Chiến loạn - Chương 5: Đinh Công Trứ
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
168


Chiến loạn


Chương 5: Đinh Công Trứ


Hoan Châu
Phủ Thứ sử Đinh Công Trứ

Rằm tháng ba, trời thanh trăng tỏ

Chiếc đình giữa hồ mạn bắc hoa viên đang được đèn lồng chiếu rọi, sáng rực như ban ngày. Không chỉ được bày trong đình, đèn còn dăng dọc hai bên lối đi, đồng điệu tạo dáng bách liên hoa kết cùng dây tua ngũ sắc, trong sự thanh nhã có nét vui tươi, điểm xuyết muôn vàn sống động trên mỗi cung đường hoa viên phủ đệ. Gia nhân dù trên mặt luôn mang vẻ niềm nở, lũ lượt người đến kẻ đi nhưng tuyệt không phát ra một tiếng động, có chăng cũng là lời Đinh phu nhân phân công công việc chuẩn bị yến tiệc tối nay. Mỗi tháng đến rằm, theo gia quy Đinh phủ sẽ tổ chức gia yến, tất cả chủ tử đều phải tề tựu.

Sau trận chiến oai hùng sáu năm trước, phàm những ai có công đều được Dương Tiết độ sứ hào phóng ban thưởng. Người công thấp thì ban vàng bạc châu báu, hơn chút nữa thì ban chức quan, còn đại công thậm chí được ban cả vợ. Như tướng quân Ngô Quyền anh dũng tiên phong giết mười sáu tên giặc, mở đường Dương Tiết độ sứ chém bay đầu Trần Bảo, cộng cả công lao và khổ lao theo hầu mấy năm, thật không còn gì Dương Tiết độ sứ an tâm bằng khi giao con gái yêu Như Ngọc cho Ngô tướng. Ngày ái nữ thành hôn cũng là ngày ông xưng làm Tĩnh Hải Tiết độ sứ, song hỉ lâm môn, khiến ai ai cũng rộn ràng kéo đến chúc phúc, nghe nói bãi cỏ dẫn lối vào nhà sau hôm đó chỉ đành lát gạch vẽ hoa chứ không có khả năng mọc trở lại.

Nói qua cũng phải nói về, trong những người lập công cao tất nhiên không thể không kể đến sát tướng Đinh Công Trứ. Cánh quân bên phải ông chỉ huy với mục đích tạo thế gọng kìm ép sát đánh vỡ thế trận địch, dù lâm trận ở thời khắc gần như cuối cùng nhưng lại giết được nhiều giặc nhất. Cũng bởi sát khí của ông quá lớn làm giặc tay chân rụng rời, cứ hễ ông vung đao là một tên lính ai oán bỏ mạng, giúp sĩ khí trong quân cũng theo đà tăng tiến mà hăng máu chém say xưa. Đúng là một trận thanh uy thiên hạ.

Dương Đình Nghệ biết tin tất nhiên muốn thưởng, còn muốn trọng thưởng thật lớn kia. Phong ngay ông làm Thứ sử Hoan Châu, còn tính đường giúp xây một phủ đệ nguy nga xứng tầm danh xưng “sát tướng”. Công Trứ nghe thấy khoát khoát từ chối, lấy lí do hiện tại việc cấp bách là bắt tay vào trị an, phủ đệ không cần quá cầu kỳ, ông kêu xây mới sẽ tốn nhiều nhân lực cần một nơi tạm ổn là được. Nhưng phàm Thứ sử một Châu chỗ ở sao có thể tạm, nên Dương Đình Nghệ nhất quyết không chịu. Cuối cùng cả hai dây dưa kỳ kèo nửa ngày cũng đi đến thoả hiệp dùng sáng kiến của Dương Tiết độ sứ, cho tu sửa một trong những phủ đệ lớn nhất vùng, còn ví trí chỗ nào tuỳ Công Trứ chọn.

Bá tánh trong thành hay tin, thấy một người không phải gốc gác Hoan Châu lại vì dân Hoan Châu suy nghĩ cặn kẽ đến vậy, khiến cho không những phụ nữ mà cả vô số người già cứng rắn nhất cũng sụt xịt mũi cảm động, nhận định rằng ông chắc chắn là quan phụ mẫu đức độ trời phái xuống giúp dân Hoan Châu. Chính vì thế mà ba ngày kể từ lúc hay tin, không ít hào trưởng khắp thành tình nguyện dâng nhà dân đất cho tân Thứ sử, làm cửa trước trạm xá ông ở bị dẫm xém chút nữa là bung ra.

Cuối cùng Công Trứ lựa chọn một phủ đệ rộng vừa phải nằm mạn bắc Hoan Châu, vì ông muốn tin tình báo từ phương bắc gởi đến mình nhanh nhất có thể, phủ đệ lại không thể quá xa trung tâm để ông dễ dàng khảo sát thực địa đời sống nhân dân tám hướng. Đối với bá tánh Hoan Châu mà nói, được Thứ sử thương yêu nhường thế còn mong mỏi gì hơn. Nên sáu năm nay, không chỉ dân bản xứ chuyên tâm canh tác an cư, cả những vùng phụ cận xung quanh cũng lũ lượt di dân kéo đến Hoan Châu lập nghiệp, giúp vùng Hoan Châu cằn cỗi chỉ trong sáu năm mà thay da đổi thịt trở nên vô cùng màu mỡ, trù phú.

Về phần chủ nhân căn phủ đệ thì có một truyền kỳ như vậy.

Đó là một ông lão đã ngoài bảy mươi, chỉ sống cùng vài kẻ hầu người hạ, không con cháu. Khi quyết định dâng nhà cho Đinh Thứ sử, ông chia của cải một phần cho gia nhân làm vốn lập nghiệp rồi đuổi đi. Công Trứ áy náy không muốn nợ ông nên ngỏ ý gởi trả một khoản tiền, nhiều hơn cả giá trị căn nhà gốc. Ông lão chỉ cười khà rồi nói: “Lão nay đã ngoài bảy mươi, sống không nổi nơi ồn ào, do tiếc căn nhà này lưu giữ nhiều hồi ức nên lâu nay không nỡ bán, nay giao lại cho quan cũng gọi là có duyên. Quan là bậc minh anh, sau này ắt giúp non sông nước ta vững mạnh, yên ổn nhân dân”.

Nói rồi ông lão từ chối nhận.

Đinh Công Trứ khó xử chuyển sang mời lão một bữa ăn, thì thật ngạc nhiên lão lập tức gật đầu đồng ý, sau đó còn muốn đi dạo hoa viên. Gọi là “đi dạo” của lão cũng thật tao nhã, những hai canh giờ(1). Ông lão rất quý khu vườn, gia nhân ngày trước đều nói ông chăm rất kỹ, đi đến đâu ông cũng dừng lại sờ cái này một ít, chỉnh cái kia về ngay ngắn, như muốn hồi tưởng lại những ký ức khi xưa, còn đứng trầm ngâm thật lâu nhìn cây quế già bên bờ ao lần cuối như chào từ giã.

Trước khi bái biệt, lão nhân gia quay qua nắm chặt tay Công Trứ, giọng tuy nhỏ nhưng muôn phần trịnh trọng: “Còn một chuyện này quan cần biết. Kể từ khi quan tới Hoan Châu, thiên tượng xuất hiện ngũ tinh(2) tụ hợp tại chòm sao Khuê sáng đúng bảy đêm. Già xem quẻ thì bấm ra quanh quan có người mang mệnh Thiên Tử, ắt sau này gây dựng lên cơ nghiệp thiên thu.”

Đinh Công Trứ nghe mà thất kinh, biết lão nhân gia không phải người tầm thường, muốn nắm được hành tung để tiện bề thỉnh an sau này nên hỏi:”Lão giờ tính đi về đâu?”

Ông lão chỉ cười mà không trả lời, nói đoạn ngoảnh mặt rời đi, vừa thong dong bước vừa hô ba lần “thiên tuỳ tượng, thánh nhân tác chi”(3) cho tới lúc khuất.

Công Trứ miên man, vừa đăm chiêu vừa vô giác theo thói quen miết ngón cái lên miếng ngọc phỉ thuý thường giắt bên hông, đây cũng là quà lão nhân gia kỳ lạ đó tặng ông. Lần đầu gặp mặt, lão thấy ông hai mắt thâm quầng, tóc bạc sớm hẳn là đau đáu lo nghĩ mà thường xuyên mất ngủ. Miếng ngọc này khắc chạm hoạ tiết đơn giản, chỉ là hình một con nghê(4) đang cưỡi sóng mây uốn lượn, xanh không tạp chất, màu lại thuần khiết tựa sương mai sẽ giúp ông thanh tịnh và tránh đuổi nhiều ma tà. Quả nhiên sau đó ông không còn mất ngủ thêm lần nào nữa. Nhiều lúc Công Trứ cảm thấy có khi lão không phải người trần, hay do ông bình thường suy nghĩ quá nhiều mà sinh ảo giác về cuộc gặp gỡ với thần tiên.

Mãi mê hồi tưởng ông cũng dìu mẹ đến đình. Sau khi Công Trứ đi vào, tất cả mọi người đứng dậy cung kính chào lão gia và lão phu nhân rồi mới theo thứ tự ngồi xuống.

Thứ sử Hoan Châu Đinh Công Trứ nếu tính ra chỉ có một vợ duy nhất là Đàm Thị Thiềm, người huyện Nho Quan, là vì thực sự thương yêu mà cưới về. Hai vợ chồng mặn nồng chưa được mấy năm thì Đinh lão phu nhân muốn Công Trứ nạp thêm cháu gái họ xa Tô Vân làm lẽ, với mục đích khai chi tán diệp cho phúc trạch trong nhà giàu thêm. Khác với nhà người ta vợ cả vợ lẽ tranh nhau sứt đầu mẻ trán, Đàm thị là người hiểu lý lẽ nên với Tô thị cũng rất mực yêu thương, coi nhau như chị em mà đối đãi. Tô thị lại là người có học, tính tình không muốn đua tranh cũng vô cùng an phận thủ thường, nên trong nhà lúc nào cũng rộn tiếng cười vang. Nhờ thế mà dù mang tiếng “vợ lẽ” nhưng trên dưới Đinh gia đều coi Tô thị như “nhị phu nhân” mà đối lễ. Thế là ngày qua ngày, không khí thuận hoà gia trạch ấm êm giúp từng đứa trẻ Quế Hương, Bộ Lĩnh, Quế Linh cũng lần lượt bình an chào đời.

Trong nhà còn có một nhân vật khác nữa là Lý Nhược Anh. Nếu Tô thị đích xác là thị thiếp của Đinh lão gia và cũng đã sinh hạ được Quế Linh, thì Nhược Anh đến thời điểm này vẫn mơ hồ về vị trí của nàng trong phủ. Tất cả cũng bắt đầu khi Nhược Anh là người được lão gia cứu về trong một trận tiêu diệt thổ phỉ cách đây một năm, lúc đó nàng mới mười hai tuổi. Do không còn chốn nương thân nên Nhược Anh cam tâm tình nguyện lấy thân báo đáp nhưng lão gia từ chối, kêu nàng tuổi còn nhỏ đừng quyết định bồng bột. Sau lão gia thấy Nhược Anh tứ cố vô thân thì giữ lại coi như giúp Quế Hương có người bầu bạn, từ đó Nhược Anh cứ thế sống trong Đinh gia. Đinh phu nhân dự định Nhược Anh lớn lên chút nữa thì tìm một mối thích hợp thay nàng quyết định chuyện trăm năm.

Phủ Thứ sử không to hơn trạch viện thường thấy là bao, phòng ốc cũng không được tính là nhiều, có điều chủ tử trong phủ chỉ đếm trên đầu ngón tay, sinh hoạt nhà võ tướng cũng không có nhiều loại hình giải trí như phủ gia khác, nên đối với từng người Đinh gia mà nói sự tình cờ này ngẫu nhiên lại vô cùng thích hợp. Hoa viên chiếm hơn một phần ba diện tích phủ đệ nên đình giữa hồ tương đối rộng rãi, đúng là nơi chủ nhân trước đây thích nhất trong nhà, cây cối được chăm chút cẩn thận, vô cùng tốt tươi. Lúc trước đây là hồ sen, cứ mỗi tháng năm mùa hoa rộ nở, lão nhân gia nọ còn ướp trà sen, thi thoảng lại ngồi vẽ tranh hưởng thú vui điền viên tao nhã. Có điều phu nhân “sát tướng đại nhân” Đàm thị qua năm đầu tiên dọn đến ở quan sát nhận thấy, hoa sen mỗi năm đẹp đúng một mùa, kéo dài chưa đến nửa năm đã tàn, cảnh trí sau mùa sen nở thật buồn hắc hiu, khiến mỗi lần tổ chức gia yến tâm trạng man mác chùng xuống. Không những thế ngoài việc tới mùa có hạt sen ăn, Đàm thị không có thú vui ướp trà hay đủ kiên nhẫn ngồi hoạ “nỗi niềm liên bích”, thay vào đó sở thích của bà chỉ có hăng hái ủ rượu. Thành thử sang năm thứ hai kể từ khi dọn đến ở, Đinh phu nhân đã cho người lọc nước nạo bùn, thay bằng hồ cá. Mới đầu Đàm thị nuôi cá đủ màu lớn nhỏ khác nhau, để chúng sinh hoạt tự nhiên xem thử loài nào tồn tại đến cùng, rồi chỉ cho mấy đứa nhóc Quế Hương, Bộ Lĩnh mục sở thị tiếp nhận bài học đấu tranh sinh tồn cá lớn nuốt cá bé. Sau vài tháng dần dần cũng còn lại ba bốn loài, tự giác phân chia lãnh thổ sống đến tận giờ.

Do là gia yến nên Đàm thị không bố trí bàn riêng phân theo cấp bậc, mà tất cả mọi người ngồi trên một bàn tròn lớn giữa đình. Dù là Thứ sử một Châu nhưng Đinh Công Trứ thân là quân binh quen ăn kham uống khổ, mặc khác Đinh lão phu nhân tuổi đã cao nên cũng không mấy mặn mà sơn hào hải vị, chính vì vậy gia yến phủ Đinh thường chỉ xuất hiện những món thanh đạm có thể bắt gặp ở bất kỳ gia thôn hay tửu quán nào. Hôm nay trên bàn có chút đổi mới, bày rất nhiều bánh nướng bánh dẻo do chính nhị vị phu nhân kỳ công chuẩn bị, ngũ vị phong phú hình dáng muôn vẻ, ví như “song long ngậm châu” hay “cá chép vượt vũ”, tất cả vô cùng sinh động trông thật thích mắt, lại còn có cả bánh chay kính dâng Đinh lão phu nhân.

Đinh lão phu nhân tuổi ngoài năm mươi, vóc người tròn thấp, tóc gần như bạc trắng, vầng trán cao cùng đôi mắt minh mẫn khiến bà trông thật phúc hậu. Công Trứ ngồi bên này nhấp ngụm trà quan sát hai phu nhân của mình chăm sóc mẹ. Đàm thị là người hiểu lý hiểu lẽ, mẹ chồng nàng dâu trước giờ luôn giữ đúng mực, thuận hoà ấm êm, việc trong nhà nếu không nhờ bà hẳn nhiên không thể yên bề. Ông mỉm cười hài lòng.

Công Trứ là người bận rộn. Thân làm Thứ sử một Châu thời bình đã không dễ, huống chi tiếp quản hơn trăm vạn dân trong thời vừa mới bước qua chiến loạn, dù đánh đuổi giặc Nam Hán được sáu năm, nhưng hẳn nhiên còn vô số việc cần lo. May thay, Dương Tiết độ sứ còn có con rể là Diễn Châu Thứ sử Ngô Quyền yểm trợ. Nghĩ đến Ngô Thứ sử, Công Trứ luôn lấy làm tự hào vì đã phò trợ đúng người. Ngô Thứ sử văn võ toàn tài, khí thế uy dũng, xử phạt công minh, kỷ cương nghiêm mật lại biết trọng dụng nhân tài, xứng đáng là Tĩnh Hải Tiết độ sứ đời kế tiếp. Đáng nói hơn, Công Trứ tin lời phán của lão nhân gia bí ẩn chắc chắn ám chỉ Ngô Thứ sử Ngô Quyền.

Có điều, Đinh Công Trứ bỗng đăm chiêu….

Ngô Thứ sử mọi điều đều tốt nhưng đôi lúc còn khá nghi ngại, trong khi tên giả tử Kiều Công Tiễn kia lại quá mưu mô xảo quyệt. Công Trứ trước nay luôn sát phạt rõ ràng, nên ông không đồng tình khi hai vị lãnh đạo Dương, Ngô tha tội nhiều lần cho Kiều Công Tiễn. Ông luôn cảm thấy tên gian manh lươn lẹo như trạch này không có chuyện xấu nào không làm, thậm chí có ngày sẽ cổng rắn cắn gà nhà. Huống chi dưới trướng Dương Tiết độ sứ hiện có hơn ba ngàn giả tử, nếu ai cũng học theo Kiều Công Tiễn ắt kéo theo hệ luỵ về sau. Dù ông đã nhiều lần kiến nghị giải tán ba ngàn giả tử nhưng đều không thành, bất bình nên lâu dần ông cũng không buồn nói, đành chờ dịp mượn cớ giải tán bằng vũ lực.

Đinh Công Trứ bị tiếng cười nhị vị phu nhân của mình cắt ngang, các nàng đang châm chọc điều gì khiến con gái lớn Quế Hương thẹn đỏ mặt, con gái nhỏ Quế Linh bên cạnh cũng ngây ngô lắc lắc đầu cười theo.

Ông thân võ tướng nên không câu nệ quá lớn thị thiếp và con thứ không được ngồi cùng phu nhân và con đích. Huống hồ gia yến là dịp cả nhà đoàn viên, là khoảnh khắc hiếm hoi ông mong mỏi trong cuộc đời rong đuổi trên lưng ngựa. Quế Linh mới bốn tuổi thôi nhưng Quế Hương đã mười bốn tuổi, vài năm nữa cũng phải lục đục tìm chồng cho con gái rồi.

——————————–
(1) Một canh giờ thời xưa bằng hai tiếng thời nay
(2) Ngũ tinh: Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ
(3) Trời báo điềm, thánh nhân theo đó mà làm theo – Kinh Dịch
(4) Một linh vật thần thoại trong văn hoá Việt Nam

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN