Câu lạc bộ Dumas - Chương 14 - Phần 1
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
107


Câu lạc bộ Dumas


Chương 14 - Phần 1



XIV. NHỮNG HẦM RƯỢU Ở MEUNG

Đó là một đêm buồn thảm.

P.du Terrail, ROCAMBOLE.

Đó là một đêm buồn thảm. Dòng sông Loire hùng hổ dâng nước lên, đe dọa tràn qua những dải đê già cỗi bao quanh thị trấn Meung nhỏ bé. Cơn bão bắt đầu điên cuồng từ chiều hôm trước. Thỉnh thoảng một tia chớp lòe trên hình khối đen sẫm của tòa lâu đài, tạo thành những vệt sáng ngoằn ngoèo đứt đoạn giống như vết roi quất trên những vỉa hè vắng tanh ướt đẫm của thị trấn từ thời Trung cổ. Xa xa bên kia sông, lá bị bứt khỏi cành bay tán loạn trong mưa giông, tuồng như cơn lốc đi qua quết thành một đường chia rẽ quá khứ gần và hiện tại xa, có thể nhìn thấy những ngọn đèn pha ô tô từ từ di chuyển trên đường cao tốc Tours đi Orléans.

Ở quán Saint-Jacques, khách sạn duy nhất ở Meung, vẫn còn cửa sổ để đèn. Ánh sáng chiếu lên một mảnh sân dẫn ra ngoài phố. Trong phòng, một thiếu phụ cao lớn, hấp dẫn, mớ tóc vàng buộc túm sau gáy, đang mặc váy áo trước gương. Cái váy đã kéo khóa lên che kín hình xăm hoa huệ trên hông. Ả đứng thẳng người, hai tay quặt ra sau gài móc cái nịt vú đỡ bộ ngực trắng đồ sộ rung rinh theo từng cử động. Rồi ả mặc một cái áo khoác lụa vào. Vừa cài khuy, ả vừa cười với ả trong gương, chắc chắn là hài lòng thấy mình đẹp. Hẳn là ả chuẩn bị cho một cuộc hẹn hò, vì chẳng mấy ai sửa soạn trang phục lúc mười một giờ khuya, trừ phi sắp đi gặp ai đấy. Mặc dù có lẽ nụ cười ẩn giấu sự tàn bạo của ả là vì cái kẹp giấy bìa da mới nằm trên giường có chứa bản thảo Rượu vang Anjou của Alexandre Dumas bố.

Một tia chớp soi sáng mảnh sân nhỏ bên ngoài. Bên dưới mái hiên nước rỏ giọt, Lucas Corso hút nốt điếu thuốc ẩm rồi quăng xuống đất. Gã dựng cổ áo lên che mưa gió. Dưới ánh chớp lóe mãnh liệt như đèn flash của một chiếc máy ảnh khổng lồ, gã thấy khuôn mặt xanh lè như người chết của Flavio La Ponte ẩn hiện giữa tối và sáng, mớ tóc và bộ ria sũng nước. La Ponte trông như một thầy tu đau khổ, hoặc có thể như Athos câm lặng vì tuyệt vọng, u sầu vì trừng phạt. Một hồi lâu không có chớp, nhưng Corso có thể nhận ra, trong cái bóng đen thứ ba khom mình bên cạnh họ dưới những mái chìa, đường nét thanh mảnh của Irene Adler cuộn mình trong áo khoác len. Khi một tia chớp cuối cùng rạch chéo bầu trời đêm và tiếng sấm dội ầm ầm lên những mái nhà bằng đá đen, cặp mắt xanh sáng rực của cô chợt lóe lên dưới cái mũ trùm đầu gắn liền với áo khoác.

Hành trình tới Meung ngắn và căng thẳng. Một khoảng thời gian kinh hoàng trong chiếc xe do La Ponte thuê: đường cao tốc Paris đi Orléans, rồi mười sáu cây số đến Tours. La Ponte ngồi ở ghế hành khách, nghiên cứu tấm bản đồ Michelin mua ở trạm xăng dưới đốm sáng của điếu thuốc lá. La Ponte hoang mang. Không xa nữa đâu, tôi nghĩ ta đi đúng hướng. Phải, chắc thế. Cô gái ngồi trên ghế sau, lặng lẽ. Cô chăm chú nhìn Corso, và gã bắt gặp ánh mắt cô trong gương mỗi khi một chiếc xe sáng rực vượt qua họ. La Ponte đã nhầm, đương nhiên. Họ bỏ lỡ mất chỗ rẽ mà đi theo hướng tới Blois. Khi nhận ra đã nhầm đường, họ phải quay lại, đi ngược chiều trên xa lộ để ra khỏi đó. Corso nắm chặt tay lái cầu khẩn cơn bão buộc đám cảnh sát phải ngồi hết ở nhà. Beaugency. La Ponte khăng khăng đòi qua sông rồi rẽ trái, nhưng may mà họ không thèm nghe hắn. Họ trở lại theo đường cũ, lần này theo quốc lộ 152 – đúng theo con đường d’Artagnan đã chọn ở chương một – trong mưa giông gió giật, dòng sông Loire đen ngòm gầm rú bên phải họ, thanh gạt nước trên kính chắn gió quay như điên, và hàng trăm đốm đen li ti, bóng của những giọt mưa, nhảy múa trước mắt Corso khi họ vượt qua những chiếc xe khác. Cuối cùng họ đi trên những đường phố vắng tanh ở một khu phố cổ với những căn nhà lợp mái, có mặt tiền với những rầm nhà nặng nề dưới dạng cây thập tự: Meung-sur-Loire. Hành trình kết thúc.

“Ả sắp đi,” La Ponte thì thầm. Người hắn đẫm nước, giọng run run vì lạnh. “Sao không vào ngay?”

Corso nhướng mình nhìn lại lần nữa. Liana Taillefer khoác ra ngoài áo cánh một chiếc áo len bó sát để lộ thân hình hấp dẫn, rồi lấy trong tủ đồ ra chiếc áo không tay dài màu tối dùng cho vũ hội hóa trang. Ả chần chừ một chút, nhìn quanh rồi khoác nó lên vai và nhặt tập bản thảo Dumas trên giường. Đúng lúc ấy ả để ý cửa sổ vẫn mở liền bước tới đóng lại.

Corso giơ tay ngăn ả. Một ánh chớp lóe lên ngay trên đầu rọi sáng khuôn mặt đẫm nước của gã. Bóng gã sừng sững trong khuôn cửa sổ, tay đưa ra như thể cáo buộc người đàn bà đang đứng như trời trồng vì kinh ngạc. Milady rú lên man dại như gặp quỷ.

Corso nhảy qua gờ cửa sổ dùng mu bàn tay hất mạnh khiến ả im bặt và ngã xuống giường làm những trang giấy trong Rượu vang Anjou bay lả tả. Cặp kính của gã bị hơi nước từ trong hốc mắt nóng bừng bốc lên che mờ, gã lập tức nhấc kính ra vứt lên cái bàn đầu giường rồi quăng mình lên trên Liana Taillefer đang gắng trở dậy vươn ra cửa. Gã túm tay ả và ghì chặt vùng eo của ả xuống giường trong khi ả vừa quẫy vừa đạp. Ả thật khỏe và Corso tự hỏi không biết La Ponte và cô gái mất mặt ở đâu. Trong khi chờ họ tới giúp, gã cố giữ chặt cổ tay và tránh để những móng tay như vuốt sắc cào vào mặt. Hai người quấn và nhau và lăn lộn trên tấm ga trải giường, cuối cùng thì cẳng chân Corso nằm giữa hai chân ả và mặt gã vùi lấp vào bộ ngực ả. Gần sát như thế, cảm nhận chúng qua làn áo len mỏng, gã lại nghĩ thật khó tin rằng chúng đàn hồi đến thế. Gã cũng cảm thấy thân dưới mình cương lên và tức giận chửi thề trong lúc vật lộn với một ả Milady có sức khỏe của một nhà vô địch bơi lội. Mi ở đâu khi ta cần, gã cay đắng nghĩ thầm. Rồi La Ponte tới, lắc mình thật lực như con chó ướt và nghĩ cách trả thù cho lòng tự hào tổn thương của mình, và trên hết cho tấm hóa đơn khách sạn đã tạo ra một lỗ hổng trong ví hắn. Trận đấu bắt đầu theo lề lối giang hồ.

“Tôi không nghĩ ông định hiếp bà ta,” cô gái nói.

Cô vẫn đội các mũ trùm ngồi xem trên bậu cửa sổ. Liana Taillefer đã thôi giãy giụa và nằm im. Corso nằm trên người ả, còn La Ponte giữ một tay và một chân ả đè xuống.

“Đồ lợn,” ả nói to và rõ.

“Đồ điếm,” La Ponte lẩm bẩm, thở không ra hơi vì cuộc vật lộn.

Sau mẩu đối thoại ngắn ngủi này, mọi người đều bình tĩnh lại. Chắc rằng ả không thoát đi được, họ để ả ngồi dậy. Ả xoa nắn cổ tay, ánh mắt độc địa lướt qua Corso và La Ponte. Corso đứng giữa ả và cánh cửa. Cô gái vẫn ngồi trên cửa sổ lúc này đã đóng lại. Cô đã bỏ mũ trùm ra quan sát Liana đầy tò mò. La Ponte sau khi dùng tấm ga giường lau khô tóc và râu, bắt đầu thu lượm các trang bản thảo vương vãi trong phòng.

“Ta cần nói chuyện một chút,” Corso nói. “Như những người hiểu biết.”

Liana Taillefer trừng mắt nhìn gã. “Chẳng có gì để nói hết.”

“Đó là cái sai của bà, thưa quý bà xinh đẹp. Bây giờ chúng tôi tóm được bà rồi, tôi có gặp cảnh sát thì cũng chẳng sao. Hoặc bà nói chuyện với bọn tôi, hoặc bà phải giải thích với họ. Tùy chọn.”

Ả cau có nhìn quanh như con thú săn tìm cách thoát khỏi bẫy.

“Cẩn thận,” La Ponte nói. “Ả định làm gì đấy.”

Đôi mắt ả lóe lên sắc như dao. Corso uốn lưỡi nói như diễn kịch. “Liana Taillefer,” gã nói. “Hoặc có thể phải gọi bà là Anne de Breuil, nữ bá tước de la Fère. Bà cũng có tên Charlotte Backson, nam tước phu nhân Sheffield và quý bà de Winter. Bà đã phản bội chồng và mọi người tình. Một nữ sát thủ và kẻ đầu độc, cũng là tay chân của Richelieu. Hoặc với một biết danh quen thuộc hơn – gã dừng lại đột ngột – Milady.”

Gã ngừng lại vì vấp phải dây đeo cái túi của mình từ dưới gầm giường thò ra. Không rời mắt khỏi Liana Taillefer và cánh cửa, gã lôi nó ra. Rõ ràng ả muốn chạy trốn ngay khi có cơ hội. Gã kiểm tra mọi thứ trong túi và thở phào nhẹ nhõm khiến mọi người, gồm cả Liana Taillefer, đều ngạc nhiên nhìn gã. Chín cánh cửa của Varo Borja vẫn trong đó, còn nguyên vẹn.

“Ăn chắc,” gã nói và cầm nó lên. La Ponte tỏ ra đắc thắng, tuồng như Queequeg vừa đâm trúng con cá voi. Nhưng cô gái không mảy may xúc động, giống như một khán giả bàng quan. Corso nhét cuốn sách vào túi. Gió đêm thổi vi vu ngoài cửa sổ khi cô đứng. Chốc chốc một tia chớp nhoáng lên soi rõ hình cô, rồi một tràng sấm đùng đục và nghèn nghẹt vang lên khiến tấm kính chắn mưa rung bần bật.

“Thời tiết rất phù hợp,” gã nói. “Như bà thấy, Milady, chúng tôi không muốn lỡ việc… Chúng tôi chuẩn bị xét xử công bằng.”

“Với cả nhóm người vào giữa đêm khuya, chẳng khác gì một lũ hèn hạ.” ả xổ ra. “Đúng như người ta đã làm với ả Milady kia. Chỉ thiếu người đao phủ thành Lille.”

“Tất cả đều hợp thời điểm,” La Ponte xen vào.

Người đàn bà dần dần lấy lại tự tin. Dù chính ả nhắc tới đao phù song điều đó có vẻ không dọa được ả. Ả nhìn trả La Ponte với vẻ thách thức. “Tôi thấy các người đã về đúng vai rồi đấy,” ả nói thêm.

“Bà không cần ngạc nhiên mới phải,” Corso đáp trả. “Bà và đám tòng phạm của bà đã làm mọi cách để bảo đảm như vậy mà.” Khuôn mặt gã vặn vẹo rồi hóa ra nụ cười của loài sói, không đùa cợt cũng không thương xót. “Tất cả chúng ta đã vui vẻ cả.”

Người đàn bà bạnh môi. Ả dùng một móng tay đỏ như máu vạch ngang khăn trải giường. Corso đưa mắt theo dõi cử chỉ của ả, cảm thấy mê hoặc như thể đó là một lưỡi dao, và gã rùng mình nhớ lại nó đã lướt như thế nào qua mặt gã trong khi vật lộn.

“Ông không có quyền làm như vậy,” ả nói. “Các người là những kẻ đột nhập.”

“Bà lầm. Chúng tôi là một phần trong trò chơi, giống như bà.”

“Nhưng các người không biết luật chơi.”

“Lại nhầm rồi, Milady. Bằng chứng là chúng tôi đang ở đây.” Corso cầm cái kính trên tủ đầu giường, đeo lên mắt và lấy ngón tay đẩy nó lên. “Đó là điều rất tinh tế – chấp nhận bản chất của trò chơi. Chấp nhận cuốn tiểu thuyết hư cấu bằng cách bước vào câu chuyện và tuân theo lôgic của nó chứ không phải của thế giới bên ngoài… Sau đó thì dễ rồi. Trong thế giới thực, nhiều chuyện xảy ra ngẫu nhiên, nhưng trong tiểu thuyết hầu như mọi điều đều lôgic.”

Móng tay đỏ chót của Liana Taillefer dừng lại. “Trong tiểu thuyết?”

“Đặc biệt trong tiểu thuyết. Nếu nhân vật chính theo lôgic nội tại của tội phạm, hắn rồi sẽ gặp mặt tội phạm. Đó là lý do khiến người hùng và kẻ ác, thám tử và tên sát nhân luôn gặp nhau ở phần kết.” Gã mỉm cười, thích thú với lý lẽ của mình. “Bà nghĩ sao?”

“Tuyệt,” Liana Taillefer châm chọc, còn La Ponte miệng há ra, dán mắt vào Corso đầy ngưỡng mộ. Ả nhếch mép cười mỉa. “Đạo hữu William Baskerville[1], tôi đoán thế.”

[1] Một tu sĩ dòng Francis, nhân vật hư cấu trong tiểu thuyết Tên của đóa hồng của Umberto Eco.

“Đừng hời hợt thế, Milady. Bà quên Edgar Allen Poe. Và chính Dumas… Tôi cứ nghĩ bà đọc rộng hơn cơ.”

“Ông thấy đó, ông đang lãng phí tài năng với tôi rồi,” ả nói. “Tôi không phải thính giả thích hợp.”

“Tôi biết. Đó chính là lý do tôi tới đây – để bà đưa chúng tôi tới chỗ ông ta.” Gã nhìn đồng hồ. “Hơn một tiếng đồng hồ nữa sẽ là ngày thứ Hai đầu tiên của tháng Tư.”

“Tôi muốn biết bằng cách nào ông đoán được cả chuyện đó.”

“Tôi không đoán.” Gã quay sang cô gái bên cửa sổ. “Cô ấy nhét cuốn sách vào tay tôi. Và trong một cuộc điều tra như thế này, một cuốn sách có ích hơn là thế giới bên ngoài. Đó là một thế giới riêng mình tự tại, không bị ai quấy rầy. Giống như phòng thí nghiệm của Sherlock Homles.”

“Đừng khoe mẽ nữa, Corso,” cô gái bực tức nói. “Ông gây đủ ấn tượng với bà ta rồi đó.”

Người đàn bà cau mày nhìn cô gái, như thể lần đầu tiên trông thấy cô. “Cô ta là ai?”

“Đừng nói với tôi bà không biết. Bà chưa từng gặp cô ấy ư?”

“Người ta có nhắc tới một phụ nữ trẻ, nhưng không biết cô ta từ đâu tới.”

“Ai nhắc?”

“Một người bạn.”

“Cao, đen, để ria, sẹo trên mặt? Rách môi? Anh bạn thân Rochefort của chúng ta! Tôi rất muốn biết anh ta đang ở đâu. Hy vọng không xa. Hai vị chọn nhân vật thật là xứng đáng, đúng không?”

Nghe vậy Liana Taillefer ấn sâu móng tay vào tấm ga như thể đó là da thịt Corso, ánh mắt lóe lên điên cuồng. “Các nhân vật khác thì tốt đẹp gì hơn?” Trong cái lối Milady hất đầu ra sau nhìn xoáy vào từng người trong bọn họ chứa đựng một vẻ khinh thường ngạo mạn. “Athos, một tên say. Porthos, một gã ngộ. Aramis, một kẻ mưu mô đạo đức giả…”

“Đó là một cách nhìn nhận,” Corso nói.

“Im đi. Ông biết cái gì?” Ả ngừng lại, vươn cằm ra, nhìn Corso như thể đến lượt gã. “Còn d’Artagnan, hắn là kẻ tệ nhất trong đám. Một tay kiếm ư? Hắn chỉ quyết đấu bốn lần trong Ba người lính ngự lâm. Thắng một lần vì Jussac nhào vào chân hắn, một lần nữa vì Bernajoux tự mình gieo vào mũi kiếm của hắn trong khi mù quáng tấn công. Khi đánh nhau với người Anh, hắn chỉ làm được mỗi việc là tước vũ khí của ông nam tước. Và phải dùng tới ba cú đâm mới hạ gục nổi công tước De Wardes. Còn về lòng khoan dung độ lượng…” ả hất mặt về phía La Ponte, “d’Artagnan thậm chí còn keo kiệt hơn cả anh bạn này của ông. Lần đầu tiên hắn mua đồ uống cho các bạn là ở Anh, sau vụ gã thầy tu[2]. Ba mươi năm sau.”

[2] Gã thầy tu: tức con trai Milady, nhân vật chính trong Hai mươi năm sau.

“Tôi nhận thấy bà là một chuyên gia, mặc dù đáng ra tôi phải đoán ra từ trước. Bao nhiêu là tiểu thuyết trường thiên mà bà bảo ghét cay ghét đắng… Xin có lời khen. Bà đã hoàn thành tuyệt diệu vai bà góa phát ốm lên vì tính ngông cuồng của ông chồng.”

“Tôi không vờ vịt. Hầu hết những thứ của ông ấy đều tầm thường xoàng xĩnh, toàn giấy tờ cũ vô dụng. Giống như bản thân Enrique. Chồng tôi là một gã khờ. Ông ấy không biết cách đọc cho ra những ý nghĩ thâm sâu hay đánh giá chất lượng. Ông ấy chỉ là một kẻ đần độn loanh quanh sưu tầm bức ảnh tượng đài và chẳng hiểu gì hết.”

“Không như bà?”

“Tất nhiên. Ông biết hai cuốn sách đầu tiên tôi đọc là gì không? Những người đàn bà nhỏ và Ba người lính ngự lâm. Mỗi cuốn đều gây ấn tượng sâu sắc theo cách riêng của nó.”

“Cảm động quá.”

“Đừng ngu ngốc thế. Ông hỏi, tôi đáp. Có những độc giả chất phác, như Enrique khốn khổ, và có những độc giả đi sâu vào bản chất sự vật, nhìn thấu suốt hơn chứ không chỉ thấy toàn khuôn mẫu sáo mòn: d’Artagnan can đảm, Athos hào hiệp, Porthos hảo tâm, Aramis trung thành… Thật buồn cười!” Rồi ả phá lên cười thật, tiếng cười của ả đặc phường tuồng và đanh ác như tiếng cười của Milady. “Không ai có ý kiến. Ông có biết hình ảnh tồn tại lâu dài nhất với tôi, cái mà tôi ngưỡng mộ nhất là gì không? Hình ảnh người đàn bà chiến đấu đơn độc, trung thành với ý tưởng của chính mình và với người đàn ông bà ta chọn làm chủ nhân, chỉ tin tưởng một mình mình, bị bốn người anh hùng kỳ thực là những con rối giết một cách đê tiện. Rồi lại có một đứa con thất lạc từ lâu của bà ta, đứa trẻ mồ côi xuất hiện hai mươi năm sau nữa!” Ả cúi đầu ủ rũ, và ánh mắt đầy thù hận của ả hầu như khiến Corso lùi lại một bước. “Tôi có thể hình dung một bức tranh khắc như thể nó ở ngay trước mặt – dòng sông đêm, bốn tên vô lại quỳ gối cầu nguyện nhưng không một chút thương xót. Và bên kia sông, đao phủ giơ cao kiếm trên cái cổ trần của người đàn bà…”

Một tia chớp đột ngột rọi ánh sáng hung dữ lên khuôn mặt biến dạng của ả – cái cổ trắng mịn, đôi mắt chứa đầy khung cảnh bi kịch ả vừa mô tả sống động như thể chính mình trải qua rồi. Rồi những tấm kính cửa sổ rung lên dưới tiếng sấm ì ầm.

“Đồ khốn,” ả thì thầm, chìm đắm trong suy tư, Corso không biết ả muốn nói gã và những người cùng đi hay d’Artagnan và bạn chàng.

Cô gái lục tìm trong túi lấy ra Ba người lính ngự lâm. Giống như một khán giả vô thưởng vô phạt, cô tìm một trang. Khi đã thấy, cô không nói lời nào mà vứt sách lên giường. Đó là bức minh họa Liana Taillefer đã miêu tả.

“Victa iacet Virtus,” Corso lẩm bẩm, run lên trước cảnh tương tự như trong bức minh họa thứ tám của Chín cảnh cửa.

Người đàn bà bình tĩnh lại khi nhìn bức tranh. Ả nhíu mày, lại trở nên lạnh lùng và độc đoán.

“Đó là sự thực,” ả thừa nhận. “Không thể nói rằng d’Artagnan tượng trưng cho phẩm hạnh. Hắn ta chỉ là kẻ cơ hội. Và đừng nhắc tới kỹ năng cưa gái của hắn. Trong cả bộ tiểu thuyết hắn chỉ chinh phục được ba người đàn bà, hai lần trong đó là nhờ lừa bịp. Mối tình vĩ đại nhất của hắn là với một mẹ đĩ bé nhỏ chân to, thị tỳ của hoàng hậu. Một người khác là ả hầu phòng người Anh bị hắn lợi dụng một cách đê tiện.” Tiếng cười của Liana vang lên như một lời nhục mạ. “Còn đời sống tình cảm của hắn trong Hai mươi năm sau thì sao? Sống với bà chủ nhà trọ để tiết kiệm tiền thuê phòng… Công cuộc chinh phục mới đẹp đẽ làm sao! Hầu phòng, chủ trọ và đầy tớ!”

“Nhưng d’Artagnan không quyến rũ Milady,” Corso ranh mãnh vạch ra.

Một tia chớp giận dữ lại lần nữa phá vỡ lớp băng trong mắt Liana Taillefer. Nếu ánh mắt có thể giết người, có lẽ Corso đã chết lăn dưới chân ả.

“Hắn không quyến rũ,” người đàn bà trả lời. “Thằng khốn đó mạo nhận người khác để luồn vào giường cô ta.” Thái độ của ả lại lạnh cứng. “Ông và hắn có thể kết thành một cặp rất hợp đấy.”

La Ponte chăm chú nghe. Tựa như có thể thấy bộ não hắn đang vận động kịch liệt. Hắn nhăn nhó. “Các người không định nói là các người đã…”

Hắn quay sang cô gái mong giúp đỡ. Hắn luôn là người cuối cùng hiểu được chuyện gì xảy ra. Nhưng cô vẫn dửng dưng như thể chẳng có gì liên quan đến mình.

“Tôi là một thằng ngu,” La Ponte kết luận. Hắn đi đến bên cửa sổ và bắt đầu đập đầu vào khuôn cửa.

Liana Taillefer nhìn hắn khinh bỉ rồi nói với Corso, “Ông phải đưa hắn theo hay sao?”

La Ponte nhắc đi nhắc lại, “Tôi là một thằng ngu,” và đập mạnh đầu vào cửa sổ.

“Hắn nghĩ mình là Athos,” Corso giải thích.

“Aramis thì đúng hơn. Ngu xuẩn và tự đại. Ông có biết là hắn mê mệt với cái bóng của mình trên giường khi làm tình không?”

“Tôi không tin.”

“Tôi đảm bảo là hắn như thế đấy.”

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN