Bạch Mã Khiếu Tây Phong - Chương 3
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
149


Bạch Mã Khiếu Tây Phong


Chương 3


Y chỉ cái khăn tay nói tiếp:

– Ngươi xem đây, cái khăn này làm bằng tơ, còn sông núi sa mạc đồ hình,
lại bằng len thêu vào giữa. Tơ màu vàng, len cũng màu vàng, bình thời
nhìn không thấy, nhưng khi thấm máu rồi, len hút máu nhiều hơn tơ thành
mới phân ra rõ rệt.

Lý Văn Tú chăm chú nhìn tấm khăn tay, quả nhiên y nói đúng, thấm máu rồi hiện rõ đồ hình, còn chỗ nào không thấm máu thì vẫn nguyên màu vàng.
Năm xưa khi Tô Phổ bị chó sói cắn, máu chảy không nhiều, chiếc khăn chỉ
hiện một bên góc, hôm nay bị thương vì kiếm, đồ hình hiện ra đến hơn một nửa. Bấy giờ nàng mới hiểu rằng chiếc khăn này có ẩn tàng một đại bí
mật. Tô Lỗ Khắc và Xa Nhĩ Khố bị thương không lấy gì làm nặng, hai người cùng nghĩ: “Đợi ta tỉnh rượu rồi, sẽ giết tên cường đạo người Hán này”. Xa Nhĩ Khố nói:

– Ông già ơi, cho tôi uống chút nước.

Kế lão nói:

– Được.

Ông đứng lên đi lấy nước. Trần Đạt Hải sẵng giọng quát:

– Tất cả ngồi yên, không ai được động đậy.

Kế lão hừ một tiếng, lại ngồi xuống.

Trần Đạt Hải trong bụng tính toán: “Nếu bấy nhiêu người hợp lực đối phó
với ta, cùng xông lên một lượt e rằng nguy mất. Nhân lúc hai tên chó
chết Cáp Tát Khắc chưa tỉnh rượu, giết chúng trước là kế vạn toàn”. Y
chầm chậm đi đến trước mặt Tô Lỗ Khắc, đột nhiên rút phắt trường kiếm,
vung lên chém ngay xuống đầu y. Y rút kiếm chém thật là đột ngột, hành
động lại nhanh như chớp, Tô Lỗ Khắc không cách nào tránh được. Tô Phổ
kêu lên một tiếng, toan xông lên cứu cha, nhưng còn làm sao cho kịp?

Kiếm của Trần Đạt Hải vừa xuống đỉnh đầu Tô Lỗ Khắc bỗng nghe một tiếng
vù, một vật ném ngay vào mặt, thế đi thật nhanh, y hoảng hốt không còn
lo giết người mà nhảy vội sang một bên. Nghe choang một tiếng, vật đó
đụng thẳng vào tường vỡ tan, thì ra là một cái chén uống trà. Y định
thần, nhìn rõ ra kẻ ném chiếc chén chính là Lý Văn Tú.

Trần Đạt Hải giận lắm, thấy gã thanh niên Cáp Tát Khắc này gầy gò ốm
yếu, dáng như con gái nên không để ý, nào ngờ đâu lại dám vuốt râu hùm,
nên vung kiếm lên chỉ vào y chửi:

– Con chó con Cáp Tát Khắc kia, ngươi không muốn sống hả?

Lý Văn Tú từ từ cởi chiếc áo khoác Cáp Tát Khắc ra, để lộ áo chẽn kiểu người Hán, dùng tiếng Cáp Tát Khắc nói:

– Ta không phải là người Cáp Tát Khắc, ta là người Hán.

Tay nàng chỉ vào Tô Lỗ Khắc nói:

– Vị Cáp Tát Khắc bá bá này, coi tất cả người Hán ai cũng là cường đạo
xấu xa. Ta muốn cho ông ta biết, người Hán chúng ta không phải ai cũng
đi ăn cướp, mà cũng có người tốt.

Nhát kiếm của Trần Đạt Hải ai ai cũng thấy rõ, nếu như không có Lý Văn
Tú ném chiếc chén ra cứu, Tô Lỗ Khắc ắt đã chết rồi, nên khi nghe nàng
nói thế, Tô Phổ liền nói:

– Đa tạ ngươi cứu cha ta.

Thế nhưng Tô Lỗ Khắc vẫn hết sức ương ngạnh, kêu lớn:

– Ngươi là người Hán, ta không cần ngươi cứu, cứ để tên cướp kia giết ta đi là hơn.

Trần Đạt Hải tiến lên một bước, hỏi Lý Văn Tú:

– Ngươi là ai? Ngươi là người Hán, đến đây làm gì?

Lý Văn Tú cười khẩy nói:

– Ngươi không nhận ra ta nhưng ta lại nhận ra ngươi. Ăn cướp bộ lạc Cáp
Tát Khắc, giết không ít người Cáp Tát Khắc, chính là bọn cường đạo người Hán chúng mày.

Nói đến đây giọng nàng không khỏi bùi ngùi, nghĩ thầm: “Nếu không phải
vì bọn ăn cướp chúng mày làm bao nhiêu trò bỉ ổi, Tô Lỗ Khắc đã không
hận người Hán chúng ta đến thế”. Trần Đạt Hải lớn tiếng nói:

– Là ông đấy thì mày làm gì nào?

Lý Văn Tú chỉ vào A Mạn nói:

– Nàng ta là nô lệ của ngươi, ta muốn đoạt lại, làm nô lệ cho ta.

Câu đó nói ra, thật quả ngoài dự liệu của mọi người. Trần Đạt Hải ngạc nhiên, cười ha hả nói:

– Giỏi, ngươi có tài thì cứ ra mà lấy lại.

Y vung trường kiếm lên, mũi kiềm rung động nghe u u. Lý Văn Tú quay sang nói với A Mạn:

– Ngươi nhân danh Chúa Allah, lập lời thề, bằng lòng làm nô lệ cho y.
Nếu như y đánh không lại ta, ngươi bị ta đoạt lại, ngươi cũng sẽ là nô
lệ cho ta, có phải không?

Người Cáp Tát Khắc đánh nhau với bộ tộc khác, kẻ bị bắt trở thành nô lệ, trong kinh Koran của Hồi giáo đã nói rõ ràng. Thân phận kẻ nô lệ không
khác gì con vật, toàn do quyền chủ nhân, kể cả mua bán. Nếu như chủ nhân bị người ta chế phục, tất cả gia sản, súc vật, nô lệ cũng đều về tay
chủ mới. A Mạn nghe nói thế, nghĩ thầm: “Ta đã thành nô lệ rồi, phải
theo tên cường đạo này để y dày vò, chi bằng theo ngươi làm chủ cũng còn hơn”. Nghĩ thế nàng liền gật đầu:

– Đúng vậy.

Lại ngập ngừng nói tiếp:

– Ngươi đánh không lại y đâu, tên giặc cướp này võ công ghê gớm lắm.

Lý Văn Tú nói:

– Cái đó ngươi khỏi lo, ta đánh không lại thì để cho y giết chết.

Nàng vỗ hai tay một cái, nói với Trần Đạt Hải:

– Tiến lên đi.

Trần Đạt Hải lạ lùng hỏi:

– Ngươi tay không đấu với ta ư?

Lý Văn Tú nói:

– Giết những tên cường đạo như ngươi, cần gì phải dùng đến binh khí?

Trần Đạt Hải nghĩ thầm: “Ở đây ai ai đều là địch, dây dưa thêm chút nào, nguy hiểm thêm dường ấy, ngươi phách lối như thế thì càng tốt”. Y quát
lên:

– Coi kiếm đây.

Y vung kiếm lên, sử chiêu Độc Xà Xuất Động, đâm luôn vào ngực Lý Văn Tú, thế mạnh lại nhanh. Kế lão kêu lên:

– Mau lui ra.

Ông ta chắc Lý Văn Tú không thể nào chống nổi, đâu ngờ nàng chỉ lắc một
cái nhẹ nhàng tránh qua một bên, lướt đến bên Trần Đạt Hải, cúi chỏ trái thúc ngược về sau, đánh vào ngang hông y. Trần Đạt Hải kêu lên:

– Giỏi lắm.

Trường kiếm của y cuộn về, chém vào tay nàng. Lý Văn Tú phóng chân phải
ra, đá luôn vào cổ tay y, chiêu Diệp Để Phi Yến đó là một tuyệt kỹ của
Hoa Huy, Lý Văn Tú luyện mất bảy tám ngày mới thuần thục, nhẹ nhàng khéo léo thật là đắc ý. Trần Đạt Hải vội rụt tay về nhưng không còn kịp nữa, cổ tay nhói một cái đã bị đá trúng, nhưng cước lực đối phương không
mạnh lắm nên kiếm của Trần Đạt Hải không bị tuột tay. Y kinh hãi gầm
lên, nhảy lùi về sau một bước, còn Kế lão cũng “Ồ” một tiếng, cực kỳ
ngạc nhiên.

Trần Đạt Hải xoa xoa tay, lại vung kiếm xông lên cùng Lý Văn Tú đấu
tiếp. Lúc này y không còn dám coi thường chàng thanh niên gầy gò kia
nữa, thấy y ra chiêu nào chiêu nấy đều vững vàng, công phu thực không
phải dở, Trần Đạt Hải liền giở Thanh Mãng kiếm pháp ra, cực kỳ tàn độc,
cốt sao giết được đối phương càng sớm càng tốt. Lý Văn Tú được Hoa Huy
truyền thụ, thân pháp linh mẫn, chiêu thức tinh kỳ, chỉ hiềm chưa từng
cùng người khác đấu bao giờ, không có chút kinh nghiệm đối địch nào, lúc đầu chỉ nhở lòng cừu hận muốn giết tên ác tặc báo thù cho cha mẹ. Đấu
được một hồi, nàng bắt đầu nhìn thấy đường đi nước bước của đối thủ,
trong lòng dần dần trấn tĩnh lại.

Căn lều của Kế lão vốn dĩ đã nhỏ, trong sảnh lại gầy một đống lửa lớn,
Trần Lý hai người bên bếp hồng nhảy qua nhảy lại, kiếm quyền thế nào
cũng chỉ cách người một hai tấc, tưởng như Trần Đạt Hải sắp sửa giết
được Lý Văn Tú đến nơi. Thế nhưng chiêu nào nàng cũng có thể trả đòn,
hoặc tránh né chiết giải được cả. Bọn Tô Lỗ Khắc xem mà há hốc mồm, còn
Kế lão thì càng coi càng sợ hãi, thân thể không ngừng run rẩy.

Hai người càng đấu càng hăng, Trần Đạt Hải sử dụng chiêu Linh Xà Thổ Tín mũi kiếm đâm vào yết hầu Lý Văn Tú. Lý Văn Tú hụp xuống, lòn dưới kiếm
tiến tới, tay trái gạt tay phải của địch, đẩy thanh kiếm hướng ra ngoài, hai tay liền chụp hai thanh kim ngân tiểu kiếm nơi hông Trần Đạt Hải,
một kéo một đẩy, nghe bụp một tiếng cùng đâm luôn vào xương vai địch
thủ. Trần Đạt Hải “A” lên một tiếng thảm khốc, trường kiếm tuột khỏi
tay, loạng choạng lùi về phía sau, đến lúc lưng đụng vào tường đứng thở
hổn hển. Hai thanh tiểu kiếm cắm vào hai vai lút đến tận cán, mũi kiếm
thấu qua bên lưng, gân cốt đã đứt hết, hai tay không còn chút lực khí
nào, làm sao còn lấy tay nọ rút kiếm vai kia cho nổi?

Chỉ nghe mọi người trong nhà đều lớn tiếng hò reo, la lớn:

– Đánh gục được tên cướp rồi, đánh gục được tên cướp rồi.

Đến ngay cả Tô Lỗ Khắc cũng cao giọng la lối. Tô Phổ và A Mạn ôm nhau ở
một nơi, sướng không để đâu cho hết. Chỉ có Kế lão không ngừng run rẩy,
hai hàm răng đập vào nhau kêu lách cách.

Lý Văn Tú biết ông ta vì quan tâm đến mình nên sợ hãi, bước tới cầm bàn
tay to lớn thô kệch của ông già, ghé tai nói nhỏ vào tai:

– Kế gia gia, đừng sợ nữa, tên giặc cướp đánh không lại cháu đâu.

Bàn tay ông lạnh ngắt, càng run rẩy hơn trước. Lý Văn Tú quay đầu lại,
thấy Tô Phổ đang ôm chặt A Mạn, đang vui sướng vì thắng lợi lòng bỗng
chùng hẳn xuống, thấy chính mình cũng run run, bàn tay Kế lão không còn
lạnh nữa, thì ra chính tay nàng cũng đã lạnh rồi. Nàng bỏ tay Kế lão ra, đi đến cầm sợi dây vẫn buộc nơi cổ A Mạn, lạnh lùng nói:

– Ngươi là nữ nô lệ của ta, bây giờ đi theo ta.

Tô Phổ và A Mạn hai người lòng cùng lạnh ngắt, bốn cánh tay đang ôm nhau lập tức lỏng ra. Họ biết đây là qui củ đời này truyền đời khác của
người Cáp Tát Khắc, không còn cách nào vi phạm mệnh lệnh. Cả hai mặt đều trở nên tái nhợt. Lý Văn Tú thở dài một tiếng, cởi sợi dây nơi cổ A Mạn ra nói:

– Tô Phổ thương yêu ngươi, ta. .. ta không muốn gã phải đau lòng. Ngươi nay thuộc về Tô Phổ.

Nói xong đẩy A Mạn một cái, cho nàng ngã vào lòng Tô Phổ. Tô Phổ và A Mạn không tin ở tai mình vừa nghe, cùng hỏi lại:

– Có thực không?

Lý Văn Tú cười gượng nói:

– Dĩ nhiên là thật rồi.

Tô Phổ và A Mạn mỗi người cầm một bên tay Lý Văn Tú, lắc lắc liên tiếp nói:

– Cám ơn ngươi, cám ơn ngươi.

Hai người mừng rỡ không để ý đến cánh tay họ có thêm mấy giọt lệ từ mắt
Lý Văn Tú rơi xuống. Tô Lỗ Khắc cố gắng đứng lên, bàn tay to lớn vỗ mạnh lên vai Lý Văn Tú, nói:

– Trong số người Hán, quả nhiên cũng có người tốt. Có lẽ. .. có lẽ chỉ có một mình ngươi thôi.

Xa Nhĩ Khố kêu lên:

– Lấy rượu ra, lấy rượu ra. Ta mời tất cả cùng uống, mời người Cáp Tát
Khắc tốt uống rượu mà cũng mời cả người Hán tốt uống rượu, ăn mừng bắt
được tên giặc cướp, ủa, tên cường đạo đâu rồi?

Mọi người cùng quay lại, không biết Trần Đạt Hải đã đi đâu mất. Thì ra
mọi người đang để ý đến Lý Văn Tú và A Mạn, để cho tên cướp lẻn theo cửa sau chạy mất. Tô Lỗ Khắc giận lắm, kêu lên:

– Cả bọn mau đuổi theo.

Y vừa mở cửa ra, một trận gió ùa vào, chân y bủn rủn, thân hình lảo đảo
nằm gục ngay xuống. Gió lạnh lại thêm có tuyết, thật là ác liệt, ai nấy
đều cảm thấy mình chịu không nổi. A Mạn nói:

– Trong cơn gió bão này, y cũng chẳng chạy được xa đâu, có cố gắng rồi
cũng chết trong gió lạnh. Đợi đến sáng gió bớt rồi, mình đi kiếm xác y
trên bãi tuyết cũng không sao.

Tô Phổ gật đầu, đóng cửa lại. Tô Lỗ Khắc trừng mắt nhìn Lý Văn Tú, một hồi sau mới hỏi:

– Này ông bạn, ngươi là người Cáp Tát Khắc, phải không?

Lý Văn Tú lắc đầu:

– Không, tôi là người Hán.

Tô Lỗ Khắc nói:

– Không thể được. Ngươi là người Hán, sao lại đánh tên cướp đó cứu người Cáp Tát Khắc là sao?

Lý Văn Tú nói:

– Người Hán cũng có người xấu, người tốt. Tôi. .. tôi không phải là người xấu.

Tô Lỗ Khắc lẩm bẩm:

– Người Hán cũng có người tốt sao?

Y chầm chậm lắc đầu. Thế nhưng tính mệnh của y, tính mệnh con y, rõ ràng do thanh niên người Hán này cứu, không tin sao được?

Y một đời thù hận người Hán, nhưng đến lúc này niềm tin của y đã lung
lay rồi. Y giận mình, tại sao buổi chiều lại uống rượu say, không được
đấu với tên giậc cướp người Hán một trận, lại để cho người Hán cứu mạng
mình? Cả đời y chuyện gì đến lúc nguy nan thì đều không đâu vào đâu, xui xẻo tận mạng. Thế nhưng hôm nay khi tên cướp vung kiếm chém xuống đầu,
lại được thanh niên này cứu, chẳng phải là thật đúng lúc sao? Chẳng phải là hên lắm sao?

*

* *

Đến khi trời sáng, quả nhiên gió bão đã bớt dần. Tô Lỗ Khắc và Xa Nhĩ
Khố liền đi ra chiêu tập tộc nhân đuổi theo tên giặc cướp người Hán.
Trên mặt tuyết vết chân thật rõ ràng, huống chi y lại bị thương nặng,
không thể nào chạy xa cho được. Tốt hơn hết là y đi gặp lại bọn cướp
người Hán kia, mối thù mười hai năm qua, bây giờ mới trả được.

Hơn ba trăm tráng đinh người Cáp Tát Khắc liền tổ chức thành đội thứ
nhất đuổi theo trước, còn các đội thứ hai, thứ ba cũng tiếp theo. Nếu
chỉ bắt Trần Đạt Hải lẽ dĩ nhiên không cần đông đến thế, nhưng cốt yếu
là tiêu diệt bọn cướp người Hán hoành hành nơi thảo nguyên. Tô Lỗ Khắc
và Xa Nhĩ Khố đi đầu. Họ muốn những tộc nhân còn lại đi xa xa, cách
chừng mươi dặm, để Trần Đạt Hải khỏi phát giác mà sẽ không dẫn đến gặp
đồng bọn. Tô Phổ hôm trước bị thương, nhưng không nặng nên cũng đòi đi
theo cha, còn A Mạn cũng nhất định đòi theo bố nhưng ai cũng biết, nàng
không muốn phải rời xa Tô Phổ. Xa Nhĩ Khố gọi thêm hai đồ đệ cùng đi,
một người là Tang Tư Nhi nhanh nhẹn, còn một thanh niên khỏe như trâu
nên thiên hạ gọi y là Lạc Đà, tên thật là gì người ta không cần nhớ nữa.

Lý Văn Tú cũng muốn tham gia đội tiên phong, Tô Phổ là người hoan nghênh trước hết. Qua trận đấu đêm qua, Lý Văn Tú đã thành một vị anh hùng
dưới mắt mọi người. Xa Nhĩ Khố thì không phản đối nàng tham gia còn Tô
Lỗ Khắc tuy không bằng lòng nhưng không dám mở lời phản đối.

Kế lão dường như bị trận đánh hôm qua sợ đến mất mật, buổi sáng uống sữa dê, sẩy tay làm vỡ cái bát. Lý Văn Tú bưng trà cho ông, hai tay ông run lúc cầm đổ sánh cả ra áo. Lý Văn Tú hỏi tại sao, mắt ông chỉ lộ vẻ sợ
hãi, đột nhiên quay vào phòng đóng chặt cửa lại.

Trên mặt đất đâu đâu cũng đóng tuyết thật dầy, ngựa đi thật khó, bảy
người tiên phong phải đi bộ, cứ theo dấu chân mà đuổi theo. Trần Đạt Hải đi thẳng hướng tây, tưởng chừng như định vượt qua sa mạc Qua Bích, tuy y hai vai bị thương, xem ra bước chân vẫn cực kỳ nhanh nhẹn. Còn sáu
người Cáp Tát Khắc vẫn thường nghe sa mạc Qua Bích có ác quỉ, trong lòng ai cũng thấp thỏm.

Tô Lỗ Khắc lớn tiếng nói:

– Hôm nay nếu như có biết sẽ gặp quỉ chăng nữa, mình vẫn nhất quyết đi
bắt cho bằng được tên giặc cướp. Tô Phổ, ngươi có muốn báo thù cho mẹ,
cho anh ngươi không?

Tô Phổ đáp:

– Con nhất định theo cha đi. A Mạn, em nên về nhà đi.

A Mạn đáp:

– Anh dám đi thì em cũng dám đi.

Trong bụng nàng muốn nói: “Nếu như anh chết thì em cũng đâu muốn sống một mình”. Tô Lỗ Khắc đáp:

– A Mạn, ngươi nên theo cha về nhà đi là hơn. Xa Nhĩ Khố nhát gan, sợ quỉ lắm.

Xa Nhĩ Khố gườm gườm nhìn y, vọt lên đi trước.

Cái đáng sợ nhất của sa mạc Qua Bích là hàng ngàn dặm không có nước, nếu như nước mang theo uống hết rồi, chỉ đành chịu chết khát. Thế nhưng
hiện nay tuyết đầy mặt đất, cúi xuống là có băng ngay, không có gì phải
lo. Tuy không cưỡi con gì được nên cũng đỡ không phải cát tạt vào mặt.
Càng về hướng tây, dấu chân của Trần Đạt Hải lưu lại càng rõ rệt, đến
sau trên vết chân không còn thấy bụi tuyết đè lên, chính vì gió đã ngừng hẳn. Xa Nhĩ Khố lẩm bẩm nói:

– Tên ác tặc này quả là lợi hại, gió bão thế mà nó không chết.

Tô Lỗ Khắc đột nhiên kêu lên:

– Ồ, lại có thêm dấu chân một người nữa kìa.

Y chỉ vào dấu chân nói:

– Người này bước nào cũng đạp ngay dấu chân tên cướp, không để ý thì không thấy được.

Mọi người nhìn kỹ, quả nhiên mỗi vết chân đều có một vết nông, một vết
sâu. Cả bọn bàn tán suy đoán, không hiểu vì duyên cớ gì. Lạc Đà bỗng
nói:

– Không lẽ là quỉ?

Điều đó trong bụng ai cũng đã nghĩ tới, nay y buột miệng nói ra, ai nấy
đều không khỏi lạnh gáy. Cả bọn lại cố gắng đi tiếp về hướng tây. Tuyết
dày đến ngang bắp chân, đi thật là chậm, đêm hôm đó nằm ngoài trời mà
nghỉ. Họ quét sạch tuyết, đào hố trên cát, lấy áo lông quấn chặt lấy
người nằm dưới hố nên cũng không lạnh lắm.

Cái hố của Lý Văn Tú do Lạc Đà đào giùm. Y thật khỏe, trong lòng kính
trọng vị anh hùng người Hán, nên đào giúp ngay giữa cái hố của Lạc Đà và Tô Phổ. Bảy cái hố làm thành một vòng tròn, ở giữa đốt một đống lửa
lớn.

Bầu trời thật là xanh, những vì sao sáng lấp lánh, mỗi lần gió thổi qua, cuốn những hoa tuyết bay lả tả. Lý Văn Tú nhìn hai bông tuyết bay, lẩm
bẩm nói một mình:

– Thật chẳng khác gì một đôi bướm trắng.

Tô Phổ nói tiếp theo:

– Đúng, giống thật. Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái người Hán, đã từng
kể cho tôi nghe truyện về bướm. Truyện kể là có một đôi thanh niên nam
nữ người Hán, hai người thương yêu nhau, nhưng cha cô gái không chịu gả
con cho chàng trai. Chàng trai đó đau lòng, thành bệnh mà chết. Một ngày kia, người con gái đi ngang mộ của tình lang, nằm phục xuống khóc lóc
thảm thiết.

Y kể đến đây, trong lòng Tô Phổ và Lý Văn Tú đều nhớ đến tình cảnh tám
chín năm trước, trên ngọn đồi, một đứa bé trai và một đứa bé gái ngồi
sánh vai nhau cùng chăn cừu. Đứa con gái kể truyện cổ tích, đứa con trai lắng tai nghe, khi đến đoạn người con gái nằm khóc nơi mộ tình nhân,
đứa con gái mắt rưng rưng mà đứa con trai cũng đau lòng.

Có điều Lý Văn Tú biết được đứa con trai đang nằm đây, còn Tô Phổ lại tưởng là đứa con gái nay đã chết rồi. Tô Phổ kể tiếp:

– Cô gái đó nằm phục trên mộ người tình khóc thật bi thương, đột nhiên
ngôi mộ nứt ra một đường dài, người con gái xinh đẹp kia liền nhảy vào
trong đó. Về sau đôi tình nhân biến thành một đôi bướm trắng, lúc nào
cũng bay cạnh nhau, không bao giờ chia lìa nữa.

A Mạn xen vào:

– Truyện đó hay quá, có phải người kể truyện chính là cô gái cho anh cái khăn tay địa đồ đấy không? Cô ta chết rồi sao?

Tô Phổ thản nhiên đáp:

– Đúng đó, chính là cô ta. Ông già người Hán bảo là cô ấy chết rồi.

Lý Văn Tú nói:

– Ngươi có còn nhớ cô ta không?

Tô Phổ đáp:

– Dĩ nhiên là nhớ chứ. Làm sao quên được?

Lý Văn Tú nói:

– Sao ngươi không đi thăm mộ cô ta một chuyến?

Tô Phổ đáp:

– Đúng đấy. Để bọn ta giết được giặc cướp xong, ta sẽ nhờ ông già bán rượu dẫn ta đi thăm.

Lý Văn Tú nói:

– Nếu ngôi mộ đó nứt ra một đường, liệu ngươi có nhảy vào không?

Tô Phổ cười đáp:

– Đó là truyện cổ tích chứ làm gì có thật.

Lý Văn Tú nói:

– Nếu như cô nương đó vẫn còn nhớ đến ngươi, ngày ngày khắc khoải chờ
ngươi đến với cô ta, rồi ngôi mộ nứt ra một đường thật, ngươi có dám
nhảy vào để vĩnh viễn ở cùng với cô ta chăng?

Tô Phổ thở dài đáp:

– Không. Cô gái đó chỉ là người bạn lúc còn thơ ấu mà thôi. Trong đời này, ta chỉ muốn được cùng sống chung với A Mạn thôi.

Nói đến đây y đưa tay ra nắm tay A Mạn. Lý Văn Tú cũng không hỏi thêm.
Mấy câu đó nàng vốn không muốn hỏi, và cũng đã biết được câu trả lời
rồi, nhưng nhịn không nổi nên thử ướm lời xem sao. Bây giờ nàng nghe nói thế, trong lòng chỉ càng thêm chua xót.

Bỗng nhiên từ xa văng vẳng vọng về tiếng chim thiên linh, giọng hót thật dìu dặt uyển chuyển, nhưng cũng thật thê lương ai oán. Tô Phổ nói:

– Hồi trước ta thường hay đi bắt chim thiên linh về chơi, chơi chán rồi
giết chết nó. Thế nhưng cô gái đó thích chim thiên linh lắm, cho ta một
cái vòng ngọc, bảo ta thả chim đi. Từ đó ta không bắt chim nữa, chỉ nửa
đêm ngồi nghe chim hót thôi. Các ngươi nghe coi, chim hót hay biết bao
nhiêu.

Lý Văn Tú “Ồ” một tiếng, hỏi:

– Thế chiếc vòng đó, ngươi có đem theo không?

Tô Phổ đáp:

– Đó là chuyện đã lâu lắm rồi, ta đánh vỡ mất từ hồi nào, không còn thấy đâu nữa.

Lý Văn Tú bùi ngùi nhắc lại:

– Đó là chuyện đã lâu lắm rồi, ta đánh vỡ mất từ hồi nào, không còn thấy đâu nữa.

Chim thiên linh vẫn dìu dặt hót không ngừng. Trong đêm khuya lạnh lẽo
chim vốn không hót, hôm nay không biết vì buồn bã chuyện gì mà muốn thổ
lộ đây? Bọn Tô Lỗ Khắc, Xa Nhĩ Khố, Lạc Đà vẫn ngáy đều, tiếng ồ ồ át cả tiếng chim.

*

* *

Hôm sau, trời vừa sáng, bảy người dậy ăn lương khô xong, lại theo vết
chân đuổi tiếp. Ánh mặt trời vàng vọt, chiếu lên người chỉ hơi ấm một
chút nhưng có ánh nắng không ai còn sợ quỉ nữa. Đuổi đến quá trưa, trên
sa mạc một hàng dấu chân nay thành hai hàng. Người thứ hai hiển nhiên
không còn cố công dẵm lên vết chân người đi trước nữa. Tô Lỗ Khắc vui
mừng kêu la, thế này thì nhất định là người, không phải là quỉ, có điều
là ai?

Hướng bảy người đang đi hoàn toàn khác hẳn hướng mà Lý Văn Tú vẫn thường đến gặp sư phụ. Nàng đột nhiên nghĩ thầm: “Tên giặc cướp này xem chừng
không phải đi kiếm đồng bọn của y, mà theo đường trên địa đồ, một mình
đi tìm Cao Xương mê cung”. Nàng nói ra ý nghĩ đó, cả bọn Tô Lỗ Khắc suy
nghĩ một hồi rồi cùng đồng ý là đúng. Tang Tư Nhi nói:

– Vùng sa mạc này bình thời không có một giọt nước, bọn giặc cướp người Hán hẳn chẳng đến đây làm gì.

Tô Lỗ Khắc lớn tiếng nói:

– Y chạy đến mê cung, thì bọn ta cũng đuổi đến mê cung. Dù phải đuổi đến chân trời, ta cũng nhất định phải bắt cho bằng được tên ác tặc.

Trong bộ tộc từ đời này truyền sang đời khác, trong đại sa mạc có một
tòa mê cung, trong đó có không biết bao nhiêu là châu báu. Thế nhưng
không ai biết đường đến mê cung, còn đi loanh quanh tìm kiếm trong sa
mạc không tìm được lối về thì ai cũng sợ, thành thử không ai dám mạo
hiểm đi vào. Thế nhưng hiện nay đã có địa đồ, trong sa mạc lại đầy
tuyết, hai ba chục ngày cũng chưa tan hết, đằng sau lại có đại đội nhân
mã tiếp ứng, còn sợ nỗi gì?

Huống chi, Tô Lỗ Khắc trước nay vẫn tự hào mình là dũng sĩ số một của
người Cáp Tát Khắc, y chắc mẩm Xa Nhĩ Khố thể nào cũng sợ hãi bỏ cuộc
không dám tiếp tục đuổi theo. Thế nhưng Xa Nhĩ Khố chẳng có vẻ gì tỏ ra
nao núng. Lý Văn Tú nói:

– Đúng, bọn mình cứ đi theo thử xem, trên đời này có hay không có tòa Cao Xương mê cung.

Nàng nghĩ đến cha mẹ vì chuyện đó mà bỏ mình, nếu chính mình tìm được
đến mê cung này cũng là hoàn thành di chí của cha mẹ. A Mạn nói:

– Các người già cả trong bộ tộc nói rằng, bảo vật trong Cao Xương mê
cung có thể làm cho nghìn nghìn vạn vạn người ở cả nam bắc Thiên Sơn
được sung sướng đời đời. Thế nhưng hàng nghìn năm nay đã có ai tìm thấy
đâu?

Tô Phổ vui mừng nói:

– Nếu mình tìm được, ai ai cũng được sung sướng thì còn gì bằng.

A Mạn nói:

– Thế mình bây giờ không sung sướng hay sao?

Tô Phổ gãi đầu:

– Sướng lắm chứ, sướng lắm chứ.

Y không nghĩ ra được trên đời này còn có cái gì làm cho y sung sướng hơn bây giờ được nữa. Lý Văn Tú lại nghĩ: “Dù cho Cao Xương mê cung có bao
nhiêu trân kỳ bảo vật, cũng không làm cho ta được sung sướng hơn chút
nào”.

Đến ngày thứ tám, bảy người đi theo vết chân vào trong dãy núi. Đá núi
mấp mô, càng vào sâu càng khó đi, cũng may trên mặt tuyết vết chân vẫn
còn rõ ràng. Có điều trong núi gập ghềnh chẳng có đường đi, cứ theo vết
chân người đi trước mà vượt qua những triền núi, thung lũng, trước mắt
thấy con đường vô cùng vô tận, hai hàng vết chân trước mặt tưởng chừng
như đi thẳng vào địa ngục.

Tô Lỗ Khắc và Xa Nhĩ Khố thấy bốn bề hung hiểm, trong lòng đã thấy ớn,
liền anh một câu tôi một câu hai bên cãi nhau. Tô Lỗ Khắc nói:

– Xa Nhĩ Khố, ngươi toàn thân run bần bật, sợ quá vỡ mật thì khổ. Chi
bằng ngồi đây đợi ta, nếu kiếm thấy châu báu thể nào cũng chia cho ngươi một phần.

Xa Nhĩ Khố đáp:

– Bây giờ thì lên mặt anh hùng hảo hán, để đến khi ác quỉ nó ra, xem ngươi chạy trước hay con ngươi chạy trước nào?

Tô Lỗ Khắc đáp:

– Đúng đó, cha con ta thấy quỉ cũng còn có sức mà chạy, còn hơn ngươi sợ quá chỉ còn nước khụy xuống mà run.

Hai người nói qua nói lại không ngoài chuyện ác quỉ trong sa mạc. Đi thêm một hồi, bốn bề chung quanh đều tối om. Tô Phổ nói:

– Cha ơi, mình ngừng lại đây nghỉ ngơi, ngày mai đi tiếp.

Tô Lỗ Khắc chưa kịp trả lời, Xa Nhĩ Khố cười đáp:

– Hay lắm, cha con ngươi nghỉ lại đây để khỏi nguy hiểm. A Mạn, ngươi
theo ta đi. Lạc Đà, Tang Tư Nhi, mình không sợ quỉ, cứ đi tiếp.

Tô Lỗ Khắc hừ một tiếng, nhổ toẹt một bãi nước bọt xuống đất, xông lên
đi trước. Lý Văn Tú thấy hai người hăng máu tranh đua, chẳng ai chịu kém ai, đành phải đi theo. Thế nhưng A Mạn mệt quá gần như chịu không nổi
nữa. Tô Phổ, Tang Tư Nhi hai người đi kiếm cành khô làm đuốc soi đường.
Bảy người trong rừng sâu núi thẳm, lần theo dấu chân mà đi. Tối hôm nay
đến một vùng quỉ khí âm u, ai nấy trong lòng đều sợ hãi, thỉnh thoảng
tiếng chim rúc, hay tuyết đóng trên cành rơi ụp xuống, khiến mọi người
đều nhảy dựng cả lên. Cũng thật lạ kỳ, giữa rừng sâu mà vẫn có đường đi, tuy cỏ mọc cao ngất che phủ, nhưng dấu vết từ xưa vẫn còn nhìn rõ.

Bảy người ở trong rừng đi một quãng dài, A Mạn bỗng kêu lên:

– Ối chà, không xong rồi.

Tô Phổ vội hỏi:

– Gì thế?

A Mạn chỉ vào một chiếc vòng bạc lấp lánh nằm bên đường nói:

– Anh coi, cái vòng kia là của em đánh rơi đó.

Chiếc vòng đó ở phía trước chừng hai ba trượng, không hiểu vì cớ gì xuất hiện nơi đây. A Mạn nói:

– Em đánh rơi chiếc vòng, định bụng khi trở về sẽ kiếm sau, sao bây giờ lại ở đây?

Xa Nhĩ Khố nói:

– Ngươi thử nhìn cho kỹ, có thật là của ngươi hay không?

A Mạn không dám đến nhặt lên, Tô Phổ liền tiến lên cầm lấy, không đợi A Mạn xác nhận, y đã nhìn ra nói:

– Đúng rồi, của nàng ta đó.

Nói xong đưa lại chiếc vòng cho A Mạn. A Mạn không dám cầm, run run nói:

– Anh. .. anh vứt nó đi, em không lấy nữa đâu.

Tô Phổ nói:

– Hay là ác quỉ đến phá mình thật chăng?

Dưới ánh lửa bập bùng, mặt mày ai nấy đều thật là khó hiểu. Qua một hồi sau, Lý Văn Tú nói:

– – E rằng còn ghê hơn là gặp ác quỉ, mình đang trở lại con đường cũ, khúc đường này lúc trước mình đã đi qua rồi.

Cả bọn lập tức nghĩ ngay đến truyền thuyết nổi tiếng từ trước đến nay:
trong sa mạc kẻ lữ hành lạc mất lối, cứ đi đi mãi, đột nhiên thấy được
dấu chân người, mừng muốn phát điên, cứ theo đó mà đi, ngờ đâu là bước
chân của chính mình, đi một vòng lớn lại quay về chỗ cũ, đi mãi đến chết mới thôi.

Không ai muốn tin lời Lý Văn Tú là đúng, thế nhưng rõ ràng vật A Mạn rơi đã lâu, đi cả nửa ngày, lại đột nhiên xuất hiện ngay trước mặt, rõ ràng là đã đi một vòng trở lại chỗ cũ. Trong đêm tối, người mệt mỏi, có ai
biết được trước mặt mình là dấu chân hai người hay có thêm dấu chân của
bảy người nữa. Lạc Đà tiến lên mấy bước, cầm đuốc soi dấu chân dưới
tuyết, kêu lên:

– Có nhiều dấu chân lắm, đúng là của mình rồi.

Tiếng nói đầy hốt hoảng, cả bảy người nhìn nhau bần thần. Tô Lỗ Khắc và
Xa Nhĩ Khố chẳng ai còn dám huênh hoang, chế riễu người kia nữa. Lý Văn
Tú nói:

– Bọn mình đi theo dấu chân tên giặc cướp và người nào đó, nếu như họ
cũng đi một vòng, thì chúng ta một hồi sau cũng quay trở lại chỗ cũ. Chi bằng mình nghỉ lại đây, để xem bọn họ có đến hay không?

Đến nước này, mọi người đều đồng ý với lời nàng nói, liền quét sạch
tuyết đóng trên đường, trải chăn ra ngồi xuống. Lạc Đà và Tang Tư Nhi
đốt một đống lửa, cả bảy người ngồi vây quanh, chẳng ai ngủ được mà cũng chẳng ai muốn nói chuyện. Bọn họ ngồi chờ Trần Đạt Hải và kẻ kia đến,
nhưng cũng lại sợ ví thử hai người tới thật, thì đúng là họ đã đi một
vòng rồi quay lại đây, số mạng cả bọn cũng không khác gì.

Đợi lâu thật lâu, bỗng có tiếng chân người. Cả bảy người nghe tiếng chân cùng nhảy dựng cả lên, nhưng bỗng dưng ngừng bặt. Trong giây phút đó,
đến tiếng tim chính mình đập cũng còn nghe. Đột nhiên tiếng bước chân
lại vang lên, nhưng đi xa dần về hướng tây bắc. Ngay lúc đó, một cơn gió ở đâu ập tới, cuốn một mảng tuyết lớn trên đường trút ngay vào đống
lửa, đống lửa liền tắt ngúm, bốn bề lập tức tối đen như mực.

Chỉ nghe soẹt soẹt soẹt mấy tiếng, sáu người bọn Tô Lỗ Khắc đều rút đao
kiếm ra. A Mạn hốt hoảng “A” lên một tiếng, nép vào lòng Tô Phổ. Dưới
ánh tuyết chiếu lên, lưỡi đao lưỡi kiếm lấp loáng, tiếng chân kia càng
lúc càng xa, sau cùng không nghe thấy gì nữa.

Cho đến khi trời sáng, trong khu rừng không thấy gì khác lạ. Buổi sáng
hôm sau, khi những tia nắng đầu tiên xuyên cành lá chiếu vào, cả bọn đều tinh thần phấn khởi, lại tiếp tục tìm đường mà đi. Đi một lúc nữa, A
Mạn bỗng thấy mấy bụi cây phía trái có vài cành bị gãy, kêu lên:

– Coi kìa!

Tô Phổ vạch cây ra thấy dưới đất có hai hàng dấu chân, reo lên:

– Bọn họ từ đây đi tới.

A Mạn nói:

– Chắc tên cường đạo kia coi sai địa đồ thành ra mới chạy một vòng, rồi lại từ đây mà đi làm cho bọn mình sợ cả một buổi.

Tô Lỗ Khắc cười ha hả nói:

– Đúng đó, cả nhà Xa Nhĩ Khố nhát gan sợ mất vía. Còn nhà Tô Lỗ Khắc là
dũng sĩ nên chỉ mong quỉ hiện ra để nắm tai nó xem thế nào.

Xa Nhĩ Khố không thèm nhìn y, làm như không nghe thấy, quay ngược lại
nắm luôn tai y. Tô Lỗ Khắc kêu oái lên một tiếng, đấm ra một quyền,
trúng ngay lưng y. Xa Nhĩ Khố lảo đảo, nhưng bàn tay nắm tai Tô Lỗ Khắc
vẫn chưa buông khiến y rách tai máu chảy ròng ròng, nếu giựt mạnh một
cái e rằng đến đứt tai mất.

Lý Văn Tú thấy hai người đã ngoài bốn mươi mà vẫn như hai đứa trẻ nít
tranh cãi không ngừng, nửa đùa nửa thật, khiến người khác phải nực cười. Chỉ thấy Tô Lỗ Khắc và Xa Nhĩ Khố đấm nhau loạn xạ bình bình bình mấy
cái mới thôi. Hai người một bên mũi tím bầm còn một bên mắt sưng vù
nhưng vẫn vừa tranh cãi, vừa tiếp tục đi.

Bấy giờ con đường khúc khuỷu, chỗ cao chỗ thấp thật là khó đi, có lúc
phải vòng qua núi, có lúc lại chui vào hang, nếu chẳng có dấu tuyết mà
theo thì không cách gì nhìn rõ được. Lý Văn Tú nghĩ thầm: “Cái mê cung
này quả thực cực kỳ ẩn bí, nếu không có địa đồ thì làm sao mà tìm cho
thấy?”.

Đi đến giữa trưa, cả bọn suốt đêm không ngủ, ai nấy đều cực kỳ mỏi mệt,
chỉ có Lý Văn Tú nội công tương đối căn cơ, nên thần thái còn tỉnh táo.
Tô Phổ nói:

– Cha, A Mạn đi không nổi nữa rồi, mình ngồi nghỉ chút đã.

Tô Lỗ Khắc chưa kịp trả lời, bỗng nghe Xa Nhĩ Khố đi ở phía trước kêu
lên “A” một tiếng. Tô Lỗ Khắc vội vàng vượt lên, đi qua mấy hàng cây,
thấy trước mặt là một quả núi, trên đó có hai cánh cửa đúc bằng thép.
Cánh cửa đã rỉ sét hiển nhiên cực kỳ cũ kỹ.

Cả bảy người cùng reo lên:

– Cao Xương mê cung!

Họ vội vàng tiến tới. Tô Lỗ Khắc dùng sức đẩy cánh cửa nhưng hai cánh cửa không hề chuyển động chút nào. Xa Nhĩ Khố nói:

– Tên ác tặc chắc cài then bên trong rồi!

A Mạn xem kỹ chung quanh cánh cửa, thấy không có máy móc gì, nhưng cánh
cửa dường như trời sinh gắn liền vào núi đá, chẳng có chút khe hở nào. A Mạn cầm chiếc vòng cửa, xoay qua bên trái không thấy gì. Mê cung này
xây dựng đã mấy trăm năm qua, tuy trong sa mạc cực kỳ khô ráo mà cửa sắt cũng đã hoen rỉ, nếu như có cơ quan chuyển động thì cũng không còn dùng được. Nào ngờ khi nàng chuyển ngược lại phía bên phải, thì cái vòng
lỏng ra. Nàng lắc thêm mấy cái, Tô Lỗ Khắc và Xa Nhĩ Khố hai người đang
hì hục đẩy cửa, đâu ngờ thiết môn bỗng mở vào bên trong nên đều bổ nhào
về trước. Hai người kinh hãi nhưng lập tức định thần, cười ha hả rung cả toàn thân.

Phía sau cánh cửa là một cái hang đen ngòm, Tô Phổ vội đốt đuốc, một tay soi, một tay cầm đao, đi trước dẫn đường. Đi hết cái hang, đằng trước
có một ngã ba. Trong mê cung không có dấu tuyết chỉ đường, không biết
hai người kia đi theo lối nào. Cả bọn cúi xuống xem kỹ, thấy phía trái
và phía phải hai đường đều có dấu chân mờ mờ. Tô Lỗ Khắc nói:

– Bốn người đi bên trái, ba người đi bên phải. Sau đó mình trở lại đây gặp nhau.

Lý Văn Tú nói:

– Cái đó không xong. Nơi này đã gọi là mê cung, đường đi ắt hẳn ngoằn ngoèo, bọn mình nên đi chung một chỗ.

Tô Lỗ Khắc lắc đầu:

– Ở trong cái hang núi này có được bao nhiêu đường đất? Người Hán nhát gan, chẳng dám làm gì hết.

Tuy y nói thế nhưng cả bảy người vẫn đi cùng, thấy đường phía bên phải rộng rãi hơn cả nên đi về hướng đó.

Đi được độ mươi trượng, Tô Lỗ Khắc nghĩ thầm: “Gã người Hán này nói
không sai”. Trước mặt lại có nhánh chia ra. Bảy người xem kỹ dấu chân,
lại theo một đường mà đi. Có khi đường nhánh hai bên đều có dấu chân, họ chỉ cón nước chọn đại một đường. Đi một hồi lâu, trong hang núi không
biết đã bao nhiêu nhánh đường. Mỗi khi đến chỗ nhánh chia, A Mạn lại
dùng dao khắc lên tường làm dấu, để khi quay về khỏi bị lạc lối. Đột
nhiên trước mắt mở rộng thành một vùng trống không, phía bên kia lại có
hai cánh cửa sắt, nằm sâu trong triền núi.

Bảy người đi ra khoảng đất trống đi về phía cửa bên kia. Tô Lỗ Khắc lại
đến vặn chiếc vòng, nào ngờ cánh cửa này chỉ khép hờ, chỉ đẩy nhẹ một
cái, đã “kẹt” một tiếng mở ra ngay. Bảy người đi vào, thấy bên trong là
một điện đường, bốn bề toàn là tượng Phật đắp bằng đất hay tạc bằng gỗ.
Đi qua khỏi điện đường, liên miên bất tuyệt không biết bao nhiêu phòng
ốc, phòng nào cũng toàn là tượng Phật. Thỉnh thoảng trên tường có những
hàng chữ Hán viết nào là Cao Xương Quốc Quốc Vương, Văn Thái, Đại Đường
Trinh Quan Thập Tam Niên. .. Có một tòa điện đường lại đầy những tượng
đất người Hán, đứng giữa là một ông già, trên biển đề chữ “Đại Thành Chí Thánh Tiên Sư Khổng Tử Vị”, trái phải thêm mấy chục người khác, đề các
tên Nhan Hồi, Tử Lộ, Tử Cống, Tử Hạ, Tử Trương. … Tô Lỗ Khắc thấy
nhiều tượng người Hán liền nhăn mặt đi ra nơi khác.

Lý Văn Tú nghĩ thầm: “Ở nơi này mọi người đều theo đạo Hồi, sao trong mê cung lại nhiều tượng Phật, lại có cả người Hán? Trên tường lại viết chữ Hán, thật là lạ lùng”. Bảy người qua hết phòng này đến phòng khác, thấy quá nửa cung thất đã bị hủy hoại, có phòng thì đầy cát vàng, đến cửa
ngõ cũng bị lấp kín. Đường trong mê cung vốn dĩ thật là phức tạp, rắc
rối, lại thêm tường đổ cát lấp, càng khiến cho thêm nhức đầu. Thỉnh
thoảng thông lộ lại có vài bộ xương trắng, các dụng cụ trong cung không
giống như những gì người Hồi Cương đang dùng, Lý Văn Tú nhớ lại đây là
những đồ người Hán ở Trung Nguyên sử dụng. Thế nhưng ai nấy coi thấy đều hoa cả mắt, tấm tắc khen lạ lùng. Thế nhưng truyền thuyết nói là đầy
vàng bạc châu báu thì hoàn toàn không thấy đâu cả.

Bảy người cứ theo con đường hầm tối đen mà đi tới, đột nhiên phía trước có một tiếng người hầm hừ nói:

– Ta ở nơi đây an tĩnh đã một nghìn năm qua, kẻ nào đến làm rộn ta đó. Đứa nào lớn mật tới đây lập tức chết ngay.

Người đó nói tiếng Cáp Tát Khắc, giọng thật là nhuần nhuyễn, thanh âm
tuy không lớn nhưng nghe vẫn rõ ràng. A Mạn kinh hoảng kêu lên:

– Ác quỉ đó! Y. .. y nói ở đây đã một nghìn năm.

Nàng cầm tay Tô Phổ, lùi về sau mấy bước. Lạc Đà kêu lên:

– Đó là người chứ không phải quỉ đâu.

Y giơ cao cây đuốc tiến lên. Tang Tư Nhi không dám tỏ ra kém thế, cũng
xông lên mấy bước, đi ngang với y. Hai người đi đến một khúc quẹo, bỗng
dưng cùng kêu lên, thân hình ngã ngửa về sau. Mọi người kinh hãi, Tô Lỗ
Khắc và Xa Nhĩ Khố vứt đuốc trên tay, chạy lên đỡ họ dậy. Chỉ thấy phía
trước vọng ra một tiếng cười quái dị, và tiếng người nói:

– Ta ở đây đã một nghìn năm, ta ở đây đã một nghìn năm. Kẻ nào vào đây là chết.

Xa Nhĩ Khố không dám nghĩ thêm, vội ôm Lạc Đà chạy ngược lại. Tô Lỗ Khắc cũng ôm Tang Tư Nhi, cùng tất cả mọi người cùng chạy, đằng sau tiếng
cười quái dị vẫn tiếp tục đuổi theo. Đến khoảng sân rồi, nhìn lại Lạc Đà và Tang Tư Nhi hai người khóe miệng ứa máu, đã chết cả rồi. Năm người
nhìn nhau, trong lòng vừa đau đớn vừa kinh hoàng. A Mạn run run nói:

– Con ác quỉ không muốn ai tới. .. tới làm rộn nó, thôi mình đi ra đi.

Đến nước này, Tô Lỗ Khắc và Xa Nhĩ Khố không ai còn dám hung hăng sấn
tới nữa. Bọn họ liền theo dấu đã ghi, ôm hai cái xác người đi ra khỏi mê cung. Xa Nhĩ Khố chết mất hai đệ tử thương yêu, trong bụng thật là đau
đớn, không ngừng chùi nước mắt. Tô Lỗ Khắc cũng không còn dám trêu chọc
y, ngược lại nói đôi lời an ủi:

– Hai tên cường đạo người Hán vào trong mê cung rồi không thấy tăm hơi
đâu, chắc là bị ác quỉ trong đó giết rồi. Thế cũng xong, hai tên giặc đó thật đáng đời chúng nó.

A Mạn nói:

– Thôi mình cứ theo đường cũ mà về, từ rày. .. từ rày vĩnh viễn không bao giờ quay lại đây nữa.

Xa Nhĩ Khố đáp:

– Đại đội nhân mã của bộ tộc mình sắp kéo đến đây rồi, phải cho họ biết, đừng để anh em nào tiến vào, ai vào là chết tươi đấy.

Tô Lỗ Khắc nói:

– Đúng lắm. Chỉ nên ở bên ngoài mê cung, thì. .. thì sẽ không sao cả.

Có sao hay không thật cũng chẳng ai biết. Thế nhưng năm người đi ra đến
sáu bảy dặm, đến một khu đất trống rồi lúc ấy mới dừng bước. Tô Lỗ Khắc
nói:

– Ác quỉ sợ ánh mặt trời, nó muốn đuổi theo mình đến chỗ đồng trống này thể nào cũng bị nắng cháy.

A Mạn nói:

– Thế tối thì sao?

Tô Lỗ Khắc gãi gãi đầu, không sao trả lời được.

Nhưng may sao đến tối thì đội nhân mã đầu tiên đã đến nơi. Tô Lỗ Khắc
vội kể chuyện tìm ra mê cung, trong cung có ác quỉ hại người như thế nào kể cho mọi người nghe. Tuy đông người mật lớn, chẳng ai dám đề nghị đi
vào thám hiểm. Đội thứ hai, đội thứ ba lần lượt kéo đến, mấy trăm người ở nơi đất bằng này nghỉ ngơi. Cứ mỗi nhóm độ mươi người lại gầy một đống
lửa, nghĩ rằng ác quỉ dù hung dữ nhưng chắc cũng sợ ánh sáng.

Lý Văn Tú nằm dựa vào một khối đá, trong bụng nghĩ thầm: “Cha mẹ ta hàng vạn dặm từ Trung Nguyên đến đất Hồi Cương, cũng chỉ vì muốn tìm đến Cao Xương mê cung. Hai người chưa tìm được đến nơi thì đã táng mạng. Thực
ra nếu có kiếm được chăng nữa, phần lớn cũng bị ác quỉ trong cung giết
chết, trừ khi nghe tiếng quỉ liền lùi ra ngay. Thế nhưng cha ta, mẹ ta
một thân võ công, không đời nào lại nghe lời ác quỉ. Ôi, người võ công
có cao bao nhiêu, nhưng làm sao đánh lại được quỉ quái?”.

Đột nhiên từ sau có tiếng người đi rón rén đến gần, ghé tai nói nhỏ: “A Tú”. Lý Văn Tú mừng quá, vội nhỏm dậy kêu lên:

– Kế gia gia, ông cũng đến đấy ư?

Kế lão nói:

– Ta không yên lòng nên đi theo đại đội đến kiếm ngươi đây.

Lý Văn Tú trong lòng cảm kích, cầm tay ông ta, nói:

– Đường đi thật gian nan, ông tuổi đã lớn rồi, chắc khổ sở lắm, mau ngồi xuống nghỉ đi.

Kế lão bèn ngồi xuống bên cạnh nàng, bỗng từ phương tây vọng lại mấy
tiếng cú rúc chói tai, thật là khó nghe. Cả bọn không hẹn mà cùng hướng
về phía tiếng chim, chỉ thấy một con vật gì trắng toát, từ trong đêm tối lao vụt ra, đến cách chỗ mọi người chừng bốn trượng, đứng yên không
động đậy, nhìn ra thì là một bóng người, dưới ánh lửa thấp thoáng, con
quái vật đó khoác một tấm vải trắng, mặt đầy những máu, trên áo cũng máu me vương vãi, thân hình thật cao, phải hơn người thường đến năm thước.
Trong đêm tối hình ảnh đó cực kỳ đáng sợ. Con quỉ đó vươn hai tay, mười
móng tay so với ngón tay còn dài hơn, tay cũng đầy máu.

Cả bọn không ai dám thở, chỉ chăm chăm nhìn nó.

Con quỉ quái đó lại cười hinh hích, eo éo nói:

– Ta ở mê cung ở đã một nghìn năm, không để cho ai làm rộn, sao các ngươi dám lớn mật đến thế?

Nó nói bằng tiếng Cáp Tát Khắc, chính là thanh âm Lý Văn Tú đã nghe
trong mê cung lúc ban ngày. Con quái vật đó từ từ quay lại, hai tay nhắm ngay một con ngựa cách xa chừng ba trượng, kêu lớn:

– Chết này!

Nó lập tức xoay người đi mất, chỉ nháy mắt đã không còn thấy hình bóng
đâu. Con quỉ đó chợt đến, chợt đi, thật là đáng sợ, mãi đến khi nó đi
một lúc rồi, mọi người mới kinh hoảng kêu la. Con ngựa bị nó chỉ vào bốn chân khuỵu xuống, ngã ra chết rồi. Mọi người chen nhau đến coi, thấy
con vật toàn thân không có thương tích gì, mũi mồm cũng không chảy máu,
không biết trúng phải phép ma phép quái gì mà chết.

Mọi người cùng nói:

– Đúng quỉ rồi, đúng quỉ rồi.

Có người nói:

– Ta đã bảo Đại Qua Bích có quỉ mà!

Người khác nói:

– Mê cung đó hàng ngàn năm không ai dám vào, dĩ nhiên có quỉ canh giữ.

Lại người khác nói:

– Nghe nói quỉ quái không có chân, xem con quỉ này có dấu chân không nào?

Mọi người liền cầm đuốc, đến chỗ con quỉ bỏ đi soi tìm, thấy cứ năm
thước lại có một cái lỗ nhỏ, dấu chân người không thể nhỏ như thế, hai
dấu cách nhau cũng không thể xa như thế.

Chuyện xảy ra như vậy không ai còn hồ nghi, chắc chắn là quỉ quái trong mê cung ra phá phách, đều nói:

– Dù trong mê cung có cái gì chăng nữa thì mình cũng chẳng thèm. Sáng sớm ngày mai, tất cả rút trở về.

Đêm đó người nào cũng phập phồng lo sợ, nhưng hôm sau khi mặt trời lên
thì không ai còn sợ hãi như trước nữa. Một số thanh niên bàn nhau nên
vào mê cung xem cho biết. Tô Lỗ Khắc và Xa Nhĩ Khố đều sẵng giọng ngăn
lại, bảo là nếu như muốn vào mê cung thì phải bàn cho kỹ lưỡng tìm một
cách thức an toàn.

Bàn tán cả ngày nhưng có ra cách thức nào đâu? Tuy nhiên tất cả dồng ý ở lại thêm một đêm, ngày mai tính lại. Đến khoảng gần giờ hợi, chính là
lúc quỉ quái xuất hiện đêm trước, lại nghe thấy phương tây ba tiếng cú
rúc, cả bọn ai nấy đều nổi da gà. Con quỉ áo trắng chân dài, toàn thân
đầy máu lại vụt tới, đứng cách chừng vài trượng, eo éo nói:

– Các ngươi chưa chịu về phải không? Cứ ở loanh quanh đây thêm một đêm
nữa, từng đứa từng đứa ta sẽ cho chết không kịp ngáp. Ta ở trong cung
một nghìn năm qua không ai dám vào, chúng bay lớn mật thật.

Nói tới đây nó lại từ từ quay đầu, hai tay chỉ vào một thanh niên đứng tận đằng xa, kêu lên:

– Chết này!

Nói xong, nó lập tức rút về chạy mất, dưới ánh trăng thấy nó chạy mỗi
lúc một xa, sau cùng biến mất. Chỉ thấy thanh niên kia từ từ sụm xuống,
không nói được một câu, chết ngay lập tức, trên người cũng không có vết
thương nào. Đêm qua chỉ mới chết một con ngựa, hôm nay lại giết một
thanh niên khỏe mạnh. Như thế còn ai dám ở bây giờ? Huống chi bọn Tô Lỗ
Khắc lại nói là trong mê cung nào có báu vật gì đâu, đến một cục vàng
cục bạc cũng không. Nếu chẳng phải vì trời tối, cả bọn chắc đã lên đường chạy rồi.

Hôm sau trời vừa hửng sáng, cả bọn đã lếch thếch quay về.

Lý Văn Tú hôm trước đã đến xem kỹ xác con ngựa, bây giờ lại đến coi thi
thể chàng thanh niên, trong bụng không còn hoài nghi gì nữa, nói lẩm
bẩm: “Cái này không phải ác quỉ”.

Bỗng dưng đằng sau có tiếng người run run:

– Đúng là ác quỉ, đúng là ác quỉ! A Tú, so với ác quỉ còn đáng sợ hơn, thôi mình đi về.

Không biết từ bao giờ, Kế lão đã đứng ngay sau lưng nàng. Lý Văn Tú thở dài nói:

– Được, thôi mình đi về.

Đột nhiên nghe tiếng Tô Phổ kêu thất thanh:

– A Mạn, A Mạn, em ở đâu?

Xa Nhĩ Khố kinh hoảng hỏi:

– A Mạn không đi với ngươi ư?

Nói xong y cất tiếng gọi lớn:

– A Mạn, A Mạn! Thôi mình đi về.

Lập tức chạy đi tìm con gái. Tô Phổ cũng vừa kêu “A Mạn” vừa chạy lên
một cái gò, nhìn bốn bề, bỗng thấy phía tây cạnh đường có một cái khăn
choàng đầu thêu hoa, vội vàng chạy tới nhặt lên xem, chính là khăn của A Mạn. Y hoảng không để đâu cho hết, kêu lớn:

– A Mạn bị ác quỉ bắt đi rồi.

Lúc này đoàn người đi đã xa, ngay cả xác của Lạc Đà, Tang Tư Nhi, và
chàng thanh niên cũng đã khiêng đi rồi, ở lại chỉ còn có Tô Lỗ Khắc, Xa
Nhĩ Khố, Tô Phổ, Lý Văn Tú và Kế lão năm người thôi. Cả bọn nghe Tô Phổ
hoảng hốt kêu vội chạy tới hỏi han. Tô Phổ cầm chiếc khăn hoa, chân tay
rụng rời nói:

– Cái này của A Mạn. Nàng. .. nàng. .. bị ác quỉ bắt mất rồi.

Lý Văn Tú hỏi lại:

– Bắt đi lúc nào?

Tô Phổ đáp:

– Ta không biết. Chắc là đêm hôm qua. Nàng. .. nàng ngủ chung với mấy cô bạn gái, sáng nay không còn thấy đâu nữa.

Y ngơ ngẩn một hồi, đột nhiên nhắm hướng mê cung lao mình chạy tới, vừa chạy vừa kêu:

– Ta thề cùng chết với A Mạn.

A Mạn bị ác quỉ bắt đi rồi, y làm gì có tài cứu được nàng về. Thế nhưng
nếu A Mạn chết rồi, y cũng chẳng muốn sống làm gì nữa. Tô Lỗ Khắc gọi
vói theo:

– Tô Phổ, Tô Phổ, thằng ngu, mau quay lại, ngươi không sợ chết ư?

Thấy con mình càng chạy càng xa, tình cha con sau cùng thắng được nỗi sợ ác quỉ, y cũng chạy theo. Xa Nhĩ Khố ngơ ngẩn, kêu lên:

– A Mạn, A Mạn!

Rồi cũng chạy theo hai người kia. Kế lão lắc đầu:

– A Tú, thôi mình đi về.

Lý Văn Tú nói:

– Không, Kế gia gia, cháu phải đi cứu họ.

Kế lão nói:

– Ngươi đánh không lại ác quỉ đâu.

Lý Văn Tú nói:

– Không phải ác quỉ, người đó.

Kế lão đột nhiên giơ tay ra, nắm chặt tay Lý Văn Tú, run run nói:

– A Tú, dẫu có là người, y so với ác quỉ còn đáng sợ hơn. Ngươi nghe lời ta, mình đi về thôi, đi cho thật xa. Mình là người Hán, không thể ở Hồi Cương được, ngươi và ta cùng về Trung Nguyên.

Lý Văn Tú thấy Tô Phổ ba người càng lúc càng xa, trong bụng bồn chồn, cố dãy ra, nào ngờ Kế lão tuy tuổi đã cao, sức lực không phải tầm thường,
liên tiếp mấy lần vẫn không thoát ra được. Nàng kêu lên:

– Bỏ tay cháu ra. Tô Phổ, Tô Phổ cũng bị nó giết mất.

Kế lão thấy nàng mặt đỏ gay, bộ dạng thật là gấp rút, đành thở dài một tiếng, bỏ tay nàng ra buồn bã nói:

– Vì chàng thanh niên Cáp Tát Khắc kia, ngươi chẳng coi cái gì vào đâu.

Lý Văn Tú vừa thoát được liền quay đầu chạy ngay, không nghe Kế lão nói
gì. Nàng chạy một mạch đến trước mê cung, thấy Tô Phổ tay đang múa đao,
vừa múa vừa gào:

– Ác quỉ chết tiệt kia, ngươi giết chết A Mạn, thì giết luôn ta đi. A
Mạn chết rồi, ta còn sống làm gì. Ta là Tô Phổ, ngươi có giỏi ra đây
cùng ta quyết đấu, ngươi sợ ta hay sao?

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN