Câu lạc bộ Dumas - Chương 13 - Phần 2
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
93


Câu lạc bộ Dumas


Chương 13 - Phần 2



“Về bản chất Varo Borja là nghi phạm, và lão có đồ nghề để dựng lên tất cả chuyện này.” Gã trỏ cô gái. Cô đang đọc và có vẻ không theo dõi cuộc tranh luận. “Chắc chắn cô ấy có thể làm mọi thứ sáng sủa hơn, nếu cô ấy muốn.”

“Nhưng cô ấy không muốn?”

“Phải.”

“Vậy thì tố giác cô ta đi. Khi thiên hạ giết người, có một cái tên thường đi kèm: kẻ tòng phạm.”

“Làm sao mà tố giác cô ấy được? Tôi ngập đến cổ vào chuyện này rồi, Flavio. Mà cậu cũng thế.”

Cô gái ngừng đọc. Cô không nói gì mà chỉ nhấp từng ngụm nước. Hai mắt cô nhìn từ Corso sang La Ponte, lần lượt dừng lại ở mỗi người. Sau cùng cô nhìn Corso.

“Anh tin cô ta thật à?” La Ponte hỏi.

“Còn tùy về chuyện gì. Đêm qua cô ấy đánh gục Rochefort và đã hoàn thành tốt công việc ấy.”

La Ponte nhăn mặt bối rồi, nhìn cô chăm chú. Hắn cố hình dung cô trong vai trò vệ sĩ. Có lẽ hắn cũng tự hỏi quan hệ giữa cô và Corso đã tiến xa tới đâu. Corso nhìn hắn vuốt râu và phóng tia mắt lành nghề quan sát thân hình cô dưới cái áo khoác len. Thậm chí dù La Ponte vẫn nghi ngờ cô, nhưng trong trường hợp cô cho hắn cơ hội thì chuyện hắn sẽ đi bao xa là khỏi phải bàn. Ngay cả trong những lần như thế này, cựu chủ tịch hội ái hữu những Người phóng lao Nantucket cũng vẫn muốn trở về với cái trôn. Bất kể trôn nào.”

“Cô ấy quá đẹp.” La Ponte lắc đầu. “Và quá trẻ. So với anh, thế đấy.”

Corso cười. “Nếu biết cô ấy đôi khi già đến thế nào thì cậu sẽ ngạc nhiên đó.”

La Ponte tặc lưỡi hồ nghi. “Quà tặng kiểu ấy không rơi từ trên trời xuống.”

Cô gái im lặng nghe hai người nói chuyện. Nghe vậy cô mỉm cười, nụ cười đầu tiên trong ngày, như thể vừa nghe một câu nói thật buồn cười.

“Ông nói nhiều quá đấy, ông Flovio họ-gì-thì-tùy,” cô nói với La Ponte khiến gã chớp mắt bồn chồn. Cô cười toe toét như một đứa trẻ nghịch ngợm. “Và giữa tôi với ông Corso là cái gì cũng chẳng phải việc của ông.”

Đó là lần đầu tiên cô nói chuyện với La Ponte. Hắn bối rối nhìn ông bạn cầu cứu. Nhưng Corso chỉ cười.

“E rằng tôi không nên có mặt ở đây.” La Ponte làm bộ muốn đứng lên nhưng lại thôi. Hắn giữ nguyên tư thế như vậy cho đến khi Corso vỗ nhẹ cánh tay hắn. Một cái vỗ vô tư, bè bạn.

“Đừng ngốc. Cô ấy là người của ta.”

La Ponte bớt căng thẳng, nhưng chưa hoàn toàn bị thuyết phục. “Ồ, vậy thì để cô ta chứng minh đi. Để cô ta nói những chuyện cô ấy biết.”

Corso quay sang nhìn cái miệng hé mở, cái cổ ấm áp và đầy đặn. Băn khoăn không biết ở đó có còn tỏa mùi của nóng và sốt nữa không, gã thoáng lạc lối trong ký ức. Đôi mắt màu lá cây trong trẻo chứa đầy ánh sáng ban mai, vẫn như mọi khi, bắt gặp ánh mắt chăm chú của gã, bình thản, uể oải và không nao núng. Nụ cười của cô trước đó một giây mang vẻ nhạo bang giờ đã thay đổi. Một lần nữa nó như một tiếng thở rất nhẹ, một lời nói bí ẩn không thành lời.

“Bọn tôi đang nói về Varo Borja,” Corso nói. “Cô biết ông ta không?”

Cô thôi cười và lại trở thành một người lính mệt mỏi, dửng dưng. Corso tưởng như thấy một chút khinh miệt thoáng hiện trên mặt cô. Gã giữ nguyên bàn tay trên mặt bàn bằng đá cẩm thạch.

“Ông ta đang thuê tôi,” gã thêm. “Và dùng cô theo dõi tôi.” Nhưng chuyện đó có vẻ thật ngớ ngẩn. Gã không hình dung được một nhà sưu tầm sách triệu phú lại dùng một cô gái trẻ để gài bẫy mình. “Hoặc cũng có thể Rochefort và Milady làm việc cho ông ta.”

Cô lại cúi xuống đọc Ba người lính ngự lâm mà không trả lời. Nhưng việc đề cập đến Milady nhắc La Ponte nhớ đến lòng tự hào bị tổn thương của hắn. Hắn uống hết tách cà phê rồi giơ một ngón tay lên.

“Đó là chỗ tôi không hiểu,” hắn nói. “Mối liên hệ với Dumas… Rượu vang Anjou của tôi dính dáng gì đến chuyện này?”

“Rượu vang Anjou trở thành của cậu hoàn toàn tình cờ.” Corso cạn tách của mình và nhìn kỹ hai người kia ngồi trong ánh nắng, tự hỏi không biết mắt kính vỡ có nhìn được toàn bộ khung cảnh hay không. “Đó là chỗ tôi thấy khó hiểu nhất. Nhưng có những trùng hợp thú vị. Hồng y giáo chủ Richelieu, kẻ ác trong tiểu thuyết, rất quan tâm đến những cuốn sách về huyền học. Khế ước với quỷ mang lại quyền lực, mà Richelieu là người quyền thế nhất ở nước Pháp. Và để hoàn thiện bảng phân vai, tất nhiên đức hồng y phải có hai thủ hạ trung thành để thực hiện mọi mệnh lệnh của ông ta – bá tước Rochefort và Milady de Winter. Ả có bộ tóc vàng, độc địa và có biểu tượng hoa huệ của đao phủ. Rochefort da đen và mặt sẹo… Mọi người hiểu tôi nói gì không? Hai người đó đều có những điểm đặc sắc dễ nhận ra. Trong sách Khải huyền, các đầy tớ của quỷ có thể dễ dàng nhận ra qua dấu ấn của Ác thú.”

Cô gái uống thêm một ngụm nước cam nhưng không ngẩng lên. La Ponte nhún vai như thể có một bóng ma giẫm lên mồ hắn. Hắn cảm thấy rõ rằng dan díu với một vệ nữ tóc vàng là một chuyện còn tham gia một buổi tụ tập của các mụ phù thủy là chuyện khác. Hắn cựa quậy không yên.

“Cứt thật. Hy vọng thứ đó không lây nhiễm.”

Corso nhìn hắn bực tức. “Có quá nhiều trùng hợp, đúng không? Và rồi còn thêm nữa.” Hà hơi lên mắt kính xong, gã lấy khăn ăn lau. “Trong Ba người lính ngự lâm chuyện xảy ra là Milady kết hôn với Athos, bạn của d’Artagnan. Khi Athos phát hiện vợ mang dấu ấn nhục nhã của đao phủ, anh ta quyết định thực hiện phán quyết của chính mình. Anh ta treo ả lên rồi mặc ả chết, nhưng ả vẫn sống, v.v…” Gã đeo kính lên. “Ai đó hẳn sẽ rất vui vì toàn bộ chuyện này.”

“Tôi có thể đồng cảm với Athos khi anh ta treo vợ mình lên,” La Ponte nói, hẳn là đang nghĩ đến hóa đơn khách sạn. “Tôi muốn tóm lấy ả rồi tự mình làm như thế.”

“Hoặc giả giống như Liana Taillefer làm với chồng ả. Xin lỗi vì chạm đến sĩ diện của cậu, Flavio, nhưng ả chưa bao giờ quan tâm đến cậu, dù chỉ một tí ti. Ả chỉ muốn cái bản thảo ông chồng quá cố bán cho cậu.”

“Đồ chó cái,” La Ponte cay đắng lẩm bẩm. “Tôi cá là ả hại lão. Với sự tiếp tay của anh bạn ria mép mặt sẹo của chúng ta.”

“Cái mà tôi chưa hiểu,” Corso tiếp tục, “là mối liên hệ giữa Ba người lính ngự lâm và Chín cánh cửa. Tôi chỉ phát hiện được là Alexandre Dumas ngồi chễm chệ trên đỉnh cao thế giới. Ông ta thành công với thứ quyền lực cao nhất ông ta muốn – danh vọng, của cải và đàn bà. Mọi chuyện đều thuận buồm xuôi gió, như thể ông có đặc quyền hay đã ký kết một khế ước đặc biệt. Và khi ông ta chết, con trai ông, ngài Dumas kia, đã viết một đoạn văn bia kỳ quái cho ông: Ông chết giống như ông sống – không hề ý thức.”

La Ponte khịt mũi. “Anh cho là Dumas đã bán linh hồn cho quỷ à?”

“Tôi chẳng cho là gì hết. Tôi chỉ đang cố tìm hiểu một bộ truyện nhiều tập ai đó viết hại tôi. Rõ ràng mọi sự bắt đầu từ khi Enrique Taillefer quyết định bán bản thảo Dumas. Chuyện bí ẩn bắt đầu từ đó. Vụ tự sát được giả định của ông ta, lần tới thăm bà góa, vụ đầu tiên tôi đụng với Rochefort… Và công việc Varo Borja giao cho tôi.”

“Tập bản thảo có gì đặc biệt? Vì sao nó quan trọng và quan trọng với ai?”

“Tôi không biết.” Corso nhìn cô gái. “Trừ phi cô ấy nói cho ta biết gì đó.”

Cô nhún vai, nhưng vẫn cúi xuống quyển sách. “Đó là chuyện của ông, ông Corso,” cô nói. “Em biết ông đã phải trả giá vì nó.”

“Cô cũng dính líu.”

“Đến giới hạn nào đó thôi.” Cô phác một cử chỉ mơ hồ, vô thưởng vô phạt rồi lật một trang. “Chỉ đến giới hạn nào đó thôi.”

La Ponte tức giận hướng về phía Corso. “Anh đã thử cho cô ta mấy cái tát chưa?”

“Câm mồm đi, Flavio.”

“Đúng, câm đi,” cô nhắc lại.

“Thật nực cười,” La Ponte càu nhàu. “Cô ta nghĩ mình là ai mà nói vậy chứ? Và thay vì dạy cho cô ta biết phải trái là gì, anh lại để mặc cô ta. Thật không giống anh tí nào, Corso. Mặc dù cô ta xinh xắn thật, tôi không nghĩ…” hắn dừng lại tìm từ. “Vì cớ gì mà cô ta ngạo mạn như vậy?”

“Cô ta đã từng đấu tay đôi với một thiên thần,” Corso giải thích. “Và đêm qua tôi thấy cô ta đánh vỡ mõm Rochefort, nhớ chứ? Chính thằng cha sáng nay đánh tôi trong lúc cậu ngồi bình an vô sự trên chỗ đàn bá đái.”

“Trên xí bệt.”

“Cũng không khác gì. Cậu trong bộ quần áo ngủ, trông không khác gì hoàng thân Danilo trong Hoa tím của hoàng đế. Dù sao thì tôi còn không biết cậu mặc pyjama đi ngủ với người đàn bà cậu chinh phục được đấy.”

“Anh quan tâm làm quái gì?” La Ponte liếc nhìn cô gái, bối rối, căm tức. “Nếu anh muốn biết thì bởi vì về đêm tôi hay bị lạnh. Đại khái thế.” Hắn nói rồi chuyển đề tài, “Ta đang nói về Rượu vang Anjou. Kết quả điều tra thế nào?”

“Ta biết đó là tài liệu thực và do hai người làm ra – Dumas và người cộng sự, Auguste Maquet.”

“Anh phát hiện gì về người này?”

“Maquet á? Chẳng có mấy mà phát hiện. Ông ta chia tay Dumas không mấy vui vẻ gì với đủ kiểu kiện tụng và đòi tiền. Có một điều la, Dumas phung phí hết thảy khi ông ta còn sống nhưng chết thì không một xu dính túi. Nhưng Maquet thì giàu có lúc về già, thậm chí có cả một tòa lâu đài. Mọi chuyện diễn ra tốt đẹp theo cách riêng với từng người.”

“Còn về chương truyện viết một nửa?”

“Maquet vạch ra cốt truyện, Dumas thêm thắt vào để tạo văn phong và chất lượng. Cậu quá biết về chủ đề rồi: Milady tìm cách đầu độc d’Artagnan.”

La Ponte nhìn trừng trừng vào cái tách trống không. “Để kết luận…”

“Ồ, tôi đã bảo có người tin rằng mình là Richelieu tái sinh và tìm cách sưu tầm toàn bộ tranh minh họa gốc trong Delomelanicom. Cũng như chương truyện của Dumas. Ít nhiều thì những thứ đó cũng chứa đựng bí mật về những chuyện đang diễn ra. Có lẽ người ấy đang muốn triệu hồi Lucifer trong khi ta đang nói chuyện ở đây. Trong khi đó thì cậu không còn bản thảo và Varo Borja không còn cuốn sách nữa. Tôi toi thật rồi.”

Gã lấy mật hàm của Richelieu từ trong túi ra đọc lại. La Ponte có vẻ đồng tình với gã. “Mất tập bản thảo cũng không nghiêm trọng,” hắn nói. “Tôi trả tiền cho Taillefer, nhưng không nhiều lắm.” Hắn mỉm cười ranh mãnh. “Ít nhất tôi đã được Liana Taillefer trả bằng thứ khác. Nhưng anh thì thực sự là phiền đấy.”

Corso nhìn cô gái vẫn yên lặng đọc sách. “Có lẽ cô ấy có thể cho ta biết tôi đang bị cuốn vào chuyện gì.”

Hắn cau mày, gõ gõ đốt ngón tay lên bàn như một tay chơi bài thừa nhận mình thua. Nhưng cô ta cũng chẳng buồn phản ứng.

La Ponte lẩm bẩm trách móc, “Tôi vẫn không hiểu tại sao anh tin cô ta.”

“Ông ấy nói với anh rồi,” rốt cuộc cô trả lời. Cô đặt cái ống hút vào giữa các trang sách như để đánh dấu. “Tôi chăm sóc ông ấy.”

Corso gật đầu vui vẻ, mặc dù trong tình trạng của gã chẳng có gì mà vui. “Cô ấy là thiên thần hộ mệnh của tôi,” gã nói.

“Thật ư? Vậy thì cô ấy phải bảo hộ anh tốt hơn. Cô ấy ở đâu lúc Rochefort lấy trộm cái túi của anh.”

“Có cậu ở đó.”

“Đấy là chuyện khác. Tôi chỉ là một gã buôn sách nhát gan. Tôi ưa hòa bình. Một loại đối lập thực sự với típ người hành động. Nếu tham gia một cuộc thi nhát gan, chắc tôi sẽ bị loại vì quá nhút nhát.”

Corso không nghe hắn nói, gã vừa có một phát hiện. Cái bóng của tháp nhà thờ trải dài trên mặt đất gần chỗ bọn họ. Hình thù to lớn đen sẫm đang dịch dần khỏi ánh nắng. Gã để ý bóng cây thập tự trên đỉnh tháp nằm dưới chân cô gái, rất gần nhưng không chạm vào cô. Bóng cây thập tự duy một khoảng cách thận trọng.

***

Gã tới một trạm bưu điện gọi đi Lisbon để xem cuộc điều tra về cái chết của Victor Fargas tiến triển ra sao. Tin tức không phấn khởi. Pinto đã xem báo cáo tòa án: nạn nhân chết vì bị dìm xuống ao. Cảnh sát Sintra nghĩ động cơ giết người là cướp của. Thủ phạm hay những thủ phạm không tìm được. Tin tốt là trong thời gia ấy không ai liên hệ Corso với vụ giết người. Pinto nói thêm là y đã bỏ ra ngoài bản mô tả người đàn ông mặt sẹo, để phòng xa. Corso bảo y quên Rochefort đi, con chim đó lượn mất rồi.

Hình như tình hình không thể còn tệ hơn đằng nào được nữa. Nhưng đến buổi trưa lại còn phức tạp hơn. Ngay khi cùng La Ponte và cô gái vào tới hành lang khách sạn, gã thấy có gì đấy không ổn. Gruber đứng cạnh bàn, dưới vẻ ngoài bình tĩnh như thường lệ của hắn ẩn chứa một lời cảnh cáo. Khi tới gần, Corso thấy người gác ngẫu nhiên quay nhìn cái hộc có chìa khóa buồng Corso và khẽ giật ve áo mình, một cử chỉ mà cả thế giới đều hiểu.

“Đi thôi,” Corso nói với hai người kía.

Gã gần như phải lôi La Ponte đang lúng túng ra khỏi đó. Cô gái dẫn cả bọn theo một hành lang hẹp dẫn tới quầy bar của khách sạn trông ra quảng trường Cung điện hoàng gia. Quay lại nhìn Gruber, Corso thấy hắn thò tay cầm điện thoại.

Khi mọi người đã ở ngoài phố, La Ponte lo lắng nhìn về phía sau. “Có chuyện gì vậy?”

“Cảnh sát,” Corso giải thích. “Trong phòng tôi.”

“Sao anh biết?”

Cô gái không hỏi gì. Cô chỉ nhìn theo Corso, chờ gã chỉ đạo. Gã lấy ra cái phong bì Gruber đưa đêm qua, bỏ tờ giấy báo tin về nơi ở của La Ponte và Liana Taillefer rồi thay vào đó một tờ năm trăm quan. Gã làm việc đó chậm chạp, vì thế hai người kia có thể thấy tay hắn đang run rẩy. Gã dán phong bì, gạch ngang tên mình rồi ghi tên Gruber lên trên, sau đó đưa cho cô gái.

“Đưa nó cho một người phục vụ bất kỳ trong phòng ăn.” Lòng bàn tay gã đầy mồ hôi, gã chùi vào bên trong túi quần. Rồi trỏ bốt điện thoại bên kia quảng trường. “Gặp tôi ở đó.”

“Còn tôi?” La Ponte hỏi.

Mặc dù đang khẩn trương, Corso suýt nữa phì cười. “Cậu có thể làm gì tùy ý. Mặc dù tôi nghĩ cậu nên lặn đi thì hơn, Flavio.”

Gã xuyên qua dòng xe cộ sang bên kia quảng trường về phía bốt điện thoại, chẳng chờ xem La Ponte có đi theo hay không. Khi đóng cửa bốt điện thoại và nhét tấm thẻ vào khe, gã thấy La Ponte ở cách mấy mét đang nhìn quanh, vẻ lo lắng và bất lực.

Corso quay số khách sạn và xin gặp bộ phận lễ tân.

“Có gì xảy ra vậy, Gruber?”

“Có hai cảnh sát tới, ông Corso,” viên cựu sĩ quan SS khẽ đáp. “Họ vẫn trong phòng ông.”

“Họ có giải thích gì không?”

“Không. Họ muốn biết ngày ông tới ở khách sạn và hỏi chúng tôi có biết ông làm gì cho tới hai giờ sáng không. Tôi nói không và chuyển họ qua cho một đồng nghiệp trực đêm qua. Họ cũng cần một mô tả vì không biết trông ông thế nào. Tôi bảo họ tôi sẽ liên lạc với họ khi ông quay lại. Tôi đang chuẩn bị làm việc ấy đây.”

“Ông sẽ nói gì với họ?”

“Sự thật, đương nhiên rồi. Rằng ông đi vào hành lang một chút rồi bỏ đi ngay. Rằng ông đi cùng một người có râu. Còn về quý cô, họ không hỏi về cô ấy, vì vậy tôi cảm thất chẳng có lý do gì để nhắc tới.”

“Cảm ơn ông, Gruber.” Gã dừng lại cười rồi nói thêm. “Tôi vô tội.”

“Tất nhiên là thế, ông Corso. Tất cả khách thuê khách sạn này đều vô tội.” Có tiếng xé giấy. “A. Tôi vừa nhận được phong bì của ông.”

“Gặp lại sau nhé, Gruber. Giữ phòng mấy ngày cho tôi. Tôi hy vọng sẽ trở lại lấy đồ. Nếu có vấn đề gì, hãy tính vào thẻ tín dụng của tôi. Cảm ơn lần nữa.”

“Hân hạnh phục vụ ông.”

Corso gác máy. Cô gái đã trở lại đứng bên La Ponte. Corso bước tới. “Cảnh sát biết tên tôi. Có người báo cho họ.”

“Đừng nhìn tôi,” La Ponte nói. “Tất cả chuyện này nãy giờ đã quá tầm tôi rồi.”

Nó cũng quá tầm mình. Corso cay đắng nghĩ thầm. Gã đang đứng ở giữa biển khơi hung dữ, trên một con thuyền không người cầm lái.

“Cô có ý gì không?” gã hỏi cô gái. Cô là sợi dây mong manh duy nhất nối với điều bí ẩn vẫn nằm trong tay gã. Hy vọng cuối cùng của gã.

Cô dòm qua vai Corso nhìn dòng xe cộ và rào chắn của Cung điện hoàng gia gần đó. Cô đã bỏ cái túi đeo xuống chân. Cô nhíu mày, vẫn im lặng, đắm chìm trong suy tư như mọi khi. Trông ương bướng như một thằng nhóc không chịu vâng lời người lớn.

Corso cười như một con sói mệt mỏi. “Tôi không biết phải làm sao,” gã nói.

Gã thấy cô gái gật đầu chậm rãi, có lẽ kiểu như kết thúc một dòng suy luận. Hoặc có thể chẳng qua là cô đồng ý rằng quả thực gã không biết phải làm gì.

“Ông là kẻ thù tệ hại nhất của chính ông,” cuối cùng lạnh nhạt nói. Cô cũng tỏ ra mệt mỏi, giống như buổi tối trước khi họ trở về khách sạn. “Trí tưởng tượng của ông.” Cô vỗ lên trán. “Ông đừng nên chỉ nhìn mấy cái cây mà nghĩ là thấy cả khu rừng.”

La Ponte cằn nhằn. “Môn thực vật để sau đi, được không?” Hắn đang càng lúc càng lo lắng về khả năng quân cảnh sẽ xuất hiện. “Phải đi khỏi đây. Tôi có thể thuê xe. Nếu khẩn trương, ngày mai ta có thể vượt qua biên giới. Tiện thể xin nói mai là ngày Cá tháng Tư.”

“Câm miệng, Flavio.” Corso nhìn vào mắt cô gái tìm kiếm một câu trả lời. Gã không thấy gì khác ngoài những hình ảnh phản chiếu – ánh sáng trên quảng trường, xe cộ qua lại, hình ảnh của chính gã, méo mó và kỳ cục. Một người lính thất trận. Nhưng thất trận chẳng còn chút vinh quang nào nữa. Như thế từ lâu rồi.

Nét mặt cô gái biến đổi. Cô nhìn chằm chằm vào La Ponte cứ như đây là lần đầu tiên hắn đáng nhìn.

“Nhắc lại xem,” cô nói.

La Ponte ngạc nhiên lắp bắp. “Cô định nói, việc thuê xe?” Mồm hắn há ra. “Rõ ràng thế. Đi máy bay người ta có danh sách khách hàng. Còn trên tàu có thể bị kiểm tra hộ chiếu…”

“Ý tôi không phải thế. Nói xem mai là ngày mấy?”

“Mồng một tháng Tư. Thứ Hai.” La Ponte lúng túng mân mê cà vạt. “Ngày sinh nhật tôi.”

Nhưng cô gái không để ý. Cô cúi xuống cái túi đeo tìm gì trong đó. Khi đứng dậy, tay cô cầm Ba người lính ngự lâm.

“Ông đọc không kỹ,” cô nói với Corso và đưa cuốn sách cho gã. “Chương một, dòng đầu[1].”

[1] Dòng đầu tiên Ba người lính ngự lâm bắt đầu như sau: Ngày thứ Hai đầu tiên của tháng Tư năm 1625, thị trấn Meung.

Corso kinh ngạc tiếp lấy cuốn sách và liếc nhìn. “Ba món quà của ông d’Artagnan bố.” Ngay khi đọc dòng đầu tiên, gã đã biết mình phải đi đâu để tìm Milady.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN