Cất Giấu Một Tấm Chân Tình - Phần 6
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
980


Cất Giấu Một Tấm Chân Tình


Phần 6


Chợ phiên vùng cao tấp nập từ buổi sáng sớm, lúc Đình Việt cùng Hà Phương đến nơi mới chỉ gần sáu rưỡi sáng nhưng nhiều người đã mua được cả một gùi đầy.
Người dân mặc quần áo thổ cẩm xôn xao trả giá mấy món hàng thủ công đặt dưới vải bạt, những cậu thanh niên đứng một góc thổi khèn, vài con ngựa được dắt đi qua thỉnh thoảng hí lên một tiếng, tất cả những âm thanh dung dị đầy sắc màu ấy như dội vào tai Hà Phương, cô thích thú reo lên một tiếng: “Ở chỗ này có gì ngon nhất? Tôi muốn ăn thử”
“Thắng cố”. Đình Việt đáp.
“Anh dẫn tôi đi ăn”.
Đình Việt gật đầu, dắt cô vào một dãy bàn đông người trong chợ, ở đó có rất nhiều đồ ăn còn nóng hổi, có cả bánh cooc mò và xôi thổ cẩm, Hà Phương muốn thử tất cả các món, nhưng nghĩ đến mấy đứa bé ở trường tiểu học A Tứ, cuối cùng cô chỉ gọi hai bát thắng cố.
Đình Việt không ngồi cùng cô, anh nói: “Tôi không ăn”
“Sao thế?”
“Còn phải ra chợ mua thức ăn, đợi lát nữa thì đồ ăn sẽ hết”. Anh đáp: “Ăn đi. Ăn xong thì ngồi chờ ở đây, xong việc tôi quay lại đón cô”.
Nói rồi, anh móc tiền ra định trả cho chị chủ quán, Hà Phương giữ lấy tay anh: “Tôi ăn, tôi trả được”.
“Thầy hiệu trưởng nói nên đối xử tốt với cô một chút. Một bát này cũng không nhiều tiền, tôi trả”.
Hai người vốn đã nổi bật ở chỗ này, bây giờ còn giằng co nhau như vậy nên ai cũng tò mò ngước lên nhìn. Hà Phương không muốn gây chú ý nên đành buông tay, cô ngẩng lên nói với chủ quán: “Chị gái, tôi không ăn thắng cố nữa. Cho tôi một gói xôi”.
Chị chủ quán to béo hơi ngẩn ra, liếc Đình Việt một cái, thấy anh không nói, lại quay sang nhìn vẻ mặt kiên quyết của Hà Phương, cuối cùng đành lấy cho cô một gói xôi nếp cẩm gói trong lá chuối.
Hà Phương kéo tay Đình Việt ra khỏi quán, chia một nắm xôi cho anh: “Anh ăn đi, một mình tôi ăn không hết, một suất xôi ở đây nhiều quá”.
“Sao không ăn thắng cố?”.
“Tôi ăn không ở không ở ký túc xá trường, bây giờ còn ra chợ phiên tiêu tiền của thầy hiệu trưởng cho một bát thắng cố 30 nghìn nữa, nuốt không nổi”. Cô cắn một miếng xôi vào miệng, nhai rất ngon lành.
Đình Việt nhìn cô, bỗng dưng lại thấy ngứa răng.
Lát sau anh lại nghe cô hỏi: “Lương của anh một tháng bao nhiêu?”
“13 triệu”.
“Lương của thầy hiệu trưởng?”
“15”.
Hà Phương thầm tính toán trong lòng, mười mấy triệu nghe thì có vẻ cao so với mặt bằng chung của công chức đấy, nhưng chỗ này xa trung tâm, mọi thứ rất đắt đỏ, hơn nữa nghe cô giáo Lương nói thầy hiệu trưởng và Đình Việt hầu như dùng phần lớn số lương của mình để mua thức ăn nấu cơm trưa cho bọn trẻ, Hà Phương dùng tiền lương của bọn họ để ăn thắng cố, thực sự có gắng nuốt cũng không vào. Thế nên thà cô ăn một nắm xôi 2 nghìn còn hơn.
“Cô định viết vào sách à?”. Anh thấy cô hỏi lương xong thì cứ trầm ngâm suy tính gì đó mới hỏi.
“Có một vài ý tưởng”. Hà Phương quay lại nhìn anh, thấy nắm xôi cô đưa anh vẫn cầm nguyên trên tay mới cau mày: “Anh mau ăn đi, nhanh còn đi mua đồ ăn không lát nữa hết thức ăn ngon bây giờ”.
Đình Việt hơi chần chừ, từ khi lên đây anh không có thói quen ăn sáng, với cả vừa đi vừa ăn anh vẫn cảm thấy sao sao, nhưng Hà Phương cứ giục mãi, giục mãi, anh không nỡ bỏ xôi đi nên đành kiếm một chỗ sạch sẽ ngồi xuống, chậm rãi cho xôi vào trong miệng.
Hà Phương nhìn hành động này của anh có hơi buồn cười: “Này, anh là người ở thành phố phải không?”.
Đình Việt khẽ nhíu mày, chậm rì rì nhai xôi: “Sao hỏi thế?”.
“Cách ăn uống khác hẳn A Văn”. Nếu không muốn nói là lịch sự và tao nhã hơn những người ở bản A Tứ gấp trăm lần. A Văn ăn như gió cuốn mây lùa, Đình Việt bình thường cũng ăn nhanh, nhưng anh ăn rất khác.
“Cậu ta thì nói làm gì? Mọi người hầu hết đều ăn chậm nhai kỹ, cậu ta không cần nhai mà nuốt luôn nên mới đau dạ dày”. Đình Việt nói đến đây liền đứng dậy, vừa vặn lúc này có một người đàn ông mặc đồ thổ cẩm đi qua. Ông ta nhận ra Đình Việt nên lên tiếng chào hỏi:
“Chào bác sĩ Việt, anh đi chợ mua đồ đấy à?”.
“Vâng. Chú A Lý bán được nhiều đồ chưa?”.
“Hôm nay đông khách, bán được gần hết rồi”. Người đàn ông kia mỉm cười, đặt chiếc gùi sau lưng xuống, móc ra một quả dừa đưa đến: “Dừa mới đi lấy về đấy, nước ngọt lắm. Lần trước cậu khâu chân cho tôi nhưng không lấy tiền, lần này cậu phải nhận dừa đấy, không nhận là tôi cứ theo cậu mãi, không cho cậu về đâu”.
Đình Việt cười: “Được ạ”.
“Có muốn uống luôn không? Tôi chặt cho nhé?”. Nói xong mới để ý thấy Hà Phương đang đứng bên cạnh anh: “Bạn gái bác sĩ Việt đây à?”.
“Không phải, cô ấy là nhà văn mới đến để lấy tư liệu viết sách”.
“Ồ, thế tặng cô ấy một quả”.
Người đàn ông mặc đồ thổ cẩm thoăn thoắt chặt dừa đưa cho hai người, còn liên tục cảm ơn bác sĩ Việt, hẹn anh khi nào có thời gian rỗi ghé qua nhà uống rượu.
Hà Phương đợi người đàn ông kia đi rỗi mới bĩu môi liếc xéo anh. Đình Việt không chờ cô mở miệng đã nói: “Cô ghi cho kỹ, tôi tham ô của nhân dân một quả dừa. Quả còn lại là cô tham ô”.
Hà Phương phì cười: “Nước dừa ngọt quá, nhờ ơn bác sĩ Việt. Khi nào về tôi sẽ ghi thật kỹ vào trong sách”. Cô cố tình đọc to dõng dạc: “Bác sĩ liên tục nhận hối lộ của nhân dân, hết bánh cooc mò lại tới dừa, cần nghiêm túc kiểm điểm để lấy lại sự trong sạch cho ngành y tế”.
Đình Việt lườm cô: “Nhà văn đúng là trò khôn vặt gì cũng viết được”. Nói xong, anh đặt hai quả dừa vào tay cô: “Đợi một lát”.
“Anh đi đâu thế?”.
Đình Việt không trả lời, chỉ quay lưng đi vào trong chợ, lát sau, anh đi ra cầm theo hai chiếc ống hút, cắm một chiếc vào quả dừa của Hà Phương. Lúc đầu cô định uống cả quả, giờ thấy anh đi lấy ống hút cho mình mới bật cười: “Bác sĩ Việt, chu đáo rồi”.
Anh lạnh nhạt cầm quả dừa của mình lên: “Mau uống đi”.
Hai người uống xong một quả dừa, vứt rác cẩn thận rồi mới quay vào chợ đi mua thực phẩm. Có rất nhiều người bán hàng ở chợ phiên quen Đình Việt, hễ anh dừng lại mua thứ gì thì mọi người đều xua tay: “Cái này không tính tiền, biếu cậu, biếu cậu. Thằng A Sử nhà tôi do cậu cứu, mua mấy cái này tiền nong gì”.
Tất nhiên, anh không muốn bị cô nhà văn đang kè kè đi bên cạnh tiếp tục viết dài thêm về hành trình “tham ô tài sản nhân dân của mình” nên lần nào cũng nhất quyết đưa tiền. Mấy người bán hàng không có cách nào, đành lấy rẻ rồi lại đưa thật nhiều rau củ cho anh, có một lần đi rồi, Hà Phương mới nghe loáng thoáng thím phía sau nói với người bên cạnh:
“Quái thật, sao tự nhiên dưới đám rau này lại có tiền nhỉ?”.
Cô tò mò nên lần mua khoai sau mới để ý Đình Việt thật kỹ, phát hiện ra lúc thanh toán, anh cố ý bỏ thêm một chút tiền vào sạp hàng. Bất giác cô lại nhớ đến căn phòng ở ký túc xá không có bất kỳ thứ đồ gì có giá trị của anh, với mức lương bác sĩ 13 triệu như kia, trừ đi khoản mua thức ăn cho lũ trẻ, nếu tiết kiệm một chút có lẽ anh đã có thể mua sắm nhiều đồ đạc hơn một chút rồi.
Nhưng rõ ràng anh có lý do để không làm thế!
Mua xong thức ăn, hai tay Đình Việt đã xách hai túi lớn, Hà Phương muốn xách giúp nhưng anh lại đi thẳng đến xe, buộc thức ăn vào ghi đông sau. Xong xuôi, anh mới nói: “Đi, dẫn cô đi một vòng nữa”.
“Tôi mua thuốc rồi”. Cô chìa bao thuốc ra trước mặt anh.
“Không cần thêm đồ gì nữa hả?”.
“Vậy anh đợi tôi một lát, tôi chạy vào mua một ít đồ phụ nữ rồi ra ngay”.
Đình Việt nghĩ mình không tiện nên gật đầu, bảo đứng ở xe chờ cô, Hà Phương ậm ừ vài câu rồi chạy biến vào bên trong chợ. Một lát sau, Đình Việt đã thấy cô đi ra, trên tay cầm một túi nilon đựng rất nhiều thịt, còn có hoa quả và một miếng sáp ong.
Anh cau mày hỏi: “Cô mua những thứ này làm gì?”
“Tôi thèm thịt, muốn ăn thịt nên mua nhiều”. Nói đến đây, cô còn ra vẻ lườm anh: “Tôi chỉ chia cho anh một miếng thôi đấy, còn lại là của tôi hết”.
“Cô ăn một mình đi”. Anh đáp, biết rõ ràng Hà Phương mua thịt này làm gì, nhưng anh không muốn nhận sự giúp đỡ của người khác như vậy nên nói: “Đừng thương hại bọn trẻ. Bọn chúng nhận không nổi, mọi người ở đây cũng nhận không nổi”.
Hà Phương cảm thấy trong lòng rất muộn phiền: “Nói đi, sao anh lại luôn đề phòng tôi như thế? Tôi có mua cho bọn trẻ cũng là việc tốt, sao không nhận nổi?”.
“Nhận xong, sau này cô sẽ viết sách: Ban lãnh đạo trường tiểu học A Tứ tham ô tiền công quỹ, để học sinh bị đói. Nhà văn phải lên tận nơi mua thịt cho học sinh ăn à?”.
“Sao anh biết tôi sẽ viết như thế?”.
“Không ai tốt với ai mà không có mục đích cả”.
“Anh thì sao?”. Hà Phương nhìn thẳng anh: “Anh tốt với bọn trẻ, mục đích của anh là gì?”.
Đình Việt quay đi, anh đội mũ trèo lên xe: “Mục đích của tôi không liên quan đến cô, cũng không giống cô”.
Hà Phương cũng trèo lên xe, nhưng cô không ôm anh: “Anh vốn không biết mục đích của tôi là gì”.
Đình Việt hừ lạnh một tiếng, anh không nói nữa, chỉ vặn ga phóng xe quay trở về con đường cũ. Thực ra, trước đây khi có một vài nhà từ thiện hoặc phóng viên đến chỗ này, bọn họ luôn tỏ ra tốt với lũ trẻ, ủng hộ thực phẩm, quần áo, nhưng tất cả đều xuất phát từ mục đích muốn đánh bóng tên tuổi.
Nhà từ thiện muốn quảng cáo cho công ty mình nên cho 1 tâng bốc 10, phóng viên muốn nổi tiếng nên không ngại tặng mười cân gạo rồi đạp lòng tự trọng của bọn họ xuống bùn đen. Anh vốn nghĩ Hà Phương khác những người khác, bởi vì cô không ngại khó ngại khổ, nhưng lúc ở chợ, có mặt anh cô không mua thịt, lát sau lại lén lút đi mua mang về, khiến anh có cảm giác cô đang có mục đích gì đó.
Anh không thích cô thương hại bọn trẻ bằng một tấm lòng không mấy sạch sẽ, thế nên anh mới từ chối lòng tốt của cô!
Suốt cả quãng đường về, hai người không nói năng câu gì. Khi dừng xe ở trong sân, mọi người thấy xe chất đầy đồ mới chạy ra đỡ. A Văn nhìn túi thịt to treo ở sau ghi đông xe thì cười toe cười toét:
“Hôm nay anh Việt hào phóng thế, mua nhiều thịt thế này. Bằng mấy lần đi chợ phiên rồi đấy”.
“Thịt cô ta mua”. Đình Việt liếc Hà Phương: “Không phải đồ ăn của nhà bếp, đừng có đụng vào”.
A Văn đang phấn khởi, nghe thế thì vẻ mặt lập tức cứng ngắc. Rõ ràng ban sáng vẫn ổn, bây giờ trở về mặt mũi ai cũng hằm hằm khiến anh ta chẳng biết phải làm sao: “Ơ… thế của chị Phương mua ạ?”
“Thịt của nhà bếp để cùng với túi rau củ, đỡ xuống đi”.
“Để em đỡ cho”. Nhã Lam có lẽ là người vui nhất, cô ta đi ngang qua Hà Phương, vừa xách thực phẩm xuống vừa nhìn Đình Việt: “Hôm nay anh mua được rau củ tươi thế? Su hào này tý nữa xào cho bọn nhóc ăn kiểu gì cũng sẽ thích lắm đây”.
“Su nào này là cô bán hàng cho thêm. Lát nữa em nấu nhiều một chút”.
“Em biết rồi”.
Hà Phương thấy ở chỗ này cũng chẳng còn việc của mình, không muốn trở thành người thừa nên chỉ cầm theo miếng sáp ong đi thẳng về phòng. Lát sau, cô nghe tiếng A Văn gõ cửa:
“Chị Phương, em vào được không?”.
“Cứ mở cửa mà vào”.
A Văn mở cửa mới phát hiện ra Hà Phương đang ngồi khoanh chân trên giường, trước mặt cô là một chiếc laptop, bên cạnh để một chiếc gạt tàn trống không: “Chị Phương đang viết sách đấy à?”
“Ừ”.
A Văn muốn nói mình mang thịt đến trả cho cô, nhưng thấy sắc mặt Hà Phương không vui, anh ta cũng chẳng biết phải mở miệng thế nào: “Viết có tốt không?”
“Cũng tàm tạm”. Cô dời mắt lên nhìn cậu ta: “Không cần mang trả cho tôi, không ăn được thì vứt đi”.
“Chị đừng giận anh Việt”. A Văn thở dài, đặt túi thịt lên bàn trà: “Trước đây có mấy lần phóng viên cho đồ bọn nhỏ, sau đó lại viết lung tung về chỗ bọn em nên anh ấy mới ác cảm. Anh ấy không cố ý chê đồ chị đâu, ở đây ai có lòng hảo tâm cho bọn nhóc, bọn em cảm ơn còn chẳng kịp ấy chứ”
Hà Phương vẫn nhìn anh ta, không đáp.
A Văn ngượng ngập gãi đầu: “Thật ra anh Việt rất tốt, chị cũng biết mà. Nhưng chắc là cần có thời gian để anh ấy hiểu được chị”
“Cậu thì hiểu được tôi à?”
“Hiểu chứ”. A Văn không cần nghĩ đã trả lời: “Chị là người tốt. Chị dám ăn thịt chuột, còn dám đi rừng với anh Việt. Hôm nay còn mua đồ cho bọn trẻ nữa. Trong những người đã từng đến đây, em thấy chị dễ gần nhất. À, xinh đẹp nhất nữa”.
Hà Vân bị bộ dạng nịnh nọt ngớ ngẩn của cậu ta chọc cười, cô bảo: “Xinh đẹp thật không?”
“Thật mà”. A Văn cười hì hì, dè dặt hồi lâu mới dám nói: “Nhưng chị hút thuốc. Phụ nữ hút thuốc có hại cho sức khỏe lắm đấy”.
“Quen rồi, chắc vài năm nữa sẽ cai”. Hà Phương ngồi im ru trên giường, không muốn nhận lấy túi thịt mà chỉ bảo: “Phòng tôi không có tủ lạnh, không bảo quản được thịt, cậu giúp tôi bỏ tủ lạnh đi. Đằng nào cũng mua rồi, một mình tôi không ăn hết được chỗ thịt ấy trong ngày hôm nay. Cậu cứ bỏ vào ngăn đông, có thời gian tôi làm món thịt rang cháy cạnh cho cậu ăn”.
“Chị biết làm ạ?”. Hai mắt A Văn sáng rực lên.
“Biết mỗi món đó. Trước đây một đầu bếp nhà hàng đã dạy tôi”. Cô cười: “Tôi học theo nhanh lắm đấy”.
“Vậy được, em cất vào ngăn đông, khi nào rảnh thì chị trổ tài nấu nướng nhé”.
“Ừ”.
A Văn gật đầu, lại xách túi thịt rời đi, nhưng khi ra đến cửa, hình như cậu ta có nhớ ra chuyện gì nên ngoái đầu lại bảo: “À phải rồi, điện ở đây chập chờn, với cả tủ lạnh cũ quá, bảo quản không tốt, nếu thịt bị hỏng thì không phải lỗi của em đâu nhé”.
Hà Phương vừa tức vừa buồn cười, cô xua tay: “Mau đi cho tôi làm việc, nhớ đóng cửa”
“Em biết rồi”.
Sau hôm đó, thịt của Hà Phương vẫn bảo quản ở ngăn đông, cô giáo Lương nấu rau củ quả và thịt Đình Việt mua cho lũ trẻ ăn. Cô và anh giận nhau, đụng mặt cũng chẳng ai nói câu gì.
Đến hôm thứ ba, Đình Việt đi khám bệnh trong thôn về mới thấy bọn A Sùng đang túm tụm lại một chỗ, bình thường cứ đến bữa ăn là đứa nào cũng đều háo hức ngồi vào chỗ, vậy mà hôm nay chẳng biết đang làm cái gì mà chẳng đứa nào ngó ngàng vào nhà bếp.
Anh đi lại gần mới phát hiện ra Hà Phương đang ngồi giữa lũ trẻ, tay cô cầm một cái bút màu trông có vẻ hơi kỳ dị, vừa vẽ vừa hỏi bọn nhóc: “Thấy sao? Đẹp không?”
Lũ nhóc gật đầu như bổ củi: “Đẹp lắm ạ”.
Một đứa nói: “Cô Phương cho bọn con cái này nhé, con thích bút màu xanh”.
“Con thích bút màu vàng. Con vẽ ông mặt trời”
“Con thích màu xanh dương, con vẽ dòng sông”
“Từ từ, bình tĩnh”. Hà Phương xua tay: “Từng đứa một. Hôm nay A Sùng được 10 điểm, thưởng cho A Sùng mấy cái bút màu này trước. Ngày mai ai được 10 điểm nữa lại được màu”.
“Cô Phương lấy bút màu ở đâu thế? Sao có nhiều thế?”. Một đứa thắc mắc.
“Lấy ở đâu còn lâu mới nói”.
“Cô nói đi mà, nói đi mà. Có phải ông bụt hiện lên cho cô Phương bút màu không?”.
Lũ trẻ ngây thơ, thời đại này mà vẫn tin có ông bụt. Hà Phương không ngại ngần dập tắt ảo tưởng của lũ trẻ: “Không phải là ông bụt cho mà là cô biến ra. Hôm nay hết sức biến rồi, phải ngủ một giấc, ngày mai mới biến được ra bút màu mới”. Nói tới đây lại xua tay: “Mấy đứa mau ra ăn đi, cô phải nghỉ dưỡng sức để còn biến ra bút màu”.
Bọn trẻ gật đầu như bổ củi, hẹn đi hẹn lại Hà Phương về bút màu rồi mới chạy đến bàn ăn. Không còn bị che chắn, Đình Việt mới nhìn rõ cô, lúc này cả chiếc sân rộng giờ chỉ còn mỗi Hà Phương đang ngồi xếp bằng ở một góc, trước mặt cô bày mấy tờ giấy vẽ nguệch ngoạc, chẳng ra hình thù gì.
Hà Phương thấy anh nhìn mình thì chỉ hứ một tiếng, vơ đống giấy nhem nhuốc kia rồi đứng dậy, không thèm để ý đến anh mà đi thẳng ra giếng rửa tay.
Tối hôm ấy, cả dãy ký túc xá ngủ rồi mà mỗi phòng của Hà Phương vẫn tắt đèn rất muộn. Cô đang loay hoay nấu sáp ong bằng chiếc đèn dầu thì nghe có tiếng gõ cửa, Hà Phương tưởng A Văn lại đến làm phiền nên không thèm ra mở, chỉ bảo:
“Vào đi”.
Đình Việt giơ tay đẩy cửa, thấy ở trước chiếc bàn nứa, Hà Phương đang thổi phù phù cốc inox đựng sáp ong, bên cạnh là một đống củ dền đỏ, lá dứa, củ nghệ, còn có cả vỏ thanh long hôm trước cô mua ngoài chợ.
Hà Phương không thèm quay đầu lại nhìn mà chỉ cằn nhằn: “Bảo cậu đi tìm cho tôi mấy ống tre nhỏ, cậu đã tìm chưa thế, chỗ ống tre trước tôi làm sắp hết rồi. Vài hôm nữa không có bút màu cho bọn nhỏ, bọn nó lại tưởng tôi hết phép thật đấy”.
Đình Việt lặng lẽ chìa tay ra, mấy ống tre nhỏ nhắn sạch sẽ đã được anh rửa thật sạch, đẽo gọt độ dài vừa phải. Hà Phương định đưa tay nhận lấy, nhưng lúc này lại ngửi thấy mùi bồ kết thơm thơm, còn thấy “A Văn” hôm nay không lắm lời như mọi khi, cô mới bất giác ngẩng lên.
Trông thấy Đình Việt, cô lập tức lạnh mặt: “Anh đến đây làm gì?”.
“A Văn nhờ tôi đưa ống tre cho cô”
“Cảm ơn”.
Hà Phương khách sáo nói một tiếng cảm ơn, lại quay đi đổ nước củ dền vào sáp ong đã được nung chảy, tiếp tục cho lên đèn dầu đun tiếp. Cô không thèm để ý đến anh, Đình Việt cũng không nói gì, chỉ im lặng nhìn cô.
Một lát sau, cô bắt đầu buồn bực khi bị anh nhìn mãi, đành lên tiếng đuổi: “Sao anh còn chưa về phòng?”
Đình Việt vẫn không mở miệng, anh giữ thẳng ống tre cho Hà Phương đổ hỗn hợp sáp vào khuôn, tạo thành một chiếc bút sáp màu thủ công đơn giản. Đợi đến khi cô đổ xong ba bốn chiếc rồi, anh mới cầm tay cô lên, mấy ngày qua làm bút màu sáp cho bọn nhỏ, cô vì cầm cốc inox nên đã bị bỏng không ít, ba bốn đầu ngón tay hiện rõ vết bọng nước đã vỡ, đỏ ửng và chảy dịch vàng.
Hà Phương đột nhiên bị anh cầm tay thì khó chịu, theo phản xạ muốn rút về. Nhưng Đình Việt giữ rất chặt, cô không làm gì được nên cau có nói: “Anh bỏ ra, làm gì thế?”.
Anh nhìn chằm chằm đầu ngón tay không còn đẹp đẽ của cô, rút cuộc, lúc này anh mới cảm nhận rõ thế nào là thật lòng.
Mục đích đến chỗ này của Hà Phương có lẽ cũng như anh, đều xuất phát từ bản thân, nhưng tình cảm đối với lũ trẻ của cả anh và cô, là thật.
“Cốc inox nóng rồi”. Cuối cùng anh cũng chịu lên tiếng: “Cầm vào sẽ bỏng. Tôi bôi thuốc bỏng cho cô”.

Yêu thích: 4.2 / 5 từ (37 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN