Bình Minh Chết
Chương 26: Song loan
Gia đình nhỏ chỉ có 2 mẹ con cùng nương nhau sống qua ngày trong một con hẻm nhỏ. Vách tường gạch bám đất cũ kĩ mọc lên những cây cỏ cây rêu dính nước mưa vào nhìn càng thêm ảm đạm. Mưa to, gió lớn. Bà con làng xóm cũng nhanh chân thu dọn đồ đạc tìm chỗ trú, chỉ còn chàng trai ấy đạp xe trên con đường đất đỏ nhão nhoét, cố gắng làm sao không để ướt số thuốc cậu đã cất công mua về cho mẹ. Đôi lúc, trong một khoảng lặng nào đó, cậu thấy bản thân mình thật nhỏ bé, yếu đuối khi luôn phải chống chọi với tất cả mọi thứ ngoài kia, ngoài cuộc sống hối hả này. Cậu không có được một gia định trọn vẹn như bao người khác, không có những bộ quần áo bình thường, không có một chiếc xe bình thường, hay cả một đôi dép bình thường nữa. Mỗi lúc đến trường là cậu lại mang trong mình nỗi tự ti nhất định về bản thân, mặc dù thành tích học tập không 1 ai bằng. Nhưng đâu đó trong cậu đó còn là nỗi tủi thân, nhưng cậu chưa bao giờ trách phận mà luôn cố gắng vươn lên trong mọi hoàn cảnh. Viết Mạnh đã trải qua nhiều thứ hơn những đứa trẻ bình thường, cuộc sống thiếu thốn cũng đưa huấn luyện cậu thành 1 người trưởng thành từ bên trong, người có những nỗi cô đơn chỉ tự mình gặm nhấm. Mất cha, mất chị, cậu còn gì mất mát hơn? Từ giây phút đó cuộc sống hai mẹ con cũng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Người mẹ đi làm thuê cho người ta, một ngày cũng không kiếm được nhiều tiền cũng là lúc cậu con trai phải vừa học vừa làm. Thật là trời phú cho chàng trai ấy có khả năng cảm âm rất tốt, rất có khiếu về âm nhạc dân ca Việt Nam, với giọng ca thổn thức, nghẹn ngào nên từ nhỏ cậu đã được anh chị trong trường, trong lớp giới thiệu đi hát một vài nơi trong huyện trong tỉnh với số tiền cậu kiếm được còn nhiều hơn gấp nhiều lần người mẹ cậu có thể kiếm. Khi đã lớn hơn, biết được khả năng của mình cậu đã xin vào đoàn ca nhạc Đàn Ca Tài Tử ở Nghĩa Đạo và nhanh chóng trở thành đào kép của gánh hát nổi tiếng này. Đoàn ca nhạc này rất thành công trong việc lưu truyền và quảng bá hình ảnh chèo, tuồng, quan họ Bắc Ninh và đặc biệt là cải lương – loại hình ở miền Nam. Từ đó Viết Mạnh đã sớm được mọi người trong đoàn hát dạy đàn, với khả năng thiên bẩm về âm nhạc, cậu chỉ mất một tuần để thành thạo 2 loại nhạc cụ là đàn tranh và đàn nguyệt, và đang trong giai đoạn học thổi sáo, đã có thể biểu diễn trên sân khấu. Công việc làm thêm của cậu thường vào thời điểm buổi tối cuối tuần, hay những ngày lễ hội, khi gánh hát lên đèn cũng là Mạnh cũng hối hả vào vai người hát hay cả là những người chơi nhạc cụ cho anh chị cô chú trong đoàn biểu diễn. Công việc này gian khổ nhưng vì đam mê nghệ thuật và với sự yêu nghề nên có lẽ kép hát đã được Tổ thương, trời Phật thương nên lúc nào gánh hát lên đèn là đều có bà con trong làng chen chúc vào xem. Công việc này đã giúp chàng trai ấy kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống, giúp cho người mẹ đỡ vất vả hơn.
Trời sắp vào đông, cơn mưa giao mùa này sẽ mở đường cho chuỗi ngày rét thấu thịt buốt xương của tiết trời miền Bắc. Đoàn hát sẽ ngưng hoạt động vào mùa đông để đến khi gần đầu xuân năm mới thì sẽ biểu diễn cho bà con cô bác xem. Dự tính là vậy, nhưng thực sự Viết Mạnh cũng có sự lo lắng nhất định vì trong vài tháng không đi diễn thì biết lấy tiền ở đâu để sống? Đây cũng là câu hỏi hàng năm cậu luôn tự hỏi mình, nhưng cậu vẫn luôn đi tìm tòi thêm những công việc mình có thể làm để giúp đỡ mẹ, kiếm thêm tiền cho cuộc sống đỡ thiếu thốn. Ở khu vực Nghĩa Đạo, Thuận Thành cậu có cách gì khác ngoài việc nhận hàng vàng mã ở Đạo Tú, Song Hồ về làm. Có lẽ việc này không quan trọng bằng việc bao giờ mẹ cậu mới khỏi bệnh. Bà đã nằm như vậy trên giường được 1 tuần rồi, mà hình như chưa có dấu hiệu khả quan. Bà bị lao, bệnh nặng, đã đến giai đoạn ho ra máu rồi nhưng luôn giấu cậu con trai. Biết mình không thể sống được bao lâu, bà đau đáu rồi sau khi mình chết thì đứa con trai mình sẽ sống thế nào? Không mẹ không cha, không 1 người thân bên cạnh, đứa trẻ đáng thương ấy mai này sẽ thế nào?
Trời vẫn mưa to, gió lạnh hun hút, từng đợt gió lớn đập mạnh vào mái hiên nhà nhỏ, đạp vào lớp tôn trên mái nahf tiếng phành phạch. Trong ngôi nhà không chút đèn điện ấy, người mẹ đang nằm côi cút trên giường thở hổn hển từng cơn, nghĩ về đứa con tội nghiệp mà nước mắt bà trào ra từng dòng. Rồi cứ từng đợt bà lại ho lên thành tiếng. Nước mưa len lòi trên mái xuống đến trần nhà rồi nhỏ giọt xuống thành từng vũng dưới nền, từng giọt từng giọt. Chàng trai ấy vừa kịp về đã nhanh chóng xuống bếp bốc chút thuốc vẫn trong túi ra, may sao nó chỉ dính nước mưa và bị ướt bên ngoài, con bên trong vẫn khô ráo. Nhanh chóng đun một ấm nước nhỏ rồi cậu thả lá thuốc vào, để thời gian đợi không lãng phí, cậu đi thổi cơm. Mưa vẫn còn to lắm, nước chảy tong tỏng như không ngừng xuống dưới mái hiên lạnh lẽo. Viết Mạnh ra sau bếp mở xô gạo ra, trong xô chỉ còn vỏn vẹn một ít gạo, đong ra chắc chỉ được một bát, cậu cắn môi suy nghĩ 1 hồi. Thôi kệ lấy nốt ra nấu cháo cho mẹ vậy, có gì hết mai sang vay hàng xóm, hôm nào có tiền đong gạo thì trả sau. Cứ thế cậu vét nốt chút gạo trong chiếc xô nhỏ ra hứng chút nước mưa ngoài trời vào rồi vo gạo. Xuống bếp, cậu lấy cái cành cây khô dài vét vét đống tro tàn đã đốt từ lần trước ra rồi nhanh chóng nhặt mấy cái củi xếp vào dưới cái kệ sắt, một tay lấy chút rơm khô đặt lên trên, sau đó quẹt một que diêm đốt. Vừa đưa que diêm vào đống rơm thì lửa bắt đầu cháy, cậu đặt mấy cái cành cây khô nhỏ lên để lửa cháy lâu hơn, tay trái lấy cái quạt giấy quạt quạt bên cạnh, tay phải thì nhóm lửa. Được một lúc thì bếp lửa đã lên, cậu ra sân hứng chút nước mưa vào để đun nước sôi cho hai mẹ con còn uống. Xong xuôi rồi Viết Mạnh đứng dậy hai tay phẩy phẩy vào cái áo, bước ra khỏi căn bếp tro thì cậu đưa tay ra hứng từng dòng nước mưa chảy xiết từ trên mái hiên chảy xuống và có động tác kì cọ cho sạch. Vẩy vẩy tay mấy cái cho hết nước, cậu bắc nồi gạo lên nấu cháo cho mẹ.
Ấm thuốc đã sắc xong, Viết Mạnh đổ ra bát rồi mang lên cho mẹ uống. Người mẹ thấy con trai vất vả, tận tụy vì mình mà xót con hết sức. Nó từ từ đút từng chút thuốc một cho mẹ nó uống, rồi mẹ nó cứ liên tục ho khiến thuốc vừa uống lại trào ra. Viết Mạnh nhìn mẹ với một đôi mắt buồn rồi lại lấy khăn lau cho sạch số thuốc đó.
– Cố lên mẹ, một tí nữa thôi!
Không để người con đưa thìa thuốc cho mình uống, bà mẹ lắc đầu, trong tiếng thở dốc, bà mỉm cười nhìn đứa con trai yêu quý rồi nói:
– Không cần đâu! Mẹ muốn nghe con hát, hat bài mà mẹ hay ru con lúc nhỏ….
Tiếng bà thủ thỉ nhưng thật nặng nề, đôi mắt lim dim như đang cố không nhắm lại, vì bà biết nếu bà nhắm đôi mắt ấy lại thì bà sẽ không bao giờ có thể tỉnh lại nữa. Bà muốn được nghe con trai hát, chàng trai nghẹn họng gật đâu. Ôm cây đàn nguyệt nhìn mẹ mà mắt cậu ngấn nước như đang chực chờ sẽ trào ra. Bà mẹ lim dim mắt cố nở nụ cười.
– (Cạch) – Tiếng chân cậu gõ nhịp song loan đệm cho lời hát, tiếng đàn nguyệt được cất lên.
“Ngoài đồng cây lúa chết khô….
Con sáo bay lẻ bạn bên trời…..
Kêu tiếng kêu ơi hỡi, ơi….
Hỡi ơi bạn lòng ơi…..”
Giọng hát cậu nghẹn ngào, cậu nhớ lại từng câu hát mà mẹ cậu từng hát cho cậu nghe ngày bé. Trời mưa giăng giăng, mây tím dệt thành sầu. Nơi cậu ngồi từng giọt nước trên trần nhà cứ dột xuống không ngừng. Nước chảy vào đầu rồi xuống mặt hòa cùng những giọt nước mắt của cậu đang chảy đầy chua chát.
“Bạn lòng xa cách mấy sông…?
Mà cớ sao vẫn không quay lại…
Để trái tim khô này,… buồn thêm
Khát tiếng mưa ngày đêm…..”
………
“Mai ta đi xa câu hát này xin gởi cho ai?”
(Cạch) – Tiếng gõ nhịp song loan lần cuối kết bài.
Bài hát kết thúc, người mẹ đã nhắm mắt từ lâu, khuôn mặt bà thật bình yên, thanh thản. Có lẽ bà sẽ không bao giờ tỉnh lại được nữa.
Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn
D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng
CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!