyệt Tranh Huy đó có hay không?

Lý Văn Tú nghẹn ngào:

– Con… con đã giết người.

Hoa Huy nói:

– Giết mấy tên giặc cỏ thì có sá gì? Sau khi võ công ta hồi phục rồi, sẽ đem một thân công phu truyền cho ngươi, sau khi việc lớn thành rồi,
thầy trò mình về Trung Nguyên tung hoành thiên hạ, có gì mà không được?
Đi đi đi, lại nhà ta nghỉ ngơi, uống vài chén trà.

Nói rồi đưa Lý Văn Tú đi qua một khu rừng rậm ở phía bên trái, đi độ một dặm tới một cây có hoa trắng đến một căn nhà tranh. Lý Văn Tú theo ông
ta đi vào căn nhà, thấy bên trong trần thiết giản phác nhưng rất sạch sẽ phong nhã, có treo một đôi câu đối, mỗi câu bảy chữ, một câu là:

Bạch thủ tương tri do án kiếm

Câu bên kia là:

Chu môn tảo đạt tiếu đàn quan

Từ khi đến đất Hồi Cương nàng chưa nhìn thấy câu đối bao giờ, cũng chẳng ai dạy nàng học nhưng cũng may mười bốn chữ này không mấy khó, hồi còn
bé mẹ nàng cũng đã dạy qua rồi, tuy nghĩa văn hoàn toàn không hiểu gì
cả, nên chỉ lẩm nhẩm đọc:

– Bạch thủ tương tri do án kiếm…

Hoa Huy hỏi:

– Ngươi đã đọc bài thơ này bao giờ chưa?

Lý Văn Tú đáp:

– Chưa đọc. Mười bốn chữ này nói gì thế?

Hoa Huy văn võ toàn tài, nói:

– Đây là hai câu thơ của Vương Duy. Câu trên nói là nếu như ngươi có
được người bằn hữu tri kỷ, chơi với nhau cả đời, đến khi cả hai đều đầu
bạc nhưng ngươi vẫn không vì thế mà tin được người đó, có khi y vẫn ngầm làm hại ngươi đó. Ngươi đến trước mặt y, cũng vẫn nên tay để vào đốc
kiếm. Câu trên của đôi câu đối này có nghĩ là “tình người đổi trắng thay đen, lên xuống như sóng nước”. Còn câu “Chu môn tảo đạt tiếu đàn quan”
thì nói là bạn ngươi đến khi đắc ý rồi, đường mây rong ruổi, đừng có
mong y đề bạt mình, giúp đỡ mình mà y cười cho đấy.

Lý Văn Tú từ khi gặp được ông già, thấy ông ta dối với mình cái gì cũng
ngần ngại đề phòng, mãi đến khi mình giúp ông ta nhổ kim độc ra rồi mới
tin là mình không có ý hại ông ta, đến khi nhìn thấy hai câu đối này
nghĩ rằng trong đời hẳn ông ta đã bị người ta hãm hại rất lớn, mà người
đó chính là người bạn lâu năm, thành thử mới hận đời, dè dặt đến thế.

Lúc này nàng không tiện hỏi thêm chỉ lặng lẽ đi xuống nấu nước pha trà.
Hai người mỗi người uống hai chén rồi, tinh thần cao hứng, Lý Văn Tú
nói:

– Sư phụ, con phải đi về đây.

Hoa Huy ngạc nhiên, trên mặt mười phần thất vọng nói:

– Ngươi đi ư? Ngươi không theo ta học võ à?

Lý Văn Tú đáp:

– Không, đêm qua con không về, Kế gia gia hẳn là lo lắng lắm. Đợi con nói cho ông ta nghe rồi sẽ quay lại học võ nghệ.

Hoa Huy đột nhiên nổi giận, mặt đỏ lên, lớn tiếng:

– Nếu ngươi nói cho y nghe thì từ rày đừng có lại đây gặp ta nữa.

Lý Văn Tú giật mình nhảy dựng lên, nói nhỏ:

– Không nói cho Kế gia gia nghe ư? Ông ấy… ông ấy thương con lắm mà.

Hoa Huy nói:

– Nói với ai cũng không được cả. Ngươi phải lập lời thề độc, việc ngày
hôm nay, dù ai cũng không nói cho biết, nếu không thì ta không cho ngươi ra khỏi núi này đâu…

Ông ta nổi giận, vết thương trên lưng lại đau kịch liệt, “A” lên một
tiếng ngất xỉu. Lý Văn Tú vội đỡ ông ta lên, lấy nước lạnh đắp lên trán
ông ta. Một lúc sau, Hoa Huy từ từ tỉnh lại, lạ lùng hỏi:

– Sao ngươi chưa đi?

Lý Văn Tú hỏi lại:

– Lưng thầy còn đau lắm không?

Hoa Huy đáp:

– Đỡ nhiều rồi. Ngươi bảo ngươi muốn đi về, sao còn chưa đi?

Lý Văn Tú nghĩ thầm: “Kế gia gia cùng lắm cũng chỉ trông ngóng mình
thôi, còn sư phụ bị trọng thương thế này, nếu mình không ở lại chăm sóc
cho ông ấy, sẽ chết không chừng”. Liền nói:

– Sư phụ không khỏe lắm, để đồ nhi ở lại hầu hạ thầy vài ngày.

Hoa Huy nghe thế mừng lắm. Đêm hôm đó hai người nghỉ ngơi trong túp lều
tranh, Lý Văn Tú đi nhặt cỏ khô, nằm ngay trên nền nhà, trong giấc ngủ
nằm mơ tỉnh lại mấy lần, khi thì mơ thấy mình bị giặc bắt đi, lúc thì mơ thấy ác quỉ máu me đầy người đến đòi mạng. Sáng hôm sau tỉnh dậy, thấy
Hoa Huy nghỉ thêm một ngày nữa tinh thần đã thoải mái lắm rồi. Ăn sáng
xong, Hoa Huy liền dạy nàng võ công lại từ căn cơ nội công, nói:

– Con tuổi đã lớn rồi, bây giờ mới luyện thượng thừa võ công, quả cũng
đã muộn. Thế nhưng một là con tư chất thông minh, hai nữa sư phụ cũng
chẳng phải loại tầm thường. Minh sư thu cao đồ, còn sợ gì nữa? Chỉ năm
năm nữa, trong võ lâm ít có người địch lại con.

Cứ như thế luyện bảy tám ngày, Lý Văn Tú tiến bộ rất nhanh, vết thương
trên lưng Hoa Huy cùng từ từ bình phục, lúc ấy nàng mới bái biệt sư phụ
cưỡi con ngựa trắng quay về. Hoa Huy không bắt nàng lập lại lời thề nữa. Nàng về nhà rồi nhưng cũn không nói cho Kế lão nghe chỉ nói nàng bị lạc đường trên sa mạc, mỗi lúc một xa, mau gặp được một đoàn lái buôn đi
lạc đà mới khỏi chết khát trên bãi cát.

Từ đó cứ mười ngày nửa tháng, Lý Văn Tú lại đến nơi ở của Hoa Huy vài
ngày. Nàng sợ gặp lại bọn cướp, khi ra đi luôn luôn mặc đồ đàn ông Cáp
Tát Khắc. Trong mấy ngày đó, Hoa Huy tận lực dạy nàng võ công, Lý Văn Tú trong lòng cũng không có gì phải nghĩ ngợi thành thử một lòng một dạ
học võ, quả nhiên cao đồ gặp được minh sư, tiến bộ rất nhanh.

Cứ thế hai năm trời, Hoa Huy vẫn thường than thở:

– Với tài nghệ con bây giờ, trên giang hồ đã vào hạng cao thủ đệ nhất,
nếu như về đến Trung Nguyên, chỉ ra tay là đã nổi tiếng rồi.

Thế nhưng Lý Văn Tú đâu có nghĩ đến chuyện quay về Trung Nguyên, được
“nổi tiếng” trên chốn giang hồ, thế nhưng muốn báo thù cho cha mẹ, khi
gặp bọn cướp không đ chúng gia hại thì không thể không luyện võ công.
Trong nơi sâu kín nhất của lòng nàng còn một ý niệm là: “Nếu như ta học
võ giỏi rồi, ta có thể cướp Tô Phổ lại”. Thế nhưng ý nghĩ đó nàng không
mấy khi nghĩ đến, mỗi khi dấy lên mặt nàng lại đỏ bừng. Nàng tuy không
dám nghĩ đến nhiều, nhưng ý nghĩ đó nằm sâu trong tim, và càng ngày nàng ở với Kế gia gia càng ít, ở lại với sư phụ mỗi lúc một nhiều.

Kế lão hỏi nàng đôi lần nàng không chịu nói, biết từ bé tính tình cô gái cứng đầu, đã định làm gì là không thay đổi nên cũng không hỏi thêm nữa.

Hôm đó Lý Văn Tú cưỡi con ngựa trắng, từ nơi sư phụ quay về nhà. Đi được nửa đường, bỗng thấy ráng đỏ nổi đầy trời, khí hậu sa mạc thay đổi thất thường, gió bấc mỗi lúc một mạnh, xem ra một cơn bão tuyết đang kéo
đến. Nàng giục ngựa phóng nhanh, thấy những người chăn cừu đang lùa gia
súc về chuồng, trên trời chim chóc không còn thấy con nào nữa. Nàng vừa
về đến nơi, bỗng nghe tiếng vó ngựa lộp cộp, một người cưỡi ngựa chạy
tới. Lý Văn Tú hơi kinh ngạc: “Hiện nay bão tuyết đến nơi, sao lại còn
ai ra khỏi nhà đây?”. Tiếng vó ngựa đến gần, thấy trên lưng là một người khoác một tấm áo khoác bằng len đỏ, chính là một người đàn bà Cáp Tát
Khắc.

Nhãn lực Lý Văn Tú bây giờ khác hai năm trước xa, từ xa đã nhìn rõ người đàn bà đó thân hình mảnh dẻ, mặt mũi xinh xắn, chính là A Mạn. Lý Văn
Tú không muốn hai người gặp nhau, xoay đầu ngựa, chạy đến phía nam một
ngọn đồi nhỏ, náu mình sau tàn cây. Nàng thấy con ngựa của A Mạn cũng
chạy về hướng ngọn đồi, vừa đến bên chân núi bỗng huýt một tiếng còi,
trên đám cây trên đồi cũng có tiếng đáp lại. A Mạn nhảy xuống ngựa, một
người đàn ông chạy đến bên nàng, hai người ôm chặt lấy nhau, vọng ra
tiếng cười ròn rã. Người thanh niên kia nói:

– Sắp có bão tuyết đến nơi rồi, sao em còn ra đây?

Chính là tiếng của Tô Phổ. A Mạn cười đáp:

– Anh ngốc này, sao anh biết sắp có bão tuyết, vậy mà vẫn còn liều mình đứng đây đợi em?

Tô Phổ cười đáp:

– Hai đứa mình ngày nào cũng gặp nhau nơi đây, so với ăn cơm còn quan
trọng hơn. Dù phải xông vào đao kiếm, anh cũng vẫn đến đây chờ em.

Hai người sánh vai ngồi trên ngọn đồi nói chuyện yêu thương, Lý Văn Tú
chỉ cách mấy gốc cây, nghe mà ngơ ngẩn. Tiếng hai người có lúc rất lớn,
nghe thật rõ ràng, có lúc lại chỉ rì rầm, không nghe thấy gì cả. Cũng có khi hai người không biết nói chuyện gì vui mà cùng cười rộ cả lên.

Thế nhưng dù hai người có nói lớn, Lý Văn Tú cũng chỉ vào tai này, ra
tai kia, nàng chẳng muốn nghe lén hai người nói chuyện tình. Trước mắt
nàng chỉ thấy hai đứa trẻ, một nam một nữ ngồi nói chuyện trên triền cỏ. Đứa trẻ con trai là Tô Phổ, còn đứa bé gái chính là nàng, hai người
đang kể chuyện xưa, những chuyện gì thì nàng cũng quên rồi, nhưng hình
ảnh mười năm trước, vẫn rõ ràng hiện ra trước mắt…

Tuyết từng mảng như lông ngỗng rơi xuống, phủ lên trên mình ba con ngựa, trên ba người. Tô Phổ và A Mạn nói chuyện đang vui, chẳng để ý đến, còn Lý Văn Tú cũng không cảm thấy gì. Bông tuyết bắt đầu tụ lại trên đầu ba người, cả ba đầu tóc trắng xóa.

Mấy chục năm sau, tóc cả ba người cũng đều sẽ bạc, thế nhưng Tô Phổ và A Mạn vẫn còn cười nói vui vầy, còn Lý Văn Tú hẳn vẫn cô đơn tịch mịch?
Nàng vẫn còn nhớ đến người xưa, liệu người xưa có còn chút nào hình bóng của nàng không?

Đột nhiên trên cành có những tiếng kêu lộp bộp, A Mạn và Tô Phổ hai người cùng nhỏm dậy, kêu lên:

– Mưa đá, mau về thôi.

Hai người liền nhảy lên ngựa. Lý Văn Tú nghe hai người kêu lên cũng giật mình tỉnh mộng, những mảnh băng bằng ngón tay đã rơi trên đầu, trên
mặt, trên tay, thật là đau đớn, vội vàng cởi chiếc mũ lông trên yên đội
lên đầu phi ngựa chạy về.

Khi nàng về đến nhà thấy trong ngõ buộc hai con ngựa, một con chính là
ngựa A Mạn cỡi. Lý Văn Tú ngạc nhiên: “Hai người đến nhà ta làm gì thế
này?”.

Khi đó mưa đá mỗi lúc một lớn, nàng liền dắt ngựa đi theo cửa sau mà vào, nghe tiếng oang oang của Tô Phổ:

– Lão bá bá, mưa đá lớn quá, chúng tôi chắc phải đợi thêm một lúc nữa.

Kế lão đáp:

– Bình thời mời các vị cũng không đến, để tôi xuống đun một ấm trà.

Từ khi bọn Tấn Uy tiêu cuộc đến thảo nguyên cướp bóc, người Cáp Tát Khắc cực kỳ thù hận người Hán, tuy Kế lão ở đây đã lâu, người Cáp Tát Khắc
lại hiếu khách, không đến nỗi tống cổ ông ra khỏi khu vực của họ, nhưng
tất cả đều rất ít lai vãng. Chỉ khi nào có chuyện đại hỉ, người ta mới
đến mua rượu của ông, chỉ khi nào gia súc bị bệnh không cách nào trị
được, người ta mới đến mời ông chữa giùm. Lều của A Mạn và Tô Phổ lúc ấy lại ở xa, nếu không phải vì trốn bão tuyết, thì có đến mười năm nữa
chưa chắc họ đã đến nhà ông một lần.

Kế lão xuống bếp, thấy Lý Văn Tú mặt mày đỏ gay, đang ngơ ngẩn xuất thần, nói:

– A… ngươi về…

Lý Văn Tú vội vàng nhảy tới, giơ tay bịt miệng ông lại, ghé tai ông nói thầm:

– Đừng để họ biết cháu đang ở đây.

Kế lão thấy thật là lạ lùng nhưng cũng gật đầu. Một lúc sau, Kế lão đem
rượu sữa dê, nhũ lạc[5], hồng trà ra để tiếp khách. Lý Văn Tú ngồi bên
bếp lửa, văng vẳng nghe thấy tiếng cười nói của Tô Phổ và A Mạn từ nhà
trên vọng xuống, khiến một ý nghĩ nàng không sao chế ngự nổi: “Ta muốn
ra gặp chàng, nói với chàng vài câu”. Thế nhưng khi nghĩ đến những lời
chửi rủa của cha Tô Phổ và cái roi của ông ta, tuy đã mười năm qua nhưng không lúc nào tiếng roi của Tô Lỗ Khắc không vang vang trong đầu nàng.

Kế lão quay lại bếp, đưa cho nàng một bát trà nóng trộn váng sữa đưa cho nàng, trong ánh mắt đầy vẻ từ ái. Hai người sống chung đã mười năm,
thật chẳng khác nào ông nội với cháu gái, hai bên lo lắng cho nhau,
người kia suy nghĩ gì trong lòng, người này cũng hiểu được. Tuy nhiên
hai người vì không phải là ruột thịt nên không có được cái cảm ứng tương liên như tình ông cháu thực.

Lý Văn Tú đột nhiên hạ giọng nói:

– Cháu không thay quần áo, giả làm một thanh niên Cáp Tát Khắc đến nhà xin tránh bão tuyết, ông đừng để lộ ra nhé.

Không đợi Kế lão trả lời, lẻn qua cửa sau dắt con ngựa trắng, xông vào
trong trận bão đang mịt mù trời đất, lặng lẽ đi thật xa. Nàng đi một
mạch đến hơn một dặm, mới nhảy lên lưng ngựa chạy một vòng rồi tiến về
phía cửa trước. Trong cơn bão, tưởng như mây đen trên trời như sắp ép
xuống đầu. Nàng sống nơi Hồi Cương mười hai năm, chưa bao giờ thấy trời
đất lại quái lạ đến thế, trong lòng không khỏi sợ hãi, vội giục ngựa
chạy thẳng đến cửa nhà giơ tay gõ, nói tiếng Cáp Tát Khắc:

– Làm ơn cho vào! Làm ơn cho vào!

Kế lão mở cửa, cũng dùng tiếng Cáp Tát Khắc hỏi lại:

– Huynh đệ, cái gì thế?

Lý Văn Tú nói:

– Trận bão tuyết này không thể đi được, lão trượng, làm ơn cho tôi tránh gió tuyết ở tôn xứ một lát.

Kế lão đáp:

– Được chứ, được chứ! Có ai đi ra ngoài mà mang theo nhà mình được đâu.
Đã có hai người bạn khác cũng đang tránh tuyết trong này rồi. Mời bạn
vào đây.

Nói xong nhường cho Lý Văn Tú tiến vào, lại hỏi:

– Bạn đi đâu đây?

Lý Văn Tú nói:

– Tôi định đi lên vùng Hắc Thạch, không biết còn bao xa?

Trong bụng nghĩ thầm: “Kế gia gia đóng kịch giỏi lắm, không có chút sơ hở nào”. Kế lão giả vờ kinh ngạc nói:

– Ối chao, nếu muốn đi Hắc Thạch ư? Thời tiết xấu thế này, hôm nay không thể nào đến được đâu, chi bằng nghỉ lại đây một đêm, sáng mai hãy đi.
Chứ không nếu lạc đường thì thật khổ.

Lý Văn Tú đáp:

– Thế cũng được.

Nàng đi vào trong nhà, phủi sạch tuyết bám trên người. Tô Phổ và A Mạn hai người ngồi sánh vai bên một lò sưởi. Tô Phổ cười nói:

– Huynh đệ, chúng tôi cũng đang tránh tuyết đây, mời lại sưởi chút cho ấm.

Lý Văn Tú đáp:

– Vâng, cám ơn bạn.

Nàng đi đến ngồi xuống bên cạnh y. A Mạn mỉm cười chào khách. Tô Phổ
không gặp Lý Văn Tú bảy tám năm nay, nàng từ một cô gái nhỏ đã thành một thiếu nữ, lại mặc giả trai, làm sao y còn nhận ra được? Kế lão đem đồ
ăn thức uống lên, Lý Văn Tú vừa ăn vừa hỏi tên tuổi ba người, nói mình
tên là A Tư Thác, là một mục nhân ở một bộ lạc Cáp Tát Khắc cách đây hai trăm dặm.

Tô Phổ không ngừng đến bên cửa sổ nhìn ra xem xét bầu trời, thực ra, chỉ cần nghe tiếng gió thổi vào tường, chẳng phải nhìn mây cũng biết được
rằng chưa thể lên đường được. A Mạn lo lắng nói:

– Anh nghĩ gió có thổi bay cái nhà này đi được không?

Tô Phổ nói:

– Ta lo là lo tuyết rơi xuống quá nhiều, nóc nhà chịu không nổi. Để ta leo lên mái nhà xúc bớt tuyết đi.

A Mạn nói:

– Đừng để gió thổi anh bay xuống đấy nhé.

Tô Phổ cười đáp:

– Dưới đất tuyết đóng dày thế này, dẫu có bị ngã xuống cũng không chết đâu.

Lý Văn Tú tay run run cầm bát trà, trong đầu bao nhiêu tạp niệm, không
biết thế nào cho phải. Người bạn hồi thơ ấu nay ngồi ngay bên cạnh mình, y có thực là không nhận ra mình không? Hay là biết đó mà giả vờ như
không biết? Y đã hoàn toàn quên hẳn mình, hay trong lòng vẫn còn nhớ
nhung, nhưng không muốn cho A Mạn biết đấy thôi?

Trời tối dần, Lý Văn Tú ngồi xa một bên. Tô Phổ và A Mạn tay cầm tay,
nho nhỏ truyện trò những câu người ngoài thấy hoàn toàn không ý nghĩa,
nhưng đối với một cặp tình nhân thì là những lời dịu dàng ngọt ngào biết bao nhiêu. Ánh lửa bập bùng chiếu lên mặt hai người khi sáng khi tối.

Đột nhiên, Lý Văn Tú nghe thấy tiếng ngựa đạp trên tuyết, một người đang cưỡi ngựa chạy về hướng căn nhà. Thảo nguyên tuyết đóng đã nhiều, mỗi
bước chân ngựa mất rất nhiều hơi sức nên chạy không thể nào nhanh được.
Tiếng chân ngựa càng lúc càng gần, Kế lão cũng đã nghe thấy, lẩm bẩm
nói:

– Lại có một người đến tránh bão nữa đây.

Tô Phổ và A Mạn hoặc chưa nghe thấy, hoặc nghe thấy mà không để ý, hai
người vẫn nắm tay nhau, nói chuyện rù rì. Một lúc sau, người cưỡi ngựa
đã đến trước cửa, tiếp đến là tiếng đập cửa bình bình bình. Tiếng đập
thật là thô bạo, không lễ độ như kẻ đến xin trú ẩn. Kế lão nhíu mày, đi
ra mở cửa. Chỉ thấy một gã cao to mặc áo da cừu, mặt đầy râu ria, bên
hông đeo một thanh trường kiếm, lớn tiếng nói:

– Bên ngoài gió tuyết lớn quá, ngựa chạy không nổi.

Giọng nói tiếng Cáp Tát Khắc chưa sõi, mắt gườm gườm, nhìn những người trong nhà như dò xét. Kế lão đáp:

– Mời vào trong uống một chén rượu.

Nói xong bưng một chén rượu đưa cho y. Người kia uống một hơi cạn sạch,
ngồi xuống bên cạnh đống lửa, cởi áo ngoài ra, thấy hai bên hông đeo hai thanh đoản kiếm sáng lấp loáng. Một thanh kiếm cán màu vàng, một thanh
kiếm cán màu bạc.

Lý Văn Tú vừa nhìn thấy hai thanh tiểu kiếm trong lòng chấn động, cổ
họng dường như có vật gì chặn lại, mắt hoa lên, nghĩ thầm: “Đây là song
kiếm của mẹ ta”. Khi Kim Ngân tiểu kiếm Tam Nương Tử chết đi, Lý Văn Tú
tuy còn nhỏ, nhưng đôi kiếm này nhận biết ngay, không thể nào lầm được.
Nàng đưa mắt liếc nhìn gã kia, nhận ra ngay, gã chính là một trong ba
người thủ lãnh năm xưa chỉ huy cả bọn đuổi theo truy sát cha mẹ nàng.
Tuy đã mười hai năm qua, tướng mạo nàng đã hoàn toàn đổi hẳn nhưng một
gã hơn ba mươi tuổi có thêm mười hai năm cũng chẳng thay đổi bao nhiêu.
Nàng sợ y nhận ra mình, không dám nhìn y lâu, nghĩ thầm: “Nếu không phải vì cơn bão tuyết này thì ta đâu có gặp lại Tô Phổ, cũng đâu có gặp lại
gã ác tặc này”.

Kế lão nói:

– Khách nhân từ đâu đến đây? Có đi đến nơi nào xa không?

Gã kia ậm ừ, tự mình rót uống một chén rượu nữa. Khi đó bên đống lửa
ngồi năm người, Tô Phổ không còn có thể nói chuyện riêng với A Mạn được, y nhìn Kế lão chăm chăm rồi nói:

– Lão bá bá, tôi muốn hỏi thăm một người.

Kế lão hỏi lại:

– Ai thế?

Tô Phổ đáp:

– Là người hồi bé hay cùng tôi chơi đùa, là một cô bé người Hán…

Y nói đến đây, tim Lý Văn Tú bỗng thót lên, vội quay đầu nhìn sang chỗ khác, không dám nhìn thẳng vào y. Tô Phổ nói tiếp:

– Cô ta tên là A Tú, về sau qua bảy tám năm, không còn gặp cô ta nữa. Cô ta ở chung với một ông già người Hán, chắc là ông phải không?

Kế lão tằng hắng vài cái, nhìn mặt Lý Văn Tú để hỏi xem ý thế nào. Nhưng Lý Văn Tú quay đầu sang chỗ khác, ông ta không biết phải trả lời sao
cho phải, chỉ ậm ừ.

Tô Phổ lại nói:

– Cô ta hát thật là hay, người ta bảo rằng cô ta hát còn hay hơn tiếng
chim thiên linh hót nữa. Thế nhưng mấy năm qua, tôi không còn được nghe
nàng hát nữa. Cô ta có còn ở đây nữa không?

Kế lão ngập ngừng, ấp úng nói:

– Không, không, cô ta không… không có ở đây…

Lý Văn Tú xen vào:

– Ngươi hỏi cô gái người Hán, ta biết rồi. Cô ta chết đã mấy năm nay.

Tô Phổ giật mình kinh hãi hỏi:

– A, cô ta chết rồi ư, sao mà chết thế?

Kế lão nhìn Lý Văn Tú, nói:

– Bị bệnh… bệnh…

Tô Phổ mắt hơi hoen lệ, nói:

– Tôi khi còn bé thường hay cùng cô ta đi chăn cừu, cô ta hát cho tôi
nghe nhiều bài lắm, cũng kể cho tôi nghe nhiều chuyện cổ. Mấy năm không
gặp, nào ngờ cô ta… cô ta đã chết rồi.

Kế lão thở dài:

– Ôi, thật tội nghiệp cho con bé.

Tô Phổ nhìn ngọn lửa, lặng thinh xuất thần, nói tiếp:

– Nàng nói cha mẹ đều bị bọn ăn cướp giết chết, lênh đênh cô khổ lạc loài đến đây…

A Mạn hỏi:

– Thế cô đó có xinh đẹp không?

Tô Phổ đáp:

– Khi đó ta còn nhỏ, không nhớ nữa. Chỉ còn nhớ cô ta hát thật hay mà kể chuyện cũng thật hay…

Gã đàn ông lưng đeo hai thanh tiểu kiếm đột nhiên nói:

– Ngươi nói là một cô gái người Hán? Cha mẹ cô ta bị hại, chỉ có một mình đến đây?

Tô Phổ đáp:

– Đúng đó, ông có biết cô ta không?

Gã kia không đáp, lại hỏi tiếp:

– Có phải cô ta cưỡi một con ngựa trắng, đúng không?

Tô Phổ đáp:

– Đúng rồi, ông có gặp cô ta rồi sao?

Gã đàn ông đột nhiên đứng dậy, hầm hầm nhìn Kế lão gằn giọng hỏi:

– Nàng ta chết nơi đâu?

Kế lão nói ấm ớ mấy câu, gã kia liền hỏi:

– Cô ta có để lại cái gì không? Mọi thứ ngươi giữ hết phải không?

Kế lão liếc y một cái, lạ lùng hỏi:

– Cái đó có can hệ gì đến ngươi đâu?

Gã kia đáp:

– Ta có một vật rất quan trọng bị con bé đó ăn cắp mất. Ta đi kiếm mãi mà không ra, đâu có ngờ nó đã chết rồi…

Tô Phổ đứng vùng dậy, lớn tiếng nói:

– Ngươi đừng có nói năng láo lếu, A Tú đời nào đi ăn cắp đồ gì của ngươi?

Gã kia đáp:

– Ngươi biết gì mà nói?

Tô Phổ đáp:

– A Tú từ bé chơi với ta, nàng là một cô gái rất lương thiện, quyết không bao giờ lấy của ai cái gì.

Gã kia bĩu môi lộ vẻ khinh miệt, nói:

– Vậy mà nó ăn cắp đồ của ta đó.

Tô Phổ đưa tay cầm cán đao đang đeo nơi hông, quát lớn:

– Ngươi tên là gì? Ta xem ngươi không phải người Cáp Tát Khắc, không chừng là bọn cướp người Hán.

Gã kia đi đến bên cửa, mở rộng cửa nhìn ra ngoài. Cửa vừa mở ra, một
trận gió thổi ùa vào cuốn theo bao nhiêu bông tuyết. Chỉ thấy một đồng
tuyết trắng xóa, bão thổi ào ào, người ngựa không cách gì đi được. Gã
kia nghĩ thầm: “Bên ngoài không có ai, trong nhà chỉ có một đứa con gái, một ông già, một thanh niên ốm o gầy guộc, chỉ giơ tay là đánh ngã. Chỉ có thanh niên to khỏe này, cho y vài cú đấm cú đá là xong”.

Nghĩ thế nên y không coi vào đâu, nói:

– Là người Hán thì đã sao? Ta họ Trần, tên Đạt Hải[6] trên giang hồ có
ngoại hiệu là Thanh Mãng Kiếm, ngươi có nghe đến bao giờ chưa?

Tô Phổ đâu có biết qui củ giang hồ của người Hán ra sao, lắc đầu nói:

– Ta chẳng nghe tới. Ngươi có phải cường đạo người Hán chăng?

Trần Đạt Hải nói:

– Ta là tiêu sư, chuyên đánh ăn cướp để mưu sinh, sao lại là cường đạo được?

Tô Phổ nghe thấy không phải là ăn cướp, nét mặt liền dịu hẳn xuống, nói:

– Không phải ăn cướp người Hán thì không sao. Ta đã nói trong số người
Hán cũng có người tốt, nhưng cha ta nhất định không tin. Từ rày ngươi
không được nói A Tú lấy đồ của ngươi nữa.

Trần Đạt Hải cười nhạt:

– Cô gái đó chết rồi, sao ngươi còn nhớ đến là sao?

Tô Phổ đáp:

– Khi cô ta còn sống là bạn của ta, chết đi rồi cũng vẫn là bạn. Ta không để cho ai nói xấu cô ta cả.

Trần Đạt Hải không lòng dạ nào tranh biện với y, quay sang hỏi Kế lão:

– Những gì của cô đó để lại nay ở đâu?

Lý Văn Tú nghe thấy Tô Phổ biện hộ cho mình, trong lòng cực kỳ khích
động: “Y không hề quên ta, không hề quên ta! Y đối với ta thật có lòng”.

Thế nhưng nghe Trần Đạt Hải tra vấn những đồ đạc của mình để lại, không
khỏi kỳ quái: “Ta làm gì có lấy của y cái gì đâu, y tìm là tìm cái gì
đây?”. Chỉ nghe Kế lão hỏi lại:

– Khách quan thất lạc cái gì thế? Tiểu cô nương đó rất là thành thật,
lão hán tin chắc là nó nhất quyết không lấy cái gì của ai đâu.

Trần Đạt Hải hơi trầm ngâm, nói:

– Đó là một bức vẽ. Đối với thường nhân thật vô dụng, nhưng vì đó là…
đó là của tiên phụ chính tay vẽ, ta vẫn thường đi tìm bức họa đó. Nếu
tiểu cô nương đó có ở nơi đây, không biết ngươi đã từng nhìn thấy bức
tranh đó chưa?

Kế lão đáp:

– Bức vẽ đó vẽ cái gì, vẽ sơn thủy hay vẽ người?

Trần Đạt Hải ngập ngừng:

– Vẽ… vẽ sơn thủy.

Tô Phổ cười khẩy nói:

– Tranh vẽ cái gì cũng không biết, vậy mà dám vu cho người ta ăn cắp của mình.

Trần Đạt Hải giận quá, soẹt một tiếng rút ngay trường kiếm đeo ở lưng ra, quát lên:

– Tiểu tặc, bộ ngươi không muốn sống hay sao? Lão gia giết người như cơm bữa, chẳng coi ra gì đâu nhé.

Tô Phổ cũng rút ngay đoản đao đeo ở lưng ra, lạnh lùng nói:

– Muốn giết một người Cáp Tát Khắc, e rằng không dễ dàng đâu.

A Mạn nói:

– Tô Phổ, đừng chấp y làm gì.

Tô Phổ nghe thấy A Mạn nói thế, từ từ đút thanh đao trở vào vỏ. Trần Đạt Hải chỉ một lòng muốn lấy bức địa đồ Cao Xương mê cung, bọn chúng lang
thang nơi sa mạc mười năm, đi khắp sa mạc thảo nguyên, cũng chỉ để đi
tìm Lý Văn Tú, bây giờ nghe được chút manh mối, tuy y tính tình hung ác, nhưng cũng biết việc nhỏ không nhịn ắt hư chuyện lớn, nên hầm hầm trừng mắt nhìn Tô Phổ, quay sang hỏi Kế lão:

– Bức họa đó, có thể nói là một bức địa đồ, vẽ sông núi địa hình trong sa mạc.

Kế lão toàn thân hơi run rẩy, nói:

– Sao ngươi… sao ngươi biết bức địa đồ ở trong tay cô gái đó?

Trần Đạt Hải nói:

– Chuyện đó chắc chắn không sai vào đâu được. Nếu ngươi đem bức địa đồ đó giao lại cho ta, thể nào ta cũng hậu tạ.

Nói xong lấy từ trong bọc ra hai đĩnh bạc vứt lên bàn, dưới ánh lửa lấp
loáng, sáng lóe lên. Kế lão trầm ngâm giây lát, chầm chậm lắc đầu nói:

– Ta chưa từng thấy bao giờ.

Trần Đạt Hải nói:

– Ta muốn xem di vật của tiểu cô nương đó.

Kế lão nói:

– Cái đó… cái đó…

Trần Đạt Hải giơ tay trái lên, rút phắt chiếc tiểu kiếm cán bạc, phập một tiếng đâm ngay xuống bàn, nói:

– Không có lôi thôi gì hết. Để ta tự mình đi kiếm.

Nói xong cầm ngay một cây nến bằng mỡ cừu, đẩy cửa đi vào phòng. Phòng y vào chính là phòng ngủ của Kế lão, thoạt nhìn là biết ngay, tiện tay
lục tung mấy cái rương, rồi đi qua phòng của Lý Văn Tú.

Y thấy những quần áo Lý Văn Tú thay đổi ra, nói:

– Chà, nó lớn rồi mới chết nhỉ?

Lần này y lục soát thật là kỹ lưỡng, ngay cả quần áo khi còn bé của Lý
Văn Tú y cũng lật ra coi. Quần áo khi còn nhỏ của Lý Văn Tú đều là do
mẫu thân may cho, khi lớn lên mặc không còn vừa nhưng nàng vẫn cất giữ
kỹ lưỡng. Trần Đạt Hải vừa nhìn thấy những áo quần trẻ con thêu thùa sặc sỡ, nhớ lại tình cảnh mười năm xưa đuổi theo vợ chồng Lý Tam trên sa
mạc, vui vẻ kêu lên:

– Đúng rồi, đúng rồi, đúng nó rồi.

Y lục tung hết tất cả đồ đạc trong căn phòng, bao nhiêu quần áo đều xé
rách ra để xem xét nhưng nào có thấy bức địa đồ ở đâu? Tô Phổ thấy y
ngang ngược phá hoại di vật của Lý Văn Tú, mấy lầm nắm đao toan đứng
lên, nhưng lần nào cũng bị A Mạn ngăn lại. Kế lão thỉnh thoảng lại liếc
Lý Văn Tú, thấy nàng vẫn chăm chăm nhìn ngọn lửa, đối với hành vi hung
bạo của Trần Đạt Hải làm như nhìn mà không thấy. Kế lão trong lòng băn
khoăn: “Trước lưỡi dao của gã bạo khách này, không biết cô ta tính
sao?”.

Lý Văn Tú xem thần tình Tô Phổ, trong lòng vừa thật mênh mang, lại vừa
êm ái: “Y vẫn còn nhớ đến ta, chỉ vì muốn bảo hộ di vật của ta, đã toan
rút dao thí mạng với người khác”. Thế nhưng trong lòng nàng cũng lạ
lùng: “Gã ác tặc này nói ta ăn cắp địa đồ của y, không biết là bức địa
đồ nào?’. Khi mẹ nàng sắp chết có nhét một bức địa đồ vào áo nàng, lúc
đó nguy cơ khẩn bách nên không kịp nói rõ cho nàng nghe, đến khi mẹ con
chia tay không còn có dịp nào nhìn thấy nhau nữa. Bọn ăn cướp Tấn Uy
tiêu cuộc mười năm qua đi mòn gót chân khắp các vùng nam bắc Thiên Sơn
để tìm tung tích nàng, chính Lý Văn Tú nào có hay biết gì đâu?

Trần Đạt Hải tìm kiếm hồi lâu, không thấy manh mối gì, trong lòng cực kỳ thất vọng, đột nhiên gay gắt hỏi:

– Thế con bé đó chôn ở đâu?

Kế lão ngơ ngẩn nói:

– Chôn ở xa lắm, xa lắm.

Trần Đạt Hải lấy từ trên tường xuống một chiếc mai, nói:

– Ngươi dẫn ta đi.

Tô Phổ đứng lên, quát lớn:

– Ngươi đến đó làm gì?

Trần Đạt Hải nói:

– Ngươi hỏi làm gì? Ta muốn đến đào mả nó lên xem, không chừng bức địa đồ đó chôn theo nó ở trong mộ.

Tô Phổ giơ đao chắn ngang cửa, quát:

– Ta không để cho ngươi động đến phần mộ của cô ta.

Trần Đạt Hải giơ cái xẻng lên, làm như muốn đánh xuống, quát lớn:

– Tránh ra.

Tô Phổ nghiêng qua bên trái, đao trong tay đã đâm tới. Trần Đạt Hải vứt
chiếc xẻng, rút trường kiếm nơi hông ra, nghe keng một tiếng, đao kiếm
đã chạm nhau, hai người đều nhảy lùi về sau một bước, rồi lại xông lên
đấu tiếp.

Cái sảnh đường của căn nhà vốn không lớn gì, khi hai bên múa may, Kế lão và A Mạn đều nép vào một bên, đứng sát bên tường, chỉ một mình Lý Văn
Tú đứng ngay trước cửa sổ. A Mạn xông tới rút thanh tiểu kiếm Trần Đạt
Hải cắm trên bàn ra, toan vào giúp Tô Phổ một tay, nhưng hai người đang
đấu thật gay, nàng không cách gì xen vào được.

Tô Phổ bây giờ đã được phụ thân Tô Lỗ Khắc truyền hết tài nghệ, đao pháp biến huyễn, chiêu số cực kỳ tàn độc, lúc đầu Trần Đạt Hải có hơi núng
thế, trong bụng không khỏi lạ lùng: “Không ngờ thằng nhãi Cáp Tát Khắc
này, võ công không kém gì hảo thủ Trung Nguyên”. Ngay lúc đó, đằng sau
hơi có tiếng gió, một thanh tiểu kiếm ném tới, chính là A Mạn bất ngờ
đánh lén. Trần Đạt Hải vội vàng tránh qua bên phải, nghe soẹt một tiếng, cánh tay trái đã bị đao của Tô Phổ rạch một đường. Y giận quá, vụt vụt
vụt đâm luôn ba kiếm, sử dụng tuyệt kỹ thành danh là Thanh Mãng kiếm
pháp. Tô Phổ chỉ thấy trước mắt mũi kiếm lấp loáng chẳng khác nào mãng
xà phun nọc, không biết kiếm của y đâm về hướng nào. Y chưa kịp đỡ thì
trường kiếm của kẻ địch đã đâm tới mặt, vội vàng nghiêng đầu né tránh,
bên cổ đã bị trúng kiếm, máu chảy dầm dề. Trần Đạt Hải thắng thế đâu có
nhường ai, một kiếm nữa lại đâm ngay vào cổ tay Tô Phổ, nghe choang một
tiếng, đoản đao đã rơi xuống đất.

Đường kiếm thứ ba tung ra, Tô Phổ không cách gì đề ngự thế ắt chết tươi
ngay, Lý Văn Tú vội tiến lên một bước, định chờ khi y đâm ra sẽ thi
triển Đại Cầm Nã Thủ chộp lấy tay y, đã thấy A Mạn nhảy tới, chặn ngay
trước mặt Tô Phổ, kêu lên:

– Không được giết y.

Trần Đạt Hải thấy A Mạn mặt đẹp như hoa, nhưng khuôn mặt đầy hốt hoảng,
trong lòng nghĩ lại không đâm kiếm đó ra, mũi kiếm để ngay vào ngực
nàng, cười nói:

– Ngươi quan tâm cho y đến thế, tên nhãi này là tình lang của ngươi phải không?

A Mạn đỏ mặt gật đầu. Trần Đạt Hải nói:

– Được, ngươi muốn ta tha mạng cho y cũng được, ngày mai khi gió ngớt rồi, ngươi phải đi theo ta.

Tô Phổ giận quá, rống lên một tiếng, từ phía sau A Mạn xông ra. Trần Đạt Hải vung thanh trường kiếm xéo qua, lại để ngay yết hầu y, chân trái đá quét ngang đùi, Tô Phổ lại ngã ngay xuống đất, thanh kiếm vẫn bám theo
cổ họng. Lý Văn Tú đứng một bên, theo dõi sát Trần Đạt Hải, nếu như y có ý hại Tô Phổ, nàng sẽ ra tay giải cứu ngay. Với tài nghệ nàng bây giờ,
đối phó với hạng người như gã quả thật có thừa.

Thế nhưng A Mạn nào hay đại viện ở ngay bên cạnh, trong cơn gấp rút, vội nói:

– Ngươi chớ đâm, ta bằng lòng đó.

Trần Đạt Hải mừng lắm nhưng mũi kiếm không nhích ra, nói:

– Ngươi bằng lòng sáng mai đi theo ta, đừng có trở mặt nhé.

A Mạn nghiến răng nói:

– Ta không trở mặt đâu, ngươi bỏ kiếm ra đi.

Trần Đạt Hải cười ha hả, nói:

– Nếu ngươi trở mặt cũng không chạy được đâu.

Y cho kiếm vào vỏ, rồi nhặt đoản đao của Tô Phổ lên cầm lăm lăm trong
tay. Đến lúc này trong nhà chỉ còn mình y là có binh khí, nên không còn
sợ ai phản kháng. Y nhìn ra cửa sổ, nói:

– Trời này chắc đi ra ngoài không được, chỉ còn nước chờ cho trời tạnh hãy ra đào mộ.

A Mạn đỡ Tô Phổ ngồi tại một bên, thấy cổ y máu vẫn chảy ròng ròng,
trong lòng bối rối, toan xé áo mình cho y buộc vết thương. Tô Phổ lấy
trong túi ra một cái khăn tay lớn, nói:

– Dùng cái khăn này buộc được rồi.

A Mạn cầm lấy chiếc khăn, buộc vết thương lại cho y, nghĩ đến mình rồi
đây rơi vào tay tên cường đạo này, không biết có cơ hội thoát thân
không, tủi thân nước mắt rơi lã chã. Tô Phổ hạ giọng chửi:

– Đồ ăn cướp chó má, đồ khốn nạn.

Lúc này y đã có chủ định, nếu như tên cướp nhất định bắt A Mạn đem đi,
dù biết phải chết y cũng nhất định ra tay. Sau trận đánh vừa rồi, năm
người ngồi quanh bếp lửa, ai nấy đều cực kỳ căng thẳng. Trần Đạt Hải một tay cầm đao, một tay cầm bát rượu, thỉnh thoảng lại nhìn A Mạn, rồi
nhìn Tô Phổ. Bên ngoài gió bấc vẫn vù vù, cuốn theo từng mảng tuyết, đập lên tường, lên mái nhà. Chẳng ai nói một câu.

Lý Văn Tú trong lòng nghĩ thầm: “Cứ để cho tên ác tặc này phách lối một
phen, không cần giết y vội”. Đột nhiên trong bếp một thanh củi sáng bừng lên, nghe tách một cái, ngọn lửa bùng lên soi sáng rõ mặt mọi người. Lý Văn Tú thấy chiếc khăn Tô Phổ quấn trên cổ, trong lòng chấn động, chăm
chăm nhìn. Kế lão thấy ánh mắt nàng có điều khác lạ, cũng nhìn theo,
hỏi:

– Tô Phổ, chiếc khăn đó ở đâu mà ngươi có được đó?

Tô Phổ ngây người, tay vỗ lên cổ nói:

– Ông hỏi cái khăn này ư? Đó là người đã chết A Tú cho tôi đó. Hồi còn
nhỏ chúng tôi đi chăn cừu, bị một con sói lớn xông tới cắn tôi chúng
tôi, tôi giết chết con sói đó nhưng cũng bị nó cắn phải. A Tú dùng chiếc khăn này buộc vết thương. ..

Lý Văn Tú nghe những lời đó, nàng thấy mọi vật đều mờ đi, thì ra mắt đã
nhòa lệ. Kế lão vào trong phòng lấy ra một vuông vải trắng, đưa cho Tô
Phổ nói:

– Ngươi dùng miếng vải này buộc vết thương, cởi cái khăn đó xuống cho ta xem nào.

Tô Phổ hỏi lại:

– Sao thế?

Trong khi Kế lão nói, Trần Đạt Hải cũng chăm chăm nhìn vào chiếc khăn nơi cổ Tô Phổ, bỗng nhiên cầm đao đứng lên, quát lớn:

– Bảo ngươi cởi cái khăn đó đưa đây.

Tô Phổ trừng trừng nhìn y. A Mạn sợ Trần Đạt Hải làm dữ, cởi cái khăn
cho Tô Phổ, đưa cho Kế lão rồi lấy miếng vải trắng buộc lại vết thương.
Kế lão cầm chiếc khăn vấy máu trải lên bàn, khêu ngọn đèn cao lên rồi
xem xét kỹ. Trần Đạt Hải cũng săm soi một hồi, đột nhiên vui mừng kêu
lên:

– Đúng rồi, đúng rồi, đây chính là địa đồ Cao Xương mê cung.

Y giơ tay chụp lấy chiếc khăn, cười ha hả, sướng không để đâu cho hết.
Kế lão tay phải nhúc nhích dường như muốn đoạt lại chiếc khăn nhưng sau
cố nhịn. Ngay lúc đó, bỗng từ xa có tiếng người kêu:

– Tô Phổ, Tô Phổ. ..

Lại có một người khác kêu lớn:

– A Mạn, A Mạn ơi. ..

Tô Phổ và A Mạn cùng nhảy nhổm lên, cùng kêu:

– Cha mình đang đi kiếm.

Tô Phổ chạy ra cửa, đang định mở bỗng thấy sau gáy lạnh toát, một thanh trường kiếm đã dí vào cổ. Trần Đạt Hải lạnh lùng nói:

– Ta bảo ngồi xuống, không được động đậy.

Tô Phổ không cách nào khác hơn đành phải ngồi xuống.

Một lúc sau, tiếng bước chân của hai người đã ngay ngoài ngõ. Có tiếng Tô Lỗ Khắc nói:

– Có phải đây là nhà tên giặc người Hán đó không? Ta không vào đâu.

Xa Nhĩ Khố đáp:

– Không vào ư? Thế đi đâu tránh bão tuyết bây giờ? Hai tai ta lạnh muốn rớt ra rồi.

Tô Lỗ Khắc tay cầm một bầu rượu, trên đường đi uống liên tục cho khỏi lạnh, lúc này cũng đã ngà ngà say, lè nhè nói:

– Dù có lạnh đến rơi cả đầu ta cũng không thèm vào nhà của người Hán đâu.

Xa Nhĩ Khố đáp:

– Ngươi không vào, ở ngoài bão tuyết chết cóng cho mà xem, ta cứ vào.

Tô Lỗ Khắc nói:

– Con ta và con ngươi đều kiếm không ra, sao lại đi vào nhà tên Hán tặc
để tránh tuyết là sao? Ngươi. .. ngươi chẳng có anh hùng khí khái chút
nào.

Xa Nhĩ Khố đáp:

– Trên đường chẳng thấy hai đứa đâu, chắc là chúng nó vào đây tránh
tuyết rồi, đừng lo. Đừng để cho hai đứa nhỏ tìm không thấy, mà hai đứa
già lại chết lạnh.

Tô Phổ thấy Trần Đạt Hải đứng nép mình sau cánh cửa tay hờm sẵn kiếm,
đợi ai vào là y đâm ngay, tình thế cực kỳ nguy cấp, kêu lên:

– Đừng có vào.

Trần Đạt Hải trừng mắt quát lên:

– Ngươi còn mở miệng là ta giết ngươi liền.

Tô Phổ thấy cha ở vào cảnh nguy hiểm, gượng đứng lên cầm chiếc ghế xông
thẳng vào Trần Đạt Hải. Trần Đạt Hải nghiêng qua tránh được, đâm ra
trúng ngay đùi Tô Phổ. Tô Phổ kêu lên một tiếng, ngã lăn ra. Y cực kỳ
nhanh nhẹn, sợ địch nhân chém thêm một kiếm nữa, liền lăn một vòng ra xa mấy thước.

Trần Đạt Hải không đuổi theo, chỉ giơ kiếm đứng sau cửa, nghĩ bụng thằng nhỏ Cáp Tát Khắc này mình sẽ tính sau, cho nó sống thêm vài khắc cũng
không sao, người ở ngoài vào cần phải giết trước.

Chỉ nghe bên ngoài Tô Lỗ Khắc vẫn tiếp tục nói líu cả lưỡi:

– Ngươi mà vào nhà tên người Hán chết tiệt ấy là ta đánh ngươi đó.

Nói xong đấm ngay một quyền trúng ngay ngực Xa Nhĩ Khố. Nếu phải lúc
bình thường, Xa Nhĩ Khố thấy y sau túy lúy, dẫu có bị một đấm cũng chẳng thèm chấp, nhưng lúc này hơi rượu cũng đang bốc lên, liền thò chân
khoèo một cái. Tô Lỗ Khắc vốn đã đứng không vững, lại bị y móc chân liền ngã ngửa ra ngay, nhưng cũng thuận thế ôm ngay chân đối phương. Thế là
hai người ôm nhau vật lộn trong bãi tuyết.

Tô Lỗ Khắc bốc một nắm tuyết, nhét vào mồm Xa Nhĩ Khố, Xa Nhĩ Khố liền
giơ tay quờ lung tung khiến Tô Lỗ Khắc bật cười ha hả. Xa Nhĩ Khố nhổ
được nắm tuyết ra rồi, bình một tiếng, đấm ngay vào mũi Tô Lỗ Khắc, lập
tức máu chảy ròng ròng. Tô Lỗ Khắc không thấy đau, mà vẫn cười như nắc
nẻ, hai tay nắm chặt tóc Xa Nhĩ Khố không buông. Cả hai đều là dũng sĩ
Cáp Tát Khắc cả nghìn dặm chung quanh ai cũng biết tiếng, lúc này say
rượu vật nhau chẳng khác gì hai đứa trẻ đang đùa nghịch.

Tô Phổ và A Mạn trong lòng cực kỳ gấp gáp, chỉ mong Tô Lỗ Khắc thắng, để ngăn được Xa Nhĩ Khố tiến vào. Chỉ thấy bên ngoài bình bành bất tuyệt,
tôi đánh anh một quyền, anh trả lại một đấm, vừa chửi rủa, vừa cười cợt, ai cũng lè nhè. Ngay lúc đó, một tiếng ầm thật lớn, cửa mở tung ra, gió lạnh lẫn tuyết ở ngoài ùa vào, Tô Lỗ Khắc và Xa Nhĩ Khố hai người ôm
nhau cũng lăn theo. Cửa ập vào ép luôn Trần Đạt Hải sau cánh cửa, khiến y không sao chém xuống được. Thế nhưng Tô Lỗ Khắc và Xa Nhĩ Khố vẫn không buông nhau ra.

Xa Nhĩ Khố nói:

– Ngươi chẳng vào là gì đây?

Tô Lỗ Khắc giận lắm, hai tay nắm chặt lấy cổ y, quát lớn:

– Ra mau, ra mau.

Hai người vẫn vật nhau dưới đất, một người kéo người kia ra, một người
giữ người kia lại không cho cử động. Bỗng nhiên Tô Lỗ Khắc cất tiếng ồm
ồm hát:

– Ngươi đánh không lại ta, ta là Cáp Tát Khắc dũng sĩ số một, Tô Phổ là
số hai, mai này Tô Phổ sinh con thì là thứ ba. .. còn ngươi Xa Nhĩ Khố
là hàng thứ năm. ..

Trần Đạt Hải thấy hai gã say sưa, nghĩ thầm không có gì đáng sợ. Lúc đó
gió nổi càng mạnh, khiến lửa trong bếp bay tung tóe, Trần Đạt Hải vội
dùng sức đóng cửa lại. Tô Phổ và A Mạn thấy cha mình đang lăn vào đống
lửa, vội vàng chạy tới đỡ dậy, cùng kêu lên:

– Cha ơi, cha ơi!

Thế nhưng hai người thân thể nặng nề, đỡ đâu có nổi. Tô Phổ kêu lên:

– Cha ơi, cha ơi! Tên cường đạo người Hán đây này.

Tô Lỗ Khắc tuy đang say mèm, nhưng mười năm qua lúc nào cũng canh cánh
trong lòng mối thù với bọn cướp người Hán, vừa nghe tới “Hán nhân cường
đạo”, liền tỉnh ngay mấy phần, vùng dậy kêu lên:

– Bọn cướp người Hán ở đâu?

Tô Phổ chỉ ngay vào Trần Đạt Hải. Tô Lỗ Khắc liền thò tay vào lưng rút
đao, nhưng khi y và Xa Nhĩ Khố hai người vật lộn, con dao đã rơi ở bên
ngoài tuyết rồi, chỉ thấy trống không kêu lên:

– Đao đâu, đao đâu! Ta phải giết nó.

Trần Đạt Hải giơ thanh kiếm ra, để ngay vào cổ họng y, quát lên:

– Quì xuống.

Tô Lỗ Khắc giận quá, vùng dậy, nhưng đang say rượu không có chút lực khí nào, chưa đến được chỗ địch nhân thì mình đã té nhào. Trần Đạt Hải cười khẩy, vung kiếm chém xuống, đầu vai Tô Lỗ Khắc máu phun ra ngay. Tô Lỗ
Khắc kêu lên thảm thiết, muốn vùng lên thí mạng, nhưng hai đùi mềm nhũn, không sao đứng lên được.

Xa Nhĩ Khố rống lên một tiếng, tung mình nhào vào Trần Đạt Hải. Trần Đạt Hải lại vung kiếm đâm ra, trúng ngay đùi y, Xa Nhĩ Khố cũng ngã lăn ra. Kế lão quay lại nhìn Lý Văn Tú, thấy nàng thần sắc trấn tĩnh, không có
vẻ gì sợ hãi.

Trần Đạt Hải cười nhạt:

– Mấy con chó Cáp Tát Khắc kia, hôm nay ông làm thịt từng đứa một.

A Mạn vội xông lên chắn trước mặt cha, run run nói:

– Ta bằng lòng đi theo ngươi, ngươi đừng giết họ.

Xa Nhĩ Khố giận dữ nói:

– Không được, không được đi theo thằng giặc cướp chó má ấy, để nó giết ta đi còn hơn.

Trần Đạt Hải lấy trên tường xuống một chiếc thòng lọng buộc dê, quàng vào cổ A Mạn, cười đểu giả:

– Tốt lắm, ngươi là tù binh của ta, là nô lệ của ta. Ngươi mau mau thề
đi, từ nay không bao giờ phản bội ta thì ta sẽ tha cho hai con chó Cáp
Tát Khắc kia.

A Mạn nước mắt ròng ròng, nghĩ thầm nếu mình không bằng lòng, cha mình và Tô Lỗ Khắc sẽ bị y giết cả, đánh phải cất tiếng thề:

– Có Chúa Allah ở trên trời, từ nay về sau, tôi là nô lệ của chủ nhân
tôi, phải nghe lời sai bảo vĩnh viễn không dám đào tẩu, không dám vi
phạm mệnh lệnh của y. Nếu không chết đi sẽ đọa vào hỏa ngục, đời đời
kiếp kiếp không được siêu sinh.

Trần Đạt Hải cực kỳ đắc ý cười ha hả, hôm nay đã được bức địa đồ Cao
Xương mê cung lại còn thêm một thiếu nữ thật xinh đẹp, thật sướng còn
hơn lên tiên. Y ở Hồi Cương đã lâu, biết rằng người Cáp Tát Khắc sùng
tín đạo Hồi, nếu đã nhân danh Chúa Allah mà thề, cả đời sẽ không dám vi
phạm, bèn kéo cái dây nói:

– Lại đây, lại ngồi dưới chân của chủ nhân coi.

A Mạn trong lòng hết sức đau đớn nhưng đành đi lại ngồi dưới đất. Trần
Đạt Hải giơ tay vuốt tóc nàng, A Mạn nhịn không nổi khóc òa lên. Tô Phổ
đứng bên không còn nhịn nổi, tung mình nhảy tới, xông vào Trần Đạt Hải.
Trần Đạt Hải giơ kiếm ra, chỉ ngay vào ngực y. Tô Phổ chỉ cần tiến lên
nửa bước thì ngực y sẽ bị đâm trúng ngay. A Mạn kêu lên:

– Tô Phổ, lùi lại đi.

Hai mắt Tô Phổ như muốn nảy lửa, nghiến răng bậm môi, đứng qua một bên,
một lát sau đành từ từ lui lại, ngồi bệt xuống. Trần Đạt Hải lại rót một bát rượu, uống một ngụm, lấy chiếc khăn tay ra, để lên đầu gối xem kỹ.
Kế lão bỗng nói:

– Làm sao ngươi biết đây là địa đồ Cao Xương mê cung?

Ông ta nói bằng tiếng Hán. Trần Đạt Hải nghĩ thầm: “Đằng nào thì tất cả
chúng bay cũng không ai sống qua ngày hôm nay, có nói cho nghe cũng
chẳng hề gì”. Y đi tìm mười hai năm qua, nay tâm nguyện hoàn thành,
trong lòng vui sướng, không nói thì không hả dạ, dù cho Kế lão không
hỏi, y cũng tự mình kể ra. Y cầm chiếc khăn lên, nói:

– Bọn ta đã biết chắc chắn không sai vào đâu, vợ chồng Lý Tam lấy được
bức địa đồ Cao Xương mê cung. Hai người đó chết rồi khám trong người
không thấy, ắt phải là trong tay đứa con gái họ. Tấm khăn tay này vốn
của con bé họ Lý, trên lại có thêu sông núi đường đi, thì nhất định
không thể nào nhầm được.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN